.

 

Kinh Hoa Thủ
(hay Nhiếp Chư Thiện Căn)
Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu quyển 16, số 657
Đời Hậu Tần, nước Quy Tư
Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Phụng chiếu dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán
Tỳ Kheo Thích Bảo Lạc dịch ra chữ Việt
Pháp Bảo ấn hành 1990

---o0o---
 

Quyển VII

 

 23- Phẩm ÐẮC NIÊM thứ hai mươi ba

Phật hỏi Ngài Xá Lợi Phất: ông muốn nghe tâm Bồ Tát phải không?

- Muốn nghe, thưa Thế Tôn

Nay đã đúng lúc ta phải nói chân tâm Bồ Tát, nhờ chân tâm mới tu tập đạo vô thượng Bồ Ðề được.

Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất, lui về thời quá khứ lâu xa vô số a tăng kỳ kiếp, lúc bấy giờ có đức Phật hiệu là Ðức Vương Minh Như Lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn ra đời. Này Xá Lợi Phất, Phật Ðức Vương Minh có các đại  hội chúng Thanh Văn tám vạn bốn nghìn người và số chúng Bồ Tát cũng đông như vậy. Lúc đó trong hội Thanh Văn có tám vạn bốn nghìn người được trí siêu việt. Phật Ðức Vương Minh đã được tâm lậu tận tự tại như thế, nên bậc đại A La Hán, Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, chúng A Na Hàm lại càng đông gấp bội số chúng kia. Lúc đó vương tử Ðắc Niệm đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật rồi đứng qua một bên. Vương tử thấy Phật có uy đức lớn, bèn nghĩ thế này: Phật là đấng hy hữu, thành tựu công đức vi diệu như thế; ta tự hỏi phải có duyên gì Phật được trí huệ như thế và có được thân tướng tốt đẹp như vậy? Từ suy nghĩ ấy ta dùng bài kệ hỏi Phật:

Con nay thấy Thế Tôn

Ðạt được trí huệ sáng

chứng được đạo vô thượng

Do duyên, nghiệp quả gì

Sắc thân Phật khó bì

như ánh sao, trăng đầy.

Thần thông dạo đó đây

tùy chúng thuyết pháp mầu

Trí huệ không ai bằng.

Bậc tôn chúng Ðế Thích

tự tại trong mọi pháp

việc này con hỏi trước:

Trí Phật tịnh vô chướng

ba đời thông suốt được

hết thảy chúng tôn ngưỡng

Mong Phật giải cho con ?

Xưa Thế Tôn từng thấy

vô lượng chư Phật thảy.

Dám hỏi do nhân gì

Mong vì con giải nghi.

Nay hỏi bậc huệ trí

thành Phật làm sao chứng?

cho tất cả nương về,

thoát khỏi sanh tử mê?

Phật Ðức Vương Minh đáp Ngài Xá Lợi Phất bằng một bài kệ:

Như Ðồng tử đã hỏi

việc đúng như thế ấy.

Chư Phật ta từng thấy

số lượng hằng hằng sa

tính đếm biết bao là

Danh số của các Ngài

trong hằng sa kiếp đa

Ðem hỏi việc Phật Ðà.

Ông phát tâm Bồ Ðề

nên thành lưỡng túc tôn.

Hãy nghe ta nói rõ

nghe xong thực hành kỹ

không chán thường bố thí

trì giới luôn quyết chí

Nghe nhiều không che dấu

Tu tập chân trí huệ

Phật lược nói bài kệ.

Ðồng tử không biếng trễ

Muốn thành đạo Bồ Ðề

rộng phân biệt nói kỹ.

Không mỏi, ông bố thí

không mệt, tịnh giới trì

không dấu hỏi bậc trí

Ấy là nhân duyên gì.

Thật trí khó nghĩ  suy.

Vô thường, bất định vị

nhân duyên hỏi Phật kỹ

phát sanh chân huệ trí.

Phật trí không nương mắt

Tánh mắt vốn tự không

Ðừng chấp trước là xong

Trí huệ Phật cầu mong

tai, mũi, lưỡi, căn thân

và ý thảy đồng lòng

Các nhập cũng đều không.

Không thể tham chấp tướng

Bốn đại (1) hợp thành thân

Tâm sở (2) nơi y chỉ

tưởng phát sanh từ ý

ức tưởng cũng chẳng gì

Nếu không thân sở y

thọ mạng cũng chẳng quí

tài lợi có đáng gì.

Chứng đắc Phật đạo thì

xuất gia thường có chí

chuyên tinh tấn thiết tha

ham muốn dẹp bỏ qua

nẽo ác phải lìa xa.

Ông nên hành bố thí

cho hết thảy chúng sanh.

Ðối với chúng chẳng phân

cũng không thí lời suông.

Lúc đó vương tử Ðắc Niệm tâm rất hoan hỷ, ở trước Phật liền nói bài kệ:

Thế Tôn khéo trừ nghi

nhổ sạch sanh tử kỳ

Nói pháp diệu huyền vi

làm lợi lớn khắp thí.

Thành Phật ta quyết chí

ngồi đạo tràng niệm nghĩ

mối buộc diệt hết thảy

Ðược nghe pháp Phật dạy

Ta vì chúng dẫn đạo

cõi đại thiên chấn động

hiện biến lực thần thông.

Nghe pháp Phật dạy xong

nên thọ mạng chẳng ham

nhập vô dư Niết Bàn.

Mọi pháp thảy đều không

nhờ trí huệ chánh chân

biết tướng pháp không thật.

Vì pháp hay hủy diệt

hữu vi đều dứt sạch.

Dứt sạch tức là không.

Cha mẹ ta được gần

phụng thờ, báo thâm ân

Xuất gia Phật pháp chăm

đạo Bồ Ðề quyết lòng.

Dưới chân Phật lạy liền

đi nhiễu ba vòng xong.

Hướng cha mẹ vấn thăm

giữa đường ác ma gặp.

Bọn chúng móng tà tâm:

vương tử chớ có hòng

xuất gia ta phải cản;

quấy động tâm tán loạn.

Giữa đường ra đứng chận

gặp vương tử tra vấn:

xuôi về hướng nơi đâu?

Tiểu tâm đây muốn hỏi.

Vương tử lập tức bảo:

Ta chỗ Phật trực đáo

nghe pháp vô thượng đạo

nay muốn hành chánh giáo.

Ông lành thay! ma bảo

Tinh tấn cầu Phật đạo

dục lạc trước nhắm vào

rồi sau hẳn xuất gia.

Ông sanh nhà tôn quí

giàu có, dân dư giả

Trước phải hưởng vui đời

để sau khỏi có hối.

Ở nơi tôn qúi ấy

năm món dục dẫy đầy

bỏ xuất gia sao đành.

Về sau chắc hối tâm.

Vương tử đáp rõ ràng:

thọ dục thảy bất an.

Ông vì tâm đảo điên

tán thán pháp não phiền;

cho rằng phú quí khó

lìa tám khổ (3) khó hơn.

Ta nay đã phát tâm

xuất gia tu Phật đạo

cõi dục đều hiểu rõ;

cõi sắc, cõi vô sắc

ba cõi khổ, vô thường

trừ ái được thanh lương

Chứng pháp mầu vô thượng

chúng sanh làm lợi ích

độ thoát sanh, bịnh, chết

qua lại nẽo khổ đau.

