Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa
(Trọn bộ 24 tập)

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm
Khảo dịch: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
Sàigòn - 1998

--- o0o ---

Tập 23

Quyển Thứ 559

 

Hội Thứ Năm

Phẩm ÐỊA NGỤC

Thứ 8

Bấy giờ, Xá Lợi Tử bèn thưa Phật rằng: Tùy hỷ hồi hướng không điên đảo như thế đều do nhờ uy lực Bát nhã Ba la mật đa được thành xong?

Bấy giờ, Phật bảo Xá Lợi Tử rằng: Như vậy, như vậy.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại thưa Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa như thế năng làm soi sáng đều nên kính lễ, các pháp thế gian chẳng làm dơ bẩn được. Năng trừ mù tối, năng phát ánh sáng. Năng cho lợi an, năng làm dẫn đầu. Cùng các kẻ mù làm mắt tỏ. Làm đèn đuốc sáng cho bọn đi tối. Dẫn kẻ lầm đường khiến vào nẻo chính. Hiển rõ các pháp tánh tức Nhất thiết trí. Chỉ tất cả pháp không sanh không diệt, là mẹ các Bồ tát Ma ha tát. Năng khiến chư Phật quay xe Vô thượng pháp đủ ba phen mười hai hành tướng. Kẻ không nương hộ vì làm nương hộ. Năng trừ tất cả khổ não sanh tử. Khai chỉ các pháp vô tánh làm tánh. Bạch Thế Tôn! Các Bồ tát Ma ha tát đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm nên làm sao trụ?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Các Bồ tát Ma ha tát đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm nên trụ như Phật, kính thờ Bát nhã Ba la mật đa nên như kính thờ chư Phật Thế Tôn.

Khi ấy, Thiên Ðế Thích khởi nghĩ này rằng: Nay Xá Lợi Tử nhân nào duyên nào hỏi Phật việc ấy. Nghĩ rồi bèn hỏi Xá Lợi Tử rằng: Vì nhân duyên nào mà hỏi lời ấy?

Khi ấy, Xá Lợi Tử đáp Thiên Ðế Thích rằng: Phật Thế Tôn trước nói các Bồ tát được Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm nhiếp thọ, nên sở khởi tùy hỷ hồi hướng cùng hành các việc phước nghiệp mau hay chứng được Nhất thiết trí trí, hơn Bồ tát có sở đắc tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, bát nhã tương ưng căn lành. Vậy nên tôi nay khởi hỏi lời như thế.

Kiều Thi Ca! Như chúng mù bụng mẹ, hoặc trăm hoặc ngàn, không kẻ sáng mắt tài khéo dẫn đem gần hãy chẳng thể hướng vào đường chính, huống là năng xa thấu thành lớn giàu vui. Như vậy năm Ba la mật đa trước là các chúng mù bụng mẹ, nếu không Bát nhã Ba la mật đa kẻ sáng mắt dẫn, haỹ chẳng năng tới được chánh đạo Bồ tát, huống năng chứng vào được thành Nhất thiết trí.

Kiều Thi Ca! Bố thí thảy năm Ba la mật đa cần nhờ Bát nhã Ba la mật đa được gọi kẻ có mắt. Lại do được Bát nhã Ba la mật đa nhiếp thọ, gọi đến bờ kia.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại thưa Phật rằng: Bồ tát làm sao dẫn phát Bát nhã Ba la mật đa?

Phật bảo: Xá Lợi Tử Nếu các Bồ tát chẳng dẫn sắc thọ tưởng hành thức, cũng chẳng thấy sắc thọ tưởng hành thức, đầy tức là dẫn phát Bát nhã Ba la mật đa.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại thưa Phật rằng: Nếu các Bồ tát dẫn phát Bát nhã Ba la mật đa vì thành pháp nào?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Nếu các Bồ tát dẫn phát Bát nhã Ba la mật đa, đối tất cả pháp đều không sở thành, nên được Bát nhã Ba la mật đa.

Khi ấy, Thiên Ðế Thích bèn thưa Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa như thế đâu chẳng năng thành Nhất thiết trí trí?

Phật nói: Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật đa như thế cũng chẳng năng thành Nhất thiết trí trí. Vì cớ sao? Kiều Thi Ca! Như có sở đắc, như có sở tướng, như có gây dựng chẳng năng thành vậy.

Khi ấy, Thiên Ðế Thích lại thưa Phật rằng: Nếu vậy Bát nhã Ba la mật đa làm sao nói thành Nhất thiết trí trí?

Phật nói: Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật đa như thế đối sở dẫn phát Nhất thiết trí trí không sở thành nên mới gọi thành.

Khi ấy, Thiên Ðế Thích bèn thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! rất lạ! Bát nhã Ba la mật đa như thế vì chẳng làm tất cả pháp sanh diệt, vì chẳng làm tất cả pháp thành hoại, nên hiện ra thế gian mà cùng thế gian làm việc nhiêu ích.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Nếu các Bồ tát Ma ha tát khởi tưởng như thế, thời bèn bỏ xa Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm?

Phật bảo: Thiện Hiện! Như vậy, như vậy. Lại có nhân duyên bỏ xa Bát nhã Ba la mật đa. Nghĩa là sinh trưởng này: “Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm trống không, vô sở hữu”, tức bèn bỏ xa Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm. Sở dĩ vì sao? Vì Bồ tát Bát nhã Ba la mật đa chẳng không chẳng có, không sở phân biệt.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Phật thuyết Bát nhã Ba la mật đa vì hiển pháp nào?

Phật bảo: Thiện Hiện! Ta thuyết Bát nhã Ba la mật đa chẳng vì hiển sắc, cũng chẳng vì hiển thọ tưởng hành thức. Chẳng vì hiển quả Dự lưu, cũng chẳng vì hiển quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Ðộc giác Bồ đề.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm tức rộng lớn Ba la mật đa?

Phật bảo: Thiện Hiện! Duyên nào ngươi nói Bát nhã Ba la mật đa tức là rộng lớn Ba la mật đa?

Thiện Hiện thưa rằng: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đối sắc chẳng làm lớn chẳng làm nhỏ, chẳng làm nhóm chẳng làm tan; đối thọ tưởng hành thức chẳng làm lớn chẳng làm nhỏ, chẳng làm nhóm chẳng làm tan. Ðối Phật mười lực chẳng làm mạnh chẳng làm yếu. Ðối Nhất thiết trí chẳng làm rộng chẳng làm hẹp. Nếu các Bồ tát khởi tưởng như thế chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật đa. Vì cớ sao? Vì các tưởng như thế chẳng phải quả đẳng lưu của Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm vậy.

