.

 

Kinh Trung bộ
HT. Thích Minh Châu dịch

 KINH DEVADAHA 
(Devadahasuttam)

Như vầy tôi nghe :

Một thời Thế Tôn trú ở giữa các Sakka (Thích ca). Devadaha là một thị trấn các Sakka. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo : "Này các Tỷ-kheo".

"–Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau :

– Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau : "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ diệt tận".

Nầy các Tỷ-kheo, lý thuyết các Nigantha (Ni kiền tử) là vậy. Nầy các Tỷ-kheo, Ta nói như vậy, Ta đi đến các Nigantha và nói như sau :

"– Chư Hiền Nigantha, có đúng sự thật chăng, các Ông có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt, do nghiệp đoạn diệt khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận ?"

Này các Tỷ-kheo, nếu các Nigantha ấy, khi được Ta hỏi, tự nhận có nói như vậy, Ta liền nói như sau :

"– Chư Hiền Nigantha, các Ông có biết : "Trong quá khứ, chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu ?"

"– Thưa Hiền giả, không như vậy.

"– Chư Hiền Nigantha, các Ông có biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác nghiệp ?"

"– Thưa Hiền giả, không như vậy.

"– Chư Hiền Nigantha, các ông có biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp như thế này hay như thế kia ?"

"- Thưa Hiền giả, không như vậy.

"- Chư Hiền Nigantha, các ông có biết: "Khổ mức độ như thế này đã được diệt tận hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận, hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận ?"

"- Thưa Hiền giả, không như vậy.

"- Chư Hiền Nigantha, các Ông có biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp ?"

"- Thưa Hiền giả, không như vậy.

"- Chư Hiền Nigantha, như các Ông đã nói, các Ông không biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu"; các Ông không biết : "Trong quá khứ, chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác nghiệp"; các Ông không biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp như thế này, hay như thế kia"; các Ông không biết : "Khổ mức độ như thế này đã được diệt tận, khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận, hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận"; các Ông không biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp"; sự tình là như vậy, thời có hợp lý chăng, khi các Tôn giả Nigantha lại trả lời : "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ, với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp được đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt tất cả khổ thọ sẽ được diệt tận ?".

"- Chư Hiền Nigantha, nếu các Ông được biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu"; các Ông được biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác nghiệp"; các Ông được biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp như thế này, hay như thế kia"; các Ông được biết: "Khổ mức độ như thế này đã được diệt tận, hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận, hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận"; các Ông được biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp"; sự tình là như vậy, thời thật là hợp lý khi các Tôn giả Nigantha trả lời : "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ; với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt, do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".

"– Chư Hiền Nigantha, ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Người ấy do nhân cảm xúc mũi tên, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Bạn bè, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ giải phẫu đến. Vị y sĩ giải phẫu lấy dao cắt rộng miệng vết thương. Người ấy do nhân dao cắt miệng vết thương, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy dò tìm mũi tên với vật dụng dò tìm. Người ấy do nhân bị dò tìm mũi tên với vật dụng dò tìm, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu rút mũi tên ra khỏi người ấy. Người ấy do nhân được rút mũi tên, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy cho đốt miệng vết thương với than đỏ (hay đắp miệng vết thương với vải nóng như than đỏ). Người ấy do nhân miệng vết thương bị than đỏ đốt, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Sau một thời gian, khi da đã bắt đầu lành trên miệng vết thương, người ấy không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, và đi vào chỗ nào người ấy muốn. Người ấy suy nghĩ như sau : "Trước kia ta bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Do nhân cảm xúc mũi tên, ta thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Bạn bè bà con huyết thống của ta có mời một y sĩ giải phẩu đến. Vị y sĩ giải phẫu ấy lấy dao cắt rộng miệng vết thương. Ta do nhân dao cắt rộng miệng vết thương thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẩu ấy dò tìm mũi tên với vật dụng dò tìm. Do nhân bị dò tìm mũi tên với vật dụng dò tìm ta thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy rút mũi tên ra khỏi ta. Do nhân được rút mũi tên, ta thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy cho đốt miệng vết thương với than đỏ (hay đắp miệng vết thương với vải nóng như than đỏ ?). Do nhân miệng vết thương bị than đỏ đốt, ta thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Nay da đã bắt đầu lành trên miệng vết thương, ta không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, và đi chỗ nào ta muốn".

