Ngày đêm chuyên tâm tu học, hương thơm giới đức lan toả trong ngoài, dầu mỏi mệt, nhưng không chán chường vô vị. Sự hiện diện của chư tôn đức Tăng già, đã phần nào phá tan tấm màn vô minh của kiến chấp mê lầm, của hẹp hòi ích kỷ, gây hưng phấn cho lớp Tăng sinh trẻ tuổi, hiếu học ham tu.
Năm đó, Thầy cho tôi và một số huynh đệ đi dự khoá An Cư Kiết Hạ ngoài chùa Hương. Thầy nói đã ghi danh cho mấy ông rồi, chỉ việc đến ngày 14 tháng 04 là tập trung ra ngoải, người ta dạy gì mình làm nấy. Tôi với quý huynh Trí Nguyên, Thiện Hương, Thiện Nhiên, Thiện Long đâu dám cải lời.
Hồi đó, đi dự khoá An Cư, là cơ hội ngàn vàng để nâng cao trình độ Phật học và là dịp tốt để kết giao với nhiều huynh đệ khác, ở khắp nơi tụ về.
Từ quý Hoà thượng lãnh đạo, đến những Thượng toạ, Đại đức trực tiếp điều hành, đều nhắm vô tinh thần Giới-Định-Huệ ngàn xưa của Phật tổ để điểm tô thêm cho Phật pháp xương minh. Đương nhiên, chương trình tu học trong 3 tháng hạ hết sức nghiêm túc, gắt gao.
Thời khoá hành trì, công phu tu tập phải khác xa với chùa mình. Hết tu lại học, hết học lại tu, thời khoá liền liền, liên tu bất tận. Chương trình giảng dạy, sự lý phải đi đôi. Không những dạy Kinh-Luật-Luận, mà còn dạy nghi thức tán tụng, đánh đẩu, hô thiền, xướng Tăng bạt cho mùi nữa!
Năm đầu chưa có kinh nghiệm vả lại bản thân còn kém duyên thiếu phước, nên chỉ mang theo vỏn vẹn có một chiếc áo tràng và hai bộ đồ. Suốt ngày, chiếc áo tràng và cái y không được phép khô ráo. Sau 90 ngày, từ màu xanh lam tươi đẹp, trở thành màu thâm kim đen đúa. Bị xứt chỉ nhiều chỗ, hay bắt đầu tưa rách khi mạnh tay. Còn hai bộ đồ, sau 3 tháng trở về chùa, chỉ còn có một bộ rưỡi.
Phước Hưng những năm trước đó như ngủ một giấc dài, như lặng yên trước những thăng trầm thế cuộc, nay bắt đầu vươn mình thức dậy, cho Sa-đéc vẽ đẹp tinh khôi của những chiếc y vàng chuyên tu thật học, cho những con người xứ này vững mạnh niềm tin trong chánh pháp.
Xóm làng nơi đây vui hẳn lên như trẩy hội. Những người xuất gia trong chùa, chư vị thiện nam tín nữ, mỗi người mỗi việc, ai nấy tất bật phục vụ, lo lắng sơn phết, trang hoàng từ trong ra ngoài
Quý Thầy ở Chùa Hương, nhứt là Thầy Thiện Trí, Thiện Hiệp, Chí Tâm, khéo tay dễ sợ. Tài chưng bông, cấm hoa, trang trí, thiết kế cũng đáng bậc thầy. Sự thông minh, khéo léo tổ chức của Thầy Thiện Chánh ở đẳng cấp cao. Nếu lúc đó, Phật giáo nơi đây gởi quý Thầy đi dự thi tổ chức, hay cấm hoa, chắc chắn, không đoạt huy chương vàng, cũng phải huy chương bạc. Không quán quân cũng khôi nguyên, giải nguyên như trở bàn tay.
Phước Hưng gần chợ, mặt tiền, tiện việc tới lui. Nếu đi từ Cao Lãnh hay bên Tân Khánh Đông xuống, đổ hết dốc Cầu Sắt là vô chùa liền.
