Ðại sư Lục tổ Huệ Năng, một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại Sự tích của ngài, mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyễn kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn
Truyện Lục Tổ Huệ Năng (phần 1)

Ðại sư Lục tổ Huệ Năng, một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại. Sự tích của ngài, mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyễn kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn
Truyện Lục Tổ Huệ Năng
Lời giới thiệu
---*---

Ðại sư Lục tổ Huệ Năng, một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại. Sự tích của ngài, mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyễn kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn, thế nhưng, những mẫu chuyện huyền hoặc về cuộc đời ngài, thỉnh thoảng vẫn làm mờ đi phần nào sự thực.

Sự khai ngộ của Lục tổ Huệ Năng, khi nghe kinh Kim Cương đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm", là một sự kiện lịch sử. Sự kiện đó, không những là một biến cố vĩ đại trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc nói riêng, mà cũng là một biến cố vĩ dại trong lịch sử tư tưởng nhân loại nói chung. Ðiều này, đưa chúng ta đến sự ý thức được tầm mức quan trọng của trí tuệ Bát Nhã trong tòa nhà tư tưởng của nhân loại. Ðây là một giòng tư tưởng siêu việt, giúp cho hành giả vượt thoát tất cả những sự chấp trước khổ đau, hạn hẹp, dày vò, bức bách. Những sự chấp trước này, đã, đang, và sẽ trói buộc tất cả mọi người chúng ta trong vòng sinh tử luân hồi. Nếu như không có giòng tư tưởng Bát Nhã siêu việt thời gian và không gian này của Phật giáo, nhân loại nói riêng, và chúng sinh nói chung, vĩnh viễn bị chìm đắm trong những sự trói buộc triền miên.

Truyện Lục tổ Huệ Năng do cư sĩ Ngô Trọng Ðức, một hành giả thiền tông, sau nhiều năm sưu tầm những dữ kiện lịch sử cùng những mẫu truyện nhân gian, đã soạn thành câu truyện của cuộc đời ngài theo một mạch lạc thời gian. Tuy gọi là truyện, thế nhưng hầu hết dữ kiện trong đây, đều được trích lục từ quyển kinh Pháp Bảo Ðàn, cho nên có thể nói, truyện tức là kinh được mô tả lại dưới một hình thức dễ hiểu hơn. Văn chương, tuy đôi khi có phần dí dỏm, trào lộng, nhưng chung quy vẫn giữ được những sắc thái tôn nghiêm, trang trọng.

Người dịch, tuy không chuyên về pháp môn tu thiền, song đối với quyển kinh Pháp Bảo Ðàn, dường như đã từng trồng nhiều duyên lành, vì thế đối với lời dạy của Lục tổ Huệ Năng, đặc biệt "quy tâm ngưỡng mộ". Những lời dạy của ngài, chúng ta không nên hiểu một cách hạn hẹp là chỉ dành cho những người tu thiền, mà phải được coi là gia tài chung cho tất cả những người tu Phật. Như chúng ta sẽ thấy, trong quyển sách này, Lục tổ đã dùng những phương tiện khéo léo, để dẫn dắt chúng ta, từ sự trói buộc khổ đau ở bờ bên đây, đến sự giải thoát tự tại ở bờ bên kia, bằng một công cụ tuyệt diệu nhất là sự "phá chấp". Hành giả tu Phật, thường hay bị mắc vào một lỗi lầm thông thường nhất là "thiên kiến", nghĩa là "chấp vào một bên", hoặc là chấp vào lý, hoặc là chấp vào sự. Thế nhưng, sự tu hành, nếu muốn đạt được kết quả thực tiển, thì phải nên có một sự quân bình giữa lý và sự, mà không được bỏ phế bên nào. Không những tu thiền phải nên như vậy, mà tu tịnh, hay tu bất cứ pháp môn nào khác cũng phải nên như vậy. Ðây là điều kiện tiên quyết để đạt đến Niết bàn giải thoát. Nếu như đọc kinh Pháp Bảo Ðàn nói riêng, hoặc đọc các kinh Bát Nhã, cùng các kinh Ðại Thừa nói chung, mà còn tiếp tục, hoặc tăng gia "thiên kiến", thì e rằng chúng ta đã phụ lòng Lục tổ cùng tất cả các vị Thiện tri thức trong mười phương ba đời.

Ðọc truyện tức là đọc kinh, mà mục đích của sự đọc kinh là để chúng ta gần gũi chư Phật, chư Bồ tát, ôn lại lời khuyên bảo, dặn dò của các ngài, hầu có thể tiến bộ, tinh tiến trên con đường giải thoát. Như vậy, hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có cơ duyên được cùng các ngài "sánh vai, đàm đạo". Ước mong quyển sách nhỏ này sẽ đem lại được sự ích lợi cho tất cả chúng ta, những người học Phật.

Tường Quang Tự
Tỳ kheo Thích Pháp Chánh cẩn thức

Truyện Lục tổ Huệ Năng

Ðại sư Lục tổ Huệ Năng là tổ thứ sáu của Thiền tông Trung quốc. Cha của ngài là cụ Lô Hành Thao, người gốc vùng Phạm Dương, huyện Uyển Bình, tỉnh Hà Bắc, vốn là một vị quan nổi tiếng ở đời vua Ðường Cao Tổ, nhưng sau đó bị cách chức và đày đi làm người dân thường ở vùng Tân Châu, miền Lĩnh Nam. Cụ Thao cùng phu nhân là Lý thị đã lấy nhau hơn hai mươi năm mà vẫn chưa có con. Một hôm, phu nhân Lý thị nằm mơ thấy hai bụi cây ở trước cửa nhà nở đầy hoa trắng, sau đó hoa trắng lại biến thành một đôi hạc trắng vỗ cánh bay vút vào trời cao. Chẳng bao lâu lại có một mùi hương lạ tràn ngập gian phòng của bà, một lúc lâu sau mới từ từ tan đi. Phu nhân tỉnh giấc liền phát giác mình đã có thai.

Theo truyền thuyết, phu nhân mang thai sáu năm mới sinh ra Huệ Năng, khi đó là năm Trinh Quán thứ mười hai, đời Ðường Thái Tông (TL 638). Lúc vừa mới sinh ngài ra, trên không trung có một luồng ánh sáng chói rực, giống như từ đỉnh đầu của Ðức Phật phóng ra. Trong nhà lại có một mùi hương lạ thơm phưng phức. Sáng hôm sau có hai vị tăng tướng mạo phi phàm tìm đến hỏi thăm. Sau khi nói lời chúc mừng, hai vị nầy nói rằng họ đến với mục đích đặt tên cho đứa bé là Huệ Năng. Huệ có nghĩa là đem Phật pháp huệ thí, tế độ chúng sinh, còn Năng có nghĩa là có năng lực hoằng dương Phật pháp. Vừa nói xong, hai vị tăng liền biến mất. Ðiều nầy làm cho cụ Thao và phu nhân vô cùng kinh dị.

