Hơn chục năm trước, khi tôi mang cuốn hồi ký của chị tôi là Nguyễn Thị Thiếu Anh sang tặng người bạn cũ Đồng Khánh năm xưa là chị Cao Xuân Nữ Oanh, tôi đã nghe chị nhắc đến Sư bà Diệu Không đang ở trong chùa Kiều Đàm ngay bên cạnh.

	Từ Quận chúa Hồ Thị Hạnh đến Sư bà Diệu Không

Từ Quận chúa Hồ Thị Hạnh đến Sư bà Diệu Không

Sư bà Thích nữ Diệu Không; Quận chúa Hồ Thị Hạnh.
 

Tôi nghe tiếng bà đã lâu, cứ muốn được diện kiến bà nhưng cứ ngần ngại, mặc dù hai gia đình cũng có thể gọi là chỗ quen biết. Chị Oanh - người ghi chép lại cuốn hồi ký của Sư bà Diệu Không - không chỉ là bạn học với chị tôi mà chị là cháu nội của cụ Cao Xuân Dục, còn Sư bà Diệu Không từng là con dâu của cụ Cao, vị chánh chủ khảo khoa thi Hội năm 1907, kỳ thi mà thân phụ tôi được chấm đậu Hoàng Giáp.

Bác sĩ Hồ Đắc Di - anh ruột Sư bà Diệu Không thì đã quen biết anh Nguyễn Khắc Viện từ lâu do hai người từng du học ở Pháp, lại là đồng nghiệp bác sĩ. Cái cảm giác vừa ước ao được đến gần, vừa e ngại là tình thế con người ta khi đứng trước những nhân vật, những hiện tượng khác thường, đầy sức cuốn hút nhưng cũng lắm bí mật và huyền thoại. Hai tác giả Lê Ngân và Hồ Đắc Hoài (trong cuốn "Đường thiền sen nở" - NXB Lao động và Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2009) cũng đã viết "Hồ Thị Hạnh- Diệu Không- một kỳ nữ Việt Nam trong thế kỷ XX".

Quả là ở Huế - và có lẽ không chỉ riêng với Huế - Sư bà Diệu Không (1905-1997) cùng với bà Đạm Phương và bà Tùng Chi là những nhân vật nổi tiếng do có nhiều đóng góp đặc sắc trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, có ảnh hưởng không nhỏ đến những biến chuyển lịch sử của đất nước ta trong thế kỷ XX.

Từ lâu, giới phật tử ở Huế đã truyền tụng công lao của Sư bà Diệu Không trong việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xây dựng ni viện, cô nhi viện ở nhiều địa phương và Viện Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam (Đại học Vạn Hạnh); bà còn biên dịch nhiều bộ kinh Phật, là một trong những sáng lập viên Nhà in Liên Hoa, Báo Liên Hoa…

Đặc biệt, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bà đã thể hiện bản lĩnh của một "kỳ nữ", đi đầu những hoạt động yêu nước, chống ngoại xâm. Có những chuyện tưởng như là huyền thoại, nhưng nay qua cuốn hồi ký của bà vừa được công bố, thì tất cả đều là sự thật.

Như chuyện lúc Mỹ-Diệm đàn áp Phật giáo (năm 1963), sau khi nhiều vị lãnh đạo Phật giáo ở chùa Từ Đàm (Huế) và chùa Xá Lợi (Sài Gòn) bị bắt giam, bọn lính lùng bắt bà ráo riết nhưng không thấy đâu, mặc dù bà vẫn ở trong chùa Hồng Ân. Bà con bảo nhau là bà được Đức Phật che chở; nay đọc hồi ký thì quả là những ngày đó bà "ngồi trì chú Đại bi ở trước bàn Phật của chùa Hồng Ân".

Và bà đã kể lại: "Một số trong bọn chúng biết mặt tôi, thấy tôi ngồi nhắm mắt, chúng nói với nhau: "Chính bà ấy đó!", nhưng có người khác lại nói: "Anh ngu lắm, bà ấy đâu dám ngồi đó, phải đi tìm khắp các hang, các hố…". Lúc bấy giờ, tôi chỉ còn cách nhờ Phật che chở bằng lối trì chú Mật tôn, mà thật đã năm ngày như vậy, nó vẫn chưa bắt được tôi…".

