Bốn sự thật cao quí vượt thoát thời gian và không gian, nghĩa là hễ nói ra thì mọi người đều phải công nhận đó là sự thật Chữ đế gồm có bộ ngôn nằm sát bên chữ đế nghĩa là lời nói của ông vua
Dấu chân voi chúa

Bốn sự thật cao quí vượt thoát thời gian và không gian, nghĩa là hễ nói ra thì mọi người đều phải công nhận đó là sự thật. Chữ 'đế' gồm có bộ ngôn nằm sát bên chữ đế nghĩa là lời nói của ông vua.
Ngày xưa, ở Trung Hoa hay ở Việt Nam, người ta tin lời nói của vua là sự thật, lệnh của vua là lệnh của trời. Do đó, lời nói ấy trở thành mệnh lệnh có rất nhiều uy quyền, vua biểu anh chết thì anh phải chết, vua biểu anh sống thì anh phải sống. Đây là một 'hình dung từ' nói lên sức mạnh và tầm quan trọng của bốn sự thật cao quý.

 
 
Một hôm, tôn giả Xá Lợi Phất diễn giảng về tứ thánh đế như sau:

"Chư hiền giả, ví như tất cả dấu chân của mọi loại động vật đều thâu nhiếp trong dấu chân voi chúa, vì dấu chân này được xem là lớn nhất trong tất cả dấu chân về phương diện tầm cỡ. Cũng vậy, chư hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong bốn thánh đế..."[1]

Ta hãy đi thẳng vào kinh để tiếp tục chiêm nghiệm thêm lời Bụt dạy:

"Này các vị, có bốn sự thật mà người tu phải công nhận: sự có mặt của khổ đau, sự có mặt của những nguyên nhân của khổ đau ấy, sự chấm dứt khổ đau và con đường đi tới sự chấm dứt khổ đau. Bốn sự thật ấy là bốn sự thật mầu nhiệm, gọi là tứ diệu đế. Này các vị sa môn, đây là sự thật thứ nhất: khổ đau. Sinh, già, bệnh và chết là khổ; buồn, giận, ghen, tức, lo lắng, sợ hãi và thất vọng là khổ; chia cách người thân là khổ, chung đụng với người ghét bỏ là khổ, tham đắm và kẹt vào năm uẩn là khổ.

Này các vị sa môn, đây là sự thật thứ hai: nguyên của khổ đau. Vì u muội, vì không thấy và không hiểu được sự thật về bản thân và cuộc đời cho nên con người bị những ngọn lửa của tham đắm, giận hờn, ghen tức, sầu não, lo lắng đêm ngày đốt cháy và hành hạ.

Này các vị sa môn, đây là sự thật thứ ba: sự chấm dứt khổ đau. Đó là trí tuệ, là hiểu biết, là sự nhận thức được sự thật về bản thân và cuộc đời. Trí tuệ này, cái thấy này đưa lại sự chấm dứt của mọi sầu đau và làm phát sinh niềm an lạc.

Này các vị sa môn, đây là sự thật thứ tư: con đường diệt khổ. Đó là con đường Bát chánh mà tôi đã trình bày. Bản chất của Bát chánh đạo được nuôi dưỡng bằng nếp sống tỉnh thức hằng ngày, đó tức là chánh niệm. Chánh niệm đưa tới định và tuệ, có năng lực giải thoát con người khỏi mọi niềm đau và đem lại nhiều an vui. Tôi sẽ hướng dẫn cho các vị từng bước trên con đuờng thực hiện này."
[2]

Khổ đau là bài học quí báu - Khổ Đế

Bây giờ, ta hãy đi sâu vào từng sự thật để có thể áp dụng lời của Bụt trong đời sống hàng ngày. Trong kinh Người nói:"sinh, già, bệnh, chết là khổ; buồn, giận, ganh, tức, lo lắng, sợ hãi, thất vọng là khổ; chia cách người thương yêu là khổ; gần gũi và chung sống với người thù ghét là khổ; mong cầu mà không được là khổ; tham đắm và vướng mắc vào năm uẩn là khổ."

