Phật Học - Muốn giải thoát hãy chữa bệnh tâm.

.

 

 

MUỐN GIẢI THOÁT:

HÃY TỰ CHỮA BỆNH TÂM

 

Lama Thubten Yeshe

Vô Huệ Nguyên dịch

 

 

Mục Lục

 

Giới Thiệu Của Nhà Xuất Bản

Tìm hiểu chính mình qua Phật Giáo

Tôn giáo: con đường để tham vấn

Một cái nhìn thoáng qua về tâm lý học Phật Giáo

 

 

 

Giới Thiệu Của Nhà Xuất Bản ^

 

Những bài thuyết giảng của Lạt ma Yeshe rất độc đáo. Không có ai dạy như Ngài. Nó rất thực tế, ngay lập tức, tự khởi phát, từ sâu thẳm trái tim của Ngài. Anh ngữ Ngài dùng rất thống nhất, đơn giản. Không có ai nói như Ngài. Lối diễn tả của Ngài rất sáng tạo, không chỉ bằng lời nói mà nó được phối hợp với cả con người của Ngài. Làm thế nào chúng ta có thể chuyển đạt tất cả những yếu tố đó trên giấy trắng mực đen bây giờ? Như chúng tôi đã nói ở một nơi nào đó, chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức mà thôi.

           

Lạt ma thường tuyên bố, những lời giảng dạy của Ngài sẽ không khô cằn, không hoàn toàn giáo điều, không lý thuyết triết học nhưng nó rất thực tế, đi vào từng cuộc đời của chúng ta, dùng những phương pháp đơn giản của con người để nhìn vào bên trong và hiểu được tâm của chúng ta. Ngài luôn luôn khuyên chúng ta hãy tự tìm hiểu xem chúng ta là ai, chúng ta là cái gì. Trong những phong thái khôi hài riêng của Ngài, Ngài thách đố chúng ta có dám tự khám nghiệm, tự phê phán những dự tưởng, những ý định của chúng ta không, để từ đó chúng ta nhìn ra được thực chất của tâm chúng ta như thế nào,  chúng ta đã tạo ra đau khổ và hạnh phúc như thế nào; và cũng từ đó chúng ta nhận lãnh trách nhiệm như thế nào trên tất cả những hành động của chúng ta, tốt cũng như xấu.

           

Trong cuốn sách nhỏ này, chúng tôi đề cử ba bài thuyết pháp của Ngài về những vấn đề thông thường trong Phật giáo. Ðây là những bài giảng dạy hướng về những người Tây phương cách nay đã trên 20 năm. Tuy nhiên, như Ngài vẫn thường nhấn mạnh, những lời dạy của Ðức Phật thì luôn luôn vượt thời gian và không gian, nó xẩy ra cách đây trên 2,500 năm nhưng nó vẫn có giá trị trong muôn đời và ngay trong ngày hôm nay. Vì thế, không có gì phải nghi ngờ về giá trị của những bài thuyết giảng này mặc dù nó đã được nói ra từ những năm 1970.

           

Theo sau mỗi bài giảng là có phần giải đáp những câu hỏi. Lạt ma và thính giả luôn luôn trao đổi với nhau một cách rất chân thành từ những kinh nghiệm thực trong cuộc sống đến những ý kiến cao siêu về đạo pháp. Hầu như tất cả thính giả đều là những người lần đầu tiên được tiếp xúc với Lạt ma Tây Tạng nên họ đã hỏi tất cả những gì họ thắc mắc từ lâu. Trong mỗi lần xuất hiện, Ngài đều trả lời những câu hỏi bằng tất cả tấm lòng chân thành, vui vẻ và tâm từ bi của Ngài.

 

Mặc dầu đây là những bài thuyết pháp nhưng tôi nghĩ rằng Ngài luôn luôn khuyên chúng ta nên dùng nó như là những tấm gương để chiếu soi tâm của chúng ta, hãy hiểu thấu ý nghĩa sâu xa của từng lời dạy bảo để tìm cho ra chúng ta là gì và hãy trở nên một nhà tâm lý tự chữa bệnh tâm cho chính chúng ta.

 

Tôi xin cám ơn Chelyl Bentsen, Rand Engel và Wendy Cook về những lời khuyên tâm linh giá trị, cũng như Garett Brown và Jenifer Martin trong vấn đề trang trí để hoàn thành tp sách nhỏ này.

 

Dr. Nicholas Ribush

 

 

 

 

 

TÌM HIỂU CHÍNH MÌNH QUA PHẬT GIÁO ^

 

 

 

Khi chúng ta tìm hiểu Phật giáo là chúng ta tìm hiểu chính mình, tìm hiểu tâm bản nhiên của chính chúng ta. Thay vì để ý đến những vấn đề siêu việt, siêu nhân, Phật giáo thường chú trọng đến những vấn đề thực tế như làm thế nào để thăng tiến đời sống thường ngày, làm thế nào để tâm hồn thêm tốt đẹp và làm sao giữ cho đời sống của chúng ta luôn thanh thản, khỏe mạnh. Thực ra chúng tôi chẳng coi Phật giáo là một tôn giáo đúng nghĩa của một tôn giáo. Theo quan điểm của các Lạt ma thì Phật giáo thiên về triết lý sống, khoa học và tâm lý học hơn.

           

Thông thường tâm của con người thích tìm kiếm hạnh phúc. Dù là người phương Ðông hay người phương Tây, chúng ta đều có những ước muốn giống như nhau, chẳng có gì khác hơn điều đó. Nhưng nếu sự tìm kiếm hạnh phúc bắt nguồn từ một lý do tham lam, bám víu thì thật là nguy hiểm. Chúng ta đã không có sự kiểm soát. Chúng ta không tỉnh thức.

           

Ðừng nghĩ rằng sự kiểm soát đó chỉ dành cho người Ðông Phương  hay dành cho Phật tử. Tất cả chúng ta đều cần phải tự kiểm soát, đặc biệt những người đang chạy theo đời sống vật chất, những người đang mong tìm sự vừa ý và những người đi tìm cảm giác. Những người đó đã quá chú trọng đến đời sống bên ngoài và thích đi tìm những sự ràng buộc. Theo Phật giáo, đó là những người bị tâm bệnh, những người có bệnh tâm thần.

           

Thực tế cho biết, những người chạy theo đời sống bên ngoài, những người chỉ mong tìm sự thỏa mãn ở những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã chẳng bao giờ hài lòng, chẳng bao giờ giải quyết được những đòi hỏi của dục vọng. Nhưng, những gì Ðức Phật dạy lại chỉ cho chúng ta biết được những khả năng của tâm chúng ta, những tiềm năng tự nhiên của con người. Mỗi khi chúng ta nghiên cứu Phật giáo là chúng ta tự tìm hiểu chính chúng ta, chúng ta là ai và làm thế nào để tiến xa hơn, để phát triển hơn nữa. Thay vì quan tâm đến những hệ thống tín ngưỡng, những phương pháp của Phật giáo dạy chúng ta phát triển sự hiểu biết sâu xa về chính con người chúng ta và những hiện tượng ở chung quanh chúng ta.

           

Tuy nhiên, dù chúng ta đang theo một tôn giáo hay đang chạy theo đời sống vật chất, dù có lòng tin hay vô thần, điều quan trọng là chúng ta có hiểu tâm của chúng ta làm việc như thế nào không? Nếu không, chúng ta chỉ đi “loòng voòng” rồi chúng ta tưởng rằng chúng ta đang hạnh phúc, chúng ta đang khỏe mạnh, nhưng thực ra chúng ta đang đi sâu vào ảo tưởng, ảo giác, vì thế những mầm mống của tâm bệnh lại đang từ từ lớn lên ở trong ta. Chính vì thế khi đời sống thường ngày có một chút thay đổi, có một chút bất mãn là chúng ta trở nên tức giận và cáu kỉnh ngay. Ðối với tôi, đó là tâm bệnh. Tại sao? Bởi vì chúng ta chạy theo đời sống vật chất, bị mù quáng vì những ràng buộc và bị kiểm soát bởi những căn nguyên gây ra những rắc rối. Chúng ta đã không biết bản tính tự nhiên của tâm chúng ta!

           

Chẳng sao cả, nếu chúng ta cứ làm lơ những điều nói ở trên và vẫn cho rằng “tôi chẳng tin gì cả.”  Ðây chẳng phải là vấn đề để tin. Cũng không sao cả, không cần biết chúng ta tin đến mức độ nào, dù tin hay không tin tôi có một cái mũi thì cái mũi vẫn ở đó, ở ngay giữa đôi mắt của tôi. Cái mũi của chúng ta vẫn ở đó dù chúng ta tin hay không tin!

           

Tôi đã gặp rất nhiều người, họ hãnh diện tuyên bố: “ tôi chẳng phải người dễ tin!”  Họ qúa tự kiêu về sự không tin tưởng của họ. Hãy thận trọng! Ðây là một vấn đề quan trọng để biết: hiện nay có qúa nhiều điều mâu thuẫn trên thế giới này! Khoa học vật chất tuyên bố: “tôi không tin,” tôn giáo tuyên bố: “tôi tin.” Nhưng không sao cả, dù tin hay không tin, chúng ta vẫn cần tìm hiểu bản tính tự nhiên của tâm chúng ta. Nếu không thì dù chúng ta có nói về những sự ràng buộc đang xẩy ra bao nhiêu đi nữa, chúng ta cũng chẳng có ý niệm gì rõ ràng về chúng và làm sao để kiểm soát chúng. Nói thì rất dễ. Ðiều khó khăn là làm thế nào để hiểu được bản tính tự nhiên của sự ràng buộc.

           

Thí dụ, khi con người mới chế ra xe và máy bay, họ tin tưởng rằng họ có thể làm được mọi việc nhanh hơn để rồi có nhiều thì giờ nghỉ ngơi. Nhưng rồi chuyện gì đã xẩy ra, họ lại vất vả hơn và chẳng có đủ thời giờ để nghỉ ngơi hơn trước kia. Hãy quan sát đời sống thường ngày của chúng ta, vì bị ràng buộc nên chúng ta bị chôn vùi sâu xa vào đời sống vật chất do chính chúng ta tạo ra đến nỗi chúng ta đã bỏ quên chính mình mà không còn một chút thời giờ để trực diện với tâm ta. Với tôi, đó là sự định nghĩa cho một đời sống khó khăn. Chúng ta không thể tìm đâu ra sự thỏa  mãn hay sự thụ hưởng đời sống. Sự thật là: hạnh phúc và an lạc chỉ có từ tâm ta, chẳng phải từ những vật ở bên ngoài!

           

Tuy nhiên, có những người thông minh, có những người không tin vào đời sống vật chất, họ hiểu cái gì cũng có gía trị của cái đó. Họ vẫn hưởng thụ đời sống nhưng họ cũng cố gắng tìm hiểu cái gì mới thực sự mang lại hạnh phúc cho cuộc đời.

           

Khi Ðức Phật nói về khổ, Ngài đã không chỉ đơn giản đề cập đến những vấn đề bệnh tật gìa nua nhưng Ngài đã nói thẳng đến các căn nguyên của đau khổ và bất mãn, chúng đang nằm tại tâm của chúng ta. Chẳng cần biết chúng ta đã có được những gì trên đời này, chỉ biết rằng chúng ta chẳng bao giờ thỏa mãn với chúng. Những ham muốn bất tận này chính là nguồn gốc của khổ đau, bản tính của chúng là mang lại đau khổ.   

 

Tâm lý học Phật giáo có đề cập đến 6 loại cảm xúc căn bản mà chúng chuyên phá hoại tâm thức con người, chúng luôn luôn quấy phá sự an lạc và chúng hiện hành không ngừng nghỉ, đó là: tham ái, giận dữ, vô minh, kiêu mạn, ngờ vực và những quan niệm sai lầm. Ðấy là những thái độ bệnh hoạn, chúng không là những hiện tượng ở bên ngoài chúng ta, chúng ở ngay trong tâm ta. Giáo lý Phật giáo đặc biệt quan tâm đến chúng và tìm cách vượt thắng chúng. Chúng là căn nguyên mọi khổ đau. Sự tin tưởng và tín ngưỡng không giúp gì được bao nhiêu trong vấn đề này mà chúng ta cần phải hiểu sâu xa tận gốc rễ bản chất của chúng thì mới mong giải thoát khỏi chúng.

           

Nếu chúng ta không nghiên cứu tìm hiểu tâm của chúng ta bằng trí tuệ thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được có gì ở trong đó. Không tìm hiểu, không kiểm soát thì dù chúng ta có nói đến nó nhiều thế nào đi nữa, chúng ta cũng chẳng bao giờ thực sự hiểu được những cảm xúc căn bản này lại chính là ngã chấp. Chính nó là căn nguyên của mọi khổ đau và bất an trong cuộc đời.

             

Ðể kiểm soát “cái tôi”, chúng ta không cần phải vất đi những vật mà chúng ta đang sở hữu. Hãy giữ tất cả những vật gì mà chúng ta đang có vì chúng không làm cho đời sống của chúng ta khó khăn. Chúng ta không được thanh thản bởi vì chúng ta bám víu, bởi vì chúng ta bị lệ thuộc vào những tài sản của chúng ta. Ngã chấp và những sự ràng buộc đã làm lu mờ tâm ta, chúng làm tâm ta không còn trong sáng; vô minh và những loạn động của đời sống đã ngăn cản sự phát triển của trí tuệ. Ðể giải quyết vấn đề này, chỉ có thiền định mới có thể giúp chúng ta được.

           

Thiền định không chỉ có nghĩa là ngồi ở một góc nào đó chăm chú tập trung vào một điểm và không làm gì cả. Thiền là đánh thức tâm, là khai mở trí tuệ, ngược hẳn lại với sự lười biếng. Chúng ta nên duy trì sự tỉnh thức trong từng giây phút trong đời sống hàng ngày, thực sự ý thức tất cả những gì chúng ta đang làm, tôi đang làm gì đây? tại sao tôi đang làm việc này? làm việc này như thế nào?

           

Hầu như chúng ta thường làm mọi việc một cách vô ý thức, làm mà không biết mình đang làm gì. Chúng ta ăn mà không biết mình đang ăn, uống mà chẳng biết mình đang uống, nói chuyện mà chẳng biết mình đang nói gì. Mặc dầu chúng ta bảo rằng chúng ta tỉnh thức nhưng thực ra chúng ta hoàn toàn không nhận ra được cơn nóng giận đang tràn qua tâm ta, chúng gây ảnh hưởng đến tất cả những gì chúng ta đang làm.

           

Chúng ta hãy tự khám nghiệm mà xem, chúng ta hãy tự kinh nghiệm lấy. Tôi không phán xét qúy vị, tôi cũng chẳng làm qúy vị mất tinh thần. Ðây là cách làm việc của Phật giáo! Nó cho chúng ta một ý tưởng để chúng ta có thể tự kinh nghiệm lấy những việc mà chúng ta đã làm xem chúng là thật hay giả, đúng hay sai. Ðây là một điều rất thực tế! Tôi không nói tới những điều cao xa ở mãi trên tận trời xanh kia. Ðây hoàn toàn là những chuyện rất đơn giản, thực sự đơn giản!

           

Nếu chúng ta không hiểu được những đặc tính của sự ràng buộc và những đối tượng của chúng thì làm sao chúng ta có thể phát triển tâm từ, lòng yêu thương đến bạn bè, cha mẹ, những người thân và đến quê hương của chúng ta được. Theo quan điểm của Phật giáo thì thật là khó có thể thực hiện được nếu chúng ta không có sự hiểu biết sâu xa. Mỗi khi chúng ta làm buồn lòng cha mẹ chúng ta hay bạn bè của chúng ta là lúc đó tâm chúng ta không tỉnh thức. Trong lúc nóng giận, người nóng giận hoàn toàn hành động như những gì đang xẩy ra trong tâm của họ. Những hành động không tỉnh thức chỉ gây đau khổ cho chúng ta và làm phiền lòng những người khác. Những cử chỉ không tỉnh thức, những thái độ không tỉnh thức làm chúng ta mất nhân tính. Tất cả vấn đề là như vậy đó, thật là đơn giản, phải không qúy vị?

           

Thời đại này, con người được học hỏi và được dạy bảo để trở nên những nhà tâm lý học. Ý kiến của Ðức Phật là tất cả mọi người nên trở thành một nhà tâm lý học cho chính mình. Mỗi người chúng ta nên hiểu tâm của mình, mỗi người chúng ta nên là một nhà tâm lý học cho chính mình. Ðiều này chắc chắn có thể thực hiện được. Mỗi một người đều có khả năng hiểu được tâm của mình. Một khi chúng ta hiểu được tâm của chúng ta là sự kiểm soát tự nhiên đến.

