THE TIBETAN BOOK OF LIVING AND DYING Sogyal Rinpoche Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch
Tạng thư sống chết - 11. Phần 1: Sống - 09. Con đường tâm linh phần 1

THE TIBETAN BOOK OF LIVING AND DYING - Sogyal Rinpoche - Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch

Rumi, bậc thầy đạo Sufisme có viết:

- Bậc thầy nói, có một điều duy nhất trên đời mà ta không bao giờ được quên. Nếu bạn quên hết mọi sự khác, mà không quên điều này, thì sẽ không có gì phải lo, nhưng nếu bạn nhớ thực hành chu tất mọi sự khác mà lại quên mất việc duy nhất này, thì quả thực bạn chưa làm được cái gì. Ví như khi vua sai bạn đến một xứ nọ để làm một công việc đặc biệt nào đó; khi đến, bạn làm cả trăm việc khác, nhưng quên làm cái sứ mạng của mình được sai đi, thì cũng như là bạn chưa làm gì hết. Cũng vậy con người xuất hiện trên đời vì một công việc đặc biệt, đó là mục đích của y. Nếu y không hoàn tất, thì coi như y không làm gì cả.

Mọi bậc thầy tâm linh của nhân loại đều nói cho chúng ta biết cùng một chuyện ấy, rằng mục đích cuộc sống trên trái đất là để thực hiện sự hợp nhất với cái bản chất giác ngộ căn để của chúng ta. "Công việc" mà "vua" đã gửi ta vào cái xứ sở đen tối lạ lùng này là để thực chứng và thể hiện con người thật của ta. Có một cách duy nhất để làm việc đó, là khởi sự cuộc hành trình tâm linh, với tất cả hăng say và trí tuệ, can đảm và cương quyết để chuyến hóa. Trong Katha Upanishad, thần chết bảo Nachiketas rằng:

- Có con đường trí tuệ và con đường vô minh. Hai con đường dẫn đến những mục đích hoàn toàn khác nhau.... Trú trong vô minh, nghĩ mình khôn lanh bác học, những kẻ ngu lang thang không mục đích, như kẻ mù dắt người mù. Những gì nằm bên kia cuộc đời không hiển lộ cho những kẻ khờ khạo, bất cẩn, hoặc bị của cải làm mê hoặc.

TÌM ĐƯỜNG

Vào thời khác và trong những nền văn minh khác, con đường chuyển hóa tâm linh này chỉ giới hạn cho một số ít người được chọn. Nhưng ngày nay, một tỉ lệ lớn trong loài người cần phải tìm kiếm con đường trí tuệ nếu muốn giữ gìn trái đất khỏi những mối nguy bên trong và bên ngoài đang đe dọa nó. Trong thời đại phân hóa và bạo hành này, tri kiến tâm linh không phải là xa xỉ phẩm dành cho thiểu số chọn lọc, mà là một cái gì cấp thiết cho sự sống còn.

Việc đi theo con đường tâm linh chưa bao giờ lại cấp thiết và gay go hơn bây giờ. Xã hội chúng ta dành hoàn toàn cho sự tôn vinh bản ngã, tôn vinh chính những sức mạnh của tham lam và vô minh đang tàn phá quả địa cầu. Chưa bao giờ khó hơn để nghe tiếng nói của chân lý, và chưa bao giờ khó hơn để tuân theo tiếng nói ấy nếu nó được nghe đến.

Bởi vì trong thế giới quanh ta không có cái gì hỗ trợ cho sự chọn lựa của ta, và cái xã hội ta sống dường như phủ nhận tất cả mọi ý nghĩa thiêng liêng, vĩnh cửu. Bởi vậy, vào thời gian nguy ngập nhất của chúng ta khi chính tương lai chúng ta cũng thật khả nghi, thì chúng ta, những con người, lại thấy mình đang ở giai đoạn hoang mang nhất, và bị vướng vào một cơn ác mộng do chính chúng ta tạo nên.

Tuy thế vẫn có một nguồn hy vọng đầy ý nghĩa trong tình huống bi đát này, đó là, giáo lý tâm linh của mọi truyền thống mật tông vĩ đại vẫn còn có thể xử dụng. Rủi thay, có rất ít bậc thầy thể hiện được những giáo lý ấy, và hoàn toàn thiếu sự biện biệt nơi những người tầm đạo. Phương tây đã trở thành một thiên đường cho những lang băm về tâm linh.

Nếu là lĩnh vực khoa học thì bạn có thể xác thực ai thực ai giả, vì có những nhà khoa học khác kiểm chứng trình độ và những tìm tòi phát minh của họ. Nhưng ở Tây phương, vì không có tiêu chuẩn của một nền văn hóa trưởng thành về trí tuệ, nên tính trung thực của những người được gọi là "đạo sư" hoàn toàn không thể thiết lập được. Dường như bất cứ ai cũng có thể diễn hành tự xưng bậc thầy và lôi cuốn một số tín đồ.

