KINH NGUYỆT ÐĂNG TAM MUỘI

Hán dịch: Cao Tề, Thiên Trúc Tam tạng Na Liên Ðề Da Xá

Việt dịch:  Thích Chánh Lạc

--- o0o --- 

QUYỂN 10/10

Này đồng tử! Cho nên Bồ tát cần phải có đầy đủ sự tu học thân giới.

Sao gọi là Bồ tát đầy đủ thân giới?

–Nếu Bồ tát đầy đủ thân giới thì đối với tất cả pháp được trí vô ngại. Ðó là thân khéo tu hành. Nếu thân khéo tu hành thì đối với tất cả pháp được trí vô ngại cho nên gọi là Bồ tát đầy đủ thân giới.

Lại nữa, này đồng tử! Nếu Bồ tát đầy đủ thân giới, có thể thành tựu ba mươi hai tướng đại nhân, được mười lực, bốn vô sở úy, bốn tí vô ngại, mười tám pháp bất cộng của Như Lai.

Này đồng tử! Ðó gọi là Bồ tát đầy đủ thân giới.

Lại nữa, này đồng tử! Bồ tát đầy đủ thân giới có thể đạt được ba giải thoát môn. Những gì là ba?

–Ðó là Không giải thoát môn, Vô tướng giải thoát môn và Vô nguyện giải thoát môn. Ðó gọi là đầy đủ thân giới.

Lại nữa, này đồng tử! Nếu Bồ tát đầy đủ thân giới có thể được đầy đủ bốn phạm trụ: Những gì là bốn?

–Ðó là niệm Từ đối với tất cả chúng sanh, với tâm Bi, Hủ, và Xả cũng lại như vậy. Ðó gọi là Bồ tát đầy đủ thân giới.

Lại nữa, này đồng tử! Sao gọi là Bồ tát tu thân thiện hạnh?

–Ðó là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám thánh đạo phần. Ðó gọi là Bồ tát đầy đủ thân giới.

Lại nữa, này đồng tử! Nếu Bồ tát đầy đủ thân giới có thể được bốn thiền và bốn chánh thọ, hay trụ vào đại bi, được thiện giác quán, được giác quán tịch tiệt. Ðó gọi là Bồ tát đầy đủ thân giới.

Lại nữa, này đồng tử! Nếu Bồ tát có đầy đủ thân giới thì xa lìa sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói thêu dệt, tham, sân, tà kiến, mười nghiệp bất thiện, xa lìa sự lường cân trao đấu, lời nói điêu ngoa, lừa đảo về y phục. Ðó là nguyên do đưa đến quan lại đâm chém, giết hại, trấn áp cột trói. Những tội tà ngụy, quanh co, hư vọng ấy, cùng đi đôi với lòng tham. Vậy phải xa lìa tất cả nghiệp ác, tự mình phải phòng hộ ngăn cấm, không tham, không thủ, đoạn trừ tất cả. Giống như chặt đứt đầu cây đa la, làm cho đời vị lai không còn khởi sanh lại.

Ðồng tử! Nên biết thực hành pháp ấy là Bồ tát có đầy đủ thân giới.

Này đồng tử! Vào thuở quá khứ, trải qua số kiếp, bất khả tư nghì, rộng lớn vô lượng vô biên, hai lần a tăng kỳ, bấy giờ có đức Phật hiệu là Trí Quang Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Ngài sống đến sáu mươi ức năm. Bấy giờ có một vị vua hiệu là Thắng Tư Duy, cùng với tám vạn ức quyến thuộc đi đến chỗ đức Như Lai Trí Quang, đảnh lễ dưới chân ngài, nhiễu quanh bên hữu ba vòng rồi lui về ngồi một chỗ.

Bấy giờ đức Như Lai Trí Quang liền dùng bài kệ nói về thân luật nghi:

Giống như hư không, không cấu uế

Tự tánh sáng, sạch, hoàn toàn tịnh

Thân giới trong sạch cũng như vậy

Không thể dùng âm thanh diễn thuyết

Âm thanh và Không, không thể biết

Cả hai như vậy, đồng một tướng

Nói về hư không, không tướng mạo

Tướng ấy liền đồng với thân giới

Nếu biết giới ấy chỉ một tướng

Họ liền đầy đủ giới luật nghi

Trí tánh vô sanh, cảnh cũng tịch

Trong chơn vô lậu, hết vọng tưởng

Cũng không tham trước và ái dục

Không khởi khát ái nơi tài sắc

Nếu không thấy được các lỗi lầm

Không bao giờ biết thân giới ấy

Nếu ai biết được giới vô lậu

Họ liền không còn tái sanh nữa

Nên biết pháp La hán như vậy

Không phải ngoại đạo mà biết được

Ðối với ba cõi tâm sợ hãi

Với dục mưu sinh, không tham ái

Không thích ngôi vua và của cải

Họ mới đầy đủ thân giới này.

Nay ta nói nghĩa thân giới ấy

Nghĩa này Thinh giáo không thể nói

Ai biết nó là mẹ các pháp

Người ấy thường hay trụ thân giới.

Bậc trí ưa thích nghĩa gốc này

Vì thích nghĩa này nên ta nói

Xa lìa nghĩa sai là nghĩa đúng

Họ được gọi là trụ thân giới

Trong các Phật pháp nói nghĩa gì?

Làm sao khéo léo biết nghĩa ấy?

Nếu hay biết được nghĩa tương ưng

Ðó mới chính là trụ thân giới

Nếu ai quán sát nơi vô tướng

Tất cả Vô ngã, thảy đều Không

Người ấy không thể nói không giới

Vì họ tu học về thật tế.

Xem tất cả hữu là phi hữu

Người ấy thường trụ nơi phi hữu

Với tất cả hữu, không đắm trước

Người ấy hay chứng định Vô tướng

Nếu ai biết được pháp vô ngã

Tự thể không vô, tánh phi hữu

Không thể gọi người ấy không giới

Vì học chân thật quyết định vậy.

Nếu ai hay biết ngũ ấm không

Các pháp tịch diệt, không thần ngã

Người ấy được gọi bậc trì giới

Thân họ không còn làm nghiệp ác

Người chấp tướng, không có luật nghi

Vì còn ngã tướng, tâm chấp trước

Nếu thủ sắc tướng, người chấp trước

Khởi sanh ái dục không luật nghi.

Nếu thường tu học nơi thật tế

Người ấy rốt ráo chơn diệu pháp

Họ không còn khởi sanh ái dục

Không còn phạm giới đọa đường ác.

Con kiến làm hư không lay động

Rung chuyển núi Tu di kiên cố.

Nếu có ai khéo học thật pháp

Chư thiên diệu sắc không thể động.

Có thể dùng màu vẽ hư không

Bàn tay có thể nắm Thái hư

Tất cả các ma thuộc ái dục.

Không ai có thể làm lay động

Âm thanh nói ra có thể bắt

Ðá chìm dưới nước làm cho nổi

Những người học giới thân như vậy

Không ai biết được tâm niệm họ.

Có bao nhiêu âm thanh tất cả

Thảy đều chứa được trong hộp nhỏ

Nếu ai trụ giới thân như vậy

Không ai biết được chỗ họ ở

Bao nhiêu sấm sét và điện chớp

Ánh sáng trời trăng đều bắt được

Nếu ai an trụ nơi thân giới

Không ai biết tự tánh thân họ.

Bao nhiêu vòng gió ở bốn phương

Giăng lưới, bủa câu bắt lại được

Nếu ai an trụ nơi thân giới

Không ai biết được thân lượng họ

Nếu ai an trụ chế ngự tâm

Chẳng phải cảnh giới các chúng sanh

Ai khéo tu tập nơi thân giới

Giống như hư không không thể nhiễm;

Ðường đi của gió khắp bốn phương

Dấu chim hư không có thể thấy

Thân lượng vị ấy không thể biết

Và tâm sở hành cũng như vậy.

Nếu ai trụ thân giới như vậy

Họ không có các điều tội ác

Xa lìa tất cả các phiền não

Là nhờ học thân giới như vậy

Trụ nơi định tịch diệt thanh tịnh

Không bị dao, lửa làm hại được

Thân họ không thể nắm bắt được

Là nhờ thường tu học thân giới.

An trụ như vậy, không sợ hãi

Tâm không lay động, không ganh ghét

Xa lìa tất cả các hiểm nạn.

Nhờ tu học thân giới như vậy

Không sờ dao lửa và thuốc độc

Cũng không sợ bị nạn nước lửa

Xa lìa tất cả các nguy nạn

Là nhờ có tu học thân giới

Không sợ mưa đá và trộm cướp

Với tất cả những sự độc hại

Nhờ họ lìa tất cả ngã tưởng

Nhờ đã lìa tưởng nên không sợ.

Xa lìa sợ hãi và âu lo

Nhờ không sợ hãi, tâm bất động

Tâm không động chuyển, nên không sợ

Hằng ức chúng ma cũng không sợ,

Nên ở chỗ Bồ tát thân giới

Diễn thuyết, khai triển và hiển thị

Nếu ai tu học thân giới này

Hằng ức ma binh không thể động.

Nếu ai muốn biết pháp chư Phật

Nên biết trong đó không giới hạn

Nếu ai tu học về thân giới

Người ấy hay xây tháp ba cõi

Nếu ai muốn biết Phật pháp này

Bất khả tư nghì chúng tịch diệt

Nếu ai học thân giới như vậy

Công hạnh kiên cố, mau thành Phật

Nếu ai muốn được pháp Ðại tiên

Ðược Phật mười lực bất tư nghì

Nếu ai học thân giới như vậy

Tu tập Phật lực đâu có khó

Mười tám pháp tối thắng bất cộng

Chư Phật Như Lai đã an trụ

Nếu ai tu thân giới này

Họ được pháp ấy đâu có khó.

