.


Khai Thị
[ Tập 2 ]
 
Đại Sư Tuyên Hóa
Việt dịch:  Ban Phiên Dịch Đại Học Pháp Giới, 
Vạn Phật Thánh Thành

--- o0o ---

Phần 07

 

61. Quân tử biết cách tạo vận mạng

62. Sự bất đồng giữa Phật với ma

63. Tám đức tánh căn bản làm người

64. Lấy việc giúp đời làm trách nhiệm

65. Có chí thì nên

66. Bài trừ sắc thái mê tín

67. Lòng tham không đáy của con người

68. Ba thứ độc tác hại con người nặng nề nhất

69. Ở vườn lan mà chẳng biết lan thơm

70. Thế nào là tam tạng kinh mười hai bộ

 

61. Quân Tử Biết Cách Tạo Vận Mạng (^)

(Vạn Phật Thành ngày 1 tháng10 năm 1983)

 

Rất nhiều sự việc trên thế gian mình cho rằng tốt, nhưng bên trong thực sự có nhiều điều chẳng tốt phát sinh. Hiện tại bạn cho là hết sức vui sướng, nhưng tương lai có thể làm cho bạn thống khổ. Cho nên nếu muốn tránh sự phiền não không gì bằng giữ Trung Ðạo. Trung Ðạo có nghĩa là không nhiều quá mà cũng không ít quá, không có phiền não mà cũng không có vui thú. Sách Trung Dung có nói rằng:

Hỷ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi Trung;

Phát nhi giai trung tiết, vị chi Hòa.

Nghĩa là:

Vui giận buồn sướng khi chưa sinh thì gọi là Trung;

Khi phát ra rồI mà giữ ở mức trung thì gọi là Hòa.

 

Nếu hiểu đạo lý này thì bất luận làm gì mình cũng không thái quá, cũng không mê muội, không điên đảo. Cần phải biết rõ ràng đen là đen, trắng là trắng, thiện là thiện, ác là ác, phân chiết minh liễu thì mới không lẫn lộn thiện với ác. Những điều mà chúng ta gặp trong kiếp này đều là do nghiệp lực kiếp trước tạo thành. Hiện tại muốn cải biến vận mệnh của mình thì cần phải tạo nhiều công đức. Có câu rằng:

Quân tử hữu tạo mệnh chi học.

Mệnh do ngã lập.

Phước tự kỷ cầu.

Họa, phước vô môn,

Duy nhân tự chiêu.

Dịch là:

Người quân tử biết cách tạo vận mạng.

Mạng do ta làm,

Phước tự ta cầu.

Họa, phước không có cửa,

Chỉ do ta chuốc lấy.

Người học Phật nhất định phải nhận thức rõ ràng định luật nhân quả báo ứng; không thể tùy tiện tạo ác nghiệp, trồng ác nhân, cũng không được làm sai đạo lý nhân quả. Vì thế phải mười phần cẩn thận, nếu chờ đến lúc thọ quả báo thì hối hận cũng đã muộn rồi.

 

62. Sự Bất Ðồng Giữa Phật Với Ma(^)

(Vạn Phật Thành ngày 9 tháng 10 năm 1983)

 

Phật thì không có tâm sân hận, ma thì chắc chắn có tâm sân hận; đó là chỗ bất đồng.

Phật thành Phật là do ma giúp mà thành. Bởi khi ngài ngồi dưới cây Bồ Ðề sắp sửa thành đạo thì ma vương sinh lòng giận dữ, bèn phái ma binh, ma nữ lại uy hiếp, dẫn dụ ngài. Song Phật không động tâm, trái lại ngài dùng định lực khắc phục ma lực, rồi giác ngộ thành Phật. Do đó, Phật thì không có lòng giận dữ oán ghét gì ma cả. Ma thành ma bởi vì chúng có lòng dạ tranh đấu cang cường; cho nên có câu rằng:

Tranh thị thắng phụ tâm,

Dữ Ðạo tương vi bội,

Tiện sinh tứ tướng tâm,

Do hà đắc Tam Muội?

