TÌM HIỂU KINH PHÁP CÚ

(DHAMMAPADA)

Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO

 * DIỆU PHƯƠNG XUẤT BẢN 2006 *

--- o0o ---

IV

 

Hương vị giải thoát

Nghệ thuật thuyết pháp

Đạo Phật là đạo yêu đời

Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi

Tài liệu tham khảo

 

HƯƠNG VỊ GIẢI THOÁT

Trong Kinh Pháp Cú có một số bài khá phong phú đề cao chánh pháp vì chánh pháp đóng một vai trò rất quan trọng trong trách nhiệm phát huy chánh kiến, tu tập trí tuệ, đưa người hành giả dần đến mục đích giác ngộ và giải thoát. Chánh pháp cũng giữ một vai trò rất quan trọng trong trách nhiệm hướng dẫn quần sinh. Chúng ta nhớ lại lời căn dặn của Ðức Phật trong kinh Ðại Bát Niết Bàn: “Này A Nan, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa người khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ tựa.”

Nhờ chánh pháp người trí được an tịnh. Truyện tích kể rằng một thiếu nữ về nhà chồng không được bên chồng chấp thuận vì không có của hồi môn (theo tập tục thời bấy giờ ở Ấn Ðộ). Mẹ cô đã dâng tất cả sự nghiệp đến chư Tăng. Người thiếu nữ bị hất hủi, cho rằng các Tăng đã hại hạnh phúc của cô, cô đâm ra thất vọng và nguyền rủa các Tăng. Ðức Phật thuyết Pháp cho cô nghe và tâm cô trở nên an tịnh:

(Pháp Cú 82)

Như là hồ nước thẳm sâu

Phô dòng phẳng lặng, khoe mầu sạch trong

Những người có trí, có lòng

Khi nghe chánh pháp cũng không khác gì

Thân tâm tịnh lạc kể chi. 

Khi lời giáo huấn được giảng bày minh bạch, những người theo chánh pháp mà tu hành sẽ vượt khỏi kiếp sống trần tục, nơi mà dục vọng chế ngự và thường là khó thoát, để qua được đến bờ bên kia là cõi Niết Bàn, được giải thoát hoàn toàn. Những người có tâm đạo, cùng ở dọc theo một con đường nọ, quyết định để bát cúng dường chư Sư và nghe giảng giáo pháp suốt đêm. Nhưng khi về khuya vài người không chịu nổi nên trở về nhà. Vài người khác ở lại nhưng không ngớt ngủ gục. Nghe câu chuyện, Ðức Phật dạy: 

  (Pháp Cú 86)

Ai mà có đủ duyên may

Được nghe chánh pháp giảng bày phân minh

Đúng theo chánh pháp tu hành

Sẽ mau thoát cảnh tử sinh bờ này

Trùng dương dục vọng vượt ngay

Bên kia bờ giác dang tay đón chờ. 

Sống một ngày mà chứng ngộ trạng thái bất diệt của cõi Niết Bàn là không sinh, không già, không chết quý hơn sống cả thế kỷ mà không chứng. Một thiếu phụ trẻ tuổi mất đứa con duy nhứt. Bà ôm con chạy đi tìm phương cứu chữa. Bà đưa con đến Ðức Phật cầu cứu và Ngài khuyên bà nên tìm cho Ngài một ít hột cải trong nhà nào chưa từng có người chết. Hột cải thì bà tìm được, nhưng không gặp nhà nào chưa từng có người chết. Ánh sáng chân lý bừng phát sinh. Khi trở về được nghe giảng giáo pháp, bà xuất gia làm Tỳ kheo ni. Ngày kia, khi nhìn một ngọn nến cháy chập chờn trước gió bà suy niệm về lý vô thường của đời sống. Ðức Phật dạy: 

(Pháp Cú 114)

Trăm năm sống chẳng nhận ra

Pháp kia bất tử. Thật là uổng thay!

Chẳng bằng sống chỉ một ngày

Mà rồi giác ngộ thấy ngay Niết Bàn

Nơi bất diệt, đẹp vô vàn

Không trò bệnh lão, không màng tử sinh. 

 Một ngày nhận thấy giáo pháp chân lý tối thượng quý hơn sống cả thế kỷ không thấy. Một thiếu phụ khá giả có đông con, bảy trai và bảy gái. Theo lời yêu cầu của các con bà phân phối hết tài sản cho chúng vì chúng hứa sẽ cung phụng bà đầy đủ. Nhưng về sau những đứa con bất hiếu ấy lãng quên, không chăm sóc bà. Bà hết sức thất vọng và xuất gia làm Tỳ kheo ni. Bà chuyên cần suy niệm về giáo pháp. Ðức Phật giảng cho bà tầm quan trọng của chánh pháp: 

(Pháp Cú 115)

Trăm năm sống chẳng nhận ra

Pháp kia tối thượng. Thật là uổng thay!

Chẳng bằng sống chỉ một ngày

Mà hay rằng giáo pháp đầy thâm sâu

Dạt dào chân lý tối cao.

Một câu chánh pháp dù ngắn cũng hữu ích. Người kia đi biển, thuyền bị đắm, cố gắng nhọc nhằm lắm mới lội được vào bờ. Không còn quần áo, ông lấy vỏ cây che đỡ thân mình. Dân làng thấy ông ăn mặc như vậy tưởng lầm ông là một vị A La Hán. Nhận định sự điên cuồng ấy, ông tìm yết kiến Ðức Phật. Ngài đang trên đường đi khất thực nhưng thấy đủ cơ quyên nên dừng lại bên đường giảng vắn tắt cho ông một bài pháp ngắn. Được cảm hóa bằng những lời dạy hữu ích, đầy trí tuệ, tâm ông khai ngộ và đắc quả A La Hán. Các Tỳ kheo ngạc nhiên về ích lợi của bài pháp ngắn. Đức Phật dạy “Ngàn câu vô dụng không bằng một câu hữu ích”:

 (Pháp Cú 101)

Kệ kia nói đến ngàn câu

Nếu đều vô nghĩa, ích đâu cho đời

Một câu nói cũng đủ rồi

Nếu đầy nghĩa lý, mọi người mừng thay

Nghe xong tâm tịnh lạc ngay.

Một Tỳ kheo sống trong rừng chỉ thuộc một câu kinh và trong những ngày giới thường đọc câu ấy. Chư Thiên trong vùng hết lòng hoan nghênh. Hai Tỳ kheo khác, vốn thuộc nhiều kinh kệ, cũng đến nơi ấy thuyết Pháp nhưng không được chư Thiên hoan nghinh. Bất mãn, hai vị bỏ đi. Khi trở về bạch lại với Ðức Phật về thái độ của chư Thiên. Ngài dạy “Chánh pháp là để hành trì chớ không phải để nói suông”:

 (Pháp Cú 259)

Nào đâu cứ phải nói nhiều

Là người chánh pháp chuyên theo hộ trì,

Ai tuy ít học, ít nghe

Nhưng mang chánh pháp quyết đi thực hành

Chẳng buông lung, rất tâm thành

Hộ trì như vậy xứng danh hàng đầu.

Nhờ chánh pháp soi đường, nên trí tuệ phát triển, có thể chiến thắng ma quân dục vọng và cuối cùng đưa đến giác ngộ và giải thoát. Nhiều Tăng sĩ đang hành thiền trong rừng bị các vị Trời ngụ trên cây làm chao động, họ trở về thỉnh giáo với Ðức Phật. Ngài khuyên các thầy nên rải tâm từ đồng đều đến tất cả. Hành đúng lời dạy, về sau những vị ấy được chư Thiên hộ trì. Đức Phật dạy “Nên nhớ rằng thân ta mong manh như cái lọ sành. hãy giữ tâm mình vững như thành trì”:

(Pháp Cú 40)

Thân như đồ gốm mong manh

Giữ tâm cho vững như thành vây quanh

Với gươm trí tuệ tinh anh

Hãy mau đánh dẹp tan tành quân Ma

Dẹp Ma dục vọng quấy ta

Thắng rồi nỗ lực để mà tiến thêm

Giữ gìn chiến thắng cho bền

Vượt vùng luyến ái, thoát miền nhiễm ô.  

Sống theo chánh pháp thời tiếng lành gia tăng. Vùng kia bị dịch hạch hoành hành. Vợ chồng viên chưởng khố trước khi chết chỉ cho con trai chỗ chôn kho tàng và bảo con trốn đi mới thoát chết. Mười hai năm sau chàng con trở về. Tuy giàu có nhưng sợ nguy đến bản thân nên sống khiêm tốn, đi làm công lam lũ. Nhà vua có tài nhận biết người khi nghe tiếng nói. Nghe tiếng anh nói, vua biết đây là một người giàu có. Về sau vua điều tra và tìm ra sự thật. Vua bổ nhiệm anh làm chưởng khố và gả công chúa cho. Khi anh được vua giới thiệu đến Đức Phật thì Đức Phật diễn tả những đặc tính của người sung túc như sau:

 (Pháp Cú 24)

Luôn cố gắng, chẳng buông lung

Nghĩ suy chín chắn, tấm lòng hăng say

Bản thân tự chế hàng ngày

Sống theo chánh pháp, tốt thay cuộc đời

Tiếng lành tăng trưởng mãi thôi.

Ðức Phật là bậc đạo sư vĩ đại. Ngài đã khám phá ra con đường xuyên qua cách rừng vô minh đen tối, và muốn chỉ cho chúng ta thấy con đường đó nếu chúng ta có đủ trí tuệ sáng suốt để lắng nghe những gì Ngài nói. Nước biển mênh mông vô tận nhưng đều bắt từ nguồn. Dù là nước trăm sông nhưng đều đổ về biển cả và thuần một vị, đó là vị mặn. Giáo Pháp Ðức Phật thuyết giảng trong gần nửa thế kỷ cũng thế, dù nhiều vô lượng nhưng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát, là Bồ Ðề, là Niết Bàn tịch tĩnh.

Với lòng từ mẫn thương xót chúng sinh, Đức Phật thấy rõ chúng sinh ít người bỏ ác làm lành, ít người hướng tìm giải thoát. Trong nhân loại rất ít người qua được đến bờ bên kia là bờ giải thoát giác ngộ, là cõi Niết Bàn. Phần đông đám người còn lại chỉ cam tâm quanh quẩn xuôi ngược ở bờ bên này là bờ của bất thiện, của trói buộc, của đau khổ, của cảnh giới sinh tử trần gian. Phần đông sinh trở đi trở lại trên thế gian này.

Truyện tích kể rằng những người có tâm đạo, cùng ở dọc theo một con đường nọ, quyết định để bát cúng dường chư Sư và nghe giảng giáo pháp suốt đêm. Nhưng khi đêm về khuya vài người không chịu nổi nên trở về nhà. Một số thì lo hờn lo giận. Vài người khác ở lại nhưng không ngớt ngủ gục, không một giọt pháp nào lọt vào tai. Nghe câu chuyện, Ðức Phật giải thích bản chất của người thế gian:

 (Pháp Cú 85)

Đám đông nhân loại quanh ta

Ít người đạt được tới bờ bên kia

Còn bao kẻ khác kể chi

Ngược xuôi quanh quẩn sớm khuya bờ này

Trầm luân sinh tử thương thay!

