Ðại sư Lục tổ Huệ Năng, một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại Sự tích của ngài, mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyễn kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn
Truyện Lục Tổ Huệ Năng (phần 3)

Ðại sư Lục tổ Huệ Năng, một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại. Sự tích của ngài, mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyễn kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn

(tiếp theo)

Xưa nay mọi người đều có sẵn Phật pháp ở trong tự tính của mình, nếu như vì ngu mê mà không thể tự ngộ thì phải cần tìm thiện tri thức đến chỉ dẫn mới có thể thấy được. Nếu như người có thể tự giác ngộ, thấy được tự tính của mình, kẻ đó biết rõ là mình không cần phải tìm kiếm các vị thiện tri thức ở ngoài. Còn nếu chấp trước là nhất định phải nương nhờ vào thiện tri thức mới tìm được sự giải thoát, thì điều nầy quyết chắc là một sự sai lầm. Tại sao vậy? Vì trong tự tâm của mình vốn có sẵn lực lượng trí tuệ của Chính nhân Phật tính, có thể làm cho mình tự giác ngộ. Nếu mình lại khởi tà kiến, làm mê muội tự tâm của chính mình, vọng tưởng điên đảo, thì bên ngoài dù có thiện tri thức dạy dỗ chỉ dẫn, cũng không thể cứu mình được. Nếu như có thể sinh khởi trí tuệ chân chính, quán chiếu sự vật, thì chỉ cần trong một sát na, có thể hoàn toàn tiêu diệt vọng niệm, do đây mà thấy được tự tính, và nhân sự khai ngộ này mà có thể trực tiếp tiến vào địa vị của Phật.

Các vị thiện tri thức! Do sự quán sát của trí tuệ, có thể làm cho chúng ta nhìn thấu được sự vật trong ngoài, nhận rõ chân tâm vốn sẵn có của mình, tức là đạt được sự giải thoát tự tại vô ngại vốn sẵn có của mình. Nếu được giải thoát vô ngại tức là nhập vào Bát nhã chính định. Bát nhã chính định tức là nhất tâm vô niệm. Tại sao gọi là vô niệm? Ðối với các pháp sắc, thanh, ..., tất cả cảnh giới mà mình thấy biết, tâm không ô nhiễm chấp trước, đây gọi là vô niệm. Lúc chân tâm phát sinh tác dụng, có thể biết rõ rằng cái tâm nầy bao trùm tất cả mọi nơi, nhưng cũng không chấp vào bất cứ nơi nào. Chỉ cần giữ cho tâm mình thanh tịnh, làm cho sáu thức lúc được sinh khởi từ sáu căn, đối với sáu trần không còn khởi niệm tham nhiễm chấp trước nào nữa. Ra vào tới lui tự do tự tại, thông dụng tự nhiên, mà không bị trì trệ chướng ngại. Ðây tức là Bát nhã tam muội, tự tại giải thoát, cũng gọi là "vô niệm hành".[xxxix][39] Nếu như chấp trước vào quan niệm sai lầm là việc gì cũng không nghĩ tưởng đến, đem tâm niệm làm cho đoạn tuyệt, như thế sự hiểu biết sai lầm sẽ làm chướng ngại cho mình, đây gọi là bị pháp trói buộc, cũng gọi là biên kiến.

Các vị thiện tri thức! Kẻ nào thể ngộ được pháp vô niệm nầy, có thể thông đạt tất cả pháp mà không chướng ngại; kẻ thấu rõ pháp vô niệm, tự mình đã thấy được cảnh giới chư Phật; kẻ thấu rõ pháp vô niệm, cũng giống như đạt đến địa vị của Phật.

Các vị thiện tri thức! Ðời sau nếu có kẻ nào ngộ được pháp của tôi, nên phát nguyện đem pháp môn đốn giáo nầy, ở nơi những kẻ có cùng ý hướng, có cùng tâm nguyện, cùng nhau phát tâm tín thọ, phụng trì, giống như phụng sự Ðức Phật. Kẻ nào tinh tiến mà không thoái chuyển, nhất dịnh sẽ tiến nhập thánh vị. Kẻ nào có thể nhập thánh vị, phải nên đem cái tâm ấn đã được mật truyền cho mình truyền thọ cho kẻ khác, chớ nên đem chánh pháp của tông môn mà ẩn giấu. Ðối với kẻ ở tông phái khác, không phải cùng ý hướng, tâm nguyện với mình, không được vọng truyền[xl][40], mà làm tổn hoại pháp môn bọn họ đã tu từ trước, rốt cuộc cũng không lợi ích gì cả! Ðáng sợ hơn hết, là có một số người ngu si, không hiểu rõ ý nghĩa chân thực của tông môn, mà quay lại phỉ báng. Tôi có một bài kệ vô tướng, các vị phải nên ghi nhớ đọc tụng, không luận kẻ tại gia xuất gia, chỉ cần y vào bài tụng vô tướng nầy tu hành là đủ. Nếu như tự mình không chịu tu hành, chỉ nhớ suông những lời tôi nói cũng không ích lợi gì. Hãy nghe tôi đọc kệ:

