.

 

KINH ÐẠI THỪA ÐẠI TẬP ÐỊA TẠNG THẬP LUÂN

- Hán dịch: Tam-tạng Pháp sư Huyền Trang

 - Việt dịch: Thích nữ Huệ Thanh, Chùa Phổ Tế, Nha Trang.

Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh,

Tỳ-kheo Tâm Hạnh

---o0o--- 

Quyển thứ ba

Phẩm thứ ba: VÔ Y HÀNH 

Bấy giờ, trong hội có đại Phạm thiên tên là Thiên Tạng, từ lâu đã gieo trồng căn lành, trụ vào địa thứ mười, đầy đủ oai đức của đại Bồ-tát, từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay lễ Phật, nói bài tụng:

- Biển tuệ chứa công đức 

Nay con muốn thưa hỏi

Nguyện xin Ngài thương xót 

Giải trừ nghi cho con

Nay chúng con khát ngưỡng 

Bậc Ðức Tạng pháp vị

Và nghĩa vị tối thượng 

Cả chúng đều muốn nghe.

Phật bảo đại Phạm thiên Thiên Tạng:

- Như-lai cho phép ông được hỏi, tùy theo câu hỏi mà trả lời làm cho ông hoan hỷ.

Ðại Phạm thiên thưa:

- Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Ðại Phạm thiên nói bài tụng thưa hỏi:

- Bậc thông tuệ tu định 

An trú không buông lung

An trụ thắng nghĩa đế

Nhờ đó thoát sanh tử

Ngày đêm đối pháp nghĩa

Tinh cần tu tụng tập

Vượt qua biển phiền não

Ðọa lạc vô đường ác

Dõng mãnh tu phước đức

Tu định, hướng Niết-bàn 

Ở trong đường sanh tử 

Ðọa lạc trong đường ác

Sát-đế-lợi thông tuệ 

Thành tựu mười vương luân

Chìm đắm trong sanh tử 

Ðược chứng đắc quả Phật

Tâm tạp nhiễm khó dạy

Bị phiền não quấy nhiễu

Do đâu tâm thanh tịnh

Tu định nghiệp phước lành.

Bấy giờ, Thế Tôn  bảo đại Phạm thiên Thiên Tạng:

- Lành thay, lành thay! Ông thật biện tài mới có thể hỏi Ta nghĩa này, đối với pháp này ông đã chịu khó nhọc; đối với các hạnh này ông đã được viên mãn. Ở vô số cõi Phật Thế Tôn thời quá khứ, ông đã siêng tu ba nghiệp, làm chánh pháp hưng thịnh, tiếp nối dòng giống Tam bảo. Nay vì lợi ích cho vô lượng chúng sanh lại hỏi Như-lai ý nghĩa thâm sâu như vậy.

Này thiện nam tử! Có pháp Ðại ký biệt tên là pháp không nên làm theo. Tất cả chư Phật Thế Tôn đời quá khứ vì muốn giáo hóa các hữu tình làm cho nhàm chán xa lìa sanh tử, làm cho đoạn trừ nghiệp phiền não, làm cho mau viên mãn ba thừa nên giảng thuyết, gìn giữ pháp Ðại ký biệt không nên làm theo này.

Chư Phật Thế Tôn khắp mười phương trong hiện tại cũng vì muốn giáo hóa các hữu tình làm cho nhàm chán xa lìa pháp sanh tử, làm cho đoạn trừ nghiệp phiền não, làm cho mau viên mãn ba thừa, giảng thuyết gìn giữ pháp Ðại ký biệt không nên làm theo này.

Tất cả chư Phật Thế Tôn đời vị lai cũng vì giáo hóa các hữu tình, làm cho nhàm chán xa lìa pháp sanh tử, làm cho đoạn trừ nghiệp phiền não, làm cho mau viên mãn ba thừa nên giảng thuyết giữ gìn pháp Ðại ký biệt không nên làm theo này.

Vào thời quá khứ, ông đã được nghe các Như-lai nói pháp Ðại ký biệt không nên làm theo này. Ta ở trong đời hiện tại này cũng vì giáo hóa các hữu tình làm cho nhàm chán xa lìa pháp sanh tử, làm cho đoạn trừ nghiệp phiền não, làm cho mau viên mãn ba thừa, giảng thuyết giữ gìn pháp Ðại ký biệt không nên làm theo này. Ông nên lắng nghe, suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ vì ông phân biệt giảng giải.

Lúc bấy giờ đại Phạm thiên Thiên Tạng thưa:

- Bạch Thế Tôn, con xin muốn nghe.

Phật dạy:

- Này Ðại phạm! Có mười pháp không nên làm theo. Người nào tu định mà có một pháp còn không thể thành tựu thiện căn ở dục giới, giả sử trước kia đã thành tựu thì nay lại mất đi, huống là có thể thành tựu định cõi sắc, vô sắc, cho đến ba thừa mà thành tựu một thừa.

Thế nào là mười?

1- Ở đời có một hạng người tuy muốn tu định nhưng thiếu duyên hỗ trợ nên tuy tìm cầu chỉ bị loạn tâm.

2- Lại có một hạng người tuy muốn tu định nhưng phạm giới, làm các việc ác.

3- Lại có một hạng người tuy muốn tu định nhưng tà kiến điên đảo, vọng chấp tốt xấu, thân tâm cứng cỏi.

4- Lại có một hạng người tuy muốn tu định nhưng tâm loạn động, không thuận theo Hiền Thánh, các căn vọng động.

5- Lại có hạng người tuy muốn tu định nhưng nói lời ly gián, phá rối hai bên.

6- Lại có hạng người tuy muốn tu định nhưng nói lời thô ác, hủy nhục Hiền Thánh.

