Trích Tụng
Pháp Cú Nam Tông

Hòa thượng Thích Trí Quang

--- o0o ---

 

 

Mục Lục

 

Phần I

Chú nguyện

1. Song song
2. Tự chế
3. Tâm ý
4. Hoa hương
5. Kẻ ngu
6. Người trí
7. La hán
8. Số ngàn
9. Ðiều ác
10. Dao gậy

Phần II

11. Già yếu
12. Tự mình
13. Cuộc đời
14. Ðức Phật
15. Yên vui
16. Yêu thích
17. Giận dữ
18. Dơ bẩn

Phần III

19. Sống Pháp
20. Ðường đi
21. Tạp lục
22. Ðịa ngục
23. Con voi
24. Ái dục
25. Tỳ kheo
26. Tịnh hạnh

San sẻ

 

Lời dặn khi in riêng

Ðây là tiểu phẩm viết lại phần năm "Trích Pháp Cú Nam Tông" của cuốn Ðọc Pháp Cú Nam Tông. Viết lại bằng mỗi câu bốn chữ cho dễ tụng hơn. Tụng thì mỗi lần tụng trọn tiểu phẩm hay mỗi lần chỉ tụng một vài đoạn tùy thích. Dầu tụng cách nào cũng đừng bỏ đoạn đầu (Chú nguyện) và đoạn cuối (San sẻ).

Trí Quang
PL 2544 - TL 2000

Ghi chú: Đây chỉ là phần "Trích Pháp Cú", do Hòa thượng Thích Trí Quang trích ra 236 câu kệ cho công phu trì tụng. Xin tìm đọc bộ "Đọc Pháp Cú Nam Tông" -  2 quyển - có phần dịch văn xuôi toàn bộ Pháp Cú 423 câu kệ, cùng với các chú giải và điển tích (nxb Tôn Giáo, Việt Nam, 2001).
-- Bình Anson, tháng 07-2001.

 

Chú Nguyện

Chúng con kính lạy
đức Phật Bổn sư
Thích Ca thế tôn
Ðệ tử chúng con
pháp danh ... ...
tên ... .... ....

Thành kính tụng niệm
Pháp cú Nam Tông.
nguyện cầu Pháp Phật
thường trú thế gian.
nguyện cầu sinh linh
yên vui đích thực,
nguyện cầu chúng con
cùng người thân thuộc
được vui của Pháp
được sống thanh bình.

 

Phần I

-ooOoo-

1- Song song

Pc. 1
Ðối với các pháp
tâm ý dẫn đầu.
làm chủ, tác động.
do vậy nếy ai
đem ý nghĩ ác
mà miệng nói ác
mà làm thân ác,
thì sự đau khổ
đi theo người ấy
như xe lăn theo
con thú kéo xe.

Pc. 2
Ðối với các pháp,
tâm ý dẫn đầu
làm chủ, tác động.
do vậy nếu ai
đem ý nghĩ lành
mà miệng nói lành
mà làm thân lành,
thì sự yên vui
đi theo người ấy
như bóng thế nào
do hình thế ấy.

Pc. 3
"Nó nhục mạ ta,
hành hung, đánh bại.
và tước đoạt ta",
lòng ai ôm giữ
niềm oán hận ấy
thì sự hận thù
không thể nguôi ngoai.

Pc. 4
"Nó nhục mạ ta,
hành hung, đánh bại.
và tước đoạt ta",
ai không ôm giữ
niềm oán hận ấy
thì sự hận thù
tự nhiên lắng xuống.

Pc. 5
Ðem sự hận thù
làm hết hận thù
thì thế giới này
từ xưa đến nay
không thể có được.
Nhưng không hận thù
để hết hận thù,
thì là định luật
của các hiền thánh
ngàn xưa đến nay.

Pc. 6
Các người không biết
đời sống của mình
đang bị thu ngắn
ở trong sự việc
tranh cãi vô ích.
Nếu biết như vậy
các người hết còn
sự tranh cãi ấy.

Pc. 11
Những gì không thật
cho là chân thật
những gì chân thật
cho không chân thật
tư duy hành động
sai lầm như vậy,
nên họ không thể
đạt được chân thật.

Pc. 12
Những gì chân thật
cho là chân thật
những gì không thật
cho là không thật
tư duy hành động
chính xác như vậy
nên những người này
đạt được chân thật.

Pc. 13
Mái nhà lợp vụng
thì mưa lọt vào,
tâm mà không tu
ái dục lọt vào.

Pc. 15
Ðời này lo rầu,
đời sau lo rầu,
những kẻ làm ác
thì đời kiếp nào
cũng phải lo rầu.
Những kẻ làm ác
mà phải lo rầu
là vì ý thức
cái xấu điều ác
mình đã làm ra.

Pc. 16
Ðời này vui mừng,
đời sau vui mừng,
những người làm lành
thì đời kiếp nào
cũng được vui mừng.
Những người làm lành
mà được vui mừng
là vì ý thức
cái tốt điều lành
mình đã làm ra.  

2. Tự chế

Pc. 21
Tự chế: đường sống,
buông thả: đường chết.
Tự chế thì sống
cái sống bất tử.
Buông thả thì sống
như cái thây chết.

Pc. 25
Nỗ lực tự chế
khắc kỷ, thuần hóa,
bằng những sự ấy,
người trí tự làm
một cái cồn đảo,
khỏi bị nhận chìm
bởi thác lũ lớn.

Pc. 27
Ðừng sống buông thả
đừng say dục lạc.
Hãy lo tự chế
và tu chỉ quán,
thì thể hiện được
cái vui cao siêu .

Pc. 29
Tự biết chế ngự
ở giữa bao kẻ
chỉ sống buông thả;
tự lo thức tỉnh
ở giữa bao kẻ
chỉ sống say mê.
Người trí như vậy
như con tuấn mã
phi lên phía trước,
bỏ lại đằng sau
những con ngựa hèn.

Pc. 31
Thích thú tự chế
e sợ buông thả.
Tỷ kheo như vậy
tiến bộ như lửa
đốt hết ràng buộc
nhỏ cũng như lớn.  

3. Tâm ý

Pc. 33
Tâm thì thác loạn.
khó mà phòng vệ.
Nên người có trí
thì lo thuần hóa
tâm mình cho thẳng,
như thợ làm tên
uốn tên cho ngay.

Pc. 34
Con cá bị vớt
ném lên trên bờ,
thì vùng thật mạnh
để thoát cho mau.
Tâm cũng vùng lên
mà thoát cho mau,
cho khỏi lãnh vực
ma vương tình dục.

Pc. 35
Tâm quay cuồng theo
các dạng tình dục,
khó mà nắm bắt.
Thế nên, lành thay,
bậc thuần hóa tâm!
Tâm mà thuần hoá
mới thể hiện Vui.

Pc. 39
Tâm không tham dục
cũng không sân hận,
vượt lên trên hết
thiện ác bình thường.
Bậc thức tỉnh này
rũ sạch e sợ.

Pc. 42
Kẻ thù tìm cách
làm hại kẻ thù,
oan gia cố sức
làm hại oan gia,
cũng không hại bằng
chính cái tâm ta
hướng theo tà hành
làm hại cho ta.

Pc. 43
Ðiều mà cha mẹ
bà con đi nữa
cũng không thể nào
đem lại cho ta,
thì chính tâm ta
hướng theo chánh hành
mà làm cho ta
có được hơn lên.

4. Hoa hương

Pc. 46
Ý thức thân này
in như bọt nước,
thấu triệt thân này
như thể ảo ảnh.
Như thế tức là
bẻ gãy mũi tên
trông đẹp như hoa
của ma tình dục,
và cũng thoát khỏi
tầm mắt tử thần.

Pc. 47
Hái nhặt cho được
bông hoa dục lạc
và rồi đắm say
loại bông hoa ấy,
thì người như vậy
tử thần lôi đi,
y như bão lũ
cuốn phăng cả vùng
đang say giấc ngủ.