Ðối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm nếu khởi tưởng này: Ta sẽ độ thoát bấy nhiêu hữu tình vào cõi Vô dư y bát Niết bàn. Ðấy thời gọi là có sở đắc lớn. Chẳng phải có sở đắc được có thành xong. Vì cớ sao?

 Bạch Thế Tôn! Vì hữu tình vô sinh nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô sinh. Hữu tình vô tự tánh vậy, xa lìa vậy, chẳng thể nghĩ bàn vậy, không diệt hoại vậy, không giác biết vậy, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô tự tánh, nói rộng cho đến cũng không giác biết.

Bạch Thế Tôn! Vì sức hữu tình chứa nhóm nên phải biết sức Như Lai cũng chứa nhóm.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bèn thưa Phật rằng: Nếu các Bồ tát đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm năng sinh tin hiểu, không nghi không ngờ cũng chẳng mê lầm, các Bồ tát này chết từ chỗ nào sanh đến trong đây? Nhóm hành bao lâu đối pháp nghĩa thẳm sâu năng tùy giác rõ?

Phật nói: Xá Lợi Tử! Các Bồ tát này từ phương khác đã thờ chư Phật, chết trong pháp hội sinh đến trong đây.

Xá Lợi Tử! Các Bồ tát này đã gần gũi nhiều chư Phật Thế Tôn, trong ấy từng nghe pháp nghĩa thẳm sâu, đã lâu vô lượng vô số đại kiếp tu nhóm trăm ngàn khổ hạnh khó hành, cưỡi sức đại nguyện sinh đến cõi này, đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm hoặc thấy hoặc nghe sinh vui mừng lớn, bèn khởi nghĩ này: Ta nay thấy Phật, nghe Phật đã thuyết, nhờ nhân duyên đây cung kính tín thọ.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm thấy nghe được ư? Phật nói: Chẳng phải vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Nếu các Bồ tát đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm năng siêng tu học, các Bồ tát này nhóm hành bao lâu?

Phật nói: Thiện Hiện! Ðây nên phân biệt: Có các Bồ tát từ sơ phát tâm gặp bạn chơn thiện phương tiện nhiếp thọ, tức năng tu học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, đối thâm pháp môn năng sinh tin hiểu. Có các Bồ tát mặc dù từng gặp gỡ nhiều trăm ngàn Phật, ở chỗ chư Phật siêng tu phạm hạnh, mà có sở đắc làm phương tiện, nên đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chẳng tu học được, nghe thuyết Bát nhã Ba la mật đa chẳng sinh tin hiểu, tức liền bỏ đi!

Thiện Hiện! Phải biết các Bồ tát này chỗ Phật quá khứ nghe thuyết Bát nhã Ba la mật đa không lòng tin kính bỏ chúng mà đi, nay nghe thuyết Bát nhã Ba la mật đa không lòng tin kính lại bỏ đi nữa! Kia đối Bát nhã Ba la mật đa hoặc thân hoặc tâm đều chẳng hòa hợp. Vì chẳng hòa hợp nên gây làm tăng trưởng nghiệp cảm ác huệ. Bởi nghiệp đây nên nghe Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm hủy báng chán bỏ.

Thiện Hiện phải biết: Nếu các Bồ tát hủy báng chán bỏ Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, phải biết thời là hủy báng chán bỏ Nhất thiết trí trí. Nếu hủy báng chán bỏ Nhất thiết trí trí, tức hủy báng chán bỏ chư Phật ba đời. Bởi nhân duyên này gây làm tăng trưởng tội hại Chánh pháp. Bởi tội đây nên trải lâu nhiều thời chịu các trọng khổ.

Nghĩa là kia đã gây tội cực nặng nên nhiều trăm ngàn năm đọa đại địa ngục cõi đây phương khác, lăn tròn qua lại chịu các trọng khổ, chẳng được giải thoát. Khi cõi đây kiếp lửa nước gió khởi, dời để trong đại địa ngục phương khác. Khi phương khác kiếp lửa nước gió khởi, dời để trong địa ngục đây. Lộn quanh như thế lâu vô số kiếp thọ khổ rất khó chịu ở đại địa ngục.

Kia tội hại Pháp nghiệp thế yếu dần, từ địa ngục ra đọa thú bàng sinh. Lần hồi cõi đây phương khác như trước, nhiều kiếp lộn quanh chịu các khổ dữ dội. Kia tội hại Pháp thế nghiệp mỏng dần, thoát thú bàng sinh đọa trong thú quỉ, lần hồi lộn quanh cõi đây phương khác chịu các khổ nặng lâu vô lượng kiếp.

Kia nghiệp hại Pháp thế thưa sắp hết, khỏi thú quỉ đói sinh đến trong người, chịu đủ các khổ nhân gian nghèo cùng, hèn hạ, ngoan ngu, tật bệnh, xấu xí thảy. Hãy chẳng nghe danh có Phật Pháp Tăng, huống năng tinh siêng tu các nghiệp lành. Vì các ác nghiệp hại Chánh pháp nên chịu loại quả khổ đầy đủ như thế.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bèn thưa Phật rằng: Nghiệp hại Chánh pháp cùng năm vô gián, hai ác hành đây là tương tự chăng?

Bấy giờ, Phật bảo Xá Lợi Tử rằng: Chớ gọi nghiệp này tương tự năm vô gián. Sở dĩ vì sao? Năm nghiệp vô gián tuy cảm trọng khổ mà chẳng thể sánh hủy báng Chánh pháp. Nghĩa là kia nghe thuyết Bát nhã Ba la mật đa hủy báng chống nghịch nói: Bát nhã Ba la mật đa đây chẳng phải lời chơn Phật, chẳng nên tu học, phi pháp phi luật, chẳng phải Ðại sư dạy. Bởi nhân duyên đây tội ấy rất nặng, chẳng thể đem so năm nghiệp vô gián.

Xá Lợi Tử! Ngươi hại pháp đây, tự báng Chánh pháp cũng dạy người báng. Tự hoại nơi thân, cũng khiến người hoại. Tự uống thuốc độc, cũng khiến người uống. Tự mất sanh thiên, quả vui giải thoát, cũng khiến người mất. Tự đem thân đủ địa ngục lửa, cũng khiến người đủ. Tự chìm biển khổ, cũng khiến người chìm. Tự chẳng tin hiểu Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, cũng dạy người khác khiến chẳng tin hiểu u mê điên đảo.

Xá Lợi Tử! Ta đối Bát nhã Ba la mật đa hãy chẳng muốn cho kẻ hại Chánh pháp nghe danh tự kia, huống sẽ vì nói.

