Mục Lục Quyển Trung.
Phần Thứ 1.
Phần Thứ 2.
Phần Thứ 3.
Phần Thứ 4.

 
.
NHỮNG ĐOÁ HOA THIỀN
Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ
Phước Quế Publications, Arlington, USA 2003
Mục Lục.
Quyển Thượng.
Quyển Trung.
Quyển Hạ.
Quyển Chung.
NHỮNG ĐOÁ HOA THIỀN
禪 之 花
QUYỂN TRUNG

661.  Lấy Đầu Làm Ghế.
Trong thiền viện do Tiên Nhai trụ trì có một học tăng thường lợi dụng đêm tối leo tường ra ngoài chơi.
Một hôm, Tiên Nhai đi tuần trong chùa, phát hiện có một cái ghế đẩu ở góc tường liền biết ngay có người đã leo tường ra ngoài chơi. Ông không kinh động ai cả, tiện tay dời ghế đẩu đi chỗ khác tự mình đứng ở chỗ ghế đó đợi học tăng trở về. Đêm đã khuya học tăng đi chơi trở về, không biết ghế đẩu đã bị dời chỗ, cứ đạp lên đầu thiền sư mà nhẩy xuống. Xuống tới đất mới biết người mình đạp lên đầu là Tiên Nhai thì kinh sợ, hoang mang không biết làm sao cho phải, nhưng Tiên Nhai không có ý giận lại còn an ủi:
- Trời khuya, sương nhiều ngươi phải cẩn thận kẻo bị lạnh, mau về phòng mặc thêm áo!
Sau đó, tự viện không ai biết chuyện này. Tiên Nhai cũng không đề cập đến, nhưng từ đó ban đêm không còn thấy ghế đẩu đặt ở góc tường nữa. 
(Nhất Vị Thiền: Quyển Phong)
Ông tăng đã được thiền sư dùng tâm từ cảm hóa.

662.  Hoằng Nhẫn.
Đạo Tín sau khi được Tăng Xán truyền tâm ấn, một hôm trên đường đến Hoàng Mai gập một đứa nhỏ khoảng 7 tuổi nói năng kỳ lạ, bèn hỏi:
- Ngươi tánh gì? (tiếng trung Hoa tánh là Họ)
- Tánh thì có mà chẳng phải tánh thường.
- Là tánh gì?
- Phật tánh.
- Ngươi không có tánh sao?
- Vì tánh vốn không.
Đạo Tín nói với tả, hữu:
- Đứa nhỏ này rất phi phàm, sau khi ta diệt độ hai mươi năm, sẽ đại hưng Phật pháp.
(Tổ Đường Tập)
Công án này nói về Phật tánh, siêu việt thời gian và không gian. Nó có thể biểu thị bằng một vòng tròn Thiền. Vòng tròn này hở vì không có trong, ngoài. Phật tánh có trong tất cả chúng ta: kẻ hành quyết, nạn nhân, anh hùng, thục nữ, kẻ sát nhân…ở tất cả mọi người, không có ngoại lệ. 
(Barragato)

663.  Gạo Trắng Chưa?
Một hôm, Hoằng Nhẫn đến nhà giã gạo hỏi Huệ Năng:
- Gạo trắng chưa?
- Trắng đã lâu, nhưng còn chưa sàng.
Hoằng Nhẫn lấy gậy gõ vào cối ba cái rồi bỏ đi. 
(Pháp Bảo Đàn Kinh)
- Gạo đã trắng chưa: gạo trong câu nói này chỉ tâm Huệ Năng. Đã loại hết trấu và sạn chưa? Tâm ngươi đã thanh tịnh chưa?
- Trắng đã lâu nhưng còn chưa sàng: con đã ngộ rồi, nhưng còn chờ thầy chứng cho thôi.
Hoằng Nhẫn gõ vào cối ba cái là tỏ ý chấp nhận. 
(Barragato)

664.  Tâm Như Hư Không.
Thiền sư Trí Hoàng, sau khi tham phỏng Ngũ tổ Hoằng Nhẫn tự xưng đạt được tâm tưởng bặt, duyên lự mất của thiền định tam muội. Do đó ở trong am tập thiền hơn 20 năm. Đệ tử của Huệ Năng là Huyền Sách, vân du đến Hà Bắc nghe danh Trí Hoàng bèn đến thăm, hỏi rằng:
- Ông ở đây làm gì?
- Nhập định.
- Ông nói nhập định là hữu tâm hay vô tâm nhập? Nếu là vô tâm nhập định thì tất cả loài không tình thức như cây cỏ, ngói gạch đều được định. Nếu là hữu tâm nhập định thì tất cả chúng sanh hữu tình, hàm thức đều được định rồi.
- Khi tôi nhập định không thấy có hữu tâm, vô tâm.
- Không thấy hữu tâm, vô tâm thì là thường định làm gì còn có nhập định, xuất định. Nếu có xuất, nhập thì chẳng phải là Đại Định.
Dưới tay tướng giỏi, không có binh hèn. Kiến địa của Huyền Sách làm cho Trí Hoàng không lời nào đối lại. Một lúc sau mới hỏi:
- Ông kế thừa pháp của vị nào?
- Thầy tôi là Tào Khê Lục tổ.
- Lục tổ lấy gì làm thiền định?
- Thầy tôi nói diệu trạm viên tịch, thể dụng như như, năm uẩn vốn không, sáu trần chẳng có, chẳng ra chẳng vào, chẳng định chẳng loạn, thiền tánh vô trụ lià  "trụ thiền tịch.” Thiền tánh vô sanh, lìa "sinh Thiền tưởng.” Tâm như hư không cũng không có số lượng hư không có thể đạt được.
Trí Hoàng nghe lời này rồi liền tự đến bái kiến Lục tổ. Lục tổ hỏi:
- Ngươi từ đâu tới?
Trí Hoàng mang chuyện gập Huyền Sách kể lại. Lục tổ nói:
- Thật đúng như vậy, nếu tâm ngươi như hư không, không chấp không kiến, ứng dụng vô ngại, tâm không động tịnh, phàm thánh đều quên, năng sở đều diệt, tánh tướng là một, chẳng có định và hết định.
Trí Hoàng nghe rồi đại ngộ, cái tâm sở đắc từ 20 năm tiêu diệt không còn dấu vết.
(Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)
Chấp có pháp để đắc, có ngộ để chứng là chưa thật ngộ. Thiền không rơi vào nhị biên có, không. Cũng không chấp ở giữa. Nhị biên đã không có thì làm gì có trung gian? Không thọ một hạt bụi, cũng không xả một pháp, thâu phóng tự như.

665.  Bài Giảng Của Thiền Sư La Sơn.
Mân Vương xây một tự viện cho thiền sư La Sơn và mời ông ban cho một thời pháp vào ngày khánh thành. Ông lên giảng đàn, khoác cà sa vào rồi cởi ra và nói:
- Xin chào!
Nói rồi xuống tòa giảng.
Mân Vương lại gần ông và nói:
- Bài giảng bữa nay của thầy cũng giống như bài giảng của Thế Tôn ở núi Linh Thứu.
- Tôi tưởng ngài không biết gì về giáo lý không ngờ ngài cũng biết chút ít về thiền.
(Zen Koans)
Bài giảng được coi là hay nhất của đức Phật là bài giảng ở núi Linh Thứu (sự tích niêm hoa vi tiếu). Bài giảng yên lặng và sự truyền tâm ấn là sự khởi đầu của Thiền. Mân Vương so sánh bài giảng của La Sơn và của đức Phật. Nhưng thiền sư biết rằng người đi tìm chân lý sốt sắng nhất luôn luôn đến với tâm không. Biết chút ít về Thiền còn tệ hơn là không biết gì cả.

666.  Thầy Tôi Không Có Lời Này!
Có người hỏi Triệu Châu:
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
- Cây bách trước sân.
Lúc đó vấn đáp này đã trở thành thoại đầu danh tiếng. Về sau, Pháp Nhãn hỏi đệ tử trực truyền của Triệu Châu là Giác Thiết Chủy:
- Nghe nói Triệu Châu có câu "cây bách trước sân" có phải không?
- Thầy tôi không có lời này, xin đừng hủy báng ổng.
- Ngươi thiệt là sư tử con, lời nói y hệt lão sư tử Triệu Châu. 
                    (Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)
Cổ nhân tán thưởng Giác Thiết Chủy rằng:"Con tốt không sài tiền cha." Câu nói "Thầy tôi không có lời này" của Giác Thiết Chủy cũng giống như câu nói của Triệu Châu "Cây bách trước sân" đều rất sinh động.

667.  Hoàng Long Tam Quan.
Hoàng Long khi thấy người tới bèn duỗi tay ra hỏi:
- Tay ta sao giống tay Phật?
Nếu trả lời một câu thiền sư liền duỗi chân ra hỏi:
- Chân ta sao giống chân lừa?
Sau đó lại hỏi:
- Cái nào là sinh duyên của thượng tọa?
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Câu thứ nhất là so sánh người với Phật.
Câu thứ hai là so sánh người với súc vật.
Tổng hợp lại là Tâm, Phật, chúng sanh không có sai biệt.
Hai câu đầu đề thị học nhân: chúng sanh đều có Phật tánh, cho nên không thể coi thường mình và chúng sanh. Sau đó tham câu thứ ba, coi khuôn mặt xưa nay của mình là cái gì? Đó là cái trong Đàn Kinh, Lục tổ nói: chẳng nghĩ thiện (Phật), chẳng nghĩ ác (lừa), lúc đó cái gì là khuôn mặt xưa nay (sinh duyên).

668.  Vạn Dậm Không Tấc Cỏ.
Động Sơn bảo đại chúng rằng:
- Đầu Thu, cuối Hạ các huynh đệ hoặc đi Đông hoặc đi Tây, nên hướng thẳng vào nơi vạn lý không tấc cỏ mà đi.
Lại nói:
- Nơi vạn lý không tấc cỏ làm sao đi?
Về sau có ông tăng đến Lưu Dương, kể lại cho Thạch Sương nghe. Thạch Sương bảo:
- Ra cửa liền là cỏ.
Ông tăng trở về trình lên Động Sơn. Động Sơn nói:
- Trong nước Đại Đường có được mấy người? 
(Bình Thường Tâm Thị Đạo)
Vạn dậm không tấc cỏ mọc là chỉ sa mạc hay sao? Dĩ nhiên không thể căn cứ vào chữ mà giải thích được. Đây là diễn tả cảnh giới không tịch của tự tánh, rộng lớn vô biên, siêu việt hình tượng. Lại sợ đại chúng kẹt vào câu nói nên lại nói "làm sao đi?" là ý ở ngoài lời nói. Câu "Ra cửa liền là cỏ" của Thạch Sương là nói ngoài "không giới" là sắc giới, những người chưa ngộ đạo ra cửa liền gập cỏ.
"Trong nước Đại Đường có được mấy người" là lời Động Sơn khen ngợi Thạch Sương đã hiểu ý mình.

669.  Ngàn Mắt, Ngàn Tay.
Nhân một ngày đến Hà Bắc, phủ chủ Vương Thường Thị mời Lâm Tế thượng đường nói pháp. Ma Cốc bước ra hỏi:
- Quán Thế Âm ngàn mắt, ngàn tay, mắt nào là chánh?
Lâm Tế đáp:
- Quán Thế Âm ngàn mắt, ngàn tay, mắt nào là chánh? Nói mau! Nói mau!
Ma Cốc kéo sư xuống ngồi vào chỗ của sư.
Sư lại gần chào:
- Ngươi mạnh chăng?
Ma Cốc định nói , sư kéo Ma Cốc ra, ngồi vào chỗ cũ. Ma Cốc đi ra, sư cũng hạ đường.
(Lâm Tế Lục)
Tượng bồ tát Quán Thế Âm tượng trưng cho lòng từ bi, có một ngàn tay, một ngàn mắt. Một ngàn mắt để nhìn thấy những người đang cần cứu và một ngàn tay giơ ra để giúp. Một vài tượng có mười một mặt để có thể nhìn khắp mọi nơi. Lâm Tế lập lại câu hỏi của Ma Cốc, chỉ thêm vào mấy chữ :"Nói mau! Nói Mau!"
Lâm Tế lấy câu hỏi của Ma cốc, do đó Ma Cốc lấy chỗ ngồi của Lâm Tế (chủ, khách đảo ngược). Sau đó Lâm Tế chiếm lại chỗ ngồi (chủ khách không khác). Ngàn mắt của Quán Thế Âm mắt nào cũng là chánh. Chúng ta có 2 mắt, mắt nào cũng thật, không ai hỏi mắt nào là giả. Một câu hỏi như vậy thật vô nghĩa. 
(Kubose)

670.  Lâm Tế Phỏng Vấn Tam Phong.
Lâm Tế tới Tam Phong, Bình hoà thượng hỏi:
- Từ đâu tới?
- Từ Hoàng Bá.
- Hoàng Bá nói gì? (1)
- Hôm qua cho trâu vàng vào lò nấu chẩy không còn dấu vết.
- Gió vàng thổi tiêu ngọc, ai là kẻ tri âm? (2)
- Qua vạn cửa không ngừng ở thanh không.
- Câu đối thoại của ngươi thực cao thâm!  (3)
- Rồng sanh phụng hoàng vàng, xung phá sóng nước xanh.
- Mời uống trà!
Bình hòa thượng lại hỏi:
- Gần đây ngươi đi đâu?
- Long Quang.
- Long Quang thế nào rồi?
Lâm Tế không đáp, đi ra. 
(Lâm Tế Lục)
Đoạn vấn đáp (1):
Hoàng Bá nói gì?
- Hoàng Bá dạy ta chân lý tột cùng, nhị nguyên đối đãi biến mất không còn dấu vết.
Đoạn vấn đáp (2):
- Dĩ nhiên giáo lý của Hoàng Bá cao siêu, nhưng ngươi có thực sự hiểu không?
- Không những ta hiểu mà còn vượt lên trên nữa kìa!
Đoạn vấn đáp (3):
- Ngươi đã rời khỏi tầm tay!
- Con rồng Hoàng Bá sanh con phượng Lâm Tế, đã đạt tới cảnh giới cao nhất.
Bình hòa thượng ngưng tranh luận. 
(Akizuki, dẫn theo Watson)

671.  Cây Gậy Lớn Của Cảnh Thanh.
Cảnh Thanh hỏi một ông tăng mới đến, từ đâu lại. Ông tăng đáp:
- Từ ba núi.
- Lần kết hạ cuối ở đâu?
- Từ năm non.
- Ta sẽ cho ngươi 30 gậy.
- Sao lại đánh con?
- Vì ngươi hết đi từ thiền viện này lại sang thiền viện khác. 
(Zen Koans)
Có lẽ ông tăng này chỉ đơn giản thích đi loanh quanh các thiền viện. Mặt khác, có thể ông đang đi tìm một vị thầy tốt. Một vị thầy tốt sẽ biết ngay phẩm chất của đồ đệ. Kỷ luật thiền rất nghiêm ngặt, bất cứ chấp vào một cái gì cũng đều bị đánh.

672.  Giọt Nước Tào Khê.
Một ông tăng hỏi Pháp Nhãn:
- Thế nào là giọt nước Tào Khê?
- Là giọt nước Tào Khê! 
 (Zen Koans)
Thiền bắt đầu ở Trung Hoa với Bồ Đề Đạt Ma (năm 520) và đạt đến sung mãn với Huệ Năng. Vì vậy, câu hỏi có nghĩa là cốt tủy của thiền là gì? Ông tăng chờ đợi được nghe những giảng dạy cao siêu, nhưng Pháp Nhãn chỉ lập lại câu hỏi. Thường thường câu trả lời đã nằm sẵn trong câu hỏi. Nước là nước dù ở đâu. Thiền ở khắp mọi nơi. Tất cả mọi sự vật đều là thiền. Dầu ta có bỏ chữ Thiền đi, Thiền vẫn ở đấy không cần phải dán nhãn Cồ Đàm, Đạt Ma, chúng ta.

673.  - Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đang thuyết pháp gì vậy?
- Chíp chíp (tiếng sẻ), meo meo (tiếng mèo) gâu gâu (tiếng chó).
(Chích Thủ Chi Thanh)
Câu trả lời nhấn mạnh ở đây, bây giờ.

674.   - Hãy chỉ cho ta cái cây không lay động trong cơn gió mạnh.
Ông tăng đứng dậy, thân ngả tới ngả lui, hai tay vung trong không khí, miệng kêu vi vu.
(Chích Thủ Chi Thanh)
Nếu ngươi đứng yên , ngươi đã bị động (tâm ngươi động vì có ý kháng cự lại với gió). Nếu ngươi động theo gió, ngươi không động (vì tâm ngươi không động). 

675.  Văn Thù cưỡi sư tử, Phổ Hiền cưỡi voi trắng, còn Thích Ca cưỡi gì?
- Con ngồi thiền trên một cái nệm rách, bất động.
(Chích Thủ Chi Thanh)
Ông tăng không thèm để ý đến lịch sử và thần thoại, ông chỉ biết Phật hiện tại (là ông và thiền sư). 

676.  Đã nghe được tiếng vỗ của một bàn tay, hãy đưa chứng cớ ra coi!

677.  Nghe được tiếng vỗ của một bàn tay, khai ngộ thành Phật, xin hỏi làm sao làm Phật?

678.  Khi ngươi đã biến thành tro, còn nghe được tiếng vỗ của một bàn tay không?
(Chích Thủ Chi Thanh)
Trong cả ba công án trên, ông tăng không nói chỉ giơ một bàn tay ra phía trước.
Trong công án 676, ông tăng không bị chứng cớ trói buộc, chỉ ám thị là thế đó.
Trong công án 677, ông tăng không bị mê, ngộ trói buộc, ám thị ở đây, bây giờ.
Trong công án 678, ông tăng không bị sanh, tử trói buộc. Khái niệm sau khi chết chỉ có khi ta còn sống.

679.  Bàn tay này (tức bàn tay cho tiếng vỗ) có bị xuy mao kiếm chặt đứt không?
- Không chặt được.
(Chích Thủ Chi Thanh)
Ông tăng vừa nói  không chặt được vừa giơ một bàn tay ra. Chặt không được vì chặt không ta lại được không.

680. Thế nào là sáng tới Tây Thiên, chiều về Đông Độ?
Ông tăng đi tới đi lui trong phòng và nhắc lại sáng tới Tây Thiên, chiều về Đông Độ.
(Chích Thủ Chi Thanh)
Ông tăng không bị thời gian (sáng, chiều) và không gian (Tây Thiên, Đông Độ) trói buộc, chỉ phản ứng lại với Đi và Về.

681. Thế nào là tiếng không tiếng của một bàn tay?
Ông tăng không nói, đứng dậy lạy rồi lại ngồi xuống.
(Chích Thủ Chi Thanh)
Trong nghi thức chào hỏi Nhật Bản, ngoài động tác còn kèm theo lời chào hỏi. Ở đây ông tăng chỉ dùng động tác không nói là để diễn tả tiếng không tiếng.

682.  Cảnh Giới Giáp Sơn.
Có ông tăng hỏi Giáp Sơn:
- Thế nào là cảnh Giáp Sơn?
Giáp Sơn trả lời bằng một câu kệ:
猿 抱 子 歸 青 嶂 後
Viên bão tử quy thanh chướng hậu
鳥 啣 花 落 碧 巖 前 
Điểu  hàm hoa  lạc bích nham tiền
Vượn  ẵm  con  về  sau  núi  biếc
Chim  tha  hoa  rụng  trước  non  xanh.
 (Thích Thanh Từ dịch)
(Thiền Ngộ)
Ông tăng hỏi Cảnh giới giác ngộ của Giáp Sơn. Câu đáp của Giáp Sơn cho biết Vô Tâm là giác ngộ, muốn vậy phải từ bỏ Tâm phân biệt.

683.  Vạn Dặm Không Một Cụm Mây.
(Thiền Ngộ)
Vạn dặm không một cụm mây chỉ cảnh giới giác ngộ. Mây chỉ phiền não. Mặt trời, mặt trăng dụ cho Phật tánh, bị mây che không nhìn thấy được. Muốn thấy được mặt trời, mặt trăng chỉ cần gió thổi, mây tan. Gió ở đây là Bát Chánh Đạo, trong đó Chánh Định là đại biểu.

684.  Ngựa Trắng Vào Đám Hoa Lau.
(Thiền Ngộ)
Hoa lau mầu trắng, ngựa cũng mầu trắng. Khi ngựa vào khóm lau ta khó phân biệt đâu là ngựa, đâu là hoa. Câu này cũng như câu “Tuyết đầy chén bạc”, đều chỉ Thiên Địa vạn vật khách quan và tự ngã chủ quan đều cùng một thể.

685. Đè đầu trâu bắt ăn cỏ.
                                                                                   (Thiền Ngộ)
Đây là chỉ cưỡng bức trâu no phải ăn cỏ. Ý là cơ duyên chưa chín mùi, dù dụng công thế nào cũng không liễu ngộ được.

686.  Thế Tôn Chẳng Nói, Ca Diếp Chẳng Nghe.
(Thiền Ngộ)
Đây là dẫn sự tích “niêm hoa vi tiếu.” Sự thực thì Thế Tôn nói rất nhiều và Ca Diếp chú ý nghe. Nói cách khác, cảnh giới chân chính giác ngộ không thể dùng lời mà thuyết minh được; chỉ dùng tâm truyền tâm.

687.  Vũ Trụ Không Hai Mặt Trời,  Càn Khôn Chỉ Một Người.
(Thiền Ngộ)
Vũ chỉ không gian; trụ chỉ thời gian, càn chỉ trời, khôn chỉ đất. Đây là cảnh giới sau khi lãnh ngộ rồi, câu này cũng tương tự như câu “duy ngã độc tôn.”

688.  Một Tiếng Sấm Động, Gió Mát Khởi.
(Thiền Ngộ)
Sau cơn mưa gió sấm chớp, phiền não và vọng tưởng đều bị rửa sạch, tiến vào ngộ cảnh thanh tịnh.

689.  Mộng.
Trạch Am thiền sư sắp mất, chúng đệ tử xin ngài cho một bài kệ phó pháp. Thiền sư bèn viết một chữ Mộng rất lớn, bên cạnh đề hàng chữ nhỏ:
Thị  là  mộng ,  phi  cũng  là  mộng
Di  Lặc  là  mộng ,  Quán  Âm  cũng  là  mộng.
Phật  nói  nên  quán  như  thế!
Sau đó liền mất
(Thiền Ngộ)
Ý của Trạch Am là coi sự vật hữu hình và vô hình ở thế gian là mộng, do đó thoát ly được những nhận thức tương đối của thế gian và tiến vào cảnh giới giác ngộ.

690.  Trúc Rậm  Không Ngăn Nước Chẩy
         Núi Cao Chẳng Cản Mây Bay.
(Thiền Ngộ)
Nước, trúc, núi, mây đều tự nhiên vô tâm; do đó không bị sự vật gì làm trở ngại. Tâm Kinh có nói: “Cố tâm vô quái ngại” là chỉ vô tâm thì không bị trở ngại. Chỉ khi nào tự giác tất cả đều không thì mới đạt được tâm cảnh “Trúc rậm không ngăn nước chẩy.” 

691.  Vân Cư.
Vân Cư đến tham Động Sơn. Động Sơn hỏi:
- Tên ngươi là gì?
- Vân Cư.
- Nói lên trên.
- Nói lên trên thì chẳng phải là Vân Cư.
- Lời nói của ngươi  cũng giống như câu trả lời của ta khi đến Vân Nham. 
(Zen Light)
Có tên là có phân biệt. Chúng ta sống ở trong thế giới nhị nguyên đối đãi, ở thế giới danh tướng. Chúng ta nên biết rằng còn có thế giới không danh tướng. Danh tướng chỉ là tương đối, luôn thay đổi và không thật. Chân lý không có tên, không chỗ, không vật. 
Khi chúng ta ở trong một phòng sáng chúng ta không cần mở đèn.

