KINH TRƯỜNG A HÀM -SỐ 1

 

Hán Dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm

( )

Việt dịch & hiệu-chú: Tuệ Sỹ

--- o0o ---

 

30. KINH THẾ KÝ 

Phẩm 10: CHIẾN ĐẤU 

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vào thuở xưa, khi chư Thiên cùng A-tu-luân chiến đấu. Bấy giờ Thích đề-hoàn Nhân [1] lệnh gọi chư thiên Đao-lợi đến bảo rằng: ‘Nay các ngươi đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la [2], trói với năm chỗ trói[3], rồi mang đến giảng đường Thiện pháp[4]. Ta muốn nhìn thấy.’ Rồi, chư thiên Đao-lợi sau khi vâng lệnh Đế Thích, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Lúc bấy giờ, A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la ra lệnh các A-tu-luân rằng: ‘Nay các ngươi hãy đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt Thích đề-hoàn Nhân , trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường Thất diệp [5]. Ta muốn nhìn thấy.’Rồi, các A-tu-luân sau khi vâng lệnh của A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Bấy giờ, chư Thiên cùng chúng A-tu-luân chiến đấu với nhau. Chư Thiên đắc thắng, và A-tu-luân bại trận. Chư thiên Đao-lợi bắt vua A-tu-luân trói lại với năm chỗ trói, mang về chỗ Thiện pháp đường, cho Thiên Đế Thích nhìn thấy. Khi ấy vua A-tu-luân thấy sự khoái lạc ở trên Trời, sanh lòng quyến luyến vui thích, liềân tự nghĩ: ‘Nơi này thù thắng, khả dĩ ở được; trở lại cung điện A-tu-luân làm gì?’ Khi khởi lên ý nghĩ này, thì năm nơi đang bị trói trên thân lập tức được mở ra, và năm thứ dục lạc ở trên Trời hiện ra trước mắt. Nhưng nếu A-tu-luân nghĩ đến việc trở lại cung điện trước kia, thì năm nơi trên thân liền bị trói chặt trở lại, và năm thứ dục lạc tự biến mất. Khi ấy những nơi bị trói buộc trên thân của A-tu-luân trở nên bền chắc hơn. Sự trói buộc của Ma còn hơn thế nữa. Chấp ta và người, là sự trói buộc của Ma. Không chấp ta và người thì sự trói buộc của Ma được cởi mở. Chấp thủ ngã [6] là bị trói, chấp thủ ái là bị trói, ‘tự ngã sẽ tồn tại’ là bị trói, ‘tự ngã sẽ không tồn tại’ là bị trói; ‘tự ngã có sắc[7] ’ là bị trói, ‘tự ngã không sắc’ là bị trói, ‘tự ngã vừa có sắc vừa không có sắc’ là bị trói, ‘tự ngã có tưởng’ là bị trói, ‘tự ngã không có tưởng’ là bị trói, ‘tự ngã vừa có tưởng vừa không có tưởng’ là bị trói; tự ngã là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn. Cho nên, đệ tử Hiền Thánh biết rằng tự ngã là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn, nên xả bỏ ý tưởng về tự ngã mà tu vô ngã hành [8]. Hãy quán sát tự ngã kia là một gánh nặng, là buông lung, là hữu[9]; ‘sẽ tồn tại tự ngã’ là hữu vi, ‘sẽ không tồn tại tự ngã’ là hữu vi; ‘tự ngã có sắc’ là hữu vi, ‘tự ngã không có sắc’ là hữu vi, ‘tự ngã vừa có sắc vừa không có sắc’ là hữu vi; ‘tự ngã có tưởng’ là hữu vi, ‘tự ngã không có tưởng’ là hữu vi, ‘tự ngã vừa có tưởng vừa không có tưởng’ là hữu vi; hữu vi là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn. Cho nên, đệ tử Hiền Thánh biết rằng hữu vi là tai hoạn lớn, là ung nhọt là gai nhọn, nên xả bỏ hữu vi mà thực hành vô vi hành.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vào thuở xưa, khi Chư thiên cùng A-tu-luân chiến đấu. Bấy giờ Thích đề-hoàn Nhân lệnh gọi chư thiên Đao-lợi đến bảo rằng: ‘Nay các ngươi đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường thiện pháp. Ta muốn nhìn thấy.’ Rồi, chư thiên Đao-lợi sau khi vâng lệnh Đế Thích, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Lúc bấy giờ, A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la ra lệnh các A-tu-luân rằng: ‘Nay các ngươi hãy đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt Thích đề-hoàn Nhân, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường Thất diệp [10]. Ta muốn nhìn thấy.’Rồi, các A-tu-luân sau khi vâng lệnh của A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Rồi thì, chư Thiên cùng chúng A-tu-luân chiến đấu với nhau. Chư Thiên đắc thắng, và A-tu-luân bại trận. Chư thiên Đao-lợi bắt vua A-tu-luân trói chặt với năm chỗ trói, mang về chỗ Thiện pháp đường, cho Thiên đế Thích nhìn thấy. Lúc ấy, Thiên đế Thích thong thả dạo trên Thiện pháp đường. Vua A-tu-luân từ xa trông thấy Đế Thích, tuy đang bị trói chặt với năm chỗ trói, mở miệng mắng chửi.   

