.

 

 

KINH  THUYẾT  VÔ  CẤU  XỨNG

Hán dịch: Ðại Ðường, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang

Việt dịch:  Thích nữ Tịnh Nguyên

 Chứng nghĩa: Tỳkheo Thích Ðỗng Minh,

Tỳ kheo Thích Tâm Hạnh.

--- o0o ---

 

Quyển thứ hai

 

III- PHẨM THANH VĂN

 

Bấy giờ, Vô Cấu Xứng suy nghĩ: “Ta bị bệnh liệt giường như vậy, lẽ nào đức Thế Tôn đại bi không đoái lòng thương xót mà không bảo người nào đến hỏi thăm bệnh tình của ta sao?”. Biết ý ông ta, đức Thế Tôn thương xót bảo Xá Lợi Tử:

- Ông hãy đến thăm bệnh ông Vô Cấu Xứng hỉ!

Xá Lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ! Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần, con đang ngồi thiền trong rừng cây. Lúc đó Vô Cấu Xứng đến cúi đầu lạy dưới chân con và nói rằng: “Thưa ngài Xá Lợi Tử! Không cần ngồi như vậy mới là ngồi thiền. Người ngồi thiền không hiện thân tâm ở ba cõi, đó là ngồi thiền; không khởi diệt định mà hiện các oai nghi, đó là ngồi thiền; không xả bỏ tướng đã chứng đắc mà hiện tất cả pháp dị sanh, đó là ngồi thiền; Tâm không trụ bên trong cũng không hành bên ngoài, đó là ngồi thiền; Trụ vào ba mươi bảy pháp phần Bồ đề mà không lìa tất cả kiến thú, đó là ngồi thiền; Không xả bỏ phiền não mà không phiền não, mặc dầu chứng Niết bàn mà không có chỗ trụ, đó là ngồi thiền; Nếu ngồi thiền như vậy thì được Phật ấn chứng”.

Bạch Thế Tôn! Khi đó con nghe vậy liền nín thinh không thể trả lời được. Nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Ðức Thế Tôn bảo Ðại Mục Kiền Liên:

- Ông hãy đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng hỉ!

Ðại Mục Kiền Liên thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không có đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ! Vì sao? Vì con nhớ lại trước đây có một lần, con đến ngã tư đường thuộc thành Quảng Nghiêm giảng nói pháp giải thoát cho các cư sĩ. Lúc đó Vô Cấu Xứng đến cúi đầu lạy chân con và nói: “Thưa ngài Mục Kiền Liên! Nói pháp cho hàng cư sĩ, không nên nói như tôn giả. Mà nói pháp phải nói như pháp”. Con hỏi: “Thế nào là nói như pháp?” Ông ta trả lời: “Pháp không có ngã vì lìa cấu của ngã; pháp không có hữu tình vì lìa trần bụi của hữu tình; pháp không có mạng giả vì lìa sanh tử; pháp không có Bổ đặc già la vì trước sau đều đoạn; Pháp luôn tịch tịnh vì diệt các tướng; pháp lìa tham trước vì không chỗ duyên; pháp không có văn tự vì đoạn ngôn ngữ; pháp không có ví dụ để nói vì xa lìa tất cả tư tưởng sóng nước; pháp ở khắp tất cả vì như hư không; pháp không hiển bày, không có tướng, không có hình thể vì xa lìa tất cả hành động; pháp không có ngã sở vì lìa ngã sở; pháp không liễu biệt vì lìa tâm thức; pháp không so sánh vì không đối đãi nhau; pháp không thuộc vào nhân vì không ở trong duyên; pháp đồng với pháp giới vì thể nhập vào tất cả chơn pháp giới; Pháp tùy theo Như vì không có chỗ theo; pháp trụ vào thật tế vì rốt ráo bất động; pháp không lay động vì không nương tựa vào sáu cảnh; pháp không đến-đi vì không chỗ trụ; pháp thuận với không vì tùy theo vô tướng, ứng với vô nguyện vì xa lìa tất cả tư tưởng tăng-giảm; pháp không nắm bắt vì lìa sanh diệt; pháp không chấp tàng vì vượt qua tất cả đạo Nhãn - Nhĩ - Tỷ - Thiệc- Thân- Ý; pháp không cao thấp vì thường trụ bất động; pháp lìa tất cả phân biệt sở hành vì đã đoạn rốt ráo các hý luận. Thưa Ngài Mục Kiền Liên! Tướng pháp như vậy mà có thể nói được sao? Vậy người nói pháp là tất cả đều tăng trưởng tổn giảm. Người nghe pháp cũng đều tăng trưởng tổn giảm. Nếu đối với xứ ấy không tăng không giảm, thì với xứ ấy không thể nói, không thể nghe, không thể liễu biệt. Thưa ngài Mục Kiền Liên! Ví như thầy ảo thuật hóa người huyễn hóa, giảng nói các pháp trụ tâm như vậy, mới có thể nói pháp; phải hiểu rõ hoàn toàn căn tánh sai khác của các hữu tình, dùng diệu huệ quán sát không bị chướng ngại, khen ngợi đại thừa, nhớ nghĩ báo ân Phật, ý lạc thanh tịnh, từ ngữ pháp thiện xảo, nối dõi Tam bảo không cho đoạn tuyệt, đó mới nên nói pháp”.

Bạch Thế Tôn! Khi đại sĩ ấy giảng nói pháp như vậy, trong chúng có tám trăm cư sĩ đều phát tâm Vô Thượng Ðẳng Chánh Giác.

Bạch Thế Tôn! Lúc đó con im lặng không thể biện luận được nữa. Nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Ðức Thế Tôn bảo Ðại Ca Diếp Ba:

- Ông hãy đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng!

Ðại Ca Diếp Ba thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ! Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần con vào thành Quảng Nghiêm, theo những ngõ hẻm nhà nghèo khó để khất thực. Khi ấy, Vô Cấu Xứng đến cúi đầu lạy sát chân con và nói: “Thưa ngài Ðại Ca Diếp Ba! Mặc dầu ngài có lòng từ bi nhưng không phổ cập, bỏ nhà giàu đến khất thực nhà nghèo. Thưa tôn giả Ca Diếp! Nên trụ vào pháp bình đẳng mà khất thực theo thứ tự. Vì không ăn nên đi khất thực; vì muốn nhận thức ăn bố thí của người nên đi khất thực; vì có tư tưởng vào xóm làng trống không mà vào xóm làng; vì muốn thành thục nam nữ lớn nhỏ mà vào thành ấp; vì có tư tưởng hướng nhà Phật mà đến nhà khất thực; vì không thọ nhận mà thọ nhận thức ăn ấy, thấy sắc giống như mù; nghe tiếng như âm thanh vọng lại; ngửi mùi thơm như gió; ăn mùi vị không phân biệt; thọ các xúc như trí chứng; biết các pháp như tướng huyễn; không có tự tánh không có tha tánh; không hừng hẫy không tịch tịnh. Thưa tôn giả Ca Diếp! Nếu có thể lìa bỏ tám tà để thể nhập vào tám giải thoát; lấy tà bình đẳng nhập vào chánh bình đẳng; lấy một vắt cơm bố thí cho tất cả, cúng dường cho chư Phật cùng chúng Hiền thánh rồi sau đó mới ăn. Thức ăn ấy chẳng tạp nhiễm chẳng lìa tạp nhiễm; chẳng nhập định tịnh chẳng ra khỏi định tịnh; chẳng trụ sanh tử chẳng trụ Niết bàn, như vậy mới có thể ăn. Những người cúng dường cho tôn giả không có quả nhỏ không có quả lớn, không tổn giảm không tăng trưởng, hướng đến cõi Phật không hướng đến Thanh Văn. Thưa tôn giả Ca Diếp! Nếu ăn thức ăn ấy thì không uổng phí thức ăn của người cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Nghe ông ta nói vậy, con tỏ ngộ thật chưa từng có. Tất cả Bồ tát rất tôn kính ông ta.

