Từ trước đến lúc bấy giờ, Phật Giáo được truyền bá qua Tây Phương thường qua các công trình của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và đông phương và các triết gia
Tây Phương Đã Tiếp Nhận Đạo Phật Như Thế Nào (Phần 2)

... . Chưa có người Phật tử da trắng nào nghiên cứu đạo Phật và thực hành chánh pháp để truyền bá sang Tây phương, nói chi là cộng đồng 'Phật tử'.
 
  Hai Phật tử da trắng đóng góp quan trọng trong việc phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ và sau đó ở Á Châu. Người thứ nhất là "Đại tá' Henry Steel Olcott, người cùng sáng lập ra hội Thông Thiên Học thế giới với Madam Helena Petrova Blavatsky, gốc Nga. Cả hai chưa biết nhiều về giáo lý Đức Phật mà chỉ chú ý tới những hiện tượng 'thần bí'.

Sau nội chiến Nam Bắc ở Mỹ, dù xương sống tôn giáo ở Mỹ là Tin Lành, hiện tượng cầu hồn và 'đối thoại' với người ở bên kia 'cõi âm' khá phổ biến, có lẽ là một như cầu để làm nhẹ nỗi đau của thân nhân của các chiến sĩ trận vong. Hiện tượng gọi là 'ngoại cảm' không liên hệ, nếu không muốn nói là tương phản, với giáo lý vô ngã của đạo Phật, nhưng được ngay cả các nhật báo lớn ở Mỹ đề cập và 'nghiên cứu' về các 'hiện tượng tâm linh' huyền bí.

Và có huyền bí nào hơn các nhà tu khổ hạnh yogi râu tóc bạc phơ sống trong các hang động ở Tây Tạng trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, có thể đạt tới trình trạng 'xuất hồn' đi trên mặt nước. Chỉ thiếu có chuyện biến nước thành rượu!

Colonel Olcott gặp Madam Blavatsky (bà thích được gọi tắt là HPB) tại một trang trại 'nghe đồn' là có nhiều hồn ma bóng quế và được các nhà 'ngoại cảm', tức là các bà đồng bóng, tụ tập nghiên cứu. Các báo Mỹ ở New York cho đây là một sự lừa bịp trắng trợn, nhưng trình độ dân trí lúc bấy giờ, nhiều người vẫn bán tín bán nghi.

Đại tá Olcott quyết định tự mình điều tra. Mối hội ngộ này đã làm nẩy nở một sự hợp tác 'tinh thần' nhiều năm trong quá trình phục hưng Phật giáo. Vào ngày 17 tháng 11 năm 1875 Hội Thông Thiên Học (Theosophical Society) được thành lập, mục đích nhằm nghiên cứu 'luật lệ điều hành vũ trụ', thành lập một Cộng Đồng Huynh Đệ không phân biệt chủng tộc, giới tính, giai cấp' để nghiên cứu tôn giáo, triết lý và khoa học hiện đại!

Quan trọng hơn nữa mục đích của Hội nhằm nghiên cứu những hiện tượng 'không giải thích' được trong thiên nhiên và khả năng tiên tri của con người. (1) Hội Thông Thiên Học gần gũi với hội Sấm Trạng Trình, Bà Chúa Xứ hay Đức Thánh Mẫu hơn là một hội Phật học!

Sau khi bị các nhà phê bình tôn giáo Mỹ chỉ trích tác phẫm Isis Unveiled của bà là thứ rác rưới đáng vứt bỏ, HPB có ý định muốn đem Hội Thông Thiên Học gia nhập Hội Tam Điểm (Masonic), một đối thủ của Thiên Chúa Giáo ở Tây phương. Duyên nghiệp giữa hai nhân vật này với Phật giáo còn nhiều khi cả hai quyết định làm chuyến phiêu lưu qua Ấn.

HPB và Olcott đến Ấn vào năm 1879 và vì bị nghi ngờ có liên hệ đến các nhân vật trong phong trào quốc gia Ấn, họ bị mật thám Anh theo dõi. Trong một thời gian ngắn, cả hai không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong việc truyền bá Thông Thiên Học trong giới trí thức thực dân Anh cũng như Ấn, cả hai quyết định qua Sri Lanka (bấy giờ là Ceylon), nơi Phật giáo hưng thịnh nhờ nổ lực truyền bá đạo Phật của con trai hoàng đế Asoka. Ceylon bị các nhóm thực dân Bồ Đào Nha và Hoà Lan thống trị trước đó và các thừa sai Thiên Chúa đã tìm cách cải đạo tập thể dân chúng Ceylon như tại Nam Mỹ và Việt Nam, nhưng đa số dân chúng vẫn giữ lòng tin vào chánh pháp, trừ một thiểu số trong sắc tộc Tamils.

Các giáo sĩ Tin Lành tuy không hung hăng như các thừa sai Thiên Chúa, nhưng lúc cặp bài trùng này đến Ceylon, trên toàn quốc chỉ có 4 trường học được xem chịu ảnh hưởng của Phật giáo trong khi có 805 trường 'đạo'. Khi hai người tới thành phố ven biển Galle vào ngày 25 tháng Năm 1880, các hàng ngàn thuyền nhỏ treo cờ xí phất phới và hàng ngàn Phật tử với trang phục mặc trong các ngày đại lễ trãi thảm 'trắng' đón hai người.

Giống như trường hợp kỳ diệu của Hoàng Đế A Dục ngày xưa, ngày 25 tháng Năm, HPB và Đại Tá Olcott quỳ dưới chân một nhà sư Tích Lan trong một ngôi chùa làm lễ thọ Tam Quy Ngũ Giới bằng tiếng Pali. Họ là hai công dân Mỹ (HPB mới nhập tịch Mỹ vào năm trước) đầu tiên chính thức thọ tam quy ngũ giới theo nghi thức Phật giáo.

Tuy nhiên nhận thức về Phật giáo của hai Phật tử Tây Phương đầu tiên vẫn còn có 'vấn đề'. HPB nghĩ Phật giáo là hệ thống tín ngưỡng 'tâm truyền' (esoteric) có trước thời Vệ Đà (!), còn Đại tá Olcott thì nghĩ Phật giáo tương tợ như 'túi khôn' của Áo Nghĩa Thư (Upanishads).

Đại tá nói "Phật giáo của chúng tôi nghĩ không phải là tín ngưỡng mà chỉ là một hệ thống triết lý". (2) Dù là nhận thức của cặp Phật tử này có chính thống hay không, họ cũng được mời giảng pháp ở các chùa có hàng vạn Phật tử tham dự.

