Một thông tin vừa được đăng tải trên Nhật báo Politiken tại Đan Mạch tuần nầy đã gây nhiều chú ý trong giới độc giả. Một nguồn tin nghe tuy rất mới, nhưng không lạ, nên không tạo ngỡ ngàng chỉ tạo niềm vui. Đó là liên hệ giữa Thiền Quán với bệnh AIDS, giữa tác động của sự tu tập Thiền Quán trên tính miễn nhiễm ở người đang bị lây nhiễm vi khuẩn HIV.

Khám phá mới nhất của Khoa học về Thiền Quán AIDS và Ung Thư

Chúng ta từng được nghe qua về Thiền, một pháp môn đã có mặt trên 2550 năm. Chúng ta cũng biết rằng AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Có nghĩa là khi cơ thể ở tình trạng suy giảm khả nǎng đề kháng đến mức không chống được các mầm bệnh thông thường, thì việc mắc phải các chứng bệnh truyền nhiễm ở người đã bị lây nhiễm HIV sẽ dẫn đến cái chết vì không có thuốc điều trị để cho người bệnh có khả nǎng hồi phục. AIDS là một căn bệnh giết chết rất nhiều người trên thế giới. Thử nghiệm mẫu dịch đầu tiên được lấy vào năm 1959 từ một thuỷ thủ Anh do lây nhiễm virus HIV ở vùng Congo. Cái chết do AIDS gây ra ở Tây phương đầu tiên được bác sỹ Grethe Rask, một nhà phẫu thuật người Đan Mạch làm việc ở Congo trong đầu thập niên 1970 ghi nhận.

Thông tin phổ biến thành quả tốt đẹp của những dữ kiện rất thực và đáng tin cậy đó do từ quá trình nghiên cứu tìm hiểu của Đại học UCLA tại Hoa Kỳ. Kết quả của công cuộc nghiên cứu cho thấy Thiền Quán có năng lực làm cho tính miễn nhiễm dồi dào mạnh mẽ hơn trong cơ thể những người đang bị lây nhiễm virus HIV. Điều nầy có nghĩa là thực tập Thiền Quán sẽ ngăn chận được sự xuất hiện của căn bệnh AIDS trong cơ thể những người không may mắn bị lây nhiễm vi khuẩn HIV. HIV sẽ "ngủ yên" không có cơ hội phát tán tấn công hủy diệt hệ miễn dịch. Một ngày nào đó, những người con của khoa học hiện đại sẽ tìm ra phương thuốc tận diệt vi khuẩn nầy.

Cũng trong tuần nầy một số nhật báo tại Đan Mạch ở Mục Đời Sống & Sức Khỏe đăng nguồn tin Thiền Quán được áp dụng trong quá trình chữa trị bệnh nhân ung thư. Theo phát biểu của ông Thomas Skovgaard, Chủ tịch Cơ quan Trị Liệu Phòng Chống Bệnh Ung Thư tại Thủ đô Copenhagen thì người mang bệnh ung thư sau các đợt xạ trị hoặc hóa trị đã phải chịu những cơn đau nhức ở bắp thịt, khớp xương, cũng như các đau nhức thường có với những cảm giác cấn cái bực bội từ những vết thẹo đã thành hình sau các lần xạ trị, cùng những nhức nhối ở hệ thống dây thần kinh. Những sự kiện nầy tạo cho người mang bệnh ung thư sau các lần hóa trị hoặc xạ trị trở thành những người mẫn cảm rất dễ bị tổn thương, vì thế tinh thần họ dễ dàng xuống dốc và là nguyên nhân gây ra căn bệnh trầm cảm ở một số người bệnh.

Thực tập Thiền Quán đem lại sự yên ổn trong tâm, sự hài hòa trong các sinh họat thường nhật, để cùng với sự vận động cơ thể người không may mắn mắc phải bệnh ung thư có thể tạo được một thăng bằng trong cuộc sống của họ. Họ sẽ thóat ra được cái thế giới của riêng mình, đóng kín gói trọn và cô lập trong những lo âu buồn bả, dễ tạo cho chính họ một tinh thần suy sụp, lôi kéo theo một thân thể suy nhược, là nguyên nhân tạo tác động tai hại giảm khả năng của tính miễn nhiễm, gây sự phát động của căn bệnh.

