...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Một

Hồi thứ 28

Hồi thứ 29

Hồi thứ 30

Hồi thứ 31

Hồi thứ 32

Hồi Thứ 28

 

Tô Bắc Sơn phái người tìm hàn sĩ

Cao Quốc Thái nạn gấp gặp bạn xưa

 

Tế Ðiên đưa Tô Lộc và Phùng Thuận đến cửa Nam huyện Dư Hàng. Thấy bên đường có một tiệm cơm, Tế Ðiên nói:

- Này Tô Lộc, Phùng Thuận, chúng ta vào đây uống vài chén rượu, nghỉ ngơi giây lát rồi hãy đi nơi tiếp.

Hai người gật đầu, cùng bước vào quán cơm, kêu mấy món ăn. Tô Lộc nói:

- Thưa Thánh tăng, chúng ta đã đến huyện Dư Hàng rồi mà Cao tiên sinh chưa biết ở đâu. Khi tìm được Cao tiên sinh rồi, chúng ta cùng uống một bữa no say nhé!

Tế Ðiên nói:

- Bây giờ chúng ta cứ uống rượu trước đi đã, lát nữa sẽ đi tìm kiếp ông ấy. Ðường còn xa lắm mà!

Ba người nói chuyện một lát thì ăn uống đã xong, trả tiềm cơm rồi ra khỏi quán, tiến vào cửa Nam. Ðến một ngã tư, quẹo về hướng Ðông thì phía Bắc con đường chính là nha môn huyện lỵ. Tế Ðiên bươn bả đi thẳng vào trong huyện nha. Tô Lộc hỏi:

- Sư phụ đi đâu vậy?

Tế Ðiên đáp:

- Hai người ở ngoài này chờ ta, ta vào đây kiếm một người.

Tế Ðiên mới bước vào cửa lớn, nghe bên trong có tiếng nạt:

- Nãy giờ sưu tra hỏi cung, mà can sự chẳng chịu cung khai. Vậy tả hữu hãy bày đồ côn kẹp ra, tra khảo Cao Quốc Thái một hồi rồi sẽ hỏi lại.

Tế Ðiên nghe nói cũng bắt rùng mình.

Tại sao Cao Quốc Thái lại lọt vào đây, bị quan nha thẩm vấn như vậy? Trong đó có một ẩn tình.

Nhân vì hôm nọ Cao Quốc Thái xuống khỏi núi Thành Hoàng, nghĩ tới tính lui mãi, muốn bỏ đi qua xứ khác, ngặt nỗi không bà con, lại không nơi nương tựa. Rồi tính trở lại, chi bằng về lại huyện Dư Hàng vẫn hơn. Tự mình đáp thuyền nhỏ cũng là chỗ đồng hương quen biết, tiền đò mất 100 tiền. Ăn uống qua loa về tới huyện Dư Hàng thì 200 tiền cũng vừa đủ. Trong lòng lại nghĩ, bây giờ mình trở về nơi cố thổ, cũng không có chỗ sanh phương. Thứ nhất là không một người thân thích, thứ hai là không một bạn quen. Muốn kiếm chỗ mượn đỡ ít điếu tiền cũng không có!

Ở bên xứ người thì muốn trở về nhà. Ðến khi về đến nhà, phải sống làm sao đây? Có mấy nhà chí thân, cũng có thể cùng ta chia buồn giải muộn. Có mấy người bạn tri kỷ, cũng có thể để cho ta bày tỏ cả tâm can. Thật đúng như lời người xưa đã nói:

Nghèo ở chợ đông có móc đồng

Móc hoài chẳng dính bà con thân

Giàu ở rừng sâu tay xách gậy

Xua hoài không hết bạn vô nhân.

Cao Quốc Thái là một người có chí khí, không muốn cầu cạnh bạn bè, nghĩ tới nghĩ lui, càng nghĩ càng thêm bối rối, chỉ còn nước chết cho xong! Ðịnh đi đến con sông chạy quanh thành nhảy xuống chết cho rảnh. Ðứng bên bờ sông nhìn ghe thuyền qua lại rộn rịp, tự nghĩ rằng: “Chết đây, chết đây! Ta chết rồi vạn sự kể như xong. Sống có lúc, chết có nơi, đây là chỗ tuyệt mạng của ta đây!”. Nghĩ xong lấy đà định nhảy xuống nước, bỗng sau lưng có tiếng nói:

- Bạn ơi, đừng, đừng! Ðừng nhảy xuống sông vội, có tôi đến đây!

Cao Quốc Thái ngoái đầu xem, thấy người ấy mình cao bảy thước, lưng eo vai rộng, đầu đội khăn xanh, y phục màu xanh. Da mặt hơi tía, trong tía ửng hồng, trong hồng lộ tía, mày cong mắt rộng, sóng mũi thẳng ngay, khuôn mặt cân đối, tuổi ngoài đôi mươi.

Người ấy nói:

- Tiên sinh là người đọc sách rõ biết lý lẽ ở đời, cớ sao lại tìm một việc nhầm lẫn đáng tiếc như vậy?

Cao Quốc Thái nói:

- Xin huynh đài đừng hỏi đến làm gì. Trên thế gian này tôi không có đất dung thân, thà chết quách cho xong!

Người kia nói:

- Thưa tiên sinh, tiên sinh có điều gì khó giải quyết, xin nói cho tôi cùng nghe với!

Cao Quốc Thái thấy người ấy thành thật, mới nói:

- Huynh đài tôn tánh chi?

- Tôi họ Vương, tên Thành Bích, cũng là người ở tại địa phương này. Tôi có một cái chành ở bên sông này. Ai có hàng hóa đều đến chành tôi gởi hết. Tiên sinh tại sao lại tìm một việc nhầm lẫn như thế?

Cao Quốc Thái nói:

- Tôi cũng là người ở địa phương này. Nhà tôi ở trong cửa Nam, tôi họ Cao, tên là Quốc Thái. Nhơn vì gia thế suy vi, tôi đưa gia quyến đến Lâm An ký ngụ ở một Ni am. Tôi nghĩ mình làm trai đứng ở trong trời đất, trên không thể giúp vua an dân, dưới không thể bảo dưỡng vợ con, như vậy sống trên đời này uổng quá. Thôi thà chết phức cho xong!

Vương Thành Bích nói:

- Huynh đài ơi, anh là người thông minh, lại bị chính cái thông minh đó gạt gẫm! Cần chi phải coi thường mạng sống như thế? Thôi, chúng mình tìm một quán cơm ăn no bụng đã, rồi tôi sẽ bày cho anh một phương thế làm ăn. Ðừng có nghĩ quẩn làm chi, người ta chết rồi không sống lại được đâu!

Cao Quốc Thái cùng Vương Thành Bích tìm vào một quán cơm kêu mấy món. Ăn uống no say xong, Vương Thành Bích nói:

- Bữa nay trong tay tôi không có một trinh nào hết, cũng không có một tấm ngân phiếu nữa, phải đợi đến ngày mai mới có. Bữa nay anh chịu khó kéo thuyền trước đi nhé!

Cao Quốc Thái nói:

- Tôi là thư sinh, sức trói gà không chặt, làm sao có thể nắm thuyền nổi?

Vương Thành Bích nói:

- Anh ơi, đừng nói như vậy, đến chỗ nào phải theo chỗ đó mới được. Anh không nhớ người xưa có câu thơ như thế này hay sao:

Thân người quân tử có thể lớn có thể nhỏ,

Chí của kẻ trượng phu có lúc duỗi có lúc ngay!

- Hôm nay anh chịu khó đi kéo ghe đi, đợi vài hôm tôi có tiền sẽ đưa anh mua bạc lượng đi rước gia quyến về trước. Anh thấy như vậy có được không?

Cao Quốc Thái nghĩ rằng: “Anh ta với mình là duyên bèo nước mà còn khuyên ta như thế thì ta còn cố chấp lài gì”. Nghĩ rồi bèn nói:

- Huynh đài đã quá yêu tiểu đệ như thế, tiểu đệ xin đi kéo thuyền vậy.

Vương Thành Bích nói: Ừ, phải đấy!

Nói rồi đứng dậy dẫn Cao Quốc Thái ra bờ sông. Nơi đây có một thuyền chất đầy hàng hóa sắp nhổ neo.

Vương Thành Bích nói:

- Quản thuyền ơi, tôi có một anh bạn, để anh ấy kéo thuyền chúng mình với. Nhờ quản thuyền để ý chỉ bảo giùm. Ðến chỗ cất hàng lên vẫn để ý anh ấy kéo thuyền về được quãng nào hay quãng nấy nhé!

Quản thuyền nói:

- Ðược mà, có Vương đại ca gởi gấm, chúng tôi đâu dám xử tệ.

Cao Quốc Thái bèn ở lại chờ. Giây lát thuyền nhổ neo, mọi người đều cầm một khúc cây để kéo. Cao Quốc Thái không biết làm gì, có người đưa anh ta một khúc cây như vậy. Ðương lúc thuyền đi, mọi người đương kéo vừa hò lấy trớn. Cao Quốc Thái lại nhớ trong sách về chương mười ba có đoạn: “Người quân tử ở hoàn cảnh nào, sống hợp hoàn cảnh đó, không muốn vượt quá phạm vi. Ở cảnh giàu sang, sống đúng theo giàu sang; ở cảnh nghèo khó, sống theo nghèo khó; ở chỗ mọi rợ, sống theo mọi rợ; ở cảnh hoạn nạn; sống theo hoạn nạn. Người quân tử không bị mắc mứu vào mà cũng không lấy làm tự đắc mình hơn người”.

Cao Quốc Thái chỉ nhớ đến sách, mặt ngẩn ngơ, mấy người kéo ghe thấy vậy cười rộ. Một ngày nọ, ghe đến Ân Gia Ðộ cất hàng hóa lên. Cao Quốc Thái mệt lử chịu không nổi bèn xuống ghe ngủ vùi. Ngày hôm sau, ghe chở hàng hóa khác trở về. Cao Quốc Thái lại tiếp tục kéo ghe như cũ. Ðến huyện Dư Hàng, ghe vừa ghé bến thì Vương Thành Bích đứng chờ sẵn ở đó.

Vương Thành Bích nói:

- Chắc mấy hôm nay anh mệt lắm hả? Tôi đến đón anh đây. Anh em mình chắc là có túc duyên, ngày hôm nay tôi lại được một bút khoảng 35 điếu nữa. Bây giờ chúng mình hãy cùng nhau ăn uống tí chi đã, lát nữa hãy vào thành mua bạc rồi ngày mai anh đi rước gia quyến về. Bữa nay ta đong rượu, mua thịt về vui nhậu suốt đêm nay mới vừa.

Cao Quốc Thái nói:

- Tốt quá! Tốt quá! Tôi cùng Vương huynh sơ ngộ mà huynh trưởng đãi hậu như thế, tôi thật cảm kích vô cùng!