Hội Thông Thiên Học được thành lập ở Colombo trở thành môi trường xúc tác trong việc thành lập hàng trăm trường Phật giáo khác và có ảnh hưởng quyết định trong việc phục hồi Phật giáo ở Ấn độ Lá cờ ngũ sắc do Olcott thiết kế dưới sự đồng ý của vị vị sư cả Tích Lan sau này trở thành biểu tượng cho sự thống nhất Phật giáo thế giới. Tác phẩm Buddhist Catechism do Olcott viết nhằm giáo dục cho trẻ con đã được dùng giảng dạy trong các trường Phật giáo ở Tích Lan.

Tình trạng Phật giáo ở Ấn và Tích Lan cũng tiêu điều. Trừ một số ít vị chân tu, các vị sư Sinhalese hầu hết đã bỏ truyền thống ngồi Thiền. Tăng già chỉ còn nghiên cứu và tụng kinh và giữ giới, hy vọng 'kiếp sau' sinh vào một cõi khác tốt hơn.

Chỉ còn một ít các chân tu ở Miến Điện còn giữ thực tập truyền thống Thiền quán. Quần chúng Phật tử thì rất ít biết về giáo lý do đó không đủ khả năng phản biện những luận điệu phỉ báng mà các nhà truyền giáo Tin Lành cố tình vo tròn bóp méo.

Vào thế kỷ 12 ở Ấn Độ, sau khi 10 ngàn tăng già bị quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát, và nhất là thiếu việc tham dự của quần chúng trong việc hành trì, nên Phật giáo hầu như không còn dấu vết gì, trừ mấy thánh tích tiêu điều hoang phế.

Olcott quyết định viết Buddhist Catechism (Cũng như Bible, Catechism là từ ngữ của Ky Tô) giới thiệu các quan niệm căn bản trong Phật giáo. Để sửa soạn cho tác phẩm này, Olcott đã đọc hàng ngàn trang sách nghiên cứu Phật giáo bằng Anh Ngữ và Pháp ngữ.

Nhờ thế hiểu biết về Phật giáo của Olcott bắt đầu có vẻ chính thống hơn, ông không còn nhắc đến những hiện tượng tâm linh huyền bí nữa cũng như không còn giải thích Phật giáo dưới mầu sắc của Vệ Đà. Olcott đề nghị dùng từ ngữ Buddha-Dharma thay cho Buddhism, vì 'ism' thường mang tánh cách giáo điều, trong khi Phật giáo là tôn giáo 'chống giáo điều'. Nói theo Alan Watts, Phật giáo là tôn giáo khô ng tôn giáo (a religion of no religion).

Một may mắn khác cho Phật giáo Tích Lan là sự hiện diện của một viên thẩm phán trẻ tuổi Anh được bổ nhiệm làm việc, Rhy-Davids. Ông thường được yêu cầu giải quyết các tranh chấp luật pháp về những tranh chấp liên hệ đến tôn giáo.

Rhys-Davids quyết định học tiếng Pali để có thể đọc được giới luật Vinaya, để tránh những quyết định vi phạm đến luật lệ truyền thống. Vị giáo thọ, sư cả Unnanse Yatramulle, không những dạy Rhys-Davids Pali mà còn khuyến khích ông học kinh điển Phật giáo.

Thán phục kiến thức và phong thái giản dị của vị giáo thọ này, Rhys-Davids tìm cách thu thập tam tạng Pali lúc đó còn lưu trữ trên lá bối. Khi trở lại Anh vào năm 1881, ông thành lập hội Pali Text Society. Hội này sưu tầm những sách viết về Phật giáo ở các thư viện Âu Châu và kinh điển viết bằng Pali ở Tích Lan và phiên âm ra mẫu tự La Tinh.

Phu nhân của ông, Bà Carolyn Rhys-Davids là một cánh tay đắc lực trong việc sưu tầm các Thánh điển Đông phương (Sacred Books of the East), sau này do Max Muller biên tập và xuất bản.

Dựa vào kinh điển Pali, các học giả Âu Châu thường xem Tích Lan là quê hương của một dòng Phật giáo nguyên thủy 'tinh khiết' nhất ở Á Châu- gần gũi nhất với những gì Đức Phật dạy các đệ tử đầu tiên, trong khi xem Phật giáo Đại Thừa, nhất là đạo Phật Trung Hoa, bị vướng mắc trong các triết lý siêu hình và tập tục mê tín.

Kinh điển hệ Pali của Nam tông phản ảnh tinh hoa những lời dạy của Đức Phật, vừa có tánh cách khoa học, duy lý và đầy nhân tình. Theo họ, Phật giáo Bắc tông cũng giống như giáo Hội Thiên Chúa La Mã tràn ngập nghi lễ và thần thánh (Bồ Tát) và do giới 'tư tế' (Tăng già) kiểm soát và điều khiển.

Còn Nam tông giống như thệ phản Tin Lành, thường duy lý và chú trọng đến đạo đức. Việc các nhà nghiên cứu Tây phương đầu tiên chú trọng đến Phật giáo nguyên thủy để phát hiện ra tinh hoa của đạo Phật là một điều dễ hiểu.

Quan điểm của Pali Text Society đúng hay sai là chuyện khác, nhưng hạnh nguyện của Olcott là đoàn kết các tông phái Phật giáo duới một lá cờ, theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Olcott nghĩ là một phong trào Phật giáo thống nhất sẽ có khả năng giúp các nước theo Phật giáo có thêm quyền lực chính trị hơn là quan tâm đến vấn đề kinh điển hay giáo lý.

Lá cờ Phật giáo được ông vẽ kiểu và năm 1889 dưới sự hướng dẫn của sư cả Sumangala, phản ảnh có quyết tâm này. Tác phẩm Buddhist Chatechism đề cập đến những điểm tinh yếu mà các môn phái đều có thể chấp nhận. Tác phẩm này được dịch ra tiếng Nhật và Sankrit và hầu hết các ngôn ngữ Âu châu.

Olcott hy vọng tất cả các môn phái đều chấp nhận là cờ này như một biểu trưng cho lòng tin của Phật tử và phục vụ mục tiêu tương tự như biểu tượng Thập Giá cho các tín đồ Ky Tô. (3) Và trong lễ Phật đản năm 1889, lần đầu tiên là cờ Phật giáo tung bay trên tất cả mọi ngôi chùa và tư gia tại Tích Lan và Olcott tự hào đây là lá cờ 'đẹp nhất' trong số các cờ quốc tế.

Nếu Olcott còn sống đến năm 1963, ông có lẽ còn thêm chữ 'linh thiêng', khi Phật tử Việt Nam đồng thanh nhấn mạnh "cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ" trong phong trào chống chánh sách kỳ thị tôn giáo của chánh phủ Diệm.

