.

 

 

 KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

 

- Hán dịch: Căn cứ bản dịch của Tam Tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm,

Sa môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, Tạ Linh Vân sửa lại

 - Đời Tống

 - Việt dịch:  Tuệ Khai cư sĩ - Phan Rang

Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh

---o0o---

 

Quyển thứ 14

 PHẨM PHẠM HẠNH

 

Phần XX/1. 

            Này thiện nam tử ! Sao gọi là Phạm hạnh của Ðại Bồ tát? Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn, trụ ở bảy thiện pháp thì được đủ Phạm hạnh. Những gì là bảy ? Một là biết pháp, hai là biết nghĩa, ba là biết thời, bốn là biết đủ, năm là tự biết, sáu là biết mọi người, bảy là biết tôn, ti. Này thiện nam tử ! Sao gọi là Ðại Bồ tát biết pháp ? Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát này biết mười hai bộ Kinh là : Tu Ða La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Da Ðà, Ưu Ðà Na, Ni Ðà Na, A Ba Ðà Na, Y Ðế Mục Ða Dà, Xà Ðà Dà, Tỳ Phật Lược, A Phù Ðà Ðạt Ma, Ưu Ba Ðề Xá. Này thiện nam tử ! Những gì gọi là Tu Ða La Kinh ?  Từ “Như thị ngã văn” (Tôi nghe như vầy)... cho đến “hoan hỷ phụng hành”. Tất cả như vậy gọi là Tu Ða La. Những gì gọi là Kỳ Dạ Kinh ? Ðức Phật bảo các vị Tỳ kheo : “Xưa ta cùng các ông ngu si không trí tuệ, chẳng thể thấy bốn chân đế như thật. Vậy nên lưu chuyển lâu ở sinh tử, chìm đắm trong biển đại khổ. Những gì là bốn chân đế ? Khổ Tập Diệt Ðạo”. Như Phật ngày xưa vì các Tỳ kheo nói Khế Kinh xong rồi. Bấy giờ lại có chúng sinh lợi căn, vì nghe pháp nên về sau đến chỗ Phật, liền hỏi người : “Ðức Như Lai hướng về ai nói việc gì ?” Ðức Phật biết rồi liền nhân vào nội dung Kinh cũ mà dùng kệ tụng rằng :

            Ta xưa cùng các ông            Ø   Chẳng thấy bốn chân đế

            Vậy nên mãi chuyển vần              Trong bể khổ sinh tử.

            Nếu thấy bốn đế chân                 Thì được đoạn sinh tử

            Sinh tử đã hết xong                   Lại chẳng thọ các “hữu”.

            Ðó gọi là Kỳ Dạ Kinh. Sao gọi là Thọ Ký Kinh ? Như có Kinh Luật, khi đức Như Lai nói mà vì những trời, người trao lời ký biệt làm Phật : “Này A Dật Ða ! Ðời vị lai có vị vua tên là Nhương Khư sẽ ở đời đó mà thành đao Phật  hiệu là Di Lặc”. Ðó gọi là Thọ Ký Kinh. Sao gọi là Dà Ðà Kinh ? Trừ Tu Ða La và các giới luật, số còn lại ấy có nói kệ bốn câu, như là :

                        Chư ác mạc tác                          (Chớ làm các ác)

                        Chúng thiện phụng hành   (Vâng làm mọi lành)

                        Tự tịnh kỳ ý                     (Tự sạch ý ấy)

                        Thị chư Phật giáo.            (Lời dạy Thế Tôn).

            Ðó gọi là Dà Ðà Kinh. Sao gọi là Ưu Ðà Na Kinh ? Như khi đức Phật gợi mở (mớm lời) vào với thiền định, vì các thiên chúng rộng nói pháp yếu. Như các Tỳ kheo đều khởi lên ý niệm này : “Ðức Như Lai hôm nay làm việc gì đây ?” Sáng sớm đức Như Lai ra khỏi thiền định, không có người hỏi, dùng Tha Tâm Trí, liền tự nói rằng : “Này Tỳ kheo! Các ông phải biết, tất cả chư thiên thọ mạng rất dài ! Này các Tỳ kheo ! Hay thay ! Các ông vì người khác, chẳng cầu lợi mình ! Hay thay ! Thiểu dục ! Hay thay ! Tri túc ! Hay thay ! Tịch tịnh !” Các Kinh không ai hỏi mà đức Phật tự nói như vậy  thì đó gọi là Ưu Ðà Na Kinh. Sao gọi là Ni Ða Na Kinh ? Như những Kinh kệ mà nguyên nhân căn bản là đức Phật vì người khác diễn nói. Như ở nước Xá Vệ có một trượng phu chăn lưới bắt chim, bắt được rồi nhốt vào lồng, rồi tùy loài mà cho nước uống, lúa ăn... rồi trở lại thả ra. Ðức Thế Tôn biết gốc ngọn nhân duyên ấy mà nói kệ rằng :

                        Chớ khinh ác nhỏ         Ø         Là không tai ương

                        Giọt nước tuy nhỏ                Ðồ lớn đầy tràn.