692.  Chuông Kêu.
Một lần nghe gió thổi làm chuông kêu, Tăng Già Nan Đề hỏi Già Da Xá Đa:
- Chuông kêu hay gió kêu?
- Chẳng phải chuông hay gió kêu mà là tâm con kêu.
- Tâm như thế nào?
- Thẩy đều im lặng.
- Tốt, ngươi sẽ nối pháp ta!
(Zen Light)
Công án này có thể là nguồn gốc của công án gió động hay cờ động trong Vô Môn Quan (xem Công án số 95). Khi ta nhìn một sự vật bên ngoài chúng ta đã có sự phân biệt chủ thể và đối tượng. Có phân biệt là có đối đãi: Chúng ta đang sống trong thế giới hư vọng.
Samuel Johnson đạp mạnh ngón chân cái trên một hòn đá và kêu lên Ối! Làm thế ông đã chứng minh được sự hiện hữu của ngón chân, hòn đá và sự đau đớn. Lúc đó không phải chỉ có tiếng ối hay sao? Tiếng ối đó không phải là sự hợp nhất của ngón chân, hòn đá và sự đau đớn hay sao? Tiếng ối đó đã chứng minh sự không thể tách rời chủ thể và đối tượng, tất cả là tiếng ối đó.  Ối! là toàn thể vũ trụ. Ối!

693.  Vân Nham.
Vân Nham tham học với Bách Trượng hai mươi năm, sau lại đến học với Dược Sơn. Dược Sơn hỏi:
- Bách Trượng dạy pháp gì?
- Có lần, thiền sư thượng đường, đại chúng sắp thành hàng, Bách Trượng cầm gậy sua mọi người đi hết sau đó lại gọi: “Đại chúng!” Đại chúng xoay đầu lại, Bách Trượng nói: “Là cái gì.”
Dược Sơn bảo:
- Sao ngươi không nói sớm, hôm nay nghe ngươi kể lại, ta được 
thấy Hải huynh.
Ngay câu nói ấy, Vân Nham tỉnh ngộ. 
(Zen Light)
Mục đích của thiền là ngộ. Thiền sư dùng đủ mọi cách để thiền sinh đạt tới đích này. Đôi khi cách thức có vẻ kỳ lạ nhưng chỉ là muốn thiền sinh vượt qua những lề thói thông thường. Trong công án này, Bách Trượng không giảng cho một thời pháp, dùng gậy đuổi đại chúng đi, sau đó lại hỏi là cái gì? Ông ám chỉ phải buông bỏ tất cả những thành tựu, học vấn . . .  vì tất cả chỉ là không, ngay cả cái không này cũng phải bỏ thì mới có thể ngộ, Lúc đó Vân Nham còn chưa tỉnh chỉ sau khi nghe lời nói của Dược Sơn ông mới thực sự giác ngộ.

694.  Bảo Tích.
Bảo Tích một hôm ra khỏi cửa thấy một đám tang, người hát thuê rung chuông hát rằng:
Vầng  hồng  quyết  định  lặn  về  Tây 
Chưa  biết  ủy  hồn  hướng  về  đâu?
Người con hiếu ở dưới màn khóc hu hu, sư bỗng nhiên thân tâm vui mừng, khai ngộ.
(Niêm Hoa Vi Tiếu)
Chữ bỗng nhiên này thật sinh động, diễn tả thiền sư trong tình huống ngẫu nhiên mà ngộ. Trải bao thời gian tìm tòi, cuối cùng trong lúc vô ý như một tia điện chớp lòe đạt tới tâm phát sáng, chiếu cả mười phương. Các thiền sư không thể nào giải thích tại sao tại lúc đó mà không tại lúc khác, ở trong tình huống đó mà không ở trong tình huống khác, mà bỗng nhiên khai ngộ, chỉ tự mình thể hội.

695.  Đại Đường Đánh Trống Tân La Múa.
(Thiền Ngộ)
Biểu thị sự lãnh ngộ.Thiên địa nhất thể, siêu việt không gian và thời gian. Cũng để chỉ 2 người bạn tuy xa cách nhau trong không gian nhưng tâm ý tương thông.

696.  Suối Sâu Dùng Gáo Cán Dài.
(Thiền Ngộ)
Dùng gáo để múc nước suối. Suối cạn dùng gáo cán ngắn, suối sâu dùng gáo cán dài. Trong Phật giáo có câu: “Ứng cơ thuyết pháp,” nghĩa là tùy theo căn cơ của người nghe mà thuyết pháp. Đối với người ngu thì dùng lời lẽ thông thường, còn người thông minh thì dùng lý lẽ cao siêu của Phật lý mà giảng. Cũng tỷ như dùng dao mổ trâu mà làm gà hoặc ngược lại dùng dao giết gà mà mổ trâu thì không thuận lợi.

697.  Bên Ngọn Lửa Hồng Không Chủ Khách.
(Thiền Ngộ)
Ý là khi ngồi sưởi ấm bên ngọn lửa thì không phân biệt ai là chủ, ai là khách. Chủ là chủ thể, khách là khách thể, tuy có sai biệt nhưng vẫn tương đồng, cũng như con người ai cũng có Phật tánh.

698.  Trăng Mọc Trên Biển , Bao Người Lên Lầu.
Nếu muốn ngắm trăng mọc trên biển thì phải lên lầu cao, ý nói nếu có một người đức cao vọng trọng xuất hiện, mọi người đều tôn kính và ngưỡng vọng.

699.  Dép Cỏ Rách.
(Thiền Ngộ)
Dép cỏ dùng để đi đường cho khỏi đau chân, rách rồi thì phải vứt bỏ nếu cứ khư khư giữ bên mình thì chỉ làm trở ngại. Cũng vậy, văn tự, công án dùng để thức tỉnh, ngộ rồi thì phải bỏ.

700.  Mây Bay, Nước Chẩy.
(Thiền Ngộ)
Mây tự do bay lượn, gió cuốn tới đâu thì tới, không bị bó buộc. Nước chẩy không ngừng. Câu này ý nói người tu hành tự do, tự tại đi khắp nơi tìm thầy hay, bạn giỏi để học hỏi. Do đó, người ta thường gọi các ông du tăng là hành vân lưu thủy tăng hay vân thủy tăng.

701.  Bài Kệ Phó Pháp Của Ma Noa La Tôn Giả:
心 隨 萬 境 轉
Tâm tùy vạn cảnh chuyển
轉 處 實 能 幽
Chuyển xứ thật năng u
隨 流 性 認 得
Tùy lưu tánh nhận đắc
無 喜 亦 無 憂
Vô hỷ diệc vô ưu
Tâm  theo  muôn  cảnh  chuyển
Chỗ  chuyển  thật  kín  sâu
Theo  dòng  nhận  được  tánh
Không  mừng  cũng  không  lo.
(Thích Thanh Từ dịch)
(Thiền Ngộ)
Thông thường con người bị ngoại giới mê hoặc, có lúc cảm thấy vui, có lúc cảm thấy buồn, đó đều là do nhân duyên cả. Nếu như sống trong thế giới vô thường này mà có thể vô tâm và vô ngã thì sẽ được tự do vô ngại.

702.  Trực Tâm là Đạo trường.
Một hôm Quang Nghiêm đồng tử lìa bỏ nơi náo nhiệt, tìm một chỗ thanh tịnh để tu hành, ngẫu nhiên gập Duy Ma Cật, bèn hỏi:
- Cư sĩ từ đâu lại?
- Ta từ đạo tràng lại.
- Đạo trường ở đâu vậy?
- Trực tâm là đạo trường.
(Thiền Ngộ)
Người thường khi đề cập đến tu hành phần lớn đều nghĩ đến tìm một chỗ thanh tịnh, xa rời nhân quần để tu tập. Nhưng nếu tâm còn phân biệt, vọng tưởng thì bất cứ đi đến đâu cũng không thể nào tới được đạo trường. Đạo trường ở đây không phải là chỉ cơ sở mà là chỉ tâm cảnh.

703.  Bõm.
Phật Đính hòa thượng đến thăm thi sĩ Ba Tiêu. Hòa thượng biết Ba Tiêu đã khai ngộ, tới nơi bèn hỏi:
- Gần đây có chuyện gì tốt chăng?
- Mưa xuống rêu xanh tươi.
- Khi rêu chưa mọc, Phật pháp thế nào?
Ba Tiêu trả lời bằng một bài hài cú:
                       Mặt  ao  cũ  yên  lặng
                       Một  con  ếch  nhẩy  vào
                                Bõm! 
(Đồ Giải Thiền vấn đáp)
Trong thế giới Thiền - thế giới của tự tánh- không có sự phân biệt có hay không có giá trị; không quan trọng hay quan trọng. Bất cứ sự việc gì dù tầm thường hay có vẻ vô ý nghĩa cũng có thể làm thức dậy sự tỉnh thức đang ngủ. Con ếch trong tâm Ba Tiêu, khi nhẩy xuống ao đã tạo nên những vòng tròn lan ra mặt nước, vượt qua ao, qua mặt trăng, mặt trời, qua những vì sao xa nhất, vượt lên không gian. Và nó cũng chìm sâu hơn Ba Tiêu, Bồ Đề Đạt Ma, Thích Già Mâu Ni trong cảnh giới không thời. 
 (Marian Mountain) 

704.  Một bài thơ Xuân.
Một vị tỳ khưu ni đời đường sau khi đi khắp nơi tham học, khai ngộ rồi viết bài thơ sau:
盡 日 尋 春 不 見 春
Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân
芒 鞋 踏 破 嶺 頭 雲
Mang hài đạp phá lãnh đầu vân
歸 來  偶 把 梅 花 嗅
Quy lai ngẫu bả mai hoa khứu
春 在 枝 頭 已 十 分
Xuân tại Chi đầu dĩ  thập phần
     某 尼
     Mỗ    Ni

Trọn  buổi  tìm  Xuân  chẳng  thấy  Xuân 
Giầy  cỏ  dẫm  khắp  mây  đầu  non
Trở  về bỗng  qua dưới  hoa  mai
Xuân  ở  đầu  cành  đà  mười  phần. 
  (Đồ Nam dịch)
(Thanh Tịnh lưu ly)
Chúng ta cầu đạo cũng như đi tìm xuân. Cả ngày đi khắp sơn cùng, thủy tận, mòn cả dép mà cũng chẳng thấy xuân ở đâu. Đến khi trở về, ngửi thấy mùi thơm của hoa mai trong vườn mới biết xuân đã tới rồi. Bài thơ này thuyết minh chúng ta đi tìm chân lý, trí tuệ, tìm hoài mà vẫn không thấy vì không biết hướng nội. 

705.  Chị dâu Mã Tổ.
Đời Đường, thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất chứng đạo rồi trở về quê cũ. Bà chị dâu ông rất kính trọng ông, coi như bậc thầy và cầu đạo với ông. Mã Tổ bảo:
- Tẩu tẩu hãy lấy một quả trứng gà, dùng dây treo giữa khoảng không, hàng ngày chú ý lắng nghe, chỉ cần nghe thấy quả trứng phát ra tiếng là ngộ đạo.
Bà chị dâu tin đó là thực, hàng ngày chú ý lắng nghe không hề trễ nải. Đã nhiều năm trôi qua rồi mà vẫn không nghe được âm thanh nào của quả trứng phát ra cả. Dần dần, sợi dây treo quả trứng bị mục nát; một hôm đứt ra, quả trứng rớt bạch xuống đất. Bà chị dâu nghe rồi liền ngộ: nguyên lai vật ngã là một.
(Thanh Tịnh Lưu Ly)
Tiếng “bạch” đó giúp bà chị dâu Mã Tổ đả phá trong ngoài, nhân ngã, đạt tới cảnh giới như như. 

706.  Kim Bích Phong.
Kim Bích Phong tuy đã ngộ đạo, có thể buông bỏ tất cả tham ái, 
tuy nhiên ông rất thích cái bát ngọc để ăn cơm.
Trước khi nhập định, đều cất cái bát ngọc cẩn thận rồi mới an tâm ngồi thiền.
Một hôm, Diêm Vương thấy thọ mạng của ông đã dứt, bèn sai vài tên tiểu quỷ đến bắt. Kim Bích Phong biết trước thời đã tới, bèn nhập vào cảnh giới thiền định rất sâu. Các tên tiểu quỷ đợi một hôm, hai hôm rồi đợi mãi mà vẫn không thấy ông xuất định, không biết làm sao về tâu với Diêm Vương bèn đi hỏi thổ địa lập kế nào để Kim Bích Phong xuất định. Thổ Địa nói:
- Kim Bích Phong  rất thích cái bát ngọc, nếu các ngươi lấy được bát ngọc, nhất định ông ta sẽ xuất định.
Lũ tiểu quỷ vội đi lấy bát ngọc, dùng hết sức lay động làm bát kêu keng keng.
Kim Bích Phong nghe tiếng vội xuất định. Lũ tiểu quỷ vỗ tay cười:
- Được rồi! Bây giờ mời ông đi gặp Diêm Vương.
Kim Bích Phong trong sát na đó đại ngộ, hiểu rằng chỉ vì một chút tham ái mà hủy diệt thiên cổ tuệ mạng. Ông bèn ném bát ngọc vỡ tan và lập tức nhập định vào cảnh giới niết bàn.
(Thanh Tịnh Lưu Ly)
Nếu còn một chút tham ái dù rất nhỏ cũng không thể vào niết bàn thanh tịnh được.

707.  Linh Quyển.
Linh Quyển đến tham phỏng Quy Tông hỏi:
- Phật là gì?
- Không thể nói cho ngươi biết vì ngươi không tin. Nếu ngươi tin thì lại gần đây ta bảo cho.
Linh Quyển bước lại gần, quy Tông ghé tai thì thầm:
- Chính là ngươi! 
  (Thanh Tịnh Lưu Ly)
Học thiền cần có ngộ tánh linh xảo , lại cần phải có tính khôi hài nữa.

708.  Phật là ai?
Có ông tăng hỏi Bách Trượng:
- Phật là ai?
Bách Trượng hỏi ngược lại:
- Ngươi là ai?
(Thanh Tịnh Lưu Ly)
Câu trả lời của Bách Trượng rõ ràng chỉ rằng mình là Phật lại còn đi hỏi ai nữa?

709.  Bài kệ của Bố Đại.
Bố Đại hòa thượng có bài kệ:
手 把 青 苖 插 滿 田
Thủ bả thanh miêu tráp mãn điền
低 頭 便 見 水 中 天
Đê đầu tiện kiến thủy trung thiên
六 根 清 淨 方 為 道
Lục căn thanh tịnh phương vi đạo

退 步 原 來 是 向 前
Thối bộ nguyên lai thị hướng tiền
Tay  cấy  mạ  non  đầy  cả  đồng
Cúi  đầu  thấy  trời  trong  vũng  nước
Sáu  căn  thanh  tịnh   Đạo  mới  thông
Lùi  về  sau  là  tiến  tới  trước.
(Ngộ Không dịch)
 (Thanh Tịnh Lưu Ly)
Người thường hay có khuynh hướng nhìn cao chẳng nhìn thấp, cầu xa chẳng cầu gần. Bài kệ này nói cho chúng ta biết từ gần có thể thấy xa, thối lui chính là tiến bước.

710.  An Lạc.
Có ông tăng đang ngồi thiền, một vị ngoại đạo đến hỏi:
- Có phải ông tu để kiếp sau an lạc không?
- Không, tôi tu để kiếp này an lạc! 
(Thanh Tịnh Lưu Ly)
Sự an lạc ở Niết Bàn không phải chết rồi mới được, mà là dập tắt mọi phiền não.

711.  Duy Khoan.
Có ông tăng hỏi Duy Khoan:
- Đạo ở đâu?
- Chỉ ngay trước mắt.
- Sao con không thấy?
- Vì ngươi có “ngã” nên không thấy.
- Con có “ngã” nên không thấy, còn hòa thượng có thấy không?
- Có ta có ngươi  thao thức nên không thấy.
- Không con, không hòa thượng lại thấy chăng?
- Không ta, không ngươi thì ai cầu thấy! 
(Thanh Tịnh Lưu Ly)
Khi ta có thể an trú ở vô nhân ngã, vô đối đãi thì ta và hư không là một. Tâm, Phật, chúng sinh vốn không sai biệt. Phật, chúng sinh, vạn vật đều ở trong tâm ta. Ngoài tâm nào có chúng sinh. Nói là độ chúng sinh nhưng không có một chúng sinh nào để độ.

712.  Tiết  Giản.
Tiết Giản hỏi lục tổ:
- Hiện ở kinh thành các đại đức tham thiền đều nói nếu muốn giác ngộ phải tọa thiền, tập định. Xin hỏi đại sư có cao kiến gì?
- Đạo do tâm ngộ, há phải tại ngồi sao?
(Thanh Tịnh Lưu Ly)
Đi, đứng, nằm, ngồi, gánh nước , bửa củi, chau mày, chớp mắt, nhất cử nhất động đều có thể làm đốn ngộ. Mài gạch không thể thành gương, tọa thiền chẳng thể thành Phật. Tham thiền cầu đạo điều quan trọng là giác ngộ chân tâm, bản tánh.

713.  Đốn, tiệm.
Đường Tuyên Tông hỏi Hoàng Biện:
- Thế nào là đốn, là tiệm?
- Đốn là thấy rõ tự tánh, đồng thọ với Phật, nhưng từ vô thủy tâm đã bị tập nhiễm nên phải dùng tiệm để trị, thuận theo tánh mà khởi dụng như người ăn cơm chẳng thể vừa và một miếng mà đã no bụng được.
(Thiền Ngoại Thuyết Thiền)
Nhà Phật lấy nghịch làm thuận. Trải qua khổ tu bỗng nhiên linh cơ nhất động thấy rằng nghịch chính thực là thuận. Nhưng ở thế tục lực lượng thuận rất mạnh muốn tránh khỏi bị lôi cuốn vào vòng nguy hiểm thì không một giây phút nào được buông lơi. Nghĩa là linh cơ nhất động (đốn) vẫn phải liên tục tu hành (tiệm).

714.  Thần Hội và Lục Tổ.
Thần Hội lúc 13 tuổi từ chùa Ngọc Tuyền ở kinh Nam đến tham kiến lục tổ. Tổ nói:
- Thiện trí thức từ xa đến khó nhọc, có mang bản lai theo không, nếu có thì nhận biết được chủ nhân ông, vậy hãy nói thử coi?
- Lấy vô trụ làm gốc, “thấy” là chủ nhân ông.
- Gã tiểu sa di này sao dám khinh xuất nói vậy?
- Hòa thượng ngồi thiền thấy hay chẳng thấy?
Lục tổ hươi gậy đánh cho 3 cái rồi hỏi:
- Khi ta đánh thì ngươi đau hay không đau?
- Cũng đau, cũng chẳng đau.
- Ta cũng thấy, cũng chẳng thấy.
- Thế nào là cũng thấy, cũng chẳng thấy?
- Ta thấy là thường thấy những sai lầm của nội tâm ta, nhưng không thấy phải trái, tốt xấu của người khác. Vì vậy mới nói cũng thấy, cũng chẳng thấy. Còn người nói cũng đau, cũng chẳng đau là sao? Nếu  ngươi chẳng đau thì khác chi cỏ cây, sỏi đá? Nếu ngươi đau thì giống kẻ phàm phu có lòng sân hận. Như ngươi hỏi thấy chẳng thấy là chấp nhị biên; đau chẳng đau là chấp sinh diệt. Ngươi còn chưa kiến tánh sao dám dỡn người?
Thần Hội nghe rồi đảnh lễ sám hối. 
(Nhất Vị Thiền Quyển Nguyệt)
Lời nói của lục tổ hợp “lý” hợp “cơ” khiến Thần Hội á khẩu, tự biết mình vô tri do đó lạy tổ 100 lạy và theo hầu một bên.

715.  Trăng soi đáy hồ không lưu dấu
         Bóng trúc quét thềm bụi chẳng động. 
(Thiền Ngộ)
Vô Học Tổ Nguyên (người đời Tống, được Nhật Bản mời sang truyền dạy Phật pháp, là tổ khai sơn của Viên Giác tự). Lúc nhỏ nghe một ông tăng ngâm câu này, bèn quyết tâm xuất gia. Bóng trăng, bóng trúc đều biểu thị tâm đã thoát ly mọi phiền não, vọng tưởng, đạt tới cảnh giới đại ngộ.
Muốn bụi trúc chẳng động thì tâm phải trừ mê hoặc và vọng tưởng. Thực ra nhất tâm vốn chẳng động. Ánh trăng chiếu xuống bụi trúc tạo ra bóng trên thềm. Khi gió thổi, bụi trúc lung lay, bóng trúc trên thềm cũng chuyển động qua lại như quét thềm. Ánh trăng tuy soi suốt tới đáy hồ nhưng bóng trăng không để lại một dấu vết nào trong nước. Cả hai câu trên đều nhấn mạnh đến chẳng động. Chúng ta đều bị 8 vạn bốn ngàn phiền não quấy nhiễu, vì vậy chúng ta phải làm chủ lấy mình. Mê hoặc và vọng tưởng chỉ là hình bóng là ảo tưởng chẳng có thực thể.

716.  Để gió thành gió.
Thiền sư Bảo Triệt ở núi Ma Cốc dùng quạt quạt gió. Lúc đó có một ông tăng qua đó bèn hỏi:
- Tánh gió thường trú, chẳng chỗ nào là không có, vì sao thầy phải dùng quạt?
- Ngươi tuy biết đạo lý tánh gió thường trú, nhưng chưa biết chẳng chỗ nào là không có.
- Vậy sao, thế  nào là chẳng chỗ nào là không có?
Đại sư chỉ phe phẩy quạt, ông tăng bỗng ngộ, vội lạy tạ.
(Thiền Lý Dữ Nhân Sinh)
Do áp lực không khí sai biệt mà gió được tạo thành, vì vậy chỉ cần có không khí là lúc nào cũng có thể có gió. Nhưng có gió ở một nơi nào cũng cần có điều kiện sai biệt về áp xuất (duyên khởi). Bảo Triệt phẩy quạt là chỉ cho ông tăng phải để ý đến cái điều kiện đó.

717.  Vàng ròng không đổi sắc.
(Thiền Ngộ)
Muốn thử vàng, cho vào lò lửa nó lại càng sáng. Một người đã tu đạt đến một trình độ nào đó thì sẽ không dễ dàng bị biến tiết.

718.  Sư tử lông vàng biến thành chó.
 (Thiền Ngộ)
Sư tử là vua trong loài thú chỉ Phật, chó là loài thú nuôi trong nhà chỉ chúng sinh. Phật vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sinh nên hạ sanh ở cõi người.

719.  Trong điện Hàm Nguyên hỏi đường đến Trường An. 
(Thiền Ngộ)
Điện Hàm Nguyên là tên một cung điện ở thành Trường An, đời Đường. Tâm mình là Phật, đã không hướng vào trong lại còn hướng ra ngoài mà tìm kiếm.

720.  Hoa rụng,  nước chẩy bát ngát.
(Thiền Ngộ)
Hoa và nước đều vô tâm, bát ngát chỉ sự rộng lớn vô cùng. Khi làm một việc gì ta đem hết tâm sức mà làm, không loạn tưởng, không khởi tạp niệm, trạng thái ấy gọi là tam muội hay vô tâm.

721.  Xuân đến,  trăm hoa nở vì ai?
(Thiền Ngộ)
Hoa nở không phải để cho ngưởi nào thưởng thức, cũng không phải vì hoa, mà là theo luật tự nhiên. Nếu con người có thể bỏ được những mưu mô tính toán, cứ thuận theo tự nhiên mà sống thì sẽ đạt được cảnh giới vô tâm.

722.  Quang minh tịnh chiếu biến hà sa.
Có ông tăng hỏi Vân Môn:
-  Quang Minh tịch chiếu biến hà sa. 
Ông tăng chưa dứt lời Vân Môn hỏi lại:
- Có phải đó là câu của tú tài Trương Chuyết chăng?
(Đó chính là một câu trong bài kệ của Trương Chuyết học thiền với Thạch Sương giác ngộ, làm ra).
Ông Tăng đáp:
- Dạ!  Đúng  vậy!
- Ngươi nói sai rồi!
Về sau Từ Tâm hòa thượng (1043- 1114) đem câu nói  này ra hỏi :
- Ông tăng ấy sai ở chỗ nào? 
  (Vô Môn Quan)
Câu thơ ấy chẳng phải là của Trương Chuyết sao? Nếu đúng thì khi ông tăng đáp “Dạ, Đúng vậy” Sao lại nói là ông ta sai? Nếu lúc đó ông đáp “Không phải!  Đó là câu của con thì có đúng không? Nếu ông tăng quả thực đạt được cảnh giới giác ngộ, những gì ông ta nói ra đều coi là của ông vì xuất phát từ tâm ra. Khi đối diện với chân lý thì đâu còn kể câu nói là của mình hay của người nữa.