Pc. 48
Hái nhặt cho được
bông hoa dục lạc
và rồi đắm say
loại bông hoa ấy,
thì người như vậy
dục lạc chưa thỏa,
đã bị tử thần
đánh cho gục ngã.

Pc. 50
Không tìm lỗi người,
không xét người làm
hay không làm gì.
Mà hãy tự nhìn
việc làm của mình,
coi có làm gì
hay không làm gì.

Pc. 53
Từ một đống hoa
mà nhiều tràng hoa
được làm thành ra,
thân thể con người
cũng là như vậy,
từ nó mà làm
nhiều điều tốt đẹp.

Pc. 54
Hương các hoa thơm
không thể bay được
ngược với chiều gió.
Chỉ có hương thơm
của hoa đức hạnh
bay được ngược gió.
Thế nên hương thơm
của người đức hạnh
mới lan toả ra
khắp cả mọi nơi.

Pc. 58
Từ nơi cái chỗ
bùn lầy dơ bẩn
mọc lên hoa sen
thơm tho tinh khiết
làm đẹp ý người.

Pc. 59
Cũng y như vậy,
chính trong những người
phàm tục mê muội
mà có các vị
đệ tử Như Lai
phát sinh tuệ giác
chiếu sáng tất cả.

5. Kẻ ngu

Pc. 60
Mất ngủ thì thấy
đêm tối dài ra,
mệt nhọc thì thấy
đường đi dài ra.
Cũng là như vậy,
luân hồi dài ra
cho kẻ ngu muội,
không hiểu giáo lý
chân thật tinh tế.

Pc. 62
"Con cái của ta",
"sản nghiệp của ta",
đó là mối lo
của người ngu muội.
Nhưng nói đúng ra,
chính họ đã là
không phải của họ,
thì đâu có gì
là con cái họ,
và đâu có gì
là sản nghiệp họ.

Pc. 63
Nếu người ngu muội
tự biết mình ngu
như thế có thể
gọi là người trí.
Người ngu cho mình
là người có trí,
như thế thì thật
là kẻ chí ngu.

Pc. 64
Người ngu suốt đời
gần với người trí
vẫn không biết gì
giáo lý tinh tế
tựa như cái thìa
không biết mùi canh
dầu múc canh hoài.

Pc. 66
Người ngu thiếu trí
thế nên tự ngã
thành ra kẻ thù
sống chung với họ,
mà làm đủ hết
mọi thứ bất thiện,
mà chịu đủ cả
mọi thứ đắng cay.

Pc. 67
Việc ác làm rồi
ăn năn dằn vặt,
khi chịu hậu quả
càng phải than khóc,
nước mắt đầy mặt.

Pc. 69
Việc ác làm ra
khi chưa chín muồi
thì những người ngu
thấy như mật ngọt.
Việc ác như vậy
khi đã chín muồi
thì những người ngu
phải chịu đắng cay.

Pc. 70
Người ngu làm theo
khổ hạnh vô nghĩa,
thì hết tháng này
tiếp đến tháng khác,
cái phước có được
vẫn không sánh bằng
cái phước một lát
tư duy về Pháp.

Pc. 71
Ðiều ác đã được
người ngu làm ra
thì nó như sữa
không đông lại ngay,
mà nó ngấm ngầm
ở trong kể ngu,
như lửa vẫn ngúm
trong lớp tro che.

Pc. 72
Mọi sự sụp đổ
cuả những người ngu
là do xảo thuật
mà người ngu biết,
và do nổi tiếng
mà người ngu có.
Xảo thuật cùng với
nổi tiếng như vậy
làm cho sụp đổ
hạnh phúc người ngu,
làm cho phân hủy
trí thức người ngu.

Pc. 75
Một đường dẫn đến
thế lợi khó lường,
một đường dẫn đến
Niết bàn phi thường.
Hai đường như vậy
khác hẳn với nhau.
Ðệ tử Như Lai
hãy thường vận dụng
cái trí xuất sắc
ý thức như vậy.
Ðừng ham danh lợi
như những người ngu,
hãy thích Viễn ly
như những người trí.  

6. Người Trí

Pc. 76
Người trí là người
khéo léo chỉ lỗi
khiển trách cho ta,
như chỉ cho ta
biết chỗ có vàng.
Hãy biết kết thân
người trí như vậy.
Kết thân người trí
chỉ tốt hơn lên
chứ không xáâu đi.

Pc. 78
Ðừng thân bạn xấu!
Ðừng thân tiểu nhân!
Hãy thân người hiền!
Hãy thân thượng nhân!

Pc. 80
Người cần tưới nước
thì lo dẫn nước,
người thợ làm tên
thì lo nắn tên,
người thợ làm gỗ,
thì lo uốn gỗ,
người trí thì lo
thuần hóa tâm mình.

Pc. 81
Tảng đá vững vàng
thì luồng gió nào
cũng không đủ sức
làm cho lay động.
Cũng là như vậy,
mọi sự khen chê
không thể làm cho
người trí xao động.

Pc. 82
Hồ nước mà sâu
thì lắng và trong,
cũng là như vậy,
người trí đã được
nghe giáo lý rồi,
toàn bộ tâm thức
đã lắng lại trong.

Pc. 83
Người trí siêu thoát
một cách toàn diện,
ái dục cũng không
còn gì để nói.
Thế nên vui thích
không làm người trí
bồng bột hăng lên,
khổ sở cũng không
làm cho người trí
suy sụp rũ xuống.

Pc. 84
Không vì bản thân,
không vì tha nhân,
vì con, vì của,
sự nghiệp ngai vàng,
không vì gì hết
mà làm điều ác.
Không tìm thành công
bằng cách bất chính.
Người trí như thế
mới thật là người
đã có đức hạnh
lại có trí tu?,
có cả giáo lý
mà Phật đã dạy.

Pc. 86
Ai làm và nói
đúng với giáo lý
thì có thể đến
bờ bến bên kia,
có nghĩa vượt qua
cái biển khó vượt,
đó là cái biển
của ma tình dục.

7 . La hán

Pc. 90
La hán là bậc
đi hết hành trình,
ưu phiền chấm dứt,
siêu thoát hoàn toàn
ràng buộc dứt hết,
hết sạch nhiệt độ.

Pc. 91
Tận lực, chuyên chú,
vị A La Hán
không còn lưu luyến
nơi trú ẩn nào.
Như con Thiên nga
bay khỏi ao đầm,
vị A La Hán
bỏ lại đằng sau
mọi nơi trú ẩn.

Pc. 92
Vị A La Hán
không tích trữ gì.
Ăn uống thì xét
và nghĩ chính xác,
rằng nay chỉ để
cho đời làm phước.
Các vị thuần thục
đường đi của mình
đó là Giải thoát:
không còn thực chất
và cả dấu vết
của tham sân si.
Ðường đi như vậy
y như con chim
bay trong không gian,
không ai có thể
vẽ lại cho được
đường bay của nó.

Pc. 95
Vị A La Hán
tính khí an nhiên
như đám đất lớn:
không còn cuồng nộ,
như cột trụ to:
không còn lay động,
như hồ nước sạch:
không còn bùn dơ.
Không còn luân hồi
là chính các vị.

Pc. 96
Vị A La Hán
tâm ý trầm tĩnh
nói năng trầm tĩnh
cử động trầm tĩnh,
lại còn có đủ
tuệ giác trọn vẹn
giải thoát trọn vẹn.
Thanh tịnh quân bình
là chính các vị.

Pc 97
Vị A La Hán
không tin theo ai,
đích thân làm chứng
thể hiện trạng thái
"Không còn phát sinh".
Trạng thái như vầy
cắt đứt hệ lụy
chấm dứt cơ hội
tách rời ái dục.
Tối thượng đích thực
là chính các vị.

