Phân tích Phẩm Phương tiện b
Phân tích Phẩm Phương tiện: b)

Phân tích Phẩm Phương tiện: b)


Kinh văn: Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà nói kệ rằng: Đấng Thế Hùng bất khả lường, hàng chư thiên và thế nhơn, tất cả loài chúng sanh, không ai biết Phật được. Phật đủ 10 lực, bốn Vô sở úy, tám giải thoát, các tam muội và các pháp khác của Phật, không thể nào trắc lường hết được.

Giải thích: Đây là bài tụng tán thán Phật và pháp. Bốn câu đầu tán thán Phật là Đấng giác ngộ được thật tướng sâu xa, là Đấng có đầy đủ công đức chúng sanh không thể nào thấu hiểu hết được. Bốn câu sau là tán thán pháp, tức tán thán những điều đức Phật chứng ngộ được như mười lực, bốn Vô sở úy..., những pháp này chúng sanh cũng không thể nào trắc lường được.

Kinh văn: Vốn từ vô số các đức Phật, thật hành đầy đủ các đạo, pháp thậm thâm vi diệu khó thấy khó hiểu. Trải vô lượng ức kiếp, tu các đạo hạnh ấy xong, ở nơi đạo tràng chứng thành quả giác, Ta đã đều biết hết. Như vậy, đại quả báo và các nghĩa tánh tướng chỉ có Ta cùng mười phương chư Phật mới có thể biết việc đó, pháp ấy không thể chỉ bày, tướng ngôn ngữ vắng bặt, các loài chúng sanh khác, không làm sao hiểu được, trừ chúng Bồ-tát bằng sức tin kiên cố (mới tín giải mà thôi).

Giải thích: Đoạn kinh này cũng là tiếp lời tán thán trên.

Trên là tán thán Phật và pháp của Phật chứng ngộ.Tại sao đức Phật lại chứng ngộ được các pháp đó? Bởi vì như trên đã nói, không phải một hai ngày mà phải rất nhiều công phu tu tập trãi qua vô số kiếp, gặp vô số các đức Phật, thực hành đầy đủ đạo hạnh, cho nên đức Thích Tôn mới chứng được những pháp đó. Những pháp Phật chứng ngộ được rất là thậm thâm vi diệu. Mà pháp đó là gì? Tức chỉ cho thật trí và quyền trí, hay nói rộng ra là 10 trí lực, bốn điều không sợ, tám món giải thoát,... Do đó Ngài đã chứng thành quả vị Bồ-đề nơi đạo tràng, và điều đó Ngài đã biết rõ.

Chỉ có đức Thích Tôn cũng như 10 phương chư Phật khắp cùng biết rõ đại quả báo và các tánh tướng của các pháp. "Quả báo tánh tướng" ở đây là nói tóm gọn "10 như" ở trước. Tánh tướng là đứng về nhơn, quả báo là đứng về quả báo. Cho nên bốn tướng này tóm thâu cả 10 như thị. Chỉ có đức Phật và 10 phương các đức Phật mới biết rõ pháp đó, mà pháp đó là pháp dứt bặt các tướng ngôn từ, không thể dùng ngôn từ để chỉ thị ra được, bởi vì pháp ấy cần tri chứng, thì phải dùng bằng trí chứng. Ngôn từ chỉ có thể là phương tiện chỉ dẫn, ngôn từ không thể nói đích thật pháp mà Phật chứng ngộ.

Cho nên đối với pháp đó tướng ngôn từ vắng bặt, các loài chúng sanh không thể hiểu được.


Nhưng chúng sanh không hiểu được thì làm sao ngộ được trí chứng của Phật, học theo trí của Phật, để đạt đến trí của Phật được, duy chỉ các hàng Bồ-tát bằng sức tin kiên cố mà hiểu được, hiểu bằng tín giải chứ chưa hiểu bằng chứng giải. Nghĩa là dựa theo lời Phật dạy rồi phát lòng tin vững mạnh nơi lời đức Phật mà hiểu.

Đối với các vị Bồ-tát trước khi kiến đạo, thì đầy đủ bốn chứng tịnh hay bốn bất hoại tín là tin Phật tin Pháp, tin Tăng, tin Giới. Bốn thứ này người học đạo phải tin vững chắc không lay chuyển, không thay đổi. Khi người học đạo có đủ bốn đức tin như thế thì người đó đã gần tới địa vị kiến đạo. Chẳng những hàng Bồ-tát như vậy, mà những người học đạo cũng đều phải như vậy. Cho nên đức Phật nhắc nhở đến đức tin kiên cố để tín giải Phật pháp. Nếu không thì luôn luôn chỉ đứng ngoài cửa chứ không làm sao vào nhà Phật pháp được.

Kinh văn: Các đệ tử Phật, từng cúng dường các đức Phật, tất cả lậu đã tận, ở vào thân tối hậu, những người như thế sức họ không kham hiểu nổi.

Giải thích: Nghĩa là trừ hàng Bồ-tát dùng sức tin kiên cố nói trên, bậc A-la-hán ở Thanh văn thừa, những vị này đã từng tu tập, từng cúng dường, từng đoạn hết lậu hoặc. -Nên nhớ lậu hoặc ở đây chưa phải là đoạn vô minh mà là đoạn dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, đó là ba thứ lậu trong tam giới chứ chưa phải đoạn vô minh lậu ngoài tam giới. -Khi đoạn hết lậu này rồi thì chứng A-la-hán, là thân cuối cùng, thân này không còn tái sanh trong tam giới nữa.

