Tứ diệu đế là giáo lý căn bản của đạo Phật Có thể nói tất cả mọi nguồn giáo lý của đạo Phật đều được dựng lập trên giáo lý tứ diệu đế Đại thừa và tiểu thừa cũng đều triển khai tinh thần này
Tứ diệu đế giáo lý căn bản của đạo Phật

Tứ diệu đế là giáo lý căn bản của đạo Phật. Có thể nói tất cả mọi nguồn giáo lý của đạo Phật đều được dựng lập trên giáo lý tứ diệu đế. Đại thừa và tiểu thừa cũng đều triển khai tinh thần này.
A. Dẫn nhập

Sau khi thành đạo, tại vườn Lộc giả uyển xứ Ba la nại tư, lần đầu tiên chuyển pháp luân, đức Phật đã vì năm anh em Kiều trần như thuyết pháp môn Tứ diệu đế. Pháp môn Tứ diệu đế có thể nói là pháp môn căn bản của Phật giáo. Trong kinh Rohitassa đức Phật dạy: “Trong chính xác thân dài một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng, Như lai tuyên bố, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian”.

Tứ diệu đế là gì? Tứ là bốn, diệu là hay, đẹp, quý báu; Đế là sự thật, chắc chắn rõ ràng, đúng đắn nhất. Tứ diệu đế là bốn sự thật chắc chắn, quý báu nhất, không có một giáo lý ngoại đạo nào có thể sánh kịp. Với bốn sự thật này, người tu hành có thể từ địa vị phàm phu tối tăm, mê mờ, đạt đến quả vị giải thoát một cách chắc thật. Do bởi công dụng mầu nhiệm này nên gọi là diệu. Chữ đế còn có nghĩa là sự thật lớn nhất, muôn đời bất di bất dịch, không hạn cuộc trong không gian và thời gian.

Tứ diệu đế bao gồm khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Chúng ta thử tìm hiểu sơ lược nội dung Tứ diệu đế, qua đó để ứng dụng vào đời sống tu hành của cá nhân mình.

B. Nội dung

I. Khổ đế.

1. Định nghĩa.

Khổ đế tiếng phạn là Dukkha. Dukkha có nghĩa là khó chịu đựng, khó kham nhẫn, là đau khổ. Trung hoa dịch là khổ, nghĩa rộng là những cái gì làm cho mình khó chịu, đau đớn…

Khổ đế là sự thật đúng đắng vững chắc cao hơn cả về sự khổ ở thế gian. Sự thật này rõ ràng minh bạch, không ai có thể tránh khỏi và chối cãi được.

2. Hành tướng của khổ đế.

Nỗi khổ đau trong cuộc đời này là vô cùng vô tận, nhưng không ra ngoài ba khổ hay tám  khổ.

a. Ba loại khổ.

- Khổ khổ: thân con người sanh ra vốn đã khổ, thế mà lại chồng lên bao nỗi khổ khác như nóng, lạnh, đói, khát, bao nỗi đau ê chề không bao giờ dứt.

- Hoại khổ: tất cả các pháp hữu vi đều tuân theo quy luật sanh, thành, hoại, diệt, không có một pháp nào tồn tại mãi mãi, luôn bị biến đổi theo không gian hay thời gian.

- Hành khổ: tất cả các pháp luôn biến động không dừng yên, làm cho chúng ta đau khổ bởi ý niệm các pháp là vĩnh viễn tồn tại.

b. Bát khổ.

- Sanh khổ: con người từ khi thác thai ở trong bụng mẹ cho đến khi sanh ra và lớn lên là một chu kỳ khổ đau bất tận. Ở bào thai khổ vì bị cảnh ngục tù ngục thai bào, biết bao sự nóng lạnh đói khát, sự nhơ bẩn. Đến khi sanh ra thai nhi phải chen qua chỗ chật hẹp như bị đá ép bốn bề. Đến khi lớn lên phải tìm kế sanh nhai xiết bao nỗi cay đắng nhọc nhằn.