723.  Một cọng cỏ.
(Long Mãn)
Triệu Châu thiền sư lên pháp đường nói:
- Tỷ như minh châu trong bàn tay, Hồ đến Hồ hiện, Hán đến Hán hiện. Lão tăng lấy một cọng cỏ làm gậy kim cương sáu trượng, lấy gậy kim cương sáu trượng làm một cọng cỏ. Phật là phiền não, phiền não là Phật.
Có ông tăng hỏi:
- Phật là phiền não của nhà nào?
- Là phiền não của tất cả mọi người.
- Làm sao tránh phiền não?
- Cần gì phải tránh! 
(Thiền Cơ)
Minh châu chỉ tự tánh, vốn không một vật do đó không đi tìm ở bên ngoài, cũng chẳng lưu hình bên trong; tùy thời, tùy chỗ dung nhiếp vạn tượng, phản chiếu vạn vật; phàm thánh biến thành một phiến. Cọng cỏ, phiền não là phàm, gậy kim cương, Phật là thánh. Lấy phàm làm thánh, lấy thánh làm phàm, phàm thánh vô ngại. Ông tăng hỏi làm sao tránh được phiền não là còn phàm thánh sai biệt.

724.  Thổi vào tai.
Một hôm, Duy Kiện ngồi thiền ở pháp đường. Mã Tổ trông thấy bèn lại bên thổi vào tai hai lượt. Duy Kiện mở mắt ra thấy Mã Tổ lại nhắm mắt lại nhập định. Mã Tổ về phương trượng sai thị giả mang một tách trà đến đưa cho Duy Kiện. Duy Kiện không thăm hỏi, trở về tăng đường. 
(Thiền Cơ)
Đây là Mã Tổ phá chấp ngồi thiền cho Duy Kiện.

725.  Con chó ghẻ.
Thanh Lương Sơn tương truyền là đạo trường của Văn Thù bồ tát. Ngài thường thị hiện ở nơi này cưỡi trên sư tử lông vàng. Có một ông tăng lập chí đến chiêm bái. Từ xa xôi ngàn dậm, trải qua bao cay đắng khốn khổ cuối cùng đã tới Ngũ Đài Sơn. Ở dưới chân núi ông gặp một con chó ghẻ, quanh quẩn đi cùng với ông ba ngày đêm. Mới đầu ông tăng không để ý, sau đó cảm thấy bị phiền nhiễu bèn đá cho một đá đuổi đi. Ông cứ đi  lên lên, xuống xuống suốt ba ngày mà chẳng thấy bóng dáng Văn Thù đâu cả. Thất vọng, ông xuống núi gặp một vị cao tăng và kể lể tâm sự. Vị cao tăng đề tỉnh ông:
- Ngươi đã gặp Văn Thù rồi, ngài chính là con chó ghẻ đó! 
(Nhất Vị Thiền, quyển Hoa)
Câu chuyện này cảnh tỉnh chúng ta, một con chó ghẻ cũng có thể là Văn Thù bồ tát; vậy đối với vạn sự vạn vật chúng ta lại không nên có tâm cung kính hay sao?

726.  Tổ Bát Nhã Đa La (tổ thứ 27 của Ấn Độ).
Quốc vương Đông Ấn Độ thiết trai cung dưỡng tổ Đa La. Quốc vương hỏi:
- Thầy vì sao không tụng kinh?
- Bần đạo thở vào không ở trong ấm giới, thở ra chẳng tiếp chúng duyên, tùy thời tụng thứ kinh này, trăm ngàn vạn ức quyển.
(Thiền Lý Dữ Nhân Sinh)
Ấm giới là chỉ ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), 12 xứ, 18 giới. Câu này ý nói: nếu vì thọ trai mà phải tụng kinh thì chẳng phải là bị trói buộc ư? Cứ theo tâm không bị tập quán ô nhiễm mà hành động thì đó là tụng kinh vậy.

727.  Tượng bẩy tấc.
Có ông tăng người Tứ Xuyên tên là Phương Biện đến bái phỏng Huệ Năng. Ông nói:
- Con giỏi nắn tượng.
- Ông làm thử coi.
Ông tăng không hiểu, bèn nắn một tượng Huệ Năng cao 7 tấc rất tinh xảo. Huệ Năng xem rồi bảo:
- Ông chỉ hiểu cái tánh nắn hình mà chẳng hiểu cái tánh Phật.
(Thiền Cơ)
Nắn hình chỉ hiện tượng giới, tánh Phật chỉ bản thể giới.

728.  Nói khẽ chứ.
Pháp Hội hỏi Mã Tổ:
- Ý tổ sư từ Tây sang là gì?
- Nói khẽ chứ! Đi ra đằng trước.
Pháp Hội bước ra trước, Mã Tổ tát cho ông một bạt tai và nói:
- Chẳng cùng lục căn thương lượng; ngày mai hãy đến!
Cách một ngày Pháp Hội lại đến:
- Thỉnh thiền sư chỉ thị.
- Tạm thời hãy đi ra, đợi lão thượng đường sẽ chỉ thị cho ngươi.
Pháp Hội gật đầu:
- Đa tạ đại chúng chỉ thị.
Nói rồi, đi nhiễu quanh pháp đường một vòng, theo lối sau mà ra. 
(Thiền Cơ)
Mã Tổ bảo”Nói khẽ chứ”, “Đi ra đằng trước”, tát cho một bạt tai đều là ám chỉ ông tăng còn có tâm tìm kiếm, vọng cầu.

729.  Xem nước.
Bảo Triệt và Mã Tổ cùng đi đường, Bảo Triệt hỏi:
- Đại Niết Bàn là gì?
- Gấp.
- Gấp cái gì?
- Xem nước. 
(Thiền Cơ)
Đại Niết Bàn chỉ tự tánh. Mã Tổ bảo ông tăng xem nước là ám chỉ ông phải tự quan sát, tự thể nghiệm.

730.  Đập vỡ nồi.
Cam Chí đặt một chén cháo trên bàn nói:
- Thỉnh thiền sư niệm kinh.
Nam Tuyền quay lại chư tăng, bảo:
- Cam Chí để một chén cháo trên bàn thỉnh đại chúng niệm kinh A Di Đà.
Cam Chí nghe rồi lạy mà lui ra.
Nam Tuyền vào bếp đập vỡ nồi.
(Thiền Cơ)
Cháo có niêm tính, tượng trưng sự bị trói buộc. Nam Tuyền đập vỡ nồi ám chỉ phá bỏ sự trói buộc.

731.  Đức Sơn mắng Phật, mắng Tổ.
Đức Sơn nói:
- Nơi đây không có Phật, không có pháp, Đạt Ma là lão Hồ hôi hám, thập địa bồ tát là gã gánh phẩn, đẳng diệu nhị giác là phàm phu phá giới. Bồ Đề, Niết Bàn là cọc buộc lừa, mười hai phần giáo là sách quỷ, là giấy lau mụn mủ, tứ quả, tam hiền, sơ tâm, thập địa chỉ là quỷ giữ mồ, tự cứu chẳng xong.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Ông càng chửi càng ác độc, triệt để. Nhưng nếu ta đảo ngược lại: lão Hồ hôi hám là Đạt Ma, gã gánh phẩn là bồ tát thập địa. . . thì câu nói mắng Phật, mắng tổ  đã trở thành tán thán phàm phu. Cũng như các câu: Diêm Đề cũng có Phật tánh, con chó cũng có Phật tánh. Phàm thánh đối đãi, mắng chửi hay khen ngợi, vướng vào một mặt nào cũng là chướng ngại. Lục tổ lấy 36 cách phản diện mà đáp, hỏi thánh lấy phàm đối, hỏi phàm lấy thánh đối, dùng phản diện mà thông qua phàm thánh, không bị chấp trước, vượt lên phàm thánh. Đối với thế và xuất thế pháp đều quán như vậy.

732.  Phật là thế nào?
Trường Khánh Đại An đến tham phỏng Bách Trượng, thi lễ rồi liền hỏi:
- Con muốn biết Phật, Phật là thế nào?
- Giống như cưỡi trâu mà tìm trâu.
 (Thiền Ngoại Thuyết Thiền)
Tự tánh thanh tịnh, không tìm ở bên ngoài.

733.  Thiền là gì?
Có ông tăng hỏi Nga Hồ Đại Nghĩa:
- Thiền là gì?
- Thiền sư lấy tay chỉ vào khoảng không. 
(Thiền Ngoại Thuyết Thiền)
Học thiền phải như “không”, tức là không chấp gì cả.

734.  Thiền là gì? (II)
Có ông tăng hỏi Mục Châu Trần Tôn Túc:
- Thiền là gì?
- Đổ dầu vào lửa.
 (Thiền Ngoại Thuyết Thiền)
Học thiền cần phải có nghị lực lớn để chống lại cảnh gây rối.

735.  Kẻ cướp không cướp của người nghèo.
Kỳ Lâm thiền sư thường cầm kiếm gỗ tự xưng là trừ ma, mắng chửi Văn Thù, Phổ Hiền đều là loài ma quỷ. Khi có ông tăng nào đến tham phỏng thiền sư liền nói:
- Ma đến rồi, ma đến rồi!!
Thiền sư giơ kiếm gỗ múa loạn một hồi rồi trở về phòng phương trượng. Cứ thế liên tiếp 12 năm, bỗng nhiên buông kiếm không hò hét nữa. Có ông tăng hỏi:
- 12 năm trước vì sao trừ ma?
- Kẻ cướp không cướp của người nghèo.
- 12 năm sau vì sao không trừ ma nữa?
- Kẻ cướp không cướp của người nghèo. 
 (Thiền Cơ)
Kỳ Lâm hò hét và dùng kiếm gỗ  để phá chấp về ngẫu tượng cho chư tăng. Câu trả lời của thiền sư ám chỉ người nghèo thì thủ phận (tự tánh) còn người giầu thì hay đuổi theo vật chất bên ngoài đồng thời cũng chỉ ông tăng phải tự kiến tánh.

736.  Phật là thế nào?
Có ông tăng hỏi Thủ Sơn:
- Phật là thế nào?
- Cô dâu mới cưỡi lừa, bà mẹ chồng dẫn đi.
(Thiền Lý Dữ Nhân Sinh)
Phật là bản chất của mọi sự việc được kiến lập nên bởi duyên khởi, không, vô ngã, chưa ô nhiễm. Tuy mỗi sự kiện tự độc lập, nhưng phải hỗ tương duy trì thì mới tồn tại được.
Trong câu nói của Thủ Sơn: cô dâu là vai chính, bà mẹ chồng chỉ là vai phụ. Bà mẹ chồng tuy dắt lừa cho con dâu nhưng trong lòng cảm thấy cao hứng, còn cô dâu trong lòng cũng cảm kích. Qua một đoạn thời gian, đã quen với nếp sống nhà chồng, cô dâu mới sẽ hầu hạ mẹ chồng, lúc đó mẹ chồng sẽ lại là vai chính, cô dâu lại trở thành vai phụ. Thiền ngữ có câu:”Chủ khách lịch nhiên”, ý là chủ và khách hỗ tương duy trì thì mới có thể tồn tại được.

737.  Thân tâm thoát lạc, thoát lạc thân tâm.
(Thiền Ngộ)
Thoát lạc có nghĩa là giải thoát. Thân tâm thoát lạc: không còn một chấp trước nào; thân tâm thanh tịnh, tự do vô ngại, đạt tới cảnh giới đại ngộ (tự giác hạnh). Tiến lên bước nữa: thoát lạc thân tâm (giác tha hạnh). Đã đạt tới cảnh giới giác ngộ tối cao rồi tất phải cứu độ cho chúng sinh thoát khỏi phiền não.

738.  Cá bơi nước đục, chim bay lông rụng.
(Thiền Ngộ)
Cá lội qua nước trong, nước trở thành đục. Chim bay trên trời làm lông bị rụng. Cá và chim đều không cố ý nhưng vẫn lưu dấu. Dù ta cố dấu những tình cảm (vui, buồn, nổi giận, sợ hãi) vẫn lộ ra ở lời nói hay hành động. Khi vấn đáp với đồ đệ dù đồ đệ ngụy trang thế nào sự phụ cũng phân biệt được sự giác ngộ của đồ đệ là thật hay giả. Câu nói trên có 2 cách giải thích:
1. Cá lội làm nước đục, chim bay làm rớt lông: chưa thực ngộ.
2. Do nước đục tìm thấy cá, do lông rụng tìm thấy chim.

739.  Sông đều chẩy về biển, trăng lặn chẳng lìa trời.
(Thiền Ngộ)
Dù sông chẩy theo phương hướng nào, cuối cùng cũng ra biển. Trăng mọc đằng Đông, lặn đằng Tây nhưng cũng không lìa bầu trời. Thế gian tuy có phân biệt nam nữ, già trẻ, hiền ngu, giầu nghèo, nhưng tất cả đều có Phật tánh. Thế giới tương đối sai biệt đồng thời cũng là thế giới tuyệt đối vô sai biệt. Sông chẩy về biển, trăng lặn về trời, người trở về tự tánh.

740.  Sáng tối song song.
(Thiền Ngộ)
Sáng chỉ buổi sáng, lúc đó có thể phân biệt được hình dạng mọi vật, chỉ hiện tượng giới sai biệt.
Tối chỉ ban đêm, lúc đó không thể phân biệt được hình dạng các vật, chỉ bản thể giới tuyệt đối.
Song song là chỉ quan hệ hỗ tương, trong sáng có tối, trong tối có sáng, bình đẳng và sai biệt, hiện tượng và bản thể, sắc và không.

741.  Ngồi Đạo trường trăng, nước; tu không hoa vạn hạnh.
(Thiền Ngộ)
Đạo trường là chỗ đức Phật giác ngộ, tức dưới gốc cây bồ đề, nói chung là chỉ chỗ tu hành.
Tu không hoa vạn hạnh: cắt đứt tất cả phiền não, vọng tưởng, đạt được vô tâm. Câu này ý nói người ta phải tu sao cho giống như nước hoặc trăng, đạt được tự do vô ngại của cảnh giới vô tâm, triệt ngộ tất cả đều là không thì mới thoát ly được tâm chấp trước.

742.  Ngàn sông cùng một bóng trăng, Xuân đến  khắp mọi nhà.
(Thiền Ngộ)
Dù là nước sông, nước giếng, ao, hồ, khe, lạch tất cả đều được trăng soi bóng. Cũng vậy, xuân đến khắp mọi nhà không kể giầu nghèo. Do đó, chúng ta thấy rằng đại tự nhiên rất công bằng, vô tư. Lòng từ bi của nhà Phật đối với chúng sinh cũng vậy: người thiện hay người ác đều có Phật tánh, vì hành vi thiện hay ác đều cùng do một tâm mà ra.

743.  Vô Tận Tạng.
Một ông tăng hỏi Hành Xung:
- Vô tận tạng là thế nào?
Hành Xung yên lặng không đáp, ông tăng ngây người ra. Hành Xung bảo:
- Lại gần đây!
Ông tăng lại gần.
- Đi ra! 
(Thiền Cơ)
Ông tăng hỏi “Vô Tận tạng là thế nào?” là hỏi về tự tánh; Hành Xung không đáp là ám chỉ hỏi là dư thừa.

744.  Lồng đèn là tâm.
Một ông tăng hỏi Truyền Ân:
- Kiến sắc là kiến tâm, lồng đèn là sắc, cái nào là tâm?
- Ngươi không hiểu ý người xưa.
- Ý người xưa là gì?
- Lồng đèn là tâm.
(Thiền Cơ)
Câu hỏi của ông tăng còn chấp 2 bên, câu đáp của thiền sư là chỉ sắc tức là Tâm.

745.  Đập nước cá sợ.
Có ông tăng hỏi Chí Ân :
- Thế nào là thổi lông trên kiếm?
- Ta tiến, ngươi lùi.
- Như vậy là đệ tử mất mạng sao?
- Không đập nước, cá tự sợ. 
(Thiền Cơ)
Nước chỉ hiện tượng giới, cá chỉ bản thể giới. Câu nói của thiền sư ám chỉ ông tăng phải tự tu, tự chứng.

746.  Cả ngày ăn cơm.
Bách Trượng nói:
- Có một người rất lâu không ăn nhưng không nói đói, có một người cả ngày ăn cơm nhưng không nói no.
Đại chúng không ai đáp được. 
(Thiền Cơ)
Một người chỉ tự tánh.

747.  Tiếng trống báo giờ ăn.
Đại chúng đang cuốc đất, bỗng nghe tiếng trống báo giờ ăn. Một ông tăng vác cuốc lên vai, cười khanh khách trở về tăng đường. Bách Trượng bảo:
- Tốt lắm, đó chính là Quán Âm vào cửa.
Thiền sư về phòng phương trượng cho người gọi ông tăng đó đến, hỏi:
- Vừa rồi ngươi thấy đạo lý gì?
- Vừa rồi con chỉ nghe thấy tiếng trống báo giờ ăn, cho nên về tăng phòng ăn.
Bách Trượng ha hả cười lớn.
(Thiền Cơ)
Quán Âm vào cửa là do phàm nhập thánh, ông tăng đã thể nghiệm được cảnh giới này, được Bách Trượng mặc nhiên công nhận.

748.  Một quả hồng.
Một hôm, Quy Sơn dẫn Ngưỡng Sơn đi chơi núi. Một con chim bay ngang làm rớt một quả hồng trước mặt 2 người. Quy Sơn nhặt lên đưa cho Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn  dùng nước rửa sạch rồi trao lại Quy Sơn. Quy Sơn hỏi:
- Ngươi lấy được từ đâu vậy?
- Đó là do đạo đức của hòa thượng làm cảm động.
- Ngươi cũng không thể tay không.
Nói rồi bẻ quả hồng làm 2, chia cho Ngưỡng Sơn một nửa.
(Thiền Cơ)
Quả hồng chỉ tự tánh, dùng nước rửa là trừ bỏ những ô nhiễm của ngoại duyên.

749.  Đập vỡ gương.
Ngưỡng Sơn lên pháp đường giơ một cái gương Quy Sơn vừa cho, hỏi đại chúng:
- Hãy nói coi: là gương Quy Sơn hay là gương Ngưỡng Sơn, nếu có ai đáp trúng thì gương sẽ không bị đập.
Đại chúng không ai đáp được, Ngưỡng Sơn bèn đập gương vỡ tan.
(Thiền Cơ)
Gương chỉ tự tánh, làm gì có sai biệt giữa tự tánh của Quy Sơn và Ngưỡng Sơn, do đó gương phải bị đập vỡ.
 

750.  Đỉnh núi không có người.
Động Sơn hỏi ông tăng đến tham phỏng:
- Ngươi từ đâu đến?
- Đi chơi núi xong, tới.
- Có lên đỉnh núi không?
- Có.
- Đỉnh núi có người không?
- Không có người.
- Vậy là ngươi không lên tới đỉnh.
- Nếu không lên tới đỉnh làm sao biết không có người?
- Ngươi vì sao không ở lại đó?
- Con không ở vì Tây Thiên có người không chịu. 
(Thiền Cơ)
Câu đáp của ông tăng ám chỉ ông đã vượt qua sự phân biệt phàm thánh.

751.  Khổ nhất .
Động Sơn hỏi một ông tăng:
- Ở thế gian này chuyện gì là khổ nhất?
- Địa ngục.
- Không đúng.
- Ý thầy là thế nào?
- Dưới cái áo này không rõ việc lớn là khổ nhất.
(Thiền Cơ)
Dưới áo: chỉ chúng sinh; việc lớn: chỉ tự tánh.
Địa ngục tuy khổ, nhưng biển khổ của chúng sinh lại còn khổ hơn.

752.  Đắp chăn bông.
Một ông tăng nằm ngủ, Đạo Ngộ đến đắp chăn bông cho ông. Ông tăng hỏi:
- Thầy làm gì đó?
- Đắp chăn bông.
- Nằm tốt hay ngồi tốt?
- Không ở  hai chỗ ấy.
- Vậy sao lại đắp chăn bông?
- Đừng nói bậy! 
(Thiền Cơ)
Ông tăng còn chấp tướng nằm, ngồi. Đạo Ngô bảo “Không ở hai chỗ ấy” và “đừng nói bậy” là ám chỉ ông tăng phải cởi bỏ sự trói buộc của danh tướng.

753.  Đừng bước sai.
Tăng Mật cùng Động Sơn qua suối. Động Sơn bảo:
- Đừng bước sai!
- Nếu sai thì không qua được.
- Nếu không sai thì sao?
- Cùng thầy qua suối. 
(Thiền Cơ)
Không sai chỉ tự tánh, qua suối chỉ sự vượt qua bể khổ.

754.  Rồng bị rắn cắn.
Vân Cư khi ở Long Môn, một hôm có ông tăng bị rắn cắn chân. 
Phật Nhãn hỏi Vân Cư:
- Đã là Long Môn sao chân lại bị rắn cắn?
- Quả nhiên hiện đại nhân tướng.
Về sau Viên Ngộ nghe được chuyện này phê bình:
- Long Môn có ông tăng này thì Đông Sơn pháp môn chưa bị mất. 
(Chích Thủ Chi Thanh)
Phật Nhãn ám chỉ “Nếu đã là Long Môn” (người đã giác ngộ) sao  lại bị nhân quả trói buộc (bị rắn cắn chân). Vân Cư không bị mắc bẫy nên nói “Quả nhiên hiện đại nhân tướng” là người giác ngộ không phải là được miễn trừ thống khổ, thoát khỏi trật tự tự nhiên.

755.  Hành giả thanh tịnh.
Văn Thù sở thuyết Bát Nhã kinh nói:
- Hành giả thanh tịnh chẳng vào Niết Bàn, phá giới tỳ kheo chẳng đọa địa ngục.
(Chích Thủ Chi Thanh)
Tiểu thừa Phật giáo phân biệt có Niết Bàn tự tại và cõi Ta Bà chướng ngại; còn Đại thừa Phật giáo, nhất là Thiền tông thì coi sinh tử và Niết Bàn không hai. Do đó phàm thánh, chân tục, nhiễm tịnh đều bị xóa bỏ. Chúng ta không phải lìa bỏ, khi loại trừ sự sai biệt và giá trị thì thế giới trở thành thanh tịnh bản nhiên, gọi là Niết Bàn hay địa ngục thì cũng là Phật giới, trong đó con gà, con chó, chim chóc, nghệ nhân,  kẻ trộm, nhà buôn, mùa đông mùa 
xuân, tất cả đều hoàn chỉnh viên mãn, tự túc.

756.  Lần này gã đã hiểu.
Giáp Sơn mới đầu trú ở Kinh Khẩu tự, nhân có ông tăng hỏi:
- Thế nào là pháp thân?
Giáp Sơn đáp:
- Pháp thân vô tướng.
- Thế nào là pháp nhãn?
- Pháp nhãn không tỳ vết .
Đạo Ngộ ngồi dưới bật cười, Sơn thỉnh ý, rồi đi tham học 
Thuyền Tử. Và giác ngộ trở về. Đạo Ngô sai một ông tăng đến hỏi:
- Thế nào là pháp thân?
- Pháp thân vô tướng.
- Thế nào là pháp nhãn?
- Pháp nhãn không tỳ vết.
Ông tăng trở về thuật lại cho Đạo Ngộ. Đạo Ngộ nói:
- Lần này gã đã hiểu rồi. 
 (Chích Thủ Chi Thanh)
Cùng một câu nói nhưng trước khi ngộ và sau khi ngộ có sức nặng khác nhau. Thế giới “vô tướng” và “không tỳ vết” là thế giới “pháp nhĩ như nhiên”.

757.   Chính tà.
Triệu Châu có bài kệ:
正 人 說 邪 法
Chính nhân thuyết tà pháp
邪 法 亦 隨 正
Tà pháp diệc tùy chính
邪 人 說 正  法
Tà nhân thuyết chính pháp
正 法  亦  隨  邪 
Chính pháp diệc tùy tà
Người  ngay  nói  pháp  tà
Tà  pháp  liền  thành chánh
Người  tà  nói  pháp  chánh
Chánh  pháp  liền  thành  tà.
(Hương Thủy Hải)
Người đã giác ngộ có thể phá tà hiển chánh; tà pháp mà ông xử dụng chỉ là một thủ đoạn để dẫn tà về chánh.

758.  Tuyết phủ ngàn núi.
Có ông tăng hỏi Tào Sơn:
- Tuyết phủ ngàn núi, tại sao cô phong lại không trắng?
- Ngươi nên biết khác lạ trong khác lạ.
- Khác lạ trong khác lạ là gì?
- Cô phong có mầu khác với các núi khác. 
(Chích Thủ Chi Thanh)
Con người phải tuân theo luật tự nhiên (tuyết phủ ngàn núi); tại sao người giác ngộ lại khác (cô phong lại không trắng). Tào Sơn thừa nhận có sự sai biệt ấy (Cô phong có mầu khác với các núi khác).

