Yết ma Từ Cẩn: Một nhà sư yêu nước vị cao Tăng trùng kiến Khánh Sơn tự
Tháp của Ngài Yết Ma Từ Cẩn |
Thầy Yết ma Từ Cẩn, thế danh Nguyễn Văn Thân, sinh năm Mậu Tý (1888) tại làng Tân Long (nay là xã Tân Bình), huyện Cai Lậy, trong một gia đình trọng Nho, sùng Phật. Nhà thầy ở bên cạnh chùa Khánh Quới do Thiền sư Phước Chí người ở làng Hậu Mỹ (Cái Bè) đến khai sơn, nhờ sự cúng dường của bà con trong vùng, trong đó có thân tộc gia đình họ Nguyễn. Ngài Phước Chí là một thiền sư đạo cao đức trọng, có uy tín lớn, nên có nhiều thiện nam tín nữ đến quy y. Riêng thân tộc họ Nguyễn có ba người quy y thế độ: Thầy được pháp danh Nguyên Cần, pháp hiệu Thiện Huệ và hai người cháu là Thiện Tòng (sau này là Hòa thượng Thiện Tòng, chùa Trường Thạnh) và Thiện Phú (tức Yết ma Phổ Phú, chùa Long Phước).
Năm Giáp Thìn (1904), thầy được bổn sư cho thọ Đại giới tại Chúc Thọ giới đàn tại Khánh Quới bổn tự. Giới đàn này có khoảng 50 giới tử, đã cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Chánh Tâm (chùa Kim Cang, Tân An) tái thí Đường đầu Hòa thượng, Hòa thượng Thanh Ấn (chùa Sắc tứ Từ Ân, Chợ Lớn) làm Luật sư. Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải, Chợ Lớn) làm Pháp sư. Bổn sư của thầy là Thiền sư Phước Chí được tôn Yết ma A-xà-lê. Giới đàn 3 ngày vừa xong thì có một trận bão thổi qua (16-3 ÂL năm Giáp Thìn, tức ngày 1-5-1904) nhà cửa ruộng vườn xơ xác. Đến tháng 9 năm đó lại thêm một trận lụt kéo dài ba tháng. Năm sau lại thêm một trận dịch tả tại tỉnh Mỹ Tho. Ba nạn đó có trên 5.000 người chết. Bổn sư của thầy theo đoàn người đói khổ, trôi dạt về Thất Sơn.
Huynh đệ của thầy như đàn gà mất mẹ, tuổi trẻ căn cơ chưa vững. Có một số lớn tuổi hơn theo hầu Hòa thượng Kim Cang. Một số theo Hòa thượng Phi Lai. Còn thầy và hai cháu là Thiện Tòng, Phổ Phú theo học tại chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một), chùa Giác Hải, chùa Long Thạnh và chùa Sắc tứ Từ Ân (Chợ Lớn, Bà Hom).Về sau, do căn duyên đã có Thiện Tòng và Phổ Phú trở thành đệ tử của Hòa thượng Phi Lai (Châu Đốc), còn thầy Từ Cẩn thì cầu Chánh pháp nhãn tạng tại Tổ đình Hội Khánh.
Hòa thượng Ngộ Thanh tức Từ Văn, trụ trì tuy danh nghĩa là đệ tử Hội Khánh, nhưng thực tế là pháp tử của ngài Đạt Lý, tức Huệ Lưu Yết ma (chùa Huê Nghiêm - Thủ Đức). Do đó Hòa Thượng Từ Văn mới ban cho thầy pháp danh Chơn Cần, pháp hiệu Từ Cẩn, đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế. Từ khi gặp ân sư, thầy Thiện Huệ túc trực bên cạnh thầy mình tu học.
Năm 1920, Đại chiến thứ nhất chấm dứt, tại Marseille (Pháp) có tổ chức cuộc triển lãm các nước thuộc địa. Năm này, tỉnh Thủ Dầu Một có cử một phái đoàn gồm các quan chức, các nhà tư sản, đem các sản vật địa phương đấu xảo. Trước đó, tỉnh Thủ Dầu Một phân công cho Hòa thượng Từ Văn làm một ngôi chùa y như thật, đem ráp trong khuôn viên hội chợ. Trong chuyến đi này, Hòa thượng Từ Văn và các đệ tử (trong số có thầy Từ Cẩn) đã tổ chức một trai đàn cầu siêu cho các chiến binh người Việt đã bị chính quyền đô hộ bắt tham gia Đại chiến bỏ mình. Buổi lễ này cũng là hình thức phô trương văn hóa Phật giáo.
Năm 1923, một số nhà Nho yêu nước ở miền Trung bị chính quyền thực dân bắt đày an trí tại Nam Kỳ như cụ Phan Đình Viện, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh); kết hợp với một số nhân sĩ, Hòa thượng Từ Văn và Tăng chúng thành lập Hội Danh Dự yêu nước, mục đích để truyền bá tư tưởng yêu nước. Hội hoạt động đến năm 1926 thì bị chính quyền đương thời phát hiện, giải tán. Một số Tăng chúng phải rời chùa Hội Khánh: Thầy Phổ Phú về Long Phước (Long Khánh - Cai Lậy); Thầy Thiện Tòng về Trường Thạnh (Sài Gòn); Thầy Từ Cẩn về chùa Khánh Sơn.
