Phật Việt Nam, Dân tộc Việt Nam

Giác Dũng

---o0o---

Chương I

Con Đường Hội Nhập của Phật Giáo
 

 “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.” (Kinh Đại Bổn, Trường Bộ Tập 1, Đại tạng kinh Việt Nam,,[1]  Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.502).
 

 Sau khi thành đạo, đức Phật Thích Ca du hóa khắp ấn Độ thời đó[2] để chỉ dạy cho chúng sinh con đường đi ra khỏi đau khổ, đạt được Niết bàn an lạc. Ngài dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”[3]. Mục đích của ngài là chỉ dạy một con đường đi ra khỏi khổ đau, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh, cho tất cả các loài hữu tình. Ngài không kêu gọi thiết lập một tôn giáo, một đoàn thể. Ngài không nhân danh đấng quyền năng kêu gọi mọi người phải phục vụ cho chính cá nhân ngài hay đoàn thể của ngài. Không đội lốt những mỹ hiệu như đạo đức, văn minh, công bằng. Chính những mỹ hiệu đó đã tạo ra biết bao cảnh thịt nát xương tan trong lịch sử của nhân loại. Hai bên dòng sông xanh của nhân loại, người ta xây dựng rất nhiều lâu đài nguy nga tráng lệ để tô thêm vẻ đẹp thần tiên thì cũng từ những lâu đài đó người ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần dòng sông ấy đỏ ngầu, tanh tao vì xác người, vì máu, xương của đồng loại. Đến nỗi Socrate phải lên tiếng:“Công bằng là gì ? Anh hiểu gì về hai chữ ấy? Tại sao anh dám đem hai chữ ấy để giải quyết vấn đề sống chết của đồng loại?”[4].

Như một dòng sông, Phật giáo đem phù sa, chất liệu sống đến cho bao vùng đất mới. Dòng sông ấy không vì thế mà tự nhận những vùng đất ấy thuộc về mình. Ngược lại, nó luôn hòa nhập và mang tên của những vùng đất mới. Phật giáo mang đến cho những vùng đất mới đó sự tươi mát của hương vị giải thoát và an lạc, chất liệu cần thiết cho cuộc đời này hôm nay cũng như mai sau. Do đó, hơn hai ngàn năm trăm năm tồn tại và phát triển, Phật giáo chưa bao giờ gây nên cái gọi là thánh chiến hay chiến tranh tôn giáo. Chiến tranh không tồn tại trong tâm tưởng những người con Phật. Nếu có thì đó là cuộc chiến của nội tâm, là sự đấu tranh một mất một còn giữa điều thiện và bất thiện trong nội tâm của từng người con Phật. Người Phật tử luôn nguyện đem xương máu của mình để xây dựng hạnh phúc cho nhân loại chứ không cam tâm lấy xương máu, sự hy sinh của nhân loại để xây dựng hạnh phúc cho chính mình, cho tự ngã hay cho tôn giáo của mình.

Nếu như trung và thứ là sợi chỉ màu xuyên suốt tư tưởng triết học của Khổng Phu Tử[5] thì hạnh phúc và an lạc là cốt lõi, là hằng số bất biến của đạo đức Phật giáo. Những người đệ tử của đức Phật lên đường truyền giáo chỉ có một tâm niệm duy nhất là đem lại hạnh phúc, an lạc cho muôn loài, không một mục đích nào khác. Không nhân danh đức Phật để mở rộng biên cương của ngài, cũng không nhân danh đức Phật để đi “khai hóa” cho những kẻ man di. Không. Dưới tuệ giác của đức Phật, không có cái gọi là văn minh và cũng không có cái gọi là mọi rợ; chỉ có vấn đề đã hay chưa nhận ra chân lý. Tất cả đều có Phật tính, đều bình đẳng như nhau, đều có khả năng thể nhập chân lý như nhau. Vấn đề là thời gian và cần có người hướng dẫn: Đạo sư.
Vì mục đích đem lại hạnh phúc, an lạc cho nhân loại, Phật giáo đi vào quốc độ nào, hòa nhập với cộng đồng ở đó, phát triển quê hương, đất nước đó, cho dù về hình thức có ít nhiều thay đổi - sự thay đổi mang tính tuỳ duyên. Nhưng bên cạnh sự tuỳ duyên đó luôn luôn có sự hiện hữu của hằng số bất biến: Hạnh phúc, an lạc của nhân loại.