759.  Tỳ Bà Thi Phật.
Tỳ Bà Thi Phật sớm đã lưu tâm, nhưng cho đến nay vẫn chưa “đắc diệu”. 
(Chích Thủ Chi Thanh)
 “Đắc diệu” là chỉ nhận thức được sự vật như chính nó (pháp nhĩ như nhiên). Còn cách hiểu khác nữa là lời nói của Tỳ Bà Thi Phật có nghĩa là dù dụng công tu hành thế nào, dù dùng bao thời gian cũng khó mà đạt tới cảnh giới tuyệt đối viên mãn, ám chỉ Đạo có nhiều mặt hoặc nhiều giai đoạn.

760.  Nam Tuyền Di Hóa.
Tam Thánh sai Tú thủ tọa đến hỏi Trường Sa Cảnh Sầm:
- Nam Tuyền mất rồi, đi về đâu?
- Thạch Đầu khi còn là sa di có đến tham lục tổ.
- Không hỏi thời còn là sa di, chỉ hỏi Nam Tuyền mất rồi đi đâu?
- Đi mà hỏi Nam Tuyền.
- Hòa thượng tuy có hàn tùng ngàn trượng, nhưng chẳng có mụt măng đá nào.
Trường Sa im lặng.
- Tạ ơn câu đáp của hòa thượng.
Thiền sư vẫn im lặng. Tú thủ tọa về thuật lại cho Tam Thánh nghe. Tam Thánh bảo:
- Nếu quả như vậy, Trường Sa còn hơn Lâm Tế đến 7 bước. Đợi ngày mai ta sẽ tới coi. 
Hôm sau tới , hỏi:
- Nghe hòa thượng hôm qua đáp câu hỏi về Nam Tuyền di 
hóa thật là vô tiền khoáng hậu, cổ kim hiếm có.
Trường Sa vẫn im lặng. 
(Chích Thủ Chi Thanh)
Câu hỏi của Tam Thánh là một cái bẫy huyền học; câu đáp của Trường Sa dẫn một sự kiện có thật trong quá khứ nhưng chẳng liên quan gì đến câu hỏi cũng như Tú thủ tọa đề cập đến một sự  kiện có thật trong quá khứ nhưng chẳng có quan hệ gì đến tình huống hiện tại. Tú thủ tọa không hiểu câu trả lời của Trường sa nên truy vấn về vấn đề Nam Tuyền di hóa, do đó Trường Sa chỉ cho ông chỗ mà ông phải đến mà hỏi. Câu nói của Tú thủ tọa đề cập đến Hàn tùng và măng đá không được rõ ràng. Có thể ông ám chỉ Thiền của Trường Sa không thể lay chuyển nhưng vẫn chưa đủ vi diệu hoặc thiền của Trường Sa đã hoàn toàn nhưng chưa đủ rõ ràng. Đối với lời nói của Tú thủ tọa và Tam Thánh, Trường sa chỉ im lặng. Cái im lặng này là lối trả lời khôn ngoan cho cái bẫy huyền học “sau khi mất”.

761.  Thọ Tháp của Sơ Sơn.
Ông tăng chủ sự xây thọ tháp cho Sơ Sơn xong bạch với thiền sư; Sơ Sơn hỏi:
- Ngươi định trả thợ bao nhiêu tiền?
- Toàn do thầy định đoạt.
- Cho ba đồng, hai đồng hay một đồng hơn? Nếu ngươi không trả lời được ta tự xây tháp.
 Chủ sự tăng kinh ngạc. Có ông tăng đem chuyện trên kể lại cho La Sơn đang trú ở Đại Dữu Lãnh (ở giáp giới 2 tỉnh Quảng Đông và Giang Tây) nghe. La Sơn hỏi:
- Có người nào trả lời được không?
- Chưa có ai trả lời được.
- Hãy về bảo Sơ Sơn: Nếu thầy cho 3 đồng thì kiếp này thầy không có tháp; nếu thầy cho 2 đồng thì thầy và thợ đều giơ một tay ra, nếu thầy cho một đồng thì thầy và thợ đều rụng lông mày và râu.
 Ông tăng về kể cho Sơ Sơn nghe. Sơ Sơn hướng về Đại Dữu Lãnh lạy và nói:
- Tưởng rằng không người, ai ngờ có cổ Phật ở Đại Dữu Lãnh 
phóng quang đến tận đây. Tuy nhiên đó là hoa sen nở vào tháng chạp.
 La Sơn nghe được câu nói này , bèn bảo:
- Khi ta nói thế, lông rùa sớm đã mọc dài vài thước.
(Chích Thủ Chi Thanh)
Câu hỏi của Sơ Sơn “Ngươi định trả thợ bao nhiêu tiền?” là lượng định để trả công thợ, ông tăng không chú trọng đến việc xây cất chỉ tỏ vẻ kính trọng lão sư. Sơ Sơn làm ông tăng điên đầu với câu hỏi: 3, 2, 1 đồng. Câu nói của La Sơn chỉ rằng ông đã hiểu ý Sơ Sơn. Trong việc giao tiếp hàng ngày, chúng ta phải đối diện với sự phân biệt và lượng giá, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải suy tư, phân tích vượt lên trên tình trạng thực sự xẩy ra. Phải trả bao nhiêu tiền thì trả bấy nhiêu, không cần dụng tâm.
Sơ Sơn rất thưởng thức câu đáp của La Sơn, do đó rất khen ngợi. Nhưng câu “Đó là hoa sen nở vào tháng chạp” (quá thời), ám chỉ câu đáp hay tuy nhiên nên có câu đáp đúng lúc và tất cả câu chuyện trên nên xếp vào quá khứ. La Sơn nghe được câu nói tỷ dụ “hoa sen nở vào tháng chạp” nên đáp lại bằng câu “Lông rùa sớm đã dài vài thước” chỉ rằng chuyện đã lỗi thời mà lại còn dư thừa nữa.

762.  Vào rừng không lay cỏ 
         Vào nước chẳng tạo sóng. 
(Thiền Lâm Tuệ Ngữ)
 Nếu tiến được vào tam muội, đạt được cảnh giới tuyệt đối  thì có thể siêu việt được thế giới hiện tượng.

763.  Mười phương không ảnh tượng
         Ba giới tuyệt hành tung.
(Thiền Lâm Tuệ Ngữ)
Khi tâm đã triệt ngộ thì không còn hình ảnh, không lưu lại một dấu vết nào.

764.  Hổ đá nuốt dê gỗ.
(Thiền Lâm Tuệ Ngữ)
Người đạt ngộ vượt lên sự suy nghĩ và phân biệt của thế gian.

765.  Hoa đàm dễ thấy.
         Tri thức khó gập.
(Thiền Lâm Tuệ Ngữ)
Gập được thiện tri thức thì phải cố gắng học hỏi. Đó là cơ hội hiếm có, còn khó hơn cả xem hoa ưu đàm mà 3 ngàn năm mới nở một lần.

766.  Sắc Xuân không cao thấp
         Cành hoa có ngắn dài.
(Thiền Lâm Tuệ Ngữ)
Trong bình đẳng có sự sai biệt.

767.  Trong bầu,  ngày tháng dài.
(Thiền Ngộ)
Đây là chỉ ngộ cảnh siêu việt cả thời không; dẫn từ một tích của Đạo giáo. Phí Trường Phòng khi ở Nhữ Nam, ở trên một căn gác ở chợ thấy một ông lão bán thuốc khi chợ tan, nhẩy vào quả bầu treo ở đầu gậy. Phí làm quen và được ông lão mời vào bầu, thấy trong đó đền đài tráng lệ, được ông lão tiếp đón nồng hậu. Khi trở về thì thời gian đã quá mấy năm rồi.

768.  Hoa tàn cây không bóng.
(Thiền Ngộ)
Mùa thu tới, hoa lá đều tàn rụng. Cây xanh biến thành cây khô không còn hoa lá, cũng không cho bóng râm nữa. Trong Thiền học hoa, lá thường dùng để chỉ phiền não, vọng tưởng. Câu này chỉ sự giác ngộ thực sự.
 

769.  Cá nhẩy ba bậc biến thành rồng.
(Thiền Ngộ)
Vua Thuấn sai Cổn trị lụt, Cổn thất bại bị giết. Con của Cổn là Vũ nối tiếp công việc của cha và thành công. Ở Long Môn Sơn, miền thượng lưu của Hoàng Hà nước chẩy siết, Vũ ngăn sông thành 3 đoạn để điều khiển sức nước. Vào tháng ba mùa Hoa Đào, cá tụ tập ở Long Môn Sơn rất nhiều. Theo truyền thuyết con nào vượt được 3 cấp sẽ hóa thành rồng hô phong hoán vũ mà bay lên trời. Câu này ý nói tự nỗ lực tu hành sẽ đạt được giác ngộ.

770.  Một hạt bụi vào mắt,  không hoa rơi loạn 
(Thiền Ngộ)
Hạt bụi chỉ phiền não; không hoa chỉ vọng tưởng (ngước mắt nhìn lâu lên trên không hoặc lấy tay ấn vào mắt ta thấy những đốm sáng gọi là không hoa). Nếu tâm còn tạp niệm hoặc một chấp trước nào dù rất nhỏ cũng làm cho vọng tưởng nổi dậy.

771.  Chánh Pháp mật phó.
 Phong Huyệt khi làm viên đầu ở thiền viện Nam Viện, một hôm đang làm ruộng, Nam Viện tới nơi hỏi:
- Ngươi từ phương Nam lại, phương Nam dùng gậy làm sao thương lượng?
- Thương lượng tốt.
 Rồi Phong Huyệt hỏi ngược lại:
- Nơi đây thì sao?
 Nam Viện nắm chặt gậy bảo:
- Dưới gậy không sinh nhẫn, gập cơ hội chẳng nhường thầy.
 Lại bảo thêm:
- Ngươi đã thâm giải Phật pháp, đó không phải là ngẫu nhiên mà là ngươi đã ngộ. Ngươi có nghe chuyện Lâm Tế lúc lâm chung không?
- Có nghe.
- Đại sư nói:”Không ngờ chánh pháp nhãn tạng của ta bị con lừa 
này mà tiêu diệt.” Bình thường đại sư là một con sư tử hung ác sao lúc lâm chung lại khuất tất như vậy?
- Chánh pháp mật phó.
- Vậy tại sao Tam Thánh lại yên lặng?
- Vì ông ta đã có thể kế thừa mật phó. 
(Phật Dữ Thiền)
Chánh pháp nhãn tạng là thanh tịnh pháp nhãn, thiền gia dùng để ấn tâm.

772.  Giá gạo ở Lô Lăng.
 Có ông tăng hỏi Thanh Nguyên Hành Tư:
- Thế nào là đại ý của Phật pháp?
- Ở Lô Lăng, giá gạo là bao nhiêu? 
(Thiền Tông Dật Sự)
Lô Lăng là nơi sản xuất gạo nổi tiếng, cũng có thể là ông tăng từ Lô Lăng tới. Câu trả lời của Hành Tư dường như chỉ là câu chuyện trong sinh hoạt hàng ngày. Ông không thích nói những lý lẽ cao thâm, cũng không ưa tranh cãi ồn ào. Nếu Phật pháp ly khai khỏi sinh hoạt thường ngày thì không còn ý nghĩa nữa. 

773.  Thạch Đầu Hy Thiên.
 Có một lần, Hoài Nhượng sai một ông tăng đến hỏi Hy Thiên:
- Khi nói thoát ly phiền não, vậy thế nào là trói buộc?
- Ai trói buộc ngươi?
- Thế giới Phật thanh tịnh là gì?
- Ai làm ngươi ô nhiễm?
- Ngộ là thế nào?
- Ai làm ngươi mê hoặc? 
(Thiền Tông Dật Sự)
Ai trói buộc mình, ai làm mình ô nhiễm, ai làm mình mê hoặc? Kỳ thực tất cả đều do tâm mình.

774.  Đầu bếp.
 Quy Sơn đang gõ mõ, hỏa đầu phu đặt que cời bếp xuống, vỗ tay cười lớn. Quy Sơn lấy làm lạ tự hỏi sao trong đại chúng lại có người như vậy, bèn kêu hỏa đầu phu lại hỏi:
- Ngươi có ý gì vậy?
- Con không ăn cháo, bụng đói, thấy vui như vậy.
 Quy Sơn chỉ im lặng gật đầu. 
(Thiền Cơ)
Tương tự công án 767, hỏa đầu phu nghe tiếng mõ đã tiến vào thánh cảnh. 

775.  Ý Tổ Sư.
 Một ông tăng hỏi Già Trí:
- Ý tổ sư từ Tây qua là gì?
- Đợi ngươi từ bên ấy qua, ta sẽ bảo. 
(Thiền Cơ)
Thiền sư ám chỉ ông tăng tự thể nghiệm tự tánh.

776.  Nhất Tự Thiền.
 Có ông tăng hỏi Hiển Giáo:
- Thế nào là cắt đứt một đường (nhất lộ)?
- Cắt.
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
- Khổ.
- Thế nào là tự kỷ của con?
- Mất. 
(Thiền Cơ)
Trong Nhất Tự Thiền, thiền sư chỉ trả lời bằng một chữ, có tác dụng như một tiếng hét, cắt đứt nghi vấn, suy luận của người hỏi. Nếu cứ theo thường lý mà phân tích thì là chấp mê vậy.

777.  Giống cây khổ luyện.
 Có ông tăng hỏi Chân Giác:
- Dưới gốc bồ đề, cứu độ chúng sanh, thế nào là cây bồ đề?
- Giống như cây khổ luyện.
- Tại sao lại giống cây khổ luyện?
- Không phải ngựa tốt thì tất là phải dùng roi. 
(Thiền Cơ)
Nếu là ngựa hay, thì không phải dùng roi ngựa cũng tự chạy, ám chỉ ông tăng phải tự tham, tự chứng. 

778.  Mời vào lồng đèn.
 Ngưỡng Sơn hỏi Linh Thông:
- Ngươi tên gì?
- Linh Thông.
- Mời vào lồng đèn.
- Đã vào rồi. 
(Thiền Cơ)
Lồng đèn chỉ tự tánh.

779.  Tên bán muối rong.
 Triệu Châu hỏi một ông tăng mới đến:
- Ngươi từ đâu tới?
- Từ phương Nam tới.
- Còn biết Triệu Châu quan không?
- Còn biết có người không qua Triệu Châu quan.
- Tên bán muối rong này! 
(Thiền Cơ)
Triệu Châu quan chỉ 3 quan của Thiền tông là: sơ quan, trùng quan và lao quan. Ông tăng tự tham, tự ngộ cần phải có một thiền sư có kiến địa ấn chứng nếu không thì sẽ giống một tên bán muối rong. 

780.  Xách bình.
 Quy Sơn giao cho Ngưỡng Sơn một tịnh bình, Ngưỡng Sơn giơ tay ra nhận, Quy Sơn rụt tay lại hỏi:
- Là cái gì?
- Thầy còn thấy cái gì?
- Vậy, sao còn cầu ta?
- Tuy vậy, xách bình múc nước là bản phận sự của con.
Quy Sơn liền giao tịnh bình cho Ngưỡng Sơn. 
(Thiền Cơ)
Tịnh bình chỉ tự tánh. Đây là Quy Sơn ấn chứng cho Ngưỡng Sơn theo ý nghĩa truyền đăng.

781.  Ta không bao giờ nói.
 Một ông tăng hỏi Giáp Sơn:
- Nghe nói thầy có câu: “Ta trú ở núi này 20 năm chưa hề đề cập đến chuyện tông môn.” Có phải không?
- Phải.
 Ông tăng liền lật thiền sàng; Giáp Sơn bỏ đi.
 Hôm sau phổ thỉnh đào một cái huyệt, sai thị giả mời ông tăng đặt câu hỏi hôm trước ra. Giáp Sơn bảo ông:
- Lão tăng 20 năm qua chỉ nói “Không” nay thỉnh ông đập chết lão tăng và vùi xuống huyệt này; nếu không ông hãy tự đập chết mình và chôn ở đây.
 Ông tăng vội thu xếp hành trang và bỏ đi. 
(Chích Thủ Chi Thanh)
Câu nói của Giáp Sơn có nghĩa là: Ta chưa hề nói về Thiền. Ông tăng lật thiền sàng có ý là câu nói “Chưa nói về Thiền” là đã nói về Thiền rồi. Cũng có thể hiểu là ông tăng trách Giáp Sơn không dạy Thiền. Dĩ nhiên Giáp Sơn không có ý nói là không dạy Thiền mà là chỉ không nói về Thiền. Khi lật đổ thiền sàng ông tăng nhấn mạnh Giáp Sơn không xứng đáng làm thầy. Giáp Sơn cảm thấy mình không đáng bị chỉ trích nặng như thế nên khai chiến với ông tăng. Ông tăng không có đủ lý do để giết Giáp Sơn, cũng không đủ cơ trí để thoát chết nếu không giết Giáp Sơn chỉ còn cách bỏ đi.

782.  Thế nào là:
 Một  sợi  lông  nuốt  biển  lớn
 Một  hạt  cải  đựng  núi  Tu  Di.
(Chích  Thủ Chi Thanh)
Công án này diễn tả triết lý của kinh Hoa Nghiêm: Tất cả là Một.

783.  Người sáng mắt rơi xuống giếng.
 Một ông tăng hỏi Ba lăng:
- Thế nào là Đạo?
- Người sáng mắt rơi xuống giếng.
(Chích Thủ Chi Thanh)
Ông tăng hỏi Đạo, tâm còn chấp trong việc cầu Đạo có một phương pháp có thể phân biệt rõ ràng thế nào là Chánh Đạo và Tà Đạo. Ba Lăng ám chỉ nếu dùng phương thức có ý thức (người sáng mắt) để cầu Đạo thì không được Đạo (rơi xuống giếng).

784.  Cẩn thận!
 Hàn Sơn nói:
- Cẩn thận, cẩn thận: ba giới luân hồi!
(Chích Thủ Chi Thanh)
Hàn Sơn ám chỉ lúc nào cũng phải cẩn thận mọi hành vi của mình sợ bị nhân quả báo ứng.

785.  Ba bệnh của Pháp Thân.
 Càn Phong thượng đường nói:
- Pháp Thân có 3 loại bệnh, 2 loại ánh sáng cần phải thông qua trước khi giác ngộ.
 Vân Môn bước ra thưa:
- Người trong am vì sao không biết việc ngoài am?
 Càn Phong cười ha hả; Vân Môn nói:
- Học nhân vẫn còn nghi.
- Tâm hạnh ngươi là sao?
- Xin thầy chỉ cho biết.
- Phải quan sát tỉ mỉ mới tỏ ngộ được.
- Dạ! Dạ! 
(Chích Thủ Chi Thanh)
Càn Phong nói về tự kỷ (pháp thân) quá lý thuyết. Vân Môn bất mãn với phương thức ấy nên ám chỉ: thay vì biện luận về giáo lý thì nên biết một chút về thực tướng của thế giới (chuyện ngoài am). Càn Phong cười là đồng ý và khen ngợi Vân Môn. Vân Môn chấp nhận lời khen và uyển chuyển khen ngợi kiến thức của Càn Phong.

786.  Tặc cơ của Quan Sơn.
 Quan Sơn nói:
- Chuyện cây bách có tặc cơ. 
(Chích Thủ chi Thanh)
Câu nói của Quan Sơn khen ngợi sự thấu triệt và hiệu quả nhanh chóng của công án “cây bách trước sân” của Triệu Châu.

787.  Núi Đông đi trên nước.
 Một ông tăng hỏi Vân Môn:
- Chỗ xuất thân của chư Phật là thế nào?
- Núi Đông đi trên nước. 
(Chích Thủ Chi Thanh)
Nếu câu nói đề cập đến xuất xứ của Đức Phật lịch sử thì không liên quan gì với chúng ta và cũng không quan trọng. Nhưng nếu ông tăng hỏi Phật tánh hay pháp thân Phật thì đó là một cái bẫy huyền hoặc. Vân Môn dùng một câu nói phi lý để trả lời là chọc quê ông tăng và bác bỏ cả hai ý của câu hỏi.

788.  Chẳng rời đương niệm.
 Vô biên sát thổ ta, người chẳng cách một sợi lông; mười đời xưa nay đầu cuối chẳng rời đương niệm. 
(Chích Thủ Chi Thanh)
Câu này diễn tả triết lý Nhất nguyên của tông Hoa nghiêm, đem quan niệm “Viên mãn tự túc” diễn thành lời.

789.  Rùa là ba ba.
 Một ông tăng hỏi Hương Lâm Viễn thiền sư:
- Thế nào là ngọn đèn trong thất?
- Ba người làm chứng con rùa là con ba ba. 
(Chích Thủ chi Thanh)
Câu hỏi của ông tăng là hỏi về thật tướng tuyệt đối (chân lý). Câu đáp của Hương Nghiêm ám chỉ không có chuyện đó.

790.  Sám hối.
 Một tín đồ hỏi Phổ Giao:
- Tu sám hối pháp môn là vì mình mà sám hối hay vì người mà sám hối? Nếu vì mình, thì tội lỗi mình từ đâu tới? Nếu vì người thì người không phải là mình vì sao mình có thể sám hối cho họ?
 Phổ Giao không trả lời được, bèn vân du tham phỏng, hy vọng tìm được giải đáp cho vấn đề này. Một hôm đến Lặc Đàm. Chân vừa bước vào cửa, Lặc Đàm liền hét lớn: “A!” 
 Phổ Giao không hiểu ý nghĩa của tiếng hét, nhưng nghĩ mình đến hỏi Đạo nên định mở miệng hỏi thì Lặc Đàm dùng gậy đánh. Phổ Giao không hiểu sao chỉ đành nhẫn nại. Vài ngày sau 
 Lặc Đàm bảo Phổ Giao:
-  Ta có công án của cổ đức muốn cùng ông thương lượng.
Phổ Giao định mở miệng nói “Được” thì Lặc Đàm lại hét “A!” Phổ Giao ngay đó giác ngộ bèn cười ha hả. Lặc Đàm bước xuống thiền sàng nắm tay Phổ Giao hỏi:
- Ông hiểu Phật pháp không?
 Phổ Giao hét lên “A!” và rụt tay lại. Lặc Đàm ha hả cười lớn. 
(Tinh Vân thiền thoại)
Nói về pháp môn sám hối thì có tầng lớp nông, sâu: tác pháp sám, công đức sám, vô sinh sám. . .
Có bài kệ: 
 Tội  khởi  từ  tâm,  nếu  diệt  tâm,  thì  tội  sẽ  mất;
 Tâm,  tội  đều  không  thì  đó  mới  là  chân  sám  hối.
Vì mình sám hối cũng vì người sám hối. Vì người sám hối cũng vì mình sám hối. Ta người không hai, sự lý là một; hà tất phải ly khai mình và chúng sanh? Nếu nói về tội nghiệp, thì ở sự tướng đương nhiên có tội, có nghiệp. Có nghiệp thì có báo. Nhưng ở bản thể giới thì làm gì có giả danh tội nghiệp? Tiếng “A!” là thiện hay ác? là thường hay đoạn? là mình hay người? Sự phân biệt của chúng sanh ở trong chân lý là không phân biệt.

791.  Việc dưới áo nạp.
 Một ông tăng hỏi Vân Môn Hải Yến:
- Thế nào là sự dưới áo nạp?
- Như nhai đá cứng. 
(Thiền ngoại thuyết thiền)
Xuất gia cầu giải thoát không phải là chuyện dễ dàng, cần kiên trì không lười biếng.

792.  Thế nào là Đạo.
 Một ông tăng hỏi Quy Sơn Linh Hựu:
- Thế nào là Đạo?
- Vô tâm là Đạo.
- Con không hiểu.
- Hiểu cái không hiểu là tốt.
- Thế nào là cái không hiểu?
- Chính là ngươi không là ai khác. 
(Thiền ngoại thuyết thiền)
 Điều cốt yếu là minh bạch tự tánh.