Nếu ở chỗ báu bảy giác chi

Cùng với thần túc và biện tài

Nếu có ai tu học thân giới

Ðược diệu quả ấy đâu có khó

Ðối với Phạm trụ và Tứ thiền

Cùng với ba thứ môn giải thoát

An trụ giác quán và tịch diệt

Người trụ thân giới, được không khó

Bốn niệm xứ cùng với chánh cần

Năm căn năm lực của Ðại tiên

Cùng với tám Chánh đạo Thánh báu

Người trụ thân giới được không khó.

Bao nhiêu pháp khác của chư Phật

Không thể nghĩ bàn, không hạn lượng

Họ được pháp ấy không khó khăn

Nhờ học được thân giới như vậy.

Ðược nghe thân giới như vậy rồi.

Ðức vua đạt được lợi tối thắng

Hoan hỷ, nhảy nhót và vui sướng

Trong Phật pháp ấy liền xuất gia

Xuất gia trải qua mười ức năm

Tu hành phạm hạnh rất thanh tịnh

Luôn luôn tu hành tứ Phạm trụ

Lợi ích thế gian các trời người

Khéo tu phạm trụ thanh tịnh rồi

Liền được thắng thân giới như vậy

Lại thấy mười phương ức ngàn Phật

Tu hành hạnh Bồ đề như vậy

Xuất gia trong thắng pháp ngài rồi

Tu hành tịnh phạm hạnh tối thắng.

Ðầy đủ đa văn, diệu biện tài

Gọi là Ðại pháp sư thông huệ

Kiên trì cấm giới không sứt mẻ.

Giới thân thanh tịnh, không ô uế

Ðó là Thánh giới, vô lậu giới

Nên biết Thánh giới là thường trụ

Ðồng tử! Xưa ta tu Bồ đề

Bấy giờ hóa làm vua Thắng Tư

Ngươi chớ có nghi là ai khác

Nên biết chính là thân của ta

Ðồng tử! Ngươi nên tùy thuận học

An trụ Thắng thân giới như vậy,

Nên đem tuyên thuyết cho mọi người

Không lâu cũng sẽ được như ta.

Này đồng tử! Cho nên Bồ tát phải tu hành thân nghiệp thanh tịnh. Vì sao vậy? Vì Ðại Bồ tát tu hành tịnh nghiệp, không sợ đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, và cảnh giới của ma, cũng không sợ bị khổ ách nơi năm đường, tám nạn, lại cũng không sợ tai nạn nước, lửa, đao binh, thuốc độc, sư tử, cọp, beo, chồn, cáo, tê giác, voi, gấu, không bị tất c ả ác thú, trùng độc ăn thịt, cũng lại không sợ nạn người và phi nhân làm hại.

Này đồng tử! Ðại Bồ tát tu hành thân hạnh thanh tịnh, nếu muốn dùng tay nâng thế giới ba lần ngàn này lên cao từ một cây đa la cho đến mười cây đa la, tùy theo ý muốn đều làm được cả.

Này đồng tử! Ðại Bồ tát tịnh thân hạnh có thế đạt đến cứu canh, thần thông rốt ráo. Nhờ họ đạt được sức mạnh phước đức thần túc, nên được định, tịch diệt, vô nhiễm tùy thuận, viễn ly, nhiếp thủ. Nhờ có thể nhập vào và nương nơi định này nên được vô lậu, thành tựu được con mắt vô ngại đối với tất cả thế gian.

Sao gọi là thần túc?

–Ðó là tùy theo ý nghĩ có thể tạo ra oai lực tự tại, hiểu rõ không bị ngăn trệ, tùy theo ý muốn đều được thành tựu, nên gọi là Thần túc.

Lại nữa, này đồng tử! Ðại Bồ tát trụ thần túc có thể làm các việc thần biến. Ðó là một có thể biến thành nhiều, nhiều có thể biến thành một, ẩn hay hiện tự tại, có thể đi xuyên qua vách đá núi non, không bị trở ngại, như gió đi trên hư không, ngồi kiết già trên không trung giống như chim bay, đi dưới nước như đi trên đất, ẩn hay hiện trong đất như ở trong nước không khác, thân phát ra khói lửa. Giống như đống lửa lớn, mặt trời mặt trăng có đại oai đức nhưng có thể sờ mó được, muốn làm thân to lớn cho đến trời Phạm thiên thì tự tại vô ngại.

Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Thần thông tự tại dạo mười phương

Ðói với vách đá và núi non

Tùy ý xuyên qua không trở ngại

Giống như chim bay theo chiều gió

Ði trên mặt đất như dưới nước

Ẩn hiện tự tại, không chướng ngại

Ði trên mặt nước không bị chìm

Cũng giống như đi trên đất cứng

Một thân có thể hiện ngàn thân

Nhiều thân vô lượng hiện thành một

Tùy ý hiển hiện đủ màu sắc

Bậc trí vì độ các chúng sanh,

Du hành không trung như chim bay

Thân phun khói lửa như đống lửa

Lại có thể toàn thân lưu xuất

Nước hoa thơm thanh tịnh mát mẻ

Bậc trí ngồi ngay trên mặt đất

Có thể dùng tay sờ trời trăng

Ðến chỗ Phạm thiên trong một niệm

Diễn nói thắng pháp cho Phạm chúng

Ngàn vạn Phạm chúng nghe pháp xong

Thích cầu Vô thượng, được thắng lợi

Lại hay đến các cõi trời khác

Diễn thuyết pháp tối thắng cho họ

Nếu lúc vị ấy muốn thuyết pháp

Liền làm chấn động đại thiên giới

Lại khiến vô lượng ức cõi Phật

Âm thanh vi diệu vang khắp nơi.

Này đồng tử! Cho nên Bồ tát cần phải tu học thân hành thanh tịnh. Vì sao vậy?

–Vì Ðại Bồ tát tu hành thân hành thanh tịnh, với thiên nhĩ thanh tịnh nghe xa hơn người thường, hoặc địa ngục, súc sanh, cõi Diêm ma la, thiên thượng và nhân gian, hoặc gần, hoặc xa đó gọi là Thiên nhĩ thông.

Này đồng tử! Bồ tát lại phải tu học thân hành thanh tịnh. Vì sao vậy?

–Vì đại Bồ tát tu hành thân hành thanh tịnh thường có thể biết được tâm người khác, nếu họ có tâm dục thì như thật biết có tâm dục, nếu họ không có tâm dục thì như thật biết là không có tâm dục, nếu có tâm sân thì như thật biết có tâm sân, nếu không có tâm sân thì như thật biết là không có tâm sân, nếu có tâm si thì như thật biết có tâm si, nếu không có tâm si thì như thật biết là không có tâm si; có tâm chấp thủ thì như thật biết có tâm chấp thủ, không có tâm chấp thủ thì như thật biết là không có tâm chấp thủ, nếu có tâm điên đảo thì như thật biết có tâm điên đảo, còn nếu không có tâm điên đảo thì như thật biết là không có tâm điên đảo, nếu có tâm nhỏ nhoi thì như thật biết có tâm nhỏ nhoi, nếu không có tâm nhỏ nhoi thì như thật biết là không có tâm nhỏ nhoi. Nếu họ có tâm to lớn thì như thật biết có tâm to lớn, họ không có tâm to lớn thì cũng như thật biết là họ không có tâm to lớn. Nếu họ có tâm trong sáng thì như thật biết có tâm trong sáng, họ không có tâm trong sáng thì như thật biết họ không có tâm trong sáng. Nếu họ có tâm vô lượng thì như thật biết có tâm vô lượng, nếu họ có tâm hữu lượng thì như thật biết họ có tâm hữu lượng. Nếu họ có tâm thu nhiếp thì như thật biết có tâm thu nhiếp, nếu họ không có tâm thu nhiếp thì như thật biết họ không có tâm thu nhiếp. Nếu tâm họ loạn thì như thật biết tâm họ loạn, nếu tâm họ không loạn thì như thật biết tâm họ không loạn. Nếu tâm họ định thì như thật biết tâm họ định, nếu tâm họ không định thì như thật biết tâm họ không định. Nếu họ có tâm hướng thượng thì như thật biết tâm họ hướng thượng, nếu họ không có tâm hướng thượng thì như thật biết họ không có tâm hướng thượng. Nếu họ có tâm giải thoát thì như thật biết họ có tâm giải thoát, nếu họ không có tâm giải thoát thì như thật biết là không có tâm giải thoát. Nếu tâm họ vô học thì như thật biết tâm vô học, nếu tâm có học thì như thật biết tâm có học.

Này đồng tử! Ðó gọi là Bồ tát hiểu biết như thật về tâm chúng sanh khác.

Lại nữa, này đồng tử! Bồ tát cần phải tu học thân hành thanh tịnh.

Sao là Bồ tát thân hành thanh tịnh?

–Ðó là nhớ biết vô số việc kiếp trước, hoặc một đời, hai đời, ba đời cho đến mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, trăm đời, ngàn đời, vạn đời, mười vạn đời, trăm vạn đời, ngàn vạn đời, vạn vạn đời.