Ở Tây Tạng không có như vậy, nơi người ta nhận thấy bảo đảm hơn nhiều nếu chọn cho đúng một con đường và đúng thầy để theo. Những người đến Tây Tạng lần đầu thường lấy làm ngạc nhiên tại sao người ở đây đặt nặng dòng tu đến thế, đặt nặng sự truyền thừa không gián đoạn từ bậc thầy này đến bậc thầy khác. Dòng tu được dùng làm sự bảo đảm cốt yếu: Nó duy trì tính chân thực và thuần tính của nền giáo lý. Người ta biết được một bậc thầy qua bậc thầy của vị ấy. Đó không phải chuyện giữ gìn một tri thức đã xưa cũ, có tính cách lễ tục, mà một truyền thừa từ tâm sang tâm, từ trí sang trí, một trí tuệ sống và nguyên chất, cùng với những phương pháp thiện xảo.

Nhận ra ai cũng là bậc thầy ai không, làm một công việc tế nhị và đòi hỏi nhiều điều kiện. Nhưng ở thời đại như chúng ta, ham giải trí, ưa những câu trả lời dễ dàng, những giải pháp nhanh, thì những bậc thầy tâm linh đạm bạc không làm bộ, có thể không được ai để ý. Những ý tưởng ta nghĩ về sự thánh thiện có thể làm ta không thấy được biểu hiện của tâm giác ngộ đôi khi rất linh động và lại có vẻ giỡn đùa. Patrul Rinpoche viết:

- Những đức tính kỳ diệu của những vĩ nhân là giấu kín sự thánh thiện của họ, làm cho những người thường như chúng ta không thể thấy, dù ta có nỗ lực xem xét. Ngược lại, ngay cả những lang băm cũng lừa đảo rất tài tình bằng cách ăn nói như những bậc thánh.

Nếu Patrul Rinpoche có thể viết như vậy về thế kỷ trước tại Tây Tạng, thì điều ấy lại càng đúng biết bao trong cảnh hỗn loạn của cái siêu thị tâm linh hiện thời?

Vậy, chúng ta làm thế nào để trong thời đại cực kỳ khả nghi này, có thể tìm ra được niềm tin cậy quá cần thiết cho sự tu tập tâm linh? Theo tiêu chuẩn nào để biết một vị thầy là thực hay dỏm?

Tôi nhớ rõ một lần ở bên vị thầy tôi biết, khi ấy ông hỏi các học trò cái gì đã lôi cuốn họ đến ông, tại sao họ tin cậy ông. Một phụ nữ nói:

- Tôi đã nhận ra rằng điều thầy thực sự muốn, hơn bất cứ gì khác, là muốn cho chúng tôi hiểu và áp dụng giáo lý, và thấy thầy hướng dẫn chúng tôi thật khéo léo để chúng tôi có thể hiểu được.

Một người đàn ông ngũ tuần bảo:

- Không phải những gì thầy biết làm tôi cảm động, mà chính vì thầy thực sự có lòng vị tha và tâm tốt.

Một phụ nữ trung niên nói:

- Tôi đã cố coi thầy như mẹ tôi, cha tôi, bác sĩ tâm thần của tôi, chồng tôi, người yêu tôi; thầy đã lặng lẽ ngồi chứng kiến tất cả tấn tuồng do tôi phóng chiếu ra đó, và không bao giờ bỏ rơi tôi.

Một kỹ sư ngoài hai mươi tuổi nói:

- Điều tôi tìm thấy nơi thầy rất khiêm cung, thầy thực sự mong muốn sự tốt lành nhất cho tất cả chúng tôi, và trong khi thầy làm thầy, thầy vẫn không bao giờ ngưng làm một đệ tử của những bậc thầy.

Một luật sư trẻ nói:

- Đối với thầy, chính nền giáo lý mới là quan trọng nhất. Đôi khi tôi lại còn nghĩ rằng có lẽ cái lý tưởng của thầy là, chính thầy hoàn toàn biến mất, chỉ trao truyền lại những lời dạy càng vô ngã càng tốt.

Một sinh viên khác rụt rè nói:

- Lúc đầu tôi sợ phải mở tôi ra trước thầy. Tôi vẫn quá thường khi bị xúc phạm. Nhưng khi tôi khởi sự thổ lộ tâm can, thì tôi để ý những thay đổi thực sự trong tôi. Dần dần tôi càng biết ơn thầy, vì tôi nhận ra thầy đã giúp tôi nhiều quá. Và rồi tôi khám phá trong tôi một niềm tin cậy sâu xa đối với thầy, sâu hơn tôi có thể tưởng tượng.

Cuối cùng, một chuyên viên điện toán tuổi ngoại tứ tuần, bảo:

- Thầy đã là một tấm gương kỳ diệu cho tôi soi vào, và thầy chỉ cho tôi hai điều: Khía cạnh tương đối về tôi là ai, và khía cạnh tuyệt đối tôi là ai. Tôi có thể nhìn vào thầy và thấy – không phải vì thầy là ai, mà vì những gì thầy phản chiếu lại nơi tôi - tất cả sự rối ren tương đối của tôi, rất rõ ràng. Nhưng tôi cũng có thể nhìn vào thầy và thấy phản ảnh nơi thầy cái tự tánh của tâm, từ đấy mọi sự đang sinh khởi, từng giây phút.

