...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Một

Hồi Thứ 43

Hồi Thứ 44

Hồi Thứ 45

Hồi Thứ 46

Hồi Thứ 47

 

  

Hồi Thứ 43

 

Khéo lấy cung tra rạch ròi án trước

Triệu Phụng Minh khoản đãi Tế Thiền sư

Lý Văn Phương đang liệu lý việc nhà, bỗng có gia nhân báo:

- Thưa lạo gia, hiện bên ngoài có sai nhân của quan huyện Côn Sơn đem lệnh đòi lão gia đến hầu. Ðó là do mợ hai đi báo cáo đó.

Lý Văn Phương nghe nói, đột nhiên nổi giận la:

- Hay cho Triệu Hải Minh lại làm việc tráo trở này! Ông đã không sợ xấu hổ, ta lại sợ sao?

Nói rồi lấy bộ y phục đàn ông ở trong phòng Triệu thị gói lại, cùng với sai nhân đến huyện gia ra mắt Tri huyện:

- Lão phụ đài ở trên soi xét, Hiếu liêm Lý Văn Phương xin kính chào lão quan.

Quan huyện ngước lên nhìn thấy Lý Văn Phương tuổi trạc 30, đầu đội khăn đoạn xanh nhạt, phía trước có khảm một miếng ngọc, dọc rìa khăn chạy kim tuyến lấp lánh. Chiếc áo bào đang mặc màu trái ấu bằng đoạn thêu ba hoa lam phú quý, lưng thắt dây nhung, chân vận quan hài, gương mặt trắng trẻo, chân hình chữ bát, mắt sáng long lanh, ngũ quan thanh tú, toát ra vẻ tinh minh khoẻ mạnh. Quan huyện nói:

- Này Lý Văn Phương, Triệu thị là gì của ngươi? Cô ta đem việc hàm oan ở nhà ngươi báo cáo với ta, ngươi có biết không?

- Bẩm lão phụ đài, vãn sinh biết Triệu thị phạm tội thất xuất, em của vãn sinh mất rồi nên vãn sinh phải thay em viết tờ để vợ, Triệu Hải Minh cũng viết tờ bãi hôn. Ông ấy tình nguyện mang con gái về nhà khỏi phải đưa ra quan để khỏi xấu hổ hai nhà. Nào ngờ Triệu thị nghe lời xúi giục của cha, đến cửa quan đầu cáo tôi.

- Triệu thị phạm tội thất xuất có bằng cớ gì?

- Bẩm lão phụ đài, có bằng chứng hẳn hòi, nếu không có bằng chứng, vãn sinh đâu dám sinh sự lôi thôi. Cô ta là sương phụ thủ tiết tại sao ban đêm lại có đàn ông trần truồng từ trong phòng cô ta chạy ra, bên trong phòng còn có áo quần đàn ông hẳn hoi, vãn sinh có mang tang vật ấy theo, xin lão phụ đài xem xét.

Nói rồi trình gói đồ lên. Quan huyện mở ra xem thấy bên trong có khăn đội đầu, quần, giày vớ đàn ông, bèn hỏi:

- Này Triệu thị, bao đồ này có thấy trong phòng ngươi không?

- Bẩm lão gia có ạ, bao đồ này lấy từ phòng tôi.

- Ngươi là sương phụ thủ tiết, trong phòng ngươi không có đàn ông ra vào mà sao lại có quần áo đàn ông ở trong phòng ngươi thế? Ngươi muốn dùng lời điêu ngoa vu cáo để quấy rối huyện nha hử? Ðại khái phải tang vật ở đâu truy tầm tại đó, vạn nhất nó không chịu khai, bây kéo nó ra vả miệng cho ta!

Triệu thị nghe nói, trong lòng rúng động, nghĩ: “Nếu ta bị đánh đòn tại huyện đường Côn Sơn này thì còn mặt mũi nào nhìn thấy dân chúng Côn Sơn nữa! Hơn nữa, ta chẳng phải làm điếm nhục cho nhà họ Triệu hay sao? Chi bằng ta chết quách cho xong. Ta chết rồi ắt có người khám nghiệm ta, chừng đó đen trắng phân minh, mới rửa được tiếng trong sạch của ta”.

Nghĩ rồi bèn quỳ xuống trước quan huyện, thưa:

- Bẩm đại lão gia, xin đừng gia hình, tiểu phụ có sự tình xin bẩm báo.

- Ngươi nói đi, chỉ cần ngươi nói có tình có lý, bản huyện sẽ không trách phạt ngươi.

Tiểu phụ hết lòng giữ trinh tiết, trong viện không có đàn ông ra vào. Lão gia không tin, xin hỏi người ngủ cùng giường với tiểu phụ sẽ rõ.

Quan huyện nghe nói, trong lòng hơi chột dạ: “Ðã có người ngủ cùng giường với y có lẽ việc này do người khác làm mà y không biết cũng nên”. Bèn hỏi:

- Ai là người ngủ cùng giường với ngươi?

- Ấy là Lý thị, người vú em của Mạc Lang.

Quan huyện cho truyền dẫn Lý thị đến, sai nhân lật đật đi tìm, lát sau dẫn Lý thị về. Trước khi vào huyện đường, Lý thị nói:

- Ðược, mợ hai có nhắc đến tôi hay quá, tôi đương muốn lên trước huyện đường để minh oan cho mợ đây.

Ðến trước quan huyện, Lý thị quỳ lại, thưa:

- Bẩm lão gia, tiểu phụ là Lý thị, xin cúi đầu ra mắt lão gia.

Quan huyện nhìn xuống thấy Lý thị là người tuổi trạc 30, tư dung phong mỹ, áo lam quầh lam đơn giản, chân đi tiểu cung hài, bèn hỏi:

- Này Lý thị, trong phòng của mợ hai ngươi chạy ra một người đàn ông thân thể lõa lồ, y phục của người đàn ông ấy ở trong gói này đây, chắc là ngươi có biết? Chuyện ấy như thế nào hãy thật là khai báo, không can hệ gì ngươi đâu.

- Dạ bẩm đại lão gia, tiểu phụ thật không biết. Ngày hôm qua tiểu phụ xin nghỉ về nhà.

Quan huyện nghe nói vỗ cảnh mộc trên bàn một cái chát, nói:

- Này Lý thị, đừng nói bậy bạ. Bộ muốn ăn đòn hả? Ðương làm vú em mà lại nghỉ, bỏ đi đâu cho đứa bé chết đói à?

Lý thị sợ xanh mặt, nói:

- Xin lão gia chớ giận, tôi có một đoạn sự tình.

Ðoạn day qua hỏi:

- Thưa mợ hai, tôi có thể nói được không?

Triệu Ngọc Minh đáp:

- Chị cứ nói đi, chỉ cần nói đúng sự thật là được.

Lý thị bèn nói:

- Bẩm lão gia, lão gia đã hỏi đến, đâu dám để lâu. Nhà tôi ở ngõ phía Tây cách nhà chủ nhân chúng tôi không xa. Mợ hai tôi lúc trước có mượn bà vú không đủ sữa nên cho nghỉ, tôi hiện ở thời kỳ dậy sữa, chồng đi buôn bán ở ngoài, con gái lại mới mất, ở luôn nhà chủ lại rất tiện. Một hôm mợ hai hỏi tôi: - Này chị Lý, chị không nghĩ à? Tôi trả lời: - Tôi không xin nghĩ, Mạc Lang công tử đang cần nuôi sữa, mợ nên để tôi mang về nhà, nếu mợ không cho đem công tử sẽ bị đói sao? Vì lẽ đó mà hai ngày liến tiếp mợ hai không nói với tôi một tiếng. Sau đó mấy ngày mợ hai kêu tôi nghỉ, tôi không dám trái lệnh bèn xin nghỉ. Mợ hai thưởng cho tôi hai quan tiền và một bao quần áo cũ. Tối lại tôi cho công tử bú no rồi về nhà ngủ. Hôm sau mợ hai tôi cũng kêu tôi xin nghỉ nữa. Tôi nói: - Hôm nay là ngày sinh nhật của đại lão gia, đâu có thể nào nghĩ được? Mợ hai nói: - Chị là người làm trong viện của tôi, đại lão gia cũng đâu có để ý đến làm chi? Cho nên bữa đó tôi cũng xin nghỉ. Mợ hai lại cho tôi ba điếu tiền. Tối hôm ấy lại xảy ra việc ghê gớm mà tôi không biết được! Bình thường mợ hai tôi là người rất nghiêm, không có người nào lộn xộn bước chân vào viện được.