Lúc đi dạo ở bốn cửa thành, thái tử Tất Đạt Đa đã tiếp xúc với bốn trường hợp về sinh, lão, bệnh và tử. Hồi đó, vua Tịnh Phạn bị ám ảnh bởi lời tiên tri của ông tiên A Tư Đà nên vua rất sợ mất thái tử. Mỗi khi thái tử rời cung điện đi dạo chơi, vua âm thầm ra lệnh dấu tất cả cảnh sinh, già, bệnh và chết trong thành Ca Tỳ La Vệ. Tới đâu, con người cũng vui chơi, ca hát, nhảy múa như đang ở trên các cõi trời. Trai gái trẻ đẹp, mạnh khỏe ra chào đón thái tử, tạo thành cảnh tượng cực kỳ thanh bình và thịnh vượng.

Nhưng làm sao vua có thể dấu hết được cảnh khổ đau của nhân dân đang lan tràn khắp nơi trong thành. Do đó, thái tử đã tình cờ chứng kiến một cách sâu đậm nỗi thống thiết của sinh, lão, bệnh, tử và nó cứ bám riết lấy tâm hồn của Người. Có thể nó cứ canh cánh trong lòng thái tử nên Người thường xuyên chiêm nghiệm về nó một cách sâu sắc và thấu đáo, cho nên vừa mới chứng đạo giải thoát, Người liền nói về kinh nghiệm sống động này cho năm anh em Kiều Trần Như. Sau này, vua Trần Thái Tông cũng có làm bài thơ với tựa đề "Bốn Núi" như sau:

"Bao quanh bốn núi vạn cây rừng

Tỉnh giấc ai ngờ muôn pháp không

May thay đã có lừa ba cẳng

Vượt thẳng đường lên đỉnh tuyệt cùng."


Bốn núi này là sinh, lão, bệnh, tử. Cây rừng là phiền não. Vạn cây rừng là nhiều phiền não lắm. Nếu không hiểu được bản chất của sinh, lão, bệnh, tử thì phiền não, khổ đau sẽ phát sinh ra nhiều vô lượng, làm cho cuộc đời trở nên điêu đứng.

Bụt cũng có nói về một ví dụ khác: "Nước mắt của những kiếp người còn nhiều hơn nước trong bốn biển lớn." Đúng vậy, ta đâu phải chỉ tồn tại trong một kiếp. Sự sống của ta cứ tuôn chảy mãi như một dòng sông. Ta sinh ra, lớn lên, vui buồn, khóc than, chết đi lại tiếp tục sinh ra nữa.

Cũng giống như bông hoa, nó sinh ra trong mùa xuân để khoe sắc, tỏa hương và vui chơi với nắng mai, mưa chiều. Đến cuối mùa hạ, bông hoa kết thành những hạt hoa rồi mới tàn úa đi. Mùa xuân năm sau, những hạt hoa kia nẩy sinh thành bông hoa xinh đẹp để tiếp tục cuộc hành trình vui chơi, sinh diệt vô cùng tận. Đất mẹ có thể chứng kiến về sự thật này. Thế là, ta thấy được rõ ràng biết bao khổ đau trong nhiều kiếp xa xưa.

Tuy nhiên, khổ đau là kho tàng châu báu, là cơ hội sống sâu sắc với những gì mầu nhiệm. Nhờ biết khổ nên ta biết trân quí sự sống, nhờ đau răng nên ta cảm thấy hạnh phúc mỗi khi không đau răng, nhờ bệnh nên ta cảm thấy hạnh phúc lúc lành bệnh...

