Phật Học - Nghĩ về tám điều giác ngộ của bậc Đại Nhân

.

 
 


Nghĩ về tám điều giác ngộ

của bậc Đại Nhân 

 Thích Phổ Huân
Chùa Pháp Bảo, NSW
Mùa Phật Đản 2005

Mục lục

Lời nói đầu

Đề kinh

Điều giác ngộ thứ nhất

Điều giác ngộ thứ hai

Điều giác ngộ thứ ba 

Điều giác ngộ thứ tư

Điều giác ngộ thứ năm 

Điều giác ngộ thứ sáu

Điều giác ngộ thứ bảy 

Điều giác ngộ thứ tám

Tổng kết

 

 

Lời nói đầu

Kinh điển Phật Giáo thật nhiều, nhiều đến nỗi chưa từng nghe ai đã đọc hết. Dù các bậc Bồ Tát vẫn còn xuất hiện ở thế gian, nhưng các Ngài cũng chưa thị hiện phương tiện quyền biến để cho người đời thấy có người đọc ghi nhớ hết được. Phật giáo Trung Hoa hãnh diện có được Ngài Tam Tạng pháp sư Huyền Trang (602-664), là người tinh thông ba tạng Kinh Luật Luận, đã ròng rả hơn mười sáu năm trời tham học tại Phật quốc Ấn Độ, mang về cho đất nước Trung Hoa số lượng kinh khổng lồ, làm lợi ích không biết bao nhiêu người, và không chỉ cho người Trung Hoa thời ấy mà còn không biết bao nhiêu người khác của thời nay. Được như Ngài không có mấy người; tuy nhiên chính ngay cả bản thân Ngài cũng không thể rõ hết được số lượng kinh Phật dạy, vì thời gian của Ngài chỉ có 16 năm lưu trú đất Phật, trong khi vừa phải học ngôn ngữ vừa nghiên cứu, sưu tầm, do đó chắc chắn có nhiều Luận sư, Đại sư, Thánh Tăng hoặc còn ghi nhớ, hoặc còn lưu giữ nhiều kinh điển khác hơn, mà Ngài chưa diện kiến. Cho nên xưng tán Ngài là tinh thông ba tạng, cũng chỉ tương đối, hoặc nói đúng hơn công trình tìm kiếm, dịch thuật kinh điển làm lợi ích cho Phật pháp của Ngài thật vĩ đại quả hiếm có trên thế gian, chứ không phải tất cả kinh điển Ngài ghi nhớ và mang về đã gọi đủ là ba tạng kinh Phật. 

Có lẽ hiện hữu lượng kinh điển Phật giáo thật nhiều là phương tiện mà chư Phật vì muốn ứng hiện ra! Điều này để cho thế gian thấy rằng, giáo lý siêu việt giải thoát, thế học không cách nào so sánh được; và tất cả những kiến thức khoa học, triết lý nhân sinh thế tục, cũng chỉ nằm gọn trong giáo điển Như Lai.

Việc này không cần phải minh định so sánh từng phạm trù ứng hợp với các ngành học thế gian, chỉ xin nêu lên pháp học căn bản nhất có thể đủ bao gồm hết tất cả, đó là Lý Duyên Sinh, còn gọi Lý Nhân Duyên. Pháp học này nói lên không một sự kiện gì, cho đến cả ý niệm khởi lên mà không có nguyên nhân; và lời kinh chân tín nhất nói lên dòng sống này là: cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Từ đây suy ra mọi công trình khám phá, học hỏi, sống và sáng tạo của con người không thể rời khỏi chân lý đó. Như vậy đủ khẳng định kiến thức trong đạo, ngoài đạo đều từ đây là căn bản.

Trở lại việc giáo lý quá nhiều trong kho tàng kinh điển, cho thấy đây phải là mầu nhiệm; nhiệm mầu ở chỗ tất cả cũng từ do tâm chúng sanh trong ba cõi sinh ra. Nhưng nhiệm mầu hơn, là nhiều mà không bao giờ nhiều, nghĩa là người ta vẫn giác ngộ giải thoát, khi chỉ đọc vỏn vẹn một quyển kinh, chẳng hạn kinh Pháp Hoa, hay Vô Lượng Thọ. Rồi nhiệm mầu hơn nữa, cũng không hiếm người không đọc được chữ, mà vẫn giác ngộ giải thoát, họ chỉ nhờ nghe người khác tụng kinh, giảng pháp rồi tha thiết thực hành tu theo.

Đọc lịch sử Phật giáo Trung Hoa, Phật tử Việt Nam ai lại không nghe Bồ Tát Huệ Năng, Người đã minh chứng cụ thể việc tu chứng, không cần thông qua tham luận học nhiều vất vả, chỉ nghe ít lời trong kinh Kim Cang trở thành giác ngộ.

Vậy thì gọi cái nhiều kinh điển, là từ khi Bồ Tát Tất Đạt Đa thành đạo dưới cội Bồ Đề, thấy được chúng sanh trong ba cõi muốn nhiều nên cho nhiều; đến khi thấy chúng sanh đã hiểu nhiều Phật đổi thành cho ít lại; ít đến nỗi không còn nói là ít nữa mà thành không luôn (Ta chưa từng nói một lời). Nhưng lúc này đệ tử lại hiểu và chứng Thánh quả. Chứng quả ngay việc hiểu, không nhiều, không ít, cũng chẳng quan tâm đến cả cái không!

Học đạo ngày nay của chúng ta không giống như chư vị ngày xưa; chẳng nói gì thời của chánh pháp, thời của Bồ Tát Huệ Năng (638-713) cũng không còn được. Ta học càng nhiều càng chấp pháp, nếu không tự cao ngã mạn đã là may, nói gì siêu phàm chứng Thánh. Hơn nữa thời đại càng về sau, con người càng bị kiến thức chính mình bó buộc, sản phẩm tiêu dụng văn minh đã quá sa đà mất đi ý nghĩa mục tiêu ban đầu lương thiện chính nó; nên chỉ còn lại thời gian chống cự kiềm hãm, sức kéo lôi vật nhiễm, mà đâu thể thư thả điềm nhiên định tỉnh tư duy hành trì tu niệm.

Nói là vừa tu vừa đi vào đời ‘nhập thế’, vậy ai đã tự nhận làm được điều này, dù có đi nữa đã được mấy người? Tuy nhiên nói vậy, cũng không phải giáo pháp giải thoát không tưới được giọt vị cam lồ tươi mát nào vào lòng người, trong thời nhiễu nhương mạt pháp này.

Bao giờ còn người tha thiết hướng tâm giải thoát, hướng tánh vị tha thương người giúp vật, chừng ấy vẫn còn hình ảnh Bồ Tát lẫn lộn trong chốn trần gian. Và chúng ta hàng phàm phu sơ học, muốn tìm các Ngài làm bạn hữu, nhất định phải gia công tu trì hành đạo.

Kinh sách dù nhiều nhưng nội dung chỉ là nhất quán; đọc tụng chí tâm ta có thể tìm được hoa thơm giải thoát, và nương nhờ diệu lực gia bị của chư Phật hôä niệm.

Bản kinh Bát Đại Nhân Giác thật là bản kinh ngắn, chỉ có tám điều khai thị chúng sanh, nhưng đầy đủ lời thức tỉnh, chỉ dạy tha thiết thâm sâu nhất, khiến hai hàng Phật tử xuất gia tại gia không thể không nhiếp tâm kính ngưỡng. Bản thân chúng tôi cảm thấy mỗi lần đọc lên kinh này, tưởng như có gì soi điểm vào tâm, cảm được những gì cụ thể nhất làm hành trang cho người tu sĩ. Như thế bằng tâm tha thiết, cảm nhận điều hỷ lạc của mình, xin được mạo muội chia xẻ, theo thiển kiến nông cạn, kính viết tặng đến một vài bạn đọc.

Được biết kinh này đã được một vài chư Tôn Đức luận giải mạch lạc rõ ràng, nhưng chúng tôi vẫn xin đóng góp phát lên ý tưởng của một hậu học, sống nơi thời điểm xứ sở văn minh vật chất cực thịnh, phát lên cảm tưởng trong sự tác động phản ánh niềm tin qua bản kinh đây.

Chúng tôi dựa theo bản kinh tiếng Việt của dịch giả Thích Minh Quang, dịch từ bản tiếng Hán trong sách “Mười bài giảng kinh Bát Đại Nhân Giác” của Hòa Thượng Tinh Vân (Đài Loan). Sách này có ghi rõ tiểu sử dịch giả bản Hán Văn là Ngài An Thế Cao; đọc giả có thể tìm đọc sau phần giới thiệu của dịch giả Minh Quang [1], chúng tôi chỉ xin được giới thiệu.

Cuối cùng xin được chân thành ghi ân cảm niệm chư vị tác giả, dịch giả mà chúng tôi đã trích dẫn dựa theo để bàn luận, nhất là dịch giả Thầy Thích Minh Quang. Nhân đây không quên cảm niệm công đức người thân trong gia đình đã trợ lực giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần, qua thời gian hơn hai phần ba quyển sách được viết tại Luân Đôn, trong đó gia đình cháu Nguyễn Quốc Hùng đã chu đáo hỗ trợ thật tận tâm. Nay sách hoàn tất tại Sydney, phần công đức tại đây xin được cảm niệm tri ân đến quý cô Giác Thủy, Giác Anh, Giác Duyên, Giác Trí đã trực tiếp trợ lo ủng hộ từ tinh thần đến vật chất cho chúng tôi trong khi làm việc.

Và lần nữa, tất nhiên như mọi tác phẩm trước, chúng con không quên ghi nhớ ân đức Thầy Bổn sư đã từ lâu và cho đến bây giờ, mãi mãi là nơi chúng con thọ ân nhiều nhất. Cuối cùng là sự đóng góp phương tiện hoàn tất in ấn ra mắt đến đọc giả, xin được ghi nhận công đức quý Phật tử, thiện hữu tri thức và nguyện cầu chư vị luôn sống an lành trong niềm tin chánh pháp.

Cuối cùng, xin thưa rằng với sự hiểu biết nông cạn, thô thiển của người viết, lời mạn đàm trong sách này chỉ là cơ bản, chắc chắn không tránh khỏi sơ suất, kính mong các bậc cao minh từ bi chỉ giáo.

Nam Mô A Di Đà Phật

Cẩn bút

Thích Phổ Huân

Chùa Pháp Bảo- Sydney ngày 31/01/2005

 

 

Phật thuyết Kinh Tám Điều Giác Ngộ

của Bậc Đại Nhân. 

Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh [2]

 

Sau khi thành đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Như Lai tùy thuận hoàn cảnh không gian, thời gian tùy loài chúng sanh, khai thị đạo vàng. 

Căn cơ chúng sanh thấp kém, lanh lợi thế nào Ngài đều phương tiện trải lòng từ không phân biệt. Trong hàng chúng sanh sáu cõi, duy chỉ có loài người là thắng duyên trọn vẹn thọ nhận lời dạy của Ngài, và kết quả rất nhiều chư vị chứng Thánh, siêu phàm thoát ly sinh tử. Đối với chúng sanh ở cõi trời, do vì chánh báo, y báo các vị thuần đầy hưởng vui lạc thú, nên việc tri nhận và sự xuất hiện của Đức Phật không đem lại thắng duyên bằng cõi Ta Bà chúng ta. Nói một cách khác chư Thiên vì ít khổ nhiều vui, khó thể học được pháp tu giải thoát. Riêng hàng A Tu La tuy có thần lực hơn loài người, nhưng lại đau khổ bởi tánh chất sân giận luôn cháy trong tâm, do đó thế giới của họ chiêu cảm theo tâm, mà khó được nghe Phật pháp.

Ba loài chúng sanh còn lại chịu cảnh khổ đau hơn nhiều, đó là, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Cảnh giới ba hạng này muôn vàn khó khăn, để được duyên gặp pháp hiểu đạo tiến tu. Tuy vậy bằng thiên nhãn và lòng từ của chư Phật, chư Bồ Tát, những chúng sanh đau khổ này vẫn có được nhân duyên, dù rất ít.

Bằng thần lực, nguyện lực chắc chắn chư Phật, Bồ Tát đã từng thị hiện đi vào những thế giới đó; chẳng hạn hình ảnh Bồ Tát Địa Tạng, và tích chuyện Mục Kiền Liên, phần nào nói lên được việc làm này. Trong ba hàng chúng sanh đau khổ vậy, loài súc sanh được nhân duyên hơn; chẳng nói thời Phật, ngay thời nay chúng ta vẫn thấy sự nhiệm mầu của một vài loài súc sanh nương tựa được lực gia trì của ba ngôi Tam Bảo. Tất nhiên đa số vẫn còn giới hạn từ thọ nghiệp của chúng, vì còn tùy vào quả báo nặng nhẹ. Tỉ như loài sống dưới nước, ngoài đại dương, làm sao có cơ hội nghe được âm thanh kinh điển. Âu đó là nghiệp báo quá nặng, sanh vào loài vật đã là nặng, lại sanh vào nơi hoang dã, mù xa, u tịch, thăm thẳm cô liêu… càng khiến nghiệp thức trì trệ, nặng nề thêm.

Suy tư, quay về cảnh giới phàm nhân, con người chúng ta đang trực diện nhân duyên tối thắng, và bản kinh này Phật dạy còn đưa đến sự hiểu biết, việc làm của bậc đại nhân.

Bậc đại nhân, vẫn là những người hiện sống gần gũi ta, và có khi đang cùng ta chung ở. Nhưng các vị lại hoàn toàn khác ta; khác qua ý thức, tư duy, tư tưởng việc làm.  Khác nhiều lắm, tuy nhiên khác mà không khác! Vì nếu quả đúng cái khác như ta phân biệt thì các Ngài đã không thể thị hiện sống được với ta, và cũng không thể gọi là bậc đại nhân nữa.

Vậy đại nhân đây là chư vị Bồ Tát Thánh nhân đang hướng đến quả vị giải thoát, chứ không phải là danh xưng bình thường, được đánh giá qua vài phong cách, ứng xử cao đẹp như thế gian ca tụng. Đại nhân mà thích người ca tụng, tự hào việc làm của mình, phân biệt nhân ngã thế gian, đó không phải là bậc đại nhân đáng học.

Bậc đáng học là bậc đang hành pháp đại thừa cứu độ chúng sanh, xiển dương chánh pháp làm lợi ích muôn loài. Vậy thì nơi đây, đề kinh Phật dạy hướng đến giải thoát qua tám điều mà bậc Bồ Tát đại nhân liễu đạo, chắc chắn đánh thức mọi người con Phật chúng ta.

Về nhân duyên nói kinh này, xin được phép trích lại lời giảng của Hòa Thượng Tinh Vân như sau:

“ Phàm bất cứ một việc gì cũng có nhân duyên của nó. Đức Phật vì sao lại giảng Kinh này? Tất nhiên cũng có nhân duyên.Đó là lúc Ngài ở tinh xá Kỳ Viên, một hôm trong Pháp hội, tôn giả A Na Luật thiên nhãn đệ nhất thưa với Phật rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, trong tăng đoàn với tinh thần lục hòa, thì việc quên mình, xả bỏ tự ngã là điều chúng con có thể làm được; đối với chúng sinh phải tuyệt đối từ bi, tuyệt đối nhân ái, đây cũng là điều mà chúng con đã biết… Nhưng bạch đức Thế Tôn! Những Phật tử tại gia học đạo rất nhiều, đệ tử xuất gia tiếp cận xã hội hoằng pháp lợi sinh cũng rất đông. Những vị vậy làm thế nào để cầu được giác ngộ, tiếp nhận Niết Bàn? Cúi xin đức Thế Tôn từ bi khai thị.

Đức Phật mỉm cười một cách an lành, hoan hỷ trả lời:

- Này A Na Luật, lời nói của ông rất đúng. Điều ông hỏi là vấn đề học hạnh Đại nhân (Bồ tát). Tôi sẽ vì ông mà nói tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân, mà ai là đệ tử Phật đều nên ngày đêm chí tâm tụng niệm…*[3]

Như vậy qua nhân duyên Phật nói kinh trên, cả hai giới xuất gia đều nên trì tụng; và có lẽ hàng xuất gia phải ưu tư hơn hết. 

Là người đệ tử Phật ngày đêm nên chí tâm, thường tụng niệm tám điều giác ngộ của Đại nhân. 

Vi Phật đệ tử thường ư trú dạ, chí tâm tụng niệm, Bát Đại nhân giác.o[4] 

Đây là lời tựa trước khi đi vào kinh; lời đơn giản nhưng nhấn mạnh sách tấn khả quyết, khiến người học Phật phải tỉnh tâm suy nghĩ. Tất nhiên ứng dụng lời này cho cả hai giới, xuất gia và tại gia. Thử nghĩ, là người học Phật không luôn nghĩ về sự vô thường, khổ, không, vô ngã, những điều mà các bậc chân tu, thanh tịnh nhờ đó chứng đắc Thánh đạo, thì còn phải nghĩ gì, khi tự mình dấn thân bước vào con đường học hạnh thoát ly sinh tử.

Nhân đây chúng ta thử hiểu thế nào là một đệ tử Phật.

Đệ tử Phật ai cũng biết có hai giới, xuất gia, tại gia. Hàng xuất gia nam gọi là Tỳ Kheo, hàng nữ gọi Tỳ kheo Ni, hàng tu sĩ nam mới tập sự chưa thọ đại giới gọi là Sa Di, và nữ là Sa Di Ni. Các vị tại gia nam cư sĩ gọi là Ưu Bà Tắc, nữ là Ưu Bà Di.

Ta có thể đặt vấn đề, khi Phật còn tại thế những người hâm mộ giáo lý Ngài nhưng chưa biết Ngài, rồi thực hành theo, như ngày nay người không duyên ở gâàn chùa gặp thầy thọ giới, lại âm thầm tích cực tu trì, như vậy những người đó có được gọi là đệ tử Phật hay không?

Điều này được hiểu một cách tương đối, người đó vẫn có thể là Phật tử nếu tự mình phát nguyện đọc lên lời quy y trước hình ảnh Phật, nhưng dù sao vẫn cần buổi lễ chính thức sau này, giúp họ gieo vào tâm điền hình ảnh thọ giới quy y, tức nhận được giới thể. Giới thể là tác bạch hứa nguyện trước sự chứng minh qua hình ảnh nghi thức của một hay vài vị Thầy, nên tâm người đó khắc ghi nhớ niệm*.[5] Xét lại lần nữa người chưa quy y đó vẫn là đệ tử Phật, vì đang học giáo lý Phật, và đúng hơn nữa, tương lai người đó còn được chứng đạo, chứ không phải chỉ là đệ tử Phật mà thôi.

Chúng ta có thể đi xa hơn bằng nhận định yếu nghĩa danh từ Phật.

Phật là danh từ chung, tức ai cũng xử dụng được, nhưng xử dụng và tác thành được là khi có kết quả, nếu không nghĩa chữ Phật cũng chỉ nhắm vào người khác, ta chẳng một chút dự phần, dù Phật chất lúc nào cũng có trong ta. Phật là tánh giác thanh tịnh, là sự yên lặng vô vi tuyệt đối, Phật không có nghĩa đối lại với vô minh.

Còn tương đối phân biệt so sánh, đó chưa phải là Phật; trong kinh Kim Cang nêu rõ vấn đề này, Phàm có tướng đều là hư vọng; nếu thấy các tướng đều không phải tướng, chính là thấy Như Lai*.[6] Tướng mà chúng sanh thấy, hiểu, là tướng phân biệt, đối đãi; tướng mà không phải tướng là tướng chân thật, tướng đó không đưa đến phân biệt, chấp trước, phiền não, tướng đó được tri nhận qua tuệ giác bằng giáo lý duyên sinh, duyên khởi, duyên diệt. Cho nên được như vậy mới thấy và hiểu nghĩa Như Lai.

Nhưng vì khó thể diễn tả nói lên cụ thể toàn vẹn Phật chất đó, hay đúng hơn chúng ta chưa được tuệ giác, thành ra phải so sánh đối tác với chánh tà, chân ngụy, sáng suốt, vô minh. Như thế nếu đơn giản hiểu rằng Phật là đối ngược với vô minh, thì chắc chắn có người chấp vào sự thành Phật, và sự chấp thành Phật kia làm sao là Phật được! Thế thì tất cả định nghĩa của thế gian chỉ là phương tiện tương đối giả lập để dễ phân biệt mà tu.

Chúng ta hiện thời quy y Phật, là vị Phật lịch sử hay vị Phật theo nghĩa chánh giác thanh tịnh, vô vi tuyệt đối? Vị Phật lịch sử là Phật Thích Ca đã tịch cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm (2500), làm sao ta gọi là quy y Ngài được; ta chỉ quy y Pháp, là lời dạy của Ngài và Tăng đoàn đệ tử của Ngài truyền mãi đến hôm nay. Vậy nếu gọi quy y Phật, ý nghĩa chắc chắn là quay về tánh giác thanh tịnh bên trong, thanh tịnh yên lặng tuyệt đối không còn phân biệt mới đúng là quy y Phật. Tuy nhiên ta cũng nhờ ai mà biết tánh giác thanh tịnh, vô vi tuyệt đối? Thế là ta cũng có thể nói ta quy y cả hai, Phật của lịch sử và Phật của tự tâm; và để quy y Phật đúng nghĩa hơn, ta không nên khởi chấp bất cứ pháp học nào, như vậy mới đúng ý kinh Kim Cang dạy: Pháp còn phải bỏ hà huống phi pháp! (Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp!).

Thế thì hình thức dung nghi của người tu Phật, chỉ chứng minh rất giới hạn sự giác ngộ chứng đạo bên trong. Sự hiểu biết trọn vẹn của một đệ tử Phật là sự an lạc định tâm của ngay chính hành giả tu Phật. Đại Ca Diếp vị đệ tử lớn nhất của Phật không thường xuyên hầu cạnh bên Ngài, dung nghi và hành hoạt lại không hòa nhập Tăng đoàn, nhưng được Phật tán thán ca ngợi khiến số đông đệ tử sơ cơ lúc bấy giờ ngạc nhiên không ít. Đại Ca Diếp được Phật tán thán như vậy, vì Ngài sống và tu từ sâu thẩm bên trong, vượt lên mọi vọng động hình thức pháp trần, trọn vẹn sống như giáo lý Phật dạy. Như thế có thể nói rằng, ai cũng là đệ tử Phật nếu hiểu lời Phật dạy, và phải thực hành giáo pháp của Ngài mới thật xứng đáng.  

 

Cuộc đời đầy biến động phát xuất từ tâm tưởng chúng sanh; bao giờ chúng sanh chưa giác ngộ hoán chuyển vọng động thành tịnh tâm, chuyển thức thành trí, thì biến động càng dìm sâu chúng sanh vào mê tình vọng thức, hóa cuộc luân hồi đến bất tận, tái sanh mãi trong sáu nẻo lụy phiền.

Lời tựa nhắc ta phải ngày đêm nên chí tâm thường tụng, đây là tiết lộ sự thật chân lý về cảnh trần pháp nhiễm, về căn thức vọng động của chúng sanh.

Cảnh trần chỉ là sự tương tác hòa nhập với tâm, chứ không độc lập tạo gây ra tội. Người biết ý thức phải dè dặt cả hai, tâm và cảnh. Cảnh có thể nhiễm uế với mình, nhưng với người khác không hẳn hoàn toàn, và ngược lại nơi mình có thể an tâm điều thân, thì có người không thể chịu được.

Đệ tử Phật hàng tại gia, tâm có thể dấy động nhiều hơn hàng xuất gia, do tiếp cận công việc bận rộn hằng ngày, nhưng khi ý thức được cảnh trần là nhiễm, sự dấy động tâm có thể giảm trừ. Dù vậy đa số hay bị cảnh trần khuấy dụ quên đi. Người xuất gia ít tất bậc công việc thế gian, sống đa phần lo cho Phật pháp, nên cảnh trần ít nhiễm hơn; nói ít nhiễm hơn có nghĩa vẫn còn nhiễm, vì thời nay hầu như chùa chiền tăng sĩ đã tạo phương tiện quá nhiều trong việc hoằng pháp. Những tiện nghi vật chất, thời đại kỷ nguyên điện tử đã nghiễm nhiên xuất hiện nơi chốn già lam. Như việc phương tiện kỹ thuật tin học, phổ biến thông tin cho người học Phật một cách phổ quát vượt không gian, thời gian, chẳng hạn một bài pháp của vị Pháp sư hiện nay, có thể tức khắc được truyền đi đến khắp lục địa toàn cầu, và được lưu giữ thời gian không giới hạn. Tuy nhiên ngược lại, người nghe pháp sẽ dễ dàng đồng hóa bài pháp là một thuyết trình thông tin giáo dục, để trở thành học kinh học pháp như môn học hàm thụ thế gian mà chẳng cần đến chùa viện. Kết quả việc học như vậy sẽ không được, hay ít được nhân duyên thực tập lễ Phật, đọc kinh, ngồi thiền, niệm Phật; từ đó có thể dẫn đến phóng tâm suy nghĩ, đánh giá, bình phẩm Tăng Ni không khác như một giáo viên, giáo sư trường lớp.

Hiểu về Tăng sĩ như một thầy giáo vẫn đúng, vì chính ngay đức Phật cũng là vị thầy dạy học, tất nhiên bậc Thầy vĩ đại có thể dạy cả Phạm thiên, Bồ Tát. Nhưng dù vậy Phật vẫn phải hiện thân mô phạm, luôn luôn hành động trong từng sinh hoạt đời sống, để mọi người thấy rằng Phật đã am tường bài vở chân lý chính Ngài nói ra. Vậy đồng ý việc học Phật pháp ngày nay dễ dàng, nhưng e khó nhận được thật chất an lạc bên trong, vì thiếu thực tập; chưa kể người thông minh học hiểu được nhiều, rồi đi ngược việc học của mình, khi dò xét, chấm điểm người khác.

Riêng cảnh già lam thanh tịnh, khi tiếp cận phương tiện thế gian quá nhiều vào đời sống tu hành, tất nhiên phải vất vả chống chọi nhiễm pháp. Vì các pháp bên ngoài thật dễ gây nhiễm tâm người học đạo, dù rằng Phật pháp bất ly thế gian giác… nhưng ta không phải là người của thời Lục Tổ, nên điều đó đúng với phần lý nhiều hơn, phần sự phải tùy tâm tùy người hành xử. Chứng minh điều này, chính ngay Lục Tổ dù đã giác ngộ chứng đạo, Ngài cũng phải xuống tóc đắp y, chứ không thể mặc đồ thế gian, sống ở thế gian mà được người gọi là Tổ.

Tăng sĩ ngày nay phải vì thế gian mà thay đổi rất nhiều, phải biến mình trong nhiều hình thức độ sanh. Họ có thể là những giáo sư: toán học, khoa học, văn chương, ngôn ngữ, hội họa, lịch sử, triết học… thậm chí còn đi vào lãnh vực y khoa.

Trong hoàn cảnh tạo thành trọng trách hoằng pháp qua nhiều phương tiện như vậy, người Tăng sĩ chỉ vất vả thêm chứ không thể dễ dàng nhiếp tâm an lạc được. Khác với phàm tăng, chư vị Bồ Tát thị hiện vào thế gian do tâm từ bi cứu độ chúng sanh trầm luân đau khổ, nên bất cứ hoàn cảnh, hay nhân ảnh nào các Ngài vẫn có thể đi vào tự tại.

Phàm phu học Phật như chúng ta trong vai trò nào đó phải ý thức, đó là tiếp nối việc làm của Bồ Tát độ sanh, nếu không, ngược lại phương tiện độ sanh sẽ ảnh hưởng công phu tu hành và lý tưởng xuất gia của người học Phật.

Lời tựa Tám Điều Giác Ngộ này nhất định được ghi nhớ luôn luôn. Chỉ có luôn luôn ghi nhớ trì tụng, hàng xuất gia mới giữ được chất liệu giải thoát tự tâm, nhìn lại việc làm của mình và hàng tại gia cũng lấy kinh Tám Điều Giác Ngộ này khắc ghi tu học khi đang sinh hoạt ngay trong đời sống.

 

Điều giác ngộ thứ nhất: Thế gian vô thường, cõi nước rất mong manh, bốn đại lại khổ không, năm ấm là vô ngã, luôn sinh diệt biến đổi, giả dối không có chủ, tâm là nguồn việc ác, thân là rừng nghiệp tội; nếu quán sát như thế, lần lần lìa sinh tử. 

