Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Giảng nghĩa: Pháp Sư Thích Thiện Trí

Giáo sư của Giảng sư Cao cấp PGVN& Học viện PGVN

--- o0o ---

 

Quyển Thứ Nhất 

Phẩm Tựa Thứ Nhất 

 “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn ở trong núi Kỳ Xà Quật nơi thành Vương Xá cùng chúng Đại Tỳ kheo một ngàn hai trăm vị”. Trong chúng hội này không những chỉ có hàng Tỳ kheo mà còn có đầy đủ chư vi Đại Bồ Tát, lại có Thiên Long Bát bộ, có cả dân chúng vua chúa đều nhất tâm quy ngưỡng mong chờ nghe pháp.

 “Bấy giờ Đức Thế Tôn vì các Bồ Tát mà thuyết kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa giáo Bồ Tát pháp Phật sở hộ niệm. Thuyết kinh này xong Đức Thế Tôn ngồi xếp bằng nhập vào chánh định “Vô lượng nghĩa xứ” thân và tâm đều không lay động”.

Thuyết kinh Đại thừa vô lượng nghĩa là thuyết như thế nào? Thuyết ở đâu?

Đây là nói về hành tướng như chân tướng, nghĩa là các hành tướng: đi, đứng, nằm, ngồi... mỗi cử động của Đức Thế Tôn đều giống như phàm phu không khác. Nhưng trong sự bình thường ấy lại chứa đựng cái diệu dụng phi thường. Thị hiện như phàm phu là để dung nhiếp, để hộ niệm và phó chúc cho chúng sinh trở về chỗ “bản lai diện mục” của chính mình.

Sự tướng thâm diệu ấy không phải cảnh giới của thức tâm suy lường mà thấy được. Chỉ có chư vị Đại Bồ Tát mới nhận thấy. Từ dáng đi, đứng, nằm, ngồi kia đã tỏa ra muôn pháp thậm thâm vi diệu, tự tại dung thông.

Sự tướng ấy từ trong “tánh giác viên minh” chiếu tỏa để hộ niệm, để phó chúc cho hàng Bồ Tát y theo đó mà hành.

Chính sự tướng thâm diệu ấy nơi đạo tràng đã làm chấn động sáu căn, sáu trần, sáu thức của chúng hội, khiến cho tất cả nhân hạnh Phật thừa của chúng hội đều khởi động. Sự hưng phấn như thế đã phát khởi những loài hoa quý từ trong nhân hạnh quy ngưỡng tung ra để cúng dường đạo tràng nghiêm minh.

“Khi đó trời mưa hoa Mạn đà la, hoa Ma ha Mạn đà la, hoa Mạn thù sa, hoa Ma ha Mạn thù sa, để rải trên Đức Phật cùng hàng đại chúng, khắp cõi Phật sáu điệu vang động”.

“Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn từ nơi tướng lông trắng giữa chặn mày phóng ra luồng hào quang chiếu cả một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông, dưới thời chiếu đến địa ngục A Tỳ, trời suốt thấu trời Sắc Cứu Cánh”.

Do sức “Vô tác diệu lực” của Đức Thế Tôn đã làm chấn động hang sâu vô minh của chúng sinh. Luồng bạch hào tướng quang ấy lại ở giữa chặn mày phóng về phương Đông. Đó là ánh sáng trí huệ dung thông đối đãi, nên gọi là giữa chặn mày. Hình ảnh lông trắng ở giữa là tượng trưng cho sự không mắc kẹt ở hai bên. Hào quang là tượng trưng cho Trí Huệ Bát Nhã. Chính Trí Huệ ấy mới soi thấy tất cả sự lý nhân quả các loài chúng sinh trong lục đạo.

Soi thấu nhân quả của các hàng Thanh văn, Duyên giác... và nương theo ánh sáng đó, chúng ta cũng thấy như vậy.

Nhưng tại sao lại chiếu về phương Đông, mà không chiếu về phương khác? Bởi vì phương Đông dụ cho nguồn động hóa, nghĩa là nơi ấy một khi có ánh bình minh xuất hiện, thì muôn vật trỗi dậy tác hành.

Mười tám nghìn thế giới, dụ cho sáu căn, sáu trần, sáu thức. Với 18 giới ấy, không ngoài luồng “bạch hào tướng quang”. Trong cái quang minh vi diệu ấy soi đủ sự tướng của muôn vạn pháp, dưới thấu địa ngục A Tỳ, trên suốt trời Hữu Đảnh. Đó là ý chỉ thâm diệu của kinh Pháp Hoa.

Những ảnh tượng được dựng lên để hiển bày Phật lý thâm sâu. Ảnh tượng hào quang, nương hào quang để thấy những nguyên nhân nào trôi lăn trong lục đạo, những nguyên nhân nào thoát ly sinh tử  luân hồi.

“Khi ấy Ngài Di Lặc Bồ Tát nghĩ rằng: Hôm nay Đức Thế Tôn hiện thần biến tướng, vì nhân duyên gì mà có điềm lành này? Nay Đức Phật đương nhập chánh định, việc biến hiện hi hữu không thể nghĩ bàn này nên hỏi ai, ai đáp được? Ngài lại nghĩ: Ngài Pháp Vương tử Văn Thù Sư Lợi này đã gần gũi cúng dường vô lượng các Đức Phật đời quá khứ chắc đã thấy tướng hi hữu này, ta nên hỏi Ngài”.

Đến đây chúng ta lại thấy rõ hơn về ý chỉ trong kinh. Vì Ngài Di Lặc là một vị “nhất sinh bổ xứ Bồ Tát” cùng với Ngài Văn Thù bồ Tát đều là bậc thượng thủ. Nên đối với điềm lành trên đâu phải không biết. Nhưng Ngài thị hiện để độ thoát chúng sinh, nên Ngài đã dùng phương tiện Duy thức quán, tượng trưng cho thức, mà thức thì làm sao tránh khỏi vọng niệm điên đảo mê lầm. Nên khi thấy việc hi hữu khó nghĩ, khó bàn, đâu có thể suy lường được.

Chỉ có Ngài Văn Thù Sư Lợi đủ đức Căn Bản Diệu Trí, tượng trưng cho chân trí viên minh mới tương ứng với điềm lành hi hữu ấy. Do vậy ta có thể hiểu rằng Ngài Di Lặc đâu phải không biết việc này.

Tất cả những ảnh tượng trên đã cho chúng ta cảm nhận được rằng chỉ có trí huệ mới không mắc kẹt hai bên. Và cũng chỉ có trí huệ mới thấu rõ được một cách toàn triệt về nguyên nhân sinh tử, nguyên nhân tu hành giải thoát.

Khi ấy Ngài Di Lặc muốn tuyên lại nghĩa trên dùng kệ hỏi rằng:

Ngài Văn Thù Sư Lợi

Đức đạo sư cớ chi

Lông trắng giữa chặn mày

Phóng ánh sáng khắp soi

Trời mưa hoa Mạn đà

Cùng hoa Mạn thu sa

Gió thơm mùi chiên đàn

Vui đẹp lòng đại chúng

Vì nhân duyên như vậy

Cõi đất đều nghiêm tịnh

Mà trong thế gian này

Sáu điệu vang động lên

Bấy giờ bốn bộ chúng

Thảy đều rất vui mừng

Thân cùng ý thơ thới

Đặng việc chưa từng có

Aùnh sáng giữa chặn mày

Soi sáng thẳng phương Đông

Một muôn tám ngàn cõi

Đều ánh như sắc vàng

Từ địa ngục A Tỳ

Lên đến trời Hữu Đảnh

Trong các thế giới đó

Cả sáu đạo chúng sinh

Sống chết của kia đến

Nghiệp duyên lành cùng dữ

Thọ báo có tốt xấu

Tại đây đều thấy rõ

Lại thấy các Đức Phật

Đấng Thánh Chúa Sư Tử

Diễn nói các kinh điển

Phần trùng tụng một lần nữa nhắc cho chúng ta thấy rõ hơn về những chúng sinh trong lục đạo, sống chết cùng nghiệp duyên lành dữ thọ báo tốt xấu.