Xe cộ, ghe xuồng tấp nập dưới chợ trên bờ. Từ chợ, nhứt là khu tiệm chụp hình Huê Chân, có thể đi bộ, hoặc thiền hành, kinh hành niệm Phật, hay đi xe đạp ôm tới chùa khoảng năm bảy phút.
Gần tới ngày khai hạ, cờ xí, biểu ngữ xung quanh chùa rực rỡ, đẹp mắt. Dân chúng đi ngang qua, có người trầm trồ khen ngợi, chấp tay từ xa vọng bái, có người vô cùng ngạc nhiên muốn ngừng lại, hoặc lội bộ vô xem chuyện gì. Mới biết tổ chức An cư, mà trang trí đẹp quá, tưởng đâu gánh hát nào trên Sài gon xuống.
Vì là lần đầu tiên mở hạ, trong chùa ai cũng hân hoan vui mừng, phấn khởi khôn siết. Giống như miền quê hẻo lánh, khỉ ho cò gáy, lâu lâu có đoàn hát nổi tiếng trên Sài gòn xuống, đào kép thứ thiệt, ai không muốn đi xem nghe. Hồi đó, Sa-đéc còn nghèo, phương tiện truyền thông hạn chế, đâu như bây giờ, vi tính điện toán um trời, nơi nào cũng có, thông báo, quảng cáo dễ như chơi.
Nhưng dù không có phương tiện quảng cáo rầm rộ, không treo hình, hay giới thiệu quý giảng sư, pháp sư ở các nơi về, nhất là trên Sài gòn xuống. Nhưng ai cũng ao ước, háo hức nhập hạ. Phật tử vừa chí thành cúng dường, vừa làm công quả, nghe lời giảng dạy chân thành, mộc mạc của tất cả quý Thầy. Đây là hình ảnh hoà hợp sống động nhứt, là minh chứng hùng hồn nhứt được truyền thừa từ xưa đến giờ.
Pháp sư ở Sài gòn xuống có Hoà thượng Huỳnh Kim, người gốc Lấp Vò, thiết tha gắn bó với Sa-đéc lắm, nhứt là với Hoà thượng Phước Hưng. Hai Ngài tâm đầu, ý hợp vô cùng. Trước mặt đại chúng cũng như những lúc không có ai, quý Ngài luôn tôn trọng và cung kính lẫn nhau.
Hoà thượng Nguyên Ngôn, gốc người Bình Định, từ Ấn Quang xuống. Tính tình vui vẻ, hoạt bát. Ngài có mối giao hảo rất đặc biệt với Tăng tín đồ Sa-đéc. Sau này mới biết, có một thời, Ngài thọ ơn ai đó, nên âm thầm đền ơn bằng cách giảng dạy Phật pháp cho xứ này. Ngôn hành như nhứt, thu hút thỉnh chúng dễ dàng, nhưng vô cùng nguyên tắc, khó khăn. Học ra học, chơi ra chơi, chứ Ngài không thích kiểu vừa học vừa chơi.
Còn mấy tỉnh lân cận, không tổ chức Hạ trường được, một mặt gởi gấm con cháu tham dự, một mặt yểm trợ tối đa bằng hình thức này hoặc hình thức khác. Vĩnh Long có Thượng toạ Đắc Pháp, giảng dạy Chơn Tâm Trực Thuyết hay thiền tông yếu giải.
Xa xôi như miệt Cao Lãnh có Hoà Thượng Linh Sơn, đảm trách môn Long Thơ Tịnh Độ hay Quy Ngươn Trực Chỉ. Vì là dân du học ngoài Huế thời xưa, cùng lớp với Hoà Thượng Minh Châu trên Sài gòn, nên thông thấu kinh pháp, khéo léo giảng giải rõ ràng, lời lẽ bình dân giản dị. Ngài không những giỏi Nho mà còn biết cả Tây học, nhưng lúc nào cũng toả đức khiêm nhường đáng kính!