“Lúc đó, người hầu của Thiên đế, ở trước mặt Thiên đế liền nói kệ rằng:

Việc gì Thiên đế sợ,

Tự lộ yếu kém mình?

Bị mắng thẳng vào mặt,

Sao lặng nghe lời ác?”

“Bấy giờ, Thiên đế Thích đáp lại người hầu bằng bài kệ rằng:

Nó cũng không sức mạnh,

Ta cũng không sợ hãi.

Việc gì, người đại trí,

Hơn thua với kẻ ngu?

“Lúc bấy giờ, người hầu lại làm bài tụng tâu Đế Thích rằng:

Nay không bẻ đứa ngu,

E sau càng khó nhịn.

Hãy đánh nó bằng gậy,

Khiến kẻ ngu hối lỗi.

“Bấy giờ, Thiên đế Thích lại làm bài tụng trả lời người hầu rằng:

Ta thường bảo, người trí

Không tranh cùng kẻ ngu;

Nếu ngu mắng, trí im,

Thì thắng kẻ ngu này.

“Khi ấy, người hầu lại làm bài tụng tâu Đế Thích rằng:

Thiên vương sở dĩ im,

Vì e giảm đức trí;

Nhưng kẻ ngu độn kia,

Cho vua lòng sợ hãi.

Kẻ ngu không tự lượng,

Cho có thể địch vua;

Liều chết đến xúc phạm,

Muốn vua lui như trâu.

“Bấy giờ, Thiên đế Thích lại làm bài tụng trả lời người hầu rằng:

Người ngu không tri kiến,

Bảo ta lòng sợ hãi.

Ta quán đệ nhất nghĩa:

Nhẫn nhục là tối thượng.

Điều xấu trong các xấu:

Trong sân lại nổi sân;

Ở trong sân không sân,

Là chiến đấu tối thượng.

Con người có hai duyên,

Vì mình cũng vì người;

Mọi người có tranh tụng,

Ai không tranh là thắng.

Con người có hai duyên,

Vì mình cũng vì người;

Thấy người không tranh tụng,

Lại cho là ngu đần.

Nếu người có sức lớn,

Nhịn được người không sức;

Sức này là đệ nhất,

Là tối thượng trong nhẫn.

Ngu tự cho mình mạnh,

Sức này chẳng là sức;

Người mạnh nhẫn như pháp,

Sức này không ngăn được.