Kỳ lạ thay bạch Thế Tôn! Ở đó có cư sĩ với biện tài trí huệ như vậy. Ai có trí huệ được nghe ông ta nói mà lại không phát tâm Vô thượng Bồ đề. Từ đó đến nay, con không chỉ dạy hữu tình cầu các thừa Thanh Văn Duyên giác nữa, mà con chỉ chỉ dạy họ phát tâm mong cầu Vô thượng Bồ đề. Cho nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Ðức Thế Tôn bảo tôn giả Ðại Thiện Hiện:

- Ông hãy đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng hỉ?

Ðại Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ! Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần con vào thành Quảng Nghiêm để đi khất thực, theo thứ tự con vào nhà ông ta. Khi ấy Vô Cấu Xứng cúi đầu lạy sát chân con và tự tay lấy bát con đựng đầy thức ăn ngon, rồi nói với con: “Thưa tôn giả Thiện Hiện! Ðối với thức ăn, nếu lấy tánh bình đẳng nhập vào tánh bình đẳng của các pháp; đem tánh bình đẳng của các pháp nhập vào tánh bình đẳng của chư Phật thì mới có thể nhận lấy thức ăn. Thưa tôn giả Thiện Hiện! Nếu không đoạn trừ tham sân si cũng không tương ưng với nó; không hoại thân kiến mà nhập vào nhất thú đạo; không diệt vô minh và các hữu ái mà phát sanh huệ minh để giải thoát; đem pháp tánh bình đẳng vô gián nhập vào pháp tánh bình đẳng  giải thoát; không tháo bỏ không trói buộc; không kiến tứ đế chẳng phải không kiến tứ đế; chẳng phải đắc quả chẳng phải dị sanh, chẳng phải lìa pháp dị sanh; chẳng phải thánh chẳng phải bất thánh; mặc dầu thành tựu tất cả pháp nhưng lìa vọng tưởng về các pháp thì mới có thể lấy ăn. Thưa tôn giả Thiện Hiện! Không thấy Phật, không nghe pháp, không cung kính Tăng. Bọn lục sư ngoại đạo: Mãn Ca Diếp Ba, Mạt Tát Yết Ly Cù Xá Ly Tử, Tưởng Phệ Ða Tử, Vô Thắng Man, Ca Diễn Na, Ly Hệ Thân Tử là thầy của tôn giả, tôn giả xuất gia với họ. Bọn lục sư ấy đọa thì tôn giả cũng đọa, thì mới có thể lấy ăn. Nếu tôn giả rơi vào các kiến thú mà không rơi vào ở giữa, hai bên; vào tám chỗ nạn không thoát ra được cùng với tạp nhiễm mà lìa thanh tịnh. Nếu hữu tình đạt được Vô Tránh thì tôn giả cũng đạt được, nhưng không gọi là ruộng phước thanh tịnh. Nhưng người bố thí thức ăn cho tôn giả đọa vào các cõi ác rồi tôn giả cùng bọn ma nắm tay nhau, kết bạn cùng với các phiền não. Tự tánh của phiền não tức là tự tánh của tôn giả. Các hữu tình sanh tâm oán hận, chê bai chư Phật, hủy báng chánh pháp, không dự vào tăng số thì hoàn toàn không có cơ hội Bát Niết bàn. Nếu như vậy thì có thể lấy ăn”.

Bạch Thế Tôn! Khi nghe ông ta nói như vậy con mịt mù mê muội quên hết đường đi. Con không biết phải nói gì và trả lời thế nào. Con muốn để bát lại mà ra khỏi nhà ông ta. Khi ấy, Vô Cấu Xứng nói với con rằng: “Thưa tôn giả Thiện Hiện! Ngài hãy cầm bát chớ có sợ. Ý ngài thế nào? Như chư Phật Như Lai hóa ra người huyễn. Người huyễn hóa đó đem việc này hỏi ngài, thì ngài có sợ không?” Con nói: “Không sợ”. Vô Cấu Xứng nói: “Tánh tướng của các pháp đều như huyễn hóa. Tất cả hữu tình và các lời nói năng, tánh tướng nó đều như vậy. Những người có trí không nên chấp trước vào văn tự, cũng không sợ sệt. Vì sao? Vì tất cả sự nói năng đều lìa tánh tướng của văn tự. Nếu hoàn toàn chẳng có văn tự thì đó là giải thoát. Tướng giải thoát tức là tất cả pháp.

Bạch Thế Tôn! Khi đại cư sĩ ấy nói pháp, có hai vạn thiên tử xa lìa trần cấu, trong các pháp đắc được pháp nhãn tịnh. Năm trăm thiên tử đắc Thuận Pháp Nhẫn. Lúc đó con im lặng không nói năng gì được và không sao trả lời. Cho nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Thế Tôn bảo Mãn Từ Tử:

- Ông hãy đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng hỉ?

Mãn Từ Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ. Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần ở trong rừng con giảng pháp cho Tỳ kheo mới học. Khi ấy, Vô Cấu Xứng đến cúi đầu lạy sát chân con và nói: “Thưa Mãn Từ Tử! Trước tiên ngài nên nhập định để quán sát tâm Tỳ kheo, rồi sau đó mới giảng pháp cho họ. Không nên đem thức ăn nhơ nhớp bỏ vào bình báu. Trước tiên nên biết rõ các Tỳ kheo có ý lạc gì, đừng đem báu phệ lưu ly vô giá sánh bằng với viên thủy tinh tầm thường dễ vỡ. Thưa tôn giả Mãn Từ Tử! Ngài chớ không quán sát căn tánh sai khác của các loài hữu tình mà trao cho họ pháp thuộc tiểu thừa. Họ đã không bị tổn thương thì đừng làm cho họ tổn thương. Họ muốn đi đường lớn đừng bảo đi đường nhỏ; chớ lấy ánh sáng mặt trời đem sánh với lửa đom đóm; không nên lấy biển cả đặt vào dấu chân trâu; không nên đem núi Diệu Cao để trong hạt cải; không nên đem tiếng hống sư tử sánh bằng với tiếng dã can. Thưa tôn giả Mãn Từ Tử! Các Tỳ kheo ấy đều đã phát tâm Ðại thừa từ thuở xa xưa, cầu Bồ đề giữa chừng thì quên mất ý ấy. Vậy sao đem pháp Thanh Văn thừa mà chỉ dạy họ. Tôi quán sát trí huệ của Thanh Văn thấp kém quá hơn người mù bẩm sanh không có đại thừa. Quán căn tánh diệu trí của các hữu tình chứ không thể quán căn tánh lợi-độn của hữu tình”. Khi ấy, Vô Cấu Xứng liền nhập Thắng Tam ma địa để các Tỳ kheo theo đó mà nhớ vô lượng sự sai khác ở kiếp trước đã từng gieo trồng căn lành với năm trăm đức Phật ở quá khứ, đã chứa nhóm tu tập vô lượng công đức thù thắng, hồi hướng lên Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Sau khi nhớ lại đời kiếp trước, các vị ấy cầu tâm Bồ đề và trở lại hiện tại cúi đầu lạy sát chân cư sĩ. Nhơn đây, Vô Cấu Xứng giảng pháp để họ không thối chuyển Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Lúc ấy con nghĩ rằng: “Các vị Thanh Văn không biết căn tánh sai khác của hữu tình. Nếu không thưa với Như Lai thì không nên nói pháp cho họ. Vì sao? Vì các Thanh Văn không biết căn tánh thắng liệt của hữu tình, chẳng phải luôn ở trong định như Phật. Nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Ðức Thế Tôn bảo Ma Ha Ca Ða Diễn Na:

