Con vương tượng là con voi có thể nhẫn chịu đao, kiếm, tên, búa chém bắn, nhẫn chịu tiếng vang động của trống lớn, trống nhỏ, tù và, như là vàng ròng tẩy sạch các tỳ vết nhơ bẩn, xứng đáng được vua dùng, một sở hữu của vua, một biểu tượng của vua
Điều Phục Tâm Ý - Phần 4: Kinh Điều Ngự Địa (Trung Bộ 125)

Con vương tượng là con voi có thể nhẫn chịu đao, kiếm, tên, búa chém bắn, nhẫn chịu tiếng vang động của trống lớn, trống nhỏ, tù và, như là vàng ròng tẩy sạch các tỳ vết nhơ bẩn, xứng đáng được vua dùng, một sở hữu của vua, một biểu tượng của vua.
Trích dẫn kinh điển Bản Anh Ngữ: "Taming the Mind - Discourses of the Buddha", Edited by Buddhist Publication Society, Wheel Publication No. 51, Kandy, Sri Lanka (1995) Tham khảo: Đại Tạng Kinh Việt Nam, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc (Kalandakanivapa).

Lúc bấy giờ, Sa-di Aciravata (Tân Học Sa-môn) đang ở tại am thất Aranna [1]. Rồi vương tử Jayasena [2] trong khi tản bộ du hành, đi đến Sa-di Aciravata, sau khi đến nói lên với Sa-di Aciravata những lời chào đón hỏi thăm; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, vương tử Jayasena nói với Sa-di Aciravata:

-- Tôn giả Aggivessana, tôi có nghe như sau: "Ở đây, Tỳ-khưu sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sẽ được nhứt tâm".

-- Sự việc là vậy, này Vương tử! Sự việc là vậy, này Vương tử! Ở đây, Tỳ-khưu sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần sẽ chứng được nhứt tâm.

-- Thật là tốt lành nếu Tôn giả Aggivessana thuyết pháp cho tôi như đã được nghe, như đã được học.

-- Này Vương tử, tôi không có thể thuyết pháp cho Vương tử như đã được nghe, như đã được học. Nếu nay tôi thuyết pháp cho Vương tử như đã được nghe, như đã được học, và nếu Vương tử không hiểu lời tôi nói, như vậy sẽ làm tôi mệt mỏi, làm tôi phiền muộn.

-- Tôn giả Aggivessana, hãy thuyết pháp cho tôi như đã được nghe, như đã được học! Rất có thể, tôi sẽ hiểu ý nghĩa lời nói của Tôn giả Aggivessana.

-- Này Vương tử, tôi sẽ thuyết pháp cho Vương tử như đã được nghe, như đã được học. Nếu Vương tử có thể hiểu ý nghĩa lời nói của tôi, như vậy là tốt đẹp. Nếu Vương tử không thể hiểu lời nói của tôi, hãy dừng lại trên sự trạng của mình, chớ có hỏi tôi thêm nữa!

-- Tôn giả Aggivessana, hãy thuyết pháp cho tôi như đã được nghe, như đã được học! Nếu tôi có thể hiểu được ý nghĩa lời nói của Tôn giả Aggivessana, như vậy là tốt đẹp. Nếu tôi không có thể hiểu được ý nghĩa lời nói của Tôn giả Aggivessana, tôi sẽ dừng lại trên sự trạng của tôi, ở đây, tôi sẽ không hỏi Tôn giả Aggivessana thêm nữa.

Rồi Sa-di Aciravata thuyết pháp cho vương tử Jayasena như đã được nghe, như đã được học. Khi được nghe vậy, Vương tử nói với Sa-di Aciravata như sau:

-- Sự việc không phải là như vậy, Tôn giả Aggivessana; trường hợp không phải là như vậy, rằng Tỳ-khưu sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần lại có thể chứng đắc nhất tâm.

Rồi Vương tử Jayasena sau khi nói lên với Sa-di Aciravata sự việc không phải như vậy và trường hợp không phải như vậy, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Rồi Sa-di Aciravata, sau khi vương tử Jayasena ra đi không bao lâu, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Sa-di Aciravata kể lại cho Thế Tôn tất cả cuộc đàm thoại với vương tử Jayasena.

Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Sa-di Aciravata:

-- Như vậy, này Aggivessana, nào có lợi ích gì? Vương tử Jayasenna sống giữa các dục, thọ hưởng các dục, bị tư tưởng dục nhai nghiến, bị nhiệt não dục thiêu đốt, tha thiết truy cầu dục, lại có thể biết, có thể thấy, hay có thể chứng quả vị chỉ có ly dục mới biết được, chỉ có ly dục mới thấy được, chỉ có ly dục mới đạt được, hay chỉ có ly dục mới chứng được: sự kiện như vậy không xảy ra.

Này Aggivessana, ví như giữa các con voi, con ngựa hay con bò được dạy điều phục có hai con voi, hai con ngựa hay hai con bò được dạy điều phục, được khéo huấn luyện; và có hai con voi, hai con ngựa hay hai con bò không được khéo điều phục, không được khéo huấn luyện. Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Hai con voi, hai con ngựa hay hai con bò, được khéo điều phục, được khéo huấn luyện, các con ấy có thể đi đến khả năng điều phục (dantakaranam), có thể đạt đến điều phục địa không?

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

-- Còn hai con voi, hai con ngựa hay hai con bò được dạy điều phục, nhưng không được khéo điều phục, không được khéo huấn luyện, các con ấy không được điều phục, có thể đi đến khả năng điều phục, không được điều phục có thể đạt đến điều phục địa, như hai con voi, hai con ngựa hay hai con bò được khéo điều phục, được khéo huấn luyện kia không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này Aggivessana, vương tử Jayasena sống giữa các dục, thọ hưởng các dục, bị tư tưởng dục nhai nghiến, bị nhiệt não dục thiêu đốt, tha thiết truy cầu dục, lại có thể biết, có thể thấy, hay có thể chứng quả vị chỉ có ly dục mới biết được, chỉ có ly dục mới thấy được, chỉ có ly dục mới đạt được, chỉ có ly dục mới chứng được: sự kiện như vậy không xảy ra.

Ví như, này Aggivessana, một hòn núi lớn không xa làng hay thị trấn. Và có hai người bạn, tay trong tay đi ra khỏi làng hay thị trấn ấy, và đi đến hòn núi kia.

Sau khi đến, một người bạn đứng dưới chân núi, còn người bạn kia leo lên đỉnh núi. Người bạn đứng dưới chân núi ấy có thể nói với người bạn đứng trên đỉnh núi: "Này Bạn thân, Bạn đứng trên đỉnh núi, Bạn thấy những gì?" Người kia nói: "Này Bạn thân, đứng trên đỉnh núi tôi thấy các vườn khả ái, các khu rừng khả ái, các đất bằng khả ái, các ao hồ khả ái". Người kia nói: "Không có sự kiện này, này Bạn thân, không có trường hợp này, Bạn đứng trên đỉnh núi lại có thể thấy các khu vườn khả ái, khu rừng khả ái, các đất bằng khả ái, các ao hồ khả ái".

Rồi người bạn đã đứng trên đỉnh núi, sau khi đi xuống chân núi, nắm tay bạn, khiến bạn trèo lên đỉnh núi, để bạn nghỉ thở một thời gian, rồi nói: "Này Bạn thân, nay Bạn có thể thấy gì, khi Bạn đứng trên đỉnh núi?"

Và người bạn ấy có thể nói: "Này Bạn thân, nay đứng trên đỉnh núi, tôi thấy các khu vườn khả ái, các khu rừng khả ái, các đất bằng khả ái, các ao hồ khả ái". Người kia có thể nói như sau: "Vừa rồi, này Bạn thân, chúng tôi hiểu Bạn nói: "Không thể có sự kiện này, này Bạn thân, không thể có trường hợp này, Bạn đứng trên đỉnh núi lại có thể thấy các khu vườn khả ái, các khu rừng khả ái, các đất bằng khả ái, các ao hồ khả ái".

Nhưng nay chúng tôi hiểu Bạn nói: "Này Bạn thân, nay đứng trên đỉnh núi, tôi thấy các khu vườn khả ái, các khu rừng khả ái, các đất bằng khả ái, các ao hồ khả ái". Người kia nói như sau: "Này Bạn thân, vì tôi bị che khuất bởi sườn núi này, nên không thấy được những điều đáng thấy".


