.

 

 

NHỮNG ĐIỂM ĐẶC SẮC CỦA PHẬT GIÁO

 

Tác giả:  Lâm Thế Mẫn

Việt dịch:  Thích Chân Tính

---o0o--- 

CHƯƠNG BỐN

MỘT SỐ GIÁO LÝ PHẬT GIÁO GIẢN YẾU

 

Tác giả học sơ tài cạn, không đủ khả năng đảm đang giới thiệu Phật lý. Nói thế không phải tôi cố ý khiêm tốn, mà vì Phật pháp bao la, người xưa cũng đã than rằng “Phật pháp vô biên”, không có một người nào dám tự xưng mình hoàn toàn hiểu biết rốt ráo (thực ra hiểu biết cũng vẫn chưa đủ bởi vì mục đích của Phật pháp, không hoàn toàn là ở chỗ hiểu biết, mà muốn người ta phải nương theo đó tu hành, thân chứng). Mặc dù vậy tôi cũng không nệ tài sơ giới thiệu phần giáo lý giản yếu này, chỉ mong sau khi quý vị xem qua, nếu có điều gì chưa thấu suốt, xin trực tiếp hoặc viết thư hỏi.

Phật học bao la vạn tượng, sách vở quá nhiều, những điều giới thiệu dưới đây chỉ là một hạt muối trong biển cả mà thôi.

1/ Thập thiện

Trong chương Sáu của sách này, tôi sẽ giới thiệu tóm tắt về “Ngũ giới”. Bây giờ tôi trình bày trước về “Thập thiện”, cũng chính là muốn nói với các bạn đồng học trong việc làm hằng ngày của chúng ta, mười điều đó coi như là việc làm thiện, làm được “mười điều thiện” này, bạn sẽ có được cuộc sống an lạc cho hiện tại và tương lai.

Phật giáo cho rằng hành vi tạo tác của một người, đều do ba phương diện biểu hiện mà ra :

1/ Thân - Có ba điều xấu do thân thể chúng ta tạo tác là : Sát sinh, trộm cắp, tà dâm.

2/ Khẩu - Có bốn điều xấu do miệng chúng ta tạo tác là : Nói dối, nói xảo quyệt, nói ác, nói hai lưỡi (nói đâm thọc).

3/ Ý - Có ba ý niệm xấu do tâm chúng ta gây ra : Tham dục, sân hận, tà kiến.

Tổng hợp những việc xấu do ba nghiệp tạo tác gọi là thập ác, nếu không vi phạm thì gọi là thập thiện.

Nay đem mười điều thiện ấy để trình bày như sau :

1/ Không sát sinh : Không làm tổn hại đến sinh mạng động vật.

2/ Không trộm cắp : Không cướp giật đồ vật của người.

3/ Không tà dâm : Không trái với đạo đức, pháp luật đối với nữ sắc.

4/ Không vọng ngữ : Không nói dối.

5/ Không ác khẩu : Không dùng lời nói ác độc, thóa mạ, chửi rủa người.

6/ Không nói hai lưỡi : Không nói khích bác để ly gián, không đâm bị thóc chọc bị gạo, phá hoại tình cảm giữa người với người.

7/ Không ỷ ngữ : Không nói lời dâm đãng, ô uế bất chính.

8/ Không tham dục : Không nên tham đắm quá mức, không biết chán. Nên ít muốn biết đủ.

9/ Không sân hận : Tâm bình tĩnh không bực tức, không giận dữ.

10/ Không tà kiến : Là hiểu rõ phải trái chánh tà. Phàm một việc gì cũng nên lấy trí tuệ để quán sát, nhờ vào lý trí suy xét kỹ, sẽ không thể sinh tà kiến và hiểu lầm.

Bốn điều trước của thập thiện (1 - 4) thêm vào không uống rượu là Ngũ giới. Các bạn đồng học có thể xem phần “Phật giáo có thể tịnh hóa xã hội lòng người” ở điểm 3 chương 6. Còn phần liên quan đến khẩu nghiệp (từ 4 - 7) sẽ giới thiệu kỹ ở phần “Chánh ngữ’ của “Bát chánh đạo”. Các bạn cũng nên lưu ý.

2/ Tứ đế

Tứ đế là tổng cương của Phật giáo Nguyên thủy, cũng là tư tưởng trung tâm của Phật pháp. Sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, lần thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, chính là nói về đạo lý “Tứ đế” này.

