.



 

HỘI THẢO KHOA HỌC

300 NĂM PHẬT GIÁO

GIA ĐỊNH - SÀI GÒN - TP HỒ CHÍ MINH


---o0o---

phần v

văn hóa - giáo dục phật giáo

 

Phật giáo với sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh

 

Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU

Viện trưởng Học viện PG Việt Nam tại TP HCM

Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đã có 300 năm lịch sử kể từ khi được thành lập. Trong gần 1.000 ngôi chùa hiện diện trên mảnh đất này, chùa Giác Lâm được coi là ngôi chùa xưa nhất đã được xây dựng trên 250 năm. Điều ấy chứng tỏ Phật giáo (PG) đã gắn bó cùng thành phố ngay từ những năm đầu tiên khi thành phố được thành lập. Trong tất cả các mặt sinh hoạt mà PG đã đóng góp cho đất nước và nhân dân, chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây sự đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, và bài này tập trung ở hai ý chính:

* PG thành phố đã và đang đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.

* Những nguyên lý cơ bản về giáo dục và đào tạo đã được áp dụng và cần được tiếp tục triển khai, thực hiện.

I.- SỰ ĐÓNG GÓP CỦA PG THÀNH PHỐ VÀO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Việc giáo dục và đào tạo của PG khởi sự từ những ngôi chùa. Đầu tiên, các vị cao tăng giảng Phật pháp, khuyến dạy đạo đức, gây ý thức về nếp sống hiền thiện cho quần chúng Phật tử. Mặt khác, chư vị còn giáo dục, đào tạo lớp tu sĩ kế thừa, truyền bá chánh pháp. Như thế, ý nghĩa giáo dục và đào tạo đã được thực hiện nhằm vào đối tượng tu sĩ và cư sĩ Phật giáo.

Học thuyết Tứ đế, Duyên khởi, Nhân quả, Luân hồi... đã quá phổ biến trong quần chúng nhân dân vùng đất mới được thành lập, bên cạnh những hình ảnh hiền hòa, đạo đức có tính thuyết phục của chư Tăng Ni, của những ngôi chùa trang nghiêm thanh tịnh.

Từ đầu thế kỷ 20, khi phong trào chấn hưng PG phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước, các tu sĩ và giới trí thức PG đã nhanh chóng tham gia phong trào và có những hoạt động tích cực: Thích học đường, Phật học thư xã được hình thành tại Sài Gòn năm 1928, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học và tạp chí Từ Bi Âm ra đời ngay sau đó. Suốt nhiều năm, các tạp chí Từ Bi Âm, Pháp Âm, Tiến Hóa cũng như các ấn phẩm dịch thuật, sáng tác bằng chữ quốc ngữ của giới PG thành phố đã góp công phổ biến giáo lý của đức Phật, kêu gọi một nếp sống mới hiền thiện, đồng thời với việc truyền bá chữ quốc ngữ. đến khi cùng với các khóa Phật học ở các trường Phật học chuyên giáo dục và đào tạo Tăng Ni, các trường Bồ Đề trung và tiểu học của Phật giáo dạy chương trình phổ thông có kèm thêm các giờ giáo lý và một số sinh hoạt PG cho thanh thiếu niên thành phố, thì PG đã chuyển sang giai đoạn mới gia tăng đóng góp vào công cuộc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.

Năm 1964, Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, mới đầu có trụ sở tạm thời tại chùa Pháp Hội, rồi chùa Xá Lợi và sau đó dời về cơ sở khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho một đại học PG tại số 222 Trương Minh Giảng, Sài Gòn. Tuy là một đại học mới thành lập, nhưng do mục đích và phương pháp đào tạo đúng đắn, phù hợp với thời đại, lại có liên hệ chặt chẽ với nhiều đại học lớn trên thế giới, Viện đã thu hút được nhiều sinh viên. Sau mười năm, số sinh viên tốt nghiệp gồm hơn 5.000 người chia đều ở các phân khoa Phật học, văn học, triết học, kinh tế, báo chí, xã hội...

Sau ngày thống nhất đất nước, do tình hình đất nước và do điều kiện chủ quan, Viện Đại học Vạn Hạnh đã ngưng hoạt động. Đến năm 1985, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh, kế đến là Trường Cơ bản Phật học, lớp Cao đẳng Phật học được hình thành, rồi các khóa đào tạo giảng sư Phật học và nhiều khóa Phật học khác được tổ chức tại thành phố nhằm đào tạo Tăng Ni đáp ứng giai đoạn phát triển mới của đất nước và của Giáo hội. Ngoài ra, các lớp học tình thương, các nhà giữ trẻ, các nhà nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, bụi đời của PG thành phố cũng góp công vào sự nghiệp giáo dục của thành phố. Các sách báo PG in ấn và phát hành phần lớn tại thành phố Hồ Chí Minh cũng là những công cụ hữu hiệu nhằm giáo dục và đào tạo một lối sống lành mạnh với trí tuệ và từ bi.

II.- NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CỦA PG ĐÃ ĐƯỢC ÁP DỤNG VÀ CẦN PHẢI ĐƯỢC PHÁT HUY

Đối với những người theo đạo Phật, đức Phật là vị thầy vĩ đại. Ngài giảng pháp, chỉ rõ con đường thoát khổ. Những nguyên tắc cơ bản về giáo dục và đào tạo được tìm thấy trong giáo lý của Ngài, và nếu được áp dụng một cách linh động theo từng hoàn cảnh thực tế thì thành quả sẽ vô cùng tốt đẹp.

Chúng tôi may mắn được tiếp xúc với một số nhà giáo dục PG nổi tiếng từ nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi cũng có thời gian nghiên cứu về các nguyên tắc giáo dục PG qua kinh điển và chúng tôi cũng có một số kinh nghiệm về giáo dục đào tạo trong suốt thời gian một phần tư thế kỷ giữ chức vụ Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh và Học viện PG Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, chúng tôi nhận thấy công cuộc giáo dục và đào tạo của PG đòi hỏi một số nguyên tắc cơ bản sau đây:

* Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người lý tưởng của PG có đủ khả năng để tiến đến giải thoát và thực hiện giải thoát. Đó là con người theo từng mức độ tu học mà biết dập tắt những đau khổ của mình và giúp người khác dập tắt đau khổ của họ. Đó là con người được trang bị bằng Giới-Định-Tuệ, loại bỏ được tham sân si, thực hiện vô ngã, sống hài hòa với mọi người, với thiên nhiên, đầy tính nhân bản, từ bi và trí tuệ.

* Nội dung của giáo dục là Giới-Định-Tuệ. Ba vô lậu học này có thể được hiểu một cách tương đối nhưng rất cụ thể là đạo đức, sự ổn định tâm linh và sự sáng suốt trong kiến thức, tư duy. Theo với thời đại, nội dung này bao gồm cả sự thực hành đạo đức đối với bản thân, với xã hội, nhân quần; sự thực hành thiền định để khơi dậy một nếp sống thanh tịnh, một cái tâm ổn cố; sự nỗ lực tu học để có trí tuệ sáng suốt, tri thức cao vời cả về đạo học và thế học. Kiến thức và kỹ năng cũng đòi hỏi sự thực hành, thực dụng, hữu hiệu trong mọi lãnh vực mà PG gọi là Ngũ minh (nội minh, ngoại minh, thanh minh, công xảo minh, y phương minh).

* Áp dụng triệt để giáo lý Duyên khởi trong tư duy giáo dục, trong phương pháp tổ chức và thực hiện. Đó là việc đặt giáo dục vào môi trường của thời đại, việc đánh giá đối tượng giáo dục theo từng hoàn cảnh, điều kiện của đối tượng. Nói chung là nhìn sự việc, đối tượng trong mối liên hệ tổng thể của tất cả các yếu tố hiện hữu.

* Phải có cơ sở vật chất và nhân sự phù hợp cho môi trường giáo dục đào tạo. Đức Phật và chư A la hán giáo dục, hướng dẫn môn sinh tại các đại tinh xá lớn thời đức Phật đã đào tạo được số đông vị nhập vào dòng Thánh; rồi các đại học lớn về sau như cổ viện Na Lan Đà do ngài Long Thọ làm Viện trưởng và cả Ban Giảng huấn gồm rất nhiều tôn túc đạt ngộ, đã đào tạo được nhiều Thánh tăng mà người đời vẫn mãi truyền tụng. Do đó, một cơ sở khang trang, đầy đủ tiện nghi, phù hợp với các sinh hoạt giảng dạy, học tập, hội họp, các ban chuyên môn v.v... là rất cần thiết. Và, cần thiết hơn nữa là một ban lãnh đạo, một ban giảng huấn gồm những vị có tài năng, đạo đức, có khả năng chuyên môn, có phương pháp sư phạm vững vàng.

* Và dĩ nhiên, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đòi hỏi một sự đồng tình ủng hộ của số đông, từ chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan và cá nhân thân hữu. Chúng ta hãy nghĩ đến các vua quan và quần chúng thời đức Phật đã ủng hộ giáo đoàn Tỳ kheo như thế nào, rồi liên hệ đến thời Lý-Trần của Việt Nam, chúng ta sẽ thấy ngay việc giáo dục và đào tạo cần đến lực lượng của số đông theo nhiều thể cách khác nhau để đạt đến những thành quả tốt đẹp.

Hiện nay, PG thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực tiếp tục những đóng góp của mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Tuy đối tượng giáo dục và đào tạo hiện nay chủ yếu là Tăng Ni, nhưng hiển nhiên, một số hoạt động khác như các khóa giảng dạy cho Phật tử, các cơ sở từ thiện mang tính giáo dục, các sách báo PG vẫn là nhằm phục vụ cho việc giáo dục và đào tạo con người nói chung. Các trường Cơ bản Phật học thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được tu sửa cho tiện nghi hơn, lực lượng giảng huấn ngày càng gia tăng chất lượng và số lượng. Học viện PG Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đang được xây cất cơ sở mới với kinh phí dự trù hơn 6 tỷ đồng Việt Nam. Đây là những dấu hiệu của quyết tâm phục vụ vào sự phát triển không ngừng của PG thành phố ta trong việc đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo.«


 

Sự đóng góp về giáo dục Phật học của Phật giáo

Gia Định-Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh 300 năm

 

THÍCH THIỆN NHƠN

 lDẫn nhập

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam kể từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, nhưng
         mãi cho đến hậu bán thế kỷ XVII, đạo Phật mới được truyền đến đầu tiên trên mảnh đất Gia Định-Sài Gòn, nay là TP. Hồ Chí Minh, do các bậc tiền bối Tổ sư, Thiền sư, cao tăng từ Thuận-Quảng, theo bước lưu dân đến định cư lập nghiệp tại vùng đất mới.

Qua thời gian, công cuộc truyền bá Phật pháp, đạo Phật đã bám rễ vào lòng dân và xã hội, chan hòa cùng dân tộc, trong suốt chiều dài lịch sử truyền thừa gần 300 năm, làm cho chánh pháp tồn tại ở thế gian, đạo Phật mãi mãi hiện hữu trong lòng dân tộc và nhân dân thành phố.

Sự kiện ấy bắt đầu từ sự đào tạo, kế thừa và phát triển, chính là đầu mối của sự giáo dục Phật học trải qua các thế hệ truyền thừa và thực hiện của Phật giáo (PG) Gia Định-Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh. Công việc đó thực hiện như thế, kết quả ra sao, đã đóng góp đến mức độ nào cho PG Gia Định-Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh trong gần 300 năm qua - chính là vấn đề được bàn bạc và đánh giá qua bản tham luận: SỰ ĐÓNG GÓP VỀ GIÁO DỤC PHẬT HỌC CỦA PG GIA ĐỊNH-SÀI GÒN- TP. HỒ CHÍ MINH 300 NĂM, gồm có 5 phần như sau:

 lGIAI ĐOẠN i (1744 - 1930)

I) Các lớp học gia giáo:

1. Chùa Từ Ân - Khải Tường (1744-1821)

Vào buổi bình minh của PG, những Tăng sĩ theo đoàn lưu dân từ Thuận-Quảng, đến định cư lập nghiệp tại đất Gia Định là những dấu ấn lịch sử. Đó là Thiền sư Linh Nhạc-Phật Ý, đệ tử Tổ Thành Đẳng-Minh Lượng cùng với một vị tăng khác, xây dựng những am tranh để tu hành tại làng Tân Lộc (1744), gần 10 năm sau, đến năm 1752, Tổ Linh Nhạc đã triệt hạ am tranh xây dựng ngôi chùa mới đặt tên là chùa Từ Ân, vị Tăng khách cũng hành động tương tự, đặt tên cho ngôi chùa mới của mình là chùa Khải Tường.

Sau khi đời sống đã ổn định, cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng đã thiết lập, với khả năng và học Phật sẵn có, Thiền sư Linh Nhạc đã gia tâm giảng dạy cho tăng chúng, thuộc môn nhơn, đệ tử và chư tăng trong vùng, để truyền trì chánh pháp. Qua đó, Tổ linh nhạc đã gieo những hạt nhân tốt trên mảnh đất Gia Định-Sài Gòn để Phật pháp tỏa khắp vùng Gia Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Thuận Hóa (Huế) và lục tỉnh - như TS Liễu Đạt, Tế Chánh, Tế Bổn, Tiên Tín, Viên Quang, Mật Hạnh, Trí Tâm, Mật Hoằng v.v.. trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển Phật giáo Nam Kỳ.

2. Phật học xá Giác Lâm (1772-1861)

Chùa Giác Lâm được xây dựng tại gò Cẩm Sơn, huyện Tân Bình, năm 1744, do Phật tử Lý Thoại Long người Minh Hương phát tâm xây dựng, nhưng không có trụ trì. Đến năm 1772, thể theo sự thỉnh cầu của một Phật tử, Tổ Linh Nhạc đã cử đệ tử là Tổ Tông-Viên Quang về trụ trì. Ngài đã mở rộng cơ sở chùa Giác Lâm, để thành lập Phật học xá, đây là Phật học đường đầu tiên tại Gia Định.

Ngài tập hợp chư tăng cả xứ Đồng Nai-Gia Định và lục tỉnh về cùng chung tu học trong tinh thần hòa hợp và truyền thụ và đài thọ cho mọi chi phí trong suốt thời gian theo học... Với tinh thần đạo pháp, vì sự mở mang trí thức cho chư tăng, kế thừa mạng mạch đạo pháp, Tổ Viên Quang đã lèo lái Phật học xá Giác Lâm ngày càng đi vào ổn định, tiến triển theo từng thời gian và lịch sử của đất nước.

Phật học xá hoạt động đến năm 1792 thì tạm ngưng để trùng tu cơ sở. Công cuộc trùng tu đến năm 1804 thì hoàn thành, và chương trình giáo dục của Phật học xá lại tiếp tục cho đến năm 1827, khi Tổ Viên Quang viên tịch.

Đến năm 1844, Phật học xá hoạt động trở lại, do Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh điều hành chương trình giảng dạy. Ở đây cũng nói thêm, hệ thống giáo dục ở thời điểm này gồm có 2 trường: trường Giác Viên thành lập năm 1850, chuyên dạy về khoa ứng phú đạo tràng; trường Giác Lâm chuyên dạy về giáo lý cho chư tăng và Phật tử. Nhưng cả hai đều bổ sung và hỗ tương tác động cho nhau trong hệ thống giáo dục Phật giáo Nam Kỳ. Phật học xá hoạt động đến năm 1861 thì tạm ngưng khi Pháp chiếm trọn miền Đông. Chương trình giáo dục bị xem như gián đoạn một thời gian dài. Nhưng tiềm năng Phật giáo vẫn còn luân lưu bất tận, do các vị Tăng tài thạc đức được đào luyện từ chùa Giác Lâm, Giác Viên truyền bá như: Thiền sư Hải Tịnh, Hoằng Ân, Hoằng Nghĩa, Như Hiển, Như Lợi, Như Như, Như Hòa, Đạt Lý, Huệ Liêu, Hồng Hưng v.v.. tiếp tục phát huy chánh pháp, làm cho Phật pháp mãi mãi chuyển lưu trong xã hội, trong chư Tăng và Phật tử ở vào giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử đất nước và Phật giáo.

3. Chùa Long Thạnh (1760-1940)

Chùa Long Thạnh theo truyền thuyết sử được xây dựng vào năm 1760, do Ngài Tổ Đạt-Trí Tâm, đệ tử Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc sáng lập.

Trải qua nhiều đời trụ trì, đến năm 1878 Tổ Minh Hòa-Hoan Hỷ, đệ tử Tổ Minh Nhiên... đã mở lớp Phật pháp giảng dạy cho chư tăng trong xứ Gia Định, Đồng Nai và lục tỉnh. Kết quả học tập đã đào tạo được các bậc cao tăng danh đức, những nhà sư yêu nước, nhiệt tình góp phần truyền bá chánh pháp, xây dựng phong trào chấn hưng PGVN, tham gia các phong trào chống Pháp cứu nước, góp phần trong cao trào Cách mạng Tháng Tám: như Tổ Long Quang-Đạt Thanh, Tổ Như Trí-Khánh Hòa, Bửu Chung, Từ Phong, Từ Vân, Minh Huyên, Như Bằng, Như Hào, Như Nhượng (Quảng Chơn) v.v..

4. Chùa Huệ Nghiêm (1780-1898)

Chùa Huệ Nghiêm được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, do Tổ sư Thiệt Thoại-Tánh Tường, đệ tử Tổ Minh Vật-Nhất Tri kiến tạo. Bằng tinh thần đạo pháp, Phật học uyên thâm, đạo đức đĩnh đạc, tiếp thu từ bổn sư Minh Vật, Ngài nỗ lực giáo hóa đạo chúng, quy y Phật tử, hướng dẫn Phật pháp, nỗ lực tự học, trở thành pháp khí Đại thừa, hoằng truyền chánh pháp. Tục Phật huệ đăng, truyền trì chánh pháp, Tổ đã đào tạo được một số lớn chư tăng có tài thực đức, làm mô phạm cho đời, kế vãng khai lai, phò trì Phật pháp,như Thiền sư Tế Lý-Quảng Đức, Tế Vĩnh-Quảng Nhơn, Tế Giác-Quảng Châu (Tiên Giác-Hải Tịnh), Liễu Xuân-Minh Chí, Đạt Lý-Huệ Lưu v.v..

5. Các lớp gia giáo, học kinh bộ khác (1867-1930)

Sau năm 1867, khi Pháp đã bình định xong vùng chiếm đóng, khu vực Gia Định tạm ổn định sau hơn năm năm loạn lạc chinh chiến, chư Tăng trở lại sinh hoạt bình thường, chương trình tu học được tiếp tục theo các mùa an cư kiết hạ, trường hương trường kỳ, các lớp giáo lý, học kinh bộ do các Thiền sư mai danh ẩn tích, các vị Tổ sư trụ trì tổ đình hướng dẫn tại chùa Phước Tường, Hội Sơn, Long Huê, Trường Thọ, Giác Hải, Phụng Sơn, Long Triều v.v... nên đã tiếp tục duy trì được mạng mạch Phật pháp làm cơ sở Phật cho phong trào chấn hưng PGVN vào những thập niên 1920-1930, như thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp năm 1920 do Tổ Khánh Hòa đề xướng.

 lGIAI ĐOẠN 1930 - 1950

II. Các hệ thống Phật học viện:

1. Phật họåc viện Linh Sơn (1933)

Trước sự thành công của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học được thành lập năm 1931, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn, do Hòa thượng Thiện Chiếu hiến cúng cho Hội : Tổ Từ Phong làm Hội trưởng, tổ Khánh Hòa là Phó Hội trưởng. Mục đích của Hội là đào tạo tăng tài, hoằng dương Phật pháp, bằng cách dịch kinh sách Phật giáo từ chữ Hán ra chữ Việt để truyền bá.

Với nhu cầu cấp thiết của phong trào chấn hưng Phật giáo, cộng với sự quyết tâm của chính mình, Tổ Khánh Hòa đã nỗ lực vận động, tổ chức thành lập Phật học viện. Và mặc dù gặp phải những khó khăn, nhưng Tổ vẫn quyết tâm khai giảng Phật học viện Linh Sơn tại hội quán vào đầu năm 1933. Nhưng Phật học viện chỉ hoạt động hơn một tháng thì ngưng hoạt động, vì chính quyền Pháp không cho phép. Tuy nhiên, đây cũng là tiền đề phát khởi phong trào thành lập Liên đoàn Học xã, là một dạng trường Phật học lưu động hoạt động tại các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Bến Tre, tiến tới thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học, hoặc Học đường Lưỡng Xuyên-Trà Vinh.

2. Lớp Phật học chùa Từ Hòa - Hải Ấn và Kim Sơn

Xuất phát từ cái nôi của Ni giới, đó là chùa Từ Hòa, sau đổi thành Hải Ấn ni tự, quận Tân Bình. Năm 1936, Ni sư Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Tánh, Diệu Thuận, Như Thanh... đã khai giảng lớp  gia giáo giảng dạy cho Ni chúng đầu tiên, làm cơ sở cho chương trình giáo dục Phật học cho Ni giới. Đến năm 1939, lớp học được tiếp tục khai giảng tại chùa Kim Sơn, Phú Nhuận, quy tụ hơn 20 Ni chúng, và chính hai lớp học Ni đầu tiên này là nền tảng cho hệ thống giáo dục Ni giới sau này. Nói khác đi, chư Ni lãnh đạo cao cấp trong Giáo hội và mô phạm trong Ni giới, đều xuất thân từ lớp học chùa Từ Hòa (Hải Ấn) - Tân Bình, Kim Sơn - Phú Nhuận.

3. Phật học đường Liên Hải (1946-1950)

Thừa hưởng thành quả của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, các Phật học đường được thành lập từ Bắc chí Nam: Bắc có Phật học đường Quán sứ, Bồ Đề; Trung có Phật học đường Tây Thiên, Tường Vân, Báo Quốc, Kim Sơn; Nam có Phật học đường Lưỡng Xuyên - Trà Vinh.

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Phật học tại trường Báo Quốc - Huế, quý Thượng tọa Trí Tịnh, Thiện Hoa đã trở về Nam, thành lập Phật học đường Phật Quang - Trà Ôn, Cần Thơ. Nhưng vì ảnh hưởng chiến cuộc, Phật học đường Phật Quang bị dao động và không thuận tiện cho việc giáo dục lâu dài nên Thượng tọa Trí Tịnh trở về Sài Gòn và thành lập Phật học đường Liên Hải tại chùa Vạn Phước - Bình Trị Đông, Chợ Lớn.

Tiếp theo sự thành lập Phật học đường Liên Hải là Mai Sơn, Sùng Đức do Thượng tọa Huyền Dung sáng lập, Giác nguyên do Thượng tọa Hành Trụ sáng lập, Ứng Quang do Thượng tọa Trí Hữu sáng lập; trung bình mỗi lớp có gần 30 học tăng và Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây theo học chương trình mông đẳng, sơ đẳng, trung đẳng Phật học.

Ban giảng huấn gồm các vị Thượng tọa tốt nghiệp Phật học đường Báo Quốc, Lưỡng Xuyên: Thượng tọa Trí Tịnh, Hành Trụ, Quảng Liên, Huyền Quang, Trí Minh, Huệ Hưng, Trí Hữu, Nhật Liên, Quảng Minh v.v.. phụ trách.

Nội dung môn học là Kinh, Luật, Luận thuộc cấp mông đẳng, sơ đẳng, trung đẳng, đều là học chữ Hán, sáng học, chiều trùng tuyên, chưa có chế độ thi cử phát bằng tốt nghiệp và học văn hóa phổ thông.

Các Phật học đường sơ đẳng, trung đẳng hoạt động trong một thời gian 4 năm nhằm đáp ứng nhu cầu học vấn của chư Tăng hiện thời, là nhân tốt của đạo pháp, với tâm hồn trong trắng, tâm linh mát dịu, trí huệ bắt đầu phát triển bằng tinh thần tu học nghiêm túc và thăng tiến không ngừng.

4. Ni trường Huê Lâm (1947-1975)

Trong sứ mệnh truyền trì đạo mạch, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, đào tạo Ni tài đức cho Giáo hội; sau quá trình học tập đã viên mãn, năm 1947, Ni sư Như Thanh thành lập ni trường Huê Lâm - Q.11, để giảng dạy giáo lý cho Ni chúng và Phật tử. Trong tinh thần phục vụ đạo pháp và chúng sinh không biết mỏi, Ni sư đã đào tạo một số Ni chúng trở thành những bậc hữu ích cho đạo pháp và xã hội trong những thập niên 1950-1970, làm cơ sở cho sự thành lập và phát triển Ni giới miền Nam.

 lGIAI ĐOẠN 1950-1963

1. Phật học đường Nam Việt (1950-1963)

Sau 14 năm du học tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ, Hòa thượng Thiện Hòa đã trở về Nam, trú tại chùa Sùng Đức, Phú Lâm. Với tầm nhìn phổ quát và nhất quán trong hệ thống giáo dục, Hòa thượng đã đề nghị các vị lãnh đạo Phật học đường Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức, Ứng Quang, Giác Nguyên v.v.. nên hợp nhất để thành lập Phật học đường Nam Việt. Kết quả được thành tựu, Phật học đường Nam Việt ra đời năm 1950, đầu tiên đặt tại chùa Sùng Đức - Phú Lâm, Chợ Lớn, do Hòa thượng Thiện Hòa làm Giám đốc.

Sang năm 1951, Thượng tọa Trí hữu cúng chùa Ứng Quang cho Hòa thượng Thiện Hòa và Hòa thượng đã đổi tên thành chùa Ấn Quang. Trường dời toàn bộ số chúng về Ấn Quang, và Phật học đường Nam Việt bắt đầu đi vào hoạt động với một quy mô rộng lớn, gồm 3 lớp: Sơ, Trung và Cao đẳng. Chương trình được thống nhất, do Ban Giáo dục GHTG NV biên soạn. Từ đây, hệ thống giáo dục mới được hình thành có quy củ, có lãnh đạo nhất quán. Đến năm 1953, Thượng tọa Thiện Hoa từ Trà Ôn lên hợp tác và đảm nhận chức vụ Trưởng ban Giáo dục của Giáo hội kiêm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt, không những làm cho Phật học đường Nam Việt có một sinh khí mới, mà còn đẩy mạnh chiều hướng phát triển cả ba mặt, sâu rộng và cao hơn.