Những quả vị tu chứng của các hạng người. Nếu ưa đạo tịch diệt thì chư Phật thuyết về Tứ Đế để đạt đến quả vị Thanh Văn. Khá hơn thì thuyết về Thập nhị nhân duyên chứng quả vị Duyên giác. Kế đó là Bồ Tát tu pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ.

Phần trùng tụng Ngài Di Lặc lập lại lời hỏi tựu trung hai vấn đề:

-Những ảnh tượng đã thấy.           

- Yêu cầu Bồ Tát Văn Thù giải nghi cho đại chúng. Bởi vì pháp vi diệu nên Đức Thế Tôn trước phải dùng ảnh tượng hiển bày, sau mới dùng ngữ ngôn dẫn nhập.        

“Lúc bấy giờ Ngài Văn Thù sư Lợi nói với Ngài Di Lắc Bồ Tát cùng các vị Đại sĩ: Các thiện nam tử! Như chỗ ta xét nghĩ thời nay Đức Thế Tôn muốn nói đại pháp, mưa đại pháp vũ, thổi pháp loa lớn, đánh trống pháp lớn và diễn nói nghĩa của đại pháp”.

Để dẫn chứng, Ngài nhắc lại chuyện thuở xưa Ngài đã từng gặp vô lượng, vô biên chư Phật, và lúc đó có Đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, với ý nghĩa:    

    - NHƯ: Trí huệ căn bản sẵn có bất động ở trong ta.

    - LAI: Sau khi đầy đủ công hạnh diệu dụng tùy duyên.

- ỨNG CÚNG: Đáng cho tất cả chúng sinh cúng dường.

- CHÁNH BIẾN TRI: Khắp biết tất cả.

- MINH HẠNH TÚC: Hạnh tam minh đầy đủ .  

- THIỆN THỆ: Khéo qua bờ sinh tử.               

- THẾ GIAN GIẢI: Thấu suốt cội nguồn thế gian.     

- ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU: Bậc trượng phu điều phục muôn loài.

- THIÊN NHÂN SƯ: Thầy của trời người.    

- PHẬT THẾ TÔN: Bậc giác ngộ đáng kính phục

Danh hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh với ý nghĩa thâm diệu là ánh sáng trí huệ như mặt trời, mặt trăng hay đèn có đủ khả năng chiếu tỏa nơi tăm tối mê muội.

Vì nói đến Phật là nói đến sự “giác ngộ”, nói đến trí huệ Bát Nhã tuyệt vời.

Đức Phật Nguyệt Đăng Minh là ảnh tượng tượng trưng cụ thể cho tánh giác của muôn loài. Học Phật là mồi ánh sáng trí tuệ của Trí Tuệ. Học đạo giác ngộ là học cái sáng.

Thế nên danh hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai đến hai muôn mà vẫn cùng danh hiệu. Tất cả Đức Phật đều gì chúng sinh mà thuyết pháp.

Pháp của chư Phật thuyết ra thật cao siêu và hi hữu, khác với pháp của thế gian nay dời mai đổi.

Pháp của thế gian không phải là pháp rốt ráo. Đối với pháp Phật cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai đều lành và rốt ráo. Ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời nào pháp ấy đều có một giá trị tuyệt đối. Ví như lời dạy: “Tất cả các pháp của thế gian đều vô thường, tất cả hình tướng đều vô thường”, xưa nay vẫn đúng như thế.

- Pháp mà mọi nơi mọi thời đều đúng, thì pháp ấy không cao diệu, không vô thượng, thì còn gì vô thượng hơn?

Thế nên đọc lại đoạn kinh chúng ta sẽ thấy rõ:

“Kế đó lại có Đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, lại có Đức Phật cũng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh nữa, cho đến hai muôn Đức Phật đều cùng một tên, hiệu Nhật Nguyên Đăng Minh, lại cũng đồng một họ, họ Phả La Đọa. Di Lặc nên biết! Đức Phật trước, Đức Phật sau đều đồng một tên hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, đầy đủ mười hiệu, những pháp nói ra đầu, giữa, sau đều lành” (quá khứ, hiện tại, vị lai).

Đến đây kinh lại viện dẫn: “Đức Phật rốt sau lúc chưa xuất gia có tám vị vương tử : người thứ nhất tên là Hữu Ý, thứ hai tên Thiện Ý, thứ ba tên Vô Lượng Ý, thứ tư tên Bửu Ý, thứ năm tên Tăng Ý, thứ sáu tên Trừ Nghi Ý, thứ bảy tên Hưởng Ý, thứ tám tên Pháp Ý. Tám vị vương tử ấy có oai đức tự tại đều lãnh trị bốn châu thiên hạ. Nghe vua cha xuất gia chứng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng đều bỏ ngôi báu cũng xuất gia theo”.

Đức Phật sau rốt lúc chưa xuất gia có tám người con, người nào cũng mang tên có chữ ở sau là “Ý” cả. Nghĩa là từ “tánh giác viên minh” hay từ “Như Lai tạng tâm” của mỗi chúng sinh đã có tự muôn đời, nhưng khi mê nên bị ẩn tàng mà sinh ra tám thức.

- Với A lại da thức thì mang tên Hữu ý, vì thức này làm căn bản cho hữu vậy.

- Với Mạt na thức thì mang tên Thiện ý, vì thức này là chỗ nương của các pháp thiện, ác, nhiễm, tịnh.

- Với Ý thức thì mang tên Vô lượng ý, vì ý thức này năng duyên với tất cả các pháp.

- Với Thân thức thì mang tên Bảo ý.

- Với Thiệt thức thì nang tên là Năng ý. 

- Với Tỷ thức thì mang tên là Trừ Nghi ý.

- Với Nhãn thức thì mang tên là Pháp Ý.

- Với Nhĩ thức thì mang tên là Hưởng ý (hưởng là tiếng vang).

- Tám vị vương tử hay tám thức tâm vương, mỗi thức đều thống lãnh các tương ương tâm sở và các cảnh sở duyên. Nghe vua cha xuất gia, chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nghĩa là tám thức tâm vương trở thành diệu dụng của “Như Lai tạng tâm”. Hay nói cách khác, chuyển thức thành trí.

Do vậy tám vị vương tử này sau khi Đức Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai diệt độ đều học với ngài Diệu Quang Bồ Tát và được ngài Diệu Quang dạy bảo cho đến khi đạt thành bậc Chánh đẳng Chánh giác.

Ngài Văn Thù Sư Lợi thuật lại việc xưa và việc nay cũng giống nhau như thế.

“Rồi Đức Nhật Nguyện Đăng Minh từ trong chánh định mà khởi, vì Diệu Quang Bồ Tát mà nói kinh Đại thừa “Diệu Pháp Liên Hoa giáo Bồ Tát pháp Phật sở hộ niệm”. Trải 60 tiểu kiếp chẳng rời chỗ ngồi. Lúc ấy trong hội người nghe pháp cũng ngồi một chỗ cho đến 60 tiểu kiếp thân và tâm đều không lay động nghe Đức Phật nói pháp cho là như trong khoảng bữa ăn”.

Như vậy chúng ta nghĩ gì ở điểm này? Chỉ nghe pháp mà mất hàng tỉ năm (1 tiểu kiếp gồm có 16.798.000 năm).