7- Lại có hạng người tuy muốn tu định nhưng nói lời tạp uế và lời dối trá.

8- Lại có hạng người tuy muốn tu định nhưng ôm lòng tham lam, ganh ghét đối với cái được của người: lợi dưỡng, cung kính thì không vui mừng.

9- Lại có hạng người tuy muốn tu định nhưng ôm lòng sân giận, đối với các hữu tình thường ganh ghét họ.

10- Lại có hạng người tuy muốn tu định nhưng bị tà kiến, bác bỏ nhân quả.

Này Ðại phạm, ông nên biết, đó là mười pháp không nên làm theo. Người tu định nào mà có một pháp còn không thể thành tựu thiện căn ở dục giới, giả sử trước đây thành tựu thì nay cũng mất huống là có thể thành tựu định sắc, vô sắc, cho đến ba thừa mà thành tựu một thừa.

Lại nữa, này Ðại phạm! Lại có mười pháp không nên làm theo. Người nào tu định mà có một pháp thì cuối cùng không thể thành tựu các tam-ma-địa, giả sử trước đây thành tựu thì nay giảm mất.

Thế nào là mười?

1- Tham đắm sự nghiệp.

2- Tham đắm đàm luận.

3- Tham đắm ngủ nghỉ.

4- Tham đắm mong cầu.

5- Tham đắm sắc đẹp

6- Tham đắm tiếng hay.

7- Tham đắm hương thơm.

8- Tham đắm vị ngon.

9- Tham đắm xúc chạm êm ái.

10- Tham đắm tầm tứ.

Này Ðại phạm, ông nên biết, đó là mười pháp không nên làm theo. Người tu định mào mà có một pháp cuối cùng không thể thành tựu các tam-ma-địa. Giả sử trước đây có thành tựu thì nay lại giảm mất. Nếu không thể thành tựu các tam-ma-địa, tuy tu tập các thiện pháp khác nhưng do nhân duyên mong cầu thọ dụng vật của tín thí, phát sanh tâm, tâm sở ác nên phạm các tội lỗi đối với các quốc vương, đại thần, bị quở trách hoặc bị đánh đập, hoặc bị chặt tay chân. Do nhân duyên này, hoặc bị bệnh nặng, thường chịu đau khổ, hoặc bệnh mau qua đời, đọa vào một trong ba đường ác, cho đến sanh vào địa ngục vô gián, như: Ôn-đạt-lạc-ca, A-la-trà-để-sa, Cù-ba-lý-ca, Ðề-bà-đạt-đa. Những người như vậy bị thối mất tịnh lự, cho đến đọa vào địa ngục vô gián, chịu vô lượng khổ lớn khó chịu đựng.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nhã-đa Kiều-trần-na:

- Ta sẽ cho phép Bí-sô các ông tu định ở nơi thanh vắng, ở phòng xá tốt nhất, ngọa cụ tốt nhất, thức ăn uống tốt nhất, tất cả việc Tăng chúng đều nên buông xả. Vì sao? - Vì các người tu định nếu thiếu các duyên hỗ trợ thì phát sanh tất cả tâm, tâm sở ác, không thể thành tựu các tam-ma-địa, cho đến bị đọa vào địa ngục vô gián, chịu vô lượng khổ lớn khó chịu đựng. Các vị tu định nếu đầy đủ các duyên hỗ trợ thì các tam-ma-địa chưa thành tựu thì nay thành tựu; nếu trước đây đã thành tựu thì hoàn toàn không thối mất. Do đây không sanh tất cả pháp ác, nói rộng cho đến tầm tứ bất thiện, được sanh lên cõi trời, chứng đắc Niết-bàn. Người tu định nếu chưa thành tựu các tam-ma-địa thì đầu đêm, cuối đêm nên bỏ ngủ nghỉ mà tinh tấn tu học, xa lìa chỗ ồn ào, ít muốn, biết đủ, không luyến tiếc; tất cả tham lam, sân giận, che giấu, não hại, kiêu mạn, cống cao, bỏn xẻn, ganh ghét, nói lời ly gián, nói lời thô ác, nói dối, nói lời tạp uế, vui chơi, buông lung,... tất cả đều xa lìa. Người thực hành như vậy đều được Thích, Phạm hộ thế, Tứ thiên vương, Chuyển luân vương.v.v... khen ngợi, lễ bái, cung kính, phụng sự, cúng dường trăm ngàn na-dữu-đa đồ vật, huống là Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Phệ-xá, Miệt-đạt-la.v.v... Người chưa đắc định còn được các sự khen ngợi, lễ bái, cung kính, phụng sự, cúng dường, huống là người đã chứng đắc tam-ma-địa.

Bấy giờ, Thế Tôn nói bài tụng:

- Tu định hay đoạn hoặc

Và các nghiệp khó đoạn

Nên tu định trên hết 

Bậc trí nên cúng dường.

Lúc ấy, Ðại Phạm thiên Thiên Tạng thưa:

- Bạch Ðại đức Thế Tôn! Người xuất gia trong Phật pháp, hoặc bị Sát-đế-lợi, đại thần, quan tể tướng dùng roi, gậy.v.v... đánh đập vào thân, hoặc nhốt trong lao ngục, hoặc là quở trách, hoặc chặt tay chân, hoặc đoạn mạng sống, điều đó được hay không được?