Lại biết sự việc một kiếp, trăm kiếp cho đến ngàn vạn kiếp, biết kiếp thành, biết kiếp hoại, biết kiếp thành hoại, cho đến sự việc vô lượng kiếp thành hoại, và biết trong kiếp ấy từng có chúng sanh tên như vậy, họ như vậy, sanh xứ như vậy, ăn uống như vậy, trường thọ như vậy, chết yểu như vậy, cửu trụ như vậy, kết thúc như vậy, biết sự chịu khổ như vậy, thọ vui như vậy, hoặc chết chỗ này, sanh chỗ kia, chết chỗ kia, sanh chỗ này, dáng mạo như vậy, quốc độ như vậy. Những việc kiếp trước như vậy thảy đều nhớ biết hết. Ðó gọi là Bồ tát túc mạng trí thông.

Lại nữa, này đồng tử! Bồ tát cần phải tu học thân hành thanh tịnh.

Sao là Bồ tát thân hành thanh tịnh?

–Ðó là Thiên nhãn giới thanh tịnh thấy xa hơn người thường, thấy các chúng sanh sống chết qua lại, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, hoặc đến đường thiện, hoặc đến đường ác, hoặc trụ thiện đạo, hoặc trụ ác đạo, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc hơn, hoặc kém, như nghiệp tự mình tạo ra, thảy đều biết rõ. Vì các chúng sanh này thành tựu thân ác hạnh, thành tựu khẩu ác hạnh, thành tựu ý ác hạnh, hủy báng hiền thánh, do nhân duyên nghiệp tà kiến nên khi thân hoại mạng chung phải đọa vào địa ngục.

Các chúng sanh này nếu thành tựu thân thiện hạnh, thành tựu khẩu thiện hạnh, thành tựu ý thiện hạnh, không hủy báng hiền thánh, nhờ có chánh kiến, nên khi thân hoại mạng chung đi đến chỗ lành, sanh lên cõi trời.

Này đồng tử! Ðó gọi là Bồ tát có Thiên nhãn giới thanh tịnh thấy xa hơn người thường, thấy các chúng sanh sống chết qua lại, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, hoặc đến đường lành, hoặc đến đường ác, hoặc ở trên đường lành, hoặc ở trên đường ác, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc hơn, hoặc kém, như nghiệp của chính mình, thảy đều biết rõ. Ðó gọi là Thiên nhãn thông.

Lại nữa, này đồng tử! Nếu Ðại Bồ tát tu hành thân hành thanh tịnh trong một niệm, trí huệ tương ưng ba đời, những điều hoặc biết, hoặc thấy, hoặc được, hoặc chứng, cần phải biết rõ. Ðối với tất cả đều biết, đều thấy, đều được, đều chứng, thảy đều hiểu đạt. Pháp ấy thế nào?

–Ðó là Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử ưu bi khổ não. Mười hai nhân duyên như vậy, nên biết, nên thấy, nên được, nên chứng, cần phải biết rõ. Như vậy do vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên lão tử diệt, ưu bi khổ não tất cả đều diệt, phải thấy biết như thật, chứng đắc như thật, giác biết như thật.

Ðối với bốn Thánh đế cũng biết rõ như thật. Ðó gọi là lậu tận thông.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài kệ:

Bồ tát đã hiện thị 

Thứ lớp các thần thông

An trụ trong Tam muội 

Có thể tùy ý muốn

Khéo tu về nhĩ căn 

Ðược thiên nhĩ siêu việt

Tai họ nghe tất cả  

Pháp đạo sư nói ra

Hay biết tâm chúng sanh  

Có dục hay lìa dục

Có sân hay không sân 

Có si hay không si

Biết rõ việc kiếp trước

Thuở xưa sống ở đâu

Suốt cả ngàn ức kiếp

Kho trí đều chiếu thấu

Khéo tu nơi nhãn căn    

Ðược Thiên nhãn siêu việt

Dùng mắt xem chúng sanh   

Chết đây sanh ở kia

Một niệm đều biết hết 

Tâm niệm các chúng sanh

Như vậy biết tất cả  

Trí ấy thật siêu việt.

Này đồng tử! Sao gọi là khẩu giới?

–Ðó là nếu Ðại Bồ tát thành tựu khẩu giới thì được sáu mươi thứ âm thanh mỹ diệu vô ngại, thanh tịnh, không thể nghĩ bàn. Ðó gọi là khẩu giới.

Lại nữa, này đồng tử! Nếu Ðại Bồ tát có đầy đủ khẩu giới thì bất cứ nói điều gì cũng được mọi người tín thọ. Ðó gọi là khẩu giới.

Lại nữa, này đồng tử! Ðại Bồ tát đầy đủ khẩu giới được ba mươi hai tướng của đại nhân, được mười lực của Như Lai, đó là trí lực về thị xứ, phi xứ, trí lực biết về nghiệp xứ nhân quả của các chúng sanh ở qua khứ, vị lai và hiện tại, biết các Tam muội chánh thọ về thiền định, giải thoát, trí lực biết có phiền não, không phiền não, trí lực biết thọ mạng của người khác, biết căn tánh sai biệt các chúng sanh, trí lực biết chúng sanh có nhiều dục, trí lực biết vô lượng tâm tánh các chúng sanh, trí lực biết con đường đến tất cả xứ, trí lực biết túc mạng, trí lực biết sự sanh tử tất cả chúng sanh, trí lực biết lậu tận.

Lại nữa, này đồng tử! Nếu Ðại Bồ tát đầy đủ khẩu giới có thể được bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng. Ðó gọi là đầy đủ khẩu giới.

Lại nữa, này đồng tử! Nếu Ðại Bồ tát đầy đủ khẩu giới được ba giải thoát môn, được bốn phạm trụ. Ðó gọi là đầy đủ khẩu giới.

Lại nữa, này Ðồng Tử! Ðại Bồ Tát đầy đủ khẩu giới, nói một cách tóm lược, được tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần và bát Thánh đạo phần. Ðó gọi là Bồ Tát đầy đủ khẩu giới.

Lại nữa, Ðồng Tử! Nếu Ðại Bồ Tát đầy đủ khẩu giới sẽ được đại bi phạm trụ, được đại xa phạm trụ, được an ổn giác, được tịch diệt giác. Ðó là Bồ Tát đầy đủ khẩu giới.

Lại nữa, này Ðồng Tử! Ðại Bồ Tát đầy đủ khẩu giới được xa lìa vọng ngữ, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói thêu dệt, đối với cha mẹ, sư trưởng, không nói lời thô lỗ, tất cả những lời xấu ác Bồ Tát thảy đều xa lìa. Bồ Tát còn hiểu rõ một cách như thật âm thanh như tiếng vang, như giấc mộng, như huyễn thuật, như biển hóa, như bóng nắng, như ánh sáng, đối với tiếng vang cho đến ánh sáng này thảy đều không sở đắc, không phân biệt, không thủ, không duyên, không chấp trước. Ðó gọi là Bồ Tát đầy đủ khẩu giới.

Này Ðồng Tử! Ðại Bồ Tát khẩu giới thanh tịnh, được tất cả lời Phật, được tất cả thần túc Phật, được tất cả thần thông Phật.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài tụng:

Nếu ai tương ưng cùng khẩu giới

Các Bồ Tát ấy sẽ đạt được

Trí tất cả các pháp vô ngại

Gọi là đầy đủ về khẩu giới

Nếu ai tương ưng cùng khẩu giới

Ðạt được ba hai tướng đại nhân

Ðược Phật mười lực, bất cọng pháp

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Nếu ai tương ưng cùng khẩu giới

Sẽ được tất cả các Phật Pháp

Là các Phật pháp ta đã nói

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Nếu ai tương ưng cùng khẩu giới

Sẽ được Phạm trụ và biện tài

Ðược pháp hy hữu, bất tư nghị

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Nếu ai tương ưng cùng khẩu giới

Ðược tứ niệm xứ và chánh cần

Ðủ thứ thần túc, căn và lực

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Nếu ai tương ưng cùng khẩu giới

Sẽ được đại xả, vô sở úy.

Ðược lòng đại bi, thanh tịnh trụ

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Nếu ai tương ưng cùng khẩu giới

Sẽ được an ẩn giác thanh tịnh

Và đạt được giác quán tịch tịnh

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Nếu ai tương ưng cùng khẩu giới

Xa lìa vọng tử và hai lưỡi

Lại lìa ác khẩu và thêu dệt

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Nếu ai tương ưng cùng khẩu giới

Không bao giờ phỉ báng chánh pháp

Cũng không hỷ bang đức Như Lai

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Nếu ai tương ung cùng khẩu giới

Ðối với cha mẹ và sư trưởng

Không làm phi pháp, lời thô ác

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Nếu ai tương ưng cùng khẩu giới

Miệng không bao giờ nói lời lỗi

Họ đều lìa hết mọi lỗi lầm

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Nếu ai tương ưng cùng khẩu giới

Sẽ biết tiếng nói như âm vang

Biết rõ âm thanh giống như mộng

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Biết rõ vô ngã và thọ mạng

Duyên khởi, hư vọng giống như mộng

Người hay biết ngôn ngữ như vậy

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Diệt đế không thật giống như mộng

Bản thể Niết Bàn như tánh mộng

Bồ Tát biết nói việc như vậy

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới

Các ngôn ngữ khác bất khả đắc

Không có phân biệt, không chấp trước

Không có phan duyên, không chấp thủ

Gọi là bậc đầy đủ khẩu giới.

Này Ðồng Tử! Sao gọi là ý giới?

–Nếu đại Bồ Tát đầy đủ ý giới, sẽ được tất cả Phật pháp, được tất cả thần thông, tâm được giải thoát, bất động. Nếu đại Bồ tát đầy đủ ý giới, sẽ được định Kim Cang tam muội. Ðó gọi là thành tựu ý giới.

