LTS: Giáo lý đạo Phật đã được Đức Thế Tôn dạy cách đây hơn 2.500 năm, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng thể hiện rõ ưu thế cũng như khả năng ứng dụng của Phật pháp vào trong khoa học, trong đời sống xã hội. Một trong những ngành khoa học khai thác được nhiều tiềm năng của kho tàng Phật pháp nhất đấy là Tâm lý học, đặc biệt là Tâm lý liệu pháp.

Phật pháp và bệnh trầm cảm

Ngày nay, các nhà Tâm lý liệu pháp đã tìm thấy rất nhiều liệu pháp để chữa trị các chứng bệnh tâm lý rất hiệu quả từ trong Phật pháp. Sự ra đời của chuyên ngành Tâm lý liệu pháp Phật giáo đã thể hiện rất rõ điều này. Để góp phần nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng Phật pháp vào trong Tâm lý liệu pháp, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả loạt bài về sự vận dụng giáo lý đạo Phật để chữa trị các chứng bệnh tâm lý mà con người thường mắc phải trong xã hội hiện tại. Xin mời quý vị đón đọc.

tramcam.jpg

Khái niệm về bệnh trầm cảm

Trầm cảm là một loại bệnh tâm lý, có sự ảnh hưởng đến cảm xúc, tư tưởng và cả hành động của người bệnh. Thông thường mọi người đều cảm thấy buồn rầu, chán nản và thậm chí tuyệt vọng khi gặp phải những điều bất ổn, những chuyện ngoài ý muốn. Nhưng nếu những buồn rầu, chán nản và tuyệt vọng ấy nhanh chóng qua đi chỉ trong vòng một đến hai tuần thì không phải là bị trầm cảm. Đấy chỉ là tâm lý bình thường của con người mà thôi. Khi những tâm trạng này kéo dài và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, càng tồi tệ hơn thì đấy mới là bệnh trầm cảm.

Theo Dan Bilsker và một số tác giả khác thì trầm cảm là tâm trạng suy sụp cực độ, kéo dài và làm cho người ta cảm thấy buồn rầu, dễ cáu kỉnh hoặc cảm thấy trống rỗng. Người bị trầm cảm cảm thấy không còn sinh lực để thực hiện các hoạt động, cảm thấy không còn gì có ý nghĩa nữa cả, họ nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tiêu cực và cảm thấy tâm trạng của mình sẽ không bao giờ được cải thiện.

Trầm cảm là một chứng bệnh tâm lý khá phổ biến, từ trẻ nhỏ cho đến người lớn, đàn ông lẫn phụ nữ, người giàu cũng như người nghèo, và thậm chí ngay cả những người được xem là hạnh phúc vẫn có thể bị trầm cảm.

Phân loại trầm cảm

Trầm cảm có nhiều loại khác nhau, nhưng trong đó có hai loại chính, đó là trầm cảm nặng và trầm cảm kinh niên.

Trầm cảm nặng, thường được đề cập đến như là trầm cảm lâm sàng, biểu hiện qua sự kết hợp của các triệu chứng có ảnh hưởng xấu đến khả năng làm việc, đến giấc ngủ, việc ăn uống và sự hứng thú đối với những hoạt động đã từng mang lại niềm vui thích cho bản thân, cảm thấy tuyệt vọng, bi quan; cảm thấy tội lỗi, vô tích sự và thiếu tự chủ.

Trầm cảm kinh niên, hay còn gọi là trầm cảm nhẹ, thì không nổi lên từng hồi như trầm cảm lâm sàng; đúng hơn là nó có những triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với trầm cảm lâm sàng, nhưng lại kéo dài hơn, thậm chí kéo dài qua nhiều năm, ít nhất là hai năm đối với người lớn và đối với trẻ nhỏ hoặc thiếu niên thì ít nhất là một năm. Sự bối rối cực điểm và những ý nghĩ tự tử thường không có mặt ở chứng trầm cảm này. Nhiều người bị chứng trầm cảm kinh niên mà đôi khi cũng có những triệu chứng của bệnh trầm cảm nặng, trường hợp này được biết đến như là chứng trầm cảm kép.