            Ðó gọi là Ni Ðà Na Kinh. Sao gọi là A Ba Ðà Na Kinh ? Như lời nói ví dụ trong Giới Luật thì đó là A Ba Ðà Na Kinh. Sao gọi là Y Ðế Mục Ða Dà Kinh ? Như lời đức Phật nói rằng, Các Tỳ kheo phải biết, khi ta ra đời thì lời nói của ta gọi là Khế Kinh. Khi đức Phật Cưu Lưu Tần ra đời.. thì gọi là Cam Lộ Cổ (trống cam lộ). Khi đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni ra đời thì gọi là Pháp Kính (gương pháp). Khi đức Phật Ca Diếp ra đời... thì gọi là  Phân Biệt Không. Ðó gọi là Y Ðế Mục Ða Dà Kinh. Sao gọi là Xà Ðà Dà Kinh ? Như đức Phật Thế Tôn, xưa làm Bồ tát tu những hạnh khổ. Phật gọi : “Này Tỳ kheo ! Các ông phải biết, ta ở đời quá khứ, làm hươu, làm gấu lớn, làm nai, làm thỏ, làm Túc Tán vương, Chuyển Luân Thánh Vương, rồng, chim cánh vàng... Những hạnh như vậy, khi làm đạo Bồ tát, ta đã có thể thọ thân”. Ðó gọi là Xà Ðà Dà. Sao gọi là Tỳ Phật Lược Kinh ? Ðó là Kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng. Nghĩa Kinh ấy rộng lớn giống như hư không. Ðó gọi là Tỳ Phật Lược kinh. Sao gọi là Vị Tằng Hữu Kinh ? Như khi đức Bồ tát mới sinh ra, không có người phò trì, liền đi bảy bước, phóng ra ánh sáng lớn soi khắp mười phương. Cũng như việc con khỉ đột, tay bưng lọ đựng mật, dâng hiến đức Như Lai. Cũng như chó cổ trắng ở bên đức Phật nghe pháp. Như Ma Ba Tuần biến làm con trâu xanh đi vào vùng bát sành, khiến cho những bát sành va chạm lẫn nhau mà không bị thương tổn. Như khi đức Phật mới sinh vào miếu thờ trời, khiến cho tượng trời kia đứng dậy, xuống làm lễ cung kính. Những Kinh như vậy gọi là Vị Tằng Hữu Kinh. Sao gọi là Ưu Ba Ðề Xá Kinh ? Như lời nói các Kinh của Phật Thế Tôn, nếu tạo tác nghị luận, phân biệt, biện nói rộng rãi tướng mạo của những Kinh ấy thì đó gọi là Ưu Ba Ðề Xá Kinh. Nếu Bồ tát có thể rõ biết mười hai bộ Kinh như vậy thì gọi là biết pháp. Sao gọi là Ðại Bồ tát biết nghĩa ? Nếu Ðại Bồ tát đối với tất cả văn tự, ngôn ngữ mà hiểu biết rộng rãi nghĩa của chúng thì đó gọi là biết nghĩa. Sao gọi là Ðại Bồ tát biết thời? Này thiện nam tử ! Bồ tát giỏi biết trong lúc như vậy là dốc lòng tu Tịch tịnh, trong lúc như vậy là dốc lòng tu Tinh tấn, trong lúc như vậy là dốc lòng tu Xả định, trong lúc như vậy là dốc lòng cúng dường Phật, trong lúc như vậy là dốc lòng cúng dường thầy, trong lúc như vậy là dốc lòng tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, đầy đủ Bát nhã Balamật. Ðó gọi là biết thời. Sao gọi là Ðại Bồ tát biết đủ. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát biết đủ những cái gọi là ăn uống, thuốc men, đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, lặng thinh... Ðó gọi là biết đủ. Này thiện nam tử ! Sao gọi là Ðại Bồ tát tự biết ? Bồ tát này tự biết rằng : “Ta có niềm tin như vậy, cấm giới như vậy, đa văn như vậy, xả như vậy, tuệ như vậy, đi lại như vậy, chánh niệm như vậy, thiện hạnh như vậy, hỏi như vậy, đáp như vậy... Ðó gọi là tự biết. Sao gọi là Ðại Bồ tát biết mọi người ? Này thiện nam tử! Bồ tát đó biết những chúng Sát lợi, chúng Bà la môn, chúng cư sĩ, chúng Samôn... này như vậy nên đối với chúng đó đi, lại như vậy, ngồi, đứng dậy như vậy, nói pháp như vậy, hỏi, đáp như vậy. Ðó gọi là biết mọi người. Này thiện nam tử ! Sao gọi là Ðại Bồ tát biết người tôn, ti ? Này thiện nam tử ! Người có hai thứ, một là tín, hai là bất tín. Bồ tát phải biết người tín là thiện, người bất tín thì chẳng gọi là thiện. Lại nữa, tín có hai thứ, một là thường trụ tăng phường, hai là chẳng trụ. Bồ tát phải biết, người trụ ấy là thiện, người chẳng trụ ấy thì chẳng gọi là thiện. Người trụ tăng phường lại có hai thứ, một là lễ bái, hai là chẳng lễ bái. Bồ tát phải biết, người lễ bái là thiện, người chẳng lễ bái thì chẳng gọi là thiện. Người lễ bái ấy lại có hai thứ, một là nghe pháp, hai là chẳng nghe. Bồ tát phải biết,  nghe pháp là thiện, người chẳng nghe pháp thì chẳng gọi là thiện. Người nghe pháp ấy lại có hai thứ, một là chí tâm nghe, hai là chẳng chí tâm. Bồ tát phải biết, người chí tâm nghe thì gọi là thiện, người chẳng chí tâm thì chẳng gọi là thiện. Chí tâm nghe pháp lại có hai thứ, một là tư duy nghĩa, hai là chẳng tư duy nghĩa. Bồ tát phải biết, người suy nghĩ nghĩa là thiện, người chẳng suy nghĩ nghĩa thì chẳng gọi là thiện. Người suy nghĩ nghĩa lại có hai thứ, một là theo như lời nói tu hành, hai là chẳng theo như lời nói tu hành. Người theo như lời nói tu hành thì gọi là thiện, người chẳng theo lời nói tu hành thì chẳng gọi là thiện. Người theo như lời nói tu hành lại có hai thứ, một là cầu Thanh Văn, chẳng thể đem lại lợi an, nhiêu ích cho tất cả chúng sinh khổ não. Hai là hồi hướng Ðại Thừa Vô thượng đem lợi ích cho nhiều người, khiến cho họ được an lạc. Bồ tát nên biết, người có thể lợi cho nhiều người, được an lạc thì tối thượng tối thiện. Này thiện nam tử ! Như trong các báu thì ngọc báu Như Ý rất là thắng diệu; như trong các vị thì vị cam lộ là tối thượng. Như vậy Bồ tát ở trong loài người, trời là tối thắng, tối thượng, chẳng thể ví dụ. Này thiện nam tử ! Ðó gọi là Ðại Bồ tát trụ ở Kinh Ðại Thừa Ðại Niết Bàn, trụ bảy pháp thiện. Nếu Bồ tát trụ ở bảy pháp thiện này rồi thì được đủ phạm hạnh.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Lại có phạm hạnh gọi là Từ Bi Hỷ Xả.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Nếu tu nhiều Từ có thể đoạn sân nhuế, tu tâm Bi thì cũng đoạn sân nhuế thì sao mà nói rằng, bốn vô lượng tâm ? Tìm theo nghĩa mà nói thì nên có ba thôi. Thưa đức Thế Tôn ! Từ có ba duyên, một là duyên chúng sinh, hai là duyên với pháp, ba là không duyên. Tâm Bi, Hỷ, Xả cũng lại như vậy. Nếu theo nghĩa này thì chỉ nên có ba, chẳng nên nói bốn. Chúng sinh  duyên là duyên với năm ấm, nguyện cho vui năm ấm ấy. Ðó gọi là chúng sinh duyên. Pháp duyên là duyên với vật cần dùng của các chúng sinh mà thí cho họ. Ðó gọi là Pháp duyên, Vô duyên là duyên với Như Lai. Ðó gọi là Vô duyên. Từ là duyên nhiều với chúng sinh bần cùng. Ðại sư Như Lai vĩnh viễn lìa khỏi bần cùng, hưởng thụ đệ nhất lạc. Nếu duyên chúng sinh thì chẳng duyên với Phật, Pháp cũng như vậy. Do nghĩa này nên duyên Như Lai thì gọi là Vô duyên. Thưa đức Thế Tôn ! Sở duyên của từ là tất cả chúng sinh, như duyên với cha mẹ, vợ con, thân thuộc... Do nghĩa này nên gọi là Chúng sinh duyên. Pháp duyên là chẳng thấy cha mẹ, vợ con, thân thuộc... chỉ thấy tất cả pháp đều từ duyên sinh. Ðó gọi là Pháp duyên. Vô duyên là chẳng trụ ở Pháp tướng và chúng sinh tướng. Vậy nên gọi là Vô duyên. Tâm Bi, Hỉ, Xả cũng lại như vậy. Vậy nên có ba chẳng nên có bốn. Thưa đức Thế Tôn ! Người có hai thứ, một là kiến hạnh, hai là ái hạnh. Người kiến hạnh tu nhiều Từ, Bi. Người ái hạnh tu nhiều Hỷ, Xả. Vậy nên có hai chẳng nên có bốn. Thưa đức Thế Tôn ! Phàm vô lượng thì gọi là vô biên. Biên chẳng thể có được nên gọi là vô lượng. Nếu vô lượng thì nên là một chẳng nên nói rằng bốn. Nếu nói là bốn thì làm sao được vô lượng. Do đó nên là một, chẳng nên nói là bốn vậy.

            Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :

            - Này thiện nam tử ! Các đức Phật Như Lai vì những chúng sinh đã tuyên nói pháp yếu. Lời nói các vị ấy bí mật, khó có thể biết rõ. Hoặc chư Phật vì chúng sinh nói một nhân duyên. Như nói những gì là một nhân duyên ? Ðó là nói tất cả pháp hữu vi. Này thiện nam tử ! Hoặc nói hai thứ, nhân duyên và kết quả. Hoặc nói ba thứ là phiền não, nghiệp và khổ. Hoặc nói bốn thứ như là vô minh, các hạnh, sinh và lão tử. Hoặc nói năm thứ như là thọ, ái, thủ, hữu và sinh. Hoặc nói sáu thứ như là nhân quả ba đời. Hoặc nói bảy thứ như là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ và ái, thủ. Hoặc nói tám thứ là mười hai nhân duyên trừ đi vô minh, hành và sinh, lão tử, tám việc còn lại ấy. Hoặc nói chín thứ, đúng như mười hai nhân duyên trong Kinh trừ đi vô minh, hành, thức, chín việc còn lại ấy. Hoặc nói mười một thứ như đúng như lời nói với Tát Già Ni Kiền Tử trừ đi một pháp sinh, mười một pháp còn lại ấy. Hoặc có khi nói đủ mười hai nhân duyên, như ở thành Vương Xá, Phật vì Ca Diếp.v.v... nói đủ mười hai nhân duyên, từ vô minh cho đến sinh, già, bịnh, chết. Này thiện nam tử ! Như một nhân duyên, nhưng vì chúng sinh nên chư Phật phân biệt đủ thứ. Tâm pháp vô lượng cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên đối với những hành xử thân mật của Như Lai chẳng nên sinh ra nghi hoặc. Này thiện nam tử ! Như Lai Thế Tôn có phương tiện lớn : Vô thường nói thường - thường nói vô thường, nói vui là khổ - nói khổ là vui, bất tịnh nói tịnh - tịnh nói bất tịnh, ngã nói vô ngã - vô ngã nói ngã, đối với chẳng phải chúng sinh nói là chúng sinh, đối với chúng sinh thật thì nói chẳng phải chúng sinh, chẳng phải vật nói là vật - vật nói chẳng phải vật, chẳng phải thật nói là thật - thật nói chẳng phải thật, chẳng phải cảnh nói là cảnh - cảnh nói chẳng phải cảnh, chẳng phải sinh nói là sinh - sinh nói chẳng phải sinh... cho đến vô minh nói là minh - minh nói là vô minh, sắc nói chẳng phải sắc - chẳng phải sắc nói là sắc, chẳng phải đạo nói là đạo - đạo nói chẳng phải đạo. Này thiện nam tử ! Như Lai dùng vô lượng phương tiện như vậy, đâu phải là hư dối vậy ! Này thiện nam tử ! Hoặc có chúng sinh tham của cải thì ta đối với người ấy tự hóa thân mình làm vua Chuyển Luân, ở trong vô lượng năm, tùy theo sự cần dùng của người ấy mà cung cấp đủ thứ. Rồi nhiên hậu ta mới giáo hóa khiến cho người ấy an trụ Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu có chúng sinh tham trước năm dục thì ở trong vô lượng năm, ta dùng năm dục vi diệu thỏa mãn tình cảm của người ấy. Rồi nhiên hậu ta mới khuyến hóa khiến cho người ấy an trụ ở Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu có chúng sinh  vinh hiển giàu sang thì ta đối với người ấy ở trong vô lượng năm, nguyện làm bộc sứ (người sai khiến) chạy theo cung cấp hầu hạ. Ðược lòng người ấy rồi, ta liền khuyến hóa khiến cho người ấy an trụ ở Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu có chúng sinh tính tình ngang trái tự cho là cần người quở trách, can gián thì ta ở trong vô lượng trăm ngàn năm, dạy bảo, quở trách, can ngăn, dụ dỗ khiến cho lòng người ấy điều phục. Rồi nhiên hậu ta mới khuyên bảo khiến cho người ấy an trụ ở Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Như Lai ở trong vô lượng năm dùng đủ thứ phương tiện như vậy khiến cho các chúng sinh an trụ ở Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, đâu phải là hư dối vậy ? Các đức Phật Như Lai tuy ở với mọi ác nhưng không bị nhiễm ô, giống như hoa sen. Này thiện nam tử ! Ông nên biết ý nghĩa bốn vô lượng như vậy. Này thiện nam tử ! Thể tính của vô lượng tâm này có bốn. Nếu có người tu hành thì sinh cõi Ðại Phạm.