Quan huyện nghe xong bèn hỏi:

- Này Triệu thị, ngươi cho Lý thị nghỉ việc là lẽ gì thế?

- Bẩm lão gia, tiểu phụ là hồng nhan bạc mệnh. Lý thị có chồng đi buôn bán xa mới về nhà, tôi nghĩ là vì đứa con mình mà vợ chồng họ chia cách là điều không phải nên cho phép về nhà. Sự hảo tâm này lại không có người biết, chỉ có trời biết thôi! Nếu lão gia chưa thông cảm đến việc này thì hỏi lại lão phu nhân sẽ tường tận.

Quan huyện nghe nói nghĩ rằng bên trong chắc có sự tình gì đây, bèn nói:

- Này Triệu thị, ngươi đừng có điêu ngoa loạn ngữ, không bị ăn đòn không chịu nói thật đây mà! Bây đâu, lôi nó ra vả miệng cho ta.

Triệu Ngọc Minh ra nói, nghĩ thầm: “Nếu mình đợi đánh rồi mới chết thì còn mặt mũi nào của họ Triệu nữa, chi bằng mình chết trước cho xong”. Nghĩ rồi bèn nói:

- Bẩm lão gia, xin đừng nóng giận, tiểu phụ xin nói lời này.

- Nói đi!

Sau khi tôi chết rồi, ngàn muôn lần xin lão gia hãy cho người khám nghiệm tử thi để sáng tỏ tôi là người trong trắng. Cầu nguyện lão gia công hầu vạn đại. Còn như khi tôi chết, lão gia không cho người khám nghiệm để cho đen trắng nhập nhằng, tôi sẽ theo báo ứng con cháu lão gia mãi mãi!

Nói rồi rút dao ra toan tự vẫn trước huyện đường. Quan huyện ở xa đành lấy mắt ngó, may nhờ có sai nhân ở kế bên lanh mắt lẹ tay giựt dao kịp. Quan huyện bối rối chẳng quyết giải quyết ra làm sao thì nghe bên ngoài chộn rộn, có tiếng la lớn:

- Oan uổng cho tôi quá, người ta cướp của hại mạng. Oan uổng lắm lão gia ơi!

Thừa lúc lộn xộn, quan huyện sai đưa bọn Triệu thị, Lý Văn Phương, Triệu Hải Minh xuống phòng đợi, để phân xử vụ án nhân mạng này rồi hãy tính. Bọn sai dịch vừa dẫn mấy người ấy đi ra thì thấy một vị Hòa thượng níu chặt một người đôi mắt trợn trừng đi riết đến cổng đường. Vị Hòa thượng ấy không ai khác mà là Tế Ðiên Hòa thượng.

Nguyên Tế Ðiên làm bộ giả điên đưa Triệu thị đến gặp quan huyện để minh oan xong, thì bọn Triệu Phước, Triệu Lộc cũng chạy tới. Triệu Phước nói:

- Bạch sư phó, lão nhân gia đừng có nổi điên nữa, chúng ta đi nhé.

Cả bọn đưa nhau đến nhà Triệu Phụng Sơn ở đường phía Nam. Triệu Phước nói:

- Sư phó đứng đây một lát để chúng tôi vào thưa trình đã.

Chẳng bao lâu từ trong đi ra một vị nhị viên ngoại là Triệu Phụng Minh bước ra đón tiếp. Triệu Phụng Minh thấy đứng trước cửa mình một ông thầy chùa quần áo rách rưới không thể tả, trong bụng nghĩ thầm: “Tưởng đâu rước một vị cao nhân nào đến trị bệnh, ai dè lại nhằm ông thầy chùa kiếc”.

Nghĩ vậy cũng miễn cưỡng rước vào trong. Vào đến thư phòng, Triệu Phước, Triệu Lộc dâng thơ lên. Nhị viên ngoại bảo gia nhân hiến trà rồi mở thơ ra xem. Trong thơ rành rành nét chữ quan Thái thú anh mình. Thư rằng:

Ngày tháng như thoi đưa, hết hạ lại đến xuân, kính chúc hiền đệ gia đình hạnh phúc, sung vinh vui vầy. Tiếp được thư em biết được rành rõ tin nhà, mọi việc nhờ em liệu lý, ngu huynh xin cảm tạ muôn vàn. Kế đây cháu xin dâng lên thím lời cầu chúc vạn an. Cháu may mắn nhờ phúc ấm tổ tiên, mong đức thánh thượng mà được bổ nhậm chức Thái thú, vì thế không thể sớm hôm cận kề hầu hạ thím được. Tiếp thư của nhị đệ, cho biết thím ngọc thể không hòa, đôi mắt mờ đi vì bệnh. Ðọc biết tin này cháu thật vô cùng buồn bã, đau xót tâm can, nước mắt đầm đìa. Hiện cháu có mời được Tế Công thiền sư ở chùa Linh Ẩn về trị bệnh cho thím. Tế Công là người tinh thông thuật kỳ hoàng, trị đâu hết đó. Xin thím gấp trị cho mau bình phục.

Cháu có sai hai đứa gia nhân là Triệu Phước và Triệu Lộc đem về mấy nén vàng cân nặng 50 lượng để lo việc thuốc thang cho thím. Ấy là vì cháu mắc tận trung mà không toàn phận hiếu được, xin thím lượng thứ cho!

Cháu bất hiếu Triệu Phụng Sơn dập đầu kính lạy.

Triệu Phụng Minh xem thư xong mới chắp tay thi lễ Tế Ðiên và nói:

- Bạch Thánh tăng, Phật giá quang lâm mà đệ tử không ra ngoài tiếp rước, xin Ngài thứ tội cho. Anh tôi cho mời Thánh tăng về trị bệnh cho thím tôi, không biết Ngài dùng thuốc chi và trị bệnh bằng cách nào?

- Bần tăng đã có diệu pháp.

Nói tới đó thì nghe từ bên ngoài có tiếng bước chân đi vào. Tế Ðiên hỏi:

- Bên ngoài có ai vào đó?

Triệu Phụng Minh cũng hỏi:

- Ai vào đó vậy?

Chỉ thấy từ bên ngoài đi vào một đại hán, đầu cột búi tóc, mặc chiếc quần cũ, vớ trắng giày xanh. Nguyên là một người cục mịch thuê dài hạn để làm việc đồng áng. Tế Ðiên nói:

- Ê, khi khổng khi không ngươi lại lấy trộm giày ta? Vừa bước tới đây là ta đã nghe rồi!

- Anh chàng kia đảo mắt một lượt, nói:

- Hòa thượng đừng nói bậy! Giày của tôi mà ông lại nhìn là giày của ông được à?

- Nhị viên ngoại coi nè, ta từ Lâm An tới đây, mang đôi giày cỏ này làm sao đi xa được. Ta mang đôi giày đó đến đây để lại ngoài cửa đổi mang đôi dép cỏ này, chú ấy mới mang trộm của ta đấy.

- Anh chàng ấy định sừng sộ lại. Tế Ðiên nói:

- Chú này, giày đó của chú hà? Có bằng chứng gì? Nói đúng mới kể là giày của chú được.

- Dưới đế giầy của tôi có 14 cây đinh.

- Dưới đế giầy của ta có 16 cây đinh.

Anh chàng kia bèn lột giày ra đếm, quả nhiên có 16 cây đinh, bèn trở lại muốn ăn thua đủ với Hòa thượng, Triệu Phụng Minh vội can:

- Thôi, để ta cho ngươi hai điếu tiền mua đôi giày khác, đôi giày này để lại cho Thánh tăng dùng.

Anh chàng nọ không dám cãi bèn cầm tiền đi ra.

Triệu Phụng Minh hỏi:

- Bạch Thánh tăng, Ngài cần đôi giày này để làm chi?

Tế Ðiên cười hà hà, nói:

- Muốn trị bệnh cho lão thái thái không có đôi giày này không được đâu!