8. Số Ngàn

Pc. 100
Nếu nghe hay đọc
cả ngàn lời nói
không có ý nghĩa,
không bằng một lời
nghe hay đọc rồi
ổn định, thích thú.

Pc. 101
Nếu nghe hay đọc
ngàn bài chỉnh cú
không có ý nghĩa,
không bằng một bài
nghe hay đọc rồi
ổn định, thích thú.

Pc. 103
Chiến thắng triệu người
tại bãi chiến trường,
cũng vẫn không bằng
chiến thắng bản thân.
Chiến thắng bản thân
mới là chiến công
trội hơn tất cả.

Pc. 104
Chiến thắng bản thân
thì vẻ vang hơn
chiến thắng người khác.
Thế nên những người
khéo thuần hóa mình
thì sống thường xuyên
với sự tự chế.

Pc. 105
Thiên thần, Nhạc thần,
Ma vương, Phạm vương
bị đánh bại cả,
không thể thắng nổi
người đã thành công
chiến thắng bản thân.

Pc. 106
Liên tiếp trăm năm,
mỗi tháng xuất ra
hàng ngàn tiền của
hiến cúng bao nhiêu
những đối tượng khác,
cũng vẫn không bằng
chốc lát hiến cúng
một bậc thành công
tự sửa bản thân.
Sự hiến cúng này
tốt hơn hiến cúng
các đối tượng khác
suốt cả trăm năm.

Pc. 110
Sống cả trăm năm
mà là buông thả
mà là hiếu động,
thì không thể bằng
sống chỉ một ngày
mà rất quan tâm
nghiêm giữ giới luật
tu tập chỉ quán.

Pc. 112
Sống cả trăm năm
biếng nhác trì trệ,
không bằng chỉ sống
một ngày mà lại
tinh tiến hết mình.

Pc. 115
Sống cả trăm năm
mà không thấy biết
giáo lý tối thượng
không bằng chỉ sống
một ngày mà biết
giáo lý như vậy.  

9. Ðiều ác

Pc. 116
Hãy gấp rút lên
mà làm việc lành!
Hãy chế ngự lại
cái tâm làm ác!
Hễ chậm làm lành
thì cái tâm ta
lại thích làm ác.

Pc. 119
Việc ác làm ra
mà chưa chín muồi,
thì người làm ác
có thể gặp hay.
Việc ác chín muồi,
thì người làm ác
phải chịu khốn khổ.

Pc. 120
Việc lành làm ra
mà chưa chín muồi,
thì người làm lành
có thể gặp dở.
Việc lành chín muồi,
thì người làm lành
được hưởng yên vui.

Pc. 121
Chớ có khinh thường
việc ác nhỏ nhặt,
cho rằng hậu quả
không đến với ta.
Nước giọt tuy nhỏ,
giọt mãi đầy bình.
Người ngu làm ác
mỗi lần một chút
dồn lại thành ra
kẻ ác tràn đầy.

Pc. 122
Chớ có khinh thường
việc lành nhỏ nhặt,
cho rằng hậu quả
không đến với ta.
Nước giọt tuy nhỏ,
giọt mãi đầy bình.
Người trí làm lành
mỗi lần một chút
dồn lại thành ra
người lành tràn đầy.

Pc. 124
Bàn tay không có
một thương tích nào,
có thể dùng nó
cầm nắm thuốc độc,
bởi vì thuốc độc
không thể làm hại
bàn tay không có
một thương tích nào.
Nên không làm ác
thì không bị ác.

Pc. 126
Loài người tuy cùng
sinh từ thai mẹ,
có kẻ làm ác
sinh vào cảnh khổ,
có kẻ làm lành
sinh được cảnh vui,
có người sạch hết
mọi thứ ô nhiễm
thể nhập Niết Bàn.

Pc. 127
Không phải không gian
không phải biển cả
Không phải hang động,
cả thế giới này
không một nơi nào
có thể trốn thoát
kết quả điều ác.

10. Dao gậy

Pc. 129
Tất cả mọi người
cùng sợ dao gậy
và sợ chết chóc
cứ tự coi mình
mong muốn thế nào
thì biết người khác
cũng muốn như vậy,
chớ có tự mình
hay xúi người khác
làm việc giết hại.

Pc. 131
Ai cũng như ai
mong muốn hạnh phúc.
Như vậy kẻ nào
sử dụng giao gậy
đối với người khác
để mưu hạnh phúc
cho bản thân mình,
thì những kẻ ấy
không được hạnh phúc.

Pc. 133
Chớ nói thô lỗ!
Nói mà thô lỗ
thì bị nói trả!
Lời nói độc địa
đau không chịu nổi!
Lời qua tiếng lại
thì như dao gậy
đánh đập lẫn nhau.

Pc. 135
Như kẻ chăn bò
cầm gậy xua đuổi
đàn bò đi ra,
cũng là như vậy
mà sự già chết
xua người ra đi
khỏi đời sống này.

Pc. 143
Ðời này hiếm có
người biết khiêm tốn
và biết tự chế
để tránh khiển trách
như con ngựa hay
biết tránh roi vọt.

 

Phần II

-ooOoo-

11. Già yếu

Pc. 146
Cuộc đời con người
bị thiêu đốt mãi
thì ham cười giỡn
vui vẻ nỗi gì?
Sao không tìm lấy
ngọn đèn chiếu sáng
trong khi cuộc đời
bao phủ tối tăm?

Pc. 147
Hãy nhìn cho kỹ
thể xác giống như
bong bóng đẹp này!
Nó là một khối
thương tích bệnh tật,
vậy mà còn phải
bận tâm mãi hoài!
Thế nhưng sự thật
của thể xác này
là không có gì
tồn tại như cũ!

Pc. 148
Hình hài thế này
rồi phải suy già!
Một khối bịnh tật
dễ bị hủy hoại!
Một đống dơ bẩn
tất phải đổ vỡ!
Và rồi cuối cùng
chết đến kết liễu
sự sống của nó!

Pc. 151
Lộng lẫy như xe
của vua đi nữa
rồi ra cũng hỏng!
Thân này cũng vậy,
là gì đi nữa
rồi ra cũng già!
Chỉ có giáo lý
của bậc Thiện nhân
là không có già,
được bậc Thiện nhân
đem chỉ dạy cho
các vị thiện nhân.

Pc. 152
Nghe ít, học kém,
thì những kẻ ấy
lớn như trâu bò:
thịt thì nở nang,
trí không phát triển.

Pc. 155
Tuổi trẻ không tu
cũng không kiếm của,
nên khi về già
thì như cò già
ủ rũ bên ao
không chút tôm cá!

Pc. 156
Tuổi trẻ không tu
cũng không kiếm của,
nên khi về già
thì như cung gãy,
chỉ còn than thở
những ngày đã qua!  

12. Tự mình

Pc. 158
Trước hết đặt mình
vào trong đường chánh,
sau đó mới nên
chỉ dẫn cho người.
Người trí như vậy
khỏi bị chê trách.

Pc. 159
Hãy tự làm đi
những gì mình muốn
đem dạy cho người!
Phải tự chế ngự
mới có tư cách
chế ngự cho người!
Thế nên, khó thay,
cái việc tự mình
chế ngự lấy mình!

Pc. 160
Hãy tự làm vị
cứu tinh cho mình!
Những người ngoài mình
làm sao làm được
cứu tinh cho mình?
Bởi vì chính sự
tự chế ngự mình
là vị cứu tinh
khó thể có ấy.

Pc. 161
Việc ác là do
chính ta làm ra,
và rồi trở lại
mà nghiền nát ta,
như thể kim cương
đập vỡ đá quí.

Pc. 163
Việc ác là việc
bất lợi cho ta,
mà sao ta làm
quá ư dễ dàng!
Việc lành là việc
hữu ích cho ta,
mà sao ta làm
quá ư khó khăn!