Cũng vậy, nhưng to lớn hơn, này Aggivessana, là Vương tử Jayasena, bị che khuất, bị chận đứng, bị chướng ngại, bị bao vây bởi vô minh uẩn này.

Vương tử Jayasena sống giữa các dục, thọ hưởng các dục, bị tư tưởng dục nhai nghiến, bị nhiệt não dục thiêu đốt, tha thiết truy cầu dục, lại có thể biết, có thể thấy hay có thể chứng quả vị chỉ có ly dục mới biết được, chỉ có ly dục mới thấy được, chỉ có ly dục mới đạt được, chỉ có ly dục mới chứng được; sự kiện như vậy không xảy ra.

Nếu hai ví dụ này được Ông đề cập cho Vương tử Jayasena, thời Vương tử Jayasena tự nhiên tin tưởng Ông và khi đã tin tưởng, sẽ hành động đúng theo cung cách một người đã tin tưởng Ông.

-- Nhưng làm sao, bạch Thế Tôn, hai ví dụ này khởi đến từ nơi con cho Vương tử Jayasena, khởi lên một cách tự nhiên, từ trước chưa từng được nghe, như Thế Tôn được?

-- Ví như, này Aggivessana, một vị vua Sát-đế-lỵ đã quán đảnh bảo người nài voi: "Này Tượng sư, hãy cưỡi con vương tượng, đi vào rừng có voi; khi Ông thấy con voi rừng, hãy cột nó lại vào cổ con vương tượng". -- "Thưa vâng, tâu Ðại vương". Này Aggivessana, người tượng sư vâng theo lời vị vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, cỡi con vương tượng, vào trong rừng có voi, thấy con voi rừng, cột con voi rừng ấy vào cổ con vương tượng.

Con vương tượng kéo nó ra chỗ ngoài trời. Cho đến như vậy, này Aggivessana, con voi rừng được đi đến chỗ ngoài trời. Nhưng này Aggivessana, con voi rừng còn có sự tham luyến tức là đối với rừng có voi.

Người tượng sư tâu với vị vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh về con voi rừng ấy. "Tâu Ðại vương, con voi rừng đã ra chỗ ngoài trời". Rồi vị vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh bảo người điều phục voi: "Hãy đến, này người Ðiều phục voi, hãy điều phục con voi rừng này bằng cách điều phục nếp sống rừng của nó, bằng cách điều phục tâm tư rừng núi, bằng cách điều phục sự ưu tư, mệt nhọc, nhiệt não đối với rừng núi của nó bằng cách làm cho nó thích thú với thôn làng, và bằng cách làm cho nó quen thuộc với nếp sống loài người". -- "Thưa vâng, tâu Ðại vương". Này Aggivessana, người điều phục voi vâng theo lời vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đóng một cọc trụ lớn vào đất, cột cổ con voi rừng, để điều phục nếp sống rừng của nó, để điều phục tâm tư rừng núi, để điều phục sự suy tư, mệt nhọc, nhiệt não của rừng núi, để làm cho nó thích thú với thôn làng và làm cho nó quen thuộc với nếp sống loài người.

Rồi người điều phục voi lại nói với nó bằng những lời nhẹ nhàng, đẹp tai, thân tình, đi đến tâm, thanh nhã, khiến nhiều người vui thích, khiến nhiều người hoan hỷ. Và này Aggivessana, con voi rừng khi được nói với những lời nhẹ nhàng, đẹp tai, thân tình, đi đến tâm, thanh nhã, khiến nhiều người vui thích, khiến nhiều người hoan hỷ, liền nghe, lóng tai, trú tâm vào học hỏi (anna).

Tiếp đến người điều phục voi đem cỏ và nước cho con voi rừng. Này Aggivessana, khi con voi rừng nhận cỏ và nước, người điều phục voi mới nghĩ: "Nay con voi rừng sẽ sống".


Rồi người điều phục voi khiến con voi rừng làm thêm một động tác khác: "Này Bạn, nhặt lên! Này Bạn, đặt xuống!" Này Aggivessana, sau khi con vương tượng vâng theo lời người điều phục voi, làm đúng theo lời dạy nhặt lên, đặt xuống rồi, người điều phục voi khiến nó làm thêm một động tác khác: "Này Bạn, đi tới! Này Bạn, đi lui!"