Vận động phục hưng Phật giáo của Olcott lan tận bên Nhật. Năm 1988 Nhật gởi một sứ giả sang Colombo mời Olcott sang Nhật. Noguchi phát biểu trước hội nghị hàng năm của Thông Thiên Học họp ở Adyar là họ mong Olcott đến Nhật để "phục hồi hy vọng cho người già, làm tăng can đảm trong tim thanh niên, để chứng tỏ là các sinh viên được đào tạo trong các trường đại học và cao đẵng của chúng tôi hay những sinh viên du học ở các nước Mỹ và Âu Châu là, khoa học Tây phương không phải là không sai lầm và không thể thay thế cho tôn giáo (truyền thống) tự nhiên của chúng tôi". (4) Olcott chấp nhận lời mời và Phật giáo Tích Lan tổ chức một buổi tiễn biệt trọng thể chưa bao giờ có.

Tăng thống Sumangala cầu nguyện tam bảo gia hộ cho sứ mạng của Olcott thành công. Điều ngoạn mục nhất là tăng thống gởi cho Ủy Ban Phật giáo Nhật một bức thư biểu lộ tình pháp hữu giữa Phật giáo Tích Lan và Nhật. Đây là cuộc giao tiếp đầu tiên sau nhiều thế kỹ lạnh nhạt giữa hai tông phái Nam và Bắc tông.

Khi đến Nhật Olcott khám phá tông phái bảo trợ chuyến sang Nhật là Tịnh Độ (Shin shu). Để thể hiện mục tiêu đoàn kết tôn giáo, Olcott yêu cầu ban bảo trợ phải mời thêm các đại diện của các tông phái khác.

Hố chia rẻ của các tông phái Nhật Bản rất sâu xa nhưng cuối cùng họ cũng phải nhượng bộ để thành lập một ủy ban liên tôn Phật Giáo Nhật. Trong buổi gặp mặt đầu tiên, Olcott đọc bức thư của Tăng thống Tích Lan đã được phiên dịch ra tiếng Nhật cho các đại biểu trong ủy ban.

Trong 3 tháng tiếp đó Olcott trình bày chừng 75 lần Pháp thoại và theo ước tính của ông, có chừng 187 ngàn phật tử Nhật tham dự. Phật tử Nhật yêu cầu ông lập lại nghi lễ thọ Tam Quy Ngũ Giới bằng tiếng Pali. Khi Olcott trở về Tích Lan vài tháng sau đó, có ba nhà sư Nhật theo ông để học tiếng Pali và tìm hiểu Phật Giáo Nam Tông.

Thực ra trước đó hai năm đã có một nhà sư Nhật trẻ khác đến Tích Lan học đạo, Soyen Shaku. Ông sau này là đại biểu của Nhật trong Hội nghị Phật giáo thế giới, Một đệ tử của Soyen Shaku, vài chục năm sau đã gây một phong trào thực hành Thiền tại Mỹ. Người đó là Đại Sư D.T. Suzuki.

Khi HPB qua đời và Thông Thiên Học bị các nhóm học giả thân Ấn giáo thao túng, Olcott nẫy ra ý tưởng thành lập Hội Liên Hữu Phật giáo (Budhist League). Ông kêu gọi các đại diện Phật giáo các nước họp tại Adyar. Năm 1890 các đại biểu Phật Giáo Tích Lan, Miến Điện và Nhật thảo luận trong vòng 2 tuần lễ về dự thảo giáo lý chính của Phật giáo (Xem Chương Phật Giáo dước góc độ Hiện Đại) Soyen nhận xét là giáo lý Đại thừa còn nhiều điểm hơn là 14 điều do Olcott đề nghị. Olcott sau đó còn phải nổ lực thuyết phục các tông phái khác như Zen, Bạch Liên , Tào Động và Thiên Thai chấp nhận.

Người Hộ pháp không nhà

Tuy nhiên thành quả lớn nhất của hai Phật tử da trắng đầu tiên và hội Thông Thiên Học là đã nuôi dưỡng một nhân vật đóng vai trò chính yếu trong việc hồi sinh Phật giáo ở Tích Lan và Ấn độ, cư sĩ Anagarika Dharmapala, nghĩa đen là người Hộ Pháp không nhà.

Thế danh của ông hộ pháp này là David Hewavitarne, sinh vào ngày 14 tháng 9 năm 1864 có cơ duyên tiếp xúc với Olcott và Madam Blavatsky lúc mới 16 tuổi. Dù là Phật tử thuần thành, David được gởi theo học một trường đạo (và có tên thánh là David!).

Cũng như các 'trường đạo' tại các thuộc địa khác, học sinh phải tham gia thánh lễ hàng ngày và dĩ nhiên phải học kỹ thánh kinh. Tuy nhiên nhờ kiến thức về thánh kinh này, nhờ tinh thần phân tích, Dharmapala có dịp nhìn thấy những mâu thuẫn và phi lý trong thần học Ky Tô.

Có lần chàng học sinh trẻ này bị phạt vì dám lấy một ngày nghỉ để dự lễ đản sinh của Đức Phật. Một lần khác chính David chứng kiến cảnh các tín đồ cuồng tín Tin Lành, vẽ thập giá trên trán, tấn công một đám rước lễ Phật giáo diễn hành ngang trường.

David sau đó không chịu trở lại học các trường đạo. Với sự đồng ý và bảo trợ của cha và gia đình, David xin gia nhập hội Thông Thiên học và được Madame HPB đỡ đầu.

Dharmapala đi từ làng này sang làng khác và càng ngày càng thấm thía những bất công do chế độ thực dân gây ra. Về mặt kinh tế và xã hội, các thành phần 'cải đạo' theo ngoại bang (phần lớn là Tamils) chiếm địa vị ăn trên ngồi trước.

Về mặt tinh thần, các giáo sĩ thừa sai tìm mọi cách bứng gốc rễ văn hóa của sắc tộc Sinhalese tại Ceylon, nơi đã hãnh diện về truyền thống Phật giáo hàng ngàn năm, nhờ những nổ lực hoằng pháp của các giáo đoàn do con trai của hoàng đế A Dục thành lập.

Năm 1886, David Hewavitarne quyết định từ bỏ các mục tiêu quyền lợi trần thế và quyết đem cả đời mình để phục vụ người khác. Dharmapala có nghĩa là 'hộ pháp' và Anagarika là kẻ không nhà. Những gì mà nhà 'hộ pháp không nhà' truyền giảng là một thứ tôn giáo quốc gia nhắm thức tỉnh quần chúng khỏi tình trạng ù lì của đám đông bị áp bức, đã phải chịu đựng nghèo khó hàng mấy thế kỷ. Ông đã tiêm vào đầu óc dân chúng Tích Lan khả năng tự trọng và hãnh diện về tôn giáo truyền thống (5)

Một công lớn nữa của Dharmapala là hồi phục Phật Giáo Ấn Độ, hay ít nhất là thắng tích Bồ Đề đạo tràng. Ông qua thăm Ấn lần đầu vào năm 1891 với một nhà sư Nhật đang ở Tích Lan học đạo. Cả hai đọc tác phẩm Ánh Sáng Châu Á (The Light of Asia) của Edwin Arnold. Tác phẩm này đã in 80 phiên bản khác nhau và số phát hành từ nửa triệu bản đến một triệu bản.