Pc. 165
Việc ác là do
chính mình làm ra,
và việc dơ bẩn
cũng do mình làm.
Việc ác cũng phải
do mình không làm
và việc trong sạch
cũng phải mình làm.
Trong sạch hay không
toàn do mình làm.
Không ai làm ai
trở nên trong sạch!

13. Cuộc đời

Pc. 167
Ðừng sống thấp hèn!
Ðừng sống buông thả!
Chớ có thừa nhận
kiến thức tai hại!
Chớ có tăng thêm
cuộc đời bất toàn!

Pc. 171
Hãy đến mà nhìn
cuộc đời cho kỹ,
thì lộng lẫy lắm
cũng chỉ như là
cỗ xe vua đi.
Kẻ ngu hụp lặn
trong cuộc đời ấy,
còn người có trí
nào ai đắm say?

Pc. 172
Ai sống buông thả
nhưng rồi sau đó
biết sống tự chế,
người ấy làm cho
đời mình sáng lên,
in như vầng trăng
ra khỏi mây mù.

Pc. 173
Ai làm việc ác
nhưng rồi sau đó
biết làm việc lành
mà xóa mờ đi
việc ác đã làm,
người ấy làm cho
đời mình sáng lên
in như vầng trăng
ra khỏi mây mù.

Pc. 174
Người đời phần nhiều
mù quáng không thấy
chân tướng cuộc đời,
chỉ có số ít
kẻ đốn ngộ được.
Tựa như bầy chim
thoát ra khỏi lưới,
nhưng chỉ ít con
bay lên trời cao.

Pc. 176
Những ai trái nghịch
chân lý bậc nhất,
nói năng dối trá,
bác bỏ đời sau,
thì những kẻ ấy
không điều ác nào
mà không làm được.

Pc. 178
Thống lĩnh địa cầu,
sinh lên thiên đường,
hoặc tự cho mình
làm chúa vũ trụ,
tất cả những ai
cao trọng đến mấy,
cũng sánh không được
vị Tu đà hoàn,
thánh quả đầu tiên.  

14. Ðức Phật

Pc. 179
Ðối với ái dục,
Như Lai chiến thắng
mà không bại trận.
Chiến thắng đến nỗi
dục vọng không còn
một dấu vết nào
ở nơi Như Lai
để mà bám theo.
Như Lai thênh thang,
không còn dấu vết
dục vọng như vậy,
thì còn làm sao
cám dỗ Như Lai
đi theo cho được?

Pc. 180
Như Lai không còn
mối vướng mắc nào
để cho dục vọng
có thể bám vào
dụ dỗ dẫn dắt.
Như Lai thênh thang
không còn dấu vết
dục vọng như vậy,
thì còn làm sao
cám dỗ Như Lai
đi theo cho được?

Pc. 181
Là bậc trọn vẹn
chuyên cần chỉ quán,
cho nên đức Phật
thích thú sống trong
trạng huống thanh bình
của sự Viễn ly:
một bậc chánh giác
toàn hảo như vậy
chư thiên cũng phải
hết lòng ngưỡng mộ.

Pc. 182
Khó thay, được làm
cái thân nhân loại!
Khó thay, thân ấy
lại được sống còn!
Khó thay, thân ấy
lại được nghe Pháp!
Khó thay, thân ấy
lại được gặp Phật.

Pc. 183
Không làm việc ác!
Kính làm việc lành!
Làm sạch tâm ý!
Ðó, chư Phật dạy!

Pc 186
Mưa xuống tiền vàng
dục vọng cũng vẫn
khó mà thỏa mãn!
Vậy mà dục lạc
đắng nhiều ngọt ít.
Biết được như vậy
chính là người trí.

Pc. 187
Thế nên đệ tử
của bậc Chánh Giác
không tìm dục lạc,
dầu dục lạc ấy
là của chư thiên.
Mà chư đệ tử
của bậc Chánh Giác
thì chỉ ưa thích
sự hủy diệt được
chính cái ái dục.

Pc. 188
Nhân loại sợ hãi,
nên phải đi tìm
những nơi nương dựa.
Họ nương dựa vào
thần núi thần rừng
thần cây thần vườn
và thần đình miếu.

Pc. 189
Nương dựa như vậy
không phải an toàn
không phải tối thượng.
Bởi vì nương dựa
theo cách thức ấy
không làm cho ta
thoát khỏi lo phiền.

Pc. 190
Nương dựa vào Phật
nương dựa vào Pháp
nương dựa vào Tăng,
nương dựa như vậy
thì có một sự
thấy biết chính xác,
thấy biết "chân lý
gồm đủ bốn chi"
của Phật chỉ dạy.

Pc. 191
Ðó là thấy biết
về sự đau khổ;
thấy biết nguyên nhân
sự đau khổ ấy;
thấy biết về sự
hủy diệt nguyên nhân
của sự đau khổ;
thấy biết con đường
dẫn đến hủy diệt
nguyên nhân đau khổ -
Ðường ấy chính là
"đường chánh tám chi".

Pc. 192
Nương dựa Tam Bảo
mà được như vậy
thì là an toàn
thì là tối thượng.
Vì sự nương dựa
Tam Bảo như vậy
thì làm cho ta
thoát khỏi lo phiền.

Pc. 194
Vui thay,
đức Phật ra đời!
Vui thay,
Pháp mầu được giảng!
Vui thay,
chư Tăng hòa hợp!
Vui thay,
hòa hợp giữ giới!  

15. Yên vui

Pc. 197
Thật là hạnh phúc,
sống không hận thù
giữa người hận thù;
giữa người hận thù
sống không hận thù.

Pc. 198
Thật là hạnh phúc,
sống không đau yếu
giữa người đau yếu;
giữa người đau yếu
sống không đau yếu.

Pc. 199
Thật là hạnh phúc,
sống không dục vọng
giữa người dục vọng;
giữa người dục vọng
sống không dục vọng.

Pc. 200
Thật là hạnh phúc
trong khi Như Lai
sống không phiền não
đối với vật thực:
[Như Lai không mừng
vì có vật thực,
Như Lai không bực
vì không vật thực].
Như Lai thường xuyên
được nuôi dưỡng bằng
cái vui chân lý
cái vui chỉ quán.
Như Lai vì vậy
lúc nào cũng vui
như thể cái vui
của Quang Âm Thiên

Pc. 201
Hơn thì bị oán
thua thì phải khổ.
Hãy sống thanh thản
xả hết hơn thua.

Pc. 202
Không cái lửa nào
bằng lửa tham dục,
không cái ác nào
bằng ác tức giận,
không cái khổ nào
cho bằng thân thể,
không cái vui nào
cho bằng Niết Bàn.

Pc. 203
Ðói ăn: bịnh nhất,
thân thể: khổ nhất.
Biết đúng như vậy
thì thấy vui nhất
chính là Niết Bàn.

Pc. 204
Không bịnh: lợi nhất!
Biết đủ: giàu nhất!
Thành thật: thân nhất!
Niết Bàn: vui nhất!

Pc. 205
Ai đã nếm được
hương vị đời sống
ẩn dật thanh tịnh,
ai đã thấm đượm
hương vị đời sống
vui thỏa chân lý,
người ấy hết cả
ô nhiễm, lo âu.

Pc. 206
Quí nhất là gặp
vị không ô nhiễm!
Sống với các vị
thì hằng yên vui!
Như thế mới biết
không gặp người ngu
cũng là yên vui -
yên vui lâu dài!

Pc. 207
Sống với người ngu
thì lo phiền mãi.
Thế nên, khổ thay,
sống với người ngu,
khác nào sống với
kẻ thù oán mình!
Và là vui thay,
sống với người trí,
như thể sống với
người thân thiết mình!