Những câu trả lời trên đây cho ta thấy rằng những bậc thầy thực sự thì tử tế, bi mẫn, không biết mệt trong ước muốn san sẻ bất cứ trí tuệ nào họ có được từ những bậc thầy của họ, không bao giờ lợi dụng hay điều động các đệ tử dưới bất cứ hoàn cảnh nào, không bao giờ bỏ rơi họ, phụng sự cho nền giáo lý vĩ đại hơn là cho mục đích riêng tư, và luôn luôn khiêm hạ. Sự tin cậy chân thực có thể phát triển, và chỉ nên phát triển đối với một người nào bạn biết được, qua thời gian, hội đủ tất cả những đức tính ấy. Bạn sẽ thấy niềm tin ấy trở thành nền tảng của đời bạn, nó vẫn ở đấy để nâng đỡ bạn qua những gian khổ của sống chết.

Trong Phật giáo chúng ta xác định một bậc thầy là chân thực hay không tùy theo sự hướng dẫn của họ có phù hợp với giáo lý Phật dạy hay không. Ta phải luôn luôn nhấn mạnh rằng chính sự thật của giáo lý mới là tất cả tầm quan trọng, chứ không bao giờ quan trọng cá nhân của bậc thầy. Bởi vậy đức Phật đã nhắc nhở chúng ta nguyên tắc Bốn chỗ y cứ (tứ y) là:

Y pháp bất y nhân: Dựa trên thông điệp của bậc thầy, không phải trên nhân cách của ông;

Ý nghĩa bất y ngữ: Dựa trên ý nghĩa, không chỉ dựa trên lời;

Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa: Dựa trên ý nghĩa chân thực, không dựa trên ý nghĩa tạm thời;

Y trí bất y thức: Dựa trên tâm trí tuệ của bạn, không dựa trên tâm phân biệt thường ngày của bạn.


Bởi thế thật quan trọng để nhớ rằng vị thầy chân thực, như ta sẽ thấy, là phát ngôn viên của chân lý. Quả thế, tất cả chư Phật, đạo sư, nhà tiên tri, đều là những biểu hiện của chân lý ấy, hóa hiện bằng vô số hình dạng khéo léo đầy từ bi để dắt dẫn chúng ta trở về chân tánh của ta qua lời giảng dạy của họ. Bởi vậy, lúc đầu, việc quan trọng hơn việc tìm thầy, là tìm thấy sự thật của giáo lý và sống theo nó. Bởi vì, nhờ bắt liên lạc được với sự thật của giáo lý mà bạn sẽ tìm được liên lạc với một bậc thầy.

THEO MỘT CON ĐƯỜNG

Tất cả chúng ta đều có cái nghiệp gặp phải môt con đường tâm linh này hay khác, và tôi sẽ khuyên bạn, tự đáy tim tôi, hãy đi theo với sự chân thành trọn vẹn, con đường nào gợi cảm hứng cho bạn nhiều nhất. Hãy đọc kinh sách của tất cả các truyền thống, tìm hiểu các bậc thầy muốn nói gì khi nói giải thoát giác ngộ, và tìm con đường chân lý nào thực sự lôi cuốn bạn nhất. Hãy vận dụng khả năng phân biệt của bạn; con đường tâm linh đòi hỏi nhiều thông minh, nhiều khả năng phân biệt tinh tế hơn bất cứ đường nào khác, vì đó là việc quan hệ đến chân lý tối thượng.

Hãy xử dụng lương tri bạn trong mọi lúc. Đến với con đường ấy và biết rõ hành lý bạn mang theo: những thiếu sót, tưởng tượng, yếu đuối, phóng chiếu của tâm thức. Trong khi tự thức được bản tính chân thực của bạn là như thế nào, bạn hãy hòa hợp sự khiêm hạ sát đất với một sự thấm định rõ ràng bạn đang ở đâu trên con đường tâm linh, và những gì còn phải được thấu hiểu và thực chứng.

Điều quan trọng nhất là đừng để vướng vào cái mà tôi thấy khắp nơi ở phương tây, một kiểu "đi chợ tâm linh": Chạy quanh từ thầy này đến thầy khác, giáo lý này đến giáo lý khác, mà không có một sự dấn mình thực sự vào bất cứ nên giới luật nào. Gần hết mọi bậc thầy tâm linh thuộc mọi truyền thống đều đồng ý rằng điều cốt yếu là phải làm chủ, nắm vững lấy một đường lối tu tập, một con đường đưa đến chân lý, bằng cách tuân theo một truyền thống với tất cả tim óc bạn, đi cho đến cuối cuộc hành trình tâm linh, trong khi vẫn giữ thái độ cởi mở kính trọng đối với tri kiến của các truyền thống khác.