Thuyết pháp thông, cùng tự tâm thông
Giống như mặt nhật ở trên không
Ta chỉ truyền thọ pháp đốn giáo
Ra đời cứu độ, phá tà tông.
Xưa nay pháp không phân đốn tiệm
Mê, ngộ nên thấy có nhanh chậm
Duy có pháp môn kiến tính này
Người ngu không thể nào hiểu rõ.
Nói ra, tuy là trăm ngàn lời
Hợp lại, lý thể chỉ là một
Trong nhà đen tối nhiều phiền não
Cần có mặt trời trí tuệ soi.
Tà niệm mà đến, phiền não đến
Chính niệm mà đến, phiền não trừ
Hai tướng tà chính đều không dụng
Thanh tịnh đến cảnh giới Niết Bàn.
Bồ đề vốn là tính giác ngộ
Nếu mà khởi tâm tức thành vọng
Tịnh tâm nằm ẩn trong vọng tâm
Tâm niệm nếu chính, không ba chướng.[xli][41]
Người đời nếu muốn tu Phật đạo
Tất cả pháp môn đều không ngại
Thường thường nên thấy rõ lỗi mình
Tức là sẽ cùng đạo tương ưng.
Chúng sinh đều đầy đủ Phật tính
Tu hành, chớ gây người phiền não
Nếu bỏ Phật tính mà tu hành
Cả đời cũng không thấy được đạo.
Bôn ba lặn lội hết một đời
Rốt cuộc chỉ tự làm áo não
Nếu như muốn thấy chân thực đạo
Hành vi chính trực tức là đạo.
Nếu mà tự mình không đạo tâm
Như kẻ đi đêm không thấy đạo
Nếu mình là kẻ chân tu hành
Không thấy lỗi lầm của thế gian.
Nếu mình chỉ thấy lỗi người khác
Tức là chính mình có lầm lỗi
Mặc người có lỗi, mình không lỗi
Nói lỗi người khác tức mình lỗi.
Chỉ nên trừ bỏ tâm thị phi
Tức là phá được giặc phiền não
Dù ghét, dù thương cũng chẳng màng
Duỗi hai bàn chân, nằm tự tại.
Nếu nghĩ đến việc độ người khác
Tự mình phải có đủ phương tiện
Ðừng để người khác khởi lòng nghi
Tức là tự tính mình hiển hiện.
Phật pháp thường ở nơi thế gian
Chẳng rời thế gian cầu chính giác
Nếu bỏ thế gian cầu Bồ đề
Cũng giống như đi tìm sừng thỏ.
Chính kiến là trí tuệ xuất thế
Tà kiến là mê muội thế gian
Tà chính hai bên đều quét sạch
Bồ đề tự tính sẽ hiển hiện.
Bài tụng nầy là pháp đốn giáo
Cũng được gọi là thuyền pháp lớn
Mê: nghe không ngộ, phí nhiều kiếp
Kẻ trí đốn ngộ trong sát na.

Bản dịch của Thiền sư Minh Trực:
Nói thông, tâm cũng thông,
Như mặt nhật trên không,
Duy truyền pháp thấy tánh,
Xuống thế phá tà tông
Pháp vốn không đốn tiệm,
Mê ngộ có chậm mau,
Chỉ môn thấy tánh ấy,
Kẻ muội chẳng kham vào.
Nói tuy muôn việc đủ,
Lý hợp một không hai,
Trong lòng sanh khổ não,
Thường tu tuệ phát khai.
Tà tâm phiền não dấy,
Chánh đến phiền não tan,
Chánh tà đều chẳng dụng,
Thanh tịnh chứng niết Bàn.
Bồ đề là tự tánh,
Tâm động tức vọng mông,
Tịnh tâm trong chỗ vọng,
Tâm chánh chướng tiêu vong.
Người tu theo chánh đạo,
Muôn vật chớ tỗn thương,
Lỗi mình hay xét thấy,
Mới hợp đạo chơn thường,
Muôn loài tự có đạo,
Chớ giết hại loài nào,
Lìa đạo mà tìm đạo,
Chung thân đạo khó vào.
Bôn ba qua một kiếp,
Rồt cuộc não phiền còn,
Muốn thấy nền chơn đạo,
Làm chánh ấy đạo chơn.
Ðạo tâm mình chẳng có,
Làm quấy đạo lìa xa,
Người thật lòng hành đạo,
Lỗi đời khá bỏ qua.
Nếu thấy người lầm lỗi,
Ấy mình lỗi chẳng sai,
Người lỗi, ta không lỗi,
Ta lỗi bởi chê bai.
Hãy trừ lòng tưởng quấy,
Phiền não phá tiêu tan,
Ghét yêu đừng để dạ,
Duỗi cẳng nghỉ thanh nhàn.
Muốn toan lo độ thế,
Phương tiện phải sẳn sàng,
Chớ để người nghi hoặc,
Tánh họ mới minh quang.
Phật pháp ở trần thế,
Không xa thế giác mà!
Bỏ đời tìm đạo chánh,
Sừng thỏ kiếm sao ra.
Chánh kiến là xuất thế,
Tà kiến ấy thế gian,
Chánh tà đêu phá hết,
Phật tánh hiện rõ ràng.
Tụng này là đốn giáo,
Cũng kêu đại pháp thuyền,
Mê, nghe kinh lũy kiếp,
Ngộ, thấy Phật tâm liền.
---*---

Cuối cùng Lục tổ nói:
- Hôm nay tôi ở chùa Ðại Phạm giảng pháp môn đốn giáo, bố thí cho tất cả chúng sinh trong pháp giới. Nguyện cho kẻ nào nghe được đều sẽ thấy được chính pháp, viên thành Phật đạo.

Lúc đó, thứ sử Vĩ Cừ, cùng mọi người nghe Tổ nói bài tụng vô tướng xong, ai cũng đều tự phản tỉnh, thấu rõ tâm tính mình. Tất cả đều tán thán:

- Thật là tuyệt diệu! Không ngờ có Phật xuất hiện ở đất Lĩnh Nam hoang vu man dã nầy. Chúng ta thực là có phúc báo vô tận!

Một hôm, thứ sử Vĩ Cừ tổ chức trai tăng, cung thỉnh Lục tổ cùng đại chúng tham dự. Sau khi dùng trai xong, Vĩ Cừ thay mặt mọi người cung kính thỉnh cầu Lục tổ lên tòa thuyết pháp. Vĩ Cừ cùng các vị quan liêu và mọi người cung kính đảnh lễ, kế đó ông ta hỏi Tổ:
- Ðệ tử chúng con nghe Tổ giảng pháp, thật là tuyệt diệu không thể nghĩ bàn. Hiện nay có một điểm nghi vấn, hy vọng Tổ mở lòng từ bi giải thích cho chúng con.

Lục Tổ nói:
- Có vấn đề gì cứ nói ra, tôi sẽ hết sức mình vì các vị mà giải thích.

Vĩ Cừ hỏi:
- Tổ hiện nay thuyết pháp, so với lúc Sơ tổ Ðạt Ma truyền tâm pháp, có phải là giống nhau hay không?

Lục tổ nói:     
- Ðúng vậy! Ðiều tôi đã nói chính là Tổ Ðạt Ma dùng tâm ấn tâm, là pháp chỉ thẳng vào tâm, thấy tính thành Phật.