Những triệu chứng của trầm cảm

Những triệu chứng của trầm cảm có thể thay đổi tùy theo độ tuổi. Ở trẻ nhỏ, trầm cảm thường kéo theo những chứng bệnh khác như đau dạ dày, đau đầu, và tính hay nổi cáu, né tránh đám đông, thay đổi thói quen ăn uống. Các em có thể cảm thấy không hứng thú đối với việc học và những hoạt động khác. Ở tuổi thiếu niên, những triệu chứng thường thấy nhất là tâm trạng buồn rầu, rối loạn giấc ngủ, thiếu sức sống. Còn ở người lớn tuổi bị trầm cảm thì thường than phiền về những vấn đề sức khỏe hơn là những vấn đề tình cảm, điều này đôi khi dẫn đến sự chẩn đoán sai lầm về bệnh tật của các bác sĩ. Những triệu chứng của bệnh trầm cảm cũng có thể thay đổi tùy theo nền văn hóa. Ở một số nền văn hóa, người bị trầm cảm không bị buồn rầu hay cảm thấy tội lỗi mà lại than phiền về những vấn đề sức khỏe.

Dưới đây là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh trầm cảm:

- Bệnh trầm cảm thường thay đổi cảm giác thèm ăn của người bệnh, thông thường sẽ làm giảm đi hoặc mất hẳn cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, đôi khi cũng có trường hợp lại rất thèm ăn và dẫn đến tăng cân.

- Xáo trộn giấc ngủ. Người bị trầm cảm thường bị mất ngủ và khó ngủ. Bên cạnh đó thỉnh thoảng có người bị trầm cảm nhưng lại ngủ nhiều hơn bình thường.

- Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, không còn hứng thú đối với hầu hết các hoạt động trong cuộc sống thường nhật cũng như trong công việc, cảm thấy uể oải, thiếu sức sống.

- Người bệnh trầm cảm thường cảm thấy mình vô tích sự, thiếu tự chủ, có mặc cảm tội lỗi và tự khiển trách mình. Người bị bệnh trầm cảm nặng có thể cảm thấy đau khổ cùng cực khiến cho họ nghĩ đến việc tự tử hoặc là tìm đến sự tự tử. Có ít nhất 15% những người bị bệnh trầm cảm nghiêm trọng đi tự tử.

- Người bị bệnh trầm cảm thường có thái độ bi quan, tiêu cực và tuyệt vọng.

- Người bị bệnh trầm cảm còn mắc phải những chứng rối loạn tâm thần, chẳng hạn như ảo tưởng và ảo giác. Khi người bệnh có những triệu chứng về rối loạn tâm thần như thế này có nghĩa là họ đang trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng và họ thường tìm đến sự tự tử.

- Bên cạnh đó, người bị trầm cảm cũng có thể có sự khó khăn về mặt tư duy, thiếu sự tập trung, và trí nhớ kém hoặc thậm chí mất trí nhớ.

Nguyên nhân của bệnh trầm cảm

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm khá đa dạng. Một số người bị trầm cảm là do buồn. Một số khác thì do mâu thuẫn vợ chồng, do khó khăn về tài chính, do những lỗi lầm, thất bại của cá nhân. Tuy nhiên đối với nhiều người, những vấn đề đó không khiến cho họ bị trầm cảm nặng. Các nhà tâm lý học đã xác định năm yếu tố thường làm nguyên nhân dẫn đến trầm cảm trong cuộc sống của chúng ta. Năm yếu tố ấy là hoàn cảnh, tư tưởng, cảm xúc, tình trạng sức khỏe, và cách hành xử của chúng ta.

- Hoàn cảnh: Trầm cảm thường bắt đầu với những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống căng thẳng, chẳng hạn như mất đi người thân, bạn bè, mâu thuẫn với người khác, học tập sa sút, hay làm việc kém hiệu quả. Nếu bạn cố gắng để giải quyết vấn đề, nhưng không đem lại hiệu quả thì bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng và không còn khả năng vươn lên.

- Tư tưởng: Mỗi chúng ta đều có cách nghĩ riêng về những tình huống, hoàn cảnh trong cuộc sống. Và cách chúng ta suy nghĩ có ảnh hưởng lớn đến cảm xúc, tâm trạng của chúng ta. Những người bị bệnh trầm cảm thường nghĩ về những hoàn cảnh, và về bản thân của họ theo chiều hướng bị bóp méo một cách tiêu cực. Tức là sự suy nghĩ của họ bị thiên lệch, họ chỉ nhìn mọi thứ theo xu hướng tiêu cực. Cách tư duy này hay thổi phồng khía cạnh không tốt của sự vật, hiện tượng, tình huống một cách quá đáng và thường bỏ qua những khía cạnh tích cực của chúng.