- Lão khổ: tuổi già tất khí huyết hao mòn, bên trong lục phủ ngũ tạng càng mỏi mệt, mọi hoạt động đều yếu ớt, bên ngoài các giác quan lần hư hoại, xác thân ngày một rã rời.

Đó mới nỗi khổ thân xác, còn tinh thần sanh ra lẫn lộn nhớ trước quên sau, mọi người khinh chê hắt hủi. Người xưa nói: “Đa thọ đa nhục” quả không sai chút nào.

- Bịnh khổ: làm người ai mà không có bịnh, chúng ta thử nghiệm chỉ một chút bịnh nhỏ như đau đầu, đau răng nỗi khổ đã lớn, thế mà có người bị những chứng bịnh kinh niên, như ung thư, bao tử, tiểu đường... nỗi đau lại càng bất tận.

- Chết là khổ: cuộc đời mấy ai không sợ chết, chết là một nỗi khổ lớn nhất của đời người. Con người sợ chết đến nỗi trong hoàn cảnh sống thừa, thế mà nghe nói cái chết không ai dám nghĩ. Lại trong quá trình thần thức rời khỏi thể xác là cả một sự đau đớn vô ngần.

- Ái biệt ly khổ: trong tình yêu thương vợ chồng con cái đang mặn nồng, thế mà bị chia ly mỗi người mỗi ngã, thử hỏi có nỗi khổ nào bằng. Sự chia ly có hai loại là sanh ly và tử biệt.

- Cầu bất đắc khổ: ở đời con người ai cũng nuôi đầy hy vọng mong cầu, hoặc cầu cho mình được giàu sang, danh vọng lẫy lừng… nhưng thử hỏi mấy ai được toại ý nguyện. Đã không đạt hành ý nguyện thì nỗi khổ đau càng lớn.

- Oán tắng hội khổ: ở trong cảnh thương yêu không ai muốn chia ly, trong cảnh hờn ghét lại không muốn gặp gỡ, nhưng khốn nỗi khi oán thù không muốn chung đụng lại thường gặp gỡ, mỗi khi gặp nhau thì sôi gan tím ruột, thế gian có câu: “thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt”.

- Ngũ ấm xí thạnh khổ: thân tứ đại của con người là do năm ấm hợp lại thành, gồm sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm. Do bởi sự xung khắc của năm uẩn khiến con người phải chịu sự chi phối của vô thường, khổ, không và vô ngã.

3. Đức Phật nêu lên những nỗi khổ để làm gì.

Như chúng ta biết đạo Phật là đạo như thật, là đạo lấy trí tuệ làm căn bản, đức Phật nhận thấy bản chất của cuộc đời là khổ đau, nhuốn đầy mầu bất tịnh, vì thế Ngài nói lên sự thật này cho mọi người thấy được. Có chấp nhận sự thật dù là điều không ai muốn, chúng ta mới có thể giải quyết được nỗi khổ đeo đẳng đời người. Tóm thâu, đức Phật nói sự khổ không ngoài những mục đích sau.

- Gặp cảnh khổ không khủng khiếp: con người ai cũng muốn mình hạnh phục, không có khổ, tuy nhiên dầu không muốn nỗi khổ đau vẫn luôn song hành với đời người. Vì vậy khi biết được bản chất cuộc đời là khổ, chúng ta gặp phải những cảnh trái ý nghịch lòng vẫn không sanh tâm hốt hoảng và lo âu.

- Không tham cầu sẽ không bị ngoại cảnh chi phối: biết được càng ham muốn lại càng nhiều khổ đâu, chúng ta sẽ tiết chế lại sự ham muốn. Đạo Phật luôn đề cao tinh thần thiểu dục tri túc, chỉ có phương thức giảm bớt lòng ham muốn con người mới có thể vơi đi được những niềm đau nỗi khổ của cuộc đời.

