.


 

KINH PHẬT BÁT NÊ HOÀN

Hán dịch:  Tây Tấn, Hà Nội, Sa môn Bạch Pháp Tổ.

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

---o0o---  

 

Quyển hạ

 

Ðức Phật ra khỏi nhà ông Thuần, bảo tôn giả A Nan đến nước Câu Di Na Kiệt, tôn giả A Nan thưa:

-Dạ vâng.

Tôn giả liền cùng các Tỳ kheo tăng từ nước Hoa Thị đi đến nước Cưu Di Na Kiệt. Ðức Phật bảo:

-Ta đang mắc bệnh cần phải ngồi nghỉ.

Ngài gọi tôn giả A Nan, tôn giả A Nan thưa: “Dạ vâng”. Ðức Phật nói:

-Gần chỗ này có một con suối tên là Cưu Ðối. Hãy cầm bát đến đó múc đầy bát nước lại đây. Ta muốn uống nước và rửa mặt.

Tôn giả A Nan liền đến bên suối. Khi ấy có năm trăm cỗ xe đi qua trên dòng nước làm nước rất đục. Tôn giả A Nan liền múc nước đục đem đến, bạch đức Phật:

-Trên dòng nước có đến năm trăm cỗ xe đi qua làm cho nước rất đục, nước này chỉ có thể rửa mặt, rửa chân chứ không thể uống. Ở vùng đó lại có một con suối tên là Ê Liên, nước rất trong, đến đó cũng không xa, con có thể đến đó lấy nước cho Thế Tôn uống.

Ðức Phật liền lấy nước đục để rửa mặt, rửa chân. Bệnh của Ngài có phần thuyên giảm. Bấy giờ có đại thần tên là Bào Kế, người của nước Hoa Thị, cùng đi trên đường, từ xa trông thấy oai thần của đức Phật, hình mạo đoan chánh, Ngài ngồi một cách an tịnh. Ðại thần Bào Kế đến trước đức Phật đảnh lễ rồi ngồi xuống. Ðức Phật nói kinh cho ông nghe và ông rơi lệ khóc lóc. Ðức Phật dạy:

-Tại sao những Tỳ kheo vì ông hoặc nói kinh cho ông nghe mà ông lại khóc?

Bào Kế thưa:

-Có một người tên là La Ca Diêm tụng kinh cho con nghe, khi ấy nước mắt con tuôn trào.

Ðức Phật hỏi:

-Ông ta tụng kinh gì?

Bào Kế thưa:

-La Ca Diêm ngồi dưới gốc cây, tự suy tư về thân thể. Lúc ấy có năm trăm cỗ xe đi qua. Không lâu sau đó có một người đến hỏi: “Vừa rồi có năm trăm cỗ xe chạy qua, ngài không nghe tiếng động sao?”. Ðáp rằng: “Ta không nghe”. Người ấy nói: “Gần ngay nơi đây, tiếng xe ầm ầm như vậy, sao lại không nghe?”. Ðáp rằng: “Không nghe”. Người ấy nói: “Khi đó Tỳ kheo ngủ à?”. Ðáp rằng: “Không ngủ”. Người ấy nói: “Vậy sao lại không nghe tiếng xe chạy?”. Ðáp rằng: “Ta đang nghĩ đến đạo, tự tư duy về năm tạng trong thân thể”. Kẻ ấy nói: “Xe chạy qua như vậy mà lại không nghe tiếng xe !”.

Bào Kế thưa rằng:

-Con đi nửa đường thì gặp một người đã thuyết pháp cho con nghe. Ðó là Tỳ kheo Ca La Diêm, người giữ đạo thâm sâu, không nghe tiếng ầm ầm của năm trăm cỗ xe chạy qua. Do đó con cảm phục nên khóc.

Ðức Phật nói với Bào Kế:

-Tiếng năm trăm cỗ xe chạy so với tiếng sấm sét, tiếng nào lớn hơn?

Bào Kế thưa:

-Cho dù có ngàn cỗ xe chạy, tiếng động vẫn không bằng tiếng sấm sét.

Ðức Phật bảo Bào Kế:

-Ngày trước ta ở tại xóm Ưu Ðàm, ngồi tư duy về nguồn gốc sanh tử của thiên hạ. Bấy giờ trời đang mưa ào ào, sấm sét vang rền dữ dội làm chết hết bốn con trâu và hai anh em người đi cày. Khi ấy thiên hạ xúm lại để xem, có một người đi đến chỗ ta, tới phía trước đảnh lễ, ta hỏi: “Người ta làm gì mà tụ tập đông quá vậy?”. Người ấy thưa: “Vừa rồi sấm sét giết chết bốn con trâu và anh em người đi cày, tại sao Phật không nghe hay là Phật ngủ chăng?”. Ðức Phật trả lời: “Ta không ngủ. Ta đang ngồi tư duy về đạo”. Người ấy nói: “Ðạo của Phật sâu xa như vậy, tuy Ngài không ngủ mà vẫn không nghe tiếng sấm sét vang rền dữ dội là do Ngài suy tư về đạo một cách sâu xa”. Người đó cũng rơi lệ.

Ðại thần Bào Kế thưa: -Ðạo của Phật sâu xa như vậy, từ nay về sau con xin thọ trì kinh giới của Phật.

Bào Kế liền gọi tùy tùng đến, bảo họ trở về lấy vàng ròng dệt thành tấm giạ đem đến để ông dâng cúng đức Phật. Kẻ tùy tùng liền trở về nhà đem tấm giạ vàng đến. Bào Kế dâng lên Phật, thưa rằng:
-Mặc dù con biết đức Phật không dùng thứ này nhưng mong Ngài thương xót mà nhận cho con.

Ðức Phật liền thọ nhận. Bào Kế đảnh lễ Phật rồi đi. Ông đi chưa bao lâu, đức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Hãy mang tấm giạ dệt bằng vàng, có màu sắc vàng rực rỡ lại đây.

Tôn giả A Nan thưa: -Con đã theo hầu Phật trên hai mươi năm chưa hề thấy tấm giạ nào đẹp như vậy.

Ðức Phật nói: -Còn có cái hết sức đẹp.

Tôn giả A Nan thưa: -Sắc mặt của đức Phật ngày hôm nay đẹp như sắc tấm giạ vậy.

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan: -Ðức Phật có hai lần có sắc diện đẹp như vậy. Ðó là lúc đức Phật mới thành đạo, sắc diện đẹp như vậy. Ngày hôm nay vào lúc nửa đêm ta sẽ nhập Niết bàn nên sắc diện cũng lại đẹp như vậy.

Ðức Phật lại bảo tôn giả A Nan: - Hãy đi đến bên dòng suối Ê Liên, ta muốn tắm rửa thân thể.

Tôn giả A Nan thưa: -Dạ vâng.

Ðức Phật cùng tôn giả A Nan đi đến bên dòng suối Ê Liên. Ðức Phật cởi y, tự mình lấy nước để tắm rửa. Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:
-Sáng nay ta thọ trai của con ông Hoa Thị tên là Thuần, rồi vào lúc nửa đêm ta sẽ vào Niết bàn, nói cho ông Thuần biết rằng: đức Phật đã thọ trai nơi nhà của ông rồi, nửa đêm hôm nay Ngài sẽ nhập Niết bàn. Vậy ông hãy nên hoan hỷ. Hãy bảo ông Thuần đừng khóc lóc. Nếu ai cúng cơm cho đức Phật một lần sẽ được năm thứ phước. Ðó là bữa ăn cuối cùng trước khi Ngài Bát Nê hoàn. Vậy ông Thuần sẽ được trường thọ, được đoan chánh, được phú quý, được tôn trọng, được sanh lên trời. Ðức Phật là bậc đáng tôn kính, ai cúng trai phạn cho Ngài một lần là được năm thứ phước này.

Tôn giả A Nan bạch đức Phật:

-Có một Tỳ kheo tên là Chiên Ðàn, tánh tình nóng nảy, ưa chửi mắng, thường tranh cãi với các Tỳ kheo, sau khi Phật Bát Nê hoàn, con gặp các Tỳ kheo như vậy làm sao mà cùng nhau phụng sự kinh giới của Phật?

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Sau khi ta nhập Niết bàn rồi, nếu gặp loại Tỳ kheo như vậy thì hãy đừng quan hệ, các Tỳ kheo hãy đừng nói với kẻ ấy. Như vậy Tỳ kheo Chiên Ðàn sẽ Phải suy tư, ôm lòng xấu hổ, hối hận vì thường tranh cãi với các Tỳ kheo.

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Hãy trải giường cho ta, đầu quay về hướng Bắc. Lưng ta đau nhức dữ dội, ta muốn nằm.

Tôn giả A Nan liền trải giường, đặt gối. Ðức Phật nằm nghỉ, nghiêng hông về phía bên phải, hai chân chồng lên nhau. Ngài nằm suy tư về đạo vô vi. Ðức Phật đang nằm, bảo tôn giả A Nan:

-Ngươi có biết bảy pháp này chăng? Những gì là bảy? 1- Có chí. 2- Hiểu rõ kinh. 3- Siêng tụng kinh. 4- Không ham nằm, ưa thích kinh. 5- Chánh tâm. 6- Tịnh tâm. 7- Thấy trong thân toàn là đồ dơ bẩn. Tỳ kheo có bảy pháp này thì tự biết là mình đã giải thoát khỏi cuộc đời.

Tôn giả A Nan trong lòng nghĩ rằng: “Ðức Phật nằm một các mỏi mệt. Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Trong ý ngươi nghĩ rằng đức Phật nằm một cách mỏi mệt chăng?

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Con người không được giải đãi đối với kinh, không được giải đãi đối với giới. Khi khởi ý muốn làm Phật, được nghe Phật dạy rồi, có thể đạt được.

Bấy giờ có một Tỳ kheo tên Kiếp Tân, đến nói với tôn giả A Nan rằng:

-Tôi muốn hỏi một việc.

Tôn giả A Nan đáp:
-Thánh thể đức Phật bị bất hòa, vậy nên thôi đi.

Ðức Phật từ bên trong biết có Tỳ kheo muốn hỏi chuyện, Ngài bảo tôn giả A Nan:

-Hãy bảo Tỳ kheo ấy vào gặp ta.

Ðức Phật dạy:

-Ngươi muốn hỏi gì cứ hỏi.

Tỳ kheo thưa:
-Ngài đang có bệnh, xin Ngài đừng thuyết kinh nữa.

Ðức Phật nói:
-Có bảy việc, đã nghe hãy thọ trì, khỏi phải thuyết kinh.

Ðức Phật bảo Tỳ kheo:

-Vừa rồi ta mới nằm, A Nan nghĩ rằng đức Phật có ý mệt mỏi, sao lại nằm. Do đó ta ngồi dậy nói về bảy việc.

Tỳ kheo thưa:

-Ðức Phật là bậc tôn quý của trời và người, tại sao Ngài không lên trời để lấy thuốc để trị cho hết bệnh?

Ðức Phật dạy:

-Như ngôi nhà cũ, thời gian lâu đều bị hư nát, quả đất sẽ tiếp tục an ổn. Tâm của Phật thì an ổn như quả đất, còn thân của Ngài thì như ngôi nhà cũ. Tâm ta không bệnh, chỉ có thân ta mới có bệnh mà thôi.

Ðức Phật dạy:

-Hãy lo về bảy sự, lo cho thân mà trì giới.

Tỳ kheo thưa:

-Nay Phật sắp nhập Niết bàn vì thân có bệnh, huống chi là người phàm phu !

Tỳ kheo thưa:

-Loài yếu sanh con, nhờ cha mẹ đút mồi mà được sống. Nay đức Phật bỏ chúng con mà nhập Niết bàn, vậy chúng con biết nương cậy vào ai.

Ðức Thế Tôn bảo:

-Ta đã từng nói rằng: “Có sanh thì có tử. Tỳ kheo nên nhớ việc thọ trì trọng giới của đức Phật”.

Tỳ kheo ấy lui ra. Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Hãy nhanh về Diêm Ha Sa trải giường, đầu quay về hướng Bắc, vào lúc nửa đêm hôm nay ta sẽ nhập Niết bàn.