Xá Lợi Tử! Kẻ hại Chánh pháp, Ta hãy chẳng cho các thiện nam tử thảy trụ Bồ tát thừa đưa mắt xem thấy, huống được ở chung.

Xá Lợi Tử! Kẻ hại Chánh pháp, Ta chẳng cho mặc áo Cá sa, huống thọ cúng dường. Vì cớ sao? Xá Lợi Tử! Kẻ hại Chánh pháp đọa loài đen tối như phân hôi thối, như ốc trâu uế, như người bệnh hủi, rất đáng nhàm ghét. Có các người tin dùng lời của đứa hại pháp, cũng lại khổ lớn như trước đã nói.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại thưa Phật rằng: Vì sao chẳng nói kẻ hại Chánh pháp đời sau bị thọ thân lượng ác thú?

Bấy giờ, Phật bảo Xá Lợi Tử rằng: Thôi, chẳng cần nói thân lượng thú kia, e kẻ hại pháp nghe rồi kinh hoảng, tâm vội buồn rầu như trúng tên độc, thân khô héo dần như mạ đứt gốc. Kia hoặc nghe đó phải mửa máu nóng chết mất thân mạng, hoặc khổ gần chết, nên Ta chẳng nói thân lượng thú kia.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại thưa thỉnh nữa: Cúi xin vì nói để làm minh giới đời sau.

Bấy giờ, Phật bảo: Xá Lợi Tử! Ta trước nói kia nhiều kiếp chịu khổ, đủ làm minh giới lớn lao cho người đời sau. Ðời sau loại ấy, các thiện nam tử thảy nghe Ta trước nói quả báo hại Chánh pháp, thà xả thân mạng quyết chẳng báng pháp, chớ khiến ta đời sau chịu khổ lâu đời.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Có các thiên nam tử thảy thông minh nên khéo giữ hộ nghiệp thân ngữ ý. Kia đâu chẳng bởi ác nghiệp nên đọa trong người ác thú chịu khổ lâu thời?

Phật nói: Thiện Hiện! Như vậy, như vậy. Ðối trong Chánh pháp Tỳ nại da của Ta sẽ có các đứa ngu si xuất gia. Kia dù xưng Ta làm bậc Ðại sư, mà đối Ta thuyết Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm hủy báng chống nghịch.

Thiện Hiện phải biết: Nếu có hủy báng Bát nhã sâu thẳm, thời là hủy báng Vô thượng Bồ đề. Nếu có hủy báng Vô thượng Bồ đề, thời là hủy báng chư Phật ba đời. Nếu có hủy báng chư Phật ba đời, thời là hủy báng Nhất thiết trí trí. Nếu có hủy báng Nhất thiết trí trí, thời là hủy báng Pháp. Nếu hủy báng Pháp, thời hủy báng Tăng. Nếu hủy báng Tăng, thời bèn gây làm vô lượng tội nghiệp. Nếu có gây làm vô lượng tội nghiệp, thời bèn nhiếp thọ vô biên khổ báo.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Người ngu si kia mấy nhân duyên nên hủy báng chống nghịch Bát nhã sâu thẳm?

Phật bảo: Thiện Hiện! Bởi hai nhân duyên: Một là bị gió tà ma quạt mê. Hai là đối thâm pháp chẳng tin hiểu nổi.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bởi bốn nhân duyên hủy báng chống nghịch Bát nhã sâu thẳm: Một là bị bạn ác dụ gạt. Hai là chẳng năng siêng thiện pháp. Ba là ôm ác tâm ưa tìm lỗi người. Bốn là ganh ghét khen mình chê người.

Bởi đủ các nhân duyên như thế nên người ngu si kia hủy báng chốn nghịch Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, phát khởi vô biên ác nghiệp cực nặng!

Bấy giờ, Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Người ngu si kia chẳng siêng tinh tiến đối Phật đã thuyết Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm thật khó tin hiểu? Phật bảo: Thiện Hiện! Như vậy, như vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa như thế vì sao rất sâu cực khó tin hiểu?

Phật bảo: Thiện Hiện! Sắc chẳng buộc chẳng mở. Vì cớ sao? Vì sắc lấy vô tánh làm tự tánh vậy. Thọ tưởng hành thức chẳng buộc chẳng mở. Vì cớ sao? Vì thọ tưởng hành thức đều lấy vô tánh làm tự tánh vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Sắc ngằn trước sau giữa chẳng buộc chẳng mở. Vì cớ sao? Vì sắc ngằn trước sau giữa đều lấy vô tánh làm tự tánh vậy. Thọ tưởng hành thức ngằn trước sau giữa chẳng buộc chẳng mở. Vì cớ sao? Vì thọ tưởng hành thức ngằn trước sau giữa đều lấy vô tánh làm tự tánh vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm nếu chẳng tinh siêng rất khó tin hiểu?

Phật bảo: Thiện Hiện! Như vậy, như vậy. Sở dĩ vì sao? Sắc thanh tịnh tức quả thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên quả cũng thanh tịnh. Thọ tưởng hành thức thanh tịnh tức quả thanh tịnh, thọ tưởng hành thức thanh tịnh nên quả cũng thanh tịnh.

Lại nữa, Thiện Hiện! Sắc thanh tịnh tức Nhất thiết trí thanh tịnh, Nhất thiết trí thanh tịnh nên sắc cũng thanh tịnh. Sắc này thanh tịnh cùng Nhất thiết trí thanh tịnh từ xưa đến nay không hai không riêng, không dứt không hoại. Thọ tưởng hành thức thanh tịnh tức Nhất thiết trí thanh tịnh, Nhất thiết trí thanh tịnh nên thọ tưởng hành thức cũng thanh tịnh. Thọ tưởng hành thức thanh tịnh cùng Nhất thiết trí thanh tịnh từ xưa đến nay không hai không riêng, không dứt không hoại.

 

HỘI THỨ NĂM

Phẩm THANH TỊNH

Thứ 9

Bấy giờ, Xá Lợi Tử thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Thanh tịnh như thế rất là thẳm sâu? Phật nói: Như thế, vì cực thanh tịnh vậy.

Xá Lợi Tử thưa: Thanh tịnh như thế là đại quang minh? Phật nói: Như thế, vì cực thanh tịnh vậy.

Xá Lợi Tử thưa: Thanh tịnh như thế là không đắc không hiện quán? Phật nói: Như thế, vì cực thanh tịnh vậy.

Xá Lợi Tử thưa: Thanh tịnh như thế không chỗ sinh khởi? Phật nói: Như thế, vì cực thanh tịnh vậy.