Cho nên một vị A-la-hán thành tựu là một vị luôn luôn có đầy đủ bốn nghĩa: Thử sanh dĩ tận (Do đoạn Khổ đế, chấm dứt sanh tử), phạm hạnh dĩ lập (Do thành tựu Đạo đế, đủa các phạm hạnh), sở tác dĩ biện (Do chứng Diệt đế, việc cần làm đã làm xong), bất thọ hậu hữu (Do chứng Tập đế, không còn trở lại trong sanh tử). Đầy đủ bốn nghĩa đó gọi là A-la-hán. Bất thọ hậu hữu là ở thân cưối cùng. Trong vòng luân hồi sanh tử của chúng sanh trãi qua vô lượng vô số thân khi loài này, khi loài khác, không biết ngang đến mức nào mới gọi là thân cuối cùng? -Đến quả vị A-la-hán là thân cuối cùng không còn tái sanh nữa. Những bậc A-la-hán như thế cũng không thể hiểu được pháp Phật chứng ngộ.


Kinh văn: Giả sử, đầy cả thế gian gồm có những người như Xá-lợi-phất, suy nghĩ cùng tột, chung nhau lại so lường cũng không thể so lường biết được trí của Phật.

Giải thích: Các vị A-la-hán không biết đã đành, những vị trí tuệ như Tôn giả Xá-lợi-phất, đầy cả thế gian chung nhau lại để suy lường pháp của Phật chứng ngộ cũng không thể được.

Kinh văn: Giả sử, đầy cả 10 phương đều như Xá-lợi-phất và các hàng đệ tử khác cũng đầy cả 10 phương cõi nước, cùng tột tư lường, chung nhau trắc lường, thì cũng không thể biết được trí chứng ngộ của Phật.

Đến hàng Bích Chi Phật lợi trí, ở thân vô lậu tối hậu và cũng đầy cả 10 phương giới, số những vị đó nhiều như rừng tre, chung nhau lại đồng nhất tâm, trãi qua ức vô lượng kiếp, muốn suy nghĩ thật trí của Phật cũng chẳng làm sao biết được phần ít.

Dù đến hàng tân phát ý Bồ-tát, từng cúng dường vô số Phật liễu đạt được các nghĩa thú, lại khéo thuyết pháp. những vị đó nhiều như lúa, mè, tre, lau đầy khắp cả 10 phương cõi, nhất tâm dùng diệu trí ở trong hằng sa kiếp đều cùng nhau tư lường cũng không biết được trí của Phật.

Cho đến hàng Bất thối Bồ-tát, số đó như hằng sa, nhất tâm cùng nhau tư cầu cũng không thể biết được trí của Phật.
Giải thích: Tóm lại, trí Phật, thật tướng Phật chứng ngộ, chỉ trừ hàng Bồ-tát, bằng sức tin kiên cố mới tín giải được một phần, ngoài ra, hàng tân phát ý Bồ-tát (Bồ-tát còn ở địa vị trước thập tín), bất thối Bồ-tát (Bồ-tát đã lên trên thập địa), A-la-hán, Bích Chi Phật và những vị có đại trí tuệ như Xá-lợi-phất đầy khắp cả thế gian chung nhau lại để tu lường cũng không ai biết được trí của Phật và cũng không ai biết được thật tướng Phật chứng ngộ.

Trí của Phật sâu xa như vậy, lý của Phật sau xa như vậy, điều đó để nói lên rằng cái sâu xa của Phật không thể biết được. Vì sao như vậy? Bởi vì lý này, trí này là cần thật chứng chứ không thể tư lường phân biệt. Nếu đem tư lường phân biệt thì dù có phân biệt đến vô số kiếp, đem bao nhiêu tâm tư lanh lợi khôn ngoan để phân biệt cũng không phân biệt được.

Dựa vào ý này để hiểu thì giáo pháp của Phật đối với chúng ta cũng vậy, điều này luôn luôn được đức Phật nhắc nhở. Nếu ai nghĩ rằng đem tâm tư phân biệt để hiểu lời Phật dạy thì lời ấy sẽ trở thành một môn triết lý, nó không là một chân lý cứu cánh, chân lý giác ngộ của Phật nữa. Cho nên trong kinh thường nhắc nhở chúng ta là cần phải chứng ngộ.

Và cũng như đoạn trước, đức Phật trong khi Ngài đang nói nửa chừng Ngài bảo "Thôi" không nên nói nữa. "Thôi" đó có ý nhắc nhở chúng ta là cần phải ly ngôn tự chứng chứ không phải cứ nói mãi trên ngôn từ mà hiểu được, cũng không thể bằng vào ngôn từ mà ngộ được.

Kinh văn: Lại này Xá-lợi-phất, pháp thậm thâm vi diệu vô lậu bất tư nghì Ta nay đã đầy đủ, chỉ có ta biết tướng ấy và mười phương chư Phật biết tướng ấy. Xá-lợi-phất nên biết, lời các đức Phật nói không đổi khác, hãy sanh đức tin to lớn đối với pháp của đức Phật nói. Pháp Thế Tôn lâu về sau cần phải nói chân thật.

Phật bảo chúng Thanh Văn và những người cầu Duyên Giác thừa, Ta khiến cho thoát khỏi sự trói buộc của các khổ, mau chứng được Niết-bàn, Ta dùng sức phương tiện để khai thị giáo nghĩa tam thừa, dắt dẫn khiến chúng sanh ra khỏi các nơi chấp trước.

Giải thích: Đoạn kinh này ý rằng, trong khi chứng ngộ cần phải đem lòng tin mới chứng giải được.

