NSGN - Trong Phật giáo thời kỳ đầu,mối liên hệ “xã hội” giữa Tăng sĩ và cư sĩ chính yếu thông qua hai vấn đề thenchốt: khất thực xin ăn và thuyết giảng giáo pháp

	Tương quan Tăng sĩ - Cư sĩ và vấn đề thịnh suy của Phật giáo

Tương quan Tăng sĩ - Cư sĩ và vấn đề thịnh suy của Phật giáo

NSGN - Trong Phật giáo thời kỳ đầu, mối liên hệ “xã hội” giữa Tăng sĩ và cư sĩ chính yếu thông qua hai vấn đề then chốt: khất thực xin ăn và thuyết giảng giáo pháp

Người xuất gia Phật giáo ở thời kỳ đầu, trong trào lưu chung của các phong trào Sa-môn thịnh hành vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, thể hiện là một cộng đồng của những người xuất thế, trong ý nghĩa rằng họ đang đi theo con đường giải thoát với điều kiện căn bản đầu tiên là phải thoát khỏi những trói buộc của đời sống gia đình và xã hội.

Gia đình, tài sản và những thứ sở hữu khác nhau, theo cái nhìn của Phật giáo cũng như những phong trào Sa-môn đương thời, là những ràng buộc và không giúp cho hành giả tự tại trong con đường thực hiện đời sống tâm linh. Vì thoát khỏi những thứ này không phải ai cũng có thể làm được, nên khi người nào thực hiện được điều này, họ trở nên cao quý giữa một cộng đồng xã hội đang lao chen để tìm kiếm, giành giật cũng như hưởng thụ những điều nói trên. Do đó, không chỉ riêng Tăng sĩ Phật giáo, mà tất cả những du tăng và ẩn sĩ của các tôn giáo và bộ phái ở Ấn Độ, chưa nói đến vấn đề đã đạt được những sở đắc tâm linh hay những sở chứng gì, nếu sống được trọn vẹn hay một phần nào theo được những tiêu chuẩn đó, sẽ luôn được người dân kính ngưỡng.

Vì không sở hữu và thực hành sự xả bỏ được coi là một phẩm hạnh cao thượng, bên cạnh việc thực hiện những phương pháp tu tập miên mật, cũng như việc dành trọn đời sống cho con đường tâm linh, người tu sĩ nói chung đã trở thành thành phần tối ưu và cao hơn tầng lớp thế tục, ít nhất là về phương diện đạo đức. Và vì vậy họ trở thành những tấm gương sáng cho những người thế tục noi theo và nương tựa.

Vì người tu sĩ đã từ bỏ đời sống gia đình và những ràng buộc xã hội cũng như không được phép lao động để tạo ra của cải vật chất, do đó việc duy trì đời sống vật lý của họ phải nương nhờ vào người tại gia ngang qua việc khất thực. Nhưng trong quan hệ hỗ tương, việc khất thực không chỉ là việc đem lại lợi ích cho một phía, mà cùng lúc đem lại sự lợi ích cho cả hai: người xuất gia nhận phẩm vật để nuôi dưỡng thân mạng, người tại gia nhận lấy những lời khuyên bảo về đạo đức và những phương thức phát triển đời sống tâm linh để nuôi dưỡng đời sống tinh thần. Trong xã hội Ấn cổ đại, việc có mặt của một cộng đồng xuất gia chơn chánh được xem là cần thiết cho việc duy trì sự an bình của xã hội. Ví dụ trong kinh Đại Niết-bàn, Đức Phật nói rằng một trong những yếu tố giúp cho một xứ sở thịnh vượng và yên bình là sự có mặt thường xuyên của những người xuất gia.

Như vậy có thể thấy, trong Phật giáo thời kỳ đầu, mối liên hệ “xã hội” giữa Tăng sĩ và cư sĩ chính yếu thông qua hai vấn đề then chốt: khất thực xin ăn và thuyết giảng giáo pháp. Hẳn nhiên là không phải chỉ thuyết giảng trong lúc khất thực mà cũng thuyết giảng bất cứ lúc nào khi có người cần đến. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, việc khất thực tạo nên mối liên kết theo chiều hướng tích cực chỉ khi người Tăng sĩ có đầy đủ phẩm hạnh để gia cố niềm tin nơi người tín đồ, và tạo được niềm tin nơi những người chưa có niềm tin. Nói cách khác, việc khất thực và thuyết giảng đó phải không làm mất "cảm tình" nơi những người chưa có niềm tin, và không làm lung lay niềm tin nơi những người đã có niềm tin vào Tam bảo.