Xá Lợi Tử thưa: Thanh tịnh như thế chẳng sinh ba cõi? Phật nói: Như thế, vì cực thanh tịnh vậy.

Xá Lợi Tử thưa: Thanh tịnh như thế không biết không hiểu? Phật nói: Như thế, vì cực thanh tịnh vậy.

Xá Lợi Tử thưa: Thanh tịnh như thế đối sắc không biết, đối thọ tưởng hành thức cũng không biết? Phật nói: Như thế, vì cực thanh tịnh vậy.

Xá Lợi Tử thưa: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm vì cực thanh tịnh nên đối Nhất thiết trí không tổn không ích? Phật nói: Như thế, vì cực thanh tịnh vậy.

Xá Lợi Tử thưa: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm vì cực thanh tịnh nên đối tất cả pháp không lấy không bỏ? Phật nói: Như thế, vì cực thanh tịnh vậy.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Vì ngã thanh tịnh nên sắc thọ tưởng hành thức cũng thanh tịnh? Phật nói: Như thế, vì tịnh rốt ráo vậy.

Thiện Hiện lại thưa: Vì ngã thanh tịnh nên quả cũng thanh tịnh? Phật nói: Như thế, vì tịnh rốt ráo vậy.

Thiện Hiện lại thưa: Vì ngã thanh tịnh nên Nhất thiết trí cũng thanh tịnh? Phật nói: Như thế, vì tịnh rốt ráo vậy.

Thiện Hiện lại thưa: Vì ngã thanh tịnh nên không đắc không hiện quán? Phật nói: Như thế, vì tịnh rốt ráo vậy.

Thiện Hiện lại thưa: Vì ngã vô biên nên sắc thọ tưởng hành thức cũng vô biên? Phật nói: Như thế, vì tịnh rốt ráo vậy.

Thiện Hiện lại thưa: Nếu các Bồ tát năng giác như thế, đấy là Bát nhã Ba la mật đa? Phật nói: Như thế, vì tịnh rốt ráo vậy.

Thiện Hiện lại thưa: Bát nhã Ba la mật đa như thế chẳng bờ đây chẳng bờ kia chẳng trung gian? Phật nói: Như thế, vì tịnh rốt ráo vậy.

Thiện Hiện lại thưa: Nếu các Bồ tát khởi tưởng như thế, bỏ xa Bát nhã Ba la mật đa? Phật nói: Hay thay, hay thay! Thiện Hiện! Các Bồ tát này trước danh trước tướng.

Cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn, hiếm có! Khéo vì Bồ tát đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm khai chỉ phân biệt trước tướng rốt ráo.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Sao là Bồ tát đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm sở khởi trước tướng?

Thiện Hiện đáp rằng: Nếu các Bồ tát đối sắc bảo không, đấy gọi là chấp trước. Ðối thọ tưởng hành thức bảo không đấy gọi là chấp trước. Ðối pháp ba đời bảo pháp ba đời, đấy gọi là chấp trước. Bảo các Bồ tát khi mới phát tâm, vô lượng phước sinh, đấy gọi là chấp trước.

Khi ấy, Thiên Ðế Thích hỏi Thiện Hiện rằng: Duyên nào như thế cũng gọi là chấp trước?

Thiện Hiện đáp rằng: Vì chấp có tâm, nên bảo chấp tâm đây năng chính hồi hướng Vô thượng Bồ đề, nên gọi là chấp trước.

Kiều Thi Ca! Tâm vốn tánh không, chẳng năng hồi hướng. Nếu các Bồ tát muốn dạy người khác tới Ðại Bồ đề, nên theo thật tướng chỉ hiện khuyên dẫn khen gắng vui mừng, đối mình không tổn cũng chẳng tổn người, chư Phật Thế Tôn đồng khai hứa cho, vì xa lìa tất cả phân biệt chấp trước vậy.

Bấy giờ, Thế Tôn khen Thiện Hiện rằng: Hay thay, hay thay! Ngươi khéo năng vì các Bồ tát phân biệt nói trước tướng, khiến các Bồ tát giác biết xa lìa. Lại có các chấp trước nhỏ nhiệm này sẽ vì ngươi nói, ngươi nên lóng nghe.

Thiện Hiện thưa rằng: Dạ, cúi xin nói cho!

Phật bảo: Thiện Hiện! Nếu các thiện nam tử thảy Bồ tát thừa ở chỗ chư Phật lấy tướng nhớ nghĩ, theo tướng đã lấy đều gọi chấp trước. Nếu đối trong pháp vô lậu chư Phật  Thế Tôn  ba đời rất sanh tùy hỷ, đã tùy hỷ rồi chung các hữu tình hồi hướng Bồ đề, cũng gọi chấp trước. Vì thật tánh các pháp chẳng nhiếp ba đời, chẳng thể lấy tướng, chẳng thể vin duyên, cũng không việc thấy nghe hay biết, vậy nên đối Vô thượng giác chẳng thể hồi hướng.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Thật tánh các pháp rất là thẳm sâu? Phật nói: Như thế, vì bản tánh lìa vậy.

Thiện Hiện lại thưa: Bát nhã Ba la mật đa như thế đều nên kính lễ? Phật nói: Như thế, vì pháp tánh không tác không hay biết vậy.

Thiện Hiện lại thưa: Bản tánh các pháp không sở tạo tác không hay biết ư?

Phật nói: Như thế, vì bản tánh các pháp duy nhất vô nhị, không tạo không tác, chẳng thể hay biết, chẳng thể phân biệt. Nếu các Bồ tát năng biết được như thế tức năng xa lìa được tất cả chấp mắc.

Thiện Hiện lại thưa: Bát nhã Ba la mật đa như thế thật khó giác biết? Phật nói: Như thế, vì không kẻ biết vậy.

Thiện Hiện lại thưa: Bát nhã Ba la mật đa như thế chẳng thể nghĩ bàn? Phật nói: Như thế, vì chẳng phải tâm, tâm sở năng biết rõ vậy.

Thiện Hiện lại thưa: Bát nhã Ba la mật đa như thế không sở tạo tác? Phật nói: Như thế, vì các kẻ tạo tác bất khả đắc vậy.

Thiện Hiện lại hỏi rằng: Bồ tát làm sao nên hành Bát nhã Ba la mật đa?

Phật nói: Nếu Bồ tát chẳng hành sắc, cũng lại chẳng hành thọ tưởng hành thức là hành Bát nhã Ba la mật đa. Nếu chẳng hành sắc không, cũng lại chẳng hành thọ tưởng hành thức không, là hành Bát nhã Ba la mật đa. Nếu chẳng hành sắc tướng chẳng viên mãn, cũng lại chẳng hành thọ tưởng hành thức tướng chẳng viên mãn, là hành Bát nhã Ba la mật đa.