Tôn giả A Nan tuân lệnh đi đến đó, đặt giường ở trong rừng, đầu quay về hướng Bắc xong, trở về thưa rằng: “Con đã trải giường xong”.

Ðức Phật đứng dậy đi đến Diêm Ha Sa, nằm lên giường, hông nghiêng về phía hữu. Có một Tỳ kheo tên là Ưu Hòa Hoàn, đến trước đức Phật mà đứng. Ðức Phật bảo:

-Không nên đứng phía trước ta !

Tôn giả A Nan bạch Phật:

-Từ khi con đích thân làm thị giả đến nay là hai mươi lăm năm, con chưa từng thấy có Tỳ kheo nào đi thẳng đến trước Phật mà không hỏi ý con.

Ðức Phật bảo:

-Tỳ kheo này chính là chư thiên có oai thần lớn, nghe Phật diệt độ cho nên mới nóng lòng tự mình đến thẳng phía trước, muốn thấy đức Phật.

Tôn giả A Nan thưa:

-Chỉ có vị thiên này biết Phật sắp diệt độ hay lại có các vị thiên khác cùng biết?

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Từ cảnh giới nước Cưu Di Na Kiệt, trong khoảng bốn trăm tám mươi dặm, đầu này nối tiếp đầu kia, không có một kẻ hở, đều là chư thiên. Nghe Phật sắp Niết bàn, họ đều thương xót, khóc lóc mà đi đến đây. Trong đó có vị cào đầu, bứt tóc, xé áo, đứng tim, ngất xỉu, than rằng: “Sao mà buồn quá ! Ðức Phật đã bỏ chúng ta. Ngài đã diệt độ vĩnh viễn ! Sao mà nhanh thế ! Phật là bậc đại sáng suốt, là con mắt của ba cõi, nay Ngài đã nhập Niết bàn, ba cõi thành tối tăm”.

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Ta đã từng nói rằng: “Có sanh thì có tử . Trong trời đất này chẳng có cái gì mà chẳng bại hoại cả. Kẻ ngu si thì cho rằng trời đất này là thường còn, Phật thì cho đó là hư không. Ðất trời có thành có bại, thân này rồi cũng phải bỏ đi, thiện hay ác tùy thuộc vào thân. Cha có điều xấu ác, con không bị tai ương. Con có điều xấu ác, cha không bị tai ương. Mỗi người phải tự thọ lãnh sự sống chết, thiện hay ác, tai ương hay lỗi lầm, tất cả đều tùy thuộc vào mình”.

Tôn giả A Nan bạch Phật:

-Sau khi Phật diệt độ, phương pháp an táng thân thể của Phật phải làm như thế nào?

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Ngươi hãy im lặng, đừng lo, sẽ có các Thệ tâm lý gia cùng nhau lo việc đó.

Tôn giả A Nan thưa:

-Họ làm phương pháp gì để an táng tôn thể của đức Phật?

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Phương pháp tẩn táng như phương pháp tẩn táng của Hoàng đế Phi Hành. Ðức Phật còn hơn thế nữa.

Tôn giả A Nan thưa:

-Phương pháp tẩn táng ấy như thế nào?

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Lấy giạ trắng mới quấn quanh thân, tiếp đến lấy mười trương kiếp ba quấn lên trên giạ trắng, rồi đặt vào trong kim quan bằng bạc, lấy nước hoa rưới lên vải kiếp ba, dùng tất cả loại hương tốt đều để lên trên, lấy củi cây tử, cây chương, cây chiên đàn chất chung quanh kim quan. Lấy lọng che lên kim quan, lấy củi chất trên dưới rồi trà tỳ (đốt). Trà tỳ xong thu lấy xá lợi, dựng tháp, treo phan tại ngã tư đường, đặt cái mâm lên trên, trống nhạc, hoa hương, đốt đèn cúng dường. Phương pháp tẩn táng của Phi Hành Hoàng đế là như vậy. Cách tẩn táng đức Phật còn hơn thế nữa.

Khi đức Phật nói như vậy, tôn giả A Nan ở phía sau Ngài xót thương khóc lóc, đặt đầu trên góc giường, thưa rằng:

-Ngài diệt độ sao mà nhanh quá ! Ðất trời trở nên tối tăm.

Khắp bốn phương, các Tỳ kheo tăng nghe đức Phật muốn diệt độ đều khóc lóc trở về. Họ nói với nhau: “Sợ không thấy được Phật”. Các tỳ kheo tăng đến nơi, đức Phật hỏi:

-Tỳ kheo A Nan ở đâu?

Thưa rằng:

-Tôn giả A Nan ở gần sau góc giường, cúi đầu mà khóc.

Các Tỳ kheo chảy nước mắt thưa rằng:
-Ðức Thế Tôn diệt độ sao mà nhanh quá !

Ðức Phật dạy:

-Lúc đi trong các thôn xóm, ta vốn có dự cáo rằng: “Khoảng chín mươi ngày trở lại ta sẽ nhập Niết bàn. Bốn chúng đệ tử ở xa vài dặm, tất cả đều trở về”.

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Chớ có buồn rầu. Vì sao vậy? Vì ngươi đã hết lòng hầu Phật trên hai mươi, có tâm từ đối với đức Phật, thân thì cung kính, miệng thì cẩn thận, có lòng đại hiếu đối với Phật. Thị giả của Phật quá khứ cũng như A Nan, thị giả của Phật đương lai cũng như A Nan vậy. Ngươi biết ý Phật, biết lúc nào nên cho Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di yết kiến, lúc nào thì không nên cho. Khi có người cúng dường ẩm thực..., ăn, uống, nằm, đứng, thường hợp với ý của Phật, chưa từng mất oai nghi. Tỳ kheo hay Thệ Tâm nào thích kinh hay không thích kinh, A Nan nói ra đều chân thật. A Nan hết sức hiếu thuận đối với Phật, vậy khóc lóc làm gì ?

Ðức Phật bảo các Tỳ kheo: -Hãy lắng nghe Phi Hành Hoàng đế có bốn đức khó làm. Những gì là bốn đức?

-Các Tiểu quốc vương và các Thệ tâm lý gia cùng các lê dân, đến dưới cửa cung vua, Phi Hành Hoàng đế thấy họ, ngài dùng tâm hòa thuận, mềm mại để thuyết giáo, thuyết giảng phương pháp trị nước cho các vua là phải biết tri túc, đừng cầu mong. Còn việc làm của Thệ tâm thì lấy sự thanh tịnh làm trước. Các Lý gia và dân phải đến chỗ Phật miếu để nghe Sa môn giáo hóa sống một các chơn chánh, về nhà phải tu hạnh hiếu thuận, theo chỗ trú tâm, dùng tâm từ ban bố tất cả. Các vua, Thệ tâm lý gia và thứ dân không ai mà không hoan hỷ, họ khen ngợi thánh đế đã làm cảm động chư thiên. Phi Hành Hoàng đế có bốn đức như vậy.

Này A Nan, Tỳ kheo cũng có bốn đức. Nếu có trừ cẩn nam, trừ cẩn nữ, thanh tín sĩ, thanh tín nữ đi đến chỗ tôn giả A Nan để hỏi kinh giới thì tôn giả A Nan có thể quảng diễn trình bày cho họ một cách đầy đủ. Bốn chúng đệ tử chẳng ai chẳng hoan hỷ cáo từ lui ra. Họ trầm trồ khen ngợi. Ðó gọi là đức thứ nhất trong bốn đức của tôn giả A Nan.

Lại có bốn chúng đệ tử không hiểu sự thâm áo của kinh, đi đến chỗ tôn giả A Nan để hỏi chỗ nghi. Tôn giả A Nan giải thích sự nghi kết cho họ, chẳng chỗ nào mà chẳng được khai mở, làm cho người nghe không chán, khi ra về, không ai mà không khen ngợi. Ðó gọi là đức thứ hai trong bốn đức của tôn giả A Nan.

Bốn chúng cao đức nhìn thấy tôn giả A Nan đứng hầu bên trái của đức Phật, chẳng ai mà chẳng trầm trồ khen ngợi. Ðó là đức thứ ba trong bốn đức của tôn giả A Nan.

Ðức Phật thuyết kinh, bất luận nhiều hay ít, tôn giả A Nan đã nghe qua đều biết đọc tụng, truyền trao cho bốn chúng, hoàn toàn không thêm bớt. Ðó là đức thứ tư trong bốn đức của tôn giả A Nan.

Tôn giả A Nan bạch Phật:

-Cách đây không xa có những quốc độ như nước Xá Vệ, nước Sa Chi, nước Ðàn Ba, nước Vương Xá, nước Ba La Nại, nước Duy Da Lê, ở các nước lớn ấy, văn minh nghĩa giáo tròn đầy, mong đức Phật nên đến đó để diệt độ. Sao Ngài lại không đến các nước lớn ấy mà lại ở chỗ một huyện nhỏ, lại là chỗ ngoài thành, một xóm sơ sài, một huyện nhỏ gần biên giới nhập Niết bàn?

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Ðừng bảo đây là một xóm nhỏ. Vì sao như vậy? Vì vào thời xa xưa ở Cưu Di Na Kiệt, vua tên là Cưu Di Việt. Khi ấy trong nước hết sức an lạc, không có các bệnh tật, lúa thóc dồi dào, nhân dân thịnh vượng, trong nhà có con hiếu thảo. Thành ở phía Ðông-Tây dài bốn trăm tám mươi dặm, thành ở Nam-Bắc dài hai trăm tám mươi dặm. Thành có bảy lớp đều dùng ngói nung nhiều lớp ghép lại, dùng vàng ròng bạc trắng, lưu ly, thủy tinh để làm tường thành, cũng dùng bốn loại báu làm ngói lợp lên trên. Thành cao sáu trượng bốn thước, ở bên trên rộng hai trượng bốn thước. Trong thành có cây báu, hoa phát ra ánh sáng năm màu. Ðường đi có ba lối, hai bên đều dùng bốn báu để lót đường, có ngói lợp lên trên, hai bên là nhà cửa để ở, điêu khắc chạm trỗ đẹp đẽ giống như trên cõi trời, có các thứ nhạc, đờn cầm, đờn sắc do nam nữ thuần chất ca ngợi đạo đức, nhạc đạo có mục đích làm lợi ích cho trí tuệ được sáng suốt, làm cho dân chúng không có ưu sầu, sợ sệt, tâm thường hoan hỷ. Trên đầu họ không có trang điểm nhưng hương trí tuệ tỏa khắp. Vị Thánh vương ở đó tên là Ðại Khoái Kiến, hiệu là Phi Hành Hoàng đế, điều khiển binh đội thông minh nhất thế gian, dùng đạo trị dân, nhân dân không trái với vương pháp. Nếu nhân dân muốn phi hành, hễ nghĩ thì thân liền bay đến đó. Nhà vua có bảy báu, tự nhiên sanh ra:

1)      Xe vàng báu bay được.

2)      Voi trắng có thần lực.

3)      Thần mã màu xanh.

4)      Ngọc Minh nguyệt.

5)      Vợ là Ngọc nữ ở trên trời.

6)      Thánh thần chủ báu.

7)      Thánh thần điển binh.

Nhà vua có bốn đức. Lúc còn thơ ấu, lúc làm thái tử, lúc lên ngôi vua, lúc bỏ nước, diệt dục làm Sa môn đều trải qua mỗi thời kỳ là tám vạn bốn ngàn năm. Ðó là đức khó có của vua Ðại Khoái Kiến.

Khi ăn uống thì tiêu hóa, thân thể không có bệnh lâu, lạnh nóng điều hòa, thân ý thường được an vui. Ðó là đức thứ hai của nhà vua.

Dung mạo oai nghiêm, nhan sắc tuyệt thế, chỉ thấp hơn Ðế Thích một chút, vua cho là không bằng. Ðó là đức thứ ba của nhà vua.