Lúc đó ma Thất Niệm nói với vương tử rằng, nhơn giả tự tin chí cầu Phật pháp, ta nay cũng phải hóa tướng cầu lợi ích. Ðắc Niệm nói: như tôi đã nói, nghe thì phải biết. Ma nói: tôi xin thề với ông. Vương tử đáp: ô hay nhơn giả! Trước tôi đã nói, hễ nghe thì phải biết. Ðáp: ông không nên bảo đã nghe phải biết mà phải nói thế nào; chỉ thấy giáo hóa, nên theo giáo hạnh (4). Ðắc Niệm đối lại: tôi không phải như đệ tử theo pháp tùy sự chỉ dạy thực hành. Tại sao thế? Nếu ông ở trong giáo pháp mà tưởng nghĩ phi pháp, trong phi pháp mà tưởng pháp đem dạy ta, thì ta phải suy xét; việc thiện thì theo, việc ác nên bỏ. Cho nên kẻ trí đã nghe pháp thì phải biết. Ông muốn tôi trước phải lập lời thề: theo lời chỉ dạy thực hành, ấy là việc của phàm phu không phải của kẻ trí, là việc của ma làm ra, không phải của Phật pháp. Cho nên tôi không theo ông trước lập lời thề, vì sợ người trí cười chê tôi, cho rằng tại sao đã thề mà sau còn làm trái? Ma Thất Niệm nói. vương tử thông minh trí huệ không thể lập lời thề khó đến hư ngụy (dối). Thất Niệm nói thế xong bảo Ðắc Niệm rằng, lành thay vương tử! Theo pháp của kẻ trí không cần phải thề trước. Tuy nhiên nay tôi chỉ cho ông, ông phải tin nhận trong bất cứ việc gì, hễ thấy sai quấy nhiều thì nên bỏ, thấy ít lỗi lầm thì nên theo đuổi. Vương tử hỏi xong bảo ma rằng: ô hay bậc trượng phu! Ông không nên nói như thế. Tại sao vậy? Vì lỗi nhiều, lỗi ít đều không nên gần gũi; cũng như độc nhiều thì có thể làm hại người, mà độc ít cũng bị hại như thường. Như trong dòng vua Chuyển Luân có kẻ phản hại người, thì trong hàng hạ tiện cũng có người phản gây tổn hại người. Vì thế, ông nên biết, người trí phải biết, dù lỗi nhiều hay ít cũng đều phải xa lánh. Kẻ trí gần pháp không có các lỗi lầm, không giận, không phiền, vắng lặng bất động, an lạc hoàn toàn. Ma lại nghĩ tiếp: phải cho người này một bài học, không nên tin theo mà trả lời trái lại, thì chắc chắn sẽ rõ được điều trái mà ta nghi ngờ. Tuy nhiên cũng có cái lý riêng của nó theo điều suy nghĩ  của vương tử: dù ít lỗi nhiều lỗi gì cũng đều không nhận. Vì nếu Bồ Tát làm những việc lỗi lầm nhiều phải qua lại ở lâu trong đường ác thú. Những lỗi quấy tham dục, sân giận, si mê chẳng tìm cầu chúng đến mà vẫn có sẵn tiềm tàng từ nơi tham ái những món đồ quan trọng, từ đầu, mắt, tủy, não, và thân phần. Trong khi thực hành Bồ Tát đạo có những sai lầm như thế thì tâm vương tử lỗi ít còn bỏ huống gì là quấy nhiều. Nay nếu nghe hạnh Bồ Tát mà còn lỗi lầm thì hoặc thối chí theo pháp tiểu thừa, hoặc nhập Niết Bàn sớm, đây là điều làm băng hoại tâm Bồ Tát. Ma nghĩ thế rồi bảo vương tử: lành thay, lành thay! Những lời ông chân thật làm sao! Lỗi nhiều lỗi ít đều không nên gần là pháp của kẻ trí. Ta đã nói lầm, vì không hiểu được tâm ông. Vương tử nên biết, chỉ có Niết Bàn mới không còn các sai lầm. Vì thế ông phải nhất tâm cần cầu, dứt đường qua lại trong sanh tử, không thọ khổ nũa. Vương tử nên biết, thọ thai rất là khổ, lúc ở trong thai cũng khổ, sanh ra đời là khổ, yêu nhau mà chia lìa là khổ, ghét nhau mà hội ngộ là khổ, thân vô thường, khổ không, không bền chắc, nuôi dưỡng cực khổ, mạng sống mong manh, những việc vô thường thật là đáng sợ. Sanh tử mờ mịt không cùng tận! Kẻ trí nghe như thế cũng đủ nhàm chán. Ông phải tự nhìn lại rằng, chư Phật khó gặp, tránh khỏi tám nạn là khó, thân người khó được, kinh điển khó được nghe, tin giáo pháp cũng thật khó. Nay ông đã được đầy đủ mọi thứ chẳng những không bỏ mà còn sanh tâm xa lìa, thì ngay chính thân này có thể nhập Niết Bàn. Ý tôi muốn việc này nên bảo ông trước phải lập thệ nguyện cương quyết, rồi sau tôi mới nói, khi nghe phải biết. Vương tử đáp: nếu nhơn giả nói sanh, già, bịnh, chết vời vợi không cùng thì sự khổ đúng như đã nói. Nếu cho rằng ngay thân này phải nhập Niết Bàn thì không thể được. Tôi nghe thế rồi tăng thêm lòng từ bi đối với chúng sanh, phải thọ các khổ dày vò với cái già, bịnh, chết. Chúng sanh thật đáng thương xót! Ðến lúc tôi thành đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác sẽ vì chúng sanh mà thuyết pháp làm cho tất cả vĩnh viễn xa lìa, già, bịnh, chết. Nhơn giả thật là hy hữu thấy rõ được điều đại lợi ích ấy. Lúc nghe ông nói cái khổ sanh tử của chúng sanh, tôi khởi lòng thương xót, đem tâm cứu hộ. Nếu ngay thân này tôi nhập Niết Bàn thì ai cứu độ? Vã lại, ông đã nghe việc ấy nên làm chuyển đại nguyện bền vững của tôi. Lúc bấy giờ ác ma hỏi vương tử: như ông đã nói, ít lỗi còn không nên gần gũi thì nay tại sao muốn vào sanh tử? Ðáp: nhơn giả! Trong đạo vô thượng Bồ Ðề không có một lầm lỗi nào nên phải thân cận. Ma hỏi vương tử: đạo vô thượng tuy không lầm lỗi, song để cho ai kia, tôi đây cầu Phật đạo còn chưa được, huống gì là ông ư ? Theo tôi nghĩ: muốn đạt Phật đạo mà phát tâm tà thì có vô số người đến xin đầu, mắt, tủy, não và các phần cơ thể. Ma tiếp lời: này vương tử, tôi bỏ cả đầu, mắt, tay chân cho người đến xin, máu chảy thành sông, ông có muốn thấy không? Ðáp rằng, muốn thấy để được lợi ích. Ma nghĩ: tâm vương tử đối với đạo vô thượng cơ hồ khó lay chuyển nổi! Vương tử liền nói, tôi muốn thấy việc này vì sự lợi ích. Ma liền hóa ra bốn ao máu lớn, trong ao máu me tràn đầy. Trên bờ ao bốn dòng máu đều chảy đọng lại trên đầu mọi người cao như núi Tu Di. Máu vừa tan ứ lại thành màu xanh, vàng, đỏ, trắng; cũng như những thây người chết rã rời chất cao như núi, hoặc bị chặt tay chân đôi mắt lồi ra, hoặc bị cắt tai, mũi, đoạn lìa các phần thân thể. Lại có bọn quỉ dạ xoa ăn thịt người vây chung quanh bốn bên trông thật đáng sợ. Hoặc cầm dao gậy, cung tên, gươm dáo nhổ núi phun lửa, sấm chớp nổi lên, hoặc biến thành loài ác trùng, thú dữ, sư tử, hùm beo, đầu hổ báo, trâu ngựa, lạc đà, voi, đầu heo, chó, đầu rắn, đầu cá, cá voi. Bọn quỉ hoặc cầm rắn độc, hoặc miệng phun lửa, hoặc có hai đầu, 5 đầu, 10 đầu, 100 đầu, 1000 đầu hay có một lưỡi, 2 lưỡi, 10 lưỡi, 100 lưỡi, 1000 vạn lưỡi, hoặc có một mắt, 2 mắt, 5 mắt, 10 mắt, 100 nghìn vạn mắt; mỗi mỗi phát ra tiếng lớn nghe rất ghê sợ. Loài thú gầm gừ, mắt trợn trừng để lòi môi răng phun máu xối xã bốn bên. Làm những việc quái dị đáng sợ thế rồi, ma bảo vương tử rằng, nay ông có thấy bốn ao huyết lớn chảy thành sông, máu ra lai láng như thế có nhiều không? Vương tử đáp: thấy. Ma bảo: việc này do đạo tâm Bồ Ðề của tôi làm ra; lúc đó có những người đến xin đầu, mắt, tủy, não và thân thể tôi nên máu chảy thành sông lớn ấy. Ông cũng trông thấy núi Tu Di cao lớn bằng đầu người chụm lại chăng ? Vương tử bảo thấy. Ma nói: đây là do trước kia ta cho những người đến xin đầu đó. Ông cũng thấy thây người chết chất cao như bốn núi lớn đó hoăc chặt tay chân, lóc tai mũi, thân phần chăng? Vương tử bảo thấy. Ma nói: đây cũng do hạnh Bồ Tát lúc ta tu Phật đạo cho những người đến xin nên xã thân đó. Ông cũng trông thấy bốn phía bọn dạ xoa, ác quỉ có đáng ghê sợ không? Vương tử nói đáng sợ. Ma bảo: nếu người phát tâm vô thượng Bồ Ðề, tức làm cho bọn quỉ tới quấy rầy như xin đầu, mắt, tai, mũi, tay chân và những phần của cơ thể thật đáng khiếp sợ. Từ trước đến nay ta đã phát tâm đoạn lìa cả đầu và thân thể... như thế! Ma lại biến thành bọn đại la sát, bảo vương tử rằng, ông có trông thấy bọn la sát không? Vương tử nói: có thấy. Ma nói: nếu người phát tâm vô thượng Bồ Ðề bị bọn ma quỉ ăn hết ngũ tạng, uống bảy giọt máu làm cho mất mạng. Ông nay nên biết, nếu không từ bỏ tâm Bồ Tát không thoát khỏi các khổ này. Ta suy nghĩ kỹ việc này thật là khó, chẳng thể đạt được, không thể chịu đựng được nổi những khổ não ấy. Vì thế phải thối chuyển đạo vô thượng nên thối chuyển trước cho thoát khỏi các khổ nạn này để được an lạc. Ta vì sự lợi ích cho ông mới nói ra việc này. Ông chớ nên phát tâm vô thượng đạo nữa! Nếu ông còn phát tâm phải chịu các khổ này không biết bao giờ mới giải thoát được! Vương tử Ðắc Niệm suy nghĩ: ta ở nơi đức Phật phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác là muốn tiến tới bậc phụ mẫu; còn người này đang không giữa đường đã thấy bại hoại thế, chắc đây là ma hoặc ma hiện hình người. Việc này chắc là do ma sai sử làm cho ta thối chuyển đạo tâm trong Phật đạo nên đến quấy rầy ta. Người này đời trước chắc mắc trọng tội, nên ngày nay mới có những người đến xin đầu, mắt, tay chân, cắt lìa mạng sống như thế nên phải chịu sự đau đớn này. Lại nữa, những kẻ xin này có thể trợ giúp cho Bồ Tát thành đạo vô thượng. Tại sao thế? Vì những người xin từ chỗ bọn ma đến, đều do tham dục, sân giận, ngu si, ganh ghét, kiêu mạn... nên tới cầu xin Bồ tát một cách trái phép. Nếu ta không có đầy đủ nguyện lực ở thế gian đối với các chúng sanh này, làm sao có thể được lợi lạc ở xuất thế gian. Người này giải đãi không thể thâm nhập sâu được đạo Bồ Ðề nên sanh tâm thối chuyển. Thấy thế ta nay nên gia tâm tinh tấn cầu đạo vô thượng. Giả sử trong khoảng một hơi thở mà lìa bỏ thân mạng cho đến thân sau cùng, ta vẫn nhất tâm từ bỏ, lòng không một mảy may lui sụt. Nay ta phải phát đại nguyện: chúng sanh do phiền não khởi tạo nghiệp tội; ta phải chứng đạo vô thượng Bồ Ðề dứt trừ phiền não, vì chúng sanh mà thuyết pháp. Suy nghĩ như thế rồi ta bảo ma rằng, ô hay nhơn giả! Thật là hy hữu, kẻ cầu an ổn, thấy được lợi ích; chỉ có người khai đạo Bồ Ðề mới có thể hiện ra cho ta những việc như thế. Ta thấy thế liền phát nguyện trang nghiêm, nên niềm tin đạo Bồ Ðề càng thêm kiên cố.

Lúc ma Thất Niệm hiện ra sự biến hoá ấy lại càng làm cho vương tử tinh tấn, ưa tin sâu đạo Bồ Ðề gấp bội hơn lên. Ma nghĩ  xong bèn bảo vương tử rằng, nếu nhơn giả không tin lời tôi, thì nay tiểu tướng tự rút lui, mong nhơn giả tự biết. Lúc đó bọn dân ma bảo ma chúa rằng, nay vương tử không nhận Ngài chỉ giáo nên lánh xa đi. Ma nói: tôi rất đói khát muốn rũ rượi cả thân thể muốn nhai nuốt ngũ tạng, uống máu người kia. Có con ma khác lại nói: Ngài nên lánh xa đi, tôi phải làm cho thân vương tử tan nát mới được. Một con ma khác nói: ông hãy tránh xa đi, tôi sẽ làm tan đầu vương tử, hoặc có con quỉ bảo: tôi đã từng móc mắt, tai, mũi, lưỡi, các phần thân thể... Có một con tên La Sát nói: ông hãy đứng xa ra một chút, mạng vương tử nay đã đến lúc tàn rồi! Ông muốn được lợi ích mà không chịu nhận lời chỉ giáo nên nay ta phải giết ông để uống máu ăn thịt. Ðời đời thọ thai, ở trong bào thai, khi sanh ra đời ta thường ăn thịt người. Có một con quỉ dạ xoa liền nói: tên này bất tuân không chịu nghe lời chỉ giáo, nay nên bắt nó nhốt lại và đem giết quách nó cho rồi. Lúc đó ma Thất Niệm bảo quỉ La Sát rằng: các ông hãy nán lại một chút. Tôi phải làm cho tên vương tử Ðắc Niệm này chuyển tà kiến, vì nó ở trong đêm dài làm kẻ thiện tri thức. Các Ngài nán chờ tôi, xin cảm ơn các vị. Nay tôi muốn làm cho tên kia phát tâm chánh kiến. Nếu nó không chịu từ bỏ ác tà kiến là tùy ý nó. Nhược bằng nó chuyển tâm, tôi sẽ đền ơn các Ngài. Vương tử về sau cũng phải đền ơn tôi nữa. Lúc ma Thất Niệm bảo vương tử lần thứ hai, lần thứ ba là nên nhận những lời chỉ dạy. Thâm tâm tôi là muốn điều lợi ích, nên vì ông hoá làm kẻ thiện tri thức, ông nên bỏ tà kiến, điên đảo đi. Vương tử nên biết rằng, đạo vô thượng thật là khó chứng đắc. Ông có muốn trông thấy chư Ðại Bồ Tát sau khi mạng chung sanh vào chốn nào không? Vương tử đáp: muốn thấy. Lúc đó ma Thất Niệm liền ngay khi đó hóa ra thành cảnh đại địa ngục và hỏi vương tử rằng, ông có trông thấy chúng sanh trong địa ngục này chịu nhiều sự khổ tra tấn cực hình không? Vương tử đáp thấy. Ma nói: những người này đều do đời trước lúc mới phát tâm vô thượng Bồ Ðề, có những người xin trái phép cưỡng đến đòi xin những vật quí giá, do lòng keo kiệt sân hận nổi lên nên phải thọ tội báo trong địa ngục này. Chỉ trừ ngoại lệ mới không sanh vào đây; huống gì có kẻ đến móc đầu, mắt, tũy não mà tâm không sân; do tâm sân liền thọ tội ở đây. Nếu ông keo kiệt không cho thì sanh vào trong ngục này. Giả sử có cho mà tâm còn sân hận vẫn bị đọa vào đây như thường; cả hai đều phải thọ cái khổ này. Vương tử nên biết, người cầu bố thí không nên sanh tâm sân hận. Các quỉ dạ xoa này cũng ở trong bào thai, lúc sanh và sau khi ra đời liền bị giết chết, cơ thể bị cắt xẻ ra từng mãnh rồi mỗi con tự tha đi.Vương tử nên biết, con đường Bồ Tát cả hai bên đều có sai lầm. Như cho hoặc chẳng cho, cả hai cũng đều bất thiện cả. Ông không tin tôi thì nên hỏi người này xem tại sao lại sanh ở đây. Vương tử hỏi: ô hay nhơn giả! tại sao người sanh vào chỗ này? Mấy người ấy đáp: bọn tôi trước kia lúc tu Phật đạo đối với những người đến xin có tâm tham tiếc nên sanh vào đây.Họ nói tiếp: chúng tôi vốn cầu Phật đạo, có những kẻ xin đến cắt xẻ thân tôi. Lúc đó tôi nổi tâm sân giận nên phải đọa vào đây. Vì thế thưa vương tử, vương tử nên theo người này đã nói, chớ vào đây để rồi về sau hối hận.