Và cầm lấy bút kê ngay một cái toa. Triệu Phụng Minh nhìn thấy cũng gật đầu.*

 

Hồi thứ 44

 

Dụ Thang Nhị đến huyện nha hoàn án

Hai công sai bái thỉnh Tế Thiền sư

 

Triệu Phụng Minh hỏi Tế Ðiên về công dụng của đôi giày. Tế Ðiên đáp:

- Ðôi giày này là vị dẫn thuốc, cần phải phối hợp với nhiều vị thuốc nữa, ta biên cho một cái toa, các ngươi theo toa mà kiếm sẵn cho ta.

Gia nhân đem văn phòng tứ bảo lại. Tế Ðiên viết toa xong đưa cho nhị viên ngoại, dặn gia nhân chiếu theo đó kiếm tìm và lấy bao gói đôi giày lại cho cẩn thận. Tế Ðiên bảo Triệu Phước:

- Ngươi lấy bao đồ này theo ta đi kiếm thuốc dẫn, không có vị thuốc này là không xong đâu nhé.

Triệu Phước theo Tế Ðiên ra cổng, Tế Ðiên dặn mấy câu tức thì Triệu Phước đi ngay, còn lại một mình Tế Ðiên vừa đi vừa hát sơn ca:

Ðược tiêu dao hãy cứ tiêu dao,

Người được tiêu dao sướng biết bao!

Giàu sang phước quả nhân đời trước,

Nghèo khó vụng tu chớ trách nào!

Lắm mưu thần chước quỷ,

Khó lọt lưới trời xanh,

Khuyên anh mê muội khéo vượt nhanh,

Mặc ý tiêu dao chân chính hảo,

Trong quán rượu đầy tràn,

Lòng sầu quét sạch ngang,

Trăng sang hoa cười thêm hứng khởi,

Ưu tư nào biết suốt thiên can.

Ca xong cũng vừa ra khỏi cửa Tây.

Tế Ðiên thấy có một người đang vác một bao đồ đi phía trước. Mấy người đi trên đường phố đều trách anh ta:

- Thang Nhị, anh đi đâu vậy? Sao không cho chúng tôi biết để tiễn đưa anh, có việc gì gấp thế?

- Tôi được tin nhà phải về gấp, chừng trở lại chúng ta gặp nhau nhé!

Bị mọi người trách cứ, anh ta cứ một mạch đi thẳng. Tế Ðiên thấy vậy thầm nghĩ: “Phải bắt người này lại mới xong vụ án được!”. Nghĩ rồi bèn theo miết người ấy cho đến bên ngoài cửa thành. Người ta không ngớt ngoái lại, chỉ cần thấy có Hòa thượng. Tế Ðiên càng theo sát gần hơn. Người ấy bèn để bao đồ xuống đất, ngồi lên trên, trong bụng nghĩ thầm: “Cái ông Hòa thượng này đi theo mình chi vậy cà? Mình có quen biết ổng đâu, để coi ổng tới làm gì cho biết?”.

- Tế Ðiên tới rồi cũng ngồi xuống đất, chong mặt về phía anh ta, mắt không chớp nháy. người ấy nổi giận mới nói:

- Này Hòa thượng, ông dòm tôi chi dữ vậy?

Tế Ðiên cười hà hà, hỏi: Chú họ gì?

- Tôi họ Thang, ông hỏi tôi chi vậy?

- Chú khai chú họ Thang, Hòa thượng ta biết ngay chú tên gì rồi hè.

- Tôi tên gì?

- Chú tên Thang Du Lạp (sáp chảy ra).

Người ấy đột nhiên đổi giọng, nói:

- Này Hòa thượng, tôi với ông đâu có quen mà sao ông mở miệng ra là chọc tức tôi vậy.

Nói rồi vùng vằng vác bao đồ lên đi tiếp. Tế Ðiên cũng lục đục đi theo. Ði được hơn một dặm, Tế Ðiên kêu:

- Thang Du Lạp, chờ ta đi với!

Thang Nhị nghe kêu nói thầm: “Cái ông Hòa thượng này đáng ghét, mình không quen biết ổng mà ổng cứ theo chọc tức mình hoài!”.

Ði tới trước không xa gặp một thị trấn nhỏ, có buôn bán đồ lặt vặt, cũng có bán rượu. Thang Nhị nghĩ thầm: “Mình vô quán rượu lai rai hai bầu rượu tránh mặt ông ấy cho rồi. Ông ta là Hòa thượng kiếc làm gì có tiền mà vô quán. Chờ ông ấy đi qua rồi mình tiếp tục lên đường để khỏi nghe ổng kêu Thang Du Lạp, Thang Du Lạp mãi”.

Nghĩ rồi bèn bước vào quán rượu, ngồi vào bàn hỏi:

- Này phổ ky, tiệm anh có bán rượu và cơm không?

- Ở đây chúng tôi có bán rượu, tàu hủ khô, há cảo mà thôi. Anh muốn ăn cơm thì ở cách vách đây có bán, tôi cho anh mượn một cái mâm rồi anh tự đi muôn lấy.

Thang Nhị cầm lấy cái mâm và nói:

- Phổ ky, anh coi chừng bao đồ giùm tôi nhé!

- Không hề gì mà, anh cứ đi mua đi!

Thang Nhị vừa cầm cái mâm đi ra khỏi quán thì thấy Tế Ðiên vén rèm bước vào quán rượu. Thang Nhị trong bụng lấy làm tiếc: “Phải chi mình biết ông ấy tới quán, mình không vô đây làm chi!”. Ðã lỡ cầm lấy cái mâm rồi chả lẽ không ăn uống, bèn đến tiệm cách vách mua một mâm cơm rau. Trở vào quán xem lại thấy bao đồ của mình lót dưới đít Hòa thượng. Thang Nhị thấy rồi không thèm hỏi tới Hòa thượng, lại kêu phổ ky hỏi:

- Hồi nãy tôi nhờ chú coi giùm bao đồ, bây giờ nó ở đâu?

Phổ ky dòm lại thấy Hòa thượng đang ngồi trên bao đồ bèn đến nói:

- Này Hòa thượng, ông đừng ngồi trên bao đồ của người ta, trả cho người ta đi.

- Bao đồ hả, của chú trả cho chú ấy, cái này tôi lượm được thì là của tôi, sao lại phải đưa?

- Ði vô nhà người ta mà lượm cái gì?

Nói rồi cầm bao đồ đưa cho Thang Nhị. Thang Nhị ngồi đối diện với Hòa thượng, mỗi người kêu hai bầu rượu. Phổ ky nói:

- Có há cảo nóng đấy, hai vị có ăn không?

Tế Ðiên nói: Ăn được hả?

Phổ ky đi xuống một lát trở lên nói:

- Há cảo nóng ngon lắm, hai vị cần bao nhiêu?

Tế Ðiên hỏi: Có nóng không?

- Mới ra lò mà làm sao không nóng?

- Nóng hử? Ta sợ phỏng miệng lắm. Ðợi nguội một chút rồi nói cho ta biết.

Thang Nhị nói: Cho tôi 10 cái.

Tế Ðiên thấy Thang Nhị kêu cũng kêu:

- Tôi cũng lấy 10 cái.

Phổ ky chất bánh đem đến hai đĩa, mỗi người một đĩa. Thang Nhị đợi tới trưa mà chưa ăn. Tế Ðiên cầm cái bánh bẻ ra khạc vào đó một miếng đàm rồi bỏ vào miệng nhai tóp tép. Thang Nhị thấy vậy kêu:

- Phổ ky dọn đi, tôi buồn nôn bắt chết đây!

Phổ ky nói:

- Ðại sư phó, thôi đừng chơi dơ nữa, ông ăn như vậy ai mà ăn cho được, gớm bắt chết đi ấy.

- Thôi ta không ăn nữa, bảo anh ấy ăn đi.

Thang Nhị vừa mới ăn, Tế Ðiên bèn cởi giày cỏ ra, lấy bánh nóng nhồi lại trét ở trong giày. Cái nóng xông mùi mồ hôi lên nồng nặc. Thang Nhị tức giận quăng đôi đũa xuống bàn không ăn nữa. Tế Ðiên cũng cầm đôi đũa ném lên bàn, nói:

- Chú không ăn, ta lại ăn hay sao?