Đệ nhất giác ngộ: Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu; như thị quán sát, tiệm ly sinh tử.o[7] 

Thông thường nhận thức về thế gian, là nhận thức theo tâm cảnh hoàn cảnh sống, tức theo tình cảm lý trí phán xét phù hợp với căn thân của mình. Người mang hoài niệm sống để hưởng thụ, sẽ nhận thức thế gian theo quan điểm khác với người bi quan nhìn đời chỉ toàn tranh đấu đau thương. Cứ như thế trên bình diện tư duy nhận thức ý nghĩa nhân sinh thế giới, sẽ không thể đồng tình hợp nhất. Tuy nhiên, chung quy thế gian phải bị thay đổi theo thời gian lưu chuyển chẳng ngừng, luận lý này mọi người đều công nhận. Thay đổi đó là cảnh vật sinh hoạt ngày xưa so với ngày nay; và hễ sinh hoạt đời sống càng thay đổi, tư duy nhận thức con người phải ảnh hưởng theo.

Nhận định qua giáo lý nhà Phật, mọi sự vật và con người hết thảy trên thế gian, chẳng thể ra ngoài sự thay đổi biến dịch luôn luôn, điều đó được gọi ‘chư hành vô thường’*[8], nghĩa là mọi thứ vận hành, hiện khởi nào cũng đều vô thường cả, hay nói đúng hơn sự vận hành, hiện khởi tự nó đã là vô thường. Sự hiện khởi và hiện hành của tất cả như thế được gọi là pháp hữu vi [9], có sanh tức có diệt.

Phật dạy các pháp hữu vi đều do nhân duyên sinh, do nhân duyên sinh nên cũng do nhân duyên diệt. Lời dạy này dẫn đưa chúng sanh đi vào Thánh đạo giải thoát và vị đại Thánh tiêu biểu trí tuệ đệ nhất là ngài Xá Lợi Phất, trước kia đi vào chánh đạo cũng nhờ nghe được chân ngôn này.

Tuy vậy nhận định thẩm thấu ý nghĩa để thực hành lời dạy trên không phải việc dễ. Việc không dễ vì con người đang sống trong thương yêu dục lạc nhiễm ái thế gian này.

Nhập đề vào kinh Bát Đại Nhân Giác, đã nói lên ngay hiện trạng chúng sanh đang sống; cho biết thế gian vô thường, cõi nước mong manh, đó là ý nghĩa các pháp do nhân duyên sinh cũng do nhân duyên diệt.

Bao giờ các pháp không sinh, tất sẽ không có đối tượng tác động hủy diệt, và bao giờ có sinh, tất phải có diệt. Chúng ta hiểu ngay, vì sao các pháp bị diệt? Vì bởi có sinh. Những gì có sinh do nhờ duyên tạo, khi duyên đoạn lìa, pháp cũng diệt theo.

Thế gian, danh từ này được đặt định gọi tên, cũng là một pháp như vô lượng pháp hữu vi, và đã là pháp thì theo thời gian, theo nhận thức con người, nó sẽ bị hủy diệt một ngày không xa.

Con người đối với thế gian đối với hành tinh này quá ư nhỏ bé, sự thay đổi biến dịch của hành tinh khó làm con người ý thức là tiến trình đi dần đến hoại diệt. Sinh hoạt của thế gian quá phổ quát bao la, và dân số càng ngày càng tăng lại làm cho con người tưởng mình là tồn tại. Sự hưởng thụ vật chất sung mãn ngày nay so với ngàn xưa tạo thêm lầm tưởng thế gian ngày nay sung mãn phẩm thực dư thừa!

Thật ra tất cả những gì xưa nay chưa từng mất đi, chưa từng tăng phát, những gì của thế gian ẩn tàng, xuất hiện xưa nay chỉ là vòng luân vũ xoay vần thay hình đổi dạng. Sản phẩm của ngày xưa thô sơ, vật phẩm của ngày nay tinh xảo đều không ra ngoài vật liệu vật chất thế gian. Cổ vật của ngày xưa chưa phải gọi là xưa cũ ngày nay, vì chúng đã và đang biến mình trở thành những nguyên tử mới khác; ngược lại những thiết bị sắt thép tân kỳ hôm nay cũng không phải là những sản phẩm mới, vì chúng đã là những nguyên tử lang thang trong vũ trụ từ vô thỉ đến nay. Hơn thế nữa nguyên tử ngày xưa, ngày nay vẫn là một, khác đổi chỉ là nhân duyên hội tụ tan rả mà thôi. Như thế nói về tính chất nguyên tử vật thể ngày xưa và ngày nay nào đâu là khác, và chẳng thể nào giữ mãi nhất như độc lập, vì tự tính của chúng chỉ là nhân duyên tụ hội rồi tan. Chính cả thế gian này chỉ là những vật chất biến hóa dị thường theo duyên sanh ý thức, mê lầm vọng tưởng của chúng sanh cấu tạo thành; rồi đây sẽ có một sự vô thường vĩ đại xảy ra, khi cả một quả địa cầu chúng ta bùng nổ.

Nhưng biến cố đó cũng chỉ nói lên vô thường, như bao nhiêu cái vô thường đã và đang hằng hữu xảy ra; đến đây thì một sự tái lập mới, một nhân duyên mới, từ nguyên tử cũ phân tán hay nguyên tử mới từ nhân duyên cũ tạo thành…

Lớn như quả địa cầu cũng có ngày hủy diệt phân tán một cách hợp tình hợp lý, vì hiện hữu do nhân kết tụ, thế có cái gì gọi là thế gian trường cữu? Nhưng Kinh dạy thế gian vô thường, không phải chỉ nhắm vào cõi địa cầu hành tinh xanh này. Thế gian đây có thể được hiểu, vượt ngoài sự hiện hữu thấy được và nhận thức được; thế gian như vậy sẽ vượt qua các tinh hà thiên văn trong vũ trụ mà hiện con người khám phá ra.

Cao hơn nữa theo nhận thức người học Phật, phải hiểu là ba cõi chúng sinh luân hồi. Vì trong ba cõi, dung chứa làm duyên cho tất cả chúng sanh ý thức mình đang hiện hữu. Trong ba cõi này dù hai cõi sắc và vô sắc [10] chỉ có chứng đạo mới thấy, vẫn là nơi không thật, để chúng sanh nương theo, và thế nó phải chịu luật vô thường biến đổi luôn luôn, nên chúng sanh nơi ba cõi ấy hẳn phải bị tác động lệ thuộc vào.

Khẳng định nói rằng, chẳng có gì không phải vô thường trên thế gian này, khi chính ngay tự cõi thế gian dung chứa mọi thứ đã là vô thường, vậy cõi nước là mong manh, dễ hoại quả thật đúng.

Nếu tin còn chưa thỏa đáng, ta hãy suy nghĩ chiêm nghiệm xem có phải đất nước thế giới có mong manh không?

Mong manh có nghĩa là không vững vàng kiên cố, hay bị xoay chuyển lung lay, nói đúng hơn sự hư hoại chỉ là thời gian đang đến. Đó là những thiên tai lũ lụt, động đất, hỏa hoạn hoành hành xảy ra khắp nơi trên thế giới. Thiên tai đã và đang xảy ra từ khi quả đất mới hình thành, và chắc chắn nó phải tiếp tục xảy ra mãi mãi. Thật dễ hiểu vì do duyên tạo, tất phải bị duyên phá hủy theo chu kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không mà người học Phật nào chẳng nghe.

Lịch sử đã ghi lại không biết bao nhiêu hoạn nạn thiên tai, chưa nói có những thiên tai không còn một ai nhân chứng kể lại. Suy nghĩ cho kỹ đó là tất nhiên, và chúng ta người học Phật phải lặng thinh hay đau khổ ?

Dù có trả lời hay không, sự vô thường vẫn xoáy mòn con người chúng ta, chỉ vì đơn giản rằng, tất cả sinh vật hữu hình hiện đang sống nhờ trên cái thế giới mong manh đó.

Thời gian chúng tôi đang viết mạn đàm về tập kinh này, thì một biến cố động đất xảy ra tại vùng biển Ấn Độ Dương, nạn sóng thần kinh hoàng khiếp hãi đã cướp đi trên hơn hai trăm ngàn sinh mạng. Thị trấn Banda Aceh thuộc vùng đảo Sumatra (Nam Dương) bị tàn phá nặng nhất, gần như đồ hình địa lý bị biến dạng, vượt ngoài sự tưởng tượng con người. Truyền thông báo chí, tin tức khắp nơi trên thế giới không một nước nào không đăng tải báo động vụ thiên tai kinh hoàng này. Có lẽ từ trước đến nay thiên tai sóng thần này, được tường thuật ghi lại chi tiết hình ảnh rõ ràng nhất, nên trở thành quá kinh khủng. Kinh khủng hơn nữa vì sự đau thương lan tỏa gần như đến khắp toàn cầu; cái chết cướp đi đủ loại màu da chủng tộc trên thế giới. Sóng thần xảy ra ngay mùa nghỉ cuối năm, nên dân Châu Mỹ, Châu Âu trong dịp nghỉ mát vùng Châu Á rải rác các nơi ven biển đã đều lâm nạn.

Đó là một biến cố cụ thể sự thật vừa xảy ra ngay cuối năm qua (2004) [11].

Thế thì thế giới được hình thành do duyên tạo, và sự hủy diệt hư hoại ắt phải có nguyên nhân. Nguyên nhân tạm hiểu là tuổi thọ của trái đất có lẽ quá già, hay vì đang chuyển bệnh từng cơn, hoặc có thể do những phiền hà của những sinh vật đang sống trên nó, vô tình hay cố ý gây ra. Điều đó ai biết? Nhưng, tuyệt đối phải biết, có sanh tất có diệt.

Con người cũng chẳng khác gì. Tất nhiên nhân duyên tạo nên con người có vô số pháp. Con người do nhiều nhân duyên tác thành, tất hẳn không khác thế gian vô thường, cõi nước mong manh. Trong Tương Ưng Bộ, Phật nói về vô thường nơi con người như sau: Sắc (thân thể), này các Tỷ Kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Sắc đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ kheo, vậy từ đâu có thể gọi là thường được. [12]

    Tiếp theo tất cả còn lại của ngũ uẩn, Phật dạy đều là vô thường. Do đó mà bốn đại lại khổ không, năm ấm là vô ngã, luôn sinh diệt biến đổi, giả dối không có chủ.

Bốn đại là đất, nước, gió, lửa, là những nguyên tố vật chất tạo nên con người. Sự thật được hiển lộ rõ nhất khi con người chết đi, rồi tất cả hòa vào cát bụi. Năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức tạo nên con người, chúng chẳng có gì là tự sinh, tự chủ có thể giữ được chính nó, cho nên chẳng có gì gọi là độc tôn, độc ngã, thành ra gọi là vô ngã.

Sắc là hình hài vẽ đẹp của một hình thể con người nói riêng, nói chung là hết thảy mọi vật; cả đến quả địa cầu nơi đang dung chứa chúng sanh bàn lun về sự hư giả này.

Nơi con người là một hình ảnh cụ thể có thể thấy đẹp xấu, nhưng sẽ chưa đủ là con người nếu không có thọ, tưởng, hành, thức là những linh hoạt khiến nó hành động đi đứng thọ dụng buồn, vui, suy nghĩ… Ngược lại những hành động linh hoạt như vậy chẳng thể có được, nếu không nhờ cái hình ảnh sắc thân kia. Cho nên phải hội đủ nhiều yếu tố nhân duyên con người mới đủ gọi con người, như thế con người được hình thành là do nhân duyên từng thành phần một mà ra.

Suy ra để thấy chẳng có gì gọi là tự ngã độc lập, tự chủ. Nếu tự ngã độc lập thì con người phải mãi mãi là con người, chẳng bao giờ có sanh có diệt, chẳng bao giờ theo luật vô thường nay khổ mai vui. Và chẳng bao giờ phải bị mòn xoáy theo sanh già bệnh chết, nhất là chẳng có chuyện phải chịu quả báo, biến hình đổi dạng trong sáu cõi luân hồi. Thực tế hơn hết là chẳng bao giờ phải chịu buồn vui đau khổ như ta đã và đang trực diện đương đầu trong đời sống hiện tại. Câu chuyện sau đây nói lên sự vô thường của ngũ uẩn thân, khiến địa vị nào cũng phải lo âu khổ sở.

Ngày xưa có một ông vua, cai quản một đất nước thịnh vượng. Mỗi khi vua đi tuần du đều thấy giang sơn gấm vóc, nhân dân ấm no. Đi đến đâu vua cũng được mọi người sùng kính, ngưỡng mộ. Vua rất sung sướng và chỉ mong được mãi mãi trên sự vinh hoa phú quý ấy. Nhưng một hôm soi gương, thấy tóc mình đã bạc, mặt nhăn, khi ra thiết triều, vua bỗng khóc nức nở, triều thần kinh ngạc tâu hỏi duyên cớ.

Vua trả lời:

-Vừa rồi Trẫm đi tuần du, thấy đất nước thanh bình thịnh trị, mọi người đều ngưỡng mộ Trẫm. Cả giang sơn gấm vóc này đều thuộc quyền sở hữu của Trẫm. Nhưng than ôi, bây giờ Trẫm đã già rồi; Trẫm sắp chết, sắp rời bỏ cuộc sống hoan lạc này, cho nên Trẫm đau lòng mà khóc.

Triều thần thấy vua khóc cũng động lòng khóc theo. Trong đám triều thần ấy chỉ có một người không khóc theo vua mà lại mỉm cười.

Thấy thế, vua bèn phán hỏi:

-Tại sao khanh không thông cảm nỗi đau khổ của Trẫm mà lại cười? Khanh hãy trả lời Trẫm, nếu khanh có lý, Trẫm sẽ tha tội, nếu vô lý khanh sẽ bị chém đầu vì tội khi quân.

Ông quan kia bèn nhỏ nhẹ tâu rằng:

-Tâu bệ hạ, bệ hạ khóc rất có lý. Triều thần khóc cũng rất có lý. Nhưng hạ thần nghĩ cái lý của bệ hạ khóc còn quá nông nổi. Nếu nghĩ sâu hơn một chút bệ hạ sẽ thấy: Nếu không có sự vô thường thay đổi thì bây giờ vị vua trước còn sống sờ sờ ra đấy, làm sao bệ hạ lên thay được để hưởng mọi điều vinh quý ấy ? Vì bệ hạ quên điều ấy nên bệ hạ khóc. Triều thần quên điều ấy cho nên triều thần khóc. Nên hạ thần nhắc lại để bệ hạ thấy sự vô thường ấy mà không nên buồn. [13]

Câu chuyện nhà vua chẳng hiểu, chẳng biết vô thường, khiến phải đau khổ sợ chết trong khi đang hưởng thụ đời sống dục lạc; tuy nhiên nhà vua còn nhận ra mình già nua tóc bạc, vẫn là một điều may; may hơn nữa có một cận thần thiện tri thức, giải thích hiện tượng tất nhiên của vô thường. Nếu không, vua còn phải khổ đau hoài với vô thường mà chẳng thể nào tìm cách dứt bỏ được. Trong câu chuyện lại thấy vị đại thần mỉm cười nhìn vua khóc, là người đã liễu nghĩa vô thường, có thể tự tại chính mình và còn giúp người khác hiểu đạo.

Chuyện chẳng có gì khó hiểu, chỉ vì vua giựt mình khi thấy mình già đi. Ngũ uẩn thân là tài sản quý báu nhất của vua, bấy lâu nay hưởng thụ, nay gần đến thời kỳ phá sản lụn bại, tiếc thương cho thân, tiếc thương của cải không còn tiêu dùng được, nên hóa ra đau thương khổ não. Thật ra việc thân thể già nua hốc hác nào đâu phải là chuyện mới lạ với vua, vì chung quanh vua còn đó những quan thần già hầu cận.

Nhưng tâm lý chung của con người ham sống sợ già, sợ chết, chẳng muốn việc xấu tới mình, thành ra hốt hoảng, nhất là tài sản vật chất còn đang quá dư thừa đầy đủ.

Xét lại thân thể hình hài chúng ta đây, là một cụ thể để quan sát tính cách giả dối vô thường dễ thấy nhất, cũng là bài học khẩn cấp nhất thức tỉnh được mình, qua việc vô ngã sinh diệt biến đổi.

Mỗi ngày ta mỗi già đi, già đi là mỗi ngày đi gần đến ngày chết. Ta chẳng có cách nào khác níu kéo tuổi già ngừng lại được; không những chỉ có riêng ta bất lực mà bất cứ ai, bất cứ vật gì đã xuất hiện trên đời này cũng đều phải bị tuổi già tàn phá. Hiểu vậy ta mới biết sự sống của mình chẳng có gì gọi là chân thật, vì từ thân đến tâm đều chuyển động theo luật vô thường. Vô thường như thế quá rõ ràng, và nghĩa của vô thường Phật dạy đó là vô ngã.

Xét về thân là vật chất hình sắc ta đã đồng ý tuyệt đối là vô thường, vô chủ, nay ta trở về xét lại ý thức đang suy nghĩ, đang học hỏi đây cũng vẫn vô thường, dù nó là phương tiện chuyển được cái vô thường đi đến rốt ráo thành Phật.

Thử tư duy suy niệm chính mình, tức cái ý thức đang khởi động, ta sẽ thấy không một giây phút nào tìm được ta là tự chủ độc lập. Ta có thể độc lập giây phút này nhưng khó độc lập giây phút khác. Dòng suy tư cứ tuôn chảy không ngừng ở một nơi đâu, nên gọi là tâm vô thường. Tâm vô thường nên khó giữ khó chế phục. Kinh Pháp Cú dạy: Rất khó tri giác cái tâm. Tâm vô cùng tế nhị. Người thiện trí canh phòng tâm. Tâm được canh phòng nghiêm nhặt dẫn đến hạnh phúc. [14]

Tâm tế nhị vì khó thể xác định, khó thể làm chủ, khó thể tri nhận, nó có thể là nhất thời, nhưng cũng có thể là mãi mãi! Nhất thời là sự vô thường biến đổi không trụ định, mãi mãi là chân tâm: không sanh, không diệt, không khởi, không trụ, không động, không tịnh, không thể nghĩ bàn. Tìm chân tâm là sự tìm trong động, chỉ nên hiểu tâm là tâm, là vô thường là tỉnh thức trong từng lẽ sống hiện tại, bằng sự canh phòng giác tỉnh hành động của tâm.

Như thế, quả thật phiêu lưu nguy hiểm, nếu để tâm mãi mê dong duổi chạy theo ngoại cảnh, mà không canh phòng tỉnh thức.

Ta cũng có thể đặt nghi vấn, thế sao cuộc đời vẫn còn sáng tạo được nền văn minh vật chất, dù rằng ý thức là vô thường phân biệt chập chờn vô chủ?

Vâng, đó là luật của thành trụ hoại không; điểm đạt mục đích của con người là điểm sống, trong điểm sống buộc con người phải lao theo sáng tạo sinh tồn và hưởng thụ, do đó văn minh sinh hoạt, ý thức vươn lên là việc hẳn nhiên của dòng sống một chúng sanh; tuy nhiên văn minh vật chất không đưa đến an lạc tuyệt đối mà cần phải hài hòa với tinh thần đạo học. Như vậy văn minh sáng tạo vật chất dù đáng ca ngợi, vẫn phải cần khẩn cấp học hiểu tinh thần tâm linh đạo giáo, mới có thể đạt được sự an lạc hoàn toàn. Lịch sử chiến tranh từ ngàn năm, trăm năm, và cận đại đã cho thấy, vẫn là nguy hiểm nếu cứ chạy theo tham muốn; điều đó nói lên sự phân biệt vô thường của ý thức chưa được giác ngộ vậy.

Ý thức để được chuyển hóa thanh tịnh, trở thành trí thức vô ngại, đó là hướng thượng xây dựng trên bình diện tu sửa thân tâm; điều thiết thực đó là hành trì giới học. Nơi đây ta thấy các kinh Đại Thừa luôn đề cao tán thán công đức thanh tịnh giữ giới, vì giữ giới là hành động không chìu theo bản ngã, không để tâm vô thường sai khiến, sáng suốt vượt lên, dừng nghỉ được tâm biến đổi vô thường. Chỉ có dừng nghỉ tâm lăn xăn dao động mới tự tại vấn đề, mới chinh phục bản ngã, thấy được tự ngã giả dối quay về chân ngã tự tại. Người làm được vậy thì chứng đạo gọi là Bồ Tát, gọi là Phật.

Ngược lại tư duy nhận định trên, con người sẽ dễ phóng tâm, vọng tưởng, xoay vần theo pháp nhiễm thế gian, nên kinh dạy tiếp theo: tâm là nguồn ác, thân là rừng nghiệp tội; nếu quán sát như thế, lần lần lìa sinh tử.

Thật vậy, một sự thật không thể phủ nhận, sự kiện đau khổ cho mình, cho người đều do vọng tâm, si tâm làm chủ. Người sở dĩ gây tội do tâm bất thiện sai khiến, do tâm tham ác phủ lấp tinh thần, như thế hành động của thân chỉ thuần về ác. Tuy nhiên bản thể tự tâm là huyền diệu, có thể tự mình hoán chuyển vượt khỏi đối tác duyên trần quay về giác ngộ. Nhưng không phải đạt được chân tâm thấy tánh là việc dễ làm! Suy ngẫm điều này, ta có thể thấy qua đoạn kinh Lăng Nghiêm; Phật đánh giá lời tán thán, ca tụng của Ngài A Nan về vẻ đẹp của Phật như sau: Tốt lắm A Nan! Các ông nên biết cái suy nghĩ mà ông vừa nói đó nguyên là ‘vọng tưởng’ chứ không phải ‘chơn tâm’. Chúng sinh từ vô thỉ cứ xoay vần trong vòng sanh tử, là vì không biết nhận cái chơn tâm thường trú, không thấu hiểu ‘bản tánh thanh tịnh’ (của nội tâm). Vì đã lầm nhận vọng tưởng là chơn tâm nên bị luân hồi. [15]

Lời Phật dạy, cho ta thấy dùng căn thân đối với cảnh trần mà không dùng trí giác, nên sanh vọng thức đánh mất tánh vô ngại thanh tịnh, lầm tưởng hiện cảnh theo vọng niêäm sai biệt thế gian, đó là điều đưa chúng sanh vào con đường chấp mê đau khổ, do đó Phật dạy, điều nhận xét của Ngài A Nan chỉ là vọng tưởng, không phải chơn tâm.

Xét ra chúng ta thì sao? Vọng thức rối ren hằng ngày, không khéo tâm trở thành nguồn ác! Như Ngài A Nan dùng tâm tán thán Phật mà vẫn là vọng tưởng, hà huống là ai !

Khi vọng tâm tạo ác, thân tất nhiên gây tội, không thể thoát được luân hồi; nhưng khi chuyển được tâm quay về bản tánh thanh tịnh như lời Phật dạy, thì các pháp trần vẫn là thanh tịnh chẳng ngoài bản thể chân tâm; như thế người giác ngộ thấy rõ được lý duyên sinh nhân quả từ tâm lưu xuất. 

Ngài A Nan phương tiện thay thế chúng sanh thưa hỏi, để Phật dạy rõ sự vọng động của tâm đó là điều cẩn trọng, nên tu tâm, nếu không tâm sẽ dễ thành nơi dung chứa nguồn ác để quả báo làm thân biến thành rừng nghiệp tội.      

Như vậy thấy được các pháp sinh diệt biến khởi để trấn tỉnh mà tu, để ý thức từng giây phút trong đời sống hiện thực. Vì chính ngay thân ngũ uẩn này là vô chủ, cái tâm lăn xăn kia chẳng phải là chân thật đáng tin, thì đối với các pháp thế gian làm sao trường tồn bất diệt được. Cho nên tâm dễ thành nguồn ác nếu không hiểu rằng, chẳng có pháp nào trường tồn để chúng ta dính mắc; và sự ngoan cố tự ngã chấp thủ, ôm giữ cho mình sẽ chẳng bao giờ giữ được, rồi sẽ là hiểm họa sa đọa khiến phải luôn sống trong đau khổ luân hồi.

Thế thì hiểu rằng, tại sao mở đầu đệ nhất giác ngộ, kinh dạy thế gian vô thường, cõi nước mong manh; đó là nhắc nhở con người chớ ham đắm hoàn cảnh thế giới của mình, bởi chúng là giả cảnh không thật. Không thật nên vô thường, mong manh.

Từ sự không thật, mọi việc sống gá vào nhau tất nhiên sinh diệt biến đổi. Nếu không hiểu, sự đau khổ sẽ tự chính mình gây ra, do đây kết luận điều thứ nhất kinh dạy, phải quán sát như thế để lìa khỏi sinh tử vô thường khổ đau.

Có thể khả quyết rằng phẩm kinh Bát Đại Nhân Giác, chỉ cần đoạn mở đầu điều giác ngộ thứ nhất, đã đủ hành trang cho người học Phật nhận định rõ ràng thân phận con người, hoàn cảnh thế giới con người và muôn vật đã và đang xảy ra chung quanh; từ đây bước đi vào đạo một cách vững vàng kiên cố, và đường về bến giác không còn là điều xa vời, mà xưa nay tưởng là việc không thực hiện được.

Tuy nhiên dù là chân lý rõ ràng trước mắt, nhưng không thể khiến người dễ dàng khơi động tánh giác, cho nên kinh dạy rõ hơn sự sai lầm đau khổ, để cuối cùng chính nơi đau khổ vô thường của chánh báo và y báo, chúng ta mới nuôi dưỡng được tâm từ bi; phát được đại thừa tâm, trở thành như kinh dạy là người giác ngộ phải độ chúng sanh.  

 

Điều giác ngộ thứ hai: tham muốn nhiều là khổ, bao sinh tử nhọc nhằn, đều từ tham dục ra; nếu ít muốn vô vi, thân tâm được tự tại. 

Đệ nhị giác tri: Đa dục vi khổ, sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi; thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại. [16] 

Có lẽ không một ai lại không hiểu sự nguy hại từ tham muốn. Tham muốn càng nhiều đau khổ càng tăng, nhưng việc khổ tâm của chúng sanh cõi Ta Bà này, là không một ai lại không tham muốn. Minh chứng đó, chính ngay con người chúng ta; thân thể con người là căn nguyên đến từ dục ái, là quả báo kết thành do tham dục tình ái tham muốn mà ra.

Nói như vậy có quá đáng không? Thật sự đây là vấn đề sáng tỏ từ lâu, từ khi xuất hiện con người; nhưng hiểu biết được như vậy là do Đấng Đại Giác mở bày chân lý. Nếu con người chỉ tham muốn thuần về vật chất, thì vật chất cũng chỉ bấy nhiêu đó mà thôi. Nghĩa là thân thể vật chất sinh lý này, chỉ dung nạp chừng ấy dung lượng thực phẩm; hay sự dục lạc của thân thể chỉ là chớp nhoáng, rồi để lại bao phút giây nuối tiếc.

Nơi ở xa hoa đô thị cũng vậy, cũng bấy nhiêu không gian che lạnh gió mưa chừng ấy, nhưng đời người lại chẳng sống được bao lâu! Thế là vật chất kia vẫn thật hạn hẹp, tù túng, không thể thỏa mãn cho con người. Nhưng thật ra sự thể vật chất kia cũng chẳng làm nên tội, nếu con người biết được sự dừng lại, biết được mức thái quá vấn đề, và biết hài hòa đời sống vươn lên trong khi sống.

Đời sống có ý nghĩa phải là đời sống tích cực xây dựng và phát triển; khi tiếp xúc, phát triển tất nhiên phải sáng tạo và duy trì, cho nên từ công trình sáng tạo đến thể hiện đời sống hạnh phúc thương yêu lúc nào cũng đẹp và đáng được ca ngợi; sự kiện trở thành không đẹp, trở thành đau buồn, sân hận, tất cả chỉ vì do hành động không sáng suốt, chỉ thu hẹp vào tự ngã bản thân, chẳng nghĩ tưởng đến tha nhân ngoại giới. Nhưng rồi sự tham dục vật chất kia tự mình chẳng thể làm chủ được.