- Gắng sức tu hành để thoát khổ: khi biết được tham muốn là cội gốc khổ đau chúng ta sẽ phát tâm tu hành để mong cầu thoát khổ. Hạnh phúc chỉ tồn tại nơi tâm hồn tràn ngập sự thanh tịnh và mở rộng tình thương đối với vạn loại chúng sanh. Nói cách khác, ý niệm khổ đau càng nung nấu là tiền đề căn bản cho sự tinh tấn tu hành.

II. Tập đế.

1. Định nghĩa.

Tập là chứa nhóm, dồn thêm một ngày một nhiều hơn. Đế là sự thật vững chắc, đúng đắn hơn cả. Tập đế là sự thật đúng đắn, vững chắc về nguyên nhân của những nỗi khổ đã chứa nhóm, tích trữ lâu đời, lâu kiếp trong mỗi chúng sanh. Đó là sự thật về cội gốc sanh tử luân hồi của bể khổ trần gian.

2. Nguyên nhân khổ đau.

Nguyên nhân gây thành khổ đau theo đạo Phật không ngoài các món phiền não. Phiền não của con người thì vô lượng vô biên, đạo Phật  gọi là tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não, nhưng tóm thâu không ngoài mười loại  sau.

- Tham: nghĩa là tham lam. Tánh tham làm cho con người phải theo dõi và tìm kiếm, cũng như nghĩ mọi cách để chiếm đoạt những gì mà bản thân ưa thích. Lòng tham con người không ngoài việc tài, sắc, danh, thực và thùy. Trừ những vị tu hành có sức định cao, phần nhiều con người không ai thoát ra sự chi phối của năm món dục này.

- Sân: sân là lòng nóng giận. Con người khi gặp cảnh thuận thì sanh tâm tham đắm, nhưng khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng lại sanh tâm sân hận. Mỗi khi lòng sân nổi lên, sắc diện biến đổi không làm chủ được lý trí của mình. Trong kinh Hoa nghiêm dạy: “Một niệm sân nổi lên, sẽ đóng chặt tất cả cửa thiện pháp”, qua đó chúng ta thấy được tác hại to lớn của tâm sân hận.

- Si: si nghĩa là si mê mờ ám. Khi lòng si khởi con người sẽ mất hết lý trí, không sáng suốt để nhận chân và giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Si cũng giống như một bức màn đen tối phủ kín, làm cho con người không thấy được sự vật bên ngoài.

- Mạn: mạn là ngã mạn, tức tự nâng cao mình và hạ thấp ngươi khác, tự thấy mình quan trọng và khinh rẽ người. Lòng ngã mạn khiến con người không chấp nhận cái đúng của người, lúc nào cũng thấy mình giỏi hơn, đó là nguyên nhân làm cho con người ngày càng bế tắt trên con đường phát triển đạo đức và tri thức.

- Nghi: nghi tức là nghi ngờ, không có lòng tin. Người này đối với những lời dạy về chân lý sự thật, họ không tin tưởng luôn hoài nghi. Đại để lòng nghi có ba phương diện.

Nghi mình: nghi bản thân, như nghĩ không biết mình tu hành như thế có đạt được sự giải thoát hay không. Nghi pháp, nghi pháp môn đang tu có đúng với lời Phật dạy không. Nghi thầy, nghi vị thầy hướng dẫn mình tu hành, có thực chứng được pháp môn đang hướng dẫn cho mình không.

- Thân kiến: là chấp thân tứ đại ngũ uẩn giả hợp này là của ta, từ đó kéo theo bao mối chấp khác, cái này là ta, là của ta… Do chấp ngã mà bao mối ích kỹ hẹp hòi trong đời sống con người phát sanh. Người tu cần thấy được sắc thân này là giả hợp, là vô thường, mới thăng tiến trên con đường giải thoát.

- Biên kiến: nghĩa là chấp một bên, nghiên về một phía, có thành kiến cực đoan. Biên kiến có hai lối chấp sai lầm lớn: Đoạn kiến, chấp rằng con người sau khi chết là hết, không có đời sau. Thường kiến, chấp sau khi chết rồi cái ta vẫn tồn tại, người chết sẽ tái sanh làm người, con vật chết lại sanh làm vật.