Số người mắc chứng ung thư hằng năm được ghi nhận phần lớn là người lớn tuổi nhưng cũng có nhiều người đang ở tuổi làm việc thình lình mang phải căn bệnh nghiệt ngã nầy. Người bệnh ung thư khi đã chuyển hóa được sự ủ rủ u buồn lo lắng hoang mang thành cái nhìn khách quan hơn vào cuộc sống sẽ tạo được sự bình tỉnh để chấp nhận. Tinh thần sẽ mạnh mẽ thêm lên và tính miễn nhiễm được gia tăng, tạo năng lực ngăn chận sự di căn và bành trướng nhanh chóng của mầm bệnh ung thư. Có thể sẽ có người bệnh buồn bả nói rằng, chậm hay nhanh thì sự di căn cũng sẽ xảy ra, quan trọng là vấn đề trị liệu để dứt tuyệt được mầm bệnh.

Đúng thế, chậm hay nhanh chỉ là vấn đề thời gian. Nếu đặt quan điểm trên việc trị liệu, thì thời gian được kéo dài như thế sẽ cho người bệnh cơ hội dưỡng sức sau đợt hóa trị hay xạ trị vừa qua, trước khi đi vào đợt hoá trị hay xạ trị lần kế tiếp. Nói trên quan điểm khách quan, biết đâu rằng thời gian là cái mà qua đó những nhà nghiên cứu cần có để có thể đem lại được những phát minh mới hơn về thuốc men cùng sự trị liệu. Và vì thế, biết đâu một ngày rất gần, khi sự di căn bị làm chậm lại và đời sống được kéo dài ra, chúng ta có được thời gian để đón nhận một sự chữa trị mới làm dứt tuyệt mầm bệnh tạo sự sống còn. Khoa học tiến bộ không ngừng, những người con của khoa học vẫn miệt mài ngày đêm không ngưng nghỉ, tìm phương thức đem lại cho con người sự giảm thiểu những cơn đau đớn và dần dần trị dứt những căn bệnh nan y.

Thực tập Thiền Quán trong môi trường nầy không là một hình thức tôn giáo, xa vời mong manh như niềm hy vọng đặt trong lời cầu nguyện Thương Đế ban phước lành, mà là hình thức đi sát với nỗi đau đi sát với nội tâm người bệnh trực diện với sự kiện để đánh đổ bi quan, tiêu diệt sự sợ hãi, ổn định tinh thần không làm người bệnh bị khủng hỏang. Người bệnh nhờ vào đó trở nên mạnh mẽ hơn, và điều nầy theo thông tin của Nhật báo Politiken ở Đan Mạch đã được thực hiện và kết quả cho thấy đã tạo tác động tốt cho những người bệnh có cơn đau kinh niên hoặc những người bị bệnh tim.

AIDS là từ viết tắt của Acquired Immunodeficiency Syndrome hay Acquired Immune Deficiency Syndrome trong Tiếng Anh. Tiếng Pháp gọi là SIDA, một từ viết tắt của Syndrome d'Immuno Déficience Acquise. AIDS là cǎn bệnh nghiêm trọng của thế kỷ mà hiện tại y học chưa tìm được thuốc phòng chống hay chữa trị.

AIDS là một hội chứng của tập hợp nhiều triệu chứng của những bệnh nhiễm trùng, thông thường cho thấy những bệnh như lao, viêm phổi, nấm… mà người nhiễm virus HIV gặp phải do hệ miễn dịch của cơ thể bị tổn thương hoặc bị phá hủy nặng nề, đã làm cho khả nǎng chống bệnh tật của cơ thể yếu đi, do đó mắc phải tác nhân gây bệnh mà thành bệnh, tùy thuộc các loại bệnh nhiễm trùng gặp phải ở nhiều trường hợp khác nhau và tùy theo khả năng chống đỡ của hệ miễn dịch trong cơ thể của mỗi người. Giai đọan mới phát sinh bệnh AIDS được thấy qua những triệu chứng như: sốt, tiêu chảy, viêm da, đỏ mắt, đau họng, sụt ký, ra mồ hôi đêm, nổi hạch. Thường thì các triệu chứng của nhiều thứ bệnh cùng xuất hiện, do hệ miễn nhiễm suy yếu nên khả nǎng hồi phục của cơ thể kém dần cho đến khi AIDS ăn sâu vào cơ thể thì không có khả nǎng phục hồi nữa và sẽ đi đến cái chết.