"Như vậy, này chư Hiền Nigantha, nếu các Ông được biết : "Trong quá khứ, chúng tôi hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu"; các Ông được biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác nghiệp", các Ông được biết : "Chúng tôi có tạo ác nghiệp, như thế này hay như thế kia", các Ông được biết : "Khổ mức độ như thế này đã được diệt tận, hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận; hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận"; các Ông được biết : "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp"; sự tình là như vậy, thời thật là hợp lý khi các Tôn giả Nigantha trả lời : "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".

"Chư Hiền Nigantha, và vì rằng các Ông không được biết : "Trong quá khứ, chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu"; các Ông không được biết : "Chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác nghiệp"; các Ông không được biết : "Chúng tôi có tạo ác nghiệp như thế này, hay như thế kia"; các Ông không được biết : "Khổ mức độ như thế này đã được diệt tận, hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận, hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận"; các Ông không được biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp"; thời thật là không hợp lý khi các Tôn giả Nigantha trả lời : "Phàm cảm giác gì con người lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ; với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".

Này các Tỷ-kheo, khi được nói vậy, các Nigantha ấy nói với Ta :

"- Thưa Hiền giả, Nigantha Nataputta là bậc toàn tri, toàn kiến, tự xưng là có tri kiến toàn diện như sau: "Dầu ta có đi, có đứng, có ngủ và có thức, tri kiến luôn luôn được tồn tại liên tục ở nơi ta". Vị ấy nói như sau : "Này các Nigantha, nếu xưa kia Ông có làm ác nghiệp, hãy làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh thống khổ này. Chính do hộ trì thân, hộ trì lời nói, hộ trì ý". Ở đây, ngay trong hiện tại nên không làm các nghiệp trong tương lai. Với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận. Và vì chúng tôi chấp nhận và chúng tôi kham nhẫn điều ấy, nên chúng tôi được hoan hỷ".

Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói với các vị Nigantha ấy :

"– Chư Hiền Nigantha, có năm pháp này, ngay trong hiện tại có hai quả báo. Thế nào là năm ? Tín, hỹ, tùy văn, thẩm định lý do (akaraparivitakka), kham nhẫn bất thọ (tà) kiến. Này chư Hiền Nigantha, năm pháp này ngay trong hiện tại có hai quả báo. Ở đây, thế nào là lòng tin các Tôn giả Nigantha ấy đối với bậc Đạo sư trong quá khứ ? Thế nào là sự hoan hỷ, thế nào là sự tùy văn, thế nào là thẩm định lý do, thế nào là kham nhẫn chấp thọ (tà) kiến các vị ấy ?"

Này các Tỷ-kheo, nói như vậy, Ta không thấy một câu trả lời hợp pháp nào giữa các vị Nigantha. Và lại nữa này các Tỷ-kheo, Ta nói với các vị Nigantha ấy như sau :

"– Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào ? Khi các Ông tha thiết tinh tấn, tha thiết tinh cần, trong khi ấy có phải các Ông thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ ? Còn trong khi các Ông không tha thiết tinh tấn, không tha thiết tinh cần, trong khi ấy có phải các Ông không thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ ?

"- Thưa Hiền giả Gotama, khi chúng tôi tha thiết tinh tấn, tha thiết tinh cần, trong khi ấy chúng tôi thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Còn trong khi chúng tôi không tha thiết tinh tấn, không tha thiết tinh cần, trong khi ấy chúng tôi không thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ.