Vương Thành Bích nói:

Anh em mình là bạn tri kỷ, mới gặp như người quen, anh khách sáo làm gì!

Cao Quốc Thái nghĩ: “Anh bạn này thành thật quá!”. Bèn cùng với Vương Thành Bích đi ăn điểm tâm. Trời cũng đã tối. Vương Thành Bích lấy tiền trao cho Cao Quốc Thái vào thành mua bạc, cầm theo một chiếc bình để đong rượu, mua thịt đem về nhậu. Cao Quốc Thái vào thành mua 50 lượng bạc, đong rượu, mua thịt xong trở về. Nhằm lúc cửa thành sắp đóng, Cao Quốc Thái vừa sắp ra cửa thành thì từ trước mặt có một người chạy lại như bay, hình như có việc gì gấp lắm và đụng phải Cao Quốc Thái một cái xửng vửng. Người ấy vội nói:

- Xin tiên sinh thứ lỗi, tôi vội quá vì có một việc gấp lắm, mới vô ý đắc tội với tiên sinh như thế.

Nói xong, người ấy chắp tay xá dài, rồi lật đật đi ra cửa thành.

Cao Quốc Thái vốn là người văn nhã, tuy bị đụng xửng vửng, nhưng lại nghĩ: “Người ta đụng mình đâu phải cố ý thì chấp làm chi!”. Nghĩ rồi tiếp tục đi ra khỏi thành. Bỗng nhiên sực nhớ lại: Hình như gói bạc của mình bị đụng xóc thì phải? Lấy tay rờ thử thì than ôi, gói bạc không cánh làm bay! Té ra người đụng Cao Quốc Thái chính là kẻ trộm giữa ban ngày. Ban nãy thấy Cao Quốc Thái mua bạc bèn giả bộ đụng Cao Quốc Thái rồi chớp lấy gói bạc đi thẳng. Càng nhớ tới, Cao Quốc Thái càng thấy bối rối thêm: Lát nữa đây gặp Vương Thành Bích, mình sẽ ăn nói ra sao? Chi bằng chết quách cho xong. Ngày hôm kia, ta muốn chết mà không chết được, phải chăng còn lại hai ngày đền tội chưa xong? Thật là “Diêm vương ấn định canh ba chết, nào để người đời sống rốn đến canh năm!”. Nghĩ như thế rồi bèn đến bên bờ sông quanh thành, định nhảy xuống chết phứt cho rảnh.

Tự mình than thở: “Cao Quốc Thái ơi, Cao Quốc Thái! Mạng vận mi toan mãi vẫn không thông. Chẳng dè hôm nay ta lại chết tại chỗ này”. Ðương lúc thở than như thế, lại nghe kế bên có tiếng người hỏi:

- Người đó có phải là ân huynh Cao Quốc Thái đó chăng?

Tiếng nói đó quá gần làm Cao Quốc Thái ngừng bỏ ý định. Người ấy lại nói tiếp:

- Em tưởng anh chết rồi! Tìm kiếm anh khắp nơi mà chẳng biết anh xiêu lạc phương nào, chẵng dè hôm nay anh ở đây!

Người ấy nói rồi chạy đến cúi chào. Cao Quốc Thái nhìn lại mà chẳng nhớ là ai, xem hình như quen mặt nhưng bất chợt chẳng nhận ra, mới hỏi:

- Lão huynh có nhìn lộn người chăng?

Người ấy đáp:

- Huynh trưởng ơi, cả tiểu đệ là Lý Tứ Minh anh cũng không nhớ ra nữa sao?

Cao Quốc Thái nghe qua chợt nhớ, nói:

- À, à, té ra là Lý đệ.

Nguyên Lý Tứ Minh thuở nhỏ nhà nghèo, mẹ góa, ở ngụ cư nơi nhà Cao Quốc Thái. Việc chi dụng hàng ngày đều do Cao Quốc Thái bảo bọc hết. Ðến tuổi học tập, Lý Tứ Minh cũng học luôn ở nhà Cao Quốc Thái. Mẹ Tứ Minh chết, Quốc Thái xuất tiền chôn cất chu đáo. Cao Quốc Thái hỏi Tứ Minh ý muốn học tiếp để làm quan hay thích ra buôn bán. Lý Tứ Minh nói:

Tôi muốn tìm một cửa hiệu để học tập nghề buôn bán tốt hơn, nhà tôi nghèo, đâu đủ tiền của mà theo nghiệp công danh.

Cao Quốc Thái nói:

- Cũng được, để ta tìm một chỗ cho em học buôn bán nhé!

Bèn gởi Tứ Minh vào tiệm gạo Thiên Thành trong thành mà học buôn bán. Tất cả những áo quần, mùng mền đem theo để đi học đều do Quốc Thái chu cấp. Lý Tứ Minh cũng quyết ý học tập, mọi việc đều không nhầm lỡ, chuyên tâm học tập ba năm đã mãn. Chủ nhà đến tiệm kết toán sổ sách, thấy Lý Tứ Minh mọi việc đền cần kiệm, lòng rất vừa ý, bèn tìm một nhà khách mở riêng một tiệm gạo ở Thanh Giang giao cho Lý Tứ Minh coi sóc. Công việc làm ăn rất phát đạt. Chủ nhà không có con trai, chỉ có một cô con gái, bèn đem gả cho Lý Tứ Minh bầu bạn, phụng dưỡng ông bà lúc tuổi già, lại đem một phần gia nghiệp chia cho con rể. Về sau, hai ông bà già qua đời, Lý Tứ Minh coi sóc luôn cả sự nghiệp công danh đó.

Hồi tưởng lại: “Ngày trước nếu không nhờ ân huynh bảo bọc, mình đâu có được sung túc như ngày nay”. Bèn đưa cả gia quyến, thâu thập đồ tế nhuyễn, cùng nhau về chốn cũ, tìm ân huynh Cao Quốc Thái.

Ðến huyện Dư Hàng tìm hỏi, không ai biết Cao Quốc Thái phiêu bạt phương nào! Họ đều nói vì nghèo quá, Cao Quốc Thái dọn đi nơi nào không biết. Lý Tứ Minh than thở không cùng! Bèn mua một ngôi nhà ở ngoài cửa Tây thành, lại mở một tiệm bán lương khô ở ngoài cửa Nam. Hôm nay đang lúc đi trở về nhà, Tứ Minh bỗng gặp Cao Quốc Thái. Hai người gặp nhau, buồn vui lẫn lộn, cùng nhau bày tỏ việc vừa qua.

Cao Quốc Thái nói:

- Lão đệ này, nếu hôm nay anh không bị mất tiền, chắc gì chúng mình gặp được nhau!

Lý Tứ Minh nói:

- Bây giờ anh tới nhà em trước đã, chúng ta sẽ hàn huyên tâm sự.

Hai ngưòi đứng dậy cùng đi, tới trước không xa bỗng Cao quốc Thái đạp phải một vật, cúi xuống đưa tay rờ xem thì là một bó đồ.*

 

Hồi Thứ 29

 

Bạn cũ gặp nhau tri ân báo đức

Tiểu nhân cựu thù lấy oán báo ân

 

Nói về Cao Quốc Thái mở gói ra xem thử, té ra là hai xấp lụa. Dưới ánh trăng tỏ rạng, rõ ràng bốn chữ đề “Hưng Long đoạn điếm” (tiệm lụa Hưng Long). Lý Tứ Minh nói:

- Hai xấp lụa này không phải là của tiệm lụa trong huyện Dư Hàng ta. Trong huyện Dư Hàng chúng ta chỉ có hai tiệm lụa, một tên Thiên Thành, một tên Vĩnh Thuận mà thôi. Tiệm Hưng Long này chẳng biết là ở huyện nào?

Cao Quốc Thái nói:

- Chúng ta đứng ở đây chờ, có ai đến tìm, mình đưa lại cho họ. Nếu đưa đúng chủ nhân thì không hề chi, còn nếu đưa nhầm kẻ bá vơ mạo nhận, người mất của xảy ra tính quẫn, tội nghiệp người ta.

Hai người đứng ở đó chờ một hồi lâu mà chẳng thấy có ai đến kiếm. Lý Tứ Minh nói:

- Bây giờ cũng không còn sớm gì nữa, thôi chúng ta hãy về nhà cái đã. Ðợi đến mai, nếu có người đến tìm, nói đúng thì mình đưa họ, còn nếu không có ai kiếm thì mình viết cáo bạch dán ở bốn cửa thành, cũng không có gì lầm lẫn.

Cao Quốc Thái nói:

- Bữa nay đáng lẽ ta phải trở về gặp Vương Thành Bích mới phải.  Hồi chiều, ta đem tiền đi mua sắm đồ vật và bạc, anh ấy đợi ta trở về để cùng uống rượu đó. Vì mất hết tiền nên ta định tìm lấy cái chết cho xong. Hôm nay ta không trở về đằng ấy, chắc ảnh lại có ý nghĩ không tốt về ta.

Lý Tứ Minh nói:

- Bây giờ anh cứ về đằng nhà tôi trước, rồi sai người đưa thơ về cho ảnh biết. Ngày mai hai anh em ta cùng đến bái yết anh ấy cũng không muộn mà.

Nói xong, hai người cùng rời chỗ, đến nhà Lý Tứ Minh ở cửa Tây, thấy cổng khép hờ bèn đẩy vào. Cao Quốc Thái thấy gần ngoài cổng có ba gian phòng đèn đuốc lù mù, bèn nói:

- Hôm nay tối rồi, ngày mai sẽ vào nhà trong, bây giờ mình vào đây nghỉ chân đã!

Lý Tứ Minh nói:

- Ba phòng này đã cho thuê rồi, mà tôi cũng không đòi tiền phòng, nhân vì tôi hay vắng nhà nên mời một người cùng phường đến ở để hai bên dòm ngó giúp đỡ nhau.

Cao Quốc Thái nghe nói gật đầu. Hai người tiến vào cửa thứ hai, kêu cửa. Bên trong có một bà già đi ra nói:

- A, đại gia đã về!

Lý Tứ Minh nói:

- Bà vô trình với bà chủ hay, hôm nay có ân huynh của ta là Cao Quốc Thái đến thăm.

Bà vú trở vào giây lát, nghe bên trong có tiếng “Xin mời vào”. Hai người bước vào phòng trong. Bên trong lau dọn rất sạch sẽ, từ bên trong Hà thị bước ra chào hỏi ra mắt Quốc Thái. Lý tứ Minh bảo vợ:

- Nàng hãy sửa soạn thức ăn ở phòng Ðông để hai anh em ta nhắm rượu nhé!

Hai ngượi lại sang phòng Ðông, dưới ánh đèn tỏ, giở gói lụa ra xem lại. Lý Tứ Minh nói:

- Hai xấp lụa này, màu sắc thực màu lam ngọc đúng mức, nhưng không biết cửa hiệu Hưng Long này ở chỗ nào? Ngày mai chúng ta niêm yết bá cáo ở bốn cửa thành, nếu có người đến tìm, nói đúng thì đưa lại họ, còn không có ai tới kiếm thì hai ta may mỗi người một cái áo dài mặc chơi.