Lúc bấy giờ vương tử gọi ma bảo rằng, ô hay nhơn giả! Thấy được lợi ích sâu xa, ông chỉ cho tôi địa ngục và vị Bồ Tát này. Kể từ nay trở đi đối với những vật quí trọng tôi không có tâm tham tiếc mà vui lòng bố thí. Nếu có cho người đến xin cũng không sân hận. Tại sao thế? Vì những người sanh trong địa ngục là hậu quả của những kẻ có tâm tham tiếc không bố thí. Ô hay nhơn giả! Chúng ta hãy cùng nhau đi tới chỗ Ðức Vương Minh Phật để hỏi việc này. Tùy chỗ Phật nói để chúng ta cùng thực hành. Ma Thất Niệm nói: tôi không biết dùng cách gì đi đến chỗ Phật cả, ông muốn đi thì cứ tùy ý. Tại sao thế? Vì tôi sợ Phật cũng lại dạy tôi phát tâm vô thượng đạo. Vương tử Ðắc Niệm bảo ma rằng: ông tự cho là kẻ được lợi ích lớn, là người an ổn, hãy cùng tôi đến hỏi Phật Ðức Vương Minh mới được. Tùy chỗ Phật nói mới cùng tu hành, như thế đến ba loại ma cũng không làm gì nổi. Vương tử lại đứng yên lặng. Ma nói: ta đã từng nghe theo lời Phật nên phải chịu các khổ, nay không thể đến chỗ Phật. Vương tử liền cầm tay ma đến chỗ đức Phật, đầu mặt lạy dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên, và đem chỗ đã luận ra hỏi đức Phật. Phật bảo: này Ðắc Niệm, lành thay, lành thay! Ông không nghe theo người này nói, đó là do ma Thất Niệm cố mê hoặc muốn ngăn cản đạo Bồ Tát của ông. Liền đó vương tử bảo Thất Niệm rằng, nay ông quy y Phật, Pháp và Tỳ Kheo tăng. Ma ngắt lời: ta không theo Phật, Pháp và Tăng; nói xong bèn im lặng. Lúc đó vương tử xem kỹ ma rồi nhứt tâm lập lời thề rằng: nếu con chí tâm cầu Phật đạo,  khiến con ma này hiện hình tỳ kheo. Liền lúc đó Thất Niệm đầu tròn, mặc pháp phục(5), mang bình bát đứng giữa đại chúng. Ma thấy mình thân hình xuất gia mặc pháp phục, mang bình bát, cầm tích trượng (6) làm tướng sa môn, nên bạch Phật rằng, thưa Thế Tôn: nếu như không có tâm quy kính ngôi Tam Bảo ma biến hình làm sa môn như thế có hợp pháp chăng? Phật bảo Thất Niệm: ai cho ông cạo đầu, mặc pháp phục, có theo đúng pháp không? Thất Niệm đáp ngay: không ai cho tôi cạo đầu, mặc pháp phục, làm sa môn cả. Nay tôi không sao cởi bỏ được nên rất thích pháp phục đúng pháp chẳng muốn rời. Ma nghĩ rằng, ta đứng trong chúng đây bao lâu cũng chỉ làm trò cười cho thiên hạ, ta nên biến hình trở lại cung điện cũ. Ma nghĩ thế rồi bỗng nhiên biến mất, bay lên thiên cung bảo quyến thuộc: các ông đừng gọi tôi là Tỳ Kheo mà đây chính là ma vương Thất Niệm. Tôi muốn thân đến chỗ Ðức Vương Minh Phật để quấy phá, ngược lại phải biến thành hình tướng này, thật đáng buồn cười thay! Lúc đó quyến thưộc chế nhạo rằng, người trụi tóc chớ có nói khùng. Ông  không phải là vua thiên ma, tại sao có mặt tại cung điện này. Thất Niệm nghe xong lòng rất hối hận, gào thét buồn thảm rồi lại đến chỗ đức Phật. Phật Ðức Vương Minh dùng lực thần thông hiện ra địa ngục a tỳ. Ở đó có tên ngục tốt cầm vòng sắt nóng lớn bằng núi Tu Di, đang rảo tìm chúa ma Thất Niệm khắp đông tây. Có người hỏi: ngươi đang làm gì đó? Dùng vòng sắt để làm gì? Ngục tốt trả lời: tôi muốn dùng vòng sắt nóng đỏ này bỏ vào miệng Thất Niệm. Có người khác lại nói: ma Thất Niệm đã làm sa môn được ra khỏi địa ngục rồi. Một tên ngục tốt khác nói: tôi vác núi lửa lớn này trên vai đi rảo khắp đông tây để tìm chúa ma Thất Niệm. Có kẻ hỏi: ngươi đang làm gì đó? Dùng núi lửa làm gì? Ngục tốt trả lời rằng, muốn đem núi lửa thiêu đốt tan nát thân xác tên kia. Có người lại hỏi: ma Thất Niệm đã được xuất gia rồi thì được thoát khỏi khổ địa ngục. Cũng có tên ngục tốt dùng rừng dao sắc nhọn lửa đang cháy hừng hực mang trên vai đi tìm chúa ma Thất Niệm khắp đông tây. Có người hỏi: ngươi đang làm gì đó? Dùng núi dao nhọn làm gì? Ngục tốt trả lời: muốn dùng dao cắt xẻo thân xác tên kia. Có người bảo: chúa ma Thất Niệm trong giáo pháp đã xuất gia theo Phật Ðức Vương Minh, nên đã thoát khỏi khổ địa ngục rồi. Một tên ngục tốt khác vai vác cái vạc lớn đựng đầy nước đồng sôi đi tìm ma Thất Niệm khắp đông tây mà không biết nay hắn đang ở dâu. Có người hỏi: ngươi dùng vạc đồng sôi làm gì? Ngục tốt đáp: muốn rót nước đồng sôi vào miệng tên kia, thiêu đốt lưỡi môi, yết hầu , ngũ tạng hắn cho nhừ nát bấy ra. Có kẻ nói: ma Thất Niệm ở trong Phật pháp của Phật Ðức Vương Minh đã xuất gia nên đã được thoát khổ địa ngục rồi. Hoặc có ngục tốt một tay cầm cung tên, một tay cầm dáo mác bằng sắt bén nhọn tìm khắp đông tây và nói rằng, ma Thất Niệm nay đang ở đâu? Có người hỏi: dùng binh khí làm gì? Ngục tốt đáp: tôi muốn dùng đủ loại binh khí này để đâm chích, cắt xẻ tan nát thân xác tên kia. Có kẻ bảo: chúa ma Thất Niệm đã xuất gia nên thoát khỏi khổ địa ngục. Lúc đó ma Thất Niệm ở trong địa ngục nghe bọn ngục tốt quát lên những âm thanh đáng sợ như bắt, tra tấn, trói buộc, đánh đập, cắt xẻo làm cho thân xác Thất Niệm tan rã đừng để hắn cựa quậy nữa. Thất Niệm nghe qua những việc như thế lấy làm thất kinh bèn nghĩ rằng, chính mắt ta trông thấy không còn nghi ngờ gì nữa. Ta định phá hết thiên cung vào đại địa ngục. Bọn ngục tốt bốn phía nổi lên la ó, muốn bắt nhốt tôi. Nay tôi phải trông cậy gì? Chỉ còn cách xuất gia là có thể tin cậy được. Nếu Phật tin ta là kẻ có lòng chí thành thì ở trong Phật pháp được xuất gia làm việc đạo để được thoát khỏi khổ trong đại địa ngục, bèn đem ý này tỏ bày với vương tử. Nghĩ như thế rồi, ma liền hướng về Ðắc Niệm tỏ bày mọi việc rằng: tôi muốn xuất gia theo Phật. Ðắc Niệm đáp: nếu ông có lòng tin thanh tịnh phải phát tâm vô thượng Bồ Ðề, rồi sau mới có thể xuất gia được. Tại sao thế? Vì trong Phật pháp không những chỉ chính thức cạo đầu, mặc áo tu gọi là xuất gia mà phải theo đúng pháp thực hành mới là chân chánh xuất gia. Ông phải làm như thế đã mới được xuất gia. Thất Niệm ông nên biết, ở trong Phật pháp, nếu kẻ còn tham chấp ngã, những vật sở hữu và còn phân biệt không gọi là người xuất gia được. Này Thất Niệm, trước hết ông nên phát tâm vô thượng Bồ Ðề, sau dùng pháp quán chân chính như địa ngục là gì? Tìm xét tánh địa ngục chắc chắn không có định tánh của địa ngục, cũng không thấy pháp nào vào địa ngục hay không vào cả. Lúc đó vua Thất Niệm liền phát tâm vô thượng Bồ Ðề, thường dùng pháp chánh quán ấy nên chẳng bao lâu được pháp vô sanh nhẫn.

Này Xá Lợi Phất, vương tử Ðắc Niệm nhất tâm vấn nạn ma Thất Niệm làm cho ma từ bỏ những điều ác đạt được tâm không thối chuyển, nên được Phật Ðức Vương Minh thọ ký đạo vô thượng Bồ Ðề. Này Xá Lợi Phất, như thế mới chính danh là chân tâm Bồ Tát. Chư Bồ Tát dụng tâm như thế nên tích chứa được vô lượng vô biên Phật pháp. Xá Lợi Phất, ông cho ma Thất Niệm là người nào lạ chăng? Chớ nghĩ như thế! Trong đời quá khứ có Phật Câu San Ðề thuộc hiền kiếp (7) đã độ thoát vô số chúng sanh rồi nhập Niết Bàn. Lúc đó Ðắc Niệm đâu phải người nào lạ mà nay trong đại chúng đây chính là Kiên Ý Ðại Bồ Tát. Xá Lợi Phất, lúc bấy giờ Ðắc Niệm đến trước cha mẹ rồi đứng qua một bên thưa cha mẹ rằng, theo giáo pháp của Phật Ðức Vương Minh nay con muốn xuất gia, nên đứng trước cha mẹ nói bài kệ rằng:

Con theo pháp xuất gia

mẹ cha chớ ngăn cản

Xuất gia Phật tán thán

xứng đáng làm chúng vui

Muốn được hưởng đế vương

giàu thịnh sanh cõi trời

huệ, công đức tuyệt vời

chí xuất gia không rời

Mẹ cha bậc tôn quí

hành giữ giới, bố thí

tạo công đức thiện lợi

nên được làm pháp vương

Ðiều thiện muốn tăng cường

hành xuất gia phương tiện.

Người đời thọ phước tận

nẽo ác phải đọa vào

tạo trọng tội nghiệp báo

không thể gặp Phật bảo.

Nếu người xã phước dư

xuất gia việc thiện giữ;

tám nạn lìa xa thảy.

Thường gặp Phật hoan hỷ

Gặp Phật tin vững chí

tỏ bày niệm kính tôn

Tâm quy thuận thực hành

đạo vô thượng chứng thành.

Nếu muốn lìa các nạn

ác tri thức lánh xa.

Theo con, hạnh xuất gia

là niềm vui đại chúng:

trời, rồng, quỉ, thần tụng,

và càn thát bà cũng

không thể nào ngăn cản

khiến ta chẳng xuất gia.

Nếu muốn ngăn cản đà

tự chúng tạo nghiệp tội

như voi chúa hùng mạnh

tùy chúng muốn phá quấy

Con nay cũng thế ấy

trừ bỏ buộc tham ái.

Ðoạn xong phải xuất gia

không ai lay chuyển cả.

Trọng ý con mẹ cha

chấp thuận cho xuất gia

Bên hữu đi nhiễu xong

đến chỗ Phật thong dong

Cầu Phật xuất gia xong

Vô số chúng đồng lòng

phát tín tâm Bồ Ðề

theo vương tử xuất gia

chính là thiện tri thức

Vô số trưởng giả khác

tin sâu nơi Phật pháp

cũng đồng lòng xuất gia.

Vua thấy con lìa nhà

cũng phế bỏ sơn hà

theo chân đám quyến thuộc

tám mươi ức người thân

bảy mươi na do tha

nhất loạt đồng xuất gia.

Bấy giờ bà phu nhân

nghe vua đã xuất gia

cùng tám vạn dâm nữ

cũng muốn xuất gia nữa

bèn theo chân vương tử

mà phát tâm Ðại Thừa

chí xuất gia vui ưa

ai chẳng theo thọ học.

Này Xá Lợi Phất, ông cho rằng cha Ðắc Niệm gieo căn lành làm vua thuở trước là người nào lạ chăng? Chớ nghĩ như thế mà đấy chính là ta đây. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn liền nói bài kệ rằng:

Lúc đó vua, đại thần

đám dâm nữ, người thân

hai vạn một nghìn năm

đều tu hạnh tịnh thanh

lúc mạng chung Phật kia

Bảo chúng miệng mỉm cười

ta thọ ký nhà vua

Bổn hạnh nguyện nói qua

Vua tu hành phạm hạnh

phát nguyện Ðại Thừa cao

các nạn chẳng đọa vào

sanh nơi không hiểm nạn

Vô lượng kiếp vua quán

cúng dường chư tôn Phật

trong hiền kiếp hoàn tất

thành Phật Thích Ca Văn

vua cùng với thân bằng

Ðắc Niệm, tỳ kheo tăng

nương theo Thích Ca Văn

xuất gia làm đệ tử

Tịnh giới hành Phật sự

Chết lại được thân người.

Sau khi Phật diệt rồi

phân chia xá lợi (8) khắp

nghĩ tới đời mạt pháp (9)

lúc Phật pháp sắp diệt

được nghe trọn kinh điển.

Ta nay đã nói kinh

Phật huệ làu thanh tịnh

Trí sáng nói lời thiện

hàm trong bao ngôn luận

rốt ráo đều chân thật.

Nếu người nghe pháp Phật

tin kính nương tu học

thì chẳng có hồ nghi

ta chẳng được thọ ký.

Có người ở mạt thế

hiểu sâu pháp nhẫn, huệ

suy nghĩ kỹ như thế.

Ta nghe pháp vương đây

Tỳ kheo, Tỳ kheo ni

cùng người thanh tín nữ

Tin sâu trong pháp ngữ

Ta đều thọ ký cho.

Lúc Phật nói pháp xong

trong chúng hội số đông

cả tám mươi ức người

bảy mươi na do tha

đều được nhẫn, nhu hòa

làm con đấng Pháp Vương (10)

24 - Phẩm CHÁNH KIẾN thứ hai mươi bốn

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn hỏi Xá Lợi Phất: chánh kiến là nghĩa thế nào? Xá Lợi Phất đáp: chánh kiến là quán các pháp không cao, không thấp, chỗ thấy không khác nên gọi là chánh kiến.