I. Phật không Nam, Bắc
 

Trong Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng tuyên bố: “Người tuy có Nam Bắc nhưng Phật tính vốn không có Bắc Nam”[6]. Phật tính đã không Nam Bắc thì làm sao có Phật Việt Nam, Phật Trung Quốc? Tại sao ở đây lại nói đến Phật Việt Nam? Thực tế thì Phật Việt Nam có tồn tại, tồn tại trên quê hương Đại Việt. Lại nữa, điều Lục Tổ nói không có Nam Bắc là Phật tính chứ không phải Phật tướng. Nói cách khác, Phật tính thì không có đối đãi, vượt ra ngoài khái niệm tương đối nhưng Phật tướng: Hóa thân Phật thì có muôn hình vạn trạng. Trong các kinh điển Đại thừa như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm v.v...diễn tả: Khi đức Phật thuyết pháp thì ngài phóng hào quang và hóa hiện vô số hóa Phật. Trên tinh thần đó, Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có nói: Bồ Tát Quán Thế Âm có thể hóa hiện nhiều ứng hoá thân trên từ Phật, Bồ tát, dưới cho đến hạng cùng đinh trong xã hội, tuỳ cơ ứng hiện để hóa độ chúng sinh.

Trong buổi hồng hoang của lịch sử nhân loại nói chung, lịch sử dân tộc ta nói riêng, khi sự giao thông chưa thuận tiện, khi con người chưa có điều kiện giao tiếp, hiểu biết lẫn nhau thì hình thức tín ngưỡng của mỗi dân tộc, mỗi địa phương được tôn trọng tuyệt đối và thường mang đến tính chất bài tha. Thí dụ, tại Nhật Bản, vào năm 552, khi triều đình Bách Tế (Triều Tiên cổ đại) gửi tặng Thiên hoàng Khâm Minh của Nhật Bản một tượng Phật Thích Ca bằng đồng thì Vật Bộ Vĩ Liên lên tiếng phản đối, cho rằng làm như thế là đi ngược lại tín ngưỡng Thần kỳ cố hữu và truyền thống xưa nay của Nhật Bản. Cuối cùng dẫn đến chiến tranh giữa hai phái: ủng hộ và bài bác Phật giáo[7]. Dân tộc nào cũng có tôn giáo, thần linh riêng của mình. Một tôn giáo mới từ bên ngoài muốn du nhập vào phải làm sao hoà hợp với tôn giáo, Thần linh bản địa. Nếu không như thế thì không thể nào được chấp nhận.

Lại nữa, Phật thân thanh tịnh, tướng hảo quang minh, giáo pháp ngài chứng ngộ thì thậm thâm, vi diệu. Chúng sinh đang đau khổ trên trần thế làm sao có thể nghe được giáo pháp và đi theo con đường giác ngộ nhiệm mầu của ngài, làm sao có thể thân cận và chiêm ngưỡng hảo tướng của ngài ? Chính ngài đã cảm nhận điều đó[8]. Cho nên, để có thể lãnh hội được giáo pháp của ngài, người dân bản địa, cụ thể là dân tộc Việt Nam thời ấy, phải làm sao để ngài không quá xa mà phải thật gần với người dân trong một xã hội nông nghiệp, suốt đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Phật phải được Việt Nam hoá như thế ngài mới có thể hiểu được tâm tư, tình cảm, và hơn hết là thấu hiểu nỗi khổ của dân tộc Việt Nam. Có thấu hiểu mới đi đến cứu khổ được.