Năm 1954, sau khi lớp Cao đẳng mãn khóa, gồm có: Hòa thượng Huệ Hưng, Hòa thượng Bửu Huệ, Hòa thượng Tắc Phước, Hòa thượng Tịnh Đức v.v.., còn lại lớp Sơ-Trung đến 1955 cùng mãn khóa gồm có: khóa 2: Thượng tọa Thanh Từ, Thượng tọa Huyền Vi, Thượng tọa Thiền Định, Thượng tọa Từ Thông..., khóa 3 có: Thượng tọa Trí Quảng, Thượng tọa Nguyên Ngôn, Thượng tọa Minh Thành... Chương trình Trung đẳng được cải tiến như sau: về giáo lý giảng dạy bằng chữ Việt, nhẹ phần chữ Hán. Về văn hóa, thêm chương trình phổ thông hệ 12 năm, của Bộ Quốc gia Giáo dục quy định. Và có thể nói, chế độ thi cử tốt nghiệp, cũng như học văn hóa phổ thông bắt đầu từ đây.

2. Trường Phật học Lục hòa Tăng - chùa Giác Viên (1952-1968)

Thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo tăng tài, phát huy chánh pháp, xây dựng cho Tăng Ni tinh thần yêu nước trong sáng, nồng nàn và tích cực trong sứ mệnh hộ quốc an dân, duy trì đạo pháp, năm 1952, GHLHTVN, thành lập trường Lục hòa Tăng tại chùa Giác Viên, do Thượng tọa Huệ Chí làm giám đốc trường, là hậu thân của lớp Phật học Lục Hòa đầu tiên mở tại chùa Khánh Hưng - Hòa Hưng. Trường đặt dưới sự lãnh đạo của chư tôn đức trong Giáo hội và điều hành, giảng dạy của quý Hòa thượng, Thượng tọa : Thiện Thuận, Bửu Ý, Minh Nguyệt, Thiện Hào, Thiện Tòng, Phật Ấn, Huệ Chí, Pháp Lan, Minh Giác, Thiên Lý v.v..

Trường mở được 2 khóa: khóa I (1952-1957) đào tạo tăng tài theo hệ thống PHV gồm các môn kinh, Luật, Luận. Khóa 2 (1957-1960) chuyên về mặt bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì và cán bộ xây dựng phát triển cơ sở. Qua 2 khóa học, trường đã đào tạo được những danh tăng thạc đức, đã đóng góp nhiều công đức trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và phát triển đạo pháp, xây dựng giáo hội trong thời hiện đại.

3. Ni trường Từ Nghiêm, Dược sư (1957-1958)

Với tư cách là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt, Hòa thượng Thiện Hòa luôn luôn quan tâm đến công tác giáo dục cho chư Ni. Thành thử, năm 1957, Hòa thượng đã thành lập ni trường Từ Nghiêm - Chợ Lớn, và năm 1958 thành lập Phật học ni trường Dược Sư - Gò Vấp, do Hòa thượng làm Giám đốc và chư Ni trực tiếp điều hành 2 lớp học Sơ đẳng và Trung đẳng Phật học hơn 220 học ni một cách có hệ thống và quy củ, tuân thủ giới luật, y chỉ với Tăng, cầu Tăng làm giáo thọ.

Và theo thời gian, Phật học ni trường Dược Sư và Từ Nghiêm tiếp tục hoạt động cho đến năm 1975 dưới sự lãnh đạo của GHPGVNTN do Ni trưởng Như Thanh, Ni trưởng Huyền Học và Ni trưởng Như Chí lãnh đạo điều hành một cách có hiệu quả.

4. Phật học viện Giác Sanh (1960-1975)

Trong mục đích mở rộng phạm vi hoạt động và cơ sở Phật học đường Nam Việt,Hòa thượng Giám đốc Thích Thiện Hòa đã thành lập Phật học viện Giác Sanh, là một bộ phận phụ thuộc của PHĐNV, do TT. Minh Thành, TT. Liễu Minh, HT. Thiện Thành làm Giám viện, để điều hành sinh hoạt lớp Trung đẳng Phật học hơn 54 Tăng sinh. Kết quả đã đào tạo được số Tăng sinh có trình độ Phật pháp Trung đẳng để thi vào các PHV Cao đẳng và Đại học Phật giáo.

 lGIAI ĐOẠN 1964-1975

Sau khi thống nhất Phật giáo 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, hệ thống giáo dục ban đầu thuộc về Tổng vụ Pháp sự và Tăng sự. Nhưng đến năm 1966 thì thuộc về Tổng vụ Giáo dục và Phật học vụ, một chương trình giáo dục được hình thành, xuyên suốt từ thấp đến cao, có nghĩa là từ Sơ đẳng, Trung đẳng, và Cao đẳng, Đại học Phật học - gồm cả hai hệ Nam tông và Bắc tông.

1. Các Phật học viện Trung đẳng

a/ Phật học viện Huê Nghiêm (1964-1971)

Được sự ủy nhiệm của quý Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, ba Thượng tọa Thích Bửu Huệ, Thiên Tâm, Thanh Từ đã mở lớp Trung đẳng Phật học chuyên khoa, cơ sở đặt tại An dưỡng địa Phú Lâm, Bình Chánh, Gia Định, do Thượng tọa Bửu Huệ làm giám đốc. Lớp học quy tụ hơn 40 Tăng sinh, học theo hệ chuyên khoa Phật học, và một số môn văn hóa phổ thông, để làm phương tiện hoằng dương chánh pháp, lợi lạc chúng sanh, thích ứng với nhu cầu của thời đại.

Đến năm 1965, để đáp ứng yêu cầu tu học cho Tăng Ni, thủ đô Sài Gòn và các tỉnh, Giáo hội đã chuyển trường Trung đẳng Phật học chuyên khoa thành Phật học viện Huệ Nghiêm và chia làm 8 lớp, có hơn 300 tăng sinh. Về thế pháp, từ đệ thất đến đệ nhất, hệ 12 năm, theo chương trình thống nhất của Tổng vụ Giáo dục và Phật học vụ soạn.

Tất cả Tăng sinh từ đệ thất đến đệ tứ học tại Viện, từ đệ tam đến đệ nhất đi học tại trường Bồ Đề Chợ Lớn và Sài Gòn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quản lý.

Đặc biệt, sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, nhà trường bị khủng hoảng về kinh tế và cơ sở. Ban Giám đốc đã phân tán một số lớn tăng sinh đi các nơi - Phật học viện khác tại Sài Gòn cũng như các tỉnh. Tại Viện chỉ còn một số nhỏ khoảng 60 Tăng sinh theo học chương trình chuyên khoa Phật học, đến cuối năm 1971, làm lễ mãn khóa và phát bằng tốt nghiệp và theo học chương trình Cao đẳng Phật học, khi Viện Cao đẳng Phật học được thành lập.

Ngoài ra, các Phật học viện Phổ Quang, Hải Tràng, Huỳnh Kim, Linh Sơn giảng dạy theo chương trình Sơ -Trung đẳng Phật học 4 năm, cũng đã tạo cơ sở cho các Tăng sinh thi tuyển hoặc xin theo học các Phật học viện Trung đẳng tại Sài Gòn và Gia Định v.v.. một cách có hiệu quả và đáng khích lệ.

b/ Phật học viện Nam tông (1966-1975)

Trên tinh thần thống nhất về mặt tổ chức và lãnh đạo, nhưng về mặt giáo dục vẫn tôn trọng tinh thần và giáo lý đặc thù của hệ phái. Do đó, Giáo hội đã cho phép Phật giáo Nam tông thành lập hai Phật học viện là Phật Bảo tại Tân Bình, do Thượng tọa Giới Nghiêm và Đại đức Thiện Giới lãnh đạo, Phật học viện Pháp Quang - Gia Định, do Hòa thượng Thiện Luật và Đại đức Hộ Giác lãnh đạo và điều hành.

Nội dung, chương trình giảng dạy Tam tạng giáo điển, và Ban giảng huấn do Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy chủ động, và thống nhất trong chương trình giảng dạy do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quy định, thông qua Tổng vụ Giáo dục và Phật học vụ.

c/ Phật học viện Minh Đức - chùa Thiên Tôn (1969-1975)

Sau tết Mậu Thân 1968, trường Phật học Lục Hòa tại chùa Giác Viên bị thiệt hại nặng nề vật chất, nhưng để chương trình giáo dục đào tạo tăng tài cho đạo pháp của Giáo hội được tiếp tục, HT Thích Minh Đức, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đã nỗ lực thành lập Phật học viện Minh Đức tại chùa Thiên Tôn, do HT làm Giám đốc, thành lập trường Tiểu học Lục Hòa Tăng tại chùa Giác Lâm, Giác Viên, do Thượng tọa Huệ Chí làm Giám đốc. Viện hoạt động một thời gian từ 1969-1975, có hơn 142 tăng sinh theo học. Qua sự giáo hóa, tài bồi của quý giảng sư hữu danh, hữu đức, đã đào tạo được những tăng sinh trở thành bậc hữu ích cho đạo pháp và xã hội, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc, làm tốt Đạo, đẹp Đời.

HỆ THỐNG GIÁO DỤC CAO ĐẲNG

1. Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn (1964-1965)

Thực hiện chương trình giáo dục của Giáo hội, mang tính toàn diện, từ Sơ đẳng đến Cao đẳng Phật học, sau khi thống nhất Phật giáo năm 1964, Giáo hội đã quyết định thành lập Viện Cao đẳng Phật học, gọi là Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn, cơ sở đặt tại chùa Pháp Hội và giảng dạy tại chùa Xá Lợi.

Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn là một viện Phật học chuyên khoa đầu tiên được thành lập sau mùa Pháp nạn 63, do Hòa thượng Trí Thủ làm Viện trưởng, Thượng tọa Minh Châu làm Phó Viện trưởng.

Trong niên khóa đầu, và trước mắt, Viện chỉ đào tạo và cấp phát văn bằng cử nhân cho 250 sinh viên nam nữ và Tăng ni ghi danh theo học.

Nội dung giảng dạy và đào tạo, Viện có 6 chứng chỉ - Phật học đại cương, Văn học Phật giáo đại cương, Duy thức học đại cương, Văn học Bát nhã, văn học A tđàm, Hán văn và Pàli.

Muốn ghi danh vào học hệ cử nhân, sinh viên phải có bằng tốt nghiệp tú tài 2, nếu là Tăng Ni phải có bằng tốt nghiệp trung đẳng Phật học chuyên khoa. Muốn lấy bằng cử nhân Phật học, sinh viên phải học và thi đậu 12/chứng chỉ/thời gian là 3 năm. Mỗi chứng chỉ học một khóa, gồm khóa Đông và Xuân, gồm 8 tháng, 4 tháng thi học kỳ 1, 4 tháng thi học kỳ 2.

Tuy nhiên, vì yêu cầu đòi hỏi và phát triển không ngừng của hệ thống giáo dục Phật học, Viện cao đẳng Phật học Sài Gòn chỉ hoạt động một thời gian ngắn 1964 - 1965, thì chuyển thành Viện Đại học Vạn Hạnh, và dời về cơ sở mới ở đường Trương Minh Giảng, nay là Lê Văn Sỹ, Q.3.

2. Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm (1971-1991)

Để đáp ứng yêu cầu Đại học Phật giáo chuyên khoa Phật học, ngoài hệ thống giáo dục phổ thông như Viện Đại học Vạn Hạnh, Giáo Hội cần đào tạo một số Tăng Ni có trình độ Phật học chuyên sâu để đảm đang công tác phiên dịch Tam tạng, giáo dục và hoằng pháp, lãnh đạo Giáo hội trên một bình diện rộng lớn và mô phạm. Do đó, năm 1971, Giáo hội đã quyết định thành lập Viện Cao đẳng Phật học, lấy tên là Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, cơ sở đặt tại chùa Huệ Nghiêm, Gia Định, do Thượng tọa Trí Tịnh làm Viện trưởng, Thượng Tọa Bửu Huệ làm phó Viện trưởng.

Khóa Cao đẳng Phật học đầu tiên được khai giảng vào 17-10-1971, quy tụ khoảng 60 sinh viên tăng của của lớp chuyên khoa Phật học, và một số tăng sinh được tuyển chọn từ các Phật học viện Linh Quang, Liễu Quán - Huế, Nguyên Thiều - Bình Định, Già Lam, Giác Nguyên - Sài Gòn.

Chương trình đào tạo và giảng dạy theo quy chế Đại học Phật giáo, gồm 3 cấp: cử nhân 4 năm, cao học 2 năm, tiến sĩ 2 năm, tổng cộng là 8 năm. Bốn năm đầu học tổng quát hai hệ tư tưởng văn học Nam-Bắc Tống, tư tưởng triết học Đông-Tây, và sự phát triển của trào lưu văn học Phật giáo và thế giới. Hai năm cao học được phân ban, và sinh viên tăng chọn một trong bốn ban - ban Kinh, Luật, Luận và Thiền. Khi hoàn thành tiểu luận cao học mỗi ban, sinh viên Tăng được gọi là Pháp sư, Luật sư, Luận sư và Thiền sư.

Trên thực tế, Viện cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm chỉ thực hiện và phát bằng cử nhân Phật học và Cao đẳng Phật học. Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm duy trì chương trình giảng dạy theo tinh thần nội trú và thi hành hợp nhất. Nhằm thực hiện những điều đã học, giúp cho sinh viên Tăng có đủ tư lương và chất liệu Phật học, và tâm linh, đạo lực trong sáng, để đảm nhận công tác hoằng dương chánh pháp, lợi lạc chúng sanh trong mọi thời gian và không gian của lịch sử bằng tinh thần Tâm đức, Trí đức và Tuệ đức, Viện đã đào tạo một số Tăng sinh có khả năng thực sự đã, đang phục vụ cho các cấp Giáo hội trước năm 1975 cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

 lGIAI ĐOẠN 1975-1998

1. Phật học Viện Thiện Hòa (1979-1986)

Sau ngày 30/4/1975, trong sự đổi thay của xã hội và lịch sử đã sang trang, các Phật học viện Sơ đẳng, Trung đẳng tại Sài Gòn-Gia Định đều ngưng hoạt động.

Để đáp ứng yêu cầu tu học cho một số lớn Tăng, Ni thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời trong khi chờ Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quy trình giáo dục cụ thể, Hòa thượng Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cố vấn Hội đồng Quản trị tổ đình Ấn Quang, đã xin phép Viện Hóa đạo và Ủy ban Nhân dân thành phố được thành lập Phật học viện Thiện Hòa, quý danh Hòa thượng Giám đốc Phật học đường Nam Việt, cơ sở đặt tại chùa Giác Ngộ, Giác Sanh và Ấn Quang, do Hòa thượng cùng quý tôn đức trong Hội đồng Quản trị tổ đình Ấn Quang làm Giám đốc.

Chương trình học được chia làm 3 cấp, do Ban Giáo dục Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam soạn. Sơ cấp 1 hai năm, Sơ cấp 2 hai năm và Trung cấp 3 năm,, tổng cộng 7 năm. Ngoài chương trình Phật học, nhà trường còn đạo tạo thêm hệ bổ túc văn hóa cấp 1 và 2 hệ 10 năm, do Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh quy định.

Với số lượng hơn 300 Tăng Ni sinh, chia làm 3 lớp, trong quá trình hoạt động gần 6 năm, trong tình hình thành phố vừa được giải phóng, Giáo hội, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh mới được thành lập là một vấn đề tương đối khó khăn. Tuy nhiên, Ban Giám đốc đã vì tương lai đạo pháp, vì sự tu học của Tăng Ni thành phố, nên đã cố gắng vượt qua tất cả những trở ngại, để hoàn thành chương trình, công tác giáo dục đào tạo Tăng tài cho Giáo hội và đạo pháp. Và trường chỉ hoạt động đến năm 1986 thì tạm ngưng, để thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh thành lập trường Cơ bản Phật học, theo chủ trương và đường hướng giáo dục do Giáo hội quy định, thông qua Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư và Ủy viên Giáo dục TN Thành hội Phật giáo quản lý, điều hành và lãnh đạo xuyên suốt từ T.Ư đến các Tỉnh, Thành hội trong phạm vi cả nước.

2. Trường Cơ bản Phật học TP. Hồ Chí Minh (1988-1998)

Để đáp ứng nhu cầu, nguỵện vọng tu học Phật pháp của Tăng Ni thuộc diện tại thành phố, đồng thời thực hiện chương trình giáo dục Tăng Ni của Trung ương Giáo hội và Thành hội Phật giáo, nhằm đào tạo một thế hệ Tăng Ni trẻ có năng lực và trình độ học văn hóa và Phật học, để kế thừa đạo mạch, hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh, tốt đạo đẹp đời, ngay nhiệm kỳ đầu, 1982-1987, Thành hội Phật giáo đã có văn thư xin phép UBND thành phố, cũng như các cơ quan chức năng lãnh đạo thành phố. Nhưng vì lý do hành chánh, cho đến nhiệm kỳ 2 (1987-1990), UBND thành phố mới cho phép Thành hội Phật giáo thành lập trường Cơ bản Phật học, cơ sở đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm - quận 3, do Thượng tọa Thích Từ Thông làm Hiệu trưởng.

Trường đã chính thức khai giảng và hoạt động kể từ ngày 30/4/1989 với số lượng 165 Tăng Ni sinh.

Nhằm giải quyết dứt điểm và đáp ứng thỏa đáng nguyện vọng của Tăng Ni thành phố còn dôi ra của khóa I, UBND thành phố đã cho phép Thành hội Phật giáo được mở thêm cơ sở 2 tại chùa Thiên Minh - Thủ Đức, cho 152 Tăng Ni sinh học.

Trường đào tạo theo hệ chính qui và ngoại trú, tổng số Tăng Ni sinh của trường là 318 Tăng Ni, gồm 3 hệ phái Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ theo học.

Chương trình giáo dục gồm có 4 năm. Năm đầu ôn tổng quát chương trình sơ cấp, 3 năm sau học chương trình Trung cấp do Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư biên soạn. Trình độ từ lớp 9 đến lớp 12. Tuổi đời từ 16 đến 30. Nội dung giảng dạy: Tam tạng giáo điển Kinh - Luật - Luận, hệ Bắc tông và Nam tông. Nhà trường còn áp dụng chương trình hệ bổ túc văn hóa cấp 3 và một số môn chính khóa, như công dân giáo dục và sinh hoạt Giáo hội. Tăng Ni học riêng; Tăng học buổi sáng, Ni học buổi chiều.

Qua thời gian, trường đã đào tạo được 2 khóa, khóa 1 - 318 Tăng Ni sinh, Khóa 2 - 365 Tăng Ni sinh, trở thành những Tăng Ni có trình độ Phật pháp cấp trung đẳng. Một số lớn Tăng Ni sinh trúng tuyển vào đại học tại trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 tại TP. Hồ Chí Minh, nay là Học viện Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay, trường đang giảng dạy khóa 3 (1997-2001), có 457 Tăng Ni sinh, đang hoạt động có hiệu quả, góp phần đào tạo tăng tài cho Giáo hội PGVN và TP. Hồ Chí Minh.

3. Các lớp Sơ cấp Phật học

Để đáp ứng yêu cầu tu học cho các Tăng Ni mới xuất gia, tạo điều kiện thuận lợi căn bản cho các Tăng Ni sinh theo học trường Cơ bản Phật học thành phố, Thành hội Phật giáo đã cho phép Ban đại diện Phật giáo Q.2, Q.4, Q.8, Q.9, Tân Bình, Thủ Đức mở các lớp Sơ cấp Phật học thuộc phần Cơ bản Phật học, có hơn 1.458 Tăng Ni sinh theo học và mãn khóa tốt nghiệp đang theo học trường Cơ bản Phật học TP. Hồ Chí Minh.

4. Lớp Cao đẳng Phật học Tp. Hồ Chí Minh (1995-1998)

Đáp ứng yêu cầu tu học cho những Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Cơ bản Phật học muốn đi sâu vào nội điển và nâng cao trình độ Phật pháp, do đó THPG đã xin phép Giáo hội và các cơ quan chức năng lãnh đạo thành phố xin mở lớp Cao đẳng Phật học và lớp gối đầu, cho hơn 650 Tăng Ni sinh theo học, lớp học đã đang hoạt động có kết quả, lạc quan và tin tưởng theo yêu cầu của Giáo hội và THPG.

5. Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 (1984-1998)

Sau khi thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, một trong những công tác trọng tâm của chương trình hoạt động là giáo dục Tăng Ni. Để đáp ứng nguyện vọng của chư tôn giáo phẩm trong Giáo hội, nhất là lời thỉnh cầu của đức Pháp chủ, Hội đồng Bộ trưởng và Nhà nước đã cho phép Giáo hội thành lập trường Cao cấp Phật học cơ sở 1 đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, do Hòa thượng Thích Minh Châu làm Hiệu trưởng. Khóa 1 quy tụ được 18 Tăng Ni sinh chính thức, 28 Tăng Ni sinh dự bị.

Đến năm 1984, Nhà nước tiếp tục đáp ứng yêu cầu của Giáo hội, nhất là Tăng Ni các tỉnh phía Nam, Hội đồng Bộ trưởng đã cho phép Giáo hội thành lập cơ sở 2 tại TP. Hồ Chí Minh, tọa lạc tại số 716, đường Nguyễn Kiệm - Phú Nhuận, do Hòa thượng Minh Châu cũng làm Hiệu trưởng. Trường được phép chiêu sinh từ Bình Trị Thiên đến Minh Hải. Đến năm 1997 đổi tên thành Học viện Phật giáo Việt Nam.

Qua đó, hơn 10 năm hoạt động, trường đã thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo có hiệu quả, vô cùng khích lệ.

Khóa 1 (1984-1987): Đào tạo 60 Tăng Ni sinh.

Khóa 2 (1987-1993): Đào tạo 125 Tăng Ni sinh.

Khóa 3 (1993-1997): Đào tạo 234 Tăng Ni sinh.

Khóa 4 (1997-2001): Đang hoạt động: có 350 Tăng Ni sinh.

Từ khóa 1 (1984) khóa 2 (1987) khóa 3 (1993), TP. Hồ Chí Minh đã có 66 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cao cấp Phật học, có trình độ đại học, trên đại học, đều do trường Cao cấp Phật học Việt Nam đào tạo và thành tài đạt đức hiện đang du học tại các nước và phục vụ tại các ban ngành Trung ương và Thành phố.

Như vậy, có thể nói các trường Phật học, các Phật học viện đã cống hiến cho đạo pháp những đóa hoa đạo hạnh tươi thắm, trang nghiêm, những pháp khí đại thừa, những nhân tài Phật giáo, góp phần duy trì và phát triển đạo pháp, lợi lạc chúng sanh qua các thời đại và lịch sử khác nhau của đất nước và xã hội, làm cho ánh sáng chánh pháp mãi mãi soi sáng tại thế gian.

HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CỦA CÁC TRƯỜNG BỒ ĐỀ VÀ ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO (1950-1975)

Thực hiện chương trình giáo dục của Giáo hội, nhằm phát triển và nâng cao trình độ trí thức và văn hóa cho Tăng Ni và Phật tử trong toàn Giáo hội, vì vậy, ngoài chương trình giáo dục chuyên khoa Phật học, Giáo hội đã nỗ lực vận động xin phép chính phủ để thành lập các trường trung-tiểu học tư thục Bồ đề, là hình thức, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục cho Phật giáo gồm: tiểu học, trung học và đại học.

GIÁO DỤC MẪU GIÁO KIỀU ĐÀM

Mầm non của đạo pháp, dân tộc và xã hội là các cháu, các em thiếu nhi Phật tử. Môi trường uốn nắn, đào tạo từ buổi ban sơ trong trắng, hồn nhiên là các trường mẫu giáo Kiều Đàm.

Vì thề, hầu hết các trường mẫu giáo Kiều Đàm đều được Giáo hội thành lập tại các chùa sư nữ, như Huệ Lâm - quận 11 (năm 1952). Phước Hòa (1956), Huệ Lâm - quận 8, Kim Liên - quận 4, Kiều Đàm - quận 3, Long Nhiễu - Thủ Đức, do chư Ni quản lý, giảng dạy.

Số lượng trung bình mỗi trường từ 100 đến 150 em. Nội dung hướng dẫn và giảng dạy theo chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục quy định.

Bằng tinh thần trách nhiệm và lý tưởng xây dựng mầm non tuổi trẻ, quý Ni sư, Sư cô đã thành công trong trách nhiệm giáo dục hơn 2.500 trẻ em Phật tử, làm cơ sở cho các lớp Tiểu học Bồ đề của Giáo hội.

GIÁO DỤC TIỂU HỌC BỒ ĐỀ

Qua quá trình uốn nắn và xây dựång tại các trường mẫu giáo Kiều Đàm, các em thiếu nhi tiếp tục được dạy dỗ tại các trường tiểu học Bồ Đề, như Pháp Vân - quận 3, Tiểu học Bồ Đề Huệ Đức - quận 11, huyện Bình Chánh, Long Nhiễu - Thủ Đức, Bồ Đề An Khánh, Thủ Thiêm - quận 9, Phước Duyên - quận 4, Hưng Long - quận 10... tổng số, trung bình mỗi trường có từ 150 em đến 250 em, được giảng dạy và đào tạo theo chương trình từ lớp Năm đến lớp Nhất theo chương trình Bộ Quốc gia Giáo dục quy định.

Bằng kinh nghiệm sẵn có và lòng nhiệt tình của quýTăng Ni, Phật tử, lực lượng giáo viên thầy, cô đã tận tình dạy dỗ, kết quả đã đào tạo được trên 4.500 em, thi đậu tiểu học trên 2.560 em. Đây là một thành quả đáng khích lệ cho công tác giáo dục hệ tiểu học Phật giáo tại các trường Bồ Đề.

GIÁO DỤC TRUNG HỌC ĐỆ NHẤT CẤP

Thông qua hệ thống giáo dục của Giáo hội, các trường Bồ Đề Trung học đệ nhất cấp được thành lập. Năm 1959, Giáo hội Tăng già Nam Việt đã xin phép Chính phủ thành lập trường trung-tiểu học Bồ Đề Giác Ngộ - Chợ Lớn, cơ sở đặt tại chùa Giác Ngộ, số 90 đường Trần Hoàng Quân nay là Nguyễn Chí Thanh, do Thượng tọa Quảng Liên làm Hiệu trưởng. Nhưng từ năm 1964 đến năm 1975 do Đại đức Quảng Chánh làm Hiệu trưởng.