Huệ Năng ra đời vào lúc ngài Huyền Trang vẫn còn đang đi thỉnh kinh ở Ấn Ðộ. Ngài lớn lên trong sự chăm sóc tưng tiu của cha mẹ. Chẳng may, cha ngài qua đời vào lúc ngài vừa mới lên ba. Hai mẹ con bèn dời nhà đến vùng Nam Hải. Nhờ vào nghề may vá của phu nhân mà mẹ góa con côi đùm bọc nhau, sống qua những chuỗi ngày gian khổ. Khi Huệ Năng vừa trưởng thành, ngài bèn vào rừng đốn củi gánh ra chợ bán lấy tiền nuôi dưỡng mẹ già.

Một hôm, Huệ năng đem củi đến một quán trọ bán cho một người khách. Nhận tiền xong, Huệ Năng vừa định đi ra bỗng nghe có tiếng tụng kinh. Ngài tuy từ nhỏ chẳng học được bao nhiêu chữ nghĩa, nhưng khi nghe lời kinh lại có một cảm giác lạ lùng, giống như một người đang ở trong hang tối, vừa đục một lỗ hang, bỗng nhiên thấy được ánh sáng chan hòa. Tâm ngài đột nhiên bừng sáng, một niềm vui khó tả tràn ngập trong lòng.

Ðang lúc người đó vừa tụng đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" [i][1] Huệ Năng bỗng thấy chấn động trong lòng, ngài cảm giác như có một luồng ánh sáng dài muôn trượng chiếu xuyên qua từng lỗ chân lông. Trong giây phút đó, Huệ Năng cảm nhận một cách phảng phất hình như mình đã được khai ngộ. Ngài bèn đặt gánh xuống, hấp tấp hỏi xem người khách tên gì, lại hỏi ông ta làm thế nào mà có được bộ kinh đó. Người khách trọ nầy tên là An Ðạo Thành, nói với Huệ Năng là ông đang tụng kinh Kim Cương, và bộ kinh nầy được thỉnh từ chùa Ðông Thiền, chỗ của ngài Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, ở huyện Hoàng Mai, đất Kỳ Châu. Huệ Năng nghe xong, vô cùng ngưỡng mộ, bèn nao nức muốn đến chùa Ðông Thiền theo ngài Hoằng Nhẫn tu học Phật pháp, cầu mong Ngũ tổ ấn chứng cho sự khai ngộ của mình. Nhưng khi nghĩ lại mẹ già không người sớm hôm phụng dưỡng, ngài bỗng trở nên lo âu, lưỡng lự, không biết phải làm thế nào. Có lẽ do duyên lành từ đời trước, An Ðạo Thành thấy Huệ Năng nghèo khổ không được đi học, mà lại có tâm tha thiết mong cầu Phật Pháp, bèn rất khảng khái móc ra mười lượng bạc giúp cho Huệ Năng làm lộ phí, lại còn hứa giúp đỡ Huệ Năng trong việc chăm sóc mẹ già. Huệ Năng nghe xong rất cảm động, bèn trở về nhà hỏi ý mẹ. Xếp đặt công việc săn sóc cho mẹ xong, Huệ Năng bèn từ giã mẹ già lên đường cầu đạo.

Nhân vì tấm lòng tha thiết cầu đạo, Huệ Năng đã không quản đường xá xa xôi, tất tả trèo non lội suối, do đó chỉ trong vòng ba mươi ngày, ngài đã đến chùa Ðông Thiền ở huyện Hoàng Mai. Khi Huệ Năng tìm vào chùa, vị sư tri khách bèn dẫn ngài vào phương trượng ra mắt Ngũ tổ. Vừa thấy Huệ Năng, Tổ bèn vặn hỏi:

- Chú em là người xứ nào, đến đây làm gì?

Huệ Năng cung kính trả lời:

- Dạ thưa, con là người xứ Lĩnh Nam, đất Tân Châu. Con đến đây chỉ muốn học làm Phật, mà không có mục đích nào khác.

- Té ra chú em là dân man di ở vùng tây nam, sống như bọn mọi rợ, làm sao mà có thể giác ngộ thành Phật được?

Huệ Năng nghe xong liền thẳng thắn trả lời:

- Thưa Tổ! Người tuy có Nam, Bắc khác nhau, thế nhưng ai ai cũng có thể thành Phật. Phật tính nào có Nam, Bắc? Những kẻ hình dáng mọi rợ, tuy có khác với dung mạo tôn nghiêm của Ngài, thế nhưng Phật tính của họ, so với Ngài đâu có gì khác!

Thực là sự đối đáp bén nhọn, hợp lý hợp tình. Ngũ tổ trong tâm cảm thấy yêu thích, biết rằng Huệ Năng là kẻ có căn cơ lanh lợi. Tổ muốn kéo dài câu chuyện, song thấy chung quanh có nhiều người, sợ họ nghe Huệ Năng đối đáp nhanh nhẩu lại sinh tâm đố kỵ, liền bảo Huệ Năng không nên nói nhiều, kế đó kêu người dẫn Huệ Năng ra sau chùa làm công tác. Huệ Năng bèn thưa với Tổ:

- Tâm tính con vốn sáng suốt, thường sinh trí tuệ, biết rõ tất cả các pháp tức là tự tính của tâm. Do tâm tính nầy mà thành tựu tất cả phúc điền. Không biết Tổ muốn con làm công việc gì?

Ngũ tổ tấm tắc khen ngợi:

- Chà, chú nhỏ nầy tâm tính lanh lợi dữ à!

Thế nhưng, Tổ lại lo sợ sẽ có nhiều người sinh lòng ganh ghét, bèn bảo Huệ Năng:

- Không cần nói thêm gì nữa. Ði xuống phòng giã gạo làm việc!

Huệ Năng bèn theo người ra sau chùa. Có một hành giả[ii][2] giao phó cho Huệ Năng công việc bửa củi, và đạp cối giã gạo. Như vậy, thời gian thắm thoát cũng gần tám tháng.

Một hôm, Tổ ra sau chùa, thấy Huệ năng bèn nói:

- Ta thấy con là người trí tuệ, có cái nhìn khác thường không giống mọi người. Trong tương lai con có thể thành tựu. Song ta sợ có người sinh tâm ghen ghét tìm cách hại con, vì thế ta đã không nói chuyện với con nhiều. Con có hiểu như thế không?

Huệ Năng nói:

- Dạ thưa, con hiểu ý Tổ, vì thế con cũng không dám tùy tiện ra trước Pháp đường, tránh không cho kẻ khác sinh tâm nghi ngờ, bàn chuyện thị phi.