Pc. 208
Vì lý do ấy,
đây là sự thật:
sống với các vị
hiền lành, thông minh,
dấn thân đi tới
Niết bàn thanh tịnh,
giới đức trang nghiêm
dục vọng tận diệt,
thì chẳng khác gì
vầng trăng đi theo
quĩ đạo tinh tú.

16. Yêu thích

Pc. 209
Siêng năng những việc
không đáng siêng năng,
không siêng những việc
đáng phải siêng năng,
từ bỏ chủ đích,
chạy theo dục vọng,
thì những kẻ ấy
rồi sẽ ganh tị
hay hâm mộ suông
đối với các vị
chuyên cần nhắm thẳng
chủ đích của mình.

Pc. 210
Chớ có gắn bó
với người mình ưa,
chớ có gắn bó
với người mình ghét.
Ưa mà không gặp
đã là khổ sở,
ghét mà phải gặp
càng khổ sở hơn.

Pc. 214
Luyến ái sinh lo,
luyến ái sinh sợ,
siêu thoát luyến ái
thế là hết lo,
lo đã hết rồi
thì còn sợ gì?

Pc. 215
Dục vọng sinh lo,
dục vọng sinh sợ,
siêu thoát dục vọng
thế là hết lo,
lo đã hết rồi
thì còn sợ gì?

Pc. 219
Xa nhà lâu ngày
trở về an toàn,
thì được người thân
đón tiếp nồng hậu.

Pc. 220
Cũng là như vậy
mà người làm lành,
khi từ đời này
chuyển sang đời khác,
sẽ được việc lành
của mình đón tiếp,
như thể người thân
đón tiếp người thân.

17. Giận dữ

Pc. 221
Dập tắt giận dữ!
Bẻ gãy kiêu căng!
Ðừng bị chi phối!
Ðừng nắm thân thể!
Không hết mọi sự
thì người như vậy
khổ não hết còn
đeo đuổi được nữa.

Pc. 222
Chận được cơn giận
khi đang bùng lên,
như thể hãm được
xe chạy có đà,
thì người như vậy
Như Lai gọi là
người lái xe giỏi,
còn những kẻ khác
chỉ cầm cương hờ.

Pc. 223
Hãy đem tình thương
mà thắng giận dữ!
Hãy đem đạo đức
mà thắng bất lương!
Hãy đem san sẻ
mà thắng keo lẫn!
Hãy đem chân thành
mà thắng xảo trá.

Pc. 224
Ai nói thành thực.
Không có giận dữ.
Ít của mà biết
chia cho người cần.
Ði ba đường này
thì gặp chư thiên.

Pc. 225
Bậc hiền triết ấy
do sự vĩnh viễn
thuần hóa toàn diện
thân thể tâm tính,
không còn tác hại
thương tổn đến ai,
nên đã đi vào
trạng thái Bất tử -
lĩnh vực không còn
mọi nỗi ưu sầu.

Pc. 227
Phật tử nên biết
đây là thành ngữ
đã có từ xưa
không phải ngày này.
Rằng không nói gì
đã bị chê trách,
rằng nói cho nhiều
cũng bị chê trách,
rằng nói ít thôi
vẫn bị chê trách.
Ở trên đời này
khó mà có được
ai đó không bị
chê trách điều gì.

Pc. 231
Hãy lo đề phòng
thân thể giận dữ!
Hãy gắng thuần hóa
việc làm của thân!
Hãy cố từ bỏ
điều ác của thân!
Hãy đem thân thể
mà làm điều lành!

Pc. 232
Hãy lo đề phòng
miệng lưỡi giận dữ!
Hãy gắng thuần hóa
lời tiếng của miệng!
Hãy cố từ bỏ
điều ác của miệng!
Hãy đem miệng lưỡi
mà nói điều lành!

Pc. 233
Hãy lo đề phòng
tâm ý giận dữ!
Hãy gắng thuần hóa
suy nghĩ của ý!
Hãy cố từ bỏ
điều ác của ý!
Hãy đem tâm ý
mà nghĩ điều lành!

Pc. 234
Thế nên người trí
thuần hóa lấy thân
thuần hóa lấy miệng
thuần hóa lấy ý,
thực sự thuần hóa
toàn diện như vậy.

18. Dơ bẩn

Pc. 235
[Ðức Phật thức tỉnh
một người có tuổi],
rằng nay thân ông
như chiếc lá héo!
Sứ giả thần chết
đang chờ đợi ông!
Ông đang đứng trước
ngưỡng cửa tử vong!
Ông sắp phải làm
một cuộc lữ hành
trên đường cái chết
dài sâu thăm thẳm!
Như vậy mà ông
chưa chuẩn bị gì
về lương thực cả!
[Ông hãy thông minh
mà chuẩn bị đi]!

Pc. 236
Ông phải tự tạo
một cái cồn đảo
[ở trong sóng nước
của chốn luân hồi],
bằng cách gấp rút
làm người thông minh,
và chuyên cần nữa,
lọc bỏ cho sạch
dục vọng dơ bẩn,
thành bậc Ly dục.
Tịnh cư thiên cảnh
là chỗ của ông.

Pc. 239
Qua từng giờ khắc,
người trí lọc bỏ
những sự dơ bẩn
ngay trong bản thân.
Sự thể giống như
người thợ luyện kim
lọc bỏ quặng vàng
để thành vàng ròng.

Pc. 240
Như sắt sinh sét,
sét lại ăn sắt,
việc ác cũng vậy,
tự mình làm ra,
trở lại đẩy mình
sa vào nẻo ác.

Pc. 242
Bất trinh làm bẩn
cho người phụ nữ,
keo kiết làm bẩn
cho người hào phóng,
và làm dơ bẩn
đời sống hiện tại
cũng như tương lai
chính là việc ác.

Pc. 243
Trong mọi dơ bẩn
vô minh bẩn nhất.
chư vị Tỷ kheo!
hãy khử cho được
sự dơ bẩn ấy -
tự làm trở thành
một bậc Tỷ kheo
không còn dơ bẩn.

Pc. 244
Thật là dễ dàng
sống vô liêm sỉ,
sống mà lỗ mãng
như là giống quạ,
sống mà nói xấu
khoa trương trâng tráo,
sống mà liều lĩnh
dơ bẩn mặc sức.

Pc. 245
Thật là khó khăn
sống biết liêm sỉ,
sống mong tinh khiết,
sống rất công minh,
sống đời trong sáng
kiến thức dồi dào.

Pc. 246 - 247
Ai sống trên đời
mà lại sát hại,
chiếm đoạt, gian dâm,
nói dối, say sưa,
thì ngay đời này,
người này tự đào
tự bới cái gốc
tư cách con người.

Pc. 248
Do vậy mà phải
nhận thức cho rõ,
rằng không tự chế
thì đã là ác.
Chớ để cho mình
tham lam, làm ác,
mà tự hãm vào
nỗi khổ triền miên.

Pc. 251
Lửa nào cho bằng
cái lửa tham lam,
chấp nào cho bằng
cái chấp tức giận,
lưới nào cho bằng
cái lưới vô minh,
sông nào cho bằng
cái sông ái dục.

Pc. 252
Dễ thay,
tìm thấy lỗi người!
Khó thay,
tự thấy lỗi mình!
Lỗi người thì mình
cố phanh phui ra
như là sàng gạo
mà lấy trấu cám!
Lỗi mình thì mình
cố che dấu đi,
như kẻ bẫy chim
ngụy trang mà núp.

Pc. 253
Tìm thấy lỗi người
thì hay chỉ trích.
Kẻ nào như vậy
thì xấu thêm lên,
và càng xa cách
"trạng huống hết xấu" .

Pc. 254.
Ở giữa không trung
làm sao mà có
dấu vết đường đi:
ở trong ngoại đạo
làm sao mà có
những bậc giải thoát?
Loài người thích thú
trong sự giả dối,
Như Lai thì không
sự giả dối ấy.

