Kinh Điển - Phật Nói Kinh Hộ Quốc.

.


 

PHẬT NÓI KINH HỘ QUỐC

 

   Hán dịch:  Ðời Tây Thiên, dịch kinh Tam Tạng, Minh giáo Ðại sư Pháp Hiền

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

--- o0o ---

 

Một thời đức Thế Tôn ở tại thành Câu Lư, du hành hóa độ làm lợi ích chúng sanh, dần dần đi đến xóm Ðổ La cùng đông đủ chúng Ðại Bí sô. Bấy giờ ở xóm này có các Bà la môn, trưởng giả v.v... cùng nhau bàn luận rằng:

–Vị Ðại Sa môn Cù Ðàm này đã bỏ ngôi vua, xuất gia hành đạo, quả đầy tròn sáng, danh tiếng đồn khắp, chính là bậc Ứng Cúng, Chánh đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Ðối với Thiên, Ma, Phạm, Sa môn, Bà la môn, người và chẳng phải người, các cõi, nhờ hạnh nguyện của chính mình mà Ngài đã thành đẳng chánh giác, trải lòng từ bi, tuyên thuyết chánh pháp, phần đầu thiện, phần giữa thiện, phần cuối cũng thiện, nghĩa của văn sâu xa, thuần nhất không xen tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh viên mãn, đầy đủ sự tối tôn, tối thượng như vậy, nếu chúng ta gặp Ngài sẽ cùng được điều thiện lợi ích. Cho nên chúng ta hãy đến chỗ Phật để chiêm ngưỡng đảnh lễ, xưng tán.

Họ cùng nhau bàn luận xong, đồng đến hội chúng của Phật. Khi đến chỗ đức Phật rồi, có người lạy đức Phật, có người chỉ chấp tay, có người hết lời xưng tán. Chúng dân đông như vậy, khi đảnh lễ tán thán xong đều ngồi qua một bên.

Bấy giờ đức Thế Tôn thuyết pháp cho mọi người nghe, khiến cho tâm họ hân hoan, phát tâm đại đạo. Bấy giờ các Bà la môn, đại trưởng giả ... ấy, đã nghe và thọ trì pháp xong, thảy đều hân hoan, phát tâm đại đạo. Họ liền từ tòa ngồi đứng dậy, chấp tay hướng về đức Phật hết lời xưng tán, đảnh lễ đức Phật rồi ra về.

Khi ấy trong hội có một đại trưởng giả tên là Hộ Quốc, vì luyến mộ đức Phật nên không rời khỏi pháp hội và nghĩ như vầy: “Pháp mà ta được nghe, nếu có thể nương tựa, chắc chắn sẽ thành chánh giác. Nếu ta ở tại gia thì phải luân hồi vĩnh viễn. Ðức Phật thật khó gặp được, nhờ đức tin, xuất gia để cầu thoát khỏi luân hồi, cho nên nay ta phải xa lìa các sự phóng dật, phát đại tinh tấn, theo Phật xuất gia, thanh tịnh tu phạm hạnh. Ta nên lập chí nguyện cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa”.

Lúc đó trưởng giả Hộ Quốc nghĩ như vậy xong, liền từ tòa ngồi đứng dậy đi đến trước đức Phật, đầu mặt lạy ngang chân Ngài, chấp tay hướng về đức Phật bạch rằng:

–Con theo đức Thế Tôn, được nghe chánh pháp, chán khổ luân hồi, khởi tâm tin vui, cho nên nay con xin đức Phật được phép xuất gia. Cúi mong đức Thế Tôn chấp nhận cho con.

Ðức Phật nói:

–Này Hộ Quốc, ngươi dốc lòng tin xuất gia, vậy cha mẹ của ngươi đã cho phép chưa?

Hộ Quốc thưa:

–Thưa chưa, bạch Thế Tôn. Cha mẹ con không cho phép.

Ðức Phật nói:

–Này Hộ Quốc, cha mẹ không cho phép thì không được xuất gia.

Hộ Quốc lại bạch đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, tuy cha mẹ chưa cho phép nhưng con sẽ cầu xin khẩn thiết, thế nào cha mẹ con cũng cho.

