Kinh Điển - Kinh Phật Thuyết Duy Ma Cật.


 

KINH PHẬT THUYẾT DUY-MA-CẬT

Hán dịch: Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, đời Ngô, nước Nguyệt Chi

Việt dịch:  Thích nữ Tâm Thường  

--- o0o ---

Quyển thượng

 

Phẩm thứ nhất: PHẬT QUỐC 

Nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại Tỳ-xá-ly, ngụ ở vườn Nại Thọ cùng với đông đủ chúng đại Tỳ kheo tám ngàn vị, chúng đại Bồ-tát ba vạn hai ngàn vị, đều là các bậc Bồ-tát đã đắc thần thông. Tất cả các đại thánh này có thể thuận theo thế tục để giáo hóa, những việc Phật làm đều làm theo được, làm thành trì để giữ gìn chánh pháp, rống tiếng rống sư tử mười phương đều nghe. Mọi người không mời mà vẫn đến làm bạn và đem an vui đến cho họ, làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo làm cho không dứt mất, chiến thắng ma vương oán thù. Tất cả những người đã được giáo hóa đều tin hiểu và đều vượt qua cõi chết, giải thoát không còn trở ngại, không mất biện tài. Các báu niệm và định tổng trì đều thành tựu. Bố thí, điều ý (trì giới), tự tổn (nhẫn nhục), tinh tấn, nhất tâm (thiền định), trí tuệ, hàng thiện quyền trở xuống đạt được vô sở trước, không phát khởi pháp nhẫn Bất thối chuyển. Ðã chuyển bánh xe chánh pháp, tùy theo hình tướng của mọi người mà hiện bày đạo đức trí tuệ, làm vị thầy dẫn đường đúng đắn cho mọi người. Do không sợ nên không lay động. Ðem phần phước đức trí tuệ thành tựu được và dùng tướng hảo đã đạt được để có thể tự trang sức; vẻ đẹp bậc nhất, xả bỏ của cải thế gian, ý chí và đức hạnh cao đẹp, tiếng tốt lan khắp, có chí kim-cang, được tánh Phật Thánh. Dùng pháp cảm hóa người, rưới mưa cam lồ, hiểu rõ âm thanh ngôn ngữ của mọi loài, thuyết pháp lưu loát như nước chảy, âm thanh trong suốt hòa nhập vào pháp vi diệu. Thấy rõ nguồn gốc sanh tử, đoạn trừ các ách, vượt qua các sợ hãi, rống tiếng rống sư tử, chẳng nói nhiều, thuyết pháp như sấm dội, không thể ước lượng vì đã vượt quá ước lượng. Dùng sự dẫn dắt của trí tuệ trên đường quý báu, làm đại sư. Dùng tri túc hiện bày rộng xa âm thanh của Phật và công đức của pháp. Vào khắp các đạo tùy thuận giáo hóa chúng sanh, nói trí tuệ của chánh pháp không thể so sánh, đúng như trí tuệ của Phật, dùng mười lực, (bốn) vô úy và mười tám pháp (bất cộng) của Phật vượt qua các sự sa rớt vào hầm hố của các đường ác, sanh trong năm đường, làm vị thầy thuốc vĩ đại, dùng trí tuệ, dùng sự khéo léo chữa bệnh cho chúng sanh, đúng bệnh cho thuốc, làm cho bình phục, đạt được vô lượng việc tốt, làm nghiêm tịnh vô lượng cõi Phật, tu học vô lượng trí tuệ của Phật, lắng nghe giảng dạy về minh trí, noi theo dấu vết sáng suốt, theo thứ lớp mà phát huy nguồn gốc phước đức trí tuệ, nhập vào yếu chỉ của pháp sâu xa, có thể hoàn thành vô lượng tam muội, Phật lực vô úy, tất cả đều đầy đủ.