Con đường Giới Ðịnh Tuệ của Đạo Phật dẫn khách lữ hành dấn thân trên đạo lộ giải thoát, tiến dần đến Niết Bàn, đích cứu cánh của mọi con đường, một trạng thái an lành giải thoát chờ đợi người lữ hành.

    Truyện tích kể rằng nhân dịp làm hôn lễ cho người con gái trẻ tuổi, gia đình nọ thỉnh Ðức Phật và tám mươi vị Tỳ kheo về nhà để cúng dường. Trong lúc thấy cô dâu đang lăng xăng lui tới mải tiếp khách thì chú rể đứng nhìn cô dâu chăm chăm, trong lòng rộn rã và sinh lòng tham dục, chỉ say đắm nghĩ đến cô gái, không để hết lòng thành vào việc dâng cúng. Ðức Phật nhận thấy ý tưởng xấu ấy nên dạy rằng “Không lửa nào bằng lửa tham dục, không ác nào bằng lòng sân hận, không khổ nào bằng khổ ngũ uẩn, không vui nào bằng vui an tịnh Niết Bàn”:

 (Pháp Cú 202)

Lửa nào lại sánh được ngang

Lửa tham lửa dục cháy tan dữ dằn,

Ác nào lại sánh cho bằng

Ác sân ác hận hung hăng oán hờn,

Khổ nào lại vượt được hơn

Khổ thân ngũ uẩn hợp tan sớm chiều,

Vui kia so sánh đủ điều

Sao bằng vui chốn cao siêu Niết Bàn.

Một cô gái làm công, phải làm việc vất vả suốt ngày đến lúc đêm khuya, bước ra ngoài cửa, để ý thấy nhiều vị tăng sĩ thấp thoáng qua lại trên một ngọn đồi gần đó. Cô tự nghĩ: “Ta không ngủ được vì công chuyện bề bộn mệt nhọc, còn các vị Sư kia, tại sao cũng không ngủ được”. Về sau cô có dịp cúng dường bánh cho Ðức Phật và được nghe Ngài giải thích là các vị Tỳ kheo vẫn thức đêm, không ngủ vì phải luôn luôn tỉnh giác và chuyên cần tu tập, tâm trọn vẹn hướng về Niết Bàn để mọi phiền não đều dứt sạch:

(Pháp Cú 226)

Những người giác tỉnh thường xuyên

Dốc lòng tu tập ngày đêm chuyên cần

Quyết tâm hướng đến Niết Bàn

Thì bao phiền não tiêu tan chẳng còn.

Một anh nông dân nghèo đến nghe Ðức Phật thuyết Pháp trong lúc bụng đói. Trước khi bắt đầu thời Pháp Ngài gọi người dọn cơm cho anh ăn. Nhân cơ hội, Ngài giảng rằng  “Thông thường, mỗi khi đau ốm người ta dùng một vị thuốc thích hợp làm cho bệnh thuyên giảm và chấm dứt. Nhưng cái đói thì không bao giờ dứt, suốt đời, hễ no rồi lại đói. Thân con người là nguồn gốc của lo âu và sầu khổ. Nếu biết rõ hai điều ấy ta sẽ thấy Niết Bàn là nơi an lạc cao nhất”:

(Pháp Cú 203)

Đói là chứng bệnh lớn lao,

Vô thường ngũ uẩn khổ đau nhất đời,

Nếu ai hiểu đúng vậy rồi

Coi như đạt đến cực vui Niết Bàn.

Chúng ta thường quan niệm Niết Bàn như một cảnh giới, một cõi nào đó cao cấp hơn cõi người, như là cõi thiên đường của các tôn giáo khác, đó là một sai lầm lớn. Niết Bàn vượt thoát mọi khái niệm đối đãi về thời gian, không gian, có, không, lớn, nhỏ... Dù vậy, Niết Bàn không phải là hư vô, mà là một thực tại thanh tịnh, siêu việt, không nằm trong phạm vi phân biệt của ý thức, hay nói cách khác, không thể nhận thức được Niết Bàn khi đang còn tham, sân, si. Một vị Thiền sư nói: “Hãy nhìn những rặng núi, những con suối chảy, những rừng cây xanh ngắt đẹp tuyệt vời kia. Khi biết nhìn mọi vật với một nhãn quan mới, một nhãn quan không bị chi phối bởi tham sân si, thì cảnh đẹp kia chính là Niết Bàn đó! Niết Bàn không phải là một nơi chốn nào khác biệt với thế gian, một cảnh giới nào mà người ta có thể tìm đến. Niết Bàn chính là ở đây”. Ðức Phật và các vị Bồ Tát, A La Hán đã đạt Niết Bàn ngay trong đời sống này. Ðiều đó nghĩa là Niết Bàn nằm ngay trong tầm tay của mỗi người. Biểu hiện của Niết Bàn là không còn tạo nghiệp và không còn tái sinh.

“Niết Bàn tức sinh tử, sinh tử tức Niết Bàn”. Câu kinh thâm thúy mới đọc tưởng như mâu thuẫn. Thật ra lúc mê thì sinh tử, khi ngộ là Niết Bàn, hai cảnh sinh tử và Niết Bàn không phải là hai nơi xa cách mà chỉ là một. Pháp nhiệm mầu của Đạo Phật là dạy cho con người biết cách chuyển mê thành ngộ, biến cải cảnh sinh tử đau khổ của thế gian thành cảnh an lạc, Niết Bàn của chư Phật.

 

NGHỆ THUẬT THUYẾT PHÁP

Trong gần nửa thế kỷ thuyết pháp độ sinh, Ðức Phật đã giảng dạy và hóa độ cho rất nhiều người thuộc nhiều thành phần, căn cơ và nguồn gốc khác nhau. Tùy cơ duyên mà Ngài sử dụng những phương cách giảng khác nhau để khai mở trí tuệ cho hàng đệ tử. Có khi Ngài dùng lời dịu dàng để khuyên răn. Có khi Ngài dùng các lý luận sắc bén để thuyết phục. Có khi ngài dùng những ví dụ, những ngụ ngôn. Có khi ngài dùng những định nghĩa. Cũng có khi Ngài dùng các ẩn dụ mạnh mẽ.

Đức Phật dùng một phương pháp rất biệt tài trong tập Kinh Pháp Cú là sử dụng các ví dụ rất linh động và chính xác để gợi cảm cho người nghe mà xác chứng và nhiều khi lại giải thích thêm cho cặn kẽ hơn những điều Ngài nói. Các ví dụ ngài dùng thật vô cùng phong phú và khác biệt, lại giản dị, trong sáng, hướng thượng, hiền thiện và giải thoát.

 

Truyện tích kể rằng vua Lưu Ly chỉ vì nghe thuật lại một lời nói có tính cách khinh khi đến nguồn gốc, dòng dõi mẹ và bà ngoại của mình nên xúc động và sinh lòng thù oán sâu đậm dòng dõi Thích Ca của Đức Phật. Vua mang quân sang tiêu diệt toàn thể những người cùng họ này. Trên đường trở về, quân đội của vua đóng dinh trại bên một bờ sông để nghỉ. Giữa đêm khuya, một trận lụt to lôi cuốn tất cả vua và binh lính theo dòng nước. Mọi người đều bị chết hết. Nghe câu chuyện thương tâm ấy Đức Phật dùng hình ảnh nước lũ cuốn trôi xóm làng để ghi nhận rằng nhiều người đi đến sự sụp đổ của chính mình trong khi thực hành mưu đồ để thành đạt mục tiêu, miệt mài trong dục vọng, tâm phóng túng, không biết rằng “Diêm vương đang cắt ngắn mạng sống của họ”: 

(Pháp Cú 47)

Tựa như nước lũ cuốn đi

Xóm làng say ngủ li bì nửa khuya

Tử thần cũng sẽ rước về

Những người phóng túng, đam mê tối ngày

Chỉ chuyên thu nhặt luôn tay

Cánh hoa dục lạc chất đầy trong tâm. 

Cũng nhân truyện tích trên chúng ta nhận thấy vua Lưu Ly vì tàn sát quá nhiều người trong dòng họ Thích Ca mà phải chịu quả báo “hiện tiền” là bị nước lụt cuốn trôi ngay. Còn khi thấy quá nhiều người trong dòng họ Thích Ca bị giết chết, Thầy A Nan khóc lóc xin nhờ Đức Phật cứu cho, nhưng Đức Phật bảo đó là quả báo của dòng họ Thích Ca phải gánh chịu, vì trong một tiền kiếp, họ đã bỏ thuốc độc vào một hồ nước, giết hết loài cá trong hồ, nay cá ấy tái sinh ở nước của vua Lưu Ly và đến báo oán. 

Đức Phật dạy nên chấm dứt tham luyến. Người còn đang say đắm, mê luyến về tài sản, về đàn gia súc, về con cháu, sẽ bị thần chết đến dẫn đi một cách bất ngờ, cũng như dân chúng trong làng đang say ngủ bị cơn lụt to nửa đêm thình lình lôi cuốn trôi ra biển: 

(Pháp Cú 287)

Người mà tâm mãi hằng ngày

Cháu con, gia sản đắm say chẳng ngừng

Khó mà thoát khỏi tử thần

Giống như thảm họa xóm làng ngủ say

Bị cơn nước lũ cuốn ngay.

Từ hình ảnh lũ lụt Đức Phật đưa ra hình ảnh ao hồ. Ngài dạy sau khi nghe Pháp thời tâm của người hiền trí an tịnh như nước trong hồ sâu yên lặng. Lần khác Ngài dạy rằng tâm của bậc thánh nhân không dao động thời an tịnh như cõi đất bằng, kiên cố như trụ đồng và cũng phẳng lặng và trong suốt như ao sâu không bị bùn đất làm nhơ bẩn.

Hình ảnh từng giọt nước nhỏ rơi xuống lâu ngày cũng làm đầy được một cái bình, từ đó Đức Phật dạy là đừng nên xem thường điều ác dù nhỏ hay điều thiện dù nhỏ. Hình ảnh gần gũi khác là mưa trên mái nhà. Ngài dạy tâm không tu sẽ bị tham dục xâm nhập như mái nhà mà lợp không kín sẽ bị mưa dột vào. Trái lại nhà lợp kín sẽ không bị mưa dột như kẻ khéo tu.

Kế đến là hình ảnh cát bụi và cây cối. Ngài dạy là kẻ ác hại người thời ác kia trở lại gây khổ cho mình như tung cát bụi ngược chiều gió, cát bụi sẽ bay ngược trở lại vào mắt người tung. Lần khác Ngài dạy là kẻ xuất gia mà chẳng giữ mình, hành vi phóng đãng, tu hành buông lơi thời chỉ gieo cát bụi cho đời. Ngài cũng dạy rằng người không tự kiềm chế dễ bị dục vọng lôi cuốn như cây yếu trước cơn gió lốc. Lòng ái dục tiềm ẩn chưa bị tận diệt thời khổ não vẫn phát sinh trở lại như đốn cây mà không đào hết rễ thì nó vẫm đâm chồi sống lại mãi. Đức Phật diễn tả người phá giới tự hại mình như cây leo chùm gửi leo quanh rồi siết chết cây vườn:

(Pháp Cú 162)

Người phá giới tự hại mình,

Như dây chùm gửi leo quanh cây vườn

Dần dần siết chết cây luôn,

Người này gieo hại bản thân vô bờ,

Gieo điều xấu, ác mong chờ

Mà quân thù địch ước mơ hại mình.