Ðức Phật bảo:

–Này Hộ Quốc, như điều mong ước của ngươi, nay đã đúng lúc.

Bấy giờ Hộ Quốc quỳ xuống, vâng theo lời dạy của đức Phật, đảnh lễ rồi lui ra, trở về nhà thưa với cha mẹ rằng:

–Xin cha mẹ thương yêu, chấp nhận sự thỉnh nguyện của con: “Con ở nơi hội chúng của Phật, nghe Phật thuyết pháp, khi nghe pháp ấy, con đều biết rõ, con liền phát khởi chánh tín, muốn được xuất gia”. Cúi mong cha mẹ chấp nhận lời xin của con.

Bấy giờ cha mẹ Hộ Quốc bảo rằng:

–Con muốn xuất gia để được cái lợi gì? Lại có chứng đắc cái gì mà cầu xuất gia? Nếu con muốn xuất gia vậy không phải vì mục đích xin ăn để sống chứ? Con nên biết rằng, hiện nay tiền của, châu báu của ta nhiều vô lượng. Con chỉ cần ở tại gia, bỏ của ra làm phước, tương lai sẽ được giàu có an lạc, cần gì phải xuất gia?

Cha mẹ của Hộ Quốc dùng những lời hay đẹp để khuyến dụ Hộ Quốc. Bấy giờ Hộ Quốc lại thưa: “Xin cha mẹ nên nghĩ rằng: con nhàm chán luân hồi, vứt bỏ sự vinh hoa thế gian, chí mong cầu xuất gia. Cúi mong cha mẹ chấp thuận cho con”.

Hộ Quốc đã thỉnh cầu cha mẹ đến hai, ba lần như vậy. Khi ấy cha mẹ lại bảo rằng: “Ngươi đã quyết tâm, chí cầu xuất gia, vậy đừng có đi xin ăn để được sống. Kho tàng vàng bạc, châu báu của nhà ta nhiều vô số kể. Ngươi chỉ nên ở nhà để làm phước, hưởng thọ phú quý, cần gì phải xuất gia”.

Cha mẹ ngài cũng hai, ba lần khuyến dụ như vậy. Lúc đó Hộ Quốc lại thưa rằng: “Nếu cha mẹ không cho phép, kể từ ngày hôm nay trở về sau, con thề sẽ không ăn uống cho đến chết”.

Khi phát lời thệ nguyện xong, liền không ăn uống gì cả. Bấy giờ rất nhiều bạn hữu tri thức của Hộ Quốc nghe việc này xong liền cùng nhau đến nhà của cha mẹ trưởng giả Hộ Quốc, cùng nhau nói rằng: “Này trưởng giả chủ, chúng tôi đều nghe rằng con của hai bác là Hộ Quốc, ưa thích xuất gia. Tuy anh ta hết lòng mong cầu nhưng hai bác vẫn không chấp thuận. Chúng tôi biết con của hai bác đang hưởng thọ sự giàu sang sung sướng, bỗng kiên tâm cầu đạo. Nay nếu hai bác không chấp thuận, anh ta sẽ bị đau khổ, có thể dẫn đến mạng chung, khiến cho hai bác phải bị cái khổ ái biệt ly. Do đó hai bác nên cho phép anh ta tùy ý xuất gia.

Bấy giờ trưởng giả chủ thấy các bạn tri thức của con mình hết lời cầu xin nên liền cho anh xuất gia. Khi ấy các bạn tri thức của Hộ Quốc vâng theo lời của cha anh, liền đến chỗ Hộ Quốc cùng nhau nói rằng: “Này Hộ Quốc, anh nên biết, nay cha mẹ của anh đã chấp thuận cho anh xuất gia”.

Khi ấy Hộ Quốc nghe lời cha mẹ dạy, hoan hỷ phấn khởi, đến chỗ cha mẹ bái lạy, từ biệt ra đi, trở lại chỗ đức Phật, đến chỗ đức Phật xong lấy đầu mặt lạy dưới chân đức Phật, chấp tay đứng qua một bên, bạch đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, nay cha mẹ của con đã chấp thuận cho con xuất gia rồi, cúi mong đức Phật từ bi rủ lòng thương xót chấp thuận cho con được làm Bí sô”.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Hộ Quốc: “Lành thay! Lành thay! Nay đã đúng lúc nhiếp thọ cho ngươi”.