Tên của các vị đó là: Bồ-tát Chánh Quán, Bồ-tát Kiến Chánh Tà, Bồ-tát Ðịnh Hóa Vương, Bồ-tát Pháp Tự Tại, Bồ-tát Pháp Tạo, Bồ-tát Pháp Quang Tạo, Bồ-tát Quang Tịnh, Bồ-tát Ðại Tịnh, Bồ-tát Biện Tích, Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Bảo Chưởng, Bồ-tát Bảo Ấn Thủ, Bồ-tát Thường Cử Thủ, Bồ-tát Thường Hạ Thủ, Bồ-tát Thường Thâm, Bồ-tát Thường Tiếu, Bồ-tát Hỷ Căn, Bồ-tát Hỷ Vương, Bồ-tát Chánh Nguyện Chí, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Bảo Thậm Trì, Bồ-tát Bảo Thủ, Bồ-tát Bảo Trì, Bồ-tát Bảo Thủy, Bồ-tát Thủy Quang, Bồ-tát Xả Vô Nghiệp, Bồ-tát Trí Tích, Bồ-tát Ðăng Vương, Bồ-tát Chế Ma, Bồ-tát Tạo Hóa, Bồ-tát Minh Thí, Bồ-tát Thượng Phan, Bồ-tát Tướng Tích Nghiêm, Bồ-tát Sư Tử Lôi Âm, Bồ-tát Thạch Ma Vương, Bồ-tát Chúng Hương Thủ, Bồ-tát Chúng Thủ, Bồ-tát Thường Ưng, Bồ-tát Bất Trí Viên, Bồ-tát Thiện Ý Gián, Bồ-tát Liên Hoa Tịnh, Bồ-tát Ðại Thế Chí, Bồ-tát Khuy Âm, Bồ-tát Phạm Thủy, Bồ-tát Thường Thủy, Bồ-tát Bảo Tràng, Bồ-tát Thắng Tà, Bồ-tát Nghiêm Thổ, Bồ-tát Kim Kết, Bồ-tát Châu Kết, Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Nhu Thủ... Các bậc Bồ-tát thượng thủ như thế có ba mươi hai ngàn vị.

Lại có một vạn Bà-la-môn như Biên Phát.v.v... từ cảnh giới ở bốn phương đến chỗ Phật để nghe pháp. Tất cả chư thiên cùng với các chúng của họ đồng đến tập hợp nơi đây.

Có một vạn hai ngàn Thiên Ðế Thích từ bốn phương đến cùng với trời Ðại Tôn Thần Diệu khác và các Long thần, Kiền-thác-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hầu-lặc.v.v... cùng với hội chúng của họ đều đến tập hợp và trong đại hội cũng có các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và hội chúng của họ.

Bấy giờ đức Phật với vô số trăm ngàn chúng quyến thuộc vây quanh, vì họ thuyết kinh. Những người từ bên ngoài Tu-di đến đều vân tập ở khắp bốn phía. Tất cả chúng hội đều ngồi tự nhiên nơi tòa sư tử.

Bấy giờ nước Tỳ-xá-ly có vị trưởng giả tên là La lân Na Kiệt cùng với năm trăm vị trưởng giả đều có tâm chí quyết nơi đạo Vô thượng chánh chơn, cầm lọng bằng bảy báu đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, dùng lọng báu cùng che trên Phật, oai thần của Phật khiến cho (thành) một cái lọng báu che khắp tất cả ba ngàn đại thiên cõi Phật nơi đây.

Bấy giờ các đại chúng từ các thế giới đến đều thấy lọng báu che khắp trên ba ngàn thế giới này. Các núi Tu-Di, Mục Lân, Ðại Mục Lân, Tuyết Sơn, Bảo Sơn, Hắc Sơn, núi Thiết-Vi, núi Ðại Thiết Vi, thảy đều hiện trong lọng báu ấy. Biển lớn, sông to, suối nguồn, ngòi rạch trong ba ngàn thế giới này và trên đến mặt trời, mặt trăng, tinh tú, thiên cung, long cung, các cung tôn thần đều hiện trong lọng báu.

Phật quốc nghiêm tịnh của chư Phật trong mười phương và ngay tại chỗ chư Phật trong mười phương thuyếy pháp cũng đều hiện trong lọng báu, đều từ xa thấy và nghe được. Tất cả chúng ma được điều chưa từng có, đảnh lễ Phật và đứng một bên, có bao nhiêu nước đều nhìn thấy hết. Ðồng tử Bảo Sự ở trước Phật dùng kệ khen ngợi:

- Mắt trong sáng, đẹp như hoa vàng

Lời tịnh, ý tịch, qua bờ giác

Trừ sạch dục si xưng vô lượng

Ðảnh lễ Sa-môn dấu tịch nhiên

Thấy được Ðại thánh, tướng ba cõi

Hiện nước Phật con rất sáng ngời

Thuyết pháp tối thượng dứt trừ nghi

Hư không, trời, thần được nghe thấy 

Các pháp vương giảng trao kinh đạo

Ðem pháp giảng thuyết ban cho người

Dóng lên trống pháp bày nghĩa diệu

Cúi lạy pháp vương rất tôn quý

Thuyết danh tự chẳng có chẳng không

Bởi nhơn duyên nên các pháp sanh

Chẳng ngã, chẳng tạo, kia chẳng biết

Như Phật thanh tịnh thân tướng đẹp

Trước tại Bồ-đề hàng phục ma

Ðắc Niết-bàn thành đạo Bồ-đề

Dùng tâm vô trước mà hiện hành

Tất cả dị học đều kính phục

Ba phen chuyển pháp nơi Ðại thiên

Người lãnh thọ tu hành chánh định

Trời người được thấy theo nghe pháp

Tam bảo hiện bày ở thế gian

Phật thuyết pháp chỉ dạy mọi người

Không hề mong cầu, luôn vắng lặng

Thượng trí thương độ khỏi già chết

Ðảnh lễ biển pháp đức vô biên

Cúng dường phụng sự như Tu-di

Không giới, có giới đều thương tưởng

Giảng dạy vô biên nhớ hành khắp

Ai nghe danh Phật chẳng kính thờ

Nay dâng Năng-nhơn lọng lành này

Trong đó hiện thế giới ba ngàn

Cung điện chư thiên và rồng thần

Kiền-thác-hòa cùng các Duyệt-xoa

Do biết các sở hữu thế gian

Thập lực xót thương biến hóa ra

Chúng thấy hiếm có, khen ngợi Phật

Cúi lạy Ðại trí rất tôn quý.

Ðồng tử Bảo Sự thuyết bài kệ khen ngợi Phật xong, với tâm ý cung kính, quỳ thẳng chấp tay bạch Phật:

- Kính bạch Thế tôn! Năm trăm đồng tử này đều có tâm chí vững chắc nơi đạo Vô thượng chánh chơn, ước muốn được nghe về quốc độ thanh tịnh của Phật. Cúi xin Phật giảng dạy rõ cho chúng con về hạnh thanh tịnh ở nước Phật của Như Lai.

Bấy giờ Phật bảo Bảo Sự:        

- Này đồng tử! Hãy nghe cho kỹ và khéo ghi nhớ. Ta sẽ vì ông giảng thuyết về sự thanh tịnh ở nước của Như lai, Bồ-tát.

Bấy giờ Bảo Sự và các đại chúng vâng theo lời dạy, lắng nghe.

Phật bảo đồng tử:

- Nơi ở của tất cả các loài bò - bay - máy - cựa - người - vật đều là nước Phật của Bồ-tát. Vì sao? - Vì Bồ-tát muốn giáo hóa chúng sanh nên thâu lấy nước Phật, vì muốn khiến cho nhơn dân nước Phật đều phụng thờ pháp luật nên nhận lấy nước Phật, vì muốn khiến cho nhơn dân nước Phật nhập vào thượng trí của Phật nên nhận lấy nước Phật, vì muốn khiến cho nhơn dân nước Phật thấy rõ về việc làm của Thánh điển để phát tâm ý nên nhận lấy nước Phật. Vì sao? - Vì muốn hướng dẫn làm lợi ích cho tất cả nhơn dân khiến sanh vào nước Phật. Ví như có người muốn ngay giữa hư không xây cung điện, phòng ốc thì hoàn toàn không thể được.

Như vậy, này đồng tử! Bồ-tát vì muốn độ nhơn dân nên nguyện nhận lấy nước Phật. Nguyện nhận lấy nước Phật thì chẳng phải hư không vậy.

Ðồng tử nên biết! Bồ-tát vì không cầu quốc độ nên ở ngay nước Phật đắc đạo, vì không bảo rằng: Ta dạy bảo nhơn dân nên sanh về cõi Phật, vì Bồ-tát dùng tánh hiền thiện đối với quốc độ nên ở ngay nước Phật đắc đạo. Thường thành tựu các điều lành, vì người gánh vác trọng trách nên sanh về cõi Phật.

Bồ-tát hoằng dương đạo lý nên ở ngay nước Phật đắc đạo, thường dùng Ðại thừa xây dựng nhơn dân nên có được cõi Phật.

Bồ-tát dùng bố thí làm cõi nước nên ở ngay nước Phật đắc đạo, vì tất cả việc bố thí giúp cho nhơn dân nên sanh nơi cõi Phật.