Lúc thầy Từ Cẩn về chùa Khánh Sơn thì ngôi chùa này nhỏ bé, bằng gỗ, lợp ngói âm dương, nằm cách địa điểm hiện nay non một cây số. Khi thầy về chùa thì có một nhà hảo tâm cúng 4 công đất, và nhờ sự đóng góp của dân làng, ngôi chùa hiện nay được xây dựng mới có 4 nóc, quy mô, vững chắc hơn. Ngôi chùa này khánh thành năm 1928.
Năm 1929 tại chùa Long Phước (Cai Lậy) tổ chức Chúc Thọ giới đàn, có 50 giới tử, cung thỉnh:
- Hòa thượng Từ Văn (tức Hòa thượng Cả - Chùa Hội Khánh chứng minh.
- Ngài Từ Huệ (chùa sắc tứ Long Hoa - Gò Vấp): Đường đầu Hòa thượng.
- Thầy Từ Cẩn (chùa Khánh Sơn - Cai Lậy) Yết ma, Thầy Quảng Ân (chùa Linh Phước - Bà Bèo) Giáo thọ.
Từ đó, trong hàng Tăng chúng ở địa phương Cai Lậy có thêm một vị cao tăng là Yết ma Từ Cẩn, tục gọi là Yết ma Thân.
Khoảng năm 1928, tại làng Mỹ Trang (sau gọi là Nhị Mỹ) đã có một thanh niên yêu nước là anh Phan Văn Kiêu, là học sinh tại Trường Trung học Mỹ Tho tham gia phong trào Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Thỉnh thoảng có anh Phạm Văn Thiện (tức T hủ tướng Phạm Hùng sau này) đến Cai Lậy hướng dẫn chỉ đạo phong trào, thì anh Hai Kiêu đã được thầy Yết ma cho mượn chánh điện làm nơi hội họp và đích thân thầy canh gác bảo vệ. Khi hay tin trong tổ chức có ba thanh niên sắp đi Trung Quốc học lớp chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy, thầy Yết ma gởi tặng 300 đồng, một số tiền rất lớn thời bấy giờ, để làm lộ phí.
Mấy năm sau thì ân sư của thầy viên tịch, Nguyễn Văn Tâm về làm Quận trưởng Cai Lậy. Quận Tâm là người gian xảo ác ôn, căn cứ vào hồ sơ tổ chức theo dõi thầy. Tình hình khó khăn, thầy Từ Cẩn chỉ biết kiên định bằng cách nhập thất tọa thiền. Thỉnh thoảng thầy bị chính quyền mời ra trình diện, nhưng không có bằng cớ để bắt thầy.
Đến tháng 2 năm Canh Thìn (1940), đồng bào nhiều nơi trong tỉnh Mỹ Tho chuẩn bị khởi nghĩa định lật đổ chính quyền thực dân. Tại cánh đồng Mã Vôi (nay thuộc khu 6, thị trấn Cai Lậy) đã tổ chức một buổi họp vận động. Mặc dù đêm ấy trời tối đen như mực, nhưng cũng có một tên phản bội khai báo. Quận Tâm dựa vào lời khai đó theo dõi bắt một số người... và đòi thầy Yết ma Thân lên trình diện (1).
Sau mấy lần trình diện, biết không thể nào thóat, thầy quyết định hy sinh để giữ bí mật. Vào giờ Tý ngày mùng 10 rạng 11 tháng 10 năm Canh Thìn (1940), thầy đã bí mật lập một bàn thờ Phật Di Đà và một đống củi chứa sẵn dầu trước sân chùa. Thầy mặc pháp phục, ung dung ngồi kiết già niệm Phật trên đống củi một thời gian rất lâu, bỗng đống củi bùng phát. Một lúc sau, mấy chú điệu trong chùa biết được nổi ba hồi trống Bát Nhã đưa thầy về Tây phương. Bà con xung quanh chùa kể cả Hương chức hội tề đều tưởng chùa bị cháy, chạy lại tiếp cứu thì nhục thân thầy chỉ còn là một đống than. Thầy Yết ma Từ Cẩn về Tây phương Cực lạc đem theo tất cả bí mật. Quần chúng nhân dân không mấy người biết rõ sự hy sinh của thầy, chỉ trừ một người đó là Nguyễn Văn Tâm, Quận trưởng Cai Lậy (2).
Nguyễn Ngọc Phan
(1) Lịch sử Đảng bộ huyện Cai Lậy tập 1 - Từ năm 1927-1954 (Huyện ủy Cai Lậy xuất bản 1994) (2)Theo tư liệu điền dã của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường.
Ngọc Sương (Tuvien.com)