Lại nữa, này Ðồng Tử! Nếu đại Bồ Tát đầy đủ ý giới sẽ được ánh sáng rực rỡ. Ðó gọi là đầy đủ ý giới. Nếu đại Bồ Tát đầy đủ ý giới sẽ được sáu mươi thứ âm thanh tương ưng mỹ diệu. Ðó gọi là đầy đủ ý giới.

Lại nữa, này Ðồng Tử! Nếu đại Bồ tát đầy đủ ý giới, sẽ được ba mươi hai tướng của Ðại Nhân, mười lực, bốn vô úy, vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng. Ðó gọi là đầy đủ ý giới.

Lại nữa, này Ðồng Tử! Ðại Bồ Tát đầy đủ ý giới, sẽ được tam giải thoát môn, đó là Không, Vô tướng và Vô nguyện. Ðó là đầy đủ ý giới.

Lại nữa, này Ðồng Tử! Ðại Bồ Tát đầy đủ ý giới sẽ được bốn phạm trụ. Ðó là đại Từ, đại Bi, đại Hỷ và đại Xả. Ðó gọi là đầy đủ ý giới.

Lại nữa, này Ðồng Tử! Ðại Bồ Tát đầy đủ ý giới sẽ được tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần và bát chánh đạo phần. Ðó gọi là đầy đủ ý giới.

Lại nữa, này Ðồng Tử! Nếu đại Bồ Tát đầy đủ ý giới được trụ nơi đại Bi, trụ nơi đại Xá, được giác an ổn, được giác tịch diệt, được lợi ích, được oai nghi, được thắng hạnh. Ðó gọi là đầy đủ ý giới.

Lại nữa, này Ðồng Tử! Nếu đại Bồ Tát vất bỏ tá kiến, không tương ưng với tà kiến, đoạn trừ sân nhuế, không tương ưng với sân nhuế, đoạn trừ xan tham, không tương ưng với xan tham, vất bỏ giải đãi không tương ưng với giải đãi, đối với cha mẹ, sư trưởng, không khởi tâm quanh co, dua nịnh, tâm tham, sân si, cũng không tương ưng với những tâm lý ấy, không bỏ tâm Bồ Ðề, không bỏ tâm tín nhạ, đối với các tâm giác quán xấu ác khác thảy, đều xả ly, cũng không tương ưng với chúng. Ðó gọi là đầy đủ ý giới.

Bồ Tát phải khéo biết các pháp như huyễn thuật, như giấc mộng, như biến hóa, như bóng nắng, như tiếng vang, như ánh sáng, không đến, không đi, cũng lại biết sự khổ như mộng, biết sự vô ngã như mộng, biết sự vô thường như mộng, biết chúng sanh như mộng, biết cái không như mộng, ý không sở đắc, không phân biệt, không trệ trước, không phan duyên không chấp trước.

Này Ðồng Tử! Ðó gọi là Bồ Tát đầy đủ ý giới. Nếu Bồ tát đầy đủ pháp ý giới thanh tịnh, liền xa lìa tất cả các nạn, được tất cả các Phật pháp bất tư nghị, được tất cả thần thông của chư Phật, được tâm giải thoát bất động.

Này Ðồng Tử! Ðó gọi là đầy đủ ý giới.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài tụng:

Một lòng lắng nghe chớ loạn tưởng

Ðã nói ý giới tịnh không uế

Ðược nghe pháp xong, khởi các hạnh

Ðiền mau chứng ngộ được Bồ đề

Bậc trí nếu thọ trì ý giới

Tịch tịnh bậc nhất, luôn bất động

Pháp Phật siêu việt chưa từng có

Ðó mới gọi là ý giới tịnh

Bậc trí nếu thọ trì ý giới

Tâm được giải thoát, thường bất động

Ðược định tối thắng như Kim Cang

Ðó mới gọi là ý giới tịnh

Bậc trí nếu phát khởi như vậy

Khen ngợi, diễn thuyết, rộng lợi ích

Ðạt được sáu mươi tiếng vi diệu.

Ðó mới gọi là ý giới tịnh.

Bậc trí, ý giới thật cao tột

Ðược ba hai tướng bậc đại nhân

Ðược mười lực Phật, các công đức

Ðó mới gọi là thắng ý giới

Bậc trí nếu thọ trì ý giới

Ðạt được biện tài và vô úy

Ðược pháp siêu việt rất hy hữu

Ðó mới gọi là thắng ý giới

Bậc trí nếu thọ trì ý giới

Ðược tứ niệm xứ và thần túc

Lại được chánh cần và căn lực

Ðó là nói về thắng ý giới

Bậc trí nếu thọ trì ý giới

Hay được thất giác tri thanh tịnh

Cũng hay đạt được Bát thánh đạo

Ðó là nói về thắng ý giới

Bậc trí nếu thọ trì ý giới

Ðạt được sự xả ly tối thắng

Cùng với đại bi tịnh vô cấu

Ðó là nói về thắng ý giới

Bậc trí nếu thọ trì ý giới

Ðược giác an ổn tịnh vô cấu

Ðược giác viễn ly, các công đức

Ðó là nói về thắng ý giới

Bậc trí nếu thọ trì ý giới

Không tương ưng tất cả tà kiến

Luôn luôn không khởi sân vô minh

Ðó mới gọi là ý giới tịnh

Nếu ai được đầy đủ ý giới

Thậm chí khoảnh khắc không dua nịnh

Không dối láo với cha mẹ sư trưởng

Ðó là nói về ý giới tịnh

Bậc trí nếu đầy đủ ý giới

Các việc Tham, sân đều xa lìa

Pháp ngu si cũng đều đoạn trừ

Ðó là nói về thắng ý giới

Bậc trí nếu đầy đủ ý giới

 Luôn luôn không bỏ tâm Bồ đề

Trí tâm quyết định không thể hoại

Ðó là nói về thắng ý giới

Bậc trí nếu đầy đủ ý giới

Nếu có tất cả các xấu ác

Thảy đều xa lìa, không tương ưng

Ðó là nói về thắng ý giới

Tâm có thể vào pháp như huyễn

Giống như giấc mộng và bóng nắng

Cũng như bóng sáng và tiếng vang

Ðó là nói về thắng ý giới

Biết việc khổ não giống như mộng

Cũng như Vô thường, Không, Vô ngã

Tâm ý hay biết việc vậy

Ðó là nói về thắng ý giới

Biết không chúng sanh, không thọ mạng

Hiểu nhân duyên như bánh xe lăn

Không từ đâu đến, chẳng về đâu

Ðó là nói về thắng ý giới

Tìm cầu ý họ, không thể được

Cũng không phân biệt, không đình trệ

Không có phan duyên, không chấp thủ

Ðó là nói về thắng ý giới

Ðệ nhất nghĩa đế giống như mộng

Quán biết Niết Bàn cũng như vậy

Bậc trí nếu biết ý như vậy

Ðó là nói về thắng ý giới.

Này Ðồng Tử! Sao gọi họ là nghiệp thanh tịnh?

–Vì họ thấy ba cõi giống nhu mộng tưởng, nên họ nhàm chán ba cõi, không khởi tham ái. Ðó gọi là nghiệp thanh tịnh.

Sao gọi họ vượt qua phan duyên?

–Vì họ biết ấm, giới và nhập giống như huyễn, nên xa lìa chúng.

Sao gọi là biết rõ các ấm?

–Ðó là vì biết rõ các ấm giống như bóng nắng.

Sao gọi là được các giới bình đẳng?

–Ðó là vì biết giới v.v... như biến hóa, nên xả bỏ chúng.

Sao gọi là trừ bỏ các nhập?

–Ðó là vì các nhập như bóng ánh sáng nên trừ bỏ đi.

Sao gọi là đoạn trừ khát ái?

–Ðó là vì đối với tất cả pháp không có sự phan duyên.

Sao gọi là chứng vô sanh nhãn?

–Vì đối với tất cả pháp không có sở đắc.

Sao gọi là biết các nghiệp?

–Ðó là vì phát khởi tinh tấn, đoạn trừ các khổ.

Sao gọi là hiển thị các nhân?

–Ðó là ấm như tiếng vang, không có sanh vậy.

Sao gọi là không hoại đối với quả?

–Ðó là vì nghiệp quả giống như mộng nên không có hoại.

Sao gọi là hiện thấy các pháp?

–Ðó là vì trong các pháp được nhẫn vô sanh.

Sao gọi là tu tập nơi đạo?

–Ðó là đối với tất cả pháp không có cái để tu.

Sao gọi là gặp được chư Phật?

–Ðó là vì đầy đủ tất cả giới hạnh của chư Phật.

Sao gọi là trí huệ sáng suốt?

–Ðó là vì đối với tất cả pháp, được nhẫn vô sanh.

Sao gọi là vào các dục lạc của chúng sanh?

–Ðó là vì biết các chúng sanh căn tánh trước sau sai biệt.

Sao gọi là dược pháp trí?

–Ðó là ta đối với tất cả pháp vô sở đắc.

Sao gọi là trí vô ngại biện?

–Ðó là hay đạt được pháp thức như thật.

Sao gọi là trí sai biệt khéo biết văn tự?

–Ðó là nhờ biết ba thứ ngôn ngữ sai biệt.

Sao gọi là vượt qua các việc?

–Ðó là nhờ hiểu rõ vô sự.

Sao gọi là biết về âm thanh?

–Ðó là nhờ trí nhập vào âm thanh như tiếng vang.

Sao gọi là được hoan hỷ?