Cao Quốc Thái nói:

- Phải. Ngày mai hiền đệ hãy thay ta đến cảm tạ anh Vương Thành Bích nhé. Nếu không có anh ấy cứu giúp cho thì giờ này ta đã mồ xanh ra cỏ rồi. Anh ấy thật là một người quân tử, tính tình hiền hậu ngay thực, đối đãi với ta trước sau như một. Thật là một người bạn quý khó tìm!

Lý Tứ Minh nói:

- Vâng. Ngày mai hai ta sẽ cùng đi gặp anh ấy.

Hai người ăn uống xong, ngơi nghỉ.

Sáng hôm sau, hai người vừa rửa mặt, điểm tâm xong, nghe bên ngoài có người hỏi:

- Lý Tứ Minh, trong nhà anh có người tên Cao Quốc Thái phải không?

Tiếp theo, tiếng gõ cửa dồn dập. Hai người lật đật bước ra xem. Ngoài cửa đã đứng sẵn hai vị sai dịch, mang theo bốn tên phổ ky. Hai vị này đầu đội mũ vải xanh nhạt, mình mặc án chẽn xanh, lưng thắt dây bản da, chân mang giày nhẹ, mỗi người trên tay đều cầm côn gỗ, dây xích sắt. Hai vị Ban đầu này, một vị tên là Kim Lăng Thọ, một vị tên là Ðổng Thế Xương. Vừa gặp Cao Quốc Thái, vội hỏi:

- Này, bạn có phải là Cao Quốc Thái không?

Cao Quốc Thái đáp:

- Vâng, chính tôi, hai vị tìm tôi có việc chi?

Nghe xong, vị Ban đầu ấy rút dây sắt trói nghiến Cao Quốc Thái lại. Lý Tứ Minh vội chạy đến can thiệp cũng bị trói nốt. Trói xong, lại hô:

- Bây đâu, lục tìm tang vật!

Họ vào các gian phòng lục xét và tìm thấy hai xấp lụa ở phòng Ðông. Lý Tứ Minh hỏi:

- Ban đầu ơi, tại sao hai ông bắt trói chúng tôi thế này?

Kim ban đần đầu nói:

- Ở đây chúng tôi có tờ trát, lịnh của quan huyện sở tại sức cho bọn tôi phải bắt trói bạn ngay. Hai tôi vô cớ đâu dám bắt trói người lương thiện! Hai anh làm việc gì thì tự hai anh biết lấy, còn hỏi bọn tôi làm gì?

Vị Ban đầu kia nói:

- Dẫn đi mau, đừng nói nhiều lời. Ðến nha môn, các anh sẽ biết.

Nói rồi dẫn hai người mang theo hai xấp lụa về phòng làm việc ở huyện nha. Lúc đó, quan huyện đi đưa đón quan trên chưa về, chờ đến mặt trời xế bóng quan huyện mới về đến nha sở. Vừa về đến, quan huyện lập tức truyền lịnh:

- Chuẩn bị thăng đường!

Ba quan chức sự lật đật tề tựu, đứng xếp hàng chờ lịnh. Tráng ban lo việc thị uy hộ quan đường. Tạo ban coi việc bài trí hiệu lệnh. Khoái ban coi việc thứ tự trình việc bắt trộm đuổi cướp. Ba ban ai lo việc nấy. Huyện quan họ Võ tên Dao Khuê, xuất thân từ khoa bảng, đoán việc như thần, thực thi phép nước, yêu dân như con, lòng những mong toàn huyện đi đường không nhặt của rơi, đêm khỏi cài then cửa. Hôm nay quan huyện thăng đường xử đoán việc công. Bên dưới trình thưa:

- Việc tiệm lụa ở Ân Gia Ðộ bị cướp, bọn cướp đèn đóm sáng ngời, gậy gộc dao kiếm khảo tra chủ nhân, cướp đi 50 tấm lụa và 1.000 lượng bạc. Ðầu đảng là Cao Quốc Thái, chủ oa trữ là Lý Tứ Minh, xin giải trình đại nhân xét xử.

- Hãy dẫn bọn nó vào!

Hai bên dạ ran, lập tức đưa Cao Quốc Thái và Lý Tứ Minh vào quỳ trước huyện đường. Hai người thưa bẩm:

- Kính thưa lão gia, sinh viên Cao Quốc Thái kính xin ra mắt. Tiểu tử là Lý Tứ Minh xin ra mắt lão gia.

Quan huyện ở trên nhìn xuống thấy Cao Quốc Thái văn chất thanh bai, phẩm mạo đoan chính, ngũ quan thanh tú, gương mặt hiền lành không có vẻ gì hung ác cả, bèn hỏi:

- Này Cao Quốc Thái, bọn mi giữa đêm đốt đèn đánh cướp tiệm lụa, đồng lõa có bao nhiêu tên, số lụa cướp được đem về giấu ở đâu? Nói mau!

Cao Quốc Thái nghe nói, vội trình:

- Bẩm lão gia, sinh viên là người học trò, không biết việc cướp tiệm lụa ở Ân Gia Ðộ là thế nào, cả đến việc đốt lửa cầm gậy uy hiếm chủ nhà, sinh viên nào có biết điều chi!

Quan huyện vỗ bàn, hét lớn:

- Cha chả, hỏi nhẹ nhàng mi chẳng chịu khai! Vậy thì bây đâu, đè xuống đập cho nó một trận!

Cao Quốc Thái vộ thưa:

- Bẩm lão gia, xin người bớt giận để tiểu sinh trình rõ: Ân Gia Ðộ đốt đèn cướp của đả thương chủ nhân, việc đó tiểu sinh hoàn toàn không biết. Nếu lão gia đánh khảo gia hình bắt tiểu sinh nhận lấy việc mưu phản đó, tiểu sinh quyết không dám nhận đâu!

Quan huyện nói:

- Theo ta thấy thì chắc chắn là mi đã có quen thân với bọn cướp tiệm lụa bị cướp rồi, ngươi nói không biết, tại sao hai xấp lụa này lại ở trong tay mi?

Cao Quốc Thái nói:

- Bẩm lão gia, hôm qua tiểu sinh tình cờ lượm được gốc cây Tây nam ngoại thành, tiểu sinh định ngày hôm nay dán bố cáo ở bốn cửa thành, nếu có ai đến nhận tiểu sinh cho lại, nào dè lại bị lão gia bắt về đây. Ðó là sự thật xin thưa trình.

Quan huyện nghe nói, cầm hai xấp lụa lên xem và truyền dẫn thủ kho của tiệm Hưng Long là Vương Hải vào. Giây lát, từ bên ngoài, một người trạc ngoại ngũ tuần đi vào. Người này ngũ quan đầy đặn, có vẽ phúc hậu, đến quỳ trước án. Quan huyện bảo sai nhân đem hai xấp lụa cho xem và hỏi:

- Ngươi xem thử hai xấp lụa này là của tiệm Hưng Long bán ra hay bị bọn giặc cướp đi? Việc này rất hệ trọng, ngươi không được hồ đồ nhé!

Vương Hải xem một lát rồi thưa:

- Bẩm huyện quan, rõ ràng hai xấp lụa này bị bọn giặc cướp đi.

Quan huyện nghe nói thế, hỏi:

- Có Bằng cớ gì mi dám bảo hai xấp lụa này bị cướp đi? Hãy nói mau!

Vương Hải thưa:

- Trình bẩm lão gia, đây có bằng chứng rõ ràng. Trong tiệm của chúng tôi, hàng còn treo trên giá chưa bán chỉ có chữ “Hưng Long đoạn kiếm” mà thôi. Nếu có người đến mua lụa, khi mua xong, tiệm chúng tôi mới đóng lên lụa một con dấu đã bán nữa, trên dấu bán có khắc chữ “Sanh tài hữu đạo”. Trên hai xấp lụa này không có khắc con dấu đã bán nên tôi quả quyết là đồ vật bị đánh cướp.

Quan huyện nghe nói, cho người dẫn đi ra. Cao Quốc Thái quỳ một bên nghe không sót một lời.

Quan huyện nói:

- Này Cao Quốc Thái, ngươi nghe rõ hết chưa? Bây đâu, đè Cao Quốc Thái xuống đánh một trận cho ta. Ðánh xong sẽ hỏi tiếp.

Cao Quốc Thái thưa:

- Xin lão gia thương tình xét lại, quả tình hai xấp lụa này tiểu sinh lượm được mà có. Có thể là do bọn cướp đem đi bị đánh rơi rồi tiểu sinh lượm được, chớ nào có bằng chứng gì là tiểu sinh đang đêm đốt đèn uy hiếp chủ nhân cướp của đâu?

Quan huyện nghe nói, nổi giận đập bàn, hét lớn:

- Cha chả, hay cho thằng giặc già hàm, dám ở trước quan đường già hàm cải chày cãi cối! Bây đâu, dẫn chứng nhân ra đây!

Cao Quốc Thái nghe nói có chứng nhân, mặt thất sắc nhìn lên. Bên ngoài dẫn vào một người lạ hoắc. Người ấy độ hơn 20 tuổi, đầu đội khăn xanh rách góc mình mặc áo xanh chẹt, giày xanh vớ trắng, da mặt trắng xanh, đôi mắt ti hí, chiếc mũi củ tỏi dòm xuống cái miệng trẹt, đôi môi mỏng dính. Chiếc đầu cá trê với hai thái dương lõm vào càng làm cho đôi mắt như ríu lại. Té ra người này là Lãnh Hạng Nhị, hiệu là Lãnh Bất Phòng, ở ba gian phòng ngoài của Lý Tứ Minh. Bình thời đến mượn tiền Lý Tứ Minh nhiều lần không được nên có ý thù. Nhà Lãnh Nhị có hai vợ chồng mà nuôi không nổi, vợ phải bỏ đi làm mướn kiếm sống. Anh ta suốt ngày ở nhà một mình tính đủ thứ chuyện làm hại Lý Tứ Minh vì không cho hắn mượn tiền, cho bỏ ghét. Một tối nọ nghe bên nhà Lý Tứ Minh có khách, Lãnh Bất Phòng suy nghĩ: “Bình thường Lý Tứ Minh có mời bạn bè bao giờ, hôm nay chắc có gì hệ trọng đây!”. Hắn ta len lén rình nghe. Thì ra người mới đến là Cao Quốc Thái đang cùng Lý Tứ Minh đi vào nhà. Lãnh Nhị đứng ngoài cửa thứ hai nghe ngóng. Lý Tứ Minh nói:

- Hai xấp lụa của tiệm Hưng Long này, nếu ngày mai không có có ai đến tìm thì hai đứa ta mỗi người may một cái aó bào mặc chơi.