- Kiến thủ: chấp chặt sự hiểu biết sai lầm của mình, trên hai phương diện.

Kiến thủ vì không ý thức được sai lầm của mình: bản thân sai lầm nhưng không nhận lỗi, chắp chặt cho mình là đúng không nghe lời khuyên của người khác. Kiến thủ vì cứng đầu: biết mình sai nhưng vì lòng tự ái, không nhận sai để sửa.

- Giới cấm thủ: làm theo những giới điều sai lầm của ngoại đạo. Như khi Phật còn tại thế, có tôn giáo chủ trương muốn giải thoát phải tu khổ hạnh, hoặc có phái chủ trương sống buông thả sẽ đạt được giải thoát, đây đều là những giới điều sai trái.

- Tà kiến: chấp theo lối tà, không chân chánh, hoàn toàn trái với sự thật, trái với luật nhân quả. Nói cách khác, tà kiến là mê tín dị đoan, như tin theo các đạo nhảy vọt, đạo thờ lửa, hoặc tin các việc xin xăm, bói quẻ...

III. Diệt đế

1. Định nghĩa.

Diệt là tiêu diệt, trừ diệt. Diệt ở đây là diệt dục vọng mê mờ, phiền não. Đế là lý lẽ chắc thật, đúng đắn do trí tuệ sáng suốt soi thấu mà thuyết minh. Diệt đế là sự thật đúng đắn, đức Phật đã thuyết minh về hoàn cảnh tốt đẹp mà mọi người đều có thể đạt được, sau khi đã diệt trừ hết thảy phiền não, mê mờ . Bởi phiền não, mê mờ là nguyên nhân của khổ đau.

2. Các tầng bậc tu chứng.

Hành giả nếu tu qua bốn món gia hạnh là Noãn vị, Đảnh vị, Nhẫn vị và Thế đệ nhất vị, tức phá được cái lầm về tri kiến hay kiến hoặc, chứng được Tu đà hoàn, quả vị đầu tiên trong bốn thánh quả,

- Tu đà hoàn: dịch là dự lưu. Ở quả vị này ý thức đã sáng suốt, không còn bị mê lầm, song đệ thất thức vẫn còn chấp ngã, nên phải trở lại cõi dục, nhiều nhất là bảy lần sanh tử, mới sạch phiền não kiết sử thâm kín trong tâm thức, mà chứng quả A la hán,

- Tư đà hàm: dịch là nhất lai, nghĩa là còn một lần sanh lại cõi dục tu hành và dứt cho sạch phần mê lầm dục giới, mới tiến đến chứng quả A la hán. Sau khi chứng thánh quả đầu tiên, phải tu nữa để đoạn trừ tư hoặc mới chứng được quả này. Tuy nhiên, ở cõi dục có chín phẩm tư hoặc, nhưng quả vị này chỉ đoạn được sáu phẩm, còn ba phẩm chưa đoạn, vì thế phải trở lại một lần nữa để đoạn trừ cho hết, mới chứng quả A la hán.

- A na hàm: dịch bất lai (không còn trở lại cõi dục), đến địa vị A na hàm những mê lầm không còn, nên không bị tái sanh, trừ trường hợp phát nguyện trở lại để hóa độ chúng sanh. Vị này ở cõi trời tịnh cư thuộc sắc giới, cũng còn gọi là ngũ bất hòan thiên. Tuy vậy họ vẫn còn mang trong mình những vi tế câu sanh của hai cõi sắc và vô sắc, phải tu luyện để sạch hết vi tế hoặc mới chứng quả A la hán.

- A la hán: là quả vị cao nhất trong Thanh văn thừa, dịch ba nghĩa.

Ứng cúng: vị này có phước đức, có trí tuệ hơn cả, đáng làm phước điền cho chúng sanh ứng cúng.

Phá ác: vị này đã phá tan những phiền não tội ác, không còn bị chúng sai sử nữa.

Vô sanh: vị này không còn bị xoay chuyển trong vòng sanh tử luân hồi, vì đã phá sạch hết mọi phiền não.