Vấn đề này trong kinh Pháp Cú có dạy và kèm theo tóm tắt câu chuyện như sau:

 Một phú gia không con, chết đi, bỏ lại tất cả tài sản sự nghiệp lớn lao. Vua truyền lịnh cho nhập gia sản của ông vào quốc khố và Vua đến hầu Đức Phật. Vua bạch lại tự sự với Đức Phật, ghi nhận rằng mặc dầu nhà ông ấy ở gần nơi Đức Phật ngự, không bao giờ ông để bát cúng dường Ngài.

Nhơn cơ hội Đức Phật dạy:

Giàu sang làm sụp đổ kẻ cuồng si, nhưng không (hại) những ai mưu cầu Bờ Bên Kia (Niết Bàn). Do lòng ham giàu, kẻ si mê tự làm cho mình sụp đổ (cũng như đang làm sụp đổ) kẻ khác. [17]

Ngoài sự tham muốn vật chất, còn một động cơ kinh khủng hơn đó là động lực yêu thương, tình ái. Dục ái khiến con người phải chìm mê tham đắm. Từ đó tạo thành nguyên nhân, ganh đua quyền lực, đoạt danh, đoạt của, mong chiếm được lắm tình.

Hiểu thêm rằng tình ái còn có tình bạn tình người. Tất nhiên tình người là lý sống đẹp, đẹp đời, đẹp cảnh, bởi ta không thể như loài vật vô tình (hiểu biết về tình rất ít) hầu như sống chỉ biết ăn! Tuy nhiên vì không giảm được tình ái sâu dầy nên kết buộc thương yêu đời này mãi đến đời sau. Hay nói cho thật, bao giờ chúng ta chưa chứng đạo, chưa giác ngộ chân lý, thì mọi tình cảm, tình ái thế gian chỉ là ràng buộc khổ đau.

Khi kết buộc ái tình tham luyến đời này đến đời sau, để sanh ra hiện thể làm người, từ đây lại vì thế gian sinh ra tham cầu mọi thứ. Trẻ em có cái tham của trẻ em, người lớn có cái tham người lớn; tham nhiều đến nỗi trẻ nhỏ ấu đả đánh nhau, người lớn chiến tranh đẩm máu. Những tàn tích hình ảnh chiến tranh vẫn còn, những vết thương đọng lại từ thế hệ trước chưa phai, vậy mà con người chẳng vì đây khiếp sợ. Thật ra tham muốn nào đâu là kẻ thù tiêu cực, vì tham thiện làm lành ai lại không đề xướng tán dương; nhưng vì không hiểu được lý vô thường, mọi vật đều duyên sanh giả tạm và hạnh phúc thật sự nào đâu phải độc quyền tự ngã cá nhân. Nếu là tự ngã cá nhân, thì ta chẳng thể nào tồn tại. Trong khi hạnh phúc, sống còn của con người đang có là do đối tác cộng hưởng trong một cộng đồng, sự thành tựu của ta chỉ là duyên thành đối lại với bao liên hệ ngoại duyên. Nói rõ hơn có người thất bại có kẻ chịu thua, ta mới thấy rằng ta thành tựu. Vậy sự tham muốn kia nếu được như ta mong đợi, tất nhiên lại có bao người đang thất vọng sầu lo. Đành rằng ai cũng mong vui thành tựu, nhưng biết san xẻ nghĩ nhớ đến người thì tham vọng chẳng làm đau khổ một ai. Huống gì kinh dạy “bao sinh tử nhọc nhằn, đều từ tham dục ra”.

Trong kinh Trung A Hàm, Phẩm Khổ Ấm, Đức Phật nói về hậu quả tác hại từ sự tham dục sinh ra; sự tham dục tuy ban đầu chỉ là chức năng sinh tồn, nhưng trong đó đã chứa mầm mống lo sợ khổ hãi. Đoạn kinh như sau:

“- Thế nào là tai hoạn của dục? Một người con nhà dòng dõi, tùy kỹ thuật riêng mà tự mưu sinh, hoặc làm ruộng, hoặc buôn bán, hoặc đọc sách, hoặc giỏi toán thuật, biết công số, khéo in khắc, làm văn chương, tạo thủ bút, hoặc hiểu kinh thơ, hoặc làm võ tướng, hoặc phụng sự vua. Người ấy khi gặp lạnh phải chịu lạnh, gặp nóng phải chịu nóng, bị đói khát nhọc mệt, bị muỗi mòng châm chích; người ấy phải làm nghề nghiệp như thế để mong kiếm được tiền của. Người ấy, bằng những phương tiện như vậy, làm các công việc như vậy, để mong cầu như vậy; nhưng nếu không kiếm được tiền của thì sinh khổ sở, lo buồn, rầu rĩ, tâm thành si ám, nói rằng: ‘luống công làm lụng, khổ nhọc vô ích mà những điều mong cầu không có kết quả’. Trái lại, người đó, bằng những phương tiện như vậy, làm các công việc như vậy để mong cầu như vậy, nếu kiếm được tiền của thì sinh yêu quí, giữ gìn, cất giấu. Vì sao vậy? ‘Tài vật nầy là của ta, đừng để cho vua đoạt, giặc cướp, lửa thiêu, hư hại, mất mát, hoặc xuất tài mà vô lợi, hoặc làm việc mà không thành tựu’. Kẻ đó giữ gìn cất giấu như vậy, nhưng nếu rủi bị vua đoạt, hoặc giặc cướp, lửa thiêu, hư hại thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si ám, cho rằng: ‘Vật ta yêu quí nhớ nghĩ suốt đêm ngày, nay đã không còn.’ Đó là những nỗi khổ ở đời nầy, nhơn nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc”.

Nhưng nếu con người hiểu được tham dục, tham muốn tạo ra sự sinh tử nhọc nhằn đời này qua đời khác, thì dù có đau khổ cũng chỉ tự mình an phận đau khổ, chứ không phải tạo thêm sự đau khổ khác, gây hại xúc phạm đến người thân của mình, như đoạn tiếp của kinh: Lại nữa, vì chúng sinh nhơn nơi dục, duyên nơi dục, làm gốc, nên mẹ tranh với con, con tranh với mẹ, cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ giành giựt lẫn nhau. Vì giành giựt lẫn nhau như vậy nên mẹ bêu xấu con, con bêu xấu mẹ, cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ bêu xấu nhau. Thân thích còn vậy huống nữa là người ngoài…”

Kinh còn kể nhiều tác hại ảnh hưởng ghê gớm hơn, và cái ghê gớm đó là hai tiếng chiến tranh xưa nay mãi mãi không dứt “…vì chúng sanh nhơn nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mặc áo giáp, khoác trường bào, cầm giáo, cung tên hoặc cầm đao thuẩn đi tranh đoạt nước người, công thành phá lũy, chống cự lẫn nhau, thúc trống, thổi kèn, bắt loa kêu réo; hoặc dùng chày đập, hoặc dùng mâu kích, hoặc bánh xe bén, hoặc dùng tên bắn hoặc lăn đá đè, hoặc dùng nỏ lớn, hoặc rót nước đồng sôi vào mắt. Trong khi giao đấu, kẻ chết, người sợ hãi, khổ sở vô cùng. Đó là những nỗi khổ ở đời nầy, nhơn nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.”[18]

Xét rằng nhân loại xưa nay nào đâu không hiểu hậu quả tham dục, nhưng vì kết chặt nguồn gốc tham ái từ vô minh nên khó cưỡng lại, đó là nguyên nhân sinh ra từ dục ái. Chẳng nói gì đến tham bất thiện, mà tham thiện nhưng còn chấp trước phân biệt vẫn chưa ra khỏi vòng sanh từ luân hồi.

Người học Phật, tham muốn thiện mà chưa liễu đạo chứng quả vẫn còn trong sinh tử, điều này càng tự ý thức răn nhắc khéo tu, thế mới rõ con đường sinh tử phải là nhọc nhằn, dù quả báo thiện có đến cảnh trời cũng vậy.

 

Một khoảng đời sống con người chỉ dài bằng thời gian chớp mắt của chư đại Bồ Tát, thì quả báo thành tựu đời người chẳng đáng nói ra. Đáng nói là thời gian ngắn ngủi kiếp người mà con người chẳng hay chẳng biết. Nhưng có lẽ do nguyên nhân suy nghĩ sai lầm, chết rồi là đoạn mất, hoặc người chết tái sanh người, vật chết tái sanh vật, nên chẳng sợ nhân quả, tăng trưởng tham lam, tận dụng hưởng vui khoái lạc. Và rồi đau khổ từ đây tăng theo tham muốn, bởi tham muốn vô hạn mà vật lạc thể chất chỉ là giới hạn mực chừng. Hiểu ý nghĩa này, dù sống không dư thừa nhưng thân tâm an lạc; an lạc hơn nữa biết áp dụng giáo lý tu thân dưỡng tánh, sống đời tri túc, nhận ra lý nghĩa cuộc đời là vô thường, sinh diệt, ý thức con người chỉ là những vọng động chìu theo tham tình dục ái, nên sống nghĩ đến tha nhân mới trau dồi hạnh thiện.

Vì còn tham nên khó thể tỉnh tâm an lạc, khó chấp nhận lời khuyên ngược lại quyền lợi của mình; cho nên đạo lý giải thoát vô vi mầu nhiệm nào đâu dễ dàng lãnh hội.

Đạo lý vô vi, khó luận khó bàn, người hiểu được phải là người ít còn tự ngã. Chìu theo dục tình tham muốn, tức sống chỉ biết mình chẳng nghĩ tha nhân, thì làm sao hiểu được vô vi là thâm diệu. Trong sách Thiền Lâm Bảo Huấn có nói về Nghĩa và Lợi như sau:

Hòa Thượng Minh Giáo nói: Thái Sử Công đọc sách Mạnh Tử đến chỗ vua Lương Huệ Vương hỏi ngài Mạnh Tử: Ngài chỉ cho tôi cách nào để có lợi cho nước tôi, bất giác ông để sách xuống thở dài và than: “Ôi, LỢI thực là đầu mối của sự loạn lạc!” Vì vậy, đức Phu Tử ít nói đến lợi mà Ngài chỉ thường nói về cách đề phòng cội gốc của nó mà thôi. Cội gốc tức là đầu mối. Cái tệ ham lợi của  những người tôn quí cũng như cái tệ ham lợi của những người bần tiện, không biết lấy gì mà phân biệt được. Tại nơi công, ham lợi không minh thì pháp luật loạn. Tại nơi tư, dối trá để lấy lợi thì công việc loạn. Công việc loạn thì người người tranh nhau sinh bất bình, pháp luật loạn dân oán chẳng phục. Và, sự ngang trái, đấu tranh, không nghĩ gì đến sự chết chóc từ đó phát sinh. Đó chẳng phải LỢI thực là đầu mối của sự loạn lạc sao?

Thánh hiền thường răn việc bỏ lợi, tôn trọng nhân nghĩa, đời sau lại có người cậy vào lợi mà lừa nhau, làm thương tổn phong hóa, bại hoại chính giáo rất nhiều. Họ công nhiên phô trương và thực hành đường lối tranh lợi của họ, mà họ lại muốn chỉnh lại phong tục thiên hạ, để cho thiên hạ không bị kiêu bạc, thì ý muốn ấy có thể được chăng? [19]

Đọc đoạn trên cho thấy, đạo Khổng tinh tế nhìn sâu được hậu quả của lợi, là nguyên nhân dẫn đến loạn lạc cho nên tôn trọng đề cao nhân nghĩa, kẻ trí thức hiền nhân nào đọc qua lại không cho là bài học ngàn vàng!

Thế gian tu nhân đức đã sợ lòng tham nên xem lợi chưa chắc đã lợi, vì muốn lợi phải nỗ lực ra công lấn áp vấn đề, giành mình phần thắng, nhất định không ít thì nhiều, đối tượng tranh đua phải tổn thương, bại hoại. Đối tượng đó nếu là vật vô tri, vô tình tất phải mất đẹp cảnh vật thiên nhiên, ảnh hưởng đến môi trường đời sống. Đối tượng là vật hữu tình, thức giác, chắc chắn phải đau khổ buồn lo. Nếu xử thế được mình lợi người thì có được bao người làm được. Lợi nhỏ còn có thể giải quyết êm xuôi, nhưng lợi càng lớn, ắt tâm tham dấy khởi. Như phần trên đã trình bày lời Phật dạy, cũng vì dục là sự tham muốn mà tan nát gia đình rồi dẫn đến chiến tranh tàn phá. Dục đó là nguyên nhân muốn lợi dưỡng bản thân mà sinh ra hủy hoại tất cả.

Chuyện nhà vua Lương Huệ Vương hỏi Ngài Mạnh Tử về cách làm lợi cho đất nước, chứ không chỉ riêng cho vua, cũng còn tỏ ra lo cho dân cho thiên hạ, nhưng Thái Sử Công vẫn thấy xót xa, nhìn được sự nguy hại rồi. Vì ông quả thật đầy lòng nhân đạo, không những thấy chỉ có đất nước mình, mà thấy nơi đâu cũng là con người, nơi đâu cũng muốn sống thái bình an lạc. Chỗ ông thấy, đó là lòng tham phá hoại tánh hiếu sinh nhân nghĩa vậy.

Với đạo giải thoát, đây là cơ bản bài học nhân quả hướng đến tha nhân phụng trì chánh pháp. Tuy vậy nếu không tiến xa hơn am tường giáo nghĩa giải thoát, sự lợi ích, lợi dưỡng khi hành đạo vẫn khó thể tự tại vô ngại được. Như thế chỉ trừ được tánh tham, trừ được lợi dưỡng, trừ được tự ngã thấp hèn, là khi hiểu được các pháp đều do duyên sinh nên vô thường, vô ngã vậy. Đó là nguyên lý cơ bản thực hành làm lợi cho mình cho người mà không đi sai chánh pháp.

Con người khởi tâm tham, tất nhiên vì nguyên nhân chấp ngã thật có, khởi tâm đạt lợi riêng mình vì chưa hiểu các pháp do duyên sinh. Vì không hiểu nên cho thân tâm, vật chất vũ trụ, vạn hữu là thật, nên chấp vào bám giữ đó là điều đương nhiên; và đương nhiên tiếp theo, lo sợ đánh mất trong khi bám giữ, cuối cùng kết quả sống chẳng tự tại, sống ràng buộc trong pháp nhiễm thế gian mà không thấy được đạo lý nhiệm mầu giải thoát.

Thân tâm tự tại là hiểu được lý đạo nhiệm mầu, và lý đạo cao siêu đó chỉ là ít tham biết đủ. Thân là vật chất, tâm là tinh thần; người không tham đắm thân chẳng mệt nhoài đeo đuổi, tâm chẳng dao động rối ren.

Lý đạo cao siêu nhưng chỉ đơn thuần từ cuộc sống hằng ngày hiện qua sinh hoạt thân tâm. Người học Phật tự nhủ mình đang đi trên đường giải thoát, nếu không ý thức tham đắm là nguy hại cho mình, thì làm sao tự tại, dù giáo lý hằng ngày đọc tụng đến nhuần nhuyễn! Chính ngay tham tu, tham học, giúp người cứu vật mà chư Bồ Tát còn xem chỉ là phương tiện, chẳng xem việc đó tự hào, tự mãn động đến chân tâm. Chân lý này Bồ Tát mới tự tại, và cũng không hiểu lý này chúng ta phải mãi nhọc nhằn sinh tử, dù rằng Phật sự đa đoan! Phật sự đa đoan mà tự tại mới là tinh thần Bồ Tát đạo, mới hiểu được giáo lý vô thường “thành, trụ, hoại, không”. Tham làm thiện chỉ mong cầu giải thoát, việc tham này chẳng phải là tham; chẳng phải tham nên việc thiện hay không chẳng làm tâm người vướng mắc, cho nên thân tâm tự tại.

 

Điều giác ngộ thứ ba: Tâm nếu không biết đủ, chỉ lo việc tham cầu, sẽ tăng thêm tội ác. Bồ Tát không như vậy, thường nhớ đến tri túc, vui cảnh nghèo giữ đạo, lấy tuệ làm sự nghiệp. 

Đệ tam giác tri: Tâm vô yểm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác. Bồ tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp [20]

Điều thứ ba nhắc lại lần nữa sự nguy hại của tâm tham, là nguyên nhân gây thêm tội ác. Nơi đây ta thấy điểm nhấn mạnh “gây thêm tội ác”, nghĩa là tội ác hiện thời ta đã phạm, đang phạm, và hiện không khéo tu ta lại chồng chất gây thêm. Như thế khi có thân này, dù là việc khó được (nhân thân nan đắc) nhưng nơi thân là việc dễ gây tội ác.

Con người khi nhỏ chưa ý thức thiện ác, chưa ý thức hoàn cảnh nhiệm mầu, chưa ý thức lý đạo huyền vi, nên tự nhiên tạo tội. Hành hạ giết chóc loài vật nhỏ nhít chẳng kể tiếc thương; loài vật làm thực phẩm nuôi thân giết hại đã thấy xót xa, mà loài chẳng phải để ăn cũng tiêu khiển giết đi làm thích. Rồi tuổi đời càng lớn nghiệp sát càng cao, thú vui ăn uống thêm cầu kỳ, nghiệp sát bấy giờ nào đâu kể được.

Thật tình suy niệm, được sanh làm người quả thật là khó, phải nhờ phước báu tiền kiếp mà ra, nếu không phải vậy, tại sao biết bao loài vật không phải là người? Có một vài loài vật có trí thông minh khiến loài người mến phục; phải chăng sự thông minh đó có thể là tiền nghiệp liên hệ nhân quả cận nhất từ kiếp người? Đớn đau ngược lại, có những quả báo của một số người đâu đó trên hành tinh này lại có đời sống khổ đau như loài vật! Vậy chăng sáu nẻo luân hồi Trời, Người, A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, ta đã từng dạo chơi qua lại, nên chi có loài động vật gần gũi với người tưởng chừng như thân quyến!

Ngoài nghiệp tội ngẫu nhiên vì đời sống nuôi thân, ta lại tạo ra tội khác. Thật tình có gì gọi là ngẫu nhiên, nhưng vì vô minh không sáng suốt, nên con người cố tự cho đó là việc tự nhiên. Tội ác khác còn đau đớn khủng khiếp hơn, khi con người đối xử tệ hại với nhau. Chiến tranh là tội ác không thể chối cãi được. Trong chiến tranh dù chiến tranh chánh nghĩa, cũng không thể tránh được việc sát hại hàng lớp người vô tội chết theo. Chiến tranh thế giới thứ nhất cướp đi bao sinh mạng! Chiến tranh thứ hai lại khủng khiếp hơn, và còn các cuộc sát chiến khủng bố khác mang đủ danh nghĩa của ý thức, tư tưởng mệnh danh chánh lý, công minh v.v… Tất cả tội ác như vậy đều do tâm không biết dừng lại, không biết tri túc, chỉ muốn thỏa mãn bản thân; nếu thật sự có rộng lòng đến người khác, thì người ấy phải là thân thuộc của mình. Hoặc rộng lượng đến cùng hết mức, cũng chỉ lo cho người trong đất nước quốc gia mà thôi. Ý thức như vậy cũng còn được đáng khen, vì nội chiến huynh đệ một nhà xưa nay vẫn mãi xảy ra. Như thế chỉ có biết đủ không tham, mới tránh được ác nghiệp trả vay, vay trả.

Nơi đây kinh dạy Bồ Tát không như vậy, thường nhớ đến tri túc, vui cảnh nghèo giữ đạo, lấy tuệ làm sự nghiệp.  Thế Bồ Tát là ai, mà làm được vậy? Bồ Tát chưa phải là Phật, Bồ Tát vẫn còn là chúng sanh, nhưng chúng sanh đã giác ngộ ý thức được vũ trụ vạn pháp, và đang trên đường thực hành giáo lý giải thoát. Vũ trụ vạn pháp mà Bồ Tát ý thức giác ngộ, đâu phải là việc mù xa trừu tượng, chính là không gian, vạn vật nơi con người đang sống.

Có hai hình ảnh Bồ Tát, một là tại gia và hai là xuất gia. Bồ Tát tại gia, không thể đoán biết được các vị là hạng người nào. Chỉ căn cứ vào hành động từ bi, trí tuệ có thể xét đoán phần nào họ là Bồ Tát; đương nhiên người xét đoán cũng phải hiểu biết đúng theo tinh thần từ bi trí tuệ nhà Phật.

Bồ Tát tại gia lăn xả vào đời quá dễ dàng vì không ai nhận dạng được chư vị; chư vị có khi là người đang sống gần ta mà ta chẳng biết, nhưng khó hơn nhất, là lắm khi chư vị hành động ngược lại nhận xét cảm quan lý tưởng của ta. Và có khi Bồ Tát hiện tướng con người mà ta đang phê bình chỉ trích đó!

Ngày còn Đấng Thế Tôn tại thế, về mặt chân thiện thâm sâu diệu lý đại thừa, ta nghe qua có Bồ Tát Duy Ma Cật; về mặt chân thiện thành tựu phước đức có Bồ Tát Tu Đạt Đa (còn gọi Cấp Cô Độc). Nhị vị Bồ Tát tại gia này có thể nhận ra được, có thể hiểu được, nhưng Bồ Tát  Đề Bà Đạt Đa hay A Xà Thế thì không thể chấp nhận được, nói chi nhận ra. Tuy nhiên nhị vị khó tin nhận này vẫn là Bồ Tát! Nếu không phải, Phật đã không thọ ký Đề Bà Đạt Đa thành Phật rồi [21] . Riêng Vua A Xà Thế lúc chưa giác ngộ, việc làm ác độc của ông đã gây nhân duyên dẫn đưa thân phụ và mẫu thân thấm hiểu rằng chỉ có giáo lý giải thoát của Thế Tôn mới cứu được biển khổ trần gian này.

Điều đó được minh chứng, phụ hoàng A Xà Thế là vua  Tần Bà Sa La an nhiên thị tịch đi vào dòng Thánh ngay tại ngục giam trong lúc thân thể bị hành khổ, đó chẳng khác gì thân mẫu Vi Đề Hy gặp được thắng duyên mục kích cảnh Tây Phương Cực Lạc sanh về Tịnh Độ. Hình ảnh nghịch hạnh Bồ Tát như vậy phàm phu khó lường hiểu nổi. Thời nay không phải không có nghịch hạnh Bồ Tát, và sự nhận diện biết được các Ngài thật khó thể nào dám lên tiếng chỉ thị đích danh.

Với hàng Bồ Tát xuất gia được nhận diện đã quá rõ ràng vào thời Đức Phật. Ngày nay phần lớn chỉ là hàng Bồ Tát sống trong hoàn cảnh lý tưởng độ tha xả kỷ, thể hiện bằng vài hình ảnh nếp sống: sống chung hòa hợp Tăng, sống nhờ vào thập phương tín thí, và ít ra phần nào sống không chìu theo ngũ dục [22]; chứ ta không thấy Bồ Tát sống bằng thân xả kỷ, vị tha, không phải hoàn cảnh lý tưởng. Như vậy xét về sự và lý hành trì dung hòa của bậc Bồ Tát xuất gia thời đại hôm nay khó thể nào nhận ra được. Điều nữa ta không thể nhận ra Bồ Tát thời nay, vì ta chưa phải là Bồ Tát liễu đạo, sở dĩ ta biết được một số Bồ Tát lớn thời Phật, đó cũng do Phật nói ra. Chỉ có ngang trình độ hoặc hơn mới biết được người khác, bằng không chỉ vọng ngữ đoán mò.

Nhưng việc làm của một vị phát tâm cầu giải thoát hướng đến tha nhân vẫn mặc nhiên là Bồ Tát, dù vị đó chẳng cần làm một vị Bồ Tát! Tất nhiên vị đó phải có hành trì, hành trì phải ngược lại phàm nhân, mà nơi điều thứ ba đây là phải biết đủ, không tham cầu. Ngài Cấp Cô Độc, vị đại gia tỉ phú, vẫn là Bồ Tát. Ngài lấy sự bố thí trừ tâm tham, lấy biết đủ một thời hưởng thụ giàu sang trong quá khứ, để tỉnh thức quay về với đạo Phật, từ bỏ một thời đã qua trong bóng tối vô minh, mà gia tâm hành phước đến cuối cuộc đời. Sự giàu sang vẫn làm được Bồ Tát, và có ích lợi cho nhiều người. Thậm chí giàu như vua cũng là Bồ Tát, Vua A Dục chắc chắn là vị Bồ Tát, người đã có công hoằng truyền giáo lý giải thoát một cách rực rỡ, sau khi Phật tịch gần ba trăm năm. Ở nước ta Hoàng Đế Trần Thái Tông hẳn càng chắc chắn là một Bồ Tát, đọc Khóa Hư Lục với lời lẽ không ai thể tưởng được đây là lời dạy của một vị vua. Ta thử đọc một đoạn trong “Văn khuyên phát tâm Bồ Đề” như sau: ‘’…Ôi! xét cho rõ: Trăm năm ánh sáng, trong một sát na; bốn đại huyễn thân, đâu hay lâu được. Trọn ngày ruỗi rong nghiệp thức, quanh năm đắm đuối trần lao. Không biết một tánh viên minh, chỉ theo sáu căn tham dục. Giàu sang nhất mực, khó tránh 2 chữ vô thường; công danh nhất đời, chẳng thoát một trường đại mộng. Tranh nhân tranh ngã, rốt cuộc thành không. Khoe giỏi khoe hay, đều là chẳng thật. Gió lửa tiêu tan bao già trẻ, núi khe rũa nát mấy anh hùng. Mái xanh chưa mấy, tóc bạc vội lấn dần; kẻ mừng vừa đi, người viếng len chân tới. Một bao máu mủ, chuỗi năm luyến tiếc ân tình; bảy thước xương khô; rông rỡ tham lam của báu. Thở ra khôn bề thở lại, ngày nay khó đợi ngày mai… [23]

Thế thì làm Bồ Tát thật chân, vừa khó cũng vừa dễ, khó là trong khi đang làm vua giàu sang quyền hạn, dễ là ai mà chẳng có Bồ Đề tâm, tức cái tâm cầu làm Phật độ chúng sanh. Vấn đề là ta phải nuôi được tâm Bồ Đề luôn ở bên trong, chứ không chỉ hôm nay, ngày mai lại khác. Sở dĩ ta khác Bồ Tát, khác Phật, sở dĩ ta chẳng làm được như các Ngài, vì tâm con người luôn chập chờn nữa say nữa tỉnh. Ta say theo mộng đời như giấc mộng mơ khi ngủ, ta tỉnh cũng chỉ tỉnh theo mộng đời như tỉnh trong mộng mơ. Đằng nào ta  cũng trong mộng với mơ! .

Giấc mộng đời là giả ta cho thật, giấc mộng thật trong đời ta lại chẳng tin! Mộng đời là cuộc biến thiên, từ trăm năm trước đến trăm năm nay, lớp người luôn thay đổi, chỉ nói trăm năm thôi, không cần phải nói xa. Người của ngày xưa còn trẻ nay đã già, chẳng làm gì níu kéo được, người già của ngày nào nay chẳng còn ở thế gian. Thân thể và kiến thức hiểu biết này, chỉ múa máy được vài chục năm rồi lặng lẽ ra đi không ai nhắc đến; kẻ làm người được nêu danh ca tụng, rồi cũng qua đi theo từng thế hệ. Riêng ta cũng vậy, đâu thể nào biết được mình sẽ sống bao lâu! Cảnh vật tưởng vẫn ngày nào, nhưng đã và đang thay đổi; người đi xa trở về phải mò bước mà đi, nếu cuộc thiên tai địa chấn xảy ra thì còn gì người, còn gì cảnh. Đó chẳng phải cuộc đời là mộng giả sao?

Lại nói về mộng thật trong đời thì thế nào? Đó là ngay cái sinh diệt biến đổi, ta biết được chúng là giả, chính cái biết đó là mộng thật, mộng thật là tuy trong mộng mà vẫn biết mình mộng, rồi sống không như mộng. Cho nên ta vẫn là ta, vẫn ý thức trong vòng sinh tử này. Một ý thức không thay đổi, hay nói khác hơn một sự hiểu biết, hiểu biết không phải là kiến thức thường tình thế gian, không phải là thức phân biệt của căn trần nhiễm. Sự biết này là vô ngại, sự biết mà trong kinh Pháp Hoa đức Phật tuyên thuyết rằng, sự xuất hiện của Ngài chỉ để mở bày cho chúng sanh sự biết (tri kiến) rốt ráo, sự biết đưa đến giải thoát, đó là biết như thật của chư Phật. Cho nên tạm nói rằng ta đang ở ngay mộng thật của cuộc đời mà chẳng tin, lại chạy theo mộng giả.