- Lãnh Nhị nghe nói đến chỗ đó, trong lòng thầm nghĩ: “Ta nghe nói tiệm lụa Hưng Long ở Ân Gia Ðộ lần trước bị bọn cướp đốt đèn cầm gậy uy hiếm chủ nhân dọn sạch. Vụ án đó đến bây giờ vẫn chưa tìm ra manh mối. Ngày mai ta đến nha môn, thêm mắm dặm muối, vu cho hắn chứa chấp đồ gian. Thằng cha Tứ Minh này thiệt đáng ghét, ai đời phát tài như thế mà mình hỏi mượn mấy điếu chẳng chịu cho. Lần này thì biết tay ông, để lần sau ông hỏi có dám khước từ không cho biết!”. Sáng hôm sau, Lãnh Nhị lật đật lên dinh quan huyện, hỏi:

- Hôm nay vị Ban đầu nào trực thế?

Có người đáp:

- Hôm nay nhằm Kim Lăng Thọ ban đầu trực đấy.

Lãnh Nhị tìm Kim ban đầu, hỏi:

- Này Kim ban đầu, vụ án nửa đêm đốt đèn cầm gậy cướp của ở Ân Gia Ðộ, mấy ông đã tìm ra thủ phạm chưa?

- Hãy còn đang tra xét.

- Lý Tứ Minh ở phòng Ðông trong viện chúng tôi đang chứa một tên gian dương đại đạo. Hôm qua có tên đầu đảng là Cao Quốc Thái đến ở nhà hắn, hai người bàn luận cả đêm. Tôi nghe rõ hết nên lật đật đến đây trình báo.

- Hay dữ a! Ta sẽ đưa ngươi vào ra mắt quan huyện mới được.

Ðoạn sai người vào trình quan huyện. Quan huyện lập tức thăng đường, dạy đem Lãnh Nhị lên gạn hỏi. Lãnh Nhị đến trước, quỳ xuống trình thưa:

- Bẩm lão gia, tiểu nhân là người mướn phòng nhà của Lý Tứ Minh, thường thấy người có hình tích khả nghi ra vào nhà hắn. Tối hôm qua có tên đầu đảng là Cao Quốc Thái đến ở nhà hắn, khoe nói việc đốt đèn cầm gậy, uy hiếp chủ nhân, cướp của ở Ân Gia Ðộ. Tiểu nhân với bên hắn vốn không thù oán chi, sợ e lão gia điều tra biết được, bắt tội tiểu nhân có việc này lại không trình báo để tặc nhân trốn thoát.

Quan huyện trước tiên sai người lưu Lãnh Nhị lại, rồi phái Kim Lăng Thọ, Ðổng Thế Xương đi bắt Cao Quốc Thái và Lý Tứ Minh về tra xét. Khi hai người đòi bằng chứng bèn bảo dẫn Lãnh Nhị ra.*

 

Hồi Thứ 30

 

Huyện Dư Hàng, thanh quan gặp án lạ

Ân Gia Ðộ, Ðạo Tế bắt tặc nhân

 

Khi Lãnh Nhị được dẫn vào, quan huyện hỏi:

- Này Lãnh Nhị, ngươi nói Cao Quốc Thái đang đêm đốt đèn cầm gậy cướp của, hiện tại đã bắt được ở đây, ngươi nhìn có phải chăng?

Lãnh Nhị thưa:

- Phải đó, bẩm lão gia, người này, hắn cùng Lý Tứ Minh bàn bạc trong nhà, tiểu nhân nghe rõ hết.

Cao Quốc Thái đang quỳ một bên, nói:

- Bẫm lão gia, người này, tiểu sinh chưa hề quen biết bao giờ.

Lý Tứ Minh bò lên một bước, thưa:

- Dám trình lão gia, tên Lãnh Nhị nguyên là người mướn phòng ở chung viện với tiểu tử. Nhân vì hắn không trả tiền phòng, lại mượn tiểu tử mấy lần không trả. Sau này mượn nữa, tiểu tử không cho mới đem lòng thù hận, vu cáo người hiền. Cúi xin thượng quan ra ơn xét lại!

Quan huyện nói:

- Cha chả, ta không nặng tay không được mà. Hỏi han nhẹ nhàng bây không chịu khai, cho nếm mùi đòn bọng, bây có giấu cũng không được nào! Bây đâu! Đè Cao Quốc Thái và Lý Tứ Minh xuống nện một trận rồi sẽ hỏi tiếp.

Hai bên sai dịch dạ ran, sắp sửa áp tới thi hành. Bỗng nhiên có một trận cuồng phong thổi tới công đường cát bụi mịt mù, mắt mở không ra, thấy trên bàn có một tờ giấy, trên đề hai chữ “oan uổng”. Quan huyện không biết là của ai viết, tự mình suy nghĩ, chắc là có nguyên nhân gì đây. Bèn ra lệnh tạm đem Cao Quốc Thái, Lý Tứ Minh giam lại, cả Lãnh Nhị cũng giam lại nốt rồi ra lệnh bãi hầu.

Nguyên lúc Tế Ðiên vừa đến công đường, thấy sự việc như vậy, bèn lấy tay chỉ một cái, cuồng phong ào ạt nổi lên, mọi người mở mắt không được bèn viết hai chữ “oan uổng” để trên bàn rồi đi ra, dắt Phùng Thuận và Tô Lộc ra hướng cửa Tây. Ði được hai dặm, bỗng Tế Ðiên nói:

- Hai người coi kìa, bạc ở đâu ra nhiều thế?

Hai người lập tức lượm lên xem và đồng bỏ vào bọc. Tô Lộc ôm kè kè một gói trước bụng. Hai người đồng nói:

- Không biết bạc ở đâu mà nhiều quá?

Tế Ðiên nói:

- Ðây chắc là có đoàn bảo tiêu hộ tống bạc đi ngang đây bị cướp đành bỏ chạy làm rớt lại. Gặp dịp bạc rơi này chúng ta tha hồ mà xài.

Ba người lại đi tới trước, tới một thị trấn tên là Ân Gia Ðộ. Thị trấn này nằm trên một tuyến đường Nam Bắc nên xe cộ qua lại tấp nập. Mé bên đường, đập vào du khách một bức tường màu trắng lộ rõ mấy chữ đen đại tự “Mạnh Gia lão điếm, cơm cỏ sẵn sàng, phòng ngũ tiện nghi”.

Tế Ðiên dừng ở trước cổng điếm gọi cửa. Bên trong có phổ ky dòm ra thấy một Hòa thượng kiếc, liền hỏi:

- Cái gì thế?

- Mướn phòng đây, mở cửa mau!

- Không có phòng đâu, chật hết rồi.

- Cho một cái phòng xép cũng được mà.

- Cũng không có nữa.

- Ái chà chà, ta mang theo bạc nhiều quá, mà ở đây lại không có phòng trọ, biết tính sao đây?

- Thôi, chờ một chút đi.

Nguyên Mạnh Gia lão điếm này là của Mạnh Tứ Hùng và Lý Hổ làm chủ, hai tên phổ ky một đứa họ Lưu, một đứa họ Lý, lâu nay chuyên hại khách ngụ. Nếu thấy khách lữ hành đem theo nhiều hành lý, rương bị to cộm thì chúng lập tức dùng rượu thuốc mê đánh gục rồi giết người cướp của. Dưới mỗi phòng đều có một địa đạo ăn thông với nhau, vì vậy, bề ngoài điếm này là nơi buôn bán, kỳ thật bên trong là một hắc điếm chuyên cướp của hại người.

Phô ky nghe bên ngoài nói có nhiều tiền, bèn lật đật đến bên cửa dòm ra, thấy ba người mang bạc nặng trĩu, bèn chạy vào nói:

- Này chưởng quỹ, bên ngoài có hai người đi với một ông Hòa thượng, mang theo một bao bạc lớn, muốn mướn phòng trọ.

Mạnh Tứ Hùng nói: Sao mi không mời họ vào?

- Tôi lỡ nói với họ là hết phòng rồi.

- Mi ra nói với họ như vầy: Chưởng quỹ chúng tôi nghe nói quý vị mang bạc đi đường xa, gặp thời buổi nhiễu nhương này rất nguy hiểm. Rủi ro gặp giặc cướp thì mất tiền bỏ mạng như không. Chưởng quỹ tôi là người hay làm phước, thuận cho quý vị thuê một phòng tạm ngụ qua đêm, xin quý vị an tâm chớ đi nơi khác.

Phổ ky nghe rõ, quay mình ra mở cửa, thấy ba người vẫn còn đứng chờ, bèn nói:

- Thôi, quý vị khỏi đi đâu kiếm nữa!

Tế Ðiên hỏi:

- Chưởng quỹ của nhà ngươi nghe rồi, thuận cho bọn ta mướn một phòng, sợ bọn ta đem bạc đi mất phải không?

- Phải đó!

- Vậy thì ngươi đi trước dẫn đường đi!

Phổ ky đi trước dẫn đường. Tế Ðiên ba người bước theo vào cửa điếm, thấy trước mặt có một bức tường chắn ngang, phía Ðông là phòng chưởng quỹ, phía Tây là nhà bếp, bên trong đó phía Ðông là một phòng ngụ, phía Tây cũng một phòng ngụ, phía chánh Bắc là một phòng hạng nhất. Tế Ðiên đứng giữa nhà không chịu đi, hít hít mũi, nói:

- Trong nhà này hình như có mùi lạ.

Phổ ky nói: Có mùi gì đâu?

- Có mà, hình như là mùi ăn cướp.

- Hòa thượng đừng nói giỡn vậy chớ! Các vị ở phòng thượng hạng nhé!

- Ðược, phòng thượng hạng mát mẻ, tám mặt đều ăn thông.

- Nhưng mà ở đó không có cửa sổ dán giấy. Xin mời, xin mời quý vị.

Hòa thượng cùng Tô Lộc, Phùng Thuận lên phòng thượng hạng ở phía Bắc. Trong phòng, sát vách có một cái lò sưởi, dựa cửa sổ là một cái bàn bát tiên với hai chiếc ghế. Phùng Thuận và Tô Lộc mệt quá, gặp ghế liền ngồi xuống nghỉ ngay. Phổ ky trước hết đem nước rửa mặt rồi mới bưng vào một bình trà, hỏi:

- Ba vị có muốn dùng cơm không?

Tế Ðiên nói:

- Ngươi dọn cho bốn đĩa, thức ăn đủ loại: chiên xào ram nướng, kèm theo hai hồ rượu.

Tô Lộc, Phùng Thuận nói:

- Bọn tôi không uống rượu đâu, buồn ngủ quá, chỉ muốn ngủ thôi.

Tế Ðiên nói: Hai người không uống thì ta uống.

Phổ ky trở xuống nhà, kêu: Bốn đĩa chiên xào ram nướng, hai hồ rượu trắng, kha khá mê vào!

Tế Ðiên kêu: Này phổ ky, lại đây, lại đây!

- Hòa thượng còn cần thứ chi?