Cách đây ba năm, tôi bị rơi xuống từ trên cao lúc chơi trượt tuyết. Tôi bị chấn thương khá nặng ở phần dưới của cột xương sống. Từ đó, mỗi khi ngồi thiền, tôi thường đau lưng nhiều lắm. Có lúc đau quá, tôi không thể nào ngồi thiền yên ổn được, do đó tôi dùng phương pháp đi bách bộ, thiền lạy và tập yoga thật nhiều lần trong ngày để trị liệu. Đầu năm nay, lúc còn ở Việt Nam, bác sĩ châm cứu đã chữa lành chỗ bị chấn thương ấy. Bây giờ ngồi thiền không còn cảm giác đau nhức như trước, và nó đem lại cho tôi thật nhiều hạnh phúc. Tóm lại, ta không nên trốn tránh khổ đau vì nó đóng một phần quan trọng cho hạnh phúc, an vui trong đời sống.

Tiếng khóc chào đời- Sinh

Sinh là khổ. Đây đích thật là kinh nghiệm của Bụt lúc còn là một vị thái tử. Hồi đó, Da Du Đà La, người vợ yêu quí của thái tử, đang chuẩn bị sinh bé La Hầu La. Tất Đạt Đa rung cảm được nỗi đau nhức và rên xiết của nàng. Nó cũng chính là sự hồi hộp, bất an và lo âu của thái tử. Người không có giải thích rõ ràng tại sao sinh là khổ? Nhưng ta có thể hiểu nguyên nhân sâu xa ấy chính là lúc Da Du sinh con. Ta cũng có thể hỏi về cảm giác và kinh nghiệm của các người mẹ lúc sinh con thì biết rõ sự thật này. Chắc chắn việc sinh con tạo ra nhiều đau đớn lắm, cho nên người mẹ mới có tiếng kêu la thật não nồng, tiếng rên xiết thật thống thiết. Trong kinh Báo Hiếu Trọng Ân, Bụt nói: "Mỗi lần sinh bằng mười lần chết (thập tử nhất sinh). Thật tội nghiệp cho những ai đã từng làm mẹ.

Năm ấy, mẹ tôi đang mang thai sắp sửa sinh em, và ba tôi vừa mới mất, bởi vậy, mẹ buồn khổ và thương tiếc vô cùng! Mẹ khóc suốt ngày đêm. Tôi còn bé lắm nên được ngủ chung với mẹ. Đêm nào, tôi cũng nghe mẹ nói chuyện với ba trong giấc mơ. Mẹ đi tìm ba khắp nơi suốt hai tháng trời với niềm hy vọng: "ba vẫn còn sống." Càng tìm không ra ba, càng ngày mẹ càng thêm buồn khổ và tuyệt vọng, do đó sức khỏe của mẹ yếu lắm! Đến ngày sinh em thật là vất vả cho mẹ. Việc sinh nở quá khó khăn, nó kéo dài một thời gian lâu nên máu của mẹ ra nhiều lắm. Cả gia đình đều lo sợ mẹ sẽ mất. Nhiệm mầu thay! Mẹ vẫn còn sống, chỉ tội nghiệp cho em bé, vì thiếu dưỡng khí nên vừa mới chào đời em chết ngay. Tuy còn bé, thế nhưng, tôi biết tất cả mọi chuyện, biết hồi hộp, lo âu và sợ hãi, nghĩa là tôi đã thấm được nỗi khổ của mẹ và mọi người trong gia đình.

Tuy nhiên, sinh không phải luôn luôn là đau khổ. Hiện giờ việc sinh con đã trở nên dễ dàng và an toàn hơn xưa nhờ vào phương tiện thuốc men và kỹ thuật sinh sản. Nếu trường hợp khó sinh, bác sĩ có thể trợ thuốc tê hoặc mổ một chút cho người mẹ khỏi chịu đau đớn và giúp em bé sinh ra dễ dàng hơn.

Bên cạnh ấy, sau ngày sinh nở, người mẹ thường có cảm giác sung sướng, hạnh phúc một cách kỳ lạ. Tự nhiên, mẹ cảm thấy khỏe khoắn và nhẹ nhõm trong thân thể như vừa mới bỏ xuống một gánh nặng. Mẹ ngủ ngon giấc, ăn ngon miệng và đi đứng nhẹ nhàng. Đặc biệt, lòng mẹ nẩy sinh một niềm vui mới lạ: Đó là nằm cạnh bên đứa con thơ của mình. Nhìn em bé, mẹ mỉm cười với ý thức: Đây là một món quà vô giá mà sự sống đã ban tặng cho mẹ, vì vậy cho nên mẹ cảm thấy cuộc đời sao mà quí báu và đáng yêu đến thế!