793.  Khay vỡ.
 Một thiền sư sống 30 năm trong một am nhỏ. Ông dùng 1 cái khay làm bằng đất sét nung. Một hôm, một đệ tử vô ý làm bể. Sau đó, mỗi ngày thiền sư đều đòi khay, nhưng mổi khi đồ đệ đưa một cái khay mới ra ông đều ném đi và bảo:
- Không phải! Hãy trả cái cũ lại cho ta.
(Zen Koans)
Cái khay tượng trưng cho cái gì? Có lẽ là cái tâm thanh tịnh của thiền sư. Người đệ tử nhiều lần mang cái khay mới ra, nhưng sư phụ đều ném đi. Ông không muốn cái khay; ông muốn đệ tử mang trả ông cái tâm thanh tịnh. Người đệ tử chấp vào cái khay nhưng ông thầy già thì không.

794.  Khâm Sơn ăn gậy.
 Khâm Sơn cùng Nham Đầu, Tuyết Phong đến Đức Sơn, hỏi:
- Thiên Hoàng nói thế, Long Đàm cũng nói thế; không biết Đức Sơn nói thế nào?
 (Thiên Hoàng là sư phụ của Long Đàm, Long Đàm là sư phụ của Đức Sơn)
- Cho ta biết Thiên Hoàng và Long Đàm nói thế nào?
 Khâm Sơn định nói, Đức Sơn bèn đánh.
 Khâm Sơn trở về Diên Thọ đường phàn nàn:
- Phải thì phải, nhưng đánh ta thì hơi quá.
 Nham Đầu bảo ông:
- Nếu như vậy thì đừng nói đã gặp Đức Sơn. 
(Chích Thủ Chi Thanh)
Khâm Sơn đưa ra cái bẫy cho Đức Sơn biểu thị sư phụ và sư công của Đức Sơn đều cùng nói thiền một phương cách; do đó ông hỏi Đức Sơn làm sao nói? Đức Sơn không những từ chối nói thiền của mình mà còn đòi Khâm Sơn nói. Bất luận Khâm Sơn nói thế nào đều bị ăn gậy, vì sao? Vì ở đây là nói về Thiền chứ không phải là Thiền. Nham Đầu đã hiểu đạo lý của Đức Sơn, còn Khâm Sơn thì chưa.

795.  Lỗ Tổ xoay mặt vào vách.
 Khi có ông tăng hoặc cư sĩ nào đến tham học, Lỗ Tổ đều xoay 
 mặt vào vách. Bạn đồng môn là Nam Tuyền chỉ trích phương pháp này:
- Ta bảo chư tăng hãy đặt mình vào thời trước khi Đức Phật ra đời, nhưng ít người thực sự hiểu Thiền ý; chỉ cho họ xoay mặt vào vách như Lỗ Tổ chả mang lại lợi ích gì. 
(Zen Koans)
Xưa nay truyền thông là một vấn đề lớn của đời sống, trong thế giới thương mại cũng như trong Thiền. Có 2 loại truyền thông: một là ở mức độ dữ kiện, (thí dụ: Tôi sẽ đến vào 10 giờ sáng mai), hai là ở mức độ cảm giác. Nam Tuyền chỉ trích phương pháp của Lỗ Tổ, bởi ngay cả khi ông giảng thì cũng chỉ một số ít đệ tử lãnh ngộ được chân lý, vì vậy phương pháp của Lỗ Tổ không tốt chút nào. Nhưng con người càng ngày càng trở nên lười suy nghĩ, ít sáng tạo vì vậy phương pháp của Lỗ Tổ có lẽ tốt hơn. Khi một đệ tử đến tham học thiền sư lập tức xoay mặt vào vách, đệ tử không thể làm gì khác ngoài ngồi yên lặng. Ông có cơ hội thiền ngay đó vì thầy đang thiền. Do đó người đệ tử có thể nội quán và tự làm sáng tâm mình thay vì nhận những lời giải thích từ bên ngoài.

796.  Niệm Phật.
 Có tọa chủ ngồi niệm “Nam Mô A Di Đà Phật.” Một chú tiểu gọi “Hòa thượng.” Tọa chủ ngoảnh đầu lại, chú tiểu không nói năng gì. Cứ thế 3, 4 lần, hòa thượng gắt:
- Ngươi kêu 3, 4 lần có chuyện gì vậy?
- Hòa thượng gọi Phật 3, 4 năm thì được, con chỉ gọi thầy có 3, 4 lần đã bị mắng rồi. 
(Niêm hoa vi tiếu)
Câu truyện cười trên hoài nghi việc niệm Phật hiệu, khiến người ta phát tâm đi tìm Phật chân chánh, do đó được coi là có thiền ý.

797.  Soi bóng mặt hồ.
 Một ông tăng hỏi Đơn Hà:
- Phật là gì?
- Soi bóng mặt hồ trong, chẳng phải Phật thì là ai? 
(Niêm hoa vi tiếu)
Đơn Hà thường dùng những lời đơn giản nhất để giải thích những mê vọng của người đời.

798.  Nghi.
 Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Khi con nghi thì sao?
- Nghi lớn hay nghi nhỏ?
- Nghi lớn.
- Nghi lớn thì đến Bắc giác, nghi nhỏ thì ra sau tăng đường. 
 (Niêm hoa vi tiếu)
Ông tăng nói mình nghi lớn là ám chỉ mình đã đại ngộ, nhưng Triệu Châu thấy ông chỉ là con vẹt nói tiếng người. Do đó Triệu Châu lợi dụng tiếng đồng âm nghi là nghi ngờ với Nghi là tiện nghi, ám chỉ ngươi chỉ là tên tục tử tạo cứt, tạo đái, vì người chân chánh giác ngộ ngay lúc đại nghi liền vô nghi.

799.  Tiếng hét nặng bao nhiêu?
 Hàn Lâm học sĩ Tô Đông Pha rất thích Thiền học. Nhân bàn về tình và vô tình cùng viên chủng trí rồi, tự giác có chỗ ngộ. Do đó, làm 3 bài kệ diễn tả cảnh giới lúc chưa tham thiền, lúc tham thiền và lúc ngộ đạo.
 Bài 1:
橫 看 成 嶺 側 成 峯
Hoành khán thành lãnh trắc thành phong
遠 近 高 低 皆 不 同
Viễn cận cao đê giai bất đồng
不 識 廬 山 真 面 目
Bất thức lư sơn chân diện mục
只 緣 身 在 此 山 中
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung
 Ngó  ngay  thành  dẫy,  xéo  thành  chỏm
 Cao  thấp  gần  xa  mỗi  chẳng  đồng
 Chẳng  rõ  Lô  Sơn  mày  mặt  thật
 Muốn  biết  chỉ  cần  vô  núi  trông.
(Hân Mẫn dịch)
Bài 2:
廬 山 煙 雨 浙 江 潮
Lư sơn yên vũ Chiết giang triều
未 到 千 般 恨 不 消
Vị đáo thiên bàn hận bất tiêu
到 得 原 來 無 別 事
Đáo đắc nguyên lai vô biệt sự
廬 山 煙 雨 浙 江 潮
Lư sơn yên vũ Chiết giang triều
Khói  ngút  non  Lô,  sóng  Chiết  Giang
Khi  chưa  đến  đó  luống  mơ  màng
Đến  rồi  hóa  vẫn  không  gì  khác
Khói  ngút  non  Lô,  sóng  Chiết  Giang.
(Trúc Thiên dịch)
Bài 3:    Xem bài kệ chữ Hán ở công án 440.
Suối  reo  vẫn  pháp  âm  bất  tuyệt
Mầu  non  kia  chân  thể  Như  Lai
Đêm  đó  tám  vạn,  bốn  nghìn  kệ
Ngày  sau  nói  lại  làm  sao  đây?
(Tuệ Sĩ dịch)
Tô Đông Pha từ sau khi có thiền ngộ đó rồi, đối với thiền học tự cho là mình cao thâm. Một hôm nghe nói ở chùa Ngọc Tuyền, Kinh Nam có thiền sư Thừa Hạo thiền phong sắc bén, cơ phong thâm diệu khôn lường; trong lòng không phục, bèn thay áo đến thử thiền công của Thừa Hạo. Vừa gặp mặt liền hỏi:
- Nghe nói thiền ngộ của thiền sư rất cao; xin hỏi thiền ngộ là gì?
Thừa Hạo không đáp, hỏi ngược lại:
- Xin hỏi tánh danh tôn quan?
- Tánh cân, cân hết thảy các cân của trưởng lão trong thiên hạ.
 Tô Đông Pha cho là câu trả lời của mình cao minh, đắc ý không cùng. Thừa Hạo hét một tiếng lớn rồi hỏi:
- Xin hỏi, tiếng hét này nặng bao nhiêu?
Tô Đông Pha không trả lời được, khâm phục, lạy rồi đi.
(Nhất vị Thiền: quyển Phong)
Bài kệ 1: là lúc chưa tham thiền, còn bị giả tướng mê hoặc. Từ chỗ đứng khác nhau mà nhìn thì thấy Lô Sơn khác nhau. Vậy chỉ nương vào vào thấy nghe thì không thể đạt tới chân tướng của sự vật. Từ quan điểm sai biệt mà nhìn vạn vật thì sự vật đều tồn tại độc lập nhưng nếu nhìn từ quan điểm bình đẳng thì vạn vật với ta chỉ là một. 
(Nhật chủng Nhượng sơn)
Bài kệ 2: là đã tham thiền nhưng chưa ngộ, còn bị mây núi che mờ lối đi. Suy đi tính lại, không cam tâm, quay đầu lại mới biết Lô sơn ở trong đám sương mù đó, trừ bỏ suy nghĩ mới biết ăn là ăn, ngủ là ngủ.
(Tinh Vân đại sư)
Bài kệ 3: là đã ngộ, nghe tiếng suối reo cũng như tiếng Phật, tướng lưỡi rộng dài là 1 trong 32 tướng của Phật, là chỉ lúc Phật thuyết pháp. Mầu núi là thanh tịnh thân tức Pháp Thân. Nếu tưởng như vậy thì 4 vạn, 8 ngàn phiền não đều là Phật ngữ.
(Bình Điền Tinh Canh)

800.  Phật Thủ.
Phật Thủ hành nhân thiền sư, một hôm bảo đại chúng:
- Đúng ngọ hôm nay ta sẽ đi.
Đến trưa, một ông tăng vào thưa:
- Đúng ngọ rồi!
Thiền sư xuống giường, đi vài bước rồi đứng mà hóa. 
(Cao tăng truyện)

801.  Kinh Triệu.
Kinh Triệu Trí Huy thiền sư là bạn cũ của tiết  độ sứ Vương Ngạn Siêu. Một hôm, đến từ biệt. Lúc sắp đi dặn dò phải hộ trì Phật pháp. Tiết độ sứ không nỡ rời. Sư cười nói:
- Dù có lưu lại ngàn năm thì cũng có lúc phải ly biệt.
Nói rồi, ngồi kiết già mà hóa. 
 (Cao tăng truyện)
802.  Ngưỡng Sơn.
Ngưỡng Sơn sắp thị tịch, đọc bài kệ:
年 滿 七 十 七
Niên mãn thất thập thất
無 常 在 今 日
Vô thường tại kim nhật
日 輪 正 當 午
Nhật luân chính đương ngọ
兩 手 攀 屈 膝
Lưỡng thủ phan khuất tất
Tuổi  đã  bẩy  mươi  bẩy
Vô  thường  tại  hôm  nay
Mặt  trời  đang  chính  ngọ
Ôm  gối  với  hai  tay.
(Cao tăng truyện)
Sau đó hai tay ôm gối mà mất. 

803.  Động Lão.
Động Lão thiền sư đến từ biệt Vương Ngạn Bác. Bác hỏi:
- Lão sư đã già rồi, còn định đi đâu?
- Nhập diệt.
Bác cho là nói đùa, về kể chuyện lại với mọi người:
- Động Lão tu hành cao thâm, đã khế hợp với Đạo, du hí nhân sinh.
Lại sai người đi dò tin tức; quả nhiên Động Lão đã nhập diệt. Bác tán thán không cùng.
(Cao tăng truyện)

804.  Quan Sơn.
Có ông tăng bạch với Quan Sơn:
- Đệ tử đến đây mong giải quyết vấn đề sinh tử, xin thầy chỉ thị.
Thiền sư hét lớn rồi bảo:
- Nơi đây, Huệ Huyền không có sinh tử (Huệ Huyền là pháp danh của Quan Sơn).
 Sư phụ của Quan Sơn là Đại Đăng quốc sư khi tu hành ở Ngũ Điền Thụ gia nhập nhóm ăn mày; sống với họ nhiều năm nên bị cố tật. Khi ngộ đạo rồi vì chân bị tật nên không thể ngồi kiết già được. Khi sắp mất nói:
- Lúc trước ta đều phải nghe ngươi, lần này ngươi phải nghe ta! 
 Nói rồi tự chặt chân, ngồi thiền mà mất.
 Một hôm, Quan Sơn xếp đặt hành trang, kêu đệ tử Thọ Ông bảo:
- Ta muốn ra ngoài vân du ít ngày.
 Nói rồi 2 người cùng đi ra Phong Thủy Tuyền, Quan Sơn đứng nghỉ dưới gốc cây, an nhiên mà hóa; ấn chứng câu thường nói:”Nơi đây Huệ Huyền không có sinh tử.” 
(Nhất nhật nhất thiền ngữ)

805.  Đạo Khải.
 Phù Dung Đạo Khải làm bài kệ phó pháp trao lại cho thị giả rồi mất:
吾 年 七 十 六 
Ngô niên thất thập lục 
世 緣 今 已 足 
Thế duyên kim dĩ túc 
生 不 愛 天 堂 
Sinh bất ái thiên đường 
死 不 怕 地 獄 
Tử bất phạ địa ngục 
撒 手 橫 身 三 界 外
Tát thủ hoành thân tam giới ngoại
騰 騰 任 運 何 拘 束
Đằng đằng nhậm vận hà câu thúc.
Đã bẩy  sáu năm trường
Thế  duyên cũng tạm được
Sống  chẳng thích  thiên  đường
Chết  chẳng  sợ  địa  ngục.
Buông  tay,  ngoài  tam  giới
Chẳng  gì có thể  trói. 
(Thiền ngoại thuyết thiền)

806.  Khoái Xuyên.
Khoái Xuyên (? – 1582) đức hạnh kiêm bị, được võ tướng Võ Điền Tín Huyền mời về trụ trì ở Huệ Lâm Tự, lấy sư lễ mà đãi. Chức Điền Tín Trưởng chinh phạt họ Võ rồi, do kính mộ Khoái Xuyên đã lâu, dùng hậu lễ đối đãi nhưng hòa thượng quật cường không khuất phục. Lòng tự tôn của Tín trưởng bị tổn thương, trong lòng rất bất mãn. Chính lúc đó lại biết cừu địch của mình là Tả tả Đại Nghĩa Bật trốn ở Huệ Lâm tự và sau đó đào thoát. Tín Trưởng nổi giận hạ lịnh bao vây Huệ Lâm Tự, bức chư tăng thối lui lên lầu, dùng lửa thiêu đốt. Khoái Xuyên ngồi đối mặt với đại chúng, trước tiên bảo mọi người nói lời sau cùng, sau đó tự nói:
An  thiền  chẳng  cần  tu  sơn  thủy
Diệt  hết  tâm  đầu,  lửa  tự  mát.
Nói rồi tiến vào hỏa định. 
(Nhất nhật nhất thiền ngữ)

807.  Huệ Xuân.
Một hôm, ngoài cửa Tiểu Điền Nguyên Tối Thừa Tự xuất hiện một thiếu nữ, yêu cầu xuất gia. Cô vào khoảng hai mươi mấy tuổi , xinh đẹp, cao quý. Trụ trì là Liễu Am hòa thượng ra coi thì ra chính là cô em gái mình, bèn nói:
- Cửa thiền chẳng thích hợp với đàn bà, con gái. Tuy không thiếu gì đàn bà, con gái đi tu, nhưng cũng không thiếu gì trường hợp làm ô uế cửa Thiền. Huống chi cô lại xinh đẹp hơn người, đương nhiên không thích hợp xuất gia.
Thiếu nữ nghe xong đi ra dùng kìm lửa phá hủy dung nhan, sau đó lại yêu cầu xuất gia. Liễu Am cuối cùng phải chấp nhận cho cô xuống tóc, đặt pháp danh là Huệ Xuân.
Vào lúc vãn niên, Huệ Xuân sống ở trước cửa chùa, nấu trà đãi khách đến viếng chùa. Mọi người đều biết cô là một ni cô từ bi hoàn hảo. Một hôm, cô xếp một đống củi trước cửa chùa ngồi vào trong đó, tự châm lửa đốt và tiến vào hỏa định. Liễu Am chạy ra hỏi:
- Ni cô, có nóng không?
Huệ Xuân ngồi yên đáp:
- Nóng lạnh chỉ người triệt ngộ mới biết. 
(Nhất nhật nhất thiền ngữ)
Từ 802 – 809:
Ham sống sợ chết là thường tình của con người. Khi chết không tự làm chủ mà phải do Diêm Vương xếp đặt. người đắc đạo thì không thế, muốn sống là sống, muốn chết là chết. Thực ra nói sống chết là đối với người phàm mà thôi. Dùng con mắt thánh mà nhìn thì không có gì gọi là sống, là chết.  Gọi sống, chết là y theo tục đế, tạm thời giả lập các pháp vốn không sinh diệt, không đến đi, không một không khác, chẳng đoạn chẳng thường làm sao có sinh tử? Chẳng những không có sinh tử mà cả đến Niết Bàn cũng không nữa. Nói có sinh tử chẳng qua là để thị hiện mà thôi. Do đó du hí sinh tử, đi ở tự do không phải là làm sự kỳ lạ để hoặc chúng mà là phương tiện hóa độ. 
 (Hùng Uyển)

808.  Không thè lưỡi.
Một ông tăng hỏi Lợi Sơn:
- Các hiện tượng ngoại tại đều trở về không, còn không thì trở về đâu?
- Không thè lưỡi.
- Vì sao?
- Trong ngoài một dạng. 
(Thiền cơ)
Câu đáp “Trong ngoài một dạng” ám chỉ phàm thánh là một.

809.   Không có tâm đạo.
Văn Đạo là một vân thủy tăng vì ngưỡng mộ đạo phong của Huệ Huân, trèo núi băng rừng từ ngàn dặm tới tham phỏng. Văn Đạo tới trước động Huệ Huân cư trú thưa:
- Mạt học Văn Đạo thường ngưỡng mộ cao phong của thầy, nay đến thân cận, mong thầy từ bi khai thị.
- Trời đã tối rồi, hãy tá túc một đêm đã.
Hôm sau, Văn Đạo tỉnh dậy thấy Huệ Huân đã dậy từ lâu, nấu cháo đã xong. Khi dùng bữa sáng vì trong động không dư bát, Huệ Huân bèn ra ngoài động, thuận tay nhặt một mảnh xương sọ vào múc cháo đưa cho Văn Đạo. Văn Đạo còn do dự không biết có nên nhận hay không, Huệ Huân bảo:
- Ngươi không có đạo tâm, không phải vì pháp mà lại.Ngươi lấy sạch bẩn, yêu ghét mà xử sự tiếp vật, làm sao đắc đạo được?
(Tinh Vân thiền thoại)
Đạo đích thực không thiện ác, không sạch bẩn. Văn Đạo có niệm yêu ghét là có tâm phân biệt, đương nhiên là phải bị mắng rồi!

810.  Giết người sao?
Một ông tăng tóm chặt lấy Đồng Phong. Đồng Phong hét lên:
- Định giết người sao?
Ông tăng buông thiền sư ra và hỏi:
- Kêu cái gì?
- Ai kêu đó?
Ông tăng hét lên, thiền sư quơ gậy đánh, ông tăng bỏ chạy, ngoảnh đầu lại nói:
- Đợi chút nữa rồi hãy đánh.
Thiền sư cả cười. 
(Thiền cơ)
Ông tăng ‘tóm chặt” lấy Đồng Phong, nên Đồng Phong bảo “Định giết người sao?” là ám chỉ ông tăng đừng chấp hãy “buông tay.”

811.  Không giảng nữa.
Một ông tăng hỏi Sam Dương:
- Thiền sư được đạo lý gì mà trụ trì ngọn núi này?
- Vốn định nói nguyên do nhưng lại sợ gập chuyện tào lao của người khác nên không giảng nữa.
- Không giảng coi sao được?
Thiền sư hét lớn, ông tăng thưa:
- Thì ra là vậy!
Thiền sư quơ gậy đánh, ông tăng cười lớn bỏ đi.
(Thiền cơ)
Đạo lý là chỉ Phật pháp, giảng chỉ là giải thích về Phật pháp không phải là bản thân Phật pháp, không giảng là ám chỉ phải tự ngộ.

812.  Ý tổ sư từ Tây sang.
Có tới hơn 230 công án về câu hỏi này, ở đây chúng tôi chỉ nêu ra 10 câu trả lời tiêu biểu:
1/. Hương Lâm: Ngồi lâu sanh mệt. 
 (Bích Nham lục)
2/. Triệu Châu: Răng mọc lông 
(Không Tốc tập)
3/. Cửu Phong :  Một tấc lông rùa nặng 9 cân. 
(Không Tốc tập)
4/. Thạch Sương : Nếu có người rơi xuống giếng sâu ngàn thước, ngươi có thể cứu hắn ra mà không dùng dây thì ta sẽ bảo. 
(Bích Nham lục)
5/.  Đại Hải : Tây sang không ý.
(Ngũ đăng hội nguyên)
6/.  Phúc Thuyền :  Tốt nhất là đừng mắng chửi tổ sư.
 (Ngũ đăng hội nguyên)
7/.  U Khuê : Trâu bùn từng bước, từng bước đi trước người. 
(Ngũ đăng hội nguyên)
8/.  Long Vân : Tối qua, trong chuồng mất trâu.
(Ngũ đăng hội nguyên)
9/.  Ô Thạch : Người thích đến, đi là ai? 
(Ngũ đăng hội nguyên)
10/.  Lạc Phố : Trả lời bằng một bài kệ:

深 嵐 覆 處
Thâm lam phú xứ
出 聚 藏 峯
Xuất tụ tàng phong
白 日 輝. 時
Bạch nhật huy thời
碧 潭 無 影
Bích đàm vô ảnh.
 Sơn  lam  mờ  trời  đất
 Từ  hang  bay  phủ  non
 Lúc  vầng  dương  chói  lọi
 Đầm  biếc  bóng  hình  không.
(Hân Mẫn dịch, Hư Đường lục)
 Đối với câu hỏi trên, có nhiều câu đáp khác nhau. Có câu chẳng ăn nhập gì đến câu hỏi cả, khiến ta bị mê hoặc. Sự thực thì Thiền môn lấy câu “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” là tông chỉ cho nên không chấp vào văn tự, ngôn ngữ, kinh điển, tranh, tượng; nếu không thì là bỏ gốc mà tìm ngọn. Trang Tử nói:” Được cá quên nơm, được thỏ bỏ bẫy”, Lão Tử:”Đạo có thể nói thì không phải là Đạo thường, tên có thể gọi thì không phải là tên thường.” Tất cả đều cùng một ý “Được ý quên lời” Kinh Kim Cương nói: “Chánh pháp còn nên xả huống hồ là phi pháp.” Lời nói chỉ thẳng chỉ là một phương tiện thôi, dù nói dọc, nói ngang, phải, trái, thiên biến vạn hóa cũng là dao sắc chặt đứt những dây leo mê chấp mà lãnh ngộ tự tánh.
 (Hùng Uyển)

813.  Đại Đăng quốc sư.
Một ông tăng hỏi Đại Đăng quốc sư:
- Đối với những câu hỏi khó, đại sư đều tự do trả lời được là tại sao?
- Vì 12 thời lão tăng đều dùng.
(Thiền đích cố sự hựu nhất tập)

 Ở đây dùng 2 chữ tự do của Thiền sư là như vậy sao? Tức là xử dụng 12 thời? Trong 12 thời, tất cả các vấn đề khởi diệt đều không trói buộc được tâm, tâm vẫn tự chủ xử lý. Một công án khác cũng tương tự như công án trên chúng tôi cũng xin chép ra đây:
 Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
 - Làm sao làm chủ trong 12 thời?
 - Ngươi bị 12 thời chuyển, còn ta chuyển 12 thời.

814.  Bắc Dã.
Bắc Dã đến nhà tù thuyết pháp. Ông đưa mắt nhìn mấy trăm tù nhân, chắp 2 tay lại:
- Các người đều là Phật, đều có tâm Phật, chỉ vì nhân duyên không tốt nên ra nông nỗi này, thực khiến lão tăng đau lòng.
Nói rồi bật khóc. Các tù nhân đều cảm động, cúi đầu rơi lệ. 
(Thiền đích cố sự hựu nhất tập)
Thân mình chính là Phật, chỗ này chính là liên hoa quốc, sum la vạn tượng đều phóng quang minh.