- Xúc cảm: Trầm cảm thường bắt đầu với những cảm giác về sự chán nản hay buồn rầu. Nếu như chúng thật sự tồi tệ, người bị trầm cảm có thể cảm thấy mình bị nuốt chửng trong sự tuyệt vọng. Nhiều người bị trầm cảm cảm thấy giống như họ không còn thích thú đối với những thứ mà họ đã từng thích làm. Nếu sự trầm cảm đến mức cực điểm thì người bệnh thường cảm thấy trống rỗng, không có cảm giác gì cả. Như thể là sự đau đớn cùng cực đến độ tâm của họ mất luôn khả năng xúc cảm.

- Yếu tố sinh học: Tình trạng sức khỏe cũng thường ảnh hưởng đến tâm lý của con người, trong đó có sự trầm cảm. Và cũng không loại trừ khả năng do trầm cảm mà dẫn đến những rối loạn sinh lý, ảnh hưởng đến sức khỏe. Một trong những vấn đề sinh lý có ảnh hưởng đến bệnh trầm cảm đó là sự rối loạn giấc ngủ. Sự rối loạn này ảnh hưởng đến tâm trí con người. Một vấn đề khác về tình trạng sức khỏe thường đi kèm với bệnh trầm cảm là cảm giác thiếu sức sống, suy nhược cơ thể, không muốn ăn uống và cũng không muốn làm gì cả.

Bên cạnh đó còn có một số chứng bệnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự trầm cảm, chẳng hạn như những chứng đột quỵ, bệnh tim, hay là những chứng bệnh nan y khác, như là bệnh ung thư, bệnh AIDS,... Những thay đổi về sinh lý đi kèm với sự trầm cảm sẽ làm cho sự trầm cảm càng khó chữa trị hơn.

- Cách hành xử: Người bị trầm cảm thường hành xử theo những cách khiến cho sự trầm cảm càng trở nên nghiêm trọng hơn. Những cách hành xử thường thấy là: Xa lánh người thân trong gia đình và bạn bè; không quan tâm, chăm sóc bản thân, thận chỉ còn lạm dụng bia rượu hay các chất kích thích.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, những nguyên nhân ấy bao gồm cả yếu tố sinh lý, tâm lý và cả những yếu tố xã hội. Có khi sự trầm cảm nảy sinh do một vài nguyên nhân riêng lẻ từ yếu tố sinh lý, hay tâm lý, hoặc là yếu tố xã hội. Nhưng đôi khi sự trầm cảm phát sinh do kết hợp nhiều nguyên nhân khác nhau và thậm chí bao gồm cả ba yếu tố sinh lý, tâm lý, và xã hội.

Quan niệm của đạo Phật về bệnh trầm cảm

Theo đạo Phật, nguyên nhân chính và cũng là nguyên nhân khởi thủy của bệnh trầm cảm là do lòng tự ngã, vị kỷ, coi trọng chính mình, lấy mình làm trung tâm, chỉ biết nghĩ đến bản thân, nghĩ đến những lợi ích, niềm hạnh phúc của chính mình, lúc nào cũng chỉ biết có ‘tôi’ và ‘của tôi’ mà không nghĩ đến lợi ích và hạnh phúc của người khác. Chính lòng tự ngã, vị kỷ, coi trọng bản thân, lấy mình làm trung tâm ấy đã dẫn dắt con người đến những lối tư duy tiêu cực, thiếu thực tế, không hợp tình hợp lý. Và điều này đưa đến hậu quả là sự trầm cảm. Hay nói một cách khái quát hơn, nguyên nhân của bệnh trầm cảm xuất phát từ trong nội tâm của chúng ta. Chính tâm của ta là nguyên nhân chính của bệnh trầm cảm mà chúng ta mắc phải. Chính lối tư duy không đúng đắn của chúng ta đã khiến cho chúng ta rơi vào trạng thái trầm cảm. Nói như vậy không có nghĩa là đạo Phật phủ nhận hoàn toàn các yếu tố sinh vật lý và các yếu tố xã hội. Những yếu tố này cũng góp phần tạo nên sự trầm cảm. Nhưng chúng chỉ là những tác nhân phụ. Cách chúng ta tiếp xúc, phân tích và diễn dịch những tác nhân ấy mới là quan trọng, mới là yếu tố chính dẫn đến trạng thái trầm cảm của chúng ta.