Nội dung giảng dạy và đào tạo gồm 2 cấp tiểu học và trung học đệ nhất cấp (ĐNC). Về tiểu học có 12 lớp, mỗi lớp trên 120 học sinh, dạy từ lớp Năm đến lớp Nhất. Chương trình THĐNC có 16 lớp, dạy từ đệ nhất đến đệ tứ, mỗi lớp có trên 65 học sinh. Tổng cộng tiểu học có 1.440 học sinh, trung học đệ nhất cấp có 1.040 học sinh.

GIÁO DỤC TRUNG HỌC ĐỆ NHỊ CẤP

Để phát triển chương trình giáo dục, mở rộng thêm cơ sở trường Bồ Đê, năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã xin phép Chính phủ cho thành lập Trung ương tiểu học Bồ Đề Sài Gòn. Giáo hội đã được Bộ Quốc gia Giáo dục cho phép thành lập trường Bồ Đề Sài Gòn. Trường do Giáo hội mua lại của trường trung học Nguyễn Khuê, tọa lạc tại đường Nguyễn Thái Học, quận 1.

Nội dung giảng dạy của trường gồm 3 cấp: Tiểu học từ lớp 5 đến lớp nhất. Trung học đệ nhất cấp từ lớp đệ thất đến đệ tứ. Trung học nhị cấp từ đệ tam đến đệ nhất, tổng cộng có 17.560 học sinh, do Thượng tọa Quảng Liên làm Hiệu trưởng.

Bằng tinh thần giáo dục Phật giáo và chương trình giáo dục do Bộ quy định, lực lượng giáo viên, giáo sư gồm 2 giới, cư sĩ và chư tăng, đã tận tình dạy dỗ, phấn đấu không ngừng, hạ quyết tâm giành uy tín cho trường về mặt giáo dục, đạo đức và đậu cao. Cụ thể cho thấy: Tiểu học đậu 2.576 học sinh, Trung học đệ nhất cấp đậu 4.673 học sinh, Tú tài 2 đậu 6.583 học sinh trên tổng số học sinh của trường.

Đồng thời, trường trung học Bồ Đề Hạnh Đức - Tân Bình, thành lập năm 1969 do Đại đức Thiện Trí làm Hiệu trưởng, Thượng tọa Tâm Thanh làm Giám đốc, gồm có 3 cấp tiểu học, trung học cấp 1, trung học cấp 2. Tổng cộng có 1.650 học sinh đều thực hiện theo chương trình giảng dạy thống nhất do Bộ giáo dục qui định.

Qua hơn 4 năm hoạt động, thành quả đạt được như sau: Tiểu học đậu 721 học sinh, trung học đệ nhất cấp đậu 460 học sinh, tú tài 1 đậu 179 học sinh trên tổng số học sinh của trường.

Bên cạnh, một số trường trung học đệ nhất cấp cũng đã được thành lập, như Đức Trí (1968), Huệ Đức, Huệ Quang (1970), (1969) v.v.. đã đóng góp một phần nhỏ cho chương trình giáo dục phổ thông, đào tạo nhân tài cho xã hội, cho đạo pháp và cho đất nước.

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

1. Viện đại học Vạn Hạnh

Thực thi Nghị quyết của Đại hội giáo dục kỳ 1, Giáo hội đã quyết định thành lập một Viện Đại học Phật giáo, để đáp ứng nhu cầu giáo dục sau trung học Bồ Đề. Do đó, vấn đề thành lập Đại học Vạn Hạnh là một nhu cầu hợp lý và trình tự nhi tiến theo trào lưu của xã hội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Viện Đại học Vạn Hạnh được lấy tên một vị thiền sư có công đức lớn đối với đạo pháp và dân tộc thời Lý đặt tên cho Viện. Viện được thành lập do quyết định số 1805/GD ngày 17-10-1964 của Bộ Giáo dục và Thanh niên, do Thượng tọa Thích Minh Châu làm Viện trưởng. Cơ sở đặt tại số 222 Trương Minh Giảng, nay là đường Lê Văn Sỹ, quận 3.

Hệ thống tổ chức của Viện gồm có một Hội đồng Quản trị do Viện trưởng điều hành và lãnh đạo toàn Viện. Viện gồm có 5 phân khoa và một trung tâm ngôn ngữ.

- Phân khoa Phật học, do Thượng tọa Trí Tịnh làm khoa trưởng.

- Phân khoa văn khoa, do giáo sư Nguyễn Đăng Thục làm khoa trưởng.

- Phân khoa Khoa học xã hội, do giáo sư Tôn Thất Thiện làm khoa trưởng.

- Phân khoa Khoa học thực nghiệm, do giáo sư Vĩnh Chấn làm khoa trưởng.

- Phân khoa Giáo dục, do Đại đức Nguyên Hồng làm khoa trưởng.

- Trung tâm ngôn ngữ, do Giáo sư Nguyễn Cẩm Quỳnh làm Giám đốc.

Thông qua lập trường và mục đích giáo dục, đào tạo của Viện, Viện Đại học Vạn Hạnh khẳng định bằng 3 mục tiêu và 3 đường hướng.

Ba mục tiêu là:

- Thực hiện tinh thần xây dựng của một nhà giáo dục, giữa những sụp đổ cá nhân, gia đình và xã hội.

- Làm sống dậy niềm tin cho tuổi trẻ Việt Nam.

- Tạo ra một môi trường thật sự đại học, giới thiệu những đường hướng giáo dục căn bản, để trang bị cho những sinh viên những tư tưởng, kiến thức, khả năng và tác phong cần thiết, để sinh viên chuẩn bị tiến bước vào đời. Và 3 đường hướng là:

- Đường hướng giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh là một đường hướng toàn diện, xây dựng trọn vẹn Hạnh đức, Tâm đức và Tuệ đức cho con người.

- Đường hướng giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh là đường hướng giáo dục dân tộc, phát huy quốc học, giúp cho sinh viên tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam.

- Đường hướng giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh là đường hướng giáo dục nhân tính, tạo những con người, giữ được tình người Việt nam, tình người Vạn Hạnh, trong cộng đồng Việt Nam và Vạn Hạnh, và xây dựng tình người nhân loại.

Trên cơ sở đó, Viện Đại học Vạn Hạnh, trên mọi lãnh vực hoạt động, đều dựa trên tinh thần và châm ngôn “Duy tuệ thị nghiệp”.

Với vai trò vị trí và trình độ tương đương, Viện Đại học Vạn Hạnh, thiết lập 3 cấp giáo dục, tương đương với một đại học quốc gia và quốc tế : cấp Cử nhân, Cao học và Tiến sĩ. Nhưng trên thực tế, Viện chỉ mới thực hiện và cấp phát văn bằng Cao học, là văn bằng cao nhất của Viện.

Điều kiện căn bản là, các sinh viên Tăng Ni, Phật tử, không phải là Phật tử, muốn ghi danh theo học tại Đại học Vạn Hạnh, phải có văn bằng tú tài 2, nếu ghi danh theo học phân khoa Phật học, đối với Tăng Ni, cần phải có văn bằng tốt nghiệp trung đẳng Phật học, muốn theo học phân khoa Giáo dục, Khoa học xã hội, sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển. Muốn tốt nghiệp Cử nhân, sinh viên phải hoàn tất 128 học phần, thời gian là 4 năm, tối đa là 6 năm. Muốn tốt nghiệp cao học, sinh viên hoàn tất tối thiểu 42 học phần, với hạng bình thứ và trình một tiểu luận Cao học.

Qua gần 10 năm hoạt động và đào tạo, Đại học Vạn Hạnh đã cho ra trường và cấp bằng tốt nghiệp cho 782 sinh viên. Cụ thể như sau:

* Phân khoa Phật học có 63 sinh viên tốt nghiệp trên tổng số 340 sinh viên.

* Phân khoa Văn Khoa có 175 sinh viên tốt nghiệp trên tổng số 531 sinh viên.

* Phân khoa Khoa học xã hội, có 257 sinh viên tốt nghiệp trên tổng số 1.700 sinh viên.

* Phân khoa Giáo dục có 123 sinh viên tốt nghiệp trên tổng số 630 sinh viên.

* Phân khoa Khoa học thực nghiệm có 51 sinh viên tốt nghiệp trên tổng số 474 sinh viên.

* Trung tâm ngôn ngữ có 119 sinh viên  tốt nghiệp trên tổng số 760 sinh viên.

Tổng cộng là 782 sinh viên. Trong đó, cao học là 214 sinh viên, cử nhân là 568 sinh viên/4.445 sinh viên của Viện.

Ngoài công tác giáo dục đào tạo, thông qua Ban Tu thư và Ấn quán Vạn Hạnh, Viện dã cho xuất bản trên 150 đầu sách, tổng số trên một triệu 600.000 bản đủ loại, bao gồm các tài liệu giảng dạy, nghiên cứu bằng 4 thứ tiếng (Hán, Anh, Pàli và Việt ngữ) cho sinh viên nghiên cứu, học tập, đóng góp một phần lớn vào kho tàng văn hóa Phật giáo cũng như văn hóa dân tộc đất nước.

Theo đà biến thiên của xã hội, và quy luật vô thường của đạo Phật, trước cuộc đại thắng mùa xuân 1975, xã hội đã đổi thay, lịch sử đã sang trang, đường hướng giáo dục cũng đổi thay, và cơ chế quản lý cũng không còn tồn tại đối với Viện Đại học Vạn Hạnh. Do đó, theo chủ trương của Chính phủ, Giáo hội đã bàn giao cơ sở cho Nhà nước quản lý, thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, đến đây, được xem như Viện Đại học Vạn Hạnh đã hoàn thành nhiệm vụ giáo dục của mình đối với Giáo hội cũng như đất nước và dân tộc. Trên tinh thần vô ngã, vị tha, dù ở bất cứ cương vị, phương sở nào, con người Vạn Hạnh vẫn luôn đóng góp công sức và khả năng trí tuệ của mình trong sự nghiệp giáo dục của toàn dân và toàn xã hội, góp phần nâng cao dân trí, văn minh tiến bộ và khoa học theo từng thời đại và lịch sử khác nhau.

2. Viện Đại học Phương Nam (1967-1975)

Sau Đại hội kỳ I năm 1966, vì những điều kiện khách quan và chủ quan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã tách thành hai Giáo hội, Giáo Hội PG Ấn Quang và Việt Nam Quốc tự. Giáo hội Việt Nam Quốc tự do Thượng tọa Tâm Châu, Hòa thượng Thiện Tường, Hòa thượng Minh Thành, Thượng tọa Tâm Giác lãnh đạo, đã xin phép chính phủ thành lập Viện Đại học Phương Nam, năm 1967, cơ sở tọa lạc trong khuôn viên Việt Nam Quốc tự, số 16 đường Trần Quốc Toản, quận 10, nay là đường 3 tháng 2, quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Viện Đại học Phương Nam gồm có một Ban Giám đốc và do Giáo sư Lê Kim Ngân làm Viện trưởng.

Viện gồm có 3 phân khoa - Kinh tế, Thương mãi, Văn khoa và Ngoại ngữ. Số lượng sinh viên tương đối thấp, có khoảng 750 sinh viên, và chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, thì xã hội đã đổi thay, lịch sử đã sang trang, nên hiệu năng và thành quả đạt được không có gì nổi nét và rõ ràng, kết quả chỉ là tương đối, và còn nhiều hạn chế, cuối cùng chấm dứt vai trò của Giáo hội đối với Viện Đại học Phương Nam cũng tương tợ như Viện Đại học Vạn Hạnh.

VI/ KẾT LUẬN

Tổng quan vấn đề, kể từ ngày Phật giáo có mặt trên mảnh đất Gia Định-Sài Gòn, nay là TP. Hồ Chí Minh, do những cao tăng thạc đức, gieo hạt giống đầu tiên cho đến nay, thời gian gần 300 năm. Về hình thức giáo dục Phật học, Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện có thể đánh giá như sau:

1. Về mặt cơ sở giáo dục: Có thể nói, từ buổi ban đầu, dưới dạng thức là những lớp gia giáo, học kinh bộ, hết quyển này sang quyển khác, không hạn cuộc thời gian. Chủ giảng là những vị Tổ sư, trụ trì cơ sở tự viện. Đến khoảng giữa thế kỷ 20 mới hình thành các Phật học đường, Phật học viện trên một quy mô và có hệ thống tổ chức tương đối hoàn bị và có qui củ, chia làm 4 cấp, rồi 3 cấp: mông đẳng, sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng Phật học.

2. Nội dung giáo dục: Chủ yếu là Phật học, dựa trên cơ sở Tam tạng giáo điển Kinh - Luật - luận, phần chính là chữ Hán, đến cuối thế kỷ 20, vấn đề chuyển ngữ mới đặt ra và thực hiện ngày càng Việt ngữ hóa, nhưng căn bản vẫn là Hán học, mặc dù đã phổ thông hóa hệ thống giáo dục Phật giáo.

3. Đối tượng giáo dục : phần lớn là những Tăng Ni vùng Đồng Nai, Gia Định-Sài Gòn và lục tỉnh có nhiệt tâm vì đạo pháp và hết lòng phục vụ chúng sinh và xã hội cũng như dân tộc; duy trì mạng mạch Phật pháp, phát triển đạo Phật ngày càng trang nghiêm vững mạnh huy hoàng trong lòng dân tộc.

4. Kết quả giáo dục: Gần 300 năm giáo dục Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo biết bao danh tăng thạc đức, những bậåc thạch trụ chốn tòng lâm, pháp khí Đại thừa, giàu lòng yêu nước, yêu đồng bào, hết lòng hy sinh để phụng sự nhân dân, hòa mình hiện hữu trong lòng dân tộc nhất là trong 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ, giải phóng quê hương, thống nhất tổ quốc.

Đặc biệt, trong sự nghiệp duy trì và phát triển Phật pháp, không ít Tăng Ni, Phật tử đã hy sinh tự ngã, thể hiện tinh thần vô ngã vị tha, lục hòa cộng trụ, đoàn kết hòa hợp, thống nhất Phật giáo Việt Nam, xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam ngày càng trang nghiêm vững mạnh trong lòng dân tộc, làm cho đạo pháp mãi trường tồn tại thế gian, “tốt Đạo, đẹp Đời”.«

Mùa Phật Đản PL 2542 - DL 1998


 

Hệ thống giáo dục Ni giới tại Sài Gòn

 

THÍCH NỮ NHƯ HOA

Giáo dục là vấn đề trọng yếu của người xuất gia, vì mục đích của tu sĩ là phát triển trí tuệ và kiện toàn nhân cách. Vào thời đức Phật, hàng đệ tử căn cơ bén nhạy chỉ cần nghe một câu kệ hay một bài pháp ngắn là đủ lãnh hội yếu chỉ, còn hàng căn cơ yếu kém, phải học, đọc, tụng nhiều lần mới thông suốt. Giáo dục phát xuất từ đó. Về phần Ni chúng, khi thành lập giáo đoàn Ni, đức Phật đã trao quyền lãnh đạo và giáo dục cho Ngài Kiều Đàm Di mẫu - vị thầy đầu tiên của Ni giới, vị đệ nhất kinh nghiệm trong hàng đệ tử Phật. Đồng thời đức Phật cử thêm các vị trưởng lão Tăng mỗi nửa tháng sang bên Ni giáo giới. Như vậy, một Ni chúng chịu ảnh hưởng hai nguồn giáo huấn, một từ Tăng bộ và một từ bổn bộ Ni. Truyền thống này được giữ từ thời đức Phật cho đến ngày nay.

Phật giáo Sài Gòn 300 năm trong dòng lịch sử phát triển của nó đã trở thành trung tâm văn hóa giáo dục của khu vực đồng bằng phía Nam. Tất cả những hoạt động trên vùng đất này đều có ảnh hưởng tương quan tương duyên với nhau, để cùng tiến đến ngày càng tốt đẹp. Vào các thập niên 1940-1950, tại Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn có các Ni trường Tăng Già, Từ Nghiêm, Dược Sư, Huê Lâm, là những nơi tiêu biểu cho hệ thống giáo dục Ni chúng, mỗi nơi đều có nét đặc thù riêng.

1- Ni trường Tăng Già

Tên trường Tăng Già được sử dụång năm 1946 đến năm 1962. Trường đầu tiên là một lớp học Phật pháp cho Tăng và Ni, do quý Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Thới An, Hòa thượng Thiện Tường tổ chức. Năm sau, lớp học tách riêng, trường Tăng đặt tại Giác Nguyên, trường Ni đặt tại Tăng Già, cả hai trường chung một Ban Giám đốc do quý Hòa thượng lãnh đạo. Có thể nói, trường Tăng Già là trường Ni sớm nhất tại Sài Gòn. Trường xây dựng đơn sơ, nhưng tầm vóc hoạt động rộng rãi, nhờ uy đức của quý Hòa thượng, chư Ni các nơi đến tham học đều nhớ kỷ niệm một thời ở Tăng Già. Những vị xuất thân từ đó đều là các bậc tôn trưởng trụ trì lãnh đạo các ni trường, ni viện, là bậc thầy của chư Ni thành phố.

Khi chư Ni đã trưởng thành đủ sức quản lý, Hòa thượng Hành Trụ thành lập Ban trụ trì Ni để trông nom chùa. Năm 1962, sau một trận hỏa hoạn, chùa bị cháy, quý Ni trưởng trong Ban trụ trì ra công tái thiết, đổi hiệu Tăng Già thành Kim Liên ni tự. Ni trưởng Tịnh Khiết đảm nhiệm việc xây cất và trở thành vị trụ trì chính thức. Ngoài việc chăm lo đời sống tu học của Ni chúng, chùa Kim Liên còn mở lớp tiểu học phổ thông, với mục đích giúp đỡ con em gia đình lao động nghèo có nơi để trau giồi kiến thức văn hóa. Đó là một việc làm thể hiện tinh thần nhập thế của đạo Phật, đóng góp xây dựng xã hội ngày càng phát triển. Y theo chí nguyện các bậc khai sơn tiền bối, ngày nay Kim Liên đã nằm trong hệ thống sinh hoạt của Giáo hội. Mở trường hạ cho chư Ni các nơi tập trung tu học, lớp sơ cấp Phật học, Tuệ Tĩnh đường miễn phí, đầu tư công sức và trí tuệ làm tốt đẹp thành phố.

2- Ni trường Từ Nghiêm

Bản thân ni trường Từ Nghiêm ngay từ buổi đầu đã nằm trong tổ chức giáo dục của Giáo hội. Năm 1950, Phật học đường Nam Việt ra đời, trường Tăng đặt tại Ấn Quang, trường Ni đặt tại Từ Nghiêm, quận 10, Chợ Lớn. Lúc đó, ni trường chỉ có 3 gian nhà lá, Ni chúng dự học 40 vị. Cả hai trường cùng chung một Ban Giám đốc và Ban Giảng huấn. Đến năm 1952, khu vực đường Bà Hạt bị hỏa hoạn, ni trường Từ Nghiêm bị cháy vì vật liệu đơn sơ tre lá. Quý Hòa thượng dời Ni chúng về chùa Dược Sư, Gia Định. Dù thiếu phương tiện vật chất cũng như trở ngại về đường sá, nhưng quý Hòa thượng trong Ban Giám đốc vẫn chăm lo bảo bọc để Ni chúng có nơi tu học. Với hạnh nguyện hoằng thâm như thế, nên quý Ni trưởng ngày nay kính nể quý Ngài như bậc thầy tôn kính.

Năm 1959, sau khi Ban Quản trị Ni bộ thành lập, quý Ni trưởng quyết định tái thiết ni trường Từ Nghiêm thành trụ sở Ni bộ. Trong việc xây dựng này, Ni trưởng Như Huệ là người có nhiều công lao đáng tưởng nhớ. Ni trưởng Như Huệ xuất thân từ ni học đường Vĩnh Bửu, ngay từ thời còn học ni, Ni trưởng đã được cụ Tổ Khánh Hòa nhận thấy bản chất hy sinh hết lòng phục vụ đại chúng, nên giao nhiệm vụ trụ trì Vĩnh Bửu. Nằm trong Ban Quản trị Ni bộ và phụ trách phần tài chánh trong thời buổi kinh tế khó khăn, Ni trưởng vận động với từng Phật tử để lo xây dựng kiến tạo cơ sở Ni bộ. Năm 1962, công tác kiến thiết hoàn thành, chùa Từ Nghiêm trở thành ngôi già lam đĩnh đạc, uy nghi, Ni trưởng vẫn đơn giản trong chức vụ quản lý của mình, tiếp tục công hạnh xây dựng đoàn thể Ni giới. Tuy Ni trưởng không giữ nhiệm vụ giáo dục Ni chúng, nhưng cuộc đời và hạnh nguyện của Người là một bài học sống động mà Ni chúng cần noi theo.

Năm 1964, từ trụ sở Ni bộ Nam Việt thành trụ sở Ni bộ Bắc tông. Năm 1972, quý Ni trưởng trong Ban Quản trị Ni bộ khai giảng lớp trung đẳng chuyên khoa, dạy song song chương trình Phật học và thế học. Từ đó, ni trường Từ Nghiêm vừa là trụ sở Ni bộ, vừa là Phật học ni viện đào tạo Ni chúng. Với hai chức năng, Từ Nghiêm chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong sinh hoạt Ni giới tại Sài Gòn-Chợ Lớn.

3- Ni trường Dược Sư

Ni trường Dược Sư là trường ni lớn nhất ở miền Nam, phần đông Ni chúng từ các nơi quy tụ. Với hệ thống giáo dục đều đặn, tổ chức nếp sống theo tinh thần giới luật và kỷ cương của Ni bộ, cùng với Ban Giảng huấn uy tín của các trường Ấn Quang, Huệ Nghiêm, Vạn Hạnh. Từng lớp Ni được thừa hưởng sự giáo dục đầy đủ cả phẩm và lượng, để hiện tại thành những người có khả năng gánh vác Phật sự.

Ban Giám đốc đầu tiên của trường Dược Sư là quý Hòa thượng trong Giáo hội Tăng già Nam Việt. Khi Ni bộ thành lập, quý Hòa thượng chuyển giao cho quý Ni trưởng quản lý, kể từ đó ni trường do chư Ni điều hành. Quý Ngài chỉ cố vấn và giảng dạy. Quý Ni trưởng bắt đầu lãnh nhiệm vụ nặng nề lãnh đạo Ni chúng toàn miền Nam, điều khiển các ni trường lớn. Tại ni trường Dược Sư, số lượng Ni sinh khoảng 100 vị. Chương trình học song song vừa Phật pháp vừa thế pháp. Hàng ngày, ngoài việc ôn tập kinh điển, trau giồi học hạnh, Ni chúng còn tham gia các mặt công tác từ thiện xã hội như : mở lớp dạy ban đêm cho người thất học, mở Tuệ Tĩnh đường hốt thuốc và châm cứu miễn phí, mở ký nhi viện để dạy các em mồ côi, tùy theo khả năng của từng vị đảm nhiệm công tác khác nhau. Đời sống tu học của chư Ni rất hài hòa sinh động, kết hợp giữa đạo và đời, luôn thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ ban vui của đạo Phật đến với những gia đình bất hạnh, nghèo khổ, neo đơn.

Năm 1968, ni trường Dược Sư trực thuộc Tổng vụ Giáo dục do Hòa thượng Minh Châu làm Tổng vụ trưởng, đề cử Ni trưởng Huyền Học làm Giám viện cùng với quý Ni trưởng Như Châu, Ni trưởng Huyền Huệ, Ni trưởng Như Hòa... tiếp tục khai giảng lớp trung đẳng chuyên khoa I và II. Qua từng giai đoạn giáo dục, ni trường Dược Sư đã đào tạo thành công Ni chúng từ sơ trung đến đại học. Ni trưởng Huyền Học là vị Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông đầu tiên nhiệm kỳ 1964-1967, cũng là vị thầy đạo phong khả kính, uy nghiêm, mẫu mực nhưng vô cùng đơn giản, khi ở chức vụ điều hành, khi đứng cương vị giáo dục, khi theo dõi học hạnh. Ni trưởng là hiện thân của giới luật, của Phật pháp vi diệu. Ni chúng ở trường vô cùng phấn khích khi ngước lên nhìn thấy các bậc thầy Ni làm tấm gương kính vọng. Bởi vì một Ban Giám đốc đạo hạnh là điều kiện tiên quyết trong sự nghiệp giáo dục. Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ III tại thủ đô Hà Nội, Ni trưởng được đề cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có thể nói, Ni trưởng là người tiêu biểu cho nền giáo dục Ni giới cận đại.

4- Ni trường Huê Lâm

Ngày xưa những ngôi chùa nổi tiếng, hoặc ở vào địa thế sơn thủy kỳ tú, hoặc có liên quan đến di tích lịch sử, hoặc là nơi cư trú của các bậc long tượng thiền gia. Riêng trường Huê Lâm nổi tiếng vì Ni trưởng Như Thanh, vị đệ nhất trưởng lão Ni của miền Nam, người đứng đầu Ban Quản trị Ni bộ cùng với quý Ni trưởng thời bấy giờ hướng dẫn Ni chúng đi vào đường lối sinh hoạt tốt đẹp, vững vàng. Nhờ sự đoàn kết đúng thời kịp lúc, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa chùa ni này với chùa ni khác, sách tấn và khuyến khích cho nhau trên bước đường tu học. Nhờ đó, Ni chúng bước kịp theo đà tiến hóa của lịch sử. Có thể nói, Ni trưởng Như Thanh là người nắm giữ cương lĩnh, người đề xuất phương án hoạt động, là bậc thầy giáo dục không bao giờ mỏi mệt.

Huê Lâm cũng là ngôi chùa Ni đầu tiên mở trường phổ thông trung tiểu học Kiều Đàm miễn phí, để tạo điều kiện thuận tiện nâng cao kiến thức cho các em gia đình nghèo, đóng góp phần xây dựng đạo đức văn hóa cho xã hội. Ngoài chương trình giáo dục, Ni trưởng Như Thanh còn chỉ đạo cho Ni chúng tham gia các mặt công tác từ thiện xã hội như mở lớp dạy may, lớp hướng nghiệp, làm kinh tế tự túc, phòng thuốc Nam châm cứu miễn phí. Với hạnh nguyện tự lợi, lợi tha, Ni trưởng đã thành tựu các mặt công tác Phật sự làm tốt đạo đẹp đời.