Đế ý là chân lý, bao hàm ý nghĩa “chân thật, sự thật, thật tướng”. Tứ đế là bốn đạo lý : Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

 

1/ Khổ đế - quả mê

2/ Tập đế - nhân mê

Lưu chuyển thế gian

 

3/ Diệt đế - quả ngộ

4/ Đạo đế - nhân ngộ

Giải thoát xuất thế

 

 

Hết thảy “Khổ” nạn của nhân sinh là do sự khởi hoặc tạo nghiệp (không hiểu phải trái, làm điều càn bậy) của chính mình, tự hành chiêu “Tập” mà ra. Nếu muốn “Diệt” sạch những thứ khổ nạn này, thì phải tu hành chính “Đạo”.

Một số thống khổ của nhân sinh là gì ? Tối thiểu gồm có : Khổ não lúc sinh ra (sinh khổ), khổ não về già suy (lão khổ), khổ não về bệnh tật (bệnh khổ), khổ não về sự chết (tử khổ), khổ não vì người mình yêu mến phải xa lìa (ái biệt ly khổ), khổ não vì những điều mình mong muốn mà không toại nguyện (cầu bất đắc khổ) v.v…

Tóm lại, phàm yếu tố tinh thần, vật chất cấu thành sự tồn tại của con người đều là khổ não. (Phần này đáng lẽ tác giả phải nói về đạo lý Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) nhưng vì không dễ dàng trình bày rõ ràng được, cho nên tác giả tạm thời không nói).

Phật giáo cho rằng những khổ não ấy, không phải là di truyền của “tội tổ tông”, cũng không phải ai giáng xuống chúng ta, mà là tự mình không rõ phải trái, mê muội, tham luyến, tự tạo tác rồi chiêu tập lấy khổ quả.

Làm người, ai cũng đều mong muốn có thể khắc phục, tiêu trừ những thứ khổ não ấy và được sự an lạc chân chính, vĩnh hằng. Vậy thì làm thế nào để đạt được sự giải thoát ấy ?

Phương pháp của Phật giáo là thực hành Bát chánh đạo, gồm có :

1/ Chánh kiến : Hiểu biết chân chính.

2/ Chánh tư duy : Suy nghĩ chân chính.

3/ Chánh ngữ : Nói lời chân chính.

4/ Chánh nghiệp : Việc làm chân chính.

5/ Chánh mạng : Nghề nghiệp chân chính.

6/ Chánh tinh tiến : Nỗ lực chân chính.

7/ Chánh niệm : Nhớ nghĩ chân chính.

8/ Chánh định : Thiền định chân chính.

Nếu người ta có thể thực hành đúng tám điều này thì sẽ thoát ly dần khổ não, đạt đến an vui chân thật.

Để hiểu rõ hơn, tôi xin phép được giải thích như sau :

1/ Chánh kiến : Là hiểu biết chân chính đối với sự vật. Nói chung, người ta thường quan sát sự vật không triệt để, chỉ hiểu phiến diện hoặc một phần của sự thật. Ví như người mù rờ voi, mỗi người chỉ tiếp xúc một phần của con voi, bèn cho rằng mình đã hiểu biết toàn bộ con voi, thật là buồn cười, đáng thương.

Nhân đấy chánh kiến chính là muốn người ta phân tích sự vật một cách thật chính xác, hiểu biết rõ ràng, không thể chỉ qua loa rồi thôi, hiểu biết đôi chút bèn tự cho là đã hiểu rõ, điều đó dễ rơi vào thiên kiến và hiểu lầm.

Tứ đế chính là giải thích rõ chân tướng của hết thảy sự vật, cho nên hiểu được đạo lý Tứ đế thì có thể coi như một loại Chánh kiến. Bởi vì nó có thể đem lại cho chúng ta giải thoát và an lạc chân chính.

Chánh kiến chữ Anh dịch là “Right Understand­ing” tức là hiểu biết chính xác; cũng có người dịch là “Right Knowledge”, tức là tri thức chính xác.

2/ Chánh tư duy : Chánh tư duy là dùng lý trí để quyết định mục tiêu mà chúng ta truy cầu, xem nó chính đáng hay không chính đáng. Nếu không chính đáng chúng ta cần nên xả bỏ, nếu chính đáng chúng ta dũng mãnh tiến tới dù chết cũng không thay đổi.

Mục tiêu chính đáng hay không chính đáng mà chúng ta quyết định, cần phải dùng lý trí để suy nghĩ kỹ. Mục tiêu chính đáng là phải yêu thương hết thảy chúng sinh, xả thân vì người, không dùng bạo lực.