Tuy nhiên nếu mối liên hệ xã hội giữa Tăng sĩ và cư sĩ chỉ được thiết lập qua việc khất thực không thôi, mà không có thêm những yếu tố khác, thì niềm tin của người tín đồ tại gia vào tôn giáo của họ sẽ dễ bị phai mờ khi người tu sĩ không tạo ra được sự gắn kết qua việc khất thực và thuyết giảng.

Cần phải thừa nhận rằng, so với Kỳ-na giáo, mối liên hệ giữa Tăng sĩ và cư sĩ trong Phật giáo thời kỳ đầu rất lỏng lẻo, và được xem là thiếu tính hữu cơ(1). Tăng đoàn Phật giáo thời kỳ đầu, chỉ bao gồm hai chúng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Từ Sangha được hiểu trong Phật giáo thời kỳ đầu, là chỉ cho cộng đồng những người xuất gia mà không chỉ cho những người tại gia. Điều này khác với Kỳ-na giáo, khi Tăng đoàn (Sangha) của họ là một sự liên kết hữu cơ của hai thành phần xuất gia và tại gia(2).

Trong Phật giáo, một người khi muốn trở thành một người xuất gia, họ phải thực hiện một nghi lễ gia nhập vào Tăng đoàn (Sangha-diksha). Trong khi đó không có một Sangha-diksha cho một người tham gia vào Tăng đoàn nhưng không muốn trở thành một người xuất gia. Nói khác đi, hàng cư sĩ trong Phật giáo thời kỳ đầu chỉ thuộc thành phần “ngoại biên”, nếu thấy hàng Tăng sĩ xứng đáng thì họ cúng dường để tạo phước, còn nếu không thì từ chối cúng dường, mà không quan tâm đến việc hưng thịnh của Phật giáo như thế nào. Đây hẳn là một sự thiếu sót to lớn đã khiến cho giới cư sĩ Phật giáo thiếu trách nhiệm đối với tôn giáo của họ. Khi một người tham gia vào tôn giáo nhưng lại không có những điều tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa họ với tôn giáo họ theo, người ta dễ dàng từ bỏ tôn giáo đó để theo một tôn giáo khác, hoặc thậm chí cùng một lúc theo hai tôn giáo khác nhau. Điều này hiện vẫn đang xảy ra đối với Phật tử tại gia ở Ấn và ở cả một số nước khác. Lễ thọ Tam quy Ngũ giới (tại  một số nước) về sau là một sự bổ sung cho sự thiếu vắng vấn đề quan trọng này, nhưng nói chung nghi lễ thọ Tam quy vẫn chưa đủ mạnh để “giữ chân” các tín đồ.

Tầng lớp tu sĩ, vì nắm giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tôn giáo, vì thế cũng đóng vai trò chính về sự thịnh suy của tôn giáo mà họ đang thực hành; và điều này được thể hiện rõ nét trong lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ cũng như Phật giáo ở những nước khác. Những thời kỳ thịnh trị của Phật giáo Ấn Độ và ở những xứ sở khác, thường được phác vẽ như là thời kỳ xuất hiện nhiều vị thánh tăng, hay có người xuất gia tu tập đông đảo; hoặc đôi khi là thời có nhiều chùa tháp được xây dựng và cộng đồng Tăng-già được hàng vua chúa ủng hộ. Hẳn nhiên là đôi khi chúng ta thấy người cư sĩ đã giữ vai trò quan trọng trong việc làm hưng thịnh Phật giáo, nhưng những người cư sĩ đó phần lớn là những vị vua chúa hỗ trợ cho Tăng đoàn những điều kiện vật chất để họ phát triển việc truyền đạo hay xây dựng cơ sở tôn giáo. Chúng ta thấy rằng, những thời Phật giáo được vua chúa ủng hộ, thì việc ủng hộ của họ chính yếu là hỗ trợ đời sống Tăng sĩ và xây dựng chùa chiền, mà ít khi chú ý đến việc phát triển một cộng đồng Phật tử tại gia đông về số lượng và tốt về phẩm chất. Phải chăng người ta nghĩ, khi có được một cộng đồng Tăng lữ đông đảo, chùa chiền mọc lên khắp nơi, thì Phật giáo cũng theo đó được hưng thịnh?