Này Aggivessana, sau khi con vương tượng vâng theo lời người điều phục voi, làm đúng theo lời dạy đi tới, đi lui rồi, người điều phục voi khiến nó làm thêm một động tác khác: "Này Bạn, đứng dậy! Này Bạn, ngồi xuống!"

Này Aggivessana, sau khi con vương tượng vâng theo lời người điều phục voi, làm đúng theo lời dạy, đứng dậy, ngồi xuống rồi, người điều phục voi khiến nó làm thêm một động tác khác tên gọi "bất động". Nó cột cái khiên bằng gỗ vào cái vòi của con vật to lớn, và một người tay cầm ngọn giáo ngồi trên cổ, và xung quanh một số người tay cầm ngọn giáo đứng bao vây. Và người điều phục voi, tay cầm một ngọn giáo với cán cây dài, đứng ở phía trước.

Con voi ấy làm động tác bất động, không có di động chân trước, không có di động chân sau, không có di động thân trước, không có di động thân sau, không di động đầu, không có di động tai, không có di động ngà, không có di động vòi.

Con vương tượng là con voi có thể nhẫn chịu đao, kiếm, tên, búa chém bắn, nhẫn chịu tiếng vang động của trống lớn, trống nhỏ, tù và, như là vàng ròng tẩy sạch các tỳ vết nhơ bẩn, xứng đáng được vua dùng, một sở hữu của vua, một biểu tượng của vua.

(Lòng tín thành)

Cũng vậy, này Aggivessana, ở đây, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này là Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhơn, lại tuyên bố điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy Phạm hạnh [3] hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Người gia trưởng hay con người gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp hạ tiện nghe pháp ấy, sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai.

Khi có lòng tín ngưỡng ấy, người ấy suy nghĩ: "Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình".

Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ, hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ, hay bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Cho đến đây, này Aggivessana, là vị Thánh đệ tử đi đến chỗ ngoài trời. Nhưng này Aggivessana, các vị Thiên, Nhân có tham ái này, tức là năm dục công đức.

(Giữ giới)

Rồi Như Lai huấn luyện thêm cho vị đệ tử ấy: "Hãy đến, này Tỳ-khưu, hãy giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha (Ba-la-đề-mộc-xoa), đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong học pháp!"

(Phòng hộ các căn)

Này Aggivessana, sau khi vị Thánh đệ tử đã giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong học pháp, Như Lai lại huấn luyện thêm cho vị đệ tử ấy: "Hãy đến, này Tỳ-khưu, hãy bảo hộ các căn! Khi mắt thấy sắc, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, hãy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt.

Khi tai nghe tiếng,... mũi ngửi hương,... lưỡi nếm vị,... thân cảm xúc,... ý nhận thức các pháp, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, hãy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn".


(Tiết độ ăn uống)

Này Aggivessana, sau khi Thánh đệ tử đã hộ trì các căn, Như Lai huấn luyện thêm vị Thánh đệ tử ấy: "Hãy đến, này Tỳ-khưu, hãy tiết độ trong ăn uống, chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, chỉ để thân này được duy trì, được bảo dưỡng, khỏi bị gia hại, để chấp trì Phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới. Và ta sẽ không phạm lỗi lầm, sống được an ổn".

(Chú tâm cảnh giác)

Này Aggivessana, sau khi vị Thánh đệ tử đã tiết độ trong ăn uống, Như Lai lại huấn luyện thêm vị ấy: "Hãy đến, này Tỳ-khưu, hãy chú tâm cảnh giác! Ban ngày khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, hãy gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp.

Ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, hãy gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp. Ban đêm trong canh giữa, hãy nằm xuống phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, chân gác trên chân với nhau, chánh niệm tỉnh giác, hướng niệm đến lúc ngồi dậy. Ban đêm canh cuối, khi đã thức dậy, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, hãy gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp".


(Chánh niệm tỉnh giác)

Này Aggivessana, sau khi Thánh đệ tử đã chú tâm cảnh giác, Như Lai huấn luyện thêm vị ấy: "Hãy đến, này Tỳ-khưu, hãy thành tựu chánh niệm tỉnh giác! Khi đi tới khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác;

khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác".