Có người nghĩ rằng, đạo Phật là đạo chú trọng về trí chứ không chú trọng về đức tin, còn các đạo khác thì chủ trương về đức tin chứ không chủ trương về trí. Nhưng nên hiểu rằng trong Phật giáo không phải không có đức tin, nhưng đức tin đó luôn luôn dựa theo giải (sự hiểu biết) tức trí tín, chứ không phải hoàn toàn trí mà không có tín. Nói có đức tin nghĩa là đối với những pháp chưa có thể nhất thời liễu ngộ, chứng ngộ rõ ràng được thì chỉ bằng vào lòng tin, mà khi đã hiểu rõ pháp đó rồi thì gọi là ngộ chứ không phải tín nữa.

Ví dụ, như tôi nói các vị hãy tin tôi, các vị vào đây tôi sẽ cho một vật rất quý, mà vật quý đó các vị chưa thấy. Như vậy, vật tôi sẽ cho đó các vị chưa biết (giải). Nhưng các vị tin tôi, bằng vào bao nhiêu lần nói khác, tôi nói đúng thật, không hư dối. Hôm nay, tôi bảo các vị vào đây để các vị vật quý đó, các vị tin theo tôi nên vào. Đó gọi là tín giải.

Nếu các vị không tin, đòi phải cho thấy rồi mới chịu vào, nhưng mà vật đó vốn dĩ nằm bên trong chứ không thể đem ra ngoài cho các vị thấy được, nếu như các vị không chịu tin lời tôi, cứ ở bên ngoài thì luôn luôn các vị không làm sao thấy vật quý đó được. Có tin lời tôi đi vào thì mới thấy, đó gọi là tín giải, có tín giải mới đi đến chỗ chứng giải, chứng ngộ.

Qua câu chuyện bà Kisagotami sau đây để hiểu thêm: Bà Kisagotami sanh được một đứa con duy nhất, trong khi sống bên nhà chồng, bà không được thương yêu, nhờ khi sanh đức con mà bà được thương yêu đôi chút, cho nên, đứa con đó đối với bà là một vật quý báu, một nguồn an ủi, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu hạnh phúc của mình đều đặt nơi đứa con. Nhưng không may con bà chết. Bà sầu khổ cùng tột, không chịu đem xác con đi chôn. Bà ôm xác con đi cùng khắp để tìm thầy cứu sống. Có người hiểu được hoàn cảnh nên chỉ bà đến đức Phật cầu cứu.

Bà ôm con tìm Phật, đức Phật dạy bà hày đi xin một ít hạt cải nơi nhà nào xưa nay không có người chết đem về, Ngài sẽ cứu cho. Bà tin theo lời Phật dạy, đi gõ cửa từng nhà xin hạt cải, ai cũng sẵn lòng cho, nhưng khi hỏi nhà này xưa nay có ai chết không thì họ đều ngạc nhiên và trả lời rằng hoặc cha chết, mẹ chết... Cứ dần dần từ nhà này đến nhà kia đều trả lời giống nhau, làm tâm bà bừng tỉnh, hiểu rõ luật vô thường có sanh là có chết. Bà lặng lẽ đem xác con đi chôn rồi trở về bạch Phật rằng: -Bạch đức Thế Tôn, việc Ngài dạy con đi xin hạt cải con đã làm xong, xin đức Thế Tôn chứng cho.

Qua câu nói của bà Kisagotami, chứng tỏ một người từ lòng tin mà đi đến chỗ chứng ngộ. Nếu như không tin lời Phật dạy thì chắc bà nói "nếu Phật có cứu thì đưa cho chớ con có biết đâu mà xin", mà nếu không tin lời Phật thì bà ấy không bao giờ tự mình giác ngộ đích thật được điều Phật chỉ cho: Cuộc đời là vô thường có sanh tức có chết.

Thứ nữa, qua câu chuyện cho thấy rằng giáo pháp Phật, tin rồi là phải thực hành, không thể ngồi đó chờ Phật mang sự hiểu biết, sự sáng suốt tới cho mình được. Nếu như bà Kisagotami bảo, Phật có cứu thì Ngài hãy xin thuốc về cho, còn bà cứ ngồi đó chờ thì chắc chắn bài học giác ngộ của bà không bao giờ thành tựu được. Nếu bà cứ ngồi đó và Phật giải thích thì bà cũng chỉ hiểu sự vô thường một cách lờ mờ không xác thực, không thấm thía bằng chính bà học bài học đó từ miệng mọi người, từ sự kiện thực xảy ra.

Thành ra, từ chỗ tín đi tới chỗ giải, chỗ ngộ, hai thứ đó phải song hành, Phật giáo không gọi bằng tín vì đó luôn luôn đi với trí, nếu tín mà không có trí thì thành mê tín, tín đó không đi đến chỗ xác thực. Nhưng phải có tín và tín đó phải đi đôi với trí. Trong kinh văn Phật bảo: "Tin lời Ta nói không khác". Chữ "không khác" có hai nghĩa: Một là đức Thích Tôn nói, lời Ngài đã nói hôm trước và nói hôm nay là như vậy, tuy trên phương diện ngôn từ có khác, nhưng trên phương diện ý thức không khác, "vô dị".

Thứ nữa, ý rằng 10 phương chư Phật đồng chứng như nhau, đồng có trí tuệ như nhau, thì cũng đồng nói pháp như nhau, "Phật ngữ vô dị".

Nhưng vì sao Phật cứ nhắc đi nhắc lại là cần phải tin lời Phật nói không khác? -Bởi vì đức Phật sẽ nói một pháp mà đối với hàng nhị thừa sẽ kinh ngạc, khó tin, cho nên Phật phải nhiều lần nhắc đi nhắc lại "Pháp Thế Tôn lâu về sau cần phải nói chân thật". Sao gọi là lâu về sau? -Nghĩa là sau bao nhiêu năm thuyết giáo đến những năm cuối cùng Ngài mới nói pháp chân thật mà chính Ngài muốn nói từ lâu, cho nên gọi là lâu về sau.

