Tùy bút trẻ:Những ngày cuối năm
Những ngày cuối năm, đường phố Sài Gòn bỗng đông đúc hơn, những cờ, banner và đèn màu lung linh với thật nhiều biểu ngữ cho năm mới: Đón mừng năm mới 2009, chào Xuân Kỷ Sửu… Đứa con gái thấy lòng rộn ràng đến lạ, vì nó sắp được về quê.
Những ngày cuối năm, có cái lạnh se se len vào người, đứa con gái bỗng nhớ miền Trung quê nhà mùa này đang là mùa lạnh, mùa dặm sạ. Chắc mẹ nó đang vùi đôi chân và đôi bàn tay thô ráp xuống bùn non lạnh lẽo. Những năm nó còn ở nhà, năm nào cũng vậy, vào vụ mùa Đông Xuân nó lại thấy mẹ nó gầy rạp đi vì lạnh, vì những lo toan ruộng đồng, sâu bệnh… Mùa lạnh vốn là mùa mà sâu bệnh hoành hành ruộng lúa nhiều nhất. Và đây cũng là mùa có nhiều tất bật lo toan về giỗ, chạp mả, Tết. Nhà nó bao năm nay vẫn vất vả như thế, mẹ nó bao năm nay vẫn phải oằn mình với những món nợ của cuối năm để đầu năm lại… vay nợ mới!
Những ngày cuối năm, đứa con gái nhận được tấm thiệp chúc mừng năm mới của ai đó mà thấy xao lòng. Nó xa quê, vào Sài Gòn ăn học, làm việc chừng cũng 5 năm, nó có những người bạn thật tốt ở đất thị thành mà trước khi đến nó từng nghĩ: “Sài Gòn ai biết nhà nấy, hổng có ai quan tâm đến ai cả”. Thế mà khi nó sống, cảm và gặp những người Sài Gòn nó đã có cái nhìn khác, đã thấy yêu đến lạ những con người rất tình cảm và mang đậm chất phương Nam phóng khoáng này. Đó là nhỏ bạn của nó - nhỏ sống nhiệt tình với tất cả mọi người, rõ ràng trong tình cảm và chân thành với tình yêu. Đó là anh - người mà nó cảm mến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nó yêu anh vì anh là người sống nhân nghĩa, đạo đức và luôn đồng cảm, sẻ chia với nó. Anh làm nó cảm động vì tinh thần tình nguyện của anh dành cho những đứa trẻ nghèo (như em nó ở quê). Nó yêu anh vì đã cùng anh ngược xuôi trong những chuyến tình nguyện đến với những mái ấm, nhà mở và cả những em nhỏ dân tộc ở tuốt Gia Lai, Daklak.
Những ngày cuối năm, dù bận nhưng nó vẫn cố thu xếp thời gian để đi chùa cầu nguyện, không phải cho nó mà là cho những người thân, người thương và cho cả những mảnh đời bất hạnh mà nó nghe, thấy và gặp trên đường đời. Những mảnh đời ấy vẫn ngày ngày ngược xuôi khắp nẻo đường mưu sinh, trong đêm giá lạnh với những xấp vé số dày, những chùm bong bóng, những chiếc xích lô cũ mèm… Tâm sự với họ nó nghe nhói lòng: “Đã mấy chục năm rồi tụi tui ăn Tết ở ngoài đường, gầm cầu hoặc trong nhà trọ tồi tàn ở một góc nhỏ của khu phố toàn những người nhập cư. Nó nhận ra kiếp người vốn khổ, mỗi người một nỗi khổ nhưng rồi cuối cùng cũng phải sống để trả món nợ cuộc đời - món nợ mà có lần nó nghe thầy giảng giải là do nghiệp và từ nhân quả mà sanh ra. Chợt nó mường tượng về cuộc đời nó: chắc nó cũng đã từng tạo nhân xấu nên giờ nó mới phải đối diện nhiều cái khổ như thế. Mà không, nó vẫn còn sướng hơn rất nhiều người - ít nhất là hơn những mảnh đời nghèo khổ, bệnh tật mà nó từng gặp.
Những ngày cuối năm, những suy tư, những triết lý sống ấy cứ ngồn ngộn ùa về trước bao hình ảnh rộn ràng, tươi vui và cả những nỗi khổ… Nó nhận ra để rồi tự nhắc mình: phải sống tốt, phải biết gieo nhân lành!
Và những ngày cuối năm này chắc chắn đứa con gái sẽ lại quảy ba lô đi theo nhóm tình nguyện Ngàn hạc giấy để góp chút “nắng xuân” ấm áp với đồng bào dân tộc Gia Rai trong chương trình “Góp nắng xuân”. Nó hứa và nó sẽ đi, đi để Tết này về quê nó có chuyện mà bi bô kể với mẹ rằng: Con đi và con thấy…
BỐI BỐI
Ngọc Sương (Tuvien.com)