Phật bảo Ðại Phạm thiên Thiên Tạng:

- Này thiện nam tử! Các hữu tình nào ở trong pháp của Ta xuất gia cho đến cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, hoặc trì giới, hoặc phá giới, cho đến không có giới, bị tất cả thiên, nhơn, A-tố-lạc.v.v... nương vào chánh pháp thế tục, dùng roi gậy đánh đập, tra khảo, hoặc nhốt vào lao ngục, hoặc quở mắng, hoặc chặt tay chân, hoặc đoạt mạng sống còn không được, huống chi là nương vào phi pháp. Vì sao? - Vì trừ tất cả người trì giới, đa văn ở trong chánh pháp Ta mà xuất gia, nếu có kẻ phá giới, làm các pháp ác, bên trong mục nát như ốc sên, hôi dơ, thật chẳng phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn, thật chẳng phải là phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, thường bị các phiền não điều phục làm cho điên đảo che mờ. Các Bí-sô xấu ác, phá giới như vậy còn có thể hướng dẫn cho tất cả thiên, long, dược-xoa, kiền-đạt-phược, a-tố-lạc, yết-lộ-trà, khẩn-nại-lạc, mạc-hô-lạc-già, nhân, phi nhân... được vô lượng kho tàng công đức trân bảo.

Lại nữa, này thiện nam tử! Ở trong giáo pháp Ta mà xuất gia, tuy phá giới nhưng các hữu tình thấy hình tướng người đó sẽ phát sanh mười tư duy thù thắng, sẽ được vô lượng công đức báu. Thế nào là mười?

- Nghĩa là ở trong giáo pháp của Ta mà xuất gia, tuy phá giới, nhưng các hữu tình nhìn thấy sanh tư duy thù thắng, ân cần, cung kính nghĩ đến Phật; do nhân duyên này hoàn toàn không tin theo, quy kính các ngoại đạo, tà sư, sách vở, đồ chúng, cho đến có thể nhập thành đại Niết-bàn, không còn các sợ hãi.

- Hoặc có người thấy rồi phát sanh tư duy thù thắng, nhớ nghĩ đến Thánh giới; do đó có thể xa lìa sát sanh, xa lìa lấy của không cho, xa lìa dục tà hạnh, xa lìa nói dối, xa lìa uống các thứ rượu, sống chỗ buông lung cho đến vào thành đại Niết-bàn, không còn các sợ hãi.

- Hoặc có người thấy rồi sanh tư duy thù thắng, nghĩ đến bố thí, do đó được địa vị giàu có, thân cận cúng dường  bậc chánh chí chánh hạnh, cho đến có thể nhập thành đại Niết-bàn, không còn các sợ hãi. 

- Hoặc có người thấy rồi sanh tư duy thù thắng, nghĩ đến nhẫn nhục, nhu hòa, chánh trực; do đó, liền có thể xa lìa lời nói ly gián, thô ác, tạp uế, sân hận, cho đến có thể nhập thành đại Niết-bàn, không còn các sợ hãi.

- Hoặc có người thấy rồi sanh tư duy thù thắng, nghĩ đến xuất gia, tinh tấn tu hành, do đó có thể từ bỏ gia đình, hướng đến đời sống không gia đình, dũng mãnh tinh tấn tu các hạnh thù thắng, cho đến có thể nhập thành đại Niết-bàn, không còn sác sợ hãi.

- Hoặc có người thấy rồi sanh tư duy thù thắng, nghĩ đến tịnh lự đẳng chí, xa lìa tâm tán loạn; do đó thích ở nơi núi rừng vắng vẻ, ngày đêm tinh tấn tu hành các định cho đến có thể nhập thành đại Niết-bàn, không còn các sợ hãi.

- Hoặc có người thấy rồi sanh tư duy thù thắng, nghĩ đến trí tuệ, do đó ưa thích nghe, đọc tụng chánh pháp, cho đến có thể nhập đại Niết-bàn, không còn các sợ hãi.

- Hoặc có người thấy rồi sanh tư duy thù thắng, nghĩ đến gieo trồng thiện căn, xuất ly, lời nói nhu hòa, ân cần thưa hỏi, cho đến lễ bái sát chân; do đó được sanh vào nhà có thế lực lớn, tôn quý, được vô lượng hữu tình chiêm ngưỡng, cho đến có thể nhập thành đại Niết-bàn, không còn các sợ hãi.

Này thiện nam tử! Ở trong giáo pháp Ta mà xuất gia, tuy phá giới mà các hữu tình nhìn thấy hình tướng người ấy phát sanh mười tư duy thù thắng này sẽ được vô lượng công đức báu. Do đó, tất cả vua Sát-đế-lợi, đại thần, tể tướng... dùng roi gậy đánh đập, tra khảo, hoặc nhốt trong lao ngục, hoặc quở trách, hoặc chặt tay chân, hoặc đoạt mạng sống, quyết định không được.

Lại nữa, này Ðại phạm! Nếu có người nương theo Ta mà xuất gia, bị phạm giới làm hạnh ác, bên trong mục nát như ốc sên, hôi dơ, thật chẳng phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn, thật chẳng phải phạm hạnh mà tự xưng phạm hạnh, thường bị các phiền não nhiếp phục làm cho điên đảo mê mờ. Bí-sô như vậy tuy phá cấm giới, làm các hạnh xấu ác nhưng làm thiện tri thức chỉ bày kho tàng vô lượng công đức cho tất cả trời, rồng, dược xoa, kiền-đạt-phược, a-tố-lạc, yết-lộ-trà, khẩn-nại-lạc, mạc-hô-lạc-già, nhơn, phi nhơn.v.... Bí-sô như vậy tuy chẳng phải pháp khí nhưng cạo tóc, mặc áo ca-sa, oai nghi đi đứng đồng các Hiền Thánh. Nhân thấy vị ấy, các thiện căn của vô lượng hữu tình đều sanh trưởng. Lại có thể chỉ bày cho vô lượng hữu tình hướng đến đường thiện, sanh thiên, Niết-bàn. Vì vậy, nương theo Ta mà xuất gia hoặc trì giới, hoặc phá giới cho đến không có giới, Ta còn không cho Chuyển luân Thánh vương, các quốc vương, các đại thần nương vào chánh pháp thế gian dùng roi gậy đánh đập, tra khảo thân họ, hoặc nhốt vào lao ngục, hoặc mắng chửi, hoặc chặt tay chân, hoặc đoạn mạng sống, huống là nương vào phi pháp.