Nếu mục tiêu mà chúng ta nỗ lực chỉ là thỏa mãn dục vọng của bản thân mình, chỉ vì đạt đến mục đích tự lợi, không dám hy sinh đối với người, lại còn bức hại người, mục tiêu như thế cần phải nên xả bỏ.

Chánh tư duy chữ Anh dịch là “Right Aim”, tức là “mục tiêu chính đáng”, cũng có người dịch là “Right Aspiration”, tức là “ý chí chân chính”.

3/ Chánh ngữ : Chánh ngữ là lời nói chân chính bao gồm :

1- Không nói dối

2- Không bịa đặt tin nhảm sinh điều thị phi, không xúi dục để ly gián nhau.

3- Không nói lời thô lỗ vô lễ, phê bình, thóa mạ người.

4- Không nói lời vô nghĩa, vô ích.

Chánh ngữ chữ Anh dịch là “Right Speech”, tức là lời nói phải cẩn thận, chính đáng.

4/ Chánh nghiệp : Chánh nghiệp là hành vi hợp với đạo lý, vinh dự và hòa bình.

Ngũ giới của Phật giáo chính là khiến cho người ta có thể đạt đến mục tiêu ấy. (Ngũ giới là 1- Không sát sinh, 2- Không trộm cắp, 3- Không tà dâm, 4- không vọng ngữ, 5- Không uống rượu).

Chánh nghiệp chữ Anh dịch là “Right Behav­ior”, “Right Action”, tức là hành vi chân chính.

5/ Chánh mạng : Chánh mạng tức là nghề nghiệp chân chính. Nói một cách khác là nghề nghiệp mình làm không thể trái với đạo đức pháp luật; không thể vì an lạc, hạnh phúc của cá nhân mình mà làm tổn hại đến nhiều người. Như buôn bán ma túy, bán độc dược, bán nô bộc v.v…

Chánh mạng chữ Anh dịch là “Right Liveli­hood”, tức là sinh kế chân chính.

6/ Chánh tinh tiến : Tinh tiến là ý chí kiên định, nỗ lực vươn tới không chán nản, nếu không đạt đến thành công quyết  không dừng lại.

Phật lấy con bò để làm thí dụ : “Con bò chở nặng đi trong bùn lầy, tuy mệt nhọc hết sức, nhưng cặp mắt vẫn kiên định hướng về phía trước. Nó không dám giải đãi cho đến khi ra khỏi bùn lầy mới thôi”.

Chánh tinh tiến chữ Anh dịch là “Right Effort”, tức là nỗ lực đúng lúc. Vì sao gọi là nỗ lực đúng lúc ? Tức là đạt đến mục đích tu hành chắc chắn, không nên gấp rút quá, bởi vì “dục tốc thì bất đạt”.

Cho nên Chánh tinh tiến khuyên chúng ta làm việc nếu muốn thành công ngoài việc nỗ lực liên tục ra còn phải nỗ lực đúng lúc, không giải đãi, cũng không quá hấp tấp. Thiết tưởng “một ngày nóng mà mười ngày lạnh” có thể thành công được không ? (Chánh tinh tiến tức là cần phải tu theo “Tứ chánh cần”, phần này xin không bàn).

7/ Chánh niệm : Chánh niệm là phải giữ gìn tâm ý thanh tịnh sáng suốt, hiểu biết thật rõ ràng tâm niệm và hành vi của bản thân mình, cho đến sự việc bên ngoài khi tiếp xúc.

Phật dạy chúng ta rằng : “Tất cả mọi người đều do tâm niệm của chính mình tạo thành”. (Câu đầu trong Kinh Pháp Cú). Cho nên người ta cần phải có tâm niệm chính xác. Vậy làm thế nào mới có thể đạt được tâm niệm chính xác ? Đó là đối với tất cả sự vật cần phải cảnh giác luôn luôn và quán sát thật kỹ càng, cho đến khi đạt được nhận thức chính xác. Phật giáo đề ra “Tứ niệm xứ” để làm phương pháp tu hành cho chúng ta.

1- Quán thân bất tịnh : Thân thể của chúng ta có những thứ ô uế như đàm, mồ hôi, máu mủ, phân… Những thứ đẹp đẽ, sạch sẽ bên ngoài chỉ là tạm thời, khi già lão hoặc lúc bệnh đến thì không còn tươi đẹp nữa. Ba ngày không tắm rửa thì không còn sạch sẽ nữa. Do đó không nên mê hoặc nơi sự đẹp đẽ và sạch sẽ bên ngoài, mà cần phải nỗ lực tu dưỡng tâm tính của mình. Chỉ có “Phật tính” của chúng ta tuy ở trong bùn mà không nhiễm bùn. (chữ “Quán” có nghĩa là quán sát, hiểu rõ).