Chư vị Bồ Tát lớn lúc nào cũng biết đời là biển mộng, nên hành đạo mà chẳng tự hào, đúng với ý dạy của Phật trong kinh Kim Cang; hành mà không hành, được mà không được mới thật hành, thật được.

Tuy nhiên muốn làm được Bồ Tát, trước nhất phải gieo duyên Tam Bảo, mới có được lực gia trì, mới nhất niệm ghi tâm; đừng tưởng lầm đó là hình thức, đừng tưởng Bồ Tát là giác hữu tình sẵn có bồ đề tâm bên trong nên không cầu tha lực. Các vị Bồ Tát lớn càng tu càng quy về chư Phật, càng cầu được Phật thọ ký. Ngược lại nếu tự lực chấp pháp, hành theo suy nghĩ riêng mình, chỉ càng nuôi bản ngã vi tế mà thôi.

Điều giác ngộ thứ ba này khéo dạy ta, chỉ có thể thành Bồ Tát, là bao giờ ta không còn tham, và biết đủ với hiện tại; hai việc này là cơ bản khiến thân không tạo ác, thuận con đường Bồ Tát đạo.

Như đã hiểu nguyên nhân tai hại của tham ở điều giác ngộ thứ hai, ở đây hãy lấy hình ảnh Bồ Tát làm tâm điểm thực hành theo.

Ngày nay cách xa thời Phật, hiếm thấy Thánh Tăng, đương nhiên duyên học Phật so ra không thể nào thù thắng được, tuy vậy xét theo bản thể giác ngộ xưa nay chẳng khác; nghĩa là người thượng căn, trung căn đời nay, nếu nhân duyên gặp pháp nghe kinh, sẽ dễ tìm được chân tâm và an định được việc hành trì của mình. Lục Tổ Huệ Năng sóáng xa thời Phật hơn ngàn năm, Ngài vẫn chứng đạo hiện ra chân tướng một vị Bồ Tát. Việc chứng Thánh đạo nhiệm mầu cụ thể của Ngài lúc bấy giờ, là có thể dạy đạo cho bất cứ ai, có thể liễu nghĩa kinh đại thừa, mà hiện các vị pháp sư, đại sư thời đó chưa ai qua được. Một điều minh chứng nhất là Ngài nói pháp bằng trí giác liễu đạo, chứ không phải bằng kiến thức học hiểu Phật Pháp tham luận như thế gian, vì vốn Ngài trước khi chứng đạo chưa từng biết chữ. Cuối cùng sự ra đi để lại nhục thân tự tại càng nói lên vị trí của bậc chân nhân Bồ Tát.

Có thể xét đoán thời đại bây giờ, đâu đó vẫn có chư vị thượng căn, trung căn đang sống trong an định của chánh pháp hỷ lạc; vì thời Lục Tổ đến nay dù đã trải qua hơn ngàn năm, nhưng xét ra nhơn duyên liễu đạo của Ngài, thời nay vẫn còn hiện lên không khác. Dù thời đại ngày nay nhiễm pháp nhiều hơn, nhưng lời kinh Kim Cang mà Lục Tổ chứng đạo vẫn còn đó. Dù thế ta chẳng thể phủ nhận thời chánh pháp ngày càng lùi dần quá xa, nên bậc chứng đạo nếu có vẫn không thể tìm được.

Dù thế một điều an ủi cho ta, hình ảnh Tăng đoàn giải thoát đại diện sứ giả Như Lai vẫn còn sau hơn hai ngàn năm trăm năm, quả là một điều kỳ diệu rồi, ta chẳng thể đòi hỏi như ngày còn Phật.

Trở lại lời dạy căn bản của kinh, để ta có thể tự tìm một vị Bồ Tát hay nhiều vị Bồ Tát, hoặc chính ta cũng là Bồ Tát, người đó phải là: thường nhớ đến tri túc, vui cảnh nghèo giữ đạo, lấy tuệ làm sự nghiệp.

Ngày nay trình độ kiến thức hiểu biết khoa học tiến bộ thật cao, các nhà khoa học thiên văn, đã trình bày hình ảnh vô sóá thế giới mênh mông trong vũ trụ. Thậm chí không ít đứa bé tiểu học đời nay, có thể hiểu biết được nơi loài người đang sống chỉ là một hành tinh đang quay quanh mặt trời như vô số hành tinh khác trong vũ trụ, và sự sáng tối, ngày đêm diễn ra chỉ là gá tạm nương nhờ ánh sáng định tinh mặt trời.

Thế giới hành tinh như vậy, thì mọi vật sống nhờ trên hành tinh đâu thể ra khỏi sự lệ thuộc sống nhờ. Bồ Tát giác ngộ ý thức vũ trụ vạn pháp không chỉ dừng lại nơi đây; các Ngài thấy rằng vạn pháp đó, thế giới đó, hoàn cảnh đó - chỉ là giả tạm, chỉ là nhân duyên kết tụ, mắc dính vào nhau tạm thành. Vạn vật hiện hữu dù trên hành tinh, ngoài hành tinh, dù một thế giới đến vô số, đến cả tên gọi ngân hà, tinh vân, cho đến không còn tưởng tượng nổi ánh sáng vũ trụ vô cùng, thì tất cả, tất cả cũng chỉ là duyên sanh, duyên thành duyên hoại, tức có sanh có diệt. Riêng đối với chúng sanh mang hình dạng loài người, Bồ Tát nhận thấy rằng, đây là dòng thức nhiệm mầu vượt lên tất cả, vì sự hiện hữu vạn pháp duyên sinh đều từ sự nhận thức của con người mà ra. Kể cả cái ý thức đang ý thức cũng là cái ý thức quyết định từ cái thức nhiệm mầu mà chỉ có chúng sanh mang lớp người hiểu được. Và ý thức được vậy nên Bồ Tát là chúng sanh giác ngộ.

Khác với Bồ Tát chứng đạo, con người cũng ý thức hiểu biết đại khái về không gian về thế giới rộng lớn không thể diễn bày, nhưng con người lại không hiểu được đó là nhân duyên giả tạm, nên trở thành chấp chặt sở kiến [24], chấp chặt hiểu biết của mình, từ đây sinh ra tham muốn, bảo thủ.

Cũng không hẳn đúng cho rằng sống tri túc biết đủ mới là Bồ Tát, đây chỉ là tập sự chặn đứng tâm tham. Muốn dừng được tâm tham tất nhiên phải hiểu vạn pháp là vô thường, bằng không chẳng thể dừng tánh tham được. Bồ Tát không phải sợ tham mà tri túc, Bồ Tát chỉ sợ vô minh không nhận ra giáo pháp giải thoát, tức không hiểu nghĩa lý nhiệm mầu duyên sinh, nhân quả. Do đó Bồ Tát thật sự chứng đạo dù sống trên nhung lụa xa hoa, ngập đầy châu báu, dục lạc, Bồ Tát chẳng có một tâm móng niệm vọng tưởng, chính đây mới hiểu sự nghiệp của Bồ Tát là trí huệ.

Người chưa thể chứng đạo giải thoát, nhưng may mắn hiểu được giáo lý duyên sinh mầu nhiệm, nên dù nghèo vẫn còn hạnh phúc thắng duyên hơn vạn lần người giàu chưa hiểu nghĩa lý duyên sinh. Lý nhân duyên không những giúp người nghèo thấy được nhân quả thiện báo, ác báo chính mình trong quá khứ, mà còn thấy được dòng sống đời này đời sau sẽ mãi mãi tiếp nối, theo sự duyên thành duyên tạo của tự một chúng sanh.

Nơi nhân quả như vậy, người nghèo giữ đạo mà vui, nếu không nói có thể là vui hơn cả. Nghèo dù là quả báo của nhân bất thiện đời trước, nhưng đời này người giác ngộ cảm rằng nhờ vậy mới suy tư về đạo. Giàu là nhân làm thiện kiếp xưa, nhưng đời nay nào dễ tư duy tiếp tục làm thiện, chưa nói là để tâm học đạo, vì sao? Vì vật chất dục lạc đã chiếm hết thời gian tu đạo rồi.

Khi hiểu giáo lý nhân duyên giải thoát, người nghèo tự còn không muốn cảnh trời tươi đẹp, huống chi giàu có của cải thế gian. Cái muốn của người hiểu đạo giải thoát là thanh tịnh tâm, là giải thoát hệ lụy luân hồi trong ba cõi [25]

    Trí huệ của Bồ Tát là không chìu theo bản ngã dục tham, chỉ chìu theo chân ngã độ tha hướng thiện. Vui cảnh nghèo giữ đạo là từ bi với tất cả chúng sanh không phân biệt, chứ không có nghĩa như phàm nhân chỉ tiếp xúc những cảnh thuận lòng thuận cảnh. Huệ của Bồ Tát luôn an nhẫn trong mọi hoàn cảnh; hoàn cảnh nghèo không bị khuất phục, hoàn cảnh giàu không bị sa ngã. Sự tiếp xúc mà không dao động, sự đạt đạo chẳng có chấp thành, đó là giữ đạo của bậc Bồ Tát. Và đó cũng là sự nghiệp trí tuệ của một Bồ Tát dấn thân vào đời làm lợi ích chúng sanh.

 

Điều giác ngộ thứ tư: Giải đãi phải sa đọa, nên thường hành tinh tấn, để phá trừ phiền não ác, chiết phục cả bốn ma, ra khỏi ngục ấm giới.

Đệ tứ giác tri: Giải đãi trụy lạc, thường hành tinh tấn, phá phiền não ác, tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục. [26] 

Còn mang hình tướng dạng thể chúng sanh, tức còn trong vòng ái tình dục nhiễm, và bao nhiêu dạng thể tướng hình đó là bao nhiêu nhiễm pháp. Chỉ có chúng sanh vượt ra nhiễm tình dục ái, chứng ngộ giáo lý giải thoát mới không còn hình thể dạng thức thô kệch ái nhiễm kia.

Trong vô số chúng sinh hữu tình, loài người là xinh đẹp cao quý, nhưng dù xinh đẹp thế nào vẫn là nguồn gốc nguyên nhân tạo ra từ ái dục. Trừ những chúng sanh không phải là chúng sanh, mới trọn vẹn giữ được hình dáng đẹp xinh thể hiện cả bên ngoài lẫn bên trong (tâm thức); chúng sanh ấy là Bồ Tát phương tiện thị hiện quyền biến tái sanh làm người để độ sanh. Nhưng vẫn có chư vị Bồ Tát thị hiện mang hình xấu ác độ kẻ bất lương; rồi đến những cảnh giới không phải là người, Bồ Tát vẫn từ bi thị hiện. Khi Bồ Tát mang đủ hình dáng độ sanh như vạäy, các Ngài luôn là mô phạm, gương sáng cho mọi người noi theo, trừ vài trường hợp đặc kỳ, phương tiện mang hình dị nhân, thô lậu dẫn người khó độ, ngoài ra hình ảnh Bồ Tát luôn luôn vượt thắng đạp trên nghịch cảnh nghịch duyên, tạo cho chúng sanh học hỏi chuyên tu tinh tấn.

Như thế chưa phải là thật chân Bồ Tát, thì hình tướng, tâm thức chúng sanh không tránh được giải đãi lười biếng, nguyên nhân vì lực kéo của ái dục, khó thể giữ được tinh tấn dài lâu.

Nhận định quán sát kinh nghiệm đời sống thế gian thấy rằng, dù làm bất kỳ công việc gì, hay đứng trên địa vị cao thấp ra sao, sự chuyên cần siêng năng, đều đưa đến kết quả tốt đẹp. Học sinh chuyên cần chăm học, nhất định thành tựu dễ dàng học hành thi cử. Nhân viên, chuyên gia, cán sự, giám đốc cho đến lãnh tụ quốc gia, luôn luôn gia tâm nỗ lực không biếng trễ trách nhiệm của mình thì phần thưởng an vui, thỏa lòng trong công việc, chắc chắn làm đẹp tự thân, gia đình, xã hội quốc gia. Sự thật này ai cũng công nhận, không thể chối cãi. Đây chính là kết quả lợi ích chuyên cần, siêng năng của thế gian; nhưng ta thấy, lợi ích này dù cụ thể phần lớn đặt nặng cho bản thân gia đình, xã hội, và danh lợi tiếng thơm, thế mà mọi người vẫn khó thực hiện, huống gì thực hiện được chuyên cần tinh tấn hướng đến giải thoát cứu độ tha nhân. Tất nhiên thế gian vẫn có người làm việc nỗ lực hướng về tha nhân, trong giới hạn của ý thức hướng thiện của mình.

Thêm nữa hậu quả của việc không tinh tấn là giải đãi, biếng lười, khiến người nghèo khổ nhọc nhằn cũng chẳng làm con người khiếp sợ. Nhưng tác hại của giải đãi còn hơn chúng ta nghĩ, vì phẩm kinh này Phật dạy nhắm vào việc tu hành cho cả hai giới xuất gia, tại gia, những người đang nuôi chí hướng hoài bão giải thoát; như thế càng chứng minh tác hại giải đãi phải thật đáng sợ, chứ không phải đơn thuần là sự răn nhắc thông tục bình thường của thế gian.

Thực hành phương pháp điều phục giải đãi tức làm ngược lại, bằng cách chuyên cần tinh tấn. Học đạo giải thoát sợ nhất là giải đãi, vì đó sinh ra phiền não tiêu mòn công đức. Điều giác ngộ thứ tư dạy hành giả phải ra công thực hành, sau khi lần lượt hiểu qua từ việc: thế gian, con người, các pháp là giả, là vô chủ, vô thường, từ đó quên đi chân tâm, sanh ra ác pháp đó là điều giác ngộ thứ nhất, tiếp theo điều hai và ba, nêu lên sự tham dục gây ra quả báo sinh tử nhọc nhằn để chẳng thể nào hành được con đường Bồ Tát đạo.

Để có động lực thường hành tinh tấn, ta phải hiểu đôi phần về phiền não.

Nói về phiền não, không ai có thể suy bàn hết được. Phiền não có thô có tế, nhưng thô hay tế đều làm con người đau khổ. Phiền não thô có thể thấy, có thể tránh được, chẳng hạn như thiếu ăn, thiếu mặc; phiền não tế thì khó nghĩ khó lường, rõ nhất thấy được khi quả khổ hiện ra. Phiền não vi tế, như tình cảm buồn thương, sống mà không được tâm an, ý tịnh. Chung quy cả hai phiền não thô, tế có đến muôn hình vạn trạng, do đó phương tiện điều phục tương xứng có đến tám mươi bốn ngàn pháp môn.

Căn bản lập định phiền não một cách rõ ràng, được ghi nhận có mười thứ, như: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến. Năm thứ đầu là tế, năm thứ sau là thô. Kinh luận xưa nay định tên cho hai loại phiền não này là ngũ độn sử và ngũ lợi sử, nghĩa là năm thứ trói buộc trầm trệ, và năm thứ trói buộc nhẹ trị hơn.

Tạm suy diễn phiền não thô, tế như sau:

Năm thứ trước (phiền não tế) như đã biết ở phần trên, chúng khó thấy, khó tránh được. Khó thấy, khó tránh vì chúng đi với ta ngay từ khi ta xuất hiện mang thân này. Và tất nhiên nếu ta không ý thức cần tu tinh tấn, chúng sẽ là nhân quả đưa ta vào đời sống tối tăm, không chỉ chắc chắn đời này mà còn nhiều kiếp khổ đời sau nữa. Như vậy phiền não vi tế khó thấy, khó tránh, sẽ là kiên cố không thể trừ diệt được nếu ta không có cơ hội học đạo giải thoát.

Nhờ học đạo giải thoát, giáo lý Phật đà, mới hiểu được phiền não thô tế như vậy; hiểu được sẽ không bị dẫn dụ, cuối cùng tu hành vượt lên, giải thoát.

Giờ ta hãy thử nhìn rõ hơn bộ mặt phiền não vi tế ra sao!

Khi con người được sanh ra đã có ngay phiền não mà chẳng cần ai dạy, chẳng cần bắt chước ai. Ta có đủ: tham, giận, si mê, ngã mạn, nghi ngờ. Tham, hầu như không một cái chi mà không thích. Tỉ dụ, nếu chỉ  một đứa bé, thì tham của nó còn ít lẫy lừng, nhưng nếu thêm đứa thứ hai, cái tham của mỗi đứa liền khởi giành giựt hơn nhau, chứ không đứa nào chịu thua. Đứa chịu thua là vì tranh giành không lại chứ không phải chịu thua. Và đứa mang tánh tham nhiều hơn, tất cái gì đứa kia có, đứa này buộc phải đòi thêm cho được, dù đã có nhiều đồ hơn đứa kia.

Tham vô hình vô tướng nhưng thế lực, tác dụng mãnh liệt kinh hoàng, khiến cả đứa bé thơ ngây nhỏ dại ra đời chưa bao lâu trở thành hung dữ. Còn người lớn thì sao? Câu trả lời, có lẽ không cần bàn rộng nói nhiều chi nữa! Ai lại không hiểu! Một đứa bé nhỏ chưa hiểu biết mà còn tham, huống gì một người trưởng thành, ý thức phân biệt đầy ngập trong đầu.

 Trong điều giác ngộ thứ hai đã có bàn qua Tham dục và hậu quả của nó; tuy nhiên nếu suy luận mãi cũng vẫn còn được, nhưng đó chỉ là nhắc đi nhắc lại cái thâm căn cóá đế của con người. Một điều để có thể tạm kết luận khỏi bàn thêm nữa về Tham, là sự nguy hại của nó khiến đến nỗi người sắp lìa đời nhắm mắt mà còn tham đắm thân thể vật chất của mình, cho nên giờ nhắm mắt không thể ra đi êm ái được. Tức vì nỗi tham lo sợ, từ đây không còn giữ được thân thể của mình, dù thân thể lúc đó trở thành vô dụng.

Bàn về sân giận thì sao? Chẳng khác gì tham, hay nói đúng hơn về Si, Mạn, Nghi cũng vậy. Năm thứ này chẳng cần phải cắp sách đến trường mới biết, chẳng cần ra đời học hỏi mới hay, thậm chí ẩn mình sống nơi sơn dã không thèm tiếp xúc người, năm phiền não vi tế này vẫn sẵn sàng dấy động trong ta.

Nhưng ta có thể tìm thấy năm thứ phiền não gốc này do một thứ lãnh đạo chỉ huy khiến sinh ra chúng. Đó là THAM. Thử nghĩ nếu người không tham làm sao có sân giận! Sân giận do vì không toại ý, không toại ý vì không đạt được ước mong, mà dù là ước mong gì nữa nếu làm mình sân giận tức là sân giận vì lòng Tham; tham đó muôn hình muôn mặt, và chắc chắn ở đây là tham muốn mình toàn vẹn, thánh thiện hơn người cho nên mới sân giận.

Ước mong, hoài bão, kỳ vọng chỉ làm mình ưu tư, nhưng ưu tư trong tỉnh táo an lạc không dấy động phiền não, đây mới không sân giận.

Si mê cũng chẳng khác nguyên nhân do Tham chủ động. Si mê đây có nghĩa vô minh không nhận ra đời sống vô thường các pháp vô ngã. Thật ra vô minh vẫn là đầu mối dẫn đến hậu quả tác ý, hành động sai lầm và trong đó bao gồm cả tham, như mười hai nhân duyên là nguồn gốc khiến sanh ra thân này là do vô minh. Nhưng ta cũng tự hỏi, đã có bao người hiểu biết các pháp nhân duyên, vô thường vô ngã mà vẫn còn tham? Cho nên tham há ta chẳng kinh sợ, khiếp hãi sao? Tham đã được xem là phiền não trì trệ khởi đi từ vô thỉ đến nay, và trong vô thỉ kiếp ta cũng đã từng học đạo giải thoát, mà vì không phá được vi tế tham, do đó trở thành vô minh dẫn ta luân hồi muôn kiếp mãi đến đời nay.

Mạn và Nghi, hai phiền não này thật rõ ràng sanh ra vì tham. Tham hơn người nên ngã mạn, tham muốn nhiều nên ngờ vực đa nghi kẻ khác. Người không để tham sai xử, tức biết đủ, biết đủ nên sống yên lành không tranh dành lấn hiếp kẻ khác, vậy chẳng bao giờ ngã mạn tự cao. Người tâm luôn nghi ngờ soi xét, thường không tin tưởng ai, cũng là do tâm tham, tự cho mình là đúng là hay, là hơn người, nên nghĩ người khác thua kém và hậu quả không còn tin tưởng ai, tức chịu phiền não đa nghi vậy.

Nếu bảo học pháp giải thoát phải đặt mối nghi, vậy nghi thế nào để không phiền não? Người học pháp giải thoát với tâm Bồ Đề cầu chứng đạo độ sanh, mối nghi Phật pháp phải là phương tiện trạch pháp chánh tà, tiến tu giải thoát, hoàn toàn khác xa với người chỉ đàm luận suông, phô trương kiến thức.

Phật pháp cao siêu huyền nhiệm, thực tế sáng bày chẳng gì khúc mắc, nên người học Phật có thể đặt tất cả mối nghi trên đời, hầu có thể thấy đúng như chân lý Phật dạy, vì các pháp đại thừa liễu nghĩa không kẹt thời gian, không gian biên giới. Nhưng nghi, lại không cầu học tiến tu, kết quả không chỉ phiền não mà hậu quả tự mình mất đi lòng tin Tam Bảo dẫn đến tội báo khó lường. 

Tạm có thể hiểu được phiền não vi tế, là năm phiền não trói buộc trì trệ, nặng sâu, đến đây thử bàn về phiền não thô, tức năm thứ phiền não được xem không trì trệ gì lắm và có thể giải trừ được.

Ta có thể phân định giải bày tuần tự sự sai lầm mắc dính với nhau của năm phiền não thô này.

Thân kiến: Vì sự nhận định sai lầm về thân nên chấp thân có thật, mà chẳng hiểu thân do bốn thành phần hòa hợp của tứ đại, ngũ ấm [27] tạo thành. Tách lìa một trong những nhân tố thành phần đó, tức thân sẽ không tồn tại; do đó ngay trong mỗi nhân tố tạo thành thân như vậy, ta chẳng thể độc lập riêng biệt gọi được cái ta làm chủ. Không hiểu như vậy mới sinh ra phiền não một khi chuyện gì xúc phạm đến thân. Tiếp theo nuôi dưỡng cung phụng thân thể thái quá, để rồi đau khổ từ vật chất đến tinh thần.

Kết quả chấp thân là thật có, sinh ra chấp kẹt vào một bên, gọi là Biên kiến tức cho thân này còn mãi chẳng thể mất được; người chết trở lại người, vật chết trở lại vật. Nhận định như vậy gọi là Thường Kiến. Lại nữa cho thân này chỉ thật có ngay hiện tại, khi mất rồi nó chẳng còn gì, không người không vật, tất cả trở thành cát bụi hòa vào hư không, đây gọi là Đoạn Kiến. Khi nghĩ như vậy, tiếp theo cố chấp vào tư duy định kiến của mình, khó thể dung nạp nhận định kiến thức người khác, thành ra kiến thức cục bộ hạn hẹp tự ngã, nên gọi là Kiến Thủ.

Từ sự chấp thủ sở kiến của mình, tất nhiên hành động ảnh hưởng theo tư duy nhận định đó, bấy giờ chấp theo những luật tắc không phù hợp với chân lý phổ quát. Tất nhiên hiểu rằng, chân lý phổ quát này phải là miên viễn không gian và thời gian, nó có thể áp dụng bất cứ nơi đâu, bất cứ dân tộc nào, và chắc chắn nó phải mang lại lợi ích an lành cho người, cho chính mình, chẳng hạn như Giới không trộm cắp là chân lý phổ quát. Ngược lại chấp thủ những quy luật không phù hợp với chân lý khiến trở thành Giới Cấm Thủ đây chỉ sinh ra phiền não (giữ giới theo định kiến cục bộ của tự ngã chưa giác ngộ chân lý). Cuối cùng là hậu quả của việc giữ giới không phù hợp chân lý, nên tất cả hình thức sinh hoạt biến thành hoạt động ngược lại chánh pháp chân lý, và được gọi là Tà Kiến, hay gọi khác hơn là dị đoan mê tín.

Tóm lại vì không hiểu giáo pháp Phật Đà, không gặp thiện tri thức nên suy tưởng sai lầm chấp thành thân kiến dẫn đến tà kiến vậy.

Như đã bàn qua năm việc sai lầm phiền não trên chỉ là thô (Lợi sử), nên khi nhân duyên gặp thiện tri thức giải bày, tức liền tháo gỡ được. So với phiền não vi tế là Độn sử, phiền não thô này chẳng có gì đáng sợ với người học Phật.

Đến đây ta hiểu, tại sao người tu học cả hai giới xuất gia tại gia đều phải gia công tinh tấn, nếu muốn đối diện, phá trừ phiền não ác, chiết phục bốn ma, ra khỏi ngục ấm giới.

Bốn ma, là Phiền não ma, Ngũ ấm ma, Tử ma và Thiên ma.

Nghĩa của ma đối lại sự chân sáng, sự chứng đạo phá vỡ vô minh; nhưng thật ra chủ nhân đối tác bên này bên kia lại chỉ là một. Người tìm đạo ban đầu và thành đạo ban cuối cũng chỉ một dòng tâm thức mà thôi. Chúng ta đã hiểu phần nào phiền não căn bản ở trên, đều do tự tâm sinh khởi, như vậy nếu ta chẳng tu, chẳng hướng về chân sáng thì tự chính mình vẫn là ma. Khi chánh báo là ma thì hoàn cảnh y báo cũng là ma, theo đó quyến thuộc hay bất cứ ý thức tiếp xúc, tư duy đều là ma. Vậy có thể nói chỉ có một thứ ma, sinh ra đủ loại ma. Và nơi đây nếu còn phiền não ma nơi tâm khuấy phá, thì ma ngũ ấm xuất hiện, đó là năm thứ: sắc, thọ, tưởng, hành, thức theo duyên bên ngoài che lấp ánh sáng giác ngộ chân lý bên trong (trong ngoài chỉ là một).

Nếu bị ngũ ấm ma che đậy, thì Tử ma là cái chết cướp đi thân căn một cách nhanh chóng để không còn cơ hội học tu giải thoát. Thiên ma là phần tinh tế hơn, chúng có thể phá đi sự tu học giác ngộ, nếu ta dễ duôi với việc hành trì tu học. Nghĩa là ý hướng tu hành phát tâm giải thoát chẳng nên để tâm suy tưởng cảnh giới dục lạc phước báo sanh thiên, nếu không chẳng ra ngoài cõi trời dục giới, đó là để Thiên ma dẫn dụ.

Xét cho cùng người học đạo giải thoát luôn luôn đề phòng chống trả các thứ ma. Như đã hiểu trong bốn ma, ma phiền não nguy hiểm nhất. Trừ được ma phiền não thì không còn ma nào để sợ. Phiền não vi tế đã đề cập qua là Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi chúng là những thứ ma khó phá nhất, lẽ đó xưa nay Thánh tăng khó tìm Chân sư khó gặp, vì khó được những ai chinh phục phá vỡ chướng ma phiền não này.   

Xét ra căn cơ chúng ta đời nay, việc có thể làm động cơ sanh ý thức sợ hãi, khiến tinh tấn tu hành đó chính là tử ma; bởi vì chúng ta chưa phải bậc thượng căn, nên chưa liễu sinh tử, thành ra hãy nghĩ đến tử ma, nghĩa là nghĩ đến cái chết sẽ cướp mạng sống bất cứ lúc nào.