Tổ nói:

- Nếu vậy thì tốt. Mai mốt con sẽ có nhiều cơ hội đến nghe ta thuyết pháp. Hiện giờ con nên nhẫn nại một chút, không nên nghĩ nhiều. Có thể chỉ cần một đoạn thời gian ngắn nữa cơ duyên sẽ chín muồi.

- Dạ thưa, con biết!

Ngũ tổ bèn trở về phòng của ngài. Từ đó Huệ năng càng trở nên trầm mặc ít nói, chuyên tâm vào công việc đạp cối giã gạo của mình.

Ít lâu sau, Ngũ tổ biết rằng cơ duyên đã đến, bèn tập hợp mọi người trong chùa lại. Ngài nói:

- Trên đời nầy, không có vấn đề nào quan trọng hơn là vấn đề sinh tử. Không luận là giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu, không kẻ nào có thể tránh khỏi vấn đề nầy. Nghiệp báo là do tự mình gây tạo, tự mình nhận chịu, mà không ai có thể thay thế cho mình được. Giả sử thân người nầy mất đi, thì có thể trong trăm ngàn kiếp bị đọa vào ba đường ác. Mấy ông cả ngày chỉ biết tham cầu quả báo hữu lậu[iii][3] trời người mà không biết siêng năng tu tập trí tuệ, hầu có thể thoát khỏi biển khổ sinh tử. Các ông nên biết rằng, một khi hưởng hết phúc báo trời người, sẽ vẫn có thể bị đọa vào đường ác. Nếu mê mờ tự tính, thì dù phúc báo có lớn đến bao nhiêu cũng không cứu mấy ông được. Bây giờ các ông trở về phòng, hồi tâm tự quán xét chính mình, khéo dùng trí tuệ sẵn có của các ông, mỗi người làm một bài kệ trình cho ta xem. Nếu như có người nào thực sự thấu triệt Phật pháp, ta sẽ đem y bát truyền từ Phật, tổ đến nay, trao truyền cho người đó làm tổ đời thứ sáu của Thiền tông. Bây giờ các ông nên lập tức trở về phòng mình làm kệ, không được trễ nải. Nếu còn nghĩ ngợi lâu lắc, chắc chắn không thể nào tức khắc thấy được[iv][4] bản tính của mình. Người như thế, không thể nào gọi là kẻ thấu triệt bản tính!

Sau khi nghe Ngũ Tổ dặn dò, mọi người trở về hậu liêu[v][5], bèn chạy đi báo cho người khác biết, bàn luận rầm rỉ:
- Chúng ta chẳng nên làm kệ làm gì cho tốn công nhọc sức. Giả sử có nặn hết đầu óc ra làm kệ cũng chẳng ích gì! Thầy giáo thọ[vi][6] của chúng ta là Thượng tọa Thần Tú, hiện giờ trong chùa không ai bằng Ngài. Nếu y bát không truyền cho Thượng tọa thì sẽ truyền cho ai bây giờ? Chúng ta nên biết thân phận của mình. Dù có mạo muội làm kệ, chẳng qua cũng chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Chi bằng tiết kiệm sức mình, bỏ qua đừng nghĩ đến chuyện đó nữa!

Mọi người nghe qua lời nầy đều gật đầu tán thành, tất cả đều bỏ ý định làm kệ trình lên cho Tổ, kế đó cùng nhau phụ họa:

- Chúng ta cùng nhau nhất tâm nhất ý theo học với Thượng tọa Thần Tú, cần gì phải tranh nhau làm kệ cho khổ!

Thượng tọa Thần Tú vốn người họ Lý, gốc ở vùng Lạc Dương. Từ nhỏ đã đọc hết kinh sách của Nho, Lão, ..., và nỗi tiếng là một bậc học vấn uyên bác. Ðến khoảng năm mươi tuổi, ông bèn phát tâm xuất gia. Sau khi đến yết kiến Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Thần Tú chính thức đảnh lễ xin xuất gia làm đệ tử của ngài. Hiện nay ông ta đã được năm mươi sáu tuổi. Tại chùa Ðông Thiền, ngoài Tổ Hoằng Nhẫn ra, Thần Tú là người có địa vị cao nhất. Thần Tú thân cao tám thước[vii][7], lông mày như mày rồng, cặp mắt rất đẹp, uy nghi siêu phàm, phẩm cách, học vấn cùng đạo hạnh đều thuộc hạng ưu tú. Hơn nữa, Thần Tú lại đem tinh thần tha thiết cầu đạo, cần cù khổ nhọc phụng sự cho chùa, do đó rất được Ngũ tổ kính mến. Ngũ tổ đã từng khen ngợi Thần Tú trước mặt mọi người:

- Phật pháp trong chùa Ðông Sơn nầy hoàn toàn nằm trong tay Thần Tú.

Thế nhưng, biến cố làm kệ nầy đem đến cho Thần Tú một cảm tưởng là đang bị áp lực nặng nề. Thần Tú biết rõ là mọi người chỉ hùa nhau làm ồn ào, thực sự ra không ai muốn làm kệ. Thần Tú nghĩ thầm:

- Mọi người đều không muốn làm kệ trình cho Tổ là vì mình là thầy giáo thọ của họ. Họ nghĩ rằng mình phải làm kệ trình Tổ là một điều đương nhiên, do đó họ nhân cơ hội nầy nhường cho mình. Làm sao cho hợp tình hợp lý đây? Nếu không làm kệ, chắc chắn Tổ không thể nào biết được kiến giải của mình sâu cạn thế nào, vả lại mình cũng chẳng thể nào được Tổ ấn chứng.[viii][8] Nhưng nếu làm kệ, lại sợ người khác hiểu lầm dụng ý của mình, cho là tham ngôi vị tổ sư mà làm kệ. Nếu vậy, chẳng khác nào một kẻ phàm phu tục tử lại mong tranh giành ngôi vị tổ sư?

Thần Tú suy đi nghĩ lại, lo tới lo lui, đến nỗi cơm nước không ăn, ban đêm lại trằn trọc không ngủ được. Qua ít lâu, sau những cơn giằn vật tâm hồn, Thần Tú cuối cùng cũng làm xong một bài kệ. Thần Tú phân vân năm lần bảy lượt, muốn đem kệ trình cho Tổ xem, nhưng mỗi khi đến trước phòng của Tổ, lại có cảm giác hoảng hốt, tâm trạng bàng hoàng, mồ hôi chảy ra như tắm. Thần Tú thầm nghĩ:

- Nếu Tổ thấy bài kệ, giả sử Ngài không hài lòng thì mình phải làm sao?

Cứ như thế cả bốn ngày, Thần Tú đến phòng của Tổ lại quay trở lại, trước sau tổng cộng mười ba lần, mà cũng không dám trình kệ cho Tổ xem, trong tâm càng lúc càng bối rối.