Theo quá trình nghiên cứu của Đại Học UCLA ở Hoa Kỳ tế bào T CD4 là thành phần quan trọng của hệ miễn nhiễm. Ở người bị lây nhiễm HIV, hoặc đang mang bệnh AIDS, thì vấn đề căng thẳng tinh thần hoặc sự lọan động tư tưởng sẽ tạo tác động mạnh vào việc phá hủy sự hình thành của các tế bào T CD4 nầy trong hệ miễn nhiễm.

Thực tập Thiền Quán giảm thiểu sự căng thẳng tinh thần sẽ làm mạnh hệ miễn nhiễm trong cơ thể con người, chấm dứt sự sút giảm các tế bào T CD4 của hệ miễn nhiễm. T CD4 là "thủ quân" chống đỡ bảo vệ "thành" khi cơ thể bị tấn công bởi vi khuẩn HIV. Vi khuẩn HIV gây tác hại cho người bệnh bằng cách ăn lần hồi các tế bào T CD4 và do đó làm suy yếu hệ miễn nhiễm.

David Cresswell, một trong những người điều hành cuộc nghiên cứu nầy cho hay: "Thực tập Thiền Quán mở rộng tâm thức đem lại cho người bệnh một sự an bình trong nội tâm, tránh được suy nghĩ về quá khứ hay quá lo lắng về tương lai. Điều nầy tạo ảnh hưởng trực tiếp vào việc làm giảm sự hủy họai của vi khuẩn HIV tác động trên hệ miễn dịch. Thực tập Thiền quán cũng đồng thời cải thiện sức khỏe cho những bệnh nhân mắc phải nhiều chứng bệnh khác nhau". 48 người bị lây nhiễm virus HIV được hướng dẫn Thiền tập, và nhóm người nầy thực hành Thiền Quán trong 8 tuần. Kết quả cho thấy số lượng tế bào T CD4 ngưng hẳn việc bị suy giảm, như đã từng bị trong thời gian trước đây khi họ chưa thực tập Thiền Quán.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy trong năm 2004 đã có gần 5 triệu người bị nhiễm virus HIV và trên 3 triệu người chết vì AIDS. Kể từ năm 1981 bệnh AIDS đã giết chết 23 triệu người từ tổng số gần 80 triệu người mắc bệnh. HIV bị lây truyền qua các dịch cơ thể, như máu, tinh dịch, dịch tiết ở âm đạo và sữa mẹ. HIV cũng gây lây nhiễm ở các tế bào não và gây tạo sự rối loạn thần kinh. Hiện thời không có vaccine để phòng ngừa lây nhiễm HIV cũng như không có một phương pháp trị liệu nào có thể tận diệt hoàn toàn virus HIV trong cơ thể người đang lây nhiễm. Những người bị bệnh AIDS hiện tại chỉ có thể kéo dài cuộc sống bằng phương pháp trị liệu kháng vi khuẩn, gọi là ART , viết tắt của Anti- Retroviral Therapy. Trị liệu pháp ART sử dụng các thuốc kháng virus ARV (Anti-retrovirus). Các lọai thuốc ARV có tác dụng làm chậm sự tăng trưởng của HIV trong cơ thể, do đó khả năng miễn dịch tăng lên và làm giảm đi việc bị mắc phải các nhiễm trùng cơ hội.

Ung thư là hình tướng của những khối u xuất hiện trên hay trong cơ thể con người ở các vị trí cơ quan khác nhau do sự tích lũy của số tế bào đột biến tăng trưởng sinh sản "vô trật tự bất quy tắc" với cấu trúc hỗn lọan không kiểm sóat có khả năng di căn tấn công đột nhập chiếm đóng các mô lành và cơ quan khác. Ung thư phát sinh do sự sai hỏng của DNA, tạo nên tình trạng đột biến trong các tế bào chính yếu gây ảnh hưởng đến quá trình phân bào tạo nên sự hỗn lọan trong việc phân chia tế bào không còn trật tự quy mô.