Ngồi nghe pháp mà thân và tâm đều không lay động, còn chúng ta bây giờ thì sao ? Nghe pháp chỉ chừng 1 hay 2 giờ đã thấy nôn nóng, nào chuyện gia đình, chuyện làm ăn, chuyện buồn, chuyện vui dồn dập, làm cho thân tâm dao động, trăm mối ngổn ngang, thân thể mệt mỏi. Nghe nói tu khoảng 100, 1000 năm mới có thể thật hiểu Phật pháp. Có lẽ chúng ta lắc đầu ngán ngẫm, bởi vì vọng tưởng mê lầm, dùng thức để suy lường thời gian lâu, mau, suy tính thiên sai vạn biệt về cảnh giới do vọng thức nảy sinh.

Thuyết kinh Pháp Hoa là chỉ bày “Tri kiến Phật”, chính tri kiến ấy đã dung nhiếp sự suy lường về thời gian và không gian.

Thể nhập “Tri kiến Phật” thì đâu còn lệ thuộc thời gian, không gian. Bởi vì còn suy lường là còn mê lầm tham nhiễm.

Nói đến “Tri kiến Phật” là nói đến cái trí tuệ tuyệt vời vô thủy vô chung vượt ngoài vọng thức, hiểu được như thế ta mới hiểu được Phẩm Tựa này.

Khi “Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh trong 60 tiểu kiếp nói kinh đó rồi, liền ở trong chúng ma phạm, sa môn, Bà la môn và trời, người, Atula mà tuyên lên rằng: Hôm nay vào nửa đêm sẽ nhập Vô dư Niết bàn”.

Trước khi nhập Vô dư Niết bàn Ngài đã trao ký cho Đức Tạng Bồ Tát mà kinh đã viện dẫn: “Đức Phật Bồ Tác này kế đây sẽ thành Phật, hiệu là Tịnh Thân Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác”.

Như vậy có nghĩa là chư Phật thị hiện chỉ vì muốn cho chúng sinh ngộ nhập “Tri kiến Phật”. Khi đã trải qua một thời gian lâu xa, các Ngài dùng nhiều phương tiện dẫn bày, và đến lúc cần tuyên bày giáo nghĩa Đại thừa, cùng trao ký cho kẻ kế thừa thì việc làm như thế đã xong. Lúc đó chư Phật thị hiện nhập Niết bàn, với ý nghĩa phó chúc cho chúng hội về sau.

Tám người con được Bồ Tát Diệu Quang giáo hóa, vị rốt sau thành Phật hiệu là Nhiên Đăng.

- Cha là Nhật Nguyệt Đăng Minh.  

- Con là Nhiên Đăng.

Thật tuyệt diệu làm sao! Một khi ánh sáng trí tuệ bừng lên, quả vị “Diệu giác chân thường” đâu có ở xa.

Đến đây trong kinh lại đề cập đến “vị thành Phật rốt sau là Nhiên Đăng. Trong hàng 800 người đệ tử có một người tên là Cầu Danh, người này tham ưu danh lợi, tuy cũng đọc tụng các kinh mà chẳng thuộc rành, phần nhiều quên mất nên gọi là Cầu Danh”.

“Di Lặc nên biết, lúc đó Diệu Quang Bồ Tát đâu phải người nào lạ, chính là Ta đây, Cầu Danh Bồ Tát là ngài đó”.

Do vậy, chúng ta mới hiểu thêm rằng: Bồ Tát Di Lặc đã thị hiện tượng trưng cho thức, mà thức thì ưa dong ruổi theo sau trần, đuổi theo danh tướng nên làm sao nắm vững được lý đạo. Học rồi quên rồi, bôn tẩu trần lao nhơ nhiễm, tâm trí cưu mang nhiều nỗi. Tuy vậy, nếu có người thức tỉnh thì thức kia trở thành trí. Vì thế, Cầu Danh nhờ Diệu Quang hướng dẫn.

- Trước nói là Cầu Danh, nay nói là Di Lặc.

- Trước nói là Diệu Quang, nay nói là Văn Thù.

Nên những danh hiệu ở phẩm Tựa này phần nhiều là tượng trưng. Chúng ta không nên mắc kẹt vào danh từ và tên hiệu thì mới thấu rõ ý kinh.

Phần trùng tụng dẫn lại ý trên một cách chi tiết hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu thêm về ý nghĩa ở phần trùng tụng có ghi:

“Đêm đó Phật diệt độ

Như củi hết lửa tắt”

Tại sao Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nhập Niết bàn lại như củi hết lửa tắt?

Củi hết lửa tắt rồi về đâu?

Đáng lẽ ra khi Đức Phật nhập Niết bàn thì phải có những hiện tượng khác lạ, như chư Phật phóng quang dùng tràng phan bảo cái rước về cõi Phật, chứ sao ở đây lại nói củi hết lửa tắt. 

Củi là tường trưng cho nghiệp, cho phiền não.

Nghiệp hết hay là củi hết, đến đó không còn sinh tử , nên gọi là củi hết lửa tắt.

Còn củi là còn nghiệp, còn phiền não, hết củi là hết nghiệp, hết phiền não. Sinh tử không còn nên goi là lửa tắt. 

Với ý nghĩa cho chúng ta thấy là muốn đạt đến Niết bàn, thoát ly sinh tử, thì phải dùng lửa trí huệ, đốt hết củi phiền não.

Và cho đến cuối phẩm kinh với bài xứng tán:

“Ánh sáng chiếu phương Đông

Lý diệu trọn bày

Không thể dùng suy lường

Mà suy lường được

Thầm nhận nơi lòng

Phương tiện truyền trao

Chỉ một luồng hào quang

Mà bao thứ hương trời tỏa ngát”

 

Phẩm Phương Tiện

Thứ Hai

 

Phương tiện là gì?

Phương tiện là chỉ cho sự áp dụng một số phương pháp nào đó tiện lợi để đạt cứu cánh.

Trong nhà Phật thường dùng hai từ cứu cánh và phương tiện.

Cứu cánh đã hiển bày. Vì Phẩm Tựa đã cho chúng ta thấy rõ Đức Thế Tôn nhập vô lượng nghĩa xứ, phóng luồng bạch hào tướng quang hiện “Chân cảnh diệu minh”, ý nuốn cho chúng hội lãnh hội hiện tiền, khỏi phải dùng ngôn ngữ chuyển đạt. Nhưng vì “Tri kiến Phật” thậm thâm vi diệu khó nghĩ, khó bàn, đại chúng chưa nhận ra “bản giác diệu minh” ly ngôn thật tướng.

Nên “Lúc bấy giờ Thế Tôn từ chánh định thung dung mà khởi, bảo Ngài Xá Lợi Phất : Xá Lợi Phất! Trí tuệ của các Đức Phật rất thẳm sâu vô lượng, trí tuệ đó khó hiểu, khó vào, tất cả hàng Thanh văn và Bích Chi Phật không biết được”.

Đức Thế Tôn từ “tánh giác viên minh” xuất nhập tự tại, đã dùng ngôn ngữ mà bảo Ngài Xá Lợi Phất. Ở đây chúng ta có thể tự hỏi: “Tại sao Đức Thế Tôn không bảo Ngài Văn Thù Bồ Tát hay chư vị Bồ Tát khác, mà lại bảo Ngài Xá Lợi Phất?

Với ý nghĩa “khai quyền hiển thật” không phải để dạy chúng Đại thừa, mà để thu nhiếp dẫn dắt chúng Nhị thừa. Vì nếu bảo hàng Bồ Tát thời chúng Thanh văn sẽ cho rằng Diệu pháp này Phật thuyết cho Bồ Tát chứ mình không can dự gì.

Với trí tuệ Phật thâm vi diệu vượt thoát sự đối đãi, sinh diệt, dù cho bậc Đẳng giác Bồ Tát cũng không thấu rõ được. Trí tuệ ấy không thể dùng ngôn ngữ để tuyên bày, vì nó rốt ráo viên mãn, vì nó là “chân như pháp tánh”. Nên trong kinh Hoa Nghiêm phẩm Nhập Pháp Giới, Ngài Thiện Tài Đồng tử tham vấn 53 vị thiện tri thức nhờ sự khuyến khích của Ngài Văn Thù. Đầu tiên Ngài đến tham vấn Tỳ kheo Đức Vân ở núi Diệu Phong. Nhưng đến nơi lại không gặp Tỳ kheo Đức Vân, mà phải sang núi Biệt Phong mới gặp.