Khi ấy Hộ Quốc râu tóc tự rụng, mặc áo cà sa, thành tướng Bí sô, tu trì phạm hạnh, trừ bỏ phóng dật, lìa các ưu não, tự tâm điều phục, nhu nhuyễn, chứng pháp thanh tịnh, biết rằng: sự sanh của ta đã hết, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.

Bấy giờ tôn giả Hộ Quốc các lậu đã hết rồi, y chỉ với đức Phật trong mười hạ. Lúc đã đủ mười hạ, tôn giả đắp y, trì bát, đến trước đức Phật, đem đầu mặt lạy dưới chân Ngài, chấp tay đứng qua một bên bạch đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, con vốn sanh sống ở làng xóm Ðổ la, xả bỏ các thân quyến, chí tín xuất gia, nay con muốn trở về quê cũ để thăm thân bằng quyến thuộc. Cúi mong đức Thế Tôn cho phép”.

Bấy giờ đức Thế Tôn biết những ước muốn trong tâm tôn giả Hộ Quốc, ngài lại quán biết tâm chí của tôn giả Hộ Quốc muốn làm lợi ích cho tất cả, huống chi tôn giả này ngày trước đã ở nhà thường lìa các dục, ngài quán thấy như vậy liền bảo rằng: “Này tôn giả Hộ Quốc, nay đã đúng lúc, nên làm theo ý muốn của ngươi”.

Bấy giờ tôn giả Hộ Quốc vâng lời Phật dạy, hoan hỷ phấn khởi, nhiễu quanh đức Phật ba vòng, đem đầu mặt lạy dưới chân đức Phật, giã từ đức Phật rồi ra về.

Tôn giả trở về quê cũ, thứ lớp du hành, lần hồi về đến xóm của mình. Bấy giờ tôn giả đã nghỉ qua đêm xong vào lúc trời hừng sáng, đắp y ôm bát, thứ lớp khất thực. Ði đến nhà mình, thấy một người nữ đứng ngoài cửa nhà mình mang cái giỏ đầy thức ăn, muốn đem đi đổ. Tôn giả thấy vậy bảo người nữ kia rằng: “Ngươi không biết xấu hổ, chớ đổ thức ăn đi, sao bằng đổ chúng vào trong bát của ta thì sẽ được sự lợi ích”.

Khi ấy người nữ nghe tiếng nói của tôn giả, sanh tâm kính trọng, liền đổ vào trong bình bát cho tôn giả. Tôn giả nhận xong, đi đến dưới một gốc cây lớn, trải tọa cụ ngồi, muốn ăn.

Khi ấy người nữ kia nghĩ như vầy: “Ðây chính là tôn giả Hộ Quốc, con của chủ ta”. Lúc ấy người nữ kia nghĩ như vậy xong, liền đến chỗ trưởng giả chủ thưa rằng: “Vừa rồi, ở ngoài cửa, tôi thấy con của trưởng giả ôm bát đi khất thực, đến dưới một gốc cây lớn trải tọa cụ ngồi, muốn thọ thực”.

Bấy giờ chủ trưởng giả nghe lời nói ấy rồi trong lòng hết sức vui mừng, liền hỏi người nữ kia rằng: “Như lời ngươi nói, việc ấy có đúng thật chăng?”.

Người nữ đáp: “Việc này quả đúng như vậy”.

Khi ấy trưởng giả chạy nhanh ra khỏi nhà, đến dưới gốc cây lớn. Khi đến đó rồi thấy đúng là tôn giả Hộ Quốc đang ở đó, muốn thọ thực, ông liền bảo rằng: “Con của ta là Hộ Quốc, lìa bỏ nhà mình làm khách ngao du xứ người, du hành như vậy, đến thôn xóm mình, lại chẳng chịu vào nhà, là nghĩa làm sao?”.

Bấy giờ tôn giả Hộ Quốc liền trả lời với cha rằng: “Pháp Sa môn của con, nghi thức là như vậy, vào nhà người khác là không nên”.