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc bấy giờ, Thiên đế Thích há là người nào khác sao? Không nên có ý nghĩ như vậy. Lúc ấy, Thiên đế Thích chính là bản thân Ta vậy. Vào lúc bấy giờ, Ta tu tập nhẫn nhục, không hành động nóng vội, thường thường khen ngợi người hay nhẫn nhục. Nếu có người trí nào muốn hoằng dương đạo của Ta, thì phải tu tập nhẫn nhục im lặng, chớ ôm lòng phẫn hận đấu tranh.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, chư thiên Đao-lợi cùng A-tu-luân đánh nhau. Bấy giờ Thích đề-hoàn Nhân nói với A-tu-luân Chất-đa rằng: ‘Tại sao các khanh lại ôm lòng sân hại, trang bị binh khí, đánh nhau để làm gì? Nay sẽ cùng ngươi giảng luận đạo lý, để biết rõ thắng thua.’ Lúc ấy, Chất-đa A-tu-luân kia nói với Đế Thích rằng: ‘Giả sử, nếu vất bỏ binh khí, chỉ bàn luận tranh tụng về nghĩa lý thôi, vậy thì ai biết thắng bại?’ Đế Thích dạy rằng: ‘Chỉ cần bàn luận thôi, hiện tại trong chúng của ngươi, và trong chúng chư Thiên của Ta, tự có người có trí tuệ biết rằng ai thắng, ai bại.’ Lúc ấy, A-tu-luân nói với Đế Thích rằng: ‘Nhà ngươi nói kệ trước đi.’ Đế Thích trả lời: ‘Nhà ngươi là Cựu thiên[11], nhà ngươi nên nói trước đi.’ Bấy giờ, Chất-đa A-tu-luân liền vì Đế Thích mà làm kệ:

Nay không bẻ đứa ngu,

E sau càng khó nhịn.

Hãy đánh nó bằng gậy,

Khiến kẻ ngu hối lỗi.

“Sau khi A-tu-luân nói bài kệ này xong, thì chúng A-tu-luân phấn khởi vui mừng, cao tiếng khen hay. Chỉ có chúng chư Thiên là im lặng không nói. Rồi vua của A-tu-luân nói với Đế Thích  rằng: ‘Đến lượt ngươi nói kệ.’ Bấy giờ, Đế Thích liền nói kệ cho A-tu-luân nghe:

Ta thường bảo, người trí

Không tranh cùng kẻ ngu;

Nếu ngu mắng, trí im,

Thì thắng kẻ ngu này.

“Sau khi Thiên đế Thích nói bài kệ này xong, thì chư thiên Đao-lợi đều rất đỗi vui mừng, cất tiếng khen hay. Lúc này chúng A-tu-luân im lặng không nói. Bấy giờ, Thiên Đế Thích nói với A-tu-luân rằng: ‘Đến lượt nhà ngươi nói kệ.’ Lúc này, A-tu-luân lại nói kệ:

Thiên vương sở dĩ im,

Vì e giảm đức trí;

Nhưng kẻ ngu độn kia,

Cho vua lòng sợ hãi.

Kẻ ngu không tự lượng,

Cho có thể địch vua;

Liều chết đến xúc phạm,

Muốn vua lui như trâu.

“Sau khi A-tu-luân nói bài kệ này xong, thì chúng A-tu-luân nhảy nhót vui mừng, lớn tiếng khen hay. Lúc này chúng Đao-lợi thiên im lặng không nói. Bấy giờ, A-tu-luân vương nói với Đế Thích rằng: ‘Đến lượt nhà ngươi nói kệ.’ Thiên đế Thích bèn nói kệ cho A-tu-luân nghe rằng:

Người ngu không tri kiến,

Bảo Ta lòng sợ hãi.

Ta quán đệ nhất nghĩa:

Nhẫn nhục là tối thượng.

Điều xấu trong các xấu:

Trong sân lại nổi sân;

Ở trong sân không sân,

Là chiến đấu tối thượng.

Con người có hai duyên,

Vì mình cũng vì người;

Mọi người có tranh tụng,

Ai không tranh là thắng.

Con người có hai duyên,

Vì mình cũng vì người;

Thấy người không tranh tụng,

Lại cho là ngu đần.

Nếu người có sức lớn,

Nhịn được người không sức;

Sức này là đệ nhất,

Là tối thượng trong nhẫn.

Ngu tự cho mình mạnh,

Sức này chẳng là sức;

Người mạnh nhẫn như pháp,

Sức này không ngăn được.