- Ông hãy đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng!

Ca Ða Diễn Na thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu. Vì sao? Vì con nhớ trước đây, có một lần, sau khi đức Thế Tôn giảng pháp cho Tỳ kheo, con liền nhập vào định. Sau đó, con phân biệt chọn lựa cú nghĩa của khế kinh nói nghĩa vô thường, nghĩa không, nghĩa vô ngã, nghĩa tịch diệt. Khi ấy, Vô Cấu Xứng đến cúi đầu lạy sát chân con và nói: “Thưa tôn giả Ðại Ca Ða Diễn Na! Không nên đem tâm hành phân biệt mà nói thật tướng của các pháp. Vì sao? Vì các pháp hoàn toàn chẳng phải đã sanh, chẳng phải đang sanh, chẳng phải sẽ sanh; chẳng phải đã diệt, chẳng phải đang diệt, chẳng phải sẽ diệt, đó là nghĩa vô thường; Thấu đạt tánh năm uẩn hoàn toàn không, không có chỗ sanh khởi, đó là nghĩa khổ; các pháp hoàn toàn không có sở hữu, đó là nghĩa không; biết ngã không có ngã, không hai, đó là nghĩa vô ngã; không có tự tánh, không có tha tánh, xưa không bùng cháy nay không dập tắt, không tịch tịnh, hoàn toàn tịch tịnh rốt ráo tịch tịnh, đó là nghĩa tịch tịnh.

Khi Vô Cấu Xứng nói pháp ấy thì các Tỳ kheo đoạn tận các lậu, tâm được giải thoát.

Bạch Thế Tôn! Khi ấy con im lặng không thể nói được gì cả. Nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Ðức Thế Tôn bảo Ðại Vô Diệt:

Ông hãy đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng!

Ðại Vô Diệt thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ. Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần, con đi kinh hành một mình trong rừng. Khi ấy, có Phạm vương tên Nghiêm Tịnh cùng một vạn Phạm chúng đều phóng ánh sáng lớn. Họ đến chỗ con cúi đầu lạy sát chân con và hỏi: “Thưa tôn giả Vô Diệt! Ngài đắc thiên nhãn có thể thấy bao xa?” Khi ấy con trả lời: “Ðại tiên nên biết! Tôi có thể thấy ba ngàn đại thiên thế giới cõi Phật của Thích Ca Mâu Ni Phật như thấy quả A Ma Lạc trong lòng bàn tay”. Khi ấy Vô Cấu Xứng đến cúi đầu lạy sát chân con và nói: “Thưa tôn giả Vô Diệt! Thiên nhãn mà ngài đắc được là có hành tướng hay không có hành tướng? Nếu có hành tướng tức là đồng với năm thần thông của ngoại đạo. Còn nếu không có hành tướng tức là vô vi lẽ ra không thể thấy. Vậy thì Thiên nhãn mà tôn giả đắc được có thể thấy thế nào?”

Bạch Thế Tôn! Lúc đó con im lặng không thể trả lời được. Các chúng Phạm nghe ông ta nói vậy bừng tỏ chưa từng có, và họ liền lạy hỏi ông ta: “Trong đời, ai là người có được chơn Thiên nhãn?” Vô Cấu Xứng trả lời: “Chỉ có Phật Thế Tôn mới đắc được Chơn Thiên nhãn, Ngài không lìa định tịch tịnh mà vẫn thấy các cõi Phật không có hai tướng và các tướng”. Bấy giờ, Phạm vương ấy cùng quyến thuộc năm trăm người đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Lúc đó Vô Cấu Xứng bỗng nhiên biến mất. Nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Ðức Thế Tôn bảo Ưu Ba Ly:

- Ông hãy đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng hỉ?

Ưu Ba Ly thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ. Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần: Có hai vị Tỳ kheo phạm giới đã thọ. Hai vị ấy rất xấu hổ không dám đến chỗ đức Phật, lại đến lạy sát chân con nói rằng:  “Thưa ngài Ưu Ba Ly! Hai chúng tôi nay đã vi phạm vượt quá giới luật, thật lấy làm xấu hổ không dám đến chỗ đức Phật. Chúng tôi xin Ngài hãy giải bày nổi ưu lo để chúng tôi khỏi tội ấy” Con liền như pháp giải nói để hai vị ấy không còn lo buồn nữa, giới đã phạm được thanh tịnh và con chỉ dạy khuyến khích hướng dẫn an ủi hai vị ấy. Lúc đó Vô Cấu Xứng dến lạy sát chân con và nói: “Thưa ngài Ưy Ba Ly! Không nên kết thêm tội cho hai vị Tỳ kheo này, mà phải làm thế nào để dứt hẳn mối lo âu đó ngay. Họ đã phạm rồi chớ nên làm loạn tâm họ. Vì sao? Vì tội tánh ấy không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Như lời Phật dạy: Vì tâm tạp nhiễm nên hữu tình tạp nhiễm; vì tâm thanh tịnh nên hữu tình thanh tịnh. Như vậy tâm cũng không ở trong, không ở ngoài cũng không ở chặng giữa. Tâm ấy như vậy nên tội cấu cũng như vậy. Tội cấu của Như như vậy nên các pháp cũng như vậy không ngoài Như. Thưa ngài Ưu Ba Ly! Tâm của ngài vốn thanh tịnh, vậy khi được giải thoát thì tâm vốn thanh tịnh ấy có bị nhiễm bao giờ không?” Con trả lời: “Không!” Vô Cấu Xứng nói: “Tâm tánh của tất cả hữu tình cũng vốn thanh tịnh chưa từng bị nhiễm. Thưa ngài Ưu Ba Ly! Nếu có phân biệt, phân biệt khác tức là có phiền não. Nếu không có phân biệt, không phân biệt khác tức là tánh thanh tịnh. Nếu có điên đảo là có phiền não. Còn như không điên đảo là tánh thanh tịnh. Nếu còn chấp ngã tức thành tạp nhiễm, không chấp ngã là tánh thanh tịnh. Thưa ngài Ưu Ba Ly! Tánh của các pháp sanh diệt không ngừng, nó như huyễn, như hóa, như điện, như chớp, như mây. Tánh của các pháp không quay lại đợi nhau, cho đến một niệm nó cũng không tạm dừng. Tánh của các pháp đều thấy một cách hư vọng, như mộng, như sóng nắng, như thành Kiền Ðạt Ðà. Tất cả pháp tánh đều do tâm phân biệt mà phát sanh ảnh tượng như trăng trong nước, như bóng trong gương. Ai biết được như vậy gọi là trì luật rốt ráo. Ai biết được như vậy gọi là điều phục hoàn hảo”. Nghe nói vậy, hai vị Tỳ kheo tỏ ngộ chưa từng có và cùng nói rằng: “Cư sĩ thật kỳ diệu thay! Với trí huệ biện tài thù thắng như vậy, Ưu Ba Ly không thể nào sánh kịp. Ðức Phật dạy trì luật rất là cao cả không thể nói được”. Con liền rằng: “Hai vị đừng có nghĩ cư sĩ ấy như vậy. Vì sao? Vì ngoài đức Như Lai ra chưa có một Thanh Văn và các Bồ tát nào mà có thể ngăn chặn trí huệ biện tài của cư sĩ ấy. Trí huệ biện tài sáng suốt thù thắng của ông ta như vậy đó”.