Phổ ky đến tính tiền, bảo:

- Hai vị ăn hết 168 văn.

Thang Nhị đem theo có hơn 600 tiền, vừa định móc tiền, bên kia Tế Ðiên hô: “Án sắc lịnh hích!”, thò tay vào lưng lôi ra một xâu hơn 600 tiền. Thang Nhị thấy Hòa thượng lôi ra một xâu tiền, trong bụng nói thầm: “Xâu tiền này là của mình mà!”. Thò tay mò vào lưng quả nhiên không thấy đâu hết. Trong bụng buồn bực nghĩ: “Lạ thật, tiền trong lưng cửa mình tại sao lại chạy qua lưng của Hòa thượng?”. Không nén được, thở dài một cái. Tế Ðiên cầm xâu tiền lên hỏi:

- Xâu tiền này của chú phải không?

- Này Hòa thượng, tiền đó có thể là của tôi, nhưng tôi không cầm đâu, ông cứ cầm đi.

- Không phải vậy đâu, tiền ấy là của ta lượm được. Hồi nãy mới bước vào quán, ta thấy xâu tiền nằm trên đất, ta mới lượm lên cất. Nếu là của chú thì trả lại chú, ta không cần đâu!

Nói rồi cầm xâu tiền đưa ra. Thang Nhị cầm xâu tiền nói:

- Hòa thượng, ông lại là người tốt. Nếu ông không đùa dơ, tôi thiệt tình mời ông uống với tôi ít bầu rượu.

- Nếu ta không đùa dơ, chú mời ta uống hả?

- Có hề gì đâu, ta mời ông mà. Này phổ ky, đem lại cho ta 20 bầu rượu.

Thang Nhị thấy Hòa thượng tu một hơi hết một bầu, ba cái bánh một miếng, hai cái bánh một miếng. Ăn uống một lát hết sạch. Tính ra hơn một điếu tiền, mới đưa mình đưa mình hơn 600 mà móc lại hết phân nửa rồi, bèn nói:

- Này Hòa thượng, chắc tôi không đủ tiền rồi, hôm nay chúng ta tính riêng nhé. Ông ăn ông trả, tôi ăn tôi trả. Ăn uống cùng bàn mà của ai nấy trả nhé.

- Chú muốn chơi riêng à? Ðược, hôm nay cả phần chú ăn ta cũng trả luôn. Ta đâu để làm phiền chú. Ta nói thiệt mà, ta trả là ta trả, chú đừng có tính riêng.

Thang Nhị cảm thấy mình làm như vậy không phải. Tế Ðiên lại nói:

- Ta nói thiệt mà, ta trả là ta trả, chú tính gộp chung đi.

Phổ ky đem hai tờ thiệp tính chung là hai điếu 280 văn. Tế Ðiên nói:

- Ðể ra trả, ta nói thiệt mà! Chú đừng thấy ta mặc áo rách như vậy mà khi ta không tiền.

- Thôi, để tôi trả cho!

- Ừ, chú muốn trả thì trả đi! Ta cũng thiệt tình lắm.

Thang Nhị không cách nào khác, đành lui cui mở bao đồ lấy tiền ra trả. Trả rồi bụng tức anh ách. Tế Ðiên vác bao đồ Thang Nhị lên vai bước đi. Thang Nhị kêu:

- Này Hòa thượng, ông ăn của tôi hết hai điếu tiền rồi còn muốn giựt bao đồ của tôi nữa hả?

- Ðâu phải mà, gặt người có lòng, ta chẳng lẽ ăn không, ta vác giùm chú đó mà.

Nghe nói thế, Thang Nhị nghĩ bụng: “Hòa thượng này coi vậy mà cũng có lương tâm, mình nghĩ bậy bạ thiệt!”. Nghĩ rồi bước ra khỏi quán rượu. Thang Nhị ngoái đầu thấy vậy, hỏi:

- Hòa thượng ơi, ông đi về Ðông chi vậy?

- Ta ở Ðông Xuyên, chú ở Tây xuyên, ta theo chú qua hướng Tây làm gì?

- Thôi, ông đưa bao đồ lại cho tôi.

- Bao đồ của chú cầm cho tôi rồi mà.

- Hòa thượng ơi, ông muốn cướp của tôi hả?

- Chẳng những ta muốn cướp của chú mà còn muốn đánh chú nữa là đằng khác.

Tế Ðiên lấy tay chỉ một cái, miệng niệm chơn ngôn: “Án ma ni bát mê hồng. Án sắc lịnh hích!”. Thang Nhị bắt rùng mình, mơ mơ hồ hồ. Tế Ðiên đi tới tống cho Thang Nhị một thoi bể mũi máu tuôn xối xả, rồi lấy bao đồ quệt thành dấu máu, đoạn dẫn Thang Nhị trở vào thành. Về đến gần cổng thành có  người quen Thang Nhị hỏi:

- Thang Nhị ca, chuyện gì vậy?

Tế Ðiên nói:

- Các người đừng xía vô, đây là việc tham tài hại mạng đó.

Mấy người kia nghe nói thất kinh không dám hỏi nữa. Tế Ðiên kéo Thang Nhị thẳng đến huyện Côn Sơn. Tới huyện nha, Tế Ðiên đi tuốt vô trong kêu lớn:

- Âm thiên đại lão gia ơi, Hòa thượng ta bị oan uổng lắm!

Có người đứng bên nói:

- Hòa thượng đừng nên nói bậy bạ, làm gì có âm thiên đại lão gia ở đây?

Tế Ðiên nói:

- Người ta ham tiền hại mạng, gây án mạng mà!

Nói rồi đi tuốt vào công đường. Quan huyện đã cho đưa bọn Triệu thị xuống, dòm ra thấy một vị Hòa thượng vác trên vai một bao đồ, mặt đầy bùn đất máu me lem luốc. Thang Nhị mơ mơ hồ hồ quỳ trước công đường, còn Hòa thượng đứng sững một bên. Quan huyện nói:

- Này Hòa thượng, sao thấy bản huyện mà không chịu quỳ? Có điều chi oan uổng hãy trình ra đi!

- Hòa thượng ta chỉ vì ở trong chùa bị chúng tăng khi dễ, sư phụ ta bảo ta đi hoa duyên về sửa một một cái chùa, tô lợp xong hết, đang chuẩn bị khai quang. Nào ngờ gặp nữa tháng mưa dầm sụp lỡ hết, đâu thể hóa duyên được nữa được. Ở huyện Côn Sơn này, sư phụ ta có hai khoảnh đất, bảo ta đi bán đem tiền về lợp chùa. Ta đem theo một hỏa công đạo, đất bán xong đem bạc về. Ði nữa đường, anh hỏa công đạo xin phép ta đi đồng, Hòa thượng ta đi trước đợi ở ngã ba đường. Ðợi cả hai tiếng đồng hồ mà không thấy anh ta đâu, chỉ thấy anh này vác bao đồ của ta đi tới. Chắc chắn là anh này tham tài hại mạng hỏa công đạo của ta rồi!

Quan huyện cầm thủ xích vỗ lên bàn cái bốp, hỏi:

- Ngươi tên là gì? Tại sao tham tài hại mạng hỏa công đạo của người ta?

Chừng đó Thang Nhị tỉnh lại thấy mình đang ở trước công đường, bèn đem các sự việc vừa xảy ra thuật lại. Quan huyện nói:

- Này Hòa thượng, cái bao ông vác là của Thang Nhị mà.

- Ta cũng không cần cãi lý với chú ấy làm chi. Ðể Hòa thượng ta kê ra một tờ giấy, nếu chú ấy nói đúng đồ vật trong bao, mà tờ giấy ta kê sai là ta vu cáo không thật, lão gia cứ bắt ta trị tội. Còn như tờ giấy ta kê ra đúng mà chú ấy nói không đúng, thì là chú ấy ham tài hại mạng người.