Chánh kiến những gì? Mắt là Niết Bàn nên không lìa mắt mà có Niết Bàn. Mắt và Niết Bàn là hai cái đồng nhau. Lấy gì cho là đồng? Chẳng phải mắt đồng với mắt; chẳng phải Niết Bàn đồng Niết Bàn. Tại sao thế? Vì trong mắt không phải là mắt, trong Niết Bàn không phải Niết Bàn. Trong con mắt không có Niết Bàn, trong Niết Bàn không có mắt. Mắt và Niết Bàn không hai cũng không phải khác. Vì không hai khác nên gọi là đồng nhau. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý... là Niết Bàn; không thể lìa ý mà có Niết Bàn, cho nên ý và Niết Bàn là hai thể đồng nhau. Lấy gì cho là đồng nhau? Chẳng phải ý đồng với ý, chẳng phải Niết Bàn đồng Niết Bàn. Tại sao? Vì trong ý không phải ý, trong Niết Bàn không phải Niết Bàn. Trong ý không có Niết Bàn, trong Niết Bàn không có ý. Ý và Niết Bàn không hai cũng không khác. Như không phân biệt pháp tức là không, không là đồng nhau, nên gọi là chánh kiến. Lại nữa Xá Lợi Phất, là chánh kiến nên gọi chánh kiến. Trong cái chánh không có tà nên gọi là chánh kiến. Hơn nữa, cái thấy ấy vô cùng tận nên gọi là chánh kiến. Thế nào là mất chánh kiến? Này Xá Lợi Phất, trái ngược lại kinh điển không tin, không thọ trì, đọc tụng, không theo đúng pháp thực hành là mất chánh kiến. Này Xá Lợi Phất, phân biệt các pháp như thế gọi là mất chánh kiến. Tại sao? Vì không phân biệt tức là chánh kiến. Như trong kinh nói: nếu đệ tử của các bậc Thánh không niệm tướng đất, cũng như không nghĩ tới đất đây đất kia, ta trong đất, đất trong tă; cũng không nghĩ tới những chất nước, gió, lửa khác. Không nghĩ tới các cõi trời Phạm Thế, Quang Âm, Biến Tịnh cũng không nghĩ tới các trời Quảng Quả, Vô Cuồng, Vô Nhiệt, Không Xứ, Thức Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng. Không nghĩ tới Niết Bàn, cũng không nghĩ  tới đây kia là cảnh Niết Bàn mà Niết Bàn chính trong ta, ta trong Niết Bàn. Này Xá Lợi Phất, chánh kiến không có hết thảy vật gì để thấy cả. Tại sao? Vì có sở kiến cũng là tà kiến. Không hết thảy vật gì thấy tức là chánh kiến. Này Xá Lợi Phất, chánh kiến không thể nói là thấy được. Tại sao thế? Vì tất cả lời nói chỉ là âm thanh trống rỗng, do người tham chấp mà có thôi. Này Xá Lợi Phất, cũng như chỗ biết của Như Lai là chánh kiến, vì trong cái thấy biết của Như Lai không có tà kiến. Tại sao? Vì tất cả lời nói đều có bên trong, nên không nói ra lời nói cũng vậy. Xá Lợi Phất, tất cả nghiệp của thân cũng thế, đều có sẵn bên trong, không chánh không tà, không có phân biệt. Này Xá Lợi Phất, tất cả nghiệp đều ở trong thân, chẳng chánh, chẳng tà, không có phân biệt. Tất cả nghiệp báo cũng có sẵn bên trong như nghiệp chuyên nói chẳng hạn, nên Như Lai nói lời chân thật. Ngài nói thế nầy: nếu có tạo nghiệp chắc chắn có nghiệp báo. Nghiệp báo theo nghiệp vậy. Như thế này Xá Lợi Phất, ấy là trí phân biệt trong năm đường (11). Trí phân biệt trong năm đường ấy đều là phi trí, tất cả năm đường đều do phi trí sanh. Này Xá Lợi Phất, Bồ Tát nghe thế  không nên kinh sợ mà lui sụt đạo tâm. Xá Lợi Phất, có bốn loại pháp, nếu quen gần gũi sẽ tăng thêm ngu si, không phát sanh trí huệ. Những gì là bốn?

1)  Ðọc tụng kinh điển ngoại đạo tăng thêm ngu si không sanh trí huệ

2)  Thân cận tu tập các pháp tà kiến tăng thêm ngu si không sanh trí huệ

3)  Ưa việc quyết đoán tăng thêm ngu si không sanh trí huệ

4) Xa các pháp mầu nhiệm, cùng pháp không, tương ưng; không thọ trì, đọc tụng, cũng không có chánh quán, tăng thêm ngu si không sanh trí huệ. Ðó là bốn pháp.

Này Xá Lợi Phất, trái với bốn pháp này thì phát sanh trí huệ nên phải tu tập. Những gì là bốn?

1)   Tu tập chánh kiến nên đoạn tà kiến. Ðó là pháp thứ nhất dứt trừ ngu si phát sanh trí huệ.

2)   Nếu có đọc tụng kinh điển ngoại đạo phải giữ hạnh thanh tịnh, nên xa lìa, không nên mắc kẹt trong đó. Ðây là pháp thứ hai phá trừ ngu si phát sanh trí huệ

3)   Xá Lợi Phất, như có nhiều nơi, có người ưa quyết đoán, phải giữ hạnh thanh tịnh, không nên cùng ở chung. Nếu muốn ở chung chỉ nói tới việc đạo, chớ bàn việc tạp phi pháp để trừ sự quyết đoán, hầu an ổn đồng hành; cũng như đánh bạt những điều phi pháp, trong tăng hòa hợp không làm tan rã. Ðó là pháp thứ ba phá trừ ngu si phát sanh trí huệ.

4)   Xá Lợi Phất, gần gũi những kinh điển cao siêu nhiếp tâm, nghe xong liền thọ trì, tu hành đúng pháp. Vì người truyền bá làm cho giáo pháp tồn tại lâu dài. Ðó là pháp thứ tư phá trừ ngu si phát sanh trí huệ. Như trên đó gọi là bốn pháp. Này Xá Lợi Phất, pháp của Bồ Tát là thực hành sâu với tâm hổ thẹn, giữ gìn giới luật thanh tịnh, không tạo nghiệp. Bồ Tát phải sanh tâm không sợ sệt phát nguyện trang nghiêm. Bồ Tát thường hay tu hạnh của bậc đại nhơn chuyên cần tinh tấn, không biết mỏi mệt.

 

25- Phẩm CA NGỢI GIÁO PHÁP thứ hai mươi lăm 

Phật bảo Xá Lợi Phất, nếu Bồ Tát hộ trì chánh pháp phải thông suốt lý luận chân chánh, học hỏi nơi đệ tử của ta, lúc bấy giờ Như Lai rất là vui mừng. Tại sao thế? Vì kế thừa Phật chủng nên các đệ tử Thanh Văn phải vì Bồ Tát mà diễn thuyết chánh pháp dạy người lợi lạc, được vô lượng vô biên phước đức.

Này Xá Lợi Phất, như chúng đệ tử ta là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, nghĩ tới Phật, nghĩ tới giáo pháp, cũng như nghĩ tới Như Lai, vì cầu pháp mà chịu cần khổ trong vô số kiếp. Do nghĩ thế nên vì Bồ Tát mà thuyết pháp, cho dù một bài kệ. Lại suy nghĩ rằng, chư Bồ Tát hoặc nghe pháp, hoặc chỉ dạy làm lợi lạc cho ngườinên gieo căn lành, tu tập Phật pháp, đạt được vô thượng chánh đẳng chánh giác, là trừ được vô số các khổ não sanh tử của chúng sanh từ vô thỉ mà thuyết pháp để được phước đức. Giả sử bốn loài hữu tình trong trời đất, hễ có chúng sanh đều được thân người. Ðối  với phước này mỗi chúng sanh đều được một phần lớn như núi Tu Di mà phước đức ấy vẫn không hết được. Lại nữa, này Xá Lợi Phất, đem bốn châu thiên hạ, hoặc tiểu thiên, trung thiên, đại thiên thế giới có chúng sanh, hoặc có hình, vô hình, có tưởng, chẳng tưởng, chẳng phải không tưởng khiến trong một lúc được thân người; mỗi mỗi cầm một thứ binh khí lớn như núi Tu Di mà đi, do phước đức đầy đủ nên không thể nào hết được

Này Xá Lợi Phất, các đệ tử của ta là chúng Tỳ Kheo, Tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, được Bồ Tát nói một bài kệ bốn câu, chỉ chỗ lợi lạc được phước đức vô lượng. Xá Lợi Phất, các vị Bồ Tát ấy, nếu biết những người này và vì họ mà thuyết pháp được lợi lạc vô cùng, nên được thành tựu Phật pháp như thế, là làm tăng trưởng trí huệ giác ngộ. Nếu dùng đầu đội vai mang tất cả đồ ưa thích cung cấp cho đến khi thành đạo vô thượng Bồ Ðề, trước hết là thuyết pháp cho họ nhận rõ tứ đế (12). Này Xá Lợi Phất, chư vị Bồ Tát tuy cung cấp lợi ích như thế, song cũng chưa báo ân được. Tại sao thế ? Do người này còn thấy có vô lượng Phật pháp nên biết vì chư Bồ Tát mà giảng pháp, ân đức họ thật khó báo đáp. Xá Lợi Phất, lui về quá khứ lâu xa số kiếp, lúc bấy giờ có đức Phật hiệu là Phổ Thủ Như Lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải,  vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn thọ bảy vạn tuổi. Phật có ba đại hội chúng Thanh Văn; hội thuyết pháp lần đầu tiên có tám mươi vạn người đều được chứng quả, hội thuyết pháp thứ nhì có sáu mươi vạn, và hội thuyết pháp sau cùng có bốn mươi vạn người cũng được thành đạo chứng quả.

Này Xá Lợi Phất, sau khi Phật Phổ Thủ diệt độ chánh pháp lưu hành trong 4000 năm. Lúc giáo pháp sắp diệt có một tỳ kheo tên là Diệu Trí thông minh trí huệ, hiểu rộng nghe nhiều, cũng lúc đó cõi Diêm Phù Ðề có vị vua tên là Hoan Hỷ, vua ở tại một thành cũng tên là Hoan Hỷ. Thành ấy bề dài mười hai do tuần, rộng bảy do tuần. Nhân dân trong thành được đầy đủ phú cường, yên tịnh. Lúc ấy trong thành có một trưởng giả tên là Nhu Nhuyến, trưởng giả có người con tên là Lợi Ý, tìm đến chỗ Diệu Trí rồi ngồi sang một bên. Lúc đó tỳ kheo Diệu Trí nói pháp Ðại Thừa cho nghe. Con ông trưởng giả nghe pháp tâm rất hoan hỷ, liền đem áo quí đáng giá một ức đồng tiền vàng cúng dường cho tỳ kheo và nói thế này: lành thay pháp sư, nói pháp vi diệu, mong Ngài chiếu cố đến nhà tôi nói pháp ấy để chúng tôi được nhiều lợi ích mà pháp sư bố thí pháp cũng được quả tốt. Kể từ hôm nay trở đi tôi xin dốc lòng cúng dường y phục, đồ ăn uống, thuốc thang, những thứ đồ dùng cần thiết và đồng ý theo làm đồ đệ của Pháp sư. Tỳ kheo Diệu Trí nói: lành thay! Tôi cũng dốc lòng cúng dường cung cấp. Lúc đó con ông trưởng giả lạy sát dưới chân rồi theo sau Diệu Trí về nhà, và Diệu Trí giáo hóa Lợi Ý. Cha mẹ thân quyến Lợi Ý đều có chí cầu đạo vô thượng Bồ Ðề. Con ông trưởng giả nhờ phước đức ấy trải qua vô số kiếp chưa từng rời xa Phật, thường được nghe pháp và gặp được các bậc thiện tri thức. Này Xá Lợi Phất, ông cho rằng Lợi Ý đó là người nào lạ  chăng? Ðừng nghĩ như thế mà chính là ta đây. Còn cha Lợi Ý, trưởng giả Nhu Nhuyến là Phật Ca Diếp đấy. Này Xá Lợi Phất, ông có nghĩ rằng cha mẹ Lợi Ý, người nhà và thân quyến đối với đạo vô thượng có thối chuyển không? Chớ nên nghĩ thế. Tại sao vậy? Vì những người ấy đã cương quyết trong đạo Bồ Ðề, nay họ ở chỗ ta tu hành phạm hạnh nên được thọ ký đạo vô thượng Bồ Ðề. Này Xá Lợi Phất, tỳ kheo Diệu Trí ở trong thân kia mà được Niết Bàn. Nếu tỳ kheo không theo pháp Tiểu Thừa nhập Niết Bàn, chỉ vì Lợi Ý mà thuyết pháp cho một người, nhờ phước đức nhân duyên ấy được thành Phật đạo, huống là vì trưởng giả Nhu Nhuyến và thân quyến mà thuyết pháp phước đức biết chừng nào! Xá Lợi Phất, nếu tỳ kheo không nhập Niết Bàn, không thấy rõ người đời cúng dường đầy đủ tất cả những vật dụng cần thiết để tìm cách báo ân. Tại sao thế ? Vì ta được nghe pháp từ tỳ kheo Diệu Trí nên chóng đạt được Phật pháp thanh tịnh nhiệm mầu. Vì thế, ông nên biết, nếu người nào vì Bồ Tát mà nói pháp chỉ dạy điều lợi lạc chắc chắn sẽ được vô lượng phước báu. Tại sao thế? Vì Bồ Tát phát tâm là để làm vô số những việc lợi ích ấy. Này Xá Lợi Phất, cũng như đại dương từ sông mà thành; nên biết bảo châu ma ni có giá hay vô giá đều từ đại dương mà có. Bồ Tát phát tâm cũng như thế, lúc đầu từ từ rồi mới có trí huệ sáng phát sanh, trí thế gian hay xuất thế gian, hữu lậu hay vô lậu, hữu vi hay vô vi; tất cả các pháp hoặc sạch hoặc dơ. Xá Lợi Phất, cũng ví như đại dương lúc đầu là sông, nên biết lấy thân chúng sanh làm chỗ tạo tác, và từ đó được sanh trưởng, nuôi dưỡng thêm xinh đẹp. Bồ Tát phát tâm cũng như thế, lúc mới đầu từ từ rồi thành vô lượng vô số thân đại trí huệ, thân đại thiện căn, lấy thân chúng sanh làm chỗ nương tựa, đều nương từ từ mà tăng trưởng. Xá Lợi Phất, ví như nước biển lúc đầu là chỗ trú ẩn của đại long vương; những đại long vương ấy không bị nuốt trửng đôi cánh vàng trong khi lướt gió cũng không bị biển làm hại. Các đại long vương từ đại dương xuất hiện có thể nổi mây lớn che trùm khắp tám vạn châu, phun nước tung toé mà  không chảy tràn. Này Xá Lợi Phất, Bồ Tát phát tâm cũng như thế, lúc đầu từ từ rồi thành Phật đạo, lấy rồng Ðại Bồ Tát làm chỗ nương tựa. Ðại long vương ấy không bị nuốt trửng đôi cánh vàng; nếu Bồ Tát trụ sâu trong Phật pháp  bọn chúa ma, dân ma không thể nào xuất hiện làm hại. Ðại long vương không bị đôi cánh vàng tung gió làm hại, nếu muốn hại liền bị tiêu diệt ngay. Bồ Tát cũng thế, chúa ma, dân ma không thể nào làm hại được. Nếu có tâm làm hại thì liền bị tiêu diệt ngay; tiêu diệt ma buộc, việc ma, ma nghiệp...

