PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

CÁCH NIỆM PHẬT THIẾT YẾU

 

Viện chủ Ngộ Chân Tử phụng sự chánh pháp của đức Như Lai, theo hạnh Bồ-tát Thường Bất Khinh phẩm thứ 20 trong kinh Pháp Hoa, xin kính lạy chư quý vị Tăng Ni và Phật tử bốn phương gấp tu niệm Phật trong thời mạt pháp, hầu mau chóng vãng sinh sang nước Cực Lạc sung sướng vô cùng, an vui tự tại.

 

Phật A-di-đà có nguyện sẽ tiếp dẫn chúng sinh về cõi của Ngài. Muốn vậy, chúng ta cần phải nhất tâm niệm Phật. Chư Phật, chư Bồ-tát đều công nhận pháp môn niệm Phật là một pháp môn dễ tu dễ chứng hơn các pháp môn tu hành khác, dễ nhất là vì chỉ cần trì niệm sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật” là đủ.

 

Đức Thế Tôn khi nói pháp này là muốn cứu vớt chúng sinh trong thời mạt pháp. Bởi thời mạt pháp, chúng sinh phước mỏng nghiệp dầy, quá mê nhiễm dục lạc trần thế. Nên nếu tu theo pháp môn Tịnh độ, hành giả cần phải có Tín-Hạnh-Nguyện. Tín-Hạnh-Nguyện như cái đảnh có ba chân, thiếu một chân sẽ không đứng vững.

 

1. Tín: là niềm tin. Tin là căn bản ban đầu của người vào đạo. Có tin ắt sẽ không nghi. Còn nghi thì không kết quả.

 

Thứ nhất: Phải tin chắc rằng vì lòng từ bi nên đức phật Thích-ca dạy cho chúng ta về cảnh giới Cực Lạc như những lời trong kinh điển. Hãy lo chúng ta không tín tâm tu niệm, chớ lo gì Phật Di-đà và Phật Thích-ca nói gạt. Các Ngài dạy chúng ta không nên nói dối, lẽ nào các Ngài lại đặt chuyện để dối chúng ta.

 

Thứ hai: Phải tin chắc chắn rằng ngoài thế giới chúng ta sống đây chắc chắn còn có vô lượng vô biên thế giới khác. Cõi Cực Lạc của Phật Di-đà là một trong số những thế giới ấy.

 

Thứ ba: Phải tin chắc rằng Phật A-di-đà có lời nguyện rộng lớn. Nếu những ai tin ưa và thường niệm tưởng về danh hiệu Ngài, lúc lâm chung, người ấy chắc chắn sẽ được Ngài và chư Thánh chúng đến đón rước về Cực Lạc.

 

2. Nguyện: là mong muốn. Nếu tu Tịnh độ mà không phát nguyện cầu vãng sinh Tây Phương thì khó thành công được. Còn nếu phát nguyện một lòng một dạ không dời đổi thì chí nguyện vãng sinh của mình mới bền vững. Nhưng lòng thệ nguyện ấy phải vô cùng bền chặt, kiên cố. Dù ai có nói cách gì mình cũng phải giữ vững chí nguyện không để bị lung lay. Người có thệ nguyện là người có lập trường vững chắc, là người trụ tâm nơi đạo Bồ-đề.

 

Sức thệ nguyện càng lớn, càng sâu thì đạo tâm sẽ càng kiên cố. Nguyện lìa cõi trần này sinh về Cực Lạc như tù nhân mong ra khỏi ngục, như người đi xa nhớ mãi đến quê hương. Nếu chưa được vãng sinh Tịnh độ thì dù cho kiếp sau làm vua nơi cõi trời cũng không ưa thích, bởi chính vị vua ấy cũng còn bị luân hồi. Chỉ muốn đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn về Tây Phương mà thôi. Được như thế thì nguyện của ta mới cảm thông đến Phật, và từ nguyện của Ngài sẽ nhiếp thọ cho ta.

 

- Đức Di-đà tuy thệ nguyện độ sinh, nhưng nếu chúng sinh không cầu Ngài tiếp dẫn thì Ngài cũng không biết làm sao được. Nếu muốn về Tây Phương chúng ta phải tin sâu, nguyện thiết. Thiếu hai điều này thì dù có niệm Phật đến đâu cũng không kết quả. Nếu Tín-Nguyện đầy đủ thì muôn người vãng sinh không sót một.

 

- Ngài Vĩnh Minh có bảo rằng: “Tu Tịnh độ muôn người về Cực Lạc là do có Tín-Nguyện đầy đủ”. Ngài Ngẫu Ích đại sư nói: “Được sinh về Tây Phương có chăng là do Tín-Nguyện-Hạnh có hay không, phẩm sen cao thấp đều bởi trì danh nhiều hay ít”. Đây quả là một lập luận sắc bén, chân thiết vô cùng.

 

Bình sinh nếu không tín nguyện, lúc lâm chung khó được nhờ sức Phật tiếp dẫn. Cổ đức bảo: “Tam nghiệp rất nhiều ngã về, nặng như người mắc nợ. Nếu chủ nợ nào mạnh sẽ kéo đi trước”. Niệm Phật đến nhất tâm bất loạn mà có thêm Tín-Nguyện chân thiết thì chẳng luận nghiệp nặng hay nhẹ, đều được Phật tiếp dẫn vãng sinh Tây Phương.

 

Thí dụ nếu một hạt cát nhỏ để vào nước liền chìm, trái lại tảng đá dù nặng ngàn cân, nhưng được chở trên chiếc thuyền to cũng có thể đem đi nơi khác được.

 

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Người ấy khi lâm chung bỏ hết gia sản, cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc và quyền thế, chỉ còn nguyện nương theo chư Phật, trong một khoảnh khắc liền được vãng sinh”.

 

Niệm Phật cốt ở tại tâm, nhưng cũng không nên bỏ sự đọc tụng ra tiếng và lạy thờ Phật tượng, vì thân miệng ý luôn giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Dù tâm có ghi nhớ, xong thân không lễ kính, miệng chẳng trì tụng thì cũng khó được lợi ích toàn vẹn.

 

Người đời khi khiêng đồ vật nặng còn phải lên tiếng kêu gọi người giúp sức. Với hạng phàm phu hay xao lãng, nếu không nhờ sức lễ Phật hoặc tụng kinh và nhất tâm niệm Phật thì khó có kết quả.

 

3. Hạnh: là thực hành, là ta phải chí thành khẩn thiết niệm câu “Nam mô A-di-đà Phật” trong mỗi thời khắc đừng để cho tâm quên. Ngoài thời khóa tụng, bất cứ lúc nào như đi đứng, nằm ngồi phải luôn niệm thầm. Nhất là khi nằm chưa ngủ, niệm thầm hoài cho đến khi ngủ quên, và khi thức giấc cũng niệm chuyên như vậy sẽ có thể mau đắc định.

 

Khi đến những nơi ồn ào hoặc bất tịnh, ta không nên niệm ra tiếng, song phải luôn niệm thầm trong tâm.

 

Khi niệm ta phải ghi nhớ cho rõ ràng từng câu không dư không thiếu, cứ như thế niệm mãi lâu ngày sẽ thuần thục. Niệm như thế sẽ không khởi vọng ý ác, tâm tánh thanh tịnh thời công hạnh mới nhiều.

 

Tác giả: Thích Chân Tính