Này Ðại phạm, như vậy Bí-sô phá giới làm việc ác, tuy ở trong pháp Tỳ-nại-da của Ta là thây chết, nhưng vẫn còn một chút thế lực, giới đức của người xuất gia. Thí như con bò, con xạ, sau khi chết tuy là cái xác chết loài súc sanh, không còn biết gì nhưng da bò có màu vàng và xạ có hương thơm, có thể làm lợi ích lớn cho vô lượng vô biên hữu tình. Bí-sô phá giới cũng vậy, tuy ở trong pháp Tỳ-nại-da của Ta là thây chết, nhưng vẫn còn một chút thế lực, giới đức của người xuất gia, làm lợi ích lớn cho vô lượng vô biên hữu tình. Ví như người đi buôn, vào trong biển lớn, giết một loài trong vô lượng chúng sanh, khưi lấy con mắt, đem trái mạt-đạt-na giã nát, trộn lại chế thành thuốc chữa mắt quý báu. Các hữu tình nào bị mù không thấy, cho đến mù khi mới sinh ra, đem thuốc báu này bôi vào mắt người ấy, hoạn nạn đều tiêu trừ, mắt được sáng lại. Bí-sô phá giới cũng vậy, tuy ở trong pháp Tỳ-nại-da của Ta là thây chết nhưng có oai nghi hình tướng xuất gia, có thể làm cho vô lượng vô biên hữu tình vừa được thấy họ còn được pháp nhãn trí tuệ thanh tịnh, huống là có thể giảng thuyết chánh pháp cho người khác.

Này Ðại phạm! Ví như đốt hương, tuy xác hương bị cháy nhưng hương thơm vẫn toả ngát, làm cho người khác được thơm. Bí-sô phá giới cũng vậy, do phá giới nên chẳng phải là ruộng phước tốt; tuy ngày đêm thường bị của tín thí thiêu đốt, sau khi mạng chung đọa vào ba đường ác nhưng làm lợi ích lớn cho vô lượng vô biên hữu tình, nghĩa là làm cho đều được ngửi hương thơm, sanh thiên, Niết-bàn.

Vì thế, này Ðại phạm! Như vậy Bí-sô phá giới, làm việc xấu ác, cư sĩ đều nên giữ tâm cung kính cúng dường. Ta hoàn toàn không cho các người tại gia dùng roi gậy đánh đập tra khảo thân thể hoặc nhốt trong lao ngục, hoặc chửi mắng hoặc chặt tay chân, hoặc đoạn mạng sống. Ta chỉ cho Tăng chúng thanh tịnh kia khi Bố-tát hoặc Tự tứ, đuổi những vị đó ra khỏi, không cho thọ dụng tất cả những vật dụng cúng dường tứ phương Tăng: thức ăn uống, vật dụng. Khi làm tất cả việc Tỳ-nại-da của Sa-môn đều đuổi ra khỏi, không cho ở trong chúng, nhưng Ta không cho dùng roi gậy đánh đập, trói buộc, đoạn mạng sống.

Bấy giờ, Thế Tôn nói bài tụng:

- Hoa chiêm-bát-ca tuy héo tàn

Nhưng mùi thơm hơn các hoa khác

Bí-sô phá giới làm ác hạnh

Còn hơn tất cả chúng ngoại đạo.

Lại nữa, này Ðại phạm! Có năm nghiệp ác, tội lớn đọa địa ngục vô gián. Thế nào là năm?

1- Cố ý giết cha.

2- Cố ý giết mẹ.

3- Cố ý giết A-la-hán.

4- Tà kiến điên đảo, phá Thanh văn Tăng.

5- Tâm ác làm thân Phật ra máu.

Ðó là năm tội, gọi là nghiệp ác tội lớn, đọa địa ngục vô gián. Nếu người nào bị một trong năm tội vô gián này thì không được xuất gia và thọ giới Cụ túc. Nếu cho xuất gia hoặc thọ giới Cụ túc thì thầy sẽ phạm tội, nên đuổi người đó ra khỏi pháp của Ta. Người như vậy do có oai nghi hình tướng xuất gia nên Ta cũng không cho dùng roi gậy đánh đập hoặc nhốt vào lao ngục, hoặc chửi mắng, hoặc chặt tay chân, hoặc đoạn mạng sống.

Lại có bốn tội căn bản ác nghiệp lớn, gần tội vô gián. Thế nào là bốn?

1- Sanh tâm bất thiện sát hại Ðộc-giác, là tội căn bản ác nghiệp lớn do giết hại sanh mạng.

2- Tà hạnh với A-la-hán Bí-sô Ni hay Tăng, là tội căn bản ác nghiệp lớn do dục tà hạnh.

3- Lạm dụng tài vật cúng dường Tam bảo, là tội căn bản ác nghiệp lớn do lấy vật không cho.

4- Nhận thức điên đảo, phá hoại hòa hợp Tăng chúng, là tội căn bản ác nghiệp lớn do nói dối.