Chính trên tinh thần đó mà Phật Pháp Vân, Phật Bà Chùa Hương: Những vị Phật nữ tính Việt Nam đã ra đời. Dân tộc Việt Nam cần những vị Phật có hình tướng, tâm tư, tình cảm,... thật Việt Nam. Như thế các ngài mới có thể đi vào lòng người dân và tồn tại mãi trong họ. Các Ngài không ai khác, là hình ảnh của dân tộc được Thánh hoá. Và như thế, không một thế lực nào có thể lợi dụng sự linh thiêng, quyền uy của các ngài để gây khổ đau cho dân tộc.

Vấn đề hình thành một vị Phật hay biên tập lại những lời dạy của đức Phật theo truyền thống văn hóa của từng dân tộc, quá trình bản địa hóa Phật giáo đều xảy ra ở những nơi Phật giáo được truyền đến tuy đây đó, hình thức có ít nhiều khác nhau. Chúng ta hãy tìm hiểu tình hình biên tập kinh điển Phật giáo ở Trung Quốc mà các nhà Phật học thời ấy gọi là Ngụy kinh và tìm hiểu sự kết hợp giữa Thần và Phật mà Nhật Bản gọi là Bản địa thùy tích.
 

II. Ngụy kinh

Ngụy kinh là từ ngữ được ngài Đạo An (312 - 385) đầu tiên sử dụng ở Trung Quốc. Theo ngài, Ngụy kinh là những kinh điển không phải do đức Phật nói, không có nguồn gốc tiếng Phạn, không được biên tập ở đất Phật mà được biên tập tại Trung Quốc. Theo Đạo An Lục (Thống Lý Chúng Kinh Mục Lục) do chính ngài biên soạn thì trong thời ngài, có 26 bộ, 39 quyển Ngụy kinh. Nhưng đến thời đại Nam Bắc triều (420 - 589), số lượng tăng lên 46 bộ, 56 quyển. Đến đời Tuỳ (581 - 617) tăng lên 209 bộ, 490 quyển. Đến đời Đường (618 - 907) tăng lên 406 bộ, 1074 quyển[9].

Số Ngụy kinh gia tăng không phải theo cấp số cộng mà theo cấp số nhân nói lên điều gì? Tuy bị các nhà Phật học có uy tín đương thời không chấp nhận, không biên tập vào Mục lục, Đại Tạng Kinh nhưng con số Ngụy kinh vẫn gia tăng theo nhu cầu của quảng đại quần chúng, của những người chưa từng quen với ngôn ngữ, văn hóa, những vị Thần linh du nhập từ nước ngoài vào. Cho nên, kinh Phật đã được biên tập lại để sao cho Phật tử dễ hiểu, dễ gần và dễ hội nhập, quan trọng hơn là để gởi gắm tâm tư, tình cảm, văn hóa dân tộc của họ vào trong đó. Lục Độ Tập Kinh được biên tập ở Việt Nam cũng không ngoài mục đích đó[10].

Từ cái nhìn của những nhà Phật học uy tín thời đó như ngài Đạo An thì Ngụy kinh không phải lời dạy chính thống của đức Phật, phi Phật giáo, phi truyền thống. Sự biên tập và lưu hành những kinh điển như thế có nguy cơ làm biến đổi giáo lý chính thống của đức Phật. Nhưng từ phía quần chúng, sự cải biên kinh điển Phật giáo như thế là điều cần thiết. Nó làm cho quần chúng dễ dàng thông hiểu lời dạy của đức Phật. Nó nói lên tính quy luật và minh chứng rằng đạo Phật là đạo “sống”, đang thở hơi thở của con người hiện tại. Có thở hơi thở của nhân thế thì mới cảm nhận được khổ đau của thế nhân. Có cảm nhận được đau khổ thì mới có thể đề ra một con đường cụ thể giúp thế nhân đi ra khỏi khổ đau đó được. Như thế mới gọi là Phật giáo.