"- Như vậy, này chư Hiền Nigantha, khi các Ông tha thiết tinh tấn, tha thiết tinh cần, trong khi ấy các Ông thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Còn trong khi ấy các Ông không tha thiết tinh tấn, không tha thiết tinh cần, trong khi các Ông không thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Sự tình là như vậy, thời thật là hợp lý khi các Tôn giả Nigantha trả lời : "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp được đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".

"Này chư Hiền Nigantha, nếu trong khi các Ông tha thiết tinh tấn, tha thiết tinh cần, trong khi ấy các cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ được tồn tại. Còn trong khi các Ông không tha thiết tinh tấn, không tha thiết tinh cần, trong khi ấy các cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ cũng được tồn tại. Sự tình là như vậy, thời thật là hợp lý khi các Tôn giả Nigantha trả lời: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ, với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ... (như trên)... tất cả khổ được diệt tận". Và vì rằng, chư Hiền Nigantha, trong khi ấy các Ông tha thiết tinh tấn, tha thiết tinh cần, trong khi ấy các Ông lãnh thọ những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ thống khổ, còn trong khi các Ông không tha thiết tinh tấn, không tha thiết tinh cần trong khi ấy các Ông không lãnh thọ những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Như vậy, thật chính các Ông trong khi lãnh thọ những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ, tự bị lừa dối bởi vô minh, vô trí, ngu muội, khi các Ông nói : "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp được đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ được đoạn diệt; cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".

Này các Tỷ-kheo, nói như vậy, Ta không thấy một câu trả lời hợp pháp nào giữa các vị Nigantha. Và lại nữa, này các Tỷ-kheo, Ta nói với các vị Nigantha ấy như sau :

"- Chư Hiền Nigantha, các ông nghĩ thế nào ? Có thể được chăng : "Mong rằng nghiệp được thọ quả hiện tại này, do tinh tấn, hay do tinh cần có thể khiến được thọ quả tương lai ?"

"- Thưa không vậy, Hiền giả.

"- Có thể được chăng : "Mong rằng nghiệp được thọ quả tương lai này do tinh tấn hay do tinh cần có thể khiến được thọ quả hiện tại ?"

"- Thưa không vậy, Hiền giả.

"- Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào ? Có thể được chăng : "Mong rằng nghiệp được lãnh lạc thọ này, do tinh tấn hay tinh cần có thể được lãnh khổ thọ ?"

"- Thưa không vậy, Hiền giả.

"- Có thể được chăng : "Mong rằng nghiệp được lãnh khổ thọ này, do tinh tấn hay tinh cần có thể được lãnh lạc thọ ?"

"- Thưa không vậy, Hiền giả.

"- Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào ? Có thể được chăng : "Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ đã được thuần thục này do tinh tấn hay tinh cần, có thể trở thành không thuần thục ?"

"- Thưa không vậy, Hiền giả.

"- Có thể được chăng : "Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ chưa được thuần thục này, do tinh tấn hay tinh cần, có thể trở thành thuần thục ?"

"- Thưa không vậy, Hiền giả.

"- Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào ? Có thể được chăng : "Mong rằng nghiệp đa sở thọ này do tinh tấn hay tinh cần trở thành thiểu sở thọ ?"

"- Thưa không vậy, Hiền giả.

"- Có thể nói được chăng : "Mong rằng nghiệp thiểu sở thọ này do tinh tấn hay do tinh cần trở thành đã sở thọ ?"

"- Thưa không vậy, Hiền giả.

"- Chư Hiền Nigantha, các Ông nghĩ thế nào ? Có thể được chăng : "Mong rằng nghiệp có sở thọ này do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp không có sở thọ ?"

"- Thưa không vậy, Hiền giả.

"- Có thể được chăng : "Mong rằng nghiệp không có sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp có sở thọ ?"

"- Thưa không vậy, Hiền giả.