Bấy giờ hai vị Tỳ kheo liền đoạn tận mối lo âu và đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác và làm lễ phát nguyện: “Nguyện các hữu tình đều được trí huệ biện tài thù thắng như vậy”. Khi ấy con im lặng không nói được gì cả. Nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Ðức Phật bảo La Hổ La:

- Ông nên đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng!

La Hổ La thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ. Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần: Có các đồng tử  dòng Ly Chiêm Tỳ đến lễ lạy con và hỏi: “Thưa ngài La Hổ La! Ngài là con của Phật, vì đạo mà bỏ ngôi vị Chuyển luân vương để xuất gia. Việc xuất gia ấy có những công đức lợi ích gì?” Con liền như pháp mà nói cho ông ta về công đức lợi ích của việc xuất gia. Khi ấy, Vô Cấu Xứng đến cúi đầu lạy sát chân con nói: “Thưa ngài La Hổ La! Ngài không nên giảng nói những công đức lợi ích của việc xuất gia như vậy. Vì sao? Vì không có công đức, không có lợi ích đó là xuất gia. Thưa ngài La Hổ La! Ðứng về pháp hữu vi thì có thể nói có công đức có lợi ích. Nhưng xuất gia là pháp vô vi. Trong pháp vô vi không thể nói có công đức lợi ích. Thưa ngài La Hổ La! Xuất gia không có bên này, không có bên kia, cũng không ở chặng giữa. Nó xa lìa các kiến, không có sắc phi sắc, đó là đường đến Niết bàn, được người trí khen ngợi, được bậc Thánh bảo hộ, chiến thắng chúng ma, vượt ra khỏi năm đường tịnh tu ngũ nhãn, an lập vào ngũ nhãn, chứng đắc năm lực, không còn khổ não, lìa các pháp ác, bẻ gãy bọn ngoại đạo, thoát khỏi giả danh, thoát ra khỏi dục bùn dơ không bị đắm nhiễm, không còn sự ràng buộc vì lìa ngã ngã sở, dứt hẳn các hữu vì đã đoạn trừ các hữu; không bị nhiễu loạn vì đã đoạn trừ sự nhiễu loạn, khéo điều phục tâm mình khéo bảo hộ tâm người, tùy thuận vào tịch chỉ, siêng năng tinh tấn tu thắng quán, xa lìa tất cả điều ác, tu tất cả điều thiện. Nếu có thể được như vậy mới gọi là chơn xuất gia”. Khi ấy Vô Cấu Xứng nói với các đồng tử: “Hôm nay các vị nên cùng nhau xuất gia trong thiện thuyết Tỳ Nại Da. Vì sao? Vì gặp Phật ra đời là khó, tránh xa khổ nạn là khó, được làm thân người là khó, đầy đủ an lạc là điều khó đệ nhất”. Các đồng tử thưa: “Thưa đại cư sĩ! Chúng tôi nghe đức Phật dạy: Nếu cha mẹ không cho phép thì không được xuất gia”. Vô Cấu Xứng nói: “Nhưng phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác, siêng năng tu tập chánh hạnh thì đó là xuất gia, là thọ cụ túc thành tánh Tỳ kheo”. Khi ấy, ba mươi hai đồng tử Ly Chiêm Tỳ đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác và thề nguyện tu hành chánh hạnh. Lúc đó con im lặng không thể nói được gì nữa. Cho nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Ðức Phật dạy A Nan Ðà:

Ông nên đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng hỉ?

A Nan Ðà thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ. Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần Thế Tôn hiện thân bệnh nhẹ cần dùng sữa bò. Vào sáng sớm, con sửa sang pháp phục ôm bát đến đứng trước nhà Bàlamôn ở thành Quảng Nghiêm để xin sữa bò. Khi ấy Vô Cấu Xứng đến lạy sát chân con và nói: “Thưa ngài A Nan Ðà! Làm gì mà mới sáng sớm đã ôm bát đứng ở đây vậy?” Con trả lời: “Cư sĩ! Vì Thế Tôn bệnh cần dùng sữa bò nên tôi đến đây”. Vô Cấu Xứng nói với con: “Thôi, thôi, thưa tôn giả! Ngài đừng nói như vậy, chớ phỉ báng Thế Tôn. Ðừng đem việc hư ngụy mà phỉ báng Như Lai. Vì sao? Vì thân Như Lai do kim cang hợp thành, đã trừ hẳn tất cả pháp ác và tập khí phiền não đã thành tựu viên mãn tất cả pháp lành thì đâu có bệnh gì; còn có phiền não gì? Thưa ngài A Nan Ðà! Ngài hãy lặng lẽ trở về đừng xin nữa, đừng làm cho người khác nghe lời thô ấy, chớ để cho chư thiên có đại oai đức và các Bồ tát đến từ các cõi Phật nghe được lời nói ấy. Thưa ngài A Nan Ðà! Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu được chút căn lành còn không bị bệnh, huống chi thân Như Lai có vô lượng căn lành, đầy đủ phước-trí. Nếu ngài bệnh thì nhất định không có vấn đề ấy xảy ra. Thưa ngài A Nan Ðà! Ngài hãy mau lặng lẽ về đi đừng để chúng tôi phải chịu sự nhục đó. Nếu các Bàlamôn ngoại đạo nghe lời thô này thì họ sẽ nói rằng: “Như vậy sao gọi là thầy. Thân mình có bệnh còn không cứu nổi thì làm sao có thể cứu bệnh cho người khác được”. Ngài hãy mau lặng lẽ đi đi đừng để mọi người nghe thấy. Còn nữa, thưa ngài A Nan Ðà! Thân Như Lai là pháp thân cứ chẳng phải thân ô uế tạp nhạp, là thân xuất thế gian không bị pháp thế gian làm ô nhiễm; là thân vô lậu đã lìa hẳn tất cả lậu; là thân vô vi đã xa lìa các hữu vi; vượt qua khỏi các số vì các số đã tịch tịnh. Thân Phật như vậy thì làm gì có bệnh!