Khi ấy trưởng giả chủ nắm tay đưa tôn giả Hộ Quốc vào nhà. Lúc vào nhà rồi, trải tọa cụ mời ngồi. Bấy giờ mẹ của tôn giả đi đến trước con, nhớ thương tha thiết, an ủi thăm hỏi con đến hai, ba lần. Bà bảo tôn giả Hộ Quốc rằng: “Này con của mẹ, tại sao con lại quyết ý xuất gia? Con đã xuất gia, hiện nay đã có lợi gì và đã được cái gì? Hay là đi xin ăn để kiếm sống? Vì vậy nay con đừng xuất gia nữa, cứ ở nhà đem của bố thí làm phước để được giàu có sung sướng ở kiếp sau”.

Lúc ấy người mẹ hiền bày các phương tiện lưu luyến con mình không thể xa cách. Bà lại lấy vàng bạc, các thứ châu báu đặt một đống trước mặt tôn giả, bảo với con rằng: “Con của mẹ nên biết như vầy, mẹ có rất nhiều tiền của châu báu, nay mẹ đem cho con, chưa kể tiền của của cha con thì lại nhiều vô số. Do ý nghĩa này cần gì đi xuất gia. Nay con ở nhà bỏ tiền của ra làm phước để được giàu có sung sướng ở kiếp sau”.

Bấy giờ tôn giả thưa với mẹ: “Từ mẫu nên biết, các vàng bạc, các thứ châu báu này là nguồn gốc của mọi lỗi lầm. Vậy hãy lấy xe chở hoặc gánh vác chúng đổ giữa dòng sông”.

Tôn giả lại thưa mẹ: “Từ mẫu nên biết như vầy, tài bảo do lòng tham luyến, từ đó làm nhơn sanh ra các điều lỗi lầm, dẫn đến sự hoạn nạn. Ðó là các nạn nước, lửa, vua, giặc và con ác, sanh ra các thứ bại hoại khổ đau như thế. Nếu hiểu rõ được nguyên nhân sự khổ, mẹ sẽ thoát khổ”.

Khi ấy mẹ của tôn giả Hộ Quốc luyến ái con không thôi. Bà lại đặt kế hoạch suy nghĩ như vầy: “Lúc con mình còn ở nhà đã có người vợ. Hãy bảo nó trang điểm thân thể bằng những ngọc báu, đến chỗ Hộ Quốc có thể làm vui lòng con mình”. Nghĩ như vậy xong, bà đến chỗ người vợ cũ của tôn giả, nói rằng: “Chồng của ngươi là Hộ Quốc, lúc trước ở nhà đã ưa thích các thứ châu báu anh lạc trang nghiêm nào, vậy nay ngươi hãy trang sức đầy đủ các thứ ấy xong đến chỗ Hộ Quốc để làm vui lòng chàng”.

Bấy giờ người vợ của Hộ Quốc vâng lệnh mẹ chồng xong liền trang điểm các thứ châu báu rồi đến chỗ Hộ Quốc, thưa rằng: “Này người con của trưởng giả, ý chàng thế nào mà chàng thọ trì phạm hạnh, không phải là mong cầu thiên nữ nào chăng?”.

Tôn giả Hộ Quốc đáp rằng: “Chẳng phải vậy, này đại tỷ, ta thọ trì phạm hạnh là để cầu đạo quả, chớ không phải theo ý nghĩa như lời ngươi nói”.

Khi ấy vợ của Hộ Quốc nghe tôn giả gọi mình bằng “chị”, liền đổi sắc mặt, xấu hổ lui ra. Bấy giờ tôn giả Hộ Quốc nghĩ như vầy: “Sắp đến giờ ăn rồi”, liền thưa với cha: “Này trưởng giả, có món ăn nào hãy cho con ăn”.

Khi ấy cha mẹ tôn giả đích thân mang các món ăn thượng vị, các món ẩm thực dâng cúng cho tôn giả.

Bấy giờ tôn giả ăn uống xong, rửa bát xếp y, trải tòa mà ngồi, rồi tôn giả tuyên thuyết chánh pháp cho cha mẹ nghe, làm cho họ khởi tâm hoan hỷ mà sanh ý đạo. Tôn giả lại dùng thần thông đứng trên hư không, thuyết kệ rằng:

Xem sắc thân bôi vẽ

Với các báu trang nghiêm

Kẻ ngu mê đắm trước

Người trí thường xa lìa

Tham dục như dây tơ

Hay trói buộc thế gian

Kẻ ngu bị mê hoặc

Người trí thường xa lìa.