Bên cạnh đó, nghiệp lực cũng có dự phần vào chứng trầm cảm của chúng ta. Có nghĩa là sở dĩ ngày nay chúng ta bị trầm cảm là do những nghiệp nhân không tốt trong quá khứ hay là trong đời hiện tại mà chúng ta đã tạo nên. Tuy nhiên, nghiệp cũng chỉ đóng vai trò thứ yếu mà thôi. Nghiệp lực chỉ có thể tạo điều kiện để cho các tác nhân của sự trầm cảm hội tụ và hướng sự tác động vào bản thân ta, chẳng hạn như gặp rủi ro trong cuộc sống, bị người khác đối xử bất công, gặp những bệnh tật hiểm nghèo,... Còn chúng ta có bị trầm cảm do những tác nhân ấy gây ra hay không là còn tùy thuộc vào lối tư duy, phản ứng của chúng ta nữa. Điều này cho chúng ta thấy rằng chúng ta có khả năng làm chủ bản thân và có thể chuyển hóa phần nào nghiệp quả của mình.

Ngoài ra còn có một nguyên nhân của sự trầm cảm đó là cảm giác không hài lòng về bản thân mình, chán ghét bản thân. Điều này cũng xuất phát từ tâm vị kỷ, tự ngã, muốn mình là Số Một, muốn mình nổi trội hơn tất cả mọi người. Và khi mong muốn này không trở thành hiện thực thì lại có những ý nghĩ tiêu cực, tự ghép cho mình những nhãn hiệu xấu, như là “kẻ bất tài”, “kẻ vô tích sự”, “kẻ yếu đuối”, “người bất hạnh”,... Chính những ý nghĩ tiêu cực và sự tự kỷ ám thị về những nhãn hiệu xấu ấy đã ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta, khiến chúng ta chán nản, bất an và thụ động. Và trầm cảm là hệ quả tất yếu của những tâm trạng này.

Ứng dụng Phật pháp trong việc điều trị chứng trầm cảm

Chính vì Phật giáo cho rằng trầm cảm bắt nguồn từ nội tâm của chúng ta nên việc điều trị cũng chú trọng vào nội tâm. Hay nói cụ thể hơn là chú trọng vào việc thay đổi cách tư duy, phân tích vấn đề, chuyển hóa những tư tưởng tiêu cực, mang mầm móng bệnh hoạn thành những tư tưởng tích cực, lành mạnh.

Tại vì tâm vị kỷ, coi trọng chính mình, lấy mình làm trung tâm là nhân tố chính gây ra trầm cảm, cho nên chúng ta có thể dùng chính sự trầm cảm của mình như là một phương tiện để loại bỏ thói quen lấy mình làm trung tâm, coi trọng chính mình, không nghĩ đến lợi ích, hạnh phúc của người khác. Thay vì chúng ta nghĩ rằng: “mình thật là tội nghiệp khi bị trầm cảm, mình thật là kém may mắn” thì chúng ta hãy nghĩ: “thật là may mắn khi mình bị trầm cảm, thật là hạnh phúc vì có trầm cảm”. Nếu chúng ta suy nghĩ theo lối tiêu cực, tức là chúng ta nghĩ rằng mình kém may mắn, mình thật tội nghiệp, mọi người không ai coi mình ra gì,... thì chúng ta chỉ chuốc thêm sầu khổ, chỉ làm cho chúng ta thêm chán chường, buồn tủi và không loại trừ sự thù ghét người khác, tránh xa xã hội, không tiếp xúc với mọi người, thiếu sự tự tin ở bản thân, không còn niềm hy vọng để sống. Chính điều này sẽ làm cho sự trầm cảm của chúng ta càng ngày càng thêm nghiêm trọng mà thôi. Ngược lại, nếu chúng ta nghĩ rằng sự trầm cảm mà chúng ta đang chịu đựng là do những nghiệp nhân bất thiện trong quá của chúng ta, giờ này đã đến lúc chúng ta trả quả, khi trả hết rồi thì chúng ta sẽ được hạnh phúc. Cho nên chúng ta vui vẻ đón nhận, không oán hận, không chạy trốn. Có thể bạn sẽ cho rằng đây là một lối tư duy thụ động. Vâng, có thể vậy. Nhưng ít ra nó cũng giúp bạn cảm thấy an lòng, lạc quan để sống, không bị tâm chán ghét, oán hận, sầu khổ thiêu đốt.