Hành giả tu đạo giải thoát luôn sống hoan hỷ trong niềm tin lý tưởng mong cầu giải thoát, hay ít ra phải đạt được ít nhiều niềm an lạc nội tâm, đó là thành quả hành đạo chờ ngày từ giả ngũ uẩn thân này. Nếu tự tâm cảm rằng chưa thể đạt được niềm an lạc, tất nhiên phải lo lắng khi bất chợt tử ma chập chờn xuất hiện. Và kết quả của hành giả chưa đạt đạo sẽ phải bị tái sanh trở lại theo nghiệp đời trước trả vay. Nhưng tái sanh trở lại làm người học đạo giải thoát thật quá may mắn, chỉ sợ nghiệp nặng tái sanh làm thân khác không phải là người, như súc sanh cầm thú chẳng hạn, thì còn đâu biết cõi người nói chi là học đạo. Nhưng nếu được sanh cõi người, chưa chắc đã dễ dàng có duyên học Phật dù đã tu hành đời trước, bởi vì phải vất vả xử lý giải quyết với quả báo phải đền hay phải hưởng từ việc tu hành chưa xong. Do đây tử ma phải đáng được khắc ghi vào tâm hằng giờ.

Hãy nhìn sinh hoạt thế gian nơi đất nước quốc gia mình ở, không một ngày nào mà không có người chết. Chết già, chết trẻ, chết sang, chết hèn, chết vì bội thực, chết vì thiếu ăn, chết nạn nhân tai, chết vì thiên tai, và có khi chết vì tự mình không còn muốn sống! Những nạn chết như vậy đó là tử ma, điều đó thực tế nhắc nhở người tu hãy sống nỗ lực chuẩn bị đối diện với nó, và nếu ta hiểu được việc rõ ràng trước mắt như vậy, thì niềm an lạc trong đạo giải thoát quả thật là điều đáng mừng trân quý.

Nhưng kết quả của hành giả diệt được phiền não ác và tứ ma, Phật dạy sẽ ra khỏi ngục ấm giới, tức thoát ly ngục tù ngũ uẩn đã từng bó buộc tâm thức này, khiến phải sanh tử mãi trong luân hồi biển khổ. Đổi lại từ đây ngũ uẩn hóa thành sắc thân thanh tịnh, tự tại không còn hệ lụy nhiễm tình ô trược, rồi nhập vào thế giới chân như vô ngại mà chư Bồ Tát đã và đang đi, đó là thế giới bất khả tư nghì của chư Phật.

Điều giác ngộ thứ năm: Ngu si phải sinh tử, nên Bồ Tát thường nhớ: luôn học rộng nghe nhiều, để tăng trưởng trí tuệ, và thành tựu biện tài, rồi đem niềm vui lớn, giáo hóa cho tất cả. 

Đệ ngũ giác ngộ: Ngu si sinh tử, Bồ Tát thường niệm: quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết, tất dĩ đại lạc [28]

Một đời sống, một tư duy ngắn ngủi của kiếp người khó mà ý thức được rằng, ta đã chết đi sanh lại bao lần, rồi trong muôn ngàn lần sinh tử như vậy ta nào nhận ra những nghìn trùng cay đắng! Có lần ta cũng suy nghĩ, nếu không thể nhớ biết kiếp xưa quá khứ, thì nào đâu lo sợ, và việc chết rồi sanh lại bao nhiêu lần đi nữa, cũng chỉ biết hiện tại khổ, hiện tại vui, thế này thế nọ mà thôi, vậy lo gì luân hồi sinh tử của kiếp quá khứ hay kiếp tương lai!

Tất nhiên ta chẳng biết nên chẳng lo sợ, bởi nếu biết ta đã không còn là ta, ta đã chứng đạo, đã đi vào thế giới Phật rồi. Vì sao? Vì ta không thể ngu dại chịu sinh tử khi nhớ đến vô vàn quá khứ kiếp sống trong đau khổ. Nhưng xin thưa, ta có chắc là kiếp này đau khổ ta không sợ? Vâng, ta phải sợ lắm, nhưng vì không biết cách nào hơn, nên đành chịu đựng và trả lời vu vơ như vậy. Người chưa hiểu đạo giải thoát họ có thể không lo, chẳng ngại sinh tử, riêng người học Phật, nhất là người tu sĩ mà còn phải chịu sinh tử, thật quả là vô minh, mà kinh dạy Ngu si phải sinh tử, thì quả thật đúng.

Kinh dạy thêm rằng, chư vị Bồ Tát không như chúng ta nên thường nhớ: luôn học rộng nghe nhiều, để tăng trưởng trí tuệ, và thành tựu biện tài, rồi đem niềm vui lớn, giáo hóa cho tất cả.

Chúng ta chớ vội mong thành tựu biện tài, rồi đem niềm vui lớn, giáo hóa tất cả. Chúng ta khoan bàn qua diệu quả tuyệt vời đó. Chúng ta hãy nghĩ thế nào là học rộng nghe nhiều, để tăng trưởng trí huệ?

Tâm nguyện của người tu sĩ là cần tu giải thoát, vậy học rộng nghe nhiều có đúng ý nguyện của người xuất gia không? Lại càng học rộng nghe nhiều, liệu tránh được phan duyên động tâm loạn ý? 

Phật dạy pháp Phật là pháp bất định, nghĩa là giáo pháp không cô đọng đặt định vào không gian bất cứ thế giới nào, và không chướng ngại cả ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Cũng chính pháp bất định như vậy, nên khó thể định nghĩa được Phật pháp là gì. Nhưng ngược lại cũng có thể nói Phật pháp là tất cả, vì nó bất định vậy. Thế thì muốn hiểu Phật pháp phải học rộng nghe nhiều; nhưng biển học mênh mông vô hạn mà tâm trí con người có hạn, thế phải học làm sao?

Tạm hiểu xin chia ra ba phần: Học pháp thế gian, học pháp xuất thế gian, và học cả hai.

Học pháp thế gian.

Làm người lớn lên tất cả phải học, trừ hoàn cảnh ngoài ý hướng của mình, ngoài ra không một ai lại chịu thất học.

Một cách tối thiểu muốn tạm hoàn chỉnh kiến thức công dân xã hội, đất nước, nhất định phải ý thức đến việc lợi ích học hành. Các nước văn minh ý thức hơn hết, nên việc học trở thành bắt buộc; trẻ em tối thiểu buộc phải đến trường tới mười sáu tuổi. Tuy nhiên ai cũng hiểu, không phải bây giờ có trường lớp mới gọi là học, mà việc học đã có từ khi con người sống đời du mục từ xưa.

Theo nghĩa động từ học, hễ khám phá được cái gì, bắt chước cải tiến điều chi, tạo thêm hiểu biết cho mình thì gọi là học. Hiểu như vậy ta thấy, từ trước công nguyên đến sau công nguyên mãi tới bây giờ thế kỷ hai mươi mốt, con người vẫn còn mãi học, nếu như muốn cải tiến tuyệt đối theo khả năng ước muốn của mình. Có lẽ nói đúng hơn chẳng thể dừng được học, chỉ vì biển học mênh mông mà sức người có hạn, cho nên cái biết này đẻ thêm cái chưa biết khác, thành ra kiến thức sở học của người văn minh ngày nay là xong đại học, nhưng rồi vẫn còn trường lớp cho hậu đại học, vì vẫn thấy việc xong học rồi chưa thể tới đâu.

Cụ thể ta nghe các vị giáo sư, học giả, tiến sĩ hay mở lời khiêm nhường mỗi khi thuyết trình diễn giảng, nhưng chúng ta có thể cho là các vị chỉ hạ mình nhún nhường, khiêm hạ khách sáo mà thôi. Thật ra không phải vậy, các vị trí thức đó thật tình, buộc phải nhún nhường, khiêm tốn vì chính các vị biết rõ kiến thức sở học của mình hơn ai hết.        

Suy nghĩ ta có thể biết vì sao. Các vị chuyên môn, chuyên ngành nếu bảo là uyên thâm lãnh hội hoàn chỉnh lãnh vực của mình, thế các vị đó có thể dám tự hào bảo đảm, bằng cấp, tiếng khen, kinh nghiệm chính mình mà không cần phải tìm hiểu học thêm? Xin thưa không bao giờ các vị dám tự hào là đủ, bởi kiến thức các vị lập tức sẽ mai một, một khi tính hiếu kỳ học hỏi khám phá của nhân loại trên thế giới không bao giờ ngừng. Các vị giáo sư, tiến sĩ có thể thông suốt vấn đề nào đó trong năm nay (mới tốt nghiệp), nhưng đôi ba năm nữa, hay thập niên sau, cái gọi là thông suốt đã có người thông suốt hơn, hoặc sẽ có người khác tiếp tục con đường khám phá sinh ra cái mới, để rồi cần phải gia công nghiên cứu nữa. Do vậy trước nay bằng cấp tốt nghiệp chỉ có giá trị tìm việc trong thời gian tốt nghiệp không quá vài năm, ngoài ra phải thường xuyên tu bổ kiến thức đã học nếu muốn thăng tiến chuyên nghiệp ngành nghề của mình.

Đó là nói lãnh vực nghiên cứu riêng của một học giả, một giáo sư tiến sĩ còn chưa thể am tường hết, chứ chưa nói tới hàng chục phân khoa ngành học khác mà ông giáo sư uyên bác kia chẳng thể nào hiểu được. Nhưng nếu có hiểu biết thêm cũng chỉ là căn bản. Chẳng hạn một vị tiến sĩ chính trị, không thể nào am tường được lãnh vực của những người đạt bằng cấp cử nhân chuyên ngành: cơ khí, điện toán, địa chất, sinh học, thiên văn, ngôn ngữ, thương mại, nhân chủng, triết học v.v…Vậy thì việc học ngay ở thế gian đã là vô tận vô biên, thì ai lại dám tự hào học hiểu hết được? Có người còn nói còn học là còn dốt, thật đúng vậy, nhưng, không học lại càng dốt hơn, cũng thật đúng!

Học pháp xuất thế.

Đấng Đại Giác dạy rằng, tất cả sự việc, sự kiện, ý thức… đều do nhân duyên sinh, và cũng từ nhân duyên diệt. Bồ Tát Huệ Năng dạy ‘Phật pháp tại thế gian, chẳng xa đời mà giác, bỏ đời tìm Bồ Đề, ví như cầu sừng thỏ [29] ý nghĩa này ai là Phật tử hầu như đều nhận hiểu. Vì tất cả sự vật ở đời thử tìm hiểu có vật nào không do nhân duyên sinh? Quan sát thử xem, trước mặt, sau lưng, xa gần, trên dưới, mọi vật tất cả xuất hiện đều có nhân duyên, đều nương gá vào hàng loạt duyên tố tạo thành. Gần như cái bàn viết, xa như ngọn núi xanh, cao vút trên không như đám mây trắng, và dưới chân là nền nhà hay cỏ đất… hình ảnh cụ thể đó đều do vô số nhân duyên tạo thành. Nếu phóng xa hơn, cả quả địa cầu là cái vĩ đại sinh ra vô số hình ảnh trên nó, cũng được làm nên do từ những hạt nhỏ nhân duyên nguyên tử, nhưng vì vô lượng vô số nguyên tử kết thành nên hóa ra vĩ đại. Nhưng rồi có một ngày chắc chắn cái vĩ đại này sẽ tan vỡ đi, bởi nếu do duyên tạo tất phải theo duyên diệt. Nói vậy có quá lắm không? Thưa không, bởi vì thời gian tuổi thọ của nó quá lâu, mà tuổi thọ con người quá ngắn, so sánh chẳng hạn một bên năm trăm tỉ năm và một bên chỉ bảy tám mươi năm vậy. Thời gian hết sức chênh lệch, nên kiến thức về việc chết đi của lớp lớp thế hệ người trước tiếp nối thế hệ sau, có gì đáng nói so với tuổi thọ của quả địa cầu, như thế mà hiện tại ta tưởng lầm sự sống của quả đất là trường cữu.

Duyên sinh, duyên thành, duyên diệt như lời kinh dạy Thành Trụ Hoại Không; Bồ Tát Huệ Năng dạy, ‘Phật pháp tại thế gian, chẳng xa đời mà giác, cũng chính từ cái thấy này; phải thấy sự sinh diệt hiển nhiên như thế mới thấy vô thường, sinh, già, bệnh, chết.

Đến đây ta có thể tạm hiểu, cái học xuất thế gian, là học ngay sự hiểu biết mọi vật là nhân duyên sinh, cũng do nhân duyên diệt. Học như thế sẽ tự tại an nhiên với tất cả sự việc xảy ra trên đời, và ngay cả sự kiện sống chết, mất còn của một hành giả đang ý thức đang học pháp học giải thoát này. Học như thế đúng với cái học của một chúng sinh giác ngộ giáo lý giải thoát, thoát ra sự trở ngại mọi hiện tượng, ý thức, nhân sinh vũ trụ, và chúng sinh đó đã trở thành Bồ Tát tức chúng sinh giác ngộ vậy.

Học cả hai: pháp thế gian và xuất thế gian.

Nói là học cả hai, nhưng chẳng có gì là hai; nhưng phương tiện để nói, để học, để chóng thành tâm nguyện Bồ Tát độ sanh, nhất là để thành Phật tạm gọi là hai. Lại có thể nói không những là hai, mà là tất cả những gì chúng sanh hiểu biết. Cho nên Bồ Tát có thể mang đủ loại hình, hóa độ chúng sanh trong mỗi hoàn cảnh. Tất nhiên để độ được vô ngại, Bồ Tát phải học hiểu giống như chúng sanh hoặc vượt hơn chúng sanh mới có thể thành tựu biện tài, rồi đem niềm vui lớn, giáo hóa cho tất cả.

Thời Phật còn tại thế các đại đệ tử Phật, hầu như lãnh hội hết cả môn học thế gian, thậm chí đến những công việc thấp hèn nhất các Ngài cũng chẳng xa lạ. Bằng chứng sự thật này, trong giáo đoàn của Phật có đủ thành phần tầng lớp trong xã hội. Khi ra độ chúng các Ngài đã thành tựu biện tài, đánh bại các luận sư tà giáo, mang ánh sáng giải thoát vượt lên mọi trở ngại, đem niềm vui cho người cầu đạo giải thoát. Hình ảnh còn cao thượng hơn là trí huệ giải thoát biến thành tình thương sâu đậm, qua hình ảnh dạy người nghèo đói nhất vẫn có cơ hội bố thí, đó là cách khiêm cung hoan hỷ đón nhận món cúng dường chỉ là một bát cháo hẩm. Trí huệ hiện ra phương tiện hành động như vậy, thế gian làm sao hiểu và hành xử được. Và trí huệ đó mới phát sinh được từ bi thương cứu tất cả. Lục độ pháp môn ‘nhẫn nhục, bố thí, trì giới, tinh tấn, thiền định, trí huệ, là nền tảng giải thoát mà Bồ Tát phải đi qua; khi Bồ Tát thành tựu pháp môn này, tất không một sự học nào của thế gian mà Bồ Tát không liễu tri lãnh hội.

Như thế có thể hiểu, Bồ Tát chỉ học những gì làm tăng trưởng trí huệ, ngoài ra tất cả vì làm phương tiện độ sanh Bồ Tát mới từ bi nhập cuộc. Chúng ta chỉ là hàng sơ cơ phát tâm Bồ Tát, nên nhập cuộc vào đời khó tránh được ác duyên. Và ác duyên của thế gian sẽ càng tăng trưởng nếu ta không thực hiện học theo hạnh nguyện Bồ Tát. Ác duyên thế gian cũng do tâm con người phát xuất. Chính do tâm con người, nên Bồ Tát có thể chuyển hóa từ tâm nhiễm thô trở thành thanh tịnh ngay tại thế gian, từ khi các Ngài chưa phải là Bồ Tát. Tâm nhiễm và tịnh khó nhận ra được chỗ nào là biên cương giới tuyến, nếu người chưa đắc đạo; chỉ cần ác niệm sát na móng khởi tâm thiện đã bị quấy nhiễm rồi. Ngược lại tâm kẻ bất lương vẫn đủ tính chất thuần lương, khi còn một sát na thiện tâm bộc phát. Chuyện thời Phật có sát nhân Ương Quật Ma La (Chỉ Man) điên cuồng sát hại người, tâm niệm hắn suốt một ngày như vậy chẳng có một niệm thiện nào. Khi không tìm được ai để giết, đúng theo kịp giờ quy định, hắn liền nghĩ việc giết mẹ ruột mình, vì không cách nào khác hơn; nhưng khi gặp Phật xuất hiện, tức khắc hắn đổi ý giết mẹ. Sự lựa chọn thay mẹ chẳng kể người kia là tu sĩ, vẫn còn cho thấy hắn có được tính thiện; tuy nhiên nói đúng hơn, trước khi bị hại xúi giục giết người, hắn đã là con người thiện tâm. Việc này cho thấy pháp sự trong đời nhiễm tịnh rối ren phức tạp, cộng với tâm tánh con người thay đổi luôn luôn, thiện và ác thật dễ dàng bộc phát.

Nơi đây Bồ Tát khác với phàm nhân học nhiều nhưng không ngu si sinh tử, chúng ta học nhiều, nhưng chưa chắc đã đúng nghĩa học rộng hiểu sâu. Sự thọ mạng của một con người quả thật ngắn ngủi, cái học rộng chưa mang lại cho ta an lạc, ta đã vội vàng đổi kiếp ra đi. Dù có muốn tận hưởng thú vui trọn đời, nhưng thú vui kia cũng chỉ là chớp nhoáng, phát lên rồi dập tắt nhường lại chỗ tiếc nuối chẳng nguôi.

Việc học rộng nghe nhiều không phải đối lại ngu si thế gian, và sự sinh tử do ngu si không phải là nghĩa ngu si dốt chữ. Lục Tổ Huệ Năng dốt chữ, nhưng chẳng những hiểu biết hơn người biết chữ mà còn chứng đạo nữa.

Thế giới văn minh ngày nay chẳng ai phủ nhận do nhờ học rộng hiểu sâu. Tuy vậy thế giới ngày nay, sự lo sợ khổ nạn chiến tranh giết chóc toàn cầu lại hơn hẳn thời xưa. Đó là minh chứng việc học của phàm nhân khác xa chư  Bồ Tát.

Học rộng hiểu nhiều ngày nay xem ra phải nghi ngờ thắc mắc! Thật ra không đợi phải nói chung cuộc nhân sinh là sinh tử, mà ngay hiện thời sự khổ đã hiện ra. Học mà không bám víu chính là việc của Bồ Tát. Bồ Tát học pháp thế gian bằng tâm không phân biệt, nên không chấp trước; thế gian sẵn thức phân biệt càng học càng chấp trước; chấp trước bao nhiêu phiền não bấy nhiêu.

Công tâm mà nói, những thành quả thế gian phát minh ra từ việc học xưa nay, nhất là thế kỷ này, phải nói là kỳ công tuyệt tác; những sản phẩm, công trình hiện thời đã đem lại bao tiện nghi thoải mái cho con người vượt mức tưởng tượng. Ngày nay không gian địa cầu gần như nhỏ lại, nhỏ lại đến nỗi hai người ở bất cứ nơi nào trên địa cầu vẫn liên lạc nói chuyện thấy được hình ảnh nhau. Cho đến những thực phẩm thiên nhiên cũng bị con người chinh phục, có thể cấy trồng lúc nào nơi đâu cũng được; riêng ngành y học, đã đi đến mức tinh tế tuyệt vời, người ta đã và đang làm được việc thay tim con người bằng một sản phẩm hoàn toàn nhân tạo. Và những chửa trị phẩu thuật thành công về mắt, là bộ phận nhạy bén tế vi nhất. Đặc biệt cánh tay thiên văn học của thế kỷ 21 này, càng ngày càng dang ra xa, để có thể bắt tay kết bạn với những hành tinh láng giềng mà ngày xưa tưởng chừng không bao giờ nghĩ tới được.

Nhưng rồi, con người không vì sự văn minh tuyệt diệu đó mà tránh được đau khổ; chúng ta đang nói đau khổ xung khích bằng chiến tranh, chứ không nói về tinh thần, vì tinh thần là điều tất nhiên phải bị khi nghiệp tái sanh ở thế giới này.

Trong quyển “Lăng nghiêm ảnh hiện” của cố giáo sư Nghiêm Xuân Hồng xuất bản cách đây hơn mười năm, đã nhận định về cái sở học của con người trong thời đại văn minh như sau: “… mang cái thân xác phù du này, cưỡi trên con ngựa Vô thường, rong ruổi dạo chơi giữa cái vũ trụ lúc nào cũng nửa-sanh-nửa-diệt này, ta cần phải Hiểu Biết cái gì?

Hiểu biết về computer chăng, về electronics chăng, về bom trung-hòa-tử, hay về management cùng business hay về sự vận hành của thị trường chứng khoán New York… hay về vật lý học cực vi cùng phân-tâm-học, hay là về các trường phái triết học thế gian chăng? Hay là hiểu biết về sự khám phá mặt trăng cùng 1, 2 hành tinh lân cận chăng?

Hiểu biết về những cái đó, dĩ nhiên cũng là một điều tốt, vì nó có thể đem lại cho con người ít nhiều quyền năng đối với cái vũ trụ thể-chất này. Nhưng nó cũng là 1 con dao 2 lưỡi, vừa có thể cắt miếng thịt bò để ăn, lại vừa có thể cắt đứt ngón tay của mình được. Cũng tương tự như chiếc dây thừng, vừa có thể cột vật, lại có thể cột mình được… Vì sao? Là vì những cái đó chưa phải là sự hiểu biết rốt ráo, chưa liễu nghĩa. Nó có thể mang lại sự an bình của tâm hồn không, có thể soi sáng cái mystery về thân phận con người, về kiếp sống, về vũ trụ không? … Tỷ dụ như bây giờ con người có thể đặt chân lên Hỏa tinh và khám phá thêm 1 vài dữ kiện mới lạ nữa, nhưng rồi sau đó thì sao? Sau đó, thì lại còn vô lượng những hành tinh khác cần phải khám phá vô cùng vô tận, và cái mystery của kiếp sống cùng vũ trụ vẫn thăm thẳm trùng trùng man mác… Sau đó, thì con người có thể khoác thêm một chút ảo ảnh vinh quang nữa, nhưng ảo ảnh ấy cũng sẽ làm bộc phát lòng ngã-mạn và lòng tham tới một mức độ kinh hoàng, rồi loài người tự lao mình vào một cơn mê sảng cực độ của những ngày Tận thế…” [30]

Như thế cái học thế gian phải khác cái học Bồ Tát lắm. Phải lấy từ bi và trí huệ mới giải mã được những bài toán mà tự mình chế ra, không thì “… như chiếc dây thừng, vừa có thể cột vật, lại có thể cột mình”, rồi đến mức độ, lao mình vào cơn mê sảng cực độ của những ngày Tận thế…

Ta thử đọc thêm một đoạn nhận định về văn minh khoa học một cách minh triết rõ nét hơn, của vài nhà khoa học mà Thượng Tọa Prayudh Payutto, một học học giả người Thái đã được tưởng thưởng nhiều bằng Tiến sĩ Danh dự, trình bày trong tác phẩm “Khoa học dưới lăng kính Phật Giáo”: “…Bất luận thế nào, nhiều nhà vật lý lỗi lạc đã khẳng định kiến thức của khoa học mới chỉ có một phần, và chỉ mới bắt đầu. Bằng mô hình vòng tròn, dường như là kiến thức về vật chất chỉ là vòng tròn nhỏ của hình tròn lớn, vì nó nằm trong giới hạn của năm giác quan và không chú ý đến giác quan thứ sáu (tâm). Vượt khỏi giới hạn các giác quan này, chúng ta tiến đến thế giới ký hiệu, chứng minh bằng toán học, mà Ngài Arthur Edlington đã nói như sau:

“Chúng ta được biết sự khảo sát về thế giới bên ngoài bằng những phương pháp của các khoa học vật lý không dẫn đến một sự thật cụ thể mà chỉ mang lại cái bóng của thế giới ký hiệu”.

Một nhà vật lý trứ danh khác là Ông Max Planck đoạt giải thưởng Nobel về Vật Lý năm 1918, được coi như cha đẻ của Thuyết Lượng Tử Quantum hiện đại, có tuyên bố rằng ngay khi một trong những điều bí ẩn đối với khoa học vừa được giải quyết thì điều bí ẩn khác lại xuất hiện ngay ở chỗ đó. Ông thừa nhận những giới hạn của chân lý khoa học với những lời thậm chí rõ ràng hơn “…Khoa học không thể giải quyết cái bí ẩn chủ yếu của thiên nhiên. Đó là vì, trong phân tách cuối cùng, chính chúng ta là một phần của thiên nhiên cho nên chúng ta là một phần của bí ẩn mà chúng ta đang cố gắng giải quyết.”

Một khoa học gia khác còn đi xa hơn nữa viết:

“…một thành quả nổi bật nhất về vật lý ở Thế kỷ Thứ Hai Mươi không phải là Thuyết Tương Đối với sự gắn bó không gian và thời gian vào nhau, hay thuyết lượng tử với sự phủ nhận hiển hiện luật nguyên nhân, hay sự phân tích nguyên tử với sự phát hiện có kết quả là mọi sự không phải có vẻ như vậy, sự công nhận chung là chúng ta chưa tiếp xúc được với chân lý tuyệt đối.”

Thế là kiến thức mới phát triển được đến đấy! Đây là sự tiến bộ có ý nghĩa nhất của khoa học: sự nhận thức bất lực trong việc tiến tới chân lý. Tất cả những gì khoa học có thể tiến tới chỉ là cái bóng của thế giới ký hiệu. Nếu khoa học chấp nhận tình trạng này thì đã đến lúc phải chọn một con đường mới: hoặc định rõ lại phạm vi của mình, hoặc mở rộng lãnh vực nghiên cứu nhằm đạt tới chân lý tự nhiên toàn diện…” [31] 

Như thế lần nữa chúng ta phải công nhận, cái học thế gian mãi mãi chẳng thể giải tỏa được tánh hiếu kỳ hiếu học của con người, và càng lao đầu vào thực nghiệm vấn đề, thì ẩn số phương trình sinh diệt của pháp hữu vi vẫn chập chờn đến vô tận mà không bao giờ thoát lên siêu việt vấn đề. Nghĩa là không thể hiểu được tận cùng của sắc trần [32] là gì và sắc pháp [33] do đâu phát khởi.

Trong ba nhà khoa học gia, mà Thượng Tọa Prayudh Payutto trích dẫn, thì Max Planck (đoạt giải thưởng Nobel về Vật Lý năm 1918) đã gần như vô tình hay cố ý tiết lộ đúng theo tinh thần Phật học, khi ông cho rằng ông là một trong cái bí ẩn, mà chính ông cùng mọi người đang cố gắng giải quyết. Thật đúng như vậy, nếu ông không giải quyết được ông, làm sao ông giải quyết được chuyện khác! Nhưng ông còn biết được, chính ông không giải quyết được ông, thì quả là ông cũng khá biết ông thế nào rồi!

Thật ra các nhà khoa học đã nỗ lực tập trung dùng trí biết triệt để của mình để quan sát nghiên cứu sự vật, cho nên phần nào đã có được trực giác, nhưng so với Bồ Tát tu chứng không thể nào sánh được; vì dù nhà khoa học[chỉ nói về những nhà bác học hướng thiện] khi nghiên cứu đắm chìm suy tư khám phá thế giới vật chất mong cống hiến cho nhân loại, bấy giờ đã mất đi tánh tự kỷ cá nhân, nhưng vẫn chưa đãi lọc được phiền não trong khi làm việc, thành ra tánh sân tham vẫn còn. Như thế trực giác vẫn là thô, nhưng dù vậy vẫn hơn chúng ta nhiều lắm. Có thể nói theo nghiệp báo nhân quả, những nhà bác học này nhất định đã có tu tâm trong quá khứ kiếp, nhờ vậy họ có thể nhạy bén quan sát, thấy được, biết được những điều mà hầu hết người thường không biết.

Vậy thì cái học thế gian dù có kiến thức đến mức tạm gọi là trí tuệ phần nào (phần giác), cũng bị thiên lệch méo mó vấn đề, bởi do chưa trừ được tham, sân, si, chưa có được trí tuệ sáng suốt rốt ráo, thấy được tất cả sự vật vô thường, các pháp vô ngã.