           

Ðừng nghĩ rằng sự kiểm soát đó sẽ có khi chúng ta đi du lịch qua dãy Hy Mã Lạp Sơn hay sự kiểm soát đó sẽ dễ dàng xẩy ra cho những người có ít tài sản. Ðiều này hoàn toàn sai. Trong tương lai, nếu chúng ta nổi nóng, hãy chiêm nghiệm nó xem sao. Thay vì làm một vài việc gì để quên cơn giận dữ, chúng ta hãy cố gắng bình tĩnh, nghỉ ngơi, thư dãn thoải mái và tự hỏi chúng ta đã làm gì? Hãy tự hỏi: “Tại sao tôi làm vậy? Tôi làm như thế nào? Nguyên nhân đến từ đâu? Nguyên nhân của cơn tức giận là gì?...” Chúng ta sẽ tìm ra được những kinh nghiệm qúi gía ở trong đó. Vấn đề của chúng ta là thiếu sự tỉnh thức của trí tuệ, vì thế chúng ta sẽ khám phá ra được nguồn gốc của sự tức giận nếu chúng ta hiểu nó và như vậy chúng ta sẽ giải quyết được những rắc rối trong đời sống một cách dễ dàng.

           

Ðể cảm nhận được tình yêu thương từ người khác hay cho người khác, chúng ta cần hiểu họ. Nếu không, dù chúng ta có nói: “anh yêu em, em yêu anh” thì cái tâm kiêu mạn, ta đây, lại dẫn chúng ta đến một cái “ngã chấp” khác mà thôi. Phải chắc chắn rằng chúng ta hiểu vấn đề tại sao? thế nào? Trở nên một nhà tâm lý học cho chính mình là một điều vô cùng quan trọng! Rồi chúng ta sẽ được hướng dẫn qua một cái tâm trong sáng, lành mạnh, chúng ta sẽ dễ dàng thoải mái, an lạc, hưởng hạnh phúc cuộc đời hơn, vui vẻ với mọi người hơn, thay vì bận rộn, bất an, lo lắng và hoang phí cuộc đời.

           

Ðể trở nên một nhà tâm lý học, chúng ta chẳng cần phải học những triết lý cao thâm khó hiểu. Chỉ cần theo dõi, giám sát chính cái tâm của chúng ta trong từng ngày. Chúng ta đã quen kiểm soát những vật dụng của chúng ta mỗi ngày - mỗi buổi sáng chúng ta coi lại thức ăn trong tủ lạnh - nhưng chúng ta đã không bao giờ coi lại tâm của chúng ta. Hãy kiểm soát lại tâm mỗi ngày là một việc làm quan trọng hơn.

           

Tuy nhiên, hầu như chúng ta có khuynh hướng làm ngược lại. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể dễ dàng mua được một giải pháp để trị tất cả những rắc rối của chúng ta. Những người có khuynh hướng vật chất cho rằng có tiền mua tiên cũng được, họ có thể mua bất cứ gì để làm họ vui, họ có thể mua được sự an lạc. Sự thật không phải vậy, đó chỉ là những mơ tưởng, đó chỉ là những quan niệm sai lầm.

           

Có một số người lại cho rằng tôn giáo có bổn phận phải lo cho tâm của họ. Chỉ tin vào tôn giáo mà thôi thì không bao giờ có thể chấm dứt được những rắc rối; nhưng sự hiểu biết bằng trí tuệ luôn luôn thay đổi được vấn đề. Chính Ðức Phật cũng nói rằng tin vào Phật là một điều nguy hiểm; thay vì tin vào một điều gì, con người nên dùng trí tuệ của họ để khám phá ra cái bản tính thực sự của tâm họ. Niềm tin đặt căn bản trên sự hiểu biết thì tốt, một khi chúng ta đã ý thức rõ ràng hoặc đã sáng tỏ được vấn đề thì sự tin tưởng tự nhiên đến. Tuy nhiên, niềm tin đặt trên căn bản sai lầm thì rất dễ thay đổi khi bị người khác phê bình, chỉ trích.

           

Ðáng tiếc thay, có một số người đi theo một tôn giáo nhưng đời sống tâm linh của họ lại qúa yếu kém. Tại sao? Tại vì họ không hiểu được cái tâm chân thật của họ. Nếu chúng ta thực sự hiểu được tâm của chúng ta là gì, nó làm việc như thế nào thì chúng ta sẽ dễ dàng biết được sức mạnh của tâm ta, từ đó chúng ta có thể ngăn ngừa được rất nhiều rắc rối trong cuộc đời. Một khi chúng ta hiểu được những quan điểm của chúng ta, những tri giác của chúng ta về thế giới chung quanh ta, chúng ta sẽ nhận ra được một sự thật là chúng ta thường xuyên chụp bắt những cảm giác trần gian, tất cả những cái đó hoàn toàn là tưởng tượng, hoàn toàn không xẩy ra trong tương lai, hoàn toàn vô ý thức ở hiện tại, chúng ta hoàn toàn sống bằng dự tính, vọng tưởng. Chúng ta có nhìn nhận một cái tâm vô ý thức ở hiện tại và chộp dật ở tương lai là một cái tâm bệnh hoạn không?

           

Ðiều quan trọng là sống tỉnh thức trong từng ngày. Ðặc tính tự nhiên của trí tuệ và tỉnh thức là an lành và hạnh phúc. Chúng ta không cần phải chộp dật, tranh giành mới có hạnh phúc. Cho tới khi nào chúng ta còn đi trên con đường tỉnh thức, hiểu biết và hành động ngay thẳng với tất cả khả năng của chúng ta thì chúng ta sẽ được kết qủa tốt đẹp ngay trong lúc đó. Chúng ta không cần phải hỏi: “ Nếu trong cả đời tôi, tôi làm mọi điều tốt lành thì tôi có được hạnh phúc trong kiếp sau hay không?” Chúng ta không cần mang sang kiếp sau. Cho tới khi nào chúng ta còn làm mọi việc trong sự hiểu biết, trong sự tỉnh thức thì lúc nào, kiếp nào chúng ta cũng an lạc, cũng an nhiên tự tại.

           

Tôi nói như thế là qúa đủ rồi. Tốt hơn, hãy dành thì giờ cho những câu hỏi, thay vì tôi nói hoài.

 

Hỏi:  Khi ngài đề cập đến thiền định, ngài đã không nói đến quán tưởng. Hình như có người quán tưởng dễ, có người quán tưởng rất khó. Làm thế nào để phát triển khả năng này?

           

Lạt ma:  Những gì đã được diễn tả về quán tưởng thì đơn giản nhưng rất khó cho nhiều người bởi vì tâm của họ không được huấn luyện, sự tưởng tượng của họ qúa nghèo nàn, họ qúa vật chất. Có lẽ họ chỉ có thể nghĩ được rằng tất cả những gì chung quanh họ đều là vật chất như thân xác của họ, không có một cái tâm nào ngoài bộ óc của họ. Phật giáo có những phương pháp mà chúng ta có thể huấn luyện tâm và phát triển khả năng quán tưởng trong thiền định. Thực ra, chúng ta đã tưởng tượng trong từng ngày. Những gì chúng ta ăn bữa sáng, đó là những món chúng ta đã tưởng tượng tối hôm qua. Chúng ta đi chợ, chúng ta nghĩ: “ cái này đẹp” hay “tôi không thích cái này,” bất cứ cái gì chúng ta nhìn đều là những phóng tưởng của tâm chúng ta. Như vậy quán tưởng là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Những chủ chợ và những nhà quảng cáo hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này, nên họ tạo ra rất nhiều lối trình bày hay rất nhiều mẫu quảng cáo để gây hấp dẫn người mua: “ hãy mua cái này đi!” Họ biết rằng những quảng cáo đó ảnh hưởng sâu xa đến tâm trí chúng ta, đến sự tưởng tượng của chúng ta. Quán tưởng không phải là cái gì siêu việt, nó hoàn toàn khoa học.

 

Hỏi:  Theo như những điều ngài vừa trình bày, tôi có cảm tưởng rằng ngài chỉ trích người Tây phương, ngài cười những gì chúng tôi đã làm và những phương pháp giáo hóa của chúng tôi không hữu hiệu. Thực ra tôi không có câu hỏi, nhưng ngài đã nhìn thấy tương lai của nhân loại ra sao với những tiến bộ mà người Tây phương đang phát triển, như chế những máy bay lớn hơn, xây nhà vĩ đại hơn, những hệ thống siêu thị tối tân hơn? Ngài đã nhìn thấy gì?

 

Lạt ma:  Tôi chỉ nhìn thấy người Tây phương bận rộn hơn, vất vả hơn và ít thì giờ nghỉ ngơi hơn. Tôi không chỉ trích đời sống vật chất hay những tiến bộ khoa học nhưng nó thiếu sự kiểm soát của tâm. Bởi vì anh không biết anh là ai, anh tiêu phí cuộc đời một cách mù quáng cho những sự níu kéo, bám víu và tranh giành mà tôi gọi là những “siêu thị vật chất.” Anh đã khuấy động đời sống của anh, anh đã làm nó không còn an tịnh. Thay vì giữ cho nó được toàn vẹn thì anh đã bẻ gẫy nó ra từng mảnh. Hãy tự tìm hiểu xem sao. Tôi không đẩy anh xuống đáy vực. Phật giáo không cho phép chúng tôi kéo đời sống của bất cứ một người nào xuống một cách võ đoán, một cách giáo điều. Tất cả những gì tôi trình bày ở đây chỉ với một đề nghị là chúng ta nên thay đổi lối nhìn sự vật bằng một đường lối khác.

 

Hỏi:  Thưa Lạt ma, như ngài, tôi thấy hầu như tất cả các vị thầy Tây Tạng đều là nam giới. Có những vị tái sinh, những vị đạo sư là nữ giới không?

           

Lạt ma:  Dĩ nhiên là có. Ðàn ông hay đàn bà đều bình đẳng trong vấn đề phát triển tâm linh. Tại Tây Tạng, có những vị đạo sư là đàn bà. Phật giáo dạy rằng chúng ta không có quyền phán đoán một người từ bên ngoài; chúng ta không được nói: “anh chẳng là cái gì cả, tôi mới là người đặc biệt.” Chúng ta thực sự không bao giờ được phê bình người này có trình độ cao, người kia thấp.

 

Hỏi:  Có luật lệ nào để phân biệt một vị sư nam và một vị sư nữ không?

 

Lạt ma:  Không. Họ được dạy giống như nhau và họ huấn luyện học trò của họ cũng như vậy.

 

Hỏi:  Thật là khó khăn để kiếm một vị thầy. Thật là nguy hiểm khi thực hành mật tông nếu không có thầy mà chỉ đọc qua sách vở, có phải vậy không? Thưa ngài.

 

Lạt ma:  Ðúng, rất nguy hiểm. Nếu không có sự chỉ dẫn đặc biệt. Anh không thể mua một vài cuốn sách về mật tông rồi nghĩ: “ ồ, tuyệt vời qúa, tôi phải thực hành ngay bây giờ!” Thái độ này không bao giờ mang lại sự thật, không bao giờ mang lại kết qủa. Anh cần sự hướng dẫn của một vị thầy có kinh nghiệm. Ðúng vậy, những gì viết trong sách thật là tuyệt diệu, nhưng nếu anh không biết phương pháp thì anh không thể biến chúng thành những kinh nghiệm của riêng anh. Anh cần một cái chìa khóa. Ðã có rất nhiều sách Phật giáo được chuyển dịch sang tiếng Anh. Họ bảo anh: “ bám víu là xấu, đừng nóng giận” nhưng làm sao để từ bỏ sự nóng giận, từ bỏ những bám víu? Ngay cả trong Kinh Thánh cũng khuyên chúng ta bác ái, thương người nhưng làm thế nào để sống yêu thương bằng tất cả kinh nghiệm của riêng chúng ta? Chúng ta cần có một cái chìa khóa, chỉ có những vị thầy mới cho chúng ta được.

 

Hỏi:  Những người Tây phương cần phải làm gì để kiếm được một vị thầy? Họ có cần phải sang Phương Ðông để tìm không?

 

Lạt ma:  Ðừng lo. Khi thời điểm đến, anh sẽ gặp thầy của anh. Phật giáo không cho phép chúng ta thúc đẩy bất cứ một người nào: “tất cả mọi người phải học thiền, tất cả mọi người phải trở thành Phật.” Thật là điên! Thúc đẩy người khác là không khôn ngoan chút nào. Khi anh đã thực sự chân thành sẵn sàng tu tập thì một thần lực sẽ liên kết anh và thầy anh lại. Về vấn đề đi qua Phương Ðông, nó tùy thuộc vào tình trạng, hoàn cảnh của riêng anh. Hãy kiểm soát xem. Một điều rất quan trọng là hãy tìm kiếm bằng trí tuệ chứ đừng tìm bằng lòng tin mù quáng. Ðôi khi đi qua Phương Ðông anh lại chẳng tìm thấy thầy, phải cần thời gian.

 

Hỏi:  Phật giáo nghĩ sao về vấn đề tự tử?

 

Lạt ma:  Những người tự kết liễu đời mình họ không bao giờ hiểu được ý nghĩa và giá trị khi được sinh làm người. Họ tự tử vì vô minh. Họ không tìm kiếm được ở đâu sự thỏa mãn, nên họ nói: “tôi hết hy vọng rồi!”

 

Hỏi:  Nếu một người vì vô minh không tin rằng họ có thể giác ngộ thì họ tiếp tục sống để làm gì?

 

Lạt ma:  Một người vô minh mà nghĩ rằng họ giác ngộ là một người hoàn toàn có tâm bệnh hoạn như vậy họ lại càng vô minh hơn. Tất cả những gì họ có thể làm là kiểm soát lại những hành động vô ý thức của họ thì họ sẽ nhận ra họ chưa giác ngộ. Cũng vậy, anh không bao giờ hỏi người khác: “Tôi đã giác ngộ chưa?” Hãy tự kiểm điểm kinh nghiệm của riêng anh. Giác ngộ là một điều cao hơn sự việc cá nhân.

 

Hỏi:  Tôi thích lối diễn tả của ngài về sự quan trọng của sự hiểu biết trong vấn đề tin tưởng, nhưng tôi nhận thấy khó làm cho người Tây phương hay khó giải thích theo khoa học về ý niệm tái sinh: đời sống trong qúa khứ, hiện tại và tương lai. Làm sao ngài có thể chứng minh được vấn đề này?

 

Lạt ma:  Nếu anh có thể hình dung được sự liên tục của tâm anh từ lúc còn phôi thai trong bụng mẹ đến bây giờ thì anh sẽ hiểu. Sự liên tục của tâm thức cũng gần giống như dòng điện chạy từ máy phát điện qua giây điện đến lúc nó cháy sáng ở ngọn đèn. Từ giây phút thọ thai đến khi thân xác anh thành hình, thần thức liên tục chạy qua đó, chuyển hóa, chuyển hóa và chuyển hóa.... nếu anh hình dung được điều đó, anh sẽ dễ dàng hiểu được tâm thức của anh liên tục từ những kiếp trước. Như tôi vẫn thường nói, để tin được điều này không phải là dễ. Dĩ nhiên, lúc đầu rất khó chấp nhận quan niệm tái sinh, vì ngày nay nó còn là một ý niệm qúa mới mẻ cho hầu hết mọi người, đặc biệt là những người Tây phương. Họ không dạy anh về sự liên tục của dòng tư tưởng ở trường học; anh không được học về bản tính tự nhiên của tâm ở đại học, như anh là ai, anh là gì? Vì thế, nó hoàn toàn mới cho anh. Nhưng, nếu anh nghĩ rằng một điều vô cùng quan trọng cho anh là biết được anh là ai, anh là gì và nếu anh thường tìm hiểu tâm qua thiền định, anh sẽ dễ dàng biết được sự khác biệt giữa thân xác anh và tâm anh; anh sẽ nhận ra dòng liên tục của tâm thức anh; từ đó anh sẽ biết được những kiếp trước của anh. Chúng ta không nên tin thuyết tái sinh một cách mù quáng.

 

Hỏi:  Xin ngài giải thích rõ hơn về sự liên hệ giữa thiền định, sự giác ngộ và những siêu thần lực, như nhìn được tương lai, đọc được tâm người khác và nhìn được những gì xẩy ra ở rất xa...?

 

Lạt ma:  Một điều chắc chắn là có thể thành công qua sự thực hành phương pháp tập trung vào một điểm, nhưng chúng ta cần một thời gian rất dài để tập. Từ từ, hãy từ từ để hiểu rõ tâm của chúng ta, rồi chúng ta sẽ phát triển được khả năng nhìn sự vật. Nhưng nó không dễ lắm đâu, hãy thiền định rồi chợt một lúc nào đó chúng ta sẽ nhìn được tương lai hay sẽ đạt giác ngộ. Chúng ta cần thời gian.

 

Hỏi:  Nếu chúng ta thiền định, chuyên chú đạt giác ngộ thì thần lực này sẽ đến do sự kiểm soát hay chợt đến mà không cần kiểm soát?

 

Lạt ma:  Thần lực thật sẽ đến trong sự kiểm soát. Nó không xuất hiện một cách không kiểm soát, như sau khi dùng thuốc, dùng cần sa ma túy. Ngay trước khi đạt giác ngộ, chúng ta có thể phát triển khả năng nhìn được kiếp trước kiếp sau, đọc được tâm người khác, nhưng chúng đến trong sự tỉnh thức và được từ từ phát triển qua việc phát triển trí tuệ.