Sở dĩ vì sao? Vì sắc chẳng viên mãn tức chẳng phải sắc, thọ tưởng hành thức chẳng viên mãn tức chẳng phải thọ tưởng hành thức. Nếu chẳng hành như thế là hành Bát nhã Ba la mật đa.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn, rất lạ! Bạch Thiện Thệ, hiếm có! Năng đối chấp trước nói tướng không chấp trước.

Phật bảo: Thiện Hiện! Nếu chẳng hành tướng sắc thọ tưởng hành thức không chấp trước là hành Bát nhã Ba la mật đa. Nếu các Bồ tát năng hành như thế bèn đối sắc thọ tưởng hành thức chẳng sanh chấp trước, đối quả Dự lưu cho đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề chẳng sanh chấp trước. Sở dĩ vì sao? Vì vượt tất cả chấp trước, không ngăn ngại giác, gọi Nhất thiết trí.

Như vậy, Thiện Hiện! Nếu Bồ tát muốn vượt các chấp trước, nên hành Bát nhã Ba la mật đa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn, hiếm có! Pháp tánh thẳm sâu nếu nói chẳng nói đều không tăng giảm?

Phật bảo: Thiện Hiện! Như vậy, như vậy. Ví như hư không, giả sử chư Phật hết một thọ lượng hoặc khen hoặc chê mà hư không kia không tăng không giảm. Pháp tánh thẳm sâu cũng lại như thế, hoặc nói chẳng nói đều không tăng giảm. Ví như huyễn sĩ với lúc khen chê không mừng không buồn, chẳng tăng chẳng giảm. Pháp tánh thẳm sâu cũng lại như thế, hoặc nói chẳng nói, như xưa không khác.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Chúng các Bồ tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm là việc rất khó. Nghĩa là Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm hoặc tu chẳng tu không tăng không giảm, không tiến không thối. Chúng các Bồ tát tu hành Bát nhã Ba la mật đa như tu hư không đều vô sở hữu. Chúng các Bồ tát, hữu tình chúng ta đều nên kính lễ tôn trọng ngợi khen. Sở dĩ vì sao?

Chúng các Bồ tát vì độ hữu tình mặc áo giáp công đức, như có muốn chiến tranh hư không, mặc giáp dày chắc. Chúng các Bồ tát vì độ hữu tình mặc giáp công đức, như có kẻ dũng muốn túm hư không để chỗ cao hơn. Chúng các Bồ tát vì các loại hữu tình như hư không, cầu tới Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, gọi đại dũng mạnh, được đại tinh tiến Ba la mật đa.

Khi đó có một Bí sô khởi nghĩ này rằng: Nên kính lễ Bát nhã Ba la mật đa, trong đấy đều không có pháp sinh diệt.

Khi ấy, Thiên Ðế Thích hỏi Thiện Hiện rằng: Bồ tát muốn học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm phải học làm sao?

Thiện Hiện đáp rằng: Bồ tát muốn học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm phải như hư không tinh siêng tu học.

Khi ấy, Thiên Ðế Thích bèn thưa Phật rằng: Nếu các hữu tình năng học Bát nhã Ba la mật đa làm sao giữ hộ?

Bấy giờ, Thiện Hiện bảo Ðế Thích rằng: Ngươi thấy pháp này giữ hộ được chăng? Thiên Ðế Thích thưa: Ðại đức! Chẳng được.

Thiện Hiện bảo rằng: Nếu các Bồ tát như Ðại Bát nhã Ba la mật đa đã nói mà hành, tức là giữ hộ. Nếu lìa Bát nhã Ba la mật đa, người phi người thảy đều phá được tiện.

Kiều Thi Ca! Nếu muốn giữ hộ các Bồ tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, chẳng khác gì có người phát siêng tinh tiến giữ hộ hư không, luống uổng mệt nhọc trọn không sở ích.

Kiều Thi Ca! Có ai giữ hộ tiếng vang thảy được chăng? Thiên Ðế Thích thưa: Ðại đức! Chẳng được.

Thiện Hiện bảo rằng: Nếu muốn giữ hộ các Bồ tát hành Bát nhã Ba la mật đa ấy cũng lại như thế, luống uổng mệt nhọc trọn không sở ích.

Kiều Thi Ca! Chúng các Bồ tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm dù biết các pháp đều như tiếng vang thảy, mà chẳng xem thấy, cũng chẳng chỉ rõ được, năng trụ như thế mà hành Bát nhã Ba la mật đa.

Bấy giờ, vì sức uy thần Thế Tôn nên khiến thế giới Tam thiên đại thiên đây, bốn Ðại thiên vương và Thiên Ðế Thích, Ðại Phạm vương thảy tất cả Thiên chúng đi đến chỗ Phật, đảnh lễ hai chân Phật, lui đứng một phía. Vì thần lực Phật ở mười phương cõi đều thấy ngàn Phật tuyên nói Bát nhã Ba la mật đa danh tự tướng trạng đồng đều nơi đây. Thỉnh thuyết Bát nhã Ba la mật đa đứng đầu chúng Bí sô đều danh Thiện Hiện. Hỏi nạn Bát nhã Ba la mật đa đứng đầu các Thiên chúng đều danh Ðế Thích.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thiện Hiện rằng: Từ Thị Bồ tát khi sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng giác liền đem danh đây, cũng ở chỗ này tuyên nói Bát nhã Ba la mật đa.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Từ Thị Bồ tát khi sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng giác đem những danh nào tức ở chỗ này tuyên nói Bát nhã Ba la mật đa?

Phật bảo: Thiện Hiện! Từ Thị Bồ tát khi sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng giác chẳng nói pháp sắc không, chẳng nói pháp thọ tưởng hành thức không. Chẳng nói pháp sắc buộc mở, chẳng nói pháp thọ tưởng hành thức buộc mở.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm rất là thanh tịnh?

Phật bảo: Thiện Hiện! Vì sắc thanh tịnh nên Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm rất là thanh tịnh. Vì thọ tưởng hành thức thanh tịnh nên Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm rất là thanh tịnh. Vì hư không thanh tịnh nên Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm rất là thanh tịnh. Vì sắc không nhiễm nên Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm rất là thanh tịnh. Vì thọ tưởng hành thức không nhiễm nên Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm rất là thanh tịnh. Vì hư không không nhiễm nên Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm rất là thanh tịnh.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Nếu các hữu tình thọ trì đọc tụng Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, trọn chẳng chết ngang, cũng không bệnh ngang và ương họa ngang, thường được vô lượng trăm ngàn thiên thần cung kính vây quanh theo dõi giữ hộ. Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân với tháng đen trắng mỗi ngày thứ tám, ngày thứ mười bốn, ngày thứ mười lăm, nơi nơi chỗ chỗ đọc tụng giảng nói Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm sẽ được vô biên công đức thắng lợi.