Quá trình phân hóa tế bào trong một cơ thể bình thường được diễn tiến trong điều kiện sinh lý nhất định ở hầu hết các mô trong cơ thể đa bào của con người chúng ta, để lượng tế bào sinh và diệt có sự cân bằng thích ứng, mới có được khả năng bảo tòan mô và cơ quan. Các tế bào có đột biến trong DNA, làm hủy phá sự cân bằng phải có nầy do từ sự sinh sản không kiểm sóat và tăng trưởng nhanh chóng của tế bào có cấu trúc đột biến không quy mô, tạo thành những khối u làm chèn ép các mô có cấu trúc lành mạnh và chận đứng các sinh họat lành mạnh của mô và cơ quan lành. Bằng sự di chuyển, lan dần đến và tấn công các mô và cơ quan lành khác, tế bào ung thư đã gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh ung thư được phát hiện qua những triệu chứng như bỏ ăn, sút ký, tiết mồ hôi nhiều hay đổ mồ hôi trộm, thiếu máu, ho, ho ra máu, gan to, vàng da, đau nhức ở xương, đau loét…

Ung thư xuất hiện và được xếp lọai dưới ba hình thức gọi là TNM. T là chữ viết tắt của Tumor: khối u. N là chữ viết tắt của Node: hạch. M là chữ viết tắt của Metastasis: di căn.

Nói đến ung thư chúng ta không ai khỏi có một ý niệm trong đầu rằng ung thư là một căn bệnh nan y. Đúng thế, hầu hết các lọai ung thư đều gây tử vong, trường hợp bệnh được phát hiện quá trể khi các mô và cơ quan trong cơ thể người bệnh đã bị tràn ngập tế bào ung thư. Nếu được phát hiện sớm, và được trị liệu như hiện nay, thì hầu như các bệnh ung thư đều có thể chữa trị được. Bằng cách ngay sau khi bệnh sớm được phát hiện, bệnh viện lập tức lên kế họach điều trị, sẽ sớm ngăn chận sự phát triển và di căn của các tế bào đột biến nói trên vì thế đã có nhiều người mắc phải bệnh ung thư vẫn được chữa lành.

Người mắc bệnh ung thư có thể được chữa trị bằng phẫu thuật, hóa chất trị liệu hoặc phóng xạ trị liệu. Phẫu thuật là cắt bỏ toàn khối u mà không làm tổn thương phần còn lại của cơ thể. Hóa trị là điều trị ung thư bằng thuốc men (hóa chất) có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là trị liệu bằng tia quang tuyến X hay phóng xạ, sử dụng một dạng năng lượng của phóng xạ ion hoá, để hủy diệt tế bào ung thư qua hình thức làm teo nhỏ khối u lại, nghĩa là khối u sau khi bị làm "khô héo" (chết) sẽ không có khả năng tác động (sống) để gây thiệt hại đến các mô lành khác.

Có rất nhiều lọai ung thư khác nhau được phát sinh từ những nguyên nhân yếu tố khác biệt. Đặc biệt những lọai ung thư phát sinh từ yếu tố môi trường có thể tránh khỏi, ví dụ tránh ăn uống các thực phẩm chứa hóa chất như các chất bảo quản, các lọai thuốc trừ sâu hoặc các lọai phân bón hóa học.v.v.. là những tác nhân gây sinh và làm tăng nguy cơ tạo bệnh ung thư. Kết quả của các cuộc nghiên cứu và từ thống kê cho thấy hút thuốc lá là một trong những yếu tố gây nguy cơ ung thư nhiều nhất. Stress, áp lực việc làm, áp lực tâm tình, căng thẳng tinh thần, tình trạng trầm cảm là những nguyên nhân của thế kỷ gây nên mầm bệnh ung thư.

Thiền: U – Zen – Meditation. Thiền được phiên âm từ chữ dhyāna trong tiếng Phạn (Sanscrit). Thiền nói theo khái niệm thông dụng hiện được áp dụng để thực tập nhiều nơi trên thế giới liên hệ đến việc tạo hài hòa cho đời sống, một thăng bằng giữa thân và tâm, là tập nhìn sâu vào sự kiện sự vật, để thấy thế giới hiện thực đầy khổ đau, để rõ được lý tạm bợ của sự thể trong lẽ vô thường, nhưng không yếm thế thụ động mà biết trân quý những gì vì tính cách vô thường nên có giới hạn ngắn ngủi, nhờ thế sống an bình không chao đảo. Khi chấp nhận làm thân người trong luân hồi trong tuần hòan của vũ trụ là phải ở trong quá trình của sinh, lão, bệnh, tử sẽ nhờ thế có thể chấp nhận để biết buông xả. Từ đó quán chiếu, thực hành, xả bỏ những tạp niệm của tham, sân, si là nguyên nhân gây rối lọan và vọng động tâm thức làm chao đảo đời sống của con người chúng ta, gây bất ổn cho thân và tâm.