            Này thiện nam tử ! Như vậy bạn bè của vô lượng có bốn. Vậy nên gọi là bốn. Phàm tu Từ thì có thể đoạn tham dục, tu tâm Bi thì có thể đoạn sân nhuế, tu tâm Hỷ thì có đoạn chẳng vui, tu tâm Xả thì có thể đoạn chúng sinh tham dục, sân nhuế. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên được gọi là bốn, chẳng phải là một, hai, ba. Này thiện nam tử ! Như lời ông nói, Từ có thể đoạn được sân nhuế, cũng như vậy nên nói là ba thì nay ông chẳng nên tạo cái khó như vậy. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Sân nhuế có hai thứ, một là đoạt mạng sống, hai là đánh đập. Tu Từ thì có thể chẳng đoạt mạng sống. Tu Bi thì có thể trừ sự đánh đập. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên há chẳng phải là bốn sao ? Lại nữa, sân có hai thứ, một là sân chúng sinh, hai là sân chẳng phải chúng sinh. Tu Từ tâm thì đoạn sân chúng sinh, tu Bi tâm thì đoạn sân chẳng phải chúng sinh. Lại nữa, sân có hai thứ, một là có nhân duyên, hai là không nhân duyên. Tu Từ tâm thì đoạn có nhân duyên, tu Bi tâm thì đoạn không nhân duyên. Lại nữa, sân có hai thứ, một là tu tập lâu ở đời quá khứ, hai là tu tập hôm nay ở đời hiện tại. Tu Từ Tâm thì có thể đoạn quá khứ, tu Bi tâm thì đoạn ở hiện tại. Lại nữa, sân có hai thứ, một là sân thánh nhân, hai là sân phàm phu. Tu Từ tâm thì đoạn sân thánh nhân, tu Bi tâm thì đoạn sân phàm phu. Lại nữa, sân có hai thứ, một là thượng, hai là trung. Tu Từ thì đoạn thượng, tu Bi thì đoạn trung. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên gọi là bốn thì làm sao đặt nạn vấn là nên ba chẳng phải bốn ? Vậy nên, này Ca Diếp ! Vô lượng tâm này, bạn bè tương đối phân biệt làm bốn. Lại, do đồ chứa đựng thì nên gọi là bốn. Ðồ chứa đựng (tâm hành giả) nếu có Từ thì chẳng được có tâm Bi, Hỷ, Xả. Do nghĩa này thì nên là bốn, không giảm bớt. Này thiện nam tử ! Do hành phân biệt thì nên có bốn. Nếu khi hành Từ thì không Bi, Hỷ, Xả. Vậy nên có bốn. Này thiện nam tử ! Do vô lượng nên cũng được gọi là bốn. Phàm vô lượng thì có bốn thứ như là có vô lượng tâm có duyên chẳng phải tự tại, có vô lượng tâm tự tại chẳng phải duyên, có vô lượng tâm cũng duyên cũng tự tại, có vô lượng tâm chẳng phải duyên chẳng phải tự tại. Những gì là vô lượng có duyên chẳng phải tự tại ? Duyên với vô lượng vô biên chúng sinh mà chẳng thể được Tự tại tam muội. Tuy được bất định nhưng hoặc được hoặc mất. Những gì là vô lượng tự tại chẳng phải duyên ? Như duyên với cha mẹ, anh em, chị em mà muốn khiến cho họ an lạc thì chẳng phải vô lượng duyên. Những gì là vô lượng cũng duyên cũng tự tại ? Gọi chư Phật Bồ tát. Những gì là vô lượng chẳng phải duyên chẳng phải tự tại ? Hàng Thanh Văn, Duyên Giác chẳng thể duyên rộng rãi với vô lượng chúng sinh, cũng chẳng phải tự tại. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên gọi là bốn vô lượng. Ðây là cảnh giới của các đức Phật Như Lai, chẳng phải là điều hiểu biết của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Này thiện nam tử ! Bốn việc như vậy, Thanh Văn, Duyên Giác tuy gọi là vô lượng nhưng ít chẳng đủ nói. Các đức Phật Bồ tát mói được gọi là vô lượng vô biên.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Ðúng vậy ! Ðúng vậy ! Thật đúng như lời dạy của đức Thánh. Cảnh giới sở hữu của các đức Phật Như Lai chẳng phải là chỗ bì kịp của Thanh Văn, Duyên Giác. Thưa đức Thế Tôn ! Vã có Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn được tâm Từ Bi mà chẳng phải là tâm Ðại Từ, Ðại Bi chăng ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Có Bồ tát, nếu ở trong những chúng sinh phân biệt ba phẩm, một là người thân, hai là oán ghét, ba là người bậc giữa. Ở trong người thân lại chia làm ba bậc là thượng, trung, hạ. Oán tắng cũng vậy. Ðại Bồ tát này ở trong thượng thân cho tăng thượng lạc, đối với trung, hạ thân cũng lại bình đẳng cho tăng thượng lạc, ở trong thượng oán cho ít phần lạc, đối với trung oán đã cho trung phẩm lạc, đối với hạ oán cho tăng thượng lạc. Bồ tát như vậy chuyển tăng thêm tu tập, đối với thượng oán đã cho trung phẩm lạc, đối với hạng trung, hạ oán cho tăng thượng lạc. Bồ tát lại chuyển tu tập, đối với hạng thượng, trung, hạ cho Thượng lạc. Nếu trong thượng oán cho thượng lạc thì bấy giờ được gọi là Từ tâm thành tựu. Bồ tát bấy giờ ở chỗ cha mẹ và trong thượng oán, được tâm bình đẳng, không có sai biệt. Này thiện nam tử ! Ðó gọi là được Từ chẳng phải Ðại Từ vậy (?).

            - Thưa đức Thế Tôn ! Vì duyên gì Bồ tát được Từ như vậy mà còn chẳng được gọi là Ðại Từ ?

            - Này thiện nam tử ! Do khó thành nên chẳng gọi là Ðại Từ. Vì sao vậy ? Vì lâu rồi, ở trong vô lượng kiếp đời quá khứ đã gom nhiều phiền não, chưa tu tập thiện pháp. Vậy nên chẳng thể ở trong một ngày mà điều phục được tâm ấy. Này thiện nam tử ! Ví như khi hạt đậu oản khô thì dùi đâm nhất định chẳng thể được. Phiền não cứng chắc cũng lại như vậy, tuy trọn ngày đêm buộc lòng chẳng tán loạn, nhưng khó có thể điều phục. Lại như chó nhà chẳng sợ người, nai hoang ở núi rừng thấy người sợ chạy. Sân nhuế khó trừ khử như chó giữ nhà, Từ tâm dễ mất như con nai hoang kia. Vậy nên tâm này khó có thể điều phục. Do nghĩa này nên chẳng gọi là Ðại Từ. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như vẽ lên đá thì hoa văn thường còn, vẽ lên nước thì mau diệt mất, chẳng trụ lâu. Sân như vẽ trên đá, các căn bản thiện như vẽ vào nước kia. Vậy nên tâm này khó được điều phục. Như đám lửa lớn thì ánh sáng ấy trụ lâu, sáng của ánh chớp chẳng tạm dừng lại. Sân như đám lửa, Từ như ánh chớp. Vậy nên tâm này khó được điều phục. Do nghĩa này nên chẳng gọi là Ðại Từ. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát trụ ở Sở địa gọi là Ðại Từ. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Vì người tối cực ác thì gọi là Nhất xiển đề. Khi Bồ tát mới trụ tu Ðại Từ thì đối với tâm của Nhất xiển đề không sai biệt, chẳng thấy lỗi ấy nên chẳng sinh ra sân.Do nghĩa này nên được gọi là Ðại Từ. Này thiện nam tử ! Vì các chúng sinh trừ bỏ không lợi ích thì đó gọi là Ðại Từ. Muốn cho chúng sinh vô lượng lợi lạc thì đó gọi là Ðại Bi. Ðối với chúng sinh, lòng sinh vui mừng thì đó gọi là Ðại Hỷ. Không có cái gì để ủng hộ thì gọi là Ðại Xả. Nếu chẳng tướng ngã, pháp và thân mình mà thấy tất cả pháp bình đẳng không hai thì đó gọi là Ðại Xả. Tự bỏ niềm vui của mình, thí cho người khác thì đó gọi là Ðại Xả. Này thiện nam tử ! Chỉ có bốn vô lượng tâm có thể khiến cho Bồ tát tăng trưởng đầy đủ sáu Balamật, các hạnh còn lại ấy nhất định chẳng thể làm được vậy. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát trước được bốn vô lượng tâm của thế gian, rồi nhiên hậu mới phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, theo thứ lớp mới được ra khỏi thế gian. Này thiện nam tử ! Nhân vô lượng của thế gian mà được vô lượng của xuất thế gian. Do nghĩa này nên gọi là Ðại Vô lượng.