Đoạn kinh "Những hàng Thanh Văn và những người cầu Duyên Giác thừa... dẫn dắt chúng sanh ra khỏi mọi chấp trước", xứ xứ trước tức đắm trước mọi nơi. Chúng sanh ở dâu thì đắm trước nơi đó, đắm trước về thân, tâm, cảnh giới, về tập quán, về nghiệp lực của mình. Nếu như đức Phật không dùng sức phương tiện nói tam thừa để dẫn dắt thì không làm sao đưa chúng sanh ra khỏi (xứ xứ trước).

Kinh văn: Lúc bấy giờ, trong đại chúng, có các hàng Thanh Văn lậu tận A-la-hán như A-nhã Kiều-trần-như... một ngàn hai trăm người và các vị phát tâm cầu Thanh Văn, cầu Bích Chi Phật, các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, mỗi mỗi đều nghĩ rằng: Nay đây, vì cớ gì đức Thế Tôn ân cần tán thán pháp phương tiện mà nói rằng: "Pháp của Phật chứng ngộ thậm thâm khó hiểu, có nói dạy gì ý thú khó biết, tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật không thể biết kịp?" Phật nói nghĩa Nhất giải thoát thì chúng tôi đây cũng đã được pháp đó, đạt đến Niết-bàn rồi, mà nay không biết nghĩa thú về đâu.

Giải thích: Đây là đoạn đại chúng nghi mà Tôn giả Xá-lợi-phất là tiêu biểu. Nên nhớ ở phẩm Tựa, Phật chỉ hiện thần thông, phóng quang, nhập định, đại chúng thấy các điềm lạ mà sanh nghi. Nghi Phật hiện các thụy tướng đó để làm gì? Phẩm Tựa Phật chỉ "mật khai tam hiển nhất", nghĩa là Phật ngấm ngầm khai tam thừa để hiển Nhất thừa nên đại chúng chưa có sanh nghi như ở phẩm Phương Tiện. Qua phẩm Phương Tiện mới "hiển khai tam hiển nhất", nghĩa là, Phật nói trắng ra việc khai Tam thừa hiển nhất thừa như: "Ta dùng sức phương tiện để khai thị giáo nghĩa Tam thừa", "Pháp của Ta lâu về sau cần phải nói chân thật". Khi Phật nói rõ đến lý chân thật, đó là hiển, vì "hiển khai Tam hiển Nhất" cho nên các vị A-la-hán và đại chúng mới sanh lòng nghi. Không biết vì sao trước Phật tán thán cả hai trí (Thật trí và Quyền trí) mà đến đây Phật chỉ tán thán Quyền trí.

Thứ nữa, pháp của Phật chứng ngộ được Ngài diễn bày ngôn thuyết,mà ngôn thuyết đó cũng khó hiểu, khó biết, lời gần ý xa. Trong chúng tự thấy mình là Thanh Văn, là Bích Chi Phật mà không biết được. Phật nói Nhất giải thoát, nghĩa Nhất giải thoát là thế nào? Phật đã từng nói ai tu theo pháp Tứ đế,Thập nhị nhân duyên sẽ được giải thoát, Hữu dư, Vô dư Niết-bàn đồng y như nhau, pháp đó gọi là Nhất giải thoát, thì chính pháp đó nay đây chúng ta dã dược rồi, bây giờ, Phật lại nói đó chỉ là pháp phương tiện để đưa về pháp chân thật. Không biết cái nghĩa đó rồi sẽ đi về đâu, cho nên, trong chúng sanh lòng nghi. Nghi đây là vì do Phật nói rõ ý "khai tam hiển nhất" vậy.

Tóm lại, ý thú Phật nói ra khiến hàng đệ tử khó biết mà sanh nghi có ba lý do:

- Trước Phật tán thán cả hai trí, nay tại sao Phật lại chỉ tán thán có Quyền trí thôi, đó là điêù khó hiểu thứ nhất.

- Tại sao trước đức Phật không nói Tam thưà là phương tiện mà bây giờ Ngài lại nói Tam thừa là phương tiện, ý đó cũng khó hiểu.

- Còn chân thật nào nữa mà Phật nói "lâu về sau sẽ nói ý chân thật, thế thì từ trước tới nay Phật chưa nói lý chân thật sao? Và những giáo lý Phật nói đều không chân thật sao? Đó là những điều hàng đệ tử không hiểu cho nên sanh lòng nghi.

Kinh văn: Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất biết tâm của tứ chúng nghi hoặc, và tự mình cũng chưa rõ nên mới bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì Ngài lại ân cần tán thán đệ nhất phương tiện của Phật là pháp thậm thâm vi diệu nan giải. Thật, con từ xưa đến nay chưa từng nghe Phật nói như vậy. Nay đây, cả bốn chúng đều có chỗ nghi, trông mong đức Thế Tôn, hãy phô diển việc này. Đức Thế Tôn vì cớ gì lại ân cần tán thán pháp thậm thâm vi diệu khó hiểu?