Dịch là:

Tranh là tâm hơn thua,

Ði ngược lại với đạo,

Khiến sinh ra bốn tướng,

Làm sao được Tam Muội?

Ma tranh không được hạng nhất thì sinh ra lòng giận dữ, lòng ghanh tị, lòng chướng ngại; cho nên người nào có tư tưởng, hành vi như vậy thì đều là ma, vĩnh viễn khó thành Phật được. Thần thông của ma so với thần thông của Phật cũng chẳng kém gì. Song, thần thông của Phật là chánh phái, còn thần thông của ma là tà phái. Vì “tà không thắng chánh” nên ma rốt cuộc không thể thắng Phật. Do đó nó đành phải cam tâm cúi lạy, dập đầu quy y Phật. Song Phật thì từ bi thương xót chúng sinh, tuyệt đối ngài không đối đầu với ma tà chỉ dùng đạo đức để cảm hóa làm chúng cảm phục.

Trong Tám Tướng Thành Ðạo, có tướng gọi là “hàng ma” ; thực sự là “Cảm Hóa Ma” thì có lẽ đúng hơn bởi vì Phật không dùng phương pháp, thủ đoạn gì để áp bức, cưỡng bách, hàng phục ma cả. Nếu như ngài mà “hàng phục” ma thì tức là ngài có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, mà có bốn tướng này thì chẳng thành Phật được.

Vậy Phật làm sao khiến ma vương phảI đầu hàng? Ngài dùng Từ, Bi, Hỷ, Xả bốn tâm vô lượng mà đối đãi, dùng đức hạnh mà cảm hóa. Phật biết được lý “tiền nhân hậu quả”. Ngài biết sở dĩ ma đến quấy phá là vì trong quá khứ ngài đã từng tạo oán cừu, nên bây giờ ngài không tranh cãi, mà chỉ an tâm chấp thuận chúng ma đến quấy nhiễu.

Ma làm sao trở thành ma được? Do vì có hận, oán, não, nộ, phiền (6) năm thứ độc này mà ra. Năm độc khí này giúp cho chúng thành ma, vì vậy ma lúc nào cũng tạo phiền não cho người khác, nhất là đối với người tu đạo. Chúng thấy kẻ tu hành như là cái gai trong mắt, nhất định phải tìm cách phá hoại đạo nghiệp của người xuất gia. Khi có người xuất gia, tu hành thành Phật, thì chúng ma thiếu đi một kẻ quyến thuộc, do đó chúng tận lực phá hoại.

Phàm là người xuất gia thì phải hết sức cẩn thận đề phòng, đừng để trúng kế của ma tà mà rớt vào bẫy, vĩnh viễn khó thoát thân được. Nên kẻ tham thiền phải nhận rõ cảnh giới, nếu không sẽ bị ma khống chế, “tẩu hỏa nhập ma” (hỏa hầu tiêu tán, ma liền xâm nhập) là điều mười phần nguy hiểm.

Sao gọi là Phật, sao gọi là ma?

Phật thì theo đạo lý, hợp lẽ phải;theo đạo lý tức là hợp nhân quả. Theo nhân quả thì hợp lý, không theo nhân quả thì không hợp lý. Do đó Phật với ma khác biệt rõ ràng nhất là ở điểm này. Phật thì có lòng từ bi, còn ma thì đầy rẫy tâm sân hận.

 

63. Tám Ðức Tính Căn Bản Làm Người(^)

(Vạn Phật Thành ngày 12 tháng 10 năm 1983

cho các em học sinh)

 

Các bạn trẻ, các em có biết điều căn bản làm người là gì chăng? Tức là phải có tám đức tính: Hiếu, Ðễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ. Ngày hôm nay tôi sẽ giải thích một cách đơn giản ý nghĩa của mỗi đức tính cho các em nghe:

1.      Hiếu: tức là hiếu thảo. Hiếu thảo vớI cha mẹ là điều căn bản của bổn phận làm con. Hiếu thảo nghĩa là báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ và hiếu thảo cũng có nghĩa là biết vâng lời cha mẹ chỉ dạy.