Pc. 255
Ở giữa không trung
làm sao mà có
dấu vết đường đi:
ở trong ngoại đạo
làm sao mà có
những bậc giải thoát?
Tất cả vạn hữu
toàn là vô thường,
Như Lai thì không
sự vô thường ấy.  

-ooOoo-

Phần III

 -ooOoo-

19. Sống Pháp

Pc. 256
Người ấy đâu phải
là sống theo Pháp?
Bởi vì người ấy
phân xử một cách
khinh suất, độc đoán.
Người trí biết rõ
ai đúng ai sai
rồi mới phân xử.

Pc. 257
Người trí thì không
lãnh đạo một ai
bằng những xảo thuật.
Mà phải lãnh đạo
đúng với pháp luật
chứ không thiên vị.
Người trí nắm giữ
pháp luật như vậy
xứng đáng được gọi
người sống theo Pháp.

Pc. 258
Không phải nói nhiều
mà được gọi là
người có trí thức.
Mà phải điềm tĩnh,
chu toàn cho người
chứ không thù ghét
cũng không e sợ.
Như vậy mới thật
xứng đáng được gọi
là người trí thức.

Pc. 259
Không phải nói nhiều
mà được gọi là
người thông suốt Pháp.
Mà nghe tuy ít,
đích thân trực nhận
cái Pháp được nghe,
chứ không hời hợt
đối với Pháp ấy.
Thế mới đáng gọi
người thông suốt Pháp.

Pc. 262
Không vì lý do
ăn nói hùng hồn
hình dáng thanh tú
mà đã trở thành
một người hiền lương -
nếu còn đủ cả
ganh ghét, ích kỷ,
xảo quyệt, ngạo mạn.

Pc. 263
Chặt được, phá được,
nhổ được tận gốc
tính xấu trên đây,
nhất là bỏ được
cái thói giận dữ,
thì người trí này
mới đáng được gọi
là người hiền lương.

Pc. 269
Siêu việt mọi sự
thiện cũng như ác,
chuyên tâm phạm hạnh,
đem cái "thấy biết
đúng như sự thật"
mà sống trong đời,
thế mới đích thực
là vị Tỷ kheo.

Pc. 270
Sát hại sanh linh
thì đâu có phải
là bậc cao quí.
Mà bậc cao quí
thì phải là người
không tổn hại ai.

Pc. 271 - 272
Không phải chỉ vì
giữ giới, khổ hạnh,
học rộng, định tâm,
thanh cư, độc cư,
mà đã tự cho
"mình hưởng thụ được
cái vui xuất gia
mà người bình thường
không thể hưởng thụ".
Các vị Tỷ kheo!
Chớ có tự mãn
một khi chưa hết
ô nhiễm dơ bẩn.  

20. Ðường đi

Pc. 273
Ðường chánh tám chi:
đường đi hơn hết
trong mọi đường đi.
Chân lý bốn chi:
chân lý hơn hết
trong mọi chân lý.
Siêu thoát ái dục:
Niết bàn hơn hết
trong mọi Niết bàn.
Nhãn quan toàn hảo:
là bậc hai chân
hơn hết ở trong
các loài hai chân.

Pc. 274
Không đường nào khác,
chỉ có đường này
đưa các người đến
nhãn quan toàn hảo.
Các người đi theo
đường đi như vầy
thì chính Ma vương
hết sức lo âu.

Pc. 277 - 279
Về mặt "diễn biến"
gọi là vô thường;
thấm thía như vậy
thì đó, đường sáng.
Về mặt "bất toàn"
gọi là khổ não;
thấm thía như vậy
thì đó, đường sáng.
Về mặt "tổ hợp"
gọi là vô ngã;
thấm thía như vậy
thì đó, đường sáng.

Pc. 280
Lúc cần cố gắng
vẫn không cố gắng,
còn trẻ và mạnh
mà lại lười nhác,
ý chí suy nhược,
cơ thể uể oải,
kẻ thụ động ấy
làm sao vận dụng
trí tuệ tư duy
đi theo "đường chánh"?

Pc. 281
Thận trọng miệng lưỡi,
chế ngự thân thể,
phòng vệ tâm ý,
làm sạch cả ba
nguồn hành động ấy,
như thế tức là
đi theo đường đi
của Phật chỉ dẫn.

Pc. 287
Say đắm bám lấy
con cái tài sản,
người mà như vậy
cái chết bám lấy,
túm lấy lôi đi
như là bão lũ
cuốn trôi cả vùng
đang còn say ngủ.

Pc. 288
Tử thần xuất hiện,
thì không phải cha,
cũng không phải con,
không phải họ hàng,
không phải bạn thiết,
không có một ai
lúc ấy có thể
che chở cho ta.  

21. Tạp lục

Pc. 290
Phải biết từ bỏ
hạnh phúc nhỏ nhặt
mới có thể có
hạnh phúc lớn lao.
Người trí thực hiện
hạnh phúc lớn lao
là do từ khước
hạnh phúc nhỏ nhặt.

Pc. 291
Kẻ nào gây ra
đau thương cho người,
dụng ý mưu đồ
hạnh phúc cho mình,
kẻ ấy không thể
thoát được hận thù,
vì bị cuốn vào
guồng máy phức tạp
của sự hận thù.

Pc. 292
Ðáng làm không làm,
không đáng lại làm;
kẻ này tự kiêu,
thiếu sự chủ yếu
"nhớ nghĩ chính xác",
nên chỉ tăng thêm
sơ hở, sai lầm.

Pc. 296
Ðệ tử của Phật
thường tự thức tỉnh,
bằng cách ngày đêm
nhớ nghĩ đến Phật.

Pc. 300
Ðệ tử của Phật
thường tự thức tỉnh,
bằng cách ngày đêm
nhớ nghĩ bất hại.

Pc. 301
Ðệ tử của Phật
thường tự thức tỉnh,
bằng cách ngày đêm
nhớ nghĩ chỉ quán.

Pc. 302
Vui sống xuất gia
đã là việc khó,
sinh sống tại gia
cũng là việc khó.
Sống chung với kẻ
nghịch chí là khổ,
sống nổi chìm theo
luân hồi là khổ.
Vì vậy, chớ có
sống theo luân hồi,
và cũng không nên
chạy theo cái khổ.  

22. Ðịa ngục

Pc. 306
Ăn nói gian dối,
làm bậy rồi chối,
hai việc như vậy
chết rồi đồng đẳng
sinh vào địa ngục,
vì đời sống này
dầu được làm người
việc làm lại hèn.

Pc. 309
Có bốn tai họa
dành cho những kẻ
sống mà phóng đãng
mê vợ chồng người:
bị lãnh nguy biến,
bị ngủ không yên,
bị chịu nhục mạ,
bị xa địa ngục.

Pc. 310
Gian dâm vốn hay
phát sinh tội ác,
sa vào cảnh khổ.
Lạc thú giác quan
của đôi nam nữ
đang lo sợ kia
quả là quá ngắn,
mà sự trừng phạt
xuất từ mọi phía
lại quá nặng nề.
Vậy chớ gian díu
với vợ chồng người.

Pc. 312
Hành động buông thả,
giới hạnh hoen ố,
phạm hạnh hoài nghi
cả ba điều này
không thể đem lại
thành quả lớn lao.

Pc. 313
Việc gì cần làm
thì phải làm đi,
làm hết sức mình;
chứ đã xuất gia
mà sống buông thả,
thì chỉ vung thêm
cát bụi vào đời.

Pc. 317
Không đáng sợ hãi
mà lại sợ hãi,
và đáng sợ hãi
lại không sợ hãi,
vì thấy và biết
sai lầm như vậy
nên những kẻ ấy
đi vào chỗ dữ.