815.  Nhà ở đâu?
Nga Sơn ở Thiên Long Tự là một vị Thiền sư Nhật Bản nổi danh cận đại. Lúc 5 tuổi được người nhà cõng đến Nga Sơn xin làm đệ tử của Nghĩa Đường hòa thượng. Vừa gặp mặt, Nghĩa Đường hỏi:
- Nhà ở đâu?
- Con quên rồi. 
(Thiền đích cố sự hựu nhất tập)
Câu đáp “Con quên rồi” rất có thiền cơ. Thiền cần quên hết, chỉ luận chuyện ngay trước mắt.

816.  Lục Hằng khóc cười.
Lục Hằng thường đến tham phỏng Nam Tuyền. Khi Nam Tuyền mất, Lục Hằng đến chùa phúng viếng. Ông đến trước quan tài cười ha hả. Chấp sự tăng trách:
- Ông là đệ tử sao chẳng khóc mà lại cười?
- Được Đạo chẳng khóc, thầy hãy nói một câu coi!
Chấp sự tăng là một ông tăng không mắt (không hiểu Đạo) nên không trả lời được. Lục Hằng than:
- Trời xanh! Trời Xanh! Tiên sư qua đời đã xa rồi.
Nói rồi buông lời khóc lớn. 
(Thiền đích cố sự hựu nhất tập)
Trường Khánh nghe truyện này bình phẩm: “Hiểu Đạo nên cười, chẳng nên khóc.” Ông hy vọng được cười như Lục Hằng.

817.  Vô Tam.
Vô Tam hòa thượng trụ trì ở Phúc Xương Tự, vốn xuất thân là bần nông; được các Vương công quý tộc quy y. Một võ sĩ thường coi nhẹ ông, nhân ngày hội định làm ông mất mặt trước công chúng. Võ sĩ rót một chén rượu, bưng đến trước mặt ông:
- Tôi xin kính rượu  vị nông dân này.
Các tọa khách đều thất kinh, nhưng hòa thượng vẫn mỉm cười đáp:
- Đó chính là hoa sen trong bùn.
Các vương công quý tộc không ai là không khen ngợi. Đây là một công án hữu danh.
(Thiền đích cố sự hựu nhất tập)
 Hoa sen không mọc trên núi cao, trên mặt đất, mà mọc trong bùn. Sen nỡ hoa và đồng thời kết quả, không giống như các loại hoa khác: hoa rụng rồi mới kết quả. Đại thừa Phật giáo cũng tương tự như vậy, cũng từ bùn phiền não mà nở hoa Bồ Đề. Hoa quả đồng thời, tức phàm thánh là một. Chúng sanh vốn là Phật, chưa thành Phật đã là Phật rồi.

818.  Hoàng Long.
Một ông tăng đến thăm Hoàng Long, hỏi:
- Từng nghe tiếng Hoàng Long, đến nơi chỉ thấy con rắn khoang đỏ.
- Ngươi chỉ thấy con rắn khoang đỏ mà chưa thấy Hoàng Long?
- Hoàng Long thực ra thế nào?
- Cong queo, khuất khúc.
- Bỗng nhiên kim xí điểu giang rộng cánh xuất hiện thì sao?
- Thật đáng sợ!
- Vậy là bị nó ăn sao?
- Phải không? Cho ta một miếng, ăn ngon lắm!
Ông tăng quay đầu lại làm bộ đang ăn. 
(Thiền đích cố sự hựu nhất tập)
Tương tự như công án cầu đá Triệu Châu, nhưng ở đây 2 người 
đối đáp chan chát không ai nhường ai.

819.  Phương tiện chỉ dạy.
Quảng Châu Ngưỡng Sơn Huệ Tịch tham học tại Phúc Châu Quy Sơn Linh Hựu, ngộ đạo rồi, ở đó 15 năm, được truyền tâm ấn. Năm 35 tuổi lãnh chúng hoằng pháp. Đương thời thiền giới xưng tụng là Tiểu Thích Ca.
Một hôm, Ngưỡng Sơn hỏi một ông tăng đi ngang qua trước mặt:
- Ngươi từ đâu đến tham học?
- Phương Nam.
Ngưỡng Sơn giơ gậy lên quơ quơ hỏi:
- Các trưởng lão ở phương Nam có nói cái này không?
- Không nói.
Ngưỡng Sơn vung vẩy cây gậy, hét lớn:
- Đại đức!
- Dạ!
- Vào thiền đường!
Ông tăng đi về phía thiền đường, Ngưỡng Sơn ở phía sau hét:
- Đại đức!
Ông tăng xoay đầu lại, Ngưỡng Sơn ra lệnh:
- Đến trước mặt ta.
Ông tăng đi đến trước mặt Ngưỡng Sơn, Ngưỡng Sơn lấy gậy gõ vào đầu ông và bảo:
- Đi!
Ông tăng ngay đó đại ngộ.
(Tinh Vân thiền thoại)
Ngưỡng Sơn chỉ cho ông tăng không có phân biệt Nam, Bắc, Đông, Tây; không có phân biệt bên này, bên kia. Bảo ông đi vào thiền đường là chỉ nơi nơi đều là Đạo, chốn chốn đều là Thiền. Lại kêu ông ra trước mặt là chỉ Đạo ở ngay trước mắt, rồi lại bảo ông đi là chỉ Phật pháp không đến không đi, ở khắp 10 phương, tràn đầy pháp giới. Ngưỡng Sơn phương tiện chỉ dạy như vậy, học tăng không ngộ sao được?

820.  Điểm tâm nào?
Đức Sơn mới đầu theo Luật tông. Coi Thiền tông như cừu địch. 
Ông hạ quyết tâm Nam du kiếm thiền tăng để tranh luận. Ông nghiên cứu kinh Kim Cương rất thâm, vác sách chú thích kinh trên vai mà đi. Tới Hồ Nam ông dừng lại một quán bên đường định điểm tâm trước khi đi tiếp. Bà già chủ quán hỏi ông vác gì trên vai. Đức Sơn ưỡn ngực kiêu ngạo đáp là sách chú giải kinh Kim Cương của mình. Bà già liền bảo:
- Vậy sao? Ta có một câu hỏi nếu thầy đáp được thì được điểm tâm miễn phí, nếu đáp không được thì hãy đi quán khác.
Đức Sơn cười, bằng lòng.
Bà già hỏi:
- Kinh Kim Cương nói: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”, thầy muốn điểm tâm là điểm tâm nào?
Đức Sơn vốn không nghĩ đến vấn đề này, do đó không trả lời 
được.
Bà già chỉ điểm:
- Nếu thầy chưa cam lòng hãy tìm Long Đàm mà hỏi.
(Thiền tông dật sự)
Tâm không có thực thái, chỉ bất quá xuất hiện trong một thời gian ngắn ngủi rồi biến mất. Tâm quá khứ đã qua rồi, tâm hiện tại thì trong sát na, tâm vị lai thì còn chưa xuất hiện, như vậy đều không nắm được.

821.  Biện đạo là gì?
Đạo Nguyên khi đi tham học ở Trung Hoa, gập một vị Hỏa đầu tăng ở núi A Dục Vương, ông hỏi:
- Cái gì gọi là văn tự?
- 1, 2, 3, 4, 5.
- Thế nào là biện đạo?
- Không có cái gì ẩn dấu được. 
  (Thiền tông dật sự)
Văn tự không giới hạn ở kinh văn, tổ lục. Biện đạo (nỗ lực tinh tấn) không giới hạn ở khắc khổ tu hành. Vạn vật đều đang nói Phật pháp, vạn sự đều liên quan đến tu hành.

822.  Đạo Nguyên giác ngộ.
Một lần Đạo Nguyên ngồi thiền cạnh một ông tăng đang ngủ gục. Thiền sư Như Tĩnh dùng dép cỏ đánh vào đầu ông tăng:
- Tọa thiền là thoát lạc tâm trần, chỉ lo ngủ thì có ích gì?
Đạo Nguyên đột nhiên lãnh ngộ vội hướng Như Tĩnh vái lạy, thưa:
- Thân, tâm con đã thoát lạc rồi! 
(Thiền tông dật sự)
Thân, tâm thoát lạc là thoát ra khỏi những trói buộc của thân tâm. Đoạn trừ được những phiền não trong tâm, siêu việt ý thức đạt tới cảnh giới giác ngộ.

823.  Rồng kêu trong cây khô.
Một ông tăng hỏi Trí Nhàn:
- Thế nào là Phật?
- Rồng kêu trong cây khô.
- Đệ tử không hiểu.
- Con mắt trong đầu lâu. 
(Thiền cơ)
Ông tăng hỏi thế nào là tự tánh. Các câu đáp “Rồng kêu trong cây khô” và “con mắt trong đầu lâu”, ám chỉ phải chết đi sống lại, tự nhiên sẽ thấy Phật.

824. Ta đánh ngươi vô lý.
Một ông tăng hỏi Cảnh Thông:
- Thế nào là Phật?
Thiền sư đánh ông, và ông đánh trả. Thiền sư bảo:
- Ngươi đánh ta có lý, ta đánh ngươi vô lý.
Ông tăng không đáp được, thiền sư lại đánh.
(Thiền cơ)
Nói được hay không đều bị đánh, ám chỉ ông tăng không được ngưng trệ, phải tinh tấn tham cứu.

825.  Đức Sơn mất sớm.
Đức Sơn sắp viên tịch, ngồi ngay ngắn bảo chúng đệ tử:
- Nắm bắt hư không, đuổi theo âm vang chỉ làm loạn tâm các 
ngươi. Khi tỉnh mộng mới biết là sai lầm, kết cục được cái gì đâu? 
(Thiền tâm dật sự)
Cái gì cũng không có. Có hoặc không chỉ là do ý thức phán đoán. Siêu việt được có, không thì mới tránh khỏi ăn gậy của Đức Sơn.

826.  Ba chuyển ngữ của Ba Lăng.
Ba  Lăng  người  huyện  Ba  Lăng, tỉnh  Hồ Nam, là học trò  của Vân Môn. Những lời ông nói ra đều thi vị, đẹp đẽ. Vân Môn rất thưởng thức ông và đã từng khen ngợi, bảo chúng đệ tử:
- Khi ta chết không cần phải tụng kinh, chỉ cần đọc 3 chuyển ngữ của Ba Lăng là đủ.
(Thiền đích cố sự hựu nhất tập)
Ba chuyển ngữ của Ba Lăng là:
Có ông tăng hỏi:
- Thế nào là Đạo?
- Người sáng mắt rớt xuống giếng (1) 
 (Xem công án 8ỏ)
- Thế nào là thổi lông trên kiếm?
- San hô từng cành chống dưới trăng (2) 
 (Xem công án 174)
- Thế nào là Đề Bà tông?
- Tuyết đầy chén bạc (3)
(Xem công án 117)

827.  Đạt Ma tổ sư đến Trung quốc độ ai?
Đối với câu hỏi này có thiền sư đáp:
- Đến độ lừa, ngựa, chó, dê nhưng không độ các ngươi.
(Niêm hoa vi tiếu)
Vì sao độ súc sanh mà không độ con người? Thực ra câu đáp này hàm ý thiền sư đã thể nghiệm “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”; mặt khác phát huy phải tự mình thể nghiệm. Không độ các ngươi vì các ngươi phải tự độ.

828.  Sai một ly.
Một lần Pháp Nhãn hỏi Tu Sơn Chủ:
- Sai một ly, đất trời ngăn cách, ngươi làm sao thể hội?
- Sai một ly, đất trời ngăn cách.
- Nếu nói vậy, sao gọi là đã thể hội?
Tu Sơn Chủ không hiểu hỏi lại, Pháp Nhãn bảo:
- Sai một ly, đất trời ngăn cách.
Tu Sơn Chủ bỗng nhiên tỉnh ngộ.
(Thiền tông dật sự)
Sai một ly, đất trời ngăn cách (tương tự như: sai một ly đi ngàn dặm) là hiểu sai một chút thì xa chân lý như đất xa trời. Do lý giải chúng ta tưởng mình đã ngộ, kỳ thực lý giải và ngộ là hai chuyện khác nhau.

829.  Vinh Tây.
Một hôm, có một người đàn ông đói khát đến Kiến Nhân Tự khóc lóc, kể lể cảnh khốn khổ của vợ con. Vinh Tây rất thương xót nhưng tự mình cũng chẳng có vật gì quý để cho. Lúc đó Vinh Tây bỗng nghĩ đến vòng hào quang bằng đồng của tượng Dược sư Như Lai bèn đem ra cho người đàn ông đó. Người đàn ông vui mừng tiếp nhận. Chúng đệ tử kinh ngạc hỏi:
- Đem cho vòng hào quang của Phật có tội không?
- Có thể, nhưng nếu Phật gập tình cảnh này, thì ngay huyết nhục ngài còn đem cho xá gì vòng hào quang của tượng. Ngay cả tượng Phật ta cũng sẽ đem cho, nếu có tội ta sẽ vui lòng đón nhận.
(Thiền tông dật sự)
Vinh Tây đã đem lòng từ mà độ dân.

830.  Vất bỏ gia tài.
Bàng Uẩn xuất thân từ một gia đình giàu có. Ông mang hết của cải chất lên thuyền, chở đến Động Đình Hồ vất bỏ; đoạn tuyệt mọi chấp trước của thế gian.
Có ông tăng khuyên ông nên đem tiền của mà lập đền, chùa. Bàng Uẩn cự tuyệt:
- Ta đã biết đây là vật chẳng lành, sao lại tặng cho người? Dù bỏ dưới hình thức nào, tiền tài nhất định tạo nên lòng tham muốn.
Chẳng còn một phân tiền, Bàng Uẩn và con gái là Linh Chiếu đan giỏ tre đem bán để duy trì sinh hoạt.
(Thiền tông dật sự)
Xả bỏ lợi danh, không còn mê hoặc thì những công việc hàng ngày như gánh nước, bửa củi đều là Phật sự. (Xem công án 494)

831.  Một cũng chẳng giữ.
二 由 一 有 一 亦 莫 守
Nhị do nhất hữu nhất diệc mạc thủ
Hai  do  một  mà  có
Một  cũng  chẳng  giữ. 
(Tăng  Xán,  Tín Tâm Minh)
Hai là chỉ thế giới đối đãi, yêu ghét. Một là chỉ thế giới tuyệt đối, hư vô hoặc không. Nhưng một cũng phải bỏ vì nếu không thì là chấp trước. Nếu chấp một thì trước hết rơi vào hư vô chủ nghĩa; nhận rằng mọi sự đều không thường còn, đều vô nghĩa. Đó là bi quan của những người thất bại. Hơn nữa, lại tạo nên giả bình đẳng, coi mọi việc đều không có sai biệt. con người sống trong xã hội, tài năng, hoàn cảnh đều khác nhau. Nếu coi như đồng đẳng là ảo tưởng, phủ nhận những nỗ lực tinh tiến của con người. 
(Thích Dĩ Nhiên)

832.  Bảo Tích.
Bàn Sơn Bảo Tích sắp mất, bảo đại chúng:
- Có ai tả chân được ta không?
Chư tăng vẽ hình trình lên đều không hợp ý sư. Phổ Hóa thưa:
- Con tả được.
- Sao không trình ra cho lão tăng coi?
Phổ Hòa lộn tùng phèo mà ra.
Bảo Tích nói:
- Gã này về sau tiếp người như khùng điên.
Nói rồi mất. 
(Niêm hoa vi tiếu)
Bảo Tích bảo chư tăng tả chân, không phải là bảo vẽ hình mình mà là tả “chân” tự tánh. Làm sao giấy, bút, mực chết, giới hạn, trừu tượng, cùng những ký hiệu phiến diện có thể diễn tả được tự tánh? Phổ Hóa dùng toàn thân, chân thật, cụ thể, sống động mà trình ra cho lão sư. Thật là một họa sĩ thiên tài.

833.  Ngưỡng Sơn.
Một ông tăng hỏi Ngưỡng sơn:
- Hòa thượng còn giữ giới không?
- Không giữ giới.
- Còn tọa thiền không?
- Không tọa thiền.
Rất lâu, Ngưỡng Sơn hỏi:
- Hiểu không?
- Con không hiểu.
- Hãy nghe bài kệ của ta:
滔 滔 不 持 戒
Thao thao bất trì giới
兀 兀 不 坐 禪
Ngột ngột bất tọa thiền
釅 茶 三 兩 碗
Nghiệm trà tam lưỡng oản
意 在 矍 頭 邊
Ý tại quắc đầu Biên
   仰 山 蕙 寂
   Ngưỡng Sơn Huệ Tịch
 Hỗn  loạn,  giới  chẳng  giữ 
Hôn  trầm,  chẳng  tọa  thiền
Trà  nồng  hai  ba  cữ
Ý  nghĩ  tại  điền  viên. 
(Niêm hoa vi tiếu)
Ngưỡng Sơn rất đại từ, đại  bi chỉ điểm cho ông tăng, không giữ giới, không tọa thiền thì làm gì? Uống trà, làm ruộng là bản lai diện mục. Do đó, “Bình thường tâm là Đạo là thiền định, là giới luật, là Đạo.

834.  Thiên Vương.
Chùa Trung Hoa nào cũng có tượng Thiên Vương. Thiên Vương là thần hộ trì Phật pháp. Lục Hằng hỏi Nam Tuyền:
- Thiên Vương có địa vị gì?
- Thiên Vương chẳng có địa vị gì.
- Như con được nghe thì Thiên Vương ở sơ vị Bồ Tát có phải không?
- Thành Thiên Vương là để cứu người, thuyết pháp.
(Thiền tông dật sự)
Nếu hạn chế Thiên Vương ở địa vị Thiên Vương thì Thiên Vương không phải là Thiên Vương nữa. Thiên Vương chân chính phải tự tại, vô ngại.

835.  Thiết Chu đoạn sắc.
Thiết Chu thuở trẻ tinh thông kiếm thuật, do đó thân thể cường tráng. Ông lại là thị tùng của Hoàng thái tử, hưởng đủ vinh hoa phú quý bao gồm ái dục. Một hôm nhân đứng bên đường ngắm bông hoa đẹp lập tức khai ngộ; từ đó đoạn trừ ái dục phiền não. 
(Hiện đại thiền nhập môn)
Giống như gương sáng phản chiếu vạn vật. Gái đẹp đến phản chiếu gái đẹp; ác ma đến phản chiếu ác ma. Gương phản chiếu vô niệm, không vì người soi gương mà gương bị ô nhiễm. Đó là tâm cảnh gương sáng nước lặng. Tâm cảnh Thiết Chu khi xem hoa là tâm cảnh đó.

836.  Sông thiền sâu nông.
Định thượng tọa thụ trai ở Trấn Châu về ngồi nghỉ trên cầu gập 3 vị tọa chủ. Một vị hỏi:
- Sông thiền sâu nông phải dò tận đáy là sao?
Định thượng tọa nắm lấy ông định ném xuống cầu. Hai vị kia lại gần năn nỉ:
- Xin thượng tọa từ bi tha thứ.
- Nếu không nể hai vị, ta đã cho hắn xuống đáy sông rồi. 
(Niêm hoa vi tiếu)
Muốn biết đáy sông nông sâu chỉ có cách là xuống nước.

837.  Trời lạnh,  người lạnh?
 Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:
- Trời lạnh, người lạnh?
- Mọi người đều ở đây. 
(Niêm hoa vi tiếu)
Câu trả lời của Ngưỡng Sơn quả không hổ là là người sáng lập ra dòng Quy Ngưỡng. Ông không bắt chước Huệ Năng ‘trong công án cờ động hay gió động” mà đáp “không phải trời lạnh, cũng không phải người lạnh mà là tâm lạnh”, cũng không bắt chước Tổ Già Da Xá Đa trong công án ‘gió kêu hay chuông kêu” mà đáp “pháp vốn không có lạnh và không lạnh.” Giả sử nếu đáp vậy cũng đúng nhưng nhất định có người sẽ bảo Ngưỡng Sơn chỉ là con vẹt. Trong Thiền học sự thể nghiệm phải là độc sáng không cần bắt chước người. Trời lạnh rồi người lạnh, lạnh rồi lại không lạnh, tất cả phải tự mình thể nghiệm. Tôi lạnh là cảm giác của tôi, anh lạnh là cảm giác của anh.. Không ai thay thế cho ai được. Sự thể nghiệm thành Phật cũng chính như thế.

838.  Giáo dục.
Xưa có một vị tôn túc nuôi một đứa trẻ chẳng biết phép tắc gì. Có 
một vị hành cước tăng ghé qua, dạy đứa trẻ lễ nghi. Buổi chiều khi lão túc từ ngoài về, đứa trẻ ra đón, chào hỏi lễ phép. Lão túc lấy làm lạ hỏi:
- Ai dạy ngươi vậy?
- Là vị thượng tọa ở trong nhà.
Lão túc kêu ông tăng ra, bảo:
- Thượng tọa là người có tâm hạnh gì? Đứa trẻ này ta nuôi đã 2, 3 năm rồi, tình trạng đáng thương sao ông lại dạy hư nó? mau  đi đi!
Trời chiều mưa rơi tầm tã, ông tăng vẫn bị đuổi đi. 
(Niêm hoa vi tiếu)
Trong Thiền học “Tâm bình thường là Đạo”, “Đói ăn, mệt 
ngủ” giảng đến cùng là yêu cầu người học từ bỏ xã hội tính trở lại “chân diện mục” tự nhiên.

839.  Một câu.
Một ông tăng hỏi La hán:
- Thế nào là một câu của La Hán?
- Nếu ta trả lời thì đã là hai câu rồi!
- Thế nào là đệ nhất nghĩa?
- Nếu ta trả lời thì đã là đệ nhị nghĩa rồi. 
(Niêm hoa vi tiếu)
Cái gọi là “một câu”, “đệ nhất nghĩa” là chỉ nội chứng chân như viên mãn. Nếu nói ra thì nội tại trở thành phù hiệu biểu đạt, chính thể thành cục bộ, toàn diện thành phiến diện.

840.  Tự độ.
Huệ Năng được Ngũ tổ truyền y pháp rồi, đương đêm rời khỏi Hoàng Mai. Ngũ tổ đưa tiễn đến bờ Cửu Giang; có một chiếc thuyền đậu sẵn ở đó. Ngũ tổ bảo Huệ Năng lên thuyền để mình chèo. Huệ Năng thưa:
- Thỉnh hòa thượng ngồi để con chèo.
- Ta độ ngươi mới phải, sao ngươi độ ta được.
- Khi con mê thì thầy độ, nay con ngộ rồi thì tự độ.
“Độ” danh tuy một mà chỗ dùng chẳng đồng. Huệ Năng sinh ra ở nơi biên cương lời nói cũng chẳng đúng, nhờ thầy dạy dỗ nay được ngộ phải lấy tự tánh tự độ. 
 (Niêm hoa vi tiếu)
Đàn kinh, từ đầu đến cuối toàn là chữ “tự”; kiến tự tánh tự tĩnh, tự tu tự tác pháp thân; tự hành Phật tánh; tự tác, tự thành Phật đạo. người đời vì mê nên không thấy tự tánh ở ngay chính sắc thân mình cứ mải đi tìm tam thân Như Lai ở bên ngoài.

841.  Lưỡng kiến.
Để trả lời thư hỏi Đạo của Hướng cư sĩ, Huệ Khả viết:
- Vô minh tức trí tuệ, phiền não tức Bồ Đề. Nhận rằng vô 
minh và trí tuệ không tương đồng, mình và Phật sai biệt là có tâm phân biệt, là chấp lưỡng kiến. 
(Trung Quốc thiền tông)
Cái gọi là lưỡng kiến là nhận rằng sinh và tử, vô minh và trí tuệ, phiền não và Bồ Đề, Phật và chúng sanh hỗ tương đối lập, do đó có kiến giải sai biệt. Chấp vào lưỡng kiến thì không thấy được chân lý, vì Huệ Khả cũng từng nói: “Vạn pháp tức chân như.” 