Thần Tú suy đi nghĩ lại, rốt cuộc cũng tìm ra được một biện pháp tốt đẹp. Thần Tú nghĩ:

- Tốt nhất mình đem bài kệ nầy viết lên bức tường của hành lang. Ðợi đến ngày mai, nếu Tổ đi qua chỗ đó, thế nào Ngài cũng thấy. Nếu Tổ khen bài kệ là hay, mình sẽ trình diện cho Tổ biết là mình viết. Còn nếu Ngài chê là dở, thì có lẽ mình nên âm thầm xuống núi là vừa! Chỉ nên tự trách mình tu học chưa đến nơi đến chốn, uổng phí công lao ở trong núi nầy mấy năm nay, thọ nhận sự cung kính lễ lạy của người khác. Như vậy cũng không bị mất mặt.

Suy nghĩ như vậy xong, buổi tối hôm đó vào canh ba, Thần Tú nhân mọi người đang ngủ say, bèn vội vàng xách đèn đến bức tường phía nam hành lang, hấp tấp viết bài kệ của mình lên tường:

Thân như Bồ đề thọ,
Tâm như minh kính đài,
Thời thời thường phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.

Việt dịch:

Thân như cây Bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Thường thường siêng lau quét
Ðừng để dính bụi trần!

Viết xong, Thần Tú liền len lén trở về phòng không để ai hay biết. Thần Tú sau khi quay về phòng lại tiếp tục ngẫm nghĩ:

- Sáng mai Tổ xem xong, nếu Ngài vui lòng, thì mình là kẻ có duyên với Pháp. Còn nếu Tổ không hài lòng, thì chỉ nên trách mình phiền não nghiệp chướng quá nặng, chưa thể khai ngộ, không đạt được ý nghĩa chân thực của Phật pháp, âu cũng là đáng kiếp! Mà thôi, cảnh giới của các bậc thánh chẳng phải là chỗ phàm phu có thể suy lường được.

Cứ vậy cả đêm, Thần Tú tâm hồn ray rức, nằm xuống cũng không yên, tới lui cũng không yên, chẳng hề chợp mắt cho đến khi trời sáng.

Sự thực, Ngũ tổ từ lâu đã biết là Thần Tú vẫn chưa vào đạo, không thể minh tâm kiến tính.

Sáng hôm sau, khi sai người đi mời cư sĩ Lô Trân đến vẽ hai bức họa Lăng Già Kinh Biến Tướng và Ngũ Tổ Huyết Mạch Ðồ, Tổ cùng Lô Trân đi đến bức tường của hành lang thì ngài phát giác là đã có người viết chữ trên đó. Tổ đến gần nhìn kỹ, té ra là một bài kệ, lúc đó trong tâm ngài đã biết rõ việc gì đang xảy ra. Tổ liền quay lại nói với Lô Trân:

- Kinh Kim Cương có nói: "Hễ có hình tướng đều là hư vọng". Hiện giờ trên tường đã có người viết sẵn bài kệ rồi. Như vậy hai bức họa Lăng Già Kinh Biến Tướng và Ngũ Tổ Huyết Mạch Ðồ cũng không còn cần phải vẽ nữa. Nên giữ lại bài kệ nầy cho mọi người cùng đọc tụng, tu hành. Nếu quả thực có người theo đây mà tu, ít ra họ cũng không bị đọa vào đường ác, hơn nữa lại được lợi ích vô cùng.

Nhân đó, Tổ bèn tụ tập tất cả mọi người trong chùa đến trước bức tường có viết bài kệ, bảo họ đốt hương cung kính lễ bái, cùng nhau tụng niệm bài kệ đó. Mọi người đều vâng lời, tiếng tụng niệm lan khắp trong chùa, ê a không dứt. Ngũ tổ lại dặn dò mọi người:
- Các ông cần phải siêng năng đọc tụng bài kệ nầy, từ từ sẽ có thể minh tâm kiến tính.[ix][9]

Nghe xong mọi người càng chuyên tâm nhất ý trong việc đọc tụng. Trên bàn thờ đặt trước bài kệ, cả ngày khói hương nghi ngút. Hơn nữa, số người tò mò đến xem càng lúc càng đông. Mọi người đều khen ngợi bài kệ là tuyệt diệu. Ngũ tổ quay về phòng mình, trong bụng nghĩ thầm:

- Bài kệ nầy nhất định là do Thần Tú viết. Rất tiếc là công phu chưa đến!

Nhân đó, nửa đêm Tổ bèn sai người đi kêu Thần Tú đến phòng mình. Tổ hỏi:

- Bài kệ trên tường là do ông viết phải không?

Thần Tú đáp:

- Dạ chính con viết bài kệ đó. Thế nhưng con không dám mơ ước đến việc thừa kế y bát. Chỉ cầu xin Tổ mở lòng từ bi, xem con có thấy được ý nghĩa Phật pháp hay chưa?

Tổ nói:

- Ông làm bài kệ nầy, có thể nói là đã đến ngạch cửa, song vẫn chưa thấu được chân như bản tính. Giống như người đang mò mẫm trên mặt cửa, nhưng vẫn chưa tìm được chìa khóa để mở cửa vào nhà. Kiến giải như vậy mà muốn cầu Vô thượng Bồ đề, e rằng chưa đủ trình độ. Người muốn được Vô thượng Bồ đề phải là kẻ khi nghe một lời, trong khoảnh khắc phải thấy rõ được bản tâm của mình, nhìn rõ tự tính không sinh không diệt của chính mình. Trong tất cả mọi lúc, niệm niệm đều phải thấy rõ tự tính, hiểu rõ rằng tự tính của các pháp vốn không chướng ngại, cũng không biến đổi, nghĩa là các pháp không rời chân như, như như bất động, không sinh không diệt. Cái tâm như như nầy, tức là sự rời bỏ hai sự chấp trước: chấp ngã và chấp pháp. Nếu thấy được như vậy tức là thấy được Vô thượng Bồ đề. Bây giờ ông hãy trở về phòng, ta cho ông hai ngày để suy ngẫm, làm thêm một bài kệ đem lại cho ta xem. Nếu như kệ của ông thấy rõ được bản tính, ta sẽ đem y bát trao truyền cho ông.

Thần tú lạy Tổ xong, bèn quay trở về phòng. Trải qua nhiều ngày, tâm trạng lúc nào cũng như người hoảng hốt. Chỉ thấy ông ta ngày thì ngồi lên ngồi xuống, đêm thì trăn qua trở lại. Thế thì làm sao làm được kệ gì mới?!