Giải thích: Thậm thâm vi diệu khó hiểu tức là nói về Quyền trí hay Phương tiện trí. Vì Phật nói rõ như vậy nên chúng sanh nghi. Trước là nói ba việc chúng không hiểu, giờ nói về việc nghi của chúng có ba:

Nghi giáo: Trước kia Phật nói Tam thừa, tu theo thừa nào thì chứng quả thừa đó, Phật không nói

Đại thừa. Tiểu thừa hay pháp này cao, pháp kia thấp gì hết, cũng không nói pháp này thật, pháp kia quyền. Thế mà ngày hôm nay Phật nói Tam thừa là: phương tiện, Nhất thừa mới là chân thật. Vậy thì lời dạy trước kia đúng hay lời dạy hôm nay đúng? Và biết đâu ngày mai Ngài sẽ nói Nhất thừa là phương tiện còn có pháp khác mới là chân thật?
Nghi nhơn: Nghi chính đức Phật, một vị nói trước sau bất nhất như vậy có phải Phật hay không, hay là ma?
Nghi mình: Trước kia nghĩ rằng, mình đã chứng quả A-la-hán. Như Tôn giả Xá-lợi-phất đã từng được Phật ngợi khen là bậc trí tuệ đệ nhất, thế mà giờ đây đối với lời Phật dạy không hiểu gì hết nên nghi mình có phải là trí chưa, mình có thật chứng La-hán không? Và tại sao Ngài lại ân cần tán thán đệ nhất phương tiện của chư Phật?

Chữ "đệ nhất phương tiện" có hai nghĩa:

- Diệu dụng phương tiện thuyết pháp này chỉ có đức Phật mới đủ sức dụng để thuyết pháp cho chúng sanh.

- Phật phương tiện nói Tam thừa để đưa đến nhất thừa, như vậy, Tam thừa là phương tiện của nhất thừa.

Kinh văn: Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất muốn lặp lại nghĩa này mà nói bài kệ rằng:

Đấng Huệ nhất đại Thánh Tôn, lâu xa mới nói pháp, tự nói rằng mình được thập lực như vậy, Tứ vô sở úy, Thiền định tam-muội, giải thoát như vậy là những pháp bất tư nghì. Pháp đã chứng được nơi đạo tràng không ai phát ra lời hỏi được, ý của Ta (Phật) cũng khó trắc lường, không ai hỏi được. Không hỏi mà tự nói, xưng tán đạo tu hành, là trí tuệ rất vi diệu của chư Phật chứng đắc. Các vị lậu tận A-la-hán, những người cầu Niết-bàn, nay đều bị rơi vào trong lưới nghi. Cớ gì Phật nói như thế? Những người cầu Duyên giác, hay hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, các trời, rồng, quỉ thần và Càn-thác-bà... nhìn nhau lòng do dự nghi nan, chiêm ngưỡng đấng Lưỡng túc tôn, muốn biết việc đó là thế nào? Mong đức Thế Tôn nói cho.

Đối với chúng Thanh Văn, Phật nói con (Xá-lợi-phất) là đệ nhất. Thế mà con nay, đối với trí tuệ của mình, nghi hoặc không sao rõ được. Đó là pháp cứu cánh hay là đạo tu hành.

Hàng Phật tử từ miệng Phật sanh ra, chấp tay chiêm ngưỡng chờ mong Ngài buông lời vi diệu, đã đúng thời nên vì nói như thật.

Các hàng trời, rồng, quỉ thần số như hằng sa. Các vị Bồ-tát cầu Phật quả, số lớn cũng có tám vạn và Chuyển luân Thánh vương từ muôn ức cõi nước, đều đến đây chấp tay cung kính muốn nghe Ngài nói Đạo chân thật đầy đủ.

Giải thích: Huệ nhật đại Thánh Tôn là chỉ cho đức Phật, đấng đại Thánh tôn có trí tuệ như mặt trời. Dùng chữ Huệ nhật có ý rằng trí tuệ như mặt trời ấy phá được vô minh, giờ đây trí tuệ này hiển nhất chân lý nên gọi là Huệ nhật.
Đoạn này ý nói rằng Tôn giả Xá-lợi-phất nghĩ trí tuệ của mình thường được Phật tán thán là đệ nhất, nhưng kỳ thật chưa nhất gì hết. Bởi vì không hiểu được lời Phật dạy hôm nay là pháp cứu cánh hay là đạo tu hạnh? "Cứu cánh pháp" tức chỉ cho Niết-bàn hay Diệt đế; "Sở hành đạo" tức chỉ Đạo đế.
"Phật tử"; từ miệng Phật sanh ra, từ Pháp Phật được hóa sanh gọi là Phật tử. Nhờ nghe lời Phật dạy, từ kim khẩu Phật mà phát tâm tu hành trở thành đứa con tinh thần của Phật nên gọi là Phật tử.

Đoạn kinh trên là lời của Tôn giả Xá-lợi-phất ân cần cầu xin Phật thuyết pháp, cầu xin Phật giải nghi cho mình và đại chúng.

Kinh văn: Lúc bấy giờ, Phật bảo Xá-lợi-phất, thôi thôi không nên nói nữa. Nếu nói việc này thì tất cả thế gian, trời, người đều kinh hãi nghi ngờ.

Xá-lợi-phất lại bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, trông mong nói cho! Trông mong nói cho! Bởi vì sao? Bởi vì nơi hội này vô số trăm ngàn vạn ức A-tăng-kỳ chúng sanh, là những người từng thấy các đức Phật, các căn lanh lợi, trí tuệ minh liễu, nghe lời Phật nói tức sẽ kính tin.

Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất muốn lập lại nghĩa này mà nói bài kệ rằng:

Đấng Pháp vương vô thượng, trông mong Ngài nói, chớ có lo nghĩ, vô lượng chúng hội này, có người nghe được liền sanh tâm kính tin.