Thiền nói theo ngôn ngữ Nhà Phật, bằng nhận thức văn tự, là sự thực hành để "bước" vào Giới Định Tuệ, "đạt" đến sự buông xả hòan tòan. Một phương pháp tu tập và thực hành đưa tư tưởng đạt đến trạng thái vô niệm. Hành Thiền là tu tập pháp môn "tư duy quán chiếu, vượt qua giới hạn ngôn ngữ, đạt được những điều ý tại ngôn ngoại". Tu Thiền là tập đi bằng những bước chân và cái nhìn của Bi Trí Dũng trong Giới, đạt Định, để "có" được Tuệ Giác là sự tỉnh thức tòan phần, là Đại Viên Cảnh Trí.

Hành Thiền ở dưới phương thức không tôn giáo, hay theo hướng dẫn của Giáo lý Nhà Phật đều không qua những nghi thức "bí ẩn" của bùa chú, bắt ấn, phù phép... Hành Thiền là sự đừng lại và nhìn vào nội tâm để thấy được sự vọng động do đâu mà có, và tác động tai hại từ các vọng động của tham sân si, mà mình đang bị cuốn hút xóay theo, để buông xả. Hành Thiền là con đường đưa lọan động trở về an tĩnh, dứt bỏ không ôm chặt để biết nhìn vào khổ đau của cuộc đời mình mà chấp nhận, để thấy được còn có những cái khác trong đời mình và đời người, để thấy được rằng biết tranh đấu với chính bản thân mình, ta có thể tạo được những niềm vui nhẹ nhàng còn có được do năng lực của mình, để không bị chìm đắm ngụp lặn và ngập chìm trong những ngày tháng chỉ thấy được ta và nỗi đau của ta mà thôi.

Hành Thiền theo hướng dẫn của Nhà Phật là thực tập nhiếp tâm trong Chánh niệm. Có nhiều phương thức hành Thiền. Có thể tập trung tư tưởng vào hơi thở của mình, tập trung tư tưởng vào một vật, một thanh âm, một lời kinh, một công án, hoặc hành phép quán 12 nhân duyên, phép Quán niệm Hơi thở, quán Tứ Niệm Xứ v.v… Có "tám vạn bốn ngàn" Pháp môn để tu học, và.. "đường nào cũng đến La Mã" thế nên, chỉ cần chọn một con đường thích hợp để gây được cho mình một động lực, một sự phấn chấn để thực hiện hành trình nầy.

Sau khi thành Đạo, Đức Phật thuyết pháp độ sanh và hành Thiền giải thoát. Lời dạy của Đức Phật luôn luôn là lời khuyên tu Thiền và hành Thiền. Thiền có công năng đoạn trừ các dục, có khả năng đối trị sợ hãi, có thể đem lại Thiền lạc cho người hành giả, và đưa đến thành tựu trí tuệ, đưa đến giác ngộ giải thoát, đưa đến Niết Bàn. Giảng dạy về Thiền Đức Phật áp dụng điều kiện tiên quyết của hành Thiền là "ly dục, ly bất thiện pháp". Còn đắm say các dục, còn làm các hạnh bất thiện, thì không thể hành Thiền mà có được kết quả. Phải chứng được hỷ lạc do ly dục, ly bất thiện pháp sanh là đã rời khỏi bị các dục chi phối. (Trung Bộ Kinh).

Thiền Tông là một tổng hợp của hai học thuyết nền tảng Trung Quán và Duy Thức trong Đại Thừa Ấn Độ. Với những công án xoay quanh thuyết Thật Tướng của Trung Quán Tông tức là mọi vật đều do duyên hợp gỉa có, nghĩa là tất cả đều là Không. Thiền bắt nguồn từ Ấn Độ nhưng đã trở thành một tông phái độc lập khi được truyền sang Trung Quốc, đặc biệt là sau thời của Lục tổ Huệ Năng. Nơi đây, Thiền tông đã hấp thụ cốt tuỷ của nền văn hoá và triết lý Trung Quốc.