* GIÁO DỤC XƯA VÀ NAY

Nhìn lại hệ thống giáo dục Ni chúng ngày trước, chỉ có một vài ni trường với số lượng đông nhất khoảng 100 người. Đời sống nội trú khép kín theo tinh thần kỷ cương giới luật, chương trình học đặt nặng về Phật pháp, không khí học viện trầm lặng, nhưng số lượng thành tài đáng kể.

Hiện nay, với đường lối giáo dục mở rộng, Ni chúng tự do theo học các trường lớp từ sơ cấp đến đại học. Giáo dục bình đẳng cho Tăng và Ni, số lượng Ni sinh bao giờ cũng vượt trội. Thành phố Hồ Chí Minh có sức hút đối với Ni sinh trẻ vì điều kiện sinh hoạt dễ dàng, giáo dục đa dạng, có nhiều cơ hội tiến thân. Tại các phân khoa đại học bên ngoài cũng có hình ảnh chư Ni tham dự, chứng tỏ khả năng học hiểu và hoạt động của Ni giới vượt xa. Không khí học tập phát triển như vậy là điều đáng mừng, nhưng bên cạnh còn có nỗi ưu tư của các bậc Ni trưởng khi thấy giới Ni trẻ vượt khỏi tầm tay của mình, số lượng nhiều mà thực chất thì chưa được bao nhiêu.

* KẾT LUẬN

Trong mốc lịch sử Phật giáo tại Sài Gòn 300 năm, chúng ta có dịp nhìn suốt những chặng đường giáo dục của Ni giới từ buổi đầu khi thành lập giáo đoàn Ni, cho đến trải qua các thời cận đại. Suốt chiều dài lịch sử, các bậc tiền nhân đã vượt qua biết bao cam go thử thách để đạt mục đích xây dựng đào tạo thế hệ Ni lưu vừa có học, vừa có hạnh, kiện toàn nhân cách của một tu sĩ. Nhất là trong giai đoạn Phật giáo thời cận đại, các bậc tôn trưởng Ni đã thành tựu sở học, sở tu của mình, vì được đào tạo trong vòng kỷ cương giới luật, được học hỏi kinh nghiệm của thầy bạn truyền trao, được nung đúc rèn luyện trong ngôi nhà tập thể. Một nền giáo dục hữu hiệu qua hình ảnh lãnh đạo sáng suốt của các bậc tôn đức Tăng già tại Sài Gòn, đã đưa Phật giáo ngày càng vững mạnh trên đà phát triển của xã hội, phần lớn đều xuất thân từ Phật học viện.

Xuyên qua cách tổ chức các Phật học ni viện cho chúng ta nhiều kinh nghiệm về việc học và tu, cũng như cách ứng xử của các bậc tiền nhân, luôn luôn bắt kịp và phát huy mọi tính chất nội tại của mình. Ni chúng hiện nay cũng được dự phần giáo dục đầy đủ, luôn có mặt trong mọi lãnh vực học đạo, học đời. Một thế hệ Ni trẻ tiếp theo thừa hưởng truyền thống tinh thần của các bậc tiền bối, phải càng nỗ lực hơn nữa trong việc tu học cũng như phụng sự đạo đời, mới mong xứng đáng là những người con Phật sống trong thành phố đang phát triển.«


 

Ni giới Khất sĩ - một dấu ấn trước dòng thời gian

 

Ni trưởng THÍCH NỮ NGOẠT LIÊN

“Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương”

Lời nguyện tha thiết của Ni trưởng như vẫn còn văng vẳng đâu đây, sâu lắng tận đáy tâm hồn như thúc giục, nhắc nhở chúng ta về một lẽ sống “Đạo và Đời”. Vì thế mà sau khi xuất gia tu học với Tổ sư Minh Đăng Quang, Tổ khai sơn hệ phái Khất sĩ Việt Nam, một giáo phái mang riêng bản sắc Việt Nam, Ni trưởng đã được Tổ sư thọ ký pháp danh Huỳnh Liên và từ đó Ni trưởng trực tiếp học đạo, nghe pháp với Tổ sư qua những bài chân lý thực sống, bằng những thử thách gay go trên đường hành đạo, để rèn luyện ý chí, giồi trau phẩm hạnh, hầu khai thị pháp thân, nối truyền huệ mạng, truyền lưu giáo pháp Phật Đà. Ni trưởng đã được sự uỷ thác của Tổ sư tiếp chúng độ Ni, trong phận sự trưởng tử Ni.

Với hạnh nguyện làm chiếc thuyền chở che phái nữ, Ni trưởng đã nỗ lực lèo lái giáo đoàn Ni giới Khất sĩ song song con thuyền Giáo hội Tăng già, tuyên lưu Phật pháp rộng sâu trong quần chúng nhân gian, khai mở đạo tràng, giáo dưỡng môn sinh, cứu trợ nạn nhân chiến tranh, nuôi dưỡng quả phụ cô nhi và cùng nhân dân đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất đất nước, đòi quyền sống cho phụ nữ.

Đặc biệt, tịnh xá Ngọc Phương, trung tâm của Ni giới hệ phái Khất sĩ, nơi mang nhiều dấu ấn lịch sử của Ni trưởng Huỳnh Liên, được thành lập từ năm 1958 là một trong hơn một trăm ngôi tịnh xá từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau do Ni trưởng kêu gọi, đóng góp xây dựng nên, và riêng tại thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 20 tịnh xá trực thuộc Ni giới Khất sĩ dưới sự quản lý của Ni trưởng Huỳnh Liên, luôn mở rộng cửa đón nhận các nạn nhân chiến tranh, trẻ mồ côi và cũng là hậu cần nuôi dưỡng các phong trào sinh viên học sinh đấu tranh và những người làm cách mạng. Đây cũng là căn cứ điểm của đội quân “không tóc” mà Ni trưởng giữ vai trò tiên phong lãnh đạo.

Với chủ trương bất bạo động, Ni trưởng Huỳnh Liên đã dẫn đầu các cuộc biểu tình lên án chính phủ Mỹ gây chiến tranh tại Việt Nam, cũng như phản đối ngụy quyền đàn áp, bắt bớ sinh viên học sinh, kỳ thị tôn giáo, phá hoại các cơ sở tín ngưỡng, đàn áp tù chính trị. Ni trưởng cũng tích cực đấu tranh đòi vãn hồi hòa bình tại Việt Nam. Ngoài ra Ni trưởng còn hướng dẫn Ni giới Khất sĩ tham gia hàng loạt các phong trào yêu nước khác như hỗ trợ đình công của công nhân bị chủ bóc lột, vận chuyển tiền tiền bạc, thuốc men cho các chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Song, mốc thời gian đánh dấu cho bước phát triển toàn diện các hoạt động yêu nước của Ni giới Khất sĩ, đó là việc Ni trưởng tham gia thành lập và giữ vai trò cố vấn cho phong trào “Phụ nữ đòi quyền sống”, được ra mắt tại chùa Ấn Quang ngày 2-8-1971 và trụ sở của phong trào đặt tại tịnh xá Ngọc Phương do bà Ngô Bá Thành lãnh đạo với tuyên ngôn “Đòi Mỹ rút quân về nước, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi thành lập một chính phủ thật sự đại diện cho nhân dân miền Nam, đòi quyền sống và bảo vệ nhân phẩm phụ nữ”. Phong trào phụ nữ đòi quyền sống được diễn ra sôi động tại Sài Gòn, được các giới ủng hộ và đã có ảnh hưởng lớn đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Các năm tiếp sau, Ni trưởng tiếp tục tham gia thành lập Mặt trận Nhân dân tranh thủ dân chủ hòa bình do cụ Đặng Văn Ký làm chủ tịch.

Chiến tranh càng lúc càng leo thang, Ni trưởng ngày càng hòa nhập phong trào quần chúng, đấu tranh không súng không gươm, chỉ bằng đuốc trí tuệ, tính kiên trinh, quyết liệt, không nại hà lửa bỏng dầu sôi, tích cực hy sinh cho quyền sống và hòa bình dân tộc. Do vậy mà Ni trưởng đã lãnh đạo các phong trào đấu tranh bằng những biện pháp hết sức thông minh, linh hoạt, làm cho địch phải thất điên bát đảo; và từ đó, danh hiệu “Đội quân đầu tròn” bên cạnh danh hiệu “Đội quân tóc dài” đã hiên ngang đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc, và những hoạt động của Ni trưởng đã làm cho ngụy quyền gặp nhiều lúng túng, buộc phải thực hiện một số yêu sách chính đáng của Phật giáo và quần chúng nhân dân. Các phong trào đấu tranh tiếp tục diễn ra sôi động với mục tiêu rõ rệt là đòi dân quyền, dân sinh dân chủ, đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi thả tù nhân chính trị, đòi thực hiện hiệp định Paris, đòi hòa bình, hòa giải hoà hợp dân tộc... đã được các giới đánh giá rất cao.

Chiến dịch mùa xuân 1975 đại thắng, nhưng dân tộc ta vẫn chưa vơi khổ cảnh, nỗi lòng Bồ tát vẫn trĩu nặng ưu tư. Do vậy, Ni trưởng vẫn tiếp tục nhiệt tình hưởng ứng và tích cực vận động chư Ni, Phật tử nỗ lực đóng góp dài hạn tài vật cho Ni trưởng có phương tiện để thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, phúc lợi xã hội, tuyến đầu tổ quốc, đoàn kết tương trợ người già neo đơn, thiếu niên tàn tật, các trại nuôi trẻ mồ côi, các gia đình thương binh liệt sĩ... thăm và tặng quà cho thương bệnh binh, các bệnh nhân nghèo ở các trung tâm, trẻ em khuyết tật... ngoài ra, Ni trưởng còn hướng dẫn Ni giới Khất sĩ trực tiếp tham gia các công tác xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, tham gia vào công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam bằng tất cả tâm huyết của một nữ tu chân chính luôn lấy nghĩa non sông làm nghĩa đạo, tất cả đều toát lên một vẻ đẹp của tâm hồn cao thượng, tấm lòng vô ngã vị tha. Người những mong một xã hội công bằng-văn minh-bình đẳng, cơm no-áo ấm, con người nhìn nhau bằng ánh mắt thiện cảm, đoàn kết, thương yêu. Ni trưởng Huỳnh Liên “thật sự là hiện thân của sự hòa bình, nhuần nhuyễn tinh thần Phật giáo và tinh thần dân tộc” được thể hiện qua bài thơ:

“Dầu tu sĩ cũng công dân đất nước

Vì tình thương, vì đạo đức đấu tranh

Cho tự do trong độc lập hòa bình

Cho hạnh phúc trong phồn vinh vĩnh cửu”

(Khúc thanh bình)

Tuy bận rộn nhiều với các công tác từ thiện xã hội, nhưng phút giây nào Ni trưởng cũng vận dụng trí tâm, nỗ lực dùng thân, khẩu, ý giáo hóa môn đồ, độ cư gia bá tánh. Vốn có thiên phú về thi ca, Ni trưởng đã để lại cho đời hơn 2000 bài thơ, bài kệ đủ loại, hàng ngàn bản văn xuôi, phần nhiều là khích lệ, sách tấn hội chúng xuất gia cũng như tại gia phải nỗ lực tiến tu đạo nghiệp, lấy Giới, Định, Huệ làm căn bản trừ diệt tham sân si, sống trong sạch giải thoát thanh cao, giồi trau kiến thức; phải luôn luôn đoàn kết, thực hiện pháp Tam tụ lục hòa, vong kỷ lợi tha, sớm tinh cần cơm thiền sữa pháp, sao cho vừa cứu mình, vừa giúp người vừa lợi đạo ; thực hành nhiệm vụ thiêng liêng “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” trong tứ phương thiên hạ để đáp ơn Phật pháp, Tổ thầy. Ý thơ văn còn khuyến khích chúng Ni luôn luôn tỉnh giác vô thường, khổ, không, vô ngã, vừa hành thập thiện, lục độ, nếp sống thuần lương, vừa gởi gắm bổn hoài cư sĩ, vừa gọi hồn dân tộc, thúc giục đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước. Và cũng để giúp cho Ni chúng, Phật tử lãnh hội được ý nghĩa súc tích, thâm sâu của kinh tạng chữ Hán và Pàli, Ni trưởng chủ trương Việt hóa bằng cách diễn dịch các kinh trên ra chữ quốc ngữ, thể văn vần cho dễ học, dễ hiểu và dễ nhớ. Một số kinh tụng thường nhựt được Ni trưỏng diễn dịch như kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Báo Hiếu, Bát Nhã Tâm kinh, kinh Vô Ngã Tướng, kinh pháp Cú, Di giáo, Tứ Thập Nhị chương, Khóa hư lục, Qui sơn cảnh sách... đã được xuất bản, tái bản nhiều lần. Lời thơ của Ni trưởng giản dị, trong sáng, với những hình ảnh cụ thể gợi cảm nên rất dễ đi vào lòng người. Thơ đạo của Ni trưởng theo cảm niệm của Giáo sư Hoàng Như Mai thì đấy là những cụm hoa không phải kén chọn, ươm trồng, chăm sóc với những công phu dành riêng cho các loài hoa quý hiếm trong vườn thượng uyển, mà là hoa đồng, hương quê rất mộc mạc, thân mật với chúng sanh; ai cũng có thể và nếu ưu thích thì dễ dàng hái lấy để cài lên mái tóc hay đem về cắm ở nhà, không bị ngăn cấm gì hết vì là của chung của mọi người, để trong nhà, hương thơm lan tỏa khắp nơi, ai đến gần cũng được thơm lây. Đó là cái cách Ni trưởng đem đạo pháp đến cho mọi người.

Đặc biệt trong sự nghiệp giáo hóa và dắt dìu Ni chúng, Ni trưởng luôn ôm ấp hoài bão đào tạo Tăng tài để “kế vãng khai lai”; vì thế, ngoài việc hướng dẫn Ni chúng chuyên tu giải thoát, Ni trưởng còn khuyến khích, hỗ trợ Ni chúng học thêm văn hóa, học rộng Phật pháp. Bởi vì Ni trưởng chủ trương:

“Tu có học mới rạng ngời chánh pháp,

Học có tu mới lợi đạo, ích đời”

Và Ni trưởng vẫn thường xuyên nhắc nhở chư Ni: “Mỗi người học chữ phải trau giồi đạo đức, lấy sự tu chứng làm việc chứ không phải chỉ học suông. Mỗi người phải biết lấy công ơn tín thí, công ơn Thầy tổ làm rường cột, kim chỉ nam cho sự tu học hành đạo” (Trích lời di chúc của Ni trưởng).

Trong sự nghiệp tu học của Ni chúng, Ni trưởng cũng đã khuyến khích chư Ni trực tiếp lao động sản xuất, tạo nền kinh tế tự túc cho nhà chùa, góp phần cải thiện đời sống của chư Ni và Phật tử, cũng vừa tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày một thăng hoa, giúp cho thành phố thân yêu ngày thêm tươi đẹp.

Dẫu rằng ngày nay Ni trưởng đã yên nghỉ nơi cõi Niết bàn vắng lặng, nhưng công nghiệp của Ni trưởng mãi còn đây, trong lòng thành phố thân yêu, trong tâm khảm những con Phật, trong lòng Đảng, lòng dân, như cụ Huỳnh tấn Phát, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã viết :

“Vô cùng thương tiếc Ni sư Huỳnh Liên, một vị chân tu giàu lòng yêu nước, đã bất chấp sự đàn áp dã man của địch, sẵn sàng chấp nhận mọi sự gian khổ hy sinh, kiên quyết xuống đường, đấu tranh dũng cảm kiên cường vì nền độc lập tự do của đất nước và nêu cao tinh thần xả thân vì chánh nghĩa theo gương sáng của đức Phật”.

Thật đúng như tâm nguyện của Ni trưởng:

Đi ta đi! Quyết dấn thân vào

Chốn khổ đau mà sớt khổ đau

Người Việt lâm nàn, người Việt cứu

Tương thân, tương trợ nghĩa đồng bào”

(Trích Lên đường cứu khôí)

Phải chăng niềm tin yêu cuộc sống, yêu chuộng hòa bình tự do, công lý đã thúc giục giới tu sĩ Phật giáo từng bước đi lên nối tiếp truyền thống phụng đạo cứu đời của các Thiền sư trong thời Đinh, Lê, Lý, Trần; trong thời kỳ kháng chiến chống pháp, chống Mỹ và còn biết bao tu sĩ đã cống hiến trọn đời mình cho đạo pháp, dân tộc. Trong đó có hình ảnh của Ni trưởng Huỳnh Liên, Ủy viên Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự GHPGVN, đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Mặt trận thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới Tp. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước tp. HCM, Trưởng Ni giới hệ phái Khất sĩ Việt Nam.

Ngày nay, đứng giữa ngôi tịnh xá Ngọc Phương, nơi một thời Ni trưởng sống, làm việc và hành đạo, nay đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là “Di tích lịch sử” theo quyết định số 2754QĐ/BT ngày 15-10-1994, chúng tôi muốn nói nhiều lắm, nhưng ngôn từ nào có thể diễn đạt cho tường tận, dẫu rằng dòng thời gian âm thầm trôi biền biệt, nhưng tấm gương sáng chói, công hạnh tuyệt vời, chí nguyện cao cả, đức trí viên dung và tinh thần bất khuất của Ni trưởng mãi mãi khắc sâu và rạng chiếu trong tâm khảm Ni giới Khất sĩ chúng tôi. Giờ đây, công hạnh của Ni trưởng đã viên mãn, báo thân Ngài đã từ giã cõi đời để lại bao niềm tiếc thương vô hạn, nhưng đạo nghiệp của Người vẫn luôn vẻ vang, sáng chói trong mọi sinh hoạt Phật giáo và dân tộc:

“Chí bất khuất vì hạnh phúc tự do,

Chiếc áo Khất sĩ vẻ vang trong Ni giới;

Nguyện kiên cường cho hòa bình độc lập,

Tấm thân nữ lưu nêu gương sáng chốn tòng lâm”

(Hòa thượng Thích Từ Thông)

Ôi! Tấm lòng vì Đạo vì Đời của Ni trưởng mênh mông bát ngát như biển khơi.

Thành kính trân trọng những bước vừa hùng lực, vừa từ bi hỷ xả của Ni trưởng. Chúng con nguyện mãi mãi nỗ lực tinh tấn trong đạo nghiệp, thực hiện bổn hoài mà Ni trưởng đã một đời tâm niệm.«


 

Sự tu học của Tăng sĩ Phật giáo

trong suốt 300 năm hình thành và phát triển TP Sài Gòn

 

Ban soạn dịch Từ Điển Phật học Huệ Quang

Thành phố Sài gòn được thành lập đến nay đã 300 năm, Phật giáo cũng có mặt tại thành phố này bằng tuổi của thành phố.

Nói như thế không có nghĩa là Phật giáo chính thức được thành lập cùng năm tháng với thành phố. Theo dấu chân hoằng hóa của các Thiền sư ở các vùng Đồng Nai-Gia Định, từ đầu thế kỷ XVII, các Tăng sĩ đã theo các di dân từ Đàng Ngoài cùng một số ít người Hoa vào Đồng Nai-Gia Định lập nghiệp. Sự hiện diện của các Thiền sư là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các di dân nơi đất lạ quê người.

Đầu tiên có thể kể đến Hòa thượng Chuyết Công (tức Thiền sư Viên Văn-Chuyết Chuyết) và một số đệ tử, trong đó nổi tiếng nhất là Thiền sư Minh Hành-Tại Tại, có lẽ hoằng hóa ở vùng Sài Gòn từ năm 1630. Khoảng năm 1692-1695, sau những biến cố chính trị và các cuộc nổi loạn của A Ban, Chưởng Cơ, Nguyễn Phước Thông, Nguyễn Phước Huệ, Quảng Phú và Linh Vương ở miền Trung, Tổ sư Nguyên Thiều vào lập chùa Kim Cang ở Đồng Nai, Thiền sư Thành Đẳng-Minh Lượng vào lập chùa Đại Giác ở Đại Phố, Biên Hòa. Các Thiền sư đã đào tạo được nhiều đệ tử nổi danh như Minh Vật-Nhất Tri, Minh Giác-Kỳ Phương, Thành Nhạc-Ẩn Sơn..., mở rộng phạm vi hoằng hóa xuống vùng Gia Định và các tỉnh Nam Bộ. Như vậy, khi thành phố Sài Gòn được chính thức thành lập, Phật giáo đã thực sự hiện diện tại đây, tuy chưa thành hình rõ nét, nhưng hình ảnh của các Thiền sư thể hiện tinh thần lợi tha quảng bác, an ủi vỗ về, giúp đỡ tinh thần và những nghi lễ tôn giáo cho những di dân mới đến lập nghiệp giữa vùng rừng thiêng nước độc, nổi tiếng với cọp beo, cá sấu và ma quỷ thần linh.

Năm 1734, chúa Nguyễn Phước Khoát chính thức xưng vương. Võ vương với đạo hiệu Từ Tế Đạo Nhân là người có tinh thần Phật giáo rất lớn. Ông phát động phong trào di dân từ miền Trung vào Đồng Nai-Sài Gòn, khiến dân số vùng này ngày một đông thêm, Phật giáo cũng theo đó mà phát triển mạnh mẽ.

Những ngôi chùa đầu tiên ở thành phố Sài Gòn, có thể kể đến chùa Từ Ân và chùa Khải Tường, do Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc khai sơn vào năm 1744, tức nằm trong công viên Tao Đàn ngày nay. Chùa Giác Lâm do cư sĩ Lý Thoại Long sáng lập vào năm 1744, tức là chùa ở đường Lạc Long Quân ngày nay, chùa Thiên Trường do Thiền sư Pháp Nhân khai sơn vào năm 1755, ở gần Cầu Kho ngày nay, chùa Kim Chương (tức hiện nay là chùa Lâm Tế ở quận 1) do Thiền sư Đạt Bổn khai sơn vào năm 1756. Ngoài ra còn có một số chùa nổi tiếng như Sắc tứ Tập Phước tự ở Bình Thạnh, chùa Long Nhiễu, chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức, chùa Hội Sơn, chùa Phụng Sơn, chùa Mai Sơn, chùa Phước Kiến, chùa Trường Thọ v.v... Như vậy, cuối thế kỷ 18, thành phố Sài Gòn đã có nhiều ngôi chùa lớn, chứng tỏ tu sĩ đã khá đông đảo và Phật giáo đã đi vào tổ chức đàng hoàng.

 lTÌNH HÌNH TU HỌC CỦA CHƯ TĂNG CUỐI THẾ KỶ XVIII

Như chúng ta đã biết, thời đại hoàng kim của Phật giáo Việt Nam là đời Trần, văn hóa Phật giáo phát triển rực rỡ và toàn diện. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc khắc in Đại tạng kinh Việt Nam do Thiền sư Pháp Loa, Tổ thứ 2 của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử chủ trì. Trong lần khắc in này, Đại tạng kinh có khoảng hơn 5.000 quyển, trong đó có một số tác phẩm của chư Tổ Việt Nam và của Phật giáo đời Trần. Tiếc thay! Khi nhà Minh sang xâm lược nước ta, tướng Trương Phụ đã mang toàn bộ kinh sách ấy về Kim Lăng thiêu hủy hết.

Như vậy, trải qua các triều đại Lê Mạc, Tây Sơn, Trịnh-Nguyễn phân tranh, kinh sách Phật giáo ở Việt Nam chỉ còn lại một số ít lưu truyền trong các ngôi cổ tự, một phần do chư Tổ thỉnh từ Trung Quốc sang. Khi các Thiền sư vào hoằng hóa ở các vùng Đồng Nai-Gia Định, chắc chắn việc thỉnh kinh sách từ miền Trung vào là vô cùng hiếm hoi. Từ đó chúng ta có thể suy định, việc tu học của chư Tăng thời bấy giờ hoàn toàn là do thầy truyền cho trò, kiến giải Phật pháp căn cứ vào sự tu chứng. Tuy không có nhiều kinh sách để tham học, nhưng hình ảnh vị Tăng sĩ trong thời gian này cũng chứng tỏ là những người học rộng hiểu nhiều nhất trong tầng lớp xã hội đương thời,

Về việc tổ chức tu học của chư Tăng thời bấy giờ, giữa các chùa viện với nhau có một mối quan hệ rất mật thiết. Năm 1772, bổn đạo chùa Giác Lâm đã đến chùa Từ Ân xin Hòa thượng Phật Ý-Linh Nhạc bổ nhiệm Tăng sĩ và trụ trì chùa Giác Lâm. Hòa thượng cử đệ tử là Tổ Tông-Viên Quang đến đảm nhiệm chức vụ này. Thiền sư Viên Quang là một vị Tăng sĩ có tài đức kiêm toàn. Sư lấy chùa Giác Lâm làm nơi đào tạo các Tăng sĩ trẻ ở Gia Định, tổ chức gần giống như một Phật học viện ngày nay. Chùa đài thọ mọi chi phí cho Tăng sinh trong khoảng thời gian tu học ở đây, học tăng khoảng trên 50 người. Rất tiếc là không còn tài liệu nào ghi chép việc tổ chức và chương trình giảng dạy thời đó ra sao. Nhưng điều chắc chắn là đào tạo được một số danh tăng nổi tiếng như Tiên Giác-Hải Tịnh, Minh Vi-Mật Hạnh... Các học tăng thời bấy giờ có lẽ không chỉ thuộc phạm vi sài Gòn ngày nay, mà có thể là từ Đồng Nai, hoặc các địa phương thuộc thành Gia Định (gồm cả 6 tỉnh Nam Kỳ sau này) cũng đến cư ngụ tham học. Thiền sư Viên Quang là người uyên thâm cả Nho học lẫn Phật học. Thuở nhỏ Sư thường cùng Trịnh Hoài Đức đến chùa Đại Giác ở Đại Phố, Đồng Nai để lễ sám. Sau, Sư xuất gia, Trịnh Hoài Đức theo Nho học, được thăng tiến đến chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ, tước An Toàn Hầu. Trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức có chép bài thơ của ông tặng Thiền sư Viên Quang nhân gặp Sư tại một dịp lễ ở chùa Tập Phước (xã Bình Hòa - Gia Định, thuộc quận Bình Thạnh ngày nay). Bài thơ ngũ ngôn đặc sắc này thể hiện trình độ thâm hiểu Phật pháp của một Hiệp Tổng Trấn thành Gia Định, tài đức của Thiền sư Viên Quang và tình hình Phật giáo trước đó:

Nhớ xưa thuở thái bình

Đất Đồng Nai thạnh mỹ

Đạo Phật được hưng sùng

Nhà ngoại thêm phú quý

Ta đồng tử đốt hương

Sư giới hạnh tu hành

Bên ngoài chia đạo đời

Bên trong đồng tâm chí

Loạn lạc phải xa nhau

Thế giới thành ngạ quỷ

Ta trôi nổi vào ra

Bọt bèo biển sanh tử

Mới đó bốn mươi năm

Chớp nhoáng chuyện thế sự

Nay bỗng nhiên nhàn hành

Nơi Thiền môn gặp gỡ

Ta Hiệp Biện Trấn công

Sư cao tăng Thượng sĩ

Nhìn xưa như giấc mộng

Tâm cùng tâm tương nghị

Chuyện xưa nói sao cùng

Đạo lớn vốn “Như thị”.