Bồ-tát dùng trì giới làm cõi nước nên ở ngay nước Phật đắc đạo, tròn đầy ước nguyện, đem mười hạnh lành tập họp nhơn dân nên sanh về cõi Phật.

Bồ-tát dùng nhẫn nhục làm cõi nước nên ở ngay nước Phật đắc đạo, có ba mươi hai tướng tốt để tự trang nghiêm, đem hạnh nhẫn nhục hướng dẫn nhơn dân nên sanh về cõi Phật.

Bồ-tát dùng tinh tấn làm cõi nước nên ở ngay nước Phật đắc đạo, dùng các gốc đức tu hành đúng đắn, siêng năng đoàn kết nhơn dân nên sanh về cõi Phật.

Bồ-tát dùng thiền định làm cõi nước nên ở ngay nước Phật đắc đạo, vì biết được tâm niệm làm an ổn nhơn dân nên sanh về cõi Phật.

Bồ-tát dùng trí tuệ làm cõi nước nên ở ngay nước Phật đắc đạo, hay dùng sự dắt dìu đúng đắn để thành tựu cho nhơn dân nên sanh nơi cõi Phật.

Bồ-tát thực hành tứ đẳng tâm làm cõi nước nên ở ngay nước Phật đắc đạo; dùng từ, bi, hỷ, xả giúp nhơn dân nên sanh cõi Phật.

Bồ-tát thực hành Tứ ân làm cõi nước nên ở ngay nước Phật đắc đạo, huệ thí, nhân ái, lợi nhơn.v.v... làm lợi ích cứu giúp tất cả, quy tụ nhơn dân nên sanh nơi cõi Phật.

Bồ-tát thực hành phương tiện quyền xảo nên ở ngay nước Phật đắc đạo, dùng tất cả hành phương tiện quyền xảo để nhiếp hóa người nên sanh cõi Phật.

Bồ-tát thực hành ba mươi bảy pháp phẩm trợ đạo nên ở ngay nước Phật đắc đạo; dùng căn, lực, giác ý, cố gắng dắt dẫn nhơn dân nên sanh nơi cõi Phật.

Bồ-tát dùng pháp để giáo hóa nên ở ngay nước Phật đắc đạo, thị hiện tất cả hạnh lành để được thấy cõi Phật.

Bồ-tát giảng thuyết dứt trừ tám nạn nên ở ngay cõi Phật đắc đạo. Tất cả vì dứt trừ các nạn của đường ác mà có cõi Phật.

Bồ-tát tự học, không chê bai sự tiếp thu của ai nên ở ngay nước Phật đắc đạo. Dứt trừ các sự tiếp thu sai lầm mà có cõi Phật.

Bồ-tát tịnh tu mười hạnh lành nên ở ngay nước Phật đắc đạo, chẳng xa lìa sự giàu có, đủ phạm hạnh, lời nói thành thật, khỏi rơi vào đường ác, nói lời dịu dàng, không phân biệt quyến thuộc, thường gần gũi bạn lành, không ganh ghét, ngã mạn, dứt trừ tâm ý giận dữ, dùng chánh kiến dạy người nên sanh về cõi Phật.

Như vậy, này đồng tử! Bồ-tát do tu đúng theo hạnh này nên có danh tự. Có danh tự rồi, liền sanh về cõi lành. Sanh về cõi lành rồi liền lãnh thọ phước. Lãnh thọ phước rồi liền hay phân chia phước. Thường hay phân chia phước rồi liền thực hành phương tiện thiện xảo. Thực hành phương tiện thiện xảo rồi tức là làm thanh tịnh nước Phật. Làm thanh tịnh nước Phật rồi thì người vật đều tịnh. Người vật đều tịnh rồi thì có trí tịnh. Có trí tịnh rồi thì có sự dạy bảo tịnh. Có sự dạy bảo tịnh thì có lãnh thọ tịnh.

Như vậy, này đồng tử! Bồ-tát muốn làm cho cõi Phật thanh tịnh thì phải đem tâm ý tịnh hành đúng như vậy. Vì sao? - Vì Bồ-tát do ý tịnh nên được cõi Phật tịnh.

Hiền giả Xá Lợi Phất nương oai thần của Phật nghĩ thế này: “Do ý tịnh nên được nước Phật tịnh. Vậy đức Thế tôn của ta đây khi làm Bồ-tát tâm ý dơ bẩn chăng? Tại sao cõi Phật này nhơ bẩn thế này?”.