Thần Tú ở phương Bắc thành lập Bắc Tông. Sự sử dụng công án được phát sinh từ truyền thống Bắc Tông này. Huệ Năng ở phương Nam thành lập Nam Tông. Phần lớn những tài liệu về lịch sử thiền đều do Nam Tông cung cấp. Nam Tông khác Bắc Tông ở chỗ khai thác triệt để ý niệm Ðốn Ngộ trong khi Bắc Tông nghiêng về Tiệm giáo. Sử dụng những sự kiện lịch sử, Thần Hội đã vạch ra truyền thống Thiền Ấn Ðộ với 28 vị tổ sư bắt đầu là Ca Diếp tổ thứ nhất cho đến Bồ-Ðề Ðạt-Ma tổ thứ 28, và truyền thống Thiền Trung Hoa với 6 vị tổ bắt đầu từ Bồ-Ðề Ðạt-Ma, qua Huệ Khả, Tăng Xán, Ðạo Tín, Hoằng Nhẫn đến Huệ Năng, tức là thầy của Thần Hội.

Bắc Tông tiêu trầm dần dần, trong khi Nam Tông phát triển mạnh. Sau Thần Hội, ta thấy có những cao tăng như Hy Thiên (700-790), Ðạo Nhất (707-786) và Pháp Khâm (714-792) v.v... Từ đó xuất hiện năm tông phái Thiền nổi tiếng: Lâm Tế, Tào Ðộng, Quy Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn. Những tông phái này sau được truyền sang Nhật Bản, Cao Ly và Việt Nam, thịnh hành nhất là hai phái Lâm Tế và Tào Ðộng.

Thiền tông Trung Quốc được truyền sang Việt Nam lần đầu bởi Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi. Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) truyền Tông chỉ của Tông Lâm Tế sang miền Trung Việt Nam lần đầu.

* Đức Đệ Tứ Tăng Thống Đại Lão Hòa Thương Thích Huyền Quang vừa thị tịch tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định ngày 5/7/2008 thuộc Dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 41.

Thiền tông ở các nước phương Tây ngày nay có được phần lớn là qua sự đóng góp của các thiền sư Nhật Bản, biết đến nhiều nhất là Thiền sư D.T. Suzuki. Thiền là Phật giáo.Thiền tông hành thiền qua phép tu tập chứng ngộ. Thiền tông đả phá mọi nghi thức tôn giáo và lý luận về giáo pháp, chỉ chú trọng Toạ thiền đốn ngộ để đạt Đạo giải thóat. Đốn ngộ là con đường ngắn nhất, nhưng khó nhất. Nét đặc trưng của Thiền tông được thể hiện qua tôn chỉ:

Giáo ngoại biệt truyền Truyền giáo pháp ngoài kinh điển

Bất lập văn tự Không lập văn tự

Trực chỉ nhân tâm Chỉ thẳng tâm người

Kiến tính thành Phật Thấy chân tính thành Phật.

Niêm hoa vi tiếu là câu chuyện truyền tâm ấn bằng cành hoa Đức Phật Thích Ca im lặng đưa lên trong Pháp hội ở núi Linh Thứu, và chỉ có Ma Ha Ca Diếp, một đại đệ tử của Ngài mỉm cười lĩnh hội ý chỉ của pháp "Dĩ tâm truyền tâm". Sau đó Ma Ha Ca Diếp được Phật Thích Ca ấn chứng làm Sơ tổ của Thiền Tông Ấn Độ.

Kết: Thực tập Thiền Quán giúp ta sống trọn vẹn với hiện tại, mở được lòng đón nhận sự sống nhiệm mầu, thấy được và qúy trọng sự có mặt của những người ta thương và yêu thương ta.

Xin kể lại một câu chuyện vui về Thiền: Trong một cuộc hội thảo được tổ chức giữa những người nói tiếng Đan tại Thủ đô Copenhagen với đề tài thực tập Thiền Quán, áp dụng trong đời sống hằng ngày. Vừa "mở màn" bằng định nghĩa về Thiền, một người trong số những người đến tham dự đã nêu ra câu hỏi: - Theo chương trình về Thiền Định và thực hành Thiền Quán được tổ chức cho ngày hôm nay, tôi có một thắc mắc xin được hỏi: "Có phải Thiền là tập trung tư tưởng mà nghĩ về cái "không tư tưởng". Vậy thì hóa ra chúng ta phải mất thời gian và sức lực để chỉ nghĩ về một cái không. Điều nầy thực sự khó như thế hay sao? Những người tham dự cùng cười ồ lên, nhưng rồi lại lập tức ngưng cười, bởi vì họ thấy câu nói của người đó có phần đúng, mà lại sai, nhưng chưa thể phân giải sự kiện trong câu nói đó được.