Người nào phạm một tội trong bốn tội căn bản ác nghiệp lớn gần tội vô gián này, thì không được xuất gia và thọ Cụ túc giới. Nếu cho xuất gia hoặc thọ giới Cụ túc thì thầy bị tội. Nên đuổi người ấy ra khỏi pháp của Ta. Người như vậy nhưng do có oai nghi hình tướng xuất gia và thọ giới Cụ túc, nên Ta cũng không cho dùng roi gậy đánh đập hoặc nhốt vào lao ngục, hoặc quở mắng, hoặc chặt tay chân, hoặc đoạn mạng sống.

Như vậy, hoặc có tội căn bản chẳng phải tội vô gián; có tội vô gián chẳng phải tội căn bản; có tội căn bản vừa là tội vô gián; có tội chẳng phải là tội căn bản, cũng chẳng phải tội vô gián.

Thế nào là tội căn bản vừa là tội vô gián? - Nghĩa là trước đã xuất gia thọ giới Cụ túc trong pháp của Ta, cố ý giết người đã đạt đến cứu cánh kiến đế, như vậy gọi là tội căn bản vừa là tội vô gián. Ở trong pháp Tỳ-nại-da của Ta, người này mau nên đuổi.

Thế nào gọi là tội căn bản chẳng phải tội vô gián? - Nghĩa là trước đã xuất gia thọ giới Cụ túc trong giáo pháp của Ta, do cố ý giết hại người phàm phu, cho đến dùng phương cách cho người uống thuốc độc, làm trục thai. Như vậy, gọi là tội căn bản chẳng phải tội vô gián. Người này chẳng nên cho ở chung với Tăng và không cho thọ dụng các vật cúng dường Tứ phương Tăng.

Thế nào là tội vô gián chẳng phải tội căn bản? - Nghĩa là có người hoặc thọ tam quy, hoặc thọ năm giới, hoặc thọ mười giới, tạo một tội trong năm tội vô gián. Như vậy là tội vô gián chẳng phải tội căn bản. Người như vậy không nên cho xuất gia và thọ giới Cụ túc. Nếu cho họ xuất gia và thọ giới Cụ túc thì thầy bị mắc tội. Nên đuổi người ấy ra khỏi giáo pháp của Ta.

Thế nào gọi là chẳng phải tội căn bản, cũng chẳng phải tội vô gián? - Nghĩa là có người hoặc thọ tam quy, hoặc thọ năm giới, sanh tâm nghi ngờ Phật, Pháp, Tăng, hoặc quy y theo thầy ngoại đạo, hoặc chấp các tướng kiết hung, hoặc ít hoặc nhiều cúng tế quỷ thần. Hoặc lại có người đối với chánh pháp chư Như-lai thuyết, hoặc chánh pháp tương ưng với Thanh văn thừa, hoặc chánh pháp tương ưng với Ðộc giác thừa, hoặc chánh pháp tương ưng với đại thừa, phỉ báng, ngăn chặn, tự mình không tin nhận, làm cho người khác nhàm chán, chướng ngại người khác đọc tụng ghi chép, cho đến gây trở ngại một bài tụng chánh pháp. Như vậy, gọi là chẳng phải tội căn bản, cũng chẳng phải vô gián, nhưng sanh ác nghiệp đại tội, gần với tội vô gián. Người này nếu chưa sám hối trừ diệt ác nghiệp tội lớn như vậy thì không cho xuất gia và thọ giới Cụ túc. Nếu cho xuất gia và thọ giới Cụ tuc thì thầy liền mắc tội. Nên đuổi người ấy ra khỏi pháp của Ta. Nếu đã xuất gia thọ giới Cụ túc mà phạm tội như vậy, hoặc không sám hối thì ở trong pháp Tỳ-nại-da của Ta người này nên mau đuổi đi. Vì sao? - Vì hai hạng người này làm theo việc phá hoại con mắt chánh pháp, làm theo việc che tắt ngọn đèn chánh pháp, làm theo việc đoạn tuyệt hạt giống Tam bảo, làm cho chư thiên, người làm theo việc vô nghĩa, khổ hạnh, không có lợi ích, đọa vào các đường ác. Hai hạng người này tự mình phỉ báng chánh pháp, phỉ báng Hiền Thánh, sau khi qua đời sẽ đọa vào địa ngục vô gián, trải qua nhiều kiếp chịu khổ, không thể thoát khỏi.

Lại nữa, này Ðại phạm! Hoặc có pháp thuộc về giá tội, không nên làm theo, hoặc có pháp thuộc về tánh tội, không nên làm theo, ở trong tánh tội hoặc có pháp căn bổn không nên làm theo.

Thế nào là pháp căn bản không nên làm theo? - Nghĩa là có Bí-sô nào làm việc phi phạm hạnh, phạm tội căn bản, hoặc do cố ý giết mạng sống người phàm phu, phạm tội căn bản; hoặc lấy trộm vật chẳng phải của Tam bảo, phạm tội căn bản; hoặc đại vọng ngữ, phạm tội căn bản; hoặc có Bí-sô nào phạm một tội trong bốn tội căn bản thì đối với các Bí-sô làm các việc để nhận sự triết phục, tất cả vật cúng dường Tứ phương Tăng đều không cho thọ dụng, nhưng không được cho dùng roi gậy, hoặc nhốt trong lao ngục, hoặc quở mắng, hoặc chặt tay chân, hoặc đoạn mạng sống. Như vậy, gọi là tội trọng căn bản thuộc về tánh tội không nên làm theo.

Thế nào gọi là tội căn bản? - Nghĩa là người nào phạm bốn pháp này, sau khi qua đời sẽ đọa vào các đường ác, vì là tội căn bản đọa các đường ác. Vì vậy gọi là tội căn bản.

Thế nào là tội căn bản vô gián và gần vô gián? - Nghĩa là đại tội ác nghiệp cực trọng không nên làm theo.