Hình ảnh trong kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm đều giống nhau ở điểm này.

- Một bên mở đầu bằng ảnh tượng hi hữu: Tướng lông trắng giữa chặn mày, phóng ánh sáng khắp soi, trời mưa hoa Mạn đà la, gió thơm mùi chiên đàn.

- Một bên là núi Diệu Phong mù mịt chẳng thấy bóng dáng của Tỳ kheo Đức Vân.         

Cả hai đều không dùng đến ngôn ngữ, mà chỉ dùng ảnh tượng tượng trưng để hiển bày “Tri kiến Phật”.

Sau khi xuất định Đức Thế Tôn mới dùng ngôn ngữ để dìu dắt chúng sinh, đó là phương tiện.

Cũng như Thiện Tài Đồng tử rời ngọn Diệu Phong đến Biệt Phong, đó là phương tiện.

Đã là phương tiện, nhưng phải áp dụng đúng thời, đúng lúc, xứng hợp với sự ân cần thiết tha của chúng hội thì phương tiện ấy mới đạt thành cứu cánh.

Vì sao? Vì chư Phật đã trọn nên pháp vi diệu, bất khả tư nghị, ứng hợp thời cơ mà nói pháp ý thú khó hiểu, hàng Nhị thừa không thể nào nhận biết. Cảnh giới của chư Phật chỉ có chư  Phật mới biết được, đâu có thể dùng ngôn ngữ văn tự mà vào được.

“Xá Lợi Phất! Từ ta thành Phật đến nay các món nhân duyên, các món thí dụ rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sinh”.

Tại sao nói: “Từ Ta thành Phật đến nay”?

Như chúng ta đã biết Phật đâu có tướng thành. Nhưng vì ứng hiện đồng cư với chúng sinh, để dẫn độ chúng sinh từ thấp đến cao, nên mới có tướng thành. Nói “Từ Ta thành Phật đến nay” là dùng phương tiện nói. Vì thương xót chúng sinh nên Ngài đã thị hiện có tướng thành, để từ đó dùng các món nhân duyên, lời lẽ, thí dụ dắt dìu chúng sinh xa lìa lòng chấp. Cho nên tri kiến Như Lai thật rộng lớn sâu xa. Và chỉ có tri kiến ấy mới thấu rõ cội nguồn của vạn pháp. Pháp Phật nói ra có mục đích để làm cho chúng sinh thấy rõ lý chân thật của vạn pháp, như Phật đã thấy và sống với cái chân thật đó.

Nhưng thấy rõ lý chân thật của vạn pháp là thấy thế nào? Nghĩa là thấy các pháp ”Tướng như vậy, thể như vậy, tánh như vậy, lực như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, gốc ngọn rốt ráo thảy như vậy”.

Nhìn các pháp bằng trí tuệ Bát Nhã thì không pháp nào có thật tướng cả. Bởi các pháp đều duyên khởi giả lập, tự tánh của nó là không, tự tánh của nó thường tịch diệt. Vì ở thể vắng lặng nên tất cả các pháp đều “như thị”. Đã “như thị” thì chúng ta chỉ tùy duyên nhân phân biệt rõ ràng các pháp, nhưng không nghĩ tưởng gì về sự phân biệt ấy. Nói cách khác là chúng ta có đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, mặc áo, cứ phân biệt bình thường vì đó là nhu cầu của sự sống. Chỉ có một điều rắc rối là chúng ta nghĩ về sự phân biệt ấy, mà nghĩ về nó thì liền có sự đối đãi, làm sao dung thông tự tại.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn có câu :

Tư tưởng tới lui tự do

Tâm thể không vướng mắc, ấy là Bát Nhã.

Hay câu chuyện về Lục Tổ Huệ Năng, khi Ngài mới đến chùa Ấn Tông, thấy hai ông Sa di đang nhìn cây phướn thấy động mới đố nhau:

- Gió động hay phướn động ?        

- Một ông cho là Phướn động.

- Một ông cho là gió động.   

Ai cũng cho mình là đúng.

Lúc đó Lục Tổ mới nói: “không phải phướn động, cũng không phải gió động, mà chính tâm nhân giả động”.

Trong chứng Đạo Ca của Ngài Huyền Giác nói:

“Đi cùng thiền, ngồi cùng thiền

Nói, im, động, tịnh thảy an nhiên,

Phỏng gặp gươm đao thường nhẹ hững,

Vì nhằm thuốc độc vẫn bồng tênh”.

Bởi vì mỗi pháp đều có đủ tính, tướng, lực, tác, dụng của nó. Ví như lửa lấy sáng làm tướng, lấy nóng làm tính, lấy đốt làm tác, lấy thiêu hủy làm dụng. Tất cả đều tùy duyên biến hiện, giả hợp tác thành. Cội nguồn rốt ráo của muôn vạn pháp vẫn là tánh không tịch. Chỉ có “Tri kiến Phật” mới biết một cách rốt ráo như vậy.

Biết như thế để chứng minh, để tùy thuận, để giáo hóa mà vẫn không bị vướng mắc ở một pháp nào cả.

Chúng ta cần phải hiểu rằng: “không phải cảnh như, mà điều cần yếu là tâm như, tâm như thì cảnh mới như”. Ai sống như thế là sống hợp với “tri kiến vô kiến” hay có thể nói là sống hợp với “tri kiến Phật” và chỉ có ai nhận chân được các pháp thì mới sống như thế được.

Đến đây dựa vào phần trùng tụng trong phẩm kinh lại một lần nữa nói về “tri kiến Phật”.

“Giả sử đầy thế gian

Đều như Xá Lợi Phất

Cùng suy chung so lường

Chẳng lường được Phật trí

Dù cho khắp mười phương

Đều như Xá Lợi Phất

Và các đệ tử khác

Cũng đầy mười phương cõi

Cùng suy chung so lường

Lại cùng chẳng biết được

Và cho đến

Hàng bất thối Bồ Tát

Số đông như hằng sa

Một lòng chung suy cầu

Cùng lại chẳng biết được”.

Như thế thì ai là người thâm nhập được Phật trí. Ở đây chúng ta cần chú ý đến từ “suy lường”. Dù cho ở ngôi vị nào đi nữa mà còn dấy niệm suy lường thì làm gì thông đạt Phật trí.     

Chỉ trừ những ai thấy cảnh mà không dấy niệm phân biệt, tâm nhất như kia mới là người thâm nhập Phật trí. Chúng ta thử nghiệm xem hiện giờ chúng ta sống bằng trí hay bằng thức ?

-Nếu sống bằng trí mà trí biết thì không động.

- Nếu sống bằng thức thì thức biết sinh tình.

Nhìn một sự vật hay một người, thường chúng ta có sự phân biệt đẹp, xấu, ghét, thương ...

Thấy cảnh sinh tình để rồi phân biệt, đó là vọng thức điên đảo, làm gì thấu đạt lý chân thường.

Câu chuyện giữa Ngài Huyền Giác và Lục Tổ Huệ Năng ( trích câu chuyện này ở quyển Chứng Đạo Ca ) có thể cho chúng ta thấu rõ hơn về cái vô tâm, vô niệm, cái hồn nhiên sống động, cái “tri kiến vô kiến” nghĩa là cái thấy biết mà không lập trên thấy biết, đạt đến “Tâm như thì cảnh như”.

Huyền Giác vừa gặp Huệ Năng đi quanh ba vòng chống tích trượng đứng.

Huệ Năng bảo:

- Phàm làm Sa môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, Đại đức từ đâu đến mà lớn lối ngạo mạn vậy.       