Này Xá Lợi Phất, đại long vương xuất hiện từ đại dương trong bốn châu thiên hạ và trong tám vạn châu để chan rải trí huệ thấm nhuận xuống khắp cỏ cây rừng rậm, trăm thứ hoa màu, cây thuốc đều được sanh trưởng; cũng làm cho loài chúng sanh có hai chân, bốn chân... không còn tưởng đến đói khát nữa. Rồng làm mưa xong trở về cung rồng. Rồng Ðại Bồ Tát cũng như thế, từ pháp Phật mà ra nên ở trong bốn nghìn đại thiên thế giới, những thành ấp, thôn trang được mưa đại pháp rưới khắp, có thể đoạn trừ ba thứ khát ái: dục ái, sắc ái và vô sắc ái của vô số chúng sanh. Xá Lợi Phất, cũng như đại dương lúc đầu thành hình cũng phải ở trong bốn châu thiên hạ và trong tám vạn châu khác. Có những nơi có nước lưu chuyển như mưa lớn, mưa nhỏ, nước của sông hồ, thác suối đều chảy vào biển cả; biển dung nhận được tất cả mà vẫn không tăng không giảm như biển pháp có nhiều loại nước đổ vào đều mất hút trong đó, chỉ còn là nước biển, mất hết mùi vị chỉ còn là vị mặn. Bồ Tát phát tâm cũng thế, từ đầu muốn đạt được đạo vô thượng Bồ Ðề phải đầy đủ Phật pháp, rồi nhờ trí huệ mà trừ nghi chúng sanh. Các vị đại luận sư có đủ thiện căn phước đức trí huệ đã thành tựu; nếu chưa thành, Phật vì họ mà trừ nghi đều mất hết tên riêng mà chỉ gọi là đệ tử của Phật. Như nước đại dương chỉ có một vị mặn. Các đệ tử của ta đều được lìa dục nên chỉ có một vị giải thoát.

Này Xá Lợi Phất, như nước biển từ từ rồi mới sâu dần. Nếu nước biển từ bờ đã sâu những kẻ tìm châu báu không thể vào được. Vì biển cả từ từ sâu đến vô cùng nên thành đại dương. Tâm của Bồ Tát cũng thế, lúc đầu nông cạn rồi dần dần sâu cho đến vô cùng. Này Xá Lợi Phất, tâm Bồ Tát thậm thâm do hành ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Vì sâu thẳm nên gọi là  ‘ba’hoặc ba la mật, vì thế Phật pháp mầu nhiệm vô cùng... Này Xá Lợi Phất, Bồ Tát đạo trên thực tế lúc đầu đã thâm diệu, nên vô số chúng sanh cầu pháp mầu đều không thể vào được. Xá Lợi Phất, cũng như đại dương sở dĩ thành, vì đem lại được nhiều lợi ích cho tất cả quốc giới. Bồ Tát phát tâm cũng thế, từ lúc đầu vì lợi ích cho tất cả thế giới. Xá Lợi Phất, cũng như đại dương lúc đầu đã có ngọc báu. Bồ Tát phát tâm cũng thế, lúc đầu từ bốn niệm xứ (xem chú thích trước), bốn chánh cần (13), bốn như ý túc (14), năm căn, năm lực (15), bảy trợ đạo Bồ Ðề (16), bát chánh đạo  và các môn thiền định, giải thoát pháp bảo tam muội.

Xá Lợi Phất bạch Phật, thật hy hữu thay, đức Thế Tôn! Phật khéo dẫn các thí dụ về đại dương chỉ rõ Bồ Tát phát tâm được phước đức vô lượng. Phật bảo Xá Lợi Phất, tâm Bồ Tát không thể nào ví như đại dương được, ông nên biết. Tại sao? vì Bồ Tát phát đại nguyện trang nghiêm sâu xa, nếu Như Lai nói phước đức của Bồ Tát mãn một kiếp hay hơn một kiếp cũng không thể nào hết được. Tại sao thế? vì chư Bồ Tát phát tâm nguyện như thế nên thành tựu việc lớn thâm sâu cao đại, khó ai hơn, không gì hoại được, có thể ban cho chúng sanh tất cả điều vui; chuyển cái khổ của ba cõi thành đại trí huệ nên rất khó lường chỗ cạn sâu, không bị chướng ngại, được đại quang minh. Xá Lợi Phất, nói cách vắn tắt tâm Bồ Tát trở thành vĩ đại nói không thể nào hết được. Xá Lợi Phất, ví như cõi tam thiên đại thiên như ta biết lúc đầu có chỗ nương tựa chung cho tất cả chúng sanh. Bồ Tát cũng như thế, lúc đầu phát tâm vô thượng Bồ Ðề là vì muốn cho vô số chúng sanh được trí huệ. Xá Lợi Phất, ví như núi chúa Tu Di lúc mới thành hình, là chỗ nương tựa của vô số chư thiên, vì sơn vương ở các cõi trời Ðao Lợi quấy phá bọn a tu la. Bồ Tát cũng thế, lúc đầu phát tâm vô thượng Bồ Ðề, tu hành, thành Phật là để làm điểm tựa cho vô số chúng đệ tử, như trời Ðao Lợi nhờ Núi Tu Di mới có thể quấy phá được chúng a tu la; cũng như chúng sanh nhờ Như Lai nên diệt được bọn ma. Xá Lợi Phất, như núi chúa Thiết Vi mới đầu trong đó đã có các chúng sanh bị khuất lấp bởi tám ngọn gió (17) dữ nên không thể làm hại được. Bồ Tát cũng như  thế, lúc đầu phát tâm vô thượng Bồ Ðề, rồi dần dần kiên cố khó lường; nên biết vì thân cận Bồ Tát, chúng sanh bị các ma chướng ngăn che cũng không thể nào quấy phá được. Xá Lợi Phất, như núi Tuyết lúc mới thành hình đã có những loại cỏ thuốc sanh trưởng trong đó. Bồ Tát cũng như thế, lúc đầu vì vô số chúng sanh mà học các phương thuốc để diệt trừ phiền não. Xá Lợi Phất, cũng như ngọc báu là để làm một phần lợi ích cho vô số trăm nghìn vạn ức chúng sanh. Bồ Tát cũng như thế, ngay từ lúc phát tâm đã khởi tánh trí huệ cao quí, vì làm một phần lợi ích cho vô số chúng sanh trong a tăng kỳ kiếp. Xá Lợi Phất, cũng như mặt trời lúc đầu thành hình phải chiếu ánh sáng đến bốn châu thiên hạ, và tám vạn các châu khác đều được nắng ấm. Bồ Tát cũng như thế, từ lúc đầu phát tâm rồi dần dần tăng trưởng cho đến khi thành quả vị Phật, phải biết vì chúng sanh trong ba nghìn đại thiên thế giới mà soi sáng Phật pháp; cũng có thể làm khô cạn những tham ái, sân giận, phiền não tràn trề. Xá Lợi Phất, cũng như ao A Nậu Ðạt lúc mới đầu là chỗ nương tựa của rồng A Nậu Ðạt; rồi từ bờ chảy ra bốn sông lớn đều làm lợi ích cho những loài chúng sanh hai chân hoặc bốn chân trừ hết khát, sanh ra châu báu rồi dần dần chảy vào đại dương. Giáo pháp Ðại Thừa lúc đầu cũng như thế, tất cả Bồ Tát đều nhân "thừa" này mà tu tập Phật pháp để đạt vô thượng Bồ Ðề thì có thể lưu chuyển trong bốn sông đại pháp, là nghĩa vô ngại, pháp vô ngại, lời nói vô ngại, biện tài vô ngại; không vô tướng, vô nguyện, tám mặt bỏ vị năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo, vô số chúng sanh nghe những pháp ấy để diệt sạch phiền não, vĩnh viễn xa lìa đời sống để chứng đạo. Như thế, Xá Lợi Phất, chư Bồ Tát lúc đầu phát tâm rồi dần dần có thể thành rộng lớn khó ai hơn, không thể nào hoại diệt, là những việc vi diệu vô cùng, cũng vì sự lợi ích cho vô số chúng sanh làm cho chúng phát tâm vô thượng Bồ Ðề. Xá Lợi Phất, Như Lai tuy nói lời như thế nhưng không thể nói hết được. Vì thế nên biết, có người vì Bồ Tát mà nói pháp, chỉ dạy làm cho lợi lạc được vô lượng công đức không thể tính đếm hết được. Xá Lợi Phất, ta dùng Phật nhãn quán xét phước báu này thấy không có bờ mé, mà tùy theo "thừa" gì để đạt đến, như có người gieo căn lành Phật chủng cho đến khi đạt được quả Niết Bàn, giữa chừng không thể nào hết được. Xá Lợi Phất, lui về đời quá khứ có một vị Bồ Tát tên là Lạc Pháp sanh vào giòng vua chúa do nghe được lời thiện lành nên đọc tụng, biên chép. Lúc ấy vương tử muốn cầu pháp nên đi tìm thầy khắp nơi, có một người đang ở trong một cái hang sâu nói với Lạc Pháp rằng, vương tử đến đây tôi xem tướng và nói Phật kệ cho. Lúc ấy người kia lên trên miệng hang gọi Lạc Pháp mà nói rằng: ô hay nam tử! ông hãy nghe ta nói Phật kệ. Người ấy nói: chẳng có cái không tướng nào đáng giá cả. Lạc Pháp Bồ Tát thân mặc y báu, y này đáng giá hai mươi ức tiền vàng, dùng ngọc ma ni, anh lạc đeo cổ, những ngọc báu ấy đáng giá bốn mươi ức tiền vàng. Người kia thấy ngọc báu liền khởi lòng tham muốn, nghĩ thế này: nếu vương tử cho ta áo châu ma ni, và chuổi anh lạc, sau đó ta mới nói Phật kệ cho nghe. Lúc đó vương tử hỏi người kia rằng, phải đưa vật gì cho, ông mới nói Phật kệ? Lòng tham của người kia lại càng bừng bốc hơn lên nên nói với Bồ Tát rằng, nếu Ngài cho tôi y báu đang mặc và chuỗi anh lạc đang đeo, sau khi nghe Phật kệ xong lại chui vào hang sâu này; và như thế nên thề trước, rồi sau tôi sẽ nói cho ông một bài kệ. Vương tử đáp rằng, ô hay nhơn giả! Ông muốn tôi chui vào trong hang sâu này có được lợi gì? Người kia trả lời: tôi không được lợi gì cả, chỉ sợ Ngài bỏ chiếc y báu và chuỗi anh lạc, sau khi nghe kệ xong sanh tâm hối tiếc, dựa vào thế lực mà chiếm đoạt của tôi. Vương tử trả lời; ông chỉ đoán thôi, ta hoàn toàn không hối tiếc. Người kia liền nói: nếu không thề dứt khoát nên biết rằng tâm ông sẽ hối hận. Bồ Tát lại nói: ông chỉ nói thôi, xem tướng người còn tùy nữa chứ. Ta cho ông y báu và chuỗi anh lạc, cũng như sẽ vào hang sâu. Người kia nghe xong liền vì Bồ Tát mà nói một bài Phật kệ. Lúc đó Bồ Tát cho y báu ma ni và chuỗi anh lạc, phát lời thề rằng: nếu tôi thành tâm xả y báu và chuỗi anh lạc này mà lòng không hối tiếc - đây là lời chân thật - thì tôi từ trên cao rơi xuống vẫn được đứng yên một chỗ không bị thương tích. Thề xong Bồ Tát tự gieo mình xuống chưa tới đất có bốn vị thiên vương đến đỡ xuống đất. Ðặt xuống đất xong bảo rằng, người này thật hy hữu thay! Kệ của Phật mầu nhiệm cao siêu thật là lợi ích. Những vị ấy từ trên cao xuống chỗ Bồ Tát nói thế này: vương tử thật ít có, làm việc khó như thế là muốn cầu pháp gì? Bồ Tát trả lời: tôi nhờ pháp này nên được vô thượng Bồ Ðề, đến khi thành Phật xong, những ai chưa độ sẽ được độ, chưa giải thoát được giải thoát, chưa diệt được diệt, chưa an làm cho được an.