Quan huyện nghe nói có lý, bèn bảo Hòa thượng viết ra giấy. Viết xong trình lên quan huyện xem. Chữ viết rất đẹp đẽ, rõ ràng là: Lụa hoa đỏ: hai xấp, vải trắng: hai xấp, năm thước lụa hoa vàng, một khối bạc 200 lượng lớn nhỏ 37 miếng, tiền hai điếu, quần áo cũ một bộ, một đôi giày một đinh ở đế. Quan huyện mới hỏi đến Thang Nhị. Ngờ đâu từ người này lòi ra việc mưu đoạt gia sản ám hại liệt phụ trinh tiết liên quan đến Triệu Ngọc Trinh.*

 

Hồi Thứ 45

 

Hoa Vân Long tức giận về Tây Xuyên

Trấn bát phương nghĩa kết bạn anh hùng

 

Sau khi quan huyện xem tờ giấy kê khai của Tế Ðiên xong mới hỏi Thang Nhị:

- Ngươi nói bao đồ này của ngươi, vậy trong đó có những gì? Nếu ngươi nói đúng ta sẽ trả bao đồ này cho ngươi, bằng nói không đúng ta sẽ kết tội ngươi tham tiền hại mạng người đấy!

Trong bao đồ của tôi có: hai xấp lụa đỏ có bông nhỏ, hai xấp vải trắng Tòng giang, hai gói tiền, trong gói cột dây đỏ có một xấp lụa đỏ, một cái khăn đội đầu cũ, 200 lượng bạc. Ngoài ra không còn gì nữa.

Quan huyện nghe khai liền hỏi:

- Này Hòa thượng, tờ giấy ông kê ra với lời khai của tên này đều giống nhau, bản huyện biết giao bao đồ này cho ai bây giờ?

- Tại lão gia không hỏi rõ ràng, lão gia cứ hỏi anh ta xem có bao nhiêu miếng bạc?

Thang Nhị nói:

- Số bạc ấy tôi chỉ biết là 200 lượng thôi chứ không biết bao nhiêu miếng.

Quan huyện tức thì nổi giận, nói:

- Bạc của ngươi sao ngươi không biết bao nhiêu miếng? Mở bao ra coi thử!

Lập tức bao đồ được mở ra kiểm lại, những thứ kia đều đúng hết, bạc quả nhiên 37 miếng. Quan huyện nói:

- Này Thang Nhị, những thứ này của ngươi chắc là do lâu nay trộm cắp mà có ra chứ gì? Ngươi giết hỏa công đạo của Hòa thượng rồi bỏ xác ở đâu?

- Tiểu nhân thiệt tình không phải do tham tiền hại mạng người mà có bạc này đâu. Bao đồ này là của người ta cho tiểu nhân đó. Nếu lão nhân không tin thì truyền kêu người cho tiểu nhân bao đồ này đến thì sẽ rõ.

- Người cho ngươi bao đồ này là ai?

- Là quan Hiếu liêm Lý Văn Phương ở huyện này. Ông ấy là chủ của tôi. Bao đồ này của ông ấy cho tôi chứ không phải do tôi tham tài gây ra án mạng mà có đâu!

Quan huyện hỏi bọn thư lại thủ hạ:

- Huyện ta có mấy người Hiếu liêm Lý Văn Phương?

- Chỉ có một Hiếu liêm Lý Văn Phương.

- Hãy truyền Lý Văn Phương thượng đường mà đối chất.

Lý Văn Phương đang ngồi bực dọc ở phòng khách, các thư lại quen biết xúm nhau khuyên giải. Bỗng sai nhân bên ngoài vào gọi:

- Xin mời Lý lão gia lên huyện đường.

- Có việc gì mà kêu tôi lên vậy?

- Có trọng án nhân mạng.

Lý Văn Phương lên huyện đường thấy Thang Nhị đang quỳ dưới đất, đứng ở bên là một vị Hòa thượng kiếc cũng không biết là lý do gì. Thang Nhị nói:

- Viên ngoại ơi, người cho tôi bao đồ này mà người ta nói không phải, bảo rằng tôi tham tiền giết người cướp của đó.

Tế Ðiên đứng một bên, nói:

- Cứ nói đi, cư nói đi, lôi luôn người oa trữ ta cũng không sợ. Ðể rồi coi ai phải ai trái cho biết.

Quan huyện day qua hỏi:

- Này Lý Văn Phương, ông có quen biết người này không?

Lý Văn Phương một khi thấy sự việc này, nhắm chừng là bất ổn, tự nghĩ: “Mình với nó đừng dây đến cửa quan là tốt nhất”. Bèn nói:

- Kính bẩm lão phụ đài, Hiếu liêm tôi không quen biết hắn, bao đó cũng không phải của tôi cho.

Quan huyện đột nhiên nổi giận mắng:

- Hay cho đồ chuột nhắt lớn mật này! Chưa biết mùi đòn chưa chịu cung khai mà. Bây đâu, đem kềm kẹp ra đây!

Tam ban sai dịch dạ ran, đem kềm kẹp bỏ một đống ở trước, báo hại Thang Nhị sợ xanh cả mặt, lắp bắp thưa:

- Kính bẩm lão gia, xin chớ động hình! Tôi có chút việc xin thưa, việc đó có liên quan đến tôi và Lý Văn Phương viên ngoại.

Quan huyện gật đầu cho phép, Thang Nhị nói tiếp:

- Tiểu nhân nguyên quán người xứ Tứ Xuyên, từ nhỏ ở Lý gia trang hầu hạ nhị viên ngoại tức cậu hai, dọn dẹp sách vở văn phòng, mong mỏi cậu hai được công thành danh toại, bọn tôi nhờ đó cũng có thể phát tài. Chẳng may cậu hai nhà tôi bị bịnh qua đời, tôi buồn nản quá, suốt ngày lấy rượu làm vui, tỉnh rồi lại say nữa. Ngày kia đại viên ngoại Lý Văn Phương nhà tôi chuốc rượu tôi say ngá ngà rồi hỏi:

- Mi có muốn phát tài không?

- Người ta không vì lợi đâu chịu thức khuya dậy sớm? Ðiều đó tôi muốn lắm chứ!

- Nếu mi chịu trần truồng trong phòng mợ hai đợi đến ngày sinh nhật, ta kêu tớ gái mở cửa, mi trong đó chạy vọt ra, ta sẽ cho mi 500 lượng bạc.

- Tiểu nhân bị tiền của làm mờ lương tri nên ưng thuận ngay. Hôm qua tôi náu mình trong nhà của mợ hai, chờ đến chiều tối, tôi lẻn vào phòng chun dưới gầm giường. Thấy mợ hai ôm con ngủ say, tôi mới đi ra nghe ngóng. Tới chừng bên ngoài kêu cửa, tôi chạy vọt ra bị viên ngoại nhà tôi và Triệu Hải Minh ngó thấy, nhưng không bắt tôi lại được. Tôi trốn ở thư phòng nơi hoa viên. Ðến chừng sáng ra tôi mới biết mợ hai đã bị từ rồi, đứa nhỏ vẫn còn để lại. Muốn đuổi vú em và vú em chỉ khóc chứ không chịu đi. Ðúng là viên ngoại nhà tôi muốn mưu đoạt gia sản, xong việc cho tôi 200 lượng bạc và mấy xấp vải lụa, số còn lại đợi đến năm sau sẽ cho tiếp. Tôi tính đi về nhà nào dè gặp phải ông Hòa thượng làm quỷ đòi mạng này! Ông ấy đổ riệt cho tôi là ham tiền cướp của hại mạng người, nhưng việc đó tôi chưa từng làm bao giờ. Ðó là những việc đã qua, tiểu nhân xin trình khai, không dám giả dối chút nào.

Quan huyện nghe xong mới vỡ lẽ mọi sự. Nãy giờ vị Chiêu phòng tiên sinh (thơ ký) chép hết lời cung, trong bụng mắng thầm: “Hay cho tên Lý Văn Phương lộn sòng kia, vậy mà cũng làm Hiếu liêm? Có thể làm chuyện thương thiên hại lý như vậy được à?”.