            Ngài Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Trừ bỏ không lợi ích, ban cho lợi lạc thì thật ra không làm gì. Suy nghĩ như vậy tức là quan sát rỗng không, không có thật lợi. Thưa đức Thế Tôn ! Ví như khi Tỳ kheo quán bất tịnh thấy áo mình mặc đều là tướng của da mà thật chẳng phải da, cái có thể ăn nuốt đều tạo ra tướng trùng, độc hại mà thật chẳng phải là trùng, xem bát canh đậu lớn tác khởi tưởng nước bẩn mà thật chẳng phải bẩn, xem món ăn cao sữa giống như não tủy mà thật chẳng phải  não, xem xương nát vụn giống như gạo tiểu mạch mà thật chẳng phải tiểu mạch. Bốn vô lượng tâm cũng lại như vậy, chẳng thể chân thật lợi ích chúng sinh, khiến cho họ được vui. Tuy miệng nói rằng, cho chúng sinh vui thì thật ra chẳng được. Quán như vậy chẳng phải là hư vọng sao ? Thưa đức Thế Tôn ! Nếu chẳng phải hư vọng mà cho vui thật thì những chúng sinh kia vì sao chẳng do sức uy đức của các đức Phật Bồ tát nên tất cả được hưởng thụ lạc ? Nếu sẽ chân thật chẳng được vui thì như lời đức Phật nói, con nhớ thuở xưa, mộtmình tu Từ tâm, trải qua kiếp này, đời bảy lần thành, hoại, con chẳng sinh đến đây. Khi thế giới thành con sinh trong cõi Phạm thiên. Khi thế giới hoại con sinh lên cõi trời Quang AÂm. Nếu sinh lên cõi trời Phạm thì thế lực tự tại không ai có thể tiêu diệt hàng phục, ở trong hàng ngàn vị Phạm thiên  là bậc tối thắng tối thượng, gọi là vua trời Ðại Phạm. Có những chúng sinh đều ở chỗ con sinh tư tưởng tối thượng. Con có ba mươi sáu lần làm Thích Ðề Hoàn Nhân, vua cõi trời Ðao Lợi, có vô lượng trăm ngàn lần làm vua Chuyển Luân. Con chỉ tu Từ tâm mà được quả báo người, trời như vậy. Nếu chẳng thật thì sao được cùng nghĩa này tương ứng ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Ông quả thật dũng mãnh không gì kinh sợ !

            Ðức Phật liền vì ngài Ca Diếp mà nói kệ rằng :

            Nếu với một chúng sinh    Ø         Chẳng sinh lòng sân nhuế

            Mà nguyện đó vui cùng                 Ðó gọi là Từ thiện.

            Trong tất cả chúng sinh                  Nếu lòng bi khởilên

            Ðó gọi Thánh chủng tính       Ðược phước báo không lường.

            Giả sử tiên Ngũ thông              Ðều đầy cả đại địa

            Có Ðại Tự Tại vương               Phụng thí an tiên ấy

            Voi, ngựa... đủ vật dùng                 Quả phước báo sở đắc

            Chẳng bằng tu một phần     Từ phân thành mười sáu.

            Này thiện nam tử ! Phàm người tu Từ chân thật chẳng phải vọng tưởng thì chắc chắn là Chân đế. Nếu là từ của Thanh Văn, Duyên Giác thì đó gọi là hư vọng. Làm sao biết các đức Phật Bồ tát chân thật chẳng hư vọng vậy ? Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát tu hành Ðại Niết Bàn như vậy thì xem đất là vàng, xem vàng là đất, đất trở thành tướng nước, nước trở thành tướng đất, nước trở thành tướng lửa, lửa trở thành tướng nước, đất trở thành tướng gió, gió trở thành tướng đất... tùy ý thành tựu, không có hư vọng. Bồ tát ấy xem thật chúng sinh là chẳng phải chúng sinh, xem chẳng phải chúng sinh là thật chúng sinh... đều tự ý thành tựu, không có hư vọng. Này thiện nam tử ! Ông phải biết bốn vô lượng tâm của Bồ tát là tư duy chân thật, chẳng phải chẳng chân thật. Lại nữa, này thiện nam tử ! Sao gọi là tư duy chân thật ? - Ðó là có thể đoạn trừ các phiền não vậy. Này thiện nam tử ! Phàm người tu Từ thì có thể đoạn được tham dục, tu Bi tâm thì có thể đoạn được sân nhuế, tu Hỷ tâm thì có thể đoạn được điều chẳng vui, tu Xả tâm thì có thể đoạn được tham dục, sân nhuế và tướng chúng sinh. Do vậy cho nên gọi là tư duy chân thật. Lại nữa, này thiện nam tử ! Bốn vô lượng tâm của Ðại Bồ tát có thể làm căn bản cho tất cả các thiện. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát nếu chẳng được thấy chúng sinh nghèo cùng thì không có nhân duyên phát sinh Từ mà nếu chẳng sinh ra Từ thì chẳng thể dấy khởi lòng huệ thí. Do nhân duyên thí nên khiến cho các chúng sinh được niềm vui yên ổn. Như là bố thí đồ ăn, thức uống, xe cộ, quần áo, hương hoa, giường nằm, nhà cửa, đèn sáng... khi bố thí như vậy mà lòng không ràng buộc, chẳng sinh tham trước thì nhất định hồi hướng về Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Tâm ấy, bấy giờ không chỗ y chỉ, vọng tưởng đoạn diệt vĩnh viễn, không bị kinh sợ, danh xưng lợi dưỡng chẳng cầu người trời, hưởng thụ khoái lạc chẳng sinh kiêu mạn, chẳng mong đền đáp lại, chẳng bị người khác lừa dối... nên là bố thí chẳng cầu giàu sang. Phàm khi làm bố thí, chẳng thấy người thọ thí là trì giới hay phá giới, là ruộng hay chẳng phải ruộng, đây là tri thức, đây chẳng phải tri thức. Khi thí chẳng thấy là khí cụ hay chẳng phải khí cụ. Chẳng chọn lựa ngày giờ, là chỗ hay chẳng phải chỗ, cũng lại chẳng kể là đói kém hay giàu có an vui, chẳng thấy nhân quả, thấy đây là chúng sinh, đây chẳng phải là chúng sinh, là phước hay chẳng phải là phước. Tuy lại chẳng thấy người bố thí, người thọ thí và cả tài vật bố thí... cho đến chẳng thấy đoạn dứt và quả báo nhưng mà thường làm bố thí, không có đoạn tuyệt. Này thiện nam tử ! Bồ tát nếu còn thấy trì giới, phá giới... cho đến quả báo thì nhất định chẳng thể bố thí mà nếu chẳng bố thí thì chẳng đầy đủ Ðàn Balamật. Nếu chẳng đầy đủ Ðàn Balamật thì chẳng thể thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Ví như có người, thân bị tên độc. Quyến thuộc người ấy muốn làm cho yên ổn thì phải vì người ấy trừ độc liền mời lương y nhổ mũi tên độc ra. Người kia mới nói rằng : “Hãy khoan chớ đụng vào ! Ta nay phải quan sát mũi tên độc như vậy từ phương nào đến ? Ai đã bắn nó ? Là chính Sát lợi, Bàlamôn, Tỳ Xá hay Thủ Ðà ?” Người ấy lại tác khởi ý niệm : “Cây tên bằng gì vậy ? Bằng tre hay bằng liễu vậy ? Sắc bọc đầu mũi tên ấy làm ở chỗ nào ? Cứng hay mềm vậy ? Cánh lông của tên ấy là lông cánh loài chim nào ? Là của quạ hay của chim ưng vậy ? Chất độc có ở mũi tên là do làm ra hay tự nhiên mà có ? Là độc của con người hay là độc của rắn vậy ? Như vậy người ngu si kia chưa có thể biết hết những điều ấy thì đã liền mạng chung. Này thiện nam tử ! Bồ tát cũng vậy, nếu khi làm bố thí mà phân biệt người thọ thí trì giới hay phá giới... cho đến quả báo thì nhất định chẳng có thể bố thí. Nếu chẳng thể bố thí thì chẳng đầy đủ Ðàn Balamật. Nếu chẳng đủ Ðàn Balamật thì chẳng thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

            Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát khi làm Bố thí thì đối với các chúng sinh thì Từ tâm bình đẳng, tưởng giống như con. Lại khi hành thí Bồ tát đối với các chúng sinh dấy khởi lòng bi mẫn ví như cha mẹ ngắm nhìn con bệnh. Khi làm bố thí lòng Bồ tát ấy vui mừng giống như cha mẹ thấy con khỏi bệnh. Sau khi đã bố thí, lòng Bồ tát ấy buông bỏ giống như cha mẹ thấy con khôn lớn có thể tự sống còn. Ðại Bồ tát này, ở trong lòng Từ, khi bố thí thức ăn thường phát nguyện rằng : “Ðồ bố thí của ta hôm nay đều cho chung tất cả chúng sinh. Do nhân duyên này nên khiến cho các chúng sinh được thức ăn đại trí, siêng năng tinh tấn, hồi hướng về Vô thượng Ðại Thừa. Nguyện các chúng sinh được món ăn Thiện Trí, chẳng cầu món ăn của Thanh Văn, Duyên Giác. Nguyện cho chúng sinh được thức ăn pháp hỷ, chẳng cầu món ăn ái dục. Nguyện cho các chúng sinh đều được món ăn Bát nhã Balamật, đều khiến cho họ thỏa thuê, nhiếp lấy vô ngại tăng thượng thiện căn. Nguyện cho các chúng sinh ngộ giải tướng “không”, được thân vô ngại giống như hư không. Nguyện cho các chúng sinh thường làm người thọ thí, thương xót tất cả, làm ruộng phước của mọi người”. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát khi tu Từ tâm, phàm bố thí đồ ăn cần phải phát nguyện kiên cố như vậy. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm khi bố thí nước uống thì phải phát nguyện rằng : “Ðồ bố thí của ta hôm nay đều cho chung tất cả chúng sinh. Do nhân duyên này nên khiến cho các chúng sinh đi theo dòng sông Ðại Thừa, uống nước tám vị, mau chóng lội vào con đường Bồ Ðề Vô thượng, lìa khỏi dòng khô cạn Thanh Văn, Duyên Giác, chí khát ngưỡng (khao khát ngưỡng mộ) Phật thừa Vô thượng, đoạn dứt sự khao khát phiền não, khát ngưỡng pháp vị, lìa khỏi ái dục sinh tử, yêu thích Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn, đầy đủ pháp thân, được các Tam muội, vào đến biển cả trí tuệ rất sâu, được vị cam lộ Bồ Ðề xuất thế, ly dục tịch tịnh... những vị như vậy. Nguyện cho các chúng sinh đầy đủ vô lượng trăm ngàn pháp vị. Ðủ pháp vị rồi thì thấy được Phật tính. Thấy Phật tính rồi thì có thể mưa xuống pháp vũ. Mưa pháp vũ rồi thì Phật tính che phủ cùng khắp giống như hư không. Lại khiến cho vô lượng chúng sinh còn lại ấy được một pháp vị. Ðó là Ðại Thừa, chẳng phải vị pháp của các Thanh Văn, Bích Chi Phật. Nguyện cho các chúng sinh được một vị ngọt ngào, không có sáu thứ vị sai khác. Nguyện cho các chúng sinh chỉ cầu vị sở hạnh của pháp vị vô ngại Phật pháp, chẳng cầu những vị khác”. Này thiện nam tử !  Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm, khi bố thí nước uống cần phải phát nguyện kiên cố như vậy. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm, khi bố thí xe cộ thì cần phải phát nguyện rằng : “Của bố thí của ta hôm nay đều cho chung tất cả chúng sinh. Do nhân duyên này nên khiến cho khắp cả chúng sinh thành tựu Ðại Thừa, được trụ ở Ðại Thừa, thừa chẳng thoái chuyển, thừa chẳng động chuyển, thừa Kim cương tòa, chẳng cầu Thanh Văn, Bích Chi Phật thừa, hướng về Phật thừa, thừa không thể phục, thừa không thiếu thốn, thừa chẳng thoái mất, thừa Vô thượng, thừa Thập Lực, thừa đại công đức, thừa chưa từng có, thừa hy hữu, thừa khó được, thừa vô biên, thừa biết tất cả”. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm khi bố thí xe cộ cần phải phát thệ nguyện kiên cố như vậy. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm, khi bố thí áo, phải phát nguyện rằng : “Ðồ bố thí của ta hôm nay đều cho chung tất cả chúng sinh. Do nhân duyên này khiến cho các chúng sinh được áo tàm quí, pháp giới che thân xé rách áo các kiến, quần áo lìa khỏi thân một thước sáu tấc (?), được thân Kim sắc, thọ nhận những chạm xúc êm dịu không ngăn ngại, màu sáng thấm đượm, da dẻ mịn màng, thường sáng lên vô lượng màu sắc lìa khỏi sắc. Nguyện cho các chúng sinh đều khắp được thân vô sắc, qua tất cả sắc, được vào vô sắc Ðại Bát Niết Bàn”. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát khi bố thí áo cần phải phát thệ nguyện kiên cố như vậy.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong tu Từ tâm khi bố thí hương hoa, hương xoa, hương bột, các tạp hương thì cần phải phát nguyện rằng : “Ðồ bố thí của ta hôm nay đều cho chung tất cả chúng sinh. Do nhân duyên này khiến cho các chúng sinh, tất cả đều được Phật Hóa tam muội, vòng hoa Thất giác vi diệu cài trên đầu chúng sinh ấy. Nguyện cho các chúng sinh thân hình như vầng trăng tròn đầy, nhìn thấy những sắc màu vi diệu đệ nhất. Nguyện cho các chúng sinh đều thành một tướng, trăm phước trang nghiêm. Nguyện cho các chúng sinh tùy ý được thấy sắc màu vừa ý. Nguyện cho các chúng sinh thường gặp bạn lành, được hương thơm vô ngại, lìa khỏi những mùi xú uế. Nguyện cho các chúng sinh đủ các căn lành vô thượng trân bảo. Nguyện cho các chúng sinh nhìn nhau vui hòa, không có ưu khổ, mọi thiện đều hoàn bị, chẳng lo nghĩ nhau. Nguyện cho các chúng sinh đầy đủ giới hương. Nguyện cho các chúng sinh giữ giới vô ngại, hơi thơm sực nức tràn đầy mười phương. Nguyện cho các chúng sinh được giới bền chắc, giới vô hối, giới Nhất thiết trí, lìa khỏi những phá giới, được vô giới, vị tằng hữu giới, vô sư giới, vô tác giới, vô uế giới, vô nhiễm ô giới, giới hết rồi, giới rốt ráo, giới được bình đẳng... Ðối với hương xoa thân và việc đâm chém thân đều bình đẳng không có yêu hay ghét. Nguyện cho các chúng sinh được giới Vô thượng, giới Ðại Thừa, giới chẳng phải Tiểu thừa. Nguyện cho các chúng sinh đều được đầy đủ Thi Ba la mật giống như sự thành tựu giới của các đức Phật. Nguyện cho các chúng sinh đều được sự huân tập tu hành của Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Nguyện cho các chúng sinh đều được thành tựu hoa sen vi diệu Ðại Bát Niết Bàn, hơi thơm của hoa ấy tràn ngập mười phương. Nguyện cho các chúng sinh thuần ăn bữa ăn hương thơm Vô thượng Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn giống như loài ong hút hoa chỉ lấy vị hương thơm. Nguyện cho các chúng sinh đều được thành tựu tấm thân huân tập vô lượng công đức”. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm, khi bố thí hương hoa... thường phải phát thệ nguyện kiên cố như vậy.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm khi bố thí giường nằm nên phát nguyện rằng : “Ðồ bố thí của ta hôm nay đều cho chung tất cả chúng sinh. Do nhân duyên này khiến cho các chúng sinh được giường nằm của đấng Thiên Trung Thiên, được đại trí tuệ, ngồi chỗ Tứ thiền, nằm giường nằm của Bồ tát, chẳng nằm giường của Thanh Văn, Bích Chi Phật, lìa khỏi giường nằm ác. Nguyện cho các chúng sinh được nằm giường an lạc, lìa khỏi giường sinh tử, thành tựu giường nằm Sư tử Ðại Niết Bàn. Nguyện cho các chúng sinh ngồi ở những giường này rồi lại vì vô lượng chúng sinh còn lại ấy thị hiện thần thông Sư tử Du hí. Nguyện cho các chúng sinh trụ ở trong cung điện lớn Ðại Thừa này vì các chúng sinh diễn nói Phật tính. Nguyện cho các chúng sinh ngồi trên giường Vô thượng chẳng bị sự hàng phục của pháp thế gian. Nguyện cho các chúng sinh được giường nhẫn nhục, lìa khỏi sinh tử cơ cẩn đói rét. Nguyện cho các chúng sinh được giường Vô úy, lìa khỏi vĩnh viễn tất cả oán tặc phiền não. Nguyện cho các chúng sinh được giường thanh tịnh, chuyên cầu đạo Chánh Chân Vô thượng. Nguyện cho các chúng sinh được giường thiện pháp, thường được sự ủng hộ của bạn lành. Nguyện cho các chúng sinh được giường nằm nghiêng hông phải, y theo pháp sở hạnh của các đức Phật”. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm, khi bố thí giường nằm cần phải phát thệ nguyện kiên cố như vậy.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm khi bố thí nhà cửa thì phải phát nguyện rằng : “Ðồ bố thí của ta hôm nay đều cho chung tất cả chúng sinh. Do nhân duyên này khiến cho các chúng sinh ở nhà Ðại Thừa, tu hành hạnh sở hạnh của bạn lành, tu hạnh Ðại bi, hạnh sáu Ba la mật, hạnh Ðại Chánh Giác, tất cả sở hạnh của Bồ tát, hạnh đạo, hạnh rộng lớn vô biên như hư không. Nguyện cho các chúng sinh đều được Chánh niệm, xa lìa ác niệm. Nguyện cho các chúng sinh đều được an trụ ở Thường - Lạc - Ngã - Tịnh, lìa khỏi vĩnh viễn bốn điên đảo. Nguyện cho các chúng sinh đều thọ trì văn tự xuất thế. Nguyện cho các chúng sinh nhất định làm khí cụ của Vô thượng Nhất Thiết Trí. Nguyện cho các chúng sinh đều được vào đến ngôi nhà Cam lộ. Nguyện cho các chúng sinh, tâm ban đầu, tâm giai đoạn giữa, tâm sau cùng thường vào ngôi nhà Ðại Thừa Ðại Niết Bàn. Nguyện cho các chúng sinh, vào đời vị lai là thường ở cung điện chỗ ở của Bồ tát”. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm, khi bố thí nhà cửa thường phải phát thệ nguyện kiên cố như vậy.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm, khi bố thí đèn sáng thì phải phát nguyện rằng : “Ðồ bố thí của ta hôm nay cho chung tất cả chúng sinh. Do nhân duyên này khiến cho những chúng sinh có ánh sáng nhiều không lường, an trụ ở Phật pháp. Nguyện cho các chúng sinh thường được soi sáng. Nguyện cho các chúng sinh được ánh sáng màu vi diệu thấm đượm đệ nhất. Nguyện cho các chúng sinh được mắt ấy thanh tịnh, không các lưới ngăn che. Nguyện cho các chúng sinh được đuốc đại trí, khéo hiểu vô ngã, vô chúng sinh tướng, vô nhân, vô thọ mạng. Nguyện cho các chúng sinh đều được nhìn thấy Phật tính thanh tịnh, giống như hư không. Nguyện cho các chúng sinh, nhục nhãn thanh tịnh nhìn suốt hằng hà sa số thế giới trong mười phương. Nguyện cho các chúng sinh được ánh sáng Phật, soi khắp mười phương. Nguyện cho các chúng sinh được mắt vô ngại, đều được thấy Phật tính thanh tịnh. Nguyện cho các chúng sinh được ánh sáng Ðại trí phá tan tất cả tối tăm và Nhất xiển đề. Nguyện cho các chúng sinh được ánh sáng vô lượng, soi khắp vô lượng thế giới của chư Phật. Nguyện cho các chúng sinh thắp ngọn đèn Ðại Thừa, lìa khỏi đèn Nhị thừa. Nguyện cho các chúng sinh có ánh sáng sở đắc diệt tan tăm tối vô minh, hơn cả ngàn mặt trời đồng thời chiếu soi. Nguyện cho các chúng sinh được ánh sáng lớn diệt hết tối tăm sẵn có của ba ngàn đại thiên thế giới. Nguyện cho các chúng sinh đầy đủ ngũ nhãn, giác ngộ các pháp tướng, thành tựu sự giác ngộ không thầy (vô sư). Nguyện cho các chúng sinh không thấy vô minh. Nguyện cho các chúng sinh đều được ánh sáng vi diệu của Ðại thừa Ðại Bát Niết Bàn, thị hiện giác ngộ Phật tính chân thật của chúng sinh”. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát ở trong Từ tâm khi bố thí đèn sáng thường nên phát thệ nguyện kiên cố như vậy.