Vĩ Cừ nói:
- Ðệ tử nghe nói, lúc Tổ Ðạt Ma vừa từ Quảng Châu đến Nam Kinh để hóa độ Lương Vũ Ðế, Vũ Ðế từng hỏi Tổ Ðạt Ma: "Tôi cả một đời xây cất chùa chiền, bố thí tài sản, cúng dường chư tăng. Xin hỏi những việc như vậy được công đức gì?" Tổ Ðạt Ma trả lời: "Chẳng có công đức gì hết!" Ðệ tử không hiểu rõ điều nầy, cúi xin Tổ giải thích.

Lục tổ trả lời:
- Không nên nghi ngờ lời nói của Tổ! Ðúng là không có công đức. Nên biết rằng xây chùa, cúng tăng, đây là trồng phúc điền, không thể gọi là công đức. Công đức chân chính ở trong tự tính pháp thân của chúng ta, mà không phải ở trong sự tu phúc báo thế gian. Vũ Ðế nhân vì không hiểu rõ, cho nên hiểu lầm phúc báo là công đức.

Như vậy công đức là gì? Nếu có thể khám phá Phật tính của mình, đây là công. Có thể nhìn chúng sinh một cách bình đẳng (không còn phân biệt), đây là đức. Khi một kẻ có thể tự mình đạt đến trình độ niệm niệm đều thấy được Phật tính của mình mà không chướng ngại, cái Phật tính chân thực tồn tại nầy phát sinh tác dụng kỳ diệu, đây là công đức. Bên trong, tâm khiêm hư là công; bên ngoài, hành vi giữ lễ nghi là đức. Không rời bỏ Phật tính của mình là công, lúc Phật tính phát sinh tác dụng, không bị vọng niệm chuyển đổi là đức. Nếu muốn cầu công đức pháp thân, y theo phương pháp này tu hành, thì đây là công đức chân chính.

Người tu công đức, trong tâm không có những niệm tà vạy, khinh thị người khác, đối với tất cả chúng sinh đều có cái nhìn bình đẳng, tôn kính. Ngược lại, nếu trong tâm thường khinh thị người khác, không thể đoạn trừ tập khí cống cao ngã mạn, như vậy làm sao mà có công? Phật tính mình bị vọng niệm che lấp, làm sao mà có đức? Ðây chính là hậu quả của sự tự cao tự đại. Bởi vậy mới nói: Mỗi tâm niệm của mình đều không có sự phân biệt cao thấp, sang hèn, mới là công. Tư tưởng, hành vi đều ngay thẳng, không lươn lẹo, mới là đức. Tự mình tu sửa tâm tính là công, tự mình cải đổi hành vi là đức. Công đức chỉ có thể tìm được nơi Phật tính của mình, chứ không phải là do bố thí của cải, cúng dường tăng ni mà có thể có được. Cho nên phúc đức và công đức có sự khác biệt. Chính Lương Vũ Ðế không hiểu ý này, chứ không phải là Tổ Ðạt Ma trả lời không đúng.

Vĩ Cừ lại hỏi:
- Ðệ tử thường thấy các vị tăng ni cũng như cư sĩ tại gia trì niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, phát nguyện cầu sinh Tây Phương Cực Lạc. Xin phép hỏi Tổ, không biết tu hành phương pháp này, có thực là vãng sinh thế giới Cực Lạc hay không?

Lục tổ trả lời:
- Ông hỏi vấn đề này rất hay. Ông nên cẩn thận chú ý nghe tôi nói. Ðức Phật lúc còn ở thành Xá Vệ, nói đến Tây Phương Cực Lạc, mục đích là muốn hướng dẫn, dạy dỗ chúng sinh. Trong kinh có viết rõ ràng, nói thế giới Cực Lạc cách đây không xa. Nếu theo khoảng cách mà nói có mười vạn tám ngàn dặm. Ðiều này có nghĩa gì? Nên biết rằng chúng sinh cùng Phật vốn không có xa cách, bởi vì có mười ác, tám tà[xlii][42] làm cách biệt, cho nên trí tuệ chúng sinh không cách nào hiển lộ; do đây mới cho rằng Tây Phương Tịnh Ðộ xa tít không thể đến được. Ðây là đối với chúng sinh căn cơ thấp mà nói. Nhưng cũng có những người trí tuệ cao siêu, là những kẻ bỏ ác làm lành, biết rằng tâm mình tịnh tức Phật độ tịnh, cho nên đối với những người nầy, nói rằng Tây Phương Tịnh Ðộ ở trước mắt.

Nói tóm lại, tuy rằng căn tính của mọi người có lợi, có độn khác nhau, thế nhưng Phật pháp không có gì khác biệt. Chỉ vì do sự mê chấp và khai ngộ khác nhau, cho nên khả năng thấy bản tính mới có mau, có chậm. Kẻ mê chấp hy vọng nhờ niệm Phật cầu sinh tịnh độ, còn kẻ đã khai ngộ thì biết rằng trước hết phải làm tâm mình thanh tịnh, chỉ cần tâm tính thanh tịnh, thì lúc đó mình đã đến cõi Tịnh độ của Phật.

Lục tổ sợ mọi người chưa hiểu, bèn nói tiếp:
- Ví như Thứ sử Vĩ Cừ là người phương đông, nếu Thứ sử có thể làm cho tâm mình thanh tịnh, không có tạp niệm tà niệm, thì cũng không có tội lỗi. Các vị thử nghĩ xem, người phương đông tạo tội, niệm Phật cầu sinh phương tây. Vậy tôi hỏi thử các vị, người phương tây tạo tội thì cầu sinh về chỗ nào? Người phàm ngu si, không hiểu rõ tự tính, cho nên mới nguyện đây nguyện kia, còn người trí tuệ, đến đâu cũng đều an lạc, đối với họ chỗ nào cũng là tịnh độ thanh tịnh, cho nên mới có câu: "Tất cả nơi chốn thường an lạc."