Này Aggivessana, sau khi vị Thánh đệ tử đã thành tựu chánh niệm tỉnh giác, Như Lai lại huấn luyện thêm vị ấy: "Hãy đến, này Tỳ-khưu, hãy lựa một trú xứ thanh vắng, khu rừng, gốc cây, ngọn núi, chỗ hoang vu, hang núi, bãi tha ma, khóm rừng, ngoài trời, đống rơm!"

(Đoạn trừ triền cái)

Vị ấy lựa chọn một trú xứ thanh vắng, khu rừng, gốc cây, ngọn núi, chỗ hoang vu, hang núi, bãi tha ma, khóm rừng, ngoài trời, đống rơm. Vị ấy sau khi ăn xong, trên đường khất thực trở về, ngồi xuống, kiết-già, giữ lưng cho thẳng, trú niệm trước mặt.

Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái, từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên.

Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối quá, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối quá. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống với tâm thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

(Hành Tứ niệm xứ)

Vị ấy sau khi đoạn trừ năm triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để điều phục tham ưu ở đời, quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để điều phục tham ưu ở đời.

Ví như, này Aggivessana, một người điều phục voi đóng một cọc trụ lớn vào đất, cột cổ con voi rừng để điều phục nếp sống rừng của nó, để điều phục tâm tư rừng núi của nó, để điều phục sự ưu tư mệt nhọc nhiệt não của rừng núi, để làm cho nó thích thú với thôn làng và làm cho nó quen thuộc với nếp sống loài người; cũng vậy, này Aggivessana, bốn niệm xứ này là những dây cột tâm tư để điều phục tánh cư sĩ, để điều phục tâm tư cư sĩ, để điều phục sự ưu tư mệt nhọc nhiệt não của các cư sĩ, để đạt được chánh lý (naya), để chứng ngộ Niết-bàn.

Rồi Như Lai huấn luyện thêm vị ấy:

-- Hãy đến, này Tỳ-khưu, hãy trú quán thân trên thân, và chớ có suy tư trên tầm liên hệ đến thân; hãy trú quán thọ trên các cảm thọ, và chớ có suy tư trên tầm liên hệ đến cảm thọ; hãy trú quán tâm trên tâm, chớ có suy tư trên tầm liên hệ đến tâm; hãy trú quán pháp trên các pháp, và chớ có suy tư trên tầm liên hệ đến các pháp.

(Phát triển thiền-na)

Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai [4], một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Vị ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

(Tam minh)

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến túc mạng trí.

Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này.

Sau khi tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây".
Như vậy vị ấy nhớ đến những đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến sanh tử trí của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Vị ấy nghĩ rằng: "Thật sự những vị chúng sanh này thành tựu những ác hạnh về thân, thành tựu những ác hạnh về lời nói, thành tựu những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Còn những vị chúng sanh này thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, trên đời này".
Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm [5], không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ" [6], tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ tập", tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ diệt", tuệ tri như thật: "Ðây là Con Ðường đưa đến khổ diệt" tuệ tri như thật: "Ðây là những lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là nguyên nhân của các lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là Con Ðường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc".

(Giải thoát)

Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có trở lui đời sống này nữa".

Tỳ-khưu kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của muỗi, ruồi, gió, mặt trời và các loài bò sát, các ác ngữ, các lời nói chửi mắng, vị ấy sống quen kham nhẫn với những cảm thọ về thân, thống khổ, đau nhói, đau đớn, kịch liệt, bất khoái, không thích ý, đau đớn đến chết, được gột sạch về uế nhiễm tham, sân, si [7]. Vị ấy xứng đáng được cúng dường, cung kính, tôn trọng, chấp tay, là vô thượng phước điền trên đời.

Nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi già chết đi, không được điều phục, không được huấn luyện, thời con vương tượng tuổi già được gọi là đã chết với cái chết không được điều phục. Nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi bậc trung; nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi trẻ chết đi, không được điều phục, không được huấn luyện, thời con vương tượng tuổi trẻ được gọi là đã chết với cái chết không được điều phục.