Giáo sư Tuệ Quang trong quyển Phật Giáo định vấn đề tương tự như sau: “Vì trí tuệ bị xác thịt và dục vọng câu thúc, bị hoàn cảnh lôi kéo, nên sự thấy biết cạn cợt hẹp hòi, bị ràng buộc bởi tai thịt, thân thịt, bởi tham dục, tình cảm bên trong và cảnh vật bên ngoài. Cái biết của ta là cái biết của hạn lượng, bị chi phối bởi thân và cảnh, chẳng khác chi cái biết của con ốc, con rùa v.v… có điều là to, bé tương đối hơn nhau [34]

Tóm lại còn là phàm phu, hãy cẩn thận với suy tư chính mình, bởi nó có thể thay đổi liên tục, tức tâm vô thường từng sát na; hãy lấy tinh thần Bồ Tát học pháp thế gian để hiểu thế gian, để hòa nhập vào đời và học pháp xuất thế để nhận chân pháp thế gian là huyễn hóa do nhân duyên tạo, để thuận độ chúng sanh.

Cuối cùng, cái học của người học Phật phải dung hòa bằng tâm từ bi, bằng trí xét đoán theo chân lý giải thoát, cứu khổ, ban vui, thì tất cả sở học kiến thức của thế gian không thể làm người học Phật biến thành sai lạc. Như vậy là cách thành tựu biện tài, chứ không phải thành tựu thuyết giảng mà chẳng thể thực hành cứu khổ được ai.

 

Điều giác ngộ thứ sáu: Nghèo khổ hay oán hờn, thường kết ngang duyên ác. Bồ tát hành bố thí, bình đẳng với oán thân, không nhớ đến lỗi cũ, không ghét bỏ người ác. 

Đệ lục giác tri: Bần khổ đa oán, hoạnh kết ác duyên. Bồ Tát bố thí, đẳng niệm oán thân, bất niệm cựu ác, bất tắng ác nhân. [35]

Nghèo khổ hay oán hờn, thường kết ngang duyên ác, điều đó càng chứng thật nhân quả thiện ác hơn. Cảnh khổ cõi người dù thật khổ nhưng trong cảnh khổ, con người lại dễ tạo khổ thêm. Nghèo khổ mà biết ý thức an phận tự trách nghiệp quả của mình, phấn đấu vươn lên làm việc, không biếng lười giải đãi, sẽ giải trừ được quả khổ không chỉ đời nay, còn hưởng được giàu sang sung sướng nhiều đời sau nữa. Nhưng cảnh nghèo có dễ cho người chấp nhận, đó là sự thọ nhận quả báo kiếp xưa? Có lẽ ít được mấy người chấp nhận. Người chưa hiểu giáo lý giải thoát hay cho rằng, nghèo là do sanh ra không được may mắn, hoặc làm ăn thất bại, hoặc bị người lường gạt v.v… Những lý do như vậy, chỉ xét ngay đời này đã thấy không đúng, bởi không phải hầu hết người giàu có sung sướng hiện tại họ luôn được may mắn, luôn thành công và chẳng bao giờ bị người lường gạt. Thật ra, không ít trong số người giàu sang, vẫn có người nghèo đói từ thuở hàn vi, và trong cuộc đời thành công của họ, cũng lắm người từng trải gian nan, cay đắng. Chẳng thắc mắc gì, vì đơn giản thế gian là trường tranh đấu mưu sinh khó ai lại chịu thua ai.

Sự tranh giành lấn chiếm miếng ăn thậm chí còn xảy ra ngay trong gia đình ruột thịt với nhau. Tuy vậy cũng có số người giàu là do thừa kế di sản ông bà, cha mẹ, hoặc được người giúp đỡ mà ta gọi là may mắn. Nói đúng hơn, vượt thắng được cái nghèo đạt đến đời sống giàu sang đều do nhân quả quá khứ và nỗ lực đời nay.

Ta nghèo vì không nỗ lực phấn đấu, nếu quyết chí thật tình gia công vươn lên thì quả báo tiền kiếp xa xưa có thể hoán chuyển, nhưng sự vươn lên phải phù hợp với nguyên tắc đạo đức luân lý tối thiểu mới được. Trường hợp vẫn thấy, có người cố tâm phấn đấu làm việc nhưng vẫn thất bại, đây là lý do gì? Tạm trả lời nghi vấn này, ta chỉ có thể đoán biết nhân quả quá khứ mà ra; nhưng không phải lúc nào cũng đổ thừa nghiệp quả trong quá khứ, phải chịu, phải hưởng v.v… Tất nhiên là không. Nếu cứ vịn vào nghiệp nhân quả báo đời trước, chẳng thèm tiến thân cầu học, thì kẻ dù giàu đến tỉ phú cũng thành nghèo, vì chỉ lo hưởng thụ chẳng làm chẳng học. Và kẻ sinh ra trong gia đình nghèo khổ, mãi tự trách phận oán mình không muốn tiến thân, lại chỉ hại mình tạo thêm đau khổ, nếu có người muốn giúp cũng chẳng được cơ hội, bởi ai lại muốn giúp người biếng lười ngoan cố. Vậy nếu có đổ thừa nhân quả nghiệp báo, thì phải lấy nghiệp báo nhân quả đời nay mà tu.

Do nhân quả đời trước khó thấy khó lường, nên đời này thường đa nghi, thắc mắc; nhưng nỗ lực cần cù mà vẫn nghèo khổ, điều đó biết rằng, nhân ác đời trước không phải là nhỏ, như được thiên nhãn, nhìn lại hành động tàn ác của mình, xét quả báo đời nay phải nói vẫn còn là nhẹ, thay vì phải sanh vào kiếp thú.

Thời Phật tại thế có vị tu sĩ dù đã đắc quả A La Hán mà phải chịu đền quả báo đời trước, dai dẳng đi theo đến cuối cuộc đời; quả báo là suốt cuộc đời tu hành của ông không có đến một ngày được ăn no bụng. Dù Xá Lợi Phất dùng hết thần lực trải lòng từ bi thương cảm, nhường bát cho ông, cũng chỉ có đến một lần, và lần đó ăn xong ông cũng vừa thị tịch. Nguyên do từ kiếp trước là một tu sĩ, cướp của cúng dường của người, lại dùng lời độc ác mắng nhiếc vị Tăng đã chứng quả A La Hán, nên quả báo phải mang nghiệp đói nhiều đời. [36]

Trường hợp quả báo như thế xảy ra ngay chính một vị Thánh Tăng, thử hỏi chúng ta những phàm nhân có chắc rằng mình đã không phạm tội quá khứ? Tuy nhiên thế nào đi nữa vị Tăng chịu nghiệp báo kia vẫn nỗ lực không ngừng tu niệm, không để quả báo khổ đói chi phối đời ông. Giả như ông hoàn tục, cố tìm việc làm kiếm ăn cho thỏa thích bù hận những ngày đói khát, thì ông chỉ hại thêm chính mình mà thôi. Bởi nhân quả sớm muộn gì cũng phải trả. Bị đền quả báo, còn làm được kiếp người là may mắn, ông lại nhờ đời trước xuất gia tu Phật nên tiếp tục con đường tu, quả là đại duyên, nếu như không phải kiếp người, thì trong kiếp thú biết gì để mà sám hối đền trả vươn lên!

Như vậy ta có khổ, cũng còn khổ kiếp người dù nghèo khổ đến mấy, chỉ sợ vào kiếp thú, dù là con thú sung sướng nhất được nuôi ở các nước văn minh giàu có, nhưng nó sẽ mãi đến chết cũng chẳng thể nào hiểu được Phật pháp là gì để làm duyên giải thoát đời sau.

Sáu cõi luân hồi đâu gì xa lạ của một chúng sanh chưa chứng đạo, và trong tất cả chúng ta ai lại chẳng đã một thời là thú. Bậc toàn giác như đức Phật, trước khi thành đạo cũng đã từng sanh kiếp thú nữa mà. Hiểu biết như vậy, cái khổ đời nay với sự cố gắng khó khăn tiến thân, chẳng còn phải đổ thừa cho số phận, nếu không ta chẳng thể tiến thân, còn sinh ra nghiệp ác.

Sinh ra làm người thật khó, làm người được thân hình toàn vẹn dễ xem lại càng khó, rồi vươn lên tìm được đời sống ấm no là điều khó nữa. Sự thật, căn bản thì mọi tiến trình làm người đạt được tối thiểu nhu cầu đời sống phải thật là khó.

Những tưởng rằng khi được làm người là hạnh phúc nhất, việc còn lại chỉ là việc phụ, nào ngờ lại gặp muôn ngàn gian nan khổ sở, nếu không nói kiếp người nào đâu sung sướng! Nghĩ như vậy có mâu thuẫn điều Phật dạy chăng?

Phật dạy còn trong luân hồi là còn khổ; trong cảnh giới luân hồi cái khổ trùm khắp ba cõi, kể cả cõi vô sắc nơi đó phước báo toàn hiện tĩnh lặng, an nhiên, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi hệ quả luân hồi sinh diệt. Chúng sanh nơi đó vì không chứng kiến sâu xa nhân quả khổ, lạc, của các cảnh giới thấp hơn nên khó thức tỉnh tiến tu giải thoát, rồi quả báo thọ hưởng cũng mòn dần khô cạn, chỉ có cảnh giới trung dung thể hiện rõ nét nhân quả khổ vui giải thoát, đó là cảnh giới người, mới mong có cơ hội thoát nguy luân hồi một cách chắc chắn.

Nói về cảnh giới khác không phải cõi người, chúng sanh nơi đây hoặc toàn khổ, hoặc toàn vui, nên không thể hiểu được lẽ sống sinh diệt trung dung của hệ quả khổ vui nghiệp báo; chẳng hạn chúng sanh ở địa ngục toàn khổ, và cảnh trời thượng thiên toàn vui. Tuy nhiên vấn đề khó nhất để không thấy mâu thuẫn tất phải hiểu đạo lý giải thoát như lời Phật dạy.

Xét cho cùng, dù nghèo khổ vẫn còn thấy được hiện quả đạo lý giải thoát, và chân lý cụ thể, tức ngẫm nghĩ nhân duyên làm người, là nhân quả thù thắng hiếm có được. Cho nên chẳng những tránh được oán hờn, gây tạo duyên ác, người hiểu lý nhân quả, và nhân duyên sanh vào cõi người sẽ cải thiện được tâm tánh, thực hành đời sống ý nghĩa đúng theo tinh thần Bồ Tát đạo.

Để xóa bỏ kiếp nghèo vươn lên cảnh giới nhiệm mầu sâu thẩm, Bồ Tát phải hành Bố Thí. Bố thí có ba cách: Tài thí, Pháp thí và Vô uý thí.

Tài thí: Dùng vật chất của cải chính mình giúp đỡ người nghèo thiếu. Nghe thì thật dễ, nhưng không phải ai cũng làm được. Có không ít người thật giàu lại chưa hề giúp ai, nếu có cũng chỉ qua lại miếng ăn miếng trả, hoặc phải là bà con ruột thịt với nhau.

Người chưa hiểu giáo lý vô thường, nhân quả thực hành được tài thí thật đáng ca ngợi tán dương; đối lại, người mang tiếng là Phật tử đôi khi chẳng làm được. Thật ra nếu là Phật tử thuần chân, bắt buộc phải hành bố thí, huống chi Bố thí có đến ba cách phương tiện giúp ta dễ dàng dựa vào khả năng hoàn cảnh để thực hành. Hỏi tại sao Phật tử phải bố thí? Trả lời ngay rằng vì tu Phật. Không ai tu Phật mà chẳng lo diệt tánh tham, chính sợ tánh tham nên mới bố thí.

Người Phật tử hiện đời giàu sang là phước báo thuận duyên tu Phật, có thể thực hành hạnh tài thí một cách dễ dàng, không như người nghèo, dù thâm hiểu giáo lý Đại thừa Phật pháp, nhưng chẳng có cơ hội mơ ước thực hành được tài thí.

Người giàu có nên suy niệm cái khổ về đói nghèo, nên ý thức đời sống dư thừa vật chất của mình hiện có, và nhất là luôn luôn học hỏi giáo lý vô thường, nhân quả. Chẳng hạn một vài điểm cụ thể mà người giàu cần lưu ý như sau: ta giàu có hôm nay, chắc chắn là do một phần đã gieo nhân bố thí vật chất tiền tài đời trước; ta hưởng lạc hôm nay, chắc chắn cũng không thể kéo dài lâu được, vì các pháp sinh diệt vô thường chẳng biết việc gì xảy ra giây phút tới. Và ta không thể không động lòng trắc ẩn khi giờ phút hưởng lạc sung sướng hiện tại, thì song song đâu đó không biết bao nhiêu người đang đau khổ nghèo đói xin ăn.

Lại nghĩ, không phải hiểu biết được bố thí là một chuyện dễ, bởi tánh tham đã che mờ đi tánh rộng lượng thương người, nên khó thể nào thực hành được bố thí.

Xem lại điều giác ngộ thứ hai, đoạn trích về kinh Pháp Cú, việc một thương gia giàu có, không con cái, chẳng biết bố thí giúp người, cuối cùng chết đi, tài sản kết xù kia phải đem sung vào quốc khố chẳng giúp được gì cho ông. Trường hợp nếu biết hành bố thí, một đồng cũng làm nên phước đức, huống gì gia tài triệu phú kia. Cho nên đừng tưởng bố thí vật chất của cải là dễ, nó chỉ dễ khi tự tâm mình phải có từ bi và trí huệ.

Chúng ta cũng cần nhận định thêm vì sao phải cần trí huệ nữa? Vì nếu ta muốn việc làm của mình có một quả báo giải thoát; vì muốn việc giúp người ngoài vật chất ra còn đánh thức lương tâm của đối tượng, và cuối cùng vì chúng ta là những người học Phật vậy. Trí huệ căn bản là hiểu biết nhân quả, hiểu biết các pháp hữu vi đều vô thường, chỉ có pháp vô vi là bất sinh bất diệt; pháp vô vi là pháp tánh thanh tịnh đạt được từ sự tu chứng không tham, không sân, không si. Trí huệ được như vậy khiến tâm từ bi vốn đã có lại càng phát sinh, và việc thực hành tài thí sẽ dễ dàng thực hiện.

Pháp thí: hiểu theo ý nghĩa hoằng truyền giáo điển Phật pháp, là lời dạy của chư Phật, chư Tổ; nhưng giáo lý chư Phật chẳng phải xa lạ với thế gian, nói đúng hơn có thế gian mới có Phật pháp, không thế gian, không phiền não nhiễm ô thì không còn bàn luận Phật pháp chi nữa. Chúng ta đang sống nơi nhiễm ái dục tình thế gian, tất nhiên phải nhờ vào Phật pháp mới mong giải thoát khỏi cái khổ trầm luân này. Phật pháp lại đưa con người đạt đến tâm từ bi trí huệ, như thế nếu đã được tâm từ bi, lẽ nào người Phật tử lại làm ngơ với người đang đau khổ! Đó là hành động cư xử giúp người hiểu được pháp vị giải thoát Phật Đà.

Pháp thí sẽ không bị hạn cuộc ranh giới bởi một đối tượng nào; người giàu, người nghèo, người già, người trẻ tất cả đều cần được đón nhận quà pháp bố thí; nhưng việc khó là làm sao họ nghe được ta. Muốn được vậy, chỉ có cách người thí pháp ít ra phải sống trong pháp; sống trong pháp mới nói được pháp; nhưng không có nghĩa phải trở thành tu sĩ, tất nhiên tu sĩ có cơ hội tác dụng thuận lợi thực hành pháp bố thí hơn. Và tu sĩ cũng phải sống trong pháp, chứ “chiếc áo không làm làm nên thầy tu”.

Trong nhà Phật thường nghe “y pháp bất y nhân”, câu này chỉ là phương tiện tương đối áp dụng vào một ít hoàn cảnh, thời điểm nhất định nào đó, chứ không thể quy định, tiêu chuẩn luôn luôn ứng dụng được mọi tình huống, đối tượng. Vì không hiểu sẽ phản lại, một khi người ta thất vọng sụp đổ lý tưởng tôn thờ ai đó; hay nói đúng hơn câu này hiểu rằng tự các pháp là chân lý, chớ nên chấp chặt vào người nào nói ra, tuy nhiên đa số sơ cơ học đạo, người ta thường cần nghe một người thật tu thật học, chứ không thể thiết lập hết tất cả là pháp tu, như bậc thượng căn sáng suốt.

Trở lại vấn đề Bố thí pháp cho được kết quả, khiến người bố thí cũng thấy vui, ta cũng nên tự bố thí cho ta, nghĩa là tự tìm cho ta những lời nói đẹp thay lời cộc cằn thô lỗ khó nghe. Lời nói đẹp phải mang được tính chánh pháp trong đó, chứ không văn hoa vô nghĩa. Thí pháp cũng là lời ái ngữ chân tình chia xẻ diễn giải cho mọi người bằng tâm từ bi thương cảm. Tâm thật từ bi, ngôn từ sẽ cảm thông đối tượng, như vậy không phải sợ ngượng ngùng khi bố thí pháp cho bất cứ ai.

Bố thí pháp tất nhiên phải bằng trí huệ, khác với tài thí không buộc phải tuyệt đối đòi hỏi có trí huệ. Nói đúng hơn tự bố thí pháp đã là trí huệ, vì hiện chúng ta là người học Phật, và pháp bố thí này duy nhất mục tiêu đưa người gieo duyên giải thoát. Tuy nhiên, không tuyệt đối khẳng định thí pháp chỉ có người hiểu biết Phật pháp mới làm được. Ở đời đã biết bao người dùng lời hay ý đẹp cứu giúp người; những ý tưởng lời khuyên cao đẹp đó vẫn là Phật pháp. Phật pháp được xây dựng trên cơ sở ban vui cứu khổ, do đó dù là nhất thời vẫn tạo được niềm vui giúp người hoan hỷ. Hơn nữa trong năm thừa giáo điển của Phật, kẻ sơ cơ cũng đã thực hiện được phước báo nhân thiên.

Bố thí pháp vô uý (không sợ hãi): Đó là lời nói hay phương tiện giúp người khỏi bệnh sợ hãi trong đời sống đau khổ này. Thực hành bố thí cho người điều không sợ hãi, là trấn an tinh thần người đang đau khổ, thay vào cho họ sự bình an hay niềm tự tin để sống. Nếu bằng hình thức thể chất dưỡng sinh, điều đó giúp người có được thân thể tráng kiện không sợ lo sầu vì bệnh tật, cũng như tự tin sức lực của mình, việc này cũng đúng pháp vô uý.

Các nhà bác sĩ tâm lý học, là những vị đang hành nghề giúp người không sợ hãi; họ lắng nghe con bệnh bộc bạch tâm tình đau khổ, rồi dùng kiến thức chuyên môn lần hỏi nguyên nhân, cuối cùng trấn an bằng cách khuyên giải dựa theo vấn đề sầu lo sợ hãi của người bệnh. Đó là điển hình cụ thể việc làm giúp người không sợ hãi; nhưng vì đó là một nghề nghiệp sinh nhai của bác sĩ, thành ra không thể gọi là bố thí. Bố thí phải bất vụ lợi mới là bố thí, việc làm của nhà tâm lý có mục đích rõ ràng là vì tiền, nếu không chưa chắc ông đã làm; tuy nhiên một nhà tâm lý cũng có thể vừa hành nghề của mình vừa hành pháp vô uý vẫn được.

Chúng ta dư biết, pháp học giải thoát không lệ thuộc dính mắc bất cứ không thời gian nào, người cư sĩ khéo léo biết dùng phương tiện thiện xảo, có thể chuyển hóa vấn đề thế gian trở thành pháp Phật. Những phương pháp khoa học tâm lý của bác sĩ cũng có thể biến thành pháp ngữ, khi tạo cho khách hàng có một niềm tin về nhân quả, và lợi tức thu đạt mà công việc đem đến cho ông, ông vẫn ý thức sống như một cư sĩ. Như vậy người Phật tử tại gia vừa tìm được hạnh phúc vật chất không thiếu thốn, vừa hài lòng với pháp bố thí của mình.

Đến đây, thử đi vào thực tế vấn đề hơn. Ta hiểu rằng sở dĩ ta còn sợ hãi, vì còn tham vọng, còn phiền não vây bủa, chính điều này khiến ta không thể mở lòng học pháp; chính điều này làm ta giải đãi không cầu tinh tấn vượt lên. Có phải trong ta đã có việc gì sở hữu, đang bám chặt vào nó! Chỉ có sợ việc sở hữu mất đi nên tâm sinh lo sợ, ngoài ra không còn gì để sợ.

Có lẽ cho rằng, vật sở hữu này bền bỉ bất hoại, chung thủy đi theo ta đến cuối cuộc đời. Thật phủ phàng thay, tất cả chỉ là giả tạm ngược lại điều mong ước của ta, và nỗi lo sợ phi lý đó làm ta trở thành ngây dại vô minh!

Đặt ngay vấn đề ý thức, là nền tảng xây dựng đời sống con người, ý thức đó còn chưa phải bền bỉ, huống là những sản phẩm của ý thức đứng ngoài con người.

Ý thức không bền bỉ chân thật, vì nó chìu theo sự đối tác của cảnh trần vô thường biến đổi; đến ngay cái xác thân thô kệch thọ mạng ngắn ngủi đang lưu giữ chính nó cũng là vô thường biến đổi luôn luôn, cho nên ý thức đó sẽ không thể nhận định đúng sự thật của vấn đề. Chỉ có con đường tu niệm theo chân của chư Bồ Tát, chư Phật, nhận đúng vấn đề bằng ý thức không phân biệt, nhìn sự thật theo lý duyên sanh đối tác, từ trí huệ vô ngại, ta mới có được ý thức chân thật không sợ hãi, và đó còn gọi là trí của Bồ Tát.

Hiện thời chúng ta là những tu sĩ, cư sĩ học Phật, đã và đang thực hành lần theo con đường chư Tổ, chư Phật, tất nhiên buộc phải ý thức lời dạy của Phật, bằng cách quan sát nhận định sự thật vấn đề. Dù ta chưa thể có được trí huệ vô ngại, nhưng chỉ cần ý thức theo lời Phật dạy, thì điểm then chốt của vấn đề đã giúp ta trừ phá phần nào ý thức vô minh khiến làm ta sợ hãi, cũng như có thể giúp người khác không còn sợ hãi ít ra cũng như ta.

 

Tiếp theo việc bố thí của một hành giả ý thức được con đường giác ngộ, là thiết lập sự bình đẳng với mọi người, và việc bố thí có được công đức ý nghĩa nhất, đòi hỏi không được phân biệt.

Thói thường của một phàm nhân, tình cảm chỉ đậm đà dành riêng cho gia đình thân tộc, xa hơn một chút là bạn thân có ân có nghĩa, ngoài ra chỉ là xã giao chiếu lệ, nếu không có kẻ thù đã là quá tốt. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng yên bình như mặt biển lặng tựa giống hồ gương. Ngay đời sống tu sĩ cũng theo thăng trầm chẳng thoát được vòng hệ lụy thế gian, do đó không ai lại không có kẻ ghét người thương, nhưng đã hiểu lý nhân duyên, hiểu tâm vô thường, pháp vô ngã, thì thương ghét thế nào, đâu thể tồn tại lâu dài để phải sầu bi!

Có ai đã được người thương sống mãi bên mình? Và người mà ta ghét nhất cũng chỉ sống một đời thật ngắn! Hay là ta có thể chết đi trước họ, để rồi hối hận rằng sao không tha thứ thương cho họ để mình được nhẹ nhàng ra đi!

Bồ Tát khác với chúng sanh, không có thân sơ, không có ân oán; các Ngài bố thí mà chẳng thấy đối tượng, chẳng thấy việc làm, đúng như lời dạy của Phật trong kinh Kim Cang “ … Tu Bồ Đề, vị Bồ Tát, đúng nơi pháp, không có chỗ trụ trước để bố thí, nghĩa là không trụ trước nơi hình sắc mà bố thí, không trụ trước nơi thinh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Nầy Tu Bồ Đề nên bố thí như thế, chẳng trụ trước nơi tướng.” [37]

Đối với chúng ta, bố thí hoàn toàn ngược lại, tức có thân sơ, thương ghét, xa gần, ân nghĩa, qua lại, thiên vị, nễ tình, sợ hãi… đó là nguyên nhân kẹt dính vào hình sắc, âm thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Thật vì chẳng thể quán chiếu, tư duy tất cả là nhân duyên tạo thành, không thật thể, như thế mà sanh tâm phân biệt cố chấp bám giữ. Bố thí như vậy khi phước báo hưởng xong, sẽ chẳng xa khỏi cảnh nghèo khổ oán hờn,  rồi thường kết ngang duyên ác.

Học hạnh bố thí của Bồ Tát, còn phải hiểu không chỉ không phân biệt người ác, mà còn cả đến chúng sanh không phải là người, đó là hình ảnh loài vật sống chung hoàn cảnh thế giới chúng ta. Bố thí trước tiên là ban rãi lòng từ bi không sát hại, sống đúng ý nghĩa không tổn hại môi trường loài vật đang sống. Và hành xử nhân đức để có thể tạo được không khí an bình cho loài vật nương nhờ tồn tại yên vui.

Như thế điều giác ngộ thứ sáu, phải được thực hành nếu không muốn con đường tu đạo dậm chân tại chỗ. Bằng cả tâm niệm và khả năng giới hạn có được chính mình, chẳng kể xuất gia, tại gia, bắt buộc phải bố thí.

Bố thí tài vật nếu có thể làm được, phải cố gắng làm; bố thí pháp thì mênh mông sâu rộng, lời nào cũng là phương tiện, nên tùy nghi hiểu người hiểu cảnh mà khuyên giải mọi người cùng mình học Phật; và bố thí những gì không sợ hãi, cũng là những lời khuyên, những việc làm mang chánh pháp đưa người vào đạo. Như thế sự giác ngộ lời dạy của Phật đã hiện thể thực tế, chứ không phải là những lý thuyết suông để hậu quả một đời tu không lợi mình lại chẳng lợi cho ai.

 

Điều giác ngộ thứ bảy: Năm dục là tai họa, tuy là người thế tục, nhưng không nhiễm dục lạc, thường nhớ nghĩ ba y, bình bát và pháp khí, chí mong được xuất gia, giữ đạo luôn trong sạch, hạnh thanh tịnh cao xa, từ bi với tất cả. 

Đệ thất giác ngộ: Ngũ dục quá hoạn, tuy vi tục nhân, bất nhiễm thế lạc. Thường niệm tam y, bình bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết. [38] 

Điều thứ bảy để giác ngộ là hiểu ngay vào vấn đề họa hoạn thế gian. Họa hoạn thế gian nói cho gần là do con người sinh ra, như là, chiến tranh, cướp bóc; nói xa cũng do ác nghiệp nhân sinh chiêu cảm, đó là vô số biệt thức gieo tạo ác nghiệp biến thành cộng nghiệp làm nên thiên tai đau khổ ở cõi kham nhẫn này. Nhưng nhận định của thế gian thường cho nguyên nhân họa hoạn đến từ bên ngoài, mà quên đi bên trong là nhân chính.

Họa hoạn bên trong chính là năm sự ham muốn (ngũ dục): Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Năm món này nghe qua thật bình thường, nó là nhu cầu sinh lý căn bản của một con người không thể thiếu được. Đúng vậy, đó là lẽ sống con người, nhưng nó cũng là vấn đề lớn mà xưa nay con người vì nó phải đau khổ triền miên từ đời này sang đời khác. Thậm chí đến tu sĩ muốn chứng đạo giải thoát ngoài ngũ dục ra không có gì nguy hại hơn cả. Do đó phải ý thức tuyệt đối tác động hệ quả của ngũ dục liên hệ đến việc tu hành. Cũng có thể nói một cách trực thẳng rằng, người tu sĩ chẳng tu điều gì ngoài tu sửa ngũ dục.

Thật cũng dễ tri nhận tại sao ngũ dục là vấn đề. Vì tất cả đều do sự tham cầu quá mức sinh ra. Thật sự năm điều ham muốn này tự nó chỉ là nhu cầu đời sống tất yếu của một chúng sinh.

Chúng ta hãy thử bàn đến từng món dục xem sao.

-Tiền tài:

Là vấn đề quan yếu nhất của đời sống con người, cho đến trẻ con vừa chập chững cấp sách đến trường đã gần như hiểu được. Chúng hiểu cái gì đó hữu hình mà ba má chúng đã trao đổi để có tập sách, bánh quà đi học hằng ngày. Rồi khi ý thức thấy được vật đó gọi là tiền, tức thì dấy lên tham muốn, bắt chước trao đổi giành giựt nhau. Chắc chắn ta đã nghe qua, tiền bạc sai sử cả người già lẫn, mắt mờ tai điếc, đến nỗi vẫn lẩm bẩm nhận ra tiền bạc.