Tóm lại, có khi việc sinh con tạo ra nhiều khổ đau, nhưng cũng có lúc, nó là niềm hạnh phúc vô biên của người được làm cha mẹ. Ví như trường hợp của hoàng hậu Ma Da, sinh thái tử Tất Đạt Đa là một niềm vui bất tuyệt cho bà và cho tất cả muôn loại.

"Gió heo mây đã về"- Già

Ta nên hiểu nỗi khổ của tuổi già thuộc về cảm thọ 'không dễ chịu' do sự đau nhức, mệt mỏi và bệnh tật trong cơ thể. Ta hãy thực tập nhìn cho sâu vào bản chất đời sống của cái thời xế chiều, chứ không phải ai già cũng khổ hết đâu! Có những người lớn tuổi rất yêu đời. Sau khi đi ngang qua những kinh nghiệm lên xuống, buồn vui, còn mất trong cuộc sống, tâm hồn họ trở nên bình thản. Họ buông bỏ được một phần nào sự ràng buộc, lo sợ, ham muốn, bởi vì họ thấm đủ mọi nhọc nhằn, cay đắng của sự tranh đua, bon chen và giành giựt. Họ thấy được cái lẽ mong manh, vô thường của kiếp nhân sinh. Do đó, họ sống hết lòng với tháng năm còn lại, biết chú ý, chăm sóc và thương yêu đến con cháu nhiều hơn.

Ông ngoại tôi là một người già hạnh phúc, bởi ông ngoại có nếp sống tâm linh, có sự thực tập đàng hoàng. Đời sống của ông ngoại trầm lặng, nhẹ nhàng và sâu sắc. Ông ngoại tôi làm nghề đánh cá và là chủ của một chiếc thuyền, thế mà vào những ngày rằm hay mồng một, trong thuyền ai cũng ăn cá, ông ngoại chỉ ăn cơm với muối rang. Không ai biết ngoại đang tu tập, bởi vì Người hành trì một cách thầm lặng.

Bản tính của ông ngoại hiền lành như Bụt, nhẹ nhàng độ lượng như đất. Tôi chưa bao giờ nghe thấy ông ngoại la rầy hay nổi nóng đối với một người nào cả. Trước ngày mất, ông ngoại đi thăm tất cả các con cháu, biểu lộ sự thương yêu, chăm sóc và che chở. Lúc lâm chung, tôi chứng kiến từ đầu đến cuối; Người ra đi thật an lành như giấc ngủ ngon, chẳng rên xiết, không kiêu la, chẳng buồn tủi, nét mặt của ông ngoại tươi hơn cả người đang còn sống.

Năm nay, Thầy tôi đã trên tám mươi tuổi, thế mà Người yêu đời một cách nồng nàn, tha thiết. Người sống hết mình từng giây từng phút, chú ý tới mỗi ngọn lá, nụ hoa, bụi trúc, hạt sỏi với tất cả yêu thương và hạnh phúc. Thầy tôi tiếp xúc cái gì thì cái ấy trở nên mầu nhiệm lạ lùng! Có một lần làm thị giả, tôi được gần gũi bên Thầy.

Một hôm, đi từ thiền đường Chuyển Hóa đến cốc Ngồi Yên, Thầy dừng lại ngắm cảnh hoàng hôn lâu lắm. Bắt chợt, Thầy quay lại hỏi: "Con có thấy cuộc đời mầu nhiệm không? Đó là cái quí nhất mà Thầy muốn trao cho con." Đứng sau lưng Thầy, tôi vừa thở vừa nhìn màu tím rực rỡ cả khung trời. Đó là lần đầu tiên tôi thật sự tiếp xúc với vẻ đẹp của cảnh mặt trời huy hoàng đang lặn. Tôi đã ngắm cảnh này hàng ngàn lần nhưng kỳ này không biết vì sao tôi không suy nghĩ gì cả và cũng không bị những kỷ niệm quá khứ lôi cuốn. Tôi thấy rõ trước mắt mây hồng giăng tím khắp nơi, mặt trời đỏ rực như trái tim và có một cảm giác yêu thương, vui sướng đang hiện diện trong lòng.