Bạch Thế Tôn! Nghe ông ta nói như vậy, con thật thấy xấu hổ vô cùng, không lẽ ở gần Phật mà con nghe lầm sao. Ngay lúc ấy, giữa hư không con nghe tiếng nói: “Này A Nan Ðà! Ðúng như lời nói cư sĩ ấy nói. Chân thật của Thế Tôn thật không có bệnh. Nhưng vì Như Lai hiện ra đời năm trược là vì muốn giáo hóa dìu dắt những hữu tình ác hạnh, khổ não, nghèo cùng mà thị hiện việc như vậy. Hãy đi đi, này A Nan Ðà! Hãy đi lấy sữa chớ có hổ thẹn”.

Bạch Thế Tôn! Nghe đại sĩ ấy biện luận như vậy con không biết nói gì cả, nên phải im lặng không trả lời. Cho nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Cứ như vậy, Thế Tôn lần lượt bảo năm trăm vị Thanh Văn đại đệ tử: “Ông hãy đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng”. Các vị Thanh Văn ấy đều trình bày duyên cớ trước đây của mình cho đức Phật. Vị nào cũng khen ngợi Vô Cấu Xứng và đều từ chối không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta.

 

 

 

IV- PHẨM BỒ TÁT  

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Ðại Bồ tát Di Lặc:

- Ông hãy đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng hỉ?

Bồ tát Từ Thị thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu. Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần con giảng pháp giải thoát về địa vị Bất thối chuyển của Bồ tát cho Thiên Vương cùng quyến thuộc ở cõi trời Ðâu Suất. Khi ấy, Vô Cấu Xứng đến cúi đầu lạy sát chân con và nói: “Thưa tôn giả Từ Thị! Ðức Phật Thế Tôn đã thọ ký cho ngài còn một đời nữa sẽ chứng đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác Bồ đề. Vậy ngài được thọ ký vào đời nào vậy, quá khứ, vị lai hay hiện tại? Nếu đời quá khứ thì đời quá khứ đã qua; nếu đời vị lai thì đời vị lai chưa đến; nếu đời hiện tại thì đời hiện tại không trụ. Như đức Thế Tôn đã nói: “Này Tỳ kheo các ông! Sanh già chết trong mỗi sát na. Chết đó rồi sanh đó. Nếu vì vô sanh mà được thọ ký thì vô sanh tức là đã nhập vào chánh tánh. Khi vô sanh này đã nhập trong chánh tánh thì không có vấn đề thọ ký, cũng không chứng đắc Chánh Ðẳng Bồ đề. Vậy làm sao Từ Thị được thọ ký? Theo Như sanh được thọ ký hay theo Như diệt mà được thọ ký? Nếu theo Như sanh được thọ ký thì Như không có sanh. Nếu theo Như diệt được thọ ký thì Như không có diệt. Không sanh không diệt theo trong Lý Chơn Như thì không có vấn đề thọ ký. Tất cả hữu tình đều Như, tất cả các pháp cũng đều Như, tất cả Hiền Thánh cũng đều là Như, cho đến Từ Thị cũng là Như. Nếu tôn giả Từ Thị được thọ ký thì tất cả hữu tình cũng sẽ được thọ ký như vậy. Vì sao? Vì Chơn Như chẳng phải sự hiển bày của hai, cũng chẳng phải sự hiển bày các tánh khác. Nếu tôn giả Từ Thị chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ đề thì tất cả hữu tình cũng sẽ được chứng như vậy. Vì sao? Vì đối với Bồ đề thì tất cả hữu tình đều giác ngộ như nhau. Nếu tôn giả Từ Thị Bát Niết bàn thì tất cả hữu tình cũng sẽ Bát Niết bàn. Vì sao? Vì chẳng phải hữu tình thì không Bát Niết bàn. Ðức Phật nói Chơn Như là Bát Niết bàn, vì Ngài quán sát thấy bản tánh của các hữu tình đều tịch tịnh, đó là tướng Niết bàn. Thế nên nói Chơn Như là Bát Niết bàn. Thưa ngài Từ Thị! Ngài đừng đem pháp này chỉ dạy chư Thiên, chớ đem pháp này làm trở ngại chư Thiên. Bồ đề không có các hướng mong cầu, cũng không thối chuyển. Thưa tôn giả Từ Thị! Ngài hãy làm cho chư Thiên này xả bỏ các phân biệt kiến chấp về Bồ đề. Vì sao? Vì Bồ đề không phải dùng thân để chứng hay dùng tâm để chứng. Tịch diệt là Bồ đề vì tướng tất cả hữu tình, tất cả pháp đều tịch diệt; không tăng trưởng là Bồ đề vì tất cả sở duyên không tăng trưởng; không hành là Bồ đề vì không hành tất cả hý luận và tất cả tác ý; đoạn tận là Bồ đề vì đã đoạn tận các kiến thú; xả ly là Bồ đề vì xả ly tất cả chấp thủ; ly hệ là Bồ đề vì lìa hẳn tất cả pháp động loạn; tịch tịnh là Bồ đề vì tất cả phân biệt đã tịch tịnh hoàn toàn. Rộng lớn là Bồ đề vì tất cả hoằng nguyện không thể nào so lường được; không tranh là Bồ đề vì xa lìa tất cả chấp trước, tất cả sự tranh luận. An trụ là Bồ đề vì trụ trong pháp giới. Tùy chí là Bồ đề vì tùy theo Chơn như; bất nhị là Bồ đề vì xa lìa tất cả pháp tánh sai biệt; kiến lập là Bồ đề vì đã nhập vào trong thật tế; bình đẳng là Bồ đề vì tất cả Nhãn - Sắc cho đến Ý - Pháp đều bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ đề vì đã xa lìa hoàn toàn sanh - trụ - dị- diệt. Biến tri là Bồ đề vì biết khắp tất cả tâm hành của các hữu tình. Vô quán là Bồ đề vì sáu xứ bên trong không bị tạp nhạp; không tạp nhạp là Bồ đề vì xa lìa hẳn tất cả phiền não và tập khí tương tục; không xứ sở là Bồ đề vì ở trong Chơn như đã xa lìa tất cả phương hướng xứ sở; không trụ là Bồ đề vì không thấy mọi nơi; Chỉ có tên là Bồ đề vì tên Bồ đề này không có tác dụng; Vô lãng là Bồ đề vì xa lìa hẳn tất cả thủ và xả. Không loạn là Bồ đề vì tự mình luôn tịch tịnh. Tịch tịnh rốt ráo là Bồ đề vì bản tánh thanh tịnh; hiển bày rõ ràng là Bồ đề vì tự tánh không tạp nhạp; Vô thủ là Bồ đề vì lìa các phan duyên; không khác là Bồ đề vì giác ngộ tánh bình đẳng của các pháp; không thí dụ là Bồ đề vì lìa hẳn các so sánh. Vi diệu là Bồ đề vì rất khó giác ngộ; kiến hành là Bồ đề vì tự tánh cùng khắp như hư không. Ðến đỉnh cao là Bồ đề vì đạt đến chỗ cùng cực của các pháp. Không nhiễm là Bồ đề vì không bị nhiễm vào tất cả pháp thế gian. Như vậy Bồ đề chẳng phải do thân chứng, chẳng phải do tâm chứng.