 

Hỏi:  Riêng Ngài, Ngài có thể tách rời tâm khỏi thân xác như xuất vía đi làm một vài việc khác không?

 

Lạt ma:  Không.

 

Hỏi:  Ðức Ðạt Lai Lạt Ma có quyền năng đó không?

 

Lạt ma:  Ðại thừa Phật giáo Tây Tạng có một truyền thống liên tục không đứt quãng trong việc huấn luyện và phát triển quyền năng này, nó được truyền dạy trực tiếp từ thầy qua trò thẳng từ Ðức Phật đến bây giờ, mặc dầu được dạy bảo nhưng không có nghĩa là tôi đã thành tựu được. Hơn nữa, Phật giáo Tây Tạng cấm bất cứ một Lạt ma nào có quyền năng đó được phép tiết lộ bí mật này. Ngay cả khi anh đã giác ngộ, anh cũng không có quyền đi khắp nơi tuyên bố anh là phật, trừ ra vì một lý do nào đó. Hãy cẩn thận! Truyền thống của chúng tôi khác với truyền thống của các anh. Bên Tây phương, anh nghe nhiều người nói: “Thượng đế nói chuyện với tôi tối hôm qua.” Chúng tôi nghĩ rằng điều đó rất nguy hiểm nếu loan truyền chi tiết huyền bí đó cho mọi người, do đó chúng tôi không được phép làm như vậy.

 

Hỏi:  Cách đây mấy năm, tôi có đọc một cuốn sách tên là “Con mắt thứ ba”, nói về một Lạt ma đạt được siêu quyền lực. Có nhiều người khai mở được con mắt này không?

 

Lạt ma:  Tác giả cuốn sách đó là Lobsang Rampa phải không? Những gì nói trong đó có một chút hiểu lầm. Con mắt thứ ba không phải là con mắt vật chất, nhưng đó là con mắt trí tuệ. Con mắt thứ ba của anh không phải là con mắt bình thường, nó có khả năng nhìn thấu được tâm bản nhiên của anh.

 

Hỏi:  Như vậy Phật giáo tin có sự tái sinh, ngài có thể cho biết từ kiếp này đến kiếp khác bao lâu không?

 

Lạt ma:  Nó có thể là bất cứ gì, từ một thời điểm nào đó tới 7 tuần. Từ lúc tâm thức rời khỏi xác, thể vía của thân trung ấm (bardo) đã ở ngay đó, để chờ nó. Vì lòng khao khát một thân xác khác thúc đẩy, thần thức bắt đầu tìm một thân thích hợp, khi nó kiếm được thì sự tái sinh bắt đầu. 

 

Hỏi:  Phật giáo giải thích thế nào về sự phát triển dân số? Nếu Ngài tin vào sự tái sinh thì làm sao dân số cứ tăng hoài?

 

Lạt ma:  Ðiều đó dễ hiểu thôi. Cũng như khoa học tân tiến, Phật giáo thường nói về sự hiện hữu của hàng tỉ tỉ ngân hà (tam thiên đại thiên thế giới). Tâm thức của một người sinh ra trên trái đất có thể đến từ một hành tinh xa xôi nào đó, xuống đây vì duyên nghiệp, chính vì sự liên hệ đó mà thần thức đi vào trái đất này. Ngược lại, thần thức của một người vừa chết ở qủa đất này nếu có duyên nghiệp tái sinh ở một hành tinh xa xôi nào đó thì thần thức này sẽ đi về đó. Nếu nhiều thần thức đi vào trái đất này thì dân số sẽ tăng lên, nếu ít thì dân số sẽ giảm đi. Ðiều đó không có nghĩa là một thần thức mới sẽ nhập thai. Mỗi một thần thức tái sinh ở đây đều đến từ một kiếp trước, có thể từ một hành tinh khác, có thể từ ngay qủa đất này, nhưng không đến từ không-nơi-nào cả, tất cả đều tùy thuộc vào luật luân hồi của vạn hữu.

 

Hỏi:  Có phải thiền định theo phương pháp của Phật giáo thì tốt hơn các phương pháp khác không? hay mỗi phương pháp thích hợp cho mỗi người khác nhau?

 

Lạt ma:  Tôi không thể nói phương pháp của Phật giáo hay hơn các phương pháp khác, nó thích hợp tùy theo từng cá nhân.

 

Hỏi:  Nếu một người đã có tiến bộ khi thực tập thiền định theo một phương pháp nào đó, họ có thể thay đổi qua phương pháp của Phật giáo hay không?

 

Lạt ma:  Không cần thiết. Nếu anh đã thực tập qua một phương pháp nào đó mà nó đem lại cho anh sự tỉnh thức của tâm hồn, mang lại niềm an lạc vô biên và anh bằng lòng về thành qủa này thì tại sao lại thử một phương pháp khác? Nhưng nếu, thực tập thiền mà tâm vẫn mù mờ, hành động vẫn không kiểm soát được, vẫn gây đau khổ khó khăn cho người khác, thì tôi nghĩ rằng con đường anh đi còn dài lắm. Ðó là một điều vô cùng quan trọng.

 

Hỏi:  Có thể một bồ tát là một người cộng sản để tái tạo lại sự hòa hợp của xã hội không? Tôi muốn nói, bồ tát có trong hàng ngũ cộng sản không? hay ngược lại, trong thế giới cộng sản có bồ tát không? Chủ nghĩa Mác có thể là một phương tiện để giải phóng sự đau khổ của chúng sinh không?

 

Lạt ma:  Ðó là điều rất khó cho một người như tôi đi phê phán một hành động của bồ tát, nhưng tôi nghi ngờ một vị bồ tát lại trở thành một người cộng sản để giải quyết những vấn đề xã hội. Mọi rắc rối đều phát xuất từ tâm thức của từng cá nhân. Anh phải giải quyết vấn đề của riêng anh, không cần biết anh đang sống trong xã hội nào, xã hội chủ nghĩa, cộng sản hay tư bản. Hãy kiểm soát trong tâm của anh. Rắc rối của anh không phải từ xã hội, không phải từ tôi. Anh có trách nhiệm về những vấn đề của riêng anh cũng như anh có trách nhiệm giải phóng anh, anh có trách nhiệm đạt giác ngộ cho chính anh. Có thể anh sẽ nói: “Siêu thị giúp con người vì con người cần mua những thứ ở trong đó, nếu tôi làm việc trong đó là tôi phụng sự xã hội.” Rồi một thời gian sau, anh lại nói: “Có thể siêu thị không giúp gì được nhiều, tôi sẽ giúp người nhiều hơn nếu tôi làm việc ở một bưu điện.” Chẳng có cái gì trong vụ này giải quyết được những rắc rối của xã hội. Trước nhất, anh hãy kiểm soát xem tại sao anh lại có tư tưởng một vị bồ tát phải là một người cộng sản mới cứu vớt được chúng sinh.

 

Hỏi:  Tôi nghĩ rằng ngày nay trên thế giới có qúa nhiều người đói, qúa nhiều người bị tước đoạt những sự cần thiết căn bản, họ qúa lo lắng về đói khổ, về sự an toàn và an ninh cho gia đình họ, họ đã qúa cực nhọc trong việc đi tìm vật chất để sống thì còn giờ đâu để nghĩ đến bản tính của tâm.

 

Lạt ma:  Tôi hiểu những điều anh nói. Nhưng đừng quên rằng những người đói khát, những người bận tâm về đói và những người dư tiền bạc bận bịu đi mua sắm ở siêu thị họ đều có một căn bản như nhau. Ðừng chỉ chú ý đến những người thiếu thốn về vật chất. Thực ra, người nghèo và người giầu đều bị hành như nhau, tự căn để họ đều không hạnh phúc, tự căn để họ đều thích chiếm hữu và bám víu như nhau.

 

Hỏi:  Nhưng Chúa Krishna đã hợp nhất được xứ Ấn độ bằng tinh thần chiến tranh, thánh chiến, kết qủa là tất cả người Ấn độ đều gia nhập vào sự thực hành tâm linh. Tại sao chúng ta không bành trướng đạo pháp ra cho tất cả mọi người trên thế giới và thành lập một xã hội tốt hơn qua kiểu xã hội tâm linh?

 

Lạt ma:  Trước nhất, tôi nghĩ rằng điều anh nói vô cùng nguy hiểm. Chỉ có một số người hiểu anh nói gì. Nói chung, anh không thể nói rằng bồ tát có trách nhiệm về tất cả những hành động gây ra đau khổ của chúng sinh. Phật giáo ngăn cấm chúng ta không được giết hại chúng sinh, ngay cả giết để phục vụ cho đạo pháp. Ðối với Phật giáo không có gì được gọi là thánh chiến. Anh phải hiểu rõ điều này. Thứ đến, không thể bắt buộc mọi người trên qủa đất phải bình đẳng. Cho tới khi nào anh thấu hiểu được tâm của chúng sinh qua cái vũ trụ này và đã từ bỏ mọi ích kỷ và bám víu, thì anh sẽ không bao giờ còn muốn tất cả chúng sinh phải như nhau. Ðiều đó không thể được.

 

Hỏi:  Tôi không muốn nói tất cả mọi người giống như nhau, vì họ có những căn bản tinh thần khác nhau, nhưng chúng ta có thể thành lập một vũ trụ con người đặt trên căn bản kinh tế xã hội đồng đều.

 

Lạt ma:  Tôi nghĩ rằng anh không nên lo lắng về vấn đề đó. Anh nên lo lắng cho cái xã hội của tâm anh. Ðiều đó có gía trị hơn, thực tế hơn là làm một dự tính cho chuyện gì sẽ xẩy ra ở chung quanh anh.

 

Hỏi:  Nhưng sự thực hành như vậy sẽ không cân bằng giữa hai sự việc tự giác ngộ và phục vụ con người.

 

Lạt ma:  Ðúng, anh có thể phục vụ xã hội, nhưng anh không thể bắt chúng sinh phải đồng hóa như nhau, làm giống như nhau. Ðức Phật muốn tất cả chúng sinh cùng giác ngộ ngay lập tức, nhưng nghiệp của chúng ta qúa nặng nên chúng ta vẫn chưa giải thoát được. Anh không thể vung đũa thần: “ tôi muốn tất cả mọi người phải hạnh phúc như nhau,” rồi ngồi chờ nó xẩy ra như vậy. Hãy khôn ngoan! Chỉ có những tâm hồn khôn ngoan mới có thể phục vụ bình đẳng và an lành. Anh không thể thực hiện nó chỉ vì tình cảm, và anh phải hiểu rằng tư tưởng của cộng sản về vấn đề bình đẳng rất khác với những gì Phật nói. Anh không thể lẫn lộn hai tư tưởng này. Ðừng qúa lý tưởng, hãy thực tế.

 

Hỏi:  Ðể kết luận, ngài cho rằng không thể thực hiện đươc một xã hội thuần túy tâm linh trên trái đất này?

 

Lạt ma:  Mặc dù được, anh cũng không thể chấm dứt được những rắc rối của con người. Mặc dù anh có thể thành lập được một xã hội như vậy trên trái đất này nhưng những bám víu vẫn còn, những tư tưởng chiếm hữu vẫn còn, sự nóng giận vẫn còn thì đau khổ vẫn còn. Những rắc rối nằm ở bên trong của mỗi cá nhân! Con người không giống nhau, mọi người đều khác nhau. Mỗi người trong chúng ta cần những phương pháp khác nhau vì tâm tính cá nhân tạo ra những thái độ tinh thần và cá tính không giống nhau; nên mỗi người cần một phương tiện khác nhau để đạt giác ngộ. Ðó là lý do tại sao Phật giáo chấp nhận sự có mặt của những tôn giáo khác, những triết học khác. Chúng tôi nhìn nhận rằng những phương tiện khác nhau này cần cho sự phát triển của con người. Anh không thể quyết đoán rằng ý kiến của anh phải đúng cho mọi người. Ðó là độc tài!

 

Hỏi:  Ngài nghĩ sao về vấn đề dùng ma túy để phát triển tâm thức? Một người có thể kinh nghiệm được cõi chết dưới ảnh hưởng của ma túy hay không?

 

Lạt ma:  Có chứ, có thể xẩy ra khi dùng qúa lượng để đủ đi vào cõi chết mà kinh nghiệm! Tôi chỉ nói đùa vậy thôi, điều đó không thể có được. Không thể kinh nghiệm được cõi chết qua ma túy.

 

Hỏi:  Ngài có thể nhìn được quang sắc (aura) của một người không?

 

Lạt ma:  Không, nhưng tất cả mọi người đều có quang sắc. Quang sắc là những rung động. Mỗi người trong chúng ta đều có những rung động của tinh thần và của thể xác. Khi anh tức giận, anh sẽ thấy cơ thể anh thay đổi. Tất cả mọi người đều như vậy. Cả khoa học và Phật giáo đều nhìn nhận như vậy, tất cả vật chất và tinh thần đều có những tần số rung động riêng. Như vậy trạng thái tinh thần của một người ảnh hưởng trên thân xác của họ và những sự thay đổi này phản ảnh trong quang sắc của họ. Ðó là sự giải thích đơn giản về quang sắc. Ðể hiểu sâu xa hơn, chúng ta phải hiểu được tâm của chúng ta. Trước nhất hãy học để đọc được tâm của riêng mình, sau đó chúng ta mới có thể đọc được tâm của người khác.

 

Hỏi:  Làm thế nào thiền để giải tỏa những vướng víu của cảm xúc?

 

Lạt ma:  Có rất nhiều phương pháp. Một là qua sự hiểu biết về bản tính của những cảm xúc. Theo đó, cảm xúc sẽ bị tiêu hóa trong trí tuệ. Tiêu hóa những cảm xúc của chúng ta bằng trí tuệ là một gía trị tuyệt vời nhất.

 

Kính chào qúy vị.

 

Lama Yeshe thuyết pháp tại Auckland, New Zealand, ngày 7 tháng 6 năm 1975

 

 

 

 

 

 

TÔN GIÁO: CON ÐƯỜNG ÐỂ THAM VẤN ^ 

 

 

Con người có rất nhiều quan điểm khác nhau về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Những người chỉ hiểu tôn giáo và Phật giáo một cách bề ngoài hay thuần lý trí, cả hai đều không thể hiểu được ý nghĩa chân thật của nó. Những người quan niệm tôn giáo một cách dễ dãi hơn thì lại coi Phật giáo không phải là một tôn giáo.

           

Trước nhất, trong Phật giáo, chúng tôi không muốn chỉ nói về Ðức Phật. Ngay cả Ngài cũng vậy, Ngài không muốn chúng ta chỉ tin vào Ngài, vì thế cho đến ngày hôm nay, Phật giáo không bao giờ khuyên phật tử chỉ đơn giản tin vào Ðức Phật. Chúng tôi luôn luôn coi vấn đề tìm hiểu tâm lý con người, tìm hiểu tâm bản nhiên của con người là quan trọng hơn cả. Do đó, những người  thật sự thực hành Phật giáo luôn luôn cố gắng tìm hiểu những thái độ tinh thần, những ý niệm, những tri giác và những ý thức của riêng chính họ. Ðó là những vấn đề thực sự quan trọng.

           

Ngoài ra, nếu chúng ta bỏ quên chúng ta, những ảo tưởng, những sai lầm của chúng ta mà chỉ chú tâm đến những tư tưởng cao siêu - như “ Phật là gì? ” - thì cuộc hành trình tâm linh sẽ giống như một giấc mơ, đầy huyễn ảo. Ðiều đó có thể có, hãy thận trọng! Nếu như vậy, ở trong tâm chúng ta sẽ chẳng có một mối liên hệ gì giữa Phật, Chúa và chúng ta. Chúng hoàn toàn cách biệt: chúng ta ở tận dưới này; Phật, Chúa ở mãi tận trên kia. Không liên lạc được. Không thực chút nào cả,  nếu chúng ta cứ mãi suy nghĩ  theo kiểu này. Nó quá cực đoan. Chúng ta đặt một vật ở dưới tận cùng này, còn vật kia lại ở tột đỉnh trên kia. Phật giáo gọi đó là tâm tách biệt, tâm nhị nguyên.

           

Nói xa hơn nữa, nếu con người tự bản tính, tự căn để đã có tội rồi thì cái căn bản, cái khả năng đi tìm kiếm những tư tưởng cao thượng là gì?  Nhưng dầu sao đi nữa, tư tưởng là không thật. Con người có khuynh hướng luôn luôn  muốn biết tất cả những gì về sự giác ngộ tối thượng hay những gì là bản tính của Thượng Ðế, nhưng những sự hiểu biết đó không giúp thay đổi được gì trong đời sống của chúng ta và chẳng chuyển hóa được gì trong tâm của chúng ta. Một tôn giáo đúng nghĩa, chân thật nên tự tìm một sự thật cho chính nó, hơn là cứ đi trau dồi, thực hiện, sử dụng và thi hành trong việc góp nhặt những hiện tượng xẩy ra.