- Ngươi kêu cho ta hai hồ rượu trắng, mê vào kha khá nhé!

Phổ ky nghe nói, cả kinh nghĩ thầm: “Bộ ông Hòa thượng này là người trong nghề sao mà biết vậy cà? Nếu không phải, làm sao ổng biết được tiếng lóng giang hồ?”. Nghĩ rồi liền hỏi:

- Hòa thượng ơi! Ông nói cái gì mà mê vào kha khá?

- Ngươi không hiểu à? Nếu không hiểu để Hòa thượng cắt nghĩa cho nghe.

- Tôi  thiệt không biết.

- Ngươi vừa mới nói mê vào kha khá đó mà, sao lại hỏi ta? Ta hỏi ngươi nè, ngươi nói “mê vào kha khá” là nghĩa làm sao?

Phổ ky nghĩ: “Phải rồi, hồi nãy mình mới kêu đây mà, sao lại hỏi Hòa thượng!”. Bèn nói:

- Hồi nãy tôi nói “mê vào kha khá” là bảo đem rượu ngon cho Hòa thượng đó!

- Ừ, ta cũng nói rượu ngon đó, ngươi hãy đi lấy đi!

Phổ ky đi ra một lát, đem rượu vào. Tế Ðiên bèn nhắm một mắt, mở một mắt, nhìn xiêng nhìn xéo, nhìn tới nhìn lui vào bầu rượu. Phổ ky hỏi:

- Hòa thượng ơi, ông kiếm cái gì vậy?

- Ta nhìn xem “nó” nhiều hay ít. Này Lưu phổ ky ngươi họ gì?

- Hòa thượng đã biết họ tôi họ Lưu rồi mà còn hỏi.

- Ta xem ngươi có vẻ dễ thương, chắc là tụi mình có duyên với nhau từ kiếp trước. Nè, lại đây, lại đây, uống với ta một chén rượu nhé!

- Không được đâu! Tôi một giọt cũng không dám uống, hễ có rượu vào là lăn quay, nhân sự bất biết.

- Thì uống chút chút thôi, một chén cũng được mà!

- Cũng không được đâu! Nếu chưởng quỹ biết được tôi uống rượu với khách, ngày mai sẽ đuổi cổ tôi ngay.

- Ngươi không uống rượu này, ta càng thêm nghi, hình như trong rượu có thêm cái chi chi ấy. Ngươi không uống, ta cũng không uống!

- Hòa thượng ơi, ông uống rượu hay không, đâu có dính dáng gì đến tôi. Nếu tôi uống với ông, chưởng quỹ tôi biết được thì rầy rà lắm.

- Cứ uống một miếng đi, có sao đâu mà! Có chết con ma nào đâu mà sợ!

- Thôi để tôi đem rượu hâm nóng lại cho Hòa thượng uống, nãy giờ rượu đã nguội hết rồi.

Phổ ky cầm hồ rượu đến phòng chưởng quỹ, nói:

- Chưởng quỹ ơi, ông Hòa thượng này thật cổ quái. Ðem rượu tới, ông kêu tôi uống, tôi không uống, ông cũng không chịu uống, để tôi đem đổi trước một hồ rượu không có thuốc mê, nếu ổng kêu tôi uống, tôi mới dám uống.

Chưởng quỹ lấy đưa một bình rượu ngon, phổ ky cầm lên phòng, nói:

- Này Hòa thượng, tửu điếm hồi nào tới giờ đâu có lệ phổ ky uống rượu với khách, ông kêu tôi uống, tôi phải xin phép rồi mới dám uống.

- Ngươi đem rượu nóng lên đó phải không?

- Phải, rượu nóng đây, Hòa thượng.

Tế Ðiên ngửa cổ uống một hơi cạn ráo, rồi cầm hồ rượu có thuốc mê đưa cho phổ ky, nói:

- Ngươi uống hồ rượu này đi!

Phổ ky tức giận, bỏ ra ngoài. Tế Ðiên nói:

- Người không uống, ta cũng không uống, uống rượu một mình đâu có ngon.

Bèn ăn hết mấy đĩa thức ăn, bảo phổ ky bưng dọn rồi đóng cửa, lên giường nằm ngủ.

Phổ ky xuống nhà dưới nói với chưởng quỹ:

- Này chưởng quỹ, trong ba người khách này, đáng gờm nhất là ông Hòa thượng khùng khùng đó. Lát nữa có ra tay phải để ý cẩn thận ông ấy mới được.

Lý Hổ nói:

- Không hề chi, lát nữa ta kêu Lý phổ ky cầm dao lên đó, còn mi cứ ở dưới này ngơi nghỉ, khỏi phải lo lắng chi hết.

Lưu phổ ky gật đầu ưng thuận.

Chờ đến canh ba, Lý phổ ky cắp dao hăm hở lên phòng Bắc. Lấy dao nạy chốt cửa phía trên bật ra, lấy tay xô thử, cửa không nhúc nhích. Coi lại chốt cửa trên đã dính lại như cũ.

Phổ ky kêu thầm: Lạ thiệt!

Lại nạy chốt cửa trên bật ra, xô thử, vẫn không nhúc nhích, thì ra chốt dưới lại liền vo. Phổ ky bèn lại bên cửa sổ, xoi một lỗ nhìn vào, thấy bên trong ba người ngủ say như chết, tiếng ngáy pho pho. Phổ ky lại nạy cửa một hồi nữa, cứ nạy trên hít dưới, nạy dưới hít trên, tháo mồ hôi hột vẫn không mở được. Sốt ruột, hắn chạy qua phòng phía Tây, nơi đó có một địa đạo ăn thông lên phòng trên. Lý phổ ky cuốn bức tranh lên và xê dịch chiếc bàn, để lộ một địa đạo vào người đi lọt. Lý phổ ky định khom mình bước xuống, liền cảm thấy cứng đờ, nhấc chân lên không được.

Chưởng quỹ Lý Hổ ngồi ở phòng chưởng quỹ đợi mãi chẳng thấy Lý phổ ky trở lại, bèn bảo Lưu phổ ky đi dò xét xem sao. Lưu phổ ky cắp một ngọn dao đi lên phòng trên, thấy cửa vẫn đóng chặt, cũng không biết Lý phổ ky đi đâu. Lưu phổ ky liền thẳng qua phòng thượng hạng phía Ðông, ở đó cũng có một địa đạo thông qua các phòng trên, hắn đến xê dịch cái bàn, cuốn bức tranh lên, định theo đó xuống địa đạo, nào ngờ vừa bước xuống bỗng thấy mình mẩy cứng đờ, không nhúc nhích được.

Lý Hổ và Mạnh Tứ Hùng ngồi đợi sốt cả ruột mà chẳng thấy hai tên phổ ky trở lại, bèn nóng lòng, mỗi người cắp một cao dao bén chạy lên phòng thượng hạng. Ðến nơi thấy cửa vẫn đóng im ỉm, cũng không biết hai tên phổ ky đi ngã nào! Lý Hổ lấy dao nạy cửa, đi vào phòng trong. Ðịnh thần nghe ngóng, bên trong phòng vang ra tiếng ngáy như sấm. Vén rèm cửa sổ ra xem thấy Hòa thượng nằm ngủ day đầu về hướng Nam, kê gáo dừa sát tấm rèm che cửa hầm, còn hai người kia ngủ say như chết. Lý Hổ nghĩ thầm: “Ba người này thiệt tới số!”. Khoa chân bước tới, giơ dao nhắm đầu Hòa thượng định bổ xuống, bỗng thấy Hòa thượng nhe răng cười một cái. Lý Hổ giật mình nhảy lui một bước, quay mình định chạy. Nghe Hòa thượng vẫn  ngáy pho pho như cũ, Lý Hổ lại nghĩ: “Chắc là ổng đang chiêm bao! Nhưng tại sao mình bổ xuống, ổng lại nhăn răng ra cười?”. Bán tính bán nghi hồi lâu, rồi lại tiến gần, đưa dao bổ mạnh xuống. Dao xuống nửa chừng, người cứng ngắc như trời trồng! Tế Ðiên đã dùng phép định thân giữ chặt hắn lại. Mạnh Tứ Hùng đứng ngoài chờ mãi không được, ghé mặt vào nhìn thấy Lý Hổ giơ dao lên mà không chịu chém xuống, lật đật nhảy vào phòng, thò tay nắm chặt cán dao định rút…*

 

Hồi Thứ 31

 

Bắt kẻ cướp, án oan mới giải tỏa

Thi thuật tà, Diệu Hưng tính chuyện xằng

 

Mạnh Tứ Hùng nhảy tót vào phòng, rút dao ra định giết Tế Ðiên, nào ngờ La hán xoay mình lấy tay chỉ một cái, miệng niệm “Án ma ni bát mê hồng, án sắc lịnh hích”, dùng phép định thân giữ chặt hắn lại. Ðoạn chạy tới đánh thức Tô Lộc và Phùng Thuận dậy, miệng hô hoán lên:

- Làng xóm ơi, ăn cướp, ăn cướp, ăn cướp muốn giết người!

Hô xong, mở cửa phòng chạy mất.

Tô Lộc và Phùng Thuận mở mắt ra, thấy có hai người đứng trước mặt giơ dao ra sáng giới, lật đật tuột khỏi giường, nhảy xuống nhà dưới hô hoảng:

- Ăn cướp, ăn cướp! Muốn giết người! Cứu tôi với, cứu tôi với!

Ðang lúc quan binh tuần tra bên ngoài vừa đến, nghe trong điếm hô “Ăn cướp, ăn cướp”, vị Thiên tổng của địa phương là Lưu Quốc Võ đem 20 quan binh ập vào bắt cướp. Nhân vì lúc trước ở tiệm lụa Hưng Long bị bọn giặc cướp đốt đèn cướp của, cướp đi 50 xấp lụa, 1. 000 lượng bạc, đến nay vẫn chưa tìm ra tông tích thủ phạm. Hôm nay nghe la “ăn cướp”, bèn vội sai binh lính bắc thang trèo qua cửa sổ, vào trong nhà, mở cửa lớn để quan binh vào tra xét. Khi cửa lớn mở ra, Lưu lão gia từ bên ngoài ập vào, hô bắt Tô Lộc trói lại.

Tô Lộc nói:

- Mấy vị đừng trói tôi, tôi không phải là kẻ cướp. Cướp ở nhà trong ấy. Chúng tôi có ba người tất cả. Một ông già tên là Phùng Thuận và một vị Hòa thượng. Chúng tôi từ Lâm An đến đây tìm kiếm một người, mới vào khách điếm này ngụ qua đêm. Vừa rồi có bọn cướp cầm dao định giết chúng tôi, nên chúng tôi mới kêu toáng lên thế.