Thống lãnh nhân dân khắp cõi trời, từ lớn chí nhỏ không ai mà không từ ái nhà vua, giống như người con chí hiếu mong cho thân quyến được an lạc. Nhà vua cũng đem tâm thương yêu, từ ái chúng sanh, xem tất cả như con đẻ. Nếu ai nghèo thì vua cho tiền của, đói thì cho ăn, khát thì cho uống. Già mà khốn cùng, nhỏ mà cô quạnh đều khiến cho ở chung như là thân bằng, như là thân thích. Dùng nhà cửa, xe cộ cứu tế khẩn cấp để tất cả được an lạc. Ðó là đức thứ tư của nhà vua.

Trong nước thường nghe mười hai loại âm thanh, đó là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng trâu, tiếng xe, tiếng loa, tiếng trống, tiếng múa, tiếng ca, tiếng nhạc, tiếng ca tụng nhân nghĩa, tiếng khen Phật là bậc tôn quý. Nhân dân trang sức bằng các thứ châu báu dệt thành như tạp châu Minh nguyệt, anh lạc chiếu sáng, ăn uống ca nhạc giống như cõi trời Ðao Lợi. Dân chúng hoan lạc, chẳng ngày nào mà chẳng vui sướng.

Lúc nhà vua muốn đi du ngoạn, bảo vị thần ngự xa, thần ấy tên là Tu Ðạt. Nhà vua bảo rằng:

-Hãy chạy xe từ từ ! Lâu rồi mà ta không gặp các Thệ tâm lý gia, nay ta muốn gặp họ.

Các Thệ tâm lý gia nghe nhà vua đang đi, người có đeo ngọc Minh châu, bạch ngọc, bích ngọc, thanh ngọc, san hô, đàn hương, danh hương, liền đem dâng cho thành vương. Nhà vua không muốn nhận nhưng những người ấy đều cúi đầu cầu khẩn, do đó nhà vua mới nhận. Vua ra lệnh cho thần coi về kho báu trả giá gấp đôi nhưng vật đó cho nhân dân. Dân chúng lớn nhỏ đều dùng các thứ hương hoa báu rải trên mặt đất, chúc vua sống lâu vô lượng.

Các Tiểu vương có đến tám vạn bốn ngàn người, nghe Phi Hành Hoàng đế muốn bố thí đều đến để phụ giúp. Họ đến đại diện, Hoàng đế muốn cùng các vua đều lên chánh điện. Các vua từ chối, thưa rằng:       

-Các nước của chúng thần đều có cung điện báu.

Hoàng đế nói:

-Cung điện nhỏ của các ngươi không có gì đáng để nói. Hãy xem Minh điện, theo ta mà lên, đừng sợ !

Hoàng đế có chiếc xe báu và các Tiểu vương cũng vậy, xe cao mười trượng có bốn bánh, từ trên xuống dưới đều làm bằng bảy báu, bên trên thì treo tràng phan màu sắc sáng chói phản chiếu nhau. Xe này do sáu con ngựa kéo, những con ngựa này đều bay được. Ðặc biệt có một chiếc xe của nhà vua đi do hai con ngựa mình trắng lông mã đen và voi kéo xe. Xe đó gọi là Câu La Kiệt để Thánh đế cỡi. Tám vạn bốn ngàn xe đều dẫn đầu đi đến Minh điện. Tên của Minh điện đó là Ba La Sa Ðàn, ngang dọc bốn mươi dặm, dùng hoàng kim, bạch ngân, lưu ly, thủy tinh làm tường, dùng bốn loại báu làm trụ, lấy ngói vàng ròng, bạch ngân, lưu ly, thủy tinh lợp lên. Có năm mươi tầng tam cấp đều dùng Hoàng kim, bạch ngân, lưu ly, thủy tinh mà làm. Có cầu làm bằng Hoàng kim, bạch ngân, lưu ly, thủy tinh. Có thuyền làm bằng vàng ròng, bạch ngân, lưu ly, thủy tinh. Có trướng làm bằng vàng ròng, bạch ngân, lưu ly, thủy tinh. Trong điện có tám vạn bốn ngàn cái giường, giường làm bằng vàng ròng, bạch ngân, lưu ly, thủy tinh. Có (nệm) dệt bằng vàng ròng, bạch ngân, lưu ly, thủy tinh, nhung đỏ dệt bằng lông thú, tất cả đều dùng để trải lên giường. Còn nệm gối trên giường thì do những tay nghề trên cõi trời dệt thành.

Này A Nan, tường vách quanh cung điện có bốn lớp: tường bằng vàng ròng, tường bằng bạch ngân, tường bằng lưu ly, tường bằng thủy tinh. Ao tắm được làm bằng bốn thứ báu, chu vi bốn mươi dặm. Hễ ao bằng vàng ròng thì cấp bằng bạch ngân. Hễ ao bằng bạch ngân thì cấp bằng vàng ròng. Hễ ao bằng lưu ly thì cấp bằng thủy tinh. Hễ ao bằng thủy tinh thì cấp bằng lưu ly. Trong ao tự nhiên sanh hoa sen có bốn màu: hoa sen màu xanh, hồng, tía, trắng thường nở trong ao suốt mùa hè. Bên ngoài thì có cây hoa tỏa hương thơm ngát. Phía dưới cung điện có bốn con đường, đều dùng bốn báu để làm lan can hai bên đường đi, mỗi lan can dài hai mươi dặm. Trước cấp bậc của cung điện có bốn cây báu, cây báu cao bốn mươi dặm, bóng cây che phủ mặt đất. Cây bằng vàng ròng thì lá bằng bạch ngân, cấy bằng bạch ngân thì lá bằng vàng ròng, cây bằng lưu ly thì lá bằng thủy tinh, cây bằng thủy tinh thì lá bằng lưu ly. Nhà vua ở dưới cung điện để tự tư duy, không ở trên điện, từ hòa nói với các vua, các vua đều không dám lên điện.

Vua Ðại Khoái Kiến ra lệnh cho cận thần thỉnh các Sa môn, Thệ tâm hiểu kinh trì giới lên điện trước nhất. Trên điện đã dọn đủ thứ đồ ăn mỹ vị, lại còn ban tặng ngọc sáng quý báu. Các Sa môn, Thệ tâm đi rồi nhà vua liền đắm chìm tong tư duy rằng: “Thọ mạng là phi thường”. Ngài cùng một người hầu đồng lên Minh điện, bảo rằng:

-Ta muốn các phu nhân, kỹ nữ, cận thần, các vua hãy lui ra.

Nhà vua ngồi trên giường bằng vàng ròng, chân để trên ghế bằng bạch ngân, tự mình suy niệm một các sâu xa về hành động của sự dâm dật, nào có ích gì cho ta mà người ngu si phần nhiều tham đắm, không biết đó là tai họa. Nay ta tuy thọ đến ba mươi ba vạn sáu ngàn tuổi, nhưng cái gì có thạnh thì sẽ có suy, có hiệp hội thì sẽ có sự chia ly. Thân là loại mục nát rồi trở thành tro bụi mà thôi. Nay bốn điện báu này, ai có thể bảo tồn lâu dài được? Ðối với một thân của ta chỉ cần một cái nhà nhỏ để ở là đủ, cần gì phải dùng đến cung điện bốn mươi dặm và tám vạn bốn ngàn cái giường để làm gì?

Nhà vua từ nơi giường bằng vàng ròng bước đến giường bằng bạch ngân, để chân lên ghế bằng vàng, chỉ suy tư về con người để được thanh khiết cái tâm tham lam, tật đố, sân nhuế, ngu si, tà dâm; vì bốn sự phi thường hủy diệt khiến cho chẳng còn có cái gì tồn tại. Quán thấy thế gian là vô thường, vậy thân ta làm sao mà lâu dài được?

Nhà vua từ giường bằng bạch ngân đi đến giường bằng lưu ly, để chân lên ghế thủy tinh, nói rằng:

-Ngọc nữ ở hậu cung của ta có đến tán vạn bốn ngàn người, ta đều bảo họ lui về, dùng họ chỉ thêm sự trói buộc. Người nữ chứa đầy sự ác, hãy bỏ đi chớ làm ô uế tâm ý.

Nhà vua từ giường lưu ly đến giường thủy tinh đặt chân lên ghế lưu ly, lại tư duy về thiên hạ: “Vạn sự đều xấu ác, chỉ có Vô vi là khoái lạc. Hãy trừ bỏ ý chí ô trược nơi ta, hãy cầu đạo Vô vi. Nay ta tuy làm Hoàng đế Phi Hành hào quý như vậy, nào có ích lợi gì cho thân?”.

Thị giả đến trước thưa rằng:

-Các Ngọc nữ bảo hỏi nhà vua ở trong cung điện sao mà lâu quá, họ đều muốn tiến tới trước để bái yết nhà vua.

Vua bảo thị giả rằng:

-Hãy ra lệnh cho vị thần Chưởng Bảo, khiến các phu nhân ai về nhà nấy, hãy mang trong người các thứ trân bảo danh tiếng tùy theo ý muốn. Còn các vua, quần thần, ngựa trời, voi báu, hãy bảo lui ra.

Vua Ðại Khoái Kiến nhìn liền lên Cao Quán, từ xa nghe thấy các thứ âm thanh “than trời, trách đất”. Vua hỏi: -Tiếng gì đó?

Thị giả thưa:

-Ðó là tiếng của Thiên Ngọc nữ, các vua, quần thần ngã nhào xuống đất, khóc lóc kêu trời, voi báu, ngựa trời đều kêu gào rơi lệ. Tất cả đều luyến mộ thiên vương, chẳng ai mà chẳng ngã quỵ.

Vua bảo:

-Hãy đem cái ghế nhỏ lại đây, đặt ở dưới điện, mời Ngọc nữ báu, các vua, quan liêu, các xe voi, ngựa báu và kẻ hầu. Ðệ nhất Hoàng hậu ngồi một bên nhà vua.

Vua lại bảo các thể nữ khả ái hầu các phu nhân. Hoàng hậu giơ tay chỉ các nữ báu nói rằng:

-Dung nhan của thiên nữ sáng rực thế gian, thân mặc y phục của trời, thế gian thật hiếm có, mong ngài hãy lưu tâm chút xíu để trang nghiêm tâm ý. Có voi báu, ngựa trời, ngựa tên là Hằng Thanh, Bạch Châu, Dạ Quang; các báu anh lạc, các quan quốc to lớn, các vua bốn phương họ đều có thánh nhân sáng suốt, kính thờ tôn xưng là vua, hiếu thuận, hiền từ, trung hậu, ái mộ thiên vương.

Vua Khoái Kiến bảo rằng:

-Ta đời đời vốn có tâm từ bi. Ðối với người nữ trong thiên hạ, họ cùng ganh ghét nhau, gây tai ương xấu ác, lưu chuyển, làm ảnh hưởng lâu dài đến thân vua, chỉ có đó là tai họa lớn, ta muốn xa lìa chúng. Từ nay về sau nếu gặp các người nữ thì ta coi như là em gái của ta mà thôi.

Các phu nhân đồng than khóc, thưa rằng:

-Tại sao đang lúc còn sống mà lại nỡ xa lìa chúng tôi mà đi?

Tất cả đều vứt bỏ đồ trang sức nơi thân ngã nhào xuống đất. Hoàng hậu thì ngất xỉu, một lòng thương khóc kêu trời rằng:

-Này Thiên vương, vậy chúng tôi biết nương tựa vào ai?

Vua bảo:

-Mạng người rất ngắn, nhưng sự lo buồn lại nhiều. Thân là vật hư nát, chẳng biết chết lúc nào. Từ nay ta giữ tâm, sùng cái đức của Sa môn, xa lìa những người nữ thân hiền, chỉ có đạo là tôn quý, tự lo tu thân không thể lo chuyện khác được.

Ngài bảo các Tiểu vương rằng:

-Mạng người ngắn ngủi nhưng sự lo buồn thì dài, hãy tự thương thân mình, không sanh thì không tử. Hãy giữ tâm hạnh chơn chánh, hãy từ ái hiếu thuận, sự vinh hoa khó mà bảo tồn lâu dài được.