Phật giáo là gì? Là những lời dạy giác ngộ của đức Phật về cuộc đời luôn thay đổi, luôn biến chuyển trong từng đơn vị thời gian nhỏ nhất. ý thức được sự thay đổi đó không phải bi quan, chán nản mà để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của con người, thăng hoa cuộc sống. Đó là đạo “sống”. Rất đơn giản nhưng rất hiện thực. Đạo Phật không phải là những cổ vật vô giá nằm im bất động trong viện bảo tàng chỉ đem lại cho người xem sự trầm trồ khen ngợi nhưng lại “kính nhi viễn chi”!

Ngày lên đường thuyết pháp, đức Phật không có ý định thành lập giáo đoàn, không có ý định xây dựng một đoàn thể mang tính pháp chế trong lòng một xã hội. Nếu có ý định thì ngài cũng không có thời gian. Vì tất cả thời gian ngắn ngủi trong 49 năm, ngài không ngừng du hoá khắp miền Bắc ấn để gieo hạt giống từ bi và trí tuệ trên mảnh đất tâm linh mầu nhiệm của nhân quần. Nhưng theo thời gian, giáo đoàn ấy được thành lập, phát triển. Từ đó, việc xây dựng hệ thống pháp chế, xây dựng mối liên kết với xã hội được hình thành. Và rồi, chương trình hành động cụ thể được hoạch định trong từng quốc độ, từng thời gian khác nhau bởi những người đệ tử của ngài.

Chính lý do đó Phật giáo Đại thừa ra đời. Phật giáo Đại thừa ra đời để xác định lại chân tinh thần, xác định lại những lời dạy vàng ngọc của ngài đã bị quá trình phát triển của các bộ phái nhất là các bộ phái nghiêng nặng về luận tạng hiểu sai đi. Hơn nữa, Phật giáo Đại thừa ra đời nhấn mạnh đến sự dấn thân quên mình của những người đệ tử Phật trên con đường đem lại hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh, hình ảnh năng động, tích cực của chư vị Bồ tát lý tưởng. Từ đó, kinh điển Đại thừa Phật giáo ra đời, khoảng 500 năm sau khi đức Phật nhập Niết bàn.

Ngày nay, vẫn còn một số người cho rằng kinh điển Đại thừa không phải do chính đức Phật thuyết giảng nên ra sức bài báng. Họ quên rằng đức Phật đã từng dạy: Cái học của người trí là y vào ý nghĩa chứ không phải y vào văn tự. Kinh điển Đại thừa là sự diễn đạt những lời dạy của đức Phật bằng một ngôn ngữ phù hợp với yêu cầu của thời đại. Nội dung không có gì chống trái với lời dạy của đức Phật cả. Vào giai đoạn đó, nhân loại cần một ngôn ngữ hình tượng như Thánh Gióng của Việt Nam, nói rằng cậu bé mới lên ba khi nghe tin giặc ngoại xâm đến thì lớn hẳn lên, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt đi dẹp giặc. Đó là ngôn ngữ hình tượng. Ngôn ngữ đó cần phải được giải mã để hiểu rõ ý nghĩa nằm sau văn tự chứ không phải nằm trên mặt văn tự.

Do cứ tin tưởng tuyệt đối rằng kinh phải là những lời được chính từ kim khẩu của đức Phật tuyên thuyết nên ngày nay vẫn còn biết bao ngộ nhận về kinh điển Đại thừa. Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có một nhận định khá chính xác về kinh điển Phật giáo như sau: “Kinh là những lời do đức Phật hoặc đệ tử của ngài nói ra, hợp với chân lý.”[11]. Đây là một nhận định khá chính xác và khoa học về kinh điển Phật giáo. Theo nhận định này thì những lời dạy của đức Phật hay đệ tử của ngài, được nói ra ngay trong thời đại của ngài hay cách xa ngài hàng ngàn vạn năm nhưng nếu hợp với chân lý: Chỉ ra sự khổ của cuộc đời và con đường đi ra khỏi khổ đau đó, đều được gọi là kinh. Mãi đến thứ kỷ thứ VIII, Trung Quốc mới chấp nhận định nghĩa này và công nhận những lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng (638 - 713) là kinh với tựa đề Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh[12].
 