Do đây, chỉ cần tâm của Thứ sử không còn chỗ nào bất thiện, thì thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ không xa, còn nếu trong tâm của thứ sử mà còn những điều tà ác, thì dù thứ sử có niệm Phật cầu vãng sinh, cũng không thể nào đạt được ý nguyện của mình. Cho nên hiện nay tôi muốn khuyên nhắc các vị, trước hết phải diệt trừ mười điều ác, tu mười điều thiện; đây cũng giống như đã đi về Tây Phương được mười vạn dặm đường. Kế đó diệt trừ tám điều tà, đây cũng giống như đi hết đoạn đường tám ngàn dặm còn lại. Nếu như niệm niệm đều thấy được Phật tính của mình, thì những điều mình làm mình nghĩ, luôn luôn sẽ ngay thẳng, bình đẳng. Nếu được vậy, chỉ trong khoảnh khắc có thể đến Tây Phương Tịnh Ðộ, có thể tức khắc thấy được Phật A Di Ðà.

Kế đó Lục tổ hỏi mọi người:
- Hiện nay tôi muốn cùng với các vị, trong khoảnh khắc, đem Tây Phương Cực Lạc dời đến trước mặt mọi người, để cho mọi người có thể nhìn thấy. Các vị có muốn thấy không?

Mọi người nghe rằng có thể nhìn thấy được thế giới Tây Phương Cực Lạc, đều vui mừng. Tất cả cùng nhau cúi lạy Lục tổ, nói:
- Nếu ngay chỗ này có thể thấy được Cực Lạc, thì cần gì phải phát nguyện vãng sinh nữa. Cúi mong Tổ từ bi thị hiện Tây Phương Cực Lạc cho mọi người được thấy.

Lúc đó Lục tổ nói:
- Các vị thiện tri thức! Sắc thân của chúng ta cũng giống như một tòa thành lũy. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cũng giống như cửa ngoài, còn ý cũng giống như cửa trong của thành. Tâm là phần đất phía trong thành, còn chân như tự tính của chúng ta thì cũng giống như quốc vương thống trị thành lũy. Nếu như tự tính rời bỏ tâm địa (nghĩa là chúng sinh mê mờ tự tính), thì cũng giống như thành lũy mất đi quốc vương, lúc đó thành lũy của thân tâm sẽ bị hủy hoại (ví như chúng sinh bị đọa ba đường ác). Cho nên muốn cầu thành Phật, phải hướng vào chân như tự tính của mình mà cầu. Tuyệt đối không nên tìm cầu ở ngoài tâm mình. Ðang khi chân như tự tính bị mê mờ, thì Phật biến thành chúng sinh. Ðợi đến lúc chân như tự tính được giác ngộ, thì chúng sinh biến thành Phật. Nếu có thể sinh khởi tâm từ bi, các vị sẽ là Bồ tát Quán Thế Âm; nếu đối với tất cả chúng sinh đều có thể hoan hỉ bố thí một cách bình đẳng, các vị sẽ là Bồ tát Ðại Thế Chí; nếu có thể làm cho tâm mình thanh tịnh, tự thân sẽ là Phật Thích Ca; nếu có thể ngay thẳng bình đẳng, tự thân sẽ là Phật Di Ðà.

Ðang khi trong tâm có sự phân biệt chấp trước nhân ngã, thì cũng giống như mình đắp lên một quả núi Tu Di, tự làm trở ngại con đường thành Phật của mình. Nếu trong tâm khởi niệm tà ác, thì cũng giống như mình bị rớt vào biển lớn, đang bị phong ba bão táp. Phiền não trong tâm cũng giống như sóng lớn đang vỗ mạnh, còn những ý niệm độc ác trong tâm cũng giống như rồng dữ đang hung hăng mãnh tợn. Nếu tâm mà lươn lẹo, lừa bịp thì cũng giống như quỉ thần đang tác quái, làm cho chúng ta mê muội tự tính. Nếu chúng ta còn bôn ba luân chuyển trong cõi trần lao nầy, thì cũng giống như cá, rùa đang bơi lặn trong biển, tuy cả ngày bận rộn bơi qua bơi lại mà không có mục tiêu, lại cũng không biết mình bận rộn việc gì? Trong tâm nếu khởi sân hận, thì cũng giống như tạo ra một địa ngục lớn; còn kẻ ngu si thì cũng chẳng khác gì súc sinh!

Các vị thiện tri thức! Nếu thường tu thập thiện thì thiên đường sẽ đến nhân gian. Trừ bỏ sự phân biệt chấp trước nhân ngã, thì núi Tu Di chướng ngại con đường thành Phật của mình, sẽ sụp đổ. Nếu trừ bỏ niệm tà, thì nước biển khô cạn. Trong tâm không còn sinh phiền não, thì sẽ sóng lặng gió yên. Trừ bỏ tâm độc ác thì trong tâm không còn cá rùa. Từ trong tâm, làm thức tỉnh đức Như Lai tự tính của mình, thì có thể phóng ra ánh sáng dài muôn trượng. Ở ngoài thì có thể chiếu sáng sáu căn của mình, làm cho thanh tịnh không nhiễm, phá trừ sự tham luyến của sáu cõi trời dục giới. Ở trong, có thể phá trừ tham sân si, làm cho tội ác địa ngục đều tiêu trừ. Nếu vậy, từ trong ra ngoài, ánh sáng đều chiếu khắp; và như thế so với Tây Phương Tịnh Ðộ cũng không có gì khác biệt. Nếu như không theo đây mà tu hành, làm sao mà đến được thế giới Cực Lạc?

Mọi người sau khi nghe Lục tổ chỉ điểm, đều hiểu rõ tự tính chân thực cao quí của mình. Do đây tất cả đều cung kính cúi lạy Lục tổ, đồng thanh nói rằng:
- Phổ nguyện cho tất cả chúng sinh, kẻ nào nghe được pháp môn nầy, đều sẽ sớm được khai ngộ, cùng nhau chứng được quả Bồ Ðề.

Lục tổ nói:
- Các vị thiện tri thức! Nếu các vị thực tình muốn tu hành, ở nhà cũng có thể tu mà không cần phải xuất gia vào chùa. Người tại gia nếu có thể y theo pháp mà tu hành, cũng giống như người phương đông mà có tâm thiện, tuy ở phương đông cũng như ở tịnh độ. Còn người xuất gia mà không chân thực tu hành, cũng giống như người phương tây mà trong tâm vẫn còn niệm ác. Ðương nhiên đây chỉ là thí dụ, người ở Tây Phương Tịnh Ðộ trong tâm quyết không có niệm ác. Chỉ cần tự tâm các vị thanh tịnh không nhiễm, tức là tự tính Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

Vĩ Cừ lại hỏi:
- Người tại gia làm thế nào tu hành, kính xin Tổ từ bi chỉ bảo.