Xá Lợi Phất, người kia nghe xong liền phát lòng tin, nói với Bồ Tát rằng, xin trả lại y báu và các thứ ngọc báu. Tại sao thế? Vì Ngài mặc y báu, đeo chuỗi anh lạc chính là để trang nghiêm thân. Bồ Tát đáp rằng, đây không phải như vậy, như người nôn ói, ói ra rồi  đâu có thể ăn trở lại được nữa. Người kia nói: nếu như Ngài không nhận y lại thì cho tôi xin tạ lỗi, sau khi thành Phật xin cứu độ tôi với. Xá Lợi Phất, ông nghĩ rằng vương tử Lạc Pháp lúc đó làm một bài kệ xong, cởi y báu nơi thân và chuỗi ngọc ma ni cho người kia xong, rồi một mình chun vào hang sâu, đâu phải người nào lạ chăng? Chớ nghĩ như thế mà chính là ta đây. Lúc bấy giờ người kia vì ta nói bài kệ , sau đó do ta mà phát lòng tin, nói như thế này: khi Ngài thành Phật nên độ tôi, đâu phải người nào lạ chăng? Chớ suy nghĩ như thế, mà nay chính là tỳ kheo Hòa Già Lợi đấy. Xá Lợi Phất, ta đã từng một thời cùng chư tỳ kheo ở nơi khe suối sâu dạo chơi giữa trời đất bao la. Lúc ấy Hòa Già Lợi ở trên bờ cao nghe ta gọi một tiếng liền phóng mình nhảy xuống. Vì tin lời Phật nên tự phóng mình mà không bị thương tích nhờ có được sáu phép thần thông.

Xá Lợi Phất, ông chớ nên xem lực thiện căn ấy mà cho rằng người kia vì ta chỉ nói một bài kệ, vì tin lời ta nên đích thân quy y và nay được giải thoát. Xá Lợi Phất, người kia do gốc lòng tham mà gieo trồng căn lành còn được lậu tận (18) huống gì có người tín thọ lời ta, hiểu rõ Phật tuệ, nói pháp Ðại Thừa chỉ một bài kệ bốn câu chỉ dạy điều lợi lạc, ta không thấy phước đức đây hết, trừ khi nhập Niết Bàn.

 

26- Phẩm HỦY HOẠI thứ hai mươi sáu

Xá Lợi Phất bạch Phật rằng, bạch Thế Tôn: nếu có người vì Bồ Tát mà thuyết một bài kệ bốn câu để chỉ dạy sự lợi lạc, giúp đạt đến thành Phật được phước đức vô lượng. Nếu có người vì muốn phá hoại tâm Bồ Tát, ngăn cản làm trở ngại phải nói cho người ấy biết có bao nhiêu tội. Tại sao thế? Vì cố ý phá hoại nên loạn động dấy lên, nghe tội như thế phải sửa đổi ngay

Phật bảo Xá Lợi Phất, nếu người nào phá hoại tâm Bồ Tát thì bị vô số tội. Như người muốn phá viên ngọc vô giá, chính kẻ ấy đã mất vô số tài lợi. Như thế thì, này Xá Lợi Phất, nếu người phá hoại tâm Bồ Tát thì làm hủy diệt luôn vô lượng pháp bảo. Này Xá Lợi Phất, ví như trồng cây thuốc rồi có kẻ đốn chặt làm cho cây không lớn nổi, kẻ ấy cũng phá luôn những cách trị liệu bịnh cho vô số chúng sanh, làm cho phần nhiều chúng sanh bịnh tình càng thêm nguy kịch. Như thế, Xá Lợi Phất, nếu người muốn phá hoại tâm Bồ Tát - tâm đại an lạc - thì diệt luôn tâm phương thuốc đại trí của vô số chúng sanh mang bịnh khổ. Người ấy cũng làm cho vô lượng vô số chúng sanh vì những món tham-sân-si-kiêu mạn, keo kiệt, ghét ganh, dèm pha, không biết hổ, chẳng biết thẹn thì, bị những cơn bịnh phiền não làm hại; cũng như làm cho vô số chúng sanh trong a tăng kỳ kiếp mất chỗ trụ an ổn ở Niết Bàn. Xá Lợi Phất, nếu người phá hủy ao A Nậu Ðạt là giết đại long vương, nên biết rằng kẻ ấy làm hủy hoại chúng sanh hai chân, bốn chân khao khát nước tám công đức. Như thế Xá Lợi Phất, nếu người quấy loạn tâm Bồ Tát cũng hủy diệt luôn vô số chúng sanh đang thèm khát nước bát thánh đạo. Này Xá Lợi Phất, nếu có người phá hủy mặt trời người ấy làm tiêu luôn ánh sáng của chúng sanh trong bốn châu thiên hạ. Như thế Xá Lợi Phất, nếu có người quấy nhiễu tâm Bồ Tát, nên biết rằng người ấy cũng hủy diệt luôn ánh sáng giác ngộ của tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới. Xá Lợi Phất, như người phá hủy chất ngọc báu, nên biết kẻ ấy cũng phá luôn vô số trân bảo của chúng sanh. Như thế Xá Lợi Phất nếu người quấy nhiễu tâm Bồ Tát, nên biết rằng kẻ ấy phá luôn phần pháp bảo của vô số chúng sanh; cũng như làm hủy diệt hết các kinh điển làm cho không còn lưu hành nữa. Này Xá Lợi Phất, cũng như từ ngọc báu làm ra đủ món đồ cung cấp cho chúng sanh. Cũng thế Xá Lợi Phất, tâm chư Bồ Tát là tánh pháp bảo; từ pháp bảo sanh Phật pháp không thể suy cùng thần thông trí lực. Vì thế, Xá Lợi Phất, ông nên biết rằng, phá hoại tâm Bồ Tát tạo vô lượng vô biên tội báo sâu dày. Xá Lợi Phất, như có kẻ ác tâm làm cho thân Phật chảy máu, hoặc có người phá giới không tin nên hủy hoại, xa lià tâm Bồ Tát tội càng sâu dày.

Xá Lợi Phất, kẻ dùng ác tâm làm cho thân Phật ra máu, ta gọi đủ là phạm năm tội vô gián (19), nếu người hủy hoại tâm Bồ Tát tội còn nặng hơn thế nữa. Tại sao thế? Vì tạo năm tội vô gián chỉ phá hoại pháp của một đức Phật; còn người hủy hoại tâm Bồ Tát là làm đoạn diệt Phật pháp. Xá Lợi Phất, như người giết bò là làm tiêu hủy mở bò và sữa bò. Như thế Xá Lợi Phất, nếu người phá hủy tâm Bồ Tát là làm đoạn diệt Phật tuệ. Vì thế, Xá Lợi Phất, nếu người phá giới không tin, mắng rủa làm hủy hoại tâm Bồ Tát thì, nên biết rằng tội đây còn hơn năm tội vô gián kia. Xá Lợi Phất, tội vô gián là nếu có một người nào trong bốn châu thiên hạ giết hại các bậc A La Hán. Ý ông nghĩ sao? Người ấy đắc tội có nặng không?

- Rất nặng, thưa Thế Tôn, Xá Lợi Phất nói.

- Phật bảo: Nay ta cho ông hay, nếu người nào làm hại quấy loạn Bồ Tát làm cho tín tâm họ xa lià tâm Bồ Tát là làm mất Phật tuệ, nếu đem so với  tội trước thì trăm phần, nghìn phần, trăm nghìn vạn phần không bằng một, cho đến dùng thí dụ cũng không thể sánh bằng. Tại sao thế? Tuy giết bậc A La Hán như thế mà không làm cản trở mười lực của Phật, bốn vô sở úy (20), bốn trí vô ngại (21), 18 pháp bất cộng, đại từ đại bi chẳng hư hạnh Phật, không làm trở ngại phép quán vô kiến đảnh tướng, như sư tử hùng mãnh tượng vương của Như Lai, không làm ngăn cản tiếng thổi trăm ngàn loại pháp cụ của Phật, cũng không làm phương hại đến việc truyền bá chánh pháp vô thượng, không làm cản trở thần lực thánh chúa tự tại; cũng không làm cản trở trí huệ nhận biết các căn lợi, độn (22) của chúng sanh có mỗi mỗi dục lạc khác nhau.

Này Xá Lợi Phất, như Bồ Tát phát tâm vô thượng Bồ Ðề thành Ðại Thừa bằng thệ nguyện kiên cố trang nghiêm, nếu có kẻ đến quấy phá làm lui sụt đạo tâm thì, kẻ ấy làm cản trở mười lực của Phật làm cho không thể biết được mọi dục nhiễm của chúng sanh. Xá Lợi Phất, bốn châu trong khắp tam thiên đại thiên thế giới có các bậc A La Hán như cỏ cây, lúa mè, rừng cây mà có một người tới đoạt mạng các vị ấy thì, ý ông nghĩ sao? Người ấy đắc tội có nặng chăng? Rất nhiều, thưa Thế Tôn. Xá Lợi Phất, lại có kẻ mang tâm sân hận, khinh mạn, phá giới không tin, quấy loạn tâm Bồ Tát kẻ ấy đắc tội chỉ có Phật mới biết được. Tại sao thế? Vì kẻ ấy quấy phá tâm Bồ Tát cũng hủy diệt luôn cả Phật pháp và đoạn dứt Phật chủng. Tại sao thế? Vì nếu không có Bồ Tát sơ tâm làm sao có Phật tuệ, Phật lực tự tại xuất hiện ở đời. Vì thế, Xá Lợi Phất, so sánh tâm vô thượng, đại tâm, thâm tâm, tâm Bồ Tát, tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la dà (23), nhơn, phi nhơn... hết thảy thế giới đều nên kính lễ. Tại sao? Vì người có tâm Bồ Tát thì biết chắc sẽ là vị Phật tương lai. Xá Lợi Phất, ý ông nghĩ sao? Như Lai tán thán tâm Bồ Tát như thế, có phân biệt thứ loại tên gọi chúng sanh như dòng Sát Ðế Lợi, Bà La Môn, đại cư sĩ, dòng vua Chuyển luân thánh vương, trời Tứ thiên vương, trời Thích Ðề Hoàn Nhân hoặc trời Ðao Lợi, Diệm Ma thiên, Ðâu Suất Ðà thiên, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa, trời Tự Tại hay Phạm Thiên vương chăng? Không thể có, thưa Thế Tôn. Tại sao thế? Vì Thế Tôn chỉ nói với tâm thanh tịnh, đại tâm, thâm tâm như thế thôi. Ý ông nghĩ sao? Nếu ta tán thán tâm ấy có thể nói hoặc đại lực sĩ  có sức mạnh phi thường... hoặc trẻ, già, giàu, nghèo, có người cao quí, kẻ hạ tiện chăng? Không thể có, thưa Thế Tôn.

Này Xá Lợi Phất, ông thấy tâm trụ ở một chỗ nên phân biệt có trẻ, già, giàu, nghèo, kẻ có thế lực, người không thế lực, các vị đều nên tôn kính ủng hộ, trợ lực cho họ, vì hàng Thanh Văn báo ân vô thượng, đem giáo pháp ban rải giáo hóa cho Bồ Tát. Xá Lợi Phất, nếu chúng Thanh Văn làm được như thế là người cúng dường Như Lai một cách trọn vẹn, ấy là chỉ dạy làm cho chư Bồ Tát không thối tâm vô thượng Bồ Ðề. Xá Lợi Phất bạch Phật: bạch đức Thế Tôn: Bồ Tát có ba loại tâm: một là tâm ban đầu, hai là chuyển tâm và ba là tâm thành thục. Trong ba loại tâm ấy đức Thế Tôn tán dương, ủng hộ tâm nào? Phật bảo: như vậy, như vậy. Như lời ông nói, Bồ Tát có ba loại tâm: tâm ban đầu, chuyển tâm và tâm thành thục. Này Xá Lợi Phất trong các tâm ấy Như Lai tán thán nhiếp hộ tâm ban đầu và chuyển tâm làm cho tâm ấy được thành tựu. Tại sao thế? Nếu có người phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác đều không còn thối chuyển ở quả Thanh Văn hay Bích Chi Phật. Vì tâm không còn lui sụt nên dần dần thành tựu được tâm vô thượng Bồ Ðề. Vì thế, Bồ Tát phát tâm Bồ Ðề nên quán xét cái "không tướng" của tâm ấy. Xá Lợi Phất, tâm ấy là tâm gì? Và thế nào là không tướng? Xá Lợi Phất, tâm gọi là ý thức, tức là cái biết tiềm tàng; ý vào tâm ý. Không tướng là tâm vô hình tướng, không ai tạo tác. Tại sao thế? Nếu có kẻ tạo tác có kẻ kia làm, người này nhận. Còn tâm tự tạo tác cũng chính do tâm tự thọ. Này Xá Lợi Phất, tâm vô hình tướng, không ai tạo tác, không ai sai sử; không có tác giả cũng không có tướng tạo tác. Nếu ta bàn suông cái tướng của tâm cũng chỉ nói tới cái vô tướng trống rỗng mà thôi. Nếu chỉ bàn tới cái không tướng trống rỗng vô ích kẻ kia cùng tranh luận với Như Lai, mà cùng với Như Lai tranh luận nên biết là kẻ ấy rơi vào vực thẳm. Kẻ đã rơi trong vực thẳm thì gọi là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, và thấy các cõi âm, thấy ta, thấy người, thấy chúng sanh... Này Xá Lợi Phất, nói một cách ngắn gọn trong Phật pháp có cái thấy tăng thêm và cái thấy Niết Bàn; thấy như thế đều gọi là có chỗ thấy. Những cái thấy ấy là nguồn gốc của ác thú, do chúng sanh tham chấp nên mới có ra những cái thấy ấy, là nguyên nhân đọa vào vực thẳm; cũng như làm hại kẻ khác rơi vào vực thẳm mà kẻ ở vực thẳm gọi là ở trong năm đường sanh tử vậy.