            Này thiện nam tử ! Tất cả thiện căn sở hữu của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát, các đức Phật Như Lai thì Từ là căn bản. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát tu tập Từ tâm có thể sinh ra vô lượng căn lành như vậy. Những cái gọi là bất tịnh, thở ra, hít vào, vô thường, sinh diệt, bốn niệm xứ, bảy phương tiện, ba chỗ quán, mười hai nhân duyên, vô ngã.v.v... quán pháp nóng (ấm), pháp lạnh (nguyên văn pháp đảnh), pháp nhẫn, pháp thế đệ nhất, thấy đạo, tu đạo, chánh cần, như ý (túc), các căn, các lực, bảy Bồ Ðề phận, tám đạo, bốn thiền, bốn vô lượng tâm, tám giải thoát, tám thắng xứ, mười nhất thiết nhập (vào tất cả), Không, Vô tướng, Vô nguyện, Vô tránh tam muội, trí biết tâm người khác và các thần thông, trí biết bản tế, trí Thanh Văn, trí Duyên Giác, trí Bồ tát, trí Phật... Này thiện nam tử ! Những pháp như vậy thì Từ là căn bản. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên Từ là chân thật chẳng phải là hư dối vậy. Nếu có người hỏi rằng, cái gì là căn bản của tất cả các căn lành thì phải nói rằng, chính là Từ đó ! Do nghĩa này nên Từ là chân thật, chẳng phải là hư dối vậy.

            Này thiện nam tử ! Có thể làm thiện thì gọi là tư duy thật. Tư duy thật thì tức là Từ. Từ tức là Như Lai. Từ tức là Ðại Thừa, Ðại Thừa tức là Từ mà Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ tức Bồ Ðề đạo, Bồ Ðề đạo tức Như Lai, Như Lai tức là Từ. Này thiện nam tử ! Từ tức Ðại Phạm, Ðại Phạm tức Từ, Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ thì có thể vì tất cả chúng sinh mà làm cha mẹ. Cha mẹ tức là Từ, Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ mới là cảnh giới của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn. Cảnh giới chư Phật tức là Từ vậy. Ông phải biết Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ tức là Phật tính của chúng sinh. Như vậy Phật tính bị sự che phủ của phiền não từ lâu nên khiến cho chúng sinh chẳng được nhìn thấy. Phật tính tức là Từ, Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ tức là Ðại Không, Ðại Không tức là Từ, Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ tức là hư không, hư không tức là Từ, Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ tức là Thường, Thường tức là Pháp, Pháp tức là Tăng, Tăng tức là Từ, Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ tức là Lạc, Lạc tức là Pháp, Pháp tức là Tăng, Tăng tức là Từ, Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ tức là Tịnh, Tịnh tức là Pháp, Pháp tức là Tăng, Tăng tức là Từ, Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ tức là Ngã, Ngã tức là Pháp, Pháp tức là Tăng, Tăng tức là Từ, Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ tức là Cam lộ, Cam lộ tức là Từ, Từ tức là Phật tính, Phật tính tức là Pháp, Pháp tức là Tăng, Tăng tức là Từ, Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ tức là đạo Vô thượng của tất cả Bồ tát mà đạo tức là Từ, Từ tức là Như Lai. Này thiện nam tử ! Từ tức là cảnh giới không lường của các đức Phật Thế Tôn. Cảnh giới không lường tức là Từ vậy. Ông phải biết là Từ tức là Như Lai.

            Này thiện nam tử ! Từ nếu là vô thường mà vô thường tức là Từ thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử ! Từ nếu là khổ, khổ tức là Từ thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử! Từ nếu là bất tịnh, bất tịnh tức là Từ thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử ! Từ nếu là vô ngã, vô ngã tức là Từ thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử! Từ nếu là vọng tưởng, vọng tưởng tức là Từ thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử ! Từ nếu chẳng gọi là Ðàn Ba la mật mà Từ chẳng phải Ðàn Ba la mật thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn... cho đến Bát nhã Ba la mật cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Từ nếu chẳng thể lợi ích cho chúng sinh thì Từ như vậy là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử! Từ nếu chẳng vào đạo Nhất tướng thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử ! Từ nếu chẳng hiểu rõ các pháp thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử ! Từ nếu chẳng thể thấy Như Lai tính thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử ! Từ nếu thấy pháp đều là hữu tướng thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử ! Từ nếu là hữu lậu mà hữu lậu là Từ thì tức là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử ! Từ nếu là hữu vi thì Từ hữu vi là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử ! Từ nếu chẳng phải trụ ở sơ trụ, chẳng phải Từ sơ trụ thì phải biết là Từ của Thanh Văn vậy. Này thiện nam tử ! Từ nếu chẳng thể được mười lực, bốn vô sở úy của Phật thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn. Này thiện nam tử ! Từ có thể được bốn quả Samôn thì phải biết Từ này là Từ của Thanh Văn vậy.

            Này thiện nam tử ! Từ nếu là có, không, chẳng phải có, chẳng phải không, thì Từ như vậy chẳng phải là việc có thể nghĩ bàn của các Thanh Văn, Bích Chi Phật. Này thiện nam tử ! Từ nếu chẳng thể nghĩ bàn thì pháp chẳng thể nghĩ bàn, Phật tính chẳng thể nghĩ bàn, Như Lai cũng chẳng thể nghĩ bàn.

            Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn tu Từ như vậy, tuy lại an trụ ở trong ngủ nghỉ mà chẳng ngủ nghỉ, siêng tinh tấn vậy, tuy thường tỉnh thức mà cũng không tỉnh thức vì không ngủ. Ở trong ngủ nghĩ  chư thiên tuy không hộ, cũng không người hộ nhưng chẳng làm ác. Hành giả ngủ chẳng ác mộng, không có việc chẳng lành, lìa khỏi ngủ nghỉ, sau khi mạng chung tuy sinh lên cõi trời Phạm, cũng không có sự sinh mà được tự tại vậy. Này thiện nam tử ! Phàm tu Từ thì có thể được thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy. Này thiện nam tử ! Kinh điển vi diệu Ðại Niết Bàn này cũng có thể thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy. Các đức Phật Như Lai cũng được thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Những tư duy sẵn có của Ðại Bồ tát đều là chân thật còn của Thanh Văn, Duyên Giác chẳng phải là chân thật thì tất cả chúng sinh vì sao chẳng do uy lực của Bồ tát mà đều hưởng thụ khoái lạc ? Nếu các chúng sinh thật chẳng được vui thì phải biết việc tu Từ tâm của Bồ tát là không lợi ích.