2- Quán thọ là khổ : Thọ tức là cảm giác khổ vui. Những khoái lạc của thế gian đều là tạm thời, khổ và vui là anh em sinh đôi như bóng theo hình. Một cặp vợ chồng làm lễ kết hôn, họ rất vui tươi khi được mọi người đến chúc mừng hạnh phúc, thế nhưng sự tương phùng của ngày hôm nay đã chú định cho sự biệt ly của ngày mai (chính là ái biệt ly khổ). Bóng dáng của thần chết bao trùm khắp tất cả, họ vĩnh viễn không có cách gì trốn tránh được. Càng yêu nhiều thì thống khổ lại càng nhiều. Hẹn non thề biển ngày hôm nay, chính là đau lòng đứt ruột, biệt ly của ngày mai thì có một chút gì là chắc thật đâu ?

Sự khoái lạc ở trên đời này là do nhân duyên sinh ra. Cái gọi là “hạnh phúc của gia đình” tất phải kiến lập trên sức khỏe và sự hợp tác của mỗi thành phần trong gia đình. Nếu có người bất ngờ chết hoặc hư hỏng, thì hạnh phúc của gia đình ấy cũng theo đó mà tiêu mất, đau khổ cũng sẽ kéo đến.

Cái gọi là “hạnh phúc của làm quan” cũng là không thực, một ngày nào đó không làm quan nữa thì áo não, thống khổ cũng từ đó mà đến. Do đó chúng ta không cần phải truy cầu hư danh giả tạm, nên tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tịnh hóa tâm linh. Chỉ có “Niết Bàn” giải thoát vượt trên khổ vui, mới là hạnh phúc vĩnh hằng. (Bởi vì khổ và vui là tướng đối đãi, cho nên cần phải siêu việt khổ và vui).

3- Quán tâm vô thường : Tâm của chúng ta thường bị lôi kéo bởi ngoại cảnh, tìm kiếm những thứ đẹp đẽ, ưa thích âm thanh du dương, ham ăn đồ ngon béo, đam mê những cảm thọ êm ái v.v… Hễ “thấy lạ là động tâm”, không thể khống chế được. Cho nên nói “tâm như ngựa chạy đất bằng, dễ thả khó bắt”. Nó buông lung phóng túng, ưa làm điều càn bậy, gây cho ta những phiền não và khổ sở, vì thế chúng ta phải nên cẩn thận lưu ý.

Cho nên người ta cần phải “tu tâm”, “minh tâm”, phải khống chế, khắc phục tâm, không để cho tâm xúi giục chúng ta làm càn, lôi kéo chúng ta làm điều sái quấy. Đó chính là “Quán tâm vô thường” (“Vô thường” ý là không thể tin cậy, tùy theo lúc mà thay đổi).

4- Quán pháp vô ngã : Vạn sự vạn vật (gọi là pháp) ở trong vũ trụ đều tùy theo nhân duyên mà sinh diệt. Nhân duyên hợp thì sinh (như Hydro và Oxy hóa hợp thành nước), nhân duyên tán thì diệt (nước có thể điện giải thành Hydro, Oxy). Do đó bản thân sự vật không có “bản thể” thường hằng, không thay đổi (cũng tức là không có tính tự chủ tự tại).

Lấy người để làm thí dụ. Con người là do tứ đại giả hợp (bốn loại nguyên tố đất, nước, lửa, gió). Bốn đại không điều hòa thì sinh bệnh, bốn đại ly tán thì chết. Người ta không ai có thể nói là mình không sinh bệnh, không chết, đối với bản thân cũng chưa có thể tự chủ được, đó chính là đạo lý “Quán pháp vô ngã”.

Chánh niệm chữ Anh dịch là “Right Mindful­ness” tức là ý thức chân chính, cũng có người dịch là “Right Concentration” tức là nghĩ nhớ chân chính.

8/ Chánh định : Chánh định là do trải qua thiền định chân chính mà đạt đến cảnh giới giác ngộ thân tâm giải thoát.

Tâm thức con người thông thường cũng giống như chiếc máy ảnh chưa điều chỉnh tiêu cự đúng, thì không có cách nào hình ảnh đạt được chính xác và rõ ràng đối với thực tại và chân lý. Chánh định giúp chúng ta “điều chỉnh” tiêu điểm ấy, giúp chúng ta nhận thức một cách rõ ràng thế giới này.