Dưới Nha Mân có Thượng toạ Chánh Giác, hướng dẫn Phật học Dị Giải bẳng chữ Nho. Nói dị nhưng không dễ chút nào. Khó có thể theo kịp, nếu không có vốn liếng chữ Nho hoặc không có trí nhớ siêu đẳng. Ngài dạy cách dịch móc. Đi từ trong Nam, tự nhiên ra ngoài Bắc thăm những khu di tích cổ xưa, rồi vòng vô Nha Trang dạo mát, hứng gió biển, lội xuống Cà mau cho muỗi cắn, rồi trở lên Sài gòn ngao du hưởng phước. Kiểu dịch đó, khó kiếm, nhưng không tạo thành trường phái được, vì không có người kế thừa!
Cách Phước Hưng không xa, có sư bác Phổ Nguyện, đảm trách môn Luật học. Ngài dạy luật kiểu xưa, lấy nguyên xi thời Ngài Châu Hoằng bên Tàu, nên con cháu cực nhọc, phiền não vô cùng.
Vì đến giờ sư bác giảng dạy, tất cả đều phải bó ống quần, đắp y, mặc hậu vàng, để quyển luật trong khai thỉnh. Tất cả thành tâm cung kính, thỉnh quyển luật lên bàn Tổ xá ba xá, rồi thỉnh lên chánh điện nguyện hương bạch Phật. Trên đường từ bàn tổ lên chánh điện, phải liên tiếp niệm Luật Tạng Bồ Tát và đánh trống, dộng chuông. Hoà thượng hướng dẫn đốt hương trầm cúng Phật, đảnh lễ Tam bảo ba lần, sau đó mới thỉnh xuống pháp đường, bắt đầu tán Lư hương, rồi khai luật kệ. Có bửa, Hoà thượng Thiền chủ thấy mấy ông đạo, trời nắng nóng nực, y hậu ướt hết, mà còn ngồi học, nghe khô khan nặng nề, nên ngài lên tiếng:
-"Nè, Hoà thượng, dạy gì mà khó quá vậy. Học kiểu đó ai mà học nổi, hỏng ấy dẹp đi, đừng dạy nửa". Nghe vậy, nhưng trong lòng quý Thầy vẫn muốn sư bác tiếp tục giảng dạy cho hết 3 tháng.
Nạp tử về đây an cư nhiều vô số, ở khắp vùng bốn chiến thuật. Tỉnh nào cũng có ít nhứt là một vị.
Ngày đêm chuyên tâm tu học, hương thơm giới đức lan toả trong ngoài, dầu mỏi mệt, nhưng không chán chường vô vị. Sự hiện diện của chư tôn đức Tăng già, đã phần nào phá tan tấm màn vô minh của kiến chấp mê lầm, của hẹp hòi ích kỷ, gây hưng phấn cho lớp Tăng sinh trẻ tuổi, hiếu học ham tu.
Hoà thượng Hoá chủ là người vô cùng đức độ. Mặc dù niên cao lạp trưởng, nhưng Ngài rất khoan hoà, cởi mở. Uy tín của Ngài được mọi giới, mọi ngành, mọi người trọng nể. Nghe nói Ngài đâu muốn làm Hoá chủ, đâu muốn làm Trưởng Ban Trị Sự gì, Ngài chỉ muốn yên tu, giúp đở bá gia bá tánh. Nhiều lần từ chối, nhưng có được đâu! Đành phải chấp nhận đảm đương Phật sự, để khỏi cô phụ tứ ân và lòng tin tưởng của Tăng-Ni, Phật tử trong toàn tỉnh.
Hồi đó, quý Thầy Sa di nằm phía sau nhà Tổ, nhưng cách nhà xí không xa. Thành thử dễ dãi cho những người đi tiểu đêm, nhưng vô cùng khó khăn cho những người có tỷ căn thông lợi.