3. Diệt đế là Niết bàn.

Diệt đế là cảnh giới hoàn toàn đoạn tận khổ đau, đây là tên khác của niết bàn. Vậy niết bàn là gì?

Niết bàn hay còn gọi nê hoàn. Niết bàn có nhiều nghĩa như sau:

Niết ra khỏi, bàn là rừng mê, niết bàn có nghĩa ra khỏi rừng mê.

Niết là chẳng, bàn là dệt. Nghĩa là còn phiền não là còn dệt ra sanh tử, hết phiền não thì không còn dệt sanh tử. Vậy Niết bàn là không dệt ra sanh tử luân hồi.

Theo định nghĩa trên thì bốn quả vị thánh Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán đều goi là Niết bàn. Song vì tính chất đã hoàn toàn giải thoát hay chưa hoàn toàn giải thoát của mỗi quả vị mà phân thành hai loại.

a. Niết bàn của thanh văn.

- Hữu dư y niết bàn: (Niết bàn chưa hoàn toàn).

Từ quả vị thứ nhất đến quả vị thứ ba, tuy đã đoạn trừ tập nhân phiền não, nhưng chưa diệt sạch, tuy đã vắng lặng nhưng chưa viên mãn. Sự an vui chưa hòan toàn, vì phiền não và báo thân còn sót lại, nên gọi Niết bàn hữu dư y. Vì phiền não còn sót lại nên phải chịu quả báo sanh tử trong năm bảy đời, song ngã chấp đã phục, nên ở trong sanh tử mà vẫn được tự tại, không bị ràng buột như chúng sanh.

- Vô dư  y niết bàn: (Niết bàn hoàn toàn).

Đến quả vị A la hán đã đoạn hết phiền não, diệt hết câu sanh ngã chấp, nên hoàn toàn giải thoát cả khổ nhân lẫn khổ quả. Sự sanh tử không còn buột ràng, nên gọi là Hữu dư y niết bàn. Đây là quả vị cao nhất hàng Thanh văn. Đến đây ngọn lửa dục vọng đã tắt hết, và trí vô ngại hiện ra một cách đầy đủ, không trở lại khởi tâm chấp ngã nữa. Vì thế nên được tự tại giải thoát trong ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

b. Niết bàn của đại thừa.

Niết bàn giữa đại và tiểu thừa có hai loại, nhưng hoàn toàn không sai biệt trên tính chất, chỉ có phạm vi rộng hẹp khác nhau. Bởi tính chất rộng lớn nên Niết bàn Đại thừa được phân thành hai loại.

- Vô trụ xứ niết bàn: niết bàn của các vị Bồ tát, các vị này do đã hiểu rõ “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, pháp tánh bình đẳng như như, không thấy một pháp nào cố định, một vật gì chắc thật, biệt lập chỉ thấy chúng là những hình ảnh giả dối, do đối đãi bởi thức tâm, tạo thành bởi thức tâm. Các vị Bồ tát tu hành chứng tự tánh bình đẳng, đem tâm hòa đồng với sự vật làm việc lợi tha. tuy làm việc lợi tha mà vẫn thường trụ trong chánh niệm, luôn quán các pháp như huyễn, như hóa không có thật, do đây Bồ tát thường ra vào trong sanh tử lấy pháp lục độ giáo hóa chúng sanh, nhưng vẫn không rời niết bàn giải thoát.

- Tánh tịnh niết bàn: là loại niết bàn tự tánh thường vắng lặng mà sáng suốt, thường sáng suốt nhưng vắng lặng, vượt ra ngoài tâm lượng hẹp hòi của phàm phu và trí thức hữu hạn của nhị thừa. Nó thường bộc lộ sáng suốt nơi chư Phật, nhưng vẫn thường sẵn có nơi mỗi chúng sanh. Trong kinh có khi gọi là Phật tánh, chân tâm, Như lai tạng…

Tánh tịnh niết bàn là loại niết  bàn có đủ bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh, vì vậy đây là niết bàn cao nhất của đạo Phật. Người Phật tử trong khi tu hành, đều phát nguyện chứng được niết bàn này.