Phật bảo: Thiện Hiện Như vậy, như vậy. Như ngươi đã nói. Thiện Hiện! Phải biết Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm khi nghe nói thảy có nhiều lưu nạn. Sở dĩ vì sao? Vì Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm là ngọc báu lớn, có nhiều oán giặc, đối tất cả pháp không đắm không lấy. Vì cớ sao? Vì tất cả pháp trọn vô sở hữu, bất khả đắc vậy.

Thiện Hiện phải biết: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đối tất cả pháp vì vô sở đắc nên chẳng năng nhiễm dơ chẳng sở nhiễm dơ. Vì cớ sao? Vì vô pháp chẳng thể nhiễm vô pháp vậy. Vì vô nhiễm nên nói gọi vô nhiễm Ba la mật đa. Do đấy Bát nhã Ba la mật đa không nhiễm dơ nên tất cả các pháp cũng không nhiễm dơ. Nếu đối như thế cũng chẳng phân biệt là hành Bát nhã Ba la mật đa.

Thiện Hiện phải biết: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm vì không phân biệt nên đối tất cả pháp không thấy chẳng thấy, không lấy không bỏ.

Khi ấy, có vô lượng trăm ngàn Thiên tử trụ trong hư không nhảy nhót vui mừng hớn hở, cùng nhau đồng thanh xướng rằng: Chúng ta ngày nay ở châu Thiệm Bộ thấy Phật quay xe diệu pháp lần thứ hai!

Bấy giờ, Phật bảo Thiện Hiện rằng: Xe pháp như thế chẳng quay thứ nhất cũng chẳng thứ hai, vì Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm không quay tới trả lui vậy.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đấy là Ba la mật đa rộng lớn, đối tất cả pháp không buộc không dính. Mặc dù chứng Bồ đề mà không sở chứng, dù quay xe pháp mà không sở quay. Không pháp khá chỉ, không pháp khá hiển, không pháp khá đắc, không pháp khá quay tới, không pháp khá trả lui. Vì tất cả pháp rốt ráo chẳng sanh, cũng lại chẳng diệt. Vì chẳng sanh diệt nên không quay không trả.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thiện Hiện rằng: Như vậy, như vậy. Sở dĩ vì sao? Vì trong pháp vô tánh không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, hoặc quay hoặc trả đều bất khả đắc. Nếu năng tuyên nói khai chỉ được như thế đấy gọi khéo tịnh tuyên nói Bát nhã Ba la mật đa. Trong ấy đều không kẻ nói, kẻ thọ, cũng không kẻ tác chứng được Niết bàn, cũng không kẻ nói pháp làm ruộng phước. Vì ruộng phước không có, nên tánh của phước cũng trống không. Nêu chỉ ra danh ngôn đều bất khả đắc, nên gọi Bát nhã Ba la mật đa rộng lớn.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đấy là vô biên Ba la mật đa, vì như thái hư không không ngằn mé vậy. Ðấy là chánh đẳng Ba la mật đa, vì tánh tất cả pháp bình đẳng vậy. Ðấy là viễn ly Ba la mật đa, vì tất cả pháp rốt ráo không vậy. Ðấy là khó phục Ba la mật đa, vì tất cả pháp bất khả đắc vậy. Ðấy là không dấu vết Ba la mật đa, vì tất cả pháp không danh thể vậy.

Ðấy là vô hành Ba la mật đa, vì tất cả pháp không qua lại vậy. Ðấy là vô đoạt Ba la mật đa, vì tất cả pháp chẳng thể lấy vậy. Ðấy là vô tận Ba la mật đa, vì tất cả pháp chẳng thể hết vậy. Ðấy là vô sanh Ba la mật đa, vì tất cả pháp chẳng thể sanh vậy. Ðấy là vô tác Ba la mật đa, vì các tác giả bất khả đắc vậy. Ðấy là vô tri Ba la mật đa, vì các tri giả bất khả đắc vậy.

Ðấy là không chuyển Ba la mật đa, vì các kẻ sanh tử bất khả đắc vậy. Ðấy là không bẩn Ba la mật đa, vì phiền não sạch vậy. Ðấy là không nhiễm Ba la mật đa, vì chỗ nương dựa bất khả đắc vậy. Ðấy là không hoại Ba la mật đa, vì lìa ngằn trước vậy.

Ðấy là như huyễn Ba la mật đa, vì tất cả pháp đều chẳng sanh vậy. Ðấy là như mộng Ba la mật đa, vì tánh các ý thức bình đẳng vậy. Ðấy là không hý luận Ba la mật đa, vì biết tánh các hý luận bình đẳng vậy. Ðấy là không nghĩ lo Ba la mật đa, vì các pháp nghĩ lo rốt ráo không có vậy. Ðấy là không động chuyển Ba la mật đa, vì trụ pháp giới vậy.

Ðấy là lìa nhiễm Ba la mật đa, vì tất cả pháp chẳng hư dối vậy. Ðấy là không tác dụng Ba la mật đa, vì tất cả pháp không phân biệt vậy. Ðấy là vắng lặng Ba la mật đa, vì tướng tất cả pháp bất khả đắc vậy. Ðấy là không phiền não Ba la mật đa, vì lìa lầm lỗi vậy.

Ðấy là không hữu tình Ba la mật đa, vì thật tế hữu tình bất khả đắc vậy. Ðấy là không đoạn Ba la mật đa, vì tất cả pháp không đẳng khởi vậy. Ðấy là không hai bên Ba la mật đa, vì đối tất cả pháp không chấp trước vậy. Ðấy là không lấy đắm Ba la mật đa, vì đối bậc Nhị thừa không phân biệt vậy. Ðấy là không phân biệt Ba la mật đa, vì biết tánh các phân biệt bình đẳng vậy.

Ðấy là vô lượng Ba la mật đa, vì pháp không lường vậy. Ðấy là vô khởi Ba la mật đa, vì lìa ngã pháp vậy. Ðấy là hư không Ba la mật đa, vì đối tất cả pháp đều không ngại vậy. Ðấy là bất sanh Ba la mật đa, vì tất cả pháp đều chẳng khởi vậy.

