Vì sao vitamin A quan trọng với sức khỏe?
Vitamin A có vai trò quan trọng trong việc phát triển và
phân chia tế bào nên rất quan trọng cho sự hình thành và duy trì sự hoạt động
bình thường của tim, phổi, thận và các cơ quan khác - bác sĩ Sherry Ross,
chuyên gia sức khỏe phụ nữ, Trung tâm Y khoa Providence Saint John’s (Santa
Monica, California).
Cà-rốt là một trong những thực phẩm chứa vitamin A
Vitamin A có mặt trong thực phẩm nào?
Có 2 loại vitamin A, một loại có mặt trong các thực phẩm động vật, loại còn lại có mặt trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây và rau củ - theo Thư viện Y dược Quốc gia Hoa Kỳ (NLM). Beta-carotene là một pro-vitamin A có mặt trong nhiều loại thực vật có màu tươi sáng như: cà-rốt, bí đỏ, quả mơ, khoai lang, bông cải xanh và các các loại rau có lá màu xanh sậm.
Công dụng của vitamin A
Theo NLM, vitamin A có nhiều công dụng. Vitamin A cần thiết cho sự phát triển võng mạc mắt và cho thị lực nói chung, đặc biệt là khả năng nhìn vào ban đêm. Thoái hóa điểm vàng là bệnh phổ biến nhất ở người cao tuổi. Nếu bổ sung đủ các chất chống oxy hóa như vitamin A, kẽm có thể giảm 25% nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác - bác sĩ Ross cho biết.
Vitamin A còn giúp hồi phục và tái tạo da. Vitamin A được tích hợp trong các sản phẩm để trị mụn và các bệnh về da, giúp da hồi phục và phát triển tốt, làm da sáng và trẻ trung. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng vitamin A vì sẽ gây ra kích ứng da, theo bác sĩ David Greuner - giám đốc Hiệp hội Phẫu thuật New York.
Các công dụng khác của vitamin A là hình thành và duy trì
răng, xương, các mô mềm, bạch cầu, hệ miễn dịch và màng nhầy. Beta-carotene hoạt
động như chất chống oxy hóa, hạn chế sự phá hủy tế bào do các gốc tự do.
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khẳng định beta-carotene bổ sung sẽ giúp phòng ngừa ung thư - thông tin từ Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ. Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng beta-carotene tự nhiên hấp thụ qua rau củ quả lại có tác dụng ngăn ngừa ung thư.
Không nên để cơ thể thiếu vitamin A
Thiếu vitamin A là thực tế khá phổ biến ở các quốc gia đang
phát triển. Thiếu vitamin A là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù ở trẻ tại các nước
Đông Nam Á. Trên toàn thế giới, có khoảng 250.000-500.000 trẻ bị mù mỗi năm do
thiếu vitamin A. Một nửa trong số đó tử vong trong vòng 12 tháng vì mất thị lực,
theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các biểu hiện của thiếu vitamin A là thị lực kém vào ban đêm (quáng gà), khô mắt, tiêu chảy và các bất ổn về da.
Hấp thụ bao nhiêu vitamin A là đủ?
Liều dùng vitamin A khác biệt tùy theo giới tính, độ tuổi, và tình trạng sức khỏe sinh sản. Theo khuyến nghị từ Trung tâm Y khoa Bệnh viện Maryland, liều vitamin A cần mỗi ngày cho nam là 900 mcg và cho nữ là 700 mcg.
Liều dùng trên 25.000 IU là không nên vì sẽ gây ra các tác dụng phụ (1 IU tương đương 0,6 mcg beta-carotene), theo NLM và Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ. Nửa cốc khoai lang nướng chứa khoảng 19.218 IU vitamin A và nửa củ cà-rốt cắt khúc chứa khoảng 10.692 IU vitamin A.
Liều dùng quá mức vitamin A có thể gây ra các biểu hiện bất ổn về da, tóc, tiêu hóa (dạ dày, ruột). Theo bác sĩ Kristine Arthur, thuộc Trung tâm Y khoa Orange Coast Memorial thì lạm dụng vitamin A trong thời gian dài sẽ gây ra buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, mất thăng bằng, các vấn đề về gan, đau cơ, hay nhầm lẫn, nguy cơ cao với loãng xương và gãy xương hông.
Trần Trọng Hiếu
(theo Live Science)
Ngọc Sương (Tuvien.com)