Này thiện nam tử! Ví như hòn sắt, chì, thiếc,... ném vào hư không, không dừng lâu, nhất định sẽ mau rơi xuống đất. Tạo bốn tội căn bản, năm vô gián và gần vô gián, phỉ báng chánh pháp, nghi ngờ Tam bảo, hai hạng người phạm tội này cũng vậy. Người nào phạm một tội trong mười một tội này, sau khi qua đời không có gì ngăn chận được, nhất định sanh vào đại địa ngục vô gián, chịu các khổ rất đau đớn nên gọi là ác nghiệp đại tội cực trọng không nên làm theo. Bổ đặc-già-la nào phạm tội ác nghiệp cực trọng không nên làm theo này, đối với thân này quyết định không thể đoạn tận các phiền não, còn không thể thành tựu các tam-ma-địa, huống là có thể thú nhập chánh tánh ly sanh. Người ấy qua đời nhất định sanh vào địa ngục, chịu các khổ lớn.

Lại nữa, này Ðại phạm! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào với lòng tin thanh tịnh, quy y giáo pháp của Ta, hoặc hướng đến thừa Thanh văn, hoặc hướng đến thừa Ðộc giác, hoặc hướng đến Ðại thừa, có lòng tin thanh tịnh xuất gia thọ giới Cụ túc, ở trong giáo pháp của Ta đối với các học xứ hết lòng kính trọng, đối với bốn giới tội tánh căn bản kiên cố dũng mãnh tinh tấn giữ gìn. Người như vậy thường được tất cả người, phi nhân theo ủng hộ, gọi là không dối nhận vật cúng dường của trời, người; đối với ba thừa tùy theo ưa thích mau có thể thú nhập thành tựu cứu cánh.

Vì vậy, người chân thật mong cầu Niết-bàn thà xả bỏ thân mạng chứ hoàn toàn không phạm bốn pháp này. Vì sao? - Vì các hữu tình cần phải nhờ ba nhân sau đây mà được Niết-bàn an vui:

1- Nương vào Như-lai làm nhân.

2- Nương vào Thánh giáo của Ta làm nhân.

3- Nương vào đệ tử của Ta làm nhân.

Các loại hữu tình nương vào ba nhân này siêng năng tu tập sẽ được Niết-bàn an vui. Người nào phạm bốn pháp này thì Ta chẳng phải là thầy họ, họ chẳng phải đệ tử của Ta. Người nào phạm bốn pháp này thì trái vượt giáo pháp mà Ta tuyên thuyết thâm sâu rộng lớn: vô thường, khổ, không, vô ngã, pháp biệt giải thoát tương ưng với lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình. Nếu vượt qua giáo pháp biệt giải thoát này thì đối với tất cả tịnh lự, đẳng trì đều mờ mịt không thể nhập được, bị các phiền não ác nghiệp trói buộc, cũng chẳng phải là pháp khí trong ba thừa, sẽ đọa vào đường ác chịu các khổ lớn.

Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào đối với giáo pháp biệt giải thoát Ta thuyết ra, chế ra ngăn ngừa bốn trọng tội căn bản mà thanh tịnh không phạm thì Ta là thầy họ, họ là đệ tử của Ta, tùy thuận lời dạy của Ta an trú hoàn toàn trong giáo pháp của Ta, tất cả việc làm đều được thành tựu viên mãn. Vị này an trú hoàn toàn trong giới nên gọi là an trụ hoàn toàn trong tất cả thiện pháp, hoặc gọi là an trú hoàn toàn Thanh văn thừa, hoặc gọi là an trú hoàn toàn Ðộc-giác thừa, hoặc gọi là an trú hoàn toàn đại thừa. Vì sao? - Vì nếu ai có thể hộ trì bốn pháp căn bản thuộc tánh tội này thì nên biết vị đó tạo lập tất cả thắng nhân thiện pháp hữu lậu vô lậu. Vì thế, hộ trì bốn pháp này gọi là căn bản của tất cả thiện pháp.

Như nương vào đại địa, tất cả cây cỏ vườn rừng đều được sanh trưởng; cũng vậy, nương vào sự hộ trì hoàn hảo bốn giới căn bản, tất cả thiện pháp đều được sanh trưởng.

Như nương vào đại địa, tất cả các núi: núi Tiểu luân vi, núi Ðại luân vi, núi vua Diệu Cao đều được đứng vững; cũng vậy, nương vào sự hộ trì hoàn hảo bốn giới căn bản, các thừa Thanh văn, thừa Ðộc giác, Vô thượng đại thừa đều được an trú.

Như nương vào đại địa tìm được tất cả vị ngon của thế gian; cũng vậy, nương và sự hộ trì hoàn hảo bốn giới căn bản tìm cầu được tất cả niệm, định, tổng trì, an nhẫn, Thánh đạo cho đến Vô thượng chánh đẳng giác.

Lại như đại địa, đối với các pháp tịnh, bất tịnh đều giữ gìn bình đẳng; sự hộ trì hoàn hảo bốn giới căn bản của các thiện nam tử, thiện nữ nhơn cũng như vậy, đối với pháp khí và chẳng phải pháp khí đều bình đẳng, không chê bai, không khinh lờn, không tự cống cao, không quở trách, cử tội, có thể làm nơi phát sanh của tất cả thiện pháp.

Lại như đại địa, tất cả hữu tình đều thọ dụng mà được sinh sống; sự hộ trì hoàn hảo bốn giới căn bản của các thiện nam tử, thiện nữ nhơn cũng như vậy, đối với chánh pháp do chư Như-lai giảng thuyết sanh trưởng lòng tin thanh tịnh, hoan hỷ thứ nhất, đối với các hữu tình không có tưởng sai biệt, đem Tứ nhiếp pháp bình đẳng thu nhiếp, tất cả hữu tình đều cùng nhau nương vào pháp này thọ dụng pháp lạc mà được sinh sống.