             

 Trong Phật giáo, chúng tôi không chỉ thích thú đến những việc tìm kiếm sự hiểu biết cao xa, những tư tưởng siêu hình, mà chúng tôi đặc biệt lưu ý, đặc biệt thích thú trong lãnh vực tìm hiểu những gì đang xẩy ra ở đây, ngay bây giờ, trong sự nhận thức kinh nghiệm hiện tại của chính chúng tôi, chúng tôi là gì ngay trong lúc này, bản tính tự nhiên của chúng tôi ngay bây giờ là gì? Chúng tôi muốn biết làm thế nào để thỏa mãn, làm thế nào để hạnh phúc, để an lạc, thay vì bị đau khổ, bị trầm uất, làm thế nào để vượt thắng được những cảm nghĩ tội lỗi nói ở trên kia?

           

Chính Ðức Phật cũng dạy về những vấn đề căn bản này, tự tính của con người thì trong sáng, vô ngã, như bản tính của bầu trời là trong sáng, không mây. Mây đến rồi đi nhưng bầu trời trong xanh vẫn luôn luôn ở đó, mây không làm thay đổi được bản tính tự nhiên của bầu trời. Cũng giống như vậy, tính bản nhiên của con người luôn luôn trong sáng, không có một “cái tôi” nào ở đó. Dù chúng ta theo một tôn giáo hay không theo một tôn giáo nào, nếu chúng ta không buông bỏ “cái tôi” thì chúng ta luôn luôn bị hướng dẫn sai lạc; chúng ta sẽ luôn luôn sáng tạo ra những triết lý sống không đúng với sự thật và cũng chẳng bao giờ chúng ta đối diện được với sự thật.

           

Thay vì dùng trí thông minh để chiếm hữu, tranh giành, để tìm biết những triết lý xa vời, những lối sống siêu thực, tốt hơn chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu tâm bản nhiên của chúng ta và làm thế nào thường xuyên trực diện với nó. Làm sao để thực hành giáo lý tôn giáo có hiệu quả: tất cả mọi tôn giáo cần phải có những phương pháp thực hành, những phương pháp tu tập. Phương pháp tu tập là chiếc chìa khóa cần thiết cho tôn giáo! Ðó là vấn đề quan trọng.

           

Thí dụ, chúng ta nghe nói có một kho tàng quí báu dành cho mọi người nhưng chúng ta không có chìa khóa để mở cửa thì tất cả thời giờ đi tìm kiếm kho tàng chỉ là huyễn ảo xa vời, vô ích, không thật. Cũng vậy, một tôn giáo được đánh bóng, được hứa hẹn đến đâu đi nữa mà không mang lại một lợi ích thiết thực, không có một phương pháp thực hành hướng dẫn tới một sự giải thoát, giác ngộ thì đó hoàn toàn là giả tạo, không có thật. Nếu tôn giáo mà chúng ta đang theo không có một phương pháp rõ rệt, không có một chiếc chìa khóa, không có một con đường dẫn chúng ta vào đời sống thực tế hạnh phúc hàng ngày thì tốt hơn chúng ta hãy uống, hãy thưởng thức một lon Coca cho rồi. Ít ra cũng đã khát! Nếu tôn giáo mà chỉ có triết lý, tư tưởng thôi thì cũng rỗng như không khí. Chúng ta nên thận trọng để hiểu rõ tôn giáo của chúng ta là gì và sự thực hành, sống đạo như thế nào.

           

Chính Ðức Phật đã nói, “ Niềm tin không quan trọng. Ðừng tin những gì ta nói, đừng tin chỉ vì ta nói!” Ðây là những lời dậy bảo tâm huyết của Ngài: “ Thầy đã dậy rất nhiều phương pháp, bởi vì chúng sinh có quá nhiều trình độ, cá tính khác nhau. Trước khi con thực hành chúng, con hãy dùng trí tuệ của con để kiểm soát xem nó có thích hợp với cá tính của con không, nó có hợp với tâm hồn của con không. Nếu phương pháp của thầy thích hợp và mang lại ơn ích cho con, con hãy chăm chú thực hành nó. Nhưng nếu nó không thích hợp, không mang lại kết quả gì cho con, con hãy rời xa nó, mặc dù nó nghe hợp lý, xuôi tai; nó được dành cho người khác.”

           

Ở thời đại này, chúng ta không thể nói mọi người nên tin và nghe theo chỉ vì đó là Phật bảo, Chúa dạy. Những lời nói đó không đủ để họ tin. Họ sẽ từ chối, họ muốn bằng chứng. Những người đó không hiểu tâm bản nhiên của họ trong sáng, họ không  nhìn ra được cái khả năng khám phá sự tiềm ẩn trong sáng của chính họ thành ra họ đã làm mất rất nhiều cơ hội. Nếu chúng ta nghĩ rằng từ nguyên thủy chúng ta đã có tội thì chúng ta đã mất hết hy vọng.

           

Dĩ nhiên, tâm của con người có hai phần tốt và xấu, tích cực và tiêu cực, trong sạch và ô nhiễm. Phần tiêu cực thì nhất thời, rất ngắn ngủi. Những cảm xúc lên xuống của chúng ta cũng giống như mây bay trong bầu trời; phía bên kia của chúng là một sự thật hiển nhiên: tâm của chúng ta hoàn toàn trong sáng!

           

Rất nhiều người đã hiểu lầm Phật giáo. Ngay cả một số giáo sư Phật học, họ nhìn vào những gì Phật dạy rồi diễn dịch một cách vô cùng văn chương, bóng bảy. Họ đã không hiểu gì về những phương pháp của Ngài, họ đã không hiểu được những ý nghĩa thâm sâu của những lời dạy bảo. Theo ý kiến của riêng tôi, điều vô cùng quan trọng của mỗi một tôn giáo là ở những phương pháp của nó: làm thế nào để chuyển tôn giáo thành những kinh nghiệm sống của riêng mỗi người. Tốt nhất chúng ta nên hiểu để thực hành nó, như vậy tôn giáo mới có ích, mới có hiệu quả. Sự thực hành sẽ trở nên tự nhiên hơn, thật hơn; nó sẽ giúp chúng ta hiểu được bản tính nguyên thủy của chúng ta, tâm bản nhiên của chúng ta và chúng ta sẽ chẳng còn ngạc nhiên khi biết được có những gì ở trong đó. Rồi, khi đã hiểu được tâm bản nhiên, chúng ta có thể kiểm soát, có thể theo dõi nó một cách rất tự nhiên; chúng ta sẽ không phải cố gắng quá độ, sẽ không còn cần một sự thúc đẩy nào, sự hiểu biết tự nhiên sẽ mang lại sự kiểm soát tự nhiên, sự tỉnh thức tự nhiên.

           

Nhiều người tưởng rằng sự kiểm soát tâm là một việc làm chặt chẽ lắm, nghiêm chỉnh lắm, mãnh liệt lắm. Thực ra, việc kiểm soát là một tiến trình đến rất tự nhiên. Nhưng quý vị không đồng ý, phải không? Quý vị sẽ nói rằng tâm không kiểm soát được bởi sự tự nhiên vì quý vị tin rằng tình trạng tự nhiên của tâm là không có sự kiểm soát. Thật ra không phải vậy. Khi chúng ta nhận thức được sự tự nhiên của một cái tâm không kiểm soát, thì sự kiểm soát đang đến một cách tự nhiên, như tình trạng không kiểm soát hiện tại của chúng ta đang xẩy ra cũng một cách rất tự nhiên. Hơn nữa, chỉ có một cách để nhận ra sự kiểm soát đang tràn qua tâm chúng ta là chúng ta nên hiểu rõ bản tính của nó. Chúng ta đừng bao giờ cưỡng bức, đừng bao giờ bắt buộc tâm -thế giới nội tại- của chúng ta phải thay đổi. Cũng như chúng ta không thể thanh tẩy tâm của chúng ta bằng sự hành xác, bằng sự đánh đập thân thể. Ðiều đó chắc chắn không thể được. Nghiệp chướng, ô trược, tội lỗi, hay bất cứ cái gì chúng ta gọi cho những hiện tượng tâm lý này đều không thể chấm dứt bằng những sự kiện vật lý. Sự thanh tẩy đòi hỏi một sự hợp tác của cả trí tuệ lẫn phương pháp.

           

Ðể thanh tẩy tâm hồn, chúng ta không cần phải tin vào những gì đặc biệt ở mãi tận trên kia như Thượng Ðế, Phật. Ðừng quá quan tâm về những vấn đề đó. Một khi chúng ta đã thật sự nhận thức được những đặc tính lên xuống trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thật sự thấu hiểu được những bản tính tự nhiên của thái độ tinh thần chúng ta, thì chúng ta sẽ tự động ước muốn hoàn thành một giải pháp.

           

Ở thời đại này, có rất nhiều người muốn xét lại những vấn đề của tôn giáo, hình như họ nghĩ rằng tôn giáo không còn giá trị. Thực ra tôn giáo vẫn có giá trị. Tôn giáo giúp cải thiện đời sống. Tôn giáo có những phương pháp tuyệt hảo giúp giải quyết những vấn đề của xã hội. Vấn đề là con người đã không hiểu được những đặc tính căn bản của tôn giáo, vì thế họ không thể có được những ước muốn hoàn thành sự thực tập những phương pháp của tôn giáo dạy bảo.       

           

Hãy thử nhìn vào đời sống vật chất. Ðó là một thế giới của bạo động và xung đột. Chúng ta không bao giờ thay đổi được chúng như ý muốn của chúng ta. Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta không thể xác quyết một cách chắc chắn rằng hôm nay tôi muốn mọi việc phải như thế này, thế kia. Chúng ta không thể xác định trước một ngày đừng nói chi đến trước một tuần, một tháng, một năm. Nếu tôi yêu cầu qúy vị ngay bây giờ hãy cho tôi biết cái gì sẽ xẩy ra hôm nay, chuyện gì sẽ xẩy ra cho chúng ta, qúy vị sẽ cảm thấy những giây phút sắp tới như thế nào ...vân vân... Qúy vị có thể nói cho tôi biết không?  Chắc chắn là không. Chúng ta không thể trả lời được, phải không qúy vị?

           

Không cần biết chúng ta sẽ tạo cho chúng ta một đời sống vật chất thoải mái  như thế nào, cũng không cần biết chúng ta trang hoàng nhà cửa của chúng ta như thế nào -tôi có cái này, tôi có cái kia, tôi đặt cái này ở đây, cái kia ở đó...- Chúng ta vẫn không thể xếp đặt tâm của chúng ta giống như vậy. Chúng ta không thể qủa quyết ngày hôm nay tôi phải như thế này. Làm thế nào chúng ta có thể sắp xếp tâm của chúng ta như vậy được? Làm sao chúng ta có thể nói được: “ ngày hôm nay tôi sẽ như thế này?” Tôi có thể nói cho qúy vị biết chắc chắn một điều, cho tới khi nào tâm của chúng ta còn ở ngoài tầm kiểm soát, còn loạn động và còn phân biệt chia rẽ thì chúng ta sẽ không bao giờ làm được điều đó, không thể được. Nói vậy không có nghĩa là tôi chê bai qúy vị, tôi chỉ muốn nói lên một vấn đề là: tâm của chúng ta làm việc như thế nào!

           

Tất cả những điều nói ở trên chỉ nhấn mạnh một vấn đề: không cần biết chúng ta có một đời sống vật chất thoải mái, tiện nghi như thế nào; không cần biết chúng ta tự an ủi: “ồ, điều này tôi hài lòng, điều này làm tôi vui, tôi sẽ hạnh phúc cả ngày hôm nay!” như thế nào, chúng ta vẫn không thể xác định được đời sống của chúng ta sẽ xẩy ra y như vậy. Những cảm xúc luôn luôn thay đổi, thay đổi, tự động thay đổi một cách liên tục không ngừng nghỉ. Sự kiện này nói lên đời sống vật chất không giúp gì được trong tiến trình thay đổi tâm lý đó. Tuy nhiên, tôi không có ý khuyên qúy vị phải từ bỏ đời sống vật chất mà hãy sống khổ hạnh. Tôi hoàn toàn không muốn nói như vậy. Quan điểm của tôi là nếu chúng ta thực sự hiểu được vấn đề tâm linh và sống theo nó thì chúng ta sẽ tìm được những sự thỏa mãn lớn lao hơn, cao cả hơn, sẽ có một đời sống ý nghĩa hơn là cứ chạy theo những cảm xúc trần gian. Hạnh phúc trần gian không bao giờ thỏa mãn được tâm của con người.

           

Vì thế, sự có mặt của tôn giáo với mục đích chính của nó là giúp chúng ta thấu hiểu được tâm bản nhiên của chúng ta và những cảm tính riêng của chúng ta. Chúng ta muốn gọi con đường tâm linh của chúng ta bằng tên gì cũng được, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là từ nó chúng ta có thể học hỏi được kinh nghiệm cho riêng chúng ta và có hiểu được cảm tính riêng tư của chúng ta hay không. Vì lý do đó, kinh nghiệm của Lạt ma về Phật giáo là thay vì chú trọng đến tín ngưỡng, các ngài lại đặc biệt chú ý đến vấn đề chứng nghiệm cá nhân, thực hành đạo pháp trong đời sống và xác định được những kết qủa trong tâm của chúng ta như: phương pháp này có mang lại lợi ích không? tâm chúng ta có chuyển hóa không hay vẫn ở ngoài vòng kiểm soát như trước kia?  Ðó là Phật giáo! và cái phương pháp để kiểm soát tâm được gọi là thiền định.

           

Ðây là vấn đề hoàn toàn cá nhân, chúng ta không thể tổng quát hóa, không thể tập thể hóa vấn đề này được. Nó thuần túy là sự hiểu biết cá nhân, kinh nghiệm của từng người. Nếu con đường chúng ta đang theo, đang thực hành không mang lại cho chúng ta một sự thay đổi nào, không giải quyết được vấn đề gì, không có câu trả lời cho những khúc mắc của đời sống, không thỏa mãn tâm chúng ta thì chúng ta nên xét lại, nên đặt lại vấn đề. Có một điều gì sai lầm trong con đường chúng ta đang theo hay không? hay là chúng ta đã hiểu sai vấn đề? Chúng ta không nên vội vàng kết luận tôn giáo mà chúng ta đang theo là sai lầm bởi vì chúng ta đã thử mà không thành công. Cá tính khác biệt mang đến những tư tưởng khác biệt, mang đến những quan điểm khác biệt, mang đến những sự hiểu biết về tôn giáo khác biệt nên có thể có những nhận xét sai lầm. Vì thế, hãy thận trọng, hãy thấu triệt những giáo lý và những phương pháp mà chúng ta đang theo, trước khi phê phán nó. Nếu chúng ta thực sự nắm được những căn bản giáo lý của nó, chúng ta sẽ thực sự kinh nghiệm và hài lòng trong tận đáy lòng của chúng ta. Từ đó, chúng ta sẽ chứng nghiệm được sự thỏa mãn của tâm không phải từ những vật bên ngòai. Sự thỏa mãn chân thật chỉ có ở bên trong, ở tâm bản nhiên của chúng ta. Sự an lạc chỉ đến từ bên trong!

           

Chúng ta thường đau khổ và nhìn thấy một thế giới đảo điên, chỉ vì chúng ta tin tưởng rằng chúng ta có thể thay đổi được những sự vật bên ngoài theo ý muốn của chúng ta, theo hoạch định của chúng ta. Chúng ta đòi hỏi sự vật phải thay đổi trong khi bản tính của chúng không thay đổi; sự vật phải tồn tại, phải thường hằng trong khi bản tính của chúng là vô thường. Rồi, khi chúng đổi thay là chúng ta không bằng lòng, chúng ta nổi giận. Chúng ta tức giận khi một vật nào đó trong nhà hư hại, bể vỡ, chỉ vì chúng ta không hiểu được bản tính vô thường của nó. Khi thời điểm đến, mọi vật đều biến đổi dù chúng ta muốn hay không muốn.         

           

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đòi hỏi sự vật phải tồn tại, phải ở với chúng ta. Ðiều đó không thể được, không có vật gì có thể tồn tại mãi mãi. Do đó, để tìm kiếm sự thỏa mãn vĩnh cửu, chúng ta nên chú tâm vào sự thực hành tâm linh và thiền định hơn là đi tìm ở những sự vật chung quanh chúng ta. Sự thỏa mãn vĩnh cửu chỉ đến từ tâm, từ bên trong chúng ta. Vấn đề then chốt và là căn nguyên của tất cả mọi đau khổ, buồn bực, chán đời là chúng ta có một cái tâm không tỉnh thức, một cái tâm bất mãn, bám víu.

           

Biết như vậy thì mỗi khi rắc rối xẩy ra, thay vì bực tức nóng giận vì những việc không vừa ý, vì những hành động bám víu bên ngoài, chúng ta hãy thư dãn, thoải mái, ngồi xuống và bắt đầu khám xét xem thực trạng nào đang diễn ra ở trong tâm ta. Hành động này rất có lợi để đối trị những rắc rối đang tràn đến đồng thời làm êm dịu tâm ta. Hơn nữa, khi chúng ta thực tập như vậy, chúng ta giúp cho trí tuệ ngày càng thêm lớn mạnh. Trí tuệ không bao giờ phát triển trong một cái tâm bấn loạn, lộn xộn và hay thay đổi!