2.      Ðễ: tức là kính trọng. Kính trọng người lớn hơn mình, vì mình làm em nên có bổn phận phải kính trọng anh chị mình.

3.      Trung: tức là trung thành. Hết lòng trung thành với đất nước của mình, đó là trách nhiệm của người công dân, có tận trung thì mình mới báo đền được công ơn của đất nước.

4.      Tín: tức là tín nhiệm. Ðối với bạn bè phải có tín nhiệm, hứa với bạn chuyện gì thì phải làm chuyện đó, không thể thất tín, sai hẹn.

5.      Lễ: tức là lễ phép. Ðối với mọi người mình phải lễ phép, phải hết sức khiêm nhường. Nếu không có lễ thì mình chỉ là thú vật mà thôi. Cho nên các bạn nhỏ khi gặp thầy cô  thì phải biết chào hỏi, về nhà gặp cha mẹ phải biết lễ phép.

6.      Nghĩa: tức là nghĩa khí. Thấy điều gì có nghĩa thì phải dũng cảm mà làm. Khi thấy ai gặp tai nạn thì mình phải tận lực giúp đỡ, giải quyết vấn đề giúp họ. Với bạn bè thì mình phải có đạo nghĩa; khi giúp ai không cần có điều kiện gì cả, tuyệt đối không có tâm mưu đồ, mong đền ơn đáp nghĩa.

7.      Liêm: tức là liêm khiết. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham cầu, cũng chẳng muốn hưởng tiện nghi. Hơn nữa mình phải có tinh thần “chí công vô tư” và biết quên mình mà làm chuyện ích chung.

8.      Sĩ: tức là hổ thẹn. Gặp chuyện gì không hợp đạo lý, đi ngược lại với lương tâm của mình thì tuyệt đối chẳng làm. Con người nếu không biết hổ thẹn thì giống như cầm thú vậy.

Hiếu, Ðễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ là tám đức tính căn bản để làm người, các em đừng quên. Trong tương lai ra đời phục vụ xã hội, các em phải: ngôn tất trung tín, hành tất đốc kính. (Lời nói phải trung tín, hành vi phải cung kính.)

Hễ các em nói lời nào thì nhất định phải giữ chữ tín, đừng có nói dối; làm việc gì cũng phải hết sức cung kính, chân thật, tuyệt đốI đừng làm cho có lệ mà thôi. 

 

64. Lấy Việc Giúp Ðời Làm Kinh Nghiệm(^)

 

Các vị cần phải lập chí lớn, làm chuyện lớn. Ðừng nên nghĩ chuyện làm quan lớn để kiếm nhiều tiền vì đó chỉ là riêng mình hưởng thụ, đối với thế giới nhân loại không có cống hiến gì cả. Mình phải nghĩ làm thế nào để xã hội được sung sướng hạnh phúc, làm thế nào để lợi ích quốc gia, làm thế nào để lợi ích toàn nhân loại. Nghĩ như vậy mới là kẻ đại trượng phu, là bậc anh hung hào kiệt.

Các vị đừng ham muốn học làm thầy thuốc chỉ để làm giàu, rồi dù kẻ không có bịnh cũng chích thuốc bừa để kiếm tiền, như vậy là sai với đạo lý nhân quả, tương lai sẽ đọa địa ngục. Ðừng ham làm luật sư vì nghĩ rằng nghề này kiếm ra nhiều tiền; rồi chỉ cần được trả tiền thì dù người có tội mình cũng sẽ biện hộ cho hết tội. Nếu đem pháp luật biến thành trò hề trẻ con thì kẻ bị thua thiệt làm sao có chỗ để kêu oan? Cũng đừng ham làm nhà khoa học chỉ vì muốn kiếm được nhiều tiền mà phát minh những thứ vũ khí giết người, giết hại trăm ngàn vạn kẻ khác.

Tiền là thứ làm hại con người, làm cho con người tàn sát lẫn nhau. Người thân biến thành sơ, anh em vì tranh dành gia sản mà biến thành cừu hận; thậm chí vì tiền mà con giết cha.