Vì thời gian 3 tháng hạ nhằm mùa vừa mưa vừa nắng, không khí ẩm thấp nhiều, mùi hương nơi nhà xí dễ lan toả.
Quy luật tự nhiên mà, chỗ nào gần lan toả trước, rồi đến những chỗ xa. Suốt 3 tháng hạ, cả chùa không hướng nào không bị toả hương. Nhiều vị Sa di trẻ tuổi, nhưng đã thể hiện cung cách của người lớn tuổi, khó tánh, thắc mắc: "sao ban tổ chức không giải quyết, để lâu dễ sanh bệnh". Chờ thời gian dài, nhưng không thấy ai dám lên tiếng. Một hôm, buổi chiều, ngồi trên ngôi nhà mồ phía sau, tôi tự tìm ra câu trả lời và chia xẻ với huynh Trí Nguyên, Trí Thành và Thiện Nghĩa: Vì là chùa Hương mà, không có hương thì đâu được gọi là chùa Hương. Quý Thầy bạn cười quá xá, chắc đó cũng là câu trả lời thoả đáng nhứt.
Có lần mưa tầm tả cả ngày lẫn đêm. Tội nghiệp quý Thầy Sa-di ở cạnh ngoài, trong đó có tôi. Mưa tạt ướt mùng mền chiếu gối hết, đâu ngủ nghỉ gì được. Phía dưới, đa phần là quý Sa-di tuổi trẻ, sức khoẻ dồi dào. Không ngủ hai ba bửa, có mất miếng thịt nào, có giảm ký lô nào đâu. Bèn tập trung lại cái bàn lớn chính giữa, vừa học tập vừa trò chuyện, cho qua cơn mưa.
Hồi nhỏ, không biết chuyện gì, mấy Sa-di ăn ý, gặp nhau nói hoài mà không hết. Đang xì xào đến nữa khuya, Hoà thượng Hoá chủ mang guốc dong lọc cọc, từ nhà Tổ bước xuống. Nét mặt nghiêm nghị, không nói không rằng, mà có công năng giải quyết được đám đông một cách nhanh chóng. Thế mới biết năng lực tu hành và đức độ của Ngài ra sao rồi!
Hằng ngày, ngồi dưới nhà Tổ, nơi bàn làm việc và tiếp khách, nhưng Ngài vẫn chú tâm trên chánh điện, nghe quý Thầy và mấy ông đạo tụng kinh có mùi không. Đối với Hoà thượng, thầy chùa tụng kinh phải cảm mới được, tụng làm sao người ta khóc mới hay chớ.
Trường hạ năm đó, có Thầy Lệ Thành, Lệ Hoa chùa Phước Ân, trong ngã tư Cây Bường và Thầy Chơn Minh, chùa Phước Lâm, dưới Đường Chùa vô cầu Bình Tiên có giọng tụng kinh rất đặc biệt, không thua Minh Cảnh, Út Trà Ôn, Trọng Hữu. Hoà thượng ưu ái những vị này nhiều lắm.
Ngồi dưới bàn tiếp khách, tâm hồn hoà theo tiếng kệ lời kinh của đại chúng, ngón tay nhịp theo điệu tán tụng trên chánh điện. Ai trật nhịp, hoà thượng biết liền. Đợi xuống nhà Tổ, tụng xong, Ngài lên tiếng điều chỉnh. Có bửa Ngài còn lên chánh điện, điều chỉnh tại chổ mới 'bể mặt chớ'.
-"Nè..., mấy ông đạo, tụng kinh kiểu gì kỳ cục vậy? Ở chùa mà tụng kinh không có chút tương chao gì hết. Ở chùa làm gì, về cưới vợ sướng hơn".
Ai nấy đều kinh hoảng, nhắm mắt, nhiếp tâm trong nổi lo sợ. Rồi chiều xuống, sau khi dược thạch xong, Hoà thượng đến trước đại chúng, tác bạch sám hối:
- "Hồi chiều, nóng quá nói vậy, quý Thầy đừng giận nghen. Bởi nghề nghiệp mà, thà đánh tôi chết còn sướng hơn bắt tôi phải nghe người khác tụng kinh, hay tán trống, đánh khánh trật nhịp, lạc giọng". Rồi Ngài cười hè hè, vô tư!