Và chúng ta cũng có thể nghĩ rằng, chúng ta đang chịu chứng trầm cảm là một niềm hạnh phúc, vì chúng ta có thể thay thế cho những người thân của mình, cho những bà con quyến thuộc của mình, và cho tất cả mọi người để chịu điều bất hạnh, để cho họ có được hạnh phúc trong hiện tại cũng như trong tương lai. Mặc dù chúng ta có đau khổ, nhưng sự đau khổ của mình đổi lại niềm hạnh phúc cho bao nhiêu người khác, và chúng ta tình nguyện nhận lãnh sự bất hạnh này, chính vì thế mà chúng ta vẫn cảm thấy an vui, chứ không oán hận, không chán nản. Tác ý như thế có nghĩa là chúng ta đang tu tập tâm từ bi, đang nuôi lớn lòng thương yêu trong tâm của chúng ta. Khi tâm từ bi được nảy nở và đơm hoa kết trái thì tâm vị kỷ, chấp ngã, lấy mình làm trung tâm sẽ bị suy yếu dần. Từ bi chính là vũ khí lợi hại để phá tan tâm ích kỷ và chấp ngã. Khi chúng ta ước muốn đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người và mọi loài, và chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi người khác có hạnh phúc thì niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ được nhân đôi. Hơn nữa, bị trầm cảm là một cơ hội tốt cho chúng ta trải nghiệm và nhờ vậy mà chúng ta dễ dàng cảm thông và chia sẻ với những người bị trầm cảm khác, cho nên chúng ta vui với cơ hội tốt này. Và tất nhiên, khi chúng ta hạnh phúc, vui sống thì sự trầm cảm sẽ lặng lẽ ra đi. Như vậy là sự trầm cảm trở thành một đề mục, một phương tiện hữu hiệu, là một điều may mắn để cho chúng ta tu tập tâm từ bi, để cho chúng ta hoàn thiện nhân cách, hướng đến chân hạnh phúc chứ không còn là một căn bệnh, một thứ đáng sợ nữa.

Đối với người bị trầm cảm do không hài lòng với bản thân, thiếu tự tin, chán ghét bản thân và hay gán cho mình những nhãn hiệu tiêu cực thì nên giúp họ ý thức được rằng cuộc đời là khổ, cuộc sống luôn tồn tại những điều bất như ý. Đấy là một sự thật của cuộc sống. Chính vì chúng ta mong muốn mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp, mọi thứ đều phải thuận theo ý mình, nên khi những điều trái ý, những thứ không tốt đẹp như chúng ta nghĩ xảy ra thì lại càng buồn khổ, càng chán nản hơn.