Ở Tây Tạng chúng tôi thường nói: "Khi biết rõ một chuyện thì ta có thể thành tựu được tất cả." Tư tưởng đặc biệt thời nay là, ta có thể luôn luôn mở ra cho mọi chọn lựa và bởi thế không bao giờ dấn mình vào một cái nào. Nhưng đấy là một trong những ảo tưởng lừa dối nhất trong nền văn hóa hiện nay, một trong những kiểu hiệu nghiệm nhất của bản ngã để phá hỏng sự tu tập của chúng ta.

Khi bạn cứ tiếp tục tìm kiếm mãi, thì chính sự tìm kiếm trở thành một căn bệnh ám ảnh bạn. Bạn trở thành một khách du lịch về tâm linh, đi khắp nơi chốn mà không bao giờ tới một chỗ nào. Như Patrul Rinpoche nói:

- Bạn để con voi của bạn ở nhà mà đi tìm dấu chân của nó ở trong rừng.

Theo một con đường không phải là một kiểu tự giam giữ bạn hay để con đường ấy chiếm độc quyền đối với bạn. Mà con đường ấy là một phương tiện thiện xảo đầy bi mẫn để giữ cho bạn tập trung luôn luôn vào đấy, dù có bao nhiêu trở ngại mà chính bạn và cuộc đời của bạn chắc chắn sẽ xen vào.

Bởi thế, khi bạn đã thăm dò những truyền thống mật tông, hãy chọn một vị thầy và theo sự hướng dẫn của vị ấy. Khởi hành lên đường tu tập là một chuyện, mà có được kiên nhẫn, trì chí, tuệ giác, can đảm và sự khiêm hạ để theo cho đến cùng, là một chuyện khác. Bạn có thể có duyên nghiệp để tìm ra một vị thầy, nhưng khi ấy chính bạn phải tạo ra cái nghiệp để theo vị thầy ấy. Vì rất ít người trong chúng ta biết được làm cách nào để theo thầy, đó là cả một nghệ thuật. Cho nên dù giáo lý có vĩ đại đến đâu, bậc thầy vĩ đại đến đâu, điều cốt yếu vẫn là, bạn phải tìm trong chính bạn cái tuệ giác và thiện xảo trong sự tu tập làm sao để yêu mến và tuân theo bậc thầy và giáo lý.

Điều ấy không dễ. Sự việc không bao giờ toàn hảo. Làm sao mà toàn vẹn được, khi chúng ta đang còn ở trong thế giới tương đối của sinh tử. Ngay cả khi bạn đã chọn được một vị thầy và rất chân thành theo giáo lý, bạn vẫn thường gặp phải những rắc rối và bất mãn, mâu thuẫn và bất toàn. Đừng ngã quị trước những chướng ngại nhỏ nhen ấy. Đấy chỉ là những cảm xúc trẻ con của bản ngã. Đừng để chúng làm bạn đui mù trước giá trị bền bỉ và tinh túy mà bạn đã chọn được.

Đừng để cho sự mất kiên nhẫn của bạn lôi bạn đi xa khỏi sự dấn mình tìm chân lý của bạn. Đã bao nhiêu lần tôi lấy làm buồn khi thấy nhiều người chọn được một giáo lý và bậc thầy, theo học với một niềm hăng say đầy hứa hẹn, mà sau đó lại mất niềm tin khi xảy đến những chướng ngại nhỏ không thể tránh. Họ rơi trở lại vào con đường luân hồi sinh tử, vào những tập quán cũ, và để lãng phí nhiều năm tháng, có lẽ cả cuộc đời họ.

Đức Phật đã dạy trong bài Pháp đầu tiên của ngài, căn nguyên của mọi khổ đau chúng ta trong sinh tử là vô minh. Vô minh có vẻ như là bất tận, khi ta chưa giải thoát khỏi nó. Ngay cả khi ta đã lên đường tu tập, sự tìm kiếm của ta cũng vẫn còn bị sương mù vô minh vây phủ. Tuy nhiên, nếu bạn nhớ điều này, và luôn giữ lời Phật dạy trong tâm bạn, thì dần dần bạn sẽ phát triển được trí phân biệt để nhận ra được những mê muội của vô minh, và nhờ vậy chúng không tác hại được sự tu hành của bạn hay làm bạn mất mục tiêu nhắm tới.

Đức Phật dạy, cuộc đời ngắn ngủi như một làn chớp; tuy nhiên, như Wordsworth nói:

- Cuộc đời này thực quá nặng nề: Làm ra tiền và xài tiền cũng đủ làm cho chúng ta tiêu ma hết năng lực.