Thi phẩm này trình bày căn bản giáo lý của Đức Phật như Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo nhờ đó không ai có thể trình bày Đạo Phật một cách sai lạc có ác ý. Arnold viết những bài báo cảnh báo về sự điêu tàn của các thánh tích như Bồ đề Đạo Tràng Gaya và vuờn Lộc Uyển ở Sarnath nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên.

Arnold viết trên the London Telegraph: "Tôi đã chứng kiến tượng Phật cao chừng một thước còn nguyên vẹn đang bi chôn vùi dưới đống rác. Các trụ đá Asoka, những di vật khảo cổ lâu đời nhất rãi rác làm đá trãi đường và làm trụ chống nhà bếp của Mahant (ông 'chủ' mới của thánh địa)".

Bài báo của Arnold làm hàng triệu Phật tử cảm động và được mọi người lưu ý ngay. Sau khi thảo luận với tăng thống Sumagala, Arnold và Olcott tập hợp cộng đồng Phật tử quốc tế làm kiến nghị Nữ Hoàng mua lại Bồ Đề Đạo Tràng và phục hồi thánh tích này.

Đạo Phật hầu như đã biến mất ở Ấn Độ từ thế kỷ 12 hay 13 sau khi đoàn kỵ mã Hồi giáo Thổ giết hơn 10 ngàn tăng già và thiêu hủy hầu hết các chùa chiền. Ấn giáo lẳng lặng 'đồng hoá' Phật giáo bằng cách xem Đức Phật là hóa kiếp lần thứ 3 hay thứ 4 của thần Vishnu.

Nơi Đức Phật thành đạo, Gaya, biến thành nơi thờ phượng của Ấn giáo. Quì trước tượng Phật cổ, Dharmapala nguyện là sẽ tìm mọi cách hồi phục đạo tràng Gaya và những thánh tích khác cho Phật giáo cũng như phục hưng đạo Phật tại Ấn Độ.

Trong nổ lực thực hiện mục tiêu này ông thành lập hội Maha Bodhi (Đại Giác Ngộ) và xuất bản Tập San Maha Bodhi. Những thánh tích hiện nay được phục hồi và mỗi năm có hàng vạn người chiêm bái là nhờ công của người Hộ Pháp không nhà này.

Tuy nhiên biến cố khiến Dharmapala thành người đại diện cho phong trào phục hưng Phật giáo ở Đông và Đông Nam Á là Quốc Hội Tôn Giáo Quốc Tế được tổ chức tại Chicago vào năm 1893. Chủ tịch hội nghị này là Mục Sư J.H. Barrows nhờ đọc các bài báo của Dharmapala trên tập san Maha Bodhi nên viết thư mời ông tham dự.

Với hậu thuẫn của Tăng Thống Sumagala, Dharmapala quyết định lên đường sang Mỹ và mang theo hàng ngàn văn bản tam quy ngũ giới mà HPB và Olcott đã đọc lúc quy y.

Phần lớn đại biểu hội nghị nhiều giáo phái Tin Lành đang tranh chấp nhau, Thiên Chúa , Anh Giáo nhưng các tôn giáo phi-Ky tô như Nhật, Ấn Độ (Hindu, Parsis, Silks và Jains), Thái Lan, Ceylon. Lãnh sự Trung Quốc đại diện Khổng và Phật. Hội nghị nhằm phản ảnh tinh thần khám phá của Columbus và nhiều thính đường được xây dựng mới toang bên cạnh hồ Michigan.

Anagarita Dharmapala được vinh dự ngồi hàng ghế đầu bên cạnh Hồng Y Gibbon của Thiên Chúa, đại sư Swami Vivekananda và được đọc diễn văn kết thúc trong ngày khai mạc. Với mái tóc quăn đen để ngang vai, mắt sáng quắc tự tin nhìn thẳng vào thính giả hội trường, giọng nói sang sảng của người truyền giáo, lứu loát trong diễn đạt Anh Ngữ, Dharmapala chinh phục ngay được các đại diện như một đại biểu thống nhất các tôn phái Phật Giáo đang gieo truyền Ánh Sáng Á Châu vào thế giới văn minh Ky Tô.

Nhiều người so sánh phong thái của Dharmapala với chúa Jesus (6) Ngoài Dharmapala, có lẽ chỉ có đạo sĩ Vivekenanda được các đại biểu khác chú ý và kính trọng nhất.

Dharmapala không bỏ lỡ dịp này để xác nhận vị trí độc đáo của Phật giáo so với Ấn Giáo và Ky Tô giáo. Vì không cóThượng đế, đấng Sáng tạo, nên Phật giáo không cần phải biện chính bằng bất cứ một 'phép lạ' nào mâu thuẫn với khám phá khoa học và Phật giáo chính là tôn giáo nối liền với khoa học.

Dharmapala cũng phê bình thái độ mập mờ của Ân giáo, xem Phật giáo như một phần của tôn giáo truyền thống, trong khi giữa Ấn Giáo và Phật có nhiều sai khác không thể nào 'hòa giải' được: "Hai mươi lăm thế kỷ trước đây Ấn Độ đã chứng kiến một cuộc cách mạng tri thức và tôn giáo nhằm lật đổ tôn giáo độc thần, do các đẵng cấp giáo sĩ ích kỹ độc quyền tế tự để thành lập một tôn giáo tổng hợp, một hệ thống đời sống và tư tưởng có tên thích hợp là Dharma"(7)

Dharmapala và đại biểu Nhật, Soyen Shaku tìn được người 'tri kỷ', Dr Paul Carus, biên tập tập san The Monist và Open Court Press trong việc giới thiệu đạo Phật vào Mỹ (Carus là một di dân gốc Đức). Carus cũng tin rằng Phật giáo có thể 'sống chung' với khoa học hơn là các tôn giáo độc thần khác như Ky Tô và Ấn Giáo.

Carus mời Soyen dịch và biên tập một số tác phẩm Đông phương. Soyen nhũn nhặn từ chối vì khả năng Anh Ngữ của mình, thay vào đó giới thiệu một người học trò trẻ, Daisetz Teitaro Suzuki, người đóng vai trò trọng yếu trong việc giới thiệu Thiền vào đất Mỹ sau này.