(Bản dịch của Nguyễn Lang - VNPGSL, tập 2)

 lPHẬT GIÁO SÀI GÒN VÀO THẾ KỶ XIX

Tiếp nối sự nghiệp mở mang của các tiền bối đi trước, Phật giáo thành phố Sài Gòn vào thế kỷ XIX thực sự đã chiếm một vị trí quan trọng, tạo ảnh hưởng tất yếu trong lòng quần chúng và là một đề tài không thể thiếu trong việc nghiên cứu lịch sử phát triển văn hóa của thành phố trẻ trung này.

Ngoài một số Tăng sĩ được đào tạo tại học đường Giác Lâm vào cuối thế kỷ trước, các cao tăng của miền Trung cũng vào khai sơn tạo tự và hoằng hóa ở Sài Gòn rất nhiều. Thiền sư Tiên Giác-Hải Tịnh, trụ trì chùa Từ Ân, từng được Tả quân Lê Văn Duyệt dâng sớ tâu vua Minh Mạng sắc ban Sư ra làm Tăng cang chùa Thiên Mụ ở Huế. Sau được vua Thiệu Trị thể theo biểu tấu của các đại thần phê duyệt cho Tăng cang Hải Tịnh về trụ trì chùa Giác Lâm. Năm 1844, Sư mở trường Hương ở chùa Giác Lâm cho chư Tăng ở miền Nam trú học, thỉnh Hòa thượng Phổ Nguyện làm Pháp sư kiêm Thiền chủ, Yết ma Từ Cang ở chùa Trúc Lâm làm Thủ tọa. Năm 1849, Tăng cang Hải Tịnh được suy tôn làm Hòa thượng Đường đầu trong giới đàn ở chùa Giác Lâm. Năm 1864, Hòa thượng Chánh Trực ở chùa Khải Tường cũng mở giới đàn truyền giới. Đây có thể là những giới đàn đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn.

Vào giữa thế kỷ XIX, trong nghi lễ Phật giáo ở Nam Kỳ xuất hiện phong trào ứng phú. Qua kinh nghiệm giảng dạy các lớp Phật học và hoằng dương Phật pháp từ thành Gia Định đến kinh đô Huế, Thiền sư Hải Tịnh nhận thấy nghi lễ là một hình thức tôn giáo có khả năng hoằng dương rất hiệu quả. Khoa ứng phú có thể giúp Phật pháp truyền bá rộng rãi, nhờ chư tăng đến nhà của tín đồ làm lễ, tạo nhân duyên cho những người ở các địa phương có dịp nghe được kinh điển, phát tâm theo đạo Phật.

Năm 1850, Quan Âm các được trùng tu lại thành chùa Giác Viên (cạnh khuôn viên Đầm Sen ngày nay), trở thành trung tâm ứng phú của lục tỉnh Nam Kỳ. Thiền sư Hải Tịnh có triệu tập một cuộc đại hội của chư tăng để phổ biến chủ trương “Bảo vệ và phát huy tinh hoa của khoa ứng phú theo đúng với đạo Phật cổ truyền”. Chùa Giác Viên được Tăng tục quy tụ đông đảo, tài chánh dồi dào, hỗ trợ đắc lực về mặt đời sống cho chư tăng tu học tại chùa Giác Lâm. Tiếc rằng sau khi quân Pháp đánh chiếm vào Gia Định, chư Tăng hai chùa sơ tán, tinh thần ứng phú không còn là nét đẹp của Phật giáo nữa. Một số Tăng sĩ chuyên đi làm thầy cúng, lấy việc ứng phú làm kế sinh nhai.

Cuối thế kỷ XIX, Phật giáo Sài Gòn nổi tiếng với các danh tăng như Minh Vi-Mật Hạnh (1828-1898), Minh Khiêm-Hoằng Ân (1850-1914), Như Phòng-Hoằng Nghĩa (?-1929)... Đây là thời gian mà các Thiền sư chú trọng nhiều đến việc tạo điều kiện học Phật cho chư Tăng hơn. Khoa ứng phú không còn là cách hoằng dương hữu hiệu đúng theo tinh thần của chánh pháp, nên các ngài hướng dẫn chư Tăng vừa học Phật vừa đi sâu vào hành trì theo chủ trương “Thiền Giáo song hành” mà chư Tổ truyền dạy. Năm 1889, Tỳ kheo Huệ Lưu ở chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức ngày nay) biên soạn lại sách Tỳ Ni Nhật Dụng và Quy Sơn Cảnh Sách thành Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách (gọi tắt là Trường Hàng luật). Thiền sư Minh Khiêm-Hoằng Ân trụ trì hai chùa Giác Lâm và Giác Viên chú giải và khắc bản in vào năm 1894, các bản gỗ ấy hiện nay vẫn còn lại một số tại chùa Giác Viên. Việc biên soạn và chú giải Trường Hàng luật cho thấy chư tăng thời bấy giờ muốn đặt định lại đời sống thực sự của một tăng sĩ, lấy giới luật làm thầy, tinh tu thiền định, phát triển huệ học. Một số tác phẩm cũng được soạn thuật cho thấy khuynh hướng chú trọng giới luật và sự truyền thừa mạng mạch của Phật giáo, như Tông phái sự tích của Thiền sư Hải Tịnh soạn, Sự tích Giới đàn luận của Giáo thọ Quảng Thạnh ghi. Một số thi kệ cũng nói lên điều đó, như Bài kệ thi giới ở chùa Sùng Phước (1870), Bài kệ công khóa cho hàng xuất gia do Yết ma Phước Chí ở chùa Đức Lâm khắc bản in. Ngoài ra, ngài Minh Khiêm-Hoằng Ân còn cho khắc bản in Tống Đàn Tăng diễn nôm, thơ nôm Hứa Sử Vãn truyện (1880), Nhân quả thực lục toàn bản, Lăng Nghiêm kinh tán, Thí thực khoa (1898) v.v... Tuy nhiên, so với rừng kinh điển Phật giáo, kinh sách tại Sài Gòn thời bấy giờ còn quá ít ỏi. Ngoài những trí tuệ đạt được nhờ sự tu chứng, tư tưởng của Tăng sĩ đương thời còn bị hạn chế rất nhiều. Một số vị giỏi Hán học phải lặn lội ra miền Trung, miền Bắc để tham học. Một số thơ Nôm được sáng tác để đáp ứng nhu cầu học Phật sơ đẳng của giới bình dân không đủ để chư tăng đi sâu vào Kinh điển. Các giáo lý như nhân quả báo ứng, nghiệp chướng luân hồi... trở thành giáo lý nòng cốt được truyền tụng trong các thơ vè lục bát bằng văn Nôm. Dưới sự giám sát của chính quyền Pháp thuộc và chủ trương Âu hóa của giới tân học, Phật giáo bị xem như yếm thế, tiêu cực, tình trạng tưởng chừng ngày một xấu đi.

 lPHẬT GIÁO SÀI GÒN ĐẦU THẾ KỶ XX

Nhờ ảnh hưởng công cuộc chấn hưng Phật giáo của Thái Hư Đại sư ở Trung Quốc, đầu thế kỷ XX, Phật giáo ở Việt Nam cũng có một sự chuyển biến đáng kể. Một số vị trưởng lão ở thế kỷ trước hiện còn làm giềng mối cho Tăng đoàn, miền Bắc có Tổ Bồ Đề-Nguyên Biểu, miền Trung có Tổ Vĩnh Gia, ở Sài Gòn có các vị Minh Khiêm-Hoằng Ân, Như Phòng-Hoằng Nghĩa v.v..., hàng hậu tấn có các danh tăng giỏi cả Hán học và Tây học, uy thế của Phật giáo đối với triều đình cũng rất lớn, trong đó có Quốc sư Phước Huệ từng được các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định mời vào cung thuyết pháp. Ngoài ra còn có một số danh tăng rất quan tâm đến việc chấn hưng Phật giáo, đem giáo lý Từ Bi phổ cập trong quần chúng trên tinh thần khế lý khế cơ của nhà Phật, nổi tiếng như các Hòa thượng Giác Tiên (1880-1936), Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947), Hòa thượng Chánh Thành chùa Vạn An (1872-1949), Hòa thượng Huệ Quang (1888-1956), Hòa thượng Khánh Anh (1895-1961)... Một hàng ngũ danh tăng đầy tinh thần thiết tha với đạo pháp như thế, đủ cho ta thấy Phật giáo đầu thế kỷ XX ở Việt Nam có mầm chuyển biến như thế nào.

Riêng ở Sài Gòn, hai chùa Giác Lâm và Giác Viên vẫn là chiếc nôi của Phật giáo thành phố. Một số ngôi chùa lớn khác cũng được sáng lập hầu đáp ứng cho nhu cầu học Phật của tín đồ. Vào thời kỳ này, tu sĩ ở Sài Gòn đã khá đông đảo. Trong tác phẩm “Sài Gòn năm xưa” (1960) của Vương Hồng Sển có đoạn viết: “Ngày làm lễ nhập tháp của Thiền sư Như Phòng-Hoằng Nghĩa ở gần chùa Giác Viên (23-12-1929) có trên 1.000 vị tăng đến dự”. Con số này đủ cho ta thấy lực lượng Tăng Ni ở thành phố trước giai đoạn chấn hưng Phật giáo đông đảo như thế nào.

Nhu cầu học Phật nhiều như thế, còn điều kiện tu học thì thế nào? Đương thời, ngoài một số thư tịch chữ Hán, chữ Nôm vẫn còn sử dụng như một thứ quốc ngữ phổ biến khi ngôn ngữ La-tinh chưa phổ cập được trong mọi giai tầng. Bấy giờ tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi, nhưng thư tịch tiếng Pháp về Phật học thì hoàn toàn chưa có. Chư Tăng phần nhiều học Phật bằng chính chữ Hán, một vài kinh điển được diễn nôm, nhưng chưa phải là cách tốt nhất để nghiên cứu Phật điển sâu sắc được. Năm 1912, Hòa thượng Như Nhãn-Từ Phong, trụ trì chùa Giác Hải (gần cầu Phú Lâm ngày nay) diễn nôm bộ Quy nguyên trực chỉ, một số áng thơ nôm cũng chuyển tải giáo lý nhà Phật, nhưng chỉ mang tính chất cơ bản, sơ sài. Các trường gia giáo vẫn được duy trì, nhưng chưa có tính đại trà. Vì thế, một vị Tăng muốn đến học tại một trường gia giáo, có khi phải đi bộ hàng 20 cây số để đến nghe một đoạn kinh. Cái cảnh thức khuya, dậy sớm từ 2 giờ sáng, gói cơm mang nước đi bộ đến trường học trở thành chuyện thường ngày của Tăng sĩ Sài Gòn đầu thập niên 20, 30.

Kinh sách đương thời vốn dĩ hiếm hoi, muốn tra cứu một từ ngữ chuyên môn trong Phật học, chư tăng phải tìm đến các bộ sách Trung Quốc, như Đại Minh Tam Tạng Pháp Số Mục Lục, hoặc các ngoại thư như Từ Hải, Khang Hy Tự Điển. Trong các tự viện, kinh điển vỏn vẹn được vài bộ Kim Cang, Pháp Hoa, Địa Tạng, Di Đà... hoặc được các Thiền sư Trung Hoa thỉnh sang, hoặc được chép tay truyền tụng. Muốn khắc in một bộ kinh như kinh Pháp Hoa, mỗi trang là một bản gỗ to như cánh cửa, phải thực hiện nhiều năm với một kinh phí rất lớn mới hoàn thành được. Bản gỗ khắc xong là chất hàng kho, giấy má lại thiếu thốn, phương tiện giao thông khó khăn, nếu không có một công cuộc đổi mới, Phật giáo dễ bị trệ ngại, hạn chế trong một số chùa viện ở trung tâm, hình ảnh vị sư dễ trở thành một ông từ giữ chùa hay chuyên việc ứng phú. Thiền môn dễ trở thành nơi ru ngủ cho một số sĩ phu bất đắc chí, những kẻ chán đời, nương câu kệ lời kinh nơi cửa Phật cho tiêu ngày đoạn tháng, trốn tránh bể khổ hồng trần đầy phiền muộn cam go. Chính một số tác phẩm văn học đương thời đã nói lên điều đó, như Chuyện tình Lan và Điệp, Phong nho, Hồn bướm mơ tiên v.v... Trong bối cảnh duy tân đầy tiến bộ, mầm nụ đã ươm sẵn từ lâu, chỉ chờ ngày trỗi dậy.

 lCÔNG CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO (1930-1945)

Phật giáo Sài Gòn nằm trong sự chuyển biến chung của toàn quốc, vì thế muốn tìm hiểu sự phát triển của Phật giáo Sài Gòn, không thể không nói đến công cuộc chấn hưng của Phật giáo Việt Nam.

Như trên chúng tôi đã trình bày về tình hình Phật giáo đầu thế kỷ XX, tuy không có một khuôn mặt sáng sủa, nhưng những yếu tố căn bản đã đủ sức làm nền tảng cho một cuộc chấn hưng.

Phong trào chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ là một phong trào có tính quốc tế, được khởi xướng đầu tiên ở Ấn Độ bởi cư sĩ David Hewavitarante, người Tích Lan, sau này xuất gia thành Đại đức Dharmapada. Được sự hỗ trợ và khuyến khích của thi sĩ người Anh là Edwin Arnold, tác giả The Light of Asia, Dharmapada thành lập hội Mahabodhi Society, xuất bản tạp chí Phật học, giai cấp hạ tiện ở Ấn Độ nhờ đó theo Phật rất đông. Ngày 14-10-1956, năm ngàn người đã làm lễ quy y trong một lần.

Năm 1908, chính Dharmapada là người vận động cư sĩ Dương Nhân Sơn thành lập tinh xá Kỳ Hoàn ở Trung Hoa. Năm 1912, Thái Hư Đại sư lập Phật học viện Vũ Xương và nhiều hiệp hội khác như Phật giáo Hợp tiến, Phật giáo Tổng hội, Phật giáo Liên hiệp, Phật giáo Cư Sĩ Lâm v.v... Năm 1918, tạp chí Giác Xã ra đời ở Trung Hoa và sau đó biến thành nguyệt san Hải Triều Âm. Đây là một cơ quan ngôn luận có ảnh hưởng đến công cuộc phục hưng ở Việt Nam. Trong lúc đó, ở các nước Myanmar, Sri Lanka, Nhật Bản cũng có nhiều chuyển biến. Nhờ một số học giả có khuynh hướng Tây học đã khám phá ra tư tưởng siêu việt của Phật giáo, nên quay về nghiên cứu Phật giáo với một phương pháp khoa học. Niềm tin Phật giáo của các nước Á Đông sống dậy với tất cả lòng nhiệt tình cố hữu, tạo tiền đề cho Phật giáo Việt Nam.

Người đầu tiên vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam phải nói là Hòa thượng Khánh Hòa, nhân ngày giỗ tại chùa Long Hoa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh vào ngày 19-9 (âm lịch) năm 1923, sư vận động chư vị tôn túc khắp các tỉnh miền Tây họp bàn. Kết quả là hội Lục hòa Liên hiệp ra đời. Hòa thượng Khánh Hòa đã lặn lội ra miền Trung vận động chấn hưng, cùng sư Thiện Chiếu ở miền Bắc, sau mấy năm nhưng vẫn không có một kết quả khả quan. Thấy rõ chưa thể thành lập một hội Phật giáo chung cho cả ba miền, Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Huệ Quang cùng với các vị Thiện Niệm, Từ Nhãn, Chơn Huệ và một số cư sĩ có Tây học như Ngô Văn Chương, Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Cần, Trần Nguyên Chấn v.v... tổ chức một Thích học đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn, đường Doaumont, Sài Gòn, vào năm 1928. Đến năm 1930, hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ra đời, lấy chùa Linh Sơn, Sài Gòn (tức ở đường Cô Giang, quận 1 ngày nay) làm trụ sở. Hội do Thiền sư Như Nhãn-Từ Phong (trụ trì chùa Giác Hải, Phú Lâm) làm Hội trưởng. Hội cho xuất bản tạp chí Từ Bi Âm do Hòa thượng Khánh Hòa chủ nhiệm, ra mắt số đầu tiên vào ngày 1-3-1932.

Như vậy, Sài Gòn là một thành phố sinh sau đẻ muộn so với các tỉnh có nền văn hóa lâu đời ở miền Trung và miền Bắc, nhưng lại là một trung tâm đầu tiên đặt cơ sở chấn hưng Phật giáo. Sau đó, miền Trung mới thành lập hội An Nam Phật học, đặt trụ sở tại chùa Trúc Lâm, do Hòa thượng Giác Tiên chủ trì cùng với sự cộng tác của các cư sĩ Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Tân v.v... Tạp chí Viên Âm do Bác sĩ Lê Đình Thám chủ biên ra mắt số đầu tiên vào ngày 1-12-1933. Đến lượt miền Bắc, các danh tăng Trí Hải, Tâm Ứng và Tâm Bảo ở Hà Đông thấy Nam và Trung đã lập hội, liền ra Hà Nội cùng phối hợp với các ông Lê Dư, Nguyễn Hữu Kha, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ v.v... thành lập hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hội thành lập vào năm 1934, lấy chùa Quán Sứ ở đường Richard (tức phố Quán Sứ ngày nay) làm trụ sở, suy tôn Hòa thượng Thanh Hanh làm Thiền gia pháp chủ, Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng. Hội xuất bản tập kỷ yếu số 1 vào ngày 1-5-1935, ít lâu sau xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ.

Ba hội Phật giáo đầu tiên được thành lập ở ba miền, tiếp theo còn có nhiều hội nữa được thành lập, hội nào cũng có tạp chí xuất bản riêng, các chi hội cũng lần lượt được thành lập ở các tỉnh. Tuy ra đời sớm, nhưng hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học hoạt động không hiệu quả lắm do một vài yếu tố nhân sự. Hội thỉnh được Đại tạng kinh và Tục tạng kinh từ Trung Quốc về chùa Linh Sơn để làm tư liệu học Phật, xây dựng được một số trường ốc, nhưng không thực sự tiến hành giảng dạy Phật học như ở hội An Nam Phật học tại miền Trung, đó cũng là lý do hội Lưỡng Xuyên Phật học ra đời ở Nam Bộ.

 lPHẬT GIÁO SÀI GÒN TỪ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM ĐẾN NAY

Sau sự cáo chung của chế độ phong kiến, thế lực chống đối Phật giáo của một số phần tử hủ nho đã không còn nữa, lại thêm một luồng gió mới từ Tây phương thổi sang, văn hóa, học thuật hoàn toàn lột xác. Sài Gòn bấy giờ được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, tinh ba văn hóa quy tụ về thành phố như nước chảy về chỗ trũng. Phật giáo cũng theo đó mà khoác một khuôn mặt mới, rạng rỡ hơn, tươi đẹp hơn - và tất nhiên - cũng chịu nhiều sóng gió hơn.

Nói tiếp truyềnthống của các Phật học đường ngày xưa, năm 1947, Liên Hải Phật học đường được mở tại chùa Vạn Phước, xã Bình Trị Đông, Gia Định, do Thượng tọa Trí Tịnh lãnh đạo. Phật học đường này có chương trình dạy từ Sơ đẳng đến Cao đẳng. Năm đầu, lớp cao nhất là Sơ đẳng 3 quy tụ 70 học tăng. Năm 1948, một Phật học đường cấp tiểu học ra đời lấy tên là Mai Sơn, đặt tại chùa Mai Sơn thuộc huyện Bình Chánh ngày nay. Trường này quy tụ khoảng hơn 50 học tăng, do Thượng tọa Huyền Dung lãnh đạo. Năm 1949, một Phật học đường khác ở cấp tiểu học ra đời đặt tại Vườn Lài lấy tên là Phật học đường Ứng Quang do Thượng tọa Trí Hữu phụ trách. Đây là tiền thân của chùa Ấn Quang hiện nay.

Năm 1950, Phật học đường Nam Việt được tổ chức tại chùa Ấn Quang sau khi kết hợp các Phật học đường Liên Hải, Sùng Đức và Ứng Quang. Năm 1953, Phật học đường Phật Quang ở Trà Ôn cũng gia nhập vào Phật học đường Nam Việt. Hòa thượng Thích Thiện Hòa, người xuất thân từ hội Lưỡng Xuyên Phật Học, một vị phạm tăng đức độ cao dày, ôn hòa độ lượng, sau bao năm tháng tham học khắp ba miền Nam, Trung, Bắc, Hòa thượng đã về chủ trì tại chùa Ấn Quang lịch sử này. Với sự cộng tác của một số danh tăng khắp hai miền Nam -Trung, các lớp Phật học được đào tạo theo một chương trình mới, hiệu quả và quy mô hơn.

Sự kiện lớn thứ hai là sự ra đời của Giáo hội Tăng già Nam Việt vào ngày 8-3-1953, đại chúng suy tôn Hòa thượng Huệ Quang làm Pháp chủ chính thức. Năm 1956, Ni bộ cũng được thành lập, Ni chúng xuất gia nhiều vô kể. Hai ni trường lớn là Từ Nghiêm và Dược Sư cũng được khai giảng theo chương trình của Giáo hội đề ra. Từ năm 1956 trở đi, với sự hướng dẫn của Thượng tọa Nhất Hạnh, chương trình giáo dục mới được áp dụng tại Phật học đường Nam Việt. Các học tăng sau khi tốt nghiệp Trung đẳng Phật học đã có một kiến thức phổ thông tương đương với trình độ tú tài. Sau đó, song song với việc học Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt, nhiều học tăng ghi tên học Đại học Sư phạm hoặc Đại học Văn khoa Sài Gòn. Sau khi có bằng Cử nhân Văn khoa hoặc Sư phạm, các vị này về mở các trường tư thục Bồ Đề, như một hình thức giáo dục mang sắc thái Phật giáo. Ngoài ra có những vị xuất ngoại để tiếp tục theo Phật học hay các ngành triết học, xã hội học...

Ngoài Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang, tại Sài Gòn còn có Phật học đường Giác Nguyên ở Khánh Hội do Hòa thượng Hành Trụ chủ trì, Phật học đường Giác Sanh do Hòa thượng Thiện Thành chủ trì, Phật học viện Huệ Nghiêm do ba Hòa thượng Bửu Huệ, Thanh Từ và Thiền Tâm chủ trì, cùng một số Phật học đường ở cấp nhỏ hơn. Phật học viện Huệ Nghiêm quy tụ đến 350 Tăng sinh ở khắp miền Nam, sau biến thành Cao đẳng Phật học viện, đào tạo rất nhiều Tăng tài phụng sự Phật pháp đến ngày nay.

Kể từ khi Phật giáo Việt Nam được chính thức làm hội viên hội Phật giáo Quốc tế (1950) đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập (1963), vỏn vẹn chỉ có 14 năm so với 250 năm thành lập thành phố, nhưng sự phát triển về văn hóa Phật giáo có thể nói là quá lớn lao. Viện Đại học Vạn Hạnh ra đời dưới sự đảm trách của Hòa thượng Minh Châu đã là một nét son trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Có đến mấy mươi tạp chí của Phật giáo chuyển tải nội dung Phật học phổ cập quần chúng, nhiều nhà in, nhà xuất bản của Phật giáo hoạt động liên tục tại Sài Gòn. Kinh điển Bắc truyền được dịch sang Việt văn rất nhiều, nổi tiếng là các Hòa thượng Trí Tịnh, Trí Quang, Thiện Siêu v.v... Đại tạng kinh hệ Nam truyền cũng được Hòa thượng Minh Châu phiên dịch sang Việt văn, xuất bản đều đặn tại Tu thư Vạn Hạnh. Phật giáo quy tụ khá nhiều phần tử trí thức cư sĩ, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc hoằng dương Phật pháp về mọi mặt văn hóa, học thuật, hội họa, âm nhạc, thi ca v.v...