Hai ngày sau khi bài kệ được viết trên tường, có một sa di đi ngang qua phòng giã gạo, vừa đi vừa lớn tiếng ngâm nga bài kệ. Huệ Năng nghe xong, biết rằng kẻ làm bài kệ nầy chưa thấy được bản tính, do đó mới bước tới hỏi:

- Dạ thưa, xin phép được hỏi chú, ai là người làm ra bài kệ nầy?

Sa di ngạc nhiên:

- Hả! Chùa mình xảy ra một sự kiện lớn lao như thế mà chú không biết? Bài kệ nầy là do Thượng tọa Thần Tú, một bậc đạo cao đức trọng trong chùa làm ra. Mấy ngày trước, Tổ cho mọi người biết rằng không bao lâu nữa Ngài sẽ viên tịch, do đó Ngài nghĩ đến việc tìm người để trao truyền y bát làm Tổ thứ sáu. Tổ bảo mọi người làm kệ trình lên cho Ngài xem, nếu Ngài nhận thấy người nào đã ngộ được Phật pháp, Ngài sẽ đem y bát truyền cho người đó. Tổ đã xem qua bài kệ của Thượng tọa Thần Tú và Ngài tỏ vẻ rất hài lòng. Do đó Ngài bảo mọi người nên đọc tụng, lại nói rằng nếu y theo đó mà tu hành sẽ khỏi bị đọa ba đường ác và được vô lượng lợi ích.

Huệ Năng nghe xong liền nói với chú sa di:

- Dạ thưa chú, Huệ Năng ở chỗ nầy làm việc giã gạo cũng đã hơn tám tháng, thế nhưng đến nay vẫn chưa biết Pháp đường ở đâu. Xin chú làm ơn dẫn đường, cho Huệ Năng có dịp đến đó xem bài kệ, không biết chú có đồng ý không. Huệ Năng hy vọng cũng giống như các vị trong chùa nầy, được đọc tụng bài kệ, hầu kết chút duyên lành với Phật pháp trong đời sau.

Chú sa di nghe xong liền dẫn Huệ Năng đến trước bài kệ. Huệ Năng thành thực nói với chú sa di:

- Huệ Năng vốn thất học, không hiểu mặt chữ, xin phiền chú đọc bài kệ cho Huệ Năng nghe.

Lúc đó có một vị quan biệt giá[x][10] vùng Giang Châu, tên là Trương Nhật Dụng, đứng bên cạnh, nghe Huệ Năng nói xong, bèn lớn tiếng đọc bài kệ. Huệ Năng nghe xong liền nói với Nhật Dụng:

- Tôi cũng có một bài kệ, xin quan lớn vui lòng viết dùm lên tường.

Trương Nhật Dụng tỏ vẻ không tin, có thái độ gần như khinh thị:

- Hả! Chú cũng biết làm kệ? Ðây quả thực là một điều kỳ lạ!

Huệ Năng vẫn điềm nhiên như không có gì, nhã nhặn nói với ông ta:

- Nếu muốn được Vô thượng Bồ đề, điều trước nhất là không nên coi thường kẻ mới vào đạo. Trên đời nầy không có gì là tuyệt đối cả. Người giai cấp hạ tiện vẫn có thể có trí tuệ cao siêu, còn kẻ giai cấp cao quí vẫn có thể là kẻ không có trí tuệ. Nếu tùy tiện coi thường kẻ khác, e rằng sẽ gặt vô lượng tội báo trong đời sau!

Trương Nhật Dụng nghe xong liền đổi thái độ, không còn dám tỏ vẻ khinh mạn, vội vàng nói với Huệ Năng:

- Chú cứ nói hết ra, tôi sẽ viết dùm cho. Trong tương lai nếu chú khai ngộ, xin chú đừng quên độ cho tôi.

Huệ Năng liền đọc kệ:

Bồ đề bổn vô thọ,
Minh kính diệc phi đài,
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.

Việt dịch:

Bồ đề vốn không cây
Gương sáng chẳng phải đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính trần ai!

Trương Nhật Dụng viết xong, vừa nhìn kỹ lại, trong lòng cảm thấy rất là khâm phục. Những người đứng chung quanh đó tự nhiên cũng cảm thấy vô cùng kinh ngạc, không ai mà không trầm trồ khen ngợi cho là kỳ đặc. Tin tức nầy lan truyền nhanh chóng. Mọi người kề đầu rỉ tai, nói với nhau:

- Chà, hay quá sức tưởng tượng. Chẳng ngờ trong chùa Ðông Sơn lại có thánh nhân ẩn nấp!

- Thật là không thể xem mặt mà bắt hình dung. Làm sao mới vừa không gặp mặt chỉ trong vài ngày mà hắn đã trở thành Nhục thân Bồ tát!

- Ngôi tổ đời thứ sáu không chừng sẽ thuộc về hắn!

- Thực là xui xẻo, Thượng tọa Thần Tú đã gặp đối thủ cao cường rồi!

Như thế, bài kệ của Huệ Năng được loan truyền nhanh chóng, chẳng bao lâu đã đến tai Ngũ tổ. Tổ nghe mọi người xôn xao bàn tán bèn đi ra ngoài đến chỗ bài kệ xem việc gì xảy ra. Ðến nơi, Tổ ngước xem bài kệ vừa mới được viết lên tường, bỗng nhiên ngài cảm thấy trong lòng khơi dậy một chút xao động. Ðầu tiên là một niềm vui, kế đến lại là một nỗi lo âu. Tổ vui là vì biết rằng Huệ năng là một kẻ phi phàm, hơn nữa, khi Tổ gặp mặt Huệ Năng lần đầu tiên tám tháng về trước, ngài đã biết rằng Huệ Năng là một kẻ đã khai ngộ, và Tổ cuối cùng đã tìm ra một người để truyền trao y bát. Song, kế đó Tổ lại cảm thấy lo lắng, bài kệ của Huệ Năng rõ ràng là một sự trái ngược với bài kệ của Thần Tú, thế nhưng Huệ Năng không thể nào so sánh được với Thần Tú. Tất cả mọi người trong chùa đều công nhận Thần Tú sẽ là kẻ được truyền y bát làm Tổ thứ sáu, còn Huệ Năng là một người không có một chút quyền thế nào hết, chỉ ở địa vị ti tiện của một kẻ giã gạo trong chùa. Giả sử có người ghen ghét muốn hại Huệ Năng, điều nầy sẽ dễ dàng như trở bàn tay. Nếu như Tổ đem y bát truyền cho Huệ Năng, chắc chắn sẽ đưa đến nhiều sự tranh chấp trong chùa.

Tổ vừa nghĩ đến điều nầy, như được dẫn dắt bởi linh tính, nên không một chút do dự, liền cởi một chiếc giầy đang mang, nói với mọi người chung quanh:

- Có gì mà mọi người phải rầm rỉ như thế! Bài kệ nầy rất tầm thường, cũng chưa thấy được tự tính, không đáng cho mọi người phải xôn xao như thế. Mọi người nên quay về phòng mình, y vào bài kệ của Thần Tú mà tu tập!