Các Tiểu vương cúi đầu, chí thành thưa rằng:

-Các nước ở tứ thiên đều trông cậy vào Thiên vương. Thường nghe các Thánh khen (than thở) cuộc đất này, không thể ví dụ được. Vua và quần thần đâu chẳng phải là thần thánh mà trân bảo của đất nước này nhiều thí như ở trên trời. Vậy Thiên vương càng nên thương xót chúng dân mà chấm dứt thánh ý đó đi !

Nhà vua bảo các Tiểu vương:

-Tuổi thọ con người rất ngắn, mà nỗi lo lắng của người đời thì lại nhiều, hãy tự lo cho thân mình, mạng người chỉ trong hơi thở. Hễ không sanh thì không tử, hãy bỏ hành vi tham dâm, uế trược đi !

Nhà vua đứng dậy đi lên cung điện, ngồi trên giường bằng vàng ròng, giữ tâm tư bi rộng lớn hướng về các phu nhơn, quần thần, các Tiểu vương, nhân dân, voi, ngựa, mọi loài cần khổ trong mười phương, dùng tâm từ bi mà thương xót họ, muốn làm cho họ biết Phật. Rồi Ngài từ giường bằng vàng đi đến cái giường bằng bạc, suy tư về đạo Vô vi. Tứ giường bằng bạc ngài đi đến cái giường bằng lưu ly, suy tư về hạnh từ bi thương xót để cứu vớt chúng sanh. Từ giường lưu ly, ngài lại đi đến giường thủy tinh, suy tư về hạnh đại hiếu, muốn cứu độ những người thân trong vô số kiếp. Tự mình suy tư về năm tạng, cửu không trong con người là dơ nhớp. Nhà vua bảo: -Ngày xưa ta đã từng mắc một chứng bệnh như có sợi dây bằng tre siết nơi cổ, như dùi gỗ xuyên qua thân. Thân là đồ chứa sự khổ, đâu đủ để làm chỗ nương tựa?

Ðức Phật bảo tôn giả A Nan:

-Hoàng đế Phi Hành Ðại Khoái Kiến ấy chính là thân của ta vậy. Nhà vua sau khi mãn tuổi thọ thì sanh lên trời Phạm thiên. Ai mà biết thân của Phật làm Phi Hành Hoàng đế, tu hành chánh pháp? Ngài lại có bốn đức, thất bảo tự nhiên. Từ cảnh giới của Cưu Di Na Kiệt bề dài bốn trăm tám mươi dặm, bề rộng hai trăm tám mươi dặm, đến ở trong thành này. Trước đây ta từng đem bảy cái thân của mình an trí trong cuộc đất này. Nay ta đã đoạn được tâm mong cầu, nhờ cái định không, vô tướng cắt đứt nguồn gốc sanh tử. Từ nay về sau ta không còn thọ thân nữa.

Này A Nan, ngươi hãy vào thành báo cho dân chúng biết rằng: -Từ nay về sau ta không còn thọ thân nữa.

Này A Nan, ngươi hãy vào thành báo cho dân chúng biết rằng: -Hôm nay vào lúc nửa đêm Như Lai sẽ nhập Bát Nê hoàn. Nếu ai có điều gì nghi ngờ hãy gấp đi đến để đức Phật quyết nghi cho, đừng để sau này phải hối hận, ôm một mối hận triền miên.

Ðức Phật ở tại một xóm nhỏ, trái với lệ thường, tôn giả A Nan như lời Phật dạy báo cho dân chúng biết. Dân chúng ngạc nhiên, thưa rằng:

-Ðức Phật do duyên gì mà ở tại một xóm làng nhỏ để diệt độ?

Dân chúng đều ngã nhào xuống đất, đập đầu cào má, đấm ngực, đánh vào mặt, bứt râu, xé áo, dậm chân dưới đất khóc lóc thảm thiết, bảo rằng: “Vì sao như vậy?”.

Nhà vua ở nước đó nghe tiếng than khóc, ngạc nhiên hỏi:

-Vì sao ở đây có sự than khóc?

Nhà vua bảo cận thần ra ngoài hỏi thử vì sao có sự than khóc? Dân chúng nức nở, nghẹn ngào thưa rằng:

-Tôn giả A Nan bảo rằng: “Ðức Phật sắp diệt độ, ai còn nghi ngờ điều gì hãy đến để thưa hỏi”. Do đó mà chúng tôi than khóc.

Thần trở về tâu với vua:

-Tôn giả A Nan bảo các dân chúng là đức Phật sắp nhập Niết bàn, hãy đến để hỏi những chỗ nghi ngờ. Do đó nên họ khóc.

Nhà vua liền gọi thái tử A Thần, ra lệnh rằng:

-Ngươi hãy đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân Ngài, cung kính thăm hỏi tin tức. Lại cúi đầu thỉnh nguyện đức Thế Tôn hãy ở trên chánh điện mà nhập đạo Niết bàn, chớ đừng ở nơi xóm nhỏ hẹp này mà nhập Niết bàn. Thái tử thưa rằng: -Nếu đức Thế Tôn không đồng ý thì làm sao?

Vua bảo: -Hãy thọ giáo và trở về thật nhanh.

Thái tử đi đến chỗ đức Phật, tôn giả A Nan bạch với đức Phật: -Quốc vương nước Cưu Di bảo thái tử đến, con chưa dám cho vào.

Ðức Phật bảo : -Hãy cho vào.

Thái tử vào, năm vóc gieo xuống đất, cúi lạy dưới chân đức Phật rồi qùy dài thưa rằng: -Nhà vua bảo con đến cúi đầu lạy dưới chân Phật, cung kính hỏi thăm tin tức của Ngài. Chúng sanh bị đắm chìm nơi hang thẳm, chỉ có đức Phật mới cứu vớt được. Nay Ngài sắp diệt độ, sao mà nhanh quá ! Ngài nên ở trong hoàng cung mà nhập Niết bàn, chớ nên ở nơi xóm nhỏ.

Ðức Phật bảo A Thần: -Cám ơn phụ vương của ngươi. Ta đã từng nói: “Ngày trước ta là Hoàng đế Phi Hành, là vị Thánh đế cuối cùng, tên đại khoái kiến. Ta đã dùng bảy lần chôn thân nơi đây. Lần này nữa là thứ tám. Nay ta đã thành đạo, không còn thọ thân nữa để chôn trong đất. Cám ơn phụ vương của ngươi, cảm phiền Thái tử.

Thái tử trở về cung một cách im lặng. Thái tử ra mắt nhà vua, trình bày đầu đuôi gốc ngọn, nhà vua kinh ngạc, khóc chảy nước mắt, ra lệnh cho dân trong nước tuân lệnh quốc gia hãy đến để thọ Minh pháp của Phật. Nhà vua bảo người định giờ để đến chỗ đức Phật . vua cùng đông đủ mười bốn vạn người đều đứng ở bên ngoài. Nhà vua thưa với tôn giả A Nan: -Tôi cùng mười bốn vạn dân muốn đến thọ giới của Phật.

Tôn giả A Nan hướng về đức Phật trình bày đầy đủ ý của vua. Ðức thế Tôn liền bảo: -Thật tội nghiệp cho vua và nhân dân.

Tôn giả A Nan thưa: -Có thể bảo nhà vua vào chăng?

Ðức Phật đáp: -Không nên, ta sẽ tương kiến.

Nhà vua cùng các hiền giả cao đức trong nước đồng bước lên, họ đều lấy đầu mặt lạy dưới chân đức Phật rồi chấp tay mà đứng. Khi ấy ở trước đức Phật tối om, chẳng có dầu đèn chi cả. Ðức Phật phóng luồng hào quang giữa đảnh của Ngài, hào quang chiếu sáng đến hai ngàn dặm. Ðức Phật cám ơn nhà vua và thần dân của ngài khổ cực đến đây. Nhà vua lạy đức Phật và thưa rằng: -Ðức Phật có những giới gì để chúng con phụng hành?

Ðức Phật bảo: -Ta bảo sứ giả rằng: Phật đã thuyết kinh bốn mươi chín năm, quốc vương và chư hiền đều tự chấp hành. Nhà vua hãy trở về cung điện, vào lúc nửa đêm hôm nay ta sẽ nhập Niết bàn. Nhà vua và thần dân không được khóc lóc thương tiếc.

Ðức Phật bảo nhà vua:-Ta nghe rằng: có sanh tất phải có suy tán, khóc lóc để làm gì? Hãy dằn lòng mình xuống, sống nếp sống cõi trời, xa điều ác, tự thương thân mình, siêng năng tu điều đức, thân cận người hiền. Việc gì xảy đến hay suy nghĩ kỹ, đừng có tàn bạo. Mạng người khó được, phải thương yêu muôn họ. Kẻ thông minh thì quý trọng, kẻ ngu si thì ân xá. Thế gian có nhiều điều tà vạy, hãy tự thương mình, hãy tự mừng cho mình.

Nhà vua và các hiền giả đều thối lui.

Nhà vua đi các đức Phật năm dặm thì cho binh lính dừng lại.

Ơû trong nước có vị cao tuổi tên là Tu Bạt, đã một trăm hai mươi tuổi. Bấy giờ ở trong thành, đêm nằm trong giấc ngủ thấy hào quang của Phật chiếu sáng cả thành, trong nhà không có một người, ông liền đi ra khỏi thành đi nhanh về chỗ đức Phật, hướng về chỗ tôn giả A Nan thưa rằng:

-Vì tôi mới được nghe, tôi có tâm nghi đối với đức Thế Tôn.

Tôn giả A Nan đáp: -Ðã gần nửa đêm, Phật sắp Niết bàn, chớ làm phiền nhiễu Ngài.

Tu Bạt thưa lại: -Vậy tôi không thể được nghe chăng? Tôi nghe vô số đời mới có một đức Phật mà thôi. Nay tôi đến đây để thưa hỏi chỗ nghi ngờ mà ngài lại không cho. Chỗ nghi ngờ của tôi chỉ có đức Phật mới giải thích được, ngoài ra thì không ai có thể giải thích được.

Tôn giả A Nan bảo: -Thôi đi , không nên hỏi.

Ðức Phật biết Tu Bạt ở bên ngoài muốn hỏi chỗ nghi ngờ, Ngài hỏi tôn giả A Nan rằng: -Sao lại không cho Tu Bạt vào để hỏi chỗ nghi ngờ?

Tôn giả A Nan thưa: - Con thấy đã gần nửa đêm, Phật sắp diệt độ, con sợ ông ta vào nói năng làm phiền nhiễu Phật. Nay Ngài sắp xả bỏ tam hữu dục giới nhập vào đạo Vô vi.

Ðức Phật dạy: -Hãy để cho Tu Bạt vào.

Tôn giả liền đưa Tu Bạt vào. Tu Bạt được vào trong lòng sung sướng, toàn thân lay động, đến trước đức Phật, đầu mặt lạy dưới chân Ngài. Ðức Phật thấy Tu Bạt tuổi cao, hơi thở yếu ớt, Ngài chỉ ghế bảo ngồi. Ðức Phật hỏi Tu Bạt: - Ông có những nghi ngờ gì ?

Thưa rằng: -Ðức Phật là trời giữa trời trong tam giới, thần thánh không thể lường được. Ngài là bậc chí tôn độc nhất đã khai hóa dẫn dắt bốn mươi chín năm, Tiên thánh, Phạm vương, Ðế Thích chẳng ai mà chẳng cúi lạy. Con có tám người đồng chí hướng, đó là Cố Quy Thị, Vô Tiên Thị, Chí Hành Thị, Bạch Lộ Tử Thị, Diên Thọ Thị, Kế Kim Phàn Thị, Ða Tích Nguyện Thị và Ni Kiền Tử. Ðó là tám người trí tuệ, không cần ánh sáng đom đóm, ngọn đèn mà đời sống vẫn phơi phới râu tóc mượt mà nhưng trong lòng chứa ba độc, bên ngoài thì chạy theo dục lạc, ngồi lại thì nói chuyện hư ngụy, dối viết sách vở nói điều không thật, không đưa đến sự chánh đạo, vậy đó là duyên gì?