Lúc bấy giờ, tôn giả Ưu-ba-ly nghe Phật giảng thuyết liền rời khỏi tòa, sửa y phục, đảnh lễ chân Phật, bày áo vai phải, gối phải chấm đất, chấp tay cung kính thưa:

- Bạch Thế Tôn, như lời Phật dạy: hộ trì hoàn hảo bốn giới căn bản các thiện nam tử, thiện nữ nhơn đối với pháp khí và chẳng phải pháp khí đều bình đẳng, không chê bai, không khinh lờn, không tự cống cao, không quở trách, cử tội. Nếu như vậy thì ở đời vị lai có các Bí-sô phá giới làm việc ác, thật chẳng phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn, thật chẳng phải là phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh; các Bí-sô Tăng đối với người này nên làm cách nào quở trách, cử tội đuổi đi?

Phật bảo tôn giả Ưu-ba-ly:

- Ta hoàn toàn không cho người thế tục ngoại đạo cử tội Bí-sô phạm tội. Ta còn không cho các Bí-sô Tăng không nương vào pháp nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới, huống là đuổi đi. Nếu không nương vào pháp mà nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới hoặc đuổi đi liền mắc tội lớn.

Này Ưu-ba-ly! Ông nên biết, có mười phi pháp nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới liền mắc tội lớn; những người có trí đều không nên làm. Thế nào là mười?

1- Tăng chúng không hòa, ở trước quốc vương nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới.

2- Tăng chúng không hòa, ở trước chúng Phạm chí nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới.

3- Tăng chúng không hòa, ở trước chúng tể quan nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới.

4- Tăng chúng không hòa, ở trước các trưởng giả, cư sĩ nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới.

5- Ở trước các người nữ nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới.

6- Ở trước các người nam nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới.

7- Ở trước các người tịnh nhân nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới.

8- Ở trước nhiều Bí-sô, Bí-sô ni nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới.

9- Ở trước người oán ghét nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới

10- Ôm lòng tức giận nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới.

Mười loại này gọi là phi pháp nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới liền mắc tội lớn. Nếu nương vào sự thật mà quở trách, cử tội còn không nên làm, huống là không sự thật. Những người nào làm cũng mắc tội lớn.

Lại có mười loại phi pháp nêu tội, quở trách, cử tội Bí-sô phá giới liền mắc tội lớn, những người có trí không nên làm. Thế nào là mười?

1- Các ngoại đạo khác quở trách, cử tội Bí-sô.

2- Bạch y tại gia không giữ giới cấm quở trách, cử tội Bí-sô.

3- Người tạo tội vô gián quở trách, cử tội Bí-sô.

4- Người phỉ báng chánh pháp quở trách, cử tội Bí-sô.

5- Người hủy nhục Hiền Thánh quở trách, cử tội Bí-sô.

6- Người si cuồng loạn tâm quở trách, cử tội Bí-sô.

7- Người bị khổ não ràng buộc quở trách, cử tội Bí-sô.

8- Tịnh nhân bốn phương Tăng quở trách, cử tội Bí-sô.

9- Người giữ vườn rừng quở trách, cử tội Bí-sô.

10- Bí-sô bị phạt quở trách, cử tội Bí-sô.

Mười loại phi pháp này quở trách, cử tội Bí-sô phá giới liền mắc tội lớn. Nếu nương vào sự thật mà quở trách, cử tội cũng không nên làm, huống là không sự thật. Những người nào làm theo cũng mắc tội lớn.

Lại nữa, này Ưu-ba-ly! Nếu Bí-sô nào hủy phạm giới cấm ở chung với Tăng, ở trong chúng Tăng có Bí-sô khác oai nghi phép tắc đều đầy đủ, tất cả năm đức đều viên mãn, nên rời khỏi chỗ ngồi, sửa y phục, cung kính đảnh lễ Bí-sô Tăng, liền đến trước Bí-sô ác phá giới cầu xin cho cử tội, thưa như vầy:

- Trưởng giả nhớ cho, tôi muốn cử tội trưởng giả, sự thật chẳng phải hư dối, đúng thời chẳng phải phi thời, nói nhu hòa chẳng phải nói thô tháo, tâm từ không phải sân giận, lợi ích chẳng phải tổn giảm, vì làm cho con mắt pháp, ngọn đèn pháp Như-lai trụ lâu, hưng thịnh, trưởng giả nghe cho, tôi sẽ như pháp cử tội trưởng giả.

Nếu người ấy chịu, liền nên như pháp, như thật cử tội. Nếu người ấy không nghe thì nên đảnh lễ vị Tăng Thượng tọa, cung kính thưa:

- Bí-sô này phạm lỗi như vậy, con nương vào năm pháp như thật cử tội vị ấy.

Khi ấy vị Bí-sô Thượng tọa trong chúng Tăng nên xem xét kỹ người cử tội, người bị cử tội và việc phạm tội, thật giả, nặng nhẹ thế nào, dựa vào Luật, Pháp dùng phương tiện tra hỏi, khuyên lơn, quở trách, dùng bảy pháp thích ứng diệt trừ. Nếu phạm tội nặng nên trị phạt nặng; nếu phạm tội vừa nên trị phạt vừa; nếu phạm tội nhẹ nên trị phạt nhẹ; làm cho họ tàm quý, sám hối tội phạm.