Chiêu phòng tiên sinh viết lời cung xong, quan huyện cho đòi bọn Triệu Ngọc Trinh, Lý thị và Triệu Hải Minh lên hầu, đoạn bảo vị Chiêu phòng tiên sinh đọc lại lời cung của Thang Nhị một lượt. Triệu Hải Minh nghe xong mới hiểu rõ con gái mình là liệt nữ trinh tiết, cảm thấy quá ăn năn cơ hồ muốn chết, bèn xin quan huyện chủ trì xử lý việc này cho. Quan huyện đùng đùng nổi giận hỏi:

- Này Lý Văn Phương, ngươi đã là Hiếu liêm, lý ưng phải giữ phận công chánh chứ lẽ nào lại làm chuyện thương luân bại lý như thế được. Như vậy thì làm con bất hiếu, làm tôi nhất định bất trung, đối với anh em thì bất nghĩa, kết bạn thì bất tín. Em ngươi đã mất, đáng lẽ ngươi phải thương xót, bảo bọc sương phụ, vì đó cũng là đức hạnh của dòng họ Lý nhà ngươi, cớ sao Triệu thị hết lòng thủ tiết mà ngươi đem lòng lang sói bày ra gian kế mưu hiểm như vậy? Ngươi là người biết luật pháp lại phạm pháp, bản huyện phải xử phạt ngươi thật nặng mới được. Ngươi chịu đánh hay chịu phạt?

Lý Văn Phương run như cầy sấy, mặt không còn hột máu, hổ thẹn quá không biện bạch được lời nào, chỉ van xin:

- Cầu xin lão phụ đài ra ơn dạy bảo, đánh thế nào cũng được, phạt ra sao cũng xin vâng.

- Nhận đánh thì ta làm theo kiểu văn hiến, cắt bỏ chức Hiếu liêm của ngươi, bản huyện sẽ trừng phạt nặng hơn nữa. Còn như chịu phạt thì bản huyện gia ân cho ngươi thế này: Ngươi phải đem hết gia sản trong nhà giao cho Triệu thị quản lý. Mẹ con họ như có bề gì, ngươi phải viết cho ta một tờ cam kết, chừng nào họ bị điều gì lôi thôi ta sẽ trị tội ngươi. Ta phạt ngươi 50.000 lượng bạc, sắm cờ quạt rước Triệu thị về, dựng bia tại phường cho mọi người biết. Khi rước, ngươi phải mời các vị thân sĩ trong địa phương cùng ngồi kiệu đi đón em dâu ngươi trở về, nếu không tuân hành bản huyện sẽ phạt ngươi gấp bội.

- Lão phụ đài công tâm xét xử, cử nhân xin tình nguyện chịu phạt, xin tuân theo đường dụ xử trí của lão phụ đài.

- Tuy thế bản huyện vẫn phải trách phạt ngươi, nếu không, e ngươi quen tánh chẳng chừa. Lại đây, lại phòng thư ban đâu, đánh hắn cho ta 100 thủ xích.

Lại phòng lập tức bước tới, Lý Văn Phương là văn sĩ tại địa phương, sợ mất mặt năn nỉ xin tha.

Quan huyện nói:

- Ta không kêu tạo lệ (sai dịch) đánh ngươi là nể nang lắm đó.

Lại phòng bèn bước tới đánh đủ 100 thủ xích. Lý Văn Phương xuýt xoa van xin lia lịa. Quan huyện truyền gọi Triệu Hải Minh đến hỏi:

- Này Triệu Hải Minh, ông thấy sự bất minh của ông, cơ hồ bức tử người đàn bà trinh tiết này không? Ông bây giờ chịu đánh hay chịu phạt?

Triệu Hải Minh cúi đầu hỏi lại:

- Bẩm lão gia, chịu đánh như thế nào, chịu phạt thì sao?

- Chịu đánh là ta đem chức viên ngoại của ngươi cách tuột đi và đánh 200 quân côn. Còn chịu phạt là ta phại ngươi 3.000 lượng bạc, đem giao tại huyện đường. Số bạc này không phải dành cho bản huyện đâu mà là để cất một nhà Tiết liệt từ cho con gái ngươi để danh thơm lưu muôn thuở.

- Ân điển lão gia ban như vậy, dù xuất 6.000 lượng bạc tôi cũng tình nguyện.

Quan huyện lại kêu:

- Truyền dẫn Lý thị lên đây.

Quan huyện dạy:

- Này Lý thị, ngươi phải hết lòng phục vụ mợ hai ngươi. Tuy là phận vú em nhưng phải cố gắng thật tâm trong bổn phận của mình. Mợ hai ngươi có lòng thương tưởng đến ngươi, ngươi cũng phải tận tâm đối xử nhé. Mai sau đứa bé lớn khôn ngươi cũng có danh có lợi.

- Xin tuân lệnh dụ của lão gia.

Quan huyện day qua hỏi:

- Này Thang Nhị, ngươi thật là lòng lang dạ sói mà. Hồi còn sống, cậu hai ngươi đối đãi với ngươi ra sao?

- Hồi còn sống, nhị viên ngoại đối xử với tôi rất tốt.

- Ðối xử tốt như vậy sao cậu hai ngươi chết rồi ngươi lại đối xử với mợ hai ngươi tán tận lương tâm hùa mưu chiếm đoạt gia sản, hãm hại người trinh tiết như thế? Bay đâu, đè bó xuống đánh 80 hèo, rồi lấy cùm 25 cân cùm chân nó lại để tại huyện này ba tháng để răn chúng. Sau đó giải về nguyên quán cho quan địa phương quản thúc hắn.

Vụ án đã kết thúc. Lý Văn Phương về lo mời các nhân sĩ đi rước Triệu thị về đoàn tụ với con.

Ai nấy đều về hết, còn trơ lại mình Hòa thượng, quan huyện thật là khó xử: “Không có vị Hòa thượng này, vụ án làm sao kết thúc được. Muốn nói lời cảm ơn mà ông bảo hỏa công đạo của mình bị người tham tài hại mạng, bây giờ mình biết tìm hung thủ ở đâu đây?”.

Quan huyện nghĩ trong bụng: “Mình làm oai dọa ổng mấy câu, bảo là ổng đặt điều vu cáo, phết cho mấy cái, hò hét đuổi ra ngoài là xong,”. Quan huyện mới nghĩ bụng như thế, Tế Ðiên đã nói:

- Này lão gia, ông gặp chuyện khó xử, nếu không có Hòa thượng ta thì vụ án chẳng tìm ra mối. Muốn nói mấy lời cảm ơn Hòa thượng ta mà ngặt vì vụ án tham tài hại mạng của ta không giải quyết được, định nói dọa ta mấy câu, đánh ta mấy cái rồi hàm hàm hồ hồ đuổi ta ra phải không?

- Này Hòa thượng, ông đoán già đoán non gì thế, bay đâu, lôi xuống phết một trận cho ta.

Sai nhân bước tới nói:

- Này Hòa thượng, ông nằm xuống đi!

- Có trải mền ra không?

- Ðừng có nói lôi thôi!

Tế Ðiên la:

- Ta sắp bị đánh đây, ta sắp bị đánh đây!

Vừa la xong hai tiếng thì bên ngoài có người nói to:

- Bẩm đại lão gia, xin ngàn muôn đừng đánh Hòa thượng chúng tôi.

Bên ngoài có một người đi vào, vai vác một bao đồ quỳ trước huyện đường. Quan huyện nhìn ra thấy người mới tới có vẻ là kẻ tuỳ tùng, bèn nói:

- Ngươi tên là gì?

- Tôi tên là Triệu Phước, làm hỏa công đạo, tôi đi với Hòa thượng nửa đường, mắc đi cầu, đi xong lật đật chạy theo Hòa thượng, hỏi thăm nghe nói Hòa thượng bị bắt vào huyện nha.

Tế Ðiên nói:

- Bẩm lão gia, người này là hỏa công đạo của Hòa thượng ta. Lão gia cứ mở bao ra xem, nếu trong đó không đúng như kê khai thì cứ bắt ta là đặt điều vu cáo.

Quan huyện cho mở bao ra xem thấy đồ đạc giống như trong bao của Thang Nhị, cả đến số bạc cũng giống y, quan huyện nghĩ thầm: “Cái này mới là kỳ đa!”. Xem ra Triệu Phước không phải là người hỏa công đạo, quan huyện mới hỏi:

- Này Triệu Phước, ngươi có vẻ không giống hỏa công đạo. Ngươi nói thiệt đi, vị Hòa thượng này ở chùa miếu nào vậy?