Hơn 2500 năm trước, Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới cây Bồ đề nhờ “Chánh định” mà được giác ngộ. Từ đó Ngài tuy sinh hoạt giống với mọi người, nhưng Ngài đã nhập vào cảnh giới an lạc, thanh tịnh, bình đẳng, giải thoát. Cảnh giới này không thể dùng ngôn ngữ, văn tự hình dung được, ngoại trừ tự thân người chứng ngộ, thể hội ra, mọi giải thích đều bằng thừa (ví như người uống nước nóng lạnh tự biết).

Chánh định chữ Anh dịch là “Right Absorption” hoặc “Right Meditation”, ý là thiền định chân chính, khác với cái gọi là nhập định, xuất thần, xuất du của các tôn giáo khác.

Chúng ta muốn đạt đến sự an lạc vĩnh hằng, chân thật thì phải tu theo Bát chánh đạo như đã nêu trên.

3/ Thập nhị nhân duyên

“Thập nhị nhân duyên” là đạo lý giải thích vì sao con người phải luân hồi trong biển khổ sinh tử. Nó bao gồm 12 thứ như sau :

Giải thích một cách đơn giản là : Một người do vô tri ngu muội, không rõ thiện ác, phải trái (vô minh) ở đời quá khứ, kết quả là làm nhiều việc xấu (hành); đã có nhân xấu ấy rồi khi qua đời phải đi đầu thai thọ sinh (thức); ở trong thai thân tâm dần dần hình thành (danh sắc); đến lúc ra khỏi thai mẹ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đầy đủ (lục nhập); sau khi ra đời, tiếp xúc với ngoại giới, mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi v.v… (xúc); khoảng 6, 7 tuổi đối với những khổ, vui của ngoại giới có sự cảm thọ (thọ); đến khoảng 14, 15 tuổi đối với sự vật tốt đẹp khởi tâm tham ái (ái); đã có tâm tham ái rồi bèn mong muốn theo đuổi nắm giữ (thủ); mê muội theo đuổi chính là tự mình gieo nhân xấu trong đời vị lai (hữu); đã có nhân xấu rồi, thì phải đầu thai thọ sinh ở đời sau (sinh); đã sinh ra thì phải có hiện tượng già suy, bệnh chết (lão tử).

Mười hai nhân duyên xem qua thì từ vô minh đến lão tử, cứ theo thứ tự mà suy, thế nhưng nó không phải là sợi chỉ thẳng, mà là móc xích vòng tròn.

Sinh mạng là bắt đầu mà cũng là kết cục, kết cục mà lại bắt đầu, lưu chuyển, luân hồi không dứt. Giống như : … Gà - trứng - gà - trứng - gà…

Vậy, đạo lý Thập nhị nhân duyên chỉ bày cho chúng ta cái gì ?

Chúng ta có già suy, bệnh chết là vì có “sinh”, có sinh cho nên mới phải có tử. Mà chúng ta sở dĩ phải đầu thai nơi nhân gian là vì ở quá khứ chúng ta vô tri, không rõ thị phi, làm điều càn quấy. Do vậy, đời này chúng ta phải nỗ lực hành thiện, cắt đứt hết thảy nhân xấu, có vậy sau này mới tránh khỏi bị luân hồi khổ báo nữa.

Mười hai nhân duyên nói cho chúng ta biết nguyên nhân của sinh tử, nhắc nhở chúng ta phải tiến thêm một bước nghiên cứu, làm thế nào để thoát khỏi sự uy hiếp của sinh tử; bằng không thì cứ phải sống say chết mộng, khổ nạn vĩnh viễn khó dừng nghỉ.

Mười hai nhân duyên, từ triết học mà giảng là có hệ thống lý luận của nó, tức là từ “vô minh”, “hành” của hình nhi thượng học, mà phát triển thành “thức”, “danh sắc” của nhận thức luận, rồi lại phát triển thành thế giới hiện thực của kinh nghiệm luận (từ “xúc” đến “lão tử” sau khi đã xuất thai). Song vì bạn đồng học chưa hiểu rõ về triết học, cho nên chúng tôi không thể thảo luận kỹ về phương diện này.

4/ Lục độ

Thế nào gọi là Lục độ ? “Độ” chữ Phạn là “Ba la mật đa”, tức là “đáo bỉ ngạn”.

Cũng có nghĩa là : Khéo độ qua biển khổ sinh tử, đến bờ an lạc bên kia. Cho nên Lục độ là sáu phương pháp giúp cho người ta vượt qua biển khổ sinh tử.