Từ đó, tôi mới biết thế nào là sự sống mầu nhiệm, thực tại tuyệt vời. Thầy tôi vẫn còn giữ được nét trẻ trung, vô tư và hồn nhiên nên Người dễ thương lắm. Người ưa gần gũi với những người trẻ và thường ngồi chơi với các sư cô và sư chú để thương yêu, dìu dắt và nâng đỡ. Tuy có trăm công ngàn việc, Thầy tôi vẫn sống nhẹ nhàng, thanh thản như một bông hoa hồng mới nở, như một đám mây trắng bay. Thật là may mắn cho tôi được sống gần bên Người, bởi vì khi ta cảm thấy còn trẻ nghĩa là ta còn biết rung cảm và thương yêu cuộc đời.

Tuy nhiên, cơ thể của người già trở nên suy yếu và cằn cỗi, các tế bào già nua, chết dần chết mòn, xương cốt rã rời. Các bộ phận thuộc về lục phủ ngũ tạng yếu kém đi, bởi thế cho nên cơ thể thường đau nhức, hết nhức đầu qua tới đau bụng, vừa mỏi lưng lại đau tay. Bộ phận tiêu hóa không còn làm việc tốt như thời trẻ trai do vậy việc ăn uống có đôi phần khó khăn hơn.

Chưa kể tới chuyện đi đứng nằm ngồi có phần khó nhọc hơn bởi tứ chi và gân cốt không đủ sức chuyên chở tấm hình hài. Có người quá yếu, mắt không còn thấy đường đi, hai chân không còn đứng vững, hai tay không có khả năng tự ăn cơm uống nước, bởi thế những người ấy cảm được nỗi khổ thật sự của tuổi già.

Tóm lại, ta thấy có sự khác biệt giữa nỗi khổ và cơn đau. Nỗi khổ có thể chọn lựa, nghĩa là cùng một sự kiện có lúc ta khổ, nhưng cũng có khi ta không khổ. Trong khi đó, cơn đau là cảm thọ nhức mỏi thuộc về thân thể. Đứt tay thì ta cảm thấy đau. Đói bụng thì ta cảm thấy sót ruột... Tuy nhiên, cũng có khi nhức đầu, nhưng ta vẫn không cảm thấy khổ sở như thường, vì ta biết thở để ôm ấp nó. Ta có khả năng làm êm dịu lại cơn đau bằng cách chú ý tới những cái không đau. Nhức đầu vẫn còn đó nhưng ta biết thưởng thức cảnh hoàng hôn rực rỡ hoặc ngắm nhìn bông hoa tươi thắm.

Thế thì, khổ hay không đều tùy thuộc ở cách suy nghĩ và cảm nhận của ta. Già cũng vậy mà sinh cũng như thế.

Hoàng hôn buông xuống - Bệnh

Làm sao ta có thể đếm cho xuể bệnh tật của một đời người! Sự sống của con người rất mong manh, luôn bị rình rập bởi những con vi trùng, vi khuẩn, ghẻ nấm, đưa đến các bệnh nhiễm trùng, ung thư, ho lao, viêm họng, cảm cúm. Bên cạnh đó, khí hậu bất thường cũng tạo ra các bệnh khác như tê nhức, đau khớp, đau đầu, cảm lạnh...