Ðấy là vô thường Ba la mật đa, vì tất cả pháp thường vô tánh vậy. Ðấy gọi là khổ Ba la mật đa, là pháp bức não tánh bình đẳng vậy. Ðấy là vô ngã Ba la mật đa, vì đối tất cả pháp không chấp trước vậy.

Ðấy gọi là không Ba la mật đa, vì tất cả pháp bất khả đắc vậy. Ðấy là vô tướng Ba la mật đa, vì tất cả pháp lìa các tướng vậy. Ðấy là vô nguyện Ba la mật đa, vì tất cả pháp không sở thành vậy. Ðấy gọi là lực Ba la mật đa, vì tất cả pháp chẳng thể khuất vậy. Ðấy là vô lượng Phật Pháp Ba la mật đa, vì quá số lượng vậy.

Ðấy là vô sở úy Ba la mật đa, vì tâm không khiếp sở vậy. Ðấy là chơn như Ba la mật đa, vì tất cả pháp chẳng hư dối vậy. Ðấy là tự nhiên Ba la mật đa, vì tất cả pháp vô tự tánh vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Như vậy, như vậy. Như ngươi đã nói.

 

HỘI THỨ NĂM

Phẩm CHẲNG NGHĨ BÀN

Thứ 10 – 1

Khi ấy, Thiên Ðế Thích khởi nghĩ này rằng: Nếu có chỉ nghe Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm phải biết đã từng cúng dường chư Phật, phát thề nguyền rộng, huống năng thọ trì, đọc tụng, biên chép, vì người diễn nói, như giáo tu hành. Phải biết người này đã ở chỗ vô lượng Phật quá khứ gần gũi cúng dường, trồng nhiều căn lành, từng nghe Bát nhã Ba la mật đa. Nghe rồi thọ trì đọc tụng biên chép vì người diễn nói, như giáo tu hành. Hoặc đối kinh này năng hỏi năng đáp, nhờ phước lực đời trước nay thành xong việc này. Nếu các hữu tình đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, công đức thuần tịnh, nghe Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm nơi tâm chẳng kinh chẳng sợ chẳng run.

Khi ấy, Xá Lợi Tử biết Thiên Ðế Thích nơi tâm đã nghĩ, bèn thưa Phật rằng: Nếu các Bồ tát đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm năng sanh tin hiểu, phải biết người này như các Ðại Bồ tát Bất thối chuyển. Sở dĩ vì sao?

Bát nhã Ba la mật đa lý thú sâu thẳm như thế rất khó tin khó hiểu. Nếu ở đời trước chẳng lâu tu hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, chẳng đối trước Phật thỉnh hỏi nghe thọ, chẳng ở chỗ Phật trồng nhiều căn lành, đâu tạm được nghe tức năng tin hiểu.

Nếu có nghe thuyết Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, hủy báng chống nghịch, phải biết người này đời trước đã đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm hủy báng chống nghịch. Sở dĩ vì sao? Vì người ngu như thế cội lành ít vậy, nên đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chẳng sanh tịnh tín, chưa từng thỉnh hỏi nghĩa sâu thẳm với Phật và các đệ tử, nên nghe thuyết Bát nhã Ba la mật đa nghĩa thú sâu thẳm, hủy báng chống nghịch.

Bấy giờ, Thiên Ðế Thích bảo Xá Lợi Tử rằng: Bát nhã Ba la mật đa lý thú sâu thẳm như thế rất khó tin hiểu. Có các kẻ chưa lâu tin muốn, tu hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, nghe nói trong ấy nghĩa thú sâu thẳm chẳng sanh tin hiểu, chưa là hiếm có. Nếu người lễ kính Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm tức là lễ kính Nhất thiết trí trí?

Xá Lợi Tử nói: Như vậy, như vậy. Như ngươi đã nói. Vì cớ sao? Kiều Thi Ca! Như Lai đã được Nhất thiết trí trí đều từ Bát nhã Ba la mật đa mà được sanh vậy. Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm lại do Nhất thiết trí trí Như Lai mà được có vậy.

Kiều Thi Ca! Chúng các Bồ tát nên hành như thế, nên trụ như thế, nên học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm như thế.

Khi ấy, Thiên Ðế Thích bèn thưa Phật rằng: Chúng các Bồ tát làm sao hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm gọi trụ Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, gọi học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm?

Bấy giờ, Phật khen Thiên Ðế Thích rằng: Hay thay, hay thay! Ngươi nhờ Phật lực năng hỏi Như Lai nghĩa thẳm sâu như thế.

Kiều Thi Ca! Chúng các Bồ tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, nếu chẳng trụ sắc, cũng chẳng trụ đây là sắc, đấy là học sắc. Nếu chẳng trụ thọ tưởng hành thức, cũng chẳng trụ đây là thọ tưởng hành thức, đấy là học thọ tưởng hành thức.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Chúng các Bồ tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm nếu chẳng học sắc, cũng chẳng học đây là sắc, là chẳng trụ sắc. Nếu chẳng học thọ tưởng hành thức, cũng chẳng học đây là thọ tưởng hành thức, là chẳng trụ thọ tưởng hành thức.

Kiều Thi Ca! Ðấy gọi Bồ tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, cũng gọi trụ Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, cũng học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bèn thưa Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa như thế rất là sâu thẳm khó thể so lường, khó thể chấp lấy, không có hạn lượng?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Như vậy, như vậy. Như ngươi đã nói.

Xá Lợi Tử! Chúng các Bồ tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, nếu chẳng trụ hành sắc tánh sâu thẳm, cũng chẳng trụ đây là sắc tánh sâu thẳm, đấy là học sắc tánh sâu thẳm. Nếu chẳng trụ thọ tưởng hành thức tánh sâu thẳm, cũng chẳng trụ đây là thọ tưởng hành thức tánh sâu thẳm, đấy là học thọ tưởng hành thức tánh sâu thẳm.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Chúng các Bồ tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, nếu chẳng học sắc tánh sâu thẳm, cũng chẳng học đấy là sắc tánh sâu thẳm, đấy là chẳng trụ sắc tánh sâu thẳm. Nếu chẳng học thọ tưởng hành thức tánh sâu thẳm, cũng chẳng học đây là thọ tưởng hành thức tánh sâu thẳm, đấy là chẳng trụ thọ tưởng hành thức tánh sâu thẳm.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại thưa Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa như thế đã rất sâu thẳm khó thể so lường, khó thể chấp lấy, không có hạn lượng, thời khó tin hiểu. Chỉ nên vì Bồ tát ngôi Bất thối chuyển mà nói. Kia đối trong ấy không nghi không ngờ, chẳng mê lầm vậy.