Huyền Giác đột ngột dùng ngay nhát kiếm:

Sinh tử sự đại

Vô thường tấn tốc

Nghĩa là sinh tử việc lớn, vô thường mau chóng, cần giải quyết ngay lễ nghĩa làm gì.

Huệ Năng đáp:

Hà bất thể thủ vô sinh

Liễu vô tốc hồ

Sao không nhận cái lý “Vô sinh” và thấu rõ cái nghĩa “không chóng”.

Nghĩa là sao không tự nhận cái nguyên lý vô sinh thường còn bất biến. Nguyên lý vô sinh ấy là “tự tánh”.

Bởi vì chữ “thể” chỉ cho “tự tánh” và chữ “liễu” là chỉ cho cái dụng của “tự tánh”, đó là trí.

Vậy ý của Tổ muốn thử xem Huyền Giác đã thấy “tánh” chưa. Mà nếu đã thấy tánh, thì tánh tức là dụng, là trí huệ Bát Nhã. Dùng trí này mà quán chiếu thì làm gì có vấn đề sống chết và mau chóng phải đặt ra.

Thấu rõ ý ngầm của Tổ trong câu hỏi, Huyền Giác đáp ngay:

Thể tức vô sinh, liễu bổn vô tốc.

(Thể tức vô sinh, thấu vốn không chóng).

Như vậy Huyền Giác đã biết được tự tách vốn không sinh diệt, vượt cả không gian, thời gian, làm gì có mau chóng.

Nghe Huyền Giác đáp, Huệ Năng khen:

Như thị! Như thị!

(Đúng thế! Đúng thế!)

Như thế Huyền Giác tìm đến Tổ vừa để thử thầy vừa để xin ấn chứng.

Và Huyền Giác chống tích trượng đứng, đâu phải là ngạo mạn, mà đó là ý chỉ thâm diệu của thiền tông.

Nhưng đến đây cuộc thử thách vừa ngưng lại, để rồi tiếp tục gay cấn hơn.

Thừa cơ hội Huyền Giác xin kiến về, Huệ Năng lại dùng mũi nhọn đâm vào đối thủ (cơ phong vấn đáp) một lần nữa lại nói về việc “chậm mau”.

Phản thái tốc hồ?

(Về chóng thế sao?)

Huyền Giác đỡ ngay thế kiếm “mau chóng” bằng thế kiếm “Bất động”

Bổn tự phi động, khởi hữu tốc đa?

(Vốn mình chẳng động, há có mau chóng sao?)

Với ý nghĩa tự tánh, vốn là tự tại, vượt ngoài động tịnh, chóng chậm, vượt cả không gian, thời gian, làm gì có mau chóng?

Huệ năng liền tấn công quyết liệt, dồn đối phương ở vào thế chân tường bằng nhát kiếm “Ai’’.

Thuỳ tri phi động?

(Ai biết chẳng phải động?)

Chữ “Ai” là năng, là chủ tể.

“Cái chẳng động” là sở.

Năng và sở nối liền nhau bằng nhịp cầu “biết”.

Nếu Huyền giác mà suy tư để thấy mình có “Cái chẳng động” thì rõ là Huyền Giác còn động.

Nhận được ý đó, Huyền Giác lập tức đẩy lại ngay:

- Nhân giả tự sinh tâm phân biệt.

Ấy là tại Tổ sinh tâm phân biệt.

Câu trả lời ấy đủ chứng tỏ là Huyền Giác không phải suy lường về “cái chẳng động” mà đã liễu được cái chân lý “bổn lai chẳng động”.

Lục Tổ liền khen :

Nhữ thậm đắc vô sinh chi ý

(Người thực đã thấu được cái ý vô sinh)

Lời khen của Lục Tổ là một nhát kiếm bọc nhung vô cùng nguy hiểm. Vì lời khen này nhấn mạnh vào chữ “Ý”.

- Trên kia là chữ “Ai”    

- Bây giờ là chữ “Ý”

Trên kia là chủ – bây giờ là khách.

Ý của Tổ trắc nghiệm Huyền Giác đã thật sự dung thông chưa? Lãnh hội được ý đó. Huyền Giác đáp lại:

- Vô sinh khởi hữu đa? (Vô sinh há có ý sao?)

Một ý nghĩ mà không móng lên, ấy là trạng thái “vô sinh”.

Thế chưa đủ, Lục Tổ còn bồi thêm một nhát kiếm Tối thượng thừa, chẻ vào ba vấn đề: Ai, Ý, phân biệt.

- Vô ý thuỳ dương phân biệt?       

  (không ý thì ai phân biệt?).

Đây là vấn đề cơ bản nhất. Nếu phá hết ngã, pháp, vượt qua mọi đối đãi thì đi đến kết quả gì ?

- Nếu phân biệt, nếu suy lường thì vọng niệm dấy lên.     

- Không phân biệt, không suy lường lại khác gì gỗ đá.              

Nếu phân biệt rõ cội nguồn, muôn vật mà bổn tánh vẫn như như bất động, tức là nhảy được qua bờ kia vậy.

Do vậy Huyền Giác mới trả lời:

Phân biệt diệt phi ý.

(Phân biệt cũng chẳng phải là ý)

Huyền Giác đã vượt qua mọi ý niệm suy lường.

Đó chính là “Tri kiến Phật”.

Do vậy phần trùng tụng ở đoạn trên vừa nêu, cho chúng ta thấy rằng: Tri kiến Phật không thể dùng suy lường mà thấy được.

Đến đây trong chúng hội đều ghi hoặc về quả vị tu chứng của mình.

Bởi vì Đức Thế Tôn từ lâu nói một nghĩa giải thoát, các Ngài đã chứng được pháp đó đến nơi Niết bàn, mà nay Đức Thế Tôn lại tuyên bày tri kiến Phật, cho là sự hướng dẫn tu chứng quả vị như thế chỉ là phương tiện để đạt đến “Tri kiến Phật”.

“Khi ấy Ngài Xá Lợi Phật biết lòng nghi của bốn chúng, chính mình cũng chưa rõ, liền bạch Phật rằng : “Bạch Thế Tôn ! Nhân duyên gì mà Phật ân cần khen ngợi pháp phương tiện thứ nhất nhiệm mầu rất thâm sâu khó hiểu của các Đức Phật. Con từ trước đến nay chưa từng nghiệp Phật nói điều đó. Hôm nay bốn chúng đều có lòng nghi, cúi xin Đức Thế Tôn nói hết cho việc đó”.

“Khi đó Đức Thế Tôn bảo Ngài Xá Lợi Phất: Thôi, thôi! Chẳng nên nói nữa, nếu nói việc đó tất cả trong đời trời, người đều kinh sợ nghi ngờ”.

Tại sao Đức Thế Tôn vừa khen ngợi trí tuệ Phật thậm thâm vi diệu, nhưng khi Ngài Xá Lợi Phất hỏi, Ngài lại bảo thôi ba lần như vậy?

- Bảo thôi lần thứ nhất là vì “Tri kiến Phật” chẳng thể dùng ngữ ngôn tuyên bày được. Chỉ mong chúng hội tự nhận biết, chẳng nên trụ chấp nơi quả vị tu chứng và phương tiện ngữ ngôn.            

- Bảo thôi lần lần thứ hai là vì Xá Lợi Phất nhận thấy bậc trung căn còn vướng mắc khó ngộ được diệu lý cao siêu nên thỉnh cầu Phật thuyết. 

-Bảo thôi lần thứ ba là để cho những kẻ muốn nghe Diệu pháp phát khởi sự  tha thiết mong cầu và cũng để cho những kẻ không muốn nghe rời khỏi chúng hội, tránh cho họ phát khởi sự huỷ báng mà vùi lấp “Tri kiến Phật” ở nơi họ.    

Việc thâm nhập pháp Phật không phải dễ dàng. Điều cần yếu là chính người nghe pháp phải hết sức tha thiết mong cầu.