Có lúc nhức răng quá độ nên ta ngủ không được. Cơn nhức thật khủng khiếp làm sốt nóng toàn bộ cơ thể như đang bị cơn lửa đốt cháy cho nên ta trăn trở suốt đêm và mong trời mau sáng để đi nha sĩ. Tôi bị đau khớp đã nhiều năm. Mỗi khi thời tiết thay đổi, tôi cảm thấy nhức mỏi lắm. Suốt cả đêm, tôi nằm thao thức, lăn qua trở lại, các khớp xương nhức nhối đến khó chịu. Hiện giờ tôi đang ở Huế, nơi có độ ẩm rất cao, do vậy bệnh phong thấp trở nặng. Song sự thực tập giúp tâm tôi không bị khống chế bởi cơn đau, trái lại tôi vẫn có thể tu tập bình thường, sống vui vẻ với các anh em, tiếp xúc được với non sông gấm vóc của quê hương và thưởng thức cảnh thanh tịnh của ngôi chùa cổ.

Bởi lối sống cẩu thả, hấp tấp và vô ý thức, con người tạo ra biết bao nhiêu chất dơ bẩn độc hại, làm ô nhiễm thiên nhiên và môi trường sống. Ở Việt Nam bây giờ, ta dùng quá nhiều chất hóa học trong việc trồng trọt, chăn nuôi, kỹ nghệ, công nghiệp và xây dựng, do đó ta làm ô nhiễm núi sông, ruộng vườn, không khí và các loài thực vật. Ta đổ rác dơ vào sông hồ, khe lạch, nương dâu. Ta vứt bao và giấy ni lông khắp mọi nơi, trên đồi dưới biển, trong dòng sông và ngoài ruộng đồng. Ta thải nước dơ vào con suối, dòng sông và biển cả. Ta chặt cây, đốn rừng, phá núi... Vì miếng ăn trong hiện tại mà ta phá hoại đất mẹ quê hương chẳng thương tiếc gì!

Con sông Phá Tam Giang là nơi tôi lớn lên thời thơ ấu. Cách đây hai mươi lăm năm, dòng sông ấy có nhiều tôm, cua và cá. Nó là nơi sinh sống của nhiều loài thủy tộc. Dòng sông cung cấp và nuôi dưỡng đời sống hàng ngày cho biết bao nhiêu gia đình. Hồi đó, mỗi ngày tôi đều bơi lội, nô đùa và tắm rửa một cách thích thú trong dòng sông. Nước sông thật sạch sẽ và mát mẻ làm sao! Thế mà bây giờ, nó bị ô nhiễm trầm trọng quá! Mới đặt chân xuống dòng sông, tôi cảm thấy dơ nhớp, ngứa ngáy dễ sợ! Vì người ta trút xuống dòng sông bao nhiêu rác rến, đồ dơ bẩn, bịch và giấy ni lông. Thật là tội nghiệp cho nó!

Năm 1996, tôi về thăm quê hương lần đầu và có cơ hội ngủ trên chiếc đò đậu ngay trên con sông ấy. Đêm đó, tôi nghe dòng sông khóc và tự nhiên nước mắt tôi cũng ứa ra. Mỗi lần về thăm con sông xưa là một lần tôi cảm thấy xót xa, đau đớn trong lòng. Hình như các loài tôm, cua và cá không còn sống trong đó nữa, có thể chúng bị tiêu diệt hết hoặc di cư đến con sông khác để sinh sống.

Cũng như trên, nhiều trái núi đã bị phá hủy, nhiều rừng cây đã bị đốn sạch, tạo nên sự mất quân bình trong thiên nhiên, do thế càng ngày thiên tai, lụt lội, hạn hán và mất mùa càng nặng, không khí bị ô nhiễm trầm trọng, nước sông, nước hồ không còn trong sạch nữa. Các loài thú vật đã bị tiêu diệt gần hết hoặc di cư đi nơi khác, bởi vậy ta đâu còn nghe được tiếng chim hót líu lo, thấy được cánh cò bay, nghe được tiếng dế nĩ non...

Cho nên tàn phá môi trường sinh sống bao nhiêu thì đời sống con người dễ bị đe dạo bấy nhiêu. Cũng vì thế, hiện giờ con người đang mang nhiều chứng bệnh cực kỳ quái lạ và vô cùng hiểm nghèo như ung thư, bứu, xi đa, ho lao, tiểu đường, mỡ trong máu... Nếu ai đã từng tới bệnh viện sẽ chứng kiến được nỗi khổ của bệnh nhân. Nội chuyện rửa mít thái nhỏ mà ta cũng dùng tới thuốc tẩy (bleach) cho mau sạch và trắng mít, nhưng thuốc tẩy ấy là chất độc hóa học, sẽ làm lủng ruột của tất cả chúng ta sau này.