Phân viện biết ý nghĩ ấy, liền bảo rằng:

- Thế nào, Xá Lợi Phất? Mặt trời, mặt trăng trong sáng, người (mù) không thấy là do lỗi của mặt trời, mặt trăng chăng?

Tôn giả Xá Lợi Phất đáp:

- Dạ thưa không, kính bạch Thế tôn! Chẳng phải lỗi của mặt trời, mặt trăng.

Phật dạy:

- Này Xá Lợi Phất! Lỗi này do nơi mọi người không có trí tuệ nên không thấy được nước Phật thanh tịnh đẹp đẻ của Như Lai, chứ chẳng phải do lỗi của Như Lai.

Này Xá Lợi Phất! cõi Phật của Ta thanh tịnh mà thầy lại chưa thấy.

Phạm chí Biên Phát thưa với tôn giả Xá Lợi Phất:

- Xin hiền giả chớ chê bai cõi Phật này cho là nhơ bẩn. Vì sao? - Vì con thấy cõi Phật của đức Thích Ca Văn nghiêm tịnh như là thiên cung sáng sủa thanh tịnh kia.

Xá Lợi Phất bảo:

- Còn tôi thấy quốc độ này cũng có nhơ bẩn lẫn lộn. Lục địa lớn đó có hắc sơn, cát đá nhơ nhớp dẫy đầy.

Biên Phát thưa:

- Hiền giả! Do tâm ý ngài nghe nhơ bẩn, chứ ngài không dựa vào tuệ giác thanh tịnh để nhìn cõi Phật. Phải bình đẳng như Bồ-tát, tâm ý thanh tịnh, dựa vào tuệ giác của Phật thì thấy nước Phật đều thanh tịnh.

Bấy giờ, Phật liền dùng ngón chân ấn xuống đất. Ngay khi ấy, thế giới tam thiên đại thiên này đều chấn động. Biết bao nhiêu trăm ngàn châu ngọc trang trí khắp nơi, y như cảnh giới tràn đầy các châu ngọc đẹp đẽ của Như Lai. Vô lượng các thứ nghiêm tịnh ngay lúc đó đều xuất hiện. Tất cả chúng ma khen chưa từng có và đều tự thấy mình ngồi trên hoa sen báu.

Ðức Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất:

- Thầy hãy nhìn sự nghiêm tịnh của cõi Phật này.

Tôn giả Xá Lợi Phất đáp:

- Dạ vâng, kính bạch Thế tôn! Thật con chưa từng thấy, cũng chưa từng nghe. Nay cõi Phật hiện ra toàn sự đẹp đẽ thanh tịnh.

- Này Xá Lợi Phất! Cõi Phật Ta như vậy nhưng vì hóa độ những người thấp kém nên Như Lai tùy theo hạng người nhiều ganh ghét này mà hiện bày cõi Phật sai khác nhau. Thí như chư thiên cùng ăn bát bằng vàng, nhưng người nào nhiều phước thì đưa tay lên là bát liền sạch.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Nếu người nào tâm ý thanh tịnh thì liền tự thấy cõi Phật của chư Phật thanh tịnh.

Ngay khi Phật thị hiện sự nghiêm tịnh của cõi Phật này, tám vạn bốn ngàn người phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Trưởng giả Bảo Sự và năm trăm đồng tử đều được Nhu-thuận pháp nhẫn.

Phật hiện thần túc, khi ấy ngay nơi quốc độ không ai là không vui mừng và đều đạt được ước nguyện.

Ba vạn hai ngàn hành giả đệ tử trời và người viễn ly trần cấu, sanh các pháp nhãn. Tám ngàn người này phiền não hết sạch, tâm ý giải thoát.