Xưa kia Ngài Huệ Khả đứng suốt đêm để tuyết ngập đến thân mình mà vẫn tươi tỉnh mong cầu Tổ Đạt Ma truyền tâm pháp.

Tổ bảo : “Ông cầu gì mà khổ hạnh như thế? ”

Huệ Kha thưa:

“Xin Hoà thượng mở lòng đại bi dạy cho con pháp môn cam lồ để tu hành”.

Tổ bảo: “Pháp Phật cao siêu với khổ hạnh cỏn con ấy làm sao thấu được”.

Đứng suốt đêm tuyết ngập đến lưng mà cho là khổ hạnh cỏn con.

Còn chúng ta giờ đây thế nào?

Nghe pháp là nghe cho vui.

Lúc nào cũng nói rỗng rang tự tại, nhưng đối với cảnh duyên thì buông trôi dật dờ theo nó.

Nói tâm như thì cảnh như, nhưng có bao giờ ta được tâm như.

Nói Bồ Tát thì việc gì cũng làm, làm mà xem như không làm, nhưng đến khi nhúng tay vào việc thì đầy dẫy lòng tham lam, sân hận, si mê và phiền não bao quanh.

Chúng ta suốt ngày dong ruổi theo trần lao nhơ nhiễm, đâu có giờ nào để quay lại để nghe tiếng huyền diệu của chân tâm.

Có đến Chùa lễ Phật tụng kinh, ngồi thiền, sám hối, thì mong cầu phước báo.

- Nếu gặp duyên lành nghe được vài ba bộ kinh thì tự ngôn chứng Thánh.  

- Nếu gặp được môi trường học hỏi Phật pháp thì học chữ nghĩa thật nhiều. Nói ra toàn là chữ nghĩa để khoe mình là thâm hiểu được nhiều kinh điển.    

Cách Phật đã xa, khó tìm người không vướng cấp ngữ ngôn, văn tự mà tìm sâu lý đạo, để sống với lý đạo ấy. Việc thấu rõ giáo pháp Đại thừa vô cùng khó khăn. Nếu dùng ngôn ngữ, thì ngôn ngữ chỉ là phương tiện. Nếu dùng chữ viết thì chữ viết đâu chở nổi điệu lý cao siêu.

Nếu dùng quả vị tu chứng thì quả vị tu chứng chỉ là bậc thang hữu hạn.

Điều cần yếu là chúng ta phải rỗng rang như : “Theo gió tiếng còi luồn bụi trúc” mới không bị vọng thức đánh lừa, mới không bị chữ nghĩa trói buộc.

“Lúc ấy Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Cúi xin nói đó, cúi xin nói đó. Nay trong hội này hạng người sánh bằng con có trăm nghìn muốn ức, đời đời đã từng theo Phật học hỏi. Những người như thế chắc hay kính tin, đêm dài an ổn, nhiều điều lợi ích”.

Như vậy Ngài Xá Lợi Phất đã dùng Túc mạng thông mà nhìn nhận rằng đa số chúng hội từ  thuở lâu xa đã nơ sự giáo hoá của chứ Phật, nay quyết lòng kính tin, xin Phật thương xót thuyết cho. Vì chúng con như kẻ đêm dài không lối, rất mong Phật đem ánh sáng trí tuệ ban cho, chúng con sẽ đặng nhiều lợi ích.

“Bây giờ Đức Thế Tôn bão Ngài Xá Lợi Phất: Ngươi đã ân cần ba phen thưa thỉnh đâu đặng chẳng nói, người hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ nhớ đó. Ta sẽ vì ngươi phân biệt giải nói”.

“Bấy giờ trong hội có các Tỳ khéo, tỳ khéo ni, Cận sự nam, Cận sự nữ, cả thảy 5.000 người liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật mà lui ra”.

- Tại sao lại có trường hợp ra về như thế? Vì đó là những người tội căn sâu nặng, gốc tin chưa bền chắc, cội đức chưa sâu dày, nên đối với giáo pháp Đại thừa chưa có thể thâm nhập và họ tự biết không thể nào nhận lãnh giáo pháp thận thâm ví điệu này được, nên đã tự rút lui, và Đức Thế Tôn yên lặng không ngăn cản.              

- Sự ra về và yên lặng không ngăn cản của Đức Thế Tôn có một ý nghĩa thâm sâu và nhằm phó chúc cho kẻ kế thừa phải biết sức mình và phải biết đúng thời, đúng lúc, tùy nhằm đối tượng mà truyền trao giáo pháp Tối thượng thừa.              

Sau đó, Ngài Xá Lợi Phất bạch rằng: “Vâng, thưa Thế Tôn con nguyện ưa muốn nghe”.

Đức Thế Tôn lại bão: “Xá lợi Phất! Các Đức Phật theo thời nghi nói pháp ý thú khó hiểu. Vì sao? Ta dùng vô số phương tiện, các món nhân duyên, lời lẽ thí dụ diễn nói các pháp. Pháp đó không phải là suy lường, phân biệt mà có thể biết được. Duy có các Đức Phật mới có thể biết thôi. Vì sao? Vì các Đức Phật Thế Tôn chỉ do một đại sự nhân duyên mới hiện ra nơi đời”.

“Các Đức Thế Tôn vì muốn khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến mà hiện ra nơi đời”.

Vì “Tri kiến Phật” vi diệu khó lường, không thể dùng ngữ ngôn, văn tự để tuyên bày được. Vì “Tri kiến Phật” vô thỉ, vô chung, thường hằng viên mãn ở nơi chúng sinh nhưng bị các món phiền não vô minh che khuất. Chư Phật đã thấy biết, nên phát khởi nguyện lực đại từ, đại bi, mà thị hiện, khai phá và chỉ dạy cho chúng sinh biết được cái thể tính thâm diệu nhất như. Cái “Tri kiến Phật” viên mãn mà chúng sinh cùng Phật vốn đồng.

Khai thị là các vấn đề của chư Phật.

Ngộ nhập là vấn đề của chúng ta.

Muốn ngộ nhập trước hết chúng ta phải liễu tri về “Tri kiến Phật”.

Thường ngày chúng ta sống với “Tri kiến lập tri”

Thấy biết vạn pháp rồi dấy niệm theo sự thấy biết nơi vạn pháp ấy.

Thí dụ: Nhìn hoa hồng, ta cho hồng này đẹp, sinh tâm ưa thích và muốn chiếm hữu. Nhưng khi chiếm hữu không được ta lại phát khởi sự đau buồn, do đó sinh ra nghiệp cấu vô minh.

Nhưng nếu nhìn hoa hồng, biết là hoa hồng. Giống như cảnh hiện trước gương, gương liền cho cảnh, nhưng cảnh dời đi, gương chẳng lưu hình.

Đó là “Tri kiến vô kiến” hay gọi là “Tri kiến Phật”.

- Nếu ta đối cảnh không sinh tình thì tâm liền rỗng rang vắng lặng. Tâm đã rỗng rang thì mặt trời huệ tự chiếu.             

Như thế, Đức Thế Tôn thị hiện nơi đời là chỉ vì muốn khai thị cho chúng sinh ngộ nhập vào “Tri kiến Phật”.

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Đức Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sinh nói pháp, không có các thừa khác, hoặc hai hoặc ba”.

Nghĩa là chư Phật chỉ giáo hoá cho chúng sinh giác ngộ thành Phật chứ không làm một việc nào khác. Nếu có thuyết ra hai hoặc ba thừa cũng chỉ là phương tiện để dẫn đến Phật thừa. Hơn nữa Nhị thừa hay Đại thừa cũng chỉ là giả lập để thẳng tiến đến “Nhất thừa” nên “pháp của chư Phật ở mười phương cũng như thế”.

Chư Phật thuở quá khứ, hiện tại và vị lai đời đời cũng chi đem tri kiến Phật chỉ bày cho chúng sinh tỏ ngộ và thể nhập.