Tóm lại, bệnh tật đều do lối sống thiếu trách nhiệm và cái nhìn không sáng suốt của ta mà ra. Nếu con người có ý thức bảo vệ môi sinh thì ta sẽ không làm ô nhiễm sông hồ, đất đai và các loài thực vật. Ngược lại, ta sẽ tiêu diệt trái đất xinh đẹp này trong một thời gian rất ngắn, và đồng thời ta cũng tiêu diệt luôn sự sống của mọi loài đang sống trên hành tinh xanh tươi này.

Đó là chưa nói tới chuyện đói khát, lụt lội, chiến tranh... Ai đã từng đói mới thấy cái khổ quằn quại thắt ruột của nó. Ai đã từng đi qua chiến tranh bom đạn mới thấy cái khổ đau của chết chóc, hận thù và tuyệt vọng.

Lá rụng về cội - Chết

Mất người thương là nỗi khổ lớn nhất của con người. Ta cảm thấy mất mát, thương đau và tiếc nuối. Người chết đau đớn trong cơ thể mà còn mang trong tâm nỗi băn khoăn, lo lắng và sợ hãi. Người sống hồi hộp, lo âu, thường cảm thấy thương tiếc, hối hận. Cả người sống lẫn kẻ mất đều cảm thấy lưu luyến về sự biệt ly mãi mãi này.

Chiến tranh Việt Nam tạo ra không biết bao là đau khổ cho các bà mẹ. Có gia đình chết cả năm đứa con trai. Mỗi lần nghe tin con chết là một lần buồn đau, thương xót nát gan đứt ruột cho những người làm mẹ. Lúc ba tôi mất, mẹ tôi khổ nhiều lắm. Mẹ cứ khóc hoài, khóc mãi. Mẹ thường nói chuyện với ba ở trong giấc mơ, do đó mẹ tin ba vẫn còn sống, nhưng đó là nỗi lưu luyến và tiếc thương nhập vào tâm, chứ ba đã mất thật rồi. Hồi đó, không khí buồn thương tràn ngập trong gia đình, cho nên chỉ mới bốn tuổi mà tôi đã cảm thấy buồn khổ trĩu nặng cả tâm hồn.

Cách đây ba tháng, bác hai tôi mất. Bác là anh ruột của Thầy tôi. Bác bị bệnh ung thư phổi. Các tế bào ung thư tràn lên não bộ làm mất thăng bằng và tàn phá sức khỏe của bác. Bác mất trong vòng một tháng sau khi ngã bệnh. Trước khi bác hai mất, bổn sư gửi tôi và sư em Vô Ngại xuống yểm trợ cho bác và gia đình. Chúng tôi có cơ hội gần gũi bác hai trong những ngày cuối cùng của đời bác.

Ngày nào, hai anh em cũng vào nhà thương thăm bác từ sáng cho đến trưa. Chúng tôi thở cho bác, lắng nghe bác tâm sự, hỏi han và chia sẻ pháp môn thực tập với bác. Biết bác đau nhức và nhọc nhằn nên tôi ngồi tỉnh tâm để truyền năng lượng bình an đang thật sự hiện hữu trong tôi cho bác. Bên cạnh đó, chúng tôi tụng kinh niệm Bụt cho bác nghe mỗi ngày. Bác thường nhìn chúng tôi, và chúng tôi cũng ưa nhìn bác. Đôi mắt bác sáng lắm, biểu lộ sự thông minh và tính cương trực.