Hình ảnh cỏ lau mọc dại cũng đuợc nhắc tới. Đức Phật dạy “Người nào nuôi dưỡng ái dục thời sầu muộn sẽ gia tăng như cỏ dại mọc lên nhanh sau những cơn mưa”. Lần khác  Ngài khuyên “Đừng để cho lũ Ma quân dục tình phá hoại cái Tâm của  mình như cơn lũ lụt làm hại đám cỏ lau”. Có khi  Ngài nhấn mạnh “Tham, sân, si, ái là bốn khuyết điểm của loài người như cỏ hoang làm hại ruộng vườn”.

Đức Phật cũng dùng hình ảnh những súc vật mà chúng ta thường trông thấy trong cuộc sống hàng ngày để làm ví dụ khi thuyết pháp cho mọi người dễ hiểu. Ngài dạy “Ai học mà không hành thời vô ích, như kẻ chăn bò chỉ đếm bò cho chủ”. Hoặc “Già nua, chết chóc lùa con người đến với tử thần như người chăn bò lùa bò ra cánh đồng”. Hoặc “Bà La Môn là người đã giác ngộ như trâu dũng mãnh đầu đàn”.

Đối với chuyện ái dục thời Đức Phật đưa ra hình ảnh “Ngày nào còn một bụi cây nhỏ dục vọng giữa nam và nữ mà chưa bị chặt ngã, thời ngày ấy tâm hãy còn bị trói buộc, giống như con bê đeo dính bò mẹ”:

 (Pháp Cú 284)

Dây tình nam nữ, gái trai

Nếu mà chưa dứt, còn hoài vương mang

Thì tâm, ý vẫn buộc ràng

Như bê bú mẹ luôn ham, chẳng rời.

Để thuyết pháp Đức Phật đưa ra nhiều hình ảnh của các sinh vật để người nghe dễ cảm nhận. “Ái dục của người sống dễ duôi tăng trưởng như dây leo. Nó nhảy từ kiếp sống này chuyển sang kiếp khác như loài khỉ, vượn thích trái cây trong rừng”. Hoặc “Kẻ bị bao trùm trong ái dục kinh hoàng như thỏ nằm trong bẫy”. Hoặc “Những ai đắm say trong tham ái sẽ rơi trở vào dòng, như nhện sa vào lưới của chính nó”.

Đức Phật cũng dạy “Những người trí tuệ thô thiển, khi hôn mê, tham ăn, thích ngủ, ngã lăn, nằm dài như con heo to mà người ta nuôi bằng thức ăn thừa.”  Trong một dịp khác, vì ăn uống quá độ mà vua Ba Tư Nặc thường thấy mệt mỏi và khó chịu, nhờ Ðức Phật khuyên dạy, vua ăn uống có độ lượng và do đó cải tiến tình trạng sức khỏe. Nhân dịp này để diễn tả kẻ ưa ngủ, ăn uống không chừng mực, nằm lăn lóc qua lại, Ngài dùng hình ảnh con heo ham ăn cho no bụng: 

(Pháp Cú 325)

Người phàm, ngu muội, tham ăn

Lại thêm ưa ngủ, nằm lăn lóc hoài

Như heo ăn bụng no rồi

Tái sinh chịu mãi, luân hồi tránh đâu.     

Có một Tỳ kheo ít thông minh lại hay lơ đãng, vụng về. Ít khi biết nói những lời cho hợp thời, hợp cảnh. Trí tuệ không được mở mang. Ngài đưa ra hình ảnh bò với trâu để so sánh:   

 (Pháp Cú 152)

Người không chịu học, chịu nghe

Giống như bò với trâu kia vô ngần,

Trâu bò lớn mạnh thịt gân

Nhưng mà trí tuệ trăm phần y nguyên

Nào đâu phát triển được thêm. 

Kế đến Đức Phật đưa ra hàng loạt hình ảnh súc vật khác. Ngài dạy: Người trí như tuấn mã chạy nhanh bỏ lại phía sau những con ngựa gầy, lười biếng và hèn kém; Hãy nhiệt tâm chuyên cần như ngựa giỏi chạy hăng lại thêm roi thúc giục; Luyện được lòng ẩn nhẫn mới là khó, khó hơn luyện được voi; Kẻ có tài tự chế ngự được mình là điều rất quý, quý hơn cả tài huấn luyện la, lừa, ngựa và voi; Người phóng túng, không biết tự kiềm chế giống như con voi hung hăng khó trị. 

Nhân có một thầy Sa di trẻ tuổi có giới hạnh rất trang nghiêm nhưng về sau muốn hoàn tục. Bà mẹ thầy thuyết phục thầy không nên làm vậy. Cuối cùng thầy nhận định được sự ích lợi dồi dào phong phú của đời sống thiêng liêng đạo hạnh. Đức Phật khuyên thầy “Hãy khéo điều khiển tâm mình như tay quản tượng giỏi điều phục voi”: 

(Pháp Cú 326)

Như Lai thuở trước buông lung

Bao nhiêu tham dục cứ thường chạy theo,

Tâm ta nay đã xoay chiều

Nhờ vào chánh niệm ta điều phục tâm

Như voi hung dữ vô ngần

Nhờ tay quản tượng sẽ thuần tính ngay

Đức Phật dạy “Người không tiến bộ về vật chất và tinh thần sẽ ăn năn hối hận như con cò già bên cái ao không cá”. Trong một dịp khác tâm của một Tỳ kheo bị những tư tưởng xấu chế ngự, Ngài khuyên thầy nên giữ vững tâm, khắc phục tư tưởng xấu vì “Cá mắc câu và bị kéo lên khỏi nước, vứt trên đất khô, vùng vẫy như thế nào thì tâm của người trí cũng vùng vẫy và phấn đấu để tránh xa dục vọng như thế ấy”: 

(Pháp Cú 34)

Tựa như cá ở hồ ao

Bị đưa khỏi nước quăng vào bờ kia

Vẫy vùng, sợ sệt kể chi,

Tâm người nên vậy khác gì cá đâu

Phải vùng vẫy, phải lo âu

Cố mà phấn đấu thoát mau tâm mình

Khỏi tay Ma giới dục tình. 

Hình ảnh loài quạ, diều hâu cũng được nhắc tới “Sống không hổ thẹn, lại lỗ mãng trơ trẽn như loài này thời dễ”:

(Pháp Cú 244)

Sống không xấu hổ bao giờ

Lại thêm lỗ mãng giống như quạ diều

Chê bai, khoác lác đủ điều

Khoa trương, ngạo mạn, tự kiêu tháng ngày

Sống như vậy thật dễ thay! 

Hình ảnh những cánh thiên nga, những cánh chim tung bay tự do trên bầu trời cũng được mang ra để làm ví dụ thuyết pháp. Đức Phật dạy “Chư vị A La Hán không còn luyến ái tựa như những con thiên nga rời bỏ ao hồ”. Và “Không nên luyến ái vật thực, không màng đến vật chất thời sẽ thảnh thơi trong cảnh Niết Bàn giống như chim bay giữa chốn không trung. Tìm chim dấu vết vô vàn khó thay.” Rồi hình ảnh ong trong vườn “Đi trì bình khất thực mà không gây phiền phức cho ai như loài ong chỉ hút mật của hoa rồi bay đi mà không gây tổn hại đến hương hay sắc của hoa”.

Đức Phật dạy “Thấy lỗi người thì dễ, nhưng lỗi mình thời quả là khó thấy”. Một ông trưởng giả nọ muốn đến yết kiến Đức Phật nhưng có mấy vị đạo sĩ nói xấu Ngài để thuyết phục ông ấy đừng đi. Nghe câu chuyện, Đức Phật lưu ý các đệ tử rằng có người chỉ thấy lỗi kẻ khác, lắm khi là những lỗi không bao giờ có, nhưng lại không thấy lỗi của chính mình:

(Pháp Cú 252)

Lỗi người dễ thấy biết bao

Lỗi ta khó thấy ai nào muốn khui,

Lỗi người cứ cố phanh phui

Như tìm trấu lẫn trong nồi gạo kia

Lỗi ta lại giấu giếm đi

Tựa người săn bắn muốn che dấu mình

Hay như con bạc cố tình

Cờ gian bạc lận lưu manh dấu bài.

Hình ảnh thợ săn ẩn núp giấu mình và kẻ cờ gian bạc lận trong đời sống hàng ngày được đưa ra thật sinh động.

 Hình ảnh hoa sen cũng được nhắc tới nhiều lần. Một Tỳ kheo đang hành thiền về tính cách ô trược của thể xác nhưng không hiệu quả. Đức Phật thấy vậy trao cho thầy một cành sen và dạy thầy an trụ tâm vào đây. Vị Tỳ kheo thành công, đắc những từng Thiền và phát triển tâm lực. Theo lời khuyên của Đức Phật về sau thầy đắc quả A La Hán. Đức Phật dạy “Hãy cắt đứt dây tình cảm như ngắt cành sen mùa thu”:

(Pháp Cú 285)

Dây tình ái hãy dứt liền

Như tay ngắt bỏ cành sen thu tàn

Siêng tu an tịnh đạo vàng

Là đường Phật dạy tìm sang Niết Bàn.

Trong đám người mê muội vẫn có những người giữ mình cao thượng như “hoa sen thanh khiết mọc lên giữa đám bùn nhơ, rác rưởi”. Người đã dập tắt ái dục không còn sầu muộn như “giọt nước rời lá sen”, như “mưa trơn tuột khỏi hàng lá sen”. Bà La Môn không luyến ái dục lạc như “giọt nước trôi mau trên lá sen”, như “hột cải trên đầu mũi kim” không thể dính lại được.

Kế đến là mặt trăng với mặt trời. Người trong sạch, không bợn nhơ như “mặt trăng sáng ngời giữa bầu trời không mây”:

 (Pháp Cú 413)

Người nhơ bẩn phủi sạch rồi

Như trăng vằng vặc sáng ngời trong đêm

Rất thanh tịnh, rất lặng yên

Diệt trừ ái dục quẩn bên hại mình

Bà Là Môn thật xứng danh.

 Dầu trẻ tuổi nếu nhiệt thành với giáo pháp, thầy Tỳ kheo có thể rọi sáng toàn thể thế gian này như “mặt trăng ra khỏi vừng mây”. Hào quang Đức Phật rạng tỏ ngày như đêm;

(Pháp Cú 387)

Mặt trời chiếu sáng ban ngày

Mặt trăng đêm xuống tỏa đầy ánh quang

Gươm đao, nhung giáp huy hoàng

Trận tiền chiếu sáng rỡ ràng cho Vua

Bà La Môn vốn từ xưa

Hào quang chiếu sáng khi tu hành thiền,

Nhưng hào quang Phật vô biên

Ngày đêm chiếu sáng khắp miền nhân gian.