Quan binh nói:

- Ðược, thiệt giả thì lát nữa sẽ biết, bây giờ hãy trói ngược lại đã. Lần trước, chúng ta đi bắt cướp tại tiệm lụa, nghe la cũng xông vào. Vừa vào cửa thấy có một người đang la, chúng ta tưởng là chủ nhà nên không giữ lại. Ðến chừng vào tới trong mới hay cả nhà bị trói một chùm, còn ăn cướp thì bỏ chạy mất. Chúng ta chẳng biết làm sao hơn, lần này thì chúng ta không mắc lỡm nữa đâu.

Tô Lộc nói:

- Thì mấy ông cứ vào phòng trong coi mặt bọn cướp rồi tìm hai người cùng đi với tôi và hai tên phổ ky sau.

Binh lính kéo vào phòng trong bắt cướp, té ra là Mạnh Tứ Hùng, Lý Hổ, Lưu Ðại và Lý Nhị. Trước hết tước đao của bọn cướp rồi bắt trói họ lại. Ðoạn chia nhau đi tìm khắp nhà mà chẳng thấy hai người kia đâu. Còn đương lo lắng bỗng nghe dưới tàu ngựa có tiếng rên rỉ. Mọi người đổ xô về hướng đó. Thì ra ở đó có một người đang run rẩy nép sát dưới sàn, kéo ra, quả đúng là Phùng Thuận. Hỏi ra, thì trả lời ăn khớp với Tô Lộc, bèn mở thả cho hai người ra. Lại đi tìm Hòa thượng, mọi người đi khắp các phòng mà chẳng thấy bóng Hòa thượng đâu. Tới chừng đi ngang nhà xí, nghe có tiếng ngáy pho pho, mở cửa ra xem, thấy rõ ràng Hòa thượng đang đứng dựa vách ngủ khò. Phùng Thuận chạy đến lắc vai Hòa thượng, gọi:

- Tế Công, người còn ngủ sao? Quan binh đã đến rồi, cướp bị bắt hết rồi, người hãy dậy đi!

Chỉ thấy Hòa thượng mở mắt, vụt la lên:

- Không xong, không xong rồi! Ăn cướp! Bớ người ta, cứu tôi với!

Tô Lộc nói:

- Có ăn cướp nào ở đâu! Sao mà người ngủ say quá vậy?

- Bị ăn cướp làm ồn quá, nên ta ngủ quên đi mất!

Quan binh nói:

- Thôi, lên phòng lấy đồ của các người đi!

Ba người lên phòng thượng hạng phía Bắc, nhìn lại: những nén bạc chỉ là đá cục.

Tô Lộc nói: Hôm qua là bạc mà sao bây giờ thành đá cục hết trọi?

Tế Ðiên chỉ cười mà không nói.

Quan binh dẫn ba người về nha môn Võ Phiếm. Hỏi lại Phùng Thuận, Phùng Thuận bèn từ đầu đến đuôi kể hết một lượt. Lưu Quốc Võ hỏi đến họ tên của bọn cướp. Xong, đoạn viết một tờ trình, rồi cả bọn luôn cả Tế Ðiên ba người đều giải về huyện Dư Hàng phát lạc.

Nói về huyện Dư Hàng đang khổ sở về vụ án Cao Quốc Thái, không biết phải xử trí như thế nào, kế nghe trình quan Thiên tổng ở Ân Gia Ðộ giải về một vụ án. Truyền dẫn bọn Tế Ðiên vào trước, thấy một Hòa thượng áo quần rách rưới vào đứng sững trước công đường.

Quan huyện hỏi:

- Hòa thượng là người ở đâu? Sao lại đến đây? Thấy bản quan sao chẳng chịu quỳ?

Tế Ðiên cười ha hả, nói:

- Ta là Tế Ðiên Hòa thượng ở chùa Linh Ẩn bên Tây Hồ đây. Nhân vì:

Tây Hồ có tòa Thành Hoàng san

Thanh Tịnh ni cô nhờ giải nàn

Kiếm giùm cháu rể Cao Quốc Thái

Ngờ đâu lại đến huyện minh oan.

Tri huyện nói:

- Té ra là Tế Công mà đệ tử không biết, xin Ngài thứ lỗi. Thỉnh an tọa, an tọa!

Tế Ðiên ngồi xuống, đem câu chuyện trong điểm đầu đuôi thuật lại. Tô Lộc và Phùng Thuận cúi đầu đứng ở một bên. Quan huyện nghe xong bèn truyền lệnh đem bọn cướp vào. Hai bên sai dịch dạ ran. Trước hết dẫn Mạnh Tứ Hùng vào quỳ trước án. Quan huyện hỏi:

- Này Mạnh Tứ Hùng, quán đó phải của nhà ngươi không?

- Dạ bẩm quan, phải!

- Tại sao lại hại người? Mở điếm bao lâu và có bao nhiêu người bị hại? Nói mau!

- Bẩm lão gia, tiểu nhân là người buôn bán, nào dám hại ai đâu! Nhân vì hồi hôm, trong tiểu điếm bị chộn rộn, tiểu nhân bèn cầm dao rượt kẻ cướp. Nào ngờ gặp quan binh đi tuần đêm bắt tiểu trói lại bảo là ăn cướp, quả tình tiểu nhân vô tội.

- Thôi cho ngươi lui, để ta điều tra lại rồi sẽ định.

Quan binh vào, đem việc bắt cướp trình qua một lượt. Quan huyện dạy đem Lý Hổ vào, chẳng cho hai tên cướp gặp mặt. Lý Hổ đến trước quan huyện, quỳ xuống chờ lệnh. Quan huyện nhìn xuống. Tên giặc tuổi ngoài 30, má lộ, mày ngắn, mặt mày hung ác, nhất định không phải là dân lương thiện, bèn hỏi rằng:

- Lý Hổ, vừa rồi Mạnh Tứ Hùng đã cung khai hết rồi, mi còn chần chờ gì nữa mà không chịu cung khai?

Lý Hổ nghĩ thầm: “Hắn đã cung khai hết, mình còn giấu làm chi nữa!”. Bèn nói:

- Dạ, bẩm lão gia, sự việc đã như thế, tiểu nhân cũng xin khai thiệt. Hai tôi vốn là người ở Ân Gia Ðộ, kết bạn từ hồi để chỏm. Quán trọ này cũng do hai đứa tôi hùn vốn, mở tiệm cũng hơn mười năm rồi. Mỗi khi gặp khách thương ngủ trọ mang theo nhiều bao túi lớn, chúng tôi bỏ thuốc mê vào rượu, cho họ mê rồi đi hại người lấy của. Tính lại có ba, bốn mươi người bị hại vì cách làm ăn của chúng tôi. Năm nay, vào ngày 26 tháng trước, có ba người ở Bồng Lai đảo tỉnh Sơn Ðông đến tiệm chúng tôi. Họ toàn là anh em trong giới lục lâm. Ðứng đầu là Tịnh giang thái tuế Châu Ðiện Minh, tháp tùng có hai đồ đệ là Phiên giang quỷ Vương Liêm và Phá lãng quỷ Hồ Phương. Ba người này nhân việc mua lụa mà gây lộn với người của tiệm lụa Hưng Long, rồi mới đến tiệm chúng tôi. Tối lại, họ rủ chúng tôi đi đánh cướp tiệm lụa Hưng Long, cướp 50 xấp lụa, bạc nén 1.000 lượng. Việc cầm dao kề cổ uy hiếp người làm công, có bốn người của tiệm chúng tôi tham dự. Sau khi cướp được đem về, phân chia không đồng đều, Châu Ðiện Minh tức giận bỏ đi. Hôm qua, có vị Hòa thượng đem theo hai người vào trọ trong tiệm tôi, vì thấy họ có nhiều bạc nên chúng tôi sai phổ ky đi ám hại họ, nào ngờ việc không thành, lại bị quan binh bắt được. Sự việc như thế, tiểu nhân cứ việc thưa trình, không dám giấu quanh.

Quan huyện nghe xong, dạy đem Lưu Ðại và Lý Nhị hai tên phổ ky ra tra hỏi. Chúng đều cung khai tất cả. Sau cùng đem Mạnh Tứ Hùng đến đối chất. Hắn đành cúi đầu nhận tội. Sau khi viên thư lại chép lời khai việc đánh cướp tiệm lụa Hưng Long của bốn tên xong, không thấy đề cập đến Cao Quốc Thái và Lý Tứ Minh trong đó. Quan huyện truyền đem Cao Quốc Thái với Lý Tứ Minh thả trước, rồi truyền đem Lãnh Nhị đánh 40 roi, giam lại răn chúng, kế đến đem Mạnh Tứ Hùng đánh 40 côn, cả bọn Lý Hổ và hai phổ ky đều giam vào ngục thất.

Phùng Thuận thấy Cao Quốc Thái được thả ra, vội bước đến xá Cao Quốc Thái và nói:

- Mấy lúc tiên sinh đi đâu? Chúng tôi tìm kiếm mãi mới đến đây.

Cao Quốc Thái mới đem hết sự việc thuật lại. Tế Ðiên thấy việc án đã xong, bèn cáo từ quan huyện. Bọn Cao Quốc Thái kéo nhau đến ra mắt chào hỏi. Lý Tứ Minh nói:

- Trước hết xin mời Tế Công và Cao huynh với hai vị quản gia cùng về nhà tôi nghỉ đỡ rồi ngày mai về sớm.

Tế Ðiên nói:

- Cũng được. Mọi người đang ra cổng phía Tây, Tế Ðiên mới hỏi Cao Quốc Thái:

- Tiền của Vương Thành Bích cho thầy, bị tên nào lấy mất vậy?

Cao Quốc Thái nói:

- Ðệ tử không biết là ai. Thánh tăng biết, xin người từ bi chỉ giùm.

Tế Ðiên cười hà hà, nói:

- Thầy hãy coi kìa!

Bèn lấy tay chỉ một cái, bỗng thấy từ trong ngõ nhà Lý Tứ Minh có một người đi ra. Người này độ tuổi hơn 20, nước da xanh tái, mày ngắn mắt nhỏ, đầu đội mũ rộng, mình mặc ái vải xanh, giày xanh vớ trắng, đôi mắt giống như mắt gà rừng đảo qua liếc lại hai bên.

Lý Tứ Minh nói:

- Ðây là em vợ của Lãnh Nhị, tên là Hạ Nhất Khiêu, lâu nay làm nghề móc túi trong chợ, hắn là tên trộm giữa ban ngày, không việc ác nào từ nan.

Hôm nọ Cao Quốc Thái đổi bạc trong tiệm bị hắn nhìn thấy mới khởi ý gian, giả bộ làm người vào thành, đụng mạnh cho Cao Quốc Thái xiểng liểng, thừa cơ cướp gói bạc đi. Hắn vào sòng bài, thua sạch trong hai đêm. Bữa nay mò đến nhà Lãnh Nhị mượn tiền, nào ngờ hỏi lại hàng xóm mới hay Lãnh Nhị bị mắc việc quan. Ðang lúc trở ra tới ngõ, hắn gặp Lý Tứ Minh và mấy người trở về. Tế Ðiên đưa tay chỉ một cái, Hạ Nhất Khiêu bỗng nhiên nói:

Quí vị coi tôi đây, bữa nay tới hồi trả quả rồi.