Chính sự tiêu ma năng lức ấy có lẽ là cái sự nát lòng nhất về đời người: Nó phản bội lại tinh túy của ta, nó để lỡ mất cơ hội quý báu mà cuộc đời này – cõi Bardo tự nhiên – đem lại cho ta, để hiểu được và thể hiện được tự tính giác của ta. Điều mà những bậc đạo sư cốt nói cho ta biết là, ta hãy chấm dứt tự làm cho ta mê muội: Ta đã học được điều gì, nếu vào lúc chết ta không biết mình thực sự là ai? Tử thư Tây Tạng nói:

Tâm nghĩ xa xôi, không nghĩ cái chết sắp đến,

Làm những hoạt động vô nghĩa này,

Rồi trở về hai bàn tay trắng

Thực là mê muội hoàn toàn;

Điều cần là trực nhận bản tâm và giáo lý

Tại sao không tu tập đạo lộ trí tuệ ngay lúc này?

Những lời này từ kim khẩu bậc thánh nói ra:

Nếu bạn không ghi nhớ lời thầy vào tâm khảm

Thì có phải bạn đã tự lừa dối mình?


BẬC THẦY

Đức Phật dạy trong một mật điển:

- Trong tất cả chư Phật đã đạt giác ngộ, không có một vị nào thành tựu việc này mà không nhờ một bậc thầy, và trong tất cả ngàn vị Phật sẽ xuất hiện trong đại kiếp này, không một vị nào sẽ đạt giác ngộ mà không nương tựa vào một bậc thầy.

Vào năm 1987, sau khi bậc thầy thân yêu Dudjom của tôi từ trần ở Pháp thì tôi đang ngồi trong xe lửa từ miền Nam nước Pháp nơi ngài ở, để trở về Paris. Trong trí tôi hiện ra muôn ngàn hành vi độ lượng, hiền lành và từ ái của ngài, tôi rưng nước mắt tự nhủ với mình nhiều lần:

- Nếu không nhờ thầy, thì làm sao con hiểu được?

Tôi nhận chân một cách tha thiết cái điều trước đấy tôi chưa bao giờ biết đến, đó là tại sao truyền thống chúng tôi lại đặt tầm quan trọng thiêng liêng như vậy vào liên hệ thầy trò, và mối liên hệ ấy là thiết yếu như thế nào đối với việc truyền thừa chân lý từ trí sang trí, từ tâm sang tâm. Nếu không có những bậc thầy tôi, thì tôi đã không thể trực nhận chân lý của lời dạy, tôi đã không thể đạt đến tầm mức hiểu biết khiêm tốn mà tôi có được.

Nhiều người Tây phương nghi ngờ thầy, thông thường bất hạnh thay, lại là vì những lý do chính đáng. Tôi không cần phải kể ra đây vô số trường hợp ghê gớm, đáng chán, về sự điên rồi, tham lam, và lường gạt đã xảy ra trong thế giới hiện nay, kể từ khi tây phương mở cửa đón nhận nền minh triết đông phương vào những thập niên 1950 và 1960. Tuy nhiên, tất cả truyền thống trí tuệ lớn, dù là Ki-tô, Sufi, Phật giáo hay Ấn giáo, muốn có năng lực đều phải dựa vào quan hệ thầy trò. Bởi thế điều mà thế giới cấn một cách cấp thiết hiện nay, là sự hiểu biết rõ ràng càng minh bạch càng tốt, một bậc thầy chân thực là gì, và một môn đệ chân thực là gì, và gì là thực chất của sự chuyển hóa xảy ra nhờ lòng tin đối với thầy.

Có lẽ sự mô tả cảm động và chân xác nhất về bản chất chân thực của bậc thầy mà tôi từng nghe, là cách mô tả của thầy Jamyang tôi. Ngài nói rằng mặc dù bản tính chân thực của chúng ta là Phật, song từ vô thỉ nó đã bị che mờ bởi một đám mây đen vô minh mê lầm. Tuy thế, bản tính chân thực ấy, Phật tính của ta, không bao giờ hoàn toàn đầu hàng sự chuyên chế của vô minh, ở đâu đó Phật tính ấy luôn luôn chống lại sự thống trị của vô minh.

Như thế Phật tính của chúng ta có một khía cạnh tích cực, đó là "bậc thầy nội tâm" của chúng ta. Ngay khi chúng ta trở nên mờ mịt, là bậc thầy nội tâm ấy đã làm việc cho chúng ta không biết mỏi mệt, cố đưa chúng ta trở về sự sáng sủa, khoáng đạt của bản thể chân thực chúng ta. Bậc thầy ấy không bỏ rơi ta giây phút nào. Trong lòng từ bi vô lượng như của chư Phật và của các đấng giác ngộ, Phật tính ấy không ngừng hoạt động cho sự tiến hóa của ta - không những đời này mà tất cả đời quá khứ của ta – dùng đủ phương tiện thiện xảo, đủ loại hoàn cảnh để giáo hóa, thức tỉnh chúng ta, và để dẫn chúng ta trở về chân lý.

Khi chúng ta đã cầu nguyện, khát ngưỡng chân lý trong một thời gian dài, qua nhiều đời kiếp, và khi nghiệp ta đã được thanh lọc khá đủ, thì một thứ phép lạ xảy ra. Và nếu ta có thể hiểu và xử dụng phép lạ này, thì nó có thể đưa đến sự vĩnh viễn chấm dứt vô minh: Vị thầy nội tâm, người luôn luôn theo sát chúng ta, xuất hiện dưới hình dạng một "vị thầy bên ngoài", người mà gần như do một huyễn thuật, ta đã gặp được trong thực tế. Sự gặp gỡ này là quan trọng nhất trong tất cả đời kiếp.