Cũng trong thời kỳ đấu tranh quyết liệt này, khi những người lãnh đạo Phật giáo buộc phải chọn cách tự thiêu để phát động phong trào đấu tranh chống lại các hành động đàn áp của chính quyền, bà đã tình nguyện được đứng đầu đội cảm tử. Chị ruột của bà là Sư bà Diệu Huệ (tức là bà Ưng Úy) cũng xin được hy sinh và đã cùng bà bay vào Sài Gòn, nhưng rút cuộc, các chư tăng họp tại chùa Ấn Quang đã quyết định để Hòa thượng Thích Quảng Đức lãnh sứ mệnh quan trọng này. Vụ tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức đã gây chấn động dư luận thế giới, là một trong những nguyên nhân khiến chế độ Diệm-Nhu sụp đổ.

Trước đó, chuyện bà cứu Hòa thượng Thích Đôn Hậu thoát khỏi án tử hình của thực dân Pháp cũng thật đặc biệt. Đó là khi bọn Pháp tái chiếm Huế, lùng bắt những người mà chúng cho là theo Việt Minh, trong đó có các Thượng tọa Thích Mật Thể, Thích Đôn Hậu…

Khi biết tin Hòa thượng Thích Đôn Hậu bị mật thám Pháp bắt giam và sắp bị xử tử, bà chẳng nề chi thân "liễu yếu đào tơ", chẳng quản hiểm nguy, xin Hòa thượng Thích Mật Hiển cho đến Sở Mật thám tính cách cứu thầy Đôn Hậu. Thật chẳng khác chi một dũng sĩ vào hang cọp; chỉ khác bà vào đấu lý và nhờ thân thế của mình, một số vị có thế lực ở Huế lúc đó đã giúp bà buộc mật thám Pháp chịu đưa thầy Đôn Hậu sang bệnh viện chữa trị vết thương mà chúng gây ra và rút cuộc đã phải thả Ngài về chùa Thiên Mụ…

Đọc hồi ký của Sư bà Diệu Không, tôi trở lại thăm Ni viện Kiều Đàm cùng căn nhà nhỏ của chị Cao Xuân Nữ Oanh ẩn mình một cách khiêm tốn cạnh chùa bên đường Điện Biên Phủ với một nỗi tiếc nuối vì nhiều lẽ. Sư bà Diệu Không đã viên tịch tròn một giáp rồi, cũng vào một ngày tháng 8 năm Sửu; chị Oanh cũng đã qua đời. Thế là tôi chẳng còn dịp được diện kiến để hỏi chuyện bà; mà hồi ký bà để lại chưa đầy trăm trang.

Một phật tử đã lãnh hai chữ "Diệu Không", từng viết trong bài thơ "Học kinh Lăng Già": "Trở lại mà tu một chữ không" thì đâu cần kể công lao, nhưng là người "làm chứng" gần trọn cả thế kỷ XX đầy biến động của đất nước, lại từng có dịp gần gũi với nhiều nhân vật lịch sử, trong đó có Vua Duy Tân, Bảo Đại, Nam Phương Hoàng hậu, bà Từ Cung… rồi cụ Phan Bội Châu, bà Đạm Phương, Hải Triều và hầu hết các vị cao tăng trong Phật giáo Việt Nam, bà có thể cung cấp cho hậu thế - nhất là những người làm sử sách -  biết bao nhiêu là sự kiện, chi tiết, nhận định… giúp làm sảng tỏ những "khoảng mờ" trong lịch sử, nếu như tập hồi ký được in sớm hơn rồi nghe bà "diễn giải" những điều mà bà chỉ mới viết một cách cô đúc, chủ yếu theo yêu cầu của "một số nhà văn để họ sưu tầm tài liệu" ("Duyên khởi" - Lời mở đầu hồi ký)…

Dù sao bà cũng đã để lại những "tài liệu" thật đáng quý, "… cho chúng ta nhiều điều mách bảo… Có thể tin lời Sư bà để chấn chỉnh hay xử lý lại những tin tức của thời đại ta đang sống (kể cả buổi giao thời đầu thế kỷ XX)…" - như Giáo sư Chương Thâu đã viết trong "Đôi lời trân trọng" sau khi đọc hồi ký của bà. Quả vậy, cuốn sách nhỏ đã mách bảo chúng ta nhớ lại và suy ngẫm nhiều điều. Chỉ riêng cuộc đời bà trong thời thơ ấu và thanh niên - khi bà còn là quận chúa Hồ Thị Hạnh - đã chứa đựng không biết bao nhiêu là sự kiện đặc biệt với những nỗi niềm không dễ lý giải, gợi chúng ta không thôi ngẫm nghĩ về lẽ sống ở đời.