Pc. 319
Việc mà lầm lỗi
thì biết lầm lỗi,
việc không lầm lỗi
biết không lầm lỗi,
vì thấy và biết
chính xác như vậy,
nên những người này
đi vào chỗ lành.  

23. Con voi

Pc. 320
Như Lai như thể
con voi to lớn
ở giữa chiến trận.
Voi ấy hứng chịu
bao nhiêu tên đạn.
Như Lai đồng dạng
chịu đựng bao nhiêu
phỉ báng thóa mạ.
Vì lẽ cuộc đời
vốn có lắm kẻ
sống vô tư cách

Pc. 321
Voi ngựa thuần hóa
thì được trọng dụng.
Người mà thuần hóa
là người hơn người,
ở chỗ chịu được
bao nhiêu phỉ báng.

Pc. 322
Con lừa thuần hoá
con ngựa thuần chủng
con voi oai nghiêm,
tất cả rất quí.
Nhưng quí hơn hết
là người thuần hóa.

Pc. 324
Con voi Tài hộ
trở nên bất trị.
Xích lại thì nó
phản ứng, bỏ ăn.
Vì nó nhớ đến
rừng nhà của nó
nơi có mẹ nó.
[Con người càng phải
như voi Tài hộ,
lúc nào cũng biết
thương nhớ lo liệu
cho mẹ cho cha].

Pc. 326
Trước đây tâm ta
buông thả chạy theo
bao thứ dục vọng,
tình yêu, lạc thú.
Nhưng ta ngày nay
vận dụng "chánh niệm"
chế ngự lấy nó,
thuần hóa lấy nó.
Như viên quản tượng
buộc giữ nó lại,
khắc phục lấy nó,
con voi hung hăng.

Pc. 327
Thích thú chánh niệm
mà giữ tâm mình.
Ví như con voi
hăng lên mà vọt
khỏi chỗ bùn sâu,
các người cũng vậy,
ráng lên mà thoát
cho khỏi chỗ dữ.

Pc. 328
Gặp được người bạn
cẩn trọng, xứng đáng,
phong cách nghiêm chỉnh
ứng phó nguy khốn,
thì hãy chung sống
với bao hoan hỷ.

Pc. 331
Vui thay,
gặp được bạn tốt
trong lúc cần thiết!
Vui thay,
sống biết vừa đủ
với ít đồ dùng!
Vui thay,
khi chết mà có
phước báu đã làm!
Vui thay,
bao nhiêu khổ lụy
đã hết trọn vẹn!

Pc. 332
Vui thay hiếu dưỡng mẹ!
Vui thay hiếu dưỡng cha!
Vui thay kính tu hành!
Vui thay kính hiền thánh!

Pc. 333
Vui thay, đến già
mà vẫn giữ giới!
Vui thay, sống với
đức tin vững chắc!
Vui thay, thu hoạch
tuệ giác trong sáng!
Vui thay, không có
hành động bất thiện!

24. Ái dục

Pc. 336
Sống trong đời này
mà thắng được cái
khó thắng bậc nhất
đó là ái dục,
thì bao sầu khổ
tự rời người ấy
như thể nước giọt
không dính lá sen.

Pc. 341
Ðời ưa ái dục,
lại ưa dục lạc.
Ái dục cuồn cuộn
tràn khắp giác quan,
tràn đến đối tượng
các giác quan ấy.
Thiên trọng dục lạc,
lùng kiếm dục lạc,
nhưng cái họ được
không là dục lạc,
mà là già yếu
một cách vô ích.

Pc. 345 – 346
Cùm xiềng bằng sắt
bằng cây bằng dây,
bậc Giác Ngộ nói
chưa phải bền chắc.
Thế nhưng bậc ấy
nói rằng ham muốn
vàng ngọc của quí,
ham muốn vợ chồng,
ham muốn con cái,
tơ tóc ái dục
ham muốn như vậy
mà ràng buộc ta,
thì chắc hơn nhiều.
Vì nó rị xuống,
ngó như lỏng lẻo
mà thật khó gỡ!
Người trí vì vậy
phải cắt cho đứt:
Phải thoát gia đình,
phải từ dục lạc.

Pc. 352
Các vị trọn vẹn
thoát ly ái dục
thì không còn nữa
vướng mắc gì hết.
Các vị lão thông
về cách hùng biện
với sự thông suốt
chủ đề, nội dung,
ngữ văn, thuyết trình;
trong sự thuyết trình
còn rành hai sự:
hệ thống tư tưởng,
hiệu quả trình bày.
cái thân đời này
đã là cuối cùng.
Vị ấy đáng được
tôn xưng Ðại Giác,
hay Ðại trượng phu.

Pc. 354
San sẻ về Pháp
hơn mọi san sẻ!
Hương vị của Pháp
hơn mọi hương vị!
Thỏa dạ về Pháp
hơn mọi thỏa dạ!
Thắng được ái dục
thì thắng đau khổ!  

25. Tỳ kheo

Pc. 362
Chế ngự tay chân,
chế ngự lời tiếng,
chế ngự tư tưởng;
thích thú đề mục
của mình chỉ quán;
độc thân, biết đủ.
Ðó, vị Tỷ kheo.

Pc. 363
Tỷ kheo thuần hóa
miệng lưỡi của mình,
nói năng vừa phải,
không nhiễm cao ngạo,
trình bày về Pháp
thì với lời tiếng
khả ái, dịu dàng.

Pc. 365
Tỷ kheo không khinh
cúng phẩm mình được,
cũng không ham thích
cúng phẩm người có -
Ham thích như vậy
làm sao định tâm?

367
Tâm lý vật lý
của chính bản thân.
Tỷ kheo cũng không
nắm làm tự ngã
và của tự ngã.
Không hề thắc mắc
hay nghĩ ngợi gì
cái mình không có.
Như thế xứng đáng
là vị Tỷ kheo.

Pc. 368
Tỷ kheo trú ở
trong tâm từ bi
thì rất đẹp dạ
với Pháp Phật dạy,
đạt được cái vui
an bình trong lắng,
thể hiện trạng huống
siêu thoát toàn bộ
hiện tượng chuyển biến.

Pc. 369
Chư vị Tỷ kheo,
hãy tát cho hết
nước trong cái thuyền
bản thân chư vị.
Thuyền bản thân này
không còn có nước
thì nhẹ, đi mau.
Hễ tát hết nước
tham vọng phẫn nộ,
chư vị dễ dàng
lướt đến Niết bàn.
Tỷ kheo vốn đã
ở chốn thanh vắng,
tâm trí đã được
giữ cho trong lắng,
thì hãy tịnh quan
về Pháp của Phật,
mà thụ hưởng lấy
cái vui siêu phàm.

Pc. 375
Tỷ kheo có trí
thì ngay ở trong
cái cuộc đời này
mà tu tập theo
những tiết mục chính
sau đây của Pháp:
phòng vệ giác quan,
tự biết vừa đủ,
giữ gìn giới luật
đúng như Giới kinh,
gần gũi các vị
chân thiện tri thức,
sống rất tinh tiến
theo cách "chánh mạng".

Pc. 376
Giao tiếp với người
thì khéo thân thiện,
cử chỉ thì giữ
cho thật thanh nhã.
Do vậy mà dược
lắm sự hoan hỷ,
và cũng tránh dược
lắm cái phiền toái.

Pc. 377
Hoa lài tự rụng
những cành hoa héo,
cũng là như vậy,
các vị Tỷ kheo!
Hãy tự rơi rụng
tham lam giận dữ.

Pc. 380
Hãy tự nương dựa
vào bản thân mình!
Hãy tự quay lại
nơi bản thân mình!
Hãy tự thuần hóa
như luyện tuấn mã!

Pc. 382
Tỷ kheo nhỏ tuổi
mà biết cần cù
thực hành lấy Pháp
của Như Lai dạy,
thì Tỷ kheo ấy
soi sáng cuộc đời
như thể vầng trăng
chiếu sáng vằng vặc.  