Ai là vị thầy bên ngoài? Không ai khác hơn là hiện thân, là tiếng nói và đại diện của vị thầy bên trong. Vị thầy mà hình dáng con người, tiếng nói con người, và trí tuệ của ông, đã khiến ta thương mến hơn bất cứ người nào khác trong các đời kiếp của ta, người ấy không ai khác hơn là biểu hiện của sự thật huyền bí nội tâm ta. Nếu không thì làm sao giải thích được tại sao cảm thấy liên hệ mãnh liệt đến vị thầy ấy như thế?

Ở tầng mức cao sâu nhất, thầy và trò không thể có sự ngăn cách, vì công việc của thầy là dạy cho ta nhận được thông điệp rõ ràng của vị thầy bên trong tâm ta, và làm cho ta nhận chân được sự hiện diện liên tục của bậc thầy tối hậu ấy ở trong tâm. Tôi cầu cho quý vị có thể thưởng thức được trong đời này, niềm hỉ lạc của mối tương giao hoàn hảo nhất đó.

Không những vị thầy là phát ngôn chính thức của chính vị thầy trong tâm bạn, mà ông còn là người chuyên chở, truyền đạt tất cả những ân phước của các đấng giác ngộ. Đấy là điều làm cho vị thầy của bạn có khả năng phi thường để soi sáng tâm trí bạn. Vị thầy không khác gì hiện thân của cái tuyệt đối, đấy là đường dây điện thoại qua đó tất cả chư Phật và các bậc giác ngộ có thể liên lạc với bạn. Vị thầy là kết tinh của trí tuệ tất cả chư Phật, và hiện thân của lòng từ bi của các ngài luôn luôn hướng về bạn: Ánh sáng của chư Phật nhắm thẳng vào tim óc bạn để giải thoát bạn.

Trong truyền thống chúng tôi xem vị thấy còn tốt hơn cả những vị Phật. Mặc dù lòng từ bi và năng lực chư Phật luôn luôn hiện hữu, song những mê mờ đã ngăn che chúng ta không gặp được chư Phật một cách trực tiếp. Nhưng vị thầy của chúng ta có thể gặp; vị thầy đang ở đó, sống, thở, nói, làm việc. Vị thầy luôn ở trước mắt ta để chỉ cho ta bằng mọi cách có thể, con đường của chư Phật: Con đường giải thoát. Với tôi, những bậc thầy của tôi là hiện thân của chân lý sống, là những dấu hiệu ám chỉ rằng sự giác ngộ có thể đạt được khi còn thân xác, ngay trong đời này, trong thế giới này, ngay bây giờ và tại đây.

Các ngài là những nguồn cảm hứng tối thượng trong việc tu tập của tôi, trong công việc, đời sống của tôi, và trong cuộc hành trình của tôi tiến đến giải thoát. Những bậc thầy đối với tôi là hiện thân của lời nguyện thiêng liêng đặt giác ngộ lên trên hết, cho đến khi tôi thực hiện được nguyện ấy. Tôi biết rằng chỉ khi đạt giác ngộ tôi mới hiểu biết hoàn toàn những vị ấy thực sự là ai, và biết được trọn vẹn lòng độ lượng, từ bi và trí tuê vô biên của các vị.

Tôi muốn san sẻ với các bạn lời cầu nguyện đẹp đẽ sau đây, mà ở Tây Tạng chúng tôi đọc để triệu thỉnh vị thầy trong tâm ta:

Từ đóa sen lòng sùng kính trong tim con

Hỡi Thầy từ bi, chỗ nương cậy duy nhất của con;

Hãy xuất hiện che chở con trong cơn khốn đốn

Bởi các nghiệp quá khứ và cảm xúc hỗn loạn.

Như viên ngọc an trú trên đầu con, mandala của đại lạc

Khơi dậy tỉnh giác và sáng suốt trong con, xin Thầy!


NĂNG LỰC CỦA LÒNG SÙNG KÍNH

Như Phật đã dạy về các vị Phật đã giác ngộ, không ai là không nương vào một bậc thầy, Ngài còn dạy:

- Chỉ nhờ lòng sùng kính mà thôi, ta có thể thực chứng chân lý tuyệt đối.

Chân lý tuyệt đối không thể thực chứng được trong phạm vi cái tâm thường ngày. Và tất cả truyền thống trí tuệ lớn, đều dạy con đường để vượt ngoài tâm thường ngày là trái tim. Con đường của trái tim là sự sùng kính.

Dilgo Khientse Rinpoche nói:

- Chỉ có một cách duy nhất để đạt giải thoát giác ngộ, đó là theo một bậc thầy chân thực. Thầy là vị hướng đạo giúp ta vượt biển sinh tử.

