Bệnh tật là một trong những nỗi khổ lớn của chúng sinh. Ai cũng đã từng trải qua đau ốm nên phần nào thấu hiểu sự khổ não của bệnh tật. Người đời sống có gia đình, chịu nhiều vất vả một phần cũng hy vọng có nơi nương tựa khi bệnh đau, già yếu. Mỗi khi trái gió trở trời, có vợ chồng con cháu săn sóc cũng là niềm an ủi to lớn của phận người.
Người xuất gia sống không gia đình, xa lìa thân quyến nên đau ốm nhiều cũng là một trở ngại lớn. Người đủ phước duyên thì có thầy tổ, huynh đệ, đệ tử, Phật tử phát tâm săn sóc. Còn người thiếu phước kém duyên thì phải âm thầm chịu đựng một mình, lắm khi cũng không tránh khỏi tủi thân, buồn khổ vì bệnh tật mà không người chăm sóc.
Thời Thế Tôn còn tại thế đã có Tỳ-kheo bị bệnh mà phải chịu đựng bệnh khổ một mình. Không ai chăm sóc, không người quan tâm nên Tỳ-kheo ấy chỉ biết niệm Phật, mong Phật xót thương. Cũng may là Phật biết mọi việc nên đã đến tận nơi hỏi han, chăm sóc. Nhân chuyện này mà Phật dạy các Tỳ-kheo phải quan tâm đến nhau, đừng bỏ rơi nhau khi bệnh tật, nhất là phước báo chăm sóc người bệnh rất lớn bằng với phước báo chăm sóc Thế Tôn.
“Một thời Phật ở tại thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội….
Bấy giờ Thế Tôn đi đến giảng đường, lên tòa ngồi. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Các thầy học đạo là vì sợ quốc vương, giặc cướp mà xuất gia chăng? Tỳ-kheo, hay là vì lòng tin vững chắc, tu phạm hạnh vô thượng, muốn được xả bỏ sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não, cũng muốn xa lìa mười hai nhân duyên?
Các Tỳ-kheo thưa:
- Đúng vậy, thưa Thế Tôn.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Các thầy sở dĩ xuất gia đồng một Thầy, hòa hợp như nước sữa, mà không chăm nom lẫn nhau. Từ nay về sau nên lần lượt chăm sóc thăm nom nhau. Nếu Tỳ-kheo bệnh không có đệ tử, trong chúng nên cử người lần lượt làm khán bệnh. Vì sao? Ngoài việc này ra, không thấy có việc gì hơn phước của người chăm sóc bệnh. Người chăm sóc bệnh như chăm sóc Ta không khác.
Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ: Nếu có cúng dường Ta/ Và chư Phật quá khứ/ Phước đức cúng thí Ta/ Không khác chăm nom bệnh.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy lời ấy xong, bảo A-nan:
- Từ nay về sau, các Tỳ-kheo mỗi mỗi chăm nom bệnh lẫn nhau. Nếu có Tỳ-kheo biết mà không làm thì các thầy nên căn cứ theo Luật. Đây là lời giáo giới của Ta.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. (Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 44, Chín nơi cư trú của chúng sanh [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.219)
Rõ ràng, khi đau ốm cũng là lúc mình yếu đuối nhất. Dù mình là ai, nếu chưa chứng Thánh thì khi bệnh mình vẫn cần những thứ rất thường tình, cần ai đó hỏi han, quan tâm, săn sóc. Nếu bị đại chúng bỏ rơi hoặc có quan tâm mà không đúng mức, sau cơn bạo bệnh có một số ít Tỳ-kheo, vì ân nghĩa, vì thế thái nhân tình, đã quyết định thay đổi con đường.
Điều quan trọng là, dù sống trong Tăng đoàn, sống trong chùa viện nhưng phải sống làm sao cho thật dễ thương để được đại chúng yêu thương. Không ai mạnh khỏe hoài, một lúc nào đó ta cũng phải ngã gục, hãy nghĩ đến lúc này để sống trong đại chúng thật an hòa, lập hạnh nhường nhịn, bớt căng thẳng, giảm va chạm.
Mặt khác, lúc lành mạnh cần phải gieo nhân quan tâm, chăm sóc người bệnh để gặt quả được người khác chăm sóc. Nhân quả trong trường hợp này thật rõ ràng. Vị Tỳ-kheo bệnh khổ bị bỏ rơi trong pháp thoại này trước đây, lúc mạnh khỏe, cũng chưa từng gieo nhân chăm sóc ai nên không có phước báo được đại chúng chăm sóc.Mới hay, nói chi yêu thương và cứu độ chúng sinh trong mười phương pháp giới cho xa vời. Hãy tập yêu thương, chăm sóc những người trong gia đình, trong đạo tràng, trong hội chúng khi họ ốm đau để chính mình được yêu thương và thành tựu phước báo vô lượng.
Quảng Tánh - Vườn hoa Phật giáo
Đoan Trang(Tuvien.com)