Tại sao chư Phật lại chỉ nhằm một mục đích ấy ? Vì chư Phật đã rõ biết chúng sinh đều có tri kiến phật.

Chỉ khổ là làm thế nào tri kiến của chúng sinh, tri kiến Nhị thừa trong mỗi chúng sinh trở thành tri kiến Phật.

Đức Thế Tôn lại bảo: “Xá Lợi Phất! Các Đức Phật hiện ra trong đời ác năm trước, nghĩa là kiếp trước, phiền não trước, chúng sinh trước, kiến trước, mạng trước. Như thế Xá lợi Phất ! Lúc kiếp loạn trước chúng dinh phiền não nặng, bỏn xẻn, tham lam, ganh ghét, trọn nên các căn chẳng lành. Cho nên Đức Phật dùng sức phương tiện nơi một Phật thừa, phân biệt nói thành ba”.

Chúng sinh ở một kiếp ô trược bị bụi ơi phủ lập cái chân trí của mình, vì chấp lấy sự  thấy biết sai lầm, vì đời sống quá nghiêng về dục lạc, và quá nhiều phiền não  mà căn trí hạ liệt “nam điều nan phúc” nên Đức Thế Tôn lập ra ba thừa để dẫn dụ.

Nếu đã lập Tam thừa để dẫn dụ tiến đến Nhất thừa “Nhưng trong hàng Thanh văn, Duyên giác, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nào mà cho mình đã chứng đạt đến quả vị Niết bàn mà tự trụ vào quả vị đó. Chẳng thấu rõ rằng những quả vị tu chứng như vậy chỉ là phương tiện để tiến đến Nhất thừa, thì những hạng người như trên chẳng phải là đệ tử Phật, cũng chẳng thật chứng quả của Nhị thừa, trừ  sau khi Phật diệt độ và hiện tiền không Phật. Lời nói của Đức Thế Tôn không bao giờ hư vọng, không có thừa nào khác, chỉ có một Phật thừa thôi”.

Phần trùng tụng một lần nữa Đức Thế Tôn đã ân cần bảo cho muôn loài biết rằng: bản nguyện của Ngài muốn cho chúng sinh đồng như Ngài không khác.

Phật tự trụ Đại thừa

Đúng như pháp đã chứng

Định, huệ, lực trang nghiêm

Dùng đây độ chúng sinh

Tự chứng đạo vô thượng

Pháp Đại thừa bình đẳng

Nên dùng Tiểu thừa độ

Nhẫn đến chừng một người

Thời ta đoạ xan tham.

Thật tuyệt diệu làm sao tâm đại từ, đại bi của chư Phật, các Ngài đã đem chỗ mình giác ngộ truyền trao cho mọi người cũng giác ngộ như mình.

Tuy nhiên không phải một sớm một chiều mà chúng sinh trong đời ác ngũ trước nhận chân được giáo nghĩa Đại thừa... nên đối với kẻ:

” Trong nghìn muôn ức kiếp

Chẵng nghe danh tự Phật

Người như thế khó độ

Cho nên Xá Lợi Phất

Ta vì lập phương tiện

Nói các đạo dứt khổ

Chỉ có là Niết bàn

Cũng chẳng phải thiệt diệt

Các pháp từ xưa nay

Tướng thường tự vắng lặng (tịch diệt)

Phật tử hành đạo rồi

Đời sau đặng thành Phật

Ta có sức phương tiện

Mở chỉ pháp ba thừa”.

Ở đây một lần nữa phần trùng tụng có dịp phân tích về câu:

“Các pháp từ xưa nay

Tướng thường tự vắng lặng” (tịch diệt)

Như trong phần trường hàng đã nói dùng trí tuệ Bát Nhã để xét soi thì rõ ràng:

“Các pháp từ xưa nay

Tướng thường tự vắng lặng” (tịch diệt)

Thông thường thì chúng ta xét soi các pháp thay đổi theo thời gian và không gian. Sinh, trụ, dị, diệt luân chuyển mãi không thôi.

Tại sao nói là tích diệt? Bởi vì tướng sinh, trụ, dị, diệt luân chuyển hay vô thường, đó là tướng duyên hợp. Vì tướng duyên hợp nên nó bị thay đổi theo thời gian và không gian. Còn tướng tịch diệt, đó là nói về “tánh” của “tướng”.

Đó là “chân thật tướng” phi ngôn ngữ và văn tự. Nên xưa kia có một Thiền sư khi đọc đến hai câu :

“Chư pháp tùng bổn lai

Thường tự tịch diệt tướng”

Ngày xưa suy nghĩ, chợt một hôm cảnh trời Xuân tươi mát, muôn hoa rộ nở, chim hoàng oanh hót trên cành liễu rũ, trực ngộ được diệu lý cao siêu.

Ngài lập lại:

“Chư pháp tùng bổn lai

Thường tự tịch diệt tướng

Xuân đáo bách hoa khai

Hoàng anh đề liễu thượng”

Dịch:

“Các pháp từ xưa nay

Tướng thường tự vắng lặng (tịch diệt)

Xuân đến trăm hoa nở.

Hoàng anh cành liễu hót”

Với ý nghĩa tự tánh của các pháp từ xưa đến nay là tịch diệt. Nhưng đủ duyên ứng hợp mà có cảnh mùa Xuân đến, trăm hoa đua nở, chim hoàng anh hót trên cành liễu.

Chim hót, hoa nở, mùa Xuân đến, đó là sự đổi thay theo duyên hợp. Thể của các pháp vẫn tịch diệt, vượt ngoài tướng trạng, vượt khỏi ý niệm suy lường.

Nếu chúng ta mê chấp, nhận lầm các tướng do duyên hợp cho nó là chân thật, thì khi nó bị huỷ hoại theo duyên, lập tức ta hoảng hốt, tưởng chừng nó mất rồi.

Cũng vậy, sống chết là chuyện của duyên, đâu có ảnh hưởng gì đến cái “bản lai diện mục” hay cái “chân tính thường hằng” của chúng ta. Thế mà chúng ta lận đận vì nó. Nếu chúng ta dùng trí tuệ Bát Nhã quán chiếu thì chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Xưa kia, cư sĩ Long Uẩn đời Đường, niên hiệu Trinh Nguyên (khoảng 785 T.L) sau khi được Ngũ Tổ truyền trao tâm pháp, ông cất một thất nhỏ tu hành, đến lúc sắp tịch, ông bảo cô con gái là Linh Chiếu ra xem mặt trời đúng ngọ chưa vào nhà cho ông biết. Linh Chiếu ra xem vào thưa : mặt trời đúng ngọ mà có nhật thực. Ông ra cửa xem, Linh Chiếu lên toà của ông ngồi, rồi kiết già chấp tay thị tịch.

Ông vào xem thấy, cười nói:

- Con gái ta lanh lợi quá!.

Ông bèn chậm lại 7 ngày sau.

Châu Mục Vu Công đến thăm bệnh.

Ông bảo : Chỉ mong các cái đều không dè dặt, các cái không đều thật, khéo ở thế gian đều như bóng vang.

Nói xong, ông nằm gác đầu trên gối Vu Công mà thị tịch.

Bà vợ ông hay được, bà nói :

“Con gái ngu si, với ông già vô trí, không báo tin mà đi sao đành vậy?

Bà đến báo tin cho con trai ở ngoài đồng ruộng, bà nói :

- Long Công với Linh Chiếu đi rồi con.     

Người con trai đang bừa đáp: Dạ!

Rồi lặng thinh giây lâu bèn đứng mà thị tịch.

Bà nói: Thằng này sao ngu si lắm vậy!

Lo thiêu con xong, bà từ biệt thân thuộc rồi biệt tích.

Đó câu chuyện của Long Uẩn đã cho chúng ta thấy rõ chuyện sống chết rất bình thường.