Bấy giờ tôn giả nói bài kệ xong, từ hư không đi xuống, trở lại dưới cây đại thọ, điềm tỉnh đứng yên.

Khi ấy có một vị vua tên là Câu Lư, cỡi ngựa ngao du ngoài thành, đến gần một bên của làng xóm Ðổ La. Thị thần tâu với vua rằng: “Tâu đại vương, nên biết rằng trong xóm làng này có một người con của trưởng giả tên là Hộ Quốc, ngài có nhiều quyến thuộc, của cải châu báu vô lượng nhưng đã vứt bỏ tất cả để xuất gia”.

Nghe việc ấy rồi, nhà vua liền hỏi những người trong làng ấy rằng: “Này các khanh, ở chốn này có người con của trưởng giả tên là Hộ Quốc, đã xả bỏ thân bằng quyến thuộc để xuất gia, việc này có thật chăng?”.

Bấy giờ các người trong làng liền tâu với vua rằng: “Ðại vương nên biết, đó đúng là sự thật. Tôn giả Hộ Quốc ở dưới một gốc cây đại thọ, trong làng xóm của chúng thần, thường trì phạm hạnh. Tất cả nhân dân chúng thần đi đến để thân cận cúng dường”.

Nhà vua nghe lời tâu rồi liền vào trong làng đó, đến dưới gốc cây đại thọ, nơi tôn giả đang dừng nghỉ. Bấy giờ tôn giả từ xa trông thấy vua Câu Lư đang đi nhanh đến chỗ mình, liền từ tòa đứng dậy, đi đến trước mặt vua, tâu như vầy: “Thật tốt đẹp, Ðại vương đã đến. Ðây là cảnh giới nhà vua đang thống lĩnh. Nay thỉnh Ðại vương đến dưới gốc cây kia, hãy ngồi lên tòa của tôi”.

Nhà vua đáp: “Này Hộ Quốc, ý của ta như vậy, muốn đến chỗ của ngươi, ngồi lên tòa của ngươi”.

Tôn giả Hộ Quốc lại thưa: “Vì ý vua như vậy cho nên tôi mới mời vua như vậy”.

Bấy giờ nhà vua cùng với tôn giả đến dưới gốc cây đại thọ, ngồi xuống tòa. Khi ấy Ðại vương nói với tôn giả Hộ Quốc rằng: “Vì có bốn pháp, do bốn pháp này nên người ta mong cầu xuất gia. Bốn pháp đó là:

1.      Biết thân thuộc.

2.      Biết phú quý.

3.      Biết bệnh.

4.      Biết già.

Ðó là bốn pháp.

Thế nào là biết thân thuộc? Ðó là nếu có người có bà con thân thuộc thật nhiều, bỗng nhiên bị tán diệt, người ấy nghĩ rằng: “Quyến thuộc, bằng hữu tri thức của ta đều đã tán diệt, chỉ còn mình ta cô độc, vậy ta nên xuất gia”. Vì người ấy biết rõ không còn quyến thuộc nữa cho nên mong cầu xuất gia. Nay tôn giả Hộ Quốc có quyến thuộc thật nhiều, cũng chẳng phải cô độc, tôi không rõ vì lẽ gì mà lại xuất gia?

Lại nữa, sao gọi là biết phú quý? Ðó là hoặc có người trước đây có tiền bạc, châu báu, là người giàu có lớn, nhưng sau đó bị khánh tận, nghèo khổ sống lây lất. Do vì bần cùng nên người ấy nghĩ rằng: “Nay vì bần cùng nghèo khổ nên ta phải xuất gia”. Vì người ấy biết mình bần cùng nên muốn xuất gia. Nay tôn giả Hộ Quốc của cải phú quý vô lượng, cũng không bần cùng, tôi không rõ vì lẽ gì mà lại xuất gia?