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Từ của Bồ tát chẳng phải chẳng ích lợi ! Này thiện nam tử ! Có những chúng sinh hoặc nhất định thọ khổ, hoặc có chúng sinh chẳng thọ. Nếu có chúng sinh nhất định thọ khổ thì Từ của Bồ tát là không lợi ích như là Nhất xiển đề. Nếu có người thọ khổ chẳng nhất định thì Từ của Bồ tát là lợi ích, khiến cho chúng sinh đó đều hưởng thụ khoái lạc. Này thiện nam tử ! Ví như có người từ xa thấy sư tử, hổ báo, sài lang, la sát quỉ.v.v... tự nhiên sinh ra sợ, đi đêm thấy cái ghế cũng sinh ra kinh sợ. Này thiện nam tử ! Như những người tự nhiên sinh sợ này, chúng sinh thấy người tu Từ như vậy thì tự nhiên sinh ra vui. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên Bồ tát tu Từ là thật Tư duy, chẳng phải không lợi ích.

            Này thiện nam tử ! Ta nói Từ này có vô lượng môn, như là Thần thông. Này thiện nam tử ! Như Ðề Bà Ðạt Ða, vua A Xà Thế muốn hại Như Lai. Lúc đó, ta vào đại thành Vương Xá, đi theo thứ lớp khất thực vua A Xà Thế liền thả con voi say điên Hộ Tài ra, muốn cho nó hại ta và các đệ tử. Con voi ấy bấy giờ đã đạp giết vô lượng trăm ngàn chúng sinh mà chúng sinh chết rồi có nhiều huyết khí (hơi máu) nên con voi này đã ngữi phải thì cuồng say gấp bội lúc thường. Nó thấy ta mặc quần áo màu đỏ nên cho là máu mà nhắm lao vào. Trong đệ tử của ta số người chưa ly dục, sợ hãi chạy tứ tán, chỉ trừ có ông A Nan. Lúc bấy giờ, trong đại thành Vương Xá, tất cả nhân dân đồng thời cất tiếng kêu gào khóc lóc mà nói lên rằng : “Lạ thay ! Ðức Như Lai hôm nay chắc chết mất ! Sao mà đấng Chánh Giác một sớm bị tan hoại ?” Khi đó ông Ðiều Ðạt, lòng sinh vui mừng mà rằng : “Samôn Cù Ðàm diệt mất, rất hay ! Từ nay về sau thật sự là biến mất ! Sướng thay! Ðây kể như nguyện của ta đã được thỏa”. Này thiện nam tử ! Lúc bấy giờ, ta vì muốn hàng phục con voi Hộ Tài nên liền vào Từ định, duỗi tay bày ra thì liền ở năm ngón tay hiện ra năm con sư tử. Con voi này thấy rồi, lòng nó kinh sợ đến vãi phân, toàn thân gieo xuống đất, lễ kính dưới chân ta. Này thiện nam tử ! Bấy giờ năm đầu ngón tay ta thật không có sư tử mà chính là lực thiện căn của sự tu Từ nên khiến cho con voi đó được điều phục. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ta sắp Niết Bàn, ban đầu cất bước hướng về thành Câu Thi Na, nơi có năm trăm người lực sĩ. Ðường đi ở trong thành ấy bằng phẳng, quét dọn sạch sẽ, nhưng giữa đường có một tảng đá, mọi người muốn nhấc bỏ, đem hết sức mà chẳng thể được. Ta thương xót liền khởi Từ tâm. Các lực sĩ đó liền thấy ta dùng ngón chân hất tung tảng đá lớn này lên hư không, rồi lại dùng tay tiếp lấy đặt yên vào bàn tay phải, thổi một cái khiến cho viên đá tan nát, rồi lại tụ hợp trở lại thành tảng đá, khiến cho lòng cống cao của các lực sĩ đó dứt ngay. Ta liền vì họ lược nói đủ thứ pháp yếu khiến cho họ đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Như Lai, bấy giờ thật  chẳng dùng ngón chân hất tung viên đá lớn này lên trong hư không, trở lại đặt vào bàn tay phải, thổi khiến cho tan nát, lại hợp lại như cũ. Này thiện nam tử ! Ông phải biết, đó là lực thiện căn của Từ đã khiến cho các lực sĩ thấy việc như vậy.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Tại Nam Thiên Trúc này có một ngôi thành lớn tên là Thủ Ba La, ở trong thành đó có một ông trưởng giả tên là Lô Chí làm chủ dẫn đường mọi người, đã ở chỗ Phật đời quá khứ nhiều không lường, gieo trồng các gốc thiện. Này thiện nam tử ! Tất cả nhân dân trong thành lớn đó tin phục tà đạo, phụng thờ phái Ni Kiền. Ta thì muốn độ ông trưởng giả đó nên từ thành Vương Xá đi đến thành ấp kia, khoảng cách nhau giữa hai thành là sáu mươi lăm do tuần. Ta lội bộ mà đi đến vì muốn hóa độ những người ở đó. Những người Ni Kiền kia nghe ta sắp đến thành Thủ Ba La liền khởi ý nghĩ rằng : “Ông Samôn Cù Ðàm đến đây thì những nhân dân này liền sẽ bỏ ta và chẳng cung cấp. Chúng ta khốn cùng nhờ vào đâu mà tự sống ? Bọn những Ni Kiền mỗi mỗi đều phân tán đi bảo người trong thành đó rằng : “Ông Samôn Cù Ðàm nay sắp đến đây. Nhưng ông Samôn đó bỏ bê cha mẹ, rong ruổi Ðông Tây mà chỗ đến của ông ấy có thể khiến cho đất đai lúa gạo chẳng lên nổi, nhân dân đói kém, mọi tướng bệnh, héo hắt, không thể cứu giải. Ông Cù Ðàm vô lại thuần đem những quỉ thần La sát ác để làm thị tùng. Những người cô quả nghèo cùng, không cha, không mẹ đến hỏi han theo ông ấy làm môn đồ mà lời dạy bảo toàn nói về hư không. Tùy theo chỗ đến của ông ấy thì việc trước tiên là không có an vui”. Những người đó nghe rồi liền ôm lòng sợ hãi, đầu mặt lễ kính dưới chân Ni Kiền Tử mà bạch rằng : “Thưa Ðại Sư ! Chúng con hôm nay phải bày kế gì ?” Người Ni Kiền đáp rằng : “Tính Samôn Cù Ðàm ưa rừng rậm, suối chảy, nước trong. Giả sử bên ngoài có thì cần phải phá hoại ! Các ngươi liền có thể cùng nhau ra khỏi thành, xem chỗ nào có thì chặt phá hết, đừng để sót lại. Dòng suối, giếng, ao... đều đặt phân, thây chết, đóng chặt cửa thành, nghiêm bị binh khí, phải dựng vách phòng hộ, siêng năng tự cố thủ. Giả sử ông Cù Ðàm kia đến thì chớ cho được gặp trước. Nếu chẳng gặp trước thì các ngươi sẽ yên ổn. Chúng ta cũng sẽ làm đủ thứ phép thuật khiến cho ông Cù Ðàm kia quay trở lại đường đi khỏi”. Những nhân dân đó nghe lời nói này rồi thì kính vâng, thi hành. Họ chặt phá cây cối, làm ô nhục các dòng nước, nghiêm bị binh khí, tự phòng hộ chắc chắn. Này thiện nam tử ! Vào lúc bấy giờ, ta đến thành đó rồi, chẳng thấy tất cả cây cối, rừng rậm, chỉ thấy mọi người trang nghiêm binh khí, dựng vách tự thủ. Thấy việc đó rồi, ta liền sinh lòng Từ thương xót hướng về họ thì cây cối sẵn có trở lại sống như cũ, lại sinh trưởng những cây còn lại ấy nhiều chẳng thể xưng kể. Sông, ao, suối, giếng... nước trong ấy trong sạch, tràn đầy như lưu ly xanh, mọc lên mọi thứ hoa rộng che bên trên, biến vách thành ấy thành lưu ly xanh biếc, nhân dân bên trong thành đều được thông suốt thấy ta và đại chúng, cửa thành tự mở ra, không ai có thể chế ngự, những binh khí nghiêm bị đều biến thành đủ thứ hoa. Trưởng giả Lô Chí làm thượng thủ cùng với nhân dân thành ấy đều chung theo nhau đi đến chỗ đức Phật. Ta liền vì họ nói đủ thứ Pháp yếu khiến cho những người đó, tất cả đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Ta vào lúc ấy, thật ra chẳng hóa làm đủ thứ cây cối, dòng nước trong sạch tràn đầy sông ao, biến vách thành ấy làm lưu ly xanh biếc khiến cho nhân dân trong đó thông suốt thấy ta, mở cửa thành ấy, binh khí thành hoa. Này thiện nam tử ! Ông phải biết, đều là sức thiện căn của Từ có thể khiến cho những người ở đó thấy được việc như vậy.