Phật lại bảo, thôi Xá-lợi-phất. Nếu nói việc này tất cả thế gian, trời, người, A-tu-la đều sẽ kinh hãi nghi ngờ, hàng tăng thượng mạn Tỳ-kheo sẽ rơi vào hầm lớn. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà nói bài kệ rằng: "Thôi thôi không nên nói, pháp Ta rất nhiệm mầu, khó nghĩ, các hàng tăng thượng mạn nghe chắc không kính tin".

Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất lại bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, trông mong nói cho, trông mong nói cho! Nay ở trong chúng hội này, những hàng so sánh như chúng con có tới trăm ngàn vạn ức, đời đời đã từng theo Phật chịu sự giáo hóa, những người kính tín, trường dạ an ổn được nhiều lợi ích. Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất muốn lập lại nghĩa này mà nói bài kệ rằng:

Đấng vô thượng lưỡng túc tôn, trông mong nói pháp đệ nhất, con là trưởng tử của Phật, mong dủ lòng từ phân biệt nói cho. Hội này vô lượng chúng, hay kính tin pháp đó. Phật đã từng đời đời giáo hóa chúng hội như vậy. Những người đó đều nhất tâm chắp tay, mong nghe và lãnh thọ lời Phật dạy. Chúng tôi một ngàn hai trăm và các người cầu Phật quả trông mong Ngài vì chúng này mà dủ lòng từ phân biệt nói cho. Những người như vậy nghe pháp này thì sanh tâm đại hoan hỷ.

Giải thích: Trong phần đầu của phẩm Phương Tiện, Phật có ba lần bảo "thôi" và ba lần Tôn giả Xá-lợi-phất thỉnh Phật nói pháp.

Lần đầu tiên, Phật đang tán thán thật trí và quyền trí nửa chừng Ngài bảo "thôi". Thôi lần đầu tiên có ý rằng pháp Phật chứng ngộ thâm diệu cao quá nói ra không được, không thể dùng ngôn ngữ văn tự để diễn tả phân biệt mà hiểu được, cần phải thân chứng, ly ngôn tự chứng, cho nên Phật bảo thôi. Nhưng sau lần Phật bảo thôi đó, giờ đây, Phật lại bảo "Ta đã dùng sức phương tiện mà nói tam thừa".

Phật gợi lên sự nghi ngờ rất lớn cho Xá-lợi-phất và đại chúng, cho nên, Tôn giả Xá-lợi-phất lại ân cần thỉnh Phật nói pháp. Thế là một lần Phật bảo "thôi" và một lần Xá-lợi-phất cầu Phật nói pháp. Khi Xá-lợi-phất cầu thỉnh Phật nói pháp, đức Phật lại bảo "thôi", "thôi" không nên nói, nếu nói việc này thì tất cả thế gian trời người kinh nghi. Đây là lần "thôi" thứ hai, lần này không phải vì pháp sâu xa mà bảo "thôi", nhưng vì căn cơ của hàng trời người thấp kém, sợ nghe pháp này sẽ sanh lòng kinh ngạc nghi nan cho nên Phật bảo "thôi". Phật bảo "thôi", Xá-lợi-phất lại một lần cầu thỉnh Phật nói pháp, ngài nêu lý do rằng những người trong hội chúng đều là những người đã từng thấy Phật, có căn tánh lanh lợi, có trí tuệ, có thể nghe được và có thể kính tin lời Phật dạy.

Khi Tôn giả Xá-lợi-phất cầu thỉnh Phật nói pháp lần thứ hai này thì Phật lại bảo "thôi, Xá-lợi-phất, nếu nói việc này, tất cả thế gian, Trời, Người, A-tu-la đều sẽ kinh nghi, hàng tăng thượng mạn Tỳ-kheo sẽ rơi vào hầm lớn". Đây là lần thứ ba Phật bảo "thôi". Lần này là vì không những hàng nhơn thiên kinh nghi, không kính tin mà chính ngay hàng A-la-hán cũng kinh nghi không kính tin nổi, hàng Tỳ-kheo tăng thượng mạn sẽ khinh chê phỉ báng, do đó, bị đọa địa ngục cho nên Phật bảo "thôi" không nói.

Đức Phật đã ba lần bảo "thôi" không chịu nói, nhưng Tôn giả Xá-lợi-phất lại lần thứ ba nữa nêu lý do rằng những người trong chúng hội này chẳng những nghe được lời Phật nói sanh lòng kính tin, mà cũng chính nhờ nghe lời Phật mà họ có được nhiều sự lợi ích an ổn, để thỉnh Phật nói cho.

Đó là nguyên nhân của ba lần Phật bảo "thôi" không nói và ba lần Phật lẫn Xá-lợi-phất cầu Phật nói. Và ba lần "thôi" ấy còn có ý rằng pháp Phật thậm thâm, Phật muốn chúng hội tập trung tư tưởng, chú ý vào và tập trung lòng mong cầu ham muốn nghe pháp.

Cũng để chứng tỏ rằng pháp tâm viễn này không thể nói phi thời mà phải nói đúng lúc, đúng thời. Thứ nữa là cũng để chờ những người trong hội không đủ sức nghe, những kẻ tăng thượng mạn đều lui ra. Bởi vì không nghe được mà ngồi đó thì sanh lòng phỉ báng sẽ bị đọa lạc, cho nên ba lần nói "thôi" đó cũng là một cách chờ cho hội chúng thuần nhất rồi sẽ nói.

Vì sao hàng A-la-hán mà còn kinh nghi? Vì bởi xưa nay nghĩ rằng mình là A-la-hán đã chứng Niết-bàn rồi, giờ đây Phật lại bảo đó mới là phương tiện, thì ra trước đây mình chưa chứng Niết-bàn gì hết! Đó là vì thấy mình có sự tổn hại nên kinh nghi. Một điểm nữa là trước đây Phật nói pháp tam thừa, tu hành có giới hạn, bây giờ Phật lại nói về Bồ-tát hạnh, thôi thì mênh mông vô cùng.