Gần đây, ở Los Ageles đã xảy ra một chuyện con giết cha như sau: Có một ông nhà giàu, tài sản lên đến 600 triệu đồng; có lẽ ông ta đã kiếm ra tiền một cách không chính đáng lắm. Y có hai người con, cả hai đều là thanh niên bất lương, bởi vì tiền cho nên chúng đã mưu sát cha mình. Các vị coi đó, tiền là vật tốt sao?

Chúng ta phải coi tiền như là phân là đất, đừng nên bị tiền làm cho mê muội, cũng không phải vì tiền mà nói láo. Mình phải biết an phận thủ thường, tận lực làm việc, vì nhân loại mà tạo điều kiện hạnh phúc. Cho nên có câu: Hy sinh tiểu ngã, nhi thành đại ngã. (Hy sinh cái “tôi” nhỏ bé này để thành tựu lý tưởng cao cả.) Ðó là chí nguyện vĩ đại, các vị hãy khuyến khích lẫn nhau.

Ở trường các em học sinh phải học làm sao để nên người, không nên học cách nịnh bợ, a dua, xảo trá. Mình không nịnh hót người khác cũng không thích người khác nịnh hót mình. Phải học làm sao để có học vấn chân thật, biết cách lập ngôn, lập công, lập đức, trở thành bậc anh tài xuất chúng.

Ðiều tôi nói với các em ngày hôm nay hy vọng các em nhớ lấy, đừng để nghe tai này rồi lọt qua tai kia.

 

65. Có Chí Thì Nên

(Vạn Phật Thành ngày 13 tháng 10 năm 1982)

 

Sau khi xuất gia, tôi phát nguyện rằng trước tiên sẽ đem kinh Phật diễn thành thể văn dễ hiểu và sau đó sẽ dịch sang tiếng Anh. Tuy tôi không biết tiếng Anh nhưng tôi muốn tìm đủ phương pháp để phiên dịch kinh điển, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Sau khi tớI Mỹ rồi thì nhân duyên thành thục. Mùa hè năm 1986 tôi thành lập Ban Phật Học Giảng Tập mùa hè, mở khóa giảng kinh Lăng Nghiêm; rồi tiện dịp bắt đầu phiên dịch kinh điển từ tiếng Hoa ra tiếng Anh. Ðến nay nhiều bộ kinh đã được phiên dịch, song không nhất định là hoàn toàn chính xác, dù sao chúng tôi đã hết sức nỗ lực.

Hiện tại, người hiểu Phật pháp đã nhiều và người có khả năng phiên dịch cũng nhiều nữa, cho nên các vị hãy đem kinh điển đã dịch xưa kia ra sửa chữa lại, làm sao cho thật hoàn hảo, chính xác, khế hợp với ý của Phật. Ðó là ý nguyện của tôi, hy vọng các vị hợp lực cùng nhau hoàn thành công đức này.

 

66. Bài Trừ Sắc Thái Mê Tín(^)

(Vạn Phật Thành ngày 15 tháng 10 năm 1983)

 

Tôi có cảm giác rằng Phật giáo Trung Hoa còn tồn tại rất nhiều sắc thái mê tín, đầy rẫy chuyện không hợp lý khiến người đời sinh hoài nghi và chẳng tin Phật. Những điều như vậy chắc chắn phải cải cách; nếu không sửa đổi một cách triệt để thì tiền đồ của Phật giáo trong tương lai sẽ như thế nào?

Thí dụ như những kẻ tới chùa thắp hương, họ nghĩ rằng thắp càng nhiều thì công đức càng lớn, kỳ thật đó là quan niệm sai lầm, cúng hương cho Phật là biểu thị lòng cung kính; chỉ cần mình thành tâm thắp một cây nhang là đủ rồi, cần gì phải thắp nhiều. Nếu tâm không thành thì thắp bao nhiêu nhang cũng chẳng được cảm ứng. Phật không phải là kẻ thích ngửi mùi hương, nếu Phật thích hương thơm thì cũng giống như phàm phu, chẳng có gì khác biệt. Cái phong khí như vậy cần phải sửa đổI, nếu không thì người ta hoài nghi rằng Phật ham ngửi mùi hương thơm, cho nên vô tình mà mình làm đức cao thượng của ngài bị ô nhiễm, thật là tội lỗi vô cùng.