Bên cạnh đó, để đẩy lùi tư tưởng chán ghét bản thân, không vừa lòng với chính mình, và loại bỏ sự tự kỷ ám thị bởi những nhãn hiệu tiêu cực thì chúng ta hãy nghĩ về những điều may mắn, những sự hạnh phúc mà chúng ta đang có được, chẳng hạn như chúng ta may mắn hơn nhiều người vì chúng ta có nhà để ở, có chỗ để nghỉ ngơi trong khi nhiều người khác không có nhà cửa, phải đi lang thang, ngủ ở đầu đường xó chợ; chúng ta hạnh phúc hơn nhiều người vì chúng ta còn có cha mẹ, có người thân và được mọi người thương yêu, chăm sóc, trong khi không ít người mới mở mắt chào đời thì đã mang thân phận mồ côi, và có những người bị cha ghẻ, mẹ ghẻ hành hạ, đánh đập tàn nhẫn; chúng ta may mắn hơn nhiều người vì chúng ta có đủ điều kiện để học tập, để tiếp cận với nguồn tri thức hiện đại, trong khi có không ít người bị mù chữ, không có điều kiện để học hành; chúng ta thật may mắn vì chúng ta được làm thân người, sáu căn đầy đủ, thân thể khỏe mạnh, trong khi không ít người bị tàn tật, thân thể mang nhiều bệnh tật, và nhiều loài khác phải làm thân súc sanh, thân con vật, bị con người hành hạ, chém giết;... Cứ tư duy theo chiều hướng này thì chúng ta không còn than thân trách phận, không còn chán ghét bản thân nữa. Và một khi chúng ta có thể nhận thấy được những may mắn và niềm hạnh phúc của mình thì chúng ta sẽ tích cực và lạc quan trong cuộc sống. Chúng ta không nhất thiết phải là người số một mới được hạnh phúc. Có rất nhiều người bình thường, không có tiếng tăm gì, nhưng họ vẫn sống bình dị và vẫn hạnh phúc với cuộc sống của họ. Và chưa hẳn những người số Một, những người nổi tiếng là những người có hạnh phúc tràn đầy. Chúng ta không được là người ‘số Một’ cũng chưa hẳn chúng ta không đáng là gì cả. Vẫn biết rằng phấn đấu để trở thành người ‘số Một’ là điều đáng khích lệ, nhưng nếu không được là ‘số Một’ thì cũng không có gì đáng để tuyệt vọng, mất hết tự tin ở chính mình, chán ghét chính mình. Hãy hình dung, nếu trong xã hội ai cũng muốn trở thành người ‘số Một’, nếu không là người số một thì cuộc sống không còn có ý nghĩa gì nữa, và không thiết sống nữa, thì chắc hẳn xã hội này đầy dẫy những người trầm cảm nặng và ngày nào cũng có không ít người tìm đến sự tự vẫn. Nhiều người tuy không phải là số một, nhưng họ vẫn sống bình thường, và cuộc sống của họ vẫn có ý nghĩa, thế thì tại sao mình lại tuyệt vọng khi không được là số một, lại có ý nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết? Nếu chúng ta suy nghĩ theo chiều hướng này thì tự khích lệ tinh thần mình rất nhiều, chúng ta sẽ lạc quan trong cuộc sống, và dĩ nhiên là sự trầm cảm sẽ không còn nữa.

Một trong những biện pháp hữu hiệu để giúp chúng ta sống lạc quan, vui vẻ, không bị khổ đau, trầm cảm hành hạ đó là đối xử tử tế, thân thiện với mọi người, luôn luôn bao dung, độ lượng và hỷ xả với tất cả. Khi chúng ta đối xử tử tế, thân thiện với mọi người thì lẽ đương nhiên hầu hết mọi người cũng đối xử tử tế, thân thiện với chính mình, và điều này sẽ làm cho mình và người có được hạnh phúc trong cuộc sống. Hơn nữa, nếu chúng ta biết bao dung, biết tùy hỷ thì niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ tăng lên rất nhiều, vì chúng ta không chỉ hạnh phúc với những thành công, những kết quả tốt đẹp của mình mà còn hạnh phúc với những thành công, những kết quả tốt đẹp của người khác. Chẳng hạn, có một người bạn có được sắc đẹp như tiên giáng trần, thay vì bạn ganh tị với sắc đẹp của người bạn đó thì bạn hạnh phúc và mừng cho sắc đẹp của bạn mình, như thế chẳng những bạn không đau khổ mà còn hạnh phúc hơn và tình bạn giữa hai người càng bền chặt.

Điều quan trọng ở đây là hãy tư duy theo chiều hướng tích cực, hãy nghĩ đến những mặt tích cực, những lợi ích của vấn đề, của hoàn cảnh mà chúng ta gặp phải. Dù cho hoàn cảnh có bi đát đến đâu thì chúng ta cũng vẫn tìm thấy được yếu tố tích cực và lợi ích của nó. Nhờ biết nghĩ đến những mặt tích cực, những lợi ích của vấn đề, chúng ta có thể tránh được những tâm lý tiêu cực, những ý nghĩ bi quan dẫn đến sự trầm cảm. Lúc Đức Phật còn tại thế, có lần tôn giả Phú Lâu Na xin Phật để đi đến xứ Duna - một nơi xa xôi hẻo lánh, dân tình dã man và bạo ngược - hoằng hóa độ sinh, Ðức Phật đã đưa ra giả thuyết:

- Nếu đến đó người ta chửi rủa, nhục mạ ông, thì ông nghĩ sao và xử lý bằng cách nào?

- Bạch Đức Thế Tôn! Họ vẫn còn tốt đối với con vì chưa đến nỗi dã man, họ chỉ chửi mắng mà chưa đem gậy gộc để đánh con, ngài Phú Lâu Na đáp lại.