Ðức Phật bảo Tu Bạt: -Ý kinh của họ chống trái với kinh Phật, đó là con đường sanh tử. Họ là kẻ mong cầu phú quý. Chí của đạo ta thì dứt cầu, niệm Không, không mong cầu sự vinh hoa của thế gian, vô vi đạm bạc, lấy điều ấy làm vui.

Tu Bạt thưa rằng: -Sao gọi là đạo Vô vi?

Ðức Phật dạy: -Diệt hữu trở về cội nguồn, không còn sanh tử nữa, đó là vô vi. Chí thú của những người ấy đều có tám thứ ác. Những gì là tám? Ðó là:

·     Tế thờ quỷ thần, bói quẻ, giết bừa, đó là một.

·     Ðối với những người trong gia đình thì tham lam keo kiết, không phụng thờ đạo hiếu, tham ái đủ thứ một cách tà vạy mà dục vọng vẫn chưa dừng. Ðó là thứ hai.

·     Nói hai lưỡi, nói lời ác độc, mắng nhiếc, nói dối, nói thêu dệt, chưa từng trình bày điều thiện, khiến cho kẻ ngu si bỏ điều ác. Ðó là thứ ba.

·     Sát sanh, trộm cắp, dâm dật. Ðó là thứ tư.

·     Thường ôm lòng phẫn nộ, bất hiếu với cha mẹ, khinh mạn anh em, vợ con, dòng họ, tâm tà vạy làm điều ô uế, không khéo giáo hóa, dẫn dắt, thường tự kiêu, tự đại muốn cho người ta sợ mình, kính mình. Ðó là thứ năm.

·     Ngày đêm ôm lòng tà, không sợ pháp luật, khinh mạn bậc hiền giả, tôn quý kẻ ô trược, xa lìa người chơn chánh, giao thiệp với người ác. Ðó là thứ sáu.

·     Nghe nói có bậc hiền trí, Sa môn, Phạm chí hiểu kinh, do dự hoài nghi, ghen ghét, tật đố, hủy báng một cách hư ngụy. Ðó là thứ bảy.

·     Không tôn kính tiên tổ và hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, không tôn sùng kẻ hiền minh mà lại còn làm kẻ phản tặc, hủy bỏ điều nhơn từ chơn chánh, mê muội bị chạy theo dòng thế tục uế trược, đáng xấu hổ. Ðó là tám điều ác.

Nếu nói rõ ra rằng: -Ðức Thế Tôn thuyết kinh bốn mươi chín năm, có tám người không đến để mong giáo hóa. Họ là những người ôm giữ tám điều ác này, há lại thích được giáo hóa thanh tịnh sao? Nếu họ có chính thức đến thì Phật cũng không thọ nhận. Này Tu Bạt, nếu tâm có tám điều ác này thì chớ có hỏi Phật. Nếu giữ tám giới này có thể chứng được Cấu Hạng, Tần Lai, Bất Hoàn, Ứng Chơn. Thực hành tám giới này thì tâm mình phải chơn chánh, đó mới là Phật tử. Nếu có kẻ phàm phu chuyên làm thầy dẫn đường, đứng đầu việc giáo hóa mà vi phạm giới này đều là kẻ yêu tinh, trùng độc, hãy nên xa lánh từ bỏ đi, cẩn thận chớ nghe lời dụ dỗ.

Ðức Thế Tôn bảo: -Nay ta đối với trong tam giới, nói một mình, đi một mình, chẳng có bạn bè, nếu có điều nghi cứ hỏi, đừng ngại.

Tu Bạt cúi đầu qùy dài, bạch rằng: -Ðúng như đức Phật nói: mấy người đã quên thân mình, rớt vào nơi ngu si, cuồng loạn.

Ðức Thế Tôn lại nói: -Ngươi đã hiểu tám giới này chưa?

Thưa rằng: -Ðã hiểu.

Ông lại cúi đầu thưa rằng: -Con muốn từ bỏ cái chí hạ tiện của mình mà chấp hành sự thanh tịnh của Sa môn.

Ðức Thế Tôn lại nói: -Ngươi có thành tâm chăng?

Thưa rằng: -Mong Phật rũ lòng thương xót, cho con được làm Sa môn.

Râu tóc Tu Bạt tự rụng xuống đất, mình đắp ca sa, tâm siêng năng suy tư về điều Phật dạy, bỗng nhiên không còn suy nghĩ gì hết, nhất tâm thanh tịnh, giống như hạt ngọc Minh nguyệt, liền được đạo Ứng Chơn (A la hán). Ông lại tự suy nghĩ:

-Ta không nên để thầy ta nhập Niết bàn trước.

Ngay khi đó ông nhập Niết bàn ở trước đức Phật.

Ðức Phật gọi Tỳ kheo vào báo rằng: -Sau khi ta diệt độ, nếu có người thế tục bỏ nhà, trừ sự ô uế, muốn làm Sa môn, gia nhập vào trong Tỳ kheo tăng, trước hết phải thử thách ba tháng để biết hành vi của kẻ ấy cao hay thấp. Ở thế gian có bốn loại người:

1.     Bần cùng không thể tự sinh sống được, nên muốn làm Tỳ kheo.

2.     Một hạng mắc nợ không thể nào trả được cho nên muốn làm Tỳ kheo.

3.     Một hạng đang ở quân đội, nhưng lúc đó không cần thiết nữa, cho nên muốn làm Tỳ kheo.

4.     Một hạng cao sĩ thực hành thanh tịnh không ô uế, nghe rằng trong vô số đời mới có một đức Phật, kẻ này xem kinh điển Phật vui mừng hớn hở, tâm đã thức tỉnh, bỏ nhà, bỏ dục, không ham sự vinh hoa của thế gian, đế để làm Tỳ kheo.

Sau khi ta nhập Niết bàn rồi, hễ có người đến (xin tu) hãy xem chí thú của người ấy, nhìn lúc ngồi, lúc đứng, để ý lời nói, quán sát lúc đi bộ, biết được hành động kẻ ấy hướng về thiện hay ác, dụng tâm cầu đạo có thích tinh tấn không? Thẩm sát ba tháng, nếu thấy kẻ ấy chí cao, hạnh thanh tịnh, có thể thưa chúng cho làm Tỳ kheo. Thân đã làm Tỳ kheo rồi phải chọn bậc kỳ cựu giỏi pháp luật để làm thầy. Thọ trì 10 giới, tôn thờ giới trong ba năm, siêng năng không giải đãi, các hiền giả đều có thể chấp nhận trao cho vị ấy 250 giới, 10 giới là căn bản, 240 giới là lễ nghi. Nếu ở đời hậu thế mà thi hành pháp này thì trời thần địa kỳ chẳng ai mà chẳng cung kính, hoan hỷ. Giới pháp của Phật nói ra các TỲ kheo phải suy tư thật kỹ, đừng để Phật nhập Niết bàn rồi lười biếng, chống lại pháp luật. Những việc làm của đức Phật các đệ tử phải suy tư, kẻ lớn người nhỏ kính nhường lẫn nhau, không được bất hiếu. Nếu ai không muốn đắc đạo, ưa thích sự tôn vinh thì nên đọc kinh này. Ai muốn cầu sống lâu, muốn sanh lên trời hãy đọc kinh này. Chủ yếu quan trọng nhất của đức Phật là hướng về đạo Vô vi. Sau khi ta Nê hoàn rồi, đừng để vì Phật mất rồi mà nói là không có chỗ nương tựa nữa. Hãy nương tựa vào giới kinh. Sau khi ta Nê hoàn rồi, hãy cùng nhau truyền tụng xem kinh, thờ giới, giữ 250 giới, hãy thay nhau mà cung kính phụng trì, giống như con hiếu thảo phụng sự cha mẹ vậy. Những Tỳ kheo kỳ cựu phải dạy cho kẻ hậu học, giống như lúc ta còn tại thế vậy. Kẻ Tỳ kheo hậu tấn nếu có tật bệnh thì các Tỳ kheo kỳ cựu phải lưu tâm săn sóc, thăm hỏi tin tức. Người hiểu giáo lý, đọc giáo lý, hãy dạy bảo rõ ràng để hòa thuận, thọ trì giới của Phật, để đạo của ta có thể được lâu dài.

Sau khi ta Nê hoàn rồi, con của hiền giả, vợ của hiền giả, sau khi tìm tòi nhớ nghĩ: “Ðời của ta có Phật, có kinh điển vi diệu, đức Phật ở thế gian vừa mới nhập Niết bàn, chúng ta đều có lòng chí hiếu đối với đức Phật, có tâm từ đối với kinh, cho đến lúc mạng chung tất cả đều được sanh lên trời”. Các ngươi đừng để sau khi ta mất rồi mà không phụng hành kinh giới. Cẩn thận chớ có giải đãi, ngạo mạn.

Này các Tỳ kheo, các ngươi hãy nhìn cho kỹ nhan sắc của Phật, Phật không dễ gặp được. Sau này mười lăm ức bảy ngàn, sáu mươi vạn năm mới có Phật ra đời lại. Ở đời khó gặp Phật, kinh pháp khó được nghe, chúng tăng khó được gặp, chỉ có Phật là khó thấy.

Trong cõi Diêm Phù Ðề có Tôn Thọ Vương tên là Ưu Ðàm Bát, có quả không hoa. Cây Ưu Ðàm Bát hễ có hoa vàng thì thế gian mới có Phật. Ngay bây giờ ta sẽ Bát Nê hoàn, các ngươi đối với kinh nếu có điều nghi kết gì thì đang lúc Phật còn tại thế Ngài sẽ giải nghi cho. Nay không chịu mở những nghi kết, về sau sẽ thêm tranh chấp, ngạo mạn. Ðang lúc ta còn hãy mau mau hỏi những chỗ nghi đi.

Bấy giờ tôn giả A Nan ở sau đức Phật, cúi đầu thưa rằng:
-Từ lúc đức Phật giáo hóa đến nay, các Tỳ kheo tăng không có nghi kết gì cả. Ðệ tử tự nói: “Chúng con không có nghi ngờ gì đối với đấng Thiên trung thiên”.

Ðức Phật bảo Tỳ kheo: -Ðã gần nửa đêm, chớ gây tiếng động.

Ðức Phật liền đứng dạy, ngồi thẳng, suy tư một các sâu xa về nguồn đạo, bỏ thiện ác này, gồm cả ba cõi. Ta nay tuổi đã bảy mươi chín rồi, chỉ đoạn trừ sanh tử, hố thẳm luân hồi, tư duy quán sát một cách sâu xa, từ Tứ thiên vương, trên đến Bất tưởng nhập, từ Bất tưởng chuyển hoàn trong thân, tự suy trong thân bốn đại xấu ác, chẳng có gì là quý báu.

Ðầu Ngài quay về hướng Bắc, co tay làm gối, nằm nghiêng về hông bên hữu, hai gối chống lên nhau, Ngài liền Bát Nê hoàn. Ðất trời chấn động mạnh, chư thiên rải hương hoa, khóc lóc bi ai, kêu gào thảm thiết: “Ðấng pháp vương đã diệt độ, chúng ta biết nương tựa vào ai?”.

Quốc vương và bốn mươi vạn dân chúng bò lết mà kêu Phật: “Chúng sanh bị suy tổn lớn, làm sao mà đau đớn thế này !”. Hoặc có người chết ngất rồi sau mới tỉnh lại.

Vua Ðế Thích thứ hai bảo chư thiên rằng: “Ðức Phật thường dạy chúng sanh không ai mà không chết, các ngươi hãy nhớ nghĩ đến chơn lý “phi thường - khổ - không, phi thân, đừng có khóc lóc nữa”.

Vị thiên vương thứ bảy cũng hiện xuống bảo rằng: “Hào quang của Phật đã tắt, đức Phật còn phải xả bỏ thân. Các ngươi còn mong gì nữa? Khóc lóc, bò lê như vậy thì được cái gì ?”.

Các Tỳ kheo lăn mình trên mặt đất khóc lóc nói rằng: “Con mắt của ba cõi tại sao tắt nhanh thế? Từ nay về sau thế gian sẽ tăm tối mãi”.