Lục tổ nói:
- Tôi sẽ nói một bài tụng vô tướng cho các vị nghe. Nếu y vào đây tu hành, thì cũng giống như cùng với tôi ở chung một chỗ, còn nếu không theo đây tu hành, dù có cạo đầu xuất gia cũng chẳng ích lợi gì. Lắng nghe tôi nói:

Tâm địa bình đẳng, cần gì trì giới
Hành vi chính trực, cần gì tu thiền
Biết ơn, phải nên hiếu dưỡng cha mẹ
Biết nhân nghĩa, trên dưới phải thương nhau
Muốn khiêm nhượng, trên dưới nên hòa thuận
Học nhẫn nhục, chớ nói lỗi kẻ khác
Nếu siêng năng như cọ cây tìm lửa
Trong bùn, nhất định sẽ sinh hồng liên.
Thuốc đắng, nhất định là món thuốc hay
Lời khuyên khó nghe là lời chân thực
Biết sửa lỗi lầm là người trí tuệ
Che giấu lỗi lầm, không phải người hiền.
Mỗi ngày đều làm lợi ích kẻ khác
Thành Phật đạo, không phải do bố thí
Bồ đề, chỉ nên hướng vào tâm tìm
Cần gì tìm sự hão huyền bên ngoài
Nghe xong, phải y vào đây tu hành
Thiên đường sẽ tại trước mắt mình.

Bản dịch của ngài Thiền sư Minh Trực:
Lòng bình đẳng đâu cần trì giới,
Làm việc ngay há đợi tu thiền,
Ân, song thân hiếu dưỡng cần chuyên,
Nghĩa, huynh đệ dưới trên tương ái.
Nhượng, hoà mục tôn ti đối đãi,
Nhẫn, muôn điều ác hại chớ gây,
Siêng tu như lấy lửa cọ cây,
Thì bùn lấm nở đầy sen đỏ.
Ðắng miệng ấy thuốc trừ bệnh khổ,
Nghịch tai là lời độ chánh trung,
Sửa lỗi lầm, trí tuệ phát sung,
Che tội quấy, tâm tùng đọa ác.
Năng làm phước, giúp người lợi lạc,
Ðạo nào do thí bạc mà thành,
Vốn Bồ đề cầu ở tâm thanh,
Ngoài mộng ão, muội manh nhọc kiếm.
Nghe nói pháp, lòng vâng tu niệm,
Cõi thiên đường mầu nhiệm thấy liền.

Sau cùng Lục tổ lại nói:
- Các vị thiện tri thức! Chỉ cần mọi người y theo bài kệ nầy mà tu hành, tự nhiên sẽ có thể thấy được tự tính, trực tiếp đi trên con đường thành Phật. Nhớ kỹ, nhớ kỹ! Tu hành phải tự y vào tâm mình. Người khác không thể nào giúp các vị. Tôi muốn trở về Tào Khê. Nếu các vị còn thắc mắc, lúc đó đến Tào Khê hỏi tôi.

Lúc bấy giờ, thứ sử Vĩ Cừ cùng mọi người, nghe Lục tổ nói xong, tất cả đều mở rộng được tầm mắt của mình, thu thập được nhiều lợi ích, và đều quyết tâm y giáo phụng hành.

Một hôm, Lục tổ giảng pháp cho đại chúng, ngài nói:
- Các vị thiện tri thức! Cái pháp môn mà tôi truyền thọ này, dùng thiền định và trí tuệ làm căn bản. Các vị không nên hiểu lầm, cho rằng thiền định và trí tuệ là hai sự kiện khác biệt. Sự thực, thiền định và trí tuệ đều cùng một thể. Thiền định là bổn thể của trí tuệ, còn trí tuệ là tác dụng của thiền định. Lúc trí tuệ hiện tiền, thiền định đã được bao hàm trong trí tuệ. Cũng giống thế, khi đang thiền định, thì trí tuệ cũng tùy thời hiện tiền. Nếu hiểu rõ điều này, mới gọi là tu hành định tuệ một cách quân bình[xliii][43]. Người học Phật tuyệt đối không nên nói "Trước phải có định lực, rồi sau mới phát sinh trí tuệ", hoặc nói "Trước phải có trí tuệ, rồi sau mới phát sinh định lực". Bởi vì kẻ nào ôm giữ cái nhìn như vậy, sẽ bị phát sinh ra những tình trạng trong ngoài bất nhất. Ví như ngoài miệng thì nói ngọt ngào, mà trong tâm chứa toàn điều ác. Những kẻ như thế, nếu nói họ có định tuệ cũng là phí lời. Bởi vì định tuệ không quân bình, thì cũng giống như nói suông về định tuệ mà thôi[xliv][44]. Chỉ có kẻ lời nói cùng nội tâm đều thiện, trong ngoài đồng nhất, mới có thể coi là định tuệ quân bình.

Như những điều đã giảng nói ở trên, tự mình phải hiểu rõ, tự mình lo tu hành, không phải chỉ là "đấu võ mồm" với kẻ khác về sự trước sau của định tuệ. Bởi vì, một khi trong tâm khởi lên ý niệm hơn thua, thì sẽ sinh ra ngã chấp và pháp chấp, kế đó lại sinh đủ loại chấp trước và phân biệt. Như vậy, không thể nào có định lực, mà trí tuệ cũng theo đó mà tiêu tán.

Các vị thiện tri thức! Tôi đã giảng nhiều về vấn đề liên quan đến định tuệ, thế nhưng rốt ráo phải dùng sự vật cụ thể nào để có thể hình dung định tuệ? Ở đây tôi sẽ lấy đèn và ánh sáng làm thí dụ. Thắp đèn thì ánh sáng sẽ đến, tắt đèn thì bóng tối sẽ trở lại. Ðèn là bổn thể của ánh sáng, ánh sáng là sự biểu hiện của đèn. Tên gọi tuy có hai loại khác nhau, sự thực chỉ là hai mặt khác nhau của cùng một thực thể. Bổn thể của cả hai là đồng nhất. Vấn đề định tuệ mà tôi đang nói đây, cũng giống như vậy.