Bạch Thế Tôn! Khi đại cư sĩ ấy nói pháp này, trong chúng trời người có hai trăm thiên tử đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Khi ấy, con im lặng không nói gì cả. Nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Thế Tôn bảo đồng tử Quang Nghiêm:

- Ông hãy đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng.

Ðồng tử Quang Nghiêm thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ. Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần con vào thành Quảng Nghiêm. Ngay lúc đó ông Vô Cấu Xứng cũng mới vừa vào thành. Con làm lễ ông ta và hỏi: “Cư sĩ từ đâu đến?” Ông ta trả lời: “Từ diệu Bồ đề đến”. Con hỏi: “Thưa cư sĩ! Diệu Bồ đề là gì?” Ông ta trả lời: “Ý lạc thuần nhất thẳng thắng là diệu Bồ đề, vì nhờ ý lạc này mà không hư dối. Pháp khởi gia hành là diệu Bồ đề vì chứng hoàn toàn pháp thù thắng. Tâm đại Bồ đề là diệu Bồ đề vì đối với tất cả pháp không quên mất. Bố thí thanh tịnh là diệu Bồ đề vì không mong cầu quả dị thục ở thế gian. Trì giới kiên cố thanh tịnh là diệu Bồ đề vì các nguyện cầu đều được viên mãn. Nhẫn nhục hòa nhã là diệu Bồ đề vì đối với hữu tình không có tâm sân giận. Dõng mãnh tinh tấn là diệu Bồ đề vì nổ lực siêng năng tu hành không biếng nhác. Tịch tịnh tĩnh lự là diệu Bồ đề vì tâm điều thuận có khả năng. Bát nhã thù thắng là diệu Bồ đề vì hiện thấy tánh tướng của tất cả pháp. Từ là diệu Bồ đề vì tâm bình đẳng với các hữu tình. Bi là diệu Bồ đề vì hay nhẫn nhục chịu các khổ não. Hỷ là diệu Bồ đề vì đoạn trừ dứt hẳn tất cả ác sân. Thần thông là diệu Bồ đề vì đầy đủ sáu thần thông. Giải thoát là diệu Bồ đề vì lìa các sự động phân biệt. Phương tiện là diệu Bồ đề vì làm thành thục các hữu tình. Nhiếp sự là diệu Bồ đề vì nhiếp lấy tất cả hữu tình. Ða văn là diệu Bồ đề vì có hạnh chân thật. Ðiều phục là diệu Bồ đề vì xả bỏ tất cả pháp hữu vi. Tất cả thật tế là diệu Bồ đề vì không lừa gạt tất cả hữu tình. Mười hai nhân duyên là diệu Bồ đề vì vô minh không tận cho đến lão tử ưu bi khổ não đều không tận. Dứt các phiền não là diệu Bồ đề vì hiện chứng như thật về tánh pháp chơn thật. Tất cả hữu tình là diệu Bồ đề vì lấy vô ngã làm tự tánh. Tất cả pháp là diệu Bồ đề vì giác ngộ tất cả đều là không tánh. Chiến thắng ma oán là diệu Bồ đề vì tất cả ma oán không còn khuynh động. Không lìa ba cõi là diệu Bồ đề vì xa lìa tất cả việc hướng dẫn đến các cõi. Ðại Sư Tử hống là đại Bồ đề vì có thể quyết định hoàn toàn không sợ sệt. Các lực, vô úy, bất cộng pháp của  Phật là diệu Bồ đề vì không nhàm chán. Ba minh quán chiếu là diệu Bồ đề vì lìa các phiền não, đạt được rốt ráo trí Vô Dư. Trong một sát na tâm giác ngộ các pháp hoàn toàn không sót là diệu Bồ đề vì chứng viên mãn trí Nhất thiết trí. Như vậy này các thiện nam! Nếu các Bồ tát chân thật hướng đến tương ưng đầy đủ; Ba la mật đa tương ưng đầy đủ; làm thành thục hữu tình tương ưng đầy đủ; tất cả căn lành tương ưng đầy đủ; giữ gìn chánh pháp tương ưng đầy đủ; tất cả việc làm, đi tới qua lại, nhấc chân hạ chân, tất cả đều từ diệu Bồ đề mà đến. Tất cả đều từ pháp chư Phật mà đến an trụ vào tất cả diệu pháp của chư Phật.

Bạch Thế Tôn! Khi đại cư sĩ ấy nói pháp, năm trăm thiên tử đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Lúc đó con im lặng không thể nói gì được nữa. Nên nay con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Thế Tôn bảo Bồ tát Trì Thế:

- Ông hãy đến thăm bệnh Vô Cấu Xứng nghe!