“Sau khi Thích đề-hoàn Nhân nói bài kệ này xong, thì chúng Đao-lợi thiên nhảy nhót vui mừng, cất tiếng khen hay; chúng A-tu-luân thì im lặng không nói. Lúc này, chúng Trời, và chúng A-tu-luân, tạm thời tự rút lui, cùng bảo nhau rằng: ‘Những bài kệ tụng của A-tu-luân nói ra có điều xúc phạm, dấy lên sự đáp trả bằng đao kiếm, làm nảy sinh ra gốc rễ của đấu tranh và kiện tụng, nuôi lớn các oán kết, dựng lập gốc cây tam hữu. Còn những bài kệ tụng của Thiên đế Thích nói ra không gây xúc nhiễu, không đưa đến đao kiếm, không sinh ra tranh đấu kiện tụng, không nuôi lớn oán kết, tuyệt gốc tam hữu. Những lời nói của Thiên Đế Thích là tốt lành; Chư thiên đã thắng, A-tu-luân đã bại.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc bấy giờ, Thiên đế Thích là người nào khác sao? Chớ có quan niệm này! Vì sao? Vì đó chính là bản thân Ta. Vào lúc bấy giờ, Ta dùng những lời nhu hòa mà thắng chúng A-tu-luân.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, khi Chư thiên lại đánh nhau với A-tu-luân lần nữa. Bấy giờ A-tu-luân thắng, Chư thiên bại. Lúc ấy, Thích đề-hoàn Nhân sợ hãi cỡi xe báu nghìn căm bỏ chạy; giữa đường thấy trên cây thiểm-bà-la có một tổ chim, trong tổ có hai con chim con, liền dùng kệ tụng bảo người điều khiển xe rằng:

Cây này có hai chim,

Người nên lui xe tránh,

Chẳng thà giặc hại ta,

Chớ thương tổn hai chim.

“Sau khi người điều khiển xe nghe Đế Thích nói kệ, liền dừng xe và quay xe tránh chim trên cây. Khi ấy, đầu xe quay về phía A-tu-luân. Chúng A-tu-luân từ xa nhìn thấy xe báu quay đầu lại, quân của chúng bảo nhau: ‘Giờ Thiên Đế Thích cỡi xe báu nghìn căm quay đầu nhắm về phía chúng ta, có lẽ muốn giao đấu trở lại. Chúng ta không thể đượng cự được!’ Chúng A-tu-luân liền thối lui và tan rã, nhân đây mà chư Thiên chiến thắng, và A-tu-luân bại tẩu.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc bấy giờ, Đế Thích há là người nào khác sao? Chớ có quan niệm như vậy! Vì sao? Vì chính đó là bản thân Ta. Vào lúc bấy giờ, Ta đối với chúng sanh phát khởi lòng thương xót. Này các Tỳ-kheo, các Thầy ở trong pháp của Ta xuất gia tu đạo, thì nên phát khởi lòng từ bi, thương xót chúng sanh.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, khi chư Thiên cùng A-tu-luân đánh nhau. Bấy giờ chư Thiên đắc thắng, và A-tu-luân bại trận. Sau khi chiến thắng, Thiên đế Thích trở về cung, xây dựng một ngôi nhà đặt tên là Tối thắng[12], Đông Tây dài một trăm do-tuần, Nam Bắc rộng sáu mươi do-tuần. Ngôi nhà này gồm trăm gian, trong mỗi gian có bảy đài giao lộ[13]. Trên mỗi đài có bảy ngọc nữ; mỗi ngọc nữ có bảy người để sai. Thích đề-hoàn Nhân cũng không lo cung cấp các thứ trang điểm, áo chăn, đồ ăn thức uống; mà tất cả tùy theo hành vi đã tạo từ trước, mỗi người tự thọ lãnh phước báo ấy. Do chiến thắng A-tu-luân, nên nhân đây lòng sinh vui mừng mà xây dựng ngôi nhà này, cho nên gọi là Tối thắng đường. Lại nữa, những ngôi nhà có được trong nghìn thế giới xem ra không có ngôi nhà nào bằng ngôi nhà này, cho nên gọi là Tối thắng.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, A-tu-luân tự nghĩ rằng: ‘Ta có oai đức lớn, thần lực không phải ít, nhưng Đao-lợi-thiên, mặt trời, mặt trăng, chư thiên thường ở nơi hư không, du hành tự tại trên đỉnh đầu ta. Nay ta hãy lấy mặt trời, mặt trăng này làm ngọc đeo tai, thử chúng có còn du hành tự tại được không?’