           

Một tinh thần bấn loạn là một chướng ngại lớn cho việc phát triển trí tuệ. Cũng giống như vậy, ngã chấp là chướng ngại cho việc phát hiện tâm bản nhiên. Nếu vì những quan niệm sai lầm mà chúng ta cho rằng bản ngã và tâm là một, giống như nhau, thì chúng ta sẽ không bao giờ tách chúng ra được và cũng không bao giờ khám phá ra được phía bên kia của bản ngã là gì. Cho tới khi nào chúng ta còn tin vào sự sai lầm này thì chúng ta và tội nguyên tổ là một và sẽ chẳng bao giờ chuyển hóa được chúng. Tin vào cái gì thì cái đó trở nên quan trọng và nó sẽ ảnh hưởng muôn đời đến tất cả những quan niệm sống của chúng ta. Người Tây phương thường quan niệm rằng nếu chúng ta không là một với bản ngã thì chúng ta không thể có một đời sống, không thể có công ăn việc làm và không thể hoàn thành một việc gì. Ðó là một ảo nghĩ vô cùng nguy hiểm - họ tưởng rằng chúng ta không thể tách cái tôi ra khỏi tâm, cái tôi ra khỏi đời sống. Họ cho đó là điều vô cùng rắc rối. Nếu mất cái tôi, chúng ta sẽ mất hết cá tính, mất cả bản tính tự nhiên của con người. Ðiều đó hoàn toàn sai lầm, chúng ta không nên lo lắng về những vấn đề này. Thật ra, nếu bỏ mất cái tôi chúng ta sẽ thực sự hạnh phúc. Chúng ta nên có hạnh phúc! Nhưng “cái tôi” là gì? Người Tây phương có rất nhiều danh từ nói về cái tôi, nhưng người ta có thực sự hiểu cái tôi là gì không? Không cần biết sự hoàn hảo của những danh từ đó như thế nào, cái tôi không phải là ngôn từ, ngôn ngữ chỉ là một biểu tượng. Họ nghĩ có một “cái tôi” thực đang ở trong chúng ta. Ðây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm về một cái “tự ngã độc lập, thường hằng và hiện hữu.”  Trong thực tế, những cái gì chúng ta tin tưởng về cái tôi đều không hiện hữu, không có thực.

           

Nếu tôi hỏi tất cả mọi người có mặt ở đây đi tìm kiếm tận trong đáy sâu thẳm, phía bên kia của ngôn ngữ, cái tôi là gì, thì mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau. Tôi không nói đùa đâu, đây là kinh nghiệm của tôi, qúy vị nên tự tìm hiểu lấy. Chúng ta vẫn thường nói một cách bao quát: “đó là cái tôi của anh”, nhưng chúng ta thực sự không có một ý niệm gì về bản tính đích thực của cái tôi là gì? Ðôi khi chúng ta còn dùng một câu rất ư là châm biếm: “Ồ, không sao, đó chỉ là cái tôi của anh thôi mà!” hay những câu đại khái như vậy. Nhưng nếu chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn, chúng ta sẽ nhìn thấy những người trung bình thường nghĩ rằng đó là cá tính của họ, đời sống của họ. Ðàn ông có cảm tưởng rằng nếu họ làm mất bản ngã họ sẽ mất hết cá tính, họ sẽ không còn là đàn ông nữa; nữ giới có cảm tưởng rằng nếu họ làm mất cái tôi của họ, họ sẽ mất hết phẩm cách của đàn bà. Ðiều đó hoàn toàn không có thật, hoàn toàn sai lầm. Còn nữa, vẫn dựa trên căn bản diễn dịch về đời sống và bản ngã của người Tây phương, thì nó còn tệ hơn nữa : họ nghĩ bản ngã là một thái độ tích cực cần phải có cho đời sống xã hội, nếu không có bản ngã, không thể sống hòa đồng với xã hội. Nếu chúng ta cứ tiếp tục tìm hiểu một cách sâu xa hơn trong lãnh vực tinh thần, chúng ta sẽ còn khám phá ra nhiều điều thích thú hơn nữa.

           

Ngay cả những nhà tâm lý học cũng định nghĩa bản ngã một cách rất nông cạn, hời hợt, làm chúng ta có cảm tưởng nó hoàn toàn có tính cách vật chất. Theo quan điểm của Phật giáo, “bản ngã” hay “cái tôi” là một ý niệm thuộc phạm vi tinh thần, không phải vật chất. Dĩ nhiên, những hoạt động của một biểu tượng “tôi” có thể được thị hiện ra bên ngoài, thí dụ, khi một người giận dữ thì thân xác của họ phản ảnh những rung động giận dữ chứ không phải có một “cái dữ ” tự nó hiện hữu, tự nó xuất hiện. Ðó chỉ là một biểu hiện của sự giận dữ. Cũng giống như vậy, “cái tôi” không phải là sự thị hiện từ bên ngoài mà là những yếu tố, động lực của tinh thần, một thái độ tâm lý ở bên trong. Chúng ta không thể nhìn thấy chúng từ bên ngoài.

           

Trong lúc thiền định, chúng ta có thể nhận ra hôm nay chúng ta lên tinh thần, ngày mai xuống tinh thần : những hiện tượng chao đảo là do tâm. Một người không theo dõi bên trong của họ sẽ có những ý kiến rất nông cạn, như “ hôm nay tôi không vui vì mặt trời không sáng.” Tất cả những hiện tượng lên xuống của chúng ta đều phát xuất từ những yếu tố tâm lý, ở bên trong.

           

Khi một làn gió mạnh thổi qua, mây tan đi và bầu trời trong xanh trở lại. Tương tự như vậy, khi trí tuệ -sự hiểu biết về tâm bản nhiên- đến, đám mây đen tối  bản ngã liền tan biến. Phía bên kia của “bản ngã”, của “cái tôi” -sự loạn động, tâm không kiểm soát, tâm không tỉnh thức- là sự an lạc vĩnh cửu, là sự thỏa mãn hoàn hảo bất tận. Ðó là tất cả sự dạy bảo của Ðức Phật, đó là tất cả sự diễn giảng, phân tích của Ngài về cả hai mặt tốt xấu, tích cực và tiêu cực của chúng ta. Ðặc biệt, mỗi khi tâm tiêu cực xuất hiện, thay vì sợ hãi, chúng ta nên phân tích nó, khám xét nó, theo dõi nó một cách gần hơn nữa, một cách xác thực hơn nữa.

           

Ðó, qúy vị thấy không, Phật giáo không phải là một tôn giáo thuần túy, nó luôn luôn cố gắng tránh những sự công kích, xung đột. Phật giáo chỉ chú trọng đến việc tìm hiểu chúng ta là ai và tâm của chúng ta hoạt động, làm việc như thế nào ngay bây giờ, ở đây. Ðiều đó làm cho Phật giáo trở nên hấp dẫn và thích thú cho nhiều người. Chúng ta không thể lúc nào cũng chỉ đòi hỏi nghe những điều tốt đẹp, những điều vừa ý, những vấn đề tích cực. Tôi biết qúy vị là những người tốt, chúng ta luôn tích cực, chúng ta thích đứng về phía ánh sáng, nhưng còn bản tính tiêu cực  -phần tối tăm - của chúng ta thì sao? Ðể có thể hiểu được cả hai phía một cách ngay thẳng công bằng, để có thể thấu triệt được toàn diện bản tính của chúng ta, chúng ta phải tìm hiểu, phải nhìn nhận cả hai, bên xấu cũng như bên tốt, phần tích cực cũng như phần tiêu cực, và một điều vô cùng quan trọng là không bảo vệ, không thiên vị bên nào!

           

Tôi xin chấm dứt ở đây và rất hân hạnh được trả lời những câu hỏi của qúy vị.

 

Hỏi:  Thưa Lạt ma, ngài nói rằng chúng ta nên bày tỏ, biểu lộ những hành động tiêu cực của chúng ta ra hơn là bưng bít, che dấu nó? Phải chăng chúng ta nên để chúng đi ra?

 

Lạt ma:  Tùy theo. Có hai vấn đề. Nếu những cảm xúc tiêu cực đã lộ ra bên ngoài, tốt hơn nên tìm cách để giãi bày nó ra nhưng tôi đề nghị nên đối diện với nó trước khi để nó xuất hiện ra. Dĩ nhiên, với những cảm xúc tiêu cực quá mạnh mà chúng ta cố gắng chịu đựng, đè nén nó thì đây lại là nguyên nhân cho một sự nguy hiểm sau này, thí dụ, sự bùng nổ một cơn giận dữ tích tụ lâu ngày có thể vác súng đi giết người. Phật giáo có những phương pháp để khảo sát những cảm xúc này bằng trí tuệ và bằng cách tiêu hóa chúng qua thiền định, hãy thiền định để những cảm xúc tan biến một cách êm thắm. Sự giãi bày những cảm xúc tiêu cực mạnh ra bên ngoài sẽ để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của chúng ta. Những dấu ấn này, những kinh nghiệm này sẽ giúp chúng ta giải quyết một cách dễ dàng hơn khi những cảm xúc tiêu cực đó trở lại, mặc dầu lần trở lại này có thể còn mãnh liệt hơn lần trước. Những dấu ấn này tạo thành một chuỗi nghiệp lực nhân quả mà nó sẽ ảnh hưởng lâu dài trên những hành vi tiêu cực của chúng ta. Do đó, chúng ta phải biết trau dồi bản lãnh và phải quyết liệt khi đối diện với những âm lực này. Hãy học hỏi để biết khi nào nên giãi bày nó ra, làm thế nào để giãi bày tâm sự và đặc biệt làm thế nào để nhận diện được nó trước khi nó thành hình để tiêu hóa nó trong trí tuệ.

 

Hỏi:  Xin Ngài giải thích sự liên hệ giữa phương pháp thiền của Phật giáo và Hatha yoga?

 

Lạt ma:  Trong Phật giáo chúng tôi chú trọng nhiều đến sự hòa nhập nội tâm hơn là sự chuyển động của thân xác, mặc dầu có những sự thực hành thiền định qua việc thực tập thân xác. Nói chung, sự thiền định của Phật giáo dạy chúng ta nhìn vào bên trong xem chúng ta là gì, để hiểu được bản tính thực của riêng chúng ta. Thiền Phật giáo không nhất thiết phải ngồi yên một chỗ trong tư thế liên hoa với đôi mắt nhắm lại, thiền có thể thực hiện trong tất cả mọi trạng huống của đời sống. Ðiều quan trọng là phải tỉnh thức trên từng công việc chúng ta làm vì thế chúng ta không nên làm buồn lòng  chính mình và những người chung quanh một cách vô ý thức. Chúng ta có thể thiền trong lúc đang đi, đang nói chuyện, đang làm việc, đang ăn...trong bất cứ lúc nào, hãy tỉnh thức trong từng hành động của thân, khẩu và ý của chúng ta.

 

Hỏi:  Phật tử có hoàn toàn kiểm soát khí lực (prana) của họ qua tâm không?

 

Lạt ma:  Có. Nếu chúng ta kiểm soát được tâm, chúng ta sẽ kiểm soát được tất cả mọi sự kiện. Không thể kiểm soát được thân xác nếu không kiểm soát được tâm trước. Nếu chúng ta cố gắng kiểm soát thân bằng sức mạnh, nếu chúng ta tự đưa chúng ta lên mà không hiểu sự liên hệ giữa tâm và thân thì đó là một việc làm rất nguy hiểm mang lại nhiều điều khổ tâm.

 

Hỏi:  Ngài có thể đi vào đại định trong khi ngài đang đi, giống như trong lúc ngài ngồi thiền không?

 

Lạt ma:  Chắc chắn được, lý thuyết là như vậy nhưng tùy theo mỗi cá nhân. Với người mới tập, sẽ đạt được cảnh giới này dễ dàng bằng cách ngồi thiền. Tuy nhiên, với người có kinh nghiệm, họ có thể duy trì tình trạng tâm tập trung này ở tất cả mọi nơi, ngay cả khi họ đang đi. Dĩ nhiên, nếu một người có tâm hồn bấn loạn, dù có ngồi thiền đi nữa họ cũng không thể giữ tâm yên tịnh. Một điểm quan trọng trong Phật giáo là chúng ta không thể bắt tất cả mọi người phải làm điều này, tất cả mọi người phải như vậy, nó tùy thuộc vào cá tính mỗi người. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khẳng định con đường thực hành thiền định như sau: bước thứ nhất chúng ta nên phát triển như thế này, kế tiếp đi theo con đường này rồi tiếp tục tiến lên những giai đoạn tập trung khác nhau...vân vân... Tương tự như thế, toàn thể con đường tu tập đến giác ngộ - chúng tôi gọi là lam-rim, từng bước tu tập - được đặt ra từng cấp bậc, từng lý thuyết thích hợp cho từng người, giúp họ có thể dễ dàng tìm được trình độ của họ, rồi họ sẽ bắt đầu từ đó.

 

Hỏi:  Thưa Lạt ma, những tư tưởng tiêu cực (xấu) xẩy ra trong tâm của chúng ta, chúng có thể đến từ những nguyên nhân bên ngoài chúng ta, từ người khác hay từ một thể tinh thần nào đó hay không?

 

Lạt ma:  Ồ, đó là một câu hỏi rất hay. Nguyên nhân chính, gốc rễ thâm sâu của những căn nguyên tiêu cực nằm ở trong tâm của chúng ta, nhưng điều kiện để nó thị hiện ra bên ngoài thường thường đòi hỏi một sự tác dụng hỗ tương, nguyên nhân bên ngoài, từ người khác hay từ những cảnh vật chung quanh. Thí dụ, một vài người có những kinh nghiệm về thuật phong thủy, chiêm tinh bói toán quan niệm: khí lực (chấn động của những hành tinh khi nó chuyển vận) thay đổi làm ảnh hưởng đến con người. Những cảm xúc thay đổi vì những kích thích tố trong người thay đổi. Những kinh nghiệm này không chỉ đến từ tâm của chúng ta mà còn qua những tác động vật chất hay tinh thần. Dĩ nhiên chúng ta cũng có thể nói rằng tất cả những sự kiện trong cơ thể mà nó là nguyên nhân của một đổi thay đều đến từ tâm chúng ta. Nhưng tôi không nghĩ rằng Ðức Phật chấp nhận ý kiến cho rằng có một thể tinh thần bên ngoài gây đau khổ cho chúng ta. Ðiều này cũng có thể xảy ra nếu tâm lực của anh có liên hệ đến một lực nào đó ở bên ngoài và đó chính là sự tác dụng hỗ tương làm anh đau khổ.

           

Qua những kinh nghiệm trong cuộc sống, chúng ta đã biết được chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những sự kiện ở chung quanh. Trong bầu không khí vui tươi, an lành và thương yêu, con người tự cảm thấy hạnh phúc. Trong bầu không khí nóng giận, gần những người năng động, gần những người hiếu thắng chúng ta dễ bị lôi cuốn theo họ. Tâm của con người như cái gương soi. Chiếc gương không phân biệt, không kỳ thị, nó phản chiếu tất cả những gì đàng trước nó, không kể tốt xấu. Giống như thế, tâm của chúng ta nhận tất cả những cảnh ở chung quanh, nếu chúng ta không biết kiểm soát, không tỉnh thức với những sự kiện xẩy ra, tâm của chúng ta có thể sẽ nhận đầy rác rưởi. Vì thế, hãy thận trọng, hãy ý thức những gì xẩy ra ở chung quanh ta và nhận thức xem nó ảnh hưởng đến tâm chúng ta như thế nào.

           

Vấn đề mà chúng ta cần phải hiểu về tôn giáo là xem nó liên hệ thế nào với tâm của chúng ta, nó có thể hướng dẫn đời sống của chúng ta như thế nào. Nếu chúng ta có thể thực hành nó, điều đó thật tuyệt diệu, sự thật nằm ngay ở đó. Chúng ta không cần phải đặc biệt chú ý đến lòng tin vào Thượng đế, vào Phật hay quan tâm đến tội lỗi, đừng quá lo sợ về những vấn đề đó. Hãy hành động đúng theo sự hiểu biết của chúng ta càng nhiều càng tốt, như vậy chúng ta sẽ gặt hái được kết quả ngay ngày hôm nay. Hãy quên đi những vấn đề siêu hình, siêu thực hay những gì vĩ đại cao xa như tình yêu bao la  --tình cao thượng, lòng từ bi sẽ đến, sẽ lớn mạnh từ từ, một cách chắc chắn nhưng từ từ.-- Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ chú trọng đến những vấn đề, như “ Ồ, tuyệt diệu quá! siêu việt quá! mãnh liệt quá!” là chúng ta đang đi trong một cuộc hành trình về quyền lực. Dĩ nhiên sức mạnh của tinh thần sẽ đến nhưng chỉ có một cách mà chúng ta có thể đạt được là chúng ta phải thấm nhuần đạo pháp và chuyên cần thực hành nó trong đời sống. Sức mạnh đến từ bên trong chúng ta. Ðừng nghĩ rằng quyền năng thật phải ở trên kia, một chỗ nào đó trong bầu trời. Quyền năng thật đang ở đây, tâm của chúng ta!   