842.  Duy Chính.
Hàng Châu Duy Chính thiền sư không nói về Thiền. Có người hỏi duyên cớ, ông nói:
- Vì sao phải phí lời? Ta lười lắm, cũng không thích loại phương pháp cơ xảo; chỉ cần thuận theo vạn tượng biến hóa là được. Ngôn ngữ có giới hạn, loại đối phó của ta thì vô cùng vì tạo vật cũng vô cùng.
(Minh tâm kiến tánh thoại thiền tông)
Ta thấy thiền sư để tùy duyên cũng như Lão tử gọi là đạo pháp tự nhiên vậy.

843.  Tháo chuông vàng.
Một hôm, Pháp Nhãn hỏi đại chúng:
- Ai tháo được cái chuông vàng ở cổ con hổ?
Pháp Đăng đáp:
- Người buộc nó, tháo được. 
(Minh tâm kiến tánh thoại thiền tông)
Chuông buộc vào cổ hổ dụ cho phiền não; chỉ người buộc nó mới tháo được. Đoạn tập không phải là cắt đứt ngoại duyên mà là phải 
trừ bỏ gốc rễ của phiền não trong tâm.

844.  Kỳ Vực.
Thiên Trúc tăng Kỳ Vực đến Lạc Dương. Trúc Pháp Hạnh thỉnh nói pháp. Kỳ Vực đọc bài kệ:
Giữ  miệng,   nhiếp  tâm ý 
Chớ  phạm  các  việc  ác
Tu  hành  mọi  việc  lành
Như  vậy,  được  giải  thoát.
 Sau đó im, Pháp Hạnh lại thưa:
- Mong thượng nhân cho nghe những gì chưa được nghe, chớ như nghĩa lý của bài kệ này trẻ lên tám cũng tụng rõ.
Kỳ Vực cười đáp:
- Tuy trẻ lên tám cũng tụng rõ, nhưng trăm tuổi không hành thì tụng có ích gì?
Người đời đều kính người đắc Đạo mà không biết tự hành, tự đắc. 
(Minh tâm kiến tánh thoại thiền tông)
Ý nghĩa của công án này cũng giống với công án thi sĩ Bạch Cư Dị và Điểu Sào thiền sư.
(Công án số 75)

845.  Giọt thủy ngân.
Hoàng Bá bảo:
- Trong vạn loại, con người ai cũng là Phật, tỷ như một giọt thủy ngân phân tán ra, mỗi hạt đều là hạt tròn. 
(Minh tâm kiến tánh thoại thiền tông)
Không những chúng sanh là Phật, vật vô hình cũng có Phật tánh cho nên mới nói “hữu tình, vô tình cùng viên cảnh trí.” Tâm bao hàm vạn vật, vật vô hình cũng không thể ở ngoài tâm.

846.  Tứ tổ và Pháp Dung.
Tứ tổ bảo Pháp Dung:
- Ngươi cứ tùy tâm tự tại, chẳng quán hạnh, chẳng lắng tâm, chẳng khởi sân si, chẳng buồn lo, bình thường vô ngại, tùy ý tung hoành, chẳng làm thiện, chẳng làm ác, đi đứng nằm ngồi xúc mục ngộ duyên,tất cả đều là diệu dụng của Phật. 
 (Minh tâm kiến tánh thoại thiền tông)
Phật vốn bình thường, chỉ vì người học Phật đi những con đường không bình thường. Lúc trước Pháp Dung thấy hổ, lang nhiễu quanh am, chim chóc hiến hoa là bất bình thường. sau khi được Tứ tổ chỉ điểm rồi mới trở lại sinh hoạt bình thường, đó mới là triệt ngộ.

847.  Tâm, Phật, Đạo.
Giác hòa thượng nói:
- Nếu muốn cầu Phật thì tâm là Phật; nếu muốn cầu Đạo thì vô tâm là Đạo. Vì vô tâm nên phi pháp, vì tức tâm nên trải qua muôn kiếp vẫn thường kiên cố. 
(Minh tâm kiến tánh thoại thiền tông)
Tâm là Phật và vô tâm là Đạo dường như mâu thuẫn? Thực ra cái tâm trên chỉ tâm thanh tịnh, cái tâm dưới chỉ thức tâm. Khi hiểu vô tâm là Đạo thì gập sự không sinh tâm. Khi hiểu tâm là Phật thì có thể hồi quang phản chiếu tùy duyên bất biến, chính như lời Lục tổ “Vô là không một hạt bụi trong tâm, niệm là niệm chân như.” Vô Túc thiền sư thì nói: “Không nhớ gọi là giới, không niệm gọi là không, không vọng gọi là Huệ.” Do đó một tâm chẳng sanh thì đủ cả Giới, Định, Huệ.

848.  Đoạn Kiều Diệu Luân thiền sư.
Đoạn Kiều Diệu Luân thiền sư đọc bài kệ của Phó đại sĩ (xem công án 263) bèn làm một bài kệ bình xướng (để phê bình, khen ngợi, hoặc đưa ra một quan điểm khác) như sau:
狗 走 抖 擻 口
Cẩu tẩu đẩu tẩu khẩu
猴 愁 摟 摟 頭
Hầu sầu lâu lâu đầu
瑞 嚴 門 外 水
Đoan Nghiêm môn ngoại thủy
自 古 向 西 流
Tự cổ hướng tây lưu
Chó  chạy  há  mõm
Khỉ  buồn  ôm  đầu
Sông  ngoài  Đoan  Tự
Hướng  Tây  từ  lâu. 
(Sinh hoạt Thiền)
Con chó khi chạy đầu lắc lư, há mõm, thè lưỡi; con khỉ cổ ngắn, khi buồn so vai rụt cổ, chỉ thấy đầu; con sông ngoài chùa Đoan Nghiêm từ cổ vẫn chẩy về hướng tây. Tất cả những sự kiện mô tả trên đều là sự thật không biến đổi, là chân lý. Ông đồng ý với những gì Phó đại sĩ kể “Tay không cầm cuốc .  .  . “Nói cách khác là mô tả cảnh giới Thiền “tất cả đều không” của triết lý kinh Kim Cương. Để miêu tả cảnh giới vốn không thể nói được này chỉ còn cách dùng phương thức mâu thuẫn như nói lông rùa, sừng thỏ. Nói lông rùa đen là sai, nói xanh, đỏ tím, vàng cũng sai nốt vì rùa vốn không có lông. Vì vậy kinh điển thường nói “không thể nói.” Nhưng nếu không nói thì làm sao giảng Đạo cho chúng sanh? Vì vậy nhà Thiền thường dùng 3 loại phương pháp:
1/ dùng sự mâu thuẫn
2/ không trả lời vào câu hỏi
3/ dùng thể ngữ.

849.  Vẽ bát quái.
Lâm Tế thường dùng gậy để khai ngộ thiền sinh (xem công án 554) Kinh Sơn Cảo thiền sư làm một bài kệ ca tụng:
五 月 五 日 午 時 書
Ngũ nguyệt ngũ nhật ngọ thời thư
赤 口 毒 吞 盡 消 除
Xích khẩu độc thôn tận tiêu trừ
更 饒 急 急 如 律 令
Cánh nhiêu cấp cấp như luật lịnh
不 須 門 上 畫 蜘 蛛
Bất tu môn thượng họa tri thù

Muốn trừ được mọi bịnh
Tết  Đoan  Ngọ  đúng  trưa
Nuốt vào  bụng  lá  bùa
Cấp,  cấp  như  luật  lịnh
Từ  nay  chẳng  vẽ  nữa 
Mạng  nhện  trên  cánh  cửa. 
(Sinh hoạt Thiền)
Theo tục lệ thì 12 giờ trưa tết Đoan Ngọ là giờ rất linh, vẽ bùa nuốt vào bụng sẽ trừ hết mọi bịnh tật, tai nạn, phiền não. Cấp cấp như luật lịnh! (mau mau làm theo lịnh): đây là câu thường nói của các thầy phù thủy khi sai bảo quỷ thần, sau đó không phải vẽ hình bát quái (giống như mạng nhện) lên cửa nữa. Bùa ở đây là chỉ phương pháp dùng gậy của Lâm Tế đả phá tất cả mọi phiền não, chấp trước. Trong công án số 554 gọi ông tăng vái lạy là Giáp; ông tăng không vái lạy là Phi Giáp. Theo thường lý nếu Giáp không đúng thì Phi Giáp phải đúng; nếu Phi Giáp không đúng thì Giáp phải đúng. Nhưng ở đây Giáp và Phi Giáp đều không đúng vì đều bị đánh. Đó là dùng phương thức mâu thuẫn để diễn tả triết lý: tất cả đều không vậy. Nếu tất cả đều không thì làm gì còn ma quỷ mà phải vẽ bát quái lên cửa để trừ nữa?

850.  Sám hối với ai?
Một ông tăng hỏi Vân Môn:
- Giết cha, giết mẹ thì sám hối trước Phật; giết Phật, giết tổ thì sám hối với ai?
- Lộ. 
 (Thiền ngộ)
Lâm Tế lấy vô minh là cha, tham ái là mẹ để trả lời. Vì vậy nửa câu trên là phải bỏ hết phiền não (giết cha) là chấp trước (giết mẹ). Nửa câu dưới là cũng không chấp thánh cảnh (giết Phật, giết tổ). Câu trả lời của Vân Môn “Lộ”, nghĩa là hiển lộ. Đối với ông những gì tai nghe, mắt thấy đều là Phật tánh hiển lộ.

851.  Tống Thái Tông.
Một hôm, Tống thái tông giơ một cái bát lên hỏi thừa tướng Vương Tùy:
- Tại sao ở Đại dữu lãnh Minh thượng tọa giơ lên không nổi mà nay quả nhân lại giơ lên được?
Vương Tùy không trả lời được. 
(Chích thủ chi thanh)
Trong công án này Tống thái tông (hay người đặt ra công án) 
đã coi nhẹ tính cách siêu nhiên của các hiện tượng.

852.  Bàn luận về Phật pháp.
Nam Tuyền bảo đại chúng:
- Canh ba tối qua Văn Thù và Phổ Hiền bàn luận về Phật pháp; ta đánh họ 30 gậy và đuổi đi Nhị Thiết Vi Sơn.
Triệu Châu bước ra khỏi chúng thưa:
- Ai ăn gậy của hòa thượng?
- Vương lão sư (Nam Tuyền tự xưng) sai chỗ nào?
Triệu Châu vái lạy. 
(Chích thủ chi thanh)
Nam Tuyền ám chỉ bàn luận về Phật pháp là thừa. Triệu Châu ám chỉ Nam Tuyền cũng phải ăn gậy vì bàn về sự thừa của sự bàn luận cũng là thừa. Cũng còn một ý nữa là nếu dùng gậy có thể giải quyết được mọi vấn đề thì chúng con chẳng nên đánh cho hòa thượng vài gậy sao?

853.  Buồm cũ chưa treo.
Một ông tăng hỏi Nham Đầu:
- Khi buồm cũ chưa treo thì sao?
- Cá nhỏ nuốt cá lớn.
- Treo rồi thì sao?
- Con lừa ăn cỏ ở sân sau.
Hư Đường hỏi Nam Phố:
- Buồm cũ chưa treo thì sao?
- Núi Tu Di trong mắt côn trùng.
- Treo rồi thì sao?
- Hoàng Hà chảy về hướng Bắc.
 (Chích thủ chi thanh)
Buồm cũ chưa treo chỉ chưa ngộ; treo rồi chỉ đã ngộ. Đối thoại lập lại 2 lần nhưng ý nghĩa không khác. Khi cố gắng cầu “ngộ” thì “ngộ” được coi như cái gì siêu phàm, nhưng khi ngộ rồi thì thấy vạn vật vẫn chỉ bình thường.

854.  Pháp Vân thị chúng.
Hòa thượng Pháp Vân bảo đại chúng:
- Vào năm Hy Ninh thứ 2 lão tăng coi việc sổ sách ở phủ 
Phụng Tường. Năm đó núi Hoa Sơn bị xụp, nhà cửa trong vòng 80 dặm đều bị vùi lấp. Bọn hậu bối các ngươi làm sao biết được việc này.
 (Chích thủ chi thanh)
Ở đây chúng ta chỉ nên xét giá trị bề mặt của công án, thiền sư chỉ là một vị thầy theo đúng nghĩa của chữ thầy; nhưng nếu chúng ta coi nhẹ công án này thì có lẽ chúng ta đã quá giác ngộ.

855.  Hoàng Long Hối Cơ.
Hoàng Long Hối Cơ hỏi Nham Đầu:
- Ý của tổ sư từ Tây sang là gì?
- Ngươi có biết làm sao rửa tay nhớp không?
- Dạ biết!
- Vậy đi rửa đi!
Hoàng Long nghĩ toát mồ hôi cũng chẳng hiểu gì; sau lại gập Huyền Tuyền và đặt cùng câu hỏi. Huyền Tuyền giơ trùy đập quần áo lên; Hoàng Long vẫn không hiểu. Huyền Tuyền lại giơ trùy lên một lần nữa. Hoàng Long liền ngộ.
 (Nhất vị thiền, quyển Nguyệt)
Đi rửa tay, giơ trùy đập quần áo lên đều chỉ phải trừ bỏ những dính dấp, bụi bậm trói buộc. Mục đích của Thiền là chỉ cho người tu biết tự mình có trí tuệ Bát Nhã. Nếu đem câu đáp mà bảo cho thì dù người tu có tham cứu đến năm lừa cũng không khai ngộ được (Trong 12 con giáp không có con lừa, ý nói chẳng bao giờ ngộ).

856.  Cối xay tám góc bay trong không.
Ở Nhật Bản vào cuối thời Liêm Thương, Lâm Tế tông phát triển rất mạnh, lấn áp vào địa bàn của cựu Phật giáo. Cựu Phật giáo thấy cơ nguy bèn thượng tố lên Hậu Đề Hồ Đế. Kết quả quyết định một cuộc pháp chiến ở điện Thanh Lương. Đại biểu cho cựu Phật giáo là Huyền Huệ, Hư Thánh; đại biểu cho tông Lâm tế là Đại Quang quốc sư và đồ đệ là Tông Phong. Vì Đại Quang bị cảm nên chỉ có một mình Tông Phong tham gia Pháp chiến.
Huệ Huyền hỏi:
- Thế nào là ngoài giáo truyền riêng?
Tông Phong đáp:
- Cối xay tám góc bay trong không.
Huệ Huyền không hiểu hàm ý của câu nói chịu thua, thối lui. 
Sau đó liên tục 7 ngày đêm tranh luận, cuối cùng Thiền tông đạt được thắng lợi. 
 (Thiền ngộ)
Đối với người ngày nay, cối xay 8 góc bay trong không cũng như hỏa tiễn bắn lên mặt trăng, chẳng có gì là ly kỳ. Nhưng ở thời xưa đây là một chuyện không thể nghĩ bàn. Những chuyện siêu việt thường lý đều do tự giác căn nguyên của nhất tâm rồi liền sản sinh công năng diệu dụng vô cùng của tâm.

857.  Hoằng Nhất.
Có một lần, Hoằng Nhất pháp sư hướng về vị trụ trì thô lỗ, ngạo mạn của một chùa quê, hành lễ ngũ thể đầu địa, một nghi thức dùng lễ Phật, Bồ tát.  Ông lạy rất cung kính, hoan hỉ. Người tùy tùng rất ngạc nhiên và bất mãn, hỏi ông lý do, ông trả lời:
- Ta lạy Phật tánh của ông ta. 
 (Nhất vị Thiền , quyển Hoa)
Tất cả mọi sự vật đều là Phật tánh hiển lộ, huống hồ là ông tăng nhà quê đó.

858.  Viễn Bá.
Viễn Bá có nhiều đệ tử, chúng tăng từ xa đến tham phỏng cũng đông. Một hôm ông dẫn một thiếu nữ về phòng, đóng cửa lại , rất lâu mà không thấy ra. Đệ tử bàn cãi xôn xao, sư phụ dẫn gái vào phòng thật đáng nghi, lại sợ tín chúng biết được đồn đãi khắp nơi. Một đệ tử nhịn không được chạy đến phòng sư phụ, nhìn qua cửa sổ thấy thiếu nữ lộ bán thân, lưng trần nõn nà, tóc huyền xõa ngang vai, sư phụ đang xoa lưng nàng. Người đệ tử nổi giận, đạp cửa xông vào hét lớn:
- Sư phụ, sao dám làm chuyện này?
Thiếu nữ bị tiếng hét thất kinh ngoảnh mặt lại nhìn. Người đệ tử đứng xững, nói không ra lời. Thì ra thiếu nữ bị cùi, mặt mũi không còn nhân dạng, sư phụ đang thoa thuốc cho nàng.
- Chuyện này ngươi làm lại càng tốt.
Vừa nói thiền sư vừa đưa lọ thuốc cho đồ đệ. người đệ tử hổ thẹn, hối hận quỳ ngay xuống tạ tội.
 (Nhất vị Thiền, quyển Hoa)
Chính mắt nhìn thấy cũng chưa chắc đã là sự thật.

859.  Xem kinh.
Triệu Châu hỏi một ông tăng:
- Một ngày xà lê xem bao nhiêu kinh?
- Bẩy, tám hoặc mười quyển.
- Xà lê chẳng biết xem kinh.
- Hòa thượng một ngày xem bao nhiêu kinh?
- Lão tăng một ngày chỉ xem một chữ. 
 (Niêm hoa vi tiếu)
Xem kinh không phải là xem nội dung văn tự, đuổi theo mặt chữ; xem kinh là xem đại ý Phật pháp. Do đó xem một chữ là đủ vậy.

860.  Người trong nhà.
Già Da Xá Đa tôn giả (tổ 18 Thiền tông Ấn Độ) muốn vào phòng Cưu Ma Đa La (tổ 19 Thiền tông Ấn Độ). Đa La đóng cửa lại, Xá Đa đứng đợi rất lâu mà cửa không mở, bèn gõ cửa. Đa La trả lời:
- Trong nhà không có người.
- Người nói: trong nhà không có người, là ai?
Đa La bèn mở cửa. 
 (Nhất vị Thiền, quyển Nguyệt)
Trong nhà không có người chỉ là lời nói thác. nếu là người thường thì sẽ hỏi “Nếu ngươi không phải là người thì là giống gì?” Xá Đa chỉ dùng một câu hỏi đủ khiến Đa La phải đi ra. Trong Thiền tông “người trong nhà” có ý nghĩa thâm sâu như câu nói của Đại Huệ “Thiền không ở chỗ tĩnh, không ở chỗ động, không ở chỗ phân biệt, không ở chỗ ứng duyên hàng ngày. Tuy nhiên như vậy nhưng không được xả bỏ chỗ tĩnh, chỗ động, chỗ phân biệt, chỗ ứng duyên hàng ngày, bỗng nhiên mở mắt tất cả đều là việc trong nhà.” Đối với người giác ngộ, trong nhà ngoài nhà đều là cảnh tốt, vì trong ngoài đều là một.

861.  U Thê.
Chư tăng xây thọ tháp cho sư xong, sư dẫn chúng đến xem tháp, vào tháp ngồi và nói:
- Một tháp không phiền hai chủ.
Rồi cáo tịch.
Chúng tăng gọi:
- Hòa thượng trụ thế nhiều năm, không thể ra đi tùy tiện như thế!
Sư bèn theo chúng trở lại. Chủ sự bèn biện trai; sư lại thượng đường bảo chúng:
- Không được gọi là có, cũng không được gọi là không; không biết gọi là gì?
Có ông tăng bước ra thưa:
- Nghe nói hòa thượng có câu: Không được gọi là có, cũng không được gọi là không, không biết hòa thượng gọi là gì?
Sư trân trọng cáo tịch.
 (Minh tâm kiến tánh thoại thiền tông)
Pháp sinh diệt không thể nói là có, cũng không thể nói là không. Sư khi lâm chung đề ra vấn đề này hy vọng tăng chúng thể ngộ sự siêu việt sinh diệt. Chư tăng không ngộ, sư chỉ còn cách trân trọng cáo tịch; do đó tất cả thị phi đều im bặt.

862.  Trúc biếc hoa vàng.
Hoa Nghiêm tọa chủ hỏi Đại Châu:
- Thiền sư vì sao không chấp nhận “Xanh xanh tạp trúc đều là pháp thân, xum xuê hoa vàng thẩy đều bát nhã”?
- Pháp thân không tượng, đáp lại tạp trúc mà thành hình. Bát nhã vô tri đối hoa vàng mà hiển tướng. Không phải vì có hoa vàng tạp trúc mà có bát nhã, pháp thân; cho nên kinh nói “Pháp thân Phật như hư không, ứng vật hiện hình như trăng trong nước. Hoa vàng nếu là bát nhã thì bát nhã cũng như vô tình. Nếu tạp trúc là pháp thân thì tạp trúc có thể ứng dụng, tọa chủ hiểu không?
- Không hiểu ý này.
- Đối với người kiến tánh nói được, không được đều được, tùy dụng mà nói. Đối với người chưa kiến tánh nói tạp trúc liền chấp tạp trúc; nói hoa vàng liền chấp hoa vàng.; nói pháp thân liền chấp pháp thân, nói bát nhã mà không biết bát nhã. Do đó, khởi nên tranh biện. 
(Minh tâm kiến tánh thoại thiền tông)
Pháp thân và bát nhã đều ở khắp nơi. Huệ Trung (trong công án 866) đứng trên lập trường tự tánh (Thể); Đại Châu đứng trên lập trường thể tướng (Dụng). Nói về Thể thì mọi pháp đều thuộc Tánh tông, nói về Dụng thì mọi pháp đều thuộc Tướng tông; quan sát dưới góc độ khác nhưng tánh siêu việt chỉ là một. Do đó Diệu Hỷ nói “Một người được Thể, một người được Dụng. người được Dụng kiến lập trên sự, người được Thể đứng trên lý mà tảo trừ, không thọ một hạt bụi.” Thiền sư tùy nghi nói pháp, không chấp thị phi không quản nói tánh, nói tướng, tùy cơ ứng biến.

863.  Phổ Ân.
Phù Phong Phổ Ân thượng tọa có bài kệ:
返 本 還 源 便 到 家
Phản bản hoàn nguyên tiện đáo gia
亦 無 玄 妙 可 稱 誇
Diệc vô huyền diệu khả xưng khoa
湛 然 一 片 眞 如 性
Trạm nhiên nhất phiến chân như tánh
迷 失 皆 因 一 念 差
Mê thất giai nhân nhất niệm sai.
Thấy  được  tánh  là  về  nguồn  cội 
Lại  không  huyền  diệu  để  khoe khoang
Rõ  ràng  một  phiến chân  như  ấy
Một  niệm  sai  thôi  đủ  lạc  đường.
Sư  tham Thiên Ninh trình sở kiến, Thiên Ninh chấp nhận; lại đến tham Vạn Tùng. Tùng hỏi:
- Từ đâu tới?
- Thiên Ninh.
- Thiên Ninh có lời gì?
Phổ Ân thuật lại, Tùng bảo:
- Không phải! Không phải!
- Thiên Ninh bảo phải sao hòa thượng lại bảo không phải?
- Thiên Ninh phải còn ta không phải.
Phù Ân nghi ngờ không quyết; sau tham Ngọc Chi Tụ thiền sư, kể lại chuyện trên. Tụ bảo:
- Phải, không phải chưa ra khỏi thường tình, cả hai đều phải ăn gậy.
- Thế nào là ra khỏi thường tình?
Tụ giơ một tay lên. Sư ngay đó giác ngộ. Tụ nói:
- Ngươi đã như vậy, hãy khá hộ trì!
Lại đọc cho bài kệ:
莫 學 支 流 辦 濁 清
Mạc học chi lưu biện trọc thanh
是 非 盡 處 出 常 情
Thị phi tận xứ xuất thường tình
鐵 鞭 擊 碎 珊 瑚 月
Thiết tiên kích toái san hô nguyệt
會 看 東 山 水 上 行
Hội khán Đông Sơn thủy thượng hành.
Chớ  lấy  nước  sông  mà  phân  trong  đục
Phải  ra  khỏi  thường tình mọi  thị  phi
Trăng  san  hô  bị  roi  sắt  đập  thì
Mới  thấy  ngọn  Đông  Sơn  đi  trên  nước. 
 (Minh tâm kiến tánh thoại thiền tông)
Công án này thuyết minh tự tánh siêu việt quan niệm thị phi. Câu cuối của bài kệ nếu cứ theo thường lý thì không thể giải thích được.

864.  Trúc biếc hoa vàng.
Một ông tăng hỏi Huệ Trung quốc sư:
- Cổ đức nói:
青 青 雜 竹
Thanh thanh tạp trúc
盡 是 法 身
Tận thị pháp thân
鬱 鬱 黄 花
Uất uất hoàng hoa
無 非 般 若
Vô phi bát nhã

“Xanh  xanh  tạp  trúc  đều  là  pháp  thân
Xum  xuê  hoa  vàng  thẩy  đều  bát  nhã.”