            

Phẩm thứ hai: THIỆN QUYỀN 

Bấy giờ trong thành lớn Tỳ-Xá-Ly có trưởng giả tên là Duy-Ma-Cật, ở nơi Phật đời trước đã từng lập hạnh tu gốc lành, được pháp nhẫn, được biện tài thần thông du hý, được sự không sợ, hàng phục ma oán, thâm nhập vi diệu, phát sanh trí tuệ Ba-la-mật, phương tiện thiện xảo, vào khắp các đường, khiến đạt được ước nguyện căn cơ của chúng sanh, gọi là thọ sanh đầy đủ, lập nên đạo lớn, việc làm tốt đẹp, đối với hạnh lành Phật Thánh đều đã tạo lập Bồ-đề tâm như biển đều đã nhập vào, chư Phật tán dương. Ðệ tử Phạm thiên, Ðế thích, vua chúa thế gian đều kính trọng, vì muốn hóa độ mọi người nên ngài sử dụng phương tiện khéo léo, cư trú trong thành Tỳ Xá Ly, có của cải vô lượng, cứu giúp người nghèo; thu phục những người thệ nguyện làm ác bằng phương tiện thiện xảo; thu phục những người giận dữ bằng nhẫn nhục thuần hóa; thu phục những người biếng nhác bằng hình thức bạch y tinh tiến; thu phục những người tâm mê hoặc bằng thiền định hiện tiền; thu phục những người tà vạy bằng trí tuệ quyết định.

Tuy làm bạch y mà lại kính giữ hạnh lành của Sa-môn, lấy việc cư ngụ tại gia làm hạnh mà không dính mắc; thị hiện có vợ con mà thường ưa tu phạm hạnh.

Tuy có gia đình mà thường như ở chỗ vắng vẻ, hiện tướng ăn mặc phục sức đẹp đẽ để trang nghiêm thân thể mà bên trong luôn như thiền định.

Nếu ở chỗ cờ bạc vui chơi là chỉ để hóa độ cho người.

Tiếp nhận dị đạo là để chỉ dạy Phật đạo. Nói rành sách vở thế tục mà không lìa Thánh điển; dùng pháp lạc làm niềm vui.

Ai thấy cũng kính trọng nhưng làm người cao nhất trong việc cúng dường.

Ðối với bậc kỳ cựu luôn vui vẻ.

Mọi sự mưu sinh ở đời đều hài hòa dung hợp. Tuy đạt được lợi lộc thế gian mà không lấy đó làm mừng.

Ðến các ngã tư phổ biến giữ gìn Phật pháp. Vào chỗ các chúng diễn thuyết trong cung vua thì đích thân đến xem, không ưa pháp tiểu thừa.

Ðối với những người hiếu học, đích thân đến khuyến khích, chỉ dẫn, mở mang cho tuổi trẻ.

Vào các ổ điếm để trừ tội ác dâm dục cho chúng. Vào các quán rượu để làm cho người lập chí.

Vào trong hàng trưởng giả thì làm cho trưởng giả chân chánh để thường khiến cho họ ưa thích chánh pháp.

Vào trong hàng cư sĩ thì làm cho cư sĩ chân chánh để cắt đứt tham trước cho họ.

Vào trong hàng quân tử thì làm quân tử chân chánh để dạy sự nhẫn nhục cho họ.

Vào trong hàng Phạm chí thì làm Phạm chí chơn chánh để chỉ dạy cho họ hạnh cao xa.

Vào trong hàng quần thần thì làm quần thần trung cang để dạy chánh pháp cho họ.

Vào trong hàng vương tử thì làm vương tử chân chánh để dạy sự trung hiếu, khoan hòa, nhân từ, giáo hóa để trừ những phong tục xấu.

Vào trong hàng người cao quý thì dùng nhã nhạc để dạy cho cung nữ đoan chánh.

Vào hàng thứ dân chú trọng thương yêu họ, làm cho họ hưng khởi phước lực.

Vào trong hàng Ðế thích thì làm Ðế thích chân chánh, làm người tự tại mà thị hiện vô thường.

Vào trong Phạm thiên thì làm Phạm thiên chân chánh, luôn hiện trí tuệ thù thắng của Phạm thiên.

Vào trong hàng Tứ thiên vương thì làm Tứ thiên vương chân chánh để khiến họ ủng hộ tất cả thiên hạ.

Trưởng giả Duy Ma Cật dùng phương tiện thiện quyền chẳng thể tình kể như thế, vào khắp mọi nơi.

Trưởng giả lại còn phương tiện thị hiện thân thể bị bệnh, vì trưởng giả bị bệnh nên quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, quần thần, thái tử và các chúng khác, vô số ngàn người đến thăm bệnh. Ai đến thăm bệnh, trưởng giả Duy Ma Cật cũng vì họ thuyết pháp rằng:

- Thân tứ đại này là pháp tử vong.

Các nhơn giả! Thân này là vô thường, là không khỏe mạnh, là không sức lực, là không vững chắc, là khổ, là già, là bệnh, là nhiều đau đớn, sợ hãi.