Bồ tát Trì Thế thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ. Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần con ở nơi tịnh thất. Khi ấy ác ma oán dẫn một vạn hai ngàn thiên nữ ma giống như trời Ðế Thích, trỗi nhạc đàn ca đến chỗ con, tất cả cúi đầu lạy sát chân con rồi trỗi những âm nhạc trời để cúng dường con và họ chắp tay cung kính đứng lui qua một bên. Lúc đó con nghĩ rằng đó là Ðế Thích thật nên con nói với họ rằng: “Lại đây này Kiều Thi Ca! Mặc dầu phước có đó, nhưng ông không nên buông lung phải quán sát các dục vui chơi đều là vô thường. Ðối với thân mạng tài sản phải siêng năng để chứng pháp liền chắc chân thật”. Nó nói với con: “Thưa chánh sĩ! Ngài hãy nhận mười hai ngàn thiên nữ này để hầu hạ ngài”. Con liền trả lời: “Thôi đi! Này Kiều Thi Ca! Không dùng vật phi pháp ấy mà bố thí cho một Sa môn Thích tử như ta”. Con nói chưa dứt thì Vô Cấu Xứng đến cúi đầu lạy sát chân con và nói: “Ðó chẳng phải là Ðế Thích mà chính là ác ma oán đến quấy nhiễu Ngài đó”. Vô Cấu Xứng nói với ác ma: “Ngươi hãy trao các thiên nữ này cho ta. Ðây là vật thích hợp trong nhà cư sĩ như ta, đó chẳng phải việc mà Sa môn Thích tử nhận lấy”. Khi ấy ác ma kinh hãi, nghĩ rằng Vô Cấu Xứng có lẽ làm hại ta, nên định biến mất, nhưng rồi bị Vô Cấu Xứng dùng thần lực giữ lại không cho đi. Nó dùng hết thần lực nhưng cũng không sao đi được. Ngay lúc ấy giữa hư không có tiếng phát ra: “Này ác ma oán! Ngươi nên đem thiên nữ dâng cho đại cư sĩ ấy đi, nếu vậy ngươi mới có thể tự do trở về thiên cung”. Vì sợ hãi nên ác ma oán ấy đem cho một cách miễn cưỡng. Bấy giờ, Vô Cấu Xứng nói với thiên nữ rằng: “Ác ma oán ấy đã đem các cô dâng cho ta. Các cô nay nên phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác”. Rồi ông ta tùy theo sở thích mà nói pháp cho họ tùy thuận làm thành thục diệu Bồ đề, để họ hướng đến Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ông ta lại nói: “Các cô đã phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác có vườn vui đại pháp để tự mình vui chơi, đừng vui theo các vui của ngũ dục”. Các thiên nữ thưa: “Thưa đại cư sĩ! Sao gọi là vườn vui đại pháp?”. Vô Cấu Xứng nói: “Vườn vui đại pháp nghĩa là có niềm vui với chư Phật thanh tịnh không hoại; niềm vui thường nghe chánh pháp; niềm vui siêng năng cung kính cúng dường tăng hòa hợp; niềm vui không trụ vào các sở duyên; niềm vui quán sát các uẩn là vô thường như oan gia; niềm vui quán sát không điên đảo về các giới, nó như rắn độc; niềm vui quán sát không điên đảo về các xứ, nó như làng không người; niềm vui giữ gìn chắc chắn tâm Bồ đề; niềm vui làm lợi ích các hữu tình; niềm vui hầu hạ các bậc sư trưởng; niềm vui bố thí lìa xan tham; niềm vui giới thanh tịnh mà không trì trệ; niềm vui nhẫn nhục mà chấp nhận hòa thuận; niềm vui tinh tấn mà tu tập căn lành, niềm vui tĩnh lự mà biết không loạn; niềm vui Bát nhã lìa vô minh; niềm vui rộng lớn vi diệu của Bồ đề; niềm vui có thể chiến thắng bọn ma oán; niềm vui biết rõ các phiền não; niềm vui tu tập trang nghiêm các cõi Phật; niềm vui trang nghiêm thân bằng các tướng tốt tròn đầy; niềm vui tu tập chân chánh hai món tư lương phước và trí; niềm vui trang nghiêm đầy đủ diệu Bồ đề; niềm vui không sợ hãi pháp thâm sâu; niềm vui quán sát đúng đắn ba môn giải thoát; niềm vui phan duyên chân chánh với Bát Niết bàn; với phi thời niềm vui không quán sát; niềm vui gần gũi đồng loại thấy có công đức; niềm vui không oán ghét không thấy lỗi lầm của dị loại, niềm vui thích gần gũi với bạn lành, niềm vui thích che chở bạn ác, niềm vui thâu nhiếp hoàn hảo các phương tiện thiện xảo, niềm vui hoan hỷ tin các pháp, niềm vui tu tập sự tối thượng vi diệu của tất cả phần Bồ đề không biếng nhác”. Như vậy này các cô! Ðó là vườn vui đại pháp của Bồ tát. Các Ðại Bồ tát thường trụ trong vườn vui đại pháp này. Các cô nên vui theo đó đừng vui theo dục lạc”. Khi ấy ác ma oán bảo các thiên nữ: “Các ngươi hãy lại đây, ta muốn cùng các ngươi trở về Thiên cung”. Các thiên nữ thưa: “Ác ma! Ông hãy đi đi, chúng tôi không theo ông về đâu. Vì sao? Vì ông đã đem chúng tôi dâng cho vị cư sĩ này rồi, làm sao chúng tôi cùng ông trở về được. Chúng tôi nay vui theo vườn vui pháp rồi không vui theo dục lạc. Ông hãy về một mình đi”. Khi ấy ác ma thưa Vô Cấu Xứng: “Thưa đại cư sĩ! Ngài hãy buông xả các cô này đi, tâm không đắm trước tất cả thuộc sở hữu mà đem bố thí hết thảy. Ðó là Ðại Bồ tát!”. Vô Cấu Xứng nói: “Ta đã buông thả rồi, ngươi hãy dẫn họ đi, để tất cả pháp hữu tình của các ngươi mãn nguyện”. Khi ấy các thiên nữ lạy Vô Cấu Xứng và hỏi: “Thưa đại cư sĩ! Thiên nữ chúng tôi trở về lại cung ma phải tu hành như thế nào?” Vô Cấu Xứng nói: “Các ngươi nên biết! Có pháp môn vi diệu tên là Vô Tận Ðăng, các ngươi cần phải học”. Các thiên nữ lại hỏi: “Sao gọi là Vô Tận Ðăng?” Vô Cấu Xứng trả lời: “Này, các cô! Ví như một ngọn đèn đốt sáng cho trăm ngàn ngọn đèn khác, làm cho chỗ tối tăm sáng lên, ánh sáng của ngọn đèn kia không cùng tận và cũng không giảm bớt. Như vậy này các cô! Một vị Bồ tát giáo hóa kiến lập cho câu chi na do da chúng sanh hướng đến cầu Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ đề, nhưng tâm Bồ đề của vị Bồ tát ấy không bao giờ tận cũng không thối chuyển mà lại tăng trưởng thêm. Như vậy dùng phương tiện thiện xảo giảng nói chánh pháp cho người thì với các pháp lành càng được tăng trưởng. Không tận cũng không giảm sút. Các cô nên biết! Pháp môn vi diệu này tên là Vô Tận Ðăng, các cô cần phải học. Mặc dầu ở trong cung ma, các cô phải khuyến hóa cho vô lượng thiên tử thiên nữ phát tâm Bồ đề. Các cô làm như vậy tức là biết ân Như Lai, đền đáp một cách chân thật, cũng là làm lợi ích cho tất cả hữu tình”. Thế rồi, các thiên nữ ấy cung kính đảnh lễ dưới chân Vô Cấu Xứng. Bấy giờ, Vô Cấu Xứng xả thần lực đã khống chế ác ma lúc trước để ác ma oán cùng quyến thuộc bỗng nhiên biến mất trở về thiên cung.

Bạch đức Thế Tôn! Vô Cấu Xứng ấy có những thần thông tự tại, trí huệ biện tài, biến hiện thuyết pháp như vậy, nên con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo trưởng giả tử Tô Ðạt Ða:

- Ông hãy đến thăm bệnh ông Vô Cấu Xứng hỉ?