Như đã nói ở trên, vì mối liên hệ giữa Tăng sĩ và cư sĩ trong Phật giáo thời kỳ đầu được thiết định chủ yếu qua mối liên hệ giữa việc khất thực và thuyết giảng giáo pháp, nên khi mối liên hệ này không được duy trì thì cộng đồng Phật giáo đã bị tách rời. Ví dụ sau thời vua Ashoka, khi cộng đồng Tăng lữ không còn chú trọng vào việc đi khất thực, giới hạn đời sống ở trong chùa viện(3), đã dẫn đến một sự phân rẽ sâu sắc giữa hai chúng xuất gia và tại gia, điều được tin là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa(4).

Lại nữa, một trong các nguyên nhân được cho là góp phần đưa đến sự suy tàn Phật giáo ở Ấn Độ là việc các Tăng sĩ đã không làm sanh khởi được niềm tin nơi người chưa có niềm tin, và làm lung lay niềm tin hoặc làm mất luôn niềm tin nơi những người đã có niềm tin. Như chúng tôi vừa nói, bởi vì các Tăng sĩ giữ vai trò chính yếu trong cộng đồng Phật giáo, và người cư sĩ chỉ giữ vai trò thứ yếu, nên khi cộng đồng xuất gia có những biến thái đưa đến sự suy thoái về phẩm hạnh sống, hoặc không làm cho Phật giáo có thể thích ứng được với đời sống, thì Phật giáo liền nhanh chóng bị đánh mất vị trí, trong khi giới cư sĩ giống như những người ngoài cuộc đứng nhìn sự việc.

Chúng ta có thể thấy rằng, người cư sĩ Phật giáo có những tác động nhất định nào đó đến đời sống các Tăng sĩ, chẳng hạn như có thể “kiểm soát” được các Tăng sĩ qua việc chấm dứt sự hỗ trợ cúng dường. Điều này có thể nhìn thấy ở câu chuyện xảy ra tại Kosambi(5). Tuy nhiên, việc “chế tài” của hàng cư sĩ có thể giúp cho đời sống của Tăng sĩ tốt hơn ở một góc độ nào đó, nhưng trong lịch sử, người cư sĩ hầu như đã không đứng riêng độc lập để thực hiện vai trò giữ đạo và truyền đạo, thậm chí đôi khi là giữ đạo và truyền đạo trong phạm vi gia đình. Nói cách khác, người cư sĩ Phật giáo có thể góp phần duy trì Tăng đoàn, nhưng hầu như hiếm khi nhiệt huyết trong việc duy trì và truyền bá Phật pháp. Tất nhiên sẽ có người nói, duy trì Tăng đoàn cũng là duy trì Phật pháp rồi. Nói như vậy cũng đúng, nhưng đó là duy trì qua vai trò của người khác.

Chúng ta thấy ngay những vị vua Ấn Độ có tâm với Phật giáo như Ashoka và Kanishka, vẫn không thể tách rời độc lập để phát triển Phật giáo, mà họ phải phát triển Phật giáo thông qua vai trò của những vị Tăng. Các tông phái triết học hay các bộ phái Phật giáo đều được khởi xướng và thiết lập bởi các Tăng sĩ. Nhưng điều này cũng tất yếu thôi, bởi Tăng sĩ được xem là đại diện cho Đức Phật, thực hành, truyền bá và giữ gìn Phật pháp ở cõi đời này, và cuộc đời của họ dành riêng để thực hiện việc đó. Trong khi người cư sĩ còn phải thực hiện những trách nhiệm gia đình và xã hội khác.

Phật giáo Đại thừa đã thực hiện một sự thay đổi mạnh mẽ khi nâng cao vai trò của người cư sĩ lên thêm một bậc. Và trong một số trường hợp, người cư sĩ đã trở thành những người thuyết giảng và hướng dẫn cho các vị Tăng. Ví dụ như trong kinh Duy Ma Cật, Trưởng giả Duy Ma Cật là một cư sĩ tại gia, nhưng đã thuyết giảng cho những vị xuất gia khác. Bỏ qua vấn đề đúng sai, bản kinh này là sự thể hiện khát vọng muốn đưa Phật giáo ra khỏi đời sống tu viện và nên được thực hiện trong đời sống xã hội hàng ngày, và cũng thể hiện sự khát vọng của một bộ phận nào đó, muốn người cư sĩ giữ vai trò quan yếu hơn trong việc truyền bá và thực hành Phật pháp.