“Rồi, vua A-tu-luân nổi lòng sân hận cực độ, liền nghĩ đến A-tu-luân Chùy Đỏa [14]; A-tu-luân Chùy Đỏa lại nghĩ rằng: ‘Hiện nay, vua A-tu-luân đã nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A tu luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến A-tu-luân Xá-ma-lê [15]. A-tu-luân Xá-ma-lê lại tự nghĩ rằng: ‘Hiện nay, vua đã nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước chỗ vua A tu luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến Tỳ-ma-chất-đa A tu luân[16]. Tỳ-ma-chất-đa A-tu-luân lại tự nghĩ rằng: ‘Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước chỗ vua A tu luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến Đại thần A tu luân; Đại thần A-tu-luân lại tự nghĩ rằng: ‘Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta. Chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A tu luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến các Tiểu A tu luân. Các Tiểu A-tu-luân lại tự nghĩ rằng: ‘Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta. Chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-luân theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A tu luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua A-tu-luân là La-ha[17] liền tự mình trang bị, mình mặc áo giáp đồng báu, đóng ngựa vào các cỗ xe báu, cùng với vô số trăm nghìn chúng A-tu-luân và binh khí trang bị, vây quanh trước sau, ra khỏi chỗ ở của chúng, muốn đến đánh nhau cùng chư Thiên.

“Bấy giờ, Nan-đa long vương [18], và Bạt-nan đà long vương [19] dùng thân mình quấn quanh núi Tu-di bảy vòng làm chấn động cả sơn cốc, trải một lớp mỏng mây mờ, lơ thơ từng giọt mưa rơi, và dùng đuôi đập vào nước biển làm cho nước biển dậy sóng, dâng đến đỉnh núi Tu-di. Lúc bấy giờ, Đao-lợi thiên liền tự nghĩ: ‘Nay, mây mờ giăng mỏng, lơ thơ từng giọt mưa rơi, nước biển dậy sóng, lên đến tận nơi này, chắc thế nào A-tu-luân cũng muốn đến đây gây chiến, nên có những điềm lạ này chăng!’

“Lúc này, nhiều vô số ức vạn binh chúng các loài rồng trong biển, đều cầm dáo mác, cung tên, đao kiếm, áo giáp đồng dày, và trang bị binh khí tề chỉnh, đối đầu cùng quân binh A-tu-luân chiến đấu. Khi binh chúng các loài rồng mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu các loài rồng mà bị bại, thì các loài rồng không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến chỗ quỷ thần Già-lâu-la[20] báo cáo rằng: ‘Chúng A-tu-luân muốn đánh nhau với Chư thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang đắc thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để chiến đấu cùng với chúngï.’ Sau khi các quỷ thần nghe xong, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, cùng các loài rồng hợp tác chiến đấu chống lại A tu luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, thì không trở lại cung điện, mà sẽ chạy lui đến chỗ quỷ thần Trì Hoa [21] báo cáo rằng: ‘Chúng A-tu-luân muốn chiến đấu cùng Chư thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúng.’

“Sau khi các quỷ thần Trì Hoa nghe các loài rồng nói rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A tu luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, thì không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến chỗ quỷ thần Thường Lạc [22] báo cáo rằng: ‘Chúng A-tu-luân muốn đánh nhau cùng Chư thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúng.’

“Sau khi các quỷ thần Thường Lạc nghe nói rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A tu luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, thì không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến Tứ thiên vương báo cáo rằng: ‘Chúng A-tu-luân muốn chiến đấu cùng Chư thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngài nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúngï.’

“Sau khi Tứ thiên vương nghe những lời này rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A tu luân. Nếu mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-luân vào trong cung điện của chúng. Nếu không thì Tứ thiên vương sẽ đến giảng đường Thiện pháp, tâu Thiên Đế Thích và Chư thiên Đao-lợi rằng: ‘Chúng A-tu-luân muốn chiến đấu cùng Chư thiên. Nay Chư thiên Đao-lợi hãy tự trang bị, chuẩn bị binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đi đánh nhau với chúng.’