Vào ngày cuối của đại hội, một tin giật gân được loan báo: Ông Charles T. Strauss, một thương gia gốc Do Thái tại New York, quì trước Dharmapala, thọ tam quy ngũ giới do người hộ pháp không nhà đọc bằng tiếng Pali. Strauss là người đầu tiên được nhận vào cộng đồng Phật tử chính trên đất Mỹ.

Một chi tiết khác về Dharmapala là ông vẫn sống và làm việc như một người cư sĩ (tương tự như cư sĩ Ambedkar, người đã làm lễ quy y cho gần một triệu người Intouchables vào năm 1956). Vào những ngày cuối đời (1933) Dharmapala mới yêu cầu một tăng đoàn Tích Lan làm lễ quy y cho ông vào năm 1931.

Ông nguyện là sẽ trở lại cõi ta bà '25 lần' để truyền bá chánh pháp và phục hưng Phật giáo tại Ấn độ. Hơn 15 năm sau, vào năm 1949, chánh phủ Ấn độ dành được độc lập từ thực dân Anh đồng ý trả Bồ Đề Đạo Tràng và các thánh tích khác lại cho Phật tử cai quản.

Khi Hồng Hạc bay về...

Sau đại hội, Phật giáo được xem như đại diện tinh hoa của văn hóa Á Châu nói chung. Nhờ các tài liệu càng ngày càng chính xác, kinh điển được dịch ra các ngôn ngữ Tây phương và chế độ thực dân gần tới giai đoạn cáo chung, nên các luận điệu của các thừa sai không còn ảnh hưởng như trong các thế kỷ trước.

Nhà Hộ Pháp không nhà Dharmapala nói Anh ngữ sành sõi, với phong thái của một đạo sĩ Đông Phương theo trí tưởng tượng của người Mỹ, trình bày Phật giáo theo quan niệm Tây phương đã khiến quần chúng tiếp nhận sứ điệp về Phật giáo một cách thiện cảm.

Trong bài diễn văn trong buổi lễ khai mạc Dharmapala đã xác nhận vị trí độc đáo của đạo Phật: "Đấng tạo hóa không có vị trí nào trong đạo Phật do đó đạo Phật không cần bịa đặt ra bất cứ huyền thoại hay 'phép lạ' nào trái ngược với khám phá khoa học. Trong một bài diễn thuyết thứ hai, 'Món Nợ của Thế giới đối với Đức Phật', Dharmapala tuyên bố: Đối tượng tư tưởng khai sáng hiện nay không còn nhắm về thần học nữa nhưng về triết lý và tâm lý." (8)

Nhà xã hội học Arnold Toynbee tuy không đến dự Hội nghị nhưng gởi một bức thư ủng hộ. Toynbee có một tiên đoán quan trọng là, đối với những nhà lịch sử trong tương lai, một trong những biến cố ngoạn mục nhất trong thế kỷ 20, là sự gặp gỡ giữa Phật giáo và Ky Tô giáo. Sự giao lưu văn hóa này chưa biết sinh ra hợp lưu nào, nhưng chắc chắn phải là ngoạn mục. (9)

Từ đầu thế kỷ đến chừng năm 1935, các công trình nghiên cứu Phật giáo thường được chia làm 3 trường phái. Trường phái thứ nhất do các nhà nghiên cứu Anh-Đức như T.W. Rhys Davids và H.Oldenberg, thường dựa trên kinh điển Pali mà họ xem như phản ảnh trung thực nhất giáo thuyết của đức Phật.

Cho tới ít nhất năm 1914 các nhà nghiên cứu này băn khoăn đi tìm dấu vết của một thứ Phật giáo 'nguyên thủy', 'tinh khiết' và 'chân thật'. Khi các nhà ngôn ngữ khám phá ra ngôn ngữ giảng pháp của Đức Phật là Maghadi, không phải là Pali. Pali cũng chẳnh qua là một phương ngữ khác như Sanskrit, nên các học giả Pali không còn cơ sở để khẳng quyết Phật giáo Pali là 'nguyên thủy nhất'.

Khoảng năm 1916 một nhóm nhà nghiên cứu khác ở Nga, thường gọi là 'trường phái Leningrad' do Stcherbatsky, Rosenberg và Obermiller nghiên cứu kinh điển để tìm ra một thứ Phật giáo khách quan hơn là Phật giáo do các nhà nghiên cứu Âu châu 'tái cấu trúc'.

Trường phái này nhìn Phật giáo theo góc độ khoa học và đã có công giới thiệu những từ ngữ Phật học như Dharma cho những người không chuyên môn. Tiếc thay trong kỳ hỗn mang của tình hình chánh trị tại cộng hoà Sô Viết (cũ), không còn để lại vết tích gì đáng kể ngoài các tác phẩm như The Buddhist Logic của Stcherbatsky và History of Buddhism của Obermiller

Trường phái cuối cùng mà các học giả Việt nam biết nhiều là trường phái Pháp-Bỉ gồm các học giả như de la Valleé-Possin, Sylvian Levi, Paul Demiéville và nhất là Etienne Lamotte. Trường phái Pháp- Bỉ phân tích các nguồn về ngôn ngữ, triết lý, xã hội...để tái cấu trúc giáo pháp và hiện nay được các học giả các trường đại học Âu Châu chấp nhận như là nguồn có giá trị. (10)

Khi Hồng Hạc bay về...

Các công trình nghiên cứu có tánh cách kinh viện chú trọng đến kinh điển Pali thường thiếu mức hấp dẫn đại chúng và nhất là trong giới thanh niên càng phai nhạt khi con Hồng Hạc bay về một quốc gia non trẻ. Con Hồng Hạc đó là D.T. Suzuki.

Suzuki là người phiên dịch cho Soyen Shaku trong Hội Nghị Phật giáo Quốc Tế ở Chicago. Thuộc dòng Võ Sĩ Đạo nhưng từ khi triều Minh Trị bãi bỏ độc quyền của giai cấp này, Suzuki sống một thời thơ ấu hàn vi.

Cha mất khi mới lên 6, nhờ mẹ tảo tần nuôi con và nhờ anh trai tìm được một một chân dạy trẻ, ông cũng được học xong tiểu và Trung học. Sau đó ông xin được một công việc dạy học 'đủ môn', từ toán đến đọc viết và Anh Ngữ. Suzuki tự học tiếng Anh bằng sách vỡ và sau này sang Mỹ, mới khám phá ra là mình đã dùng 'ngữ pháp' Nhật để 'viết tiếng Anh'!