–Ðó là đối với tất cả pháp mà vô sở đắc, xa lìa khổ não vất bỏ gánh nặng mà được ra khỏi.

Sao gọi là được sự ái hỷ?

–Ðó là đối với kẻ đi xin khiến cho họ được hoan hỷ, biết lúc bố thí nên thấy được lợi ích.

Sao gọi là giữ tâm ngay thẳng?

–Ðó là hay hiểu rõ về tứ chân đế.

Sao gọi là oai nghi ngay thẳng?

–Ðó là kiềm chế giữ tâm ngay thẳng.

Sao gọi là xa lìa sắc tức giận?

–Ðó là đoạn trừ các lỗi sân hận.

Sao gọi là sắc mặt thường vui vẻ?

–Ðó là cùng ở chung an ổn với người khéo giữ giới.

Sao gọi là âm thanh mỹ diệu?

–Ðó là nói sự lợi ích cho người khác.

Sao gọi là trước tiên nói lời an ủi?

–Ðó là trước tiên nói: “Lành thay!”, liền đứng dậy để nghinh tiếp.

Sao gọi là không giải đãi?

–Ðó là không bỏ sự siêng năng.

Sao gọi là cung kính bậc tôn trưởng?

–Ðó là kính nể bậc tôn trưởng, tưởng như bậc thiện tri thức.

Sao gọi là cúng dường bậc tôn trưởng?

–Ðó là theo lời dạy bậc tôn trưởng mà hầu hạ cúng dường.

Sao gọi là sanh ra liền đầy đủ?

–Ðó là đối với tất cả nhu cầu sanh sống đều không đắm trước.

Sao gọi là cầu pháp thiện “bạch” không chán?

–Ðó là chứa nhóm các thiện pháp.

Sao gọi là đời sống thanh tịnh?

–Ðó là tùy nghi mà được, liền thấy đầy đủ, nếu không biết đủ liền sanh tâm quanh co, dua nịnh, khoa trương, dụ dỗ, xách động người khác, lấy lợi cầu lợi, những việc như vậy đều xả bỏ hết.

Sao gọi là không lìa việc sống ở A lan nhã?

–Ðó là không bỏ sự siêng năng, thích ở một cách nhàn hạ và ở tòng lâm, hang núi, khe suối, ưa thích đối với pháp, không giao du với người tại gia và xuất gia, không thích lợi dưỡng, đoạn trừ khát ái và cảm thọ sự hỷ lạc của thiền định vậy.

Sao gọi là trí trụ xứ từng địa vị, cấp bậc?

–Ðó là trí ở quả Thanh văn, trí ở qủa Bích chi Phật, trí trụ xứ Bồ tát địa vậy.

Sao gọi là nhớ mãi không quên?

–Ðó là nhớ vô thường, khổ, không và vô ngã.

Sao gọi là được trí xảo tiện về ấm?

–Ðó là biết sự sai biệt của ấm, giới, nhập là vô sở đắc.

Sao gọi là chứng thần thông?

–Ðó là được bốn thần túc, nên có thể biến hiện được.

Sao gọi là diệt các phiền não?

–Ðó là đoạn trừ tham, sân, si.

Sao gọi là đoạn trừ tập khí?

–Ðó là nhàm chán hành động ngu si quá khứ, không thích địa vị Thanh văn và Bích chi Phật.

Sao gọi là Chuyển Thắng hạnh?

–Ðó là hay khởi lên bốn vô ngại biện, năng lực vô úy của Như Lai.

Sao gọi là tu tập nhân?

–Ðó là đoạn trừ sự thương, ghét.

Sao gọi là biết phương tiện Phạm?

–Ðó là biết Ba la đề mộc xoa, biết tỳ ni, biết giới.

Sao gọi là đoạn trừ các sự hối hận ray rức?

–Ðó là đối với các tội lỗi, phải chí thành sám hối, không còn tạo tội nữa, tu các thiện pháp.

Sao gọi là đoạn trừ ái luyến?

–Ðó là nhổ sạch cành nhánh khát ái của ba cõi, phát sanh điều thiện chưa sanh với điều thiện đã sanh đừng cho tiêu mất.

Sao gọi là vượt qua các hữu?

–Ðó là đối với ba cõi mà không sở đắc, lại không hoài niệm, gọi là vượt qua các hữu.

Sao gọi là minh đạt túc mạng?

–Ðó là nhớ biết sự việc đời quá khứ.

Sao gọi là không nghi ngờ đối với nghiệp quả?

–Ðó là lìa các chấp thường, chấp đoạn.

Sao gọi là tư duy về pháp?

–Ðó là suy nghĩ về pháp như thật.

Sao gọi là tập nghe nhiều?

–Ðó là tu tập, thọ trì tạng Thanh văn, tạng Bích chi Phật, tạng Bồ tát.

Sao gọi là được trí huệ lanh lợi?

–Ðó là quán trí vô sanh giống như giấc mộng.

Sao gọi là ưa thích nơi trí?

–Ðó là thường thục tập trí huệ.

Sao gọi là trí huệ thông đạt?

–Ðó là nơi phát sinh ra A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề.

Sao gọi là được địa vị điều phục?

–Ðó là chỗ Bồ tát đã tu học.

Sao gọi là giống như núi?

–Ðó là không bỏ tâm Bồ đề.

Sao gọi là bất động?

–Ðó là vì không phân biệt nên không bị phiền não xâm đoạt.

Sao gọi là không lay động?

–Ðó là đối với tất cả tướng, không duyên nơi niệm.

Sao gọi là tướng bất thối?

–Ðó là đối với sáu ba la mật không bị tổn giảm, luôn luôn được thấy quốc độ các đức Phật.

Sao gọi là sanh ra pháp lành?

–Ðó là thân cận A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề.

Sao gọi là nhàm chán nghiệp ác?

–Ðó là kiên trì cấm giới, không còn khởi ra điều ác.

Sao gọi là không làm phiền não?

–Ðó là không khởi vô minh, hữu ái và sân hận.

Sao gọi là không xả bỏ giới?

–Ðó là nhờ tin nhân quả, nên cung kính đức Như Lai.

Sao gọi là phân biệt các thiền?

–Ðó là biết tâm nên thường dùng phương tiện thiện xảo để được nhất tâm.

Sao gọi là biết tất cả dục lạc của chúng sanh?

–Ðó là biết căn tánh sai biệt.

Sao gọi là trí khéo phân biệt chỗ sanh?

–Ðó là biết sự sai khác của năm đường.

Sao gọi là trí vô biên?

–Ðó là tự nhiên biết về pháp thế gian và xuất thế gian.

Sao gọi là trí thứ lớp về ngôn ngữ?

–Ðó là hay biết về ngôn thuyết quyền xảo bí mật của đức Như Lai.

Sao gọi là vất bỏ duyên tục?

–Ðó là thân tâm xa lìa mà xuất gia.

Sao gọi là không thích ba cõi?

–Ðó là đối với ba cõi, thấy sự khổ đau tại đó một cách như thật.

Sao gọi là không dùng tâm hạ liệt?

–Ðó là không vất bỏ tâm, cho dù lúc nhập chánh thọ, vẫn không bỏ tâm.

Sao gọi là đối với các pháp không chấp trước?

–Ðó là xả bỏ tâm ái dục đối với tất cả pháp.

Sao gọi là nhiếp thọ chánh pháp?

–Ðó là bảo vệ kinh điển của Phật thì gọi là nhiếp thọ chánh pháp.

Sao gọi là thủ hộ chánh pháp?

–Ðó là đối với những chúng sanh hủy báng chánh pháp thì dùng pháp để hàng phục họ, gọi là hộ pháp.

Sao gọi là tin nơi nghiệp báo?

–Ðó là đối với các nghiệp ác phải biết xấu hổ, xa lìa, tu tập thiện pháp.

Sao gọi là biết luật phương tiện?

–Ðó là biết tự tánh phạm hay không phạm, biết phạm tánh tội hay không phạm.

Sao gọi là diệt trừ các sự tranh cãi, chống trái?

–Ðó là vất bỏ các việc huyên náo.

Sao gọi là không chống trái?

–Ðó là không thích tất cả ngôn ngữ thế gian.

Sao gọi là nhẫn địa?

–Ðó là nhẫn chịu sự bức não của thân tâm.

Sao gọi là nhiếp thọ nơi nhẫn?

–Ðó là đối với những lời nói thô ác của kẻ khác thảy đều có thể nhẫn nhục, xả bỏ không nghĩ đến.

Sao gọi là lựa chọn nơi pháp?

–Ðó là biết sự sai biệt của ấm, giới, nhập, biết trợ đạo hữu lậu và trợ đạo thanh tịnh, vì đối với pháp ấy là vô sở đắc.

Sao gọi là đối với pháp quyết định thiện xảo?

–Ðó là đối với tất cả pháp, không có ngôn thuyết.

Sao gọi là trí khéo biết sự sai biệt của cú nghĩa?

–Ðó là thông đạt tất cả các pháp.

Sao gọi là trí thiện xảo xuất sanh pháp cú?

–Ðó là nói về pháp như thật.

Sao gọi là trí biết về sự sai biệt của nghĩa và phi nghĩa?

–Ðó là biết pháp tánh không tăng không giảm.

Sao gọi là trí tiền tế?

–Ðó là trí về nhân.

Sao gọi là trí hậu tế?

–Ðó là trí về duyên.

Sao gọi là trí bình đẳng ba đời?

–Ðó là đối với tất cả sự pháp, hiểu rõ không có sai biệt, an trụ pháp vô sự.

Sao gọi là trí sai biệt về ba đời?