Lục tổ lại nói tiếp:
- Thế nào gọi là Nhất hành tam muội? Nhất hành tam muội có nghĩa là tại bất cứ nơi nào, không luận là đi, đứng, nằm, ngồi, ..., trong bất cứ lúc nào cũng giữ tâm mình chính trực (ngay thẳng). Kinh Tịnh Danh[xlv][45] nói: "Chính trực tức là đạo trường, trực tâm tức là tịnh độ". Tuyệt đối không nên trong tâm thì xiểm trá, dua nịnh, gian dối, lươn lẹo, còn ngoài miệng thì nói là chính trực. Lại cũng không nên miệng nói nhất hành tam muội, mà trên thực tế lại không chịu dùng tâm chính trực tu hành. Nếu muốn đạt đến nhất hành tam muội, không những phải đem tâm chính trực đối xử với người với vật, mà còn phải đối với tất cả sự vật không nên chấp trước, không nên so đo. Thế nhưng, lại có những kẻ ngu si không hiểu, chấp trước quan niệm của mình, cho rằng chính trực tức là ngồi yên không động, không khởi vọng tưởng; và cho rằng đây là định lực, là nhất hành tam muội. Kẻ nào có kiến giải như vậy, có thể nói rằng họ cũng giống như là cây, đá; không những sai lầm, mà đồng thời, trên con đường tu hành trong tương lai, lại vì những sự sai lầm này, mà tự tạo ra rất nhiều trở ngại.

Các vị thiện tri thức! Ðạo là gì? Cái gọi là đạo, đáng lẽ phải linh động, thông suốt, giống như giòng nước chảy. Tại sao hiện nay lại trái ngược, đình trệ không thông? Kinh Kim Cương có nói: "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm". Chỉ khi nào cái tâm nầy không có chỗ trụ, nghĩa là không chấp trước vào cái có, cũng không chấp trước vào cái không, cũng không chấp trước vào pháp, thì cái đạo của mình mới giống như dòng nước lưu thông không ngừng được. Khi mà cái tâm nầy chấp trước vào pháp, thì gọi là pháp chấp; giống như con tằm làm kén, tự mình trói buộc chính mình. Nếu nói thường ngồi yên không nhúc nhích là nhất hành tam muội, thì khi xưa lúc ngài Xá Lợi Phất đang ngồi tĩnh tọa ở trong rừng, ngài Duy Ma Cật quyết chắc đã không trách mắng rằng: "Ngài ngồi ngay đơ như thế này có ích lợi gì? Cũng chẳng khác gì thây chết!" Ðiều này chứng tỏ rằng ngồi cứng đơ chẳng phải là phương pháp tu hành chính xác.

Lại có một số người khác dạy ngồi thiền, bắt đầu bằng phương pháp quán tâm, quán tịnh; cố gắng giữ cho tâm không khởi vọng niệm. Phương pháp này thực sự cũng không có gì là sai lầm; thế nhưng, những người tầm thường không hiểu ý nghĩa thâm sâu của nó, bèn cho rằng chỉ cần ngồi quán tâm làm cho không động, như vậy sẽ có công phu, sẽ có thiền; do đó sinh ra bao nhiêu sự chấp trước điên cuồng. Thí dụ như có rất nhiều người y vào pháp ngồi thiền, liền tự cho rằng mình khai ngộ. Chẳng biết họ làm thế nào để khai ngộ, vậy mà vẫn cứ tự cho rằng mình khai ngộ. Bởi vậy có rất nhiều người, nhân vì tu tập không đúng phương pháp, mà sinh ra khùng khùng điên điên. Vậy mà họ còn đem phương pháp đó dạy cho kẻ khác. Làm cho chúng ta đi đến đâu cũng thấy nhiều kẻ nhân vì tu thiền mà bị "tẩu hỏa nhập ma".[xlvi][46] Do đó chúng ta có thể kết luận rằng phương pháp tu tập này là hoàn toàn sai lầm.

Lục tổ lại nói:
- Các vị thiện tri thức! Phật giáo xưa nay vốn chẳng có pháp gì kêu là tiệm hay đốn. Thế nhưng, nhân vì căn tính của chúng sinh khác nhau, hoặc thông minh lanh lợi hoặc chậm lụt ngu si, mà pháp có khác nhau. Như người căn tính chậm lụt, phải học từ từ chậm rãi, mới có hy vọng thành tựu; không giống như người căn tính lanh lợi, chỉ cần trong phút chốc liền có thể khai ngộ. Thực ra, chỉ cần nhận thức bổn tâm mình, soi rõ bổn tính mình. Không luận xưa nay căn tính thế nào, đến cuối cùng vẫn có thể khai ngộ thành Phật, kết quả không gì sai khác. Hôm nay chúng ta thấy có những danh từ đốn tiệm khác nhau, chẳng qua là những tên gọi tạm thời dùng để thích nghi với tình trạng hiện tại mà thôi.

Các vị thiện tri thức! Pháp môn đốn giáo mà tôi truyền thọ, từ các vị tổ sư nhiều đời đến nay, một mực đều dùng vô niệm làm tông chỉ, vô tướng làm bổn thể, vô trụ làm căn bổn. Ở đây nói vô tướng, có nghĩa là tuy chung đụng với cảnh vật (hình tướng), mà vẫn có thể rời tướng (không chấp trước vào hình tướng). Nói vô niệm, có nghĩa là tuy sinh khởi ý niệm, song đều không có tà niệm. Còn nói vô trụ, tức là tự tính của chúng sinh, cũng gọi là Phật tính. Cái Phật tính này, xưa nay vốn không tương ưng với các pháp thế gian như thiện ác, đẹp xấu, nhẫn đến người thân kẻ thù, ..., cho nên lúc xảy ra các việc như cãi cọ, ẩu đả ..., phải nên quán sát những sự việc nầy là huyễn hóa không có thực; không nên chấp trước, lại cũng không nên nghĩ đến việc trả thù hoặc làm tổn hại người khác. Niệm niệm đều có thể buông bỏ, không còn hoài niệm đến quá khứ, thì đây gọi là vô trụ. Cho nên, nếu không như vậy, thì niệm trước, niệm giữa, niệm sau sẽ liên tục không dứt, do đây sẽ sinh khởi vô lượng vô biên phiền não, và trở thành một sự trói buộc. Chỉ cần có thể đối với các pháp, niệm niệm đều không chấp trước, tự nhiên sẽ không bị trói buộc. Ðây tức là ý nghĩa của vô trụ làm căn bản.