III. Bản địa thùy tích

Bản địa thùy tích là quá trình bản địa hóa Phật giáo ở Nhật Bản, là sự tập hợp giữa Thần và Phật, có nghĩa: Các vị Thần của Nhật Bản chính là hóa thân (thùy tích) của chư Phật (bản địa). Nhật Bản là dân tộc có niềm tin rất lớn vào Thần linh. Thần đạo là tôn giáo truyền thống của dân tộc Nhật Bản. Khi vừa mới chào đời, các em bé được đưa đến Thần xã (đền thờ Thần) để làm lễ tạ ơn và cầu bình an. Vào đêm giao thừa (Tết Tây)[13], dân chúng đi lễ ở những ngôi Thần xã. Thần đạo là tôn giáo cố hữu của Nhật Bản nên khi Phật giáo mới du nhập vào đã gặp sự chống đối quyết liệt từ phái bảo vệ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc[14]
Trong hình thức tín ngưỡng của tôn giáo, Thần linh được tin tưởng là đấng siêu nhiên, vượt ngoài sự hiểu biết và tư duy của con người. Con người đến với Thần linh bằng sự quy ngưỡng chứ không phải bằng sự tìm hiểu, tư biện. Thần linh cũng như thế giới đều bao la, vĩ đại và vượt ngoài khả năng hiểu biết của con người.
Khi mới du nhập vào Nhật Bản, Phật giáo vẫn thuyết giảng: Thần vẫn còn bị sinh tử luân hồi, phải quy y Tam bảo mới có thể vượt ra khỏi bể khổ sinh tử. Đây là quan điểm được coi là chính thống, được ghi lại trong kinh điển Phật giáo. Do quan niệm như vậy mà Phật giáo không được quần chúng chấp nhận và phát triển rộng rãi trong thời gian đầu. Bởi sự giải thích như thế xúc phạm đến niềm tin cố hữu của họ. Trong lúc con người còn lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên thì các hiện tượng thiên nhiên xung quanh họ đều trở nên linh thiêng, đầy quyền năng. Điều mà họ cần là một vị Thần linh đầy quyền năng, giúp họ tránh được thiên tai, dịch bệnh, bình an trong cuộc sống.

Do đó, một vị Phật được định nghĩa như là giác ngộ chân lý của vũ trụ quá xa vời đối với họ. Vấn đề bây giờ không phải là giải thích mà làm sao cho họ nhận thấy có một vị Thần linh được gọi là Phật hiện hữu trong cuộc đời này. Vị ấy chính là Thần linh đầy quyền năng như chư vị Thần linh họ đang tôn thờ. Đó là vấn đề lộng giả thành chân, mượn cảnh giả để nói lên điều thật. Khi vị Phật đã tồn tại trong tâm thức họ rồi thì sau đó mới có thể giải thích đức Phật là gì và ý nghĩa đích thực của ngài. Đó là điều mà đức Phật đã giảng dạy cho chúng đệ tử trong suốt 49 năm hóa đạo không mệt mỏi của ngài. Trong Kinh Pháp Hoa, Ngài dạy: “Xá Lợi Phất ! Đức Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sinh nói pháp, không có các thừa hoặc hai hoặc ba khác.”[15].

Đến cuối thế kỷ thứ VII, cùng với việc xây dựng nhà nước phong kiến lấy Thiên hoàng làm trung tâm, Thiên Chiếu đại Thần được coi là Thị thần của Thiên hoàng, là vị Thần cao nhất. Còn những vị Thần được xem là có công trong việc kiến tạo đất nước thì được tôn vinh là Thần của dân tộc. Phật giáo cũng bày tỏ sự tôn kính đối với những vị Thần này và đưa ra giải thích mới: Những vị Thần này đều thấm nhuần giáo pháp của đức Phật và là Thiện thần bảo hộ Phật pháp. Từ cuối thời đại Nại Lương (710 - 794) cho tới thời đại Bình An (794 - 1192), các vị Thần được gọi là Bồ Tát. Thí dụ: Bát Phan Thần là vị Thần tiêu biểu trong số những vị Thần của Nhật Bản được gọi là Bát Phan Bồ Tát. Dần dần, các vị Thần được nâng lên ngang hàng với đức Phật và thuyết Bản địa thuỳ tích ra đời. Bản địa thùy tích có nghĩa: Các vị Thần Nhật Bản chính là hoá thân (thùy tích) của chư Phật (bản địa). Đến đây, rõ ràng Thần và Phật được xem là đồng thể.