–Ðó là đối với pháp ba đời, không sở đắc, cũng không nhớ nghĩ.

Sao gọi là tâm trụ?

–Ðó là đối với tâm mà không sở đắc.

Sao gọi là thân trụ?

–Ðó là đối với tâm mà không sở đắc.

Sao gọi là thân trụ?

–Ðó là niệm xứ về thân, gọi là thân trụ.

Sao gọi là gìn giữ oai nghi?

–Ðó là oai nghi không có thác loạn.

Sao gọi là không hoại oai nghi?

–Ðó là che dấu việc thiện.

Sao gọi là không phân biệt oai nghi?

–Ðó là lìa bỏ sự ưa thích tâm ác.

Sao gọi là các căn đoan nghiêm?

–Ðó là nhờ tư lương về hướng đi của pháp nên lời nói hợp lẽ, hay biết thời lúc thích nghi, đối với pháp nhu thật, diễn thuyết như thật.

Sao gọi là trí về thế đế?

–Ðó là khéo biết pháp quá khứ, vị lai, nên gọi là Thế trí.

Sao gọi là giải thoát xả?

–Ðó là tùy theo tài sản có được mà sử dụng, không che dấu, không keo kiết.

Sao gọi là thường đưa tay bố thí?

–Ðó là khéo sống với người cùng giới.

Sao gọi là không có tâm keo kiết?

–Ðó là với tâm tín tưởng, hết lòng bố thí.

Sao gọi là xấu hổ?

–Ðó là xấu hổ về các việc bạo ác.

Sao gọi là thẹn thùng?

–Ðó là hổ thẹn về các việc ngu si, độc hại.

Sao gọi là ghét bỏ tâm ác?

–Ðó là biết pháp ngu si thì vất bỏ, không tương ưng.

Sao gọi là không bỏ hạnh đầu đà?

–Ðó là cần phải kiên cố, không thoái chuyển.

Sao gọi là thọ trì tín nghĩa?

–Ðó là làm đúng như nói.

Sao gọi là khởi hạnh hoan hỷ?

–Ðó là nhớ nghĩ sự lợi ích của pháp thiện.

Sao gọi là sống gần bậc tôn trưởng?

–Ðó là vất bỏ sự kiêu mạn, xa lìa sự giải đãi.

Sao gọi là hàng phục tâm kiêu mạn?

–Ðó là vì không có ngã, nên không phan duyên.

Sao gọi là nhiếp phục tâm?

–Ðó là trí nhớ nghĩ đến tất cả pháp lành nên không mất lợi ích.

Sao gọi là tâm trí siêng năng?

–Ðó là trí biết quả báo của sự tinh tấn, không bao giờ mất.

Sao gọi là trí biết biện nghĩa?

–Ðó là trí thông đạt như thật.

Sao gọi là biết rõ về trí?

–Ðó là biết pháp thế gian, pháp xuất thế gian.

Sao gọi là trí xa lìa điều chẳng phải trí?

–Ðó là đối với pháp như thật, xa lìa sự chấp thủ.

Sao gọi là trí nhập tâm?

–Ðó là trí không sanh diệt.

Sao gọi là trí thiện xảo phân biệt từng bộ phận?

–Ðó là trí biết rõ lợi ích sai biệt.

Sao gọi là trí biết các tiếng nói?

–Ðó là trí chỉ rõ pháp như thật.

Sao gọi là trí biết xứ sở?

–Ðó là nhập vào trí như thật.

Sao gọi là trí phương tiện, quyết định nghĩa?

–Ðó là phụng sự tất cả chư Phật, Bồ tát và Thanh văn.

Sao gọi là vất bỏ sự phi nghĩa?

–Ðó là khéo vượt qua các hữu.

Sao gọi là thân cận người lành, cùng người lành làm việc?

–Ðó là thân cận chư Phật, Bồ tát và Thanh văn.

Sao gọi là xa lìa người ác?

–Ðó là xa lìa sự chấp ngã, giải đãi.

Sao gọi là tu thiền phát sanh thông suốt?

–Ðó là lìa gia ái dục, không bỏ sự vui của thiền.

Sao gọi là không đắm vào mùi vị thiền?

–Ðó là muốn lìa ba cõi.

Sao gọi là thần thông tự tại?

–Ðó là trụ vào năm thông khó biết của Phật pháp mà hiển thị cho người khác.

Sao gọi là hiểu giả danh?

–Ðó là hiểu rõ danh không có cứu cánh.

Sao gọi là biết rõ sự thi thiết ngôn thuyết?

–Ðó là biết danh số, văn tự của thế tục đế.

Sao gọi là vượt qua giả danh?

–Ðó là hiểu rõ trí không có ngôn thuyết.

Sao gọi là lìa thế gian?

–Ðó là trước hết phải quán sát sự xấu ác của thế gian.

Sao gọi là không thích danh lợi?

–Ðó là tự tánh thiểu dục.

Sao gọi là không đắm tham lợi dưỡng?

–Ðó là không có các tham lam, mong cầu, xa lìa dục ác.

Sao gọi là nghe người mắng chửi, không sanh tâm ghét giận?

–Ðó là biết bản thể các ấm và giới.

Sao gọi là nghe khen thật đức của mình không sanh tâm vui mừng?

–Ðó là che dấu công đức thiện pháp, biết sự tội lỗi của lợi dưỡng.

Sao gọi là không mong cung kính?

–Ðó là biết rõ bản thể nhân quả.

Sao gọi là không được cung kính, tâm không giận ghét?

–Ðó là không bỏ tâm thiền định.

Vì sao bị hủy nhục mà không giận?

–Ðó là quán sát thế gian, hiểu được nhân quả. Vì sao nghe khen ngợi mà không tự cao?

Vì cầu pháp lành mà xuất gia.

Sao gọi là không có các lợi dưỡng, tâm không buồn rầu?

–Ðó là quan sát nghiệp đã làm ở kiếp trước.

Sao gọi là không giao du với người đời?

–Ðó là không thích mưu sinh.

Sao gọi là không thích ở chung với người xuất gia làm điều phi pháp?

–Ðó là thân cận với người sống như pháp, chứ không thân cận với người phi pháp.

Sao gọi là xa lìa chỗ phi cảnh giới?

–Ðó là vất bỏ năm cái (năm sự ngăn che).

Sao gọi là trụ cảnh giới sở hành?

–Ðó là tu tứ niệm xứ.

Sao gọi là thành tựu pháp thức?

–Ðó là hộ trì pháp thức.

Sao gọi là xa lìa phi pháp?

–Ðó là tự hộ trì thiện pháp.

Sao gọi là không làm ô uế nhà người khác?

–Ðó là bỏ lỗi lầm do sự quen thân.

Sao gọi là hộ pháp?

–Ðó là đầy đủ sự cầu pháp, như pháp mà hành động.

Sao gọi là ngồi im lặng, ít nói?

–Ðó là được trí tịch diệt.

Sao gọi là thiện xảo việc hỏi và đáp?

–Ðó là trí huệ tùy theo sự hỏi đều có thể trả lời tất cả.

Sao gọi là hàng phục oán thù?

–Ðó là phân biệt hiển thị pháp như thật, xa lìa việc chấp trước.

Sao gọi là biết thời?

–Ðó là có thể phân biệt để biết năm tháng ngày giờ.

Vì sao không thân cận với kẻ phàm ngu?

–Ðó là vì thấy pháp phàm ngu là tội lỗi.

Vì sao không khinh chê kẻ bần tiện?

–Vì đối với tất cả chúng sanh, khởi tâm bình đẳng.

Vì sao phải dùng tiền của thí gấp cho kẻ nghèo khổ?

–Vì có người đến xin liền dùng tài thí và pháp thí.

Vì sao đối với người bần cùng có thể dùng thí vô ngại?

–Ðó là vì đối với các chúng sanh ấy, khởi lòng thương xót, theo ý người xin mà thí vật trong thân và ngoài thân.

Vì sao phải cứu giúp kẻ phá giới?

–Vì để họ trừ bỏ nghiệp phạm giới, an trụ trong tịnh giới.

Sao gọi là làm việc lợi ích?

–Vì hay trưởng dưỡng chúng sanh.

Sao gọi là bi trí?

–Vì hay thấy sự khổ não của chúng sanh ở đời vị lai.

Sao gọi là nhiếp thọ nơi pháp?

–Vì hay khiến chúng sanh nhập vào pháp như thật.

Sao gọi là xả bỏ tài sản?

–Ðó là xả bỏ các ấm vì tài sản làm lớn mạnh chúng.

Vì sao không kinh doanh tích tụ?

–Vì nhàm chán đời sống, thấy sự thủ hộ là tội lỗi.

Vì sao phải khen ngợi sự trì giới?

–Vì khéo biết quả báo của sự trì giới.

Vì sao lại chê trách sự phá giới?

–Vì hiểu rõ lỗi lầm của sự phạm giới.

Vì sao dùng tâm không gièm pha để phụng sự người trì giới?

–Vì đối với người trì giới phải sanh tư tưởng là khó gặp.

Sao gọi là xả bỏ tất cả?

–Vì khéo tín nhạo vậy.

Sao gọi là thành tâm khuyến thỉnh sự tăng thượng tín?

–Vì mong cầu sự lợi ích cho chúng sanh.

Vì sao gọi là làm đúng như nói?

–Vì đầy đủ sự tin nghe khéo léo, nên liền thực hành.

Sao gọi là phụng sự Tỳ kheo trí huệ?

–Vì để thưa hỏi việc thiện.

Vì sao cùng người bàn luận, có thể sanh ra sự ưa thích?