- Nếu họ dùng roi, gậy, gạch ngói đánh chọi ông thì sao?

- Con thấy họ còn tốt, vì họ chỉ mới rượt đuổi mà chưa gây thương tích cho con.

- Nếu họ dùng dao búa gây thương tích cho ông?

- Con vẫn còn cảm ơn họ, vì họ còn tốt, còn lương tri chưa nỡ giết chết con.

- Nếu họ giết ông?

- Con lại cảm ơn họ bội phần, vì họ đã giúp con từ bỏ xác thân hư ảo, ô trược, sớm nhập Niết bàn. Ðó là dịp may hiếm có, chết vì truyền bá Chánh pháp, con sẵn sàng đón nhận mà không có gì ân hận, có ân hận chăng là tiếc cho con chưa được nghe Chánh pháp, chưa thấy con đường giải thoát sinh tử luân hồi.

Dù cho hoàn cảnh có bi đát, có xấu xa đến đâu, nếu chúng ta biết cách, nếu chúng ta tỉnh giác thì vẫn tìm thấy được những lợi ích, những khía cạnh tích cực của nó. Một khi chúng ta làm được điều này thì chắc chắn chúng ta sẽ không còn bị trầm cảm nữa.

Bên cạnh đó, việc thực tập thiền vipassana (thiền quán hay là thiền minh sát tuệ) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị và ngăn ngừa sự tái phát của bệnh trầm cảm. Thiền quán là một quá trình thể nghiệm bằng kinh nghiệm của chính mình, dựa trên sự phát triển tỉnh giác một cách có hệ thống và thăng bằng. Người thực tập thiền quán quan sát những gì sanh khởi ngay lúc nó xảy ra nghĩa là chỉ ghi nhận trong giây phút hiện tại, và do đó hành giả sống trọn vẹn với giây phút hiện tại. Ghi nhận một cách chăm chú và chính xác, không đánh giá, không phê phán, cũng không tỏ thái độ. Sự tỉnh giác trong các sinh hoạt hằng ngày là điều vô cùng thiết yếu, đưa đến trạng thái chánh niệm cho người thực tập. Để cho chánh niệm được vững mạnh, chúng ta phải tỉnh giác liên tục, không gián đoạn trong mọi sinh hoạt hàng ngày.

Khi chúng ta thực tập thiền quán, có được chánh niệm, thì chúng ta sẽ nhận diện tất cả những dòng ý tưởng, những lối tư duy phát khởi trong tâm thức của chúng ta, nhờ vậy mà chúng ta nhận ra được nguyên nhân của sự trầm cảm của mình. Với sự tỉnh giác, chúng ta sẽ nhận diện được những dòng ý tưởng, những lối tư duy tiêu cực hay là những tác nhân bên ngoài đã góp phần tạo nên sự trầm cảm của chúng ta như thế nào. Nhờ vậy mà chúng ta tìm ra những giải pháp thích hợp, những “liều thuốc” đúng đắn để chữa trị cho chứng trầm cảm của mình.

Hơn nữa, chánh niệm tỉnh giác sẽ giúp chúng ta quan sát những dòng cảm xúc, tình cảm đang diễn tiến trong tâm của chúng ta một cách rõ ràng và trọn vẹn hơn. Từ đó chúng ta nhận diện được bản chất của chúng và chuyển hóa chúng theo chiều hướng tích cực, hạn chế khả năng dẫn đến trầm cảm.

Không những thế, chánh niệm tỉnh giác còn giúp cho chúng ta đánh giá tình huống, nhận định vấn đề một cách bao quát và trọn vẹn hơn, chứ không còn phiến diện, một chiều nữa. Chính vì thế mà chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách thực tế hơn, đưa ra những kế hoạch, những đánh giá đúng đắn, và hợp tình hợp lý hơn, hạn chế khả năng phát sinh những tâm lý tiêu cực gây nên trầm cảm.

Một lợi ích khác cũng không kém phần quan trọng của sự tu tập thiền quán là nó giúp cho chúng ta có được sự bình lặng và an tịnh trong tâm hồn. Điều này góp phần giảm bớt sự căng thẳng và những đau đớn về cơ thể vật lý cũng như những khổ đau về phương diện tâm lý. Những lợi ích này đã được các nhà khoa học kiểm chứng bằng các kết quả nghiên cứu thực nghiệm chứ không phải là những lời nói suông.