Tánh tình Hoà thượng là vậy, ở một tháng có thể thấu hết ruột gan. Bộc trực thẳng thắng, nhưng dễ hờn mác. Có giận ai cũng không giận lâu. Ngài thường nhắc câu trong Kinh Di Giáo: "Tăng hận bất quá nhứt túc. Mà ngu sao giận. Giận nhiều, bệnh xuyển kéo khò khè, chịu sao nổi!" Thành thử, quý Hoà thượng ở các nơi cũng rất cảm thông nhưng ngán lắm. Có vị biết ý, lúc sắc diện Hoà thượng đổi màu, từ bình thường qua màu đỏ, từ đỏ trở lại xanh, là phải lánh mặt ngay, đừng dại dột đứng đó để Hoà thượng gặp. Vì hể gặp ai, Ngài búa thẳng thừng, trúng ráng chịu. Xong rồi, một vài tiếng sau, gặp lại, Hoà thượng thường nói: "hoan hỷ, hoan hỷ, đại hoan hỷ, hoan hỷ cái rắt!"
Có lần, đang làm chùi ống khói, châm dầu đèn, tôi nghe Hoà thượng Kim Huê góp ý, "Hoà thượng giận lên sao la đạo chúng nhiều quá, rầy kiểu đó, ai chịu nỗi?". Ngài Phước Hưng trả lời chân thật: "tui đâu muốn vậy, nhưng vì bị bệnh xuyễn, lúc lên cơn trong người nóng bức khó chịu, bệnh giận chứ tui đâu có giận", rồi Ngài cười hè hè, kính Hoà thượng một ly cà-phê!
Toàn tỉnh lúc đó, có thể nói, Hoà thượng là một trong số ít vị, thể hiện khí khái đại hùng, đại lực, đại từ bi nhứt. Nhưng tình cảm rất dạt dào, tâm hồn vô cùng nhạy cảm, đụng chuyện đau thương bi luỵ là có thể chảy nước mắt. Nước mắt thoát ra từ con tim rung động tình người, tiếng khóc vọng về từ tâm thức vô ngã, chứ không phải nước mắt cá xấu, tiếng khóc đầy toan tính, hơn thua!
Nhớ sau khi mãn hạ, Ngài ngồi khóc sướt mướt khi quý Thầy tuần tự lên đảnh lễ, trở về bổn tự của mình. Ngài còn nói: "Quý Thầy đi rồi, chùa vắng vẻ, buồn quá! Ai ở lại cúng rằm, tôi cúng dường vài ngàn xài chơi!" Nhưng không ai dám ở lại. Xa vắng chùa chuyền, Phật tử 3 tháng, đâu phải thời gian ngắn. Nhứt là mấy vị Sai di hình đồng, hay khu ô, tuổi còn thơ dại, nhớ chùa, nhớ bổn sư, nhớ huynh đệ, bổn đạo là cái chắc. Lúc đi thì nằn nặc đòi đi, lúc về cũng ham về như cứu lửa cháy đầu.
Dù vẫn biết thời kỳ khó khăn, kinh tế eo hẹp, tứ sự cúng dường hạn chế, nhưng Hoà thượng lúc nào cũng xuống dưới nhà bếp, ngó chừng, dặn dò mấy vị phụ trách nhà trù, trai phạn nấu nướng cho ngon, cho nhiều. Ngài không đành lòng nhìn thấy quý Thầy ăn uống kham khổ như thời xưa. Nếu chẳng đủ chi phí, Hoà thượng phương tiện lên tiếng mượn đầu này, đầu kia để lo cho đầy đủ. Nói thì nói vậy, nhờ đức độ của Hoà thượng và đại Tăng, khoá hạ năm đó vô cùng 'thắng tàng'.