–Vì có chứng trí và giáo trí.

Sao gọi là trí thí dụ?

–Vì dùng thí dụ để hiểu rõ gốc ngọn của pháp tướng.

Sao gọi là thiện xảo về tiền tế?

–Vì tự biết được sự nghe nhiều của kiếp trước.

Sao gọi là lấy thiện căn làm đầu?

–Vì để khởi đức tin tăng thượng đối với Bồ đề, vì để khuyến khích người khác.

Sao gọi là thiện xảo phương tiện?

–Ðó là sám hối, tùy hỷ, khuyến khích những thiện căn đã tạo thảy đều hồi hướng.

Sao gọi là đoạn trừ hữu tướng?

–Ðó là quán sát các việc, thấy các pháp như mộng.

Sao gọi là đoạn trừ đối với tưởng?

–Ðó là xa lìa tưởng điên đảo.

Sao gọi là khéo quán sự tướng?

–Ðó là được trí vô tướng.

Sao gọi là khéo nói các kinh?

–Ðó là hay hiển thị, thí dụ việc ấy là pháp thiện hay chẳng phải thiện.

Sao gọi là phân biệt đối với đế?

–Ðó là đã diệt trừ vô minh rồi thì danh sắc không khởi lên.

Sao gọi là chứng sự giải thoát?

–Ðó là được Kim Cang Tam muội, bất động, không phân biệt.

Sao gọi là chỉ nói một lời?

–Ðó là nhàm chán ngoại đạo, chứng được trí vô sanh.

Sao gọi là được sự vô úy?

–Ðó là biết sức mạnh của Phật pháp.

Sao gọi là an trụ nơi giới?

–Ðó là giới Ba la đề mộc xoa ngăn cấm thân và miệng.

Sao gọi là nhập vào Tam muội?

–Ðó là không nhiễm ba cõi.

Sao gọi là được trí huệ?

–Ðó là khéo được trí vô công dụng.

Sao gọi là thích ở một mình chỗ thanh vắng?

–Ðó là xa lìa lỗi lầm của sự ồn ào, thường không xả bỏ sự không nhàn.

Sao gọi là thích ít bạn bè?

–Ðó là thiểu dục tri túc.

Sao gọi là tâm không ô trược?

–Ðó là nhờ nhập thiền định, trừ các ngăn che.

Sao gọi là xả bỏ các kiến?

–Ðó là xa lìa sự chấp thủ kiến.

Sao gọi là được Ðà la ni?

–Ðó là tùy theo pháp thấy được mà như thật hiển thị, không quên.

Sao gọi là được trí huệ sáng?

–Ðó là biết tự tánh mà vào.

Sao gọi là xứ?

–Ðó là chỗ ở của tâm.

Sao gọi là an trú?

–Ðó là chỗ ở của tín tâm.

Sao gọi là hạnh?

–Ðó là pháp trụ nơi tín hạnh.

Sao gọi là biện trí?

–Ðó là biết biện luận về đạo.

Sao gọi là nhân?

–Ðó là do vô minh sanh ra các hành.

Sao gọi là tương ưng?

–Ðó là pháp để giải thoát.

Sao gọi là pháp?

–Ðó là đoạn trừ sự khát ái.

Sao gọi là môn?

–Ðó là đoạn trừ các lỗi lầm.

Sao gọi là đạo?

–Ðó là trí về Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã.

Sao gọi là địa?

–Ðó là mười loại cấp bậc vô nguyện.

Sao gọi là xa lìa sự sanh?

–Ðó là pháp đoạn trừ sự sanh.

Sao gọi là trí địa?

–Ðó là trí không quên.

Sao gọi là xả bỏ sự vô tri?

–Ðó là đoạn trừ ngu si.

Sao gọi là an trụ nơi trí?

–Ðó là trí vô sở trụ.

Sao gọi là phương tiện địa?

–Ðó là pháp tu ba mươi bảy trợ Bô đề.

Sao gọi là cảnh giới của Bồ tát?

–Ðó là hành sáu ba la mật.

Sao gọi là thân cận người hành?

–Ðó là gần gũi chư Phật.

Sao gọi là xa lìa người ác?

–Ðó là xa lìa chấp kiến của ngoại đạo.

Sao gọi là Như Lai đã nói?

–Ðó là trụ nơi tự tánh giải thoát trí lực của Như Lai.

Sao gọi là Phật địa?

–Ðó là được tất cả pháp thiện.

Sao gọi là bậc trí tùy hỷ?

–Ðó là sự tùy hỷ của chư Phật, Thanh văn, Bích chi Phật ở qúa khứ, vị lai và hiện tại.

Sao gọi là kẻ ngu hủy báng?

–Ðó là tất cả kẻ ngu không thể biết được.

Sao gọi là Thanh văn không thể biết?

–Ðó là sự bất khả tư nghì của Phật pháp.

Sao gọi là cấp bậc ngoại đạo?

–Ðó là cái thấy phương tiện, ngã mạn của ngoại đạo.

Sao gọi là thu nhiếp về Như Lai?

–Ðó là điều khó có thể được của bậc đại y vương.

Sao gọi là mau được mười lực?

–Ðó là siêng tu phương tiện.

Sao gọi là tất cả chư thiên cúng dường?

–Ðó là khéo có thể sanh ra tất cả sự vui.

Sao gọi là Phạm vương lễ bái?

–Ðó là từ vị ấy sanh ra giải thoát.

Sao gọi là rồng lễ bái?

–Ðó là có thể đoạn trừ tất cả ác đạo và các kiến chấp.

Sao gọi là dạ xoa tùy hỷ?

–Ðó là ngăn che các đường ác.

Sao gọi là chân đà la tán thán?

–Ðó là hay đạt được sự hoan hỷ giải thoát.

Sao gọi là Ma hầu la khen hay?

–Ðó là đoạn trừ sự sanh tử.

Sao gọi là sự tu của Bồ tát?

–Ðó là hay đạt được Nhất thiết trí.

Sao gọi là bậc trí mong cầu?

–Vì mong được địa vị bất thối chuyển.

Sao gọi là được của cải vô thượng?

–Ðó là hay được quả báo của nhân thiên và sự giải thoát.

Sao gọi là chẳng phải tài thí?

–Ðó là hay trừ tất cả bận phiền não.

Sao gọi là thuốc hay để trị bệnh hoạn?

–Ðó là tiêu diệt tai hoạn tham sân si.

Sao gọi là kho tàng trí huệ?

–Ðó là thường thích tu tập trí huệ.

Sao gọi là vô tận biện?

–Ðó là thấy được trí như thật.

Sao gọi là xa lìa sự ưu sầu?

–Ðó là biết khổ là hư vọng, nên trừ bỏ, ngộ được vô ngã.

Sao gọi là biết ba cõi?

–Ðó là biết ba cõi như huyễn mộng.

Sao gọi là ghe thuyền đưa qua bờ bên kia?

–Ðó là trí ưa thích nhập Bát Niết bàn, tu Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã.

Sao gọi là vượt qua bốn dòng sông?

–Ðó là mau được Niết bàn.

Sao gọi là mong cầu danh tiếng?

–Ðó là được pháp rộng lớn.

Sao gọi là tán dương công đức của Như Lai?

–Ðó là khen ngợi bậc bố thí pháp được vô lượng công đức.

Sao gọi là khen ngợi danh xưng của đức Như Lai?

–Ðó là bậc thí chủ bố thí tất cả công đức, giải thoát, an vui.

Sao gọi là tán thán mười lực?

–Ðó là khen ngợi, bậc đại pháp bảo hay thí những pháp khó được.

Sao gọi là công đức của Bồ tát?

–Ðó là vị hay học pháp Tam muội của kinh này.

Sao gọi là lòng từ diệt sân hận?

–Vì đó là pháp đối trị sân hận.

Sao gọi là Bi?

–Ðó là pháp diệt trừ khổ não của tất cả chúng sanh.

Sao gọi là hoan hỷ?

–Ðó là đối với tất cả chúng sanh khởi sanh sự hoan hỷ.

Sao gọi là xả?

–Ðó là lòng bi vô duyên (không điều kiện), có thể làm được điều Phật làm.

Sao gọi là an ủi người đại thừa?

–Ðó là tùy theo sự mong cầu đối với tất cả Phật, pháp, thảy đều có thể ban bố đầy đủ.

Sao gọi là phát hạnh sư tử hống?

–Ðó là hay đạt được pháp tối thượng.

Sao gọi là con đường trí huệ của Phật?

–Ðó là không có chấp trước đối với tất cả pháp lành, mà vẫn được thiện pháp.

Sao gọi là giải thoát tất cả chúng sanh?

–Ðó là có thể biết từ bờ bên này đến bờ bên kia.

Sao gọi là đạt được nhất thiết trí?

–Ðó là đoạn trừ tất cả pháp bất thiện, tập hợp tất cả pháp thiện và tất cả pháp giải thoát.

Sao gọi là vườn hoa cua Bồ tát?

–Ðó là vị hay được sự hỷ lạc, tự thân an lạc, cũng khiến tất cả chúng sanh được an lạc.

Sao gọi là hàng phục ma quân?

–Ðó là bậc hay được tất cả lực, hay diệt trừ tất cả bậc phiền não.

Sao gọi là an ổn thực hành chú thuật?

–Ðó là hay dứt sạch tất cả khổ nạn.

Sao gọi là thành tựu sự tốt đẹp?

–Ðó là hay đạt được tất cả quả báo.

Sao gọi là ngăn ngừa oán địch?

–Ðó là đoạn trừ tất cả tà kiến và chấp thủ kiến.