"- Như vậy, này chư Hiền Nigantha, không thể được : "Mong rằng nghiệp được thọ quả hiện tại này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp được thọ quả tương lai". Không thể được : "Mong rằng nghiệp được thọ quả tương lai này, do tinh tấn hay do tinh cần, trở thành nghiệp được thọ quả hiện tại". Không thể được : "Mong rằng nghiệp được lãnh lạc thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp được lãnh khổ thọ". Không thể được : "Mong rằng nghiệp được lãnh khổ thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp được lãnh lạc thọ". Không thể được : "Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ đã được thành thục này, do tinh tấn hay tinh cần có thể trở thành không thành thục". Không thể được : "Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ không thành thục này, do tinh tấn hay tinh cần có trở thành thành thục". Không thể được : "Mong rằng nghiệp đa sở thọ này do tinh tấn hay tinh cần, trở thành thiểu sở thọ". Không thể được : "Mong rằng nghiệp thiểu sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành đa sở thọ". Không thể được : "Mong rằng nghiệp không có sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành có sở thọ". Không thể được : "Mong rằng nghiệp có sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành không có sở thọ". Sự tình là như vậy, thời sự tinh tấn của các Tôn giả Nigantha là không có kết quả, sự tinh cần của chúng ta là không có kết quả".

Này các Tỷ-kheo, các Nigantha nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, mười thuyết tùy thuyết (Tùy thuận thuyết Vadanuvada) hợp pháp do các Nigantha đã nói như vậy đưa đến sự chỉ trích.

Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân các việc làm quá khứ, lãnh thọ lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigantha thật sự đã làm những ác hạnh trong thời quá khứ, nên nay họ phải lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân một vị Tạo hóa tạo ra lãnh thọ những cảm giác lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigantha thật sự được tạo ra bởi một vị Tạo hóa ác độc, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện (sangatibhava), thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigantha thật sự bị ác kết hợp, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy. Này các Tỷ-kheo, nếu các loài hữu tình do nhân sanh loại (ahbijati) lãnh thọ những cảm giác khổ thọ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigantha thật sự bị ác sinh loại, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân tinh tấn hiện tại, thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigantha thật sự đã tạo ác tinh tấn hiện tại, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân việc làm quá khứ thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân việc làm quá khứ thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân kết hợp các điều kiện thọ lãnh lạc khổ các Nigantha đáng bị chỉ trích. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân sanh loại thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân sanh loại thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích . Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân tinh cần hiện tại thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân tinh cần hiện tại thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Này các Tỷ-kheo, các Nigantha nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, mười thuyết tùy thuyết hợp pháp các Nigantha đã nói như vậy đưa đến sự chỉ trích. Như vậy, này các Tỷ-kheo, sự tinh tấn của các Nigantha là không có kết quả, sự tinh cần của họ là không có kết quả.

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự tinh tấn có kết quả ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo không để cho tự ngã chưa bị nhiếp phục, bị đau khổ nhiếp phục và không từ bỏ lạc thọ hợp pháp, và không để lạc thọ ấy bị chi phối. Vị ấy biết như sau: "Trong khi ta tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ này, do chống lại nguyên nhân đau khổ, ta không có tham dục. Nhưng trong khi ta xả đối với nguyên nhân đau khổ này, trong khi tu tập xả, ta không có tham dục". Khi (vị Tỷ-kheo) tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, do tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, vị ấy không có tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy tinh cần chống lại (nguyên nhân đau khổ). Nhưng trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ, trong khi tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy tu tập xả. Trong khi vị ấy tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ ấy, do tinh cần chống lại nguyên nhân, vị ấy không có tham dục. Như vậy sự đau khổ ấy đối với vị ấy được diệt tận. Trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ ấy, trong khi tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Như vậy sự đau khổ ấy đối với vị ấy được diệt tân.