Như mặt trời, trăng phản chiếu trên mặt nước lặng trong, ân phước chư Phật cũng luôn luôn hiện diện cho những người có lòng tin tuyệt đối. Ánh sáng mặt trời rơi khắp, nhưng chỉ nơi nào có kính hội tụ thì mới đốt được cỏ khô. Khi những tia sáng bao la của tâm Phật từ bi được hội tụ vào tấm gương lớn của lòng tin và sự sùng kính, thì ngọn lửa ân phước sẽ cháy bùng trong bản thể bạn.

Vậy thì điều cốt yếu là biết được sùng kính thực sự có nghĩa gì. Đấy không phải là sự tôn thờ vô ý thức, không phải là bỏ hết trách nhiệm đối với chính bạn, tuân theo một cách mù quáng sự bốc đồng của một người khác. Sùng kính chân thực là một sự luôn sẵn sàng đón nhận chân lý không gián đoạn. Sự sùng kính ấy có gốc rễ trong niềm tri ân kính phục, nhưng sáng suốt và có trí tuệ, có căn cứ.

Khi bậc thầy có thể khơi mở cái tâm sâu xa của bạn, làm cho bạn thấy được tự tính của tâm, thì trong bạn nổi lên một niềm tri ân hoan hỉ đối với người đã giúp bạn thấy được. Vì sự thật mà bạn thấy là những gì mà bậc thầy thể hiện trong con người, trong giáo lý và trong trí tuệ của thầy. Cảm giác chân thực tự nhiên ấy luôn luôn có gốc rễ trong kinh nghiệm nội tâm, và chỉ điều này mới được gọi là sùng kính, Tạng ngữ là Mogu. Mogu nghĩa là "khát khao và kính trọng": Kính trọng thầy, niềm kính trọng càng tăng khi bạn càng hiểu bậc thầy là ai, và khao khát những gì mà thầy có thể khai thị cho bạn, vì bạn đã biết thầy chính là gạch nối của tâm bạn với chân lý tuyệt đối, hiện thân của tự tính chân thực trong bạn.

Dilgo Rinpoche nói:

- Lúc đầu sự sùng kính này có thể chưa tự nhiên, nên ta phải dùng một số kỹ thuật để giúp ta có được sự sùng kính. Điều chính yếu là phải luôn luôn nhớ những đức tính tuyệt hảo của vị thầy, nhất là lòng tử tế của vị ấy đối với ta. Nhờ liên tục phát sinh niềm tin tưởng, tán thán vị thầy, tận tụy với thầy, mà sẽ có ngày chỉ cần nhớ tên hay nghĩ đến vị ấy cũng đủ dừng lại mọi vọng tưởng của ta, và ta sẽ thấy vị ấy như chính là đức Phật.

Thấy thầy không phải như một con người, mà như chính đức Phật, đó là nguồn gốc của ân phước lớn nhất. Padmasambhava nói:

- Sùng kính tuyệt đối đem lại ân phước lớn lao; không hoài nghi đem lại thành công mỹ mãn,

Những người Tây Tạng biết nếu bạn xem thầy như Phật, thì bạn sẽ nhận được phước của Phật, nhưng nếu bạn xem thầy như một con người mà bạn chỉ được phước của con người. Vậy nếu muốn nhận được năng lực chuyển hóa trọn vẹn của lời dạy của bậc thầy, thì bạn phải khơi mở trong chính mình lòng sùng kính lớn lao nhất. Chỉ khi bạn xem thầy như Phật thì một nền giáo lý như-của-Phật mới đến với bạn từ tâm giác ngộ của bậc thầy. Nếu bạn không thể xem thầy như Phật, mà chỉ xem như người, thì không bao giờ có được ân phước trọn vẹn, và ngay cả nền giáo lý vĩ đại nhất bạn cũng không thể đón nhận được.

Càng tư duy về sự sùng kính và vai trò của nó trong tri kiến về giáo lý, tôi càng nhận sâu xa rằng đấy cốt yếu là một phương tiện thiện xảo để làm cho chúng ta dễ hấp thụ chân lý mà thầy truyền dạy. Những bậc thầy không cần sự tôn thờ của chúng ta, nhưng có xem thầy như Phật sống thì ta mới có thể lắng nghe thông điệp của giáo lý và nhất nhất tuân theo những chỉ giáo của họ. Như vậy, có thể nói sự sùng kính là cách thực tiễn nhất để có niềm tôn trọng tuyệt đối và do đó mở lòng ra để đón nhận giáo lý mà bậc thầy truyền đạt và thể hiện qua con người của họ. Càng sùng kính, bạn càng mở lòng ra đối với lời giảng dạy, và bạn càng mở lòng ra thì giáo lý càng có nhiều cơ hội để thấm vào tim óc bạn, và nhờ vậy phát sinh một sự chuyển hóa tâm linh toàn diện.