Như thế tiền bạc là phương tiện đời sống giải tỏa nỗi khổ con người, nhưng tiền bạc cũng là đầu mối gây ra không biết bao nhiêu hoạn họa từ gia đình đến xã hội, từ nội chiến quốc gia đến chiến tranh thế giới. Xưa nay không biết bao chuyện huynh đệ một nhà vì tiền phải ấu đả phản trách nhau, có khi còn tổn thương đến tình thâm phụ mẫu vì san sẻ không đồng, chia cho không trọn. Có thể nói, sẽ mãi mãi không ngừng đấu tranh vì tiền bạc, nếu con người chẳng chịu dừng lại lòng tham.

Sự thật khó nhất là dừng lại, nhưng dừng lại để làm gì, đó là việc cần phải giải quyết!

Dừng lại để được sống hòa bình an lạc, người người thương nhau. Lại đặt câu hỏi ai có thể dừng lại, và bao nhiêu người dừng lại mới có thể cứu được toàn cầu? Chính đây mới thấy được năm món ham muốn không phải là chuyện thường tình như tự ban đầu ta nghĩ. Việc này người học Phật, quả thật phải ý thức hơn hết. Nhất là hiện nay, thời đại sống cách Phật quá xa, Tăng lữ phải theo đời sống hiện đại; phương tiện di chuyển và làm việc đã liên hệ không ít qua nhu cầu xử dụng tài chánh, nên không nhiều thì ít chắc chắn không thanh tịnh như xưa. Như vậy tánh tham cũng theo đó khó diệt trừ, chỉ có phương cách tinh tấn nỗ lực gia công tu niệm, mới có thể giải hóa được phương tiện đang xử dụng ngày nay.

Đến đây lại nhớ trong “Thiền Lâm Bảo Giám” thiên số năm “Cảnh Giác” có câu chuyện như sau: Hòa Thượng Minh Giáo nói: Khi Hòa Thượng Đại Giác Liễn trụ trì chùa Dục Vương nhân có hai vị Tăng tranh nhau mãi về lợi dưỡng do thí chủ cúng, mà vị chủ sự không sao xử đoán được. Ngài Đại Giác gọi hai vị Tăng ấy đến trách rằng: Xưa kia, ông Bao Công khi làm quan coi việc xử án tại Khai Phong. Một hôm có một người dân tên là Trương Huệ Minh thân tới chỗ ông Bao Công, tự trình bày một việc như sau: Trước đây ông Lý Giác An có đem gửi tôi (Trương Huệ Minh) một trăm lạng bạc. Không may ông ấy bị bệnh mất. Nay tôi đem số bạc trên trả lại gia đình ông ấy, nhưng con ông ấy là Lý Cảnh Văn nhất định không nhận. Tôi mong ngài triệu con ông ấy lại và trả giúp tôi. Ông Bao Công ngạc nhiên và than rằng: Đây thực là việc lạ lùng! Ông liền triệu con ông Lý Giác An là Lý Cảnh Văn đến và nói rõ sự việc như trên. Ông Lý Cảnh Văn từ chối: Cha tôi khi còn sống, không làm gì có bạc đem gửi riêng nơi nhà khác. Hai người cố nhường nhau. Bất đắc dĩ, ông Bao Công trao số bạc ấy cho các tự quán trong thành, để làm lễ cầu siêu cho người đã mất. Đó là việc mắt tôi (Hòa Thượng Đại Giác) trông thấy. Đó là những người ở cõi trần lao, còn biết xa của mến nghĩa như thế, huống chi các ông là đệ tử Phật, lại không biết liêm sĩ à! Nói rồi, ngài liền y theo pháp đuổi hai vị Tăng ấy ra khỏi chùa [39]

Chuyện cũng lạ một người xem thường tiền bạc, đến nổi quan triệu đến lãnh cũng không lãnh. Hãy khoan nói tư chất nghĩa cử của người đó, ta chỉ cần học ở tánh không tham cũng khó rồi. Người nữa, ông Trương Huệ Minh thật cũng nghĩa khí, biết tôn trọng người khuất bóng, biết tự trọng lương tâm, nên cố hoàn lại cho được số tiền người khác ký gởi, tư cách đó quả thật đẹp. Cuối cùng Quan Công người xử án, một vụ án có lẽ thật lạ và thật đẹp, hiếm xảy ra đối với ông; và ông đã xử lý cũng thật đẹp, là giao tiền cho người làm đám tang cầu siêu cho người đã mất.

Học Phật không luận xuất gia, tại gia, nếu chưa nhận định được tính chân thiện, chưa thấy được tính vượt lên của giáo lý giải thoát, thì chuyện thế gian bình thường cũng thành vấp phải. Và theo chân lý phổ quát không phân biệt, chắc chắn rằng lắm người chưa từng học Phật nhưng việc hành xử của họ vẫn có thể xứng đáng làm thầy của ta được!

- Sắc đẹp:

Không chỉ hoàn toàn là cái đẹp của đối tượng con người khác phái với nhau; sắc đẹp ở đây chỉ chung tất cả hình ảnh, vật chất, lôi kéo con người ham thích; chẳng hạn ham thích một bình trà cổ với một tống trà thật đẹp đi đôi với nó. Nói rõ hơn mọi thứ hình ảnh trông thấy, sai khiến làm ta say đắm. Đó là vấn đề bị sắc lôi kéo, và tất nhiên chỉ có sắc đẹp của con người là điều làm con người mê say nhất, vì đây liên hệ thân nghiệp dục tình tham ái mà ra.

Đối với tu sĩ, sắc dục con người quả là một nan đề lớn, khiến người tu hành nào cũng phải thận trọng tối đa, như vậy thấy rằng giới luật người tu là bức tường che chở vững vàng nhất.

Thế thì hễ còn say đắm sắc, dù là ảnh sắc vô tri, vật ảnh vô tình đều cột chặt tâm trí người học Phật. Ta có thể tưởng rằng chống chỏi sắc đẹp con người là việc lớn nhất, với vật chất chẳng cần lo ngại. Nhưng ta quên rằng còn say đắm bất cứ điều gì là còn tánh tham ở đó, chính cả pháp học giải thoát Phật còn dạy hãy xem là phương tiện, thử hỏi có gì trên đời đáng để so sánh bằng giáo lý giải thoát chăng! Huống chi những thứ ham muốn kia lại là nhân họa khiến người đau khổ.  

- Danh vọng:

Hai tiếng vô hình vô vị, nhưng động lực của nó lôi kéo con người phải chao đảo mê say. Nhưng thường thì danh vọng đi sau vật chất, nghĩa là nó không phải như bốn thứ: tiền bạc, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ mà con người đã bị cuốn chìm từ khi còn chập chững biết đi. Danh vọng nó chiếm dụ con người khi ý thức hiểu biết bắt đầu manh nha phân biệt. Đó là lúc tác động nguy cơ của nó không thua kém các thứ ham muốn kia. Nhận định quán sát hoạt động của nó, qua các hình thức địa vị danh quyền, điều này xưa nay đã trở thành quy luật xã hội con người.

Từ buổi ban đầu đời sống sơ khai, con người đã thông minh đặt định cơ cấu tổ chức sinh hoạt, hầu dễ dàng trật tự an ninh đùm bọc bảo vệ nhau, qua đó quyền hạn tước vị sinh khởi, và mãi đến thế kỷ văn minh tinh xảo ngày nay cũng thành bắt nguồn từ đó. Rồi chính điều này, địa vị, danh vọng, quyền hạn cá nhân, xoáy sâu vào tự kỷ, tự ngã chính mình, trở thành trầm trệ sa lầy, mua danh bán tước. Thế là hậu quả tranh giành danh vọng, vì tự ái, ngã mạn, kiêu căng biến thành chiến tranh công kích, lấn áp, giết hại lẫn nhau.

Chiến tranh thế giới thứ hai, phát xuất từ một vài cá nhân sa lầy trong ngã mạn ham danh, địa vị chiếm lãnh toàn cầu, đã giết đi hàng triệu người vô tội, nhân quả đó mãi đến giờ ai cũng sợ. Cho đến hạng bình dân sống nơi thôn dã, danh vọng, địa vị vẫn làm người chạy theo giành giựt. Họ tranh giành theo địa vị khả năng hết sức của mình, và có khi vượt quá tầm tay cũng đòi cố công tham muốn.

Nhận chân sự thật cụ thể nguy hại của danh vọng địa vị, người học Phật phải thường xuyên quán pháp vô ngã, mới có thể dừng được tâm thức của mình, nếu không chính cả người tu vẫn còn kẹt chấp.

- Thực (ăn uống):

Nhận định việc ăn uống trong đời sống thường nhựt, người xưa nói rằng “ăn để sống, chứ không ai sống để ăn”. Ăn để sống là xem thường việc ăn, coi trọng cách sống; cách nói tế nhị nhắc nhở con người, đừng tranh giành nhau miếng ăn đến nỗi sinh ra cảnh máu đổ thịt rơi. Vậy mà thế giới xưa nay vẫn không ngừng thịt rơi máu đổ, dù rằng người ta không thể ăn hơn ba buổi trong một ngày. Hay vì con người muốn dự trữ món ăn cho cả cuộc đời, cho cả thế hệ con cháu đất nước của mình, nên tạo đủ mọi hình thức, ý thức, khai thác xâm chiếm lấn áp với nhau; và chiến tranh cũng từ đây bùng phát. Như vậy ta nào dám xem thường ý nghĩa của hai chữ ‘ăn uống’.

Bàn về ẩm thực xưa nay chẳng có gì lạ, thế mà cả nhân loại phải đau khổ vì nó. Tất nhiên phải đau khổ rôài, vì ta sống là nhờ ăn uống. Nhưng không biết ăn uống là để tránh khổ mới là khổ hơn. Tránh khổ trước nhất là khổ về đói, tránh khổ tiếp theo không ấu đả giành giựt nhau. Thay vì chia xẻ cho người không có ăn, ta lại giành giựt thêm và rồi kết quả miếng ăn của ta cũng chẳng được yên, thế là ác lai ác báo, mất luôn miếng ăn ban đầu, rồi chết cả đám! Đó là không hiểu câu ‘không ai sống để ăn’.

Sự hưởng thụ của con người đã mặc nhiên do thân dục sai khiến, ta chẳng cần khai thác làm gì cũng đã khổ, vậy mà chẳng sợ, nên tự làm cho mình ‘sống chỉ để ăn’. Xã hội ngày nay, hầu như mọi thứ đều công nghiệp hóa, nhân tạo hóa, nên chi thực phẩm bây giờ chẳng còn nguyên chất như xưa; thậm chí trái cây từ trên cây hái xuống cũng đã khác thường, không giống hoàn toàn nguyên thủy thứ trái của ngày xưa. Đến cả những đồng cỏ thênh thang mênh mông giữa đất trời, chưa chắc đã là thuần khiết, khi được tưới tẩm bằng những trận mưa kết đọng từ đám mây khói hóa học ô nhiễm bốc lên từ công xưởng. Như thế sự ăn uống của con người chỉ nên hóa giải để thăng hoa, chứ không phải khai thác từ lòng tham dục tự kỷ, để rồi làm hại chính mình cả đến sự sống khác. Người học Phật càng ý thức hơn, ăn ít nhu cầu ít, hợp với tinh thần từ bi nghĩ tưởng đến chúng sanh khác.

- Ngủ nghỉ:

Một nhu cầu tất yếu là cơ bản sinh lý con người, tuy nhiên vẫn phải hạn chế, tiết giảm để còn làm việc mưu sinh. Riêng người học Phật tuyệt đối không được ngủ nhiều, vì ngược lại hạnh công phu tinh tấn. Chẳng nói gì ngủ nhiều đã là tàm quý, mà ngồi không nghỉ ngơi nhiều cũng mất ý nghĩa người tu. Chính các vị tu sĩ trưởng lão, thân già suy bệnh, các Ngài dù không còn làm việc hay công phu như người trẻ, nhưng cũng luôn định tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Ngủ nghỉ nhiều chẳng những mất thời gian, còn cùn lụt tâm trí. Thử suy nghĩ, một ngày hai mươi bốn giờ đồng hồ, ngủ đã mất gần tám giờ, còn lại mười sáu, làm việc thêm tám tiếng nữa, cuối cùng là những giờ giải quyết nhu cầu vệ sinh, ăn uống, thế chỉ còn vài tiếng đồng hồ độc lập cho cá nhân. Đó là tính theo giờ giấc cư sĩ bên ngoài. Tu sĩ nếu không ý thức tinh tấn dụng công, thiền, niệm, công phu hoặc nghiên tầm giáo điển, thì dù thời giờ không phải bị thúc ép như cư sĩ vẫn thoáng chốc bạc đầu già yếu uổng phí đời tu, như Tổ Quy Sơn dạy: … bất giác lủng chủng lão hủ, xúc sự diện tường. Hậu học tư tuân, vô ngôn tiếp dẫn [40] Ý thức điều này, khiến cả hai giới nên tư duy cẩn trọng.

Hiểu sơ qua tác dụng, tác hại của năm dục như thế, người học Phật tri nhận rằng, việc sống trong thế gian đầy dẫy dục tình vật chất, có cố tránh đi nào đâu phải dễ. Không thể tránh được đương nhiên phải bị chúng lôi kéo; do vì vốn con người sanh ra từ dục ái cha mẹ, nên hầu hết thân tâm phải chịu ảnh hưởng nhiễm tình dục lạc thế gian, do đó ngoại trừ Bồ Tát nhập thai bằng nguyện lực độ sanh; hầu hết mọi người chúng ta đã tự chính thân đắm say dục lạc (tài, sắc, danh, thực, thùy).

Việc lẫy lừng tham muốn từ thân, cộng với hoàn cảnh người, vật tác động bên ngoài, khiến người học Phật phải luôn kiêng dè thận trọng. Như thế trong sự nỗ lực tinh tấn hành trì tu học muốn được thân tâm yên tịnh, cả hai giới xuất gia và tại gia đều phải lấy giới luật làm bờ rào ngăn chặn, mới mong giảm chế, chiết phục năm điều ham muốn thế gian.

Theo lời kinh dạy, người lập chí xuất gia sống đời thanh tịnh, phải thường nhớ nghĩ đến ba y, bình bát và pháp khí. Chỉ những thứ này mới thể hiện được sự hành trì giới luật của người tu.

Ba y: theo truyền thống Phật chế từ xưa, ý nghĩa nên hiểu, cần kiệm tiết giảm sự ăn mặc vừa phải, chỉ tiện che thân sinh hoạt thường nhựt hằng ngày.

Mỗi Y có tên riêng: một gọi là Tăng Già Lê, hai Uất Đa La Tăng và ba là An Đà Hội [41]. Bình bát: là vật dùng để đựng thức ăn khi chư Tăng đi khất thực; đó là vật dụng nuôi thân độc nhất của Tăng sĩ thời Phật. Ngày nay truyền thống dùng bình bát khi ăn, cũng như hình ảnh mang bát khất thực vẫn còn thực hành ở vài quốc gia như: Thái Lan, Lào, Cao Miên, Tích Lan, tuy nhiên chỉ để phương tiện gợi lại hình ảnh truyền thống đời sống Thế Tôn, chứ không thể thuần túy sống đời khất thực, do vì hoàn cảnh thế giới ngày nay đã khác. Hiện thời việc học Phật phải tùy nghi thích hợp theo nhu cầu đời sống văn minh; hơn nữa trên tinh thần học pháp Đại thừa, không thể chấp chặt bất cứ hình thức chi, duy chỉ nhắm vào tính chất thoát tục giải thoát của người Tăng sĩ Phật giáo, và phải tạo được bên trong Phật chất thanh tịnh là điều tối quan trọng. Lại nữa trách vụ Tăng sĩ còn phải phát huy giáo pháp giải thoát đi vào lòng người, do đó hình thức đã thay đổi lần, cụ thể đó hiện lên rõ nét mỗi tông phái các quốc gia mang từng hình thức riêng biệt. Tuy nhiên dù hình thức khác nhau thế nào, hành động phải nhất quán trong giới luật chánh pháp thuần với từ bi, trí huệ.

Pháp khí: là hình thức hành lễ, cho đến dụng cụ pháp nghi, làm phương tiện diễn tả, truyền tụng lời kinh tiếng pháp giải thoát, chẳng hạn như chuông mõ, cờ phướn, tràng phan v.v…

Nhận định rằng: Ba y, Bình bát, Pháp khí, là hình ảnh biểu tượng sự giải thoát của một vị tu sĩ tự tại xuất trần. Bao giờ hình ảnh này còn hiện hữu ở thế gian, thì Phật pháp vẫn còn là nền tảng cho mọi người nương theo tu học. Thực tế dù thấy chúng chỉ là phương tiện hình thức, nhưng đó là biểu hiện của sự cụ thể hóa việc áp dụng vào giới học nhà tu.

Ta có thể hiểu thêm, Ba y là việc tạo được hình ảnh pháp phục khác với thế gian, khiến người bên ngoài nhận hiểu đây là tu sĩ Phật giáo. Cho đến ngày nay, pháp y tùy vào phong tục sắc thái của mỗi quốc gia theo đạo Phật, dù không thể thống nhất, nhưng người ta vẫn nhận ra rằng, pháp y giải thoát không giống với thế gian, và người hành đạo vẫn có thể hiểu được pháp y tượng trưng cho ruộng phước Tam Bảo, để người cư sĩ tại gia gieo trồng nhân duyên, nương tựa Phật pháp.

Bình bát lại được hiểu thêm, tượng trưng cho sự thọ dụng phẩm thực nhờ vào của đàn na tín thí, nhờ vào lực gia trì Tam Bảo mới có, hầu tránh nghĩ rằng, sự tự lực, khả năng làm việc của chính mình, điều đó vô tình nuôi dưỡng bản ngã, bất cầu tha nhân để trở thành ngược lại ý nguyện xuất gia là xa lìa năm dục.

Trong khi bình bát là nói lên hành động khất thực độ đời, mà khất thực là pháp tu diệt trừ kiêu mạn tự cao chấp ngã. Chính đó, pháp tu khất thực dù không được duy trì phổ biến, nhưng xét về sự vẫn được xem là bức tranh giải thoát đẹp nhất được hồi tưởng ghi lại hình ảnh Đấng Thế Tôn còn tại thế. Về lý nó lại nhắc nhở hàng xuất gia đệ tử Phật, phải ghi nhớ rằng, tất cả thọ dụng của người tu sĩ đều liên hệ trong một nhân duyên thù thắng, trong sự thọ nhận và bố thí của hai giới xuất gia, tại gia. Cuối cùng nếu hiểu thêm Pháp khí, thì đó là hình ảnh diễn tả hoa sắc muôn màu trong biển pháp giải thoát, có thể hài hòa, không dính mắc vào mô hình ảnh tượng nào của thế gian, và tất nhiên tất cả chỉ là phương tiện, không đánh mất cứu cánh giải thoát.

Nơi điều giác ngộ thứ bảy này kinh dạy, hàng cư sĩ tại gia dù sống giữa dục trần, muốn không nhiễm dục lạc, trước phải hiểu rõ ngũ dục là gì. Nếu nuôi được tâm hướng xuất gia, nghĩ được tất cả là ân pháp Thế Tôn truyền dạy, thì hình ảnh sự thể còn lưu lại từ khi Đấng Đại Giác vào Niết Bàn, chính đó là Ba y, Bình bát, Pháp khí. Và dù không thể xuất gia, nhưng tinh thần quy ngưỡng Phật pháp, theo như điều giác ngộ thứ bảy, đã giúp người cư sĩ học Phật “giữ đạo luôn trong sạch, hạnh thanh tịnh cao xa, từ bi với tất cả”…

Trong kinh Đại Thừa, không thể quên được vị cư sĩ Bồ Tát đại diện cho dòng pháp giải thoát tự tại vượt lên mọi chướng ngại nghịch duyên dục ái nhiễm trần, đem lại nguồn sinh lực Phật pháp độ được bao hạng người trí thức đại phú thế gian, và còn khai thị dẫn độ cả đến hàng xuất gia còn chấp pháp. Đó là Bồ Tát Duy Ma Cật. Một vị cư sĩ nữa dù không hiện hóa bậc liễu đạo đại thừa, nhưng hình ảnh quy ngưỡng Tam Bảo đã hành hạnh bố thí với tâm thanh tịnh tuyệt đối mà thời Phật được nỗi danh là đại thí chủ, được mọi người quý trọng đó là Trưởng giả Cấp Cô Độc. Hai vị dù việc làm hạnh tu có khác nhưng đều là các vị Bồ Tát đại diện nói lên lòng từ bi, hạnh thanh tịnh, sống giữa trần mà chẳng nhiễm trần (cư trần lạc đạo). Đây là việc không những người cư sĩ phải học mà Phật tử xuất gia cũng lấy đó nhắc nhở sách tấn, tự tạo cho mình hình ảnh an lạc thanh tịnh để cả hai giới học Phật thực hành duy trì đạo giải thoát nơi thế gian.  

 

Điều giác ngộ thứ tám: Sinh tử luôn thiêu đốt, khổ não thật vô biên, nên phát tâm Đại thừa, cứu độ khắp tất cả, nguyện thay thế chúng sinh, gánh chịu vô lượng khổ, khiến cho tất cả loài, đều được đại an lạc. 

Đệ bát giác tri: Sinh tử xí nhiên, khổ não vô lượng, phát Đại thừa tâm, phổ tế nhất thiết, nguyện đại chúng sanh, thọ vô lượng khổ, linh chư chúng sanh, tất cánh đại lạc [42] 

Sự xuất hiện của chúng sanh đã là sự chết đi sống lại trong muôn kiếp vạn lần không tính được; trong vô số kiếp chết đi sinh lại, ta phải thọ mạng, sanh thân đủ dạng hình thù, và trong mỗi một hình tướng, phải chịu cảm thọ khổ nạn không thể nghĩ bàn được.

Trong bài Sám Ngã Niệm khuyến tu, với bốn câu đầu đã nói lên hết ý nghĩa dòng đời của một chúng sanh trôi dạt: “Ta từ kiếp trước không lường, Thất chơn bổn tánh nên duyên cõi trần, Chết đi sống lại xoay vần, Thay hình đổi xác mấy lần vào ra… [43]

Vậy sự khổ đã đi với ta từ bao giờ ? Ta nào đâu biết! Chỉ biết vì không nhận ra bản tánh là chân tịnh, nên duyên theo trần cảnh, rồi phải khổ mãi xoay vần, thay hình đổi dạng không biết bao lần. Nhưng mỗi lần thay hình đổi dạng là mỗi lần sinh tử, và nơi điều giác ngộ thứ tám đây, kinh tả sinh tử như là thiêu đốt, nghĩa là sinh ra chết đi, rồi tái sinh chết lại, rồi sinh lại chết đi, nó là một vòng cầu cháy phực không ngừng trong tâm thức chúng sanh. Lửa cháy nói lên thống khổ không ngừng của con người chưa ra khỏi vòng quay sinh tử.

Thử quan sát tìm kiếm người nào gọi là không khổ ở thế gian này? Chắc chắn sẽ không bao giờ tìm được. Vì sao? Vì Phật dạy Khổ là chân lý, chân lý thứ nhất trong bài pháp tứ đế, duy nhất đầu tiên được Phật khai thị cho người thế gian. Đối tượng nguyên nhân khai thị khổ đến từ con người; hễ là con người nhất định phải khổ.

Cái khổ là chân lý nên không gian, thời gian, bao giờ nơi đâu khổ đều có mặt, hay nói đúng hơn hễ có mặt người, có mặt khổ. Khổ từ vật chất đến tinh thần, từ thô kệch đến vi tế.

Tiếng khóc chào đời của một con người là biểu thị hiển hiện cuộc đời đau khổ, chẳng thế xưa nay có ai thấy được tiếng cười em bé mới sinh! Rồi khi con người lớn lên, ý thức phân biệt tăng trưởng, cái khổ theo đó hoành hành quấy phá chồng chất đeo đuổi cả trọn một đời.

Người quá nghèo đói đau khổ vật chất chỉ muốn quyên sinh, kẻ giàu có khổ đau tinh thần cũng chẳng còn muốn sống. Nếu kẻ nghèo đói vì nghiệp báo từ lúc mới sinh, nên phải chấp nhận đau khổ về phương diện thiếu ăn, mà không chịu đựng nỗi, thì kẻ đầy đủ giàu có từ nhỏ, nay trở thành tay trắng, cái khổ phải là đau điếng hơn và kết quả lắm khi đều đưa đến hủy mình tuyệt mạng.

Thế giới văn minh ngày nay được coi là sung mãn vật chất, nhưng con số người quyên sinh tự tử được thăm dò thống kê, mỗi năm trung bình lên đến trên nửa triệu người. Nguyên nhân chết có đủ lý do: chết vì thất bại, vì ô danh, vì bất tài, vì thù hận… Nhưng chết đi trong uất hận đau thương tự hủy hoại mình, thì tâm thức chơn linh càng thêm đau khổ, vì không thể xóa đi nhân quả. Thế thì ngoại trừ các bậc Bồ Tát xuất hiện bằng từ bi nguyện lực độ sanh, còn lại sự có mặt con người ở thế gian này chỉ là trả nghiệp và gây nghiệp.

Mỗi người tự tìm hiểu, có lẽ không ai lại không bị nghiệp báo tái sanh. Một vòng tái sanh của nghiệp báo đi từ vô thỉ đến nay nếu không tỉnh ngộ, sẽ phải tiếp tục đi mãi đến vô chung, và hình ảnh biến hiện của nó là thọ hình thân thể đau khổ này. Hình ảnh thương yêu, thù ghét, tham giận là một cụ thể khẳng định tuyệt đối của nghiệp báo sân giận si mê từ quá khứ. Không một ai ở trên thế gian này lại không có kẻ thương, người ghét; càng thương, càng ghét, càng chứng tỏ hành nghiệp ân oán tiền duyên (nhân duyên đời trước), càng đi sâu vào vòng nghiệp vay ân oán.

Tự chính bản thân con người luôn bị tham dục lẫy lừng sai khiến, để khó tránh được tạo nhân kết nối dục tình gắn bó ái ân. Nên lực duyên ràng buộc kết mắc gia đình, tình ái, thương yêu. Từ nơi gia đình nhân tố dính mắc càng tăng, khi kết quả thương yêu đó sanh sản ra một con người mới. Rồi con cái càng đông thương yêu càng lụy, đau khổ càng nhiều; xã hội được tạo thành từ nhiều gia đình thương yêu say đắm trong tình ái, và đất nước quốc gia, thế giới toàn cầu, kinh Phật dạy là Dục giới quả không sai.

Điểm rõ ràng như thế nên Phật dạy ngôi nhà thế gian là ngôi nhà lửa. Nó có thể đốt cháy thiêu rụi tất cả bằng ba thứ lửa hãi hùng nhất, đó là, lửa tham, lửa sân, lửa si.

Nhưng lửa đốt nơi gia đình chỉ phạm vi nhỏ, lửa mà người học Phật phải vượt qua là lửa thiêu trong ba cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Ngay cái vi tế bình an như vô sắc giới nhưng chưa giải thoát rốt ráo, vẫn phải xem như lửa khổ cản ngăn người học Phật. Như thế ngay cõi phiền trược thế gian này lửa cháy đã quá rõ ràng, đó là lửa sinh tử khổ đau luân hồi của người chưa giác ngộ.

Kinh dạy ta hiểu được điều này nên phát tâm Đại thừa, cứu độ khắp tất cả, nguyện thay thế chúng sinh, gánh chịu vô lượng khổ, khiến cho tất cả loài, đều được đại an lạc.

Người học Phật là người phát được tâm Đại thừa nghĩ tưởng đến chúng sanh; không nghĩ đến chúng sanh không thể nào gọi là học Phật. Nhưng chúng ta là những người vẫn còn mê muội thế gian, chưa đoạn sạch phiền não, tự mình đã chưa hẳn độ được mình, làm sao nghĩ độ chúng sanh khác, huống là nguyện thay chúng sanh gánh vô lượng khổ…? Nghi nan lớn như vậy, ta cần nên nhìn lại chính mình.