Kế đến, đối với ngoại cảnh, rời bỏ tất cả hình tướng, không để cho hình tướng nhiễm ô tâm mình, đây gọi là vô tướng. Nếu có thể như vậy, thì tự tính pháp thể của mình tự nhiên sẽ thanh tịnh, cho nên gọi là dùng vô tướng làm bản thể. Lại nữa, đối với tất cả cảnh giới, tâm không bị ngoại cảnh làm ô nhiễm, đây gọi là vô niệm. Vô niệm, không chỉ là tâm mình rời bỏ tất cả ngoại cảnh, mà còn phải làm sao khi cảnh giới xuất hiện, tâm không còn bị dao động, không sinh vọng tưởng mới được. Không nên cho rằng tất cả cái gì cũng không tưởng nghĩ đến thì có thể trừ diệt vọng niệm, đây là quan niệm sai lầm. Các vị thử nghĩ xem, nếu mà trong tâm không còn nghĩ tưởng gì hết, thì có khác gì người chết. Mà giả sử có chết, thì cũng sẽ đi đầu thai vào cõi khác. Rốt cuộc, chẳng phải là cũng giống hệt như vậy hay sao?[xlvii][47] Cho nên các vị học Phật phải suy ngẫm kỹ lưỡng, và hiểu rõ điều này. Không thể tự mình hiểu sai, lại còn đi dạy cho kẻ khác những sự sai lầm này. Ðây là điều không tốt! Có nhiều người vì ngu si, không hiểu ý nghĩa chân thực của Phật pháp, trái lại còn phỉ báng kinh điển, cho là kinh nói sai lầm. Ðiều này không thể chấp nhận được.

Các vị thiện tri thức! Tôi thiết lập vô niệm làm tông chỉ cho Phật pháp, là vì có một số người, mồm thì ưa nói "kiến tính, kiến tính", mà trên thực tế lại không chịu khó tu hành. Những người này không có chút định lực nào cả, mỗi khi đụng cảnh liền sinh tâm động niệm, mà thường thường toàn là những niệm bất chính; do đây mà sinh ra biết bao nhiêu phiền não. Sự thực, tự tính vốn là thanh tịnh, không có nhiễm ô, mà cũng chẳng có cái được thêm, hay bị bớt. Nếu có người nói càn là mình đã chứng đắc, lại nhân đây mà nói những điều càn rỡ về họa phúc, thì các vị phải nên hiểu rõ là bọn này còn đầy phiền não tà kiến, chứ không phải thực sự giác ngộ.

Kế đó Lục tổ nói tiếp:
- Các vị thiện tri thức! Tôi vừa nói về chữ "vô (không có)", không có cái gì? Còn nói đến chữ "niệm", niệm vật gì? Ở đây nói không có, tức là không có hai tướng sai biệt, không có những tâm tà vạy, trần lao vọng tưởng. Còn niệm tức là niệm chân như tự tính. Chân như tự tính tức là Phật tính của chúng ta, nó là thể của niệm, còn niệm là tác dụng của chân như. Cái niệm sinh ra bởi chân như, không giống như cái niệm sinh ra do sự kích thích của ngoại cảnh đối với mắt tai mũi lưỡi. Nếu chân như Phật tính mà mất đi, thì chúng ta cũng giống như đất đá không khác. Giả sử có mắt tai mũi lưỡi đi chăng nữa, cũng chẳng phát sinh được tác dụng gì! Dù là sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý, nhờ cái niệm sinh bởi chân như mà có được sự thấy nghe nhiểu biết, song cái niệm đó, trong những tình cảnh như vậy, vẫn không bị ngoại cảnh làm mê muội. Chân như tự tính vĩnh viễn tự tại đối với tất cả mọi cảnh giới, cho nên kinh Tịnh Danh mới nói: "Khéo léo phân biệt chư pháp tướng, nơi đệ nhất nghĩa không dao động".

Pháp môn tọa thiền này, tuy cũng nói đến việc đình chỉ tất cả tư lự, chuyên tâm soi xét tâm tính, thế nhưng cũng không thể nhân đây mà gán ghép vào đó những cái tên như quán tâm, quán tịnh, bất động ... Nếu nói quán tâm, như vậy cái tâm đang quán sát tâm đó là vật gì? Chẳng lẽ lại có hai cái tâm? Nên biết rằng, cái tâm mà mình đang dùng quán sát đó, xưa nay vốn là huyễn hóa không thực, vì thế không nên chấp trước, lại càng không nên quan tâm đến nó!

Kế đó nói đến quán tịnh. Tự tính của chúng ta xưa nay vốn thanh tịnh không nhiễm, bởi vì có vọng tưởng cho nên mới che lấp chân như tự tính. Chỉ cần không còn vọng tưởng, thì chân như bổn tính tự nhiên sẽ thanh tịnh. Giả sử các vị khởi một vọng niệm, cho rằng nhờ quán tịnh sẽ làm cho cho chân như Phật tính trở nên thanh tịnh, điều nầy chỉ là vọng tưởng, chấp trước vào cái tịnh. Vọng niệm sinh ra không có thời gian hoặc nơi chốn nào cố định, chỗ nào mà chúng ta chấp trước, thì chỗ đó vọng niệm sinh ra. Ðiều rất đáng buồn cười là, sự thanh tịnh xưa nay vốn không có hình tướng, nhưng vì chúng ta muốn quán tịnh, cho nên ngụy tạo ra cái một tướng tịnh (hình tướng của sự tịnh), mà lại còn cho rằng quán tịnh để cầu cái tướng thanh tịnh là công phu của sự tu hành. Cái sự hiểu biết cùng đường lối tu hành như vậy, không những chướng ngại chân như tự tính, mà đồng thời lại bị cái tướng tịnh trói buộc.