Lúc bấy giờ trong chúng hội có một người ăn xin tên là Tuyển Trạch từ chỗ ngồi đứng dậy chấp tay cung kính bạch Phật rằng, bạch đức Thế Tôn: con nay không muốn đọa vào vực thẳm, cũng không muốn tranh cải với Như Lai. Con từ xưa đến nay phát tâm là muốn đạt được đạo vô thượng Bồ Ðề, nên lại nghĩ xưa con là một người nghèo gặp bao nhiêu khổ nạn, đời sống rất là vất vả. Ðây là những dòng Sát Ðế Lợi, Bà La Môn, cư sĩ có thế lực còn chưa có thể tu tập đạo vô thượng Bồ Ðề, huống gì con là kẻ ăn xin nghèo khổ hạng bét. Nay được nghe Phật tán thán sơ tâm của Bồ Tát mà trong đó không đề cập tới dòng đại Sát Ðế Lợi, Bà La Môn, cư sĩ thế lực, và trời Tứ Thiên Vương, Thích Ðề Hoàn Nhân, trời Ðao Lợi, Diệm Ma Thiên, Ðâu Suất Ðà Thiên, trời Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại; cũng không nói tới trời Phạm Thế và Phạm Thiên Vương, cũng không đề cập đến nghèo giàu, sang hèn. Kể từ hôm nay, con quyết định phát tâm vô thượng Bồ Ðề, không dám khinh mình nữa. Phật bảo: lành thay, Tuyển Trạch! Nay ông có thể theo học pháp Như Lai nên quyết định phát tâm vô thượng như thế.

Lúc bấy giờ Tuyển Trạch ở trước Phật liền nói bài kệ:

Con không cầu tán dương

tán dương chẳng xứng đáng

mà chỉ mong ý sáng

được Phật trí vô thượng

Phật ở nơi vô lượng

các cảnh giới vô thượng;  

trong chúng sanh khổ não

để làm chỗ tựa nương.

Phật chứng pháp vô lậu

nhiệm mầu sạch khó lường.

Thương chúng sanh nói pháp

sanh tử khổ độ thoát.

Thần lực Phật phổ quát

hào quang tỏa vô cùng

được trí huệ không ngằn

phước đức cao tột cùng.

Thế Tôn: bổn tâm con

là mong được thành Phật

tâm lại sanh lui sụt

ai cho kẻ nghèo hèn

được như vua, cư sĩ,

thích, phạm, các tôn thần

uy đức như trời, người

mà còn chưa thể được

huống phận kẻ nghèo hèn

xin ăn nuôi thân mạng.

Trí Phật, trí vô thượng

làm sao đạt thấu đặng?

Thế Tôn rõ tâm con

bảo Xá Lợi Phất rằng:

Ta nói phát tâm bằng

không nghèo, giàu, sang, hèn

cũng không Sát Ðế Lợi

Bà La Môn, cư sĩ,

chúng trời, rồng, thần, quỉ.

Kẻ phát tâm bền chí

nay nghe Phật diễn nói

tâm con được lợi lớn

quyết chắc sẽ thành Phật

nên phát tâm chân thật.

Ðổi thay luật trời đất

núi Tu Di tan tác

hư không dù biến diệt

tâm con khó chuyển dời.

Nếu chúng sanh mọi loài

tất cả đều là ma

ắt đến quấy phá ta.

Tâm con định bất động

Có người trước mặt con

tự ý bèn phát ngôn:

Phật trí thật khó tròn

không ai cho kẻ hèn.

Con nghe xong đáp liền:

ngươi chính kẻ bần tiện.

Vì không có tín tâm

được làm Phật là lầm.

Chư Phật vô hữu tánh

cũng không hình nhất định

chỉ nhiếp tâm hồi hướng

đạo Ðại Thừa vô thượng

ấy là Phật tánh tướng

cũng giống Như Lai chủng

Nhất tâm cầu Phật lực

cúng dường được thành Phật.

Con chẳng tiếc thân mạng

cũng chẳng ham vui đời

chí cầu vô thượng đạo

chúng sanh thảy khắp độ.

Nay trước đấng pháp vương

chẳng sợ xin tỏ tường,

nếu có phải lỗi lầm

mong Phật thương chỉ dùm...

Lúc bấy giờ Thế Tôn dùng kệ đáp rằng:

Ông phát tâm vô thượng

vô thượng thừa quá lượng

Không sai lầm tánh tướng

nên thành đấng pháp vương.

Tuyển Trạch nghe Phật tường

lòng hoan hỷ khôn lường

Nhờ thiện tâm thanh lương

vượt hơn bảy dặm đường.

Thế Tôn nhìn mỉm cười

miệng: năm sắc quang tươi

sáng soi khắp trời, người.

Thu về nơi đảnh thượng

A Nan liền hiệp chưởng

muốn hỏi lưỡng túc tôn,

trí vô ngại tuyệt vời

đây đâu phải không nhơn?

Ở thành Vương Xá hiện

có kẻ xin bần tiện

đang ở trong không trung

chấp tay lễ Phật xong.

Nay trời, chúng long vương,

dạ xoa, nhơn phi nhơn...

đều chấp tay kính ngưỡng

chấp tay lễ người nghèo.

Dám hỏi Thế Tôn rằng:

tại sao cười, phóng quang?

Phật đạo ai chuyên tâm

mà muốn thọ ký sang?

Ai trong Phật đạo sáng

chuyên phát tâm vô thượng

chứng đắc huệ khôn lường

độ sanh, già, bịnh, chết?

Ngồi đạo tràng ai được

chúng ma quân phá diệt

đạt thành vô thượng đạo

chuyển pháp bảo huyền vi?

Ai được thành đại trí

đủ vô lượng thần thông

Trí rộng biết vô ngần

phân biệt chúng sanh tâm?

Ai được tiếng phạm âm

nói ra điều kỳ diệu

chân trí thuần vô ngại

diễn nói không hề sai.

Ai chứng đạo Như Lai

trụ thiền định hòa hài

Thấu rõ tâm ba cõi

thương giáo pháp mà nói.

Ai nghe pháp học hỏi

trời, người, chúng hân hoan.

Bất hư hạnh vẹn toàn

phép tượng vương hồi quán.

Ai dẫn đường đại chúng

nghiêm tịnh cõi thế gian

xa lìa bao chướng nạn

Ðạo tịch diệt lạc an

Ðại hiền đức Thế Tôn,

con muốn hỏi việc trên;

nguyên nhân Ngài mỉm cười

mong đáp khiến chúng mừng...

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo A Nan rằng, Như Lai do người ăn xin Tuyển Trạch này nên mỉm cười phóng hào quang rực rỡ thì, liền đó trong chúng hội cả trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, khẩn na la, ma hầu la dà, nhơn và phi nhơn... có tám mươi ức na do tha chúng đều phát tâm vô thượng Bồ Ðề. Ta vì những chúng sanh đây mà thọ ký đạo vô thượng Bồ Ðề.

Lúc đó đức Thế Tôn muốn cho rõ nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:

Lúc Như Lai thuyết nhân duyên này

tám mươi ức na do tha đây

chúng sanh phát tâm vô lượng thảy

Thứ tự đều thành Phật đạo cả.

Nay Tuyển Trạch đây người trí sâu

hoan hỷ chấp tay tựa cúi đầu

Cung kính tán dương cúng dường Phật

mong mỏi chóng ngộ được như Phật

Do phước đức nhân duyên hoàn tất

đường ác thú trọn không đọa lạc;

kiếp kiếp xa lìa tám nạn tai

đời đời mong gặp được Như Lai

Gặp Phật rồi tịnh giới, trì trai

chứng đạo mầu vô thượng chẳng sai

đem bảo cái, phan lọng, hương hoa

cúng dường Phật tâm niệm thiết tha.

Tu hành lịch kiếp Phật trải qua

cung cấp y đẹp và mọi thứ:

giường gối, ngọa cụ, thuốc thang cả

cung cấp đầy đủ và tối đa

thứ tự gặp Phật Di Lặc ra.

Vì cầu Phật tâm càng thêm kính;

lấy bảy mươi ức na do tha

ngọc báu ma ni cúng dường Ngài.

Mỗi chuỗi trân châu rực ánh vàng

sáng soi đến tám mươi do tuần

Gom nhóm châu này càng thêm sáng

tỏa chiếu nơi nơi khắp thế gian.

Lại dùng bảy báu tạo tháp miếu

hơn bảy mươi ức na do tha.

Tháp cao rộng lớn đến cả ngàn

đem các vật báu kết trang hoàng.

Y  phục, chiếu giường và gối nệm

bảy mươi ức do tha sẵn sàng

đem vật cụ sửa sang nghiêm tịnh

dâng Phật Di Lặc cùng tăng chúng

an cư ba tháng nguyện dâng cúng.

Chẳng hề mỏi mệt trải trăm năm;

sau người kia hạnh ngộ xuất gia.

Trong pháp Di Lặc tu tịnh hạnh

tâm phấn khởi với niềm cung kính.

Càng muốn cúng dường Di Lặc hơn

Thứ lớp tu hành Bồ Tát đạo

được thấy chư Phật hiền kiếp đáo.

Từ đấy lại được gặp Phật luôn

nhiều vô số như cát sông Hằng.

Gặp Phật xong tâm càng thanh tịnh

muốn cúng dường cùng cách tu hành

Tâm thanh tịnh nhờ phước báu sanh.

Ta nay lược nói không hết đặng;

Quả báo không lường khó sánh bằng.

Ai nghe Phật quả chẳng cầu nên

người ấy qua lại chốn tử sanh

hằng sa số kiếp Phật nguyện thành.

Trí vô thượng phát sanh đời mạt.

Tập Kiên Thật rõ hiệu Phật danh

tuổi thọ qua nghìn kiếp rành rành.

Thế giới ấy tịnh thanh nghiêm cụ

cõi Diêm Phù đầy đủ sáng soi

như đỉnh Tu Di, trời Ðao Lợi.

Thế Tôn Tập Kiên Thật

nhóm đại hội Thanh Văn

nghìn ức na do tha

như cát sông Hằng hà.

Số người đến tham dự

mỗi đại hội tối đa

đều thành La Hán quả

với thần thông phép lạ

nhờ thông hiểu ba tạng

nên hiểu các vấn nạn.

Như ta, Xá Lợi Phất

trí huệ vào bậc nhất

mở đại hội Bồ Tát,

còn nhiều hơn số trên.

Ðại Bồ Tát, Phật kia

cũng tên A Dật Ða

chư Bồ Tát chúng đã

được pháp nhẫn vô sanh

chuyển thân các nước sanh.

Tùy chỗ Phật đắc thành

trong mỗi một đại hội

số Bồ Tát gấp bội

được Phật kia thọ ký

nên thành vô thượng trí.

Sau khi Phật tịch diệt

pháp trụ hơn một kiếp

Xá Lợi lưu truyền khắp

cũng như sau ta diệt

xá lợi Tập Kiên Thật

trời, người muốn cúng dường

Tùy chúng sanh mến tưởng

thị hiện lực thần thông

chùa tháp tôn xá lợi.

Do bảy báu tạo nên

lan can và trụ báu,

hương hoa với tràn phan

toàn đồ báu trang hoàng

trang nghiêm tháp Phật vàng

đem tháp miếu sẵn sàng

làm đẹp cõi Diêm Phù.

Người đem đủ hương hoa

cúng dường tháp Phật tòa

liền biến thành hoa lớn

có thần lực như thế.

Tập Kiên Thật Thế Tôn

hình tượng tháp khắp chốn

tùy chúng sanh cảm mến

mỉm cười phóng hào quang

rực rỡ soi sáng lạn.

Rồi thâu về chớp nhoáng

Nhập vô kiến đảnh tướng

biết được Phật thọ ký.

Nếu sáng từ miệng vào

thế nào cũng Duyên Giác.

Sáng vào nơi rốn khác

chứng đạt quả Thanh Văn.

Hình tượng Thế Tôn kia

có đủ sức thần thông

như thế một kiếp hơn.

Kiếp hết pháp mới diệt

vô thường, hữu vi biến

nên cần hành tinh tấn.