Về phương diện tâm linh, bác không có tỏ ra lo lắng hay sợ hãi gì hết, duy bác chỉ có vẻ quan tâm và lưu luyến đến bác gái hơi nhiều. Bác có đức tin tuyệt đối nơi đức Phật A Di Đà, bởi ngày xưa, bác đã từng xuất gia tu tập. Tôi thưa với bác: "Bác hai ạ! Bác có sự gần gũi sâu sắc (access) và có giấy thông hành (passport) với đức Phật A Di Đà. Bác có biết hay không? Chỉ cần trở về với hơi thở ý thức để thắp sáng nội tâm thì Phật Di Đà hiện về ngay trong bác. Tại sao? Vì Phật Di Đà là ánh sáng vô lượng. Nếu tâm bác sáng lên như ánh sáng trong căn phòng này thì bác đã có Phật, đâu cần phải tìm Phật ở ngoài. Bác hãy thực tập đi! Phật này chắc chắn chiếu sáng vào tâm tư và làm êm dịu lại cơn đau đang có mặt trong bác."

Bác hai biết tu tập từ lâu, với sự hộ niệm của Thầy tôi và tăng thân, bác ra đi thật nhẹ nhàng và bình thản. Sau ngày bác mất, chị hai qua Làng Mai tu tập và gần gũi bên Thầy tôi làm an tịnh lại nỗi đau và tìm lại niềm vui sống. Bác gái, anh hai và Anh Chân lên tu viện Rừng Phong tu tập chung với đại chúng.

Sau một tuần tu tập, bác gái, anh hai và Anh Chân cũng tìm lại nụ cười và sự an lạc. Anh hai cảm nhận được cảnh thanh tịnh, xinh đẹp của núi rừng tu viện, nếm được tình thương của quí thầy và quí sư cô rất sâu đậm. Anh Chân và bác gái cũng thế! Ngày cuối cùng, bác gái biểu lộ sự xúc động với lòng biết ơn được nương tựa tăng thân và giáo pháp của Bụt. Lúc ấy, bác gái ứa nước mắt rồi khóc nức nở. Bác bảo rằng: "Con cảm thấy khổ vì sự mất mát quá lớn. Con đã ở với ông mấy mươi năm rồi nên cảm thấy thương tiếc và nhớ nhung lắm."

Tôi hiểu tâm trạng của bác gái, vì năm xưa mẹ tôi cũng thương tiếc ba tôi như thế. Tôi ôm bác vào lòng để thở. Anh hai cũng cùng thở để yểm trợ cho mẹ. Tôi thưa với bác gái: Bác hãy thở đi cho lặng cõi lòng! Tất cả khổ đau rồi sẽ từ từ vơi nhẹ và sự bình an chắc chắn sẽ trở lại. Bác trai ra đi nhưng anh Đức, chị Anh Hương, anh Anh Thư, Anh Tuấn, Anh Chân và các cháu vẫn còn đó. Họ là hình ảnh trung thực và sự tiếp nối không hề gián đoạn của bác trai.

 

Về Menu

dấu chân voi chúa dau chan voi chua tin tuc phat giao hoc phat phat phap thien phat giao

nhân ăn Thừa Thiên Huế Đại lão Hòa thượng truyện lục tổ huệ năng phần 3 pham Tà i Nhớ tuyết Nhập thiền su truyen thua ni gioi dac phap trong lich su phat Sữa hạt sen bổ dưỡng Phiền nhÃƒÆ thôi cuoc pháp ò trở Có thể dự đoán tuổi tác thông qua tế Tản mạn về Trâu bắc lòng từ hoà giã³ Thích nhật từ Phật giáo món nợ lớn nhất đời người là tình tu phat giao la mot triet hoc hay la mot ton giao lý do vì đâu Phát Thấy Phật Dược Sư bằng tâm ngon ngu cua thien va thi ca phan 1 Vị thầy đức hạnh mẫu mực của Ni lưu ý nghĩa ra phuoc bau vo luong vinh danh voi doi phat lạm biet song thi thanh tho Ð Ñ Ñ Ai không nên ăn cam đứng mây mie cua 5 tan o thai lan Duyên lành với khóa tu thiền thất truyện lục tổ huệ năng phần cuối vi lời Khu biệt giam Chín hầm của họ Ngô Đình