Có người đứng mà khóc, có người nhìn vào xác của đức Phật, trong đó có người suy nghĩ một các sâu xa rằng: “Lúc đức Phật còn tại thế thường dạy “hễ không sanh thì không tử, khóc lóc cho thân đâu có lợi gì cho việc hiểu rõ pháp”.

Có một Tỳ kheo tên là A Na Luật bảo tôn giả A Nan rằng:
-Thôi đi ! Này các Tỳ kheo, không ai bảo các người phải khóc nữa. Hãy thôi đi hỡi vua và thần dân ! Hãy thôi đi chư thiên trên trời, đừng có buồn rầu xúc động nữa.

Tôn giả A Nan thưa rằng: -Hãy nhìn chư thiên trên trời coi thử có bao nhiêu người?

Thưa rằng: -Trong chu vi bốn trăm tám mươi dặm , trước sau tương tùy đều là các vị tôn thiên. Nếu dùng một cây kim nhỏ ném lên trời thì cây kim ấy cũng không có chỗ để rơi xuống đất.

Tôn giả A Na Luật bảo chư thiên đừng khóc, chư thiên đau lòng gấp bội. Tôn giả A Na Luật bảo tôn giả A Nan rằng: - Ðức Phật không bảo chúng ta tẩm liệm Ngài. Ngươi hãy đến báo cho các Thệ tâm lý gia rằng: “Chúng ta có thể tẩm liệm đức Thế Tôn được, nhưng đức Thế Tôn có bảo hãy để các Thệ tâm lý gia khâm liệm và tẩn táng Ngài, đừng để sau này sẽ hối hận”.

Tôn giả A Nan liền đến chỗ các Thệ tâm lý gia nói lên sự việc như vậy. Các Thệ tâm lý gia khóc lóc thưa rằng: -Ðức Thế Tôn diệt độ, chúng con bị cô độc, bậc trí sĩ khóc than, chỉ một lòng hầu hạ đức Thế Tôn. Anh em chúng con năm trăm người sẽ đến chỗ đức vua tâu rằng: “Mong (vua) cho chúng tôi được quyền tẩn táng đức Thế Tôn”.

Nhà vua nói: -Ðức Phật mất rồi, chúng sanh cô độc, hãy giữ tâm hòa thuận, đừng có tranh chấp, hãy dốc hết lòng hiếu thảo. Ðức Phật thương xót các con của Ngài, làm cho tất cả được hưởng phước vô lượng.

Nhà vua nói như vậy, chẳng ai mà chẳng nghẹn ngào nức nở. Lý gia và dân khiêng kim sàng của Phật vào thành vua. Chư thiên dùng bảo cái trang nghiêm che trên giường của đức Phật, tràng phan dẫn đường, hương hoa tạp bảo rơi xuống như tuyết, mười hai loại nhạc đều cùng tấu lên, trời người, rồng quỷ chẳng ai chẳng thương tiếc. Lý gia hỏi rằng: -Lúc tại thế, đức Thế Tôn bảo phương pháp tẩn táng, liệm vào quan tài như thế nào?

Tôn giả A Nan đáp: -Lúc đức Phật còn tại thế bảo rằng: “phải tẩn liệm đức Phật như phương pháp tẩm liệm Hoàng đế Phi Hành. Ðối với đức Phật còn hơn thế nữa.

Lý gia hỏi rằng: -Phương pháp tẩn liệm Hoàng đế như thế nào?

Ðáp rằng: -Dùng giạ mới quấn chặt thân thể, dùng vải kiếp ba mới lại quấn lên trên, rồi để vào trong cái quan tài bằng bạc, dùng hương dầu rảy lên thân, lấy bảo cái che lên trên, dùng hương chiên đàn, củi mật hương, củi cây tử, củi cây chương chất trên và dưới quan tài, bốn mặt cao rộng đều ba mươi trượng, đốt lửa lên để trà tỳ. Mười hai thứ âm nhạc cùng lúc tấu lên, dùng hoa thơm tốt đẹp rải lên trên. Trà tỳ xong, thu lấy xá lợi, loại bỏ tro tàn, dùng nước hoa tốt rửa thật sạch, bỏ trong bát vàng, để bát ấy trên giường bằng vàng, nên để trong cung, trai giới trên điện, xong chín mươi ngày nên để giữa ngã tư đường, dựng tháp, lập đàn tràng, treo tràng phan, hoa hương, âm nhạc (cúng dường). Ðó là phương pháp tẩn tế Phi Hành Hoàng đế vậy. Ðối với đức Phật thì phải hơn thế.

Các Thệ tâm Lý gia rơi nước mắt thưa: -Dạ vâng, chúng con sẽ làm như lời dạy bảo sáng suốt ấy, xin để trong bảy ngày.

Các Lý gia đồng thưa với vua: -Chúng thần muốn khâm liệm thánh thể của Thiên tôn, kính mong vua giáng lâm.

Vua đáp: -Vâng.

Lý gia rước cái giường bằng vàng, kim quan của Phật nằm, trở về từ cửa Tây của thành, để giữa thành trong bảy ngày. Lúc khâm liệm Ngài có đến ba mươi vạn dân chúng. Dân chúng dùng mười hai bộ nhạc tấu lên, ngày đêm thắp đèn sáng trưng, đèn thắp cả thành chu vi mười hai dặm, mỗi bước mỗi bước đều có đèn. Vua Ðế Thích thứ hai đem theo mười vạn dân chúng thiên nhân hạ xuống, mang theo mười hai bộ danh nhạc của trời đi xuống, hoa hương, các báu treo ở không trung, cách mặt đất ba dặm. Chỉ có một mình trời Ðế Thích đi xuống hỏi tôn giả A Na Luật:

-Ðức Phật có ra lệnh gì không?

Tôn giả A Na Luật trình bày đầy đủ những lời đức Phật dạy cho Ðế Thích. Trời Ðế Thích thưa: -Ðã có đầy đủ các báu, kỹ nhạc, hoa hương để tẩn liệm. Tôi muốn được tẩn táng đức Phật, vậy có được chăng?

Ðáp rằng: -Ðể ta hỏi đã.

A Na Luật đem ý của trời Ðế Thích trình bày đầy đủ với tôn giả A Nan. Tôn giả A Nan đáp: -Khi Phật còn tại thế Ngài không có ra lệnh cho chư thiên và vua khâm liệm, Ngài chỉ ra lệnh cho Thệ tâm lý gia tẩn táng thôi. Vậy cám ơn các vị Phạm thiên, Ðế Thích, mong chư vị hiểu rõ ý Phật, nên trở về đem ý của A Nan trình bày đầy đủ cho chư thiên biết.

Chư thiên thưa: -Thượng đế của ta tẩn liệm (đức Phật) một cách chu đáo, há không bằng nhơn gian sao?

Ðáp rằng: -Sao ngài nói vậy? Phải tôn trọng mệnh lệnh của đức Thế Tôn, cẩn thận chớ chống trái.

Thệ tâm lý gia liền thưa: -Chúng con nâng cái giường xá lợi của đức Phật lên muốn đưa vào cửa thành phía Tây, nhưng cái giường vẫn không nâng lên được.

Các Lý gia đồng thưa: -Nếu cái thành không di động, làm sao đưa ra khỏi thành?

Tôn giả A Nan hỏi tôn giả A Na Luật:
-Cái giường vì sao lại không lay động?

Ðáp rằng: -Chư thiên vì muốn được khâm liệm đức Phật cho nên khiến cho cái giường không thể nâng lên được.

Tôn giả A Na Luật nói:

-Ta sẽ lên bảo cho Phạm thích chư thiên biết.

Ngài liền lên bảo cho Phạm thích rằng: -Tôn giả A Nan cám ơn ý muốn tống táng của chư thiên, đó chính là ý của đức Phật.

Phạm thích chư thiên thưa rằng: -Chúng tôi đã mang dụng cụ tống táng đến đây, hãy để cho chúng tôi ở phía hữu của cái giường, còn quốc vương, lê dân thì ở bên tả của cái giường, dùng kỹ nhạc, hoa hương để tiễn đưa đức Thế Tôn được chăng?

Ðáp rằng: -Tôi sẽ trở về báo lại.

Tôn giả A Na Luật trở về, đem ý của trời báo lại đầy đủ cho tôn giả A Nan. Tôn giả A Nan thưa: -Nếu họ muốn khâm liệm thì trước hết là trái với lời dạy của đức Phật, nhưng vì lòng hiếu mà tiễn đưa thì được.

Tôn giả A Na Luật liền báo cho Phạm thích biết lời nói của tôn giả A Nan. Chư thiên đều hoan hỷ, liền hạ xuống phía bên hữu giường vàng của đức Phật. Nhà vua và dân chúng thì đứng phía bên tả của cái giường. Lý gia thưa rằng: -Có thể khiêng giường của đức Phật ra cửa thành phía Tây chăng?

Tôn giả A Nan đáp: -Có thể.

Trời Ðế Thích ở trước, lấy tay nắm phía hữu chân trước của cái giường, Phạm vương nắm phía hữu chân sau của cái giường, tôn giả A Nan nắm chân trước phía tả của cái giường, quốc vương nắm chân sau phía tả của cái giường. Thệ tâm lý gia dùng lụa quấn hai chân trước của cái giường. Trời người cảm động xót thương cùng tiễn đưa kim sàng của đức Phật. Chư thiên, rồng, quỷ thần rải hoa, tạp bảo, danh hương, kỹ nhạc, tràng phan, lọng hoa tất cả đều đi theo sau. Vua và lê dân cũng cúng dường đủ thứ như vậy. Trời người thương tiếc, ca ngợi công đức của đức Phật ở trên. Lê dân thì tiếp tục hát những bài hát buồn ở dưới. Trời, rồng, quỷ, thần, đế vương, lê dân cùng một lúc bi ai, xúc động đau lòng than rằng: “Ðức Phật diệt độ như vậy, chúng sanh biết nương cậy vào đâu?”.

Ðoàn tiễn đưa ra khỏi cửa thành phía Tây, đến điện Châu Lê Ba Ðàn thì có giảng đường lớn, họ để đức Phật ở trên giảng đường. Các Thệ tâm lý gia, như lời di giáo của đức Phật dùng gấm mới quấn quanh thân, lấy vải Kiếp ba một ngàn trượng quấn chéo nhau ở phía trên, bỏ vào trong cái quan bằng bạc, lấy dầu thơm rảy khắp thân Ngài, dùng lọng trời che lên trên. Lý gia đồng đưa kim quan xuống điện, để ở giữa sân, lấy củi chiên đàn hương, mật hương, tử chương và củi chiên đàn (gỗ thơm) cao rộng ba mươi trượng. Thiên thần, quỷ, rồng, các vua, nhân dân đều lấy hoa hương rải ở trên củi. Lý gia đốt củi, lửa vẫn không cháy. Họ hỏi tôn giả A Na Luật rằng:

-Vì cớ gì mà lửa đốt không cháy?

Ðáp rằng: -Có kỳ cựu đệ tử của đức Phật tên là Ðại Ca Diếp, đi châu du giáo hóa, nay đang trở về, ngài dẫn hai ngàn người đệ tử, chư thiên nhiều vô số, muốn thấy đức Phật một cách trọn vẹn cho nên khiến lửa không cháy.

Lý gia thưa rằng: -Xin vâng lời dạy, chờ tôn giả Ca Diếp cùng bốn chúng đệ tử, mỗi chúng là năm trăm người đang tạm nghỉ mệt trên con đường đi đến.

Có kẻ Dị học tên là Ưu Vi, từ chỗ đức Phật đến, cầm một cành hoa trời, tên là Mạn Ðà Lặc, thấy tôn giả Ðại Ca Diếp cùng với hai ngàn đệ tử theo sau. Ưu Vi đến trước tôn giả Ðại Ca Diếp cúi lạy dưới chân ngài. Tôn giả Ca Diếp hỏi: -Ngươi từ đâu đến?

Thưa rằng: -Tôi từ nước Na Kiệt đến.

Tôn giả Ca Diếp hỏi:

-Ngươi có biết đức Phật là bậc Ðại sư của ta chăng?