Lại nữa, sao gọi là biết bệnh khổ? Ðó là hoặc có người đã bị bệnh lâu năm, nằm liệt giường không thể cứu chữa mới nghĩ như vầy: “Bệnh tật của ta thật nặng, hết sức đau khổ, cho nên nay ta phải mong cầu xuất gia”. Người ấy vì biết rõ bệnh khổ cho nên mới mong cầu xuất gia. Nay tôn giả Hộ Quốc ít bệnh, ít não, cũng không ưu sầu khổ đau, tôi không rõ vì lẽ gì mà lại xuất gia?

Lại nữa, sao gọi là biết già nua? Ðó là hoặc có người tuổi già suy nhược nên mới nghĩ như vầy: “Nay ta già nua, đối với sự giàu có sung sướng cũng chẳng ích lợi gì, cho nên nay ta nên cầu mong xuất gia”. Vì người ấy biết rõ sự già nua không kham nổi cho nên mới mong cầu xuất gia. Nay tôn giả Hộ Quốc đang tuổi thiếu niên khỏe mạnh, chưa hưởng thọ các thú vui, tôi không rõ tại sao lại đi xuất gia?

Tôn giả Hộ Quốc nên biết, vì bốn pháp như vậy mới làm cho người ta xuất gia. Nay tôi lại hỏi tôn giả Hộ Quốc, tôn giả vì thấy, nghe gì mà đi xuất gia?”.

Bấy giờ tôn giả trả lời với vua rằng: “Ðại vương nên biết, vì có bốn thứ pháp nên tôi mong cầu xuất gia. Những gì là bốn? Ðó là sự già, sự bệnh, sự ái dục và chết chóc. Con người bị biến hoại không trường tồn nên gọi là già, bị bệnh khổ không thể điều trị được cho nên gọi là bệnh, vì không biết nhàm chán, biết đủ nên gọi là ái, phải bỏ lại tất cả các đối tượng cho nên gọi là chết. Bốn pháp như vậy đức Phật Thế Tôn của tôi đã khéo biết, khéo thấy, tôi cũng theo đức Phật, đích thân thấy, đích thân nghe việc ấy. Tôi chấp nhận những việc ấy nên phát đại tín tâm mà xuất gia”.

Nhà vua nói: “Tôn giả, như trước đã nói một cách tóm tắt nên tôi chưa hiểu rõ, cúi mong tôn giả hãy vì tôi nói một cách rộng rãi để tôi được khai mở hiểu rõ”.

Bấy giờ tôn giả nghe vua nói xong, tâu với vua rằng: “Này đại vương, thật là hay. Như ý nguyện của ngài, vậy tôi sẽ nói”.

Nhà vua nói: “Này tôn giả, vì biến hoại không lâu dài nên già là nghĩa thế nào?”.

Tôn giả đáp rằng: “Này Ðại vương, ý ngài thế nào? Hoặc con người từ hai mươi, ba mươi cho đến lúc bốn mươi tuổi, thân có sắc tướng, sức lực, cử động, tiến tới, đình chỉ của người ấy như thế nào?”.

Nhà vua nói: “Này tôn giả, lúc con người trẻ hai mươi đến bốn mươi tuổi có đủ đại sắc tướng, sức lực của thân thể cường tráng, thịnh vượng, tới lui dõng kiện, các việc làm của mình tự cho là không ai bằng. Ðến lúc tuổi tác già nua, xế chiều không còn khả năng, sắc tướng đã đổi khác, thân lực suy nhược, đi đứng bại hoại”.

Tôn giả bảo rằng: “Như lời vua nói đó là bị tướng già biến hoại ở thế gian. Ðại vương nên biết, đó chính là pháp thứ nhất mà đức Phật của tôi dạy. Lại nữa đức Phật Thế Tôn khéo rõ, khéo biết, khéo nói pháp này, tôi cũng thấy, nghe chánh pháp này nên yêu thích dốc lòng mong cầu, tín tâm xuất gia”.

Bấy giờ nhà vua nói rằng: “Tôn giả Hộ Quốc, tôi cũng đối với điều này vui mừng gặp được chánh pháp, yêu thích dốc lòng mong cầu”.

Lại nữa nhà vua nói: “Này tôn giả Hộ Quốc, sao gọi là bị bệnh khổ không lành gọi là bệnh?”.