Người không tin cho là tà thuyết; người tin cho là không thể nghĩ bàn. Không biết ý kiến của sư phụ thế nào?
- Đây là cảnh giới của Phổ Hiền và Văn Thù, không phải cảnh giới mà phàm phu và tiểu thừa tin nhận được. 
 (Minh tâm kiến tánh thoại thiền tông)
Lý này hợp với kinh điển đại thừa như kinh Hoa Nghiêm nói: “Pháp thân tràn đầy pháp giới, phổ hiện ở ngay trước mặt chúng sanh.” Tạp trúc không ra khỏi pháp giới sao lại không phải là Pháp thân? Kinh Bát Nhã nói:“Sắc vô biên, bát nhã cũng vô biên. Hoa vàng đã không ra ngoài sắc vậy sao lại không là bát nhã? Lời nói cao xa, nếu không tĩnh thì không nắm được ý. Pháp thân là thể của tự tánh; bát nhã là giác tánh của tự tánh. Thể đã phổ hiện quần sinh, thì giác tánh cũng phổ biến pháp giới. Do đó không ở chỗ nào mà không là một thể, làm sao còn phân biệt chủ khách?

865.   Ngọc trong áo rách.
Có một lần tướng quốc Bùi Hưu đến chùa Đại An, hỏi chư tăng:
- Mười đại đệ tử của Đức Phật, người nào cũng đứng đầu một môn, xin hỏi La Hầu La đứng đầu môn nào?
Chư tăng nhận rằng câu hỏi quá dễ nên đồng thanh đáp:
- Mật hạnh đệ nhất.
Bùi Hưu không hài lòng về câu đáp, liền hỏi:
- Nơi đây có thiền sư không?
May sao lúc đó Long Nha đang trồng rau ở sau vườn, chư tăng mời ông ra. Bùi Hưu lập lại câu hỏi. Long Nha không do dự trả lời ngay:
- Không biết.
Bùi Hưu nghe rồi vui mừng lạy tạ và tán thán rằng:
- Thật đúng là ngọc quý trong áo rách!
 (Tinh Vân thiền thoại)
Chúng ta đều biết La Hầu La là mật hạnh đệ nhất. Đã là mật hạnh thì không thể nói ra. Do đó, Bùi Hưu nhận rằng câu đáp của Long Nha mới là đúng.

866.  Chân, giả.
Đạo Quang hỏi Đại Châu:
- Thiền sư bình thường dụng công là dùng tâm nào để tu Đạo?
- Lão tăng không có tâm nào để dùng, Đạo nào để tu.
- Vậy sao mỗi ngày đều họp chúng, khuyên người tham thiền, tu Đạo?
- Lão tăng trên không mái ngói, dưới không đất cắm dùi, làm gì có chỗ nào để tụ chúng.
- Sự thực thì thiền sư hàng ngày họp chúng luận Đạo, chẳng lẽ không phải là thuyết pháp, độ chúng sao?
- Xin đừng đổ oan cho ta, một lời ta cũng không biết nói, làm sao luận Đạo? Cũng không hề gập một người làm sao độ chúng?
- Vậy là thiền sư vọng ngữ rồi!
- Lão tăng ngay cả lưỡi cũng không có làm sao vọng ngữ?
- Chẳng lẽ khí thế gian, hữu tình thế gian, sự tồn tại của thiền sư và đệ tử, tham thiền, thuyết pháp đều là giả cả sao?
- Đều là thật.
- Nếu là thật thì tại sao thiền sư lại phủ nhận.
- Giả cũng phủ nhận, thật cũng phủ nhận.
Đại Quang đại ngộ ngay lời nói đó. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Nhận thức chân lý có khi dùng khẳng định, có khi dùng phủ định. Tâm kinh nói: “Sắc tức là không, không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều như vậy.” Đó là dùng khẵng định để nhận thức thế gian và con người. Kinh cũng nói: “Không mắt, tai, lưỡi, thân, ý, không sắc, thanh, hương, vị, xúc” đó là dùng phủ định để nhận thức thế gian và con người. Lời của Đại Châu không phải là vọng ngữ vì phủ định tất cả cũng là khẳng định tất cả.

867.  Bảo Phúc.
Thời Hậu Đường, Bảo Phúc sắp thị tịch bảo đại chúng:
- Gần đây khí lực ta chẳng liên tục, đại khái thế duyên gần đứt rồi.
Chúng đệ tử nghe vậy nhao nhao thưa:
- Sư phụ pháp thể hãy còn mạnh lắm!
- Đệ tử chúng con còn cần thầy chỉ Đạo.
- Yêu cầu sư phụ thường trú thế gian vì chúng sanh thuyết pháp.
Đại chúng nghị luận bất nhất, có một đệ tử hỏi:
- Thời hạn đến, sư phụ đi tốt hay ở lại tốt?
- Ngươi nghĩ làm sao mới tốt?
- Sinh cũng tốt, tử cũng tốt; tất cả đều tùy duyên.
Bảo Phúc cười ha hả nói:
- Không ngờ điều ta định nói đã bị ngươi nghe trộm rồi.
 Nói xong kết phu già thị tịch. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Người đời coi sinh là vui, tử là buồn; nhưng dưới mắt người ngộ đạo thì sinh cũng chẳng vui, tử cũng chẳng buồn. Sinh và tử là một thể, hai mặt. Sinh tử tuần hoàn là luật tự nhiên. Không thiếu gì thiền sư nói sinh tử đối với họ vô can như Tông Diễn nói: “Sinh tử của con người ví như bọt nước sinh diệt đều trở về nước.”

868.  Đi ra.
Hoàng Long Huệ Nam hỏi một ông tăng đứng bên:
- Trăm ngàn tam muội, vô lượng pháp môn, tóm lại thành một câu rồi bảo cho ngươi, ngươi có tin không?
- Lời sư phụ chân thành sao con lại không tin.
Hoàng Long chỉ về phía trái bảo:
- Ngươi đi sang bên này.
Ông tăng đi sang phía trái, Hoàng Long mắng:
- Theo tiếng rượt sắc, biết bao giờ mới xong, đi ra!
Một ông tăng khác biết được chuyện liền chạy vào.Hoàng Long cũng dùng câu hỏi trước hỏi ông, ông tăng này đáp:
- Sao dám không tin.
Hoàng Long chỉ tay về phía phải nói:
- Đi sang bên này. 
Ông tăng vẫn đứng yên. Hoàng Long mắng:
- Ngươi đến thân cận ta mà không nghe lời ta, đi ra!
 (Tinh Vân thiền thoại)
Đối với người chưa ngộ thì bên này không đúng, bên kia cũng không đúng; nhưng đối với người ngộ đạo thì sơn hà đại địa đều là Phật pháp. Bảo đi sang bên này, bên này không đúng. Bảo đi sang bên kia, bên kia cũng sai.  Bên này, bên kia đều phải đi ra vì học tăng chưa khế tâm. Giả như  học tăng đi sang trái rồi đi sang phải, sau đó đứng yên ở chỗ cũ không biết Hoàng Long còn có cao chiêu gì nữa?

869.  Không có một pháp nào để được.
Ngưỡng Sơn Huệ Tịch hỏi Song Phong:
- Sư đệ, gần đây ngươi có kiến địa gì?
- Như chỗ đệ biết thì không có một pháp nào để được.
- Vậy là ngươi còn ở trần cảnh.
- Vì sao?
- Ngươi nói không một pháp có thể được là còn một pháp có thể được.
- Đệ chỉ làm được thế, căn chẳng theo trần, tâm chẳng ở cảnh, sư huynh thấy thế nào?
- Sao sư đệ không truy cứu không một pháp có thể được?
Lão sư Quy Sơn đứng bên nghe lời nói đó vui mừng khen:
- Huệ Tịch, câu nói này của ngươi có thể nghi hoặc người thiên hạ.
Song Phong không hiểu nếu đã không một pháp để được làm sao còn truy cứu. Quy Sơn biết tâm ý Song Phong bèn bảo:
- Ngươi chính là người thiên hạ.
 (Tinh Vân thiền thoại)
Sự tu hành của thiền giả là tu hành pháp môn không tu, là chứng quả vị không chứng, bởi vì không tu là chân tu, không chứng là thật chứng.

870.  Phiền não của Phật.
Một tín đồ hỏi Triệu Châu:
- Phật có phiền não không?
- Có.
- Làm sao hiểu được đây? Phật là người đã giải thoát làm sao còn có phiền não?
- Là vì người còn chưa được độ.
- Giả như con tu hành được độ, Phật có phiền não không?
- Có.
- Con đã được độ rồi sao Phật còn phiền não?
- Vì còn tất cả chúng sanh.
- Đương nhiên không thể độ được tất cả chúng sanh vậy Phật vĩnh viễn ở trong phiền não không thể siêu việt?
- Đã siêu việt, thì không phiền não.
- Chúng sanh không được độ hết vì sao Phật lại không phiền não?
- Vì tự tánh của chúng sanh đã độ hết.
 (Tinh Vân thiền thoại)
Phiền não của phàm phu là do vô minh vọng tưởng sinh ra; phiền não của Phật là do tâm từ bi mà ra, từ bát nhã mà nói thì Phật không phiền não.

871. Tâm và tánh.
Một ông tăng đến tham học Nam Dương Huệ Trung quốc sư, hỏi:
- Thiền là biệt danh của tâm. Tâm ở Phật không tăng, ở phàm không giảm, chân như thiệt tánh. Chư tổ Thiền tông gọi tâm này là tánh. Xin hỏi tâm và tánh sai biệt thế nào?
- Khi mê thì có sai biệt, ngộ rồi thì không sai biệt.
- Kinh nói Phật tánh thường còn, tâm thì vô thường sao thầy nói không sai biệt?
- Ngươi chỉ theo lời mà không theo ý. Nước khi lạnh đóng thành băng, khi nóng băng chẩy thành nước. Mê thì kết tánh thành tâm, ngộ thì tâm tan thành tánh.
Học tăng cuối cùng đã hiểu. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Trong Phật giáo tâm tánh có rất nhiều tên như: bản lai diện mục, như lai tạng, pháp thân, thật tướng, tự tánh, chân như, bản thể, chân tâm, bát nhã, thiền. . . mê ngộ tuy có sai biệt, bản tánh thì không khác như dùng vàng chế các đồ trang sức: bông tai, nhẫn, vòng . . . Các đồ trang sức tuy khác nhau nhưng đều cùng là vàng. Tâm và tánh danh tuy khác nhưng đều là bản thể của chúng ta.

872.  Không phải lời ngươi nói.
Văn Yển mới đầu đến tham Tuyết Phong, đến Tuyết Phong trang 
gập một học tăng liền hỏi:
- Hôm nay ông định lên núi có phải không?
- Phải.
- Nhờ ông chuyển giùm một câu cho Tuyết Phong nhưng đừng bảo là ta nói.
- Được.
Ông lên núi, khi phương trượng thượng đường, đại chúng tập họp, ông bước ra nắm lấy tay phương trượng nói: “Lão đầu tử, cổ mang gông sắt sao không cổi ra?”
Ông tăng làm đúng như lời dặn của Văn Yển. Tuyết Phong nghe rồi nắm ngực ông tăng bảo:
- Đây không phải lời ngươi nói.
- Là của con.
Tuyết Phong hét lớn:
- Thị giả! Mang dây thừng và gậy ra đây.
Ông tăng hoảng sợ vội nói lại:
- Không phải lời của con mà là của Văn Yển từ Triết Giang tới bảo con nói thế.
Tuyết Phong bảo đại chúng:
- Các ngươi mau nghênh tiếp vị đại sư của 500 chúng.
Hôm sau Văn Yển đến gập Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi:
- Ông sao được cảnh giới này?
Văn Yển cúi đầu. Từ đó thầy trò tâm tâm khế hợp. Văn Yển lưu lại nơi Tuyết Phong và được Tuyết Phong truyền cho thiền pháp.
 (Tinh Vân thiền thoại)
Trong thiền giới, chân không thể giả, giả không thể chân. Ngộ đạo cân lượng bao nhiêu người sáng mắt nhìn là biết ngay.

873.  Chữ suôi ngược.
Một chú sa di tâm đầy nghi vấn, hỏi Vô Danh:
- Thiền sư, thầy nói người học Phật phải phát tâm phổ độ chúng sanh nay nếu có người ác mất hết cả nhân tính, thì có độ hắn không?
Thiền sư không trả lời ngay mà cầm bút viết một chữ “ngã” ngược trên giấy rồi hỏi:
- Đây là gì?
- Đó là một chữ viết ngược.
- Chữ gì?
- Chữ ngã.
- “Ngã” viết ngược có phải là chữ không?
- Không phải.
- Nếu không phải sao ngươi nói là chữ “ngã”?
- Phải.
- Nếu là phải sao ngươi nói là ngược?
Tiểu sa di không biết đáp làm sao.
- Viết suôi là chữ, viết ngược cũng là chữ. Ngươi nói đó là chữ “ngã”, lại nhận biết là viết ngược. Chủ yếu là ngươi nhận được chữ “ngã.” Trái lại, nếu ngươi không biết chữ thì ta có viết ngược ngươi cũng không biết. Cũng như vậy, người tốt là người, người xấu cũng là người; tối trọng yếu là ngươi nên biết bản tánh của người. Khi gập người ác ngươi có thể nhìn thấy thiện ác của hắn, liền gọi bản tánh hắn ra. Bản tánh đã sáng thì độ không khó. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Người thiện nên độ, người ác lại càng nên độ. Đất bùn càng bẩn thì càng dễ cho hoa sen thanh tịnh; buông dao đồ tể lập tức thành Phật. Cái gọi là thiện ác, suôi ngược chỉ trong một niệm. Thiện, ác là pháp, pháp không thiện ác. Từ bản tánh mà nhìn thì không có người nào là không độ được.

874.  Địa ngục và thiên đường  II.
Một tín đồ hỏi Vô Đức:
- Thiền sư, con học thiền nhiều năm nhưng vẫn không khai ngộ, đối với các kinh điển nói địa ngục, thiên đường rất hoài nghi, ngoài thế gian ra còn chỗ nào là địa ngục, thiên đường nữa?
Vô Đức không trả lời ngay chỉ bảo tín đồ ra bờ sông múc một thùng nước về. Khi tín đồ mang thùng nước đến trước mặt Vô Đức. Vô Đức bảo:
- Ngươi hãy nhìn kỹ mặt nước, có thể phát giác được địa ngục và thiên đường.
Tín đồ lấy làm kỳ quái, tập trung tinh thần xem mặt nước. xem một lúc chẳng thấy gì. Vô Đức đột nhiên dìm đầu ông xuống nước. Ông khổ sở vùng vẫy tưởng chừng sắp hết hơi, thiền sư liền buông tay ra. Tín đồ vừa thở dốc vừa mắng chửi:
- Thầy thiệt thô lỗ, dìm đầu con xuống nước, thầy có biết là con 
khổ sở như đang ở địa ngục không?
- Hiện tại ngươi thấy thế nào?
- Bây giờ có thể hít thở tự do, con thấy sướng như ở thiên đường.
- Chỉ một tý công phu thiên đường, địa ngục ngươi đều đi qua, sao ngươi còn chưa tin có địa ngục, thiên đường. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
 Người chưa đi Âu Châu, không tin có Âu Châu. Đó là vô tri. Nhưng không thể vì vô tri mà phủ nhận sự tồn tại của Âu Châu. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Người thông minh không cần thấy nghe nhưng có thể cảm thọ.
 

875.  Im lặng không lời.
Khi Hoàng Long trú tại Tĩnh Giới Tự, có một lần cùng Động Sơn Viên thiền sư tương kiến. Hoàng Long im lặng, hai người đốt hương ngồi đối mặt từ quá ngọ cho tới thâu đêm. Động Sơn Viên thiền sư đứng dậy nói:
- Đêm khuya rồi, làm phiền thầy nghỉ ngơi.
Nói rồi đi.
Hôm sau, Hoàng Long hỏi thủ tòa:
- Khi ông ở Lư Sơn có biết Động Sơn Viên trưởng lão không?
- Không biết chỉ nghe danh.
Ngừng một lát thủ tòa hỏi:
- Lão sư lần này gập mặt thấy trưởng lão thế nào?
- Kỳ nhân.
Thủ tòa thối lui hỏi thị giả:
- Khi lão sư và ông gập Động Sơn hai người bàn chuyện gì trong đêm?
Thị giả thuật lại hai người ngồi đối mặt không nói gì cả. Thủ tòa hít một hơi dài rồi kêu lớn:
- Thật là nghi giết người thiên hạ. 
(Tinh Vân thiền thoại)
Giữa người với người, dùng lời nói để trao đổi ý kiến. Có nhiều khi càng nói càng hỗn loạn. Thiền bất lập văn tự, thiền sư truyền đạo có lúc nhăn mày, chớp mắt, có khi dùng gậy hét, đánh, cười, mắng đều là dạy trực tiếp như Hoàng Long và Động sơn, hai người tuy không nói nhưng tâm tâm tương ứng, lão thủ tòa hà tất đa nghi, chẳng qua  do đa nghi mới vào được thiền.

876.  Ngươi hãy bảo trọng.
Linh Huấn tham học ở Lư Sơn với Quy Tông.Một hôm động niệm muốn xuống núi bèn cáo từ Quy Tông. Quy Tông hỏi:
- Ngươi định đi đâu?
- Về Lãnh Trung.
Quy Tông từ bi quan tâm:
- Ngươi tham học ở đây 13 năm, hôm nay muốn đi; ta nên vì ngươi mà chỉ thị một chút tâm yếu của Phật pháp, ngươi thu xếp hành lý xong hãy đến gập ta.
Linh Huấn sửa soạn hành lý xong để ở ngoài cửa, vào gập Quy Tông. Quy Tông gọi:
- Hãy đến trước mặt ta.
Linh Huấn bước lại gần. Quy Tông nhỏ nhẹ:
- Trời lạnh lắm, ngươi đi đường phải tự bảo trọng.
Linh Huấn ngay câu nói đó hốt nhiên triệt ngộ.
 (Tinh Vân thiền thoại)
Tâm yếu Phật pháp của Quy Tông là gì? Là từ bi tâm, bồ đề tâm, bát nhã tâm. Nói tóm lại một lời là thiền tâm. Tu học Phật pháp chưa thành mà đã bỏ cuộc là không chịu trách nhiệm đối với chính mình. “Trời lạnh lắm” là một câu quan tâm; “Ngươi hãy tự bảo trọng” là lời khích lệ. Mọi người đều quan tâm đến mình, sao ngươi không tự quan tâm? Linh Huấn cuối cùng đã về nhà nhận thức chính mình. Thiền có khi nói hết thiên kinh vạn luận mà chưa tới bờ bến; có lúc chỉ sơ sài một câu, một động tác mà vào đến tận xương tủy của bản lai diện mục. Lòng từ bi, quan tâm của Quy Tông cũng là do 13 năm tu học và quán chiếu của Linh Huấn. Linh Huấn triệt ngộ là do cơ duyên đã chín mùi. Cơm chưa chín đừng mở vung, trứng chưa thành đừng mổ. Thật không phải là chuyện hư giả.

877.  Nước mắt thiền sư.
Một lần, Không Dã đi hoằng pháp qua một con đường núi. Bỗng nhiên có nhiều thổ phỉ xuất hiện, giơ dao đòi tiền mãi lộ. Không Dã nhìn thấy bỗng nhiên rơi lệ. Bọn thổ phỉ thấy Không Dã khóc thì cười ha hả:
- Lão xuất gia này mật nhỏ!
Không Dã nói:
- Đừng tưởng ta sợ các ngươi mà rơi lệ. Sinh tử ta sớm đã gác qua một bên rồi. Ta chỉ nghĩ các ngươi là những người tuổi trẻ, khỏe mạnh không làm việc gì ích lợi cho xã hội mà lại tụ tập ở đây để ăn cướp. Dĩ nhiên pháp luật và đạo đức xã hội đã không dung tha các ngươi, tương lai các ngươi còn bị sa địa ngục chịu khổ tam đồ. Vì thương các ngươi cho nên ta mới rơi lệ.
Bọn cướp nghe lời, cuối cùng xả bỏ lòng tham dục, sân hận quy y với Không Dã.
 (Tinh Vân thiền thoại)
Có nước mắt bi thương, hoan hỉ, cảm động, cũng có nước mắt từ bi. Nước mắt của Không Dã là nước mắt từ bi, là do tâm từ bi chẩy ra. Bọn cường đạo đã bị những giọt nước mắt từ bi của Không Dã dập tắt lòng sân hận, tà niệm. Người có thiền tâm lấy lòng từ bi, nước mắt từ bi mà rửa sạch tội nghiệp thế gian.

878.  Vả vào mồm.
Có ông tăng gõ cửa. Trần Tôn Túc hỏi:
- Làm gì đó?
- Việc lớn chưa rõ, cần thầy chỉ thị.
- Nơi đây chỉ có gậy.
Sư vừa mở cửa, ông tăng định mở miệng hỏi, sư liền vả vào mồm. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
 “Sự lớn chưa rõ” là chỉ ông tăng tự mình triệt để quán chiếu mà chưa thấy bản lai diện mục, do đó cần thầy chỉ điểm. Tự tánh là phải tự mình thể nghiệm, không ai có thể thay thế cho mình. Cái mà ông thầy có thể giúp được là bảo cho đồ đệ đem tất cả những gì kinh nghiệm, tri thức, quan niệm trong quá khứ trừ bỏ đi, ngay cả hy vọng được vào thiền cảnh cũng bỏ luôn thì mới có thể tương ưng được với tự tánh. Khi ông tăng chưa kịp mở miệng, Trần Tôn Túc đã cho ông một vả mạnh. Trong sát na kinh ngạc ấy có thể ông tăng đã bỏ được tất cả vọng tưởng mà tiến vào ngộ cảnh. Hoặc ít ra cũng giúp ông tăng không nói ra những vọng niệm. Công án này không ghi lại phản ứng của ông tăng cho nên chúng ta không biết được kết quả của cái vả miệng đó thế nào!

879.  Đốn tiệm.
Có ông tăng hỏi Ngưỡng Sơn Tây Tháp:
- Thế nào là đốn?
Sư vẽ vòng tròn chỉ thị. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Đốn giáo là Đạo pháp chỉ thẳng khiến cho người thượng căn trí đốn ngộ Phật quả. Vì vậy đốn giáo không dùng ngôn ngữ giải thích, chỉ có thể tự chứng. Nếu dùng ngôn ngữ thuyết minh sẽ rơi vào tiệm giáo. Trong công án trên nếu ông tăng suy nghĩ về vòng tròn thì không thể nào tìm ra lời đáp vì một niệm động tức càng xa lìa Đạo. Ngược lại, nếu ông tăng bỏ hết vọng tưởng, ngay cả tâm tìm lời đáp cũng vất bỏ thì mới vượt được thế giới nhị nguyên phân biệt của hiện tượng giới, vào thẳng thế giới tuyệt đối bình đẳng của cảnh giới giác ngộ tương ưng cùng với kinh ngiệm nội chứng của lão sư. Lúc đó đáp án sẽ trình hiện: đốn chính là tự tánh tròn đầy vô ngại.
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Tuá Phật TÃƒÆ Nguy cơ trẻ mắc tự kỷ tăng gấp 3 tat トo Ăn chay Thiếu vitamin cũng gây ra chứng đau nửa luan hoi sinh tu co mat dau doc bau khi quyen bang niem tin mu quang nam phap khien chanh phap khong diet o thoi mat 09 gãi 鼎卦 giao Thói gia dinh phat tu chung ta dang tho vi so to phat giao nao duc phat co dam nha tam ly tri lieu vo song Lá sen hang tram ngon nen lung linh dang len cha me vô thường cuoc song day du cac van de Chùa Phú Hòa tặng cơm chay mỗi tháng 2 cot kinh phat giÃ Æ tử lẠng cải gioi thieu tuong phat giup han che toc do va lai bon buoc chuyen hoa muon phien phap khi tu tap trong phat giao Trần Nhân Tông Dụng nhân như dụng Giá tu hanh rot cuoc la gi tá di Giới ham cẩm nang thiền cho bất cứ ai tri moi Lúc giao phap thoi luan khong bien ho hay tien doan chìa Tiêu duyên tiền định lê