Trong Kinh Pháp Cú có nhiều ví dụ cho thấy rằng không phải Đức Phật chỉ thuyết pháp cho hàng trí thức mà Ngài cũng giảng dạy giáo lý cho cả các trẻ em nữa. Ngài dùng những chuyện ngụ ngôn rất giản dị để cho mọi người đều hiểu được lời Ngài muốn giảng dạy. Như thí dụ cái bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe, bóng theo người, mái nhà khéo lợp, một làng đang say ngủ, ao hồ sâu thẳm và trong veo, hoa có hương thơm, ong hút mật v.v… Trí tuệ của Đức Phật đã tỏ rạng trong cách trình bày chân lý cao thâm với những danh từ thông thường, dễ hiểu, không rườm rà phiền phức.

Trong nhiều ví dụ, chúng ta nhận thấy Đức Phật cũng có  cái nhìn của một nhà nghệ sĩ tài ba. Hình ảnh vị Tỳ kheo chèo thuyền lướt tới, thuyền được tát cho nhẹ nước, và nhờ vậy thuyền lướt tới mau chóng và nhẹ nhàng. Hình ảnh này nói lên đặc tính vừa hướng thượng vừa siêu thoát, diễn tả vị Tỳ kheo đoạn trừ được lòng tham và sân hận và đang mau chóng tiến dần đến mục đích Niết Bàn an lạc. Chiếc thuyền trống rỗng. Chiếc thuyền ví như thể xác này và nước trong thuyền là những tư tưởng xấu.

 Truyện tích kể rằng vài vị tu sĩ hiểu lầm phẩm hạnh của Ðại đức Ca Diếp và bàn tán với nhau rằng ngài còn luyến ái những thí chủ và họ hàng thân thuộc. Nghe vậy, Ðức Phật giải thích rằng Ðại đức Ca Diếp đã cắt dứt mọi luyến ái. Ngài đưa ra hình ảnh một vị tu sĩ không có nhà cửa chùa chiền, cư xá riêng tư, như con ngỗng trời, rời bỏ hồ ao, bay liệng giữa hư không. Thầy tu đi lang thang rày đây mai đó không luyến ái một nơi ở nhất định nào, bởi vì thầy đã hoàn toàn tự do, đã thoát ra khỏi mọi quan niệm về “ta” và “của ta”:

 (Pháp Cú 91)

Những người cố gắng tu thân

Luôn luôn hăng hái, tinh thần thật cao

Đâu còn lưu luyến là bao

Nơi ăn chốn ở thuở nào tại gia

Ví như những cánh thiên nga

Rời ao hồ cũ bay xa tít mù

Đâu còn nhớ tiếc nơi xưa. 

Khi Đạo Phật ra đời và khi đức Phật bắt đầu thuyết pháp hành đạo, Ngài đã gặp phải một số rất đông các bậc Đạo sư của nhiều giáo phái khác. Họ có giáo lý và phương pháp tu hành riêng biệt, nên một mặt Đức Phật dùng những định nghĩa thật chính xác và rõ rệt để nói lên phần giáo lý pháp môn của mình, sai khác với họ như thế nào; mặt khác Ngài phải tìm hiểu thật chính xác giáo lý và phương pháp tu hành của các giáo phái đó. Với những danh từ họ thường dùng, Ngài đưa ra những định nghĩa thật mới mẻ, thật chính xác, phù hợp với lập trường giáo lý và pháp môn của Ngài. Thí dụ như đối với danh từ “Muni”, ẩn sĩ, mà chúng ta thường dùng để gọi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài định nghĩa rằng “Muni” hay Mâu Ni có nghĩa là im lặng, nhưng im lặng như ngu si đâu được gọi là ẩn sĩ. Mâu Ni phải là người có trí, biết đo lường cân nhắc phải trái: 

(Pháp Cú 268)

Kẻ ngu đần dù lặng yên

Đâu thành một vị thánh hiền ẩn danh,

Nhưng người trí tuệ tinh anh

Cầm cân nảy mực phân ranh tỏ tường

Chọn lành, bỏ dữ chẳng màng

Mới là ẩn sĩ thuộc hàng xứng danh. 

Có một vị Bà La Môn sống cuộc đời ẩn dật, tu theo lối khổ hạnh. Một hôm ông ta nghĩ Đức Phật gọi các đệ tử của Ngài là bậc xuất gia, ông sống ẩn cư, tu khổ hạnh thời cũng đáng được gọi là người xuất gia. Ông ta đến gặp Đức Phật và nói lên ý nghĩ ấy. Đức Phật đọc lên bài kệ sau đây để cùng một lúc định nghĩa Bà La Môn, Sa Môn và người xuất gia: 

(Pháp Cú 388)

Người mà nghiệp ác dứt xa

Xứng danh tên gọi là Bà La Môn

Người mà an tịnh luôn luôn

Xứng danh tên gọi Sa Môn tu hành,

Người mà ô nhiễm diệt nhanh

Mới là một bậc thuần thành xuất gia. 

Một nhóm sáu vị Tỳ kheo đi đó đi đây rêu rao rằng mình là người học rộng. Đức Phật dạy “Không phải vì nói nhiều mà người ta cho rằng là bậc học rộng. Bậc có trí tuệ phải là người an tịnh, không sân hận oán thù và không sợ sệt”: 

(Pháp Cú 258)

Nào đâu cứ phải nhiều lời

Mới là kẻ trí, chuyện đời tinh thông

Ai mà an tịnh thân tâm

Oán thù, hãi sợ trăm phần dẹp nhanh

Mới là người trí xứng danh. 

Trong một số trường hợp, Đức Phật cũng dùng những “ẩn dụ” để thuyết pháp. Một ngày nọ có một nhóm các thầy Tỳ kheo từ phương xa đến đảnh lễ Phật. Lúc bấy giờ có một trưởng lão dáng người thấp lùn đang đứng ở cuối phòng. Đức Phật hướng về phía trưởng lão và nói với các vị Tỳ kheo rằng: “Này chư Tỳ kheo, các ông có trông thấy vị Tăng đứng ở phía kia không?”.

Đức Phật nói: “Đó là người đã giết mẹ, cha và hai nhà vua hiếu chiến, và đã tiêu diệt một quốc gia cùng với vị đại thần phụ trách quốc khố, vị A La Hán ra đi, không sầu muộn” (câu 294).

Rồi Ngài nói tiếp: “Đó là người đã giết mẹ, cha và hai ông vua của giai cấp Bà la môn và tiêu diệt con đường nguy hiểm, vị A La Hán ra đi, không sầu muộn” (câu 295).

Các vị Tỳ kheo nghe xong đều rất ngạc nhiên, chẳng hiểu được thâm ý của Đức Phật, mới xin Đức Phật giải thích thêm. Sau khi lãnh hội và quán triệt được ý nghĩa thâm sâu của hai câu kệ trên, các vị Tỳ kheo đó đắc quả A La Hán.

Hai câu Pháp Cú 294 và 295 này thật khó mà hiểu rõ được ý nghĩa nếu ta không xem các bản “chú giải” ghi chép lại trong kinh tạng. Các câu kệ đó mang ý nghĩa của lời ẩn dụ như sau: “Giết mẹ, giết cha, không phải là trừ diệt Cha Mẹ thật của mình. Ý nói đã diệt trừ xong các nguyên nhân khiến con người phải tái sinh trong cõi đời này. Diệt trừ xong ái dục và ngã mạn để thoát khỏi vòng luân hồi. Mẹ là ẩn dụ cho lòng tham ái, và cha là ẩn dụ của ngã mạn. Chính vì tham ái và ngã mạn mà ta phải tái sinh nhiều đời, nhiều kiếp trong cõi ta bà luân hồi này. Hai vị vua chính là hai biên kiến của vô minh: thường kiến và đoạn kiến, thường tạo ra nhiều tranh cãi vô ích, cần phải được phá bỏ. Vương quốc lãnh thổ kia chính là 6 căn và 6 trần: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vị Quốc khố đại thần là để chỉ lòng tham đắm dục lạc phát sinh và chất chứa từ 6 căn đó. Sau cùng, hổ tướng thứ năm chính là con quỷ thứ năm làm cản trở sự định tâm, phát tuệ. Ðó là ‘nghi’ của 5 triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, và hoài nghi. Sau khi đã đoạn diệt tất cả các chướng ngại này thì hành giả mới thong dong, tự tại, đi đến giải thoát ...”. Hai câu Pháp Cú trên có thể được kèm luôn với lời chú thích và diễn tả lại như sau để cho dễ hiểu hơn :

(Pháp Cú 294)

Trừ mẹ ái dục cho mau,

Trừ cha kiêu ngạo, tự hào, khoe khoang,

Trừ hai Vua nọ kiêu căng

Tham vọng, hiếu chiến, ý càng lầm sai

Chẳng tin nhân quả, luân hồi

Khó mà giải thoát, muôn đời hại dân,

Trừ thêm vương quốc kia luôn

Hạ mười hai xứ: sáu trần, sáu căn

Tự mình làm chủ giác quan

Tạo ra an lạc thân tâm bội phần,

Trừ luôn cả vị đại thần

Bo bo gìn giữ kho tàng quốc vương

Khác gì một kẻ lầm đường

Ham mùi luyến ái, vấn vương cuộc đời

Trừ xong mọi việc trên rồi

Vị A La Hán thảnh thơi cõi lòng

Ra đi, sầu muộn chẳng còn.

 

(Pháp Cú 295)

Trừ mẹ ái dục cho mau,

Trừ cha kiêu ngạo, tự hào luôn luôn,

Trừ hai Vua Bà La Môn

Luôn mang tư tưởng sai lầm mãi thôi

Chẳng tin nhân quả luân hồi

Khó mà giải thoát, muôn đời ngu si

Trừ con đường nọ hiểm nguy

Giăng năm chướng ngại ngăn che mắt trần

Giống năm vị tướng dữ dằn

Hoài nghi là tướng đứng hàng thứ năm,

Trừ xong mọi việc khó khăn

Vị A La Hán thênh thang cõi lòng

Ra đi, sầu muộn chẳng còn.

 

ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO YÊU ĐỜI

Khi nghe Đạo Phật nói “đời là bể khổ”, nhiều người đã hiểu lầm rằng Đức Phật có quan niệm bi quan. Sự thật không phải như vậy. Từ điển đã định nghĩa bi quan là “có thói quen nghĩ rằng cái gì sắp xảy đến đều là xấu cả, đều đáng chán và không tin tưởng ở tương lai” hoặc bi quan là “chán nản, không tin tưởng, hoặc mất niềm tin vào hiện tại, tương lai”.