Triệu Phước mới đem cội nguồi của Tế Công thuật lại tỉ mỉ và nói lý do tại sao quan Triệu Thái thú mời Hòa thượng về huyện Côn Sơn. Quan huyện nghe nói lật đật rời chỗ ngồi, cung kính thi lễ, nói:

- Bạch Thánh tăng, té ra Ngài là Tế Công, vị thế tăng của Tần Thừa tướng đây mà, đệ tử không biết, thật là có lỗi, nếu không có lão nhân gia đến giúp, đệ tử không làm sao xử được vụ án vừa rồi. Bay đâu, đem bao đồ kia thưởng cho người hầu của Thánh tăng đi.

- Xin cám ơn lão gia.

Tế Ðiên nói rồi cáo từ, đem hai bao đồ đó cho Triệu Phước và Triệu Lộc mỗi người một bao rồi trở về nhà nhị viên ngoại. Ðào kiếm được một khối thuốc, Tế Ðiên đem chế cho lão thái thái rửa mắt, mắt bèn trong sạch lại, liên tiếp trong vòng ba ngày, mắt trong thấy ánh sáng lại được. Triệu Phụng Minh sai đứa gia nhân về đến Lâm An báo tin, để Tế Ðiên ở lại trị bệnh cho lão thái thái càng ngày càng bớt nhiều, Tế Ðiên ở lại Côn Sơn ba tháng, suốt ngày cùng Triệu Phụng Minh bàn chuyện văn chương, ngày kia bỗng có gia nhân vào báo:

Hiện có hai vị Ban đầu ở Lâm An đến thỉnh Tế Công vì một đại sự khẩn cấp.*

 

Hồi Thứ 46

 

Mừng giữ chánh hoa, quần hùng kết bái

Dạo thành Lâm An may gặp Vương Thông

 

Tế Ðiên ở huyện Côn Sơn trị bệnh mắt cho lão thái thái đã lành, mấy lần muốn từ biệt nhưng nhị lão gia cứ nài nỉ cầm cọng mãi, mỗi ngày cùng nhau đàm luận thi văn. Tế Ðiên đối đáp như nước chảy, nhị viên ngoại lại càng thêm nể phục, tiếc rằng mình gặp Tế Công quả trễ, nếu gặp sớm hơn văn chương sẽ phát triển rất nhiều. Tế Ðiên ở lại nhà Triệu Phụng Minh lần lữa được một trăm ngày, ngày kia gia nhân đưa vào hai vị Ban đầu ở nha Thái thú tại Lâm An. Hai vị Ban đầu đến trước mắt Tế Ðiên thi lễ và thưa:

- Bạch Thánh tăng, từ lâu lão nhân gia đã chưa về Lâm An, ở đó vừa xảy ra việc kinh thiên động địa nên chúng tôi đặc biệt thỉnh lão nhân gia giúp cho.

- Hai vị Ban đầu, việc gì thế?

Hai vị Ban đầu bèn đem việc thuật lại tỉ mỉ, ấy là: Lộ Tây Xuyên mới xuất hiện một tên giang hồ đại đạo. Người này họ Hoa tên Trung, tự Vân Long, có trác hiệu là Càn khôn đạo thử. Mới 18 tuổi mà đã lưu đãng khắp lục lâm, hay đi cùng với Quỷ đầu đao Trịnh Thiên Thọ, họ thường cư ngụ ở nhà Ðiền Quốc Bổn ở Trấn Sơn. Hắn là người văn võ toàn tài, lại có tật thích hái hoa, kết giao với mấy mươi người, thân nhất chỉ có năm, đều là những nhân vật có tên tuổi ở chốn lục lâm mà người ta thường gọi là Ngũ quỷ. Ấy là Khai phong quỷ Lý Diệu Minh, Kê minh quỷ Toàn Ðức Lượng, Vân trung quỷ Trịnh Thiên Phước, Bồng đầu quỷ Văn Phương, Hắc phong quỷ Trương Vinh, thiên hạ đều biết chúng là năm quỷ một sòng ở Tây Xuyên. Nhân vì tên chủ chứa là Ðiền Quốc Bổn dọn đi đâu không biết, bọn chúng chẳng có đất dung thân nên mỗi người tản lạc về nhà thân hữu. Hoa Vân Long hái hoa gây án, để lại tới 9 cái mạng. Tất cả đều là trước gian dâm, sau giết mạng, quan tổng lãnh địa phương truy tìm hắn rất ngặt. Hắn nghĩ rằng đất này không thể ở lâu được nên rời bỏ Tây Xuyên. Ðến huyện Ngọc Sơn ở Giang Tây, hắn nghe nói ở đây có một vị quan bảo tiêu rất giàu có là Oai trấn bát phương Dương Minh, một vị anh hùng chuyên giao kết với các hào kiệt trong thiên hạ. Hoa Vân Long bèn mò tới Như Ý thôn ở Phụng Hoàng Lãnh để bái phỏng Dương Minh. Dương Minh nghe bẩm báo biết Hoa Vân Long là tên tặc hái hoa nên không tiếp. Gia nhân bảo là chủ tôi đi vắng, Hoa Vân Long chẳng biết làm sao nên lụi thủi ra về.

Qua mấy ngày có người cho biết Dương Minh có ở nhà, Hoa Vân Long lại đến ra mắt nhưng vẫn không được gặp. Ba lần như vậy, Dương Minh mới cho vào. Vốn là người khéo ăn nói, đối đáp như nước chảy, Hoa Vân Long thấy Dương Minh mình cao 8 thước, lưng nhỏ vai to, đầu đội khăn xếp đoạn màu lam, phía trước có thêu hai con rồng đang vờn đóa đào nhung, mặc một tiễn tụ bào màu xanh, thấp thoáng đôi vớ thêu hoa hồng đoạn, mặt như cổ nguyệt, mày hình chữ bát, mắt như sao sáng, tam sơn ngay ngắn, miệng rộng hình chữ tứ, dưới càm phất phơ ba chòm râu bạc trước ngực, ngũ quan thanh tú, phẩm chất khác thường. Hoa Vân Long lấy làm vui, nói:

- Tiểu đệ đã lâu ngưỡng mộ đại danh huynh đài, nhưng không có cơ hội gặp gỡ, nay may mắn được hội ngộ thật là tam sanh đại hạnh.

- Ngu đài có tài đức chi đáng được để lòng yêu mến. Mấy lần hiền đệ tới thăm mà chưa may mắn được bồi tiếp.

Hai người nói mấy câu khách sáo mở đầu chào hỏi. Hoa Vân Long nói:

- Tiểu đệ đất khách bơ vơ, thân trẻ dại khờ, cầu xin huynh đài dạy bảo.

Dương Minh thấy Hoa Vân Long nói năng hòa nhã, rất mừng, bèn lưu lại khách sảnh uống rượu. Trong câu chuyện có đề cập đến mấy dụ án mạng hái hoa ở Tây Xuyên, Hoa Vân Long cũng biểu lộ lòng hối cải. Dương Minh muốn tổ chức lễ ăn mừng thủ chánh giới dâm hoa, khi đã mang hoa này rồi thì không còn hái hoa nữa, Hoa Vân Long cũng đồng ý, Dương Minh phát thiếp đi mời các anh hùng, trong đó có: Truy phong yến tử Hoàng Vân, Thiết diện dạ xoa Mã Kính, Thiên lý độc hành Vương Ðức Thụy, Phi thiên hỏa tổ Tần Nguyên Lượng, Lập địa ôn thần Mã Dao Hùng, Truy phong yến tử Diệu Ðiện Quang, Hóa độ lôi tinh Lưu Thiên Hóa, Ðăng bình bộ thủy Ðào Phương, Ðạp tuyết vô ngân Liễu Thụy, Thuận thủy thôi châu Ðào Ngân, Trích tinh bộ đẩu Ðái Khuê, Phi thiên quỷ Thạch Thành Thụy, Dạ hành quỷ Quách Thuận, Tam xoa quỷ Dao Ðồng, Kim kiếm quỷ Tiêu Lượng, Luật lịnh quỷ Hà Thanh, Thám hoa quỷ Mã Thành, Ải nguyệt phong Bào Lôi, Lôi Minh, Trần Lượng… cộng tất cả 36 người kết bái, cũng chúc mừng Hoa Vân Long giữ chánh giới dâm hoa, mọi người cùng trích huyết hòa rượu uống thề. Sau khi mọi người giải tán, Hoa Vân Long vẫn ở lại nhà Dương Minh, không việc gì cũng đến phiêu cục học cách điều hành việc của Dương Minh và học thêm một pho Bát quái triệu hoàn đao. Ở luôn đó ba năm có lẻ, ngày kia Hoa Vân Long muốn lên thành Lâm An chơi, Dương Minh lấy cho 100 lượng bạc, khi đi dặn dò chớ có sinh sự lôi thôi, không có việc gì nên về sớm. Rời thôn Như ý ở Phụng Hoàng Lãnh ra, cứ đói ăn khát uống, ngày đi đêm nghỉ, ngày kia đến thành Lâm An, trước hết đến cửa Tiền Ðường, trên đường cái người qua lại nhộn nhịp, bán buôn phố chợ tấp nập, xế bên đường có một tòa tửu lầu với bảng hiệu Vọng Giang lâu, với những tên rượu tên trà nổi tiếng, hai cột trụ hai bên có đôi liễn đề rằng:

Rượu vào trời đất rộng,

Bầu rót tháng năm dài.