Có những kẻ thiếu hiểu biết đi tới chùa lễ Phật, đó là chuyện tốt song họ không biết lạy Phật có ý nghĩa gì. Họ chỉ biết cầu Phật phù hộ cho thăng chức, phát tài, bình an hạnh phúc, rồi cầu xin con trai, con gái, cầu danh lợi, cầu xin đủ chuyện; những thứ cầu đó đều là biểu hiện của lòng ích kỷ, tự lợi, chẳng hề nghĩ tới làm lợi ích cho người và cho đời gì cả. Nếu cầu Phật và Bồ Tát thì sẽ có ứng nghiệm vì các ngài không làm chúng sinh thất vọng, song có lòng mong cầu mà không đáy như vậy thật là sai lầm lắm.

Khi thấy tình hình như vậy tôi cảm xúc vô cùng. Mình phải chỉ bày những kẻ thiếu hiểu biết đó cách lạy Phật, dạy họ rằng phải vì tín ngưỡng mà lạy Phật. Dạy cho họ khẩn cầu bằng tấm long chính đại quang minh, vì người khác chẳng vì mình thì đó mới đúng là hành vi của người Phật tử.

Có những Thầy thiếu tri thức, tuyên truyền nếu đốt vàng mã, đồ giấy, tiền giấy thì có công đức rất lớn và cho người chết có tiền chi xài, có thể hối lộ bọn cai ngục làm giảm hình phạt, Bà con khi nghe các Thầy nói vậy thì liền mua vàng mã, tiền giấy để đốt càng nhiều càng tốt, tin rằng thầy nói là đúng vì người xuất gia không biết nói láo. Nhưng bà con nào biết chuyện bí mật ở bên trong, những thầy đó đứng phía sau thủ lợi mà mình nào hay. Nên các vị phải  hết sức sáng suốt mà suy xét, đừng để họ làm chuyện gian trá, lừa bịp tiền bạc, Thủ đoạn như vậy thật là tệ hại thấp hèn.

Do đó tôi muốn cải cách tập tục đốt vàng mã tiền giấy, mù quáng, mê tín, để Phật pháp đừng chịu tiếng oan rằng: đạo Phật là tôn giáo chủ trương đề xướng chuyện đốt vàng mã, tiền giấy.

 

67. Lòng Tham Không Ðáy Của Con Người(^)

(Vạn Phật Thành ngày 16 tháng 10 năm 1983)

 

Con người ai cũng có tâm tham: tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ. Tham không đáy chẳng biết dừng lại.

Khi con người thấy nhan sắc, hình tướng mỹ lệ, nghe âm thanh thánh thót, nếm hương vị ngon ngọt thì tự nhiên mê đắm, rồi chắc chắn sẽ tìm mọi cách chiếm cho được mới thôi. Vì nhất thời hưởng thụ mà người ta dùng mọi thủ đoạn bất chính để tranh đoạt, dù sẽ phải ân hận suốt đời; thật là đáng tiếc thay. Cổ nhân nói:

Tri túc thường lạc,

Năng nhẫn tự an.

Nghĩa là:

Biết đủ thì sung sướng,

Biết nhịn thì yên thân.

Thật là đúng thay!

Các bạn học sinh! Khi học hành thì phải nỗ lực mà học, khi rảnh rỗi chơi giỡn thì phải hết sức vui đùa; không thể làm mà không chơi, chơi mà không làm. Mình phải phát triển một cách quân bình thì mới có ích lợi cho thân và tâm; cho nên đức Phật dạy rằng:

Bất thiên không,

Hữu nhị biên, thị vi Trung Ðạo.