Cũng vậy, này Aggivessana, nếu vị Trưởng lão Tỳ-khưu chết với lậu hoặc chưa đoạn tận, thời Trưởng lão Tỳ-khưu được gọi là đã chết với cái chết không được điều phục. Nếu, này Aggivessana, một Tỳ-khưu trung niên; nếu, này Aggivessana, một Tỳ-khưu thiếu niên chết với lậu hoặc chưa đoạn tân, thời Tỳ-khưu thiếu niên được gọi là đã chết với cái chết không được điều phục.

Nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi già khéo điều phục, khéo huấn luyện chết đi, thời con vương tượng tuổi già được gọi là đã chết với cái chết được điều phục. Nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi bậc trung, nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi trẻ khéo điều phục, khéo huấn luyện chết đi, thời con vương tượng tuổi trẻ được gọi là đã chết với cái chết được điều phục.

Cũng vậy, này Aggivessana, nếu một Trưởng lão Tỳ-khưu với lậu hoặc đã đoạn tận chết đi, thời Trưởng lão Tỳ-khưu được gọi là đã chết, với cái chết được điều phục. Nếu, này Aggivessana, một trung niên Tỳ-khưu; nếu, này Aggivessana, một thiếu niên Tỳ-khưu, với lậu hoặc đã đoạn tận chết đi, thời vị thiếu niên Tỳ-khưu được gọi là đã chết, với cái chết được điều phục.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Sa-di Aciravata hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

[Trung Bộ 125]

Ghi chú:

[1] Am thất trong một khu biệt lập của vườn Trúc Lâm, dành để cho các tu sĩ tinh tấn tu thiền (theo Chú giải).
[2] Con của vua Bimbisara.
[3] Brahmacariyam: Đời sống trong sạch của một tu sĩ sống độc thân.
[4] Cần ghi nhận ở đây là tiếp theo đoạn hành Tứ niệm xứ là phát triển Thiền-na thứ hai (Nhị thiền) mà không thấy đề cập đến Thiền-na thứ nhất (Sơ thiền). Có thể là vì hành giả đã thuần thục đạt đến Sơ thiền từ trước. Nhưng cũng có thể là vì với sự hành trì Tứ niệm xứ một cách tinh tấn, với chú tâm vào quán sát đơn thuần, thường có khuynh hướng giảm thiểu tầm, khiến hành giả có thể tiến thẳng vào Nhị thiền, không còn tầm và tứ (vitakha-vicara).

Trường hợp nầy có thể giải thích bằng các sự kiện rằng (1) trong bài kinh, pháp hành Tứ niệm xứ theo liền sau việc tạm thời dừng bỏ năm triền cái, ám chỉ một mức độ tâm định rất cao, tiến gần đến thiền-na; và (2) trong bài kinh, hành giả được dạy không có suy tư trên tầm liên hệ đến thân, đến thọ, đến tâm, đến pháp -- có nghĩa là từ bỏ chi tầm vốn hiện diện trong Sơ thiền.
[5] Asava.
[6] Dukkha.
[7] Raga, dosa, moha.
 

Về Menu

điều phục tâm ý phần 4: kinh điều ngự địa (trung bộ 125) dieu phuc tam y phan 4 kinh dieu ngu dia trung bo 125 tin tuc phat giao hoc phat

mua xuan trong dao phat oàn uong sã ¾ Mùng địa đà Những nỗi sợ hãi cần vượt qua Những nỗi sợ hãi cần vượt qua tu buoi le truyen ngoi cho con cua vua tran nhan doi tham chÒ 5 tan o thai lan học cách đổ ra những thứ dơ bẩn trong cái gì rồi cũng đến Ð Ð Ð 8 cách giúp bạn cai thuốc lá hiệu quả Chánh chum tho nhuy nguyen ón niết đức đạt lai lạt ma nói về phật giáo đàn hoẠTịnh Tri Sơ lược tiểu sử tổ sư Minh Đăng phan 3 má ³ Khái niệm thời gian trong Phật giáo nhung buc tuong duoc tim thay sau hang tram nam thói Ni Æ u CẠnhư Luyện thở giảm stress nhung loi ich cua viec tin va song theo dinh luat Luyện thở giảm stress thảnh hoà Thấy Phật Dược Sư bằng tâm trà Khám duc phat va phat phap noi gion co phai la khau nghiep cà y Niệm bỉ Quán Âm lực Khái niệm thời gian trong Phật giáo nhung buc tuong duoc tim thay sau hang tram nam phÃÆp Kinh văn д гі rượu