Nói rồi, đưa tay vả miệng lia lịa, vừa chạy tuốt ra bờ sông nhảy ùm xuống mất tăm. Hôm sau, người ta vớt xác đem trình, quan địa phương khám nghiệm, trình báo là có một thây đàn ông vô danh chết trôi và cho lệnh chôn cất.

Lý Tứ Minh mời mọi người vô nhà, bày tiệc rượu khoản đãi Tế Ðiên. Cao Quốc Thái nói:

- Này Lý hiền đệ, phiền em đến ngoài cửa Nam tìm anh Vương Thành Bích, đem sự việc này nói ảnh nghe và thay lời ta cảm tạ anh ấy.

Lý Tứ Minh nói: Ngày mai tôi sẽ lo việc đó cho anh.

Rồi mời Tế Ðiên và mọi người nghỉ lại qua đêm. Sáng hôm sau, Tế Ðiên dẫn Cao Quốc Thái, Phùng Thuận, Tô Lộc từ huyện Dư Hàng nhắm đường cái đi về Lâm An.

Ngày kia đến một thị trấn, người qua lại đông vầy, bán buôn tấp nập. Qua một ngã tư, nhìn qua phía Bắc có một tòa cổng lớn, bên trong đắp một toà pháp đài 3 trượng 6 thước, phía bên trên treo giấy màu ngũ sắc chia ra hai bên rõ ràng. Tế Ðiên nhìn thấy bèn án linh quang, vỗ ba cái, nói:

- Lành thay! Lành thay! Hòa thượng ta gặp việc này đâu lẽ khoanh tay làm ngơ!

Nguyên thị trấn này tên là Vân Lan trấn, nhà ở đường Bắc chính là của một viên ngoại họ Lương tên Vạn Thương, gia tư rất cự phú, nhưng dưới gối chỉ có một đứa con trai tên là Sĩ Nguyên. Lão viên ngoại là người ưa làm bố thí, chuyên sửa cầu bồi lộ, cúng thí Tăng đạo, ấn tống kinh sách. Nhân có một lão đạo sĩ ở địa phương khuyến hóa 100 lượng bạc, nói là để sửa chữa điện Phật, và lấy bạc đem đi. Ít ngày sau, lão viên ngoại đi thăm người quen ở đường Tây lại gặp lão đạo sĩ ấy từ viện yên hoa (bình khang) đi ra. Lão viên ngoại trở về nhà nói với gia nhân rằng:

- Té ra lâu nay mình cúng thí tiền của cho mấy cha đạo sĩ về liễu giỡn hoa chơi. Thôi từ nay dẹp chuyện cúng thí đó đi.

Gia nhân là Lương Tu Ðức nói:

- Viên ngoại là người ưa làm phước, địa phương chúng ta mấy năm nay mất mùa, gạo đắt như vàng, sao viên ngoại không nhân cơ hội làm phước thiện, lập một chỗ nấu cháo thí giúp đỡ cho người đói kém nghèo khổ ở địa phương xa gần?

Viên ngoại nghe nói rất mừng, lập tức làm tờ bẩm với quan chức địa phương rồi lựa ngày khai thí cháo. Mỗi ngày, người đến ăn cháo sớm, ăn xong còn được nhận thêm 100 văn, mọi người đồn nhau đến ăn chật cổng. Hơn nửa tháng, ngày nào Lương viên ngoại cũng ở ngoài cửa nhìn mọi người ăn cháo. Một ngày kia, khoảng gần trưa, Lương Sĩ Nguyên đứng chơi ngoài cửa, vừa xem mọi người qua lại. Bỗng thấy từ cửa chính Tây có một lão đạo sĩ đi lại. Vị này tuổi trên 50, đầu đội mão đạo màu xanh, sau lưng giắt một bảo kiếm, tay phe phẩy một phất trần, mặt như màu giấy ô kim, tròng đen ánh màu sáng, mày to mắt lộ, râu ngắn lòa xòa trước cổ. Khi thấy Sĩ Nguyên, lão đạo sĩ liền nảy sinh ác ý.*

 

Hồi Thứ 32

 

Trấn Vân Lan ác đạo tác yêu

Lương Vạn Thương ở hiền gặp lành

 

Lương Sĩ Nguyên đứng chơi trước cửa, bỗng thấy từ hướng Tây đi lại một vị đạo nhân, đứng trước mặt và nói:

- Vô lượng thọ Phật, thiện tai, thiện tai! Bần đạo rảnh dạo tam sơn, nhàn chơi ngũ nhạc, phỏng đạo tầm tiên, khéo xem khí sắc, giỏi đoán cát hung, xem ra tướng mạo công tử ngũ quan đoan chính, quyết định sẽ làm nên nghiệp lớn.

Lương Sĩ Nguyên nghe thế vội cúi mình thi lễ và nói:

- Dám hỏi đạo gia quý tánh là chi? Ở tại danh sơn nào? Tham tu ở động phủ nào? Ðệ tử muốn xin lãnh giáo.

- Bần đạo xuất gia ở Tường Vân quán trên núi Ngũ Tiên cách đây năm dặm về phía Bắc, họ Trương, tên Diệu Hưng, chuyên về tướng pháp.

- Ðạo gia là người giỏi tướng pháp, xin ngài vui lòng xem giùm đệ tử.

Ðạo nhân nghe thật đúng ý mình. Ông ta đến đây cũng có duyên cớ.

Số là sau khi du phương trở về thấy tường vách vẹo xiêu, đại điện trống rỗng, bèn rầy sư đệ là Diệu Thông sao không lo hóa duyên sửa lại, cứ lo đi xin cơm nhà thí chủ hoài. Diệu Thông nói:

- Tôi không thể hóa duyên được, nay có nhà Lương thiện nhơn ở trấn Vân Lan này không chịu ứng duyên nữa, mà lại lập ra lò cháo múc thí cho người nghèo trong vùng. Ấy cũng tại người trong đạo gia chúng ta làm hư việc đó thôi! Trước đây có một vị trong đạo gia chúng ta đến nhà Lương thiện nhơn hóa duyên 100 lượng bạc nói rằng đem về sửa Phật điện, sau đó Phật điện không được sửa mà đem vào chốn yên hoa. Một ngày nọ ông ta từ viện yên hoa đi ra bị Lương viên ngoại bắt gặp, từ đó lão viên ngoại không chịu thí xã cho các Tăng đạo nữa. Tôi còn biết đi đâu khuyến hóa bây giờ!

Diệu Hưng nói:

- Ðược, để ngày mai ta đi. Phen này không khuyến hóa Lương thiện nhơn được, ta chịu phục sư đệ sát đất.

Nghe Lương Sĩ Nguyên nhờ xem tướng số, Diệu Hưng có ý định thi triển “Ngũ quỷ đinh đầu pháp, thất tiễn tỏa dương hầu” để ám hại, bèn bước tới cầm tay công tử mà nói:

- Tướng mạo công tử đây thật tốt vào hàng bậc nhất, mày thanh mắt sáng này đúng là dòng dõi thi thơ lễ nhạc, nhờ tổ tông phước đức sâu dầy, thật là ngọc đẹp trong đá, phụng trong bầy gà, tuy thích ngao du sơn thủy, nhưng bảng hổ vẫn có phần. Ngặt vì quan tinh chưa tỏ lộ, khi quan tinh chưa tỏ, công danh suýt đạt mà không đạt, vận may sắp được mà không thành, khác nào chim hạc bay vút từng mây lại sa vào bụi gai vướng lại, cá kình đang ở ao bùn, chưa gặp nước Tam giang đâu thể cởi vẩy hóa rồng? Công tử hãy đem ngày sinh tháng đẻ nói cho tôi biết, tôi sẽ liệu tìm cách giúp cho.

Sĩ Nguyên tưởng thiệt, nói thật ngày sinh tháng đẻ của mình. Ác đạo Diệu Hưng nghe rồi nhớ lấy, ngầm bắt quyết niệm chú, thừa lúc Lương Sĩ Nguyên không phòng bị, đánh ngang mặt một chưởng, đem ba hồn bắt lấy một hồn, bảy phách bắt đi hai phách (thâu lấy hồn phách). Lương Sĩ Nguyên rùng mình ngã lăn ra đất bất tỉnh. Ác đạo lật đật trở về miếu, bảo sư đệ lấy cỏ khô bện thành một hình nộm, lấy bút son viết ngày sinh tháng đẻ của Sĩ Nguyên rồi dùng 7 cây kim mới ghim vào tim hình nộm. Lưu Diệu Thông là một người trung hậu, thấy vậy bèn hỏi:

- Anh định hại ai vậy?

Trương Diệu Hưng nói:

- Sư đệ đừng có lo, ta chẳng muốn hai ai đâu, ta chỉ ác hóa Lương viên ngoại thôi mà.

Từ đó mỗi ngày Diệu Hưng đều đến Vân Lan trấn. Nhắc lại sau khi Diệu Hưng đi rồi, Sĩ Nguyên ngã lăn ra đất, gia nhân lật đật hè nhau khiêng vào phòng trong. Lương viên ngoại nghe nói, hồn bay ngàn dặm, sợ hãi vô cùng, vì đã 60 tuổi mà dưới gối chỉ có một mụn con trai, nếu lỡ có bề gì, thật là bất hạnh, vội sai gia nhân mời danh y đến để trị bệnh cho công tử. Lương y đến bắt mạch xong lắc đầu nói:

- Hồn phách đã bị bắt mất rồi, uống thuốc cũng vô hiệu.

Viên ngoại lật đật đặt bàn cầu đảo khấn vái, nguyện cho con hết bệnh sẽ hoàn thành đại nguyện. Liên tiếp mấy ngày cầu đảo, bệnh công tử không thấy thuyên giảm chút nào. Ngày kia, sáng sớm viên ngoại ra đứng ngoài cửa xem người đến lãnh cháo mà lòng dàu dàu không vui. Bỗng thấy người đàn bà từ phía Nam đi lại. Trước chị ta có ba đứa trẻ khoảng một, hai tuổi, phía sau chị dắt hai đứa khoảng bảy, tám tuổi, trên lưng cõng một bé trai khoảng ba, bốn tuổi, trước bụng buộc chặt một đứa độ một tuổi. Lương viên ngoại thấy thế, nói:

- Chao ôi! Cái nhà chị này dẫn dắt con cái nhà ai mà nhiều thế! Bây đâu, ra mời chị ấy đến ta hỏi thăm.

Gia nhân đi ra nói:

- Này chị, viên ngoại chúng tôi có lời mời chị.

Chị ta đến trước viên ngoại từ từ thả hai đứa bé xuống đất, cúi đầu chúc phúc:

- Cầu chúc viên ngoại được tam đa cửu khánh, nhiều phước, nhiều thọ, nhiều con cái, phước thọ miên trường.