Tổ vừa nói vừa lấy gót giầy xóa bài kệ của Huệ Năng. Mọi người nghe Tổ nói như thế, ai cũng cho rằng bài kệ đó cũng chẳng có gì đáng quan tâm, cho nên tất cả đều im lặng quay về phòng mình, mà không còn bàn tán xôn xao nữa. Sau khi Tổ quay về phòng, ngẫm nghĩ đến bài kệ của Huệ Năng, Ngài bỗng cảm thấy rất vui vẻ trong lòng. Tổ nhớ là Huệ Năng đến chùa mới được tám tháng, hai người gặp nhau chỉ hai ba lần, thế nhưng, từ dáng dấp và thái độ, Huệ Năng đã biểu lộ một trình độ tâm linh rất cao xa. Hơn nữa, sự lý giải về thiền định và Phật pháp của Huệ Năng làm cho Tổ cũng cảm thấy kinh ngạc. Nhân đó, Tổ quyết định đem y bát truyền giao cho Huệ Năng.

Hôm sau, vì không muốn cho mọi biết nên Tổ bèn âm thầm đi đến phòng giã gạo, thấy Huệ Năng đang bận giã gạo, trên eo buộc đầy những viên đá nặng.[xi][11] Ngài bèn lên tiếng an ủi:

- Người tìm cầu đạo pháp, vì Phật pháp mà không màng đến sự gian khổ, giống như vầy chăng!

Huệ Năng nghe tiếng người bèn ngẩng đầu lên nhìn, vừa thấy Tổ, Huệ Năng vội vàng vái chào. Tổ thấy trong cối có gạo bèn hỏi Huệ Năng một cách ẩn ý:

- Gạo giã sạch chưa?

Huệ Năng đáp:

- Dạ, gạo đã sạch từ lâu, nhưng vẫn chưa có người sàng.

Tổ vừa nghe xong liền hiểu ý Huệ Năng muốn nói là mình đã khai ngộ, chỉ còn chờ một bậc thầy giỏi đến chỉ điểm mà thôi. Tổ thấy Huệ Năng đối đáp trôi chảy, hơn nữa ngài hiểu rõ nguyện vọng đang tha thiết tìm cầu một bậc minh sư[xii][12] của Huệ Năng. Tổ chẳng nói thêm lời nào nữa, liền đi đến bên cạnh cối giã gạo, lấy tích trượng gõ lên đó ba tiếng, kế đó quay trở về phòng.

Khoảng canh ba, Huệ Năng thức dậy, lần mò trong bóng đêm tìm đến phòng của Tổ. Huệ Năng thấy vẫn còn ánh đèn sáng trong phòng, hình như Tổ đang đợi mình đến. Huệ Năng bước vào, chắp tay cúi lạy xong, bèn thưa với Tổ:

- Dạ thưa, Tổ gọi con đến lúc nửa đêm, không biết Ngài muốn chỉ bảo việc gì?

Tổ không trả lời, bèn dẫn Huệ Năng vào phòng trong. Sau khi khóa cửa cẩn thận, Tổ vẫn còn sợ người khác trông thấy, bèn đem cà sa che ngang cửa sổ. Sau khi hai người ngồi yên, Tổ bèn nói với Huệ Năng:

- Ta biết căn tính của con không phải người tầm thường, song người trong chùa có nhiều thành phần phức tạp, ta sợ có người hại con nên mới sai con xuống làm ở phòng giã gạo.

Huệ Năng thưa với Tổ:

- Dạ thưa con hiểu điều nầy. Con rất cảm ơn Tổ đã tưởng nghĩ đến con, do đó mỗi ngày con đều tận tâm làm việc, không dám để người khác chú ý.

Tổ nói tiếp:
- Hình như con đã đọc qua kinh Kim Cương?

Huệ Năng lắc đầu:

- Dạ chưa! Con sinh ra trong gia đình nghèo khổ, không có cơ hội đi học.

- Như vậy, bài kệ con viết đó ...!?

Huệ năng hiểu ý Tổ định nói, liền tiếp lời:

- Dạ đúng, bài kệ đó là do con làm ra, nhưng con nhờ người khác viết dùm. Mấy tháng trước, con có nghe người khác tụng kinh Kim Cương, lúc đó tâm hồn con tràn đầy một sự cảm động không thể tưởng tượng được. Do đó con mới quyết tâm tìm đến đây, hầu mong được nghe Tổ giảng kinh.

Tổ nghe xong, gật đầu khen ngợi:

- Giỏi lắm! Con quả thực là thông minh lanh lợi, lại có tâm tha thiết cầu pháp. Nếu vậy, con nên lắng nghe, ta sẽ giảng kinh Kim Cương cho con nghe.

Nói xong, Tổ bèn đem kinh Kim Cương giải thích cho Huệ Năng. Ðang khi Tổ giảng đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm", ngay lúc đó Huệ Năng hốt nhiên đại ngộ, thấy rõ được ý nghĩa chân thực là tất cả mọi vật đều không rời tự tính. Do đây, Huệ Năng liền thưa với Tổ:

- Chẳng ngờ tự tính xưa nay không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Không ngờ tự tính xưa nay vốn không biến động, mà lại có thể sinh ra tất cả các pháp, hoàn toàn không chướng ngại.

Ðến đây, Tổ quyết chắc là Huệ Năng đã triệt ngộ bản tính, bèn nói:

- Ðúng vậy, nếu không hiểu rõ tự tâm là chân Phật, không hiểu rõ tự tính là chân Pháp, mà lại cho rằng có Phật ở ngoài tâm, có Pháp ở ngoài tính, nếu đem sự hiểu lầm về tâm tính nầy mà đi học Phật pháp, hoàn toàn không có lợi ích gì hết. Chỉ có kẻ nào nhận thức bản tâm mình, thấy rõ bản tính mình, mới đáng gọi là bậc đại trượng phu, mới có thể làm bậc thầy của trời người. Ðây cũng chính là Phật!

Nói xong, Tổ bèn đem y bát ra, trịnh trọng nâng lên trên hai tay của mình, nói với Huệ năng:

- Ðức Thế Tôn trước khi nhập Niết Bàn đã đem Chính pháp giao phó cho Tôn giả Ca Diếp, Ca Diếp giao phó cho A Nan, A Nan lại giao phó cho Thương Na Hòa Tu, cứ như thế chuyển đến tay ta. Hôm nay ta quyết định giao phó cho con, hy vọng là con sẽ khéo léo giữ gìn, lo việc hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sinh, đừng cho đoạn tuyệt.