Sáu phương pháp ấy là : 1/ Bố thí, 2/ Trì giới, 3/ Nhẫn nhục, 4/ Tinh tấn, 5/ Thiền định, 6/ Trí tuệ.

1- Bố thí : Bố thí là đem phước lợi ân huệ ban bố cho người khác. Kinh Vô Lượng Thọ có nói : “Bố ân thí huệ” gọi là bố thí. Bố thí có thể chia làm ba loại :

a- Tài vật thí : Là đem tiền của vật chất bố thí cho người.

b- Pháp thí : Đem giáo pháp nói cho người khác nghe, giải thích cho người ta hiểu, khiến cho người ta biết được phương pháp làm người xử thế chính xác.

c- Vô úy thí : Giải cứu nguy nan cho người, khiến cho người ta khỏi lo sợ và bất an. Người gặp phải điều bất hạnh, chúng ta dùng lời nói khéo để an ủi. Trên đường gặp điều bất bình, đem sức mình ra để trợ giúp. Người ta gặp việc buồn khổ, nản chí chúng ta cổ vũ dũng khí và niềm tin của họ, đó là vô úy thí.

Nói chung, người bố thí thường chia làm chủ động và bị động, cũng tức là có sự đối lập giữa người thí và người thọ thí, do đó mà người bố thí dễ sinh cảm nghĩ mình hơn người. Đạo Phật chủ trương đả phá quan niệm này. Trong Kinh Kim Cang có nói : “Không nên trụ vào chỗ nào để bố thí”, chính là nói không nên hy vọng người khác báo đáp, hoặc có cảm nghĩ mình giàu có hơn người, hoặc vì một mục đích nào đó mà bố thí.

Chắc các bạn học sinh đã nghe được câu chuyện này rồi chứ ? Một năm nọ nước Tề bị nạn đói, nhiều người có tiền đã chuẩn bị đầy đủ rượu cơm thức ăn trong nhà, hễ gặp người đói đi ngoài đường liền gọi “Ê, vào đây ăn cơm”. Do thái độ không chân thành, lời nói có vẻ ngạo mạn khinh người, nên một số người có chí khí tâm tự tôn rất cao, tuy đói rã ruột nhưng cũng không chịu nhận của bố thí đó, thà chịu chết đói còn hơn.

Cho nên lúc chúng ta bố thí cho người, chúng ta nên nhớ câu “cách cho hơn của cho”.

2- Trì giới : Trì giới tức là phải tuân thủ giới luật, khiến cho hành vi không vượt qua phép tắc.

Phàm là người thì không phải là Thánh Hiền, thường thường có rất nhiều nhược điểm, lại thêm có rất nhiều thứ bên ngoài dẫn dụ nên rất dễ làm những việc xấu, nhỏ thì cá nhân mình thân bại danh liệt, lớn thì làm tổn hại đến người khác. Do đó Phật giáo chế định rất nhiều giới luật để giúp chúng ta khắc chế những tư dục và xung động của bản thân, làm trong sạch thân tâm.

Ở trong sách này tôi có nói, giới chỉ là một loại phòng ngừa tiêu cực, thế nhưng tinh thần của nó thì lại tích cực. Chẳng hạn như giới không sát sinh, chẳng những tự mình không sát sinh, mà còn cứu chúng sinh, thấy chết mà không cứu là phạm giới. Do đó trì giới có thể giữ gìn được phong tục tốt đẹp, giữ gìn được đạo đức luân lý, khuyến khích người người hành thiện, đạt đến lý tưởng thiên hạ cùng một nhà.

Có người hiểu lầm nói rằng : “Không tin Phật giáo tự do vô cùng, đã tin Phật giáo rồi, không dám làm việc gì cả”. Thật ra đó chỉ là kết quả của việc không chịu dùng tâm suy nghĩ kỹ. Chưa tin Phật giáo mà làm điều xấu, vẫn phải bị nhân quả báo ứng, cũng giống như người không hiểu pháp luật mà phạm pháp vẫn phải ngồi tù như thường. Chớ nên hiểu lầm câu tục ngữ “không biết thì không có tội”.

Cho nên trì giới là rất trọng yếu. Làm một người dân tốt thì phải tuân thủ rất nhiều pháp luật, huống chi muốn tu hành thành Phật, thoát ly biển khổ sinh tử, há lại không giữ gìn giới luật hay sao ?