-Vâng, tôi có biết. Ngài đã diệt độ đến nay đã bảy ngày, tôi ở chỗ đó mà được hoa Thiên thần này.

Bấy giờ các đệ tử có người chưa thấy chân lý nghe đức Phật diệt độ thảy đều kinh ngạc, dậm chân đau lòng trở thành ngất xỉu than rằng: “Tại sao vậy? Chúng sanh biết nương cậy vào ai?”. Có người đã thấy chơn lý rồi, đã hiểu sâu lời dạy của đức Phật nói: “Thế gian đều là vô thường, ân ái như huyễn thuật, có ai mà sống mãi (không chết).

Trong chúng Tỳ kheo có một vị Tỳ kheo tuổi cao nhưng lại ám muội, không đạt được thánh ý, thấy chúng Tỳ kheo đau lòng, bi ai xúc động như vậy đứng lại nói rằng: -Xin chớ bi ai, lúc đức Thế Tôn còn tại thế lời răn dạy chồng chất, điều đó là phi pháp, nó là điều phi nghĩa vậy. Ông ta bảo: “Thọ trì cái này, làm như vậy là không chống trái, không phạm. Nay ông ta đã chết rồi, chúng ta được tự do, há lại không khoái sao?”.

Chúng Tỳ kheo đều cho lời nói như vậy là sai, nên cùng nhau thưa với trời, trời bèn bắt Tỳ kheo già ấy bỏ ra ngoài chúng. Tôn giả Ðại Ca Diếp bảo các Tỳ kheo: -Hãy gấp lên đường.

Bốn chúng đệ tử, vô số trời người buồn khóc mà đi, đồng đến chỗ đức Phật, nhiễu quanh điện ba vòng, đầu mặt lạy sát đất, ngất xỉu, mửa máu. Tôn giả Ca Diếp nhìn thật kỹ vào kim quan bằng vàng ròng của đức Phật, trong lòng tự nghĩ rằng: “Ta đế trễ, không thấy được thầy ta, chẳng biết đầu chân của đức Thế Tôn ở chỗ nào?”. Ðức Phật liền trả lời bằng cách duỗi hai chân ra ngoài. Tôn giả Ca Diếp liền dùng đầu mặt chạm vào chân đức Phật, trình bày công đức của đức Phật bằng bài kệ:

Ngài vì không “sanh, lão”

Cũng vì không “lão, tử”

Vì Ngài không muốn gặp

Không có lúc tương phùng

Vì Ngài không muốn bị

Tướng ái dục biệt ly

Nên mới cầu phương tiện

Nên mới được như vậy.

Ngài vì năm ấm này

Rốt ráo không còn thọ

Cũng không còn tạo tác

Ðể thọ năm ấm này

Vì chấm dứt khổ đau

Và trừ luôn gốc hữu

Nên mới cầu phương tiện

Nên mới được như vầy.

Phật vì đoạn thế gian

Ái dục đã trừ sạch

Tên Phật là Nhẫn nhục

Bỏ áo não thế gian

Phật vì tự an lạc

Cùng an ổn thế gian

Cho nên phải chấp tay

Nên cúi đầu lạy Phật.

Pháp Phật đã nói ra

Ðể sáng chói thế gian

Tối kiến đạo là Phật

An ổn không chướng ngại

Cũng nuôi sống thiên hạ

Khiến không còn lão tử.

Vì sao người thế gian

Lại không thọ ân Phật?

Trăng sáng trên bầu trời

Ðể phá tan đêm tối

Mặt trời chiếu trên không

Ðể soi sáng ban ngày

Ðiện xẹt trên trời cao

Ðể chiếu soi mây sáng

Hào quang Phật chiếu ra

Ðể sáng soi ba cõi

Tất cả các sông ngòi

Sông Côn Lôn lớn nhất

Tất cả các sông lớn

Biển cả là lớn nhất

Tất cả ngôi sao sáng

Mặt trăng là sáng nhất.

Phật là mắt thế gian

Là tối tôn trời đất

Phật vì độ thế gian,

Vì ban bố phước thiện

Phật vì hạnh giáo giới

Ðến nay đã phân minh.

Do vậy đến ngày nay

Ðệ tử Phật thọ, hành

Tất cả trời và người

Cung kính chấp tay lạy.

Tôn giả Ca Diếp tán thán đức Phật xong, trời, thần, quỷ rồng, đế vương, lê dân đều lạy dưới chân Phật. Khi mọi người đã lạy xong thì chân của đức Phật thu vào quan tài trở lại. Trời, người, quỷ, rồng thấy chân đức Phật đã thu lại và biến mất, thảy đều nức nở, đồng lúc thương khóc. Khi đã khóc xong, tôn giả Ca Diếp và các Tỳ kheo cùng nhau thăm hỏi chia buồn. Các Thệ tâm lý gia đốt lửa trà tỳ, chư thiên tung rải hương hoa, đều nói rằng:

-Vì sao chúng sanh lại cùng khốn như thế này?

Hào quang của đức Phật chiếu thẳng lên cõi trời Phạm thứ bảy, mười phương tối tăm, chỗ tối tăm chúng sanh không thấy nhau, nhờ hào quang của đức Phật cùng lúc sáng rực, hân hoan nói rằng: “Cái gì mà sáng thế?”.

Các Lý gia, khách buôn, khi da thịt của đức Phật đã cháy sạch, liền lấy nước hoa rưới lên làm cho lửa tắt, rửa sạch xá lợi, đựng đầy bát bằng vàng. Y trong và ngoài của đức Phật vẫn in như cũ. Vải Kiếp Ba quấn quanh thân Ngài đều cháy sạch. Họ lấy bát xá lợi đặt trên cái giường bằng vàng rồi đưa vào cung, đặt trên chánh điện. Trời người tung hoa, ca nhạc, thấp đèn đi bộ quanh thành, đèn thắp sáng trên mặt đất đến mười hai dặm. Tôn giả A Nan nói với tôn giả A Na Luật:

-Cám ơn các trời, rồng, xin chư vị hãy trở về chỗ của mình.

Trời, rồng, quỷ, thần đều rơi nước mắt, thưa rằng:

-Mặt trời, mặt trăng của ba cõi đã mất rồi, thế gian mãi mãi bị suy thoái, gần ngày bị hủy diệt tang tóc, chẳng còn bao lâu, nó đang theo đuổi chúng ta rất gấp. Vậy chúng ta làm gì bây giờ?

Ðáp rằng: -Dân chúng nhao nhao muốn dâng hoa hương, vậy (các ngài) nên tạm thời trở về để được cởi mở lòng dân.

Ðế Thích hỏi tôn giả A Na Luật:

-Ngày nào mới dựng tháp của đức Thế Tôn?

Tôn giả A Na Luật hỏi tôn giả A Nan, tôn giả A Nan thưa: -Sau chín mươi ngày, ở giữa ngã tư đường sẽ dựng tháp lập đàn tràng.

Chư thiên đồng nói: -Chờ đến chín mươi ngày là do duyên gì ?

Tôn giả A Na Luật đáp:

-Bốn chúng đệ tử còn đang ở xa, họ đang gấp gáp chạy về mong được nhìn xá lợi của đức Phật.

Bấy giờ chư thiên cùng một lúc lạy sát đất. Ðế Thích đứng ở trước, chư thiên đứng ở sau, nhiễu quanh chánh điện ba vòng buồn khóc rồi đi. Hai vạn Tỳ kheo cầu xin phân bố xá lợi. Lại cảm tạ quốc vương, mời vua trở lại cung và các quần thần cúi lạy dưới đất khóc lóc bi ai, nhiễu quanh chánh điện ba vòng rồi trở về cung. Nhà vua bảo các phu nhân, thể nữ đều phải phụng trì giới cấm trong suốt chín mươi ngày. Thệ tâm lý gia cũng trai giới trong thời gian ấy. Dân chúng ở bốn phương xa đều nghe đức Phật đã diệt độ. Ở nước Cưu Di, bốn chúng đệ tử đều mang theo hương hoa khóc thương sầu thảm, làm bế tắc đường xá. Họ nhiễu quanh chánh điện ba lần, cúi lạy dưới đất, dậm chân thương tiếc kêu rằng: “Tại sao thế này?”. Các vua ở trong ngàn dặm thì cùng đi với Thái tử, các vua ở ngoài ngàn dặm thì bảo Thái tử đốc xúc thần dân đồng đi đến chỗ đức Phật, nhiễu quanh chánh điện, tiếc thương, dâng hoa hương cúng dường đức Phật. Ai đến trước thì về trước, ai đến sau thì về sau.

Các Tỳ kheo đồng hỏi tôn giả A Nan:

-Phương pháp an táng như thế nào?

Ðáp rằng: -Nên đi về hướng Ðông, cách thành ba mươi dặm, ở đó có thôn tên là Vệ Trí, nên đến ngã tư đường trống trải mà lập tháp, dựng đàn tràng, lấy ngọc làm ngói, viên ngói bề ngang rộng ba thước, tháp rộng cao mười lăm thước, lấy bát vàng chứa xá lợi, để ngay chính giữa, dựng tháp, trồng cây, lập đàn, treo tràng phan trên cao, thắp hương đốt đèn, quét sạch, rải hoa, dùng mười hai bộ nhạc sáng tối tấu lên cúng dường. Thệ tâm lý gia hãy cùng nhau hoàn thành bảo tháp để Phạm vương, Ðế Thích, quỷ, rồng, vua và thần dân tiễn đưa xá lợi Phật.

Lý gia cung kính vâng lời, làm đúng như lời dạy của tôn giả A Nan. Tôn giả Ðại Ca Diếp , các La hán và tôn giả A Na Luật cùng nhau nghị luận: “Nay ba mươi vạn dân chúng, vua và nhân dân khi mạng chung sẽ sanh lên trời Ðâu Thuật, chỗ ở của Ngài Di Lặc. Khi đức Di Lặc thành Phật, thuyết kinh lần thứ nhất có chín mươi sáu ức Tỳ kheo chứng quả A la hán. Ngài Di Lặc sẽ thuyết kinh cho các chúng sanh rằng: -Các thần thông này đều là của đức Phật Thích Ca Văn, bây giờ làm tháp thì hãy treo phan, thắp hương đốt đèn, chấp hành giới cấm của Phật, đều giao cho thanh tín sĩ (nam) và thanh tín nữ vậy.

Tôn giả Ðại Ca Diếp và tôn giả A Nan cùng các Ứng Chơn nghị luận rằng: “Vua nước Cưu Di sau khi mạng chung sẽ sanh về đâu?”. Tôn giả Ðại Ca Diếp nói: -Vua nước ấy mạng chung sẽ sanh lên trời Thập Nhị Thủy Vi. Sau khi đức Di Lặc hạ sanh thành Phật, ông sẽ lấy tên là Tu Ðạt, tạo dựng cung điện cho Phật Di Lặc, nhà giảng Thọ Ðạo, hơn cả tinh xá Văn Vật, vườn Cấp Cô Ðộc, y thực, thuốc men chữa bệnh cúng dường cho Tỳ kheo tăng.

Tôn giả A Nan hỏi tôn giả Ðại Ca Diếp: -Quốc vương nước Cưu Di tại sao không ở nơi đức Phật Di Lặc mà chứng đạo Ứng Chơn?

Tôn giả Ðại Ca Diếp đáp: -Tâm dục của vua ấy chưa nhàm chán sanh, lão, bệnh, tử , ưu bi các khổ cho nên không được đạo Ứng Chơn vậy.

Tôn giả Ðại Ca Diếp nói với tôn giả A Nan: -Ai không nhàm chán tai hoạn sanh tử thì không bao giờ đắc đạo cả.

Tôn giả A Nan nói rằng: -Tôi đã nhàm chán nói từ lâu rồi, tại sao không đắc đạo?

Tôn giả Ðại Ca Diếp đáp: -Ngươi chỉ chấp trì giới luật mà không tư duy trong thân, ngoài thân, sự ô uế của thân, theo dòng sanh tử mới như vậy.