Viên ngoại hỏi:

- Mấy đứa bé này đều là con nhà chị hết phải không?

Người đàn bà thưa:

- Tôi họ Triệu, nhân vì chồng tôi buôn bán phương xa chưa về, mấy đứa nhỏ này còn bé quá, chỉ biết ăn chứ chưa biết làm, lại gặp mấy năm mất mùa đói kém, mẹ con tôi đến đây nhờ vào phần cháo chu cấp này tạm lây lất qua ngày.

Lương viên ngoại bảo gia nhân:

- Lấy 10 tiền điếu cho mấy đứa trẻ này.

Người đàn bà cúi đầu cảm tạ, cầm tiền ra đi. Lão viên ngoại nghĩ rằng: “Chị đàn bà này dù nghèo khổ nhưng còn có 7 đứa con, về sau chúng lớn lên thật là được việc quá, ta đây dù giàu có bạc muôn lại chỉ có một đứa con mà nay lại mắt bệnh như vầy. Ta nghĩ rằng người ta sống ở đời đều có số mạng cả. Số phải không con, dù cho cầu khấn Phật Trời cũng lại vô ích mà thôi!”.

Ðang suy nghĩ như vậy thì thấy từ hướng Tây đi lại một lão đạo sĩ mình mặc áo bát quái xanh, chân mang giày đen, sắc mặt màu chì với một bộ râu quai nón, sau lưng đeo một thanh bảo kiếm, miệng nói:

- Vô lượng Phật, thiện tai, thiện tai, bần đạo nhàn du tam sơn, dạo khắp ngũ nhạc, mà chưa bao giờ thấy nơi nào xấu như nơi đây.

Lương viên ngoại nghe nói lật đật đi đến chào hỏi:

- Xin mời tiên trưởng, trong nhà tôi phạm phải ngũ quỷ phi liêm sát, mong cầu tiên trưởng làm phước phá giùm cho.

Lão đạo sĩ nghe thấy, nói:

- Viên ngoại phải đưa tôi xem xét thật kỹ mới được.

Viên ngoại bèn đưa đạo sĩ vào nhà, đi xem khắp nơi, sau khi xem xong đạo sĩ vào thư phòng của viên ngoại, nói:

- Ngày mai viên ngoại cho đắp bên trong cửa ngõ một pháp đài cao ba trượng hai thước, trên đó để sẵn một cái bàn bát tiên, một ghế thái sư, lại thêm một bó nhang dài, năm cái lư hương, một tờ giấy vàng lớn, một cây bút mới, một gói bạch cập, một bao chu sa, một chén nước rau thơm nấu bằng nước mưa, một mâm ngũ cốc. Trước pháp đài để sẵn một mớ dây ngũ sắc xanh vàng đỏ trắng đen áng theo năm hướng ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ. Lại để sẵn trên đài năm trăm lượng bạc để ta gieo rải phước đức cho ông. Như thế kiếp sát của nhà này mới có thể giải được. Sau khi giải ngũ quỷ xong rồi sẽ trị bệnh cho công tử.

Viên ngoại nghe nói thế trong lòng rất mừng, vội bảo gia nhân đưa trà đến mời và nói:

- Ðệ tử vô phép xin hỏi quý danh tiên trưởng là chi, hiện tu luyện ở phủ nào?

- Viên ngoại vì bận nhiều việc nên quên đấy thôi chứ tôi vẫn thường đến đây luôn mà. Tôi họ Trương tên là Diệu Hưng, hiện tu ở Tường Vân quán trên núi Ngũ Tiên cách phía Bắc thôn này năm dặm.

- Té ra là người lân cận, tôi thật thất kính quá!

Nói rồi hối gia nhân đãi cơm. Ðạo sĩ lật đật xua tay, nói:

- Viên ngoại bất tất phải bận tâm, để hôm khác tôi sẽ lại quấy rầy. Hôm nay tôi phải về miếu để chuẩn bị một vài việc, ngày mai tôi sẽ đến đây để trừ tai sát cho viên ngoại.

Nói rồi đứng dậy cáo từ. Viên ngoại đích thân đưa ra tận cửa, cung kính vái chào. Sau khi đại sĩ đi rồi, viên ngoại hối bảo gia nhân lập ngay một tòa pháp đài cao và sắm sửa các thứ cần dùng như đã dặn. Mọi người trong nhà gấp rút thi công đến tối mịt các việc mới tạm xong. Ngày kế, mọi người đều ngóng chờ đạo sĩ tới mà không thấy bóng dáng đâu. Cho đến lúc mặt trời đứng bóng, tin tức của lão đạo sĩ chẳng thấy mà lại thấy có một vị Hòa thượng đến gõ cửa.

Nguyên là Tế Ðiên đưa bọn Cao Quốc Thái, Tô Lộc và Phùng Thuận từ huyện Dư Hàng về kinh đi ngang qua đó nhìn lên thấy phía trong cổng có một pháp đài bèn án linh quang biết rõ sự việc, mới nghĩ thầm: “Ðồ nghiệt súc, dám ở đây mà hưng yêu tác quái chứ!”. Nghĩ rồi bèn dặn bọn Cao Quốc Thái:

- Các ngươi ở đây chờ ta một lát nhé.

Tế Ðiên rảo bước thẳng đến cổng lớn thấy mấy người gia nhân đứng ở trước cổng, vội nói:

- Kính chào quí vị, Hòa thượng ta có việc đi ngang đây từ sớm tới giờ chưa có hột cơm nào trong bụng, xin hóa viên ngoại ở đây một bữa cơm làm phước.

Các gia nhân nói:

- Hòa thượng ơi, ông đến trễ rồi, ông hãy nhìn lên cổng chúng tôi không thấy tấm bảng đề “khước từ mọi hóa duyên” hay sao? Viên ngoại chúng tôi trước kia vốn là người thiện tâm rất ưa trai tăng thí đạo, mà bây giờ tăng hay đạo viên ngoài chúng tôi đều không chịu cúng thí nữa, phải ông tới sớm một chút xửng cháo này có thể múc cho ông một phần, bây giờ trễ rồi, ngày mai ông lại đến nhé.

Tế Ðiên nói:

- Hồi sớm tới giờ tôi chưa có hột cơm nào trong bụng, xin quý vị từ bi giúp đỡ giùm.

Có một vị quản gia đứng một bên rất ưa làm việc thiện, thấy Hòa thượng kiếc này có vẻ đáng thương, mới nói:

- Hòa thượng ơi, có một phần cơm canh dành cho tôi mà hồi sáng tới giờ vì trong người không khỏe nên tôi chưa đụng tới, để tôi lấy cho ông nhé.

Nói rồi trở vào đem phần cơm ra cho Tế Ðiên. Tế Ðiên đưa tay ra nhận, lão quản gia vừa rút tay về, Tế Ðiên cũng đồng rút tay lại. “Bốp” một tiếng, cả chén và cơm đều văng tóe ra đất. Lão quản gia nói:

- Cái ông Hòa thượng này, tôi có lòng tốt đem cơm canh trước lo cho ông, tại sao ông lại đánh vỡ bát thế?

Tế Ðiên cười khà và nói:

- Ông cho Hòa thượng ta ăn cơm thừa hả?

- Ông không muốn ăn cơm thừa hả? Vậy chớ ông muối ăn cái gì?

- Ta muốn hả, phải có trái cây tươi roi rói, thịt ướp xào thơm, canh mì ngọt lịm, gà cá thịt vịt đầy bàn, rồi mời Hòa thượng ta ngồi một mình ở chánh vị và kêu viên ngoại các người đứng bồi tiếp một bên, ta mới chịu ăn.

Gia nhân nghe thế nổi giận phừng phừng nói:

- Cái ông Hòa thượng khùng này, mở miệng ra là nói bậy nói bạ! Viên ngoại chúng ta mà đi hầu cơm ông hả, ông có nằm mơ không đấy? Muốn kêu viên ngoại chúng tôi hầu cơm ông họa may ông đầu thai kiếp khác thì có!

Tế Ðiên nói:

- Các ngươi nói có chắc không đó? Hòa thượng ta nếu hóa không được bữa cơm như vậy, ta chịu thua các người.

Nói xong Tế Ðiên hô lớn:

- Có hóa duyên tới đây! Ôi!

Lấy tay vuốt miệng một cái rồi rải vào cửa lớn. Các gia nhân thấy thế bụm miệng cười khúc khích, Tế Ðiên hô liên tiếp ba lần như vậy thì nghe bên trong có tiếng hỏi:

- Bên ngoài có ai làm ồn thế?

Một vị viên ngoại từ trong đi ra. Tế Ðiên nhìn lại, vị viên ngoại này mình cao tám thước, đầu đội khăn viên ngoại, song diệp tiêu diêu có thêu hoa, thân mặc áo đoạn viên ngoại màu xanh lam, chân mang giày quan thấp đế, mặt như cổ nguyệt ba thu, mắt mũi hiền từ, dưới cằm một chòm râu bạc, từ bên trong đang đi tới, muốn thỉnh La Hán trị bệnh cho con mình. Thật là:

Làm phước gây nhơn lành phước hưởng

Gây ác hại người ác quả vương.*

 

 - o0o -

 Hồi thứ 24-27 | Mục Lục | Hồi thứ 33 -37

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính : Tịnh Nguyên, Tịnh Hương, Thanh Tuấn, Bảo Tịnh
Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-07-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

tinh yeu la dem khong gian doi lay thoi gian gãi loi that thi mat long thiện Vua đầu bếp Yan Can Cook nói về Nhà hàng Việt Chay kỷ niệm 10 năm Có mục tiêu sống tốt ít nguy cơ bị Phà trong Chi đức một ngày ト妥 trung tỳ Tu ban chat cua tinh can lam gi de co ket qua hoc tap tot cho sinh vien ap nghi thức cấu y nghia cua bon chu cuu huyen that to tren ban tho Nơi the gioi hien dai va loi tu khong giai thoat 五痛五燒意思 tứ Nước có cồn thực hành hạnh luâ n lời giới thiệu nhân duyên vợ chồng Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ hen suyễn bên hoang khÃƒÆ Nhớ Đèn huỳnh quang giúp tăng giá trị dinh Ä học trùng tang là gì có hay không tu tanh di da ÐÐÐ buÕi 7 cách tránh say tàu xe Ăn bông cải xanh để ngăn chặn ung la m hoa thuong thich tri thu cong duc nghe phap nhin thau la tri hue chan that phan 1 to su nguyen thieu voi hanh tung va thi ke thi hỏa nhap ha khanh an Tết tung kinh dien tu bat kinh hay khong nghiem ve nhan quatu viet chi va viet muc ve dep huy hoang va trang le cua co do sukhothai 10 bài học về kỹ năng tự học từ Ba vị danh Ni tiêu biểu trong tiến noi MÃÅ hu t i Chùa Phú Hòa tặng cơm chay mỗi tháng 2 Bài phật 願力的故事