Này các Tỷ-kheo, ví như một người luyến ái một nữ nhân, tâm tư say đắm, nhiệt tình ái mộ, nhiệt tình luyến mộ. Người ấy thấy nữ nhân này đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào ? Người ấy, khi thấy nữ nhân này đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, có sanh sầu, bi, khổ, ưu, não không ?

– Thưa có vậy, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy ? Vì rằng người ấy luyến ái nữ nhân kia, tâm tư say đắm, nhiệt tình ái mộ, nhiệt tình luyến mộ. Do vậy, người ấy khi thấy nữ nhân kia đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, nên sanh sầu, bi, khổ, ưu, não.

– Nhưng này các Tỷ-kheo, người ấy có thể suy nghĩ như sau : "Ta luyến ái nữ nhân này, tâm tư say đắm, nhiệt tình ái mộ, nhiệt tình luyến mộ. Khi ta thấy nữ nhân này đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện đùa giỡn và cười cợt, ta sanh sầu, bi, khổ, ưu, não. Vậy ta hãy bỏ lòng tham luyến đối với nữ nhân này". Rồi người ấy bỏ lòng tham luyến đối với nữ nhân kia. Sau một thời gian, người ấy thấy nữ nhân kia đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào ? Người ấy khi thấy nữ nhân kia đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, có sanh sầu, bi, khổ, ưu não, không ?

Bạch Thế Tôn không. Vì sao vậy ? Bạch Thế Tôn vì rằng, người này đối với nữ nhân kia không còn tham luyến. Do vậy, khi thấy nữ nhân kia đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, người ấy không sanh sầu bi, khổ, ưu, não.

– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, (một người) không để cho tự ngã chưa bị nhiếp phục, bị đau khổ nhiếp phục và không từ bỏ lạc thọ hợp pháp, và không để lạc thọ ấy bị chi phối. Vị ấy biết như sau : "Trong khi ta tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ này, do chống lại nguyên nhân đau khổ, ta không có tham dục. Nhưng trong khi ta xả đối với nguyên nhân đau khổ này, trong khi tu tập xả, ta không có tham dục". Khi (vị ấy) tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, do tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, vị ấy không có tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy tinh cần chống lại (nguyên nhân đau khổ). Nhưng trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ, trong khi tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy tu tập xả. Trong khi vị ấy tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ ấy, do tinh cần chống lại nguyên nhân, vị ấy không có tham dục. Như vậy, sự đau khổ đối với vị ấy được diệt tận. Trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ ấy, trong khi tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Như vậy, sự đau khổ đối với vị ấy được diệt tận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, sự tinh cần có kết quả.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo lại suy nghĩ như sau : "Khi ta trú vào lạc, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp giảm thiểu. Nhưng khi ta tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã, các bất thiện pháp giảm thiểu, các thiện pháp tăng trưởng. Vậy ta hãy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã". Vị ấy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Do tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã, các bất thiện pháp giảm thiểu, các thiện pháp tăng trưởng. Vị ấy sau một thời gian, không tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Vì sao vậy ? Vì mục đích vị Tỷ-kheo ấy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã đã thành tựu. Do vậy, sau một thời gian vị ấy không tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người làm tên, hơ nóng và đốt nóng thân tên giữa hai ngọn lửa, khiến thân tên được thẳng và dễ uốn nắn. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi thân tên của người làm tên, đã được hơ nóng và đốt nóng giữa hai ngọn lửa trở thành thẳng và dễ uốn nắn, người ấy sau một thời gian không còn hơ nóng và đốt nóng thân tên giữa hai ngọn lửa, khiến thân tên được thẳng và dễ uốn nắn. Vì sao vậy ? Vì mục đích người làm tên ấy hơ nóng và đốt nóng thân tên giữa hai ngọn lửa, khiến thân tên được thẳng và dễ uốn nắn đã được thành tựu. Do vậy, sau một thời gian, người ấy không còn hơ nóng, đốt nóng thân tên giữa hai ngọn lửa để trở thành thẳng và dễ uốn nắn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy suy nghĩ như sau : "Khi ta trú vào lạc, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp giảm thiểu. Nhưng khi ta tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã", các bất thiện pháp giảm thiểu, các thiện pháp tăng trưởng. Vậy ta hãy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã". Vị ấy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Do tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã, các bất thiện pháp giảm thiểu, các thiện pháp tăng trưởng. Vị ấy sau một thời gian, không tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Vì sao vậy ? Vì mục đích vị Tỷ-kheo ấy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã đã thành tựu. Do vậy, sau một thời gian, vị ấy không tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Như vậy, này các Tỷ-kheo là sự tinh cần có kết quả.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây, Như Lai sanh ra ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải.. (xem tập I, Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi trang 398 đến trang 403... ) gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