“Bấy giờ, Thiên đe Thích ra lệnh cho người hầu rằng: ‘Ngươi đem lời nói của ta đến báo lại cho Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên rằng: ‘A-tu-luân cùng vô số chúng muốn đến chiến đấu. Nay Chư thiên nên tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí để hổ trợ ta chiến đấu.’

“Bấy giờ, người hầu này vâng lệnh của Đế Thích, liền đến Diệm-ma thiên,… cho đến Tha hóa tự tại thiên, đem những lời của Đế Thích mà báo cáo rằng: ‘A-tu-luân cùng vô số chúng muốn đến chiến đấu. Nay Chư thiên nên tự trang bị, chuẩn bị binh khí để hổ trợ ta chiến đấu.’

“Sau khi Diệm-ma thiên nghe những lời này rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số trăm nghìn thiên chúng trước sau vây quanh, đóng binh tại phía đông của núi Tu-di. Sau khi thiên tử Đâu-suất nghe những lời này rồi, cũng liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số trăm nghìn thiên chúng, đóng binh tại phía nam của núi Tu-di. Sau khi thiên tử Hóa tự tại thiên nghe những lời này rồi, cũng trang bị binh chúng, đóng binh tại phía Tây của núi Tu-di. Sau khi thiên tử Tha hóa tự tại thiên nghe những lời này rồi, cũng trang bị binh chúng, đóng binh tại phía bắc của núi Tu-di.

“Khi Thiên đế Thích nghĩ đến ba mươi ba vị thiên thần của Đao-lợi thiên, thì ba mươi ba vị thiên thần của Đao-lợi thiên tự nghĩ rằng: ‘Hiện tại Thiên đế Thích đang nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, cỡi cỗ xe báu, cùng vô số chúng Chư thiên trước sau vây quanh, đến trước Thiên đế Thích, đứng một bên.

“Khi Thiên đế Thích nghĩ đến các thiên thần khác của Đao-lợi, thì các thiên thần khác của Đao-lợi liền tự nghĩ rằng: ‘Hiện tại Đế Thích đang nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số chúng Chư thiên trước sau vây quanh, đến trước Đế Thích, đứng một bên.

“Khi Thiên đế Thích nghĩ đến quỷ thần Diệu Tượng [23], thì quỷ thần Diệu Tượng liền tự nghĩ rằng: ‘Hiện tại Đế Thích đã nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số thiên chúng trước sau vây quanh, đến đứng trước Đế Thích .

“Khi Đế Thích nghĩ đến Long vương Thiện Trụ[24], thì Long vương Thiện Trụ tự nghĩ rằng: ‘Nay Thiên đế Thích nghĩ đến ta, nay ta nên đến.’ A-tu-luân liền đi đến đứng trước Đế Thích.

“Lúc này, Đế Thích liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, mình mặc áo giáp đồng báu, cỡi trên đỉnh đầu Long vương Thiện Trụ, cùng vô số Chư thiên quỷ thần trước sau vây quanh, tự ra khỏi thiên cung, đánh nhau với A-tu-luân. Đồ vật trang bị như các thứ binh khí, đao kiếm, dáo, mác, cung tên, rìu, đục, búa lớn, búa nhỏ, bánh xe quay, dây tơ cột, binh khí, áo giáp đồng, tất cả đều dùng bảy báu để tạo thành. Lại dùng mũi nhọn đâm thêm vào người A-tu-luân, nhưng thân ông ta vẫn không bị thương tổn, chỉ chạm vào bên ngoài khi đâm mà thôi. Chúng A-tu-luân tay cũng cầm đao kiếm bảy báu, dáo mác, cung tên, rìu đục, búa lớn, búa nhỏ, bánh xe quay, dây cột bằng tơ, và dùng mũi nhọn đâm thêm vào thân Chư thiên, nhưng cũng chỉ chạm đến bên ngoài mà thôi, không gây bất cứ thương tổn nào.

“Như vậy, dục khiến chư Thiên cùng A-tu-luân đánh nhau; do bởi nhân là dục như vậy.”


 

[1].    Thích đề-hoàn Nhân   , Pāli: Sakka devānaṃ Inda , Sakka, chúa tể của các Thiên thần.

