Sức khỏe tinh thần nâng cao sức khỏe thể chất. Trái lại, cơ thể khỏe mạnh cũng thúc đẩy sức khỏe tinh thần. Vì thế, thân và tâm là hai thực thể luôn luôn tác động lẫn nhau.

Năm nguyên tắc của sức khỏe tinh thần


Tuy nhiên, tâm ảnh hưởng vào thân nhiều hơn thân tác động đến tâm. Sức khỏe tinh thần liên kết với cảm giác cân bằng. Không có trạng thái này, tâm không thể nào khỏe mạnh. Thế nên, nguyên tắc của sự cân bằng cũng chính là nguyên tắc của sức khỏe tinh thần vậy.

Nguyên tắc đầu tiên của sức khỏe tinh thần là tự biết mình. Một người không thể tự biết điểm mạnh, điểm yếu của mình sẽ không thể có được một tinh thần khỏe mạnh. Chúng ta không biết được sức mạnh của chúng ta bởi chúng ta còn yếu kém và có cảm giác đang bị đau khổ. Chúng ta dễ dàng bị kích động khi ai đó đối xử tệ bạc với mình là do chúng ta không biết những yếu kém của chính bản thân. Trong những trường hợp như thế, chúng ta thường lờ đi việc xem xét bản thân mà chỉ cố gắng tìm cách phê phán người khác.

Nguyên tắc thứ hai của sức khỏe tinh thần là sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm đối với những gì mình đã tạo ra. Chúng ta không sẵn sàng để hình dung hậu quả mà chúng ta gây tạo, và đó là lý do tại sao tâm chúng ta không được an lạc. Thật không lành mạnh khi tránh né trách nhiệm do những gì mà mình gây tạo. Điều đó có thể dẫn đến những bệnh hoạn về mặt tinh thần. Những người như thế cần khuyến khích để chấp nhận điều sai trái của bản thân. Một cái tâm yếu kém sẽ không có được tính can đảm này.

Mọi người nên nhận lấy trách nhiệm đối với kết quả thiện cũng như bất thiện mà mình gây tạo. Chỉ với những người yếu kém mới tìm kiếm lỗi lầm ở người khác và mong muốn cứu lấy thân phận của riêng họ. Nói chung, chúng ta đều mong muốn được ca ngợi mà không sẵn sàng nhận lấy những lời trách cứ.

Niềm tin vào chân ly là nguyên tắc thứ ba của sức khỏe tinh thần. Chân lý là sự trải nghiệm của quy luật bao trùm khắp vũ trụ. Chết là một quy luật của vũ trụ, không có trường hợp ngoại lệ. Tất cả các đấng tiên tri và các vĩ nhân trên thế giới đều phải đối diện với cái chết. Không ai là bất tử. Mỗi người khi đã được sinh ra đều phải chết vào một ngày nào đó. Chết, vì thế, là một chân lý. Cũng thế, nghiệp và thời gian cũng đều là chân lý. Người nào chấp nhận sự vận hành quy luật tự nhiên của vũ trụ là người có đầy đủ sức khỏe tinh thần.

Khoan dung là nguyên tắc thứ tư của sức khỏe tinh thần. Những người không khoan dung sẽ luôn luôn đau khổ. Hơn nữa, hành vi của những người không khoan dung vốn luôn thay đổi (không thể đoán định được). Nếu như một người không khoan dung đang ngồi thiền và cái quạt bỗng dưng ngừng chạy, tâm anh ta sẽ trở nên bực bội, và việc thiền định của anh ta bị phá vỡ.

Những người làm chủ được khoan dung thường không quan tâm đến việc được và mất. Tài sản và giàu có vốn không lâu bền. Nóng và lạnh, hạnh phúc và khổ đau, thuận tiện và bất tiện đều không ảnh hưởng đến họ; không những thế, họ còn có thể tác động đến những người vốn không có được sức mạnh cần thiết để đối mặt với những khổ đau. Những người được sinh ra và được nuôi nấng trong điều kiện hoàn toàn khó khăn, thiếu thốn thường dễ dàng phát triển tinh thần khoan dung độ lượng.

Nguyên tắc thứ năm của sức khỏe tinh thần là chúng ta nên hiện diện như chính chúng ta đang là. Chúng ta không nên sắp đặt cho những hiện diện đó. Nhìn chung, ai cũng luôn tỏ ra mình là người có trình độ, địa vị xã hội cao, và khi mọi người nhìn vào họ trong những màu sắc thực sự của họ, họ như bị đặt trong tình thế khó xử. Tính hay giấu diếm này đã tạo ra những cảm giác bệnh hoạn.

Những người nào sắp đặt cho những hiện diện này không chỉ dối trá người khác, mà họ còn tự dối trá chính bản thân họ. Họ tạo ra những khó khăn trở ngại cho tất cả.

Chúng ta thường cố gắng tạo ra những ấn tượng sai lầm trong suy nghĩ của người khác nhằm che giấu bản chất thật của mình. Bạn không thể nào che giấu thực tế này mãi được. Chỉ những người có tâm yếu kém mới cố gắng che giấu thực tế. Ngược lại, những ai có tâm hồn mạnh mẽ và tráng kiện, người đó sẽ luôn luôn hiện diện như chính sự thật mà họ đang là.

ACHARYA MAHAPRAJNA - Thiện Hưng dịch
(Theo The Times of India)


Về Menu

Năm nguyên tắc của sức khỏe tinh thần