 

Hỏi:  Theo giáo lý Phật giáo, tri giác (tưởng) là một trong năm uẩn (ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức), chúng hòa hợp làm thành thân tâm của con người. Tri giác làm việc như thế nào? Thưa Ngài.

 

Lạt ma:  Lại một câu hỏi rất hay. Hầu như trong mọi lúc, tri giác của chúng ta đều hão huyền, huyễn ảo; chúng ta không nhận thức đúng sự thật. Ðúng vậy, chúng ta nhìn thế giới cảm giác  -hình thể hấp dẫn, mầu sắc đẹp, món ăn tuyệt hảo...vân vân... - nhưng chúng ta không thực sự nhận biết được sự thật của chúng, bản chất thực của hình thể, của mầu sắc và của mùi vị.... Ðó là lý do tại sao chúng ta luôn luôn  có những nhận xét sai lầm. Những nhận biết sai lầm của chúng ta là một tiến trình cung cấp tin tức sai lạc từ năm giác quan chuyển vào tâm, rồi nó được diễn lại dưới ảnh hưởng của “cái tôi”. Kết quả là chúng ta luôn luôn ở trong huyễn ảo, chúng ta không nhìn ra được bản tính thực của sự vật, chúng ta chỉ đứng bên lề của sự thật, ngay trong thế giới cảm giác.

 

Hỏi: Nghiệp quá khứ có ảnh hưởng đến tri giác của chúng ta không?

 

Lạt ma:  Dĩ nhiên là có. Nghiệp quá khứ ảnh hưởng rất nhiều đến những nhận thức của chúng ta. Cái tôi của chúng ta ôm giữ, nắm bắt tất cả những nhận thức không được kiểm soát và tâm của chúng ta chỉ chạy theo chúng: toàn thể tình trạng không kiểm soát đó được gọi là nghiệp.  Nghiệp không chỉ đơn giản là những lý thuyết, đó chính là những tri giác hàng ngày của chúng ta trong cuộc sống.

 

Hỏi:  Thưa Lạt ma, sự liên hệ giữa tâm và thân là gì? chẳng hạn như thức ăn có liên hệ gì không?

 

Lạt ma:  Thân không phải là tâm, tâm cũng không phải là thân, nhưng cả hai có một liên hệ rất đặc biệt. Chúng rất gần nhau, rất ảnh hưởng đến nhau. Thí dụ, khi một người dùng ma túy thì vật chất không ảnh hưởng đến tâm một cách trực tiếp, nhưng vì tâm liên hệ với hệ thần kinh của thân và những cơ quan trong người, nên sự thay đổi vì thuốc khiến cho hệ thần kinh không còn hòa hợp, đó là nguyên nhân để tâm có những ảo giác. Vì biết có một sự liên hệ sâu xa giữa thân và tâm nên mật tông du già Tây Tạng mới lợi dụng cơ hội này : tập trung sự chú ý vào những trung tâm thần lực trong cơ thể để gây ảnh hưởng tâm. Do đó, ngay cả thức ăn thường ngày hay bất cứ gì thân xác đụng đến cũng đều có ảnh hưởng đến tâm chúng ta.

 

Hỏi:  Thưa ngài, nhịn ăn có tốt không?

 

Lạt ma:  Việc nhịn ăn không quan trọng lắm, trừ khi chúng ta đang trong thời kỳ thực tập một vài phương pháp đặc biệt thì sự nhịn ăn lại rất cần. Ðó là kinh nghiệm của một số lạt ma. Thí dụ, nếu chúng ta ăn uống cả ngày rồi ngồi thiền vào buổi tối thì sự tập trung thiền định rất khó. Vì thế, nếu muốn thiền một cách đúng đắn, chúng tôi chỉ ăn ngày một bữa. Buổi sáng chúng tôi uống trà, ăn buổi trưa, buổi tối uống trà. Với chúng tôi, sống như vậy để cuộc đời đơn giản hơn, thân xác nhẹ nhàng hơn. Nhưng với những người không thấy cần thiết phải luyện tâm thì họ lại cho đó là một cực hình. Thường thường chúng tôi không nhịn ăn. Chúng ta không nên tự hành hạ mình, nên sống đơn giản, vui vẻ và hợp lý để giữ cho thân thể luôn khỏe mạnh. Nếu thân thể yếu đuối, tâm cũng trở nên vô dụng. Khi tâm vô dụng, đời sống cũng trở nên vô dụng. Trong một vài trường hợp, nếu nhịn đói để thăng tiến việc thực tập thiền định hay để tiến xa hơn trong một vài lãnh vực thì nhịn ăn là một điều tốt.

           

Xin cám ơn qúy vị, nếu không còn câu hỏi nào khác, xin kính chào qúy vị.

 

 

Lama Yeshe thuyết giảng tại Brisbane, Australia, ngày 28 tháng 4 năm1975 

 

 

 

MỘT CÁI NHÌN THOÁNG QUA ^

VỀ TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO

 

 

Người ta thường nghĩ, nghiên cứu Phật giáo thì không khô khan, đó là một sự chọn lựa khôn ngoan hay là một sự phân tích hời hợt về một vài điểm của tôn giáo hoặc đó là những học thuyết về triết lý, đạo học. Nhưng trái lại, khi chúng ta nghiên cứu Phật giáo, học hỏi về thiền định là chúng ta đi thẳng vào vấn đề cốt tủy của con người: tâm bản nhiên của chúng ta là gì? baûn tính nguyên thủy của chúng ta là gì?

 

Phật học là một phương pháp kiểm soát tâm rối loạn, tâm vô kỷ luật, để hướng dẫn nó đi từ đau khổ đến hạnh phúc. Trong một lúc nào đó, tất cả chúng ta đều có một cái tâm rối loạn, nhưng nếu chúng ta trau dồi một sự hiểu biết đúng đắén về bản tính tự nhiên của tâm, thì sự kiểm soát sẽ đến một cách tự nhiên và chúng ta có thể cởi bỏ được những cảm xúc vô minh cùng những đau khổ mà chúng đã mang lại. Vì thế, không cần biết chúng ta có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, theo đạo hay không theo một tôn giáo nào, dù là Thiên Chúa giáo, Ấn độ giáo hay là một khoa học gia, dù là đen hay trắng, dù người Ðông phương hay người Tây phương..., một điều vô cùng quan trọng cần biết là tâm của chúng ta là gì? nó làm việc như thế nào?

           

Nếu chúng ta không hiểu tâm của chúng ta, thì tất cả những ý niệm sai lầm của chúng ta sẽ ngăn cản không cho chúng ta nhìn thấy được sự thật. Mặc dầu chúng ta nói rằng chúng ta đang thực hành giáo lý tôn giáo này, tôn giáo kia, nếu chúng ta thành thật khám nghiệm sâu xa hơn nữa, chúng ta sẽ thấy chúng ta chẳng theo một tôn giáo nào cả. Hãy thận trọng! Không có một tôn giáo nào ngăn cấm chúng ta tìm hiểu bản tính tự nhiên của chính chúng ta, nhưng phần đông chúng ta chỉ đổ xô đi tìm hiểu những vấn đề như lịch sử tôn giáo, giáo lý tôn giáo hay những vấn đề triết học mà quên hẳn đi vấn đề tự tìm hiểu chính chúng ta là gì, chúng ta hiện hữu như thế nào? Thay vì dùng tôn giáo để thực hiện những mục đích như  -làm việc thiện, tự do nội tại, giải phóng tâm, phúc lạc trường cửu- họ lại chơi những đòn tiểu xảo qua tôn giáo của họ như xây dựng công danh, tích tụ tài sản vật chất.

           

Nếu không hiểu tâm của chúng ta tham gia vào đời sống như thế nào thì làm sao chúng ta có thể khám phá ra phúc lạc vĩnh cửu cho chúng ta? Phúc lạc thường hằng ở đâu?  Nó không ở trong bầu trời kia cũng không ở trong rừng sâu, chúng ta không thể kiếm nó trong không khí hay trong lòng đất sâu. Hạnh phúc vĩnh cửu đang nằm trong chúng ta, ở bên trong nội tâm của chúng ta, nó chính là tâm thức của chúng ta. Ðó là lý do vô cùng quan trọng tại sao chúng ta phải nghiên cứu, phải tìm hiểu tâm bản nhiên của chính mình.

           

Nếu những lý thuyết tôn giáo mà chúng ta đã học không mang lại phúc lạc cho đời sống thường ngày của chúng ta, thì mục đích chính của nó là gì? Mặc dầu chúng ta vẫn thường nói: “ Tôi đang thực hành giáo lý tôn giáo này, tôn giáo kia,” hãy kiểm soát những gì chúng ta đã làm, chúng ta đã hành động như thế nào, chúng ta đã khám phá được những gì từ khi chúng ta theo nó? Ðừng sợ, hãy tự hỏi mình trong từng chi tiết. Nó rất có lợi ích vì nó sẽ cho chúng ta những kinh nghiệm của riêng chúng ta. Hãy thành thật tự hỏi tất cả những gì chúng ta đã làm, nếu không, chúng ta sẽ không hiểu được chúng ta đã làm như thế nào và đã làm những gì?  Và tôi chắc chắn rằng chúng ta đã biết tất cả, đã hiểu tất cả, niềm tin mù quáng vào bất cứ một tôn giáo nào sẽ không bao giờ giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề rắc rối của chúng ta.

           

Có rất nhiều người trả lời không được tự nhiên về sự thực hành tâm linh của họ: “ Dễ thôi, tôi đi chùa, đi nhà thờ mỗi tuần. Thế là đủ rồi! ” Ðó không phải là câu trả lời. Mục đích của tôn giáo chúng ta theo là gì? Chúng ta có câu trả lời cho những câu hỏi, cho những thắc mắc của chúng ta hay không? hay đó chỉ là một sự thực hành hời hợt, thực hành cho có lệ?  Chúng ta hãy kiểm soát xem. Tôi không muốn diễu qúy vị, tôi không muốn làm buồn lòng qúy vị, nhưng chúng ta phải biết chắc chắn rằng chúng ta đang làm gì?  Chúng ta có đi lạc đường không? chúng ta có vào mê hồn trận không? hay chúng ta đang đi đúng đường?  Nếu con đường chúng ta đang theo dạy chúng ta hành động, khuyến khích và hướng dẫn trực tiếp chúng ta đến lãnh vực tâm linh như phát triển trí tuệ, tình yêu thương và lòng từ bi đến muôn loài chúng sinh thì đó thực là có gía trị, thật là tuyệt hảo. Nếu không như vậy, chúng ta chỉ mất thời giờ vô ích.

           

Một tinh thần bị ô nhiễm bởi những ý niệm sai lầm thì nguy hiểm hơn là ảnh hưởng bởi ma túy rất nhiều. Tư tưởng sai lầm, thực hành không đúng cách tạo nên những căn bản sai lầm sâu đậm trong tâm,  rồi cứ tiếp tục như vậy, chúng ta mang ra áp dụng trong đời sống từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ðiều đó cho chúng ta thấy nó còn nguy hiểm hơn những nguyên nhân vật chất rất nhiều.

           

Tất cả chúng ta, dù theo tôn giáo hay không theo một tôn giáo nào, dù Ðông hay Tây, chúng ta đều muốn sống hạnh phúc. Ai cũng tìm kiếm phúc lạc, nhưng chúng ta có đi tìm đúng chỗ hay không? Có khi hạnh phúc ở đây, chúng ta lại đi tìm ở kia. Hãy chắc chắn rằng chúng ta đi tìm đúng chỗ, đúng nơi.

           

Chúng ta nên biết rằng những lời dạy bảo của Ðức Phật rất gần với tâm lý học và triết học hơn là những giáo điều, những mơ tưởng cao siêu của tôn giáo. Hình như rất nhiều người quan niệm rằng tôn giáo phần nhiều đòi hỏi sự tin tưởng, nhưng nếu việc thực hành tôn giáo của chúng ta chỉ đặt trên lòng tin thì đôi khi cũng chỉ vì một lời nói nghi ngờ của bạn bè như: “ Hãy thực tế, anh chị đang làm cái gì trên qủa đất này? ” là chúng ta sẽ bị lung lay, gẫy đổ ngay: “ Trời ơi, vậy là những gì tôi đã làm đều sai hết rồi! ”  Vì thế, trước khi chúng ta quyết định đi theo một con đường tâm linh nào, chúng ta phải hiểu cho thấu đáo, phải biết chắc mình sẽ làm gì.

           

Tâm lý học Phật giáo dạy rằng tất cả những tình cảm bám víu vào những rung cảm thế gian đều bắt nguồn từ vật chất và từ những rung động tinh thần. Năm giác quan của chúng ta cung cấp những dữ kiện cho tâm, kèm theo sự rung cảm của chính nó, tất cả những sự kiện này được chia thành ba nhóm: hài lòng (cảm thọ dễ chịu, lạc thọ), bất mãn (không hài lòng, cảm thọ khó chịu, khổ thọ) và dửng dưng (cảm thọ trung tính, không hài lòng cũng không bất mãn). Những loại cảm xúc này xẩy ra để đáp ứng những kích thích của vật chất hay tinh thần.

           

Mỗi khi chúng ta kinh nghiệm (có) loại cảm xúc hài lòng là tình cảm bám víu xuất hiện liền theo đó, rồi nó lắng đọng, khi lòng ham muốn phát khởi, chúng ta lại muốn kinh nghiệm (có) nó nữa. Bản tính của cái tâm tham này không bao giờ được thỏa mãn, nó luôn luôn quấy rầy sự yên tĩnh tinh thần của chúng ta vì bản tính của nó là náo động. Mỗi khi chúng ta kinh nghiệm loại cảm xúc không hài lòng, thì tự nhiên (một cách rất tự nhiên) chúng ta không thích và muốn chạy xa chúng; sự kinh tởm, chán ghét liền phát khởi (sân), nó lại quấy rầy sự yên tĩnh tinh thần của chúng ta. Mỗi khi chúng ta có thái độ dửng dưng, chúng ta liền (rất tự nhiên) bỏ qua những sự kiẹân đang xẩy ra và không muốn nhìn sự thật (si). Do đó, bất cứ một loại tình cảm nào khởi lên trong đời sống hàng ngày của chúng ta  -hài lòng, bất mãn, dửng dưng- cũng đều quấy phá sự yên tĩnh, như vậy là có một tình trạng mất cân bằng hay mất thanh tịnh hiện diện ở trong tâm rỗng lặng của chúng ta.

           

Như vậy, sự khám xét những cảm xúc riêng của chúng ta bằng cách này sẽ chẳng liên hệ gì đến vấn đề đức tin một chút nào, phải không quý vị? Cũng chẳng dính dáng gì tới những người Ðông phương hay những người trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Ðó chính là chúng ta, sự việc của chúng ta, tâm của chúng ta. Quý vị không thể bắt bẻ những điều tôi vừa trình bày bằng cách trả lời: “ tôi không có cảm nghĩ, không có ý kiến gì cả.” Nó quá đơn giản phải không quý vị?     

           

Nói xa hơn, có rất nhiều hành động tiêu cực của chúng ta là những phản ứng của tình cảm. Hãy thử nhìn vào chúng ta, khi chúng ta cảm thấy hài lòng về sự quen biết với một vài người hay một vài sự việc vừa ý, hãy thành thật phân tích xem tại sao chúng ta hài lòng. Sự cảm thấy hài lòng đó không phải ở những đối tượng bên ngoài, phải không? Nó ở trong tâm chúng ta. Tôi chắc chắn rằng chúng ta đều đồng ý sự hài lòng này không phải ở bên ngoài chúng ta. Vậy, tại sao chúng ta lại cảm thấy như thế? Nếu chúng ta thí nghiệm như vậy, chúng ta sẽ khám phá ra rằng phúc lạc, đau khổ hay tình cảm dửng dưng đều ở trong tâm của chúng ta. Chúng ta sẽ nhận ra rằng chính chúng ta trực tiếp có trách nhiệm về tất cả những cảm xúc mà chúng ta kinh nghiệm và chúng ta không thể đổ lỗi cho người khác: “ anh ta làm tôi đau khổ, cô ta làm tôi đau khổ, sự việc đó làm tôi đau khổ.” Chúng ta không thể đổ lỗi cho xã hội về những vấn đề của chúng ta, mặc dầu chúng ta vẫn thường đổ lỗi như vậy, phải không? Ðiều đó không hợp lý chút nào, không thật chút nào.

           

Có rất nhiều người, ngay cả một số tâm lý gia cũng nghĩ rằng chúng ta có thể dập tắt những tình cảm tham muốn bằng cách thay thế chúng bằng những sự vật khác hay người khác, như: “ nếu anh khổ vì vợ anh, chị khổ vì chồng chị, hãy đi kiếm người khác là hết khổ ngay.” Ðiều đó không thể được, chắc chắn không giải quyết được gì. Nếu chúng ta không hiểu tận gốc rễ bản tính của tình cảm hài lòng, của bất mãn và của tình cảm dửng dưng, chúng ta sẽ không bao giờ khám phá ra được những căn nguyên cốt tủy của những thái độ tinh thần của chúng ta; nếu không khám phá ra chúng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ dập tắt hoặc chuyển hóa được những ngọn lửa cảm xúc này.