Các nhơn giả! Cái thân như vậy, người sáng suốt đừng tin cậy.

Thân này như bọt nước trôi nổi.

Thân này như bong bóng, không thể tồn tại lâu dài.

Thân này như sóng nắng (giả mã), khát ái nhọc nhằn.

Thân này như cây chuối, ruột không bền chắc.

Thân này như huyễn, chuyên thọ báo ứng.

Thân này như chiêm bao hiện ra sợ hãi.

Thân này như hình ảnh hiện ra từ sự chiếu sáng.

Thân này như tiếng vang, nhân duyên tan thì mất.

Thân này như mây nổi, không đứng yên.

Thân này như điện chớp, là pháp phân tán.

Thân này không có chủ thể, nên như đất.

Thân này chẳng phải là thân nên như lửa.

Thân này không có sinh mạng nên như gió.

Thân này chẳng phải là thân nên như nước.

Thân này không có thật, bốn đại làm nhà.

Thân này trống rỗng, không ngã, không tánh, không mạng, không nhơn.

Thân này không có ngã vì ngã chuyên lìa.

Thân này như bó củi, các dây gân ràng rịt mà đứng vững.

Thân này không chơn thật, chỉ do gió hợp lại.

Thân này là vô dụng, bất tịnh, thối nát.

Thân này hư dối, lại nhanh chóng hư nát, là pháp tan rã. Thân này là tai họa, đủ cả một trăm lẻ một thứ bệnh.

Sự già nua của thân này là oán tặc vì già quá khổ.

Thân này là đường cùng vì chắc chắn sẽ chết.

Này các nhơn giả! Thân này đáng chán, nên phát hạnh thanh tịnh không dâm dục. Chúng ta nên học như pháp thân Phật, là pháp thân sanh từ phước đức; pháp thân Phật là pháp thân sanh từ trí tuệ, sanh từ giới - định - tuệ - giải thoát - giải thoát tri kiến, sanh từ từ - bi - hỷ - xả, sanh từ bố thí, điều ý, tự tồn; sanh từ nhẫn nhục, nhân ái, nhu hòa; sanh từ nỗ lực tinh tấn, công đức; sanh từ thiền giải, định ý, chánh thọ; sanh từ trí độ vô cực; sanh từ phương tiện thiện xảo, trí mưu; sanh từ tất cả các độ vô cực; sanh từ ba mươi bảy phẩm trợ đạo; sanh từ thần thông; sanh từ chỉ và quán; sanh từ mười lực; sanh từ bốn vô sở úy; sanh từ mười tám pháp bất cộng; sanh từ việc đoạn trừ tất cả các điều ác; sanh từ việc tập hợp tất cả điều thiện; sanh từ sự thật; sanh từ sự thành thật, từ không thể kể xiết hạnh thanh tịnh, như vậy mà thành thân Như Lai.

Như vậy, này các nhơn giả! Muốn khỏi tất cả bệnh thì phải tự cố gắng, phải phát hạnh đại thừa.

Cứ như vậy, trưởng giả Duy Ma Cật đã nói pháp thích hợp cho những người đến thăm bệnh ông, làm cho vô số ngàn người cùng phát tâm Vô thượng Bồ-đề.

--- o0o ---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

chuyen ve con da dieu thay gi trong cat Má Ÿ hạnh phúc từ những điều bình dị một bông hồng trắng nước ân thứ su cuong thinh cua mot quoc gia theo duc phat 佛经讲 男女欲望 BÃo Lý giải bí mật chữa bệnh hóa Bí ẩn thiền sư bất tử me va tieng mua dem ß phat giao hay luon tinh thuc va canh giac Lục hòa đau ngoi chua cua mien tam thuc va tinh cam cua nguoi đâu ï¾ï¼ đò Chúng tin tuc phat giao Muốn giảm cân hãy ăn bơ chua dai chieu tay tang thanh văn thừa thi hóa qua điệp khúc 118 lý lanh 22 hoc phat Tóm tắt tiểu sử cố đại lão Hòa chua dai giac mưa nắng vô thường và năng lực của dieu kien den voi kinh phap hoa và bà Æn Ão a mọi ç giai thoai ve tam vi thien tang phat an dai su bao vat quoc gia o co do hoa lu kính cơn Người trong lòng tay Phật Những thực phẩm có lợi cho sức de tu phat Ä Ã³n cựu