Thời trẻ, Hồ Thị Hạnh được gọi là "quận chúa" vì thân phụ cô là quận công Hồ Đắc Trung (thân mẫu của ông là con nhà thơ-hoàng tử Tùng Thiên Vương Miên Thẩm), đậu cử nhân năm 1884, từng làm Tổng đốc Nam-Ngãi, rồi Thượng thư Bộ Học, Bộ Lễ suốt mấy triều Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại, sung Cơ mật đại thần.

Phải, thật đáng để suy ngẫm khi một tiểu thư sinh ra trong nhung lụa, xuất thân từ dòng dõi "thế gia vọng tộc", lại khước từ cuộc sống êm ấm giàu sang, dấn thân vào những hoạt động xã hội, ủng hộ những người cách mạng, rồi chọn con đường xuất gia tu hành. Mà đâu phải anh em của bà "thất bại" khi theo con đường quan chức; ngược lại, hầu hết họ đều trở nên những người có danh tiếng.

Ông anh cả Hồ Đắc Khải là Thượng thư Bộ Hộ, hai ông anh Hồ Đắc Điềm và Hồ Đắc Di đều sang Pháp du học và trở nên những trí thức nổi tiếng… Ba bà chị thì một người trở thành bà Ưng Úy (thân mẫu nhà bác học Bửu Hội), người nữa là con dâu Thượng thư Lê Trinh; đặc biệt, bà chị Hồ Thị Chỉ đã được Vua Duy Tân "chấm chọn" để trở thành Hoàng hậu, nhưng rồi nhà vua trẻ trước cuộc khởi nghĩa Trần Cao Vân - Thái Phiên một thời gian ngắn đã "đổi ý" để tránh liên lụy cho gia đình cụ Hồ Đắc Trung (do cụ đã bị giặc Pháp nghi ngờ vì trong vụ án "chống thuế" năm 1908, cụ đã tìm cách cứu Trần Cao Vân và Thái Phiên thoát tội chết), nên về sau đã thành Hoàng phi của Vua Khải Định.

Vậy mà "cô út" Hồ Thị Hạnh ngay từ những năm 20 thế kỷ trước, khi bà Đạm Phương lập "Hội Nữ công", đã xông xáo đi Bắc về Nam vận động gây quỹ từ thiện, lại giữ chân thủ quỹ do bà Trần Thị Như Mân và Hải Triều giao phó để che mắt mật thám. Về giai đoạn này, Sư bà Diệu Không đã viết trong hồi ký:

"… Các anh chị mỗi lần cần tiền để mua giấy in ấn tài liệu hoặc công việc khác, tôi đều ứng trước, có khi phải bù đắp. Được sự ủng hộ của cha, tuy có những lần mật thám gọi tra hỏi, tôi đều được cụ tôi bảo lãnh nên vô sự. Có lần bị kiểm soát gắt gao, anh em đem tài liệu mật giao tôi đưa cất giấu ngay trong Bộ Học…".

Khi Phong trào "Xôviết" 1930 bị giặc Pháp đàn áp, chính "cô út" Hồ Thị Hạnh đã xung phong đem tiền cứu giúp các gia đình bị nạn. Để không bị ngờ vực, cô ra Nghệ An với tư cách là người của Hội Cứu tế Lạc Thiện, một tổ chức cũng do cô đích thân mời rất nhiều người quyền cao chức trọng tham gia, theo gợi ý của cụ Hồ Đắc Trung, để dễ bề hoạt động…

Vậy là vô tình, tôi đã "kể công" của Sư bà Diệu Không, một điều chắc là trái ý bà. Tôi nhắc những việc ấy vì cứ muốn tìm mối liên hệ giữa một "thiên kim tiểu thư" của vị đại quan đến "vai" người có công với cách mạng, cả gan giấu tài liệu mật và xông ra thành Vinh hoạt động "cứu tế" thời "Ba Mươi", cho đến Thích Nữ Diệu Không mấy chục năm sau sẵn sàng tự thiêu thay hòa thượng Thích Quảng Đức khi Phật giáo bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp. Có mối quan hệ "nhân quả" nào ở đây?

Có phải "nhân" là những lời hay ý đẹp bà được học từ nhỏ, ví như câu "Kiến thiện như bất cập, kiến bất thiện như thám thanh" (Sách "Luận ngữ" - Có nghĩa là "Thấy điều thiện phải cố làm như không bao giờ kịp; thấy điều bất thiện thì phải sợ hãi như phải thò tay vào nước sôi")? Hay "nhân" là việc bà nội của bà đã bị giặc Pháp giết hại trong ngày "Thất thủ kinh đô" (1885) mà từ lúc chưa đầy 10 tuổi, bà đã nghe thân phụ nhắc đến với nỗi bi phẫn khôn nguôi?... Tôi vô tình "kể công" Sư bà Diệu Không cũng vì nghĩ đến những định kiến đây đó rằng "cái bọn vua quan chỉ toàn một lũ đê hèn bán dân hại nước". Và hóa ra, con gái Huế, cũng không ít người cứng cỏi, dám đương đầu nơi đầu sóng ngọn gió!...