Thuyết Bản địa thuỳ tích hay hiện tượng bản địa hóa Phật điện đã được chính đức Phật thực hiện và được ghi lại trong kinh điển Nguyên thuỷ Phật giáo. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật nói rằng khi đến với tám bộ chúng: Sát đế lỵ, Bà la môn, cư sĩ, Sa môn, bốn Thiên vương, Tam thập tam Thiên, chúng Ma và Phạm thiên, đức Phật đến bằng dung sắc, với ngôn ngữ của các chúng ấy. Kinh ghi: “Này Ananda, Ta nhớ lại ta đã đến chúng Sát đế lỵ hơn một trăm lần. Tại đây trước khi Ta ngồi, trước khi Ta nói chuyện, và trước khi cuộc đối thoại bắt đầu, dung sắc của chúng Sát đế lỵ thế nào, dung sắc của Ta cũng như vậy; giọng nói chúng như thế nào, giọng nói của Ta cũng như vậy. Và với bài pháp thoại, Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ.”[16]. Phải đến bằng hình tướng và ngôn ngữ của thính chúng, của người được hóa độ thì mới có thể hóa độ được họ. Đó chính là tinh thần Đồng sự trong Tứ nhiếp pháp, là điều không thể thiếu trong việc hoằng pháp lợi sinh. Có lẽ đây là cơ sở cho việc hình thành tư tưởng ứng hóa thân của chư Phật và Bồ tát như ngài Quán Âm v.v... trong Phật giáo Đại thừa sau này.

Thuyết Bản địa thuỳ tích hay còn gọi là Thần Phật tập hợp đã bản địa hóa Phật giáo và tạo cơ sở cho Phật giáo phát triển mau chóng trong quảng đại quần chúng ở Nhật Bản. Do sự tập hợp này mà chùa và Thần xã được xây dựng trong cùng một khuôn viên và kinh Phật được tụng trước chư vị Thần linh cố hữu của Nhật Bản. Sự tập hợp này tồn tại cho đến thế kỷ XIX, cụ thể là năm 1868[17] khi Minh Trị Thiên Hoàng ban hành sắc lệnh Thần Phật phân ly.

Sắc lệnh Thần Phật phân ly không chỉ tách Phật giáo ra khỏi sinh hoạt tín ngưỡng của Thần đạo mà còn tách Phật giáo ra khỏi hoạt động chính trị, đưa Thần đạo lên làm quốc giáo, hình thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tạo tiền đề cho các cuộc chiến tranh “Vì dân tộc” sau này. Sắc lệnh Thần Phật phân ly quy định rõ sinh hoạt tín ngưỡng của Phật giáo phải được tổ chức trong tự viện còn của Thần đạo thì trong Thần xã. Sắc lệnh này không làm giảm sự tôn kính của dân chúng đối với Thần linh của Nhật Bản. Trong tâm khảm của dân chúng, Thần và Phật đều linh thiêng như nhau nên khi một thần dân của Nhật Bản chào đời thì được đưa đến làm lễ ở Thần xã. Khi thần dân ấy trở về cát bụi thì nhờ đến nghi lễ kỳ siêu của Phật giáo.

Trên đây đã trình bày hai quá trình bản địa hóa Phật giáo, hai quá trình Phật giáo hội nhập vào hai xã hội khác nhau. Ngay cả ý niệm về Phật, về những lời dạy của ngài cũng được cải biên một cách có ý thức để làm sao phù hợp với tâm tư, tình cảm và nhất là truyền thống của người dân bản địa. Như thế Phật giáo mới có thể tồn tại và phát triển. Cho nên việc Việt Nam hóa Phật tướng diễn ra ở nước ta cũng không nằm ngoài tinh thần đó. Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về các vị Phật Việt Nam ở chương sau. 