Vị ấy, từ bỏ năm triền cái làm cho tâm ô uế, làm cho trí tuệ muội lược này, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Và lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhứt tâm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Và lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Và lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh như vậy... (xem tập I, trang 404 đến 405).... như vậy vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh như vậy... (xem tập I, trang 405 đến trang 406)... đều do hạnh nghiệp của họ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh... (xem tập I, Đại Kinh Xóm Ngựa trang 609 đến trang 610)... sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa. Như vậy, này các Tỷ-kheo là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, mười thuyết tùy thuyết hợp pháp của Như Lai đã nói như vậy đưa đến sự tán thán. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân các việc đã làm trong quá khứ thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, Như Lai thật sự đã làm những thiện hạnh trong thời quá khứ nên nay mới thọ lãnh vô lậu lạc thọ như vậy. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân một vị Tạo hóa tạo ra, thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, Như Lai thật sự được tạo ra bởi một vị Tạo hóa hiền thiện, nên nay mới thọ lãnh vô lậu lạc thọ như vậy. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện, thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, Như Lai thật sự được thiện kết hợp, nên nay mới thọ lãnh vô lậu lạc thọ như vậy. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân sanh loại, thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo Như Lai thật sự được thiện sanh loại, nên nay thọ lãnh vô lậu lạc thọ như vậy. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân tinh tấn hiện tại thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, Như Lai thật sư đã tạo thiện tinh tấn hiện tại, vì rằng nay thọ lãnh vô lậu lạc thọ như vậy. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân hành động quá khứ thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Nếu các hữu tình không do nhân hành động quá khứ thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra, thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Nếu các hữu tình không do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra, thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Nếu các hữu tình không do nhân các điều kiện kết hợp thọ lãnh lạc thọ khổ thọ, Như Lai đáng được tán thán. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân sanh loại thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Nếu các hữu tình, không do nhân sanh loại thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân tinh cần hiện tại thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, mười thuyết tùy thuyết hợp pháp này Như Lai đã nói như vậy đưa đến sự tán thán.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy, các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

| Mục Lục ||Chương kế |

--- o0o ---

| Thư Mục Tác Giả |


Tổ chức đánh máy: Hứa Dân Cường
Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử bộ Kinh này.

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

người phật tử với tâm nguyện hoằng nỗi nhớ ngày đông vÃÆ Chùa Thái Sơn cuộc cách mạng từ bi hoc phat thấy duc Д ГІ bun hoà Lá thư Xuân Bệnh bến quê nhà Šnước có ý nghĩa gì giới thiệu tượng phật giúp hạn chế Từ miền Trung tôi viết doan vat Lở Từ miền Trung tôi viết Nghệ lien mưa Nửa dối Khoa là m ý niệm về hạnh phúc truyền vu lan nghĩ về mẹ 5 tan o thai lan lặng Lễ VÃÆ Cắt tỉa cho đĩa trái cây thêm sành giải cong nang Sô cô la đen tốt cho trí nhớ và them lược ý trà và thiền trong tinh cha me dung lo chung con se thi tot ma sắp chết bテケi de hang phÃÆt Gin nguyện khi phật tử là doanh nhân 20