Giới gồm có bốn cấp : Ngũ giới, Bát giới, Thập giới, Cụ túc giới. Tên gọi và điều chương rất nhiều không dễ gì kể rõ ở đây. Trong đó Ngũ giới ở chương trước đã luận bàn đến tức là 1/ Không sát sinh, 2/ Không trộm cắp, 3/ Không tà dâm, 4/ Không vọng ngữ, 5/ Không uống rượu.

Một vị sư xuất gia thọ Tỳ kheo phải giữ 250 giới, Tỳ kheo ni phải giữ 348 giới, đủ chứng tỏ xuất gia không phải là việc dễ.

3- Nhẫn nhục : Bị người khác làm nhục mà mình không sinh tâm sân hận gọi là nhẫn nhục.

Nhẫn nhục đối với việc tu dưỡng của một cá nhân là việc rất quan trọng. Có thể biến can qua thành ngọc lụa, biến tàn ác hung bạo thành hòa bình, lại có thể tăng thêm hạnh phúc và trí tuệ.

Nhẫn nhục của Phật giáo là một loại nhẫn trong cương ngoài nhu, không phải nhu nhược run sợ, càng không phải là nhát gan. Nhẫn nhục của nhà Phật chính là đạt đến lý tưởng hy sinh tiểu ngã, hoàn thành đại ngã, chính là vì hoàn thành chí nguyện phổ độ chúng sinh của mình, mà biểu hiện đầy đủ tinh thần không chịu khuất phục.

Vì sao người học Phật nhất định phải nhẫn nhục ? Bởi vì con đường tu hành cực kỳ gian nan, nếu không có công phu nhẫn nhục thì không dễ gì quán triệt được, giữa đường dễ bị thối tâm. Đồng thời lúc tu hành, cần phải có người cố ý chê cười, hủy báng bạn; về sau lúc muốn phổ độ chúng sinh (tức là giảng giải đạo lý Phật giáo cho người khác nghe, khiến cho người ta có thể thấu hiểu và lập chí cầu đạo), cũng có người không đồng tình, cố ý chế giễu, châm biếm bạn. Song dù thế nào đi nữa, bạn cũng không nên giận tức, cũng không nên báo thù. Muốn đạt được tâm bình khí tĩnh, chỉ có nhờ vào công phu nhẫn nhục mà thôi.

4- Tinh tấn : Tinh tấn ý là nỗ lực hướng thượng không mệt mỏi.

Chúng ta làm một việc gì muốn đạt được thành công, nhất định phải nỗ lực chuyên tâm, mới có thể đạt được mục đích.

Các bạn học ngày nay ở trường cầu học, muốn tương lai được thành tựu, nhất định phải nỗ lực không giải đãi, mới có thể học được tri thức và kỹ năng cao sâu. Huống chi con đường thành Phật đã xa xôi lại khó khăn, công tác cứu tế chúng sinh đã trầm trọng mà lại nặng nề, nếu không nỗ lực tinh tấn thì không có cách nào hoàn thành nhiệm vụ “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh” cho được.

5/ Thiền định : Thiền định ý là “tĩnh lự”. Mạnh Tử thì nói là “tâm không động”, tức là chuyên tâm nhất chí, tinh thần không tán loạn.

Vì sao Phật giáo tu hành phải chú trọng đến Thiền định ? Bởi vì một người nếu không trải qua tĩnh lự và chuyên tâm nhất chí, tinh thần không tán loạn, thì không thể có được trí tuệ và ý chí kiên quyết để mà khắc phục sự cám dỗ và phá hoại của ngoại cảnh. Gặp gian nan nguy hiểm tâm ý sẽ tán loạn, không đủ sức trấn tĩnh, không đủ sáng suốt để ứng phó. Cho nên Thiền định rất là quan trọng vậy.

Song bạn đồng học nếu có ý chí tập thiền, nhất định phải tìm thầy chỉ dẫn. Nếu tu mù luyện quáng, cái lợi chưa thấy có thể còn tai hại nữa. Các bạn nên cẩn thận.

6/ Bát nhã (trí tuệ) : Bát nhã là tiếng Phạn, Trung Hoa miễn cưỡng dịch là trí tuệ.

Bát nhã và trí tuệ có khác nhau không ? Nói chung, trí tuệ mà chúng ta nói, dùng nó để hiểu sự lý thì không thể thấu triệt được, vả lại thường thường dễ hình thành “thiên kiến” và “vọng kiến” (kiến giải sai lầm). Nhưng Bát nhã có thể làm cho sự lý rõ ràng thấu triệt hơn mà không bị sai lệch.