26. Tịnh hạnh

Pc. 384
Người nào thường xuyên
sống trong "chỉ quán",
thì sẽ đạt đến
"bờ bến bên kia".
Người này Như Lai
gọi là một vị
Tịnh hạnh có trí
cắt hết thắt buộc.
Không bờ này.
Không bờ kia
Không hai bờ.
Giải trừ khổ não,
cởi mở thắt buộc.
Người này Như Lai
gọi là Tịnh hạnh.

Pc. 386
Tu tập chỉ quán,
sống không bụi trần,
phận sự đã xong,
sơ hở không còn,
đạt đích tối thượng
người như thế này
Như Lai mới gọi
là vị Tịnh hạnh.

Pc. 389
Chớ có hành hung
một vị Tịnh hạnh!
Một vị Tịnh hạnh
chớ có giận lại!
Hành hung Tịnh hạnh
đã đáng xấu hổ.
Tịnh hạnh giận lại
càng xấu hổ hơn.

Pc. 391
Cả thân miệng ý
đều không làm ác.
Cả ba nghiệp này
cùng được đề phòng.
Người này Như Lai
gọi là Tịnh hạnh.

Pc. 397
Phải là một người
thắt buộc cắt hết,
lo sợ không còn,
không còn dính mắc,
Như Lai mới gọi
là vị Tịnh hạnh.

Pc. 399.
Ai không tức giận,
chịu đựng nhục mạ,
hành hung, trừng phạt;
lấy chính sức mạnh
của đức Nhẫn này
mà làm quân lực;
người này Như Lai
gọi là Tịnh hạnh.

Pc. 401
Như thể nước giọt
rơi trên lá sen,
hay như hạt cải
đặt đầu mũi kim,
thì không thế nào
dính mắc cho được:
không nhiễm ái dục
cũng là như vậy,
Như Lai mới gọi
là vị Tịnh hạnh.

Pc. 403
Trí tuệ xuất sắc,
biết rành thế nào
là đường chính xác,
biết rõ thế nào
là đường sai lầm;
bản thân người này
thì đã đi đến
cái đích tối thượng,
Như Lai mới gọi
là vị Tịnh hạnh.

Pc. 404
Không sống hỗn tạp
với cả hai phía
thế tục, tu sĩ;
mà sống đơn độc,
sống không ham muốn.
Ai sống như vậy
Như Lai mới gọi
là vị Tịnh hạnh.

Pc. 405
Không hề sử dụng
khí giới dao gậy
đối với sinh linh
bất cứ mạnh yếu;
cũng không tự mình
hay là bảo ai
sát hại sinh mạng
hay gây thương tổn.
Người này Như Lai
mới gọi Tịnh hạnh.

Pc. 406
Sống mà thân thiện
giữa người đối nghịch,
sống mà ôn hòa
giữa người hung hãn,
sống không lưu luyến
giữa người bám víu.
Người này Như Lai
mới gọi Tịnh hạnh.

Pc. 407
Tham vọng, phẫn nộ,
kiêu căng, phỉ báng,
tất cả rơi rụng
như là hạt cải
rơi khỏi mũi kim:
người mà như vậy
Như Lai mới gọi
là vị Tịnh hạnh.

Pc. 408
Nói năng thanh nhã
hiền hòa, xây dựng,
nhất là chân thành,
không xúc phạm ai.
Người này Như Lai
gọi là Tịnh hạnh.

Pc. 410
Không tham vọng gì
ở thế giới này,
không tham vọng gì
ở thế giới khác:
người nào siêu thoát
tham vọng như vậy,
thì được Như Lai
gọi là Tịnh hạnh.

Pc. 412
Ngay cuộc đời này
mà đã vượt lên
trên mọi lãnh vực
ác cũng như thiện,
không còn tất cả
bao loại vướng mắc.
Cái người trong sáng,
biểu thị trạng huống
không có ưu phiền
không có bụi bặm,
người ấy Như Lai
gọi là Tịnh hạnh.

Pc. 414
Vượt được cuộc đời
lầy lội gập ghềnh,
vượt qua biển cả
luân hồi mù quáng,
vượt đến "bến bờ
chỉ quán bên kia ",
siêu thoát vướng mắc
thể hiện Niết bàn,
người ấy Như Lai
gọi là Tịnh hạnh.

Pc. 417
Xa sự buộc ràng
ở dưới trần thế,
tách sự buộc ràng
ở trên thiên đàng,
giải trừ toàn diện
các dạng buộc ràng,
như thế Như Lai
mới gọi Tịnh hạnh.

Pc. 418
Bỏ điều mình ưa,
bỏ cái mình ghét,
thể hiện trọn vẹn
trạng thái Mát mẻ,
loại trừ hoàn toàn
"dữ kiện tái sinh":
Cái bậc đại hùng
chiến thắng như vậy
Như Lai mới gọi
là vị Tịnh hạnh.

Pc. 422
Là bậc Vô úy,
là bậc Ðại triết,
là bậc Siêu thắng,
là bậc Thanh khiết,
là bậc Thạc ngộ -
bậc nào như vậy
Như Lai mới gọi
là vị Tịnh hạnh.

Pc. 423
Biết rõ bao nhiêu
đời sống của mình;
thế giới an lạc
thế giới thảm não
cũng hiện rõ ràng
ở trong tuệ giác;
bậc Ðại Mâu ni
tròn đầy như vậy,
xứng đáng Như Lai
gọi là Tịnh hạnh.

 

San sẻ

Chúng con nguyện đem
phước báu tụng niệm
Pháp cú mầu nhiệm
của đức Thế tôn,
hồi hướng san sẻ
cho hàng chư thiên
để thêm phước lực
hộ trì diệu pháp
hộ vệ thế gian
trang nghiêm quốc độ.

Hồi hướng san sẻ
phước báu của Pháp
cho cả nhân loại
và bao sinh linh
cùng bớt khổ não
cùng thêm yên vui.

Hồi hướng san sẻ
cha mẹ, sư trưởng,
thiện hữu, thí chủ,
cùng hưởng phước này.

Hồi hướng san sẻ
kẻ thù người thân,
hoan hỷ tha thứ
coi nhau anh em.

Hồi hướng bản thân,
san sẻ tha nhân,
cùng sống theo Pháp
trên cuộc đời này,
cùng nhau kết thành
"bà con Phật Pháp",
phục vụ Tam bảo
tạo bao phước báu.

Nam Mô Bổn Sư
Thích Ca Thế Tôn,
nguyện cầu Thế Tôn
từ bi gia hộ.

 

--- o0o ---

Các bản kinh Pháp Cú khác

--- o0o ---

Source:  http://www.budsas.org/

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7-2003

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

giao duc Ngay cuoc song da hien dai nhung xin dung hien dai 42 viec Xác trà túi lọc có nhiều công dụng hay ï¾å Ngày Tết ki廕穆 giao khai niem niet ban trong phat giao bên Lý Tác học thua thien hue long trong khai mac trien lam lua tức giau sang hay ngheo hen deu boi Món nào tốt hơn bat mõ Thử LÃm テ lang ngam ky quan phat Bí mật của tách trà chiem nghiem ve vo thuong hoà chiêm nghiệm về vô thường bí quyết dạy con thông minh của người chưa 不空羂索心咒梵文 ky benh trẻ Ao điều cai toi va minh triet ve cai toi HoẠthở hà tĩnh đại lễ vu lan báo hiếu 2014 còn Chiều Đừng tinh nghe những Thói phat phap la thuoc tri tam benh cho chung sanh Là niềm Khánh Hòa Lễ giỗ Tổ Khai sơn chùa đoàn åº Mùa gá Ÿi ï¾ï½ thiền hieu ve nhan qua đạo đức đối xử bình đẳng nét hóa Phật 15 tien trinh chet mộc hỡi Chọn