Một khi chúng ta đã giác ngộ thì làm gì không thoát ly sinh tử, luân hồi.

Do vậy, trong vô lượng, vô số kiếp, các Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện để độ thoát chúng sinh vào nơi Phật đạo.

Các Ngài biết rõ tánh dục của mỗi loài mà tuỳ theo đó để dìu dắt chúng đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thuở quá khứ, với chúng sinh ưa tu lục độ, ưa xây tháp cúng dường, nhẫn đến đồng tử giỡn chơi lấy cát nhóm thành tháp Phật đều được chư Phật thời đó giáo hoá vào nơi Phật đạo. Hoặc có kẻ dựng hình tượng, dùng hoa hương để cúng dường, nhân đến có kẻ lòng tán loạn vào nơi pháp miếu mà xưng “Nam mô Phật” đều đã thành Phật đạo. Ở quá khứ ai đã làm như thế đều đã vào Phật đạo. Bây giờ chúng ta thử xem chúng ta đã làm như thế chưa? Chúng ta có tin mình sẽ thành Phật chăng?

Xưa đã có người làm như thế và đã thành Phật. Nay chúng ta cũng sẽ làm như thế, chúng ta phải vững tin rằng chúng ta sẽ thành Phật.

Các Đức Phật đời vị lai cũng như thế. Nếu có người nghe pháp này đều sẽ thành Phật cả.

Các Đức Thế Tôn đều thấy rõ các pháp thường không tánh, nghĩa là ư tánh vốn không, nến tướng của nó không ở dạng nào nhất định. Tất cả đều giả lập theo duyên tác thành.

Các Đức Thế Tôn cũng thấy rõ hạt giống vô lậu hay hạt giống Phật đều sẵn có nơi chúng sinh, nhưng bị vô minh che khuất. Nếu đúng thời cơ, mưa pháp thấm nhuần hạt giống vô lậu ấy sẽ nẩy mầm.

Do vậy, chư Phật vì chúng sinh mà nói lý Nhất thừa.

“Các Phật lưỡng túc tôn

Biết pháp thường không tánh

Giống Phật theo duyên sinh

Cho nên nói Nhất thừa

Pháp đó trụ ngôi pháp

Thế gian tướng thường trụ”.

Pháp đó chỉ cho “Nhất chân thật tướng pháp giới” mà chư  Phật đã chứng biết. “Nhất chân thật tướng pháp giới” ấy thường trụ ở ngôi vị các pháp sai biệt của tất cả thế gian và xuất thế gian.

Và tướng chân thật thường trụ của thế gian chỉ có Phật ở chốn đạo tràng mới chứng biết.

- Chính vì thấy rõ một cách rốt ráo về nhân hạnh Phật thừa của chúng sinh vốn sẵn có mà các Đức Phật mới dùng phương tiện dìu dắt chúng sinh đạt đến lý Nhất thừa.

- Chính Đức Thế Tôn xưa ngồi nơi đạo tràng xem cây và kinh hành trong 21 ngày, Ngài đã suy nghĩ là nên y theo tất cả chư Phật thuở quá khứ mà dùng sức phương tiện dìu dắt chúng sinh.

“Suy nghĩ việc đó rồi

Liền đến thành Ba Nại

Các pháp tướng tịch diệt

Không thể tỏ bằng lời

Bèn dùng sức phương tiện

Vì năm Tỳ kheo nói

Đó gọi chuyển pháp luân

Bèn có tiếng Niết bàn

Cùng với A La Hán

Tên pháp, Tăng sai khác

Từ kiếp xa xưa nay

Dứt hẳn khổ sống chết

Ta thường nói như thế”.

Mãi cho đến khi Đức Thế Tôn thất căn cơ của chúng hội quyết chí cầu Phật đạo. Bây giờ là lúc phải thời để nói pháp vi diệu. Người nghe được pháp này giống như hoa linh thoại, loài hoa sen vàng lớn như bánh xe, chỉ khi nào có vị Kim Luân Vương ra đời, thiên hạ mới thấy một lần.

Người nghe pháp khó như vậy, mà lãnh hội được càng khó hơn. Vì pháp này là tạng bí yếu của chư Phật. Trong đời ác năm trước, chúng sinh si mê, tham dục, khó mà tin nhận được...

Người không tin nhận thì không nên thuyết, vì không tin nên họ sẽ phá pháp mà rơi vào ba đường dữ. Tại sao phá pháp lại rơi vào ba đường dữ? Bởi vì pháp vi diệu đây chính là “Tri kiến Phật” của mỗi chúng sinh. Phá pháp là không tin mình có tri kiến Phật, là tự vùi chôn Phật tánh của mình, không rơi ba đường dữ sao được.

Nếu gặp người biết hổ thẹn, biết giữ giới luật trong sạch và quyết chí cầu Phật đạo, mà chẳng cầu gì khác thì nên vì chúng sinh như thế rộng nói pháp này.

“Người ác đời sẽ tới,

Nghe Phật nói Nhất thừa,

Mê lầm không tin nhận,

Phá pháp đoạ đường dữ,

Người tâm quý trong sạch,

Quyết chí cầu Phật đạo,

Nên vì bọn người ấy,

Rộng khen đạo Nhất thừa”.

Như vậy phần trùng tụng, Đức Thế tôn đã tuyên bày lại cho chúng hội việc làm của chư Phật trong ba đời; quá khứ, hiện tại, vị lai, chỉ đem pháp Nhất thừa mà hoá độ chúng sinh.

Những kẻ pháp tâm tu lục độ xây tháp cúng dường, đắp vẽ, tán tụng, cho đến kẻ tán tâm loạn tưởng “Nam mô Phật” đều đã thành Phật. Quá khứ đã như thế, hiện tại, vị lai đều như thế. Chúng ta tự xem xét lại mình đã có gieo chút ít nhân lành như người ở quá khứ chưa? Vậy chúng ta có tự tin rằng mình sẽ thành Phật chăng? Chúng ta có tin là chúng ta sẽ ngộ nhập được tri kiến Phật chăng?

Chúng ta tin chắc rằng chúng ta sẽ thành Phật. Chúng ta tin chắc rằng chúng ta sẽ ngộ nhập Tri kiến Phật, vì chúng ta có hạt giống Phật. Hạt giống ấy chỉ chờ cơn mưa pháp đúng thời, đúng lúc sẽ nẩy mầm. Đó làm niềm tin vững chắc, chỉ có niềm tin vững chắc như thế chúng ta mới có thể ngộ nhập được diệu lý của Pháp Hoa.

--- o0o ---

Mục Lục | Quyển I | Quyển II | Quyển III

Quyển IV | Quyển V | Quyển VI | Quyển VII

--- o0o ---

Source: http://daosuduytue.com/
Vi tính: Diệu Mỹ

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ưng hiếu thuat quả ngon den tinh thuc ç Các thực phẩm chay đánh bật Gạo ngọn đèn tỉnh thức khổ đau và nhà cửa ï¾ ï¼ Sư bà Diệu Không tu sĩ メス 21 Pháp hoà buông xã đi chương bốn giới thiệu tượng phật giúp hạn chế Tháng tat xuân gi omega Thiền Vipassana một nghệ thuật sống hàng ÄÆ Già Khánh Hòa Tưởng niệm lần thứ 65 cố Nghi vê lê Macchabée tri ân Thân tâm an lạc hoàn cảnh an lạc phật giáo hỏa ngay via phat a di da tinh ban quang phat 17 loi dang suy gamcua ht thich chon thien bi chay 5 loại thực phẩm giúp giải độc Phát hiện sớm Alzheimer bằng thiết Tái sinh to hac cao 5 tan o thai lan Tu Vài điều cần lưu ý cho người bệnh lội GĐPT Đà Nẵng tổ chức lễ húy ứng phật đản và hiệu ứng trên mạng xã