Lục độ vạn hạnh, hạnh nào cũng là Bồ-tát hạnh, hạnh nào cũng là hạnh độ sanh, không biết hạnh nào mà lường. Mà những hạnh ấy không phải tu một hai ngày hay một vài năm mà là vô lượng kiếp, thời gian lâu xa làm sao ai theo nổi? Trước Phật dạy tu theo Thanh Văn thừa, chứng Sơ quả Dự lưu thì chỉ pcòn bảy lần sanh lại Dục giới, đến Nhất lai chỉ còn một lần sanh lại Dục giới rồi chứng A-la-hán. Bất lai là không còn sanh Dục giới nữa mà ở trên Tứ Thiền, Ngũ tịnh cư thiên chứng A-la-hán thì không còn sanh tam giới nữa, phá sạch phiền não, thoát ly sanh tử, có giới hạn rõ ràng, còn Bồ-tát thì mênh mông trãi ba A-tăng-kỳ kiếp..., nên sanh kinh nghi. Đó là đa sự kinh nghi.

Hàng phàm phu mang ngã chấp nặng nề, tội chướng sâu dày, nghe Phật nói sanh ra phiền não điên đảo, gọi là điên đảo kinh nghi.

Hàng trí tuệ như Tôn giả Xá-lợi-phất nghe Phật nói pháp mà không hiểu, sanh lòng ân hận, thà trước kia mình đừng nghe đừng tu để đợi đến ngày hôm nay nghe rồi tu luôn khỏi hoài công vô ích, gọi là hối kinh nghi.

Khi nghe Phật nói thì sanh nghi ngờ, không biết Ngài nói như thế là thật hay là có sự luống dối, vì khi Phật nói thế này, lúc Ngài nói thế kia, đó là cuống kinh nghi.

Tóm lại, đây là đoạn mở đầu cho phần "Khai tam hiển nhất" ở sau. Sau ba lần cầu thỉnh, bấy giờ, Phật hứa nói.

Kinh văn: Lúc bầy giờ đức Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất rằng: "Ông đã ân cần ba phen thưa thỉnh há không nói được sao! Ông hãy nghe cho kỹ, khéo suy nghĩ và nhớ mãi, Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói".

Giải thích: Đức Phật hứa nói, nhưng khi nào Phật sắp nói pháp đều bảo "đế thính, thiện tư, niệm chi". Nhiều kinh đều có lời nhắc nhở này, trong lời nhắc nhở ấy có ý là khi nghe giáo pháp Phật là phải dùng Văn huệ. Tư huệ và Tu huệ chớ không phải nghe suông mà có thể hiểu được.

"Đế thính" thuộc về Văn huệ. Nghe một cách kỹ lưỡng, rõ ràng, ưa thích, có trí tuệ hiểu được trong khi nghe, đó là Văn huệ.

"Thiện tư" thuộc về Tư huệ. Nghe rồi phải suy nghĩ chín chắn.

"Niệm chi" thuộc về Tu huệ. Suy nghĩ rồi phải ghi nhớ mãi và phải thực hành, trì niệm.

Kinh văn: Khi Phật nói lời đó thì trong hội chúng có các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di năm ngàn người cả thảy, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ chân Phật mà lui ra. Vì cớ sao? -Vì hạng này tội căn thâm trọng và tánh tăng thượng mạn, chưa được cho là được, chưa chứng cho đã chứng, có sự tội lỗi như thế nên họ không ở lại. Đức Thế Tôn im lặng không ngăn chận.

Bấy giờ, Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất, nay đây trong chúng hội này của Ta không còn cành lá nữa mà thuần là hạt chắc thôi. Xá-lợi-phất, những kẻ tăng thượng mạn như vậy lui đi cũng tốt, ông nay hãy khéo nghe, Ta sẽ vì ông mà nói. Xá-lợi-phất bạch Phật rằng, thưa vâng, kính bạch Thế Tôn, con nguyện muốn nghe.

Giải thích: Khi Phật hứa nói thì trong hội chúng có năm ngàn người gồm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đứng dậy lễ Phật lui ra.

Trước khi Phật chưa nói thì họ còn ngồi, đến khi Phật hứa nói thì họ lui ra. Vì sao? Vì:

1. Tội căn thâm trọng, bởi những người này còn nặng về các phiền não chướng, báo chướng, nghiệp chướng nên không mong nghe pháp cao xa.

2. Vì tâm tăng thượng mạn nên không muốn nghe. Thế nào là tăng thượng mạn? -Chưa được nói là được, chưa chứng nói đã chứng hay mới được một chút ít mà cho là đủ rồi (đắc thiểu vi túc) nên không cần thêm nữa.

Tăng thượng mạn là một trong bảy món mạn. Bảy món mạn đó là:

- Mạn: Ỷ mình hơn người rồi nói mình hơn người, mình bằng người rồi nói mình bằng người. "Tôi hơn anh chứ, tôi bằng anh chứ!" Chính từ câu nói đó đã chứa "Mạn" trong ấy. Họ thua mình thật và mình hơn họ thật, nhưng hơn thua đó tự nhiên không nói không nghĩ đến thì thôi, nhưng khi nói ra hoặc đem lòng so sánh phân biệt tranh đua thì gọi là "Mạn".

- Quá mạn: Mình thua người mà cho mình bằng người, mình bằng người mà cho mình hơn người, lúc nào cũng đưa mình làm hơn người một bậc.