 


[1] Từ đây viết tắt là ĐTKVN.


[2] Ấn Độ thời đức Phật bao gồm lãnh thổ ấn Độ ngày nay cộng với lãnh thổ của Pakistan, Nepal và Bangladesh.

 

[3] Kinh Đại Bổn, Kinh Trường Bộ tập 1, ĐTKVN, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam 1991, tr.502.
Sau khi thành đạo, đức Phật độ năm Sa môn của ông Kiều Trần Như, ngài Da sá và 54 người bạn của ngài Da Sá. Kể cả đức Phật, lúc bấy giờ trên thế gian này có 61 vị A la hán. Khi ấy, đức Phật dạy các vị Tỳ Kheo hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, an lạc của chúng sinh. Ngài dạy: “Caratha bhikkhave cqrika/ bahujanahitqya bahujanasukhqya lokqnukampqya atthqya hitqya sukhqya devamanussqna/” (Này các Tỳ Kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc của loài người, vì lòng thương tưởng thế gian này. Nói tóm lại, hãy vì hạnh phúc, vì an lạc, vì lợi ích cho chư Thiên và loài người.) . Pali Text Society,Vinaya Piwaka/, Vol.I, edited by Hermann Oldenberg, Luzac & Company LTD. London 1969,p.21.1.

 

[4] Will Durant, Câu Chuyện Triết Học, Trí Hải và Bửu Đích dịch, Nha tu thư và sưu khảo Viện Đại học Vạn Hạnh, 1971, tr.16.


[5] “Một hôm đức Khổng Tử gọi Tăng Tử và nói: “Đạo của ta chỉ có một điều xuyên suốt tất cả.” . Tăng Tử đáp: “Dạ vâng.” . Khi đức Khổng Tử ra ngoài, môn đệ bèn hỏi Tăng Tử về ý nghĩa đó. Tăng Tử trả lời: “Đạo của Phu Tử chỉ có trung và thứ mà thôi.” “子曰。参乎。吾道一以貫之。曾子曰。唯。子出。門人問曰。何謂也。曾子曰。夫子之道。忠恕而已矣。” . Tứ Thư, Luận Ngữ thượng, quyển 2, Lý Nhân, Khải Minh đồ thư công ty xuất bản, tr.23.
Tại một nơi khác, Đức Khổng Tử nói: “Trung và thứ rất gần với đạo.” “忠恕違道不遠”. Tứ Thư, Trung Dung, tr.9.
Khi được Định Công hỏi về đạo vua tôi, Đức Khổng Tử trả lời: “Vua lấy lễ sai khiến bề tôi, bề tôi đem lòng trung phụng sự vua.” “定公問君使臣臣事君如之何。孔子對曰。君使臣以禮。臣事君以忠”. Tứ Thư, Luận Ngữ quyển nhị, tr.17.
Cho nên, Tăng Tử, cao đệ của của Khổng Tử mỗi ngày 3 lần tự kiểm điểm xem có làm điều gì bất trung với người hay không. “曾子曰。吾日三省吾身。為人謀而不忠乎”. Tứ Thư, Luận Ngữ quyển nhất, Học Nhi, tr.2.
Khi Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử rằng Thầy có lời dạy nào cho con thực hành theo suốt đời không thì Đức Khổng Tử trả lời: “Đó là thứ. Có nghĩa là điều gì mình không muốn thì không nên gây ra cho người khác.” (子貢問曰。有一言而可以終身行之乎。子曰。其恕乎。己所不欲勿施於人). Thứ ở đây không chỉ có nghĩa là tha thứ cho lỗi lầm của người khác, chỉ mang ý nghĩa đạo đức mà nó còn mang ý nghĩa của đạo lý làm người: Điều gì mình không thích thì không gây ra cho người khác. Tứ Thư, Luận Ngữ, quyển hạ, Vệ Linh, tr.109.