Nghĩa là:

Không lệch qua hai bên

Có và Không chính là Trung Ðạo.

Mình phải biết giữ đạo lý Trung Dung, không nhiều quá cũng không ít quá, lúc nào cũng vừa đủ. Trong khi đang học hành đừng nên nghĩ rằng:

-         Tại sao mình phải học?

-         A! Ðể kiếm tiền.

-         Vì sao phải kiếm tiền?

-         Ðể hưởng thụ, để thỏa mãn sự hưởng thụ vật chất.

Nghĩ như vậy tức là mình đã bỏ gốc mà chạy theo ngọn, bỏ điều gần mà đuổi theo điều xa xôi và quên mất những điều căn bản làm người, không biết thế nào là hiếu thuận với cha mẹ, thế nào là cung kính với thầy giáo, thế nào là có đức hạnh, thế nào là làm người tốt. Ðó là những điều căn bản làm người mà mình lại hoàn toàn quên mất.

Cho nên, nguyên nhân làm thế giới sụp đổ chính là long tham không đáy của con người. Nếu ai cũng không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối thì thế giới chẳng còn khổ não nữa.

Các bạn học sinh! Ở Vạn Phật Thành, Sáu Tông Chỉ này là tiêu chuẩn để mình học cách xử thế. Nếu mình chăm chỉ thực hành Sáu Tông Chỉ đó thì mình sẽ trở nên con người khác biệt với thế tục. Mình không tranh danh, cũng không đoạt lợi; được vậy thì mọi phiền não thống khổ sẽ tiêu tan hết.

Các em phải nhận trách nhiệm sửa đổi những phong tục tập quán xấu, làm cho thế giới suy sụp hiện tại trở thành thế giới tốt đẹp. Làm sao để sửa đổi? Tức là phải dùng Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; phải dùng năm đức tính này để cải biến và tạo thành một thế giới mới. Ðó gọi là “an nhiên lập địa”, làm cho thế giới an lạc vậy.

 

68. Ba Thứ Ðộc Tác Hại Con Người Nặng Nề Nhất(^)

 

Con người nếu có lòng tham thì vĩnh viễn không thể sung sướng được. Không tham thì sẽ sung sướng, bởi vậy mình cần phải “chỉ tham” tức là dứt lòng tham:

Tham tâm hữu như vô để khanh,

Ðiền chi nan mãn, sân hận sanh.

Ngũ dục phân trần điên đảo tưởng,

Si nhiên bất giác, Phát khí băng.

Dịch là:

Lòng tham lam như hố sâu không đáy,

Không thỏa mãn được thì sanh sân hận.

Năm dục phừng phừng, suy nghĩ đảo điên,

Si mê chẳng biết, Pháp khí tiêu tan.

Do khởi lòng tham nên có rất nhiều người thân tàn danh hoại. Nhiều kẻ khiến cho nước mất nhà tan. Quả thật tham lam là thứ hại người, chúng ta không thể chẳng cẩn thận đắn đo.

Khởi sân hận thì mình phải biến nó thành không có, vì lửa sân có thể thiêu hủy mọi công đức. Do đó, người tu đạo trước tiên cần phải học pháp môn nhẫn nhục Ba La Mật; tu tới chỗ công phu chín mùi thì có thể hóa sân hận thành từ bi. Lòng sân hận cũng như là nước đã biến thành băng và tu là đem băng hóa thành nước vì nước có thể lợi ích vạn vật.

Khởi si mê thì mình cần phải trừ đi để cho trí huệ hiện tiền. Vì sao mình có rất nhiều vọng tưởng? Là vì mình quá sức ngu si, mà gốc của sự ngu si chính là vô minh. Do vô minh tác động khiếm mình khởi dục niệm sinh ra đầy rẫy vọng tưởng. Khi lý trí không khống chế nổi tình cảm thì mình làm chuyện điên đảo; đó là điều hết sức nguy hiểm khiến cho mình dễ mất đi đạo nghiệp. Cho nên mình phải trừ sạch vọng tưởng thì ngu si sẽ tự nhiên tiêu diệt.