Tôn giả đáp rằng: “Như người có tài bảo lớn và các thân thuộc rất đông, ý của vua thế nào? Người đó bị bệnh nằm liệt giường thọ các khổ não. Thân thuộc và các thị giả tùy tùng có thể thay thế sự khổ não ấy được chăng?”.

Nhà vua nói: “Không thể được. Này Hộ Quốc, nếu con người bị bệnh nằm liệt giường thì riêng người ấy phải thọ lãnh các sự khổ, không ai có thể thay thế, cũng không ai có thể cứu được.”

Tôn giả bảo rằng: “Như lời vua nói, không ai có thể thay thế, không ai có thể cứu được, đó là tướng của bệnh. Ðó tức là pháp thứ hai mà đức Phật của tôi dạy. Vả lại, đức Phật Thế Tôn khéo rõ, khéo biết, khéo nói pháp này. Tôi cũng thấy, nghe chánh pháp này nên ưa thích, mong cầu, tín tâm xuất gia”.

Lúc đó nhà vua thưa: “Này tôn giả Hộ Quốc, tôi cũng đối với pháp đó vui mừng gặp được chánh pháp, ưa thích mong cầu”.

Nhà vua lại hỏi rằng: “Này tôn giả, sao gọi là không có nhàm chán biết đủ, gọi là ái?”.

Tôn giả đáp rằng: “Này Ðại vương, ý của vua thế nào? Vua là người giàu có, sở hữu đất đai, thành ấp, cho đến nhân dân sinh sống ở phía Ðông, Tây, Nam, Bắc trong nước do vua thống lĩnh, đều hết sức giàu có chăng?”.

Vua đáp: “Này tôn giả, đúng như vậy, đúng như vậy”.

Tôn giả lại nói: “Này Ðại vương, ngài đã thống lĩnh đất đai, tụ lạc trong nước, giàu có như vậy, giả sử có một người ở bên mé biển đến thưa với Ðại vương rằng: “Tôi thấy nước kia có thành ấp rộng lớn, nhân dân đông đúc, vàng bạc, châu báu, các vật lạ lùng, voi, ngựa, binh chúng hằng hà sa số. Này Ðại vương, khi nghe lời ấy, ý ngài thế nào?”.

Vua đáp: “Này tôn giả, khi tôi nghe điều ấy rồi, nếu tôi không đến được thì tôi cũng bảo sứ đến đánh nước ấy, chở tất cả châu báu các vật về chất đầy kho tàng của tôi”.

Bấy giờ tôn giả nói rằng: “Này Ðại vương, sự không nhàm chán biết đủ này gọi là Ái. Ðó chính là pháp thứ ba mà đức Phật đã nói. Vả lại, đức Phật Thế Tôn khéo rõ, khéo biết, khéo nói pháp này. Tôi cũng vì thấy, nghe chánh pháp này nên ưa thích, mong cầu, tín tâm xuất gia”.

Khi ấy nhà vua nói rằng: “Này tôn giả Hộ Quốc, tôi cũng đối với điều đó vui mừng gặp được chánh pháp, nên ưa thích, chí tâm mong cầu”.

Nhà vua lại hỏi: “Này tôn giả, sao gọi là xả ly các đối tượng gọi là chết?”.

Tôn giả đáp rằng: “Này Ðại vương, ý ngài thế nào? Tôi thấy người có nhiều châu báu là người giàu có số một. Người ấy khi bỏ cõi này sanh về cõi khác, vậy tất cả những châu báu có thể mang theo được chăng?”.

Vua nói: “Không thể được”.

Tôn giả lại nói: “Này Ðại vương, đối với người trong đời này mà bỏ lại các đối tượng thân yêu để sanh vào đời khác, đó gọi là chết. Ðó chính là pháp thứ tư mà đức Phật nói ra. Ðức Phật đã khéo hiểu, khéo biết, khéo nói pháp này. Tôi cũng vì thấy, nghe chánh pháp này nên ưa thích, mong cầu, tín tâm xuất gia”.

Nhà vua nói: “Thưa tôn giả, tôi cũng đối với điều đó vui mừng gặp được chánh pháp, nên ưa thích, chí tâm mong cầu”.