Đức Phật không bao giờ chủ trương bi quan như vậy và Phật cũng không hề nói trên đời này không thể có hạnh phúc. Đức Phật chỉ nói rằng sống thì phải chịu khổ về thể xác cũng như về tinh thần. Nhận định của Đức Phật rất khách quan, rất đúng và không ai có thể phủ nhận những sự thật ấy được. Giáo lý của Đạo Phật được phát xuất từ kinh nghiệm sống dựa trên sự thật, trên một thực tế mà mọi người đều biết, đều có trải qua và đều cố gắng phấn đấu để khắc phục. Đạo Phật đi thẳng vào điều lo ấu chính yếu của mọi người trên thế gian là sự “khổ đau” và “làm thế nào để tránh cho khỏi khổ”.     

Những điều nhận xét của Đức Phật về con người, về cuộc đời chính là những mối suy tư giúp nhân sinh có một quan niệm đúng đắn về cuộc đời để sử dụng đời mình làm sao cho có lợi ích. Lợi ích cho chính bản thân mình và lợi ích cho cả các chúng sinh khác. Chính đây là những lời khuyến khích con người tìm cách thực hiện mau những điều đáng làm và cần thiết phải làm để khỏi chết đi trong niềm tiếc nuối và ân hận là mình đã sống một cuộc sống vô nghĩa đầy uổng phí.

Những người chưa vào Đạo Phật, hoặc chưa hiểu Đạo Phật, thường nghĩ rất sai lầm, tưởng rằng Đạo Phật là một đạo chán đời, bi quan, yếm thế, thối chí, làm cho con người trốn tránh trách nhiệm với xã hội và hèn yếu đối với thân tâm mình. Vì Ðạo Phật nói “vô thường”, mà một khi sự vật đã vô thường thì không nên làm gì cả, có siêng năng hoạt động kinh doanh sự nghiệp rồi cũng không đi đến đâu. Nghĩ như thế thật là trái ngược với giáo lý nhà Phật.

Thật ra không phải vậy. Vô thường của đạo Phật là một phương pháp chỉ rõ mặt trái của đời, để bài trừ những sự mê lầm, ngăn chặn người chạy theo vật dục, nó chưa phải là thuyết tuyệt đối. Ðức Phật cũng như vị lương y tùy theo chứng bệnh mà cho thuốc. Với bệnh “chấp thường còn không mất”, thì dùng phương thuốc “vô thường” để đối trị, khi lành bệnh thì Phật lại cho thứ thuốc bổ khác quý báu hơn, là thuyết “chân thường bất biến”. 

Biết được vô thường, con người giữ được bình tĩnh thản nhiên trước cảnh đổi thay bất ngờ và có thể lạnh lùng trước cảnh ân ái chia ly. Biết vô thường, con người dám hy sinh tài sản, sinh mạng để làm việc nghĩa. Biết vô thường con người mới chán ngán với những thú vui tạm bợ, giả trá, và sáng suốt đi tìm những cái vui chân thật thường còn. Vì thật ra, cái vui chân thật thường còn, cái tánh chân thường vẫn có, nhưng nó nằm bên trong cái lớp giả dối tạm bợ vô thường của cõi đời nầy, nên chúng ta không thể thấy được. Khi chúng ta đã cương quyết gạt bỏ cái vỏ giả dối ấy, thì tất nhiên cái giá trị chân thật, cái hạnh phúc chân chính, cái Phật tánh sáng suốt, chắc thật muôn đời sẽ hiện ra. 

Đạo Phật là một đạo rất yêu đời”, nhưng yêu cái đời sống thật, yêu cái bộ mặt thật, (bản lai diện mục) đẹp đẽ, trong sạch, yên vui của đời. Vì yêu bộ mặt thật của đời nên mới sinh ra lòng yêu người, yêu tất cả mọi người, mọi loài không phân biệt. Lòng yêu bao la rộng khắp, trùm bọc hết thẩy chúng sinh, vì chúng sinh dưới những hình tướng sai biệt, đều cùng có một bộ mặt thật, đẹp đẽ, sáng sủa như nhau, tuy rằng bộ mặt ấy hiện nay còn bị nhơ bụi phủ đầy. 

Chúng ta nhớ lại Đức Phật thoạt tiên là một thái tử, sống trong cung vàng điện ngọc, đầy sung sướng, đầy quyền uy. Sợ thái tử sẽ xuất gia tu hành theo đúng như lời của người tiên tri nên vua cha muốn giữ chân thái tử trong cảnh vương giả này. Vua cưới vợ cho thái tử và tạo ra biết bao cảnh vật quyến rũ để giữ chân con mình bên cạnh vợ đẹp, bên cạnh con khôn. Chúng ta hãy nghe tả cuộc sống này: 

“Thời gian sau ở hoàng cung

Vua quan tổ chức tưng bừng vui tươi

Lễ thành hôn giữa hai người

Trai tài gái sắc xứng đôi vợ chồng

Tuổi mười sáu, đẹp tơ hồng

Sợi dây luyến ái đôi lòng quyện chung,

Vua luôn suy nghĩ mung lung

Giữ chân thái tử mãi trong lồng vàng

Vua bèn ra lệnh các quan

Xây ba cung điện huy hoàng một nơi

Hoa viên cây cỏ tốt tươi

Sen phô sắc dưới nắng trời nhẹ lay

Hồ xanh in bóng mây bay

Vợ chồng quấn quýt, tháng ngày say mê,

Một cung điện cho mùa hè

Hây hây gió mát bốn bề suối trong,

Một cung điện cho mùa đông

Bập bùng lửa ấm tình nồng hương đưa,

Một cung điện cho mùa mưa

Nhạc mưa thánh thót sớm trưa gợi tình,

Nẻo hoa viên, lối cung đình

Tường cao vây phủ bao quanh phía ngoài

Ngăn che phiền não trần ai

Khỏi vương hạnh phúc của hai tâm hồn.

Trong cung tuyển các nhạc công

Đàn ca réo rắt, tơ đồng lả lơi

Thêm đoàn ca múa xinh tươi

Thân vờn dáng liễu, giọng khơi mạch tình

Cao lương, mỹ vị linh đình

Khiến cho thái tử đắm mình mê say

Trải qua bao tháng cùng ngày

Sống trong cảnh giới hưởng đầy thú vui

Không hề hay biết trên đời

Nhiều nơi bất hạnh, lắm người lầm than.” 

Sống sung sướng trong cảnh vương giả như vậy mà thái tử vẫn quyết chí buông xả tất cả để xuất gia. Đi tu không phải vì những lý do tầm thường như người không hiểu đạo thường nói tới như là: thất tình, nghèo khổ, chán đời, thối chí, thiếu hạnh phúc v.v… Ngài ra đi là muốn giải thoát muôn loài, muốn tìm cho chúng sinh một hạnh phúc thật sự. Đây là tâm trạng của thái tử lúc rời hoàng cung: 

“Dù thương cha mẹ vô vàn

Dù yêu vợ đẹp, con ngoan vô cùng

Nhưng ta quyết bỏ hoàng cung

Xuất gia tìm hạnh phúc chung cho người

Tìm phương giải thoát muôn loài

Cuộc đời vương giả đoái hoài làm chi!”

Ngài đi là mong tìm phương cách diệt khổ đau cho chúng sinh. Đạo Phật là đạo diệt khổ, là đạo giải thoát. Giải là cởi mở. Ở đây là “cởi mở” những trói buộc để “thoát” ra khỏi mọi hình thức đau khổ của đời sống:

“Phóng hồi lâu dưới trăng thanh

Người đi nhìn lại kinh thành xa xa

Nguyện thầm: Đến lúc tìm ra

Con đường diệt khổ thì ta mới về!” 

Đời sống của Đức Phật Thích Ca là hiện thân hoàn toàn của lòng yêu đời”. Vì yêu đời và yêu chúng sinh đau khổ nên Đức Phật mới bỏ gia đình, bỏ cha mẹ, vợ con, bỏ ngôi báu, lìa xa cung vàng điện ngọc… để tu tập, tìm phương thuốc chữa khổ cho đời. Vì yêu đời và yêu chúng sinh nên trong gần nửa thế kỷ, Đức Phật đã xông pha khắp đó đây, trong mọi tầng lớp xã hội, để giảng dạy cho mọi người tìm ra và nhận thấy bộ mặt thật của đời mà sống. Bộ mặt ấy là “bản thể, thật tánh, Niết Bàn”. 

Nhưng cũng như sóng không thể lìa nước mà có, “bản thể, thật tánh, Niết Bàn” không thể lìa đời, lìa người và vạn vật mà có. Cho nên người Phật tử luôn luôn sống tích cực với mình và với đi. Với mình để tu sửa mình, giác ngộ mình. Với đời để thức tỉnh người, cứu độ người. Có thức tỉnh mình hoàn toàn và có cứu độ người đầy đủ mới có thể đạt tới Niết Bàn. Đạo Phật là đạo tích cực hoạt động. 

Đoạn sau đây trong kinh Phật là một trả lời rõ rệt cho những kẻ tưởng rằng Đạo Phật làm cho con người ghét đời và xa lánh xã hội. Kinh Phật ghi rằng: 

“…Kẻ ngu si sợ hư không mà muốn đi trốn, thì dù bỏ hư không mà chạy cũng không thể nào thoát được hư không. Kẻ đi tìm hư không, dù có chạy khắp Đông, Tây, Nam, Bắc, cũng không tìm thấy hư không. Những kẻ ấy chỉ biết cái “danh” (tên) của hư không mà không biết được cái “thực” của hư không. Nay có kẻ muốn tìm Niết Bàn, thường qua lại trong Niết Bàn mà không biết đó là Niết Bàn, chỉ thấy toàn sinh tử, phiền não. Kẻ ấy chỉ biết cái “danh” (tên) của Niết Bàn mà không biết cái “thực” của Niết Bàn”. 

Vậy ta đừng lầm rằng giải thoát là lìa bỏ, chán ghét cõi đời hiện tại. Giải thoát chính là sống hoạt động, yên vui, sung sướng, tự do hoàn toàn ngay trong đời hiện tại, trước khi từ bỏ xác thân vô thường này để nhập Niết Bàn và rồi lại sẽ từ Niết Bàn mà ứng hoá ra khắp mọi nơi để tiếp tục hoạt động cứu độ vô tận chúng sinh. Chư Phật và chư Bồ Tát đã và đang sống cái đời sống ấy. Phật tử chúng ta tu tập cốt để cũng được sống cái đời sống như chư Phật và Bồ Tát.

Nhân dịp giải đáp bốn câu hỏi do vua Trời Ðế Thích cùng đoàn chư  thiên đông đảo nêu lên Ðức Phật dạy rằng “Niềm vui trong Chân Lý cao thượng hơn tất cả niềm vui khác”:

(Pháp Cú 354)

Coi như bố thí hàng đầu

Là đem Chân Lý nhiệm mầu tặng nhau,

Coi như hương vị tối cao

Hương vị Chân Lý ngọt ngào dài lâu

Coi như hoan hỷ hàng đầu

Niềm vui Chân Lý thấm sâu tuyệt vời,

Người nào ái dục diệt rồi

Vượt qua phiền não, xa rời khổ đau. 