Sau năm 1975, Phật giáo lắng xuống, hòa nhập vào một thể chế mới. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, tinh thần học Phật lại bắt đầu trỗi dậy. Thành phố Hồ Chí Minh nghiễm nhiên cũng trở thành trung tâm phát triển Phật học tại Việt Nam. Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 được thành lập, cũng do Hòa thượng Minh Châu đảm trách. Trường Cơ bản Phật học thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức tại hai chùa Vĩnh Nghiêm và Thiên Minh. Về sau, các lớp Sơ cấp Phật học cũng được thành lập khắp các quận huyện trong thành phố. Ban phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam cũng được hình thành với sự đóng góp của khắp các danh tăng trong nước. Ban Hoằng pháp trung ương tổ chức các khóa bồi dưỡng Giảng sư, tổ chức giảng dạy Phật pháp ở nhiều chùa viện trong thành phố. Có thể nói, sự tu học của các Tăng Ni được Giáo hội tạo mọi điều kiện thuận lợi, từ cơ sở vật chất đến tinh thần. Một số Tăng Ni tốt nghiệp Cao cấp Phật học được đi du học nước ngoài, chắc chắn đội ngũ kế thừa sẽ đưa Phật giáo bước đi vững chãi vào thế kỷ XXI.

 lTHỰC TRẠNG KINH SÁCH PHẬT GIÁO TẠI TP HỒ CHÍ MINH

Khoa học kỹ thuật phát triển, ngành in ấn cũng được nâng cao. Các bản dịch kinh điển của các dịch giả hầu hết đều được xuất bản và phát hành. Từ khi mới chấn hưng Phật giáo, chư tôn giáo phẩm đã chú trọng việc phiên dịch kinh điển sang quốc ngữ. Như trên chúng tôi đã trình bày, các kinh điển hệ Bắc truyền hầu hết được tham khảo trong Trung văn Đại tạng kinh, các kinh điển hệ Nam truyền được Hòa thượng Minh Châu dịch từ bản Pàli Text Society. Trước năm 1975, các học tăng tốt nghiệp Cao đẳng Phật học hầu hết đều thạo hai ngôn ngữ: cổ ngữ Hán và sinh ngữ Pháp. Sau 1975, các học tăng tốt nghiệp phần lớn thạo Anh ngữ, riêng trình độ quốc văn có thể nói là tuyệt đối. Các tác phẩm viết về mọi lãnh vực Phật giáo được xuất bản nhiều vô kể. Thế nhưng, các từ ngữ Phật học dùng trong các bản kinh được dịch của các dịch giả không được nhất quán. Nhiều từ ngữ Phật học khá căn bản lại không được các học tăng hiểu biết chính xác. Do vậy, việc am hiểu Phật học đối với đại đa số người học chỉ là một lớp nổi hào nhoáng bên trên sự mịt mờ về ngôn ngữ. Nguyên nhân thực trạng này là do đâu?

Theo chúng tôi, các bộ từ điển Phật học ở Việt Nam còn quá ít ỏi, hiếm hoi, đó là nguyên nhân chính tạo nên sự hiểu biết cạn cợt về từ ngữ Phật học. Chừng nào Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn muốn sự thống nhất về những từ ngữ được dùng trong các bản dịch, và để người học hiểu biết chính xác về Phật học, thì việc làm từ điển Phật học hiện nay phải được xem như việc làm cần thiết nhất.

Điểm qua những thư tịch thuộc phạm vi Mục lục học của các nước có Phật giáo phát triển, chúng ta mới thấy sách vở của Việt Nam ở phạm vi này nghèo nàn và hạn chế như thế nào.

Ở Trung Quốc, việc phân loại từ điển có thể chia ra làm 5 loại:

1. Sắp xếp, phân loại các danh tướng: Như Kinh Chúng Tập, Kinh Thập Thượng trong Trường A-hàm, Kinh Pháp Tập Danh Số, Đại Minh Tam Tạng Pháp Số, Giáo Thừa Pháp số v.v...

2. Ký sự, sao lục sự tương quan giữa các Kinh luận: Như Kinh Luật Dị Tướng của ngài Bảo Xướng đời Lương, Pháp Uyển Châu Lâm của ngài Đạo Thế đời Đường.

3. Tổ chức và phụ giải từng hạng mục: Như Pháp Môn Danh Nghĩa Tập của ngài Lý Sự Chính đời Đường, Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện của ngài Nghĩa Tịnh đời Đường, Đại Tống Tăng Sử Lược của ngài Tán Ninh đời Tống.

4. Lấy ngôn ngữ làm trung tâm: Như Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa, Phiên Phạn Ngữ của ngài Bảo Xướng đời Lương, Phạn Ngữ Tạp Danh của ngài Lễ Ngôn đời Đường, Phiên Dịch Danh Nghĩa Đại Tập (Phạn: Mahàvyutpatti), Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập (có chú thích tiếng Phạn) của ngài Pháp Vân đời Tống, Chỉ Quốc Dị Thổ Tập của ngài Huệ Hoãng v.v...

5. Giải thích các danh từ khó hiểu, khó đọc trong Đại tạng kinh hoặc một bộ kinh nào đó: Như Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa của ngài Huyền Sướng đời Đường, Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa của ngài Huệ Lâm v.v...

Đầu thế kỷ XX, ngoài những kinh sách thuộc lãnh vực Mục lục học truyền thống của Trung Quốc, hình thức từ điển đã bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên phải kể đến Phật học tiểu từ điển của Đinh Phúc Bảo, lấy bộ từ điển của Chức Điền Đắc Năng người Nhật Bản làm gốc, xuất bản năm 1919. Tiếp theo là Phật học đại từ điển (1921) cũng của Đinh Phúc Bảo, rồi Thực dụng Phật học từ điển của Cao Quán Lư và Hà Tử Bồi chủ biên (1934), Phật học từ điển của Tả Tú Linh biên soạn (1984). Về loại từ điển mang tính chất nghiên cứu riêng biệt một lãnh vực nào đó thì nhiều vô kể, như Pháp tướng từ điển (1937), Trung Quốc Phật giáo Nhân danh đại từ điển (1974), Đại Tạng Hội Duyệt (1978), Trung Quốc Thiền học (1984) v.v...

Ở Nhật Bản, từ điển Phật học lại càng nhiều hơn nữa. Đầu tiên là Phật giáo đại từ điển của Chức Điền Đắc Năng (1917), Phật giáo đại từ vựng (1935), Phật giáo đại từ điển (1936), Phật giáo từ điển (1938), Phật giáo học từ điển (1955), Tân Phật giáo từ điển (1962), Phật giáo ngữ đại từ điển (1975), Tổng hợp Phật giáo đại từ điển (1987)... Từ điển về tôn giáo và các lãnh vực khác có Phật thư giải thuyết đại từ điển (1931), Ấn Độ Phật giáo cố hữu danh từ từ điển (1931), Hán dịch đối chiếu Phạn hòa đại từ điển (1940) v.v... Tính hết có đến mấy mươi loại từ điển về Phật học, ở đây không tiện liệt kê hết. Ngoài ra còn có một số từ điển bằng tiếng Anh, tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi trong giới học thuật như Handbook of Chinese Buddhism (1870) của E. J. Eitel, A Dictionary of Chinese Buddhist Terms (1937) của W. A. Soothill, Erklarendes Wonterbuch zun Chinesischen Buddhismus (1951) của H. Hackmann và J. Nobel, Buddhistisches Worterbuch (1954) của Nyanatiloka, Encyclopaedis of Buddhism (1963) của G. P. Malalasekera biên soạn, hầu giúp cho việc tra cứu, đối chiếu về các ngôn ngữ Sankrit, Pàli, Tây Tạng v.v... được thuận lợi. Các trường đại học tông giáo cũng có soạn từ điển thuộc phạm vi tông phái mình, như Mật giáo đại từ điển (1932-1933), Tịnh độ tông từ điển (1943), Thiền học đại từ điển (1973) v.v... Thời gian gần đây, để thích ứng với nhu cầu của thời đại, Nhật Bản đã sáng tạo ra một loại “Sổ tay Phật học”, giúp cho Phật giáo được xã hội hóa và học thuật hóa, như Phật giáo Thánh điển (1977), Phật cụ từ điển (1978), Phật giáo thường thức tiểu bách khoa (1978). Loại sổ tay này có công năng như một bộ từ điển, giới thiệu các Phật sự thường thức cơ bản như nghi thức tống táng, những hành sự trong năm v.v... Có thể nói từ điển Phật học ở Nhật Bản rất đa dạng và phổ cập cùng khắp.

Trở lại Việt Nam, giữa bao nhiêu mặt nổi, các từ điển Phật học chỉ đếm được trên vài đầu ngón tay. Người học Phật muốn hiểu rõ ràng một từ ngữ nào, đến hỏi các vị tăng, mỗi người trả lời mỗi khác. Các từ điển thông dụng từ trước đến nay, phần nhiều chỉ dành cho giới chuyên môn. Trước năm 1945, các dịch giả thường sử dụng Đại Minh Tam Tạng Pháp Số Mục Lục, vốn chỉ lưu hành ở Việt Nam có vài bản. Có lúc từ Sài Gòn, các vị phải lặn lội ra đến chùa Thập Tháp ở Bình Định mới tra được một từ ngữ Phật học quý báu.

Khi Phật giáo được chấn hưng, tác phẩm được các Hòa thượng sử dụng nhiều nhất là Phật học đại từ điển bằng chữ Hán của Đinh Phúc Bảo. Đây là bộ đại từ điển Phật học đầu tiên của Trung Quốc, được khai sáng vào năm 1912, đến năm 1921 mới khắc in xong, lấy số nét nhiều ít làm thứ tự, khoảng 300 vạn lời, hơn 30.000 hạng mục, mô phỏng theo thể lệ kiểm tự của Khang Hy tự điển. Tác phẩm thứ hai được thông dụng là Thực dụng Phật học từ điển, do Thượng Hải Phật học Thư cục xuất bản năm 1934. Hai bộ từ điển trên có rất ít ở Việt Nam, từ ngữ chưa nhiều, giải thích còn đơn giản, lại là chữ Hán nên số người sử dụng được cũng rất hạn chế.

Năm 1956, nhà in Hưng Long tái bản một cuốn Tự điển Hán-Việt của cư sĩ Thiều Chửu (xuất bản lần đầu năm 1934). Đây là tác phẩm dành cho người học chữ Hán, nhưng nhờ Thiều Chửu có hiểu biết Phật học, nên cách giải thích các từ vựng gần gũi với các từ ngữ được dùng trong kinh điển, có thể được xem là quyển sách gối đầu giường cho Tăng Ni trẻ mới bắt đầu học chữ Hán. So với các bộ từ điển hiện đại đương thời như Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán-Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn, Hán-Việt từ điển của Nguyễn Quốc Hùng v.v... thì tác phẩm của Thiều Chửu được giới học Phật sử dụng nhiều nhất, dù nó chỉ là một cuốn tự điển mà thôi.

Năm 1966, Phật học Tòng thơ xuất bản bộ từ điển Phật học đầu tiên bằng quốc văn của học giả Đoàn Trung Còn. Đây là một tác phẩm được tác giả biên soạn khá công phu. Đầu tiên, tác giả trình bày một bản đối chiếu Pháp-Phạn-Hán-Nhật-Tây Tạng, sau đó là phần Việt-Hán. Dưới mỗi hạng mục, soạn giả ghi rõ xuất xứ, ngữ nghĩa của từ ngữ. Ngoài từ ngữ Phật học còn có phụ lục một số từ ngữ Triết học và ngoại thư. Đây là bộ từ điển Phật học rất thông dụng trong hoàn cảnh hiếm hoi từ điển ở Việt Nam, nhưng cách trình bày vốn không được khoa học lắm, ngôn ngữ diễn đạt chưa được hoàn hảo. Hơn nữa, sự khảo cứu Phật học ngày một mở rộng, một tác phẩm như thế không thể đáp ứng nhu cầu học Phật trong thời đại thông tin cực kỳ tiến bộ như hiện nay.

Năm 1984, tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một bộ Phật học từ điển do hai vị Minh Châu và Minh Chi biên soạn, nhưng so với tác phẩm của Đoàn Trung Còn thì quá thô sơ, lại thiếu chính xác nên không được thông dụng. Bộ Bách khoa Phật học từ điển của học giả Lê Mạnh Thát xuất hiện ở Sài Gòn, được hai vần A, B thì gián đoạn.

Năm 1994, viện Khoa học Xã hội xuất bản Từ điển Phật học Hán-Việt. Đây được xem như bản dịch Thực dụng Phật học từ điển của Trung Quốc. Sách này được biên soạn thành hai tập, thời gian xuất bản hai tập lại cách nhau quá xa, có người có được tập 1 thì không có tập 2, người có tập 2 lại không có tập 1. Cách sắp xếp hạng mục theo thứ tự A B C, nhưng kỳ thật trong đó có nhiều chỗ sắp xếp không hợp lý, khó tra tìm. Khi chuyển dịch từ Hán sang Việt, có nhiều câu dịch sai với nguyên bản rất xa. Dù sao thì đây cũng là một thiện chí đáng được hoan nghênh của viện Khoa học Xã hội.

Rừng ngôn ngữ Phật giáo vô cùng phong phú, nghĩa lý lại sâu xa khó hiểu. Việc biên soạn một bộ từ điển Phật học ngang với tầm vóc thời đại là hết sức cần thiết. Năm 1991, ban biên dịch Phật Quang đại từ điển được thành lập, lấy tu viện Huệ Quang, quận Tân Bình, làm cơ sở. Phật Quang đại từ điển là một bộ sách lớn do Phật Quang Sơn ở Cao Hùng, Đài Loan, biên soạn, Đại sư Tinh Vân làm chủ biên. Tác phẩm tổng hợp toàn bộ những từ ngữ liên quan đến Phật giáo, cho đến các danh tăng, học giả, tự viện ở khắp các nước, có thể xem như một bộ bách khoa từ điển Phật học. Sau khi xin phép Phật Quang Sơn, ban biên tập soạn dịch và sắp xếp lại theo thứ tự A, B, C. Song, nội dung trong từ điển và cả cách trình bày một hạng mục nhiều chỗ không phù hợp với cấu trúc tiếng Việt. Ngoài ra còn có nhiều hạng mục thuộc lãnh vực tông giáo như công án Thiền tông, Dụng ngữ Nhân minh... ở đây lại giải thích theo kiến giải thông thường, dài dòng, đôi lúc vượt quá phạm vi của một bộ từ điển. Vì vậy ban phiên dịch Phật Quang đại từ điển quyết định chỉ lấy Phật Quang đại từ điển làm lam bản, biên soạn lại thành Từ điển Phật học Huệ Quang, đặc biệt có phụ lục thêm nhiều danh tăng, danh tự và các tác phẩm Phật học của Việt Nam từ năm 1945 trở về trước, với nguyện vọng đáp ứng được phần nào nhu cầu học Phật của Việt Nam hiện nay. Công trình dự định sẽ hoàn thành vào cuối năm 1999, mừng Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh bước vào thế kỷ 21, đánh dấu 300 năm hình thành và phát triển thành phố Sài Gòn.

 lKẾt LUẬN

Hòn ngọc Viễn Đông tương lai sẽ là một thành phố của con rồng châu Á, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ cất cánh bay cao trên nền trời cẩm thạch của giáo pháp Như Lai.

Ba trăm năm chưa phải là thời gian quá dài so với tuổi của một thành phố, nhưng cũng không phải là quá ngắn để phát triển một nét đẹp văn hóa, nhất là văn hóa Phật giáo vốn đầy tinh thần Từ bi, lấy Chơn-Thiện-Mỹ làm mục đích giải thoát cứu cánh. Ba trăm năm ấy, biết bao thăng trầm bĩ cực, Phật giáo vẫn là một đoàn thể hiện diện ở hàng ngũ đầu tiên trong mọi lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, học thuật... xuyên suốt tự tình dân tộc. Nếu muốn hình ảnh Phật giáo không bị nhòa đi giữa thời đại thông tin vốn đánh mất dần tính cách truyền thống, Phật giáo cần phải phát huy nhiều hơn nữa cơ cấu tổ chức, đào sâu học thuật và chư tăng phải thực tu thực học. Ban Hoằng pháp cần tổ chức lại việc in ấn kinh sách, tạo điều kiện cho việc biên soạn và dịch thuật các tác phẩm giá trị, hầu đẩy lùi dần những tệ đoan, hủ hóa, đem lại những nét tươi sáng đích thực cho Phật giáo. Có như thế, chúng ta mới hy vọng đưa Phật giáo Việt Nam từng bước sánh kịp Phật giáo các nước tiến bộ, đem lại hòa bình, độc lập, ấm no cho toàn thể nhân loại.

 

 

Phục hưng thiền Trúc Lâm Yên Tử

 

Hòa thượng THÍCH THANH TỪ

Tôn giáo là một lĩnh vực của tinh thần, góp phần xây dựng nền đức lý cho xã hội, đem lại sự an lạc hạnh phúc và trật tự cho nhân loại. Phật giáo (PG) giúp cho chúng ta vượt thoát mọi khổ đau, nỗi bức xúc, từ những thăng trầm của cuộc sống, những sóng gió của cuộc đời mang đến; nó đưa hành giả đến chỗ an lạc, thấy rõ chân lý của cuộc sống, từ đó tiến đến giải thoát, không còn trầm luân trong cảnh khổ.

Qua sử liệu, lịch sử truyền thừa của PG Việt Nam, nếu bắt đầu từ Khương Tăng Hội (đầu thế kỷ thứ ba), là giai đoạn Giáo tông; từ thế kỷ thứ bảy đến giữa thế kỷ thứ mười chín, là sự truyền thừa của các thiền phái như: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Lâm Tế, Tào Động.

Trong các thiền phái đó, chỉ có thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc đặc thù của dân tộc, mà Sơ Tổ là người Việt Nam khai sáng. Nó đã góp phần xây dựng văn hóa, chính trị, quân sự, đạo đức cho dân tộc; đã viết lên những trang sử oai hùng, xây dựng đời cực thịnh cho đất nước. Như trong phần Tổng quan về Phật giáo đời Trần, tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận Nguyễn Lang đã nhận định: “PG Trúc Lâm là một PG độc lập; uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hóa Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của PGTrung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng, nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình. Đứng về phương diện tư tưởng, tổ chức, cũng như hành đạo, Giáo hội Trúc Lâm có những nét độc đáo, khiến cho nó chỉ có thể là một Giáo hội Việt Nam, phục vụ cho người Việt, duy trì và bồi đắp cá tính Việt” (tập 1, trang 254).

Tuy biết rằng với tinh thần “vô ngã” của đạo Phật, thì PG không có phân biệt biên cương, lãnh thổ và chủng tộc, nhưng vì mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng, nên Giáo hội PG của mỗi nước có những nét đặc thù, và sự sinh hoạt khác nhau. Trong mối giao lưu văn hóa giữa các nước, sự tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu cho kho tàng văn hóa văn minh của mình, không thể gọi là một sự bắt chước để phủ nhận giá trị của nó, mà là một sự tiếp thu có chọn lọc, có sáng tạo theo bản sắc đặc thù của mỗi dân tộc. Do đó, không thể nói PG đời Trần, hay thiền Trúc Lâm Yên Tử đã chịu ảnh hưởng của các hệ phái thiền đương thời và trước đó, mà không có tính sáng tạo và không có gì gọi là đặc điểm của thiền tông Việt Nam.

Tuy Trúc Lâm Đại Đầu Đà là Tổ thứ sáu của hệ phái Yên Tử, và tôn thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm thầy (nhưng Thượng Sĩ vốn là cư sĩ nên không thể truyền giới pháp cho Ngài, và không có chú ý đến hình thức tổ chức Giáo hội), cho nên Ngài xứng đáng là Sơ Tổ của hệ phái Trúc Lâm. Với tài tổ chức của một minh quân, Ngài đã thống nhất các thiền phái đương thời thành một Giáo hội thống nhất, đưa Thiền tông hòa nhập vào dân tộc, với những tổ chức và hình thức lễ nghi biểu hiện ý thức, tự lực tự cường, độc lập của dân tộc thời bấy giờ. Ngài cho phát hành sách giáo khoa về đạo Phật (Thích khoa giáo, Chư phẩm kinh...), và cho phát hành toàn quốc cuốn Phật giáo pháp sự đạo tràng công văn cách thức, để thống nhất về nghi lễ cầu an, cầu siêu, chẩn tế, thọ giới, khánh thành... Giáo hội thời này đã lập sổ Tăng tịch và cấp độ điệp cho Tăng Ni. Suốt quá trình lịch sử phát triển của PG Việt Nam, chúng ta nhận thấy đây là thời cực thịnh của PG Việt Nam, đưa PG trở thành quốc giáo. Vua Trần Nhân Tông xứng đáng là vị giáo chủ lãnh đạo Giáo hội, là một vị Tổ khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. PG đời Trần đủ điều kiện để đại diện cho Thiền tông Việt Nam. Vì thế, việc nghiên cứu, đánh giá về thiền phái Trúc Lâm là một vấn đề đang đặt ra cho toàn xã hội ; trong phần bài viết này, chúng tôi xin lược trình những nét chính theo cái nhìn chủ quan của chúng tôi.

I.- THIỀN TÔNG VIỆT NAM NÂNG CAO GIÁ TRỊ PHẬT GIÁO VN

1- Ông vua đi tu: Ở Ấn Độ, ông hoàng thái tử xuất gia tìm đạo giải thoát cứu khổ chúng sanh. Ở Việt Nam, một ông vua xuất gia vào núi tu hành để cứu dân độ thế. Vị Thái tử không màng giàu sang danh vọng, kể cả tương lai ngôi vị hoàng đế, trốn đi tu tìm cho ra mối đạo giải thoát để cứu khổ chúng sanh. Như vậy, đạo giải thoát này phải cao siêu tột đỉnh, Ngài mới vứt bỏ ngôi vị cao sang nhất trên đời. Vua Trần Nhân Tông thấm nhuần được Phật pháp, đang ngự trị ngai vàng mà chối bỏ, giao lại cho con, xuất gia tu Phật, tu theo hạnh Đầu đà. Phật giáo nếu không cao siêu, kỳ đặc thì làm sao lôi cuốn hấp dẫn được ông vua dám “xem ngai vàng như dép rách”, đổi chiếc áo ngự bào, mặc áo nâu sồng làm người xuất gia vào núi tu hành. Giá trị PG ở Ấn Độ thật siêu xuất, giá trị PG Việt Nam cũng phi thường, mới đủ sức thuyết phục một ông hoàng, một ông vua đi tu. Ở Việt Nam, đời Trần ông vua đi tu Phật, ông trạng nguyên đi tu Phật, chúng ta thử xét giá trị Phật giáo đời Trần cao siêu đến ngần nào. Phật pháp đã cao siêu, người tu cũng đáng kính, cho nên PG rất thịnh hành trong thời này. Chúng tôi phục hưng tinh thần PG đời Trần cốt để nâng cao Phật giáo Việt Nam hiện nay.

2- Ông Tổ Thiền tông người Việt Nam: PG Việt Nam từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 18 do Thiền tông lãnh đạo truyền bá, các hệ phái Thiền tông hầu hết từ Trung Hoa truyền sang như: phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, phái Vô Ngôn Thông, phái Thảo Đường..., những vị Tổ đứng đầu mỗi hệ phái đa phần người Trung Hoa, Ấn Độ. Chỉ có phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, ông Tổ đầu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà chính thực là người Việt Nam. Ông Tổ Việt Nam mới thông cảm tâm tư, nguyện vọng, phong tục tập quán của người Việt Nam, giáo hóa mới thích ứng nhu cầu người Phật tử Việt Nam.

II.- ĐẶC ĐIỂM CỦA THIỀN TÔNG VIỆT NAM

1- Không chỉ riêng người xuất gia mà cư sĩ cũng ngộ đạo

a)- Vua Trần Thái Tông (1218-1277): Đây là ông vua đầu nhà Trần, bẩm tính hâm mộ tu Phật, gặp duyên trắc trở đau buồn, ông liền trốn lên núi Yên Tử xin tu (1236)... Thái sư Trần Thủ Độ dẫn quan quân đi tìm, đến núi Yên Tử gặp vua, ông quyết thỉnh vua về cho được. Vua đành phải trở về tiếp tục công việc trị dân. Hơn mười năm khi rảnh rỗi, vua mời các bậc kỳ đức đến hỏi đạo tham thiền. Vua thuật lại: “Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là Thiền tông chỉ nam” (trích trong bài tựa Thiền tông chỉ nam).

Qua đó, chúng ta thấy đang lúc ngự trên ngai vàng cai trị muôn dân, vua vẫn nghiên cứu Phật pháp và tham thiền được ngộ đạo. Ai đa đoan bận rộn bằng ông vua đầy nhiệt tình lo cho đất nước, thế mà quyết tâm tu liền ngộ đạo. Đây là tấm gương sáng để chúng ta học tập theo.

b)- Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1297): Tướng quân Trần Tung, con Trần Liễu, đã hai phen cầm quân đánh giặc Nguyên Mông. Sau khi giặc tan, nước nhà thái bình, ông lui về ở phong ấp Tịnh Bang, đổi tên làng Vạn Niên. Ông học thiền và ngộ đạo với Thiền sư Tiêu Dao ở tịnh xá Phước Đường. Vua Thánh Tông kính quý ông nên tặng hiệu Tuệ Trung Thượng Sĩ và gởi Thái tử Trần Khâm đến học thiền với ông. Trong quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, vua Trần Nhân Tông tán thán: “Ôi tinh thần sắc vận của Thượng Sĩ thật trang nghiêm, cử chỉ thẳng thắn uy đức, Thượng Sĩ bàn huyền nói diệu trong lúc gió mát trăng thanh, những hàng thạc đức đương thời đều bảo Thượng Sĩ tin sâu hiểu rõ, thuận hạnh nghịch hạnh thật khó lường được”. Chẳng những cư sĩ đến học thiền với Thượng Sĩ mà Tăng sĩ cũng đến tham vấn. Con người của Thượng Sĩ thật tiêu dao phóng khoáng, đọc tác phẩm Vui thú giang hồ của Thượng Sĩ thấy rõ.

Tâm xưa hồ hải chửa từng khuây

Ngày tháng như tên lại tợ thoi

Gió mát trăng thanh sinh kế đủ

Non sông nước biếc nếp sống đầy

Sáng sớm giương buồm băng nước thẳm

Chiều nâng sáo thổi cợt gió mây

Tạ Tam nay đã không tin tức

Để chiếc thuyền trơ bãi cát này.

Cuộc sống của Thượng Sĩ đơn giản, đạm bạc, không màng danh lợi, nội tâm lúc nào cũng sung mãn an vui. Đọc bài thơ Tự tại sẽ thấy:

Bìm chuột không nhơn mãi mãi xâm

Lui về, già gởi chốn sơn lâm

Nhà tranh cửa gỗ đời thanh thoát

Không đúng, không sai tự tại tâm.

Khi quốc gia hữu sự, Thượng Sĩ xông pha trận mạc cứu nước cứu dân; lúc nước nhà thái bình, Thượng Sĩ sống thong dong tự tại trong đạo lý thiền, ai cần thì giúp, không cần thì vui thú hải hồ, thảnh thơi chốn sơn dã. Đời của Thượng Sĩ thật đẹp như bức tranh thủy mặc.

c)- Vua Trần Thánh Tông (1240-1290): Vua là con của Thái Tông, lên ngôi năm Mậu Ngọ (1258), đổi niên hiệu là Thiệu Long, vua học thiền với Quốc sư Đại Đăng. Một hôm, đọc ngữ lục của Thiền sư Đại Huệ, vua cảm ngộ làm kệ:

Đập ngói dúi rùa ba chục niên

Mấy phen xuất hạn bởi tham thiền

Một phen thấu vỡ gương mặt thật

Lỗ mũi xưa nay mất một bên.