Lúc bấy giờ Xá Lợi Phất bạch Phật, lành thay Thế Tôn! Người ăn xin Tuyển Trạch nghèo khổ như thế mà tâm đạt được pháp bảo tối thượng, tại sao có kẻ trí lại dám khinh thường? Phật bảo Xá Lợi Phất: đúng thế, đúng thế! Thật đúng như lời ông nói, sao có kẻ trí lại khinh miệt người nghèo; trừ người phàm phu không nghe, không biết! Này Xá Lợi Phất, suy từ nghĩa đó nên trong kinh ta nói: kẻ trí không nên khinh thường người khác. Khinh thường người khác là tự làm thương tổn chính mình. Xá Lợi Phất, ý ông có cho rằng người ăn xin Tuyển Trạch này vốn đã làm cho trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ma hầu la dà, nhơn và phi nhơn... lễ bái chăng? Không, thưa Thế Tôn. Tại sao? Vì người nghèo ấy lúc Như Lai chưa thọ ký không ai kính lễ cả. Nay được Như Lai thọ ký nên được cả trời, người, a tu la đều lễ kính. Xá Lợi Phất, đấy là chư Phật đời vị lai thấy biết không bị ngăn ngại, không như hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Vì thế, Xá Lợi Phất, các đệ tử của ta tin nhận lời Phật, hoặc lúc diễn nói pháp cho chúng sanh, trước hết nên xưng dương công đức của Phật. Chúng sanh nghe xưng tán Phật có thể hoặc phát tâm cầu Phật tuệ; nhờ phát tâm nên không mất Phật chủng. Xá Lợi Phất, tất cả thế giới ít có chúng sanh vì cầu lợi mình, lợi người thật hết sức khó. Xá Lợi Phất, cầu lợi vì kẻ khác thật ra trong số chúng sanh phần nhiều hay ưa tự lợi nên quả thật là khó. Tại sao thế? Vì người phàm phu muốn cầu tự lợi nên tự làm tổn thương. Tại sao thế? Xá Lợi Phất! Ta không thấy người nào làm hại kẻ khác mà không làm tổn thương mình cả. Vì thế ông nên biết, nhân bám theo tự lợi là điều chướng nạn. Hơn nữa trong tự lợi mà có lợi tha thì thật là khó. Này Xá Lợi Phất, như kẻ phá hoại người phát tâm Ðại Thừa kẻ ấy không có tự lợi, cũng không thể lợi tha, như thế không thể gọi là người tu hành đạo đức được. Xá Lợi Phất, người ngu si kia hành tà đạo làm mất tự lợi, cũng như mất cả lợi tha. Do nguyên nhân ấy người kia phải bị tám pháp làm tổn hại. Những gì là tám?

1- Mất sự yêu kính

2- Bạn bè, thân quyến làm hại

3- Cõi nước biến loạn

4- Tài sản cửa nhà bị hỏa hoạn thiêu hủy

5- Bị quan huyện áp bức

6- Các căn thiếu khuyết

7- Chết đọa địa ngục

8- Bị ngục tốt khảo tra hạch sách.

Ðó là tám việc, ngoài ra còn có tám pháp đại bất an nữa. Những gì là tám?

1- Sanh vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh là đại bất an

2- Nếu được thân người, sanh nhằm nơi biên địa, không biết thiện ác

3- Không gặp nơi có Phật pháp và Thánh chúng là đại bất an

4- Ðã được thân người, không được sanh vào giữa nước là đại bất an

5- Ðui mù, câm ngọng, tàn tật trăm thứ bịnh hoạn là đại bất an

6- Tuy sanh nhằm trung quốc thân người đầy đủ, lại có tâm che dấu, ưa việc gièm pha, dối trá, ngoa ngụy là đại bất an

7- Tin theo ngoại đạo, thích luận việc tà, tà kiến, hạnh xấu, làm cho ba nghiệp: thân, khẩu, ý bất tịnh. Chư Phật, chư hiền thánh không thể cứu độ, đó cũng là pháp đại bất an

8- Nếu sanh nhằm trung quốc thân người được đầy đủ mà chết đi trong đêm Phật đắc đạo không gặp được Phật pháp, cũng là một điều đại bất an.

Ðó là tám pháp bất an, ông nên biết người này, nếu sanh trong địa ngục chắc chắn đọa vào đại địa ngục A Tỳ mang thân hình to lớn chịu các thống khổ liên tục, vì đã tạo trọng tội. Nếu đọa vào súc sanh làm loài độc trùng, ác thú thường bị cái khổ đói khát nên tước đoạt mạng sống loài khác, ăn thịt tàn hại nhau để tự nuôi sống. Tùy nơi sanh ra ở đâu lại tiếp tục tạo thêm tội. Hoặc sinh nhằm loài dưới nước làm cá mập, cá heo, cá voi, cá kình... bị người vây bắt, sống bị dao cắt xẻ phải chịu mọi khổ bức có mong chết cũng không được, hoặc sanh nhằm loài trên đất như lạc đà, trâu, dê, heo, chó. Nếu làm trâu lừa bị người xỏ mũi, thường phải chở nặng, bị roi vọt đánh đập đau đớn rên la lớn tiếng không ai cứu giúp, đi đường mệt mỏi không thể bước tới nữa, mạng sống chưa lìa - hơi thở vẫn còn - mà bị người cắt xẻo ăn thịt; đều do tội mắng chửi, ăn thịt làm hại mình. Xá Lợi Phất, ông chớ cho rằng người kia do nghiệp tội như ta đã biết hoặc đã nói, từ kiếp này sang kiếp khác cũng không hết được.

Xá Lợi Phất, nói một cách vắn gọn, nếu người nào hủy hoại tâm Bồ Tát mà tránh khỏi tám nạn là điều không thể có được. Tại sao thế ? Vì người làm ác cứ tiếp tục tạo các nghiệp tội. Các Thầy nên biết rằng được thoát các nạn là tự cứu mình.

 

Chú thích:

(1) Bốn đại hay bốn yếu tố kết hợp thành thân thể. Ðó là đất (địa) như da thịt lông móng, răng tóc..., nước (thủy): chất lỏng gồm nước tiểu, nước miếng, nước mắt, nước mũi, máu mũ..., hỏa là chất ấm hay nhiệt lượng trong cơ thể và gió (phong)   như hô hấp trong bộ máy tuần hoàn, tức là hơi thở ra vào giúp con người tồn tại.

(2) Tâm sở: tâm có hai phần là tâm vương và tâm sở. Tâm vương làm chúa tẻ sai sử, có quyền như ông vua ra lệnh; tâm sở tùy thuộc như các quan tùy tùng như các phiền não, kiến chấp, tham, sân, si v.v... tạo ra lỗi lầm, gây xấu ác.

(3) Tám khổ: sanh, già, bệnh, chết  là bốn cái khổ lớn nhất trong đời không ai tránh khỏi, và bốn cái khổ chất chồng khác là: yêu nhau mà phải xa lìa, cầu mong không được toại nguyện, thù ghét nhau mà phải đối đầu, chung đụng nhau và đeo   theo sắc thân, cảm thọ, tưởng tượng, hành vi tạo tác, ý thức bộc phát hẫy hừng thiếu quân  bình gây ra cho thân tâm bất an.

(4) Giáo hạnh: chỉ dẫn, thể hiện hạnh trong sạch (hạnh lành) trong nghĩa giáo hóa cho người khác noi theo.

(5) Pháp phục: y áo của giới tăng sĩ dùng trong việc lễ bái, cầu nguyện, còn gọi là pháp y hay đạo phục.

(6) Bình bát, tích trượng: cái bình sành, đất nung hay nhôm của nhà sư dùng đựng thức ăn, hình tròn quả bí, vòng kính chừng 20 cm, chiều cao cũng gần giống nhau. Bình bát còn gọi là đồ pháp khí, nhờ đó người tu hành có phương tiện nuôi thân tâm để làm tăng trưởng trí huệ; tích trượng: cây gậy chống hay để làm hiệu lệnh thiền của các vị tăng niên trưởng trong các tăng viện.

(7) Hiền kiếp hay thiện kiếp là kiếp lớn hiện tại, trong đó có nhiều bậc Thánh hiền xuất thế, nên gọi là hiền kiếp. Kiếp đã qua gọi là quá khứ trang nghiêm, kiếp hiện tại hay hiền kiếp và kiếp vị lai hay tinh tú kiếp.

(8) Xá lợi: hài cốt của Phật sau khi hỏa thiêu còn lưu lại chất tinh ba lẫn trong tro tàn, được hàng đệ tử chia nhau phụng thờ.

(9) Ðời mạt pháp: giáo pháp được chia làm 3 thời kỳ: chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp. Thời kỳ chót của giáo pháp sắp bị tiêu diệt. Công cuộc truyền giáo bị bức hại, đàn áp, khủng bố; Tăng, tín đồ thiếu tự do hành đạo. Ðó là thời kỳ sau khi Phật diệt độ 2000 năm trở lui, người tu chứng hầu như thưa vắng, mối giềng của đạo bị lỏng lẽo, bị thế quyền xâm lấn v.v...

(10) Pháp vương tử (Xem chú thích ở trước)

(11) Năm đường hay năm loài qua lại lên xuống trong các ngã luân hồi là cảnh giới người, a tu la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

(12) Tứ đế: bốn chân lý chân thật do đức Phật Thích Ca thuyết minh đầu tiên tại vườn Lộc Uyển cho 5 người bạn đồng tu với Ngài lúc trước về chân nghĩa kiếp người là khổ, tập, diệt, đạo. Người tu hành quán chiếu tự nội để thấy rõ chân ý nghĩa cuộc đời, con người trong vũ trụ vạn hữu.

(13) Bốn chánh cần: bốn pháp chánh yếu cần hành là: điều ác chưa sanh đừng cho sanh, điều ác đã sanh khiến cho tiêu diệt, điều thiện chưa sanh làm cho phát sanh, điều thiện đã sanh khiến cho tăng trưởng.

(14)  Bốn như ý túc: bốn điều biết đủ như ý là ham muốn biết đủ, suy nghĩ, tinh tấn, thiền định phải thỏa đáng những điều tri túc của thân tâm.

(15) Ngũ căn, ngũ lực: năm căn là tín, tấn, niệm, định, huệ là cái gốc rễ cội nguồn tiềm tàng bên trong con người; và năm lực là sức mạnh hay năng lực của năm căn tác động mạnh mẽ trên sự vật.

(16) Thất Bồ Ðề phần hay 7 pháp trợ đạo Bồ Ðề là chọn pháp tu, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định và xã (không bận buộc, vướng mắc)

(17) Tám ngọn gió làm lay động đời sống chúng ta trong mọi trường hợp. Ðó là lợi, hủy (nói xấu), ai (thương), dự (khen), xưng (tán dương), cơ (chê), khổ (hoạn nạn), lạc (vui thú).

(18) Lậu tận: lậu là rỉ, lọt, rơi rớt, thắm rịn... chỉ cho phiền não đã hết sạch

(19) Tội ngũ nghịch: năm tội nghịch phải đọa địa ngục: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp tăng và làm cho thân Phật chảy máu.

(20) Tứ vô sở úy: bốn đức tánh không sợ sệt, chỉ chư Phật và Bồ Tát mới có. Bốn trí của Phật: 1) có trí biết tất cả nên không sợ, 2) dứt hết các phiền não nên không sợ, 3) nói rõ chỗ ngăn ngại đạo nên chẳng sợ gì cả, 4) giảng dạy đạo dứt hết mọi sự khổ nên không sợ sệt; bốn trí của Bồ Tát: 1) giữ trọn chẳng quên, thuyết pháp chẳng sợ, 2) biết món thuốc pháp lý và biết căn tánh dục của chúng sanh, nên thuyết pháp chẳng sợ, 3) tái vấn đáp giỏi nên thuyết pháp không sợ, 4) Có thể trừ các mối nghi của chúng sanh, nên thuyết pháp chẳng sợ (Xem thêm chú thích 33, Q1).

(21) Tứ vô ngại trí: bốn trí không ngại của Phật và của Bồ Tát. Ðó là: 1) Pháp vô ngại trí: trí biết các pháp và diễn giải không ngăn ngại, 2) Nghĩa vô ngại trí: trí biết nghĩa lý của các pháp, tùy tên mỗi pháp mà giảng nghĩa không bị ngăn ngại, 3) Từ ngại trí: trí biết các danh tự, ngôn từ một cách không ngăn ngại, 4) Nhạo thuyết vô ngại trí: trí biết căn tánh chúng sanh, ưa thuyết không bị chướng ngại, không lui, không sợ trở ngại chi cả.

(22) Lợi, độn: lợi là bén nhạy, độn là cùn lụt hay thông minh lanh lợi và đần độn ngu si.

---o0o---


Mục Lục

Quyển I | Quyển II | Quyển III | Quyển IV | Quyển V

Quyển VI | Quyển VII | Quyển VIII | Quyển IX | Quyển X

 

---o0o---

 

Vi tính: Giác Anh
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 01-09-2003

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Bùi giáng Ăn chay xư Huê tranh phat giao qua cach nhin nghe thuat dao phat giao Nước gene chay chÃnh su ba cat tuong Nghe Mệt rồi ư Xin mời uống tách trà Nhan sắc ân LÃÅ cÃ Æ n kiến lam the nao de ven toan le nghia dấu chân voi chúa Chu Dai bi banh an chay chet khat ben canh dong song Con trẻ kể tội mẹ cau chuyen ve nguoi hung dang sau cuoc chien 10 dieu nhan nhu toi ban than luc doi mat voi moi khoi lam cuoc tinh buoc tam so hoa trái một cảnh chùa ba mau chuyen dao Hòa cư sĩ tu đạt トo Cỏ Lần ha tinh phật dạy 10 điểm vàng cho vợ chồng inh Tưởng niệm Ni trưởng Thích nữ Nhẫn Bánh chay kiểu Tây Ä Æ chùa mãn nguyệt CÃƒÆ me van tiếng chim kêu xé lòng c璽u テス cuoi nam don dep ban tho vao ngay nao đẻ Thư Bi đỉnh Đi tìm gốc tích vua Lý Thái Tổ Kỳ 1 uống nhiều trà đá gây suy thận loi phat day ve tinh yeu nam nu yeu cung phai hoc