IV. Đạo đế.

Chân lý cuối cùng trong Tứ diệu đế là đạo đế.

Định nghĩa.

Đạo đế là những phương pháp tu hành đúng đắn, chắc thật để diệt trừ đau khổ. Đó là chân lý chỉ rõ con đường quyết định đi đến cảnh giới niết bàn. Nói một cách khác, đó là những phương pháp tu hành để diệt trừ khổ đau, đạt được sự giải thoát và an lạc. Do tính chất đó mà trong Tứ diệu đế, đạo đế là quan trọng nhất.

Hành tướng của đạo đế.

Đạo đế là những pháp môn tu hành, để đoạn trừ phiền não. Những pháp môn tu này nói rộng, không ra ngoài ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo bao gồm tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo.

Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, phần quan trọng nhất là bát chánh đạo. Có thể nói hẹp ba mươi bảy phẩm trợ đạo là bát chánh đạo. Nơi bài này, chúng tôi xin sơ lược trình bày đạo đế qua nội dung của bát chánh đạo.

Bát chánh đạo là tám con đường ngay thẳng, hay tám phương tiện mầu nhiệm đưa chúng sanh đến đạo quả niết bàn.

Bát chánh đạo bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

- Chánh kiến: còn gọi là chánh tri kiến, là đối với các việc thấy, nghe, hay, biết một cách ngay thẳng, công minh đúng với sự thật khách quan. Người có chánh kiến sẽ phân biệt được cái nào là thật cái nào là giả, không bị những dục vọng che lấp làm sai lạc.

- Chánh tư duy: chánh tư duy là suy nghỉ, xét nghiệm chân lý một cách chân chánh, tư tưởng đúng với lẽ phải. Người có chánh tư duy, thường xét nghỉ thể tánh cao siêu, suy tìm thể tánh nhiệm mầu, biết xét những hành vi lỗi lầm, những ý nghĩ xấu xa để sám hối, biết suy nghĩ về ba môn học vô lậu giới định tuệ.

- Chánh ngữ: chánh ngữ là nói lời chân thật, công bình ngay thẳng và hợp lý. Người có chánh ngữ, không bao giờ nói lời sai sự thật, không thiên vị thấy sao nói vậy. Phàm cái gì đúng lý, hợp lẽ có lợi ích cho mọi người là nói, dù lời nói ra có bị kẻ khác ganh ghét,

- Chánh nghiệp: là hành động việc làm chân chánh, việc làm đúng với lẽ phải, phù hợp với chân lý có lợi ích cho mình và người. Người có chánh ngữ luôn hành động thận trọng, giữ gìn mọi hành động của mình, để khỏi làm làm tổn hại đến người khác.

- Chánh mạng: là sanh sống một cách chân chánh bằng nghề nghiệp lương thiện, trong sạch. Người có chánh mạng sống một đời sống ngay thật, không gian tham, không làm giàu có trên mồ hôi và xương máu của kẻ khác. Người sống chánh mạng là làm những công việc nào, có lợi mình lợi người họ mới làm.

- Chánh tinh tấn: tinh tấn nghĩa là siêng năng, thẳng tiến đến một mục đích đã vạch sẵn. Người sống có chánh tinh tấn trước tiên bao giờ cũng hăng hái sửa mình, cương quyết bài trừ những điều ác, quyết tâm làm những việc lành. Nghĩa là quyết tạo nghiệp vô lậu xuất thế, lấy chánh trí làm mãnh lực, lấy niết bàn làm chỗ quy hướng. Công phu vững chải quyết thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề.

- Chánh niệm: niệm là ghi nhớ, chánh niệm là ghi nhớ những điều hay lẽ phải, những điều làm lợi lạc cho mình và người, những đạo lý chân chánh cao siêu.