Các vị thiện tri thức! Kẻ tu thiền ngồi yên bất động, phải làm thế nào mới là đúng cách? Trước hết, bất động có nghĩa gì? Bất động, không có nghĩa là thân thể ngồi yên không lay động, mà có nghĩa là tự tính xưa nay vốn không lay động. Khi nhìn thấy kẻ khác, không thấy sự đúng sai, mà cũng không chê khen sự thiện ác, được mất ..., của họ. Làm sao cho tất cả những sự vật ở ngoài không vướng mắc vào tâm mình, cũng giống như ánh trăng trên mặt sóng, mặt trăng là mặt trăng mà sóng là sóng. Ðây mới gọi là tự tính của mình như như bất động. Còn kẻ ngu si, tuy có thể giữ cho thân thể họ ngồi cứng đơ không động, thế nhưng mỗi khi mở miệng lại bắt đầu bàn chuyện thị phi của người khác. Tu hành như thế hoàn toàn đi ngược với chánh đạo, giống như phần trên tôi đã nói về quán tịnh, cả hai đều đi ngược với chánh đạo.

Lục tổ lại nói:
- Các vị thiện tri thức! Tọa thiền có nghĩa là gì? Học tập pháp môn này, phải làm sao cho tất cả đều tự tại không ngại. Ðối với ngoại cảnh, không luận là thiện ác, đẹp xấu, dều không khởi tâm động niệm, một mực điềm tĩnh an hòa, đây gọi là tọa. Trong tâm, làm sao thấy được tự tính xưa nay vốn không động, đây gọi là thiền. Còn thế nào gọi là thiền định? Ðối với ngoại cảnh, không chấp trước vào tất cả hình tướng, đây gọi là thiền, trong tâm không khởi vọng tưởng, tạp niệm, đây gọi là định. Nếu như với đối ngoại cảnh mà còn chấp trước, thì trong tâm chắc chắn sẽ không có định. Chỉ khi nào đối với ngoại cảnh không còn chấp trước, thì trong tâm mới không còn bị động loạn. Tự tính của chúng ta xưa nay vốn thanh tịnh không nhiễm, tự nó có thể sinh ra định; chỉ nhân vì khi nhìn thấy ngoại cảnh, tâm liền so đo nghĩ ngợi, bởi thế mới bị cảnh làm loạn. Nếu như, khi thấy ngoại cảnh mà có thể giữ cho tâm mình không loạn, thì đây mới thực là chân định. Cho nên mới nói: "Ðối ngoại, không chấp tướng gọi là thiền; đối nội, tâm không loạn gọi là định". Ngoài có thiền, trong có định, đây mới là thiền định chân chính. Kinh Bồ Tát Giới nói: "Bổn tính của chúng ta xưa nay thanh tịnh". Chỉ cần các vị, trong bất cứ lúc nào, đều có thể thấy được bản tính vốn thanh tịnh của mình, sau đó siêng năng tu tập, thực hành, tự nhiên sẽ có thể thành Phật đạo!

---*---

Một hôm, Lục tổ thấy một số đông Phật tử từ các nơi tụ tập về, thỉnh cầu được nghe thuyết pháp, ngài bèn lên tòa khai thị cho đại chúng:
- Các vị thiện tri thức! Sự kiện quan trọng nhất của sự tu hành Phật pháp là phải bắt đầu từ cái tự tính giác ngộ của mình. Không luận lúc nào, niệm niệm đều phải giữ gìn chính niệm, không được sinh khởi tà niệm, như vậy mới có thể làm tâm mình thanh tịnh. Cái pháp môn này, phải tự mình tu, tự mình hành, không kẻ nào khác có thể thế cho mình được. Nếu như các vị không biết cách nào độ thoát chính mình, không thấy được tự tính pháp thân của mình, không thấy được Ðức Phật trong tâm của mình, như thế thật uổng phí công lao của các vị đã từ xa đến đây nghe tôi nói pháp. Hôm nay, các vị có thể từ những nơi xa xăm đến đây, cùng tham dự buổi thuyết pháp này, tức là các vị đã có duyên lành. Bây giờ mời tất cả đều quì xuống, trước hết tôi sẽ truyền cho các vị "tự tính ngũ phần pháp thân hương", kế đó sẽ truyền cho các vị "vô tướng sám hối".
 

(còn tiếp)

Về Menu

truyện lục tổ huệ năng (phần 3) truyen luc to hue nang phan 3 tin tuc phat giao hoc phat phat phap thien phat giao

Ẩm bat dau tu noi dau Tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Minh giới trước ï¾ hÓi Bí quyết chọn hoa quả tươi ngon Viết Tiểu sử Hòa thượng Thích Từ Vân 1866 Chữ tình là chữ khởi đầu Chữ tình là chữ khởi đầu Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Bích hoã æ ï¾ï½½ Trẻ tự kỷ dễ mắc các bệnh đường đời người như một bộ phim già xÃÆ chuông CẠthừa Thái sư Lê Văn Thịnh có hóa hổ giết o dau co ta o do co dau kho Thái Bình Kỷ niệm hóa nhật cố Giảm béo bụng bằng trái cây thì hoc song voi nhung nghich duyen bat trac Ngủ nhiều ngồi nhiều gây hại Đau do lở miệng triệu chứng và điều Góp thêm những tư liệu về Chủ tịch Thái độ tích cực giúp chúng ta sống viễn Sóc Trăng Hòa thượng Dương Dal viên Cái Vì sao người lớn cũng nên tô màu khau ngay ve thien phat giao đa Bụt Di Lặc trong tôi Chợ trưa với Mẹ Ð Ð³Ñ Ngày ăn chay Việt Nam Tại sao không dục Leo vách núi và thái cực quyền giúp dao duc trong nep song nguoi phat tu Công dụng chữa bệnh của dưa leo æ Sà Ăn nhiều thịt làm tăng nguy cơ mắc tâm bố thí của cho không bằng cách cho Món chay mùa Phật Đản Nắng Các món chay ngày Tết Trái việt quất giúp giảm nguy cơ