Tóm lại, lúc nào ba độc Tham, Sân, Si mà trừ tận gốc thì lúc đó thân tâm mình sẽ thanh tịnh, không còn phiền não. Hết phiền não thì đạt được cảnh giới an nhàn. Lúc đó thì vô ưu vô lự, vô quái vô ngại; thật là vô cùng tự tại tiêu dao. Bởi vậy cho nên ý nghĩa rất là sâu sắc, hy vọng các vị để tâm nghiên cứu tường tận thì sẽ được lợi ích không nhỏ.

 

69. Ở Vườn Lan Mà Chẳng Biết Lan Thơm(^)

(Vạn Phật Thành ngày 16 tháng 10 năm 1983)

 

Chúng ta ở trong đạo tràng này ngày ngày học pháp, hành pháp, ngày ngày được khói hương xông ướp dần dà pháp với mình là một.

Phật Pháp có năm thứ hương gọi là Ngũ Phần Giới Hương: Giới Hương, Ðịnh Hương, Huệ Hương, Giải Thoát Hương, xông ướp một thời gian lâu thì tự nhiên mình sẽ khai ngộ. Kẻ mới tới thì cảm thấy mọi chuyện ở chùa đều chẳng tốt; hương là hương mà ta là ta, chẳng có quan hệ gì. Nhưng nếu ở đây lâu và thường được hương xông ướp thì tự nhiên mình sẽ hòa với hương khí làm thành một thể; cho nên cổ nhân nói rằng:

Dữ thiện nhân cư,

Như nhập chi lan chi thất,

Cửu nhi bất văn kỳ hương.

Dữ bất thiện cư,

Như nhập bào ngư chi tứ,

Cửu nhi bất văn kỳ xú.

Nghĩa là:

Ở với người tốt,

Thì cũng giống như vào vườn lan,

Ở lâu thì mình không còn biết mùi thơm,

Còn ở với ngườI xấu,

Thì cũng giống như vào chợ cá,

Ở lâu thì mình không còn biết mùi tanh nữa.

Vì sao vậy? Bởi vì con người mình và hoàn cảnh bên ngoài đã hợp thành một thể rồi!

Những người có thiện căn được hương xông ướp thì có thể đột nhiên đại ngộ, cũng gọi là khai ngộ. Khai ngộ thì có gì tốt? Tức là mình hiểu được thấu suốt tất cả mọi sự việc, không còn hồ đồ rồi phá thủng vô minh, khiến trí huệ hiển hiện. Vô minh cũng giống như một cái thùng đen thui, chẳng thấy được gì cả. Khi đã khai ngộ thì quang minh xuất hiện phá tan cái màn hắc ám đó và mình thấy được rõ ràng mọi chuyện.

 

70. Thế Nào Là Tam Tạng Kinh Mười Hai Bộ?(^)

(Vạn Phật Thành ngày 17 tháng 10 năm 1983)

 

Tam Tạng tức là Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng. Kinh Tạng nói về cái học của Ðịnh, Luật Tạng nói về cái học của Giới và Luận Tạng nói về cái học của Huệ.

Sau khi đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp lãnh đạo 500 vị chứng quả A La Hán ở nơi Thất Diệp Quật để kết tập Ba Tạng Kinh Ðiển. Bấy giờ tôn giả A Nan ghi lại lời pháp mà đức Phật đã dạy lúc còn tại thế và làm thành Kinh Tạng; Tôn giả Ưu Bà Ly đem những giới luật mà đức Phật đã dạy sắp xếp lại thành Luật Tạng; Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đem tâm đắc của các vị đệ tử học Kinh, nghiên cứu Luật mà kết tập lại thành Luận Tạng.

Mười hai bộ tức là mười hai đề mục phân biệt văn thể của Kinh, được tóm tắt trong bài kệ sau đây:

Trường Hàng, Trùng Tụng tịnh Cô Khởi,

Tỷ Dụ, Nhân Duyên, dữ Tự Thuyết,

Bổ Sự, Bổn Sinh, Vị Tằng Hữu,

Phương Quảng, Luận Nghị cập Thọ Ký.