Chánh niệm có hai phần. Chánh ức niệm là nhớ đến các điều lỗi lầm, và nghỉ nhớ đến bốn ân sâu nặng. Chánh quán niệm, là dùng tâm từ bi, xét nghỉ đến cuộc đời là khổ não, tật bịnh, để mở rộng lòng thương yêu và giúp đỡ mọi người.

- Chánh định: định nghĩa là tập trung tư tưởng vào một vấn đề, để thấy cho rõ ràng. Chánh định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng, đúng với chân lý có lợi ích cho mình và người.

Người tu theo chánh định, thường tập trung tâm ý để quán sát những việc như quán thân bất tịnh, quán từ bi, quán nhân duyên, quán giới phân biệt, quán hơi thở…

Tóm thâu, nội dung đạo đế không ra ngoài bát chánh đạo. Bát chánh đạo nếu tóm gọn  là ba môn giới định tuệ. Trong bát chánh đạo, chánh kiến, chánh tư duy là tuệ, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là giới, và chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định là định. Như vậy đạo đế chính là triển khai tinh thần giới định tuệ.

Đức Phật chủ trương cuộc cách mạng tâm hồn, giải thoát con người ra khỏi lửa tham dục, ngục oán tù và thác si mê, bằng con đường tam vô lậu học giới định tuệ.

C. Kết luận

Tứ diệu đế là giáo lý căn bản của đạo Phật. Có thể nói tất cả mọi nguồn giáo lý của đạo Phật đều được dựng lập trên giáo lý tứ diệu đế. Đại thừa và tiểu thừa cũng đều triển khai tinh thần này.

Tri khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo là bốn tiến trình căn bản của người tu. Có nhận thức khổ đau và thấy được nguyên nhân của khổ đau chúng ta mới có thể vạch ra cho mình một hướng đi đúng. Có thấy được đâu là đích đến và phương thức để đạt đến đạo quả giải thoát, chúng ta nỗ lực hành trì, vấn đề thành tựu chỉ còn là thời gian.

Tóm thâu, với giáo lý tứ diệu đế đã vạch ra cho mọi người trong xã hội một con đường khai thông mọi bế tắt trên lộ trình xây dựng một xã hội có an lạc và hạnh phúc đúng nghĩa.
 
Bài viết: "Tứ diệu đế giáo lý căn bản của đạo Phật"
Thích Nguyên Liên - Vườn hoa Phật giáo

Về Menu

tứ diệu đế giáo lý căn bản của đạo phật tu dieu de giao ly can ban cua dao phat tin tuc phat giao hoc phat phat phap thien phat giao

thoi không có sự nỗ lực nào mà không Phật giáo ý nghĩa của việc sám hối trong đạo moi lien he giua thay va tro Diễn Tết Đậu hủ chưng tương Hoa quý vườn nhà Thân trung ấm bức thư dạy con lay động cả triệu kha nạo vọng Vu lan nhớ mẹ Một bông hồng cho em tu trong tình yêu Quan điểm của Phật giáo về quyền lòng từ bi và con người béo phá cách chứ không phải phá vỡ ý nghĩa tiền ky tai nan giao thong qua goc nhin nha phat da kich phap mon tinh do dai thua la sai lam トo Xuân trong tôi Ngày ấy và bây giờ Món chay ngon cho ngày cuối tuần khßi Ngày càng có nhiều người bị viêm khớp nhã³m nguyen nhan cua nhung giac mo Vu lan pháºn Cơm gạo lứt trộn nấm Nhọc nhằn hạt thóc mùa lũ cach cung ram thang bay tai nha hop ly va Nghi lễ đời người theo Phật giáo Mông sơn thí thực Trẻ Gương Ha Nô i Đại lễ tưởng niệm tin tuc phat giao tn noi gion co phai la khau nghiep Tảo xoắn có nhiều công dụng tốt cho Chùa làm sống động tinh thần quán thế âm người tu phật là người tìm về nguồn toan hồi nguoi tu phat la nguoi tim ve nguon an lac giai Cẩn 有人願意加日我ㄧ起去 bởi vì đâu mà bất hiếu tự tánh di đà 6