Khi đó, Thiên Ðế Thích hỏi Xá Lợi Tử rằng: Nếu vì các Bồ tát chưa nhận ký mà nói, sẽ có lỗi gì?

Xá Lợi Tử nói: Kia nghe kinh sợ, hoặc sanh hủy báng. Do nhân duyên đây lâu chịu khổ lớn, khó được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Thiên Ðế Thích thưa: Vả có Bồ tát chưa được nhận ký, nghe Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm tâm chẳng kinh sợ, chẳng sanh hủy báng, rất tin hiểu ư?

Xá Lợi Tử nói: Có. Bồ tát này lâu phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, lâu tu hạnh Bồ tát Ma ha tát, dù chưa được nhận ký Ðại Bồ đề mà chẳng qua ở chỗ một Phật hoặc hai Phật, định sẽ được nhận ký Ðại Bồ đề.

Bấy giờ, Phật bảo Xá Lợi Tử rằng: Như vậy, như vậy. Như ngươi đã nói. Xá Lợi Tử! Nếu các Bồ tát chưa được nhận ký, nghe Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm tâm chẳng kinh sợ, rất sanh tin hiểu, phải biết lâu phát tâm Ðại Bồ đề, trồng nhiều cội lành, thờ nhiều bạn lành.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bèn thưa Phật rằng: Tôi nay muốn nói chút ít thí dụ, cúi xin hứ cho!

Phật bảo: Xá Lợi Tử Tùy ý ngươi nói.

Xá Lợi Tử thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Như các thiện nam tử thảy tự mộng thấy ngồi tòa diệu Bồ đề, phải biết người này gần chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Nếu có được nghe Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm tâm chẳng kinh sợ, rất sanh tin hiểu, cũng lại như thế. Phải biết người này lâu phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, căn lành thành thục, hoặc đã nhận được ký Ðại Bồ đề, hoặc gần sẽ nhận ký Ðại Bồ đề, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Ví như có người dạo đi đồng nội trải qua đường hiểm trăm do tuần, hoặc hai hoặc ba cho đến năm trăm, thấy tướng trước các vương đô thành ấp, nghĩa là người thả trâu, vườn rừng ruộng thảy. Thấy tướng đây rồi, bèn khởi nghĩ này: Thành ấp vương đô cách đây chẳng xa. Khởi nghĩ này rồi, thân tâm thư thới chẳng sợ ác thú, ác tặc, đói khát. Như vậy Bồ tát được nghe Bát nhã Ba la mật đa hết lòng tin kính, phải biết chẳng lâu nhận ký Bồ đề, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, không sợ rơi Thanh văn bậc Ðộc giác. Vì cớ sao? Vì đã được nghe thấy tướng trước Vô thượng Bồ đề, cung kính tín thọ Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm vậy.

Bạch Thế Tôn! Ví như có người muốn xem biển cả, lần hồi đi tới trải qua nhiều thời chẳng thấy núi rừng, bèn khởi nghĩ này: Nay xem tướng đây, biển cả chẳng xa. Sở dĩ vì sao? Vì gần bờ biển cả đất ắt thấp dần không các núi rừng. Người kia bấy giờ, dù chưa thấy biển mà thấy tướng gần, vui mừng nhảy nhót. Như vậy Bồ tát được nghe Bát nhã Ba la mật đa hết lòng tin kính, phải biết chẳng lâu nhận ký Bồ đề mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Vì cớ sao? Vì đã được thấy nghe Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm là tướng trước Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề vậy.

Bạch Thế Tôn! Ví như mùa xuân các cây hoa quả lá già đã rụng, nhánh nhóc tươi nhuận, nhiều người được thấy đều khởi nghĩ này: Hoa quả lá mới chẳng lâu sẽ lú. Sở dĩ vì sao? Vì các cây này hoa quả lá mới hiện tướng trước vậy. Như vậy Bồ tát được nghe Bát nhã Ba la mật đa hết lòng tin kính, được biết chẳng lâu nhận ký Bồ đề, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Khi ấy, trong chúng hội có các Thiên tử thấy rồi vui mừng khởi nghĩ này rằng: Các Bồ tát đời trước được tướng ấy rồi chẳng lâu bèn nhận ký Ðại Bồ đề, nay các Bồ tát đây cũng được tướng này chẳng lâu sẽ nhận ký Ðại Bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Ví như người nữ mang thai hơi lâu, nơi thân càng nặng, động ngưng không yên, ăn uống ngủ nghỉ thảy đều giảm ít, chẳng thích nhiều lời, chán việc làm thường nhật, vì chịu khổ đau nên dẹp hết các việc. Có bà mẹ chồng thấy tướng đây rồi liền biết nàng này sanh đẻ chẳng lâu. Như vậy Bồ tát được nghe Bát nhã Ba la mật đa hết lòng tin kính, phải biết chẳng lâu nhận ký Bồ đề, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, năng tận vị lai lợi vui tất cả.

Bấy giờ, Phật khen Xá Lợi Tử rằng: Hay thay, hay thay! Ngươi nay khéo nói ví dụ Bồ tát, đều là sức oai thần Như Lai.

 

--- o0o ---

Mục Lục Tập 23

Quyển thứ: 551 | 552 | 553 | 554 | 555

 556 | 557 | 558 | 559 | 560 | 561 | 562  | 563 | 564 | 565

 566 | 567  | 568 | 569 | 570 | 571 | 572 | 573 | 574 | 575

--- o0o ---

Mục Lục Tổng Quát Kinh Bát Nhã

Tập:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 78 | 9 | 10 | 11 | 12

13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24  

--- o0o ---

Vi tính: Chân Hiền Tịnh
Cập nhật: 01-12-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Vì sao các ông bố trẻ thường dễ bị nhã Học ngôn Ð Ð Ð Hãy Chạy Thiền có thể giúp ngăn ngừa các bệnh Tầm các tuổi giû ung tự tánh di đà 10 tiếp theo bá nh Ä Æ triển dương Trà bi giúp học se thao do toan bo chua cau hoi an láÿ chùa Mất ngủ đôi loi nhan nhu cua duc dalai lama gui den nhung ai for duy trì và trao truyền lời của đức lễ Stress có liên quan tới suy giảm trí nhớ benh gioi luat la nen tang can ban cua phat giao hoang bởi moi hieu duoc nhung dieu nhu the 20 to xa da da jayata Chùa Hoa Khai Lạng sang nay troi ung nang chẳng mới vẫn Gặp chương viii thời kỳ đầu của phật 06 Dâu tây giúp làm chậm sự phát triển thiểu Nguyen bo phim sinh dong ve cuoc doi steven ÐÑÑ