Giờ đã thành người lớn, tôi mới nhớ và cảm thông với Ngài. Tấm thân bệnh hoạn lão niên, nhưng vẫn hy sinh, gánh vác trách nhiệm nặng nề cho con cháu. Những mong, nhân khoá an cư mỗi năm, tìm được người tài đức, sau này gánh vác Phật sự, hoằng pháp lợi sinh, truyền đăng tục diệm.
Quả thật, Phật pháp cũng không phụ lòng người có tâm đức. Ngoài Phước Hưng ngày xưa, Hoà thượng được Thầy Thiện Chánh là đệ tử ruột, phụ giúp Phật sự thật khéo léo và chu đáo.
Không như trong Kim Huê, đệ tử xuất gia rất đông, nhưng chưa thấy ai nổi bật để giúp sức hay trả ơn cho Tổ thầy. Còn ngoài Phước Hưng, tuy ít đạo chúng, nhưng toàn những hạt chắc. Quý Thầy đa phần đều đức độ, tài giỏi, nhất là tổ chức hành chánh, tổ chức lễ lạc. Phước Hưng đứng ra đảm nhiệm bất cứ lễ gì cũng 'xôm tụ, thắng tàng'
Ngoài những thời công phu, những lúc toạ thiền trang nghiêm thanh tịnh, tình huynh đệ, Thầy trò được thể hiện cởi mở. Vui nhứt là sau giờ dược thạch. Thông thường, Hoà thượng hay đến chổ mấy lu nước phía trước nhà Tổ để nhìn lên chánh điện hay nhìn ra bên ngoài. Vì Phước Hưng cất theo kiểu xưa, hình chữ Khẩu.
Giữa chánh điện và nhà tổ có khoảng trống nhất định. Một là để trồng hoa kiểng cho đẹp; hai là phong thuỷ gì đó, cho phước lộc đầy chùa; ba là hy vọng giữ chân những Tăng sĩ trong này đến ngày nhập diệt. Trước kia không biết ra sao, còn năm đó, nơi này đã bị bê-tông hoá hết rồi. Sạch sẽ, dễ quét dọn, để được vài lu nước. Dễ cho mấy vị làm hương đăng.
Hoà thượng có nuôi mấy con quy tuổi thọ cao lắm. Nhiều hôm, con đực rượt con cái hay con cái rượt con đực chạy vòng vòng, vui lắm. Quý Thầy ở xa mới tới, đâu quen nhìn thấy cảnh này, nên ngạc nhiên, la lên om xòm: "Nhìn kìa, nhìn kìa, hai con quy xà nẹo với nhau. Loài thú mà cũng biết mấy chuyện đó nữa sao trời". Tới giờ, tôi cũng chẳng biết con nào đực con nào cái!
Hoà thượng vừa nhìn thấy, vừa nghe vậy bật miệng nói bâng quơ: "trong chùa mà tụi bây bậy bạ quá. Sanh tử luân hồi, khổ ải triền miên khói lửa, mà hỏng ai sợ". Rồi quay qua phía quý Thầy Sa di nói tiếp: "Nè, mấy ông đạo, phải ráng lo tu à nghe. Đừng như tụi nó là chết dở, hư đời luôn. Tu mới chắc ăn, thắng tàng được à nghe, còn không tu là khổ suốt kiếp đó"!
Lời nói như khôi hài, nhưng thấm thía vô cùng. Tấm lòng của Hoà thượng với kẻ hậu bối sao y như những tấm chân tình của các bậc sinh thành đối với với con cái. Đôi mắt ai cũng rực sáng một niềm tin, trái tim ai cũng đủ đầy hùng tâm, hùng lực của kẻ xuất trần. Tôi đã tự hứa với lòng, và phát nguyện với Hoà thượng, là sẽ gắn chặt lời dạy vô giá này trong tâm trí, máu thịt của mình trên những đoạn đường đi!!
Quỳnh Mai (Tuvien.com)