Tuy nhiên, cho dù một vài bản kinh của Phật giáo Đại thừa cố gắng đưa Phật giáo ra khỏi phạm vi tự viện và nêu cao vai trò người cư sĩ trong việc ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hàng ngày và thực hiện vai trò truyền đạo giống như một người xuất gia, thì những gì được phản ánh qua dòng chảy lịch sử, việc thực hiện vai trò truyền đạo của Phật giáo Đại thừa đều thuộc về người xuất gia. Ngay như Ưu-bà-tắc giới kinh, một bản kinh dành cho người cư sĩ, dù nêu cao vai trò người cư sĩ và thậm chí thỉnh thoảng đưa “công hạnh” của người tại gia qua khỏi người xuất gia, sau cùng cũng lại xem việc xuất gia là con đường cao quý nhất và cần nên theo. Hẳn nhiên là trong lịch sử, cũng đã có những vị cư sĩ đã giảng dạy cho giới Tăng lữ, nhưng thường là không nhiều.

Cũng như vai trò của các vị vua trong việc ủng hộ phát triển Phật giáo ở các nước Phật giáo Theravada, điều này cũng lặp lại trong Phật giáo Đại thừa. Tức rằng, một vị cư sĩ khi họ là một vị vua, thông qua đoàn thể Tăng-già hay một vài vị Tăng xuất chúng nào đó, có thể phát triển Phật giáo rất thành công. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này qua một số vị vua sùng mộ Phật giáo ở Trung Quốc, Nhật, Hàn và Việt Nam.

Vào thế kỷ XX và XXI, khi Phật giáo truyền bá sang phương Tây, chúng ta bắt đầu nhìn thấy một hình thái tổ chức Phật giáo mới, đó là những cộng đồng Phật giáo do các cư sĩ điều hành và lãnh đạo. Họ thực hiện đầy đủ các vai trò như một người Tăng sĩ: thực hành các nghi lễ, thuyết giảng và hướng dẫn tu tập. Ở phương Tây, đây là một khuynh hướng tất yếu bởi vì sự thiếu vắng những người xuất gia bản địa, và những Tăng sĩ đến từ các nước Á châu không đủ về số lượng hoặc không đủ khả năng để đảm nhận vai trò lãnh đạo các tổ chức Phật giáo ở những nước Âu-Mỹ. Nhưng khuynh hướng này không chỉ có mặt ở các nước Âu-Mỹ, mà trong tương lai cũng sẽ xuất hiện ở Á châu. Nhưng có một điều chúng ta có thể nhận thấy rằng, những tổ chức và những cộng đồng Phật giáo có tiếng tăm trong thời hiện đại, dù ở Á hay Âu, hầu như đều do các Tăng sĩ khởi xướng và lãnh đạo. Lịch sử Phật giáo về mối liên hệ giữa Tăng sĩ và cư sĩ, xem ra cứ lặp đi lặp lại.

Những tổ chức Phật giáo do cư sĩ lãnh đạo ở Tây phương cũng như châu Á trong đó có Việt Nam, sẽ tồn tại được bao lâu trong một hình thức không cần đến Tăng sĩ, điều đó không thể biết được. Vài chục năm hay cho dù một trăm năm cũng chưa thể được xem là dài trong lịch sử tôn giáo. Nhưng trong trường hợp rằng, nếu trong tương lai khi người xuất gia vắng dần, thì Phật giáo có thể linh động để phát triển theo khuynh hướng này không, hay rồi lặp lại như hầu hết các trường hợp ở trong quá khứ, rằng mỗi khi hàng ngũ xuất gia suy thoái hay vắng mặt, thì Phật giáo cũng theo đó mà suy vong? 

 Chú thích

(1) Xem thêm, E. Lamotte, bản dịch tiếng Anh của S. Webb-Boin, History of Indian Buddhism: From the Origins to the Saka era, Louvain-la-Neuve: University Catholique de Louvain, Institut orientaliste, 1988. tr. 65.

(2) Xem thêm, Dipak Kumar Barua, An Analytical Study of Four Nikayas, Delhi: Munshiram Manoharlal, 2003, tr. 120.

(3) Xem Kajiyama Yūichi, “Prajñāpāramitā and the rise of Mahāyāna”, trong Takeuchi Yoshinori (ed.), Buddhist Spirituality: Indian, Southeast Asian, Tibetan, Early Chinese, Delhi: Motilal Banarsidass, 1995, tr.137.