           

Thí dụ, Phật giáo dạy chúng ta nên cảm nhận, nên gửi lòng từ bi, tình yêu thương đến muôn loài chúng sinh; làm sao chúng ta có thể cảm nhận được điều đó trong khi sự vô minh, lòng kỳ thị đang hoành hành trong tâm của chúng ta, mặc dù chúng ta chỉ cảm nhận một cách kín đáo, thầm lặng? Không thể được, chúng ta không thể làm được bởi vì tâm chúng ta đang náo động. Với một đối tượng mà chúng ta đang say mê, đang có thiện cảm với nó thì nó rất dễ làm tăng cường độ hài lòng, tăng sự vừa ý của chúng ta lên, ngay chính chúng ta cũng muốn những cảm xúc này tăng lên. Khi chúng ta gặp được đối tượng là tất cả những tình cảm này diễn ra một cách mãnh liệt, nồng nàn. Nhưng chúng ta nên biết rằng “cái-tâm-này” của chúng ta không thể tăng theo như vậy được, “cái-tâm-này” có giới hạn, nó vô thường, nó nhất thời, nó chóng qua, nó thay đổi, nên chẳng bao lâu tình cảm này sẽ tan vỡ. Lúc đó, cũng một cách rất tự nhiên, cái tâm không cân bằng của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bất an, hụt hẫng, đau khổ, trầm uất. Chúng ta đã tốn rất nhiều năng lực cho loại tình cảm này, cũng như đã tiêu phí rất nhiều sức lực để chạy trốn nó, chúng ta nên thấu hiểu sự kiện này. Như vậy là chúng ta đã đi đến đầu của một cực điểm, đã mất cân bằng. Chúng ta nên đi con đường trung dung, trung đạo thì cân bằng hơn.

           

Nếu nhìn vào sâu hơn một chút, chúng ta sẽ nhận thấy những loại tình cảm này ảnh hưởng đến tất cả những sinh hoạt, những xung đột trên thế giới, từ sự kiện hai đứa trẻ tranh nhau một cục kẹo đến việc hai đại cường đánh nhau vì muốn có sự hiện diện của mình. Họ gây chiến vì lý do gì vậy? Chỉ vì một lý do: tình cảm ham muốn vừa lòng. Ngay cả những đứa bé còn rất trẻ cũng nói rằng chúng đánh nhau vì chúng muốn vui, muốn vừa lòng.

           

Qua thiền định, chúng ta sẽ nhìn ra được sự thật này một cách dễ dàng. Thiền định sẽ phát hiện ra tất cả những sự kiện này trong tâm của chúng ta: tất cả những rác rưởi, tất cả những điều tốt, tất cả những hiện tượng đều được nhìn ra trong thiền định. Ðừng nghĩ rằng thiền là kiếm một chỗ nào đó, ngồi trong thế liên hoa rồi chẳng làm gì cả. Ý thức, tỉnh thức trên tất cả mọi vấn đề trong khi đi, trong lúc làm việc, trong lúc nói chuyện, trong khi đang ăn....vân vân.... đó là thiền! Càng nhìn ra được vấn đề này sớm bao nhiêu, càng nhận ra được trách nhiệm của chúng ta trong từng hành động nhanh bấy nhiêu. Chính chúng ta tự mang trách nhiệm trên tất cả những tình cảm vui mà chúng ta muốn cũng như những tình cảm bực bội, bất mãn mà chúng ta không muốn. Chẳng ai gây ra, chẳng ai mang lại cho chúng ta cả, cũng như chẳng ai kiểm soát chúng ta cả. Chính chúng ta là chủ nhân của tất cả những tình  cảm đó.

           

Khi một tình cảm vui chợt đến -như bản tính tự nhiên của nó- rồi nó lắng chìm xuống, làm cho chúng ta buồn chán khi chúng ta muốn nó trở lại mà không được. Ðiều này chẳng phải tại Chúa, chẳng phải tại Phật, chẳng phải tại Krishna, cũng chẳng phải tại một lý do bên ngoài nào... Nó tại chính chúng ta. Ðiều này khó phát hiện ra phải không? Những người có tâm mềm yếu thường nghĩ rằng: “ Ồ, anh ta làm tôi buồn qúa, cô ta làm tôi đau khổ qúa! ” Những tâm hồn yếu đuối thường đổ lỗi cho người khác, vật khác. Một điều hợp lý, theo tôi nghĩ, chúng ta nên khám nghiệm đời sống thường ngày của chúng ta để nhìn ra được những tình cảm vật chất hay tinh thần khởi phát ra như thế nào, đó là một công việc vô cùng quan trọng và hữu ích. Chúng ta luôn luôn học hỏi, không có một giây phút nào trong đời mà chúng ta không học hỏi, không gặp những điều mới lạ. Trong chiều hướng đó, qua việc áp dụng kinh nghiệm của riêng chúng ta, chúng ta sẽ khám phá ra những nguồn an lạc, những nguồn hạnh phúc vĩnh cửu đang ở trong tâm của chúng ta. Ðáng tiếc thay, những tâm hồn yếu đuối không có được những nguồn trí tuệ đó, chúng ta hãy thực tập, chúng ta hãy nuôi dưỡng, chúng ta hãy phát triển những nguồn năng lực này ra trong tâm của chúng ta.

           

Tại sao Phật giáo Ðại thừa lại dạy chúng ta nên phát triển loại tình cảm thanh tịnh, an bình này đến muôn loài chúng sinh? Trong đời sống thường ngày, chúng ta hay có thói quen chọn một hành vi coi như có vẻ đơn giản, một “hạt-nhân-tí-hon”, một sự kiện “đơn-giản-kinh-khủng”, chúng ta nghĩ: “ cái này dành cho tôi, đây là cái tốt nhất.” Có phải chúng ta đang sáng tạo một gía trị cực đoan một chiều: chúng ta thêu dệt một gía trị quá lố cho cái mà chúng ta thích, đồng thời chúng ta tạo ra một sự khinh miệt cho những cái còn lại? Ðiều này không tốt, hoàn toàn không tốt cho sự an bình, cho sự cân bằng của nội tâm. Thay vì như thế, chúng ta nên kiểm chứng tư cách của chúng ta: “tại sao tôi làm như vậy?  Ðó là một cái tâm gỉa dối, một cái tâm ngã chấp đang che lấp, đang đánh lừa tâm thức của tôi! ” Rồi cùng với sự thiền định về thanh tịnh  - tất cả muôn loài chúng sinh cũng đều muốn an tịnh và hạnh phúc - chúng ta sẽ học cách làm giảm bớt từ từ những bám víu mạnh mẽ vào một đối tượng hay giảm bớt những bực bội với người khác. Bằng cách này, chúng ta có thể dễ dàng giữ tâm của chúng ta cân bằng và khỏe mạnh. Rất nhiều người đã có kinh nghiệm này.

           

Do đó, tâm lý học của Ðức Phật rất có lợi cho chúng ta trong những sinh hoạt thường ngày mà chúng ta phải đối diện với, như những khổ đau và rắc rối của cuộc sống. Hãy nhớ rằng, mỗi khi tình cảm vui tươi xẩy ra thì lòng ham muốn, lòng khao khát thụ hưởng và sự bám víu cùng xẩy ra một lúc (tham); mỗi khi tình cảm bất mãn (không hài lòng) xẩy ra thì sự ganh ghét, sự bực tức và sự nóng giận (sân) cũng xuất hiện ngay ở đó và khi tình cảm dửng dưng, hờ hững xẩy ra thì vô minh và mù quáng (si) cũng tràn ngập tâm chúng ta ngay lúc đó. Nếu qua bài diễn giảng này, qúy vị có thể học hỏi được một sự thật về sự phát khởi của tình cảm ở trong nội tâm chúng ta và làm thế nào để phản ứng lại mỗi khi nó xuất hiện thì đời sống của chúng ta sẽ tinh tiến hơn, sẽ vui tươi hơn và an lạc hơn.

           

Qúy vị có câu hỏi gì không?

 

Hỏi:  Thưa Lạt ma, Phật giáo luôn luôn nói về nghiệp, nghiệp là gì?

 

Lạt ma:  Nghiệp (karma) là những kinh nghiệm của chúng ta qua thân khẩu và ý. Ðó là một danh từ chữ Phạn, nó có nghĩa là nhân qủa. Những kinh nghiệm của chúng ta về những vui buồn của tinh thần lẫn vật chất là hậu qủa của một nguyên nhân nào đó, nhưng chính những hậu qủa này lại trở thành nguyên nhân cho một kết qủa khác trong tương lai. Một hành động (action) sản xuất một phản ứng (reaction), đó là nghiệp. Cả triết học Ðông phương cũng như khoa học ngày nay đều giải thích rằng tất cả sự vật đều có một sự liên hệ nội tại. Nếu chúng ta hiểu được điều này, chúng ta sẽ hiểu được nghiệp làm việc như thế nào. Tất cả mọi hiện hữu, dù bên trong hay bên ngoài, đều không xẩy ra một cách không có lý do; năng lực của tất cả mọi hiện tượng bên trong hay bên ngoài đều liên quan, tùy thuộc lẫn nhau (duyên khởi). Thí dụ, năng lực của thân xác chúng ta có liên hệ đến năng lực của thân xác cha mẹ chúng ta; năng lực của thân xác cha mẹ chúng ta có liên hệ đến năng lực của thân xác ông bà chúng ta...vân vân...Sự phát triển nối tiếp này gọi là nghiệp.

 

Hỏi:  Thưa ngài, niết bàn là gì, có nhiều người đạt được không?

 

Lạt ma:  Mỗi khi chúng ta dồn hết năng lực vào sự tập trung tại một điểm thì chúng ta sẽ từ từ hóa giải được những ngã chấp cho tới khi chúng tan biến, hoà nhập cùng với nhau. Tại thời điểm đó, chúng ta sẽ chuyển hóa được “cái tôi” của chúng ta, đồng thời chúng ta sẽ khám phá được một sự bất diệt, thường hằng, đó là cảnh thanh tịnh, an lạc của tâm chúng ta. Cảnh giới đó chúng tôi gọi là niết bàn. Ðã có rất nhiều người đạt được cảnh giới này và cũng có  rất nhiều người khác đang trên đường tiến tới đó.

 

Hỏi:  Trong niết bàn, chúng ta có thoát ra khỏi thân xác này không, phải chăng hình thể con người biến mất?

 

Lạt ma:  Không, chúng ta vẫn còn hình thể, nhưng nó không có một hệ thần kinh bấn loạn, không có một hệ thần kinh vô ý thức như chúng ta đang có. Ðừng qúa lo lắng, chúng ta vẫn hiện hữu khi chúng ta đạt cảnh giới niết bàn, một cảnh giới hoàn toàn hạnh phúc. Hãy cố gắng đạt được cảnh này càng sớm càng tốt.

 

Hỏi:  Có phải Ðức Phật nói rằng Ngài sẽ không tái sinh khi Ngài đã nhập niết bàn?

 

Lạt ma:  Có thể là như vậy, nhưng Ngài có ý nói gì đây? Ngài có ý nói rằng Ngài sẽ không tái sinh dưới sự lôi cuốn, ảnh hưởng của nghiệp lực, đây là con đường tái sinh vào các cõi giới luân hồi như chúng ta và các chúng sinh khác. Thay vì như vậy, Ngài có thể tái sinh một cách hoàn toàn được kiểm soát, hoàn toàn tỉnh thức với mục đích duy nhất để cứu độ chúng sinh.     

 

Hỏi:  Ngài đã nói rất nhiều đến  vấn đề lạc thú và hạnh phúc, tôi đã cố gắng hiểu hai vấn đề này. Thưa ngài, chúng có giống nhau không? Một người có thể bám víu vào khoái lạc mà không bám víu vào hạnh phúc không?

 

Lạt ma:  Chúng giống nhau, chúng ta bám víu vào cả hai. Hãy kinh nghiệm niềm hạnh phúc nhưng đừng bám víu vào chúng. Chúng ta nên hưởng hạnh phúc trong khi hiểu thấu được bản tính tự nhiên của chủ thể, tâm chúng ta, của đối tượng và của những tình cảm này. Những người đạt cảnh niết bàn có thể làm được những việc này.

 

Hỏi:  Tôi muốn hiểu rõ ràng vấn đề thiền của Phật giáo. Thưa ngài, có phải như là “ quan sát sự di chuyển, sự chuyển hoá của tâm?”

 

Lạt ma:  Ðúng, có thể hiểu như vậy. Như tôi đã trình bày trước đây, thiền của Phật giáo không chỉ có nghĩa là ngồi khoanh chân, nhắm mắt. Một cách rất đơn giản là chúng ta hãy theo dõi, quan sát xem tâm của chúng ta phản ứng như thế nào mỗi khi nó đối diện với thế giới cảm xúc; giống như một người đang ngồi quan sát những người đang đi siêu thị, đang nói chuyện, đang mua hàng, đang làm việc...vân vân.... Ðó có thể là một sự thiền định hoàn hảo mang lại rất nhiều kết qủa.

 

Hỏi:  Về vấn đề tái sinh, cái gì tái sinh? Thưa ngài.

 

Lạt ma:  Khi chúng ta chết, thần thức của chúng ta tách rời khỏi thân xác, nó vào một trạng thái trung gian (cõi trung ấm, bardo) và từ đó nó sẽ đi vào một thể vật chất khác. Chúng ta gọi là tái sinh. Năng lực tinh thần khác năng lực vật chất. Năng lực vật chất thì rất giới hạn trong khi năng lực tinh thần thì liên tục không ngừng.

 

Hỏi:  Thần thức có thể phát triển sau khi chết không? hay nó chỉ có thể phát triển trong đời sống mà nó đang sống?

 

Lạt ma:  Trong tiến trình của sự chết, thần thức của chúng ta tiếp tục, liên tục  trôi chạy, như dòng điện từ máy phát điện cứ tiếp tục trôi chảy đến từng nhà, đến từng chiếc máy...vân vân... nó chiếm cứ từng sự vật khác nhau. Như vậy, nó có thể phát triển ở cõi trung gian.

 

Hỏi:  Nếu vậy, tâm thức có thể phát triển mà không cần một thân xác?  

                   

Lạt ma:  Có một cái thân ở cõi trung gian, nhưng không giống thân của chúng ta. Nó rất nhẹ, đó là thể tinh thần.

 

Hỏi:  Khi ngài tụng mật chú, ngài có tập trung vào những cơ quan trong người không? hay chỉ tập trung vào tâm? Ngài có tập trung vào những luân xa hay vào những trung tâm năng lực không?

 

Lạt ma:  Có thể là như vậy, nhưng chúng ta cần nhớ một điều là có rất nhiều phương tiện, có rất nhiều phương pháp khác nhau cho những mục đích khác nhau. Ðừng nghĩ rằng Ðức Phật chỉ dạy, chỉ để lại một phương pháp. Phật giáo có hàng ngàn, hàng ngàn, không đếm hết được, hàng ngàn cách thiền định khác nhau, tất cả chỉ với một mục đích là để thích hợp với từng căn cơ, từng khuynh hướng của mỗi chúng sinh.

 

Hỏi:  Có phải thần thức phát triển trong lúc sống và rời thân xác lúc chúng ta chết là một phần của siêu thần thức? như Thượng Ðế hay một loại thần thức siêu vũ trụ nào đó?

           

Lạt ma:  Không phải vậy, nó rất bình thường, rất đơn giản trong một chiều hướng liên tục không ngừng với tâm mà chúng ta đang có ngay bây giờ. Sự khác biệt là nó sẽ tách rời khỏi thân xác và đi tìm một thân xác khác. Ở cõi trung gian, nó chịu ảnh hưởng, chịu sự kiểm soát của nghiệp, ở đây rất náo động, nên rất dễ có những nhận xét lầm lẫn. Chúng ta không thể gọi nó là siêu việt tính được.

 

Hỏi:  Thưa ngài, ngài có quan niệm gì về một Atman (linh hồn) hay một Brahman của Ấn Ðộ giáo?

 

Lạt ma:  Trong khi Ấn Ðộ giáo chấp nhận tư tưởng có một linh hồn, thì Phật giáo không chấp nhận chúng ta có một linh hồn. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý chúng ta có một linh hồn độc lập, một tự ngã hiện hữu, thường hằng, bất biến. Tất cả những cảnh giới của tâm và của thân đều vô thường: thay đổi, thay đổi và luôn luôn thay đổi....Phật giáo cũng phủ nhận, không chấp nhận có một hỏa ngục đời đời kiếp kiếp. Tất cả những đau khổ, tất cả những khoái lạc mà chúng ta kinh nghiệm được đều nằm trong một thể liên tục chuyển biến không ngừng nghỉ; rất thay đổi, vô thường, luôn luôn chuyển hóa, không bao giờ ngừng. Do đó, chúng ta hãy nhận diện ra những đặc tính tự nhiên hay thay đổi của bất mãn trong đời sống hàng ngày và đừng bám víu vào những gía trị vật chất, đó chỉ là những đối tượng cảm xúc nhất thời, tác động trên những cơ quan xúc cảm nhất thời của cơ thể, để cho chúng ta những tình cảm cũng nhất thời. Tất cả những sự kiện đó đều không có một gía trị vĩnh cửu để chúng ta bám víu vào, thay vào đó, chúng ta hãy đi tìm những gía trị thường hằng, phúc lạc trường cửu trong sự giác ngộ hay trong niết bàn. 