[2].    Tỳ-ma-chất-đa-la   ; Pāli: Vepacitta, một trong các thủ lãnh của A-tu-la.

[3].    Ngũ phược  : cột cổ, trói hai tay và hai chân.

[4].    Thiện pháp giảng đường  , Pāli: sudhamma-sālā .

[5].    Thất diệp giảng đường   , Pāli: Sattapatta-sālā , hai Cittapāṭali ?

[6].    Các bản TNM: thọ ngã ; bản Cao-ly: ái ngã .

[7].    Bản Hán chỉ nói: hữu sắc vi phược ; theo nội dung, đây thêm ‘tự ngã’ cho rõ. Các mệnh đề tiếp theo cũng thế.

[8].    Vô ngã hành , Pāli: anatta-saṃkhāra .

[9].    Hữu (Pāli: bhava), 1 chi trong 12 chi duyên khởi.

[10].   Thất diệp giảng đường   , Pāli: Sattapatta-sālā , hai Cittapāṭali ?

[11].   Cựu thiên , một danh hiệu khác chỉ A-tu-la, vì nguyên trước là chư thiên Đao-lợi; Pāli: Pubbadevā.

[12].   Tối thắng , Pāli: Vejayanta-pāsāda .

[13].   Giao lộ đài  ; Pāli ?

[14].   Chùy Đỏa A-tu-luân   , Pāli: ?

[15].   Xá-ma-lê A-tu-luân   , Pāli: Sambara ?

[16].   Tỳ-ma-chất-đa a-tu-luân   , Pāli: Vepacitti.

[17].   La-ha A-tu-luân vương ; Pāli: Rāhu.

[18].   Nan-đà long vương , 1 trong 8 đại Long vương, anh em với Bạt-nan-đà long vương. Skt. Nanda-nāgarāøjan .

[19].   Bạt-nan-đà long vương , một trong 8 đại Long vương, anh em với Na-đà long vương . Skt. Upananda.

[20].   Già-lâu-la ; Skt. Karoṭapāṇi. Xem cht. 24, phẩm 1 châu Diêm-phù-đề.

[21].   Trì Hoa  , trên kia dịch là Trì Man  ; Skt. Mālādhara. Xem cht. 25, phẩm 1 châu Diêm-phù-đề.

[22].   Thường Lạc  , trên kia dịch là Hỷ Lạc   ; Skt. Sadāmatta. Xem cht. 26, phẩm châu Diêm phù đề.

[23].   Diệu Tượng  .

[24].   Thiện Trụ long vương   .

 

 

--- o0o ---

 

Mục Lục Kinh Thế Ký (30)

Phẩm1 | Phẩm 2 | Phẩm 3 | Phẩm 4 | Phẩm 5 | Phẩm 6

Phẩm 7 | Phẩm 8 |Phẩm 9 | Phẩm 10 | Phẩm 11 | Phẩm 12

 

--- o0o ---

Mục Lục

 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20

21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30

--- o0o ---

 

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7-2003

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

テス Ngừng テス canh noi Vì sao càng có tuổi cân nặng lại sốt sử người trẻ bị ngất coi chừng đột tuy hy TrÃƒÆ Người xưa tuổi cũ suy nghiệm về cái chết moi han cua khong tu chua thanh ha vuon sau roi le Nghĩa Ân sư niết tu hồi hướng theo kinh hoa nghiêm rãƒæ làm sao để xây dựng hạnh phúc gia Nuôi con bằng sữa mẹ vừa tốt vừa dạo ma và ngạ quỷ Chùa Linh Sơn háºnh Giao tiếp với người độc đoán ở ti Gạo lứt muối mè Ăn sao cho khoẻ nhập hiếu mỗi phan 3 ma đầu tiên trong dòng truyền thừa đại Sen Đừng làm vong nhân chờ xá tội y nghia ve viec doi bat vang lay chan kinh trong Æ tin tuc phat giao tan tác nỗi đau Con cá cô đơn báo xấu van lムChữa bệnh ngủ ngáy duc phat noi ve tiem nang cua con nguoi văn Ni giới Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX Lợi ích của Thiền Vipassana cho bản thân Phố Chùa làng tôi Thiền đầu Cụ bà 114 tuổi nuoc