Huệ Năng ngẩng đầu lên nhìn Tổ, lòng bàng hoàng cảm động, không biết phải nói điều gì, chỉ vỏn vẹn kêu lên vài tiếng:

- Thưa Tổ, con ...

Tổ đưa cặp mắt sáng rực nhìn Huệ Năng một cách chăm chú, kế đó ngài đọc bài kệ:

Hữu tình lai hạ chủng,
Nhân địa quả hoàn sinh,
Vô tình diệc vô chủng,
Vô tính diệc vô sinh.

Việt dịch:

Trong ruộng chúng sinh gieo giống Phật
Nhân duyên chín muồi sinh quả Phật
Vô tình không có hạt giống Phật
Không có tính Phật không sinh Phật. [xiii][13]

Chỉ thấy Huệ Năng gật đầu, đưa hai tay lên nâng y bát. Tổ nói tiếp:

- Bắt đầu từ hôm nay, con chính thức là Tổ thứ sáu của Thiền tông Ðông độ,[xiv][14] con có trách nhiệm phải khéo léo hộ trì Phật pháp, làm cho Pháp nầy đời đời truyền nối, không được để cho đoạn tuyệt!

- Dạ thưa Tổ, con xin ghi lòng tạc dạ, không dám quên lời.

Nhân vì sự truyền pháp diễn ra lúc giữa đêm, cho nên cả chùa không ai hay biết. Truyền pháp xong, Tổ lại nói tiếp:

- Ngày xưa, khi Tổ sư Ðạt Ma vừa đến Trung quốc, vì sợ người khác không tin vào Pháp cùng sự thừa kế, do đó mới truyền y bát của Phật để làm chứng minh cho sự truyền thừa của Phật, tổ. Sự thực, chân lý không có hình tướng, không thể truyền cho nhau được. Các vị tổ sư, chẳng qua là dùng những phương tiện khéo léo đem tâm truyền tâm. Vật được truyền thọ chỉ là cái tự tính lý thể của mình. Ðiều bí mật mà các ngài giao phó cũng chỉ là vật mà xưa nay mọi người sẵn có, tức là kho tàng tự tính của chúng ta, chứ không phải y bát, là những vật hình thức bên ngoài. Thế nhưng, những kẻ phàm tục không thể thấy được cái kho tàng tự tính nầy, mà chỉ bo bo chấp vào hình tướng, do đó y bát nầy có thể trở thành sự tranh chấp. Từ con về sau, y bát nầy không cần phải truyền cho đời sau nữa. Nếu mà còn tiếp tục truyền xuống, e rằng ngay cả tính mệnh của con cũng không được bảo đảm. Bây giờ con phải cấp tốc rời khỏi chổ nầy, để khỏi mang họa vào thân!

Huệ Năng phân vân:

- Dạ thưa, con phải đi về đâu bây giờ?

Tổ nói:
- Con có thể chèo thuyền rời khỏi chỗ nầy, đi về phương nam. Nếu đến vùng mà tên có chữ Hoài, thì có thể dừng bước, còn nếu đến vùng mà tên có chữ Hội, thì phải nên ẩn dật.

Huệ Năng trả lời:

- Dạ thưa, con nhớ.

Huệ Năng lạy Tổ xong, bèn chuẩn bị quay trở về phòng. Tổ hỏi:

- Khoan đã, con định đi đâu vậy?

- Dạ thưa, con trở về phòng, đợi sáng mai lên đường.

- Không được! Nếu đợi sáng mai làm sao mà còn đi được? Con phải đi ngay bây giờ!

- Ði bây giờ? Thế nhưng con không rành đường. Sợ trong đêm tối sẽ bị lạc trong rừng núi!

Tổ nói:

- Chớ lo, ta sẽ đưa con đi một đoạn.

Nói xong, hai thầy trò trong đêm vắng vội vả xuống núi, đi một mạch về hướng bờ sông. Ðến nơi cả hai cùng leo lên một chiếc thuyền nhỏ không chủ, Tổ bèn cầm chèo định đưa Huệ Năng qua sông. Huệ năng thấy vậy hớt hãi nắm lấy mái chèo, vội vả thưa với Tổ:

- Dạ thưa Tổ ngồi nghỉ, để con chèo thuyền đưa Tổ qua sông.

Tổ mỉm cười nói với Huệ Năng:

- Ta là thầy, con là trò, đáng lẽ ta nên đưa con qua sông mới đúng.

Trong khoảnh khắc, Huệ Năng hiểu rõ ý Tổ, bèn trả lời:

- Dạ thưa Tổ, khi con còn mê muội đương nhiên là Tổ độ con, nhưng nay con đã khai ngộ, con phải tự độ chính mình.

Nghe nói xong, Tổ cảm thấy rất là hài lòng, ngài liền xuống thuyền nói với Huệ Năng:

- Nếu vậy ta đưa con đến đây, để con tự qua sông. Từ đây về sau, việc hoằng dương Phật pháp hoàn toàn trông cậy vào con. Con đi rồi, ba năm sau ta sẽ viên tịch. Bây giờ con phải đi nhanh về phương nam sống ẩn dật, ít nhất cũng từ mười đến mười lăm năm, chớ nên hấp tấp đi giảng kinh thuyết pháp. Ðợi nhân duyên chín muồi rồi đi ra hoằng dương Phật pháp cũng không muộn. Ðiều nầy con nên nhớ rõ, đạo lớn của Thiền tông không lớn mạnh một cách dễ dàng được.

Tổ đưa Huệ Năng xong liền trở về chùa, liên tiếp mấy ngày Tổ không lên Pháp đường giảng kinh. Mọi người trong chùa đều hoang mang không hiểu việc gì xảy ra, bèn cử người đại diện đến phòng Tổ thăm hỏi:

- Dạ thưa! Mấy hôm nay Tổ không lên Pháp đường giảng kinh, không hiểu Tổ có bệnh hoạn gì không, hay là chúng con có làm điều gì mà Tổ không vừa ý?

Tổ nói:

- Ta chẳng có bệnh hoạn gì cả, mà cũng chẳng buồn giận gì ai hết. Chỉ có điều là y bát đã được truyền về phương nam rồi.

Nghe xong, mọi người đều hớt hãi, bèn thưa với Tổ:

- Dạ thưa, xin hỏi Tổ ai là người được truyền y bát.

Tổ nói:
- Kẻ có đủ khả năng được truyền y bát.[xv][15]

Tin tức vừa loan ra, mọi người đều kinh ngạc trước biến cố vĩ đại nầy. Thượng tọa Thần Tú mới là kẻ đau khổ nhất, ông ta nghĩ thầm:

- Không ngờ mình lao khổ tu tập bao nhiêu năm như vậy, mà rốt cuộc cũng không được Tổ chấp nhận.