 

Hỏi:  Ðể giúp những người Tây phương cố gắng thực hành Phật Pháp như người Ðông phương, ngài có nghĩ rằng họ cần những nghi lễ đặc biệt không?

 

Lạt ma:  Nó tùy thuộc vào từng hoàn cảnh để chúng ta áp dụng. Thiền định Phật giáo không đòi hỏi chúng ta phải kết hợp nó (thiền) với những đối tượng vật chất, chỉ có một điều quan trọng duy nhất là tâm của chúng ta. Chúng ta không cần phải rung chuông hay phất cờ. Ðó có phải là ý của anh về nghi lễ không? --(Dạ phải)-- Tốt, anh không cần phải bận tâm qúa về vấn đề này, nếu cần, nó sẽ được áp dụng giống nhau cho cả người Ðông phương cũng như người Tây phương. Vì thế, có những người cần những nghi lễ này, có những người không cần, mỗi người cần một phương tiện khác nhau. Thí dụ, anh đang đeo kính. Nó không quan trọng nhưng có người không có nó là không được. Cũng giống như vậy, những tôn giáo khác nhau trên thế giới giảng dạy những phương pháp khác nhau để thích hợp với khả năng của mỗi người, với trình độ hiểu biết khác nhau của mỗi tín đồ. Vì thế, chúng ta không thể tuyên bố: “Ðây là sự thật, tất cả mọi người phải theo đạo của tôi! ”

 

Hỏi:  Có cần một phương pháp mới cho người Tây phương không?

 

Lạt ma:  Không. Theo tôi nghĩ, chúng ta không cần một phương pháp mới nào nữa. Tất cả mọi phương pháp cần thiết đã có rồi, chúng ta chỉ cần tìm ra chúng.

 

Hỏi:  Tôi đã cố gắng tìm hiểu mối liên quan giữa thân và tâm trong Phật giáo. Phải chăng tâm quan trọng hơn thân xác? Thí dụ, trường hợp một số tu sĩ mật tông tụng kinh bằng những âm điệu rất cao, họ hát để khai mở những trung tâm năng lực trong cơ thể, vậy, thân thể quan trọng như thế nào?

 

Lạt ma:  Tâm quan trọng hơn thân, nhưng có một vài phương pháp thực hành thiền được thăng tiến bằng cách thực tập thân xác. Nếu thân xác chúng ta bệnh tật, tâm chúng ta cũng bị ảnh hưởng. Như vậy chúng ta hãy cố gắng giữ thân xác khoẻ mạnh luôn. Nhưng nếu chúng ta chỉ lo săn sóc thân thể mà thiếu sót trong vấn đề tìm hiểu bản tính của tâm thì đó là một điều chẳng khôn ngoan chút nào, nó không được cân bằng, không thực tế. Tất cả chúng ta đều đồng ý tâm quan trọng hơn thân, nhưng chúng ta nên quan tâm đến cả hai. Tôi biết có rất nhiều người Tây phương qua Ðông phương để học hỏi, khi họ biết có nhiều vị Lạt ma Du gìa Tây Tạng sống trên những đỉnh núi cao mà không cần ăn, họ liền thốt ra: “ôi, tuyệt diệu qúa! Tôi cũng muốn như Milarepa!” Ðó là một ý nghĩ sai lầm. Nếu anh sinh ra là người Tây phương, cơ thể anh đã thích hợp với môi trường sinh sống ở đây, để được khỏe mạnh, anh chỉ cần sống thích hợp với những điều kiện anh đang có. Hãy khôn ngoan, đừng qúa cực đoan!

 

Hỏi:  Có phải khi mới sinh ra, tâm chúng ta hoàn toàn trong sạch và vô tội?

 

Lạt ma:  Như chúng ta đã biết, khi mới sinh ra, tâm chúng ta không qúa bận rộn với những phiền phức trí thức. Khi khôn lớn hơn, chúng ta bắt đầu suy nghĩ. Do đó, tâm chúng ta bắt đầu nhồi nhét rất nhiều thứ: triết học, tôn giáo, cái này cái kia, cái này tốt cái này xấu, tôi nên có cái này tôi không nên có cái kia; chúng ta thông minh hoá tất cả mọi vấn đề một cách qúa độ, chúng ta dồn vào tâm toàn rác rưởi. Những cái đó làm cho tâm chúng ta càng ngày càng trở nên tồi tệ. Lại nữa, điều đó không có nghĩa là chúng ta sinh ra hoàn toàn trong sạch và tất cả những điều tồi tệ kia đều là kết qủa của công việc học đòi trí thức. Nó hoàn toàn không có nghĩa như vậy. Tại sao?  Bởi vì nếu ngay từ ban đầu chúng ta không vô minh, không bám víu thì bất cứ loại rác rưởi nào đến cũng không thể lọt vào tâm chúng ta được. Ðáng tiếc thay, chúng ta đã không như vậy. Từ căn bản, chúng ta không những mở cửa cho tất cả mọi loại rác rưởi vào mà chúng ta còn cắm bảng đón chào chúng một cách rất nồng nhiệt. Thế rồi với thời gian, càng ngày càng nhiều rác rưởi thấm nhập vào tâm của chúng ta. Do đó, chúng ta không thể nói rằng một đứa trẻ sinh ra là hoàn toàn trong sạch. Ðiều đó sai. Ðứa bé vừa mới chào đời đã bật lên tiếng khóc, bởi vì chúng có cảm giác. Khi một cảm giác không vừa ý xẩy ra - có thể vì đói, đòi sữa mẹ- là chúng khóc.

 

Hỏi:  Chúng ta biết thần thức di chuyển từ thân này qua thân khác, từ đời này qua đời khác, đó là một sự di chuyển liên tục không ngừng nghỉ, vậy tại sao chúng ta không nhớ được những kiếp trước của chúng ta?

 

Lạt ma:  Có lẽ có qúa nhiều tin tức về chợ, về thị trường, về siêu thị... dồn vào tâm chúng ta làm chúng ta quên đi những kinh nghiệm của kiếp trước chăng? Mặc dầu khoa học nói rằng bộ óc của chúng ta có giới hạn nên những dữ kiện mới tới sẽ khai trừ những dữ kiện cũ. Họ nói vậy nhưng không hoàn toàn đúng. Vấn đề căn bản là tâm của con người thường vô ý thức, vô minh, không tỉnh thức, lại có qúa nhiều lo lắng, bận bịu về những vấn đề mới nên chúng ta quên đi những chuyện cũ. Hãy thử ôn lại trong tháng vừa qua, những gì đã xẩy ra, những cảm xúc nào, những tình cảm nào đã xẩy ra trong từng ngày? Chúng ta không nhớ nổi phải không? Hãy kiểm chứng xa hơn một chút nữa về qúa khứ, về thời gian mà chúng ta mới chỉ có một vài bộ phận nhỏ xíu trong bụng mẹ; rồi lại trở về xa hơn nữa, xa hơn nữa... Khó qúa phải không qúy vị?  Nhưng nếu chúng ta cứ cố gắng thực tập như vậy, từ từ, từ từ, tiếp tục từ từ, từ từ kiểm chứng trong tâm của chúng ta, thì một lúc nào đó chúng ta có thể nhớ được những kinh nghiệm của chúng ta từ những kiếp trước.

 

Có rất nhiều người trong chúng ta kinh nghiệm được những hành động lạ lùng, khác thường hoặc những phản ứng mà chúng ta chưa hề học, chưa hề biết qua. Những sự kiện này chứng minh một điều là có những vấn đề mà chúng ta hoàn toàn không có một căn bản hiểu biết nào trong hiện tại. Trong những lúc đó, chúng ta thường hay nói: “ thật là lạ lùng, tại sao tôi lại phản ứng được như vậy, tại sao tôi lại hành động được như vậy, tôi hoàn toàn không có ý kiến gì về những điều xẩy ra đó.” Những điều đó xẩy ra vì chúng ta đã có kinh nghiệm trong những kiếp trước. Tâm lý học ngày nay không thể giải thích được những hiện tượng này vì họ không hiểu sự liên tục của tinh thần, bản tính tự nhiên không có khởi đầu của tâm mỗi cá nhân. Họ không hiểu được những phản ứng tinh thần có thể là kết qủa của những rung động đã phát ra từ hàng ngàn, hàng ngàn năm về trước. Nếu chúng ta tiếp tục theo dõi tâm qua việc thiền định, chúng ta có thể hiểu được tất cả những sự kiện này qua kinh nghiệm riêng của mỗi người chúng ta.

 

Hỏi:  Phải chăng biết được qúa khứ là một điều không tốt? Nó có quấy rầy, có ảnh hưởng đến đời sống hiện tại không?

 

Lạt ma:  Nó có thể là những kinh nghiệm tốt mà cũng có thể là những kinh nghiệm xấu. Nếu chúng ta biết được kiếp trước, đó là một điều rất tốt. Bị ảnh hưởng là do vô minh. Chúng ta nên cố gắng tìm hiểu tất cả những đặc tính tự nhiên của những hiện tượng xấu, của những sự kiện tiêu cực. Khi làm như vậy, những rắc rối, những vấn đề sẽ được giải quyết ngay. Hiểu được bản tính của sự kiện, hiểu được những căn nguyên của sự kiện thì sẽ chặn đứng được những hậu qủa mà nó mang lại. Do đó, hiểu đúng là một phương thuốc tốt nhất để diệt trừ mọi rắc rối của cả thân và tâm. Chúng ta hãy luôn luôn tỉnh thức trong tất cả mọi hành động của chúng ta: nó có đem lại hạnh phúc cho chúng ta không? Trách nhiệm này vô cùng quan trọng, qúy vị có đồng ý như vậy không? Ðây là sự chọn lựa: đi con đường trí tuệ hay đi con đường vô minh?

 

Hỏi:  Ý nghĩa của đau khổ là gì?

 

Lạt ma:  Một tinh thần loạn động là đau khổ, bất mãn là đau khổ. Thực ra, điều quan trọng là nên tìm hiểu những cấp độ khác nhau của sự đau khổ, một số người nói rằng: “tại sao Ðức Phật nói  mọi người đều đau khổ mà tôi lại hạnh phúc qúa!” Khi Ðức Phật nói về khổ đau, Ngài không có ý nói về cái đau của vết thương hay những kiểu đau tinh thần mà chúng ta thường gặp. Chúng ta nói rằng chúng ta hạnh phúc, nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn một chút, chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều điều không vừa ý, rất nhiều bất mãn đang chồng chất trong tâm của chúng ta. Nói một cách đơn giản, theo quan điểm của Phật giáo thì tất cả những sự kiện không được kiểm soát bởi tâm đều mang lại đau khổ. Cái đau của tinh thần thì khổ gấp nhiều lần cái đau của thể xác, đó là một sự thật! Do đó, khi Phật giáo nói về đau khổ, nó nhấn mạnh đến lãnh vực tinh thần hơn là vật chất, đó là lý do tại sao Phật giáo luôn luôn đặc biệt chú trọng đến những vấn đề căn bản tâm lý trong việc thực hành Phật Pháp. Phật giáo dạy về bản tính tự nhiên của khổ đau trong lãnh vực tinh thần và dạy những phương pháp chế ngự nó cũng như tẩy trừ nó.

 

Hỏi:  Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về khổ đau mà tại sao chúng ta không học hỏi được gì về những kinh nghiệm đó?

 

Lạt ma:  Ðiều đó qúa dễ hiểu, phải không? Tại sao chúng ta khổ? Bởi vì chúng ta tham gia vào những hành động vô minh, vô ý thức và chỉ biết tranh giành, bám víu. Nếu chúng ta biết được khổ đau đến từ đâu và biết chính xác cái gì làm chúng ta đau khổ thì chúng ta sẽ học hỏi được nó. Trong những kiếp dài vô tận, chúng ta đã có biết bao kinh nghiệm, nhưng chúng ta vẫn chẳng học được bao nhiêu. Rất nhiều người thường tự hào họ đã học được rất nhiều kinh nghiệm nhưng thực sự họ chẳng học được gì. Họ có cả một kho tàng kinh nghiệm vô tận trong vô thức nhưng họ vẫn chẳng biết gì về bản tính chân thật của tâm họ.

 

Hỏi:  Tại sao chúng ta có cơ hội để bám víu?

 

Lạt ma:  Bởi vì chúng ta mơ tưởng hão huyền; chúng ta không nhìn ra được sự thật của cả chủ thể lẫn đối tượng. Mỗi khi chúng ta thấu triệt được bản tính tự nhiên của vật (đối tượng) bị bám víu thì cái tâm bám víu (chủ thể) sẽ tự động biến mất. Tâm bám víu là một cái tâm đầy sương mù che phủ, nó bị lôi cuốn, bị hấp dẫn bởi những đối tượng, từ đó nó tạo ra những dự phóng không thực, tạo ra những giấc mộng không bao giờ đến (vọng tưởng), điều đó làm chúng ta khổ. Tất cả chỉ là như vậy, qúa đơn giản! phải không qúy vị?

 

Hỏi:  Tôi có được chứng kiến những cảnh thần linh của người Tây Tạng xuất hiện, mặc dầu trông họ có vẻ hung bạo nhưng họ không giống ma qủi. Ðiều này làm tôi ngạc nhiên, phải chăng Phật giáo chú trọng đến ma qủi và những hình ảnh xấu?

 

Lạt ma:  Phật giáo không bao giờ chú trọng đến sự hiện hữu ngoại tại của ma qủi. Ma qủi là những phóng chiếu của chính tâm chúng ta. Nếu ma qủi có thực, hiện hữu, thì nó đến từ tâm của chúng ta. Không có một con qủi thực nào ở ngoài đời. Những vị thần hung bạo là sự thị hiện của trí giác ngộ, với mục đích giúp những người không kiểm soát được sự hung dữ của chính họ. Trong thiền định, một người có tâm nóng giận sẽ chuyển hóa sự nóng giận vào trí tuệ, khi đó nó được quán tưởng như một vị thần hung bạo; như vậy năng lực của sự nóng giận sẽ được tiêu hóa bởi trí tuệ. Tóm lại, đó là tất cả sự thực hiện, sự làm việc của phương pháp! Phương pháp chuyển hóa là như vậy!

 

Hỏi:  Ngài cảm thấy thế nào khi một người phải giết người vì tự vệ?  Ngài có nghĩ rằng con người có quyền bảo vệ chính họ, ngay cả việc xâm lấn vào mạng sống?

 

Lạt ma:  Trong hầu hết các vụ giết người đều lấy lý do tự vệ, đó vẫn là hành động của một cái tâm không kiểm soát được sự nóng giận. Chúng ta vẫn có thể bảo vệ chúng ta một cách tốt đẹp mà không cần phải giết người. Thí dụ, nếu anh tấn công tôi, tôi có trách nhiệm phải bảo vệ, nhưng tôi không giết anh.

 

Hỏi:  Nếu giết tôi là một phương cách duy nhất để ngài có thể ngăn cản hành động của tôi, ngài có thực hiện không?

 

Lạt ma:  Nếu vậy thì tốt hơn anh hãy giết tôi.

 

Nếu không còn một câu hỏi nào nữa, xin kính chào qúy vị và cũng xin cám ơn qúy vị rất nhiều.

 

 

Lama Yeshe thuyết giảng tại Christchurch, New Zealand, ngày 14 tháng 6 năm 1975

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-12-2005

 

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Thành Phật giáo Món chay tháng giêng Chất xơ từ ngũ cốc giúp sống ÄÆ tho de thay chinh 忍四 nghệ thuật sống tỉnh thức mà người noi xau nguoi khac nhung hau qua va cach chuyen giû Từ 30 tang xan 497602 t l hanh Những dấu hiệu của bệnh tim gày Nhóm trẻ nào có nguy cơ tử vong linh n o dầu hơn phÃ Æ 5 thói quen nguy hiểm làm dạ dày gáŸi Ngọn lửa thuc hanh nhan nai hiểu rồi mỗi bước sẽ thật thênh tang thu song chet hien nhẠ第一 相 正式 đứa con cùng khổ trở về пѕѓ Tương Món ngon Dimsum chay 有人願意加日我ㄧ起去 tính Thông minh hơn nhờ ngủ trưa ï¾ ï½½ cÃÆ น ท loi ich cua viec xuat gia gieo duyen vác lễ nặng trèo núi cao lên chùa thiêng lẽ nhân tưởng 四大皆空 van ao 六三 含章可貞 或從王事 无成有終