- Mạn quá mạn: Hạng này quá hơn nữa, thua người mà nói mình hơn, tự nâng mình lên hơn người đến hai bậc, nên gọi mạn quá mạn.

-Tăng thượng mạn: "Đắc thiểu vi túc" mới được một ít cho là đủ, mới tu sơ sơ, mới học một vài kinh cho là vừa rồi tu chi nhiều, học vậy là đủ rồi, hoặc chưa chứng Thánh quả mà cho là đã chứng. Người đã sa vào tăng thượng mạn là không tự biết được, vì tập quán lâu ngày che lấp tâm trí, khi nào cũng tự thấy mình hơn cả.

-Tà mạn: Các hàng ngoại đạo chấp những đạo lý sai quấy rồi tự phụ những ý kiến lý lẽ ấy, cho rằng hơn cả. Hoặc chấp tà nhơn, tà quả rồi tự thị nơi tà nhơn tà quả đó.

-Ti liệt mạn: Thua người đến một trăm phần mà nói thua ít ít thôi. Cũng chịu thua, nhưng thua chút chút, hoặc thủ phận mình thua, nhưng không chịu phục người hơn.

-Ngã mạn: Tự chấp lấy ngã và ngã sở của mình, khi chấp trước như thế thì bao giờ cũng thấy cái ngã của mình quí hơn cái ngã của người khác. Nói ra hay mặc nhiên trong tâm tư vẫn thấy bản ngã của mình hơn bản ngã của
người khác. Dù có tàn tật, nghèo khó đi nữa cũng vẫn thấy bản ngã của mình quí hơn. Ngã mạn này là căn bản của chúng sanh. Các "mạn" kia, hoặc có cái này, hoặc có cái kia, nhưng ngã mạn thì ai cũng có.Biết rõ tánh chất của bảy thứ mạn để chúng ta nghiệm lại tâm lý của mình và mọi người, tâm trạng ấy mỗi lúc thuộc về loại mạn nào để cách trừ diệt.

Khi năm ngàn người tăng thượng mạn bỏ đi ra, đức Phật nói: "Hàng tăng thượng mạn như vậy lui ra cũng tốt". Phật nói lui đi cũng tốt, in tuồng như Phật chẳng từ bi gì hết. Những đệ tử theo Phật nghe pháp xưa nay, giờ đây, họ bỏ ra đi mà Phật cũng không hề ngăn, cũng không khuyên, có những người ở đâu đâu mà Phật còn tìm đến để độ, còn những người ngồi trước mặt mà Ngài lại không độ, để họ đi ra lại nói: "Đi vậy cũng tốt". Nói có vẽ phũ phàng hất hủi!

Không, vì đức Phật biết rằng nếu những người tăng thượng mạn còn ngồi lại họ sẽ làm mất hạt giống Phật, bởi ngồi nghe mà sanh tâm phỉ báng, mất lòng tin sẽ bị đọa lạc, thà để họ lui ra còn hơn. Thứ nữa, nghe với tâm không mong mỏi lại phỉ báng thì sẽ phiền cho những người chung quanh, gây cái xấu cho người chung quanh, người chung quanh không được nghe một cách thuần nhất chân thành, nên Phật bảo lui đi cũng tốt là vậy.

Kinh văn : Phật bảo Xá-lợi-phất, diệu pháp như vậy, các đức Phật Như Lai đúng thời mới nói, như hoa Ưu-đàm-bát đúng thời mới hiện một lần. Xá-lợi-phất: các ông hãy tin điều Như Lai nói là không luống dối.

Giải thích: "Thời nãi thuyết chi" -đúng thời mới nói -diệu pháp của Phật nói ra phải hợp thời, không phải lúc nào cũng nói được, ví như hoa Ưu-đàm đúng thời mới nở.

Đoạn kinh trên đây là đức Phật tán thán diệu pháp.

Từ đây đến cuối phẩm thường bao gồm sáu ý này trong các đoạn văn:

1. Tán thán pháp.

2. Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại là lời Phật không hư vọng.

3. Đức Phật phương tiện mở tam thừa.

4. Phật chỉ thị đạo lý nhất thừa chân thật.

5. Vì gặp đời ngũ trược nên Phật phải phương tiện khai tam thừa.

6. Phật phân biệt hạng người đủ sức tin Phật Pháp và hạng không tin Phật Pháp để khuyến khích người có đủ sức tin cố gắng tin giáo pháp Phật.

Về Menu

phân tích phẩm phương tiện: b) phan tich pham phuong tien b tin tuc phat giao hoc phat phat phap thien phat giao

lẽ hoa ché song Khi thanh lý do vì đâu 2 trịnh phat khà su song sát bao tử Tản bông hÓng nào cho cha ï¾ ï½ giÃ çš si鎈 phan ung cua phat giao truoc cuoc tranh cu tong chùa đại giác chùa bongeun chốn bình yên cho tâm hồn 7 nhung hinh anh dang nho tai khoa tu mua he 2013 Ùng hon 100 ban tre phat nguyen quy y tam bao tai khoa thích Giáo mua xuan trong dao phat oàn uong sã ¾ Mùng địa đà Những nỗi sợ hãi cần vượt qua Những nỗi sợ hãi cần vượt qua tu buoi le truyen ngoi cho con cua vua tran nhan doi tham chÒ 5 tan o thai lan học cách đổ ra những thứ dơ bẩn trong cái gì rồi cũng đến Ð Ð Ð 8 cách giúp bạn cai thuốc lá hiệu quả Chánh chum tho nhuy nguyen ón niết đức đạt lai lạt ma nói về phật giáo