Sao gọi là hàng phục oan gia?

–Ðó là dùng chánh pháp để hàng phục các ngoại đạo.

Sao gọi là được sự vô úy?

–Ðó là đối với tất cả pháp, hay khéo quán sát, ôn tập.

Sao gọi là cầu sức mạnh như thật?

–Ðó là cầu pháp lực không điên đảo.

Sao gọi là tướng đầu tiên của mười tám pháp bất cộng?

–Ðó là làm tất cả thiện pháp.

Sao gọi là trang nghiêm pháp thân?

–Ðó là được ba mươi hai tướng trang nghiêm.

Sao gọi là thích sự giải thoát?

–Ðó là được pháp thiện phần đầu, phần giữa và phần cuối.

Sao gọi là trưởng tử đáng yêu?

–Ðó là có thể đạt được các tài sản khác của chư Phật, đấng cha lành.

Sao gọi là đầy đủ Phật trí

–Ðó là chỉ nuôi lớn tất cả pháp thiện.

Sao gọi là chẳng phải địa vị Bích chi Phật

–Ðó là có thể đạt được Phật pháp vô biên, tối thượng.

Sao gọi là tâm thanh tịnh

–Ðó là hay đoạn trừ tất cả sự cấu uế.

Sao gọi là thân thanh tịnh

–Ðó là diệt trừ tất cả bệnh hoạn.

Sao gọi là thành tựu giải thoát môn

–Ðó là quán sát Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã và Tịch diệt.

Sao gọi là lìa các dục ô uế

–Ðó là hay được pháp cú cam lồ.

Sao gọi là lìa sự sân hận

–Ðó là đạt được Ðại từ đại bi.

Sao gọi là chẳng phải hạng ngu si

–Ðó là được sự sáng suốt như thật.

Sao gọi là trí A hàm

–Ðó là trí biết nghiệp đã tạo của tất cả thế gian và xuất thế gian.

Sao gọi là hay phát khởi sự sáng suốt

–Ðó là tư duy, nhớ nghĩ hướng đến tất cả đường lành.

Sao gọi là đoạn trừ vô minh

–Ðó là tất cả sự nhớ nghĩ đưa đến phi thiện.

Sao gọi là đầy đủ giải thoát

–Ðó là được pháp của bậc Ðại Thánh.

Sao gọi là người tu thiền hoan hỷ

–Ðó là có thể đạt được sự hỷ lạc nhất tâm.

Sao gọi là mắt thấy

–Ðó là thấy cái thật nghĩa không thể thấy.

Sao gọi là thần thông biến hiện

–Ðó là khéo tu pháp không chướng ngại.

Sao gọi là thần túc hiện tiền

–Ðó là hay được trí không phân biệt, không có chướng ngại của tất cả pháp.

Sao gọi là thích nghi Ðà la ni

–Ðó là hiểu rõ tất cả pháp, đối với tất cả pháp hay hướng đến Niết bàn bình đẳng.

Sao gọi là trì niệm

–Ðó là diệt trừ tất cả tự tánh của phan duyên...

Sao gọi là Như Lai trú trì

–Ðó là trí huệ sanh ra các công đức, không thể hủy hoại.

Sao gọi là đạo sư phương tiện quyền xảo

–Ðó là khiến cho người khác hướng đến thành lớn, an ổn khoái lạc.

Sao gọi là trí vi tế, giống như đầu sợi lông

–Ðó là khó có thể suy lường mà biết được.

Vì sao khó biết, khó có thể tương ưng

–Ðó là điều chưa từng có ở thời xưa.

Vì sao xa lìa văn tự?

–Vì con đường ngôn ngữ là bất khả đắc.

Sao gọi là âm thanh khó biết

–Ðó là tất cả pháp không thể nghĩ bàn.

Sao gọi là người trí mới có thể biết

–Ðó là biết pháp là bảo vật vô giá.

Sao gọi là đã biết điều phục, trí sở tri

–Ðó là nói đúng như làm.

Sao gọi là biết về thiểu dục?

–Vì biết lỗi của đa dục.

Sao gọi là dũng mãnh tinh tấn?

–Vì biết không xả bỏ thời gian cần thiết.

Sao gọi là ghi nhớ tổng trì?

–Vì tùy theo việc làm mà vẫn không mất.

Sao gọi là cùng tận sự khổ?

–Vì đoạn trừ tham, sân, si.

Sao gọi là tất cả pháp không sanh?

–Vì diệt hết tất cả thức, tất cả nguyện.

Sao gọi là một lời diễn thuyết có thể biết tất cả các đường sanh tử?

–Vì quán tất cả pháp giống như mộng huyễn, nên không chấp thủ.

Này đồng tử! Ðó gọi là giải thích nghĩa ba trăm cú pháp xong.

Này đồng tử! Ðó là Tam muội không hý luận, thể tánh bình đẳng của tất cả các pháp.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài kệ:

Trí Phật pháp vô lượng

Diễn thuyết vô cùng tận

Nói rộng các pháp xong

Ðược tất cả công đức.

Rộng lớn như hư không

Pháp tướng ấy như vậy.

Là bảo vật cứu cánh

Nên gọi là Phương Quảng

Hạnh chúng sanh vô biên

Nên thuyết pháp cũng nhiều

Nghĩa A hàm vô tận

Nên gọi là phương tiện.

Khi đức Thế Tôn nói pháp này, vô lượng chúng sanh đều phát tâm A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, vô lượng chúng sanh đối với Bồ đề được bất thối chuyển. Vô lượng chúng sanh phát tâm Bích chi Phật, vô lượng chúng sanh chứng được ba quả.

Lại nữa, cõi thế giới ba lần ngàn này có sáu thứ chấn động, trời mưa hương lạ, tung rãi hoa trời, tấu lên trăm ngàn vạn thứ âm nhạc của chư thiên trong hư không, mưa các thiên y, từ từ rơi xuống, có tiếng nói như vầy:

–Các chúng sanh này nhờ nghe pháp ấy nên được sự lợi ích lớn. Vì các chúng sanh ấy đối với vô lượng đức Phật đã gieo trồng căn lành, nên nghe pháp này, hoan hỷ, thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải nói cho người khác, làm ruộng phước tối thượng thành tựu lợi ích cho tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh này không đoạn mất hạt giống Phật. Các chúng sanh này quyết định có thể vì con đường Bồ đề trước nhất, nghe pháp môn này khởi hạnh như thật.

Bấy giờ đức Phật bảo A Nan:

–Ngươi nên thọ trì pháp môn như vậy rồi đọc tụng, biên chép, rộng nói cho người khác.

Tôn giả A Nan bạch đức Phật:

–Kinh này tên gọi là gì và phụng trì như thế nào?

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

–Kinh này gọi là “Nhập vào Ðại Bi”. Ngươi nên thọ trì. Lại có tên “Tam muội bình đẳng, vô hý luận, thể tánh của tất cả các pháp”. Ngươi nên thọ trì.

Tôn giả A Nan bạch đức Phật:

–Như lời Phật dạy, con xin thọ trì pháp môn ấy.

Khi đức Phật nói kinh này xong, đồng tử Nguyệt Quang, vui mừng nhảy nhót, Bồ tát A Dật Ða cùng với tám mươi ức na do tha Bồ tát, trưởng lão A Nan và bốn chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, ưu bà di, Thiên tử trời Tịnh cư, Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta bà, với Thiên Ðế thích, Tứ Thiên vương ... chư thiên, nhân loại, chúng A tu la, nghe đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH NGUYỆT ÐĂNG TAM MUỘI

HẾT

 --- o0o ---

[Quyển 1] [Quyển 2] [Quyển 3] [Quyển 4] [Quyển 5]

[Quyển 6] [Quyển 7] [Quyển 8] [Quyển 9] [Quyển 10]

--- o0o ---

Cập nhật ngày 01-03-2003

Vi tính: Thọ Huệ

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Bổ sung vitamin E có thật sự hiệu quả dẠtác giả dalai lama khi gap kho khan con hay nho tuong den phat nhat chin thang cuu mang Chua quan chet ve su song Biến cơm thành thuốc thiền là biết cách làm chủ thân khẩu Đường cũng độc hại như thuốc lá çŠ Tiếng chim và Tình Giải nhung chu y quan trong khi ngoi thien Chữa tuoi tre song trong giay phut hien mÛi Ăn uống chánh niệm để nuôi dưỡng nhung cam nhan sau khi xem phim buddha tu nhu y tuc suy ngẫm về việc truyền giới bồ Phượng tím nhạc phố chiều mưa Một đời giới hạnh thanh cao nhiệt tâm Lạc Dương Thánh Cảnh quê hương ngài tuổi trẻ với vấn đề giải thoát chùa thiền quang tranh phat giao qua cach nhin nghe thuat dao vai suy nghi ve khai niem giai thoat sanh tu trong Những cách giúp giảm đau răng hiệu quả thực hành buộc tâm và diệt trừ tạp Thiền sư Trạng nguyên lừng danh Việt bỏ cho 23 tọa thiền niệm phật テ vượt 23 Ăn chay vì sao phật tử chân chánh phải ăn chay cuoc doi thanh tang ananda phan Điều kiện kinh tế tác động đến Ăn chay đừng sợ thiếu calcium 4 thói quen xấu làm da lão hóa pháp phục phật giáo việt nam 8 Hoàng đế A Dục một mẫu người dung nho Thầy tai sao tam chang duoc quy nhat khi niem phat Ăn nhiều trái cây để ngừa ung thư vú Nguyện Sà c Làm sao biết chứng hiếu động thái quá