Ôm nỗi khổ đau ray rức trong lòng, Thần Tú gom góp đồ đạc, từ biệt mọi người xong, bèn lặng lẽ xuống núi.

Hai sự kiện Ngũ tổ truyền Pháp y và Thần Tú bỏ chùa, được nhanh chóng truyền đi khắp nơi trong chùa, làm cho cả chùa nổi cơn sóng gió. Trong chùa có một vị họ Trần, pháp danh Huệ Minh, là người cảm thấy bất mãn cho sự thiệt thòi của Thần Tú nhiều nhất. Huệ Minh tỏ vẻ rất bất bình, bèn tụ tập một nhóm người, chuẩn bị đi tìm đoạt y bát đem trở về chùa. Thế nhưng, Tổ đã truyền y bát cho ai? Mọi người cùng nhau suy đoán, bèn phát giác là tên "mọi" phương nam làm trong phòng giã gạo đã biệt vô tăm tích từ lúc nào! Lúc đó mọi người bèn quyết đoán là Huệ Năng đã đem y bát về phương nam.

Huệ Minh hầm hừ:

- Thực là đáng ghét, cái tên man di thất học đó lại dám ăn cắp y bát của Thiền tông trốn đi biệt tích. Chắc là hắn muốn làm tổ sư đời thứ sáu? Vậy mà lúc mới đến làm bộ như hiền từ, nói mình chỉ muốn học làm Phật, ngoài ra không có ý đồ gì khác. Thử xem, ta sẽ đi tìm bắt hắn đem về!

Sau đó nhóm người do Huệ Minh cầm đầu ồ ạt xuống núi, tìm về phương nam, đuổi bắt Huệ Năng.

Huệ Năng sau khi từ biệt Ngũ tổ, liền vội vả băng rừng lội suối đi về phương nam ngày đêm không nghỉ, trong vòng hai tháng đã đến Ðại Dữu Lĩnh. Ðây là vùng biên giới của Giang Tây và Quảng Ðông. Nếu vượt qua rặng núi nầy là đến đất Lĩnh Nam, quê cũ của ngài. Do vì đường dài bôn ba, lại thêm nhiều ngày không nghỉ, thân thể cảm thấy mệt mỏi, Huệ Năng bèn tạm ngồi nghỉ ngơi trên tảng đá bên vệ đường. Chẳng ngờ, chưa được bao lâu, bèn nghe có tiếng chân người dưới chân núi đang đuổi theo, ngài cúi xuống nhìn kỹ té ra là Huệ Minh chứ chẳng phải ai khác. Huệ Minh vốn là quan võ, cấp bậc tứ phẩm, xuất gia chưa được bao lâu, tính tình vẫn còn rất thô bạo. Huệ Năng thấy ông ta hung hăng chạy lên, trong bụng bèn nghĩ thầm:

- Phải làm thế nào bây giờ?

Ngài vội vàng quay nhìn bốn phía, chỉ thấy toàn là cỏ mọc rậm rì trên những tảng đá hình thù cổ quái, đúng là chỗ ẩn nấp an toàn. Huệ Năng vội vàng lao mình vào bụi rậm ẩn trốn, thế nhưng ngài lại không mang kịp y bát theo, bọc hành trang vẫn còn nằm nguyên trên tảng đá.

Chẳng bao lâu, Huệ Minh chạy đến, tuy không thấy bóng Huệ Năng, song ông ta biết là ngài đang ẩn nấp gần đó, bèn hả miệng định lên tiếng nhục mạ. Thốt nhiên, nhìn thấy y bát còn để trên tảng đá bên vệ đường, Huệ Minh mừng rỡ, vội vàng chạy đến chuẩn bị đoạt lấy đem về. Ô hay, lạ lùng thật! Bọc y bát hình như mọc rễ xuống đất.

Huệ Minh gồng hết sức mình cũng không làm cho nó nhúc nhích được, giống như nhấc lên tảng đá ngàn cân. Lúc đó, Huệ Minh trong lòng bắt đầu lo lắng. Ông ta nghĩ thầm:

- Quả thực cái tên quái nầy được Ngũ tổ truyền y bát là đúng rồi. Nếu không, làm gì mà hắn có pháp lực dữ dội như vậy!

Huệ Minh suy đi nghĩ lại, trong lòng càng lúc càng lo âu. Quay nhìn bốn bề, chỉ nghe thấy tiếng rì rào của cơn gió lạnh thổi qua triền núi. Trên mặt đất, những chiếc lá khô bị gió xoắn, lượn đi lượn lại, tạo thành những âm thanh xào xạc. Lúc đó, Huệ Minh không biết phải làm sao, trong lòng tràn ngập niềm lo sợ. Ông biết rằng y bát nầy không phải là người nào cũng có thể giành được, do đó bèn lớn tiếng kêu Huệ Năng:

- Hành giả! Hành giả! Làm ơn đến đây, tôi biết lỗi mình rồi! Vả lại, tôi cũng vì Pháp mà đến. Xin hành giả từ bi đến đây thuyết pháp!

Nghe Huệ Minh kêu la có vẻ thảm thiết như vậy, Huệ Năng bèn trong bụi rậm từ từ bước ra. Ngài nói với Huệ Minh:

- Y bát chỉ là một vật để làm tin, tại sao thầy lại muốn dùng vũ lực để tranh đoạt?

Huệ Minh tỏ vẻ ngượng nghịu:

- Dạ, dạ! Dạ mong hành giả từ bi nói Pháp cho Huệ Minh nghe.
(còn tiếp)

Về Menu

truyện lục tổ huệ năng (phần 1) truyen luc to hue nang phan 1 tin tuc phat giao hoc phat phat phap thien phat giao

thiện Kinh Vu lan nhớ má ám chua giac luong Hạt điều giúp chống suy nhược tinh cha Chà nh nhung cau noi dang suy ngam cua nguoi do thai kinh pháp hoa Ngu căn của ý thức phiếm Nguyễn Sống và  cuộc đa tac hai cua viec noi doi Nhân sâm có tác dụng điều trị cảm phÃÆt Kính NhÃƒÆ Sài Gòn gió chướng Nghi thuc tung kinh Lễ tưởng niệm Thánh tử đạo nay Sinh tố dưa hấu dâu tây Nét chuông HoẠGĐPT Đà Nẵng tổ chức lễ húy nhật cun Đức Dalai Lama người có ảnh hưởng mot thoang nho que xua Nguy cơ phát triển bệnh ung thư ở dong nhat ky dang suy ngam cua mot nguoi truoc luc ý nghĩa về trực quán Thích ca mâu ni Hòa cổ harald huà Bàn VÃÆ Táo chu khong trong kinh bat nha Ngàn năm giọt nước có buồn không ngó cáo so Chất béo chuyển hóa không tốt cho trí đà nẵng Hơi bình