Sau khi mẹ mất, ông về kinh đô Tokyo và theo học đại học the Imperial University, tuy không theo một quy trình nhất định nào để lấy bằng. Trong thời gian này ông ngẫm nghĩ về nghiệp dĩ và thân phận của mình: tại sao cha lại mất quá sớm? tại sao cuộc đời của mình toàn những nghịch cảnh.

Gia đình thuộc giai cấp võ sĩ đạo và thực hành Thiền Lâm Tế, nên không ai lấy làm lạ khi thấy ông thực hành pháp thiền này. Ông tập thiền dưới sự hướng dẫn của thiền sư Setsumon, nhưng vị thầy quan trọng nhất là Kosen, cha đẻ của Thiền Nhật Bản hiện đại, người trước đây đã đến Tích Lan học. Suzuki không thọ giới mà cả đời chỉ sống như một cư sĩ.

Qua sự giới thiệu của Kosen, Suzuki qua Mỹ làm việc với Carus, tác giả The Gospel of Buddha. Tập san Monist do Carus làm chủ bút là nơi tập hợp nhiều triết gia lỗi lạc như John Dewey, Bertrand Russell và MaxMuller. Chính trong thời gian làm việc với Carus, Suzuki dịch tác phẩm The Awakening of Faith in the Mahayana (Tín Tâm Minh của Mã Minh), Kinh Tứ Thập Nhị Chương và soạn tác phẩm đầu tiên Outline of Mahayana Buddhism.

Suzuki trở về Nhật và lập gia đình với một người phụ nữ Mỹ, bà Beatrice Erskine Land tại Nhật năm 1911. Sau đó ông dời về đế đô Kyoto, dạy môn triết lý tôn giáo ở đại học Otani. Tên ông trở nên quen thuộc với các nhà nghiên cứu Phật giáo trên thế giới khi nhà xuất bản Rider tại Anh xuất bản bộ Essays in Zen Buddhism (Bộ thứ nhất) (Do Trúc Thiên và sau này Tuệ Sĩ dịch ra Việt Ngữ), và sau sau đó bộ Hai và bộ Ba. Năm 1936 ông lại làm chuyến Tây du ký lần thứ hai.

Với kiến thức phong phú và nhân cách quyến rũ, Suzuki đã thu hút được nhiều học giả khác trên thế giới. Alan Watts nhận xét 'ông (Suzuki) là người thanh lịch và nhiều kiến thức nhất mà trước giờ tôi chưa hề gặp".

Vào thập niên 50 Suzuki đã trở thành một thần tượng làm hứng khởi cả một thế hệ trí thức và văn nghệ sĩ trẻ đầy tài năng và mở đầu cho phong trào gọi là Zen Boom. Các văn nghệ sĩ trong Beat Generation như Allen Ginsberg, Jack Kerouac và Gary Snyder đều xem Suzuki là thần tượng. Jack Kerouac trong buổi chiều ăn mừng xuất bản tác phẩm Dharma Bums, đã gọi điện thoại xin gặp và được Suzuki đãi một chén trà xanh. Kerouac hỏi: "Ý chỉ của Đạt Ma đông độ là gì?"

Suzuki không trả lời, Trước khi từ giã, Kerouac nói: "Tôi muốn ở lại với ngài mãi mãi'. Những cuộc gặp gỡ 'định mệnh' là giữa Suzuki và một số học giả Phật giáo sau này, trong đó có Phillip Kapleau.

Chứng kiến những thảm cảnh trong chiến tranh, và những cuộc giết người tập thể, chàng thanh niên Kapleau diện kiến Suzuki tại thiền viện Kamakura. Hình ảnh thanh tịnh giải thoát của Suzuki đã làm người sĩ quan trẻ này trở lại Nhật 5 năm để vào tu tại một thiền viện. (11)

Năm 1953 Suzuki trở lại Mỹ và phát khởi một thời kỳ thường gọi là Zen Boom, trăm đóa hoa Thiền nở rộ. Ông dạy các lớp Triết lý Thiền vào buổi chiều tại đại học Columbia và sinh viên phần lớn là họa sĩ, các nhà sáng tác nhạc, thi sĩ, các bác sĩ tâm thần, giáo sư triết lý.

Kapleau nhận xét: " sự hiện diện của Suzuli gây nên chất men của đời sống tân linh-trí thức ở New York vào đầu các năm 50. Mặc dù chỉ là một học giả-cư sĩ đã 80 tuổi, không phải là tiếng nói sư tử hống của một thiền sư, nhưng Suzuki đã thực hiện được những thành tựu đáng kể. Một thân một mình, ông đã giới thiệu giai đoạn đầu tiên về trí thức và thực tập Thiền ở Mỹ.

(12) Tập san The New Yorker viết về Suzuki vào năm 1957: "Ông là một học giả nổi tiếng và ăn nói lưu loát về Phật giáo Thiền tông, chi nhánh có hàng triệu cư sĩ Nhật tu tập và đã thu hút được nhiều nghệ sĩ, trí thức và tâm lý gia ở Tây phương...trong đó có nhà xã hội học Arnold Toynbee, Aldous Huxley, Martin Heidegger, C.G. Jung và Karen Horney. (13)

Một trong những 'đồ đệ' tâm linh của Suzuki sau này dính líu tới lịch sử chiến tranh Việt Nam là Richard Gard, lúc đó đang nghiên cứu luận án về Phật giáo. Gard là người lo thủ tục để đưa Suzuki qua Mỹ dạy học tại Claremont Graduate School. Khi 'vụ Phật Giáo' bùng nổ tại Miền Nam, và khi Thầy Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt ngày 11 tháng Năm năm 1963, Bộ ngoại giao Mỹ và chính Kennedy ngỡ ngàng hỏi: "Họ là ai? Tại sao chúng ta không biết gì về họ cả?". B

ộ Ngoại Giao Mỹ thành lập một đơn vị gọi Văn Phòng Phật giáo Sự Vụ (Office of Buddhist Affairs) do Richard Gard phụ trách. Khi tân đại sứ mới vừa được bổ nhiệm, Cabot Lodge, muốn biết về Phật giáo, người trình bày cho Lodge không ai khác hơn là Gard.

Theo chương trình Gard chỉ được trình bày cho tân đại sứ 10 phút. Nhưng khi nhân viên tuỳ tùng nhắc nhở, Lodge vẫy tay ra dấu cho người tùy tùng đi chổ khác và nói 'chuyện này quan trọng. Tôi cần nghe để hiểu thêm'.

Lodge tâm sự là ông cũng biết ít nhiều về Phật giáo nhờ một người anh em họ đang tu tập như một Phật tử, người đó là William Sturgis Bigelow, một chuyên viên trước đây đã cố vấn chánh phủ Mỹ về Phật giáo Nhật! Gard đề nghị Lodge nên gặp các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam. (14) Tất cả đều nhờ sự sắp xếp của Phật tử Richard Gard.