Chúng ta có thể thực tập thiền quán mỗi ngày, và ngay cả những lúc chúng ta bị rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm uất nặng, chúng ta cũng có thể thực tập thiền, có thể theo dõi hơi thở, hay quán chiếu những dòng tâm thức đang sinh khởi, vận hành trong tâm thức của chúng ta, hoặc chú tâm vào một danh hiệu Phật, một câu thần chú,... Sự thực tập này sẽ giúp cho tâm của chúng ta được lắng dịu lại, được nhẹ nhàng hơn.

Như vậy, chúng ta có thể vận dụng giáo lý đạo Phật để điều trị bệnh trầm cảm với chức năng như là một liệu pháp tâm lý để giúp cho người bệnh giải tỏa sự trầm cảm một cách hiệu quả và ngăn ngừa không để cho sự trầm cảm tái phát. Liệu pháp tâm lý này có thể chữa trị trên cả hai phương diện là tâm lý và sinh lý. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận hoàn toàn vai trò của các dược phẩm trong điều trị sự trầm cảm. Đối với những trường hợp bị trầm cảm nặng, gây rối loạn cả tâm và sinh lý của người bệnh thì chúng ta cũng nên sử dụng các dược phẩm đặc trị để giảm sự căng thẳng, giảm mức độ trầm cảm trong nhất thời. Sau đó chúng ta mới dùng đến các liệu pháp tâm lý để chữa trị với tính cách lâu dài.

Giáo lý đạo Phật có nhiều tiềm năng lớn đối với việc chữa trị các chứng bệnh tâm lý, những rối loạn xúc cảm. Tất cả những tiềm năng ấy đang chờ đợi sự khám phá và vận dụng của các nhà tâm lý trị liệu, của những người học Phật. Tùy từng trường hợp, tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà chúng ta chọn lựa những biện pháp phù hợp, hướng dẫn lối tư duy, cách phản ứng đúng đắn để chữa trị và ngăn ngừa sự trầm cảm tái phát.

Quảng Trí (Nguyệt san Giác Ngộ số 167)

Tài liệu tham khảo: 1. Arthur S. R., Emily S. R. (2001), Dictionary of Psychology, Penguin Reference, New Delhi. 2. Dan Bilsker (lead Author), Dealing with depression, Antidepresant skills for teens, Ministry of Children and Family Development. British Columbia. 3. David B. Cohen (2009), Depression, Microsoft Encarta Online Encyclopedia. 4. Joanna Saisan, Melinda Smith (2009), Understanding Depression, Signs, Symptoms, Causes and Help. www.helpguide.org. 5. Kyabje Lama Zopa Rinpoche, Advice on depression, http://tuvien.com/img/www.lamayeshe.com 6. Kyabje Lama Zopa Rinpoche, Depression and Thought Transformation, http://tuvien.com/img/www.lamayeshe.com. 7. Merely Me., Depression Connection Interview: A Buddhist Perspective on Mental Health, http://tuvien.com/img/www.healthcentral.com/depression/c/84292/66665/perspective. 8. Michael M. and Steven D. (1996), The Physical and Psychological effects of Meditation. An Institute of Noetic Siences Book, New York.


Về Menu

Phật pháp và bệnh trầm cảm

Tương Tin Chảy đi sông ơi hồi già phật giáo hÓi Cồn đạo phật Thân chuỗi Thai lý ç¾ Mâm Thập chú quan chet ve su song chet thong mat La Muốn ngủ ngon hơn Hãy thiê hoc Vấn Ngừng luu cac nha su chau a tren dat my Bình Định Tưởng niệm Trưởng lão tam linh viết nhà æ å¹³å º 不空羂索心咒梵文 HoẠlợi ích của thiền vipassana cho bản thân tu luc moi thuc la tu 因无所住而生其心 thùy chテケa Thi Giáo đoàn VI tưởng niệm Tổ sư Minh hoÃ Æ chay hoÃƒÆ cáo テス Bí quyết giảm nguy cơ đột quỵ lần çŠ Chú tiểu chùa trung khánh nam chân 22 rồng Chính tranh phat giao qua cach nhin nghe thuat dao nguoc Phật giáo duc vua bhumibol adulyadej suối Thiền tháºn tuc nhìn thấu là trí huệ chân thật phần ky