Vua Thánh Tông nói thiền: “Dụng của chân tâm tĩnh tĩnh lặng lặng, không đi không đến, không thêm không bớt, vào lớn vào nhỏ, mặt thuận mặt nghịch, động như mây hạc, tĩnh như tường vách, nhẹ như sợi lông, nặng như tảng đá, sạch trọi trơn bày lồ lộ chẳng thể so lường, hoàn toàn không dấu vết, ngày nay vì anh biện biệt rành rẽ rõ ràng” (Trích Thánh đăng lục).

Qua đây chúng ta thấy, vua Thánh Tông thấu suốt lý thiền, trong lúc còn đang làm hoàng đế. Nhà vua không tìm nơi non cao rừng vắng, mà ngự tại triều đình tu vẫn được ngộ đạo. Đúng như lời Thiền sư Viên Chứng nói: “Phật tại tâm mình”, nếu người biết xoay lại tâm mình thì có ngày ngộ đạo. Quả là tu thiền không trở ngại cho mọi công tác ở thế gian, có ai mà không tu được. Đây là một bằng chứng thiền học đời Trần rất tích cực.

2- Tinh thần nhập thế của Thiền tông Việt Nam

a)- Tam giáo đồng nguyên: Thuyết Tam giáo đồng nguyên xuất phát từ đời nhà Tống ở Trung Hoa. Nhà Trần ở Việt Nam chấp nhận thuyết này để dung hòa Tam giáo (Phật-Khổng-Lão). Người Việt Nam chịu ảnh hưởng Tam giáo rất sâu đậm qua những thời kỳ Bắc thuộc và giao lưu văn hóa. Những nhà lãnh đạo tư tưởng Thiền tông Việt Nam thời bấy giờ, bằng trí tuệ sáng tạo đã dung hợp Nho và Lão để tạo sự đoàn kết dân tộc, tận dụng mọi tài năng để bảo vệ và xây dựng đất nước. Do đó, không thể cho tinh thần Tam giáo đồng nguyên này là sự sao chép của nhà Tống. Tam giáo đồng nguyên của nhà Tống không tạo được sức mạnh cho dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm khéo dung hợp Nho giáo để kiện toàn cơ cấu tổ chức chính quyền quân chủ, phát triển văn hóa, đào tạo nhân tài cho đất nước (mở trường dạy học, mở các khoa thi để tuyển chọn nhân tài...). Tinh thần này đã thể hiện rõ qua lời khuyên của Thiền sư Viên Chứng: “Phàm làm đấng nhân quân phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được? Song, phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng”. Qua bài Phóng cuồng ngâm của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Cư trần lạc đạo của vua Trần Nhân Tông, đã thể hiện một phần ảnh hưởng Đạo giáo với tinh thần siêu thoát của Thiền.

b)- Tinh thần nhập thế của Thiền tông Việt Nam: Mặc dù “thiên hạ Lý-Trần bán vi Tăng” (người dân Lý-Trần hết phân nửa là Tăng), theo nhà sử nho Ngô Sĩ Liên thời đó nhận xét, dân tộc Việt Nam không vì tinh thần bác ái, khoan dung của đạo Phật mà trở nên bi quan, yếm thế, tiêu cực và quên lãng bổn phận đối với Tổ quốc và dân tộc khi có ngoại xâm, như trường hợp Ấn Độ, Indonesia trước sự xâm lăng của Hồi giáo, mà trái lại, đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, một đội quân hùng mạnh và thiện chiến đã từng bách chiến bách thắng từ Á sang Âu.

Năm 1257, giặc Nguyên Mông xâm lăng đất nước ta, vua Thái Tông (một ông vua ngộ đạo, xem sống chết như trò đùa) đích thân chỉ huy nhiều mặt trận, có mặt ở cả mọi nơi nguy hiểm, khiến quân sĩ nức lòng chiến đấu. Kết quả, quân ta đánh tan quân xâm lược, giặc Nguyên Mông tháo thân chạy về Vân Nam (đầu năm 1258). Một ông vua Thiền sư hết lòng mộ đạo, đã từng làm kệ khuyên người đừng sát sanh:

Cánh lông mai vảy trọn hàm linh

Sợ chết tham sanh nào khác tình

Từ trước thánh hiền lòng chẳng nỡ

Đâu đành thấy chết vẫn tham sinh.

Tại sao ông lại cầm quân đánh giặc, giết hại biết bao sanh mạng, chắc phải có lý do, hành động này có mang tội sát không?

Sau khi nhường ngôi cho con, ông lui về lập am Thái Vi, ở vùng rừng núi Vĩ Lâm (cố đô Hoa Lư) để an dân lập ấp và lo tu hành, cùng khuyên dạy dân chúng tu. Khuyên người dân giữ năm giới, ông nói kệ về giới thứ ba:

Má thoảng hương mai, mặt nhụy đào

Thấy rồi mắt dán, ý nao nao

Thảy đều một đãy da hôi thúi

Thầm cắt ruột người chẳng động dao.

Ông luôn đem bốn tướng sanh, già, bệnh, chết nhắc nhở mọi người tu hành (bốn tướng này trong kinh gọi là bốn núi).

* Nhận định về vua Trần Thái Tông

Đem vua Trần Thái Tông so sánh với vua Lương Võ Đế ở Trung Hoa, chúng ta thấy có những nét đặc thù. Vua Lương Võ Đế (464-549) là con người rất sùng Phật, ông từng giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã và sớ giải các kinh... Song, khi Tổ Đạt Ma sang Trung Hoa năm 520 gặp vua, Tổ nói thiền, vua không lãnh hội, Tổ lên miền Bắc ở tại chùa Thiếu Lâm. Đến cuối đời vua Lương Võ Đế, bị giặc Hầu Cảnh kéo quân vây hãm thành Kiến Khang, quần thần xin xuất quân chống giặc, vua không cho, lại ra lệnh bế cửa thành, tụng kinh cầu nguyện cho giặc lui. Kết quả giặc chẳng lui, mà ông bị mất nước và phải chết. Trái lại, vua Trần Thái Tông là người ngộ được Thiền tông, khi giặc Nguyên Mông xâm lăng, vua chỉ huy cầm quân đánh giặc, giặc thua rút lui về, đất nước thái bình, vua mới ngồi yên tu thiền. Hai thái độ của hai ông vua đồng là kính mộ đạo Phật mà xử sự mỗi bên mỗi khác.

Vua Võ Đế bị giặc hãm thành không cho quân chống cự, lại ra lệnh trong thành tụng kinh cầu nguyện cho giặc lui. Đây là đem tôn giáo áp đặt trên chính trị nên phải mắc họa. Vua Thái Tôn tách bạch phân minh, phần nào thuộc tôn giáo, phần nào thuộc chính trị, nên cứu được đất nước khỏi lâm nguy. Tu theo Phật giáo là trau giồi đạo đức, rèn luyện tâm linh, là việc riêng của mỗi người Phật tử, tức là lãnh vực của tôn giáo. Giặc ngoại bang xâm lăng Tổ quốc, toàn dân đứng lên chống giặc, người lãnh đạo cổ động lòng yêu nước của dân và đứng ra chỉ huy đánh giặc là lãnh vực chính trị. Phân rành lãnh vực tôn giáo, lãnh vực chính trị là vấn đề rất thiết yếu. Người Phật tử thọ tam quy trì ngũ giới, nếu phạm giới sát sanh là có tội, đó là phần tu hành riêng của Phật tử, thuộc lãnh vực tôn giáo. Đất nước bị xâm lăng, toàn dân đứng lên chống giặc là trách nhiệm của mỗi công dân, thuộc lãnh vực chính trị. Nhất là đối với một đạo quân gây tang tóc cho hàng vạn, hàng triệu sinh linh từ Á sang Âu, vó ngựa của chúng tới đâu là gieo kinh hoàng, nhà tan cửa nát tới đó; việc chống lại đoàn quân hiếu sát, để bảo vệ sinh mạng và tài sản của nhân dân, theo nguyện vọng của toàn dân (qua Hội nghị Diên Hồng), là việc làm tự vệ theo nguyện vọng của toàn dân, không tạo bởi tâm hiếu sát, thì có thể đem tội sát luận vào chỗ này không, hay đây là việc làm của Bồ Tát thõng tay vào chợ, giống hành động của Bồ Tát (tiền thân đức Phật) giết tướng cướp khi qua đò để bảo vệ tài sản và sinh mạng của khách buôn... Do đó, không thể đem tội sát đặt vào chỗ này.

Vua Trần Thái Tông là một ông vua ham tu ngộ đạo mà trọn đời lo bảo vệ và xây dựng đất nước. Khi nước nhà bị địch họa, nhà vua liều mình cứu nước; lúc đất nước thái bình, tuy tuổi đã già, vẫn dạy dân khai hoang lập ấp, và chỉ dạy họ tu hành, trau giồi đạo đức. Nhà vua không những lo cho dân được cơm no áo ấm, mà còn lo cho dân có đức hạnh và biết gạn lọc tâm linh.

Qua lịch sử, chúng ta thấy vua tôi nhà Trần đã ngộ được lý thiền, vận dụng vào cuộc sống với tinh thần nhập thế, tích cực bảo vệ nền độc lập, xây dựng hạnh phúc cho toàn dân, đây là một đặc điểm chỉ có ở Thiền tông Việt Nam.

c)- Góp phần xây dựng văn hóa dân tộc: Các nhà lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm chẳng những là những nhà chính trị, thiền sư, mà còn là những nhà văn hóa, những thi nhân có tài. Các ngài đã ý thức muốn bảo vệ nền độc lập dân tộc một cách hữu hiệu và lâu dài, phải phát triển nền văn hóa dân tộc, nên các ngài không ngừng học tập nội ngoại điển, để thông Lão-Nho, ngộ lý Thiền. Để khuyến khích dân chúng học hành, triều đình cho mở khoa thi Tam giáo để chọn nhân tài phục vụ đất nước.

Các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ là những Thiền sư ngộ đạo, giỏi thơ văn, đã sáng tác những tác phẩm về đạo lý, dịch giảng kinh sách hướng dẫn nhân dân tu hành ; làm thi kệ, tụng, để dạy môn đồ... Những tác phẩm này đã tác động đến sự trưởng thành và phát triển của nền văn học đời Trần.

Một quốc gia độc lập hùng cường, đã có một ngôn ngữ riêng, muốn có một nền văn hóa độc lập thì không thể thiếu chữ viết riêng để ghi lại tâm tư, tình cảm, sinh hoạt văn hóa của dân tộc. Từ nhận thức đó, các Thiền sư lãnh đạo nước Đại Việt khuyến khích toàn dân sáng tạo và dùng chữ Nôm. Vào thời này, chữ Nôm mới bắt đầu hình thành với: Nguyễn Thuyên, người đã có bài văn tế Cá sấu chẳng kém Hàn Dũ; Nguyễn Sĩ Cố với tài làm thơ Việt, với biệt tài khôi hài, chẳng kém Đông Phương Sóc đời Hán, và với Chu Văn An... Thiền phái Trúc Lâm góp phần tham gia sáng tạo chữ Nôm, qua việc viết họ tên Phật tử trong các sớ điệp cầu an, cầu siêu, thọ tam quy ngũ giới... bằng chữ Nôm. Ngoài ra, các Ngài còn để lại những bài văn Nôm như: Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Sơ Tổ Trúc Lâm; Vịnh vân yên tự phú của Huyền Quang...

d)- Tính bao dung nội giáo: Đời Trần tuy lấy Thiền tông làm chủ đạo truyền bá, song cũng có Tịnh, Mật đồng thời hoạt động. Tịnh độ thì có sự Tịnh độ và lý Tịnh độ. Về sự Tịnh độ thì phải tin có cõi Cực lạc ở phương Tây, đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi này. Nếu người chí thành niệm Phật và tha thiết cầu sanh về cõi Cực Lạc, khi lâm chung được Phật Di Đà đón về Cực lạc. Về lý Tịnh độ là “Tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh độ” hay “Tâm Tịnh độ tịnh”, tức là tâm mình thanh tịnh là Tịnh độ, tánh mình sáng suốt là Phật Di Đà. Tổ Trúc Lâm nói:

... Tịnh độ là lòng trong sạch

Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương

Di Đà là tánh sáng soi

Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.

(Phú Cư trần lạc đạo - Hội thứ hai)

Thiền tông thừa nhận lý Tịnh độ, không quan tâm sự Tịnh độ. Thiền sư Vô Ngôn Thông nghe Tổ Bá Trượng nói: “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu” liền ngộ đạo. Đất tâm nếu không, là tâm Tịnh độ tịnh. Tuệ nhật tự chiếu là tự tánh Di Đà. Vì A Di Đà dịch nghĩa là Vô Lượng Quang, nhà Thiền gọi là Tuệ nhật tự chiếu. Đứng về lý, Tịnh độ cùng Thiền tông cứu cánh không hai.

Qua các tác phẩm của đời Trần, chúng ta thấy ảnh hưởng của Mật tông không nhiều như thời Lý. Thiền tông đời Trần thiên về Thiền giáo, văn chương, nhẹ về Tịnh, Mật. Lịch sử PG Việt Nam đã minh chứng ảnh hưởng của Tịnh, Mật tuy có lúc nặng lúc nhẹ, nhưng Thiền vẫn luôn luôn chủ đạo, từ thế kỷ thứ 3 cho đến thế kỷ thứ XVIII.

III.- CHỦ TRƯƠNG PHỤC HƯNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM, hay THIỀN TRÚC LÂM YÊN TỬ

A/- Nguyên nhân

1- Thời kỳ Nho giáo độc tôn: Suốt 200 năm kể từ khi nhà Trần bắt đầu suy đồi, giới trí thức hướng về Nho học, xem đây là một phương thức để dựng nước và giữ nước ; họ hướng về nền văn hóa Tống Nho, không thấy được truyền thống văn hóa của dân tộc (các phép thi, phong hàm quan lại, y phục, nhạc chương... theo Trung Quốc), đã đưa đất nước đến chỗ suy yếu, lệ thuộc sau này. Trong thời gian này, những vị cao tăng không thấy xuất hiện; có thể do thái độ chống Phật của các nhà Nho mà các vị lui về ẩn dật, không còn tham dự việc triều chính, hoặc những tác phẩm thời này bị binh lửa thiêu hủy... PG thời này thầy cúng nhiều hơn thầy tu.

2- Thời kỳ phục hưng của các thiền phái: Ở Trung Quốc, khi nhà Thanh lên thay nhà Minh, thì ở Việt Nam, Trịnh-Nguyễn phân tranh, loạn lạc nổi lên nhiều nơi; trong triều, sự tranh giành quyền hành, trước cảnh thăng trầm của cuộc đời, đã khiến cho một số Nho gia thức tỉnh quay về với đạo Phật. Các chúa Trịnh, Nguyễn quy hướng về Phật giáo để nương tựa tinh thần, tạo lập công đức. Trong thời kỳ này có các thiền phái Lâm Tế và Tào Động truyền sang nước ta: thiền phái Lâm Tế ở Đàng Ngoài có Thiền sư Chuyết Chuyết và Thiền sư Minh Hành. Ở Đàng Trong có Thiền sư Nguyên Thiều, Thiền sư Minh Hoằng và Thiền sư Liễu Quán. Thiền phái Tào Động bắt đầu truyền sang nước ta lần thứ nhất ở Đàng Trong và Đàng Ngoài.

* Sự phục hưng của thiền phái Trúc Lâm: Thiền sư Chân Nguyên, sinh năm 1646, xuất gia năm 19 tuổi, thọ pháp với Thiền sư Tuệ Nguyệt (Chân Trú) ở chùa Hoa Yên, với pháp danh là Tuệ Đăng. Khi Thiền sư Tuệ Nguyệt tịch, ông đến chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham thiền với Thiền sư Minh Lương (đệ tử của Thiền sư Chuyết Chuyết); sau khi đắc pháp, Sư được ban cho pháp hiệu là Chân Nguyên. Về sau, Sư được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm là hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm. Sư có nhiều đệ tử xuất sắc như: Như Hiện, Như Trừng, Như Sơn, Như Trí. Sư đã để lại 11 tác phẩm, hiệu đính và trùng khắc Thánh đăng lục. Các thế hệ sau tiếp tục phục hồi nền văn học Phật giáo nước nhà. Những tác phẩm của hệ phái Trúc Lâm còn sót lại hôm nay một phần là do Sư cùng các đệ tử trùng khắc, hoặc trùng san lại.

Khi chúa Nguyễn di dân mở mang bờ cõi về phía Nam, các Thiền sư với bản nguyện độ sanh, cũng theo dân vào vùng đất mới để xây chùa chiền, truyền bá Phật pháp như: Thiền sư Đạt Bổn từ Qui Nhơn vào Gia Định (địa danh thời chúa Nguyễn) lập chùa Thiên Trường năm 1755, sau đổi tên là Kim Chương tự. Trong thời kỳ này, Thiền sư Viên Quang, đời thứ 36, dòng Lâm Tế; Thiền sư Mật Hoằng khai sơn chùa Tập Phước, chùa Giác Lâm. Hai Thiền sư này là đệ tử của Thiền sư Linh Nhạc thuộc pháp phái Nguyên Thiều. Thiền sư Đạo Trung, dòng thứ 4, phái Liễu Quán, khai sơn chùa Linh Ẩn (1763) ở núi Điện Bà; Thiền sư Hoàng Long, người Qui Nhơn, vào tận Hà Tiên để hoằng hóa và tịch tại đây. Các thiền phái Lâm Tế, Liễu Quán, Tào Động, Trúc Lâm tiếp tục truyền thừa trong các chùa từ Bắc chí Nam cho đến giữa thế kỷ thứ XIX.

Nhìn lại chùa chiền Việt Nam ngót một thế kỷ nay, lấy hai thời khóa tụng làm công phu tu tập, hai thời khóa tụng này xuất phát từ đời nhà Thanh Trung Quốc, đây là giai đoạn lịch sử mà theo ông Trần Khuê, tác giả quyển sách “Nghiên cứu và tranh luận”, đã viết : “... bên kia thi cử thế nào, bên này thi cử như thế; bên kia Đại Thanh nhất thống chí, bên này Đại Nam nhất thống chí ; bên kia cương mục, bên này cũng cương mục. Thậm chí bộ luật nhà Thanh của Càn Long thì bên này sao y bản chính”... (Trích bài Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam, trang 365).

3- Thời kỳ chiến tranh chống đế quốc: Chư Tổ Việt Nam đã khéo ứng hợp hai thời khóa tụng vào hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, lòng dân ly tán, mất niềm tự tin, sống trong cảnh phập phồng ngày đêm lo sợ bom, đạn pháo không biết rơi xuống lúc nào. Đêm ngày không dứt tiếng súng, tiếng bom đạn gần xa vọng về, thì làm sao an tâm nhập định, khi người thân đang cầm súng nơi chiến trường. Chùa chiền ngày đêm có thể bị khủng bố xét hỏi bất cứ lúc nào, đâu còn yên tĩnh để tĩnh tâm tọa thiền. Sống trong bối cảnh từ thành thị đến thôn quê, nhà nào cũng có hầm núp tránh bom đạn, nghe tiếng bom, tiếng pháo nổ gần, tiếng súng nổ giòn liên tục thì lập tức xuống hầm, miệng niệm Phật, niệm Bồ Tát không dứt... Cho nên đêm đêm đốt hương niệm Phật, tụng kinh trì chú, nguyện cầu tha lực cho gia đình bình an, cho tâm bớt lo sợ, là một thực tế linh hoạt của PG Việt Nam, là điều khế cơ khế lý, đối với hiện tình đất nước trong thời gian đã qua.

Nhưng ngày nay nước nhà độc lập, mọi người an tâm trong cuộc sống và hăng hái đi vào sản xuất... Việc xét lại đường lối tu hành của PG Việt Nam trong bối cảnh đất nước hiện nay, theo đúng với lý tưởng xuất gia cầu giải thoát, đem giáo lý của Phật giáo hóa chúng sanh khế hợp với trình độ tiến hóa của xã hội văn minh ngày nay, mà vẫn giữ được truyền thống đặc thù của dân tộc, là việc phải làm của những bậc thức giả, nhiệt tình với tiền đồ của PG Việt Nam trong giai đoạn mới, để không bị lạc hậu, để xứng đáng là người cầm đuốc soi đường cho hàng hậu học và chúng sinh trên con đường hướng đến giải thoát.

Trên con đường phát triển văn hóa, bất kỳ một sự sao chép nào, dù là sao chép của tổ tiên cũng là một sự nô lệ, không hợp thời hợp lý, huống chi là sao chép của ngoại bang, trong hoàn cảnh đổi mới của đất nước. Bài học lịch sử còn đó, sự nô lệ văn hóa đưa đến tinh thần vọng ngoại, làm tay sai cho ngoại bang, cuối cùng đưa đến mất nước. Chúng tôi chủ trương phục hưng thiền Trúc Lâm Yên Tử, bằng cách dịch giảng những tác phẩm của các thiền phái ở Việt Nam, nhất là thiền phái Trúc Lâm, để cho hàng hậu học thấy được tinh thần và cái hay của tổ tiên mình, thấy được cái tinh hoa và truyền thống của PG Việt Nam gắn liền với dân tộc, thấy được cốt lõi của đạo Phật, là việc làm “tùy duyên nhi bất biến”. Trong tinh thần đó, chúng tôi hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử tu thiền với phương pháp và tri thức của nhân loại đang chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI.

4- Ích lợi của Thiền: Thiền là một phương pháp giúp chúng ta an định tâm. Khi tâm an định thì trí tuệ sáng suốt, đó là một quy luật tất yếu giữa tâm và trí tuệ (khi tâm bất an, đầy sợ hãi thì dễ đưa đến loạn tâm), đúng như lời Tổ Bá Trượng đã nói: “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”. Chư Phật và Tổ nhờ thiền định mà tâm an định sâu, chứng ngộ đạo quả, có trí tuệ siêu việt, thấy được chân lý của vạn hữu, từ đó sống ung dung tự tại giải thoát...

Các vua đầu nhà Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông) và Tuệ Trung Thượng Sĩ đều là những thiền giả đạt đến trạng thái an định sâu, nên mới chứng ngộ, thấu suốt lý thiền lẽ đạo, từ đó trí tuệ phát sáng, các Ngài viết kinh sách hướng dẫn người tu. Do tâm an định, trí tuệ sáng suốt linh hoạt, xem “sinh tử nhàn nhi dĩ” (sống chết nhàn mà thôi), từ đó các Ngài không khiếp sợ trước đạo quân Nguyên Mông thiện chiến, hùng mạnh và đông đảo. Xem tứ đại vốn không, nên xả thân vì nước vì dân, xông pha vào trận mạc, sát cánh cùng ba quân tướng sĩ chiến đấu đến thắng lợi. Bằng trí tuệ và đạo đức của mình, các Ngài lấy đức trị dân, áp dụng chính sách bình dị, thân dân, dân chủ. Vua Trần Nhân Tông thường hỏi han dân chúng, không cho vệ sĩ nạt nộ, vua nói: “Lúc thái bình thì nhờ có thị vệ tả hữu, lúc nước nhà lâm hoạn nạn thì chính những người gia nhân ấy đi theo bảo vệ”.

Thiền còn mang đến cho hành giả một sức mạnh nội tâm hay nội lực, từ đó các nhà yoga, võ thuật, khí công, dưỡng sinh, ngoại đạo, ứng dụng tọa thiền để tăng định lực, rèn luyện thân thể, tăng nội lực, khí lực, hay để chữa trị một vài chứng bệnh nan y. Khi tâm an lạc, cơ thể ít tiết ra độc tố (là một trong những nguyên nhân phát sinh bệnh), và còn có khả năng điều trị được những chứng bệnh thuộc về tinh thần.

Hiện tại, con người đang bị quay cuồng theo công việc, chạy theo máy móc trong hệ thống dây chuyền, đưa đến chứng bệnh stress, là bệnh của thời đại ở các nước công nghiệp. Khoa học dưỡng sinh đã khuyên, mỗi ngày nên tập tọa thiền từ mười lăm hai mươi phút đến nửa giờ để thư giãn, an định tinh thần, là phương pháp tốt nhất để phục hồi trí tuệ, và chống lại sự lão hóa của não.

Trong các pháp tu của Phật thì tọa thiền là phương pháp an định tâm tốt nhất, bởi vì khi tọa thiền (giai đoạn khởi tu), mắt nhìn xuống hay khép hờ nên tâm bớt chạy theo ngoại cảnh; thân ngồi yên không cử động nên dễ định tâm hơn lúc đi đứng nói năng, cử động. Do đó, khi tọa thiền, hành giả dễ quan sát thấy tâm, khi tâm an định khá, hành giả sẽ tu trong bốn oai nghi.

B/- Tinh thần phục hưng thiền Trúc Lâm Yên Tử

1- Sơ Tổ Trúc Lâm (1258-1308): Ngài là con vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng thái hậu, tên là Trần Khâm. Khi lớn lên, vua cha cho ngài theo học thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Một hôm, Ngài hỏi Thượng Sĩ về “bổn phận tông chỉ Thiền”, Thượng Sĩ đáp “ “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, không từ bên ngoài mà được). Nghe qua, Ngài thông suốt được lối vào và thờ Thượng Sĩ làm thầy.

Năm 21 tuổi, Ngài lên ngôi hoàng đế (1279) hiệu là Trần Nhân Tông. Quân Nguyên Mông xâm lăng nước ta, Ngài phải cầm quân đánh đuổi giặc đến hai lượt (1285, 1288)... Đến năm Quý Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Năm Kỷ Hợi (1299), Ngài vào núi Yên Tử xuất gia tu hành, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà và làm Sơ Tổ phái Trúc Lâm Yên Tử. Do chỗ sở ngộ ban đầu của Ngài, nên lấy câu “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” làm kim chỉ nam cho phái thiền Trúc Lâm Yên Tử.