Một trong những học trò tâm đắc khác của Suzuki là Robert Aitken. Khi chiến tranh vừa xảy ra Aitken đang làm việc như là một kỹ sư xây dựng tại Guam, bị chánh quyền Nhật bắt vào trại tập trung. Trong trại tình cờ Aitken được đọc tác phẩm Zen and English Literature của R.H. Blyth. Năm 1944 Blyth đột nhiên hội ngộ Blyth trong trại tập trung ở Kobe. Blyth gốc Anh trước đó được gởi đi Ấn Độ nhưng ông không chịu được chế độ thực dân nên xin đổi sang Đại Hàn.

Ông dạy Anh Ngữ cho một trường do một người Nhật quản lý và năm 1940, dù lập gia đình với một phụ nữ Nhật, ông vẫn bị đưa vào tại tập trung dành cho những kiều dân của các nước thù nghịch. Khi được phóng thích, Aitken trở về Hawai và theo học ngành văn chương và sau đó nghiên cứu tại đại học Berkeley, California.

Thoạt tiên ông theo học thiền thoại đầu với Senkazai, nhưng sau đó với sự giúp đỡ của Suzuki, vào năm 1950 ông xin được học bỗng học một năm ở Nhật. Aitken đã học được Thiền Tào Động 'chỉ ngồi Thiền' thay vì lo giải đáp mấy công án.

Vào năm 1953 Suzuki còn ảnh hưởng được một vài nhân vật khác, đặc biệt là Linh mục Thomas Merton, một nhà huyền học Thiên Chuá dòng Trappist. Merton sau này cùng với một số linh mục trappists khác như anh em Berrigans tham gia phong trào chống chiến tranh. Daniel Berrigans cùng Nhất Hạnh mạn đàm về bạo động trong chiến tranh trong tác phẩm The Raft is Not the Shore xuất bản năm 1975 trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. (15)

Trong giai đọan nở rộ, ảnh hưởng rõ ràng nhất của Thiền là phân tâm học. Trong hội nghị về Zen Buddhism and Psychoanalysis (Thiền và Phân Tâm Học) vào năm 1957, Suzuki là một diễn giả chính. Từ năm 1934 Carl Jung đã nhìn thấy Zen và Phân Tâm Học có cùng một mối quan tâm, đó là chữa trị tâm linh (Spiritual healing) và chuyển hóa tâm thanh tịnh. Cũng như tâm lý học, Thiền Phật giáo đề cập đến Tâm (Mind) và Thức (Consciousness).

Trong sự giao lưu này Suzuki đã cố gắng dùng những thuật ngữ của tâm lý Tây phương để giải thích Thiền. Trong khi Thiền là khoa về 'tâm linh', các phân tích tâm lý học có những giới hạn riêng. Các nhà phân tâm học như Erich Fromm nhận xét là sau 2 ngày đầu của hội nghị, không khí đã thay đổi rõ rệt.

Mọi người trở nên chăm chú và tĩnh lặng hơn. Ảnh hưởng hỗ tương giữa Thiền Phật giáo và Phân tâm học ngày nay đã đi một bước dài, phản ánh qua sự hợp tác giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà thần kinh học trong các chương trình nghiên cứu ảnh hưởng hỗ tương giữa não bộ và tâm thức. Suzuli ngưng giảng dạy tại đại học Columbia và nghỉ hưu năm 1957.

Không phải người nào cũng thỏa mãn với hình thái Thiền mà Suzuki giảng dạy cho trí thức Tây phương. Hồ Thích chỉ trích là hình thái Thiền mà Suzuki quảng bá không phải là loại Thiền mà người Nhật và Trung Quốc hiểu, và không dính líu tới gốc rễ lịch sử.

Hồ Thích là một sử gia nên muốn biết Thiền xuất hiện thế nào và biến chuyển ra sao, Suzuki xem Thiền vượt không và thời gian và vì là một phương pháp trị liệu 'tâm linh' phổ biến. Thiền cần phải được 'bắt giữ' từ bên trong không phải là một sự kiện 'lịch sử' bên ngoài và nhất là phải hành Thiền nếu muốn hiểu Thiền.

Thiền dù xuất phát từ Phật giáo, nhưng không phải chỉ dành cho Phật tử, mà có thể liên hệ đến bất cứ truyền thống tâm linh nào. (16) Conze có nhận xét là Thiền được phát sinh và thực hành để đạt tới mức 'vô niệm' như Lục Tổ Huệ Năng phát biểu trong bài kệ "Bổn lai vô nhất vật' và công án Vô là công án lớn nhất trong Thiền.

Hoàn cảnh văn hóa Tây phương sau thời kỳ khai sáng là văn hóa hoàng hôn của những thần linh, như tựa một tác phẩm của Nieztsche, và văn hóa Ky Tô- Do Thái đã lạc mất truyền thống huyền nhiệm tâm linh và đang đứng trên bờ vực thẳm của chủ nghĩa hư vô. Thiền đáp ứng với tâm trạng của giới trí thức (và thanh niên trong phong trào Beats) và không ai ngạc nhiên khi thấy Thiền phát triển nhanh chóng ở Mỹ.
Lối biện luận nghịch lý, sắc tức thị không, không tức thị sắc, vô không phải là hữu mà cũng không phải là vô rất lôi cuốn với trí thức Tây phương lúc nào cũng duy lý. Wez Nisker nói đùa là Thiền đã lật ngược câu tuyên bố của Descartes: thay vì 'tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu', Thiền tuyên bố 'tôi suy nghĩ nên tôi không hiện hữu!'.

Tưởng là đùa nhưng có thể là thực, ai biết được. Bồ Đề Đạt Ma ngồi im lặng ngó vách đá 9 năm, một trong những tổ Thiền tông Việt nam là 'Vô Ngôn Thông'. Một chỉ trích khác là thiền Lâm Tế chú ý đến công án thoại đầu nên dễ dẫn tới trình trạng có những người chưa ngồi Thiền mà vẫn nói Thiền và muốn người khác gọi mình là Thiền Sư! Những tác phẩm liên hệ đến thiền Tào Động thường được trình bày một cách kém cõi và bằng một thứ Anh Ngữ 'ba rọi' nên không được người Tây phương tiếp nhận.

Tào Động chủ trương ngồi Thiền đã 'just sitting'. Thực hành xong rồi muốn nói gì thì nói! Tôi chợt để ý tới một thuật ngữ quảng cáo của Nike 'Just Do It'. Người quảng cáo tiếp thị này có lẽ thực hành Thiền Tào Động!?