(4) Liên quan đến sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa, xin xem, Nalinaksha Dutt, Mahāyāna Buddhism; R. Kimura, A Historical Studies of the Terms of Hināyāna and Mahāyāna and the Origin of Mahāyāna Buddhism; Paul Williams (ed.), The Origins and Nature of Mahāyāna Buddhism; Some Mahāyāna Religious Topics; Hirakawa Akira, A History of Indian Buddhism: From Śākyamuni to Early Mahāyāna, trans. by Paul Groner; Paul Williams, Mahāyāna Buddhism: The Doctrinal Foundations…

(5) Sự kiện tranh cãi giữa hai nhóm Tỳ-kheo tại Kosambi xảy vào kỳ an cư thứ chín sau khi Đức Phật giác ngộ. Nguyên nhân của việc tranh cãi vốn không có gì lớn. Một Tỳ-kheo trong khi đi vệ sinh đã không đổ hết nước trong chiếc chậu, mà vốn được quy định cần phải đổ sạch sau khi đi vệ sinh xong. Một Tỳ-kheo khác khi nhìn thấy việc ấy, đã khiển trách vị Tỳ-kheo này. Nhưng vị Tỳ-kheo này không chịu nhận lỗi, bảo rằng mình không hề vi phạm luật định. Chư Tăng họp lại khiển trách vị Tỳ-kheo này và cũng đình chỉ việc tu tập của thầy. Nhưng vị Tỳ-kheo bị cho là phạm lỗi này lại có người ủng hộ, vì thế dẫn đến việc phân chia hai nhóm, tranh cãi đúng sai.

Khi sự việc việc xảy ra, Đức Phật đã cố gắng hòa giải hai nhóm, nhưng nỗ lực của Ngài đã bất thành. Hai nhóm Tỳ-kheo cũng đề nghị Đức Phật đừng can thiệp vào chuyện của họ, để họ tự “giải quyết” lấy sự việc. Nhận thấy nỗ lực hòa giải của mình không có kết quả, Đức Phật đã lặng lẽ bỏ vào rừng, để lại hai nhóm đệ tử say sưa tranh cãi đúng-sai. Ở trong rừng, Đức Phật độc cư thiền định và làm bạn với một chú voi và một chú khỉ, và hai sinh vật này đã “phát tâm” dâng trái cây và mật ong cho Ngài mỗi ngày.

Hai nhóm Tỳ-kheo càng tranh cãi dữ dội, và hậu quả là Tăng đoàn (ở Kosambi) bị chia rẽ sâu sắc và khiến cho giới Phật tử tại gia chán ngán, xa lánh, không còn cúng dường vật phẩm. Phương pháp “chế tài” của các Phật tử tại gia đã có hiệu quả. Không thể nhịn đói để tranh cãi mãi được, hai nhóm Tỳ-kheo bèn tìm đến Đức Phật, lúc này Ngài đang trú tại Savatthi, để xin sám hối.

Hiển Quang


Về Menu

Tương quan Tăng sĩ Cư sĩ và vấn đề thịnh suy của Phật giáo

Ngủ không đủ dễ mắc ung thư thành テ Thưởng thức không gian tĩnh lặng tại Cha mẹ nên làm gì khi trẻ nhút nhát Cha mẹ nên làm gì khi trẻ nhút nhát Em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trổ tài Cha mẹ làm gì để giúp điều trị béo nghiệp mùa phật đản trong ký ức tuổi thơ Chú Mui trò phương pháp tu tập để triệt tiêu sắc 5 tan o thai lan トo пѕѓ buÓn Bánh cúng món ăn mùi nhớ cà ri chay những điều cần biết về bệnh tiểu phản muon Thanh cao dáng núi học Do Tâm Sỏi đỏ giấy bổi vàng kho de giáo Chùa Phổ Đà Đà Nẵng Cải thiện và làm đẹp da bằng dầu Cách chăm sóc da tiếp da tốt cho Phật giáo Sạc quà Có phải cái chết đã nhẹ tựa lông còn moi han cua khong tu tuoi tre va uoc mo Bàn tay là nơi chứa nhiều vi khuẩn áp dụng lời phật dạy trong vấn đề Ăn nhiều thịt là nguyên nhân gây ra ung Củ cải kho tương ăn cơm ngon ca m nhâ n Các loại đậu không phải là thực phẩm Chuyến đi bất ngờ Kỳ 2 Nhân bùa lễ Lễ giỗ lần thứ 996 Quốc sư Vạn Thuốc lá gây suy giảm miễn dịch nghiêm qua trinh hinh thanh dai tang kinh chu han Theo gió Tết về Miên man phố