Mà thôi, con người là một tiểu vũ trụ, dễ gì thấu hiểu được hết. Chuyện tình duyên của quận chúa Hồ Thị Hạnh cũng xứng danh hiệu "kỳ nữ". Một tiểu thư tài sắc vẹn toàn như thế, biết bao công tử con nhà gia thế muốn được kết thân - kể cả một "Hoàng tử Cao Miên" khi cô được theo thân phụ sang Cao Miên dự một lễ trọng ở đây; vậy mà rút cuộc, cô đã nhận lời làm "vợ kế" một người con trai của cụ Cao Xuân Dục đang nuôi 6 con nhỏ mồ côi mẹ; hơn nữa, bản thân ông cũng bị bệnh hiểm nghèo, không sống được bao lâu nữa! Vậy nên ngày cưới ai cũng khóc như là một đám tang.

Và bà đã viết bài thơ "Đám cưới" như sau: "Đám cưới hay là một đám tang?/ Cả nhà, lớn, nhỏ, thảy đều than/ Chồng chung, bệnh hoạn tình phai lạt/ Vợ kế, kề vai gánh đoạn tràng/ Kẻ nói là ngu, người nói dại/ Người cho là dở, kẻ cho gan!/ Biết chăng chỉ có người trong cuộc/ Gạy mái thuyền từ phải quyết sang". Đúng 11 tháng sau, khi Hồ Thị Hạnh được làm mẹ thì chồng cô qua đời!...

Ôi! Dễ gì thấu hiểu được quan niệm về hai chữ "hạnh phúc" của tiểu thư họ Hồ?

Tôi lên thăm chùa Hồng Ân trên một vùng đồi xã Thủy Xuân ngoại vi thành Huế trong một ngày nắng đẹp sau cơn bão số 9, cúi mình trước bảo tháp của Sư bà Diệu Không nhân ngày gỗ sư bà sắp tới (22/8 âm lịch). Một bầu không gian trong lành, yên tĩnh, trong gió nhẹ vi vu qua những hàng thông mọc thẳng, tôi chợt "ngộ" ra: một con người có lòng nhân, đã bước lên "thuyền từ" thì cũng là người có gan hy sinh vì đồng loại, vì nghĩa lớn…

Nguyễn Khắc Phê (ANTG)

* Tư liệu trong bài được trích dẫn theo "Đường thiền sen nở" - Hồi ký của Thích nữ Diệu Không)


Về Menu

Từ Quận chúa Hồ Thị Hạnh đến Sư bà Diệu Không

Về chùa Gió thọ nagarjuna ruou thừa Gió moi lien he giua an chay va suc khoe cua nam dieu dao duc nguoi phat tu chan chinh can thuc Anh Buffet rau nhà hàng Việt Chay hút khách quán chiếu tâm Khánh Tứ Ç hà tĩnh phát hiện chuông đồng cổ suy nghi ve the ky moi cua nguoi tu phat BÃo Lạng Không Ngày ăn chay được ưu đãi 50 giá Thiếu vitamin D gây ra nhiều bệnh cau chuyen ve nguoi hung dang sau cuoc chien chong テス thích Bảy loại gia vị và thảo mộc chống ung Ăn nhiều gia vị giúp sống lâu hơn Ăn nhiều gia vị giúp sống lâu hơn tiê Điều tuong niem dai lao ht thich tri tinh Nguy cơ phát triển bệnh ung thư ở テ Những đức hạnh lý tưởng của người thanh đạm với bì cuốn chay giữ sự sống cho người khác là phước Pháp se cung gia tien nen dang le man hay chay Bánh bột lọc Huế cho gia đình ngày hoc cach danh le thien su thich nhat hanh trong bảo quảng ngữ của thiền sư huyền sa tông bodhgaya một ngày Bàn o nhiem moi truong den tu o nhiem tam hon sen lộ giÃ ÃƒÆ Câu Chuyện Dòng Sông và dịch giả Phùng Hóa chất có thể làm giảm chỉ số IQ Cảnh báo nguy cơ tim mạch qua đánh giá Lễ tưởng niệm tuần chung thất cố Vận động thể chất tốt cho tim mạch hoc phat phận Tuổi