Quý độc giả và tôi còn ở trong thế giới ta bà, nên còn người viết và người đọc Thiền! Nói láo mà chơi nói láo chơi. Khi nào chưa chịu để bàn toạ trên gối, theo dõi hơi thở và cảm thọ, tất cả đều đáng 'vất xuống sông'! Just Do It! Bàn luận công án thoại đầu lam chi cho mất thì giờ.

Phát triển đột phát của Thiền còn có thể giải thích bằng lý do liên hệ đến lịch sử và địa lý chánh trị. Một phần nước Mỹ kề cận Châu Á, nhất là chế độ đặc biệt của lãnh thổ Hawaii và cuộc chạy đua tìm vàng ở bang California vào thế kỷ 19.

Những Phật tử da trắng cũng đã sớm thành lập các Thiền đường ở San Francisco ngay từ năm 1928 và ở Los Angeles vào năm 1929 và First Zen Institute ở New York vào năm 1931. Mục tiêu chính yếu của Suzuki là truyền bá Zen cho trí thức Tây Phương dĩ nhiên là ông cần một hình thái Zen thích hợp với tâm cảnh người Tây phương. Những tên như Lâm Tế hay Tào Động không quan trọng gì mấy, chỉ trừ khi muốn đem đạo Phật trồng trong chậu như một thứ cây cảnh.

Như tựa một quyển sách của thầy Huyền Diệu, khi hồng hạc bay về... đất Mỹ, vùng đất mới trù phú và cởi mở hơn đã khởi đầu cho thời kỳ chuyển luân lần thứ tư. Sau Nguyên Thủy, Đại Thừa và Kim cương thừa, Phật giáo Mỹ với tinh thần khoa học của thời hiện đại và văn hóa Ky Tô-Do Thái khi giao lưu với Phật giáo sẽ sản sinh một thứ 'tân thừa' nào? Lời tiên đoán cuả Toynbee sẽ được đáp ứng đến mức nào?

Beat Zen: từ hippies phản chiến

Beat Generation là từ ngữ dùng cho một nhóm văn nghệ sĩ nổi tiếng vào thập niên 50. Các nghệ sĩ có ảnh hưởng chính là thi sĩ Ellen Ginsberg, Jack Kerouac, Gary Snyder. Mặc dù Jack Kerouac nhận xét hóm hỉnh là ' ba người không thể làm ra một thế hệ' nhưng trong vòng một hai thập niên nhóm đã gây ảnh hường rộng lớn, không những trên bình diện nghệ thuật, cung cách sống, lề lối tư duy mà còn lan rộng đến lĩnh vực chính trị, nhất là quan hệ đến phong trào chống chiến tranh Việt nam và liên hệ đến mục tiêu của chương này, phổ biến ảnh hưởng của Phật giáo, nhất là Thiền Tông ở Mỹ.

Bài thơ Howl của Ginsberg, hai tác phẩm On the Road và Dharma Bums của Kerouac và những bài thơ dịch Hàn San (Cold Mountain) của Garry Snyder đã là những dấu mốc của thế hệ Beat. Nhân vật khai dựng phong trào Beat là hai sinh viên ở đại học miền Đông nước Mỹ, Columbia University, nhưng về sau hưởng ứng phong trào "Go West', Beat 'dời đô' về California với sự tham dự của một nhóm sinh viên văn nghệ sĩ ở đây trong đó có Garry Snyder. Kerouac giới thiệu cụm từ the Beat Generation vào năm 1948 có nghĩa là một thế hệ 'mệt mõi', 'thua cuộc' (beaten down' hay bị đánh mất), và cuối cùng đồng ý với từ ngữ Beat. T

ừ ngữ sau này đồng nghĩa với người lữ hành không nhà (homeless bohemien), rồi thành thế hệ thanh niên nổi loạn hippies, nhưng khác với hành ảnh của James Dean, hippies nổi loại có nhiều lý do và khi chiến tranh Việt Nam leo thang đến cực điểm, hipies trở thành sinh viên phản chiến Vietniks.

Về phương diện tôn giáo họ là những Dharma Bums, giúp cho Thiền bùng nổ hay bùng nở tại Mỹ. Nói như một tác giả trên Wikipedia, tác giả Dharma Bums giúp Phật giáo trở nên quen thuộc tại Mỹ. (17)

Năm 1982 Ginsberg tóm tắt những 'ảnh hưởng quan trọng' của Beat Generation như sau:

Giải phóng khỏi những trói buộc truyền thống: giải phóng tâm linh, tình dục hay là những trào giải phóng phụ nữ, giới tính, da mầu như phong trào dân quyền của Martin Luther King hay ngay cả phong trào da đen như Black Panther...
Giải phóng kiểm soát tư tưởng (qua hình thức kiểm duyệt)
Giải hoặc những huyền thoại về các loại cần sa ma tuý và các loại LSD...
Phong trào âm nhạc da mầu (Jazz) và thanh niên (Rock and Roll) như nhóm Beatles và Bob Dylan sau này.
Tạo một ý thức về môi sinh (Gaia- Fresh Planet)
Chống đối ảnh hưởng của guồng máy khổng lồ quân sự-kỹ nghệ
Thành hình một ý thức mới về tôn giáo tương ứng với văn minh hiện đại
Khuynh hướng 'vô tổ chức' bột phát thay vì khuồn khổ cứng nhắc trong văn chương và triết lý (ảnh hưởng của Thiền) Tôn trọng văn hóa bản địa.(18)

Chương này chỉ chú trọng mối liên hệ giữa Beat Movement và sự bùng nở của Thiền tại Mỹ và những hoạt động chống chiến tranh của thanh niên Hippies Mỹ, từ Dharma Bums tới sinh viên biểu tình chống chiến tranh, do guồng máy quân sự- kỹ nghệ ở Mỹ điều khiển.

 

Về Menu

tây phương đã tiếp nhận đạo phật như thế nào (phần 2) tay phuong da tiep nhan dao phat nhu the nao phan 2 tin tuc phat giao hoc phat phat phap thien phat giao

chất à thiện Người xuất gia lãi tín ngưỡng tôn giáo là phải có giá dừng hãy buông ra trở tôn Công đức Nguyên BÃÆn thích niệm åº Vài nét về sơ tổ sáng lập dòng Phật giáo vå å thuơng n phước tự tâm Long điện ï¾ å 8217 lội thiêng le 心经全文下载 Cái chuyen hi huu can tu nghiep la gi 四比丘 30 tang xan 497602 t l tách chua trung khanh khuc bộ Hoa Tuổi Ngàn hoà vn bên phát ï¾ ï½ ç¾ nẻo thoát Mam a friend dinh nghia qua 24 chu cai bình THICH thay tác mot thiên tai thường xuyên hoạt thời ngũ Dấu yêu トo giû dục trien Tưởng