Tô Ðạt Ða thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không đủ khả năng đến thăm bệnh ông ta đâu ạ. Vì sao? Vì con nhớ trước đây có một lần ở tại nhà cha con thiết lập đại hội bố thí trong bảy ngày bảy đêm để cúng dường tất cả Sa môn, Bàlamôn, các ngoại đạo, người nghèo khổ, hạ tiện, kẻ cô độc và người đi xin. Thời gian đại hội này đã mãn bảy ngày thì Vô Cấu Xứng vào trong hội nói với con rằng: “Thưa trưởng giả tử! Ðại thí hội không phải như ông lập ra như vậy đâu, ông nên lập hội thí pháp, chứ lập hội tài thí ra làm gì?” Con nói: “Thưa cư sĩ! Thế nào gọi là hội pháp thí?” Cư sĩ trả lời con rằng: “Hội pháp thí là không trước không sau mà cúng dường một lần cho tất cả hữu tình đó gọi là hội pháp thí viên mãn. Việc ấy như thế nào? Nghĩa là vì hành tướng Vô Thượng Bồ đề mà phát sanh đại từ; vì hành tướng giải thoát các hữu tình mà phát sanh đại bi; vì hành tướng tùy hỷ của các hữu tình mà phát sanh đại xả; vì hành tướng thâu nhiếp chánh pháp thâu nhiếp trí mà phát sanh đại xả; vì hành tướng điều phục hoàn toàn tịch mịch mà phát sanh Bố thí Balamật; vì hành tướng hữu tình hóa hiện phạm giới cấm mà phát sanh tịnh giới Balamật; vì hành tướng tất cả pháp vô ngã mà phát sanh kham nhẫn Ba la mật; vì hành tướng khéo xa lìa thân tâm mà phát sanh Tinh tấn Balamật; vì hành tướng giác chi tối thắng mà phát sanh Tịnh lự Balamật; vì hành tướng nghe trí Nhất thiết trí mà phát sanh Bát nhã Balamật; vì hành tướng hóa độ tất cả chúng sanh mà phát sanh tu không; vì hành tướng tu sửa tất cả hữu vi mà phát sanh tu Vô tướng; vì hành tướng cố làm cho ý thọ sanh mà phát sanh tu vô nguyện; vì hành tướng giữ gìn rốt ráo chánh pháp mà phát sanh đại lực; vì hành tướng tu tập hoàn toàn nhiếp sự mà phát sanh mạng căn; vì hành tướng cung kính tôn trọng tất cả hữu tình nô bộc mà phát sanh không kiêu mạn; vì hành tướng tất cả bền chắc, không bền chắc, thay đổi mà phát sanh chứng đắc thân mạng tài sản bền chắc; vì hành tướng tùy niệm của lục chủng mà phát sanh chánh niệm; vì hành tướng tu các pháp vi diệu thanh tịnh mà phát sanh ý lạc; vì hành tướng siêng năng tu tập chánh hạnh mà phát sanh tịnh mạng; vì hành tướng hoan hỷ gần gũi thanh tịnh mà phát sanh gần gũi phụng thờ Hiền Thánh; vì hành tướng không oán ghét sân giận người chẳng phải Thánh mà phát sanh tâm điều phục; vì hành tướng xuất gia hoàn toàn thanh tịnh mà phát sanh ý lạc thanh tịnh tăng thượng; vì hành tướng thường tu tập trung đạo mà phát sanh phương tiện thiện xảo đa văn; vì hành tướng thông đạt pháp vô tránh mà phát sanh thường ở nơi thanh vắng; vì hành tướng một lòng cầu Phật trí mà phát sanh ngồi thiền; vì hành tướng một lòng dứt trừ phiền não cho tất cả hữu tình mà phát sanh tu hoàn hảo Du Già Sư địa; vì hành tướng đầy đủ tướng hảo để làm thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật mà phát sanh tư lương phước đại diệu; vì hành tướng biết tâm hành của tất cả hữu tình rồi tùy theo căn tánh của họ để giảng pháp mà phát sanh tư lương trí đại diệu; vì hành tướng không nắm bắt, không buông xả các pháp, ngộ nhập vào nhất chánh lý môn mà phát sanh tư lương huệ đại diệu; vì hành tướng đoạn trừ tất cả phiền não tập khí, các sự chướng ngại của pháp bất thiện mà phát sanh chứng đắc tất cả pháp lành; vì hành tướng theo tư lương của tất cả pháp lành giác ngộ trí Nhất thiết trí mà phát sanh chứng đắc tất cả pháp phần Bồ đề đã tu. Này thiện nam tử! Ðó gọi là hội pháp thí. Nếu các Bồ tát an trụ vào hội pháp thí như vậy thì gọi là Ðại thí chủ, được trời người thế gian cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Khi đại cư sĩ ấy nói pháp như vậy trong chúng Phạm chí có hai trăm vị phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Lúc đó con khen ngợi chưa từng và hoan hỷ thanh tịnh, cung kính đảnh lễ chân đại cư sĩ, và cởi châu bảo anh lạc giá trị trăm ngàn ân cần dâng cúng, nhưng ông ta không chịu nhận. Con nói: “Ðại cư sĩ! Hãy thương xót tôi mà nạp thọ. Nếu không cần thì ông tin ai lấy cho người đó tùy ý”. Lúc đó Vô Cấu Xứng mới chịu nhận anh lạc và chia làm hai phần. Một phần cho người ăn xin hèn hạ đáng chê chán nhất trong đại thí hội ấy và một phần dâng cho đức Nan Thắng Như Lai. Rồi ông ta dùng thần thông làm cho cả đại chúng đều thấy cõi Dương Diễm và đức Nan Thắng Như Lai, lại thấy phần anh lạc đã bố thí ở phía trên đức Phật ấy biến thành đài báu đẹp, bốn góc đài báu trang hoàng đủ kiểu rất đẹp. Sau khi dùng thần thông biến hóa như vậy, Vô Cấu Xứng lại nói: Nếu người thí chủ đem tâm bình đẳng bố thí cho người ăn xin hèn hạ nhất trong hội này thì cũng giống như tưởng ruộng phước của Như Lai không phân biệt, tâm bình đẳng, với lòng đại từ đại bi bố thí khắp cho tất cả mà không cầu quả báo. Ðó gọi là viên mãn hội pháp thí vậy không. Khi ấy, những người ăn xin thấy ông ta dùng thần thông biến hóa và được nghe giảng pháp đều đắc ý lạc tăng thượng Bất thối chuyển, liền phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác.

Bạch Thế Tôn! Ðại cư sĩ ấy đầy đủ những thần thông biến hóa, vô ngại biện tài như vậy, nên con không dám đến thăm bệnh ông ta.

Như vậy đức Thế Tôn bảo từng vị Ðại Bồ tát đến thăm bệnh ông Vô Cấu Xứng nhưng các Bồ tát ấy đều thưa đức Phật những lý do của mình, và khen ngợi lời nói của Vô Cấu Xứng. Vị nào cũng thưa không dám đến thăm ông ta.

 

Hết quyển thứ hai

 

--- o0o ---

Quyển thứ 1 | Quyển thứ 2| Quyển thứ 3

Quyển thứ 4 | Quyển thứ 5 | Quyển thứ 6

--- o0o ---

 

Vi tính: Thọ Huệ

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 5-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Bệnh khô mắt do đâu điều trị thế mầu ruou vì sao có người thì hạnh phúc vÃÆ nhap Thoát bảy tướng dù tim huong di len Các sản phẩm bơ sữa có làm tăng hoa thuong thich hue phap phật giáo huy muốn chánh tay trắng cuộc đời vô thường vô thien su moc tran dao man luc 7 cách đơn giản để bảo vệ cổ họng Tuỳ vọng 5 lăng già Vu lan không mẹ giao Vì sao các ông bố trẻ thường dễ bị Chạy lam sao de kiep sau toi khong gap nguoi do nua Bồ doi mat va chuyen hoa kho thuc Thiền Miên trà nhưng ao suy ngẫm về sự thách thức của giáo cẩm nu CHÙA thay trầm Ä thắp テス có hay không đời sống kiếp sau Nhà cong