“Niềm vui Chân Lý thấm sâu tuyệt vời” được coi là hoan hỷ hàng đầu tức là “pháp hỷ” thắng hơn mọi hoan hỷ khác. Pháp hỷ là niềm vui nhẹ nhàng trong tâm sau khi thấm nhuần chân lý, thấu triệt chánh pháp. Niềm vui này kéo dài cả cuộc sống trong khi các niềm vui khác thường ngắn ngủi và hễ chấm dứt là lại sinh ra khổ đau tiếp nối. Câu này quả thật đã nói lên ý niệm lạc quan yêu đời của đạo Phật, một Ðạo vẫn luôn luôn bị hiểu lầm là chán đời và yếm thế.

Vì làm sao người Phật tử có thể chán đời, ghét đời được khi mà chánh pháp đem lại cho mình pháp hỷ, như đã được khéo diễn tả trong những câu sau đây nhân dịp Ma Vương cung thỉnh Ðức Phật làm vua để giúp đỡ dân chúng được thanh bình, an lạc. Ðức Phật biết Ma Vương muốn cám dỗ nên Ngài dạy rằng Ngài không có gì giống như Ma Vương cả và Ngài kể ra biết bao nguồn hạnh phúc, biết bao niềm vui đến với người tu hành theo con đường giác ngộ và giải thoát. 

Vui vì gặp được bạn lúc mình đang cần. Vui vì tự biết là đủ với nhựng gì mình đang có. Vui vì lúc qua đời biết mình đã tạo nghiệp lành. Vui và hạnh phúc hơn nhiều khi biết mình đã lánh xa tội lỗi và mọi nguồn gốc khổ đau:  

 (Pháp Cú 331)

Vui thay có bạn khi cần!

Vui thay thấy đủ trong tầm đôi tay

Với gì mình có hiện nay!

Vui thay khi chết thân này tạo ra

Nghiệp lành nở đẹp như hoa!

Vui thay thống khổ lìa xa chẳng còn! 

Vui vì trên thế gian này được phụng dưỡng mẹ hiền. Vui vì được phụng dưỡng cha yêu. Vui vì cúng dường bậc xuất gia chân chính. Vui vì cúng dường các bậc thánh nhân:  

(Pháp Cú 332)

Ở đời còn có nhân duyên

Kính yêu, phụng dưỡng mẹ hiền là vui,

Công cha như núi cao vời

Kính yêu phụng dưỡng được người là vui,

Cũng vui thay nếu ở đời

Có lòng tôn kính tìm nơi cúng dường

Sa Môn cùng với thánh nhân. 

Vui vì cho đến tuổi già mà vẫn giữ được đức hạnh. Vui vì lúc nào cũng giữ được niềm tin. Vui khi có đầy đủ trí tuệ. Vui khi tâm trong sạch và không làm điều gì ác: 

 (Pháp Cú 333)

Vui thay từ trẻ đến già

Luôn luôn giữ giới thiết tha chẳng rời,

Vui thay khi sống làm người

Niềm tin chân chánh muôn đời chẳng thay!

Vui thay trí tuệ tràn đầy!

Vui thay điều ác hàng ngày tránh xa! 

Truyện tích kể rằng nhân trong giờ nghỉ các vị Tỳ kheo bàn luận về vấn đề hạnh phúc ở đời. Ý kiến các vị đưa ra đều dựa trên sự thỏa mãn đầy đủ của các giác quan, về tiền bạc, danh lợi và quyền thế. Đó chỉ là các điều sung sướng ở thế gian. Ðức Phật nghe được bèn dạy rằng những thứ sau đây mới thật sự đem lại hạnh phúc và niềm vui “Phật ra đời! Pháp được giảng! Tăng hòa hợp! Cùng tu hòa hợp!”: 

(Pháp Cú 194)

Vui thay đức Phật ra đời!

Vui thay giáo pháp giảng nơi cõi trần!

Tăng hòa hợp đẹp muôn phần!

Đẹp thay giới luật xa gần đồng tu!

Ngày kia Ðức Phật vào thôn xóm khất thực. Do sự can thiệp khuấy phá của Ma Vương, hôm ấy không có ai cúng dường Ngài cả. Các phụ nữ bị Ma Vương cám dỗ nên ham vui mà lãng quên công đức cúng dường. Ma Vương mỉa mai hỏi Ngài có thấy đói bụng không? Ngài giải thích thái độ tinh thần của người đã thoát khỏi mọi chướng ngại “Luôn luôn sống với niềm vui phỉ lạc trong chánh pháp và luôn luôn an lạc như ở cõi trời Quang Âm”:

 (Pháp Cú 200)

Chúng ta hạnh phúc vô biên

Khi không chướng ngại, não phiền nổi trôi

Sống đời hỷ lạc tuyệt vời

Tựa như những vị cõi trời Quang Âm. 

Người Phật tử không phải là kẻ chán đời rồi tìm cách xa lánh cuộc sống, trốn tránh trách nhiệm với xã hội. Đạo Phật là một đạo tích cực hoạt động. Người Phật tử từ lúc bắt đầu vào đạo đã phải hoạt động hăng say để mở mang trí tuệ, chiến thắng tham, sân, si đồng thời phải tập chiến đấu với hoàn cảnh, xông pha trong xã hội để cứu giúp người khác.

Theo gương chư Phật và Bồ Tát, Phật tử không sống cho riêng mình, không tìm giác ngộ và giải thoát riêng cho mình, mà còn phải sống và giác ngộ, giải thoát cho kẻ khác. Đời của Phật tử là một đời hoạt động không ngừng, đi từ chiến công này đến chiến công khác, đem lòng từ bi và bình đẳng gieo rắc nhân lành khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức.

Kinh Phật từng dạy: “Trong hoạt động của người Phật tử, không một việc lành nào mà không làm, không một vật gì mà không cứu độ”. Quả thật Đạo Phật là một đạo tích cực hoạt động. Quả thật Đạo Phật là Đạo yêu đời.

 

HÃY TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC LÊN MÀ ĐI

Đức Phật, một vị thầy hoàn hảo, là khuôn vàng thước ngọc, là chuẩn mực đạo đức cho nhân sinh, cho những ai học hạnh của Ngài. Những việc làm, lời nói, tư tưởng của Ngài được kiết tập trong tam tạng Phật Giáo “Kinh, Luật, Luận” là những lời dạy tiêu biểu về đạo đức, về một lối sống an lạc, giải thoát.

Đức Phật dạy cho chúng ta biết rằng tất cả mọi người, cũng như tất cả các loại chúng sinh khác, đều có đầy đủ khả năng thành Phật. Chúng sinh và Chư Phật đều chung một bản thể sáng suốt, đều cùng một chân tâm trong sạch, linh diệu, bất sinh bất diệt. Nhưng bản thể chúng sinh đã bị bụi dơ phủ kín, chân tâm của chúng sinh đã bị ngu tối làm mê lầm, xấu xa. Khi nào chúng sinh lau chùi hết nhơ bụi, diệt trừ hết vô minh, phiền não, bấy giờ tự nhiên sẽ thành Phật, không khác gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tất cả chư Phật khắp mười phương thế giới.

Hiện nay, sự khác biệt giữa chúng sinh và Phật không phải do nơi bản thể, nơi chân tâm, mà do ở sự sai biệt giữa giác ngộ sáng suốt và ngu tối mê lầm. Các Đức Phật là những chúng sinh đã giác ngộ hoàn toàn, còn những chúng sinh, vì còn say đắm trong cảnh tham lam, sân giận, si mê, nên chưa thành Phật. Bởi vậy Đức Phật dạy rằng: “Ta là Phật đã thành; chúng sinh là Phật sẽ thành”. Nếu chúng sinh kiên quyết tu tập theo giáo lý của Phật thì chắc chắn thế nào cũng sẽ thành Phật. Bởi vậy Đức Phật coi tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng như Ngài và Đức Phật chỉ tự nhận là một người hướng đạo, một vị chỉ đường mà thôi.

Chúng ta vẫn niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, ấy là vì chúng ta chân thành cung kính, sùng bái Đức Phật Thích Ca là ông thầy của chúng ta. “Sư” là thầy học, “bổn” là gốc của ta. Chứ Đức Phật không phải là một ông chúa tể, một vị Thượng Đế, một vị Trời nào có quyền năng định đoạt số mệnh của chúng ta hay ban ân huệ cho chúng ta. Đức Phật cũng chỉ là một người bình thường như chúng ta, nhưng là một người đã tu hành đắc đạo, đã giác ngộ. Chúng ta hãy nghe qua những vần thơ tả lúc Ngài ra đời:

Nơi vùng Hy Mã Lạp Sơn

Tuyết giăng núi biếc, mây vờn đỉnh cao

Ven sườn phong cảnh đẹp sao

Bềnh bồng sương gió, dạt dào nắng mưa

Ngay miền bắc Ấn Độ xưa

Có vương quốc nhỏ nên thơ vô cùng,

Một ngày xảy chuyện đáng mừng

Khiến cho thế giới tưng bừng đổi thay,

Ma Da hoàng hậu ngủ say

Nằm mơ chợt thấy sắc mây rạng ngời

Một luồng ánh sáng từ trời

Lung linh chiếu xuống tận nơi giường bà

Trong hào quang bỗng hiện ra

Voi to, màu trắng, sáu ngà đẹp thay,

Voi và ánh sáng cùng bay

Tới gần hoàng hậu nhập ngay vào bà.

Sáng hôm sau tỉnh giấc ra

Trong lòng hoàng hậu chan hòa niềm vui

Tâu vua rõ chuyện lạ đời

Nhà vua Tịnh Phạn cho mời các quan

Quần thần thông thái giỏi giang

Đoán điềm giải mộng rõ ràng giúp vua.

Quần thần hoan hỉ cùng thưa:

“Đây là điềm tốt. Giấc mơ tuyệt vời

Báo tin mừng sắp tới nơi

Rồi đây hoàng hậu thụ thai an lành

Sau này hoàng hậu sẽ sanh

Tương lai thái tử rạng danh thiên tài

Siêu nhân vĩ đại giúp đời

Sẽ mang hạnh phúc cho người gần xa

Cho vua dòng dõi Thích Ca

Và cho nhân loại nhà nhà thơm hương”.

Vua nhìn hoàng hậu yêu thương

Cùng nhau âu yếm mừng thầm biết bao

Từ lâu vua vẫn ước ao

Sinh con nối dõi thế vào ngôi vua

Hai mươi năm mãi đợi chờ

Sắp thành hiện thực giấc mơ lâu dài.

Quả nhiên lời đoán chẳng sai

Thế rồi hoàng hậu mang thai một ngày

Thật vui thay! Thật mừng thay!

Hương lành theo gió dâng đầy thoảng xa,

Theo phong tục Ấn Độ xưa

Đàn bà sinh nở thường đưa trở về

Khai hoa nở nhụy chốn quê

Nhà cha mẹ ruột thêm bề bình yên,

Biết ngày sinh tới gần bên

Cho nên hoàng hậu vội lên đường về

Đi cùng một số bạn bè

Thêm người hầu hạ cận kề trước sau,

Hoàng cung đưa tiễn hồi lâu

Đoàn về quê ngoại cùng nhau lên đường.