Có tám nước ở ngoài biên giới nghe đức Phật diệt độ, xá lợi được an trí trong nước Cưu Di, họ đều huy động binh đi đến đòi chia phần xá lợi. Vua của nước Cưu Di nói rằng: -Ðức Phật ở trong nước ta, nay đã diệt độ, ta sẽ cúng dường. Các ngươi ở xa khổ nhọc, mong ước chia phần xá lợi, điều đó không thể được.

Tám vị vua đáp rằng: -Chúng tôi yêu cầu được chia phần xá lợi. Nếu ông không cho chúng tôi, chắc chắn chúng tôi phải ra lệnh binh đội chống cự để lấy xá lợi vậy.

Thiên Ðế Thích thấy tám vị vua cùng nhau tranh cãi để được phần xá lợi đem về nước cúng dường, liền hóa thành Phạm chí lấy tên là Thuần Khuất, chấp tay đến trước để giải thích rằng: -Xin cho tôi nói một lời: “Lúc đức Phật còn tại thế, các vua phụng hành, tôn kính lời dạy của Ngài, phải luôn luôn từ bi. Phàm là chủ của nhân dân thì không nên tranh chấp, nên thực hành bốn sự bình đẳng, chia xá lợi của Phật ra, khiến cho các quốc độ đều có bảo tháp, để khai mở sự tối tăm của dân chúng, làm cho họ được biết có Phật để làm giềng mối ngỏ hầu được phước đức to lớn.

Thiên thần, quỷ, rồng, các vua và lê dân cùng nhau khen rằng:

-Lành thay, Thuần Khuất ngài đã rộng thí phước điền cho chúng sanh.

Họ cùng nhau xin Thuần Khuất chia làm tám phần. Thuần Khuất tự lấy bát vàng của thiên thượng, bên trong bát vàng dùng thạch mật chia làm tám ô chứa đầy xá lợi, mỗi vua một bình. Các vua được xá lợi rồi buồn vui lẫn lộn, họ đều lấy hương hoa, treo phan bằng tơ năm sắc, thắp hương đốn đèn, sáng tối ca nhạc. Thuần Khuất quỳ dài xin số mật xá lợi dư ở trong bình để lập tháp thờ. Các vua đồng ý cho, ông liền bỏ xá lợi vào bình. Bấy giờ co đạo sĩ tên là Hằng Vi đi theo vua để xin xá lợi. Vua bảo:

-Ðã phân rồi không thể phân lại, bây giờ chỉ còn tro thiêu, hãy tự đến đó mà lấy.

Ông liền đến đó lấy xong cúng chín mươi ngày. Tôn giả Ðại Ca Diếp, A Na Luật, Ca Chiên Diên cùng nhau nghị luận: “Tôn giả A Nan theo Phật rất lâu, chỉ một mình thân cận với đức Phật. Ðức Phật đã giáo hóa, bố thí cùng khắp, tôn giả A Nan đều thấu suốt trong tâm, không có chỗ nào mà không quán chiếu. Chúng ta hãy nhờ A Nan tụng lại pháp luật để thọ giáo những chỗ ngoắt nghéo, viết lên thẻ tre, viết lên lụa”.

Tỳ kheo tăng cùng nhau nghị luận rằng: “Ông A Nan chưa chứng quả (sợ bạch y) sợ có tâm tham, che dấu những lời nói vi diệu, không chịu nói hết”.

Tỳ kheo tăng bảo: “Nên giả thuyết lập một tòa cao, chư thánh vân tập, vì Tỳ kheo tăng để cật vấn, trên dưới ba lần, hỏi chỗ cốt yếu của kinh mới có thể biết được sự thành thật”.

Vua nước Cưu Di lập bảo tháp để thờ Phật, phòng ốc khéo, thiền thất để chứa ba ngàn Tỳ kheo ở trong đó tụng kinh, tọa thiền. Nhà vua bảo đại thần tên là Ma Nam đem ba ngàn binh lính canh gác bảo tháp. Tôn giả Ðại Ca Diếp và tôn giả A Na Luật đồng báo cho Tỳ kheo tăng là sẽ kiết tập kinh luật Tứ A Hàm của đức Phật. Tôn giả A Nan theo Phật, chỉ một mình được thân cận với đức Phật. Ðức Phật vì sự dâm dật không độ lượng của chúng sanh nên làm ra một quyển A Hàm; vì những người hung hăng nóng giận, bội nghịch nên làm ra một quyển A Hàm; vì người ngu si tăm tối, xa lìa đường chánh nên làm ra một quyển A Hàm; vì người bất hiếu với cha mẹ, xa lìa bậc hiền thiện, không nhớ ân sâu của đức Phật cho nên không lo báo đền, do đó làm thành một quyển A Hàm.

Chúng Sa môn thưa: -Chỉ có tôn giả A Nan là bậc biết rõ Tứ A Hàm, cho nên phải nhờ tôn giả tuyên thuyết.

Tôn giả Ðại Ca Diếp bảo: -Sợ A Nan chưa chứng quả, có ý tham không nói hết kinh.

Chúng Tỳ kheo thưa: -Hãy đem việc ở trước mà cật vấn tôn giả A Nan. Hãy đưa tôn giả A Nan lên giường cao, các chúng hiền giả ở dưới để hỏi kinh.

Mọi người đều nói: -Lành thay ! Rất hiệp với việc lớn.

Các Sa môn trực sự liền họp thánh chúng trục xuất tôn giả. Thánh chúng đều ngồi lại bảo tôn giả A Nan hãy tiến lên mau. Tôn giả tiến lên, cúi lạy đảnh lễ thánh chúng.

-Người nào được quả Ứng Chơn thì vẫn ngồi như cũ. Người nào chưa đắc quả Ứng Chơn thì hãy đứng dậy.

Trực sự Sa môn bảo (tôn giả A Nan) lên ngồi trên tòa cao ở chính giữa. Tôn giả A Nan từ chối, nói:

-Ðó không phải là tòa của tôi.

Thánh chúng đều nói:

-Vì kinh Phật cho nên ngài ngồi ở đó nói thượng pháp của đức Phật mà ngài được thọ giáo cho chúng tăng nghe.

Tôn giả A Nan liền ngồi. Hiền chúng hỏi rằng: -Ngài có bảy điều lỗi lầm, vậy có biết chăng? Ðức Thế Tôn lúc còn tại thế bảo rằng: “trong cõi Diêm Phù Ðề có sự an lạc lớn”, vậy mà ngài vẫn cứ làm thinh không đáp.

Vị trực sự Sa môn gọi ngài A Nan, ngài A Nan liền đáp:

-Phật là đấng thánh tôn chơn chánh không ai bằng, há lại ngài không được tự tại sao mà phải chờ tôi nói? Giả sử đức Phật tại thế trong khoảng một kiếp, ngài Di Lặc chí tôn nhờ đó mà được thành Phật.

Thánh chúng vẫn im lặng mà A Nan vẫn không sợ hãi. Thánh chúng đều nói:

-Hãy ngồi lại (chỗ cũ) tòa, theo lời trùng tuyên của ngài, pháp cùng chánh pháp mà cùng sự nghe biết chánh pháp của chúng ta giống nhau, chi bằng nay mời ngài ba lần thượng tòa thuyết pháp.

Tôn giả A Nan ba lần xuống tòa, ngài lại lên tòa nói rằng:

-Y Diễm Ma Tu Ðàn. Y Diễm Ma Tu Ðàn là tôi theo Phật được nghe như vầy.

Các Tỳ kheo tăng nghe lời thuyết pháp của tôn giả A Nan: “Y Diễm Ma Tu Ðàn, tôi nghe từ đức Phật nói như vầy”. Tất cả đều than khóc nức nở, nói rằng: “Biết làm sao đây?”. Ðức Phật vừa xử thế cho đến nay lại nói: “Tôi theo Phật nghe Ngài nói như vầy”. Trời, thần, quỷ, rồng, đế vương và nhân dân, bốn chúng đệ tử, chẳng ai mà chẳng than khóc. Tôn giả Ðại Ca Diếp, chúng hiền thánh tuyển chọn A la hán được bốn mươi người, theo tôn giả A Nan để nghe bốn bộ A Hàm: một bộ A Hàm sáu mươi xấp. Chép kinh chưa xong, ở trong bảo tháp của đức Phật tự nhiên sanh ra bốn cây danh mộc. Một cây tên là Ca Chiên, một cây tên là Ca Tỉ Diên, một cây tên là A Hóa, một cây tên là Ni Lâu Loại.

Tỳ kheo tăng nói rằng:

-Chúng ta dùng tâm từ bi chép bốn bộ A Hàm, tự nhiên sanh ra bốn cây thần diệu. Bốn bộ A Hàm là cây đạo của đức Phật vậy. Do đó phải cùng nhau bó buộc giữ gìn. Giới của Tỳ kheo tăng gồm có 250 minh giới thanh tịnh, giới của Tỳ kheo ni gồm có 500 sự, giới của Ưu bà tắc gồm có năm, giới của Ưu bà di gồm có 10 (?). khi chép kinh xong, các tỳ kheo tăng mỗi người phải tự thực hành kinh giới, cùng nhau trao truyền giáo hóa cho đến ngàn năm. Trong ngàn năm ấy có người trì giới nên được ở chỗ thứ tư của Phật Di Lặc. Ðức Thế Tôn Di Lặc sẽ vì chúng trời nói kinh pháp. Nay trong chúng hội đều là những người trì giới của đức Phật Thích Ca Văn, tương lai sẽ sanh đến cõi ấy.

Ðức Phật Di Lặc nói: -Các ngươi hãy siêng năng tinh tấn thực hành rốt ráo những điều khó hành, nhiều ít cũng thọ trì giới luật. Sau khi Phật đã Nê hoàn( nhập diệt) hãy tạo tám bảo tháp. Các thứ chín là tháp thờ cái bình. Cái thứ mười là tháp thờ tro, tháp mười một là tháp thờ tro (dư).

Kinh nói: “Ðức Phật lấy ngày mồng tám tháng tư Ðản sanh, ngày mồng tám xuất gia, ngày mồng tám đắc đạo, ngày mồng tám thì diệt độ. Vào lúc Phất tinh (sao mai mọc), Ngài bỏ nhà học đạo. Vào lúc Phất tinh, Ngài thành đạo. Vào lúc Phất tinh, Ngài Bát Nê hoàn (nhập Niết bàn). Cỏ cây đều sanh hoa lá, toàn quốc cây cối đều lại sum sê. Ðức Phật đã Bát Nê hoàn rồi, vị Thiên trung thiên của ba cõi, ánh hào quang đã tắt, tất cả mười phương đều tự quy y Phật”.

 

KINH PHẬT BÁT NÊ HOÀN

(hết quyển hạ)

 

(20)      Từ lúc Phật Bát Nê hoàn cho đến năm Vĩnh Hưng năm thứ 7, ngày 11 tháng 2, đã hơn 887 năm, vào ngày 11 tháng 7 đến nay là năm Bính Tuất, hiệp lại là 915 năm.

Ðó là do Tỳ kheo Khương Nhật chép lại.

Lại đến niên hiệu Khánh Lịch thứ 6 năm Bính Tuất 6, cộng lại là 1994 năm.

 

[quyển thượng]

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Tịnh

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 4-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

cha mẹ đừng lo mì xào chay Khu xuân vạn hạnh Vo lang mang trước một nổi đau chung m¹ bàn hay song cho that dang song song o doi nen hoc cach cui dau buc thu noi tieng cua cha gui cho con trai nhan nho ve thi si bui giang va nhung ác khẩu làm tổn thương người khác chua cau dong O Stress thu c Chứng rối loạn lưỡng cực là chúng ta học được gì từ cuộc sống Ä Æ thơ qua roi mat tái dạo vững song ngọc cậu hoc phat đỉnh Lễ húy kỵ tổ khai sơn chùa Long Hải thờ Những bão vÃ Æ chiem bao va y nghia lien quan động học Như ý nhin トO buÓn buÓn vui vui Dầu cải giúp giảm mỡ bụng hiệu quả chùa Óng hoÃÆ Tu ân lê bồ