Lấy ánh sáng làm ví dụ. Ánh sáng thông thường giống như trí tuệ, gặp tường vách liền bị cản trở, thế nhưng Bát nhã giống như X quang, nó có thể xuyên qua những trở ngại đó (chỉ cho sự hiểu rõ sự lý).

Trong Tâm Kinh nói : “Ba đời chư Phật, y theo Bát nhã Ba la mật đa, mà được A nậu Đa la Tam miệu Tam Bồ đề”. Ý là nói tất cả chư Phật đều nhờ vào loại “Bát nhã” này mà triệt ngộ và đạt đến Phật quả (A nậu Đa la Tam miệu Tam Bồ đề là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ý là giác ngộ một cách thấu triệt, chân thật, chỉ cho Phật quả).

Từ câu văn trên chúng ta có thể hiểu, Phật giáo không phải đơn giản dựa vào tín ngưỡng mà có thể “được cứu rỗi”. Phật giáo không cho rằng tội ác và khổ nạn của bản thân mình có thể do người khác thay thế chuộc tội. Cho nên không ỷ lại vào người nào đến cứu. Tội ác và khổ nạn của loài người, chỉ có chính con người mới có thể làm cho mình trong sạch và giải thoát. Mỗi người phải tự cứu lấy mình, mình không cứu mình thì đợi ai đến cứu mình ? Mà phương pháp tự cứu mình, phải nương nhờ vào “trí tuệ” (Bát nhã) của mình, trước là hiểu rõ nguyên nhân của khổ nạn, sau tiến đến tìm phương pháp (tức đạo lý Tứ đế) để giải thoát.

Cho nên Phật giáo chủ trương mọi người cần phải nỗ lực “tu tuệ”, mà trí tuệ (Bát nhã) không phải do học, hoặc do thuộc lòng mà có, chính là từ chỗ quán sát sự lý, sau khi tu tập thâm nhập thấu triệt mà được. Thiếu trí tuệ (Bát nhã) thì không thể giác ngộ, cũng không thể ngộ đạo được.

Phần giới thiệu khái quát trên chính là sáu loại phương pháp thoát ly biển khổ sinh tử, cần phải tuân theo học tập, không nên xao lãng.

Lục độ có đủ sáu loại tác dụng như sau :

1/ Bố thí có thể đối trị tâm tham (tham lam, bỏn sẻn) của chúng ta, bồi dưỡng tâm nhân ái của chúng ta.

2/ Trì giới có thể khiến cho chúng ta noi theo quy củ, không làm việc trái luật, không bị phạm tội.

3/ Nhẫn nhục có thể bồi dưỡng đức tính khiêm nhường, khoan dung quảng đại của chúng ta.

4/ Tinh tấn có thể ngăn ngừa tâm giải đãi ỷ lại của chúng ta.

5/ Thiền định có thể làm trong sáng đầu óc chúng ta, khiến cho tinh thần tập trung dễ dàng.

6/ Bát nhã có thể giúp cho người ta thông minh và có trí tuệ, không mù quáng, mê tín, mà lại có sức phán đoán mẫn nhuệ, chính xác.

 

--- o0o ---

 

[ Mục Lục ] [ Chương Một ] [ Chương Hai] [ Chương Ba]

 [ Chương Bốn] [ Chương Năm]  [ Chương Sáu] [ Chương Bảy]  

--- o0o ---

 

Vi tính: Thích Đức Tuấn - Diệu Huệ

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 1-4-2004

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

khi người kéo màn ngủ quên cao pho hoa thuong thich quang buu 5 tan o thai lan Cơm tấm chay Cho VẠBún măng chay Huy Lá thư không gửi Giải mối oan khiên Những đêm cùng Giác Ngộ online sữa Khói Thiền rửa chén chờ thần chết thanh văn thừa thi hóa qua điệp khúc 118 học lang nghe loi phat day ngôn Thuốc trị ợ nóng làm tăng nguy cơ đột thiền vầng sứ tinh do Ngày ăn chay Việt Nam Tại sao không Nghĩa Ân sư ngày Tấm Đà hong tran may kiep rong choi Bóng thơ mặc giang từ bài số 1331 đến số Hoài cảm Tết quê khói hoã æ nước có ý nghĩa gì Trường Não chùa tây thiên di đà Bo nguyen ly hoa binh trong phat giao dai thua ai ơi nghĩ lại mà tu húy mon như Phật giáo lá Ÿ gßi phat giao la mot triet hoc hay la mot ton giao cac nha su chau a tren dat my Thăm luẠcổ pháp Làm Phật thien la dua than tam ve voi nhau