Khi gần về đến quê hương

Cả đoàn được lệnh bên vườn ghé qua

Lâm Tỳ Ni tỏa hương ra

Đón người nở nhuỵ khai hoa chốn này

Trong vườn phong cảnh đẹp thay

Cây vươn nhánh xuống dang tay đỡ người

Bà vin cành biếc mỉm cười

Hoa vô ưu nở cánh tươi đón chào

Bà sinh thái tử lành sao

Dễ thương, kháu khỉnh, hồng hào, tinh anh.

Địa cầu như rạng bình minh

Tràn niềm hạnh phúc, đầy tình vui tươi

Điềm lành xuất hiện khắp nơi

Cầu vồng phô sắc, đất trời tỏa hương

Rằm tháng Tư đẹp lạ thường

Một ngày trọng đại mở đường tương lai.

Trong vương quốc khắp nơi nơi

Hân hoan đón nhận tin vui vô cùng

Cả đoàn trở lại hoàng cung

Muôn chim đua hót bên đường tiễn chân

Nhà vua cùng các quần thần

Chào mừng đón tiếp phái đoàn hồi cung

Khắp nơi lễ hội vui chung

Chập chùng cờ phướn, tưng bừng múa ca.

Bấy giờ khắp nước gần xa

Ngát hương an lạc, thắm hoa thanh bình

Cho nên thái tử sơ sinh

Được vua, hoàng hậu, triều đình đặt tên

“Tất Đạt Đa” nghĩa bình yên

“Người mang toại nguyện”, “người đem tốt lành”. 

Chính Đức Phật Thích Ca đã dạy: “Ai ăn người ấy no, ai tu người ấy chứng” chứ không có cách nào để người khác tu hộ cho mình thành Phật được cả. Sự giác ngộ và giải thoát bao giờ cũng hoàn toàn do ở nơi ta, ở sự siêng năng tu tập, sửa đổi tâm trí của ta. Người Phật Tử không sùng bái Đức Phật để xin ân huệ trần tục, nhưng họ tôn trọng Đức Phật vì thành quả tối cao của Ngài. Khi người Phật Tử kính trọng Đức Phật, gián tiếp họ đã nâng cao tâm linh họ để một ngày nào đó, họ cũng đạt được giác ngộ như Ngài hầu phụng sự nhân loại ngoài việc họ mong ước trở thành Phật.

Phật Giáo không tin vào một đấng Thượng Đế, vì Phật Giáo cho rằng vũ trụ được hình thành và chuyển vận bằng những định luật không có chủ thể, vũ trụ không phải là sáng tạo của một Đấng Trời nào; Phật Giáo không chủ trương cầu xin, và Phật Giáo xem việc thờ cúng không phải là một điều luật bắt buộc, đó chỉ là cách để bày tỏ sự biết ơn đối với Đức Phật và là phương thức để trau dồi, phát triển thân tâm. Đấng “Thượng Đế” hoặc “Tạo Hóa” hay các “Thần Linh” được con người tin tưởng thờ phụng vì con người nghĩ rằng các đấng ấy có thể ban phúc hay giáng họa cho họ. Đấy là quan điểm của tâm lý sợ hãi, yếu đuối, mất tự tín đã sản sinh ra thần thánh (đa thần hoặc nhất thần). Đạo Phật với chủ trương luật nhân quả, nghiệp báo đã nói lên tinh thần trách nhiệm cá nhân và cộng đồng trước sự đau khổ và hạnh phúc của chính mình. Đức Phật dạy: “Chính ta là kẻ thừa kế của hành động của ta, là người mang theo với mình hành động của mình”.

Đức Phật dạy các đệ tử: “Các ngươi phải cố gắng tu hành để tự giải thoát, ta chỉ là người hướng dẫn mà thôi. Trong công việc chiến thắng mọi trở lực trên đường tiến triển để đi đến đích, chỉ có các ngươi là người có công hơn cả”. Đức Phật cũng dạy: “Ta như thầy thuốc hay, biết bệnh cho thuốc, uống hay không uống, lỗi ấy không phải tại thầy. Ta như vị chỉ đường, dạy con đường phải, nghe mà không đi, lỗi ấy không phải tại người chỉ đường”.

Sau khi đã chỉ dạy lý thuyết về hành động và nêu rõ con người làm chủ nghiệp của mình và chịu kết quả các hành vi thiện ác của mình, Ðức Phật muốn cho con người ý thức rõ rệt bằng con người thật sự hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình, nên Ngài tuyên bố rõ ràng Ngài chỉ là đạo sư dẫn đường chỉ lối, không thể “cứu rỗi” hoặc làm thay cho ai, và con người phải tự chủ lấy mình, tự mình đi trên con đường giải thoát.

Ðức Phật không bắt buộc chúng ta phải triệt để tuân theo lời Ngài và cũng không hăm dọa nếu chúng ta không tuân theo thì phải bị Ngài trừng phạt. Sự giữ hay không giữ giới là do chúng ta hoàn toàn tự liệu lấy. Ðạo Phật khác với các tôn giáo khác chính là ở điểm Ðức Phật không phải là một quan tòa tối cao giữ quyền thưởng phạt. Một ý nghĩ, một lời nói, một hành động tốt hay xấu của một người thời chính tự nó đã mang theo nó một mầm thưởng phạt rồi.

Ðức Phật chỉ là một vị dẫn đường rất từ bi và rất sáng suốt. Ngài chỉ cho chúng ta con đường nào là con đường sáng và con đường nào là con đường nguy hiểm không nên đi. Nhưng nếu chúng ta không theo con đường sáng mà lại muốn đi vào con đường nguy hiểm, thì tất nhiên chúng ta sẽ gặp tai họa tự nhiên, chứ Phật không tạo ra tai họa để trừng phạt chúng ta. Tòa án chính là luật nhân quả. Ta làm ác thì ta chịu quả xấu, ta làm thiện thì ta được quả tốt. Giới luật chính là thành trì ngăn chận cho ta đừng đi lạc vào đường ác, là hàng rào ngăn chận cho ta khỏi rơi xuống vực sâu, trong khi ta đi trên con đường giải thoát.

Con người phải tự nương tựa vào chính mình, “tự mình thắp đuc lên mà đi”. Truyện tích kể rằng ni cô kia hạ sinh một trai mà bà đã thụ thai từ lúc chưa xuất gia mà không biết. Vua Ba Tư Nặc nuôi đứa trẻ. Về sau, cậu bé lớn lên cũng xin xuất gia và đắc quả A La Hán. Tuy nhiên, ni cô không thể dứt tình mẫu tử. Ngày kia, thấy vị Tỳ kheo, con bà, đi trì bình, bà đến gần với tất cả tấm lòng ưu ái kể lể nỗi thương nhớ. Nhưng ông con không đáp lại sự trìu mến ấy sợ rằng con đường tu tập của mẹ bị cản trở vì tình cảm quyến luyến. Thái độ của người con thức tỉnh, thúc giục bà sớm dập tắt tâm luyến ái và đắc quả A La Hán. Nghe bà chứng ngộ đạo quả, Ðức Phật giải thích rằng vị cứu tinh, hay chỗ nương tựa, của ta, phải là chính ta chớ không ở đâu khác. Chính ta là chủ của ta chớ không ai khác hơn:

 (Pháp Cú 160)

Tự mình là vị cứu tinh

Tự mình nương tựa vào mình tốt thay

Nào ai cứu được mình đây?

Tự mình điều phục hàng ngày cho chuyên

Thành ra điểm tựa khó tìm.

Chính ta là vị cứu tinh của ta. Chính ta là kẻ bảo hộ cho ta. Một nông dân nghèo, chỉ có mảnh vải rách đắp thân và cái cày để đi cày thuê. Một hôm có vị Tỳ kheo đi ngang qua thương hại hỏi anh có muốn xuất gia không. Anh xin xuất gia làm Sa di. Nhiều lần thầy này chán cảnh tu hành, định hoàn tục, cứ mò tới thăm lại mảnh vải rách và cái cày của mình mãi. Cuối cùng thầy cố gắng hành thiền và đắc quả A La Hán. Giảng về thành quả tốt đẹp của thầy Ðức Phật nói:

 (Pháp Cú 380)

Tự mình bảo vệ bản thân

Tự mình nương tựa chẳng cần nhờ ai,

Vậy nên kiềm chế thân người

Như là chàng lái buôn ngồi ngựa hay

Lo kiềm chế ngựa luôn tay.

Chỉ có người biết tự điều, mới tự mình xây dựng lên hòn đảo, nước lụt không có thể ngập tràn. Một tăng sĩ trẻ tuổi nọ không thể học thuộc một câu kinh dài bốn hàng, mặc dầu hết sức cố gắng trọn bốn tháng. Người anh, cũng đã xuất gia, khuyên thầy nên hoàn tục. Vị sư trẻ tuổi vẫn còn muốn sống đời thiêng liêng đạo hạnh. Ðức Phật hiểu được tâm tính thầy, đưa cho thầy một cái khăn lau tay sạch và dạy thầy mỗi sáng cầm khăn, căng ra trước mặt trời. Khi cầm cái khăn đưa lên như thế với bàn tay có ít nhiều bụi và mồ hôi thì không bao lâu cái khăn trở nên dơ. Sự thay đổi trông thấy ấy làm cho thầy Tỳ kheo trẻ tuổi suy gẫm về tính cách vô thường của đời sống. Thầy cố gắng hành thiền và đắc quả A La Hán. Đức Phật dạy rằng do cố gắng cá nhân, bậc thiện trí tạo cuộc sống hạnh phúc cho chính mình.

Một hòn đảo nổi cao trên mặt nước không thể bị ngập lụt mặc dầu những bãi đất thấp chung quanh có thể bị nước tràn vào. Một hải đảo như thế có thể là nơi an toàn cho tất cả. Cùng thế ấy, bậc thiện trí trau dồi tuệ minh sát phải tự biến mình thành một hải đảo bằng cách thành tựu đạo quả A La Hán, và như vậy thì không còn bị sóng biển nhận chìm, không còn bị lôi cuốn trong dòng ngập lụt của các phiền não tham, sân, si, ái dục, tà kiến và vô minh v.v…:

(Pháp Cú 25)

Luôn luôn cố gắng nhiều bề

Lại thêm hăng hái, không hề buông lung

Tự mình khắc chế mọi đường

Những người hiền trí vô cùng tinh anh

Tạo ra hòn đảo cho mình

Vượt trên sóng nước vây quanh thét gào

Não phiền theo ngọn sóng trào

Dễ gì quấy nhiễu dâng cao ngập tràn.