2- Câu “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, nhìn xuyên suốt từ đời tu của đức Phật qua giáo lý, đến các pháp thiền:

a)- Đời tu của đức Phật hoàn toàn soi sáng lại nội tâm của mình. Suốt bốn mươi chín ngày đêm ngồi dưới cội bồ đề, Ngài quán chiếu nội tâm được giác ngộ thành Phật. Đức Phật là cội nguồn của đạo Phật, do quán chiếu nội tâm mình được chứng đạo, nên nói “phản quan tự kỷ bổn phận sự”. Trọn đời Ngài không cầu xin, trông cậy cái gì khác bên ngoài, nên nói “bất tùng tha đắc”.

b)- Giáo lý Phật dạy, bốn bộ kinh A Hàm, sáu trăm quyển kinh Bát Nhã, kinh Pháp Hoa... cũng không ngoài lối tu “phản quang” này. Kinh A Hàm lấy pháp Tứ đế làm căn bản, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo không phần nào chẳng quán chiếu lại mình. Kinh Bát Nhã lấy Bát Nhã Tâm kinh làm trọng tâm, mà “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” là nền tảng tu hành. Kinh Pháp Hoa (mục đích nhận ra tri kiến Phật của mình), hình ảnh chàng cùng tử trở về tìm cha là ý nghĩa “phản quan tự kỷ”.

c)- Các pháp thiền đều tu “phản quan tự kỷ”

* Thiền Nguyên thủy hiện nay hoặc tu thiền Tứ niệm xứ, hoặc tu thiền Minh sát tuệ. Pháp thiền Tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, đều là soi sáng lại chính mình. Pháp thiền Minh sát tuệ thì trước dùng hơi thở, biết rõ hơi thở ra vào, dài ngắn, lạnh ấm... nhờ nương hơi thở, tâm được định. Kế dùng trí tuệ quán sát thân tâm là vô thường, khổ, không, vô ngã biết đúng như thật. Theo dõi hơi thở và quán sát thân tâm vô thường... đều là “phản quan tự kỷ”.

* Thiền Đại thừa quán chiếu theo kinh Bát Nhã, hoặc “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” của Bát Nhã Tâm kinh, hoặc quán “nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán” của kinh Kim Cang, Bát Nhã. Cả hai lối quán này đều là “phản quang tự kỷ”, cho đến pháp “Tam quán” của Thiền sư Huệ Văn do đọc Trung quán luận ngộ được. Sư đem pháp này dạy cho đệ tử là Thiền sư Huệ Tư (515-577), thành lập phái thiền Đại thừa “Tam quán”. Pháp quán này y cứ bài kệ trong luận Trung quán là : “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không. Diệc danh vi giả danh, diệc danh trung đạo nghĩa”, lập thành ba pháp quán: Không quán, Giả quán, Trung đạo quán. Trong ba pháp quán này, cũng là “phản quan tự kỷ”.

* Thiền tông hẳn căn cứ “phản quang tự kỳ”. Cội gốc Thiền tông là “phản quan tự kỷ”. Câu “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” là châm ngôn của Thiền tông do Tổ Đạt Ma tuyên bố. Không phản quan làm sao kiến tánh, không kiến tánh thì đâu có được thành Phật. Bởi Thiền tông chủ trương Phật tức tâm, ngoài tâm không có Phật.

3- Tại sao phải phản quan tự kỷ ?

Người tu Phật phải biết đúng như thật nơi thân tâm mình. Chúng sanh mê lầm, nên mọi sinh hoạt đều để phục vụ cho mình, mà thật sự không biết mình là gì. Do mê lầm sinh ra kiến chấp sai lạc, tạo không biết bao nhiêu tội lỗi làm khổ mình và làm khổ mọi người. Soi sáng lại thân tâm mình thấy đúng như thật thì mọi kiến chấp đều phá vỡ, đem lại sự an lạc cho mình và mọi người. Soi sáng thân tâm mình chia làm hai phần:

a)- Thấy rõ thân tâm vô thường : Trong bài văn Trữ từ tự răn, Thượng Sĩ nói :

Ngày tháng nước chảy, giàu sang mây trôi

Gió lửa tan rồi, trẻ già thành bụi

Hồn phách lìa sắc thân như mộng

Cuộc mưu sinh, con rối kéo lôi

Hàng ngày đùa, đưa tay bắt bóng...

Trong mộng tạo tác, thức rồi đều không

Trong mộng tạo, sanh thô sanh tế

Tỉnh giấc rồi, không mãi tóc kẽ tơ...

Đến Tổ Trúc Lâm, trong bài Sơn phòng mạn hứng, cũng nói:

Phải quấy niệm rơi theo hoa rụng

Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm

Mưa tạnh, hoa trơ, non vắng lặng

Chim kêu một tiếng lại xuân tàn.

Thân tứ đại hòa hợp, tâm danh lợi phải quấy đều vô thường hư dối, người tu thấy rõ như vậy là thức tỉnh giác ngộ. Thế nhân lúc nào cũng thấy thân vật chất là thật, tâm nghĩ phải quấy danh lợi là thật nên mê muội khổ đau, soi sáng thân tâm thấy đúng như thật là điều kiện tối thiết yếu trên đường tu.

b)- Nhận ngay ra nơi thân vô thường có cái chân thường

Bài Phật tâm ca của Thượng Sĩ có đoạn nói :

... Muốn tìm tâm, đừng tìm ngoài

Bản thể như nhiên tự rỗng lặng

Niết bàn sanh tử buộc ràng suông

Phiền não bồ đề đối địch rỗng

Tâm tức Phật, Phật tức tâm

Diệu chỉ sáng ngời suốt cổ kim

Xuân đến, tự nhiên hoa Xuân nở

Thu về, hiện rõ nước thu sâu...

Lặng lặng lặng, chìm chìm chìm

Cái tâm muôn pháp là tâm Phật

Tâm Phật lại cùng tâm ta hợp

Lẽ ấy như nhiên suốt cổ kim

Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền

Trong lò lửa rực một hoa sen...

Tổ Trúc Lâm cũng nói:

Vậy mới hay ! Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa

Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt

Đến biết hay chỉn Bụt là ta.

(Phú Cư trần lạc đạo - Hồi thứ năm)

Qua hai đoạn dẫn trên, chúng ta thấy rõ Thượng Sĩ và Tổ Trúc Lâm chỉ thẳng tâm mình tức là Phật. Song phải là tâm lặng lẽ hằng nhiên, chớ không phải tâm đối đãi sanh diệt. Trong thân tâm vô thường sanh diệt có tâm lặng lẽ hằng nhiên, như trong lò lửa cháy rực có hoa sen tươi thắm. Tại vì chúng ta quên tâm Phật của mình, chạy tìm Phật ở bên ngoài. Một khi chúng ta biết quay trở lại tâm mình thì sẽ thấy tâm mình tức là Phật.

IV.- KẾT THÚC

Chủ trương phục hưng Thiền tông đời Trần là để nâng cao giá trị của đạo Phật. PG Việt Nam với những đặc thù: từ bi, bác ái, giải thoát, nhưng không tiêu cực, bi quan, yếm thế, mà tích cực góp phần xây dựng xã hội, bảo vệ đất nước. Với tinh thần bao dung, Thiền sẽ đoàn kết với các hệ phái và tôn giáo bạn nhằm đem đến sự an lạc, hạnh phúc, đạo đức và mở sáng trí tuệ cho mọi người. Với tinh thần nhân bản của PG, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh bình đẳng, nên không phân biệt sang hèn, văn minh hay lạc hậu; thấu suốt lẽ đó, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để xây dựng nền hòa bình lâu dài cho hai dân tộc Việt-Chiêm, để “chúng sanh” thoát khỏi nạn binh đao. Trong tinh thần đó, Thiền tông Việt Nam góp phần kiến tạo hòa bình giữa các cộng đồng dân tộc.

Tinh thần Thiền tông Việt Nam đã được thể nghiệm qua đời Trần, là hướng đi thích hợp của PG Việt Nam hiện tại và tương lai; bởi vì bao giờ con người còn vô minh, còn khổ đau, thì còn cần phải xoay lại mình, tìm hiểu chính mình, thấy biết rõ mình để tu sửa thân tâm, đưa cái tâm đảo điên trở về trạng thái thanh tịnh hằng nhiên, để chấm dứt khổ đau, thấy được chân lý của cuộc đời, tiến đến giác ngộ giải thoát (hiện đời sáu căn không vướng mắc với sáu trần, vị lai không còn trầm luân trong cảnh khổ). Đây là cái cốt lõi của đạo Phật ; các pháp môn nguyện cầu tha lực (giống như các tôn giáo khác) cũng chỉ là phương tiện để dẫn dụ “chàng cùng tử lang thang” (không tin tâm mình là Phật) quay trở về nhà, để rồi từ từ nhận lại kho báu nhà mình. Vì nhận ra con “đường chim” này từ Phật, Tổ đã nối tiếp trao truyền, chúng tôi tạm mượn lời để diễn bày cho những người hữu duyên với nó, thấy lối về nhà, mặc dù điều này trái với tinh thần của Thiền tông...


 

Phật giáo Nam tông tại Sài Gòn- Gia Định-TP Hồ Chí Minh xưa và nay

 

Thượng tọa THÍCH THIỆN TÂM

Hòa với niềm hân hoan chung của nhân dân thành phố, hôm nay giới Phật giáo (PG) thành phố tổ chức buổi hội thảo để kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-Gia Định-TP Hồ Chí minh, và cũng trong thời điểm kỷ niệm 23 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhân dịp này, tôi vinh dự được thay mặt giới PG Nam tông thành phố tham dự và phát biểu tham luận trong buổi hội thảo khoa học lịch sử quan trọng này. Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng chân thành biết ơn về vinh dự cao quý mà Ban Tổ chức đã dành cho tôi và kính gởi lời hân hoan chào mừng và kính chúc an lành đến chư tôn đức giáo phẩm, chư vị khách quý và chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, quý nam nữ Phật tử hiện diện. Xin thành kính cầu nguyện hồng ân mười phương Tam bảo hộ trì cho cuộc hội thảo của chúng ta đạt được thành quả tốt đẹp nhất.

Như chư tôn đức và quý vị đều biết, tại Việt Nam, PG Nam tông gồm có hai hệ : PG Nam tông của người Khmer đã tồn tại ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và PG Nam tông trong cộng đồng người Việt. Theo sử liệu thì PG Nam tông Việt Nam chỉ mới được du nhập vào Việt Nam từ khoảng những năm cuối thập niên 1930. Như vậy, PG Nam tông Việt Nam chỉ có mặt tại Việt Nam nói chung và tại thành phố này nói riêng, cho đến nay chỉ trên dưới 60 năm. Nếu so với bề dày lịch sử tồn tại của PG Bắc tông thì sự có mặt của PG Nam tông trong cộng đồng PG Việt Nam được xem là không đáng kể. Tuy nhiên, trong 60 năm tồn tại ấy, PG Nam tông cũng đã có những đóng góp nhất định, dù là khiêm tốn, cho thành quả chung của PG Việt Nam. Vì thế ở đây, tôi xin được mạo muội nhắc lại đôi dòng vắn tắt về quá trình lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của PG Nam tông trong những thập niên qua để đóng góp tiếng nói của PG Nam tông trong buổi hội thảo này. Qua đó, tôi cũng mong Đảng, chính quyền và Giáo hội cần quan tâm nghiên cứu thực tiễn tình hình hiện tại của PG Nam tông và có hướng giúp đỡ cụ thể cho PG Nam tông được phát huy bản sắc của mình trong sự phát triển chung của PG Việt Nam, phù hợp định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước và dân tộc. Trong niềm suy nghĩ đó, ở đây một câu hỏi cụ thể cũng có thể được đặt ra để cho vấn đề thêm phần sáng tỏ là: từ khi có mặt đến nay, PG Nam tông đã tạo nên được những sắc thái đặc trưng nào, đã làm được những gì và đang tồn tại ra sao trong vận mệnh của dân tộc và PGViệt Nam, mà cụ thể là tại một số tỉnh thành phía Nam, miền Trung Việt Nam và đặc biệt là tại thành phố này? Dĩ nhiên, đây chỉ là những nét phác thảo đang tồn tại trong suy tư cá nhân và không hề có tham vọng trình bày như một bản báo cáo chi tiết khoa học của vấn đề.

Như trên đã nói, PG Nam tông du nhập Việt Nam vào cuối thập niên 1930. Đây là thời kỳ lịch sử vô cùng quan trọng của dân tộc và PGViệt Nam, vì đây cũng chính là giai đoạn ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo. Trong giai đoạn bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam mà điểm hội tụ chính là tại thành phố này, đang liên tục diễn ra những cao trào đấu tranh cách mạng hào hùng và anh dũng của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc kháng chiến kiên cường bất khuất chống thực dân để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong bối cảnh lịch sử ấy, tuyệt đại đa số Tăng Ni và Phật tử Việt Nam nhiệt liệt hưởng ứng theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhất tề đứng lên cùng toàn dân toàn quân tích cực tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đầy chính nghĩa của dân tộc; mặt khác, ra sức tích cực hoạt động để đẩy mạnh công cuộc vận động thống nhất và chấn hưng PGnước nhà, nhằm thực hiện tinh thần lời dạy của đức Phật : Vì lợi lạc quần sanh, vô ngã vị tha, phát huy truyền thống yêu nước phụng đạo của lịch sử PGViệt Nam trong sự nghiệp bảo vệ đạo pháp và dân tộc, vừa khế hợp với yêu cầu vận động sức mạnh tổng hợp đoàn kết dân tộc trước thực tiễn tình hình đất nước, vừa không ngừng đưa PG Việt Nam theo kịp xu thế phát triển chung của PG các nước láng giềng và PG thế giới.

Chính sự ra đời của PG Nam tông trong bối cảnh lịch sử ấy của dân tộc và PG Việt Nam đã tạo nên cơ duyên thuận lợi cho quá trình hội nhập nhanh chóng và phát triển nhịp nhàng của PG Nam tông trong vận hội chung của đất nước và sánh vai cùng với các thành phần khác trong cộng đồng PG Việt Nam. Và cũng nhờ vậy nên trải qua biết bao biến cố đổi thay thăng trầm của lịch sử PG và dân tộc, PG Nam tông vẫn luôn sắt son gắn bó và được phát triển hài hòa cùng chung với sức sống và vận mệnh của dân tộc và cộng đồng PG Việt Nam kể từ khi du nhập đến nay, và cũng qua đó, đã cùng với các tổ chức hệ phái PG khác, có những cống hiến thiết thực nhất định trong nhiều lãnh vực hoạt động Phật sự, góp phần hoàn thành sứ mệnh phụng sự đạo pháp và phục vụ nhân dân trong sự nghiệp chung của PG Việt Nam và cùng chung sức xây dựng PG Việt Nam trở thành một thực thể vững mạnh, tồn tại hòa điệu nhịp nhàng trong mạch sống dân tộc trải qua bao cuộc thịnh suy thăng trầm của đất nước bốn ngàn năm văn hiến này.

Nói đến công đức khai sơn phá thạch để cho PG Nam tông được hiện diện trên đất nước Việt Nam là nói đến công lao của một số chư Tăng và Phật tử Việt kiều sinh sống trên đất nước Campuchia. Họ đã kết hợp với một số Phật tử nhiệt thành trong nước, ra sức xây dựng nền móng ban đầu cho PG Nam tông tại Việt Nam. Trong số các vị có công đầu ấy, đáng được nhắc đến là sự đóng góp đắc lực của các nhà sư và cư sĩ tiêu biểu như Bác sĩ thú y Lê Văn Giảng (về sau xuất gia là cố HT Hộ Tông) và ông Nguyễn Văn Hiểu cùng với một số bạn bè thân hữu của họ đã cùng với một số các bậc cao tăng khác như HT Bửu Chơn, HT Thiện Luật, HT Giới Nghiêm, HT Ấn Lâm, HT Tối Thắng... đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho công cuộc hoằng dương PGNguyên thủy tại Việt Nam, và giờ đây các vị ấy đã trở thành những bậc danh tăng thạc đức tiền bối và những cư sĩ lão thành có công lớn, sáng danh trong lịch sử du nhập và xây dựng PG Nam tông tại Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu có mặt tại Việt Nam, các vị sư và cư sĩ Nam tông chỉ tập trung vào việc tu tập thiền quán, biên soạn kinh sách, thuyết giảng Phật pháp, hướng dẫn cho Phật tử sơ cơ tu học và thực hành giáo lý chánh truyền nguyên thủy của đức Phật, để giúp họ loại bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan không phù hợp với tín ngưỡng chánh pháp của đạo Phật, tìm địa điểm thích hợp để xây dựng cơ sở tòng lâm tự viện làm nơi tu học và hoằng pháp lợi sanh cho chư Tăng và Phật tử, đơn giản hóa trong cách thờ phượng và lễ nghi cúng kiến. Chính những sinh hoạt đặc thù nguyên thủy ấy đã thu hút nhiều người cảm kính xu hướng tin theo, và cũng vì vậy mà tuy hiện diện chưa được lâu, PG Nam tông đã càng lúc càng phát triển nhanh chóng và đáng kể về số lượng chư Tăng và tín đồ. Nhiều ngôi chùa đã được xây dựng tại Sài Gòn và một số tỉnh thành lân cận cũng như tại một số tỉnh miền Trung ; trong đó, ngôi Bửu Quang tự là Tổ đình đầu tiên của PG Nam tông, tọa lạc tại xã Tam Bình, huyện Thủ Đức, cũng đã được xây dựng vào cuối năm 1937. Đây là những nỗ lực tập trung của chư Tăng và Phật tử Nam tông trong công cuộc đặt nền móng ban đầu cho sự hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử của PG Nam tông, và được xem là những hoạt động đặc trưng của PG Nam tông tại Việt Nam từ khi vừa có mặt tại Việt Nam.

Cũng ngay từ buổi giao thời đó, PG Nam tông, trước tình hình bối cảnh đất nước đang lâm cảnh chiến tranh ly loạn, đạo Phật Việt Nam rơi vào tình cảnh phân hóa trầm trọng, trong một xã hội có chiến tranh, nhân tâm phân tán, vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân, có người yêu nước lẫn kẻ bán nước với những xu hướng chính trị, quan điểm chánh nghĩa, phi nghĩa bất đồng; tình hình xã hội, chính trị rối ren phức tạp, lại thêm tác hại nghiêm trọng của chính sách thực dân chia để trị, càng làm suy yếu sức mạnh nội bộ dân tộc Việt Nam càng dễ bề thôn tính và cai trị. Chính trong tình cảnh nước mất nhà tan, nhân tâm bất ổn ấy, người Phật tử Việt Nam vốn thừa hưởng truyền thống yêu nước từ ngàn xưa của dân tộc và Phật giáo, và những Tăng Ni Phật tử thức thời, có tâm huyết đối với vận mệnh sống còn của đất nước, của dân tộc và đạo pháp, làm sao có thể bình chân tọa thị, và cũng vì vậy nên đã có biết bao Tăng sĩ Việt Nam, trong đó có một số nhà sư Nam tông “cởi ca sa mặc chiến bào”, lên đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia kháng chiến chống thực dân để bảo vệ giang sơn gấm vóc của Tổ quốc, tiêu biểu như các vị sư Tâm Kiên, Hữu Nghiệp... cùng với một số nhà sư và cư sĩ khác đã ra đi trong khi đang còn tu học và sinh sống trên đất nước Campuchia.

Cũng cần mở ngoặc và ghi nhận ở đây mối quan hệ thường xuyên gắn bó giữa PG Nam tông Việt Nam trong nước và PG Campuchia cũng như cộng đồng Phật tử người Việt sinh sống trên đất nước này, đã không ngừng được tăng cường củng cố, tạo nên mối quan hệ hữu nghị hợp tác ơn tình quan trọng, xuyên suốt qua bao thời kỳ lịch sử thăng trầm của dân tộc và PG hai nước Việt Nam-Campuchia càng thêm tốt đẹp, trong đó có sự đóng góp đáng kể của PG Nam tông Việt Nam.

Nổi bật nhất là trong khoảng thời gian PG Việt Nam đi tiên phong trong công cuộc tranh đấu anh dũng của các tầng lớp nhân dân chống lại bạo quyền độc tài tay sai Ngô Đình Diệm, PG Nam tông đã trở thành một trong những thành viên xung kích và tích cực trong các phong trào xuống đường, tuyệt thực và biểu tình và đấu tranh trực diện ở tại nhiều địa phương, nhất là ở Huế và tại thành phố này. Biết bao chư Tăng và Phật tử Nam tông cũng đã chịu chung cảnh bị đánh đập, giam cầm, tra tấn cùng với số phận của hàng ngàn Tăng Ni Phật tử khắp nơi trên cả nước, thậm chí HT Bửu Chơn cũng không thoát khỏi cảnh ngộ bị giam cầm chung cùng với các vị tôn túc lãnh đạo PG khác. Chính sự hợp tác cùng nhau đoàn kết một lòng, kề vai sát cánh, sống chết có nhau, trong công cuộc đấu tranh của PG Việt Nam cho sự tồn sinh của đạo pháp và dân tộc, là chất keo tình cảm vô cùng quan trọng, tạo điều kiện và tiền đề cho sự hình thành và phát triển nên tinh thần hòa hợp chúng, bất khả phân ly, mở đầu cho công cuộc vận động thống nhất PG nước nhà, nhằm đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Tăng Ni Phật tử Việt Nam, bất luận tông môn hệ phái nào, rất thiêng liêng và bền chặt.

Chính vì nhận thức được sự khác biệt giữa PG Nam tông và Bắc tông là thật sự không có ranh giới đáng kể, nó chỉ mang tính chất hiện tượng tạm thời. Bản chất khách quan của sự vật - nền tảng nhận thức của PG luôn luôn hiện diện trong ý thức của Tăng Ni Phật tử, tất yếu dẫn đến nhận thức rằng nỗ lực trong cuộc vận động thống nhất PG cũng chính là cuộc đấu tranh để đưa đến sự thống nhất các điểm bất đồng dị biệt để thực hiện tính nhất thể tương đồng trong nội bộ PG, và điều này chỉ có thể thực hiện được khi hoàn cảnh chủ quan (ý chí thống nhất của Tăng Ni Phật tử cả nước) và điều kiện khách quan (sự thống nhất đất nước) cho phép; chính vì vậy nên dù có một số điểm dị biệt bất đồng về hình thức và nội dung biểu hiện trong cách thờ phượng, trong quan điểm nội dung giáo lý và trong các phương pháp hành trì trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày của Tăng Ni Phật tử giữa Nam-Bắc tông, điều ấy cũng không phải là những vật cản lớn đối với hàng tứ chúng đệ tử Phật dù Nam hay Bắc tông, thật sự sống biết tôn trọng và thực hành đúng theo tinh thần Lục hòa cộng trụ và Tứ nhiếp pháp của đức Phật. Chính nhờ những quan điểm nhận thức như thế nên có thể nói từ khi du nhập Việt Nam, PG Nam tông đã biết cách thể hiện khá nhuần nhuyễn tinh thần khế lý khế cơ của PG, và nhờ vậy không lạ gì thành quả của quá trình vận động thống nhất PG nước nhà gặp rất nhiều thuận duyên, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Tăng tín đồ PG Nam tông trải qua các thời kỳ, mà đỉnh cao là Hội nghị Thống nhất PG Việt Nam được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào tháng 11-1981, và PG Nam tông là một trong 11 thành viên của cuộc hội nghị lịch sử quan trọng này. Và cũng bắt đầu từ điểm mốc lịch sử quan trọng ấy của PG Việt Nam, Tăng tín đồ PG Nam tông đang phấn đấu tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống phục vụ đạo pháp và dân tộc trong lòng Giáo hội PG Việt Nam mà các bậc tiền bối đã dày công khai sơn phá thạch và mở đường cho các thế hệ hiện tại và tương lai vững bước.

Vì thời gian không cho phép, tôi xin được kết thúc bài tham luận này với nhận định như sau:

Xác định lập trường quan điểm nhập thân phấn đấu cho lý tưởng phục vụ vì sự nghiệp chung của PG Việt Nam, nhằm phát huy ánh sáng chánh pháp của đức Phật được lưu lộ và tồn tại mãi trên quê hương Việt Nam, vì đại nghĩa dân tộc và an lạc hạnh phúc của nhân dân, chính là lý do tồn tại và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, định hướng cho mọi hành động lợi đạo ích đời của PG Nam tông Việt Nam.

Như vậy, sự có mặt của PG Nam tông tại Việt Nam từ trên nửa thế kỷ qua và hiện tại, nếu cho phép được ví von theo cách nói hình tượng văn học thì đó là sự góp mặt của một loài hoa trong vườn hoa PG Việt Nam, cùng với nhiều loài hoa PG khác, góp phần tô điểm làm giàu sắc hương tươi thắm cho vườn hoa văn hóa tinh thần của đất nước và dân tộc Việt Nam

---o0o---
 

Mục Lục | phần i | iI | iII | iV | v | vI | vII | vIII


---o0o---

Vi tính: Bảo Hiếu & trích thêm từ trang: www.chuyenphapluan.com
Trình bày: Jacinta & Anna
Cập nhật: 01-02-2005

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Hơi CHÙA loai Nghệ thuật ăn trong chánh niệm Thế lễ 22 điều sau sẽ giúp cuộc sống của Tai biến mạch máu não Xin nhớ ba chữ xÃÆ ứng quẠnau vipassana phÃÆt lối thừa Phật giáo Đồng Tháp tưởng niệm chư Danh hiệu Avalokiteśvara trong Tịnh Độ giao duc thieu nhi tung do tuoi theo quan diem nhận chua phu dung luâ n bao tử hoc пѕѓ HVPGVN tại Hà Nội tưởng niệm cố Vo thuong Canh giao Nhẫn của Bồ tát Ngày của mẹ vai y nghi ve viec dich thuat nhung bai chu phan Chua dòng Đức Do Đăk Nông Chùa Hoa Khai đúc đại hồng chua thanh an Æ Công đâu phải anh hùng từng nguyện trước Ä Bệnh Sống va dao phat hanh trinh gieo chu cua thay giao tat nguyen ChẠtinh tấn tu hành có thay đổi được Nhẫn Thầy Mối quan hệ tình bạn theo tinh thần 1970 hà luÃÆn Sức mạnh của sự vui sống