[6]Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh (từ đây viết tắt là ĐTK) 2008, tập 48, tr.348a18.
 

[7]  Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, Nhà xuất bản Tôn giáo 2002, tr.43.
 

[8] Sau khi giác ngộ, đức Phật tự thấy rằng giáo pháp mà ngài chứng ngộ thì thậm thâm vi diệu, chúng sinh mãi đam mê trong ngũ dục khó mà lãnh hội được nên ngài định nhập Niết bàn, không thuyết pháp. Sau nhờ Phạm thiên thỉnh cầu ba lần ngài mới lên đường thuyết pháp độ sinh. Tứ Phần Luật, ĐTK 1428, tập 22, tr.786b28.
 

[9]  岩波、仏教辞典. 1995, tr.157.
 

[10]  Xin xem Lê Mạnh Thát, Lục Độ Tập Kinh và Lịch Sử Khởi Nguyên Dân Tộc Ta, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1972; Lê Mạnh Thát, Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2001; Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 1, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1999.
 

[11]  “経者是佛所説或弟子説與理相應”. Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bí Sô Ni Tì Nại Da quyển đệ thất, ĐTK 1443, tập 23, tr.943a4.
 

[12]  Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh, ĐTK 2008, tập 48.
Về lịch sử hình thành và tác giả của Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh, xin xem 柳田聖山、初期禅宗史書の研究. 法蔵館、昭和42年。
 

[13] Nhật Bản cũng như Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa nên ngày xưa cũng sử dụng lịch Ta, ăn Tết theo Âm lịch nhưng năm 1872, trong khẩu hiệu “Thoát á nhập Âu ”, Minh Trị Thiên Hoàng huỷ bỏ lịch Ta, sử dụng lịch Tây. Do đó, Tết ăn theo Tết Tây. Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2002, tr.28.
 

[14] Giác Dũng, Sách đã dẫn, tr.43.
 

[15] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, H.T. Thích Trí Tịnh dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2001, tr.64. Do lúc đầu chúng sinh không thể nào hiểu được chân lý cao siêu đức Phật đã ngộ nhập, không thể hiểu và tin rằng mình có khả năng giác ngộ, trở thành Phật như ngài nên quyền phương tiện, đức Phật nói các pháp sơ cơ dễ hiểu để dẫn dắt chúng sinh vào đạo, làm quen với giáo pháp. Sau đó, đức Phật mới đem Nhất Phật thừa chỉ dạy cho chúng sinh và tuyên bố rằng tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật và giác ngộ như ngài.

 

[16] Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Trường Bộ I, ĐTKVN, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.595.

 

[17] 岩波、仏教辞典、1995, tr.749.
Giác Dũng, Sách đã dẫn, tr.18,79, 158.


 

---o0o---

 

Mục Lục > 1 > 2 > 3 > 4

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 6-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

binh di cua ht thich tri tinh Thích Đâu Cần Thơ Hòa thượng Thích Huệ Thành chua nhat tru anh mc Khảo mù Người giảm cân cần lưu ý gì trong chế viet trinh tim binh an noi cua phat ấn them chiếc tri ngu gioi Mở cánh cửa Không sự tự tin đích thực la gi nhung nguon hanh phuc 1934 vãµ nay Hoà thượng Vĩnh Gia lá ƒ mùa phật đản trong ký ức tuổi thơ ï¾ thứ NhÒ Đạo đức kinh doanh theo Phật giáo trò và thầy trong giáo dục phật giáo Đạo đức kinh doanh theo Phật giáo mây chua kim cang huy Tiếng chuông tỉnh thức day luà chua minh khanh huong dai đâu thấy con goi la phat tich lan tro choi suc le vu lan nen cung vao ban ngay 1 mười hai nhân duyên Các thực phẩm chay đánh bật mùi sự cố chấp của đàn ông vì quan niệm tam phap the gian Chẳng tram thả tập thiền Ăn mặn làm tăng huyết áp Vu lan nhớ má