Truyện tích kể rằng một con voi chiến khi còn trẻ rất mạnh mẽ. Lúc về già thời yếu đi. Một hôm voi ra bờ ao định xuống uống nước thời rủi thay, chân bị sa lầy, chẳng rút ra khỏi bùn được. Tên nài đến nơi, nhận ra đó là voi chiến, nên làm như sẵn sàng xuất trận, rồi khua chiêng gióng trống ầm ĩ lên. Voi hăng hái, cố gắng rồi rút được chân ra khỏi đầm lầy. Khi câu chuyện được bạch lại với Ðức Phật, Ngài khuyên dạy các vị Tỳ kheo cũng nên noi gương đó mà gia công cố gắng giống như voi bị sa lầy để tự rút ra khỏi đầm lầy của dục vọng, của vòng luân hồi:

 (Pháp Cú 327)

Canh phòng tâm thật kỹ càng

Tươi vui, sáng suốt, siêng năng, nhiệt tình

Mình lo tự cứu lấy mình

Khỏi đường tà ác chúng sinh đọa đày

Như voi kia bị sa lầy

Rút chân gắng sức vượt ngay đầm bùn.

Con đường tự lực được Đức Phật dạy như sau: “Này các Tỳ kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác. Hãy tự mình làm chỗ nương tựa của chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác”. Tinh thần tự lực mang tính triệt để nhân bản này là một đặc tính của đạo Phật.

Đức Phật còn thúc giục mọi người hãy nên tự lực cố gắng để mà tiến bộ ngay từ lúc còn trẻ. Người không tiến bộ cả về vật chất lẫn tinh thần sẽ ăn năn hối hận. Truyện tích kể rằng con một nhà triệu phú lấy vợ cũng là con một nhà rất giàu. Khi cha mẹ hai bên qua đời vợ chồng này được thừa hưởng gia tài to lớn của cả bên chồng lẫn bên vợ.  Hai vợ chồng không chịu làm ăn, phung phí hết cả tài sản sự nghiệp và sau đó cả hai trở thành nghèo đói khốn cùng, phải đi ăn xin. Đề cập đến số phần bất hạnh của hai vợ chồng này Đức Phật dạy người sống không đạo hạnh, lúc trẻ chây lười không lo tạo sự nghiệp và cũng chẳng lo tu hành, thì khi về già sẽ “tàn tạ như con cò đứng trên bờ ao khô cạn nước không cá, không mồi, mỏi mòn ủ rũ”, hoặc lúc về già sẽ “nằm dài xuống như một cái cung bị gãy, bị vứt bỏ dưới đất, quay nhìn dĩ vãng mà than vắn thở dài”:  

(Pháp Cú 155)

Lúc còn cường tráng thiếu niên

Đã không tạo dựng được thêm gia tài

Tu hành biếng nhác, chây lười

Đến khi luống tuổi con người giống sao

Cò già buồn đứng bờ ao

Ao khô cạn nước kiếm sao ra mồi

Chết mòn thân xác mất thôi!

 (Pháp Cú 156)

Lúc còn cường tráng thiếu niên

Đã không tạo dựng được thêm gia tài

Tu hành biếng nhác, chây lười

Khi già nằm xuống dáng người khác chi

Cây cung bị gãy vứt kia

Buồn than dĩ vãng trôi đi mất rồi. 

Truyện tích kể lại rằng có ông vua nọ tuyệt tự. Đức Phật giải thích rằng sở dĩ vua không có con nối dòng vì trong một kiếp quá khứ ông có đời sống không thận trọng. Vua và vương phi là hai hành khách còn sống sót trên một chuyến tàu đi biển bị chìm. Cả hai trôi tấp vào một hoang đảo. Để khỏi bị chết đói cả hai đã phá các ổ chim, lấy trứng ăn, mà trong lòng chẳng hề có một chút hối tiếc vì sát hại sinh mạng chim non sắp chào đời. Về sau khi trở lại với loài người cả hai cũng chẳng hề hối tiếc về việc sát sinh đó suốt trong thời gian còn trung niên, và cả đến lúc tuổi già. Đức Phật khuyên dạy vua và hoàng hậu:  

(Pháp Cú 157)

Ai mà biết tự thương mình

Phải nên bảo vệ nhiệt tình bản thân

Trong ba giai đoạn đường trần

Trẻ trung, lớn tuổi và luôn về già

Người hiền trí hãy tỉnh ra

Tìm đường giác ngộ, lìa xa mê lầm.

Kinh Pháp Cú xưa nay thường được xem như là cao điểm của tư tưởng hướng thượng hiền thiện của con người trong cuộc sống. Đức Phật như “người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.” Kinh Pháp Cú không phải là sách để đọc thoáng qua như một thiên tiểu thuyết. Chúng ta nên đọc đi đọc lại. Thường suy niệm về những lời vàng ngọc trong ấy và đem ra thực hành trong đời sống hàng ngày, tự thanh lọc thân tâm rồi ta sẽ thấy đó là người bạn cố tri luôn đem lại nguồn cảm hứng, an ủi, nâng đỡ, hộ trì và cải thiện tâm linh trên những bước thăng trầm trong cuộc sống hàng ngày. Kinh Pháp Cú trở thành một kho tàng Phật bảo để chúng ta nghe những lời dạy quý báu của Ðức Phật, giúp chúng ta sống một cách tốt đẹp và có ý nghĩa, có lợi cho mình, có lợi cho người, có lợi cả hai.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

BÀI VIẾT

(1) BÀI GIẢNG VỀ KINH PHÁP CÚ Thích Minh Châu

(2) NẾP SỐNG ĐẠO HẠNH VÀ TRÍ TUỆ TRONG KINH PHÁP CÚ Thích Minh Châu

(3) NĂM GIỚI: MỘT NẾP SỐNG LÀNH MẠNH,  AN LẠC, HẠNH PHÚC Thích Minh Châu 

(4) TRÍ TUỆ TRONG ĐẠO PHẬT Thích Minh Châu

(5) MƯỜI THIỆN NGHIỆP VÀ MƯỜI ÁC NGHIỆP Thích Minh Châu

(6) ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO QUA KINH PHÁP CÚ Thích Nữ Giới Toàn

(7) GIÁ TRỊ THẨM MỸ TRONG KINH PHÁP CÚ Thích Huệ Quang

(8) TRÍCH GIẢNG KINH PHÁP CÚ Thích Thanh Từ

(9) NGHIỆP Thích Tâm Thiện

(10) LUÂN HỒI Thích Tâm Thiện

(11) NHÂN QUẢ Khải Thiên

(12) TAM VÔ LẬU HỌC (GIỚI - ĐỊNH - TUỆ) Thích Từ Hòa - Thích Phước Lương

(13) KINH THAM SÂN SI (TƯƠNG ƯNG BỘ) Thích Thiện Châu

(14) GIỚI ĐỨC TRONG ĐẠO PHẬT Phạm Kim Khánh

(15) MƯỜI ĐIỀU THIỆN Phúc Trung

(16) BỐN CHÂN LÝ (TỨ DIỆU ĐẾ) Thích Viên Giác

(17) NGŨ UẨN Thích Viên Giác

(18) TÁM PHẦN THÁNH ĐẠO (BÁT CHÁNH ĐẠO) Thích Tâm Khanh

(19) PHÁP CÚ, BẢN KINH SƯU TẬP CỔ XƯA NHẤT Thích Quảng Bảo (dịch theo Lakehouse)

(20) ĐẠO PHẬT VỚI CON NGƯỜI Thích Tâm Châu

(21) HOA TRONG KINH PHÁP CÚ Mang Viên Long

(22) KỆ NGÔN KINH PHÁP CÚ SỐ 295 Chánh Minh

(23) GIỚI THIỆU KINH PHÁP CÚ - DHAMMAPADA Bình Anson

(24) ĐOẠN DIỆT ĐỂ GIẢI THOÁT Bình Anson

(25) TRÍ TUỆ TRONG ĐẠO PHẬT Thích Thông Huệ

(26) ĐẠO PHẬT Thích Viên Giác

(27) NHÂN THỨC CƠ BẢN VỀ PHẬT GIÁO Thích Tố Huân

(28) BA DẤU ẤN CỦA CHÁNH PHÁP Nguyên Tuấn

SÁCH 

(1) KINH PHÁP CÚ Thích Minh Châu

(Viện Nghiên Cứu Phật Học VN, TP.HCM, 1996)

(2) LỜI PHẬT DẠY Thích Thiện Siêu (Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Huế, Việt Nam 2000)

(3) DHAMMAPADA (KINH PHÁP CÚ) Narada (Phạm Kim Khánh biên dịch)

(Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội, Việt Nam, 2004)

(4) ĐỌC PHÁP CÚ NAM TÔNG Thích Trí Quang

(5) KINH PHÁP CÚ Tâm Minh Ngô Tằng Giao (chuyển dịch thơ) (Diệu Phương Xuất Bản, Virginia, USA, 2003)

(6) LỜI PHẬT DẠY Đinh Sĩ Trang (Australia) (Văn Nghệ, California, USA, 2001)

(7) TÌM HIỂU VÀ HỌC TẬP KINH PHÁP CÚ Thiện Nhựt (Canada, 2001 và 2002)

(8) TÍCH TRUYỆN PHÁP CÚ Viên Chiếu (Nhà Xuất Bản TP. HCM, Việt Nam, 2000)

(9) PHẬT HỌC PHỔ THÔNG  Thích Thiện Hoa

(10) PHẬT HỌC KHÁI LUẬN Thích Chơn Thiện

(11) ĐƯỜNG VÀO ÁNH SÁNG ĐẠO PHẬT Tịnh Mặc

(12) ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP  Narada (Phạm Kim Khánh dịch)

(13) PHẬT HỌC TỪ ĐIỂN Đoàn Trung Còn

 ***

 

* Soạn giả không giữ bản quyền.

* Hoan nghênh tái bản

hoặc phổ biến dưới bất kỳ hình thức nào khác.

 ***

Liên lạc:

giaongo@msn.com

 ***

 

--- o0o ---

Mục Lục > Phần 1 > Phần 2 > Phần 3 > Phần 4

--- o0o ---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-05-2006

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ç¾ thay ve tham que me that roi nguong tÃƒÆ sữa tản mạn mùa vu lan vì sao vua lương võ đế cả đời xây Trị bệnh bằng nước nóng Táo đỏ lê quýt có tồn dư thuốc bảo cúng PhÃÆp phat phap cho sinh vien duc dat lai lat ma khuyen khich an chay nhan ngay thiện cho kết thú chung Công ngà n nhật ký TÃ Æ loi nhan nhu vo cung y nghia cua nguoi me goi con tho phat le phat va cung phat Kim mong mạng Nhẫn cuối Quảng Ninh Trang nghiêm giỗ Tổ Pháp Loa Cái tận sÃƒÆ tôn giáo thé hoat Cải á Ÿ TrẠРРР泰卦 Tái sinh lan quà nhung cau noi giup ban tinh ngo còn trôi lăn trong sinh tử là còn gặp Phật giáo hay dep ngay tu tam minh giai thanh 正法眼藏 tứ 因无所住而生其心 Tịnh hẠTôi may mắn nhã Œ 不空羂索心咒梵文 danh thắng phật giáo hàn quốc Là KINH Trăng Những biểu hiện khi cơ thể thiếu hoÃÆ Tây Tạng Xem xét việc loại trừ sữa