Vậy, chỉ nhờ xem thầy như Phật sống, mà tiến trình "thành Phật" của bạn có thể thực sự bắt đầu và hoàn tất. Khi tâm trí bạn đã hoàn toàn mở ra trong niềm hân hoan, ngạc nhiên, biết ơn đối với sự mầu nhiệm là hiện diện của bậc thầy, hiện thân của giác ngộ, thì khi ấy, dần dà trải nhiều năm, có thể xảy ra sự truyền thừa từ tâm trí tuệ của bậc thầy sang tâm của bạn, mở cho bạn thấy ánh quang vinh của Phật tính nơi chính bạn, và cùng với Phật tính ấy là ánh quang vinh của toàn vũ trụ.

Tình sư đệ thân thiết sâu xa nhất ấy trở thành một tấm gương phản chiếu mối tương quan của người đệ tử đối với cuộc đời và thế giới nói chung. Bậc thầy trở thành hình ảnh cốt cán trong sự thực hành "tri kiến thuần tịnh," cao điểm của nó là khi hành giả thấy một cách trực tiếp không còn chút nghi ngờ nào: Thầy là Phật sống, lời thầy là Phật ngôn, tâm thầy là tâm giác ngộ của tất cả chư Phật, mỗi hành động của thầy là một biểu hiện của Phật hạnh, chỗ thầy ở là cảnh giới Phật, và ngay cả những người xung quanh thầy là ánh sáng do trí tuệ của thầy chiếu ra.

Khi những nhận thức như vậy càng ngày càng hiện thực và vững chắc, thì phép lạ trong tâm mà hành giả đã trông ngóng từ bao đời kiếp có thể dần dần xuất hiện: Hành giả khởi sự thấy một cách tự nhiên rằng mình, vũ trụ và tất cả hữu tình trong đó đều trong sáng toàn hảo một cách tự nhiên: Thế là cuối cùng hành giả đang nhìn vào Thực tại với chính con mắt của mình. Bậc thầy, như vậy, là con đường, là phiến đá thử vàng mầu nhiệm để phát sinh một chuyển hóa toàn diện của mọi nhận thức nơi người đệ tử.

Sự sùng kính trở thành phương thức nhanh nhất, giản dị nhất và thuần tịnh nhất để trực ngộ bản tâm và vạn pháp trong vũ trụ. Càng tiến trên con đường này, ta thấy tiến trình ấy hỗ tương duyên sinh một cách kỳ diệu: Khi chúng ta cố liên tục phát sinh lòng sùng kính, sự sùng kính ta có được ấy lại phát sinh ra ánh sáng của tự tâm ta; sự thấy được ánh sáng tự tâm lại làm cho ta tăng lòng sùng kính đối với bậc thầy đã khơi niềm cảm hứng cho ta. Như thế là sùng kính tuôn phát từ trí tuệ: Sùng kính và kinh nghiệm về bản tâm trở thành một thực thể bất khả phân, và gợi cảm hứng lẫn nhau.

Thầy của Patrul Rinpoche là Jikmé Gyalwé Nyugu. Trong nhiều năm ngài nhập thất trong một hang động. Một ngày kia khi ngài ra ngoài, mặt trời đang đổ xuống; ngài nhìn lên trời thấy một đám mây đang di chuyển về hướng mà Jikmé Lingpa, bậc thầy ngài đang cư trú. Ngài nghĩ trong tâm, "Thầy ta đang ở nơi kia," và một niềm khát ngưỡng và sùng kính dâng trào trong tâm ngài, mãnh liệt tới nỗi ngài ngã quị. Khi ngài tỉnh dậy, toàn thể tâm giác ngộ của bậc thầy đã được truyền sang cho ngài, và ngài đạt đến trình độ chứng nhập cao nhất, gọi là "Diệt tận định."

Về Menu

tạng thư sống chết 11. phần 1: sống 09. con đường tâm linh phần 1 tang thu song chet 11 phan 1 song 09 con duong tam linh phan 1

履职总结 课程表鼓励孩子的话 рикна Bắt miệng với chạo khoai tía chay å ä è 少先队大队部工作计划 关于青春的议论文 Củ gừng có nhiều lợi lạc ๆ ภขง 人生是 旅程 風景 trở ดวยอำนาจแหงพระพ 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 vang sanh quyet dinh chon ngon Nguyên xay ChÃƒÆ 塩谷八幡宮 ประโยชน ของธรรมมะ thanh お寺との付き合い 檀家 二年级家访学生记录 10 æ ä ƒ mÊgap duoc phat la mot phuoc duyen lon trong doi Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm Bậc danh 所住而生其心 î ï Vài nét về hành trạng Đại lão أبا درج ฆฏ HT 築地本願寺 盆踊り Ï 丢失菩提心的因缘 tư tưởng và phong cách thiền tông æˆ å šæ 新西兰台湾佛寺 suy nghiệm lời phật xin ăn mà không ăn khi khoa học nhìn thấy đức phật luâ CÃn xin cùng nhau bảo vệ truyền thông chân the Phật Làm Vì sao không hút thuốc lá vẫn bị ung 新学期新展望内容怎么写 书面质证意见模板 盂蘭盆会 応慶寺