Kinh Phật, lời Tổ xưa nay chưa bao giờ sai lạc, chỉ có con người vọng thức vô minh chẳng nhận ra sự thật. Thành thật nhìn nhận rằng chúng ta vẫn đang giác ngộ, dù chỉ một phần giác ngộ; nhưng nhìn xem hàng vạn người khác chưa duyên học Phật, ta phải hiểu lời Phật chẳng sai. Vì sao? Vì nếu thấy được việc ta có được thắng duyên học Phật, nhất định phải thấy được chúng sanh khổ. Thấy được chúng sanh khổ tất nhiên có được Bồ Đề Tâm, tức là phát tâm Đại Thừa. Chỉ việc thấy chúng sanh khổ đã gần như phát tâm Đại Thừa rồi. Tâm đại thừa là tâm không phân biệt, tâm không có nghĩa đối lại tâm tiểu thừa, còn đối lại, còn so sánh chưa phải là tâm đại thừa.

Thế gian hiểu tâm đại thừa vì có tâm tiểu thừa, nhà Phật hiểu tâm đại thừa là tâm Phật; tâm mà hành giả chẳng chấp ngay vào sự hành pháp giải thoát, đó mới chính là tâm đại thừa.

Việc ý thức nghĩ đến chúng sinh khổ đồng nghĩa nghĩ đến cái khổ chính mình, vì mình là trong vô số chúng sinh. Một là tất cả, tất cả là một. Tu cho mình là tu cho người, độ cho người là độ cho mình. Thương người là thương mình, chính ngay nhờ có chúng sanh mà duyên giải thoát mới thành tựu. Đức Phật là một điển hình thực tế của chân lý, Ngài dạy rằng, phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật.

Sự hiện hữu của ta hôm nay có phải đã do cộng duyên của biết bao sự vật và con người khởi tác. Sự đối tác cộng hưởng duyên thành mọi sự mọi vật thế gian là một biển cộng nghiệp khổng lồ, mà trong đó ta đã thành người hôm nay. Như thế đương nhiên không thể từ chối chúng sinh, từ chối mọi vật mà tự cho mình tu Phật. Với chân nghĩa như vậy, một chúng sanh thành đạo sẽ có tác động đến nhiều chúng sanh khác. Tuy nhiên biển nghiệp mỗi cá nhân phải gánh chịu quả báo khác nhau, nên cộng hưởng cũng tùy duyên chiêu cảm.

 Xét về chiêu cảm, ứng hóa thiện báo của Phật, điều này ta không làm được, nhưng nếu quên mất Tâm Đại Thừa độ sanh thì ngược đi lời Phật, điều này kinh Hoa Nghiêm dạy “vong thất bồ đề tâm tu chư thiện pháp, danh vi ma nghiệp”, nghĩa là, tu bao nhiêu thiện pháp mà quên mất bồ đề tâm cũng chỉ là theo nghiệp của ma. Thế thì hiểu theo nghĩa, nguyện thay chúng sinh, gánh chịu vô lượng khổ… là tự bản thân hành giả trước nhất phải chuyển mình thành một tác nhân, duyên khởi, tu thiện tạo đức, để được quả báo toàn thiện mai sau.

Nói đến nguyện thay thế chúng sinh, gánh chịu vô lượng khổ, khiến cho tất cả loài, đều được an lạc; ta nghĩ ngay Bồ Tát Địa Tạng và Bồ Tát Quán Thế Âm. Sự xuất hiện của nhị vị Đại Bồ Tát này, theo lịch sử chỉ được nhắc qua trong kinh điển, trong những cảnh giới bất tư nghì, đó là cảnh giới phi vật chất, vượt ngoài nhục nhãn phàm phu. Ngài Địa Tạng Bồ Tát lập nguyện độ khắp thảy chúng sanh ở cảnh giới đen tối, đó là cảnh địa ngục; Ngài Quán Âm Bồ Tát lập nguyện độ khắp thảy chúng sinh ở cõi Ta Bà, và những cảnh giới khác nếu Ngài nghe đến cần duyên cứu độ. Lòng từ của các Ngài chúng ta không thể lường được, và hình ảnh các Ngài chúng ta cũng không thể suy lường ra; ngay cả thời Phật còn tại thế có lẽ chỉ có chư vị đệ tử chứng đạo của Phật mới thấy được. Như vậy đừng hiểu lầm, chấp chặt vào dung nghi pháp tướng của Quý Ngài chỉ là những hình tượng được thờ hiện nay.

Ảnh tượng bao giờ cũng vẫn là phương tiện thể hiện một trong vô số hóa thân của chư Phật và Đại Bồ Tát. Tuy nhiên chúng ta chớ vội nghi ngờ nhị vị Đại Bồ Tát Địa Tạng, Quán Âm chỉ là danh từ, hình ảnh, ẩn dụ, ẩn ý.

Hãy nên nhớ rằng, sự hiểu biết về hiện hữu thế giới của chư Bồ Tát là do Phật dạy, hơn nữa cảnh giới chứng đạo của bậc vô nhiễm, siêu nhiên, thanh tịnh, phàm phu chúng ta không bao giờ hiểu nổi, nói chi là thấy. Và không chỉ vỏn vẹn có hai vị Bồ Tát này, mà vô số Bồ Tát siêu việt như vậy, đó là cảnh giới của các bậc thanh tịnh sống trong tần số không gian phi vật chất, là cảnh giới dệt bằng quang minh (ánh sáng) chân thức.

Ta thử suy nghĩ về một chúng sanh hữu hình tại thế giới này khi bỏ xác thân, liền ngay lúc đó họ sẽ có một thế giới phi vật chất (thần thức), do đó mới có việc luân hồi nghiệp thức, và chuyện oan hồn uổng tử, vong linh chưa giải thoát có lẽ đã nghe qua quá nhiều. Đó là chứng minh có thế giới vi tế của một tâm thức đau khổ, nói lên cảnh giới địa ngục, và ngược lại thế giới vi tế của một tâm thức trong sáng của những con người thánh thiện khi còn tại nhân gian.

Hiểu biết chư vị Bồ Tát như vậy, tạo cho ta một niềm tin, một nguyện lực, về sự từ bi về tâm đại thừa của Bồ Tát, và nếu Bồ Tát là kết quả của sự tu thánh thiện phát tâm đại thừa, thì phàm nhân chúng ta cũng đang tiến tu lập nguyện.

Phật từng dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, thì tánh Bồ Tát chỉ là đoạn đường phải đi qua trước khi thành Phật. Cho nên hiểu rằng, ngay khi lập nguyện Đại Thừa phát khởi, tánh giác cũng đã hiện sanh nơi tâm; như thế con đường hành đạo theo chân chư vị Bồ Tát sẽ là điều tất nhiên của người học Phật.

 

Tổng kết kinh Bát Đại Nhân Giác

Tám điều nói trên đây, Đại nhân Phật Bồ Tát, đã từng tự giác ngộ, và tinh tấn hành đạo, tu từ bi trí tuệ, nương theo thuyền pháp thân, đến nơi bờ Niết Bàn; rồi trở lại sinh tử, độ thoát các chúng sinh, cũng đem tám điều này, chỉ dạy cho tất cả, khiến mọi loài chúng sinh, biết được sinh tử khổ, xa lìa năm món dục, tu tâm theo Thánh đạo. Nếu người đệ tử Phật, tụng niệm tám điều này, sẽ ở trong mỗi niệm, diệt được vô lượng tội, thẳng tiến đến Bồ đề, mau thành tựu Chánh giác, dứt hẳn đường sinh tử, thường an trú tịnh lạc. 

Như thử bát sự, nãi thị chư Phật Bồ Tát đại nhân chi sở giác ngộ, tinh tấn hành đạo, từ bi tu tuệ, thừa pháp thân thuyền, chí Niết Bàn ngạn. Phục hoàn sinh tử, độ thoát chúng sinh, dĩ tiền bát sự, khai đạo nhất thiết, linh chư chúng sinh, giác sinh tử khổ, xả ly ngũ dục, tu tâm Thánh đạo. Nhược Phật đệ tử, tụng thử bát sự, ư niệm niệm trung, diệt vô lượng tội, tiến thú Bồ Đề, tốc đăng chánh giác, vĩnh đoạn sinh tử, thường trú khoái lạc [44] 

Chấm dứt phần kinh tám điều giác ngộ, đoạn tổng kết khai thị rằng, chư Phật, Bồ Tát, các bậc đại nhân đều thành đạo từ nơi tám điều này. Ngoài tám điều này ra không có gì hơn để giác ngộ. Do giác ngộ, nên từ phàm trở thành Thánh, từ vô minh vượt lên giải thoát.

Chúng ta vẫn mãi lặn hụp trong biển khổ mênh mông cũng vì chưa giác ngộ; nếu có chăng chỉ là ánh chớp chợt hiện chợt tắt chẳng được bền lâu.

Đời sống thường nhựt, những sự thường tình nhất ít ai quan tâm để ý, nhưng đến khi bế tắc tinh thần mới thấy các sự tầm thường mỗi ngày, mỗi tác động, đều có ý nghĩa, và ngược lại mọi thứ quan trọng lăn xăn ở thế gian chừng ấy trở thành vô vị, chẳng màng. Sự tầm thường thông tục, giản dị không đáng lưu tâm kia, là giờ phút hiện tại ta đang còn ăn uống, nói năng sinh hoạt hiện thời. Thử rằng nếu ta bất lực trong cái bình thường vừa kể, thì cuộc đời có còn ý nghĩa chăng! Chư Thánh Bồ Tát chỉ khác con người bằng cách nhìn đời như thật, ý thức từng giây phút hiện tại, đều là những pháp học có thể tích tụ tạo nên thiện đức dẫn đến siêu việt giải thoát.

Sự thể bình thường hiện thực là sự sinh diệt hư hoại từng sát na, cụ thể đó được hiện thành biểu lộ bằng những bất toại bất thành của thế gian.

Đã biết cả hành tinh thế giới, đang dần hư hoại theo chu kỳ vô thường sinh diệt, thì sá chi những vật thể sống nhờ bám víu trên hình thể hành tinh. Chư Thánh ý thức rõ ràng như thế nên không một tác động hành vi nào trên thế gian mà các Ngài không dè dặt thận trọng, tận lực vươn lên không để hệ lụy dính mắc những điều vô thường hư giả đó.

Ẩm thực, sinh nhai, hoạt động bình thường, nhưng lắm khi nào ngờ phát sinh dấy lên tạo nghiệp, nếu như không suy xét nguyên nhân hiện hữu những thứ bình thường đó.

Rồi trong thế giới đa dạng, ý thức theo đó sinh ra có đủ hạng người, nhiều người sinh sống hoạt động xã hội thật có ý nghĩa, mang đến lợi ích cho mọi người, cho quốc gia đất nước, người như vậy chỉ có tạo phước, càng sống càng làm đẹp cho đời. Ngược lại cũng không ít người sống chẳng đem lại hạnh phúc cho mình nói chi ban cho kẻ khác.

Những dị biệt bất đồng như vậy, đã nói lên thế giới của phàm phu, xen tạp muôn hình vạn trạng, nhưng từ đây lại xuất hiện ý thức siêu phàm, ý thức vượt lên giải thoát. Đó là việc làm của các bậc Thánh nhân. Và việc làm đó là việc làm phù hợp theo lời dạy của bậc đại giác, là thời kỳ mà chúng ta đã và đang biết đến giáo lý giải thoát của Ngài.

Như thế trong sự liễu đạo của chư Thánh Bôà Tát với hoàn cảnh thế giới vô thường khổ vui sinh diệt, các Ngài lại lấy đó làm mục tiêu thành đạo, và chúng ta nhờ vậy mới hiểu được cả hai, thế nào là dính mắc, xả kỷ vượt lên.

Chư Thánh Bồ Tát các bậc đại nhân vẫn hoạt động tích cực không ngừng, nhưng chẳng ngại việc thành, hư, dính mắc; các Ngài điềm nhiên mà sáng suốt, dấn thân mà tự tại; thậm chí chất liệu giác ngộ cuộc đời là vượt lên cuộc đời tìm cầu giải thoát cũng chẳng vướng tâm.

Sống là sống, chết là chết, sống chết là nhân duyên, là tựu tan, biến dịch, sinh diệt, vô thường và tự tại như thị của cuộc đời. Các Ngài giác ngộ, giác ngộ sự thật chân lý, nên tận lực triệt để ý thức sáng suốt định tỉnh kiên trì vô ngại. 

Chúng ta cũng ý thức, tri nhận, am tường, dòng sống là ngút ngàn không đầu mối, nhưng lại không ngừng tạo tác vọng nghiệp tái sanh. Hiểu vô thường mà chẳng nghĩ ngay chính bản thân, nên sanh tử vẫn là điều nhọc nhằn xưa nay chẳng thoát khỏi. Thực tế đó là bám chặt vào đời sống con người và vật thể, để không hiểu rằng đời sống là nhân duyên ly tán, rồi sinh ra nguyên nhân đánh mất hiện tại, chạy theo vô thường hư vọng. Chừng tỉnh cuộc vô thường, trong lúc thân thể bại hư, tinh thần chậm lụt, bấy giờ một giây một phút trôi qua chỉ là đau thương hối tiếc, và vậy đâu còn cơ hội nhân duyên, sống lại những giờ phút gọi là tầm thường thông tục!

Tám điều giác ngộ phát xuất từ lòng đại bi muốn cứu độ chúng sanh, lại bằng trí tuệ rốt ráo mới thực hiện được lòng từ trong thế giới nhiễm động này. Người Phật tử là người hiểu được cái khổ thế gian hơn ai hết, nên không thể nào, vượt thoát luân hồi mà không quay lại hóa độ chúng sanh. Tư tưởng hoài bão như vậy là tinh thần Bồ Tát đạo, xứng danh thật chân Bồ Tát.

Cuối cùng lời kết khẳng định dạy rằng, tụng niệm tám điều này, sẽ ở trong mỗi niệm, diệt được vô lượng tội, thẳng tiến đến Bồ đề, mau thành tựu Chánh giác, dứt hẳn đường sinh tử, thường an trú tịnh lạc.

Việc tụng niệm là việc ghi nhớ, răn nhắc, ghi tâm, thức tỉnh, nhủ lòng nguyện hứa thực hành theo, và phải thường xuyên trì tụng, mới có thể tác động vào tâm biến thành hành động, nếu không chỉ là phát niệm tán thán ghi nhận chừng vài ngày, đôi bửa, rồi vô minh lại sinh khởi tiếp tục hành vi tạo nghiệp.

Cho nên ta phải thường tụng và còn phải học thuộc tám điều này. Thường tụng cũng có nghĩa luôn luôn ghi nhớ chứ không nhất thiết phải là hình thức y áo chỉnh tề trang nghiêm trong giờ hành lễ.

Chắc chắn rằng chư Đại Bồ Tát, Thánh Tăng phải là thường tụng trong tâm tám điều giác ngộ này. Nên chi các Ngài lúc nào cũng chẳng hở chánh niệm tràn đầy trong tâm, thành ra đi, đứng, nằm, ngồi đều thấy vạn pháp đang sinh, đang diệt, và an nhiên tự tại hiển lộ chân tướng của bậc Thánh nhân.

Thực hành trì tụng kinh này giống như pháp tu niệm Phật, hành giả phải luôn ý thức khắc ghi vào tâm tám điều giác ngộ một cách tha thiết thành tâm.

Như người niệm Phật, định tỉnh hằng ghi vào tâm danh hiệu Phật, tức không còn tham ái, si mê, sân giận, ứng hợp, hòa nhập với bản thể nhất như vô ngại, như bản thể ánh sáng vô lượng (vô lượng quang) của Ngài (Phật A Di Đà), tức thì hành giả niệm Phật mới có thể tự tại được kết nạp vào dòng sáng thanh tịnh giải thoát, và ngày ra đi sẽ được vãng sanh. Phải luôn niệm và phải liễu nghĩa, chứ không phải niệm suông, còn đầy chất tham, si, ái mà có thể vãng sanh được.

Tụng trì tám điều giác ngộ, tất nhiên như trên đã nói, phải được thực hiện mới phản ảnh được việc trì niệm thành tựu công đức.

Cuối cùng quả báo chung cuộc của việc tụng niệm là thành đạo chánh giác. Như thế còn có pháp tu nào đánh động tâm thức của người Phật tử bằng tám điều giác ngộ này!

Thiết nghĩ có thể không cần bàn thêm nhiều nữa, vì không thể nói hết sự quan yếu ý nghĩa thâm trầm sâu sắc trong giáo điển. Nhưng thật nhiệm mầu thay, sự thâm áo, uyên nguyên bất khả tư nghì lại được cô đọng giản dị qua tám điều giác ngộ, mà ai đọc qua cũng đều cảm xúc, để tức khắc hiểu rằng cuộc đời là vô thường, con người khổ vì tham ái, và sự giải thoát là giải trừ tham độc, tri túc biết đủ, rồi học đạo giải thoát, phát tâm đại thừa cứu độ chúng sanh.

Tóm lại lời kết, vẫn là thực hành, để còn đuổi kịp ý thức phân biệt vô thường, đừng để con thuyền giải thoát cập bến đón đưa, mà chúng ta vẫn mãi dõng dạc với ngôn từ, nhưng rồi chẳng thể bao giờ bước được một bước, bước lên con thuyền giải thoát. 

Nam Mô A Di Đà Phật

Viết xong ngày 31/1/2005

TK Thích Phổ Huân


 

[1] * Mười bài giảng kinh Bát Đại Nhân Giác – HT Thích Tinh Vân - dịch giả: Thích Minh Quang. Trang 7, bản in tại Đài Loan tháng 1/2003 

[2] o  

[3]* sđd: trang 15&16

[4] o為佛弟子常於晝夜至心誦念八大人覺.

[5]* Từ điển Phật học Huệ Quang (Cảo bản) - chủ biên Thích Minh Cảnh, trang 2691, giải thích Giới thể: chỉ cho công năng ngăn ngừa những điều sai quấy phát sanh nơi tâm hành giả sau khi thọ giới. Cũng tức là ý chí phụng trì và niềm tin đối với giáo pháp.

[6] * Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng: nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.

 [7]o第一覺悟: 世間無常, 國土危脆, 四大苦空, 無我, 生滅變異,虛偽無主, 心是惡源, 形為罪藪, 如是觀察, 漸離生死.

[8] * Thuộc về Tam Pháp Ấn: Chư hành vô thường, Chư pháp vô ngã, Niết Bàn tịch tĩnh.

[9] ** Ngược với vô vi, chân như, vô ngại; đó là những gì còn sanh diệt tương đối giả lập, phương tiện v.v…

[10] * Vô sắc giới: cảnh giới vi tế nhất trong tam giới; không hình sắc, chỉ sinh hoạt bằng tâm thức, và thường an lạc, an trụ trong thiền định. (xin xem thêm các từ điển Phật học Hán Việt).

[11]* Động đất, sóng thần ngày 26/12/2004 với độ chấn động là 9 richter; ảnh hưởng gây hại có tới cả chục quốc gia ven biển, các nơi được kể nặng nhất là: Nam Dương, Tích Lan, Ấn Độ, Thái Lan; và con số nhân mạng tử vong được tính chung tất cả lên đến trên 220,000 người.

[12]* Kinh Tương Ưng Bộ tập III, phẩm Vô Thường. Ấn hành 1993 .

[13] *-chuyện được trích từ sách Ngũ Uẩn Vô Ngã của Cố HT Thích Thiện Siêu – trang 228, nxb TGHN 1999).

[14]* Kinh Pháp Cú (Dhammapada) - Phạm Kim Khánh dịch, ấn bản 1971, trang  53.

[15]* Kinh Thủ Lăng Nghiêm trang 35, 36, quyển 1- của Đơn Hà Thiền Sư, HT Đôn Hậu, Mật Nguyện giảng giải. Viện Triết Lý VN & Triết Học thế giới xuất bản 1995.

[16] o第二覺知:多欲為苦, 生死疲勞, 從貪欲起, 少欲無為, 身心自在.

[17]* Kinh Pháp Cú đã dẫn, trang 291-292.

[18]*Kinh Trung A Hàm (Đại tạng kinh Việt Nam) - Ấn hành 1992, Phẩm Khổ Aám, các trang 581-583.

[19]* Thiền Lâm Bảo Huấn – HT Thích Tâm Châu dịch, ấn hành 1991 (Canada), thiên thứ 3, trang12

[20] o第三覺知: 心無厭足, 唯得多求, 增長罪惡,菩薩不爾,常念知足, 安貧守道, 唯慧是業

[21] * Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm ‘Đề Bà Đạt Đa’ thứ mười hai, HT Thích Trị Tịnh dịch.

[22] * Ngũ dục: tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ (Điều giác ngộ thứ bảy được giải thích rõ hơn).

[23] * Khóa Hư Lục – Chế tác Trần Thái Tông Hoàng Đế – dịch giả Sa môn Thích Thanh Kiểm – PL 2536 – 1992.

[24] * hiểu biết, kiến thức, tư duy của chính mình

[25] * Gọi là tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới – Xin xem giải thích trong Phật học Tự điển - Đoàn Trung Còn, hoặc các Từ điển Phật học khác.  

[26] o第四覺知:懈怠墜落,常行精進,破煩惱惡, 摧伏四魔,界獄. 

[27]*- Tứ đại: đất, nước, gió, lửa.

 - Còn gọi là Ngũ Uẩn: năm thứ tích tập, chứa nhóm duyên hợp với nhau, đó là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. 

[28] o 五覺悟: 愚癡生死,菩薩常念, 廣學多聞, 增長智慧,成就辯才, 教化一切, 以大樂.  

[29] (Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích Bồ Đề, do như cầu thố giác.)

* -Kinh Pháp Bảo Đàn – dịch giả Đinh Sĩ Trang – 1999- trang154. 

[30]* Lăng nghiêm ảnh hiện – Nghiêm Xuân Hồng - nxb Văn Khoa 1991, trang 10, 11. 

[31]* Khoa Học dưới lăng kính Phật giáo – của Thượng Tọa Prayudh Payutto, Thích Tâm Quang dịch, ấn hành năm 2000 tại Hoa Kỳ, trang 255 -257.  (In any case, many eminent physicists have said that the knowledge of science is only partial, and is only a beginning. In terms of the model of the rings, it would seem that the knowledge of matter is only the inner ring of the circle, because it is limited to the five senses, ignoring the sixth. Beyond these senses we arrive at the world of symbols, mathematical proofs, in relation to which we have Sir Arthur Eddington’s words:“We have learnt that the exploration of the external world by the methods of the physical sciences leads not to a concrete reality but to a shadow world of symbols”. Another eminent physicist is Mr. Max Planck, who won the Nobel Prize for Physics in 1918, and is regarded as the father of modern Quantum Theory. Planck was known to have stated that no sooner was one of science’s mysteries solved than another would arise in its place. He conceded the limitations of scientific truth in even clearer words: “…Science cannot solve the ultimate mystery of nature. And that is because, in the last analysis, we ourselves are part of nature, and, therefore, part of the mystery that we are trying to solve.”

One scientist went so far as to write:

“…the most outstanding achievement of twentieth century physics is not the theory of relativity with its welding together of space and time, or the theory of quanta with its present apparent negation of the laws of causation, or the dissection of the atom with the resultant discovery that things are not what they seem; it is the general recognition that we are not yet in contact with ultimate reality.”nhận 

So it has reached this stage! This is the most significant advance of science: the realization that it is incapable of reaching the truth. All it can lead to is a shadow world of symbols. If science accepts this situation then it must be time to choose a new path: either to redefine its scope, or to expand its field of research in order to attain the complete truth of nature). 

[32] **Sắc trần: muôn vàn hình ảnh làm đối tượng nhận thức của mắt và ý thức (nhãn căn, nhãn thức) 

[33] *** Sắc pháp: danh từ Duy Thức học, nói về hình ảnh sắc tướng nơi thân và ngoài thân. Nơi thân: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Ngoài thân: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Cộng lại thành mười một món sắc pháp, diễn tả lên hình của chủ thể và đối tượng chủ thể của một dòng sống linh hoạt nhiệm mầu nầy.      

[34] * Phật Giáo – của Tuệ Quang Nguyễn Đăng Long – tái bản lần thứ I tại Hoa Kỳ tháng 6 – 1990.oHoa kkd hOAkkdkk 

[35]    六覺 :貧苦多怨, 橫結惡緣, 菩薩布施, 等念冤親, 不念舊惡, 不憎惡人.

[36] * Chuyện ‘Định nghiệp khó tránh’ trong sách “Đường về nội tâm” – Cố Ni Sư Trí Hải.    

[37] * Tu Bồ Đề! Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư bố thí. Sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ Tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng.

[38]o  七覺: 五欲過患, 雖為俗人, 不染世樂, 常念三依, 缽法器, 志願出家, 守道清白, 梵行高遠, 慈悲一切 

[39] Thiền Lâm Bảo Huấn, sđd -tr 14. 

[40] * Thế rồi bất giác mà lóng cóng già yếu, nhưng gặp việc thì như đối diện với tường vách. Hậu học thưa hỏi thì không có lời tiếng chi để hương dẫn -  HT Thích Trí Quang dịch. 

[41] * Từ Điển Phật học Hán Việt - Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, xuất bản 1994 trang 1347, giải thích: 1-Tăng Già Lê, tiếng Hán dịch nghĩa là Chúng tụ thời y (áo mặc khi hợp với các chúng), mặc khi đại chúng tập hội cử hành các nghi thức trang nghiêm như thụ giới, thuyết giới; 2-Uất Đa La Tăng, tiếng Hán dịch nghĩa là Thượng y, mặc trên áo An Đà Hội; 3. An Đà Hội, tiếng Hán dịch nghĩa là Trung trước y (áo mặc ở trong) tức là áo lót mặc sát người. Tam y đều là hình vuông may chắp bằng nhiều mảnh, nên tùy theo số mảnh nhiều ít mà phân loại Tam Y. An Đà Hội thì có 5 mảnh (Ngũ điều), Uất Đa La Tăng có 7 mảnh (thất điều), Tăng Già Lê có 9 mảnh trở lên (Cửu điều,…). Đặc cách gọi áo Tăng Già Lê là Đại y. 

[42] o第八覺知:生死熾然,苦惱無量,發大乘心,普濟一切, 願代眾生, 受無量苦, 諸眾生, 畢竟大樂 

[43] * Ngã niệm tự tùng vô lượng kiếp, Thất viên minh tánh tác trần lao, xuất sanh nhập tử thọ luân hồi, dị trạng thụ hình tao khổ sở… (Sám Ngã niệm được đăng trong “tuyển tập 5, 55 Bài sám văn chọn lọc” Xuất bản tại Việt Nam) 

[44] o如此八事, 諸佛菩薩大人之所覺悟精進行道慈悲修慧乘法身船至涅槃岸生死, 度脫眾生以前八事 道一切令諸眾生覺生死苦 離五欲修心聖道若佛弟子誦此八事於念念中滅無量 進趣菩提 速登正覺永斷生死常住快樂 o

 

---o0o---
Chân thành cảm ơn ĐĐ Thích Phổ Huân
đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này
(TK Nguyên Tạng, 3-2005)

---o0o---
 

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-04-2005

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

thÕ duong su ngó Trung thu hoài ức và trăn trở 西南卦 BÃÆn người béo phì có nguy cơ mắc bệnh 31 dao tin 580 651 t l quach tuan du chuan bi to chuc live show nhac phat hoai vong ton su Sinh tố dưa hấu dâu tây Phụ nha khoa hoc albert einstein va dao phat Chảy đi sông ơi nhá cáo chung 永平寺 cham tÕng Người là niềm tin 4 lời khuyên cho người lười tập thể CHÙA Gió Trẻ ăn chay trường kim cang tuc Thầy nghỉ ngơi thảnh thơi để trở về với giá trị đích thực của cuộc sống chua gam va su phat trien phat giao xu nghe niệm phật một tháng phật di đà cho xuan dinh dau cua moi nguoi Lễ giỗ Đệ tam Tổ Trúc Lâm si鎈 Chùa Thơ nhung cung bac com chay ô Tự du già Dễ Æ Ẩm Thừa Thiên Huế Trùng tu Đài kỷ niệm khẩu cac ban tre thoi nay nhin cuoc doi nhu the nao sau thuc HẠky