1.      Trường Hàng: Kinh thuộc loại này thì viết bằng văn xuôi từng hàng, từng hàng.

2.      Trùng Tụng: tức là nghĩa lý ở văn xuôi được diễn tả bằng thể kệ tụng, để lập lại ý chính.

3.      Cô Khởi: là những bài kệ, bài tụng viết ra độc lập, chẳng liên quan gì tới ý văn phía trước và phía sau của Kinh.

4.      Tỷ Dụ: là dùng ví dụ để thuyết minh nghĩa lý của kinh văn.

5.      Nhân Duyên: là phần tường thuật các nhân duyên liên quan đến những chuyện xảy ra.

6.      Tự Thuyết: thường thì có người thỉnh Pháp, đức Phật mới thuyết pháp; duy chỉ có bộ kinh A Di Ðà thì không có người thỉnh mà đức Phật tự thuyết.

7.      Bổn Sinh: là phần đức Phật kể về quá khứ kinh lịch khi ngài hoằng pháp lợi sinh.

8.      Bổn Sự: là phần kể lại những việc mà các vị Bồ Tát, A la Hán đã làm lúc tu nhân.

9.      Vị Tằng Hữu: là nói về những chuyện thần thông biến hóa xưa nay chưa từng nghe thấy.

10.  Phương Quảng: là phần kinh phương chính quảng đại nói đến cảnh giới viên dung vô ngại.

11.  Luận Nghị: là phần báo cáo về sự nghiên cứu Kinh, Luật của các vị đệ tử, hoặc là phần ghi chép lờI thảo luận của Ðức Phật và các đệ tử.

12.  Thọ ký: là phần đề cập đến đức Phật thọ ký cho những vị Bồ Tát, như lúc nào thì họ thành Phật, khi nào thì họ sinh Tịnh Ðộ, thành Phật ở cõi Tịnh Ðộ nào, hay là những dự ngôn…

Tôi giới thiệu mười hai bộ kinh Tam Tạng đơn giản như vậy để các vị có một ấn tượng sơ khởi. Chúc các vị thâm hiểu Kinh Tạng và phát trí huệ rộng lớn như biển.

 

--- o0o ---

| Mục Lục00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 |

--- o0o ---

| Xem tập 01 |

--- o0o ---

| Thư Mục Tác Giả |

--- o0o ---

Đánh máy vi tính : Thiền Lâm Đông Phương

Cập nhật ngày: 01-04-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

6 nghi Lễ hội Ẩm thực chay Phong vị Huế người thỉnh chuông chùa giáo tóm nhin lai than minh tre kho dau va niet 4 Cổ chua vong thi Các thực phẩm giảm cân giàu dinh dưỡng Công dụng trị bệnh của cần tây Nói về chuyện Niêm hoa vi tiếu Lễ hội Ẩm thực chay Phong vị Huế Ä Æ phÃp chữa hóc xương hoặc dị vật ở cổ Những lá thư xuân Những lá thư xuân Tóm tắt tiểu sử cố đại lão Hòa chẠLÃm chua ngoc am những điều phái nữ cần biết khi đi 5 tan o thai lan tinh hai mat cua ai duc Doanh nhân Phật tử loi phat day ve tinh yeu nam nu yeu cung phai hoc TP Viên dung åº Sữa giúp cơ thể chắc khỏe đẹp mà đa upagupta lời phật dạy về tình yêu nam nữ yêu những vấn nạn trong đặc thù biệt đèn bat nhi niem vui khong nguyen nhan cay kinh gioi ôi Chính xau Lược sử 13 vị Tổ Tịnh Độ Tông Lý Tiểu Một chế độ ăn chay đúng đắn lam sao de biet duoc co kiep truoc kiep sau hay to ra minh la phat tu quan diem cua phat giao ve van de hop tuoi nhau quan điểm của phật giáo về vấn đề ma bodhidharma kính giá trị dinh dưỡng từ trái bưởi giá trị tư tưởng thiền học bài phật