             Lại nữa, này thiện nam tử ! Trong thành Vương Xá có con gái của Bà la môn họ Bà Tư Tra chỉ có một đứa con hết mực yêu thương, nhưng gặp bệnh nặng mạng chung. Lúc bấy giờ, người con gái sầu độc nhập tâm, cuồng loạn mất tính, khỏa thân không thẹn, du hành ở ngã tư đường, gào khóc thất thanh, xướng lên rằng : “Con ơi ! Con ! Con đi chỗ nào ?” Ði khắp cùng thành ấp mà không biết mệt mỏi. Người con gái này đã ở chỗ các đức Phật trước gieo trồng mọi gốc đức. Này thiện nam tử ! Ta đối với người con gái này dấy khởi lòng từ mẫn thì lúc đó người con gái liền được thấy ta, liền sinh tư tưởng về, trở lại bản tâm, trước ôm lấy thân ta đúng như phép yêu con. Ta liền bảo thị giả A Nan : “Ông nên đem áo cho người con gái này !” Ðã cho áo rồi, ta liền vì người con gái đó nói đủ thứ những pháp yếu. Người con gái này nghe pháp, vui mừng nhảy nhót, phát lòng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Vào lúc ấy ta thật chẳng phải con của người đó, người đó chẳng phải là mẹ ta, cũng không ôm giữ ta. Này thiện nam tử ! Ông phải biết, đều là sức thiện căn của Từ đã khiến cho người con gái đó thấy việc như vậy.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Thành Ba La Nại có người Ưu bà di tên là Ma Ha Tư Na Ðạt Ða, đã ở đời quá khứ, trước chư Phật nhiều không lường gieo trồng các căn lành. Vị ưu bà di này, trong chín mươi ngày mùa hạ, thỉnh mời chúng Tăng phụng thí thuốc men chữa bệnh. Lúc đó trong chúng có một vị Tỳ kheo mắc bệnh nặng, lương y xem bệnh thấy cần phải dùng thuốc có thịt. Nếu được thịt thì bệnh có thể trừ khỏi, nếu chẳng được thịt thì mạng sẽ chẳng toàn vẹn. Người ưu bà di nghe lời nói này của thầy thuốc, liền mang vàng đến khắp các chợ, xướng lên rằng : “Ai có thịt bán, ta dùng vàng để mua ! Nếu ai có thịt thì sẽ ngang cùng vàng !” Ði khắp cùng chợ trong thành mà cầu chẳng thể được, người Ưu bà di này liền tự lấy dao cắt thịt vế của mình nấu thành canh cho vào đủ thứ hương liệu, đưa đến cho vị Tỳ kheo bệnh. Vị Tỳ kheo uống rồi, bệnh liền được khỏi. Vị Ưu bà di bị vết thương, khổ não chẳng thể chịu đựng nổi liền lên tiếng rằng : “Nam mô Phật Ðà ! Nam mô Phật Ðà !” Vào lúc ấy, ta tại thành Xá Vệ, nghe âm thanh ấy thì đối với người con gái này khởi lên lòng đại từ. Người con gái này liền thấy ta đem lương dược xoa lên vết thương ấy trở lại lành như cũ. Ta liền vì người ấy nói đủ thứ pháp. Nghe pháp rồi người ấy vui mừng, phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Ta vào lúc ấy, thật sự chẳng đi đến thành Ba La Nại, đem thuốc thoa vết thương của người Ưu bà di này. Này thiện nam tử ! Ông phải biết, đều là sức thiện căn của Từ khiến cho người con gái đó thấy việc như vậy.

            Lại nữa, này thiện nam tử !  Người ác Ðiều Ðạt tham chẳng biết đủ, uống nhiều váng sữa (tô) nên đau đầu, đầy bụng, chịu khổ não lớn, chẳng thể chịu đựng nổi nên phát lên lời như vầy : “Nam mô Phật Ðà ! Nam mô Phật Ðà !” Ta khi ấy trụ tại thành Ưu Thiền Ni, nghe âm thanh ấy, liền sinh Từ tâm. Bấy giờ, Ðiều Ðạt liền thấy ta đi đến chỗ ấy, tay xoa đầu, bụng trao cho nước muối mà bảo uống, uống rồi thì bình phục. Này thiện nam tử ! Ta thật ra chẳng đi đến chỗ ông Ðiều Ðạt, xoa đầu bụng, trao thuốc thang bảo uống. Này thiện nam tử ! Ông phải biết, đều là sức thiện căn Từ khiến cho Ðiều Ðạt thấy việc như vậy.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Nước Kiều Tát La có những bọn giặc, số ấy những năm trăm bầy đảng, cướp bóc làm hại nhiều lắm. Vua Ba Tư Nặc lo cho nạn tung hoành hung bạo của bọn ấy, sai lính theo dõi tìm bắt. Bắt được rồi, nhà vua cho móc mắt, rồi đem bỏ chúng dưới rừng rậm tối tăm. Những bọn giặc này đã từng ở chỗ Phật đời trước, gieo trồng mọi gốc đức. Chúng đã mất mắt rồi, chịu khổ não lớn nên đều nói lên lời này : “Nam mô Phật Ðà ! Nam mô Phật Ðà ! Chúng con hôm nay không người cứu hộ !” Họ khóc lóc kêu gào. Ta lúc ấy, trụ tại tinh xá Kỳ Hoàn, nghe được âm thanh ấy, liền sinh ra Từ tâm thì liền có luồng gió mát thổi đủ thứ hương dược trong núi Hương Sơn đầy vành mắt những người ấy, mắt những người ấy trở lại như cũ, chẳng khác. Những kẻ giặc mở mắt ra liền thấy Như Lai đang ở trước mặt họ mà vì họ nói pháp. Giặc nghe pháp rồi phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Vào lúc ấy, ta thật chẳng làm gió thổi đủ thứ hương dược trong núi Hương Sơn và trụ ở trước những người ấy mà nói pháp. Này thiện nam tử ! Ông phải biết, đều là sức thiện căn của Từ khiến cho bọn giặc kia thấy việc như vậy. Lại nữa, này thiện nam tử ! Thái tử Lưu Ly do ngu si nên phế bỏ cha mình tự lập làm vua, lại nhớ hiềm khích xưa, hại nhiều người  họ Thích. Ông bắt lấy một vạn hai ngàn người con gái họ Thích, dùng hình phạt cắt tai, mũi, chặt đứt tay, chân rồi xô họ xuống hầm, hào. Những người con gái, thân chịu khổ não, nói lên rằng : “Nam mô Phật Ðà ! Nam mô Phật Ðà ! Chúng con hôm nay không có ai cứu hộ !” Họ lại gào khóc. Những người con gái này đã ở chỗ Phật đời trước gieo trồng các căn lành. Vào lúc ấy, ta ở trong rừng trúc, nghe được âm thanh ấy, liền khởi Từ tâm. Những người con gái lúc bấy giờ thấy ta đi đến thành Ca Tỳ La, dùng nước rửa vết thương và lấy thuốc xoa vào thì khổ đau liền tiêu trừ, tai, mũi, tay, chân trở lại như cũ. Ta liền vì họ lược nói pháp yếu, khiến cho họ đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Những người con gái ấy liền ở chỗ của Tỳ kheo ni Ðại Ái Ðạo, xuất gia thọ Cụ túc giới. Này thiện nam tử ! Lúc bấy giờ, Như Lai thật chẳng đi đến thành Ca Tỳ La, dùng nước rửa vết thương, thoa thuốc, dừng khổ. Này thiện nam tử ! Ông phải biết, đó đều là lực thiện căn của Từ khiến cho những người con gái đó được việc như vậy. Lòng Bi, Hỷ cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên Ðại Bồ tát tu tư duy Từ tức là Chân thật, chẳng phải là hư dối vậy. Này thiện nam tử ! Phàm vô lượng thì chẳng thể nghĩ bàn, sở hành của Bồ tát chẳng thể nghĩ bàn, sở hạnh của chư Phật cũng chẳng thể nghĩ bàn, Kinh điển Ðại Thừa Ðại Niết Bàn này cũng chẳng thể nghĩ bàn.

KINH ÐẠI BÁT NIẾT BÀN

- Quyển thứ mười bốn hết -

--- o0o ---

Mục Lục

 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 

13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24

25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 

 

--- o0o ---

| Thư Mục Tác Giả |

--- o0o ---

Vi tính: Thọ Huệ

 Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-2-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

xau đẻ thuê dưới góc nhìn của một tu sĩ hay day con rang co tich khong chi la mot mau Làm the van va thien tap Tự chua buu minh Chạm phát thien vien tren bien CÃƒÆ dung mot minh ra khoi Ăn chay một phương thức trị liệu Cỏ ï¾ pham Tam Long những Dễ dàng làm khô chay chiên Ngọt ngào tháng Tư nham Mưa ấm Tháng Giêng Bí đỏ táo đen và đậu dinh dưỡng bỏ chua mat troi va mat trang thien su thich nhat hanh duoc lien doan chung tín Thầy Tia hy vọng cho những người bị hói Bớt ăn thịt để cứu nguy cho trái đất Để yêu thương mang lại hạnh phúc tim hieu ve nhung tuong tot la ky cua duc phat người không tranh giành là người có tự walk with me Đêm nằm mơ phố và 9 thực phẩm giúp giảm căng thẳng Giải mối oan khiên ve nha hÓn noi gion co phai la khau nghiep mo rong chu vi cua tu ai chua gam va su phat trien phat giao xu nghe ban ve van de nhan qua trong doi song hien tai nhan mang thien la dua than tam ve voi nhau lá ÿ Mùa Vu lan của những yêu thương gßi xin chao cac vi phap su cây nêu và những giá trị tâm linh ngày