Bấy giờ Ưu-ba-ly lại thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Bí-sô thật có tạo tội lỗi, ỷ vào thế lực của bạch y hoặc thế lực tài bảo, hoặc thế lực đa văn, hoặc thế lực biện tài, hoặc thế lực đệ tử, dùng các thế lực như vậy lăng nhục, chống cự Tăng chúng; Bí-sô Thượng tọa đem Kinh - Luật - Luận như pháp dạy bảo mà họ không thuận theo, Bí-sô như vậy làm sao trị phạt?

Phật bảo:

- Này Ưu-ba-ly! Bí-sô Thượng tọa thông hiểu ba tạng nên cùng với Tăng chúng sai người đi thưa với quốc vương, đại thần hỗ trợ oai lực, sau đó mới như thật nương theo pháp trị phạt.

Khi ấy, Ưu-ba-ly lại thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Bí-sô tạo tội lỗi kia dùng thế lực tài bảo, hoặc thế lực đa văn, hoặc biện tài, hoặc dùng các thế lực phương tiện khéo léo làm cho quốc vương, đại thần kia vui vẻ hùa theo việc phá giới phi pháp của họ, dung túng tội lỗi của Bí-sô xấu ác này, không cho như thật y pháp trị phạt. Lúc này chúng Tăng nên làm thế nào?

Phật bảo:

- Này Ưu-ba-ly! Nếu Bí-sô kia làm theo pháp không nên làm, ở trong Tăng chúng tướng tội thô trọng chưa biểu lộ rõ, khi ấy Tăng chúng nên tạm thời xả trí. Nếu Bí-sô kia làm theo pháp không nên làm, ở trong Tăng chúng tướng tội thô trọng đã biểu lộ ra thì lúc ấy Tăng chúng nên hòa hợp y theo pháp đuổi ra khỏi Phật pháp.

Này Ưu-ba-ly! Thí như cỏ lúa ở trong ruộng lúa, mầm, cọng, nhánh, lá giống như cây lúa nhưng gây hại cho lúa. Cho đến khi cây cỏ chưa trổ bông, người nông phu tạm thời để đó, khi trổ bông rồi, người nông phu sợ cỏ làm hư lúa nên nhổ sạch gốc rễ, vứt ra khỏi ruộng. Bí-sô phá giới làm việc không nên làm cũng vậy, ỷ vào các thế lực bạch y,... ở trong Tăng chúng, oai nghi, hình tướng giống như Tăng nhưng làm tổn hại thanh danh chúng Tăng, cho đến lúc thiện thần chưa phát giác ra, ở giữa Tăng chúng tướng tội thô trọng chưa biểu lộ ra thì Tăng chúng nên tạm thời xả trí. Nếu vị ấy ở giữa Tăng chúng, các thiện thần đã phát giác ra, tướng tội thô trọng đã biểu lộ ra thì Tăng chúng nên cùng hòa hợp, y pháp đuổi họ ra khỏi Phật pháp.

Này Ưu-ba-ly! Thí như biển cả không chứa thây chết, chúng đệ tử Thanh văn Tăng của Ta cũng vậy, không cho thây chết Bí-sô làm việc ác phá giới ở chung.

Bấy giờ Ưu-ba-ly lại thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Bí-sô làm việc ác phá giới kia, chúng Tăng hòa hợp đuổi đi rồi nhưng Bí-sô ác kia dùng thế lực tài bảo, hoặc thế lực đa văn, hoặc thế lực biện tài, hoặc dùng các thế lực phương tiện khéo léo làm cho quốc vương, đại thần kia vui vẻ hùa theo việc phá giới phi pháp của họ, lại dùng các thế lực áp bức chúng Tăng để cho Bí-sô phá giới ấy trở lại sống chung với chúng Tăng; bấy giờ Tăng chúng nên làm như thế nào?

Phật dạy:

- Này Ưu-ba-ly! Bấy giờ trong Tăng chúng có Bí-sô trì giới, biết tàm quý, vì giữ giới nên không sân giận mắng chửi Bí-sô phá giới, chỉ nên thưa với quốc vương, đại thần, hoặc sợ sự áp bức không nói được thì nên bỏ chỗ ấy đi đến nơi khác. 

KINH ÐẠI THỪA ÐẠI TẬP ÐỊA TẠNG THẬP LUÂN

Hết quyển thứ ba

 --- o0o ---

Mục Lục

Quyển 01 | Quyển 02 | Quyển 03 | Quyển 04 | Quyển 05

Quyển 06 | Quyển 07 | Quyển 08 | Quyển 09 | Quyển 10

 --- o0o ---

Vi tính: Nguyên Tịnh

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 4-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Ngài Gyalwang Drukpa Hãy chuyển hóa oán ï¾ khoa Mít kho sả ớt món chay quê su 8 vấn đề sức khỏe thường được quan ï¾å cổ Vu Lan nhớ đến mẹ hiền an chay bon vien ngoc quy chet nguoi giá i bạn nhung Những biện pháp đơn giản ngừa cảm 8 3 cua nhung vi bo tat giuacho doi mantra bún Chua Tứ Nguyễn thanh van hien than trong cuoc doi duoi moi Giấc ngủ quan trọng thế nào PHÁP HÒA hỏa Hoa quý vườn nhà Lược sử Nữ tôn giả Cồn làm tăng nguy cơ ung thư vú Đất пѕѓ Dăm Ä Æ Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui lÃ Æ m Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui con nguoi va triet ly nhan sinh dÑi hàn hoẠhàng ngàn ngon nến lung linh tưởng nhớ Làm sao biết chứng hiếu động vung ben trong giao phap cua phat Đi tìm gốc tích vua Lý Thái Tổ kỳ 3 1973 chua linh son dong thuyen ón daklak gdpt chua lien tri tu bat quan trai lan 2 Bất Lần t盻 2016 Học thuyết Vô ngã của Phật giáo và thien vムHoằng