Bấy giờ tôn giả lại nói với vua rằng:

–Ðối với nghĩa này, tôi muốn trùng tuyên lại, vậy ngài hãy lắng nghe.

Nhà vua thưa:

–Thật tốt, tôi mong được nghe.

Bấy giờ tôn giả nói bài kệ này:

Ta thấy người thế gian

Tham ái mà cất chứa

Vì của nên bị nạn

Càng tăng thêm các dục

Nhà vua chủ đất đai

Rộng lớn đến bờ biển

Như vậy chưa biết đủ

Lại muốn chiếm nước người

Các chúng sanh thế gian

Do tham ái mà chết

Thương khóc thật não nùng

 Than ôi chết nhanh quá!

Như người chứa của báu

Lại bị lửa đốt cháy

Chúng sanh cũng theo nghiệp

Ðã tạo phải thọ báo

Giàu có không cứu mạng

Cũng không thoát già nua

Giàu nghèo đều phải chết

Già trẻ cũng vô thường

Bệnh đâu chừa kẻ mạnh

Cũng chẳng tránh từ già

Ðều do lòng tham ái

Nên phải bị vô thường

Ví như người trộm cắp

Trở lại tự tổn thương

Như vậy thấy thế gian

Tự tạo các nhân ác

Như quả chín tự rụng

Già, trẻ chết cũng thế

Ý vui thích tạo nghiệp

Phải thọ báo khổ não

Lúc người ngu thế gian

Tạo nghiệp không tự biết

Hoặc sanh ở đời sau

Do yêu ghét bị khổ

Mạng chung trong bào thai

Ai có thể cứu được?

Giả sử, thân trí thức

Mạng chung ai cứu được?

Dục, hủy hoại, trói buộc

Sanh khổ thêm hãi hùng

Thấy pháp huyễn thế gian

Cho nên tôi xuất gia.

Bấy giờ đại vương Câu lưu nghe tôn giả nói bài kệ xong, hoan hỷ tin nhận, lại thưa rằng:

–Tôn giả Hộ Quốc là người có thể khéo xuất ly, cho nên nay tôi xin quy y với tôn giả.

Tôn giả Hộ Quốc bảo rằng:

–Chớ có quy y nơi tôi. Bậc mà tôi quy y là Phật Thế Tôn, Pháp, và Tăng chúng. Vua cũng nên quy y như vậy.

Vua thưa:

–Ðúng vậy, đúng vậy. Nay tôi quy y Phật, Pháp và Tăng chúng, suốt đời thọ trì giới Ưu bà tắc.

Lúc đó đại vương đã phát lời thệ nguyện xong, đảnh lễ, phụng sự tôn giả, trở về cung vua.  

PHẬT NÓI KINH HỘ QUỐC

--- o0o ---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 5-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Lợi ích tu tập thiền định trong Điểm tựa bình an Quan cà chua con rùa Tái sinh Sức sốngcủa Bổn môn Pháp hoa Dau Vận động viên cử tạ ăn chay tại Hòa nuoc ëng cuoc niå³ å Æ Ăn món chay Thái tại Sài Thành Thõng tay vào chợ đi chùa vuon sau roi le Điểm tựa bình an phap thi Lá thư Xuân Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam Tuỳ mỗi ï¾ï½½ Chuyện 10 năm ăn chay ở đó đây vọng hay chung song than ai voi cac ban dac biet Chuyện 10 năm ăn chay ở đó đây truyê hay hoc cach cho truoc khi muon nhan lễ hằng thuận di hai phu van Ngũ ấm ma trong chúng ta noi a y ta se de n Ăn chay giúp sống lâu hơn Tảo Spirulina có ích cho người ăn chay thay duoc gi tu nhung dua con hu Æ nguyệt lam the nao de tro thanh mot phat tu dung nghia Bí quyết để sống vui sống khỏe chứ Bơi nguyen cau lối Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ hen nhung ngay nao thi phat tu nen an Giấc ngủ quan trọng thế nào Tẩy lÃÅ Tại sao người nam hay bị mập Chữ Hiếu viết như thế nào xuan xa xu the gioi quan cua phat phap