Hành Thiền là dùng năng lực và ý chí để tu tập Thiền Quán. Thực tập Thiền là đi vào Giới Định Tuệ. Thiền Quán cho ta khái niệm vì sao hành giả phải dùng cả đời người để "đạt" được cái gọi là "không". Thực hành sự tu tập Thiền Định sẽ tự bản thân chúng ta thấy rõ trong "cái không" đó đã có chứa tất cả những "cái có" đa diện nặng nề, trong đó có những "cái có" được nói đến trong khám phá mới nhất về liên hệ của sự chữa trị bệnh AIDS và Ung Thư bằng pháp môn Thiền Quán.

Người khỏe mạnh hành Thiền để giữ sự tĩnh lặng của nội tâm, để có đựợc sự an lạc trong đời sống, để có được sự an bình trước những chao đảo giao động có thể gặp phải. Khi đối diện với một sự kiện hoặc một vấn đề nếu có được sự tĩnh tâm để giải quyết đúng và rõ ràng, sẽ không gây nguy hại cho sức khỏe của mình hoặc làm tổn thương người khác. Người bệnh hành Thiền để được phục hồi sức khỏe, để thấy được giá trị của giây phút sống, để sống và nở được nụ cười. Muốn có một sức khỏe tốt hay muốn phục hồi sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, ta phải biết dùng thời giờ chăm sóc đời sống tâm linh.

Không gì đẹp bằng ý nghĩa của lời chúc đơn giản bình dị ngắn ngủi: "Chúc bạn thân tâm an lạc".

UYÊN HẠNH ( khoahoc.net)

Tham khảo:

    • Vaccine til verden ...www.aidsfondet.dk
    • www.dk-finder.dk/hivogaids
    • Kræft i tal. Kræftens Bekæmpelse. www.cancer.dk
    • Alt+om+kraeft/fakta+om+kraeft/kraeft+i+tal/
    • Om kræft, forebyggelse af kræft og kræftforskning
    • Humlegaarden - Cancer klinik med nytænkende & alternativ behandling af kræft.
    • Thiền Luận - Daisetz Teitaro Susuki
    • Thiền và Bát Nhã – Daisetz Teitaro Suzuki – Tuệ Sỹ dịch
    • Thiền Đốn Ngộ - HT Thích Thanh Từ
    • "Hành Thiền" 1993 - HT Thích Minh Châu
    • Nẻo Vào Thiền Học – Thích Nhất Hạnh
    • TH Chư Thiền Đức Hành Trạng - HT Thích Thanh Từ
    • Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang

Về Menu

Khám phá mới nhất của Khoa học về Thiền Quán AIDS và Ung Thư

nghe thuat song tinh thuc Tổ Pháp Hóa Tổ khai sơn tổ Sóc Trăng Chùa Hải Phước tổ chức lễ hanh trinh sieu y niem thiê n giu p tâm hô n chu ng ta đươ c Giáo lý vô ngã Nhà hàng chay phong cách Tây Tạng lần Món chay ngày mùng 1 Bún lứt xào nghệ Tổ çš mấy độ duyên lành Giáo lý vô ngã Niệm Khắc dạy con niệm phật faux meat for very real seasons va dao phat Lễ huý nhật lần thứ 20 Đại lão chất liệu làm nên ngành nghệ thuật hát phật dạy 10 điểm vàng cho vợ chồng THICH phat day 10 diem vang cho vo chong de hon nhan s 4 nhung cau noi giup ban tinh ngo ước mơ trong đời Nở rộ cơm chay Uống thuốc sao cho đúng b羅i tuong nhung cau noi giup ban tinh ngo giàu có quà Những cách giúp giảm đau răng hiệu thi盻 Thừa Thiên Huế Lung linh đêm hội hoa nhất lam sao tranh duoc nhung khen che từ thí vô giá hội đến thủy lục pháp doan đừng học thói trọc phú để ăn thú Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ 10 dấu hiệu cảnh báo bệnh thận vô ngã ác pháp Chè bưởi mát lành 6 công dụng tuyệt vời của cây chùm chai ChÃƒÆ cảm nhận từ đất va Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ cuoi va hanh phuc trong con loc khung hoang VÃ Æ Giận lan Thung lũng linh lan