Hoa Vân Long định lên lai rai vài chén rượu bèn thả bước tới gần. Nơi thang lầu người xuống lên rất nhộn nhịp, trên lầu có một chiếc bàn, ngồi xuống định kêu rượu uống, Hoa Vân Long nhìn trực sang chiếc bàn đặt dưới cửa sổ phía Ðông, một người ngồi sẳn ở đó tự bao giờ, người này đầu đội khăn 6 múi màu tía, mình mặc áo tụ bào cùng màu, lưng thắt dây da, bên hông giắt một yêu đao, chân mang giày đế mỏng để lộ đội vớ bằng đoạn xanh thêu hoa. Da mặt hơi tía, trong tía ửng hồng, hai chân mày rộng đen thui trên đôi quái nhãn đen trắng phân minh. Tam sơn cân đối, dưới chữ tứ bộ quai râu nón đâm tua tủa. Gương mặt oai phong dẫy đầy sát khí. Hoa Vân Long thấy người đó đang ngồi nhâm nhi trước bàn rượu lật đật bước tới thi lễ, nói:

- Nhị ca mạnh giỏi, lâu quá không gặp, từ khi chúng ta chia tay ở Tây Xuyên, thấm thoát đã bốn năm dài, nào ngờ gặp nhau ở chốn đô hội này, huynh đài vẫn khỏe chứ?

Người ấy cười hà hà nói: Té ra là Hoa nhị đệ.

Thật là:

Có duyên ngàn dặm không ngăn,

Vô duyên gặp mặt cũng bằng người dưng!

Người mà Hoa Vân Long vừa gặp họ Vương tên Thông, trác hiệu là Thiết thối viên hầu, một tên giang dương đại đạo ở Tây Xuyên, với Hoa Vân Long là đôi bạn thiết. Ðã lâu mới gặp lại, hai người rất mừng bèn bày tiệc mới liên hoan. Vừa uống rượu, Vương Thông hỏi:

- Này nhị đệ, từ ngày chia tay ở Tây Xuyên, hiền đệ trú ngụ ở đâu mà hôm nay trôi dạt đến chốn này?

Hoa Vân Long mới đem việc gặp Oai trấn bát phương Dương Minh ở Giang Tây và kết bái với 36 anh em trong lễ mừng thủ chánh giới dâm hoa thuật lại tỉ mỉ và hỏi:

- Huynh trưởng hôm nay đến chơi ở đây có việc gì không?

- Ta đến đây cốt tìm một kẻ thù, vì anh ta làm chức thư lại ở phủ Thành Ðô, vì 200 lượng bạc làm tang vật mà bị tên cẩu quan bắt bỏ ngục, rồi buồn tình chết trong ngục thất. Lúc đó ta không có ở nhà, đến chừng về mới hay cớ sự. Ta muốn tìm tên cẩu quan ấy để báo thù, nào ngờ hắn đã chuyển đi nơi khác, ta đến kinh đô là cốt đê tìm hắn, hôm nay ta mới tới đây chưa có trọ ở đâu, hai chúng ta cùng ở một chỗ cho vui.

- Ðược, tôi cũng mới đến.

Hai người đang nói tới đó bỗng nghe có tiếng chân lộp cộp từ thang lầu, một người đang cầm giỏi trái cây đi lên, người này độ tuổi 40, đầu đội khăn vải xanh, quần áo cũng cùng màu, vớ trắng làm lộ rõ đôi giày màu xanh cũ. Trên khuôn mặt vàng ợt, đôi mắt tròn long lanh dưới cặp mày nhỏ, dưới cái trán nhăn, chiếc mũi ó dòm xuống đôi môi nứt nẻ với bộ râu chết nước đầu này một cọng, đầu kia vài ngoe. Người ấy đến các bàn mời mua lần lượt, khi đến mời mua ở bàn Hoa Vân Long bèn để giỏ xuống, nói:

- Chu choa, té ra là hai vị thái gia, tiểu nhân xin kính chào.

Nói xong, người ấy quỳ mọp xuống đất, dập đầu cộp cộp, Hoa Vân Long nhận ra mới nói:

- Ta tưởng ai, té ra là Lưu Xương.

Nguyên Lưu Xương sanh quán tại Tây Xuyên, sống với bọn lục lâm đã lâu, làm công việc phổ ky hầu bàn. Nhân vì gặp việc rã đàn tan nghé, hắn mới trốn đến Lâm An buôn bán lặt vặt qua ngày. Hôm nay gặp bọn Hoa Vân Long mới đến thi lễ. Vương Thông nói:

- Thôi đứng dậy đi, Lưu Xương, ngươi độ này có khá không? Và hiện ở đâu? Ở đây có chỗ nào phồn hoa náo nhiệt ngươi hãy nói cho ta biết, bọn ta mới tới đây lần đầu, cái gì cũng lạ hết.

- Hai vị thái gia muốn đi thì ở đây có Tây Hồ, núi Thành Hoàng thiên hạ đệ nhất danh, đều là những chỗ náo nhiệt cả, hai vị thái gia muốn đi chơi thì tôi sẽ dẫn đi. Tối lại không cần ngủ ở khách điếm, tôi có một gian thượng phòng bên trong rất sạch sẽ lại không có ai tới lui lộn xộn, cũng có thể ngủ được.

Hoa Vân Long nghe nói vậy rất vừa ý, Lưu Xương cũng ngồi vào cùng bọn ăn uống. Ăn xong Vương Thông trả tiền, ba người thong thả ra khỏi quán rượu. Bên đường người đi qua lại dập dìu, thả bước tới núi Thành Hoàng, ở đây thật là nơi tuyệt hảo! Cây cối um tùm, khách du tới lui không ngớt. Ðang đi, bỗng ngược chiều đi lại một chiếc kiệu nhỏ, bên trong ngồi ung dung một người nữ, mặt như hoa lê, má như nhụy hạnh. Thật là:

Tiên tử Dao Trì có khác,

Hằng Nga nguyệt điện không bằng.

Hoa Vân Long vốn là tay sành hái hoa, nếu không phải là người tuyệt đẹp thì không để mắt tới, vậy mà khi thấy người trong kiệu, tà tâm phát động, ao ước không thôi, theo riếc chiếc kiệu ấy đến cửa Tiền Ðường, thấy kiệu đi thẳng vào Trúc Am ở đường Bắc. Hoa Vân Long lững thững trở lại thì cũng gặp Lưu Xương và Vương Thông đi tới. Ðến chỗ không có ai, Hoa Vân Long mới hỏi:

- Này Lưu Xương, ngươi có biết người nữ ngồi trong kiệu đó không?

- Người đó hả? Nhị thái gia ơi, đừng hòng mơ tưởng đến làm chi, cô ta là con gái của Triệu Thông Phán, hứa gả cho con của Tôn Hiếu Liêm, chưa kịp thành hôn thì con của Tôn Hiếu Liêm đã chết, con gái họ Triệu đòi đi điếu tang, nói: - Tôi với con ông có danh mà không có phận vợ chồng, xin mở nắp quan tài để nhìn mặt lần cuối. Người họ Tôn mới mở nắp quan tài ra, cô nương ấy mới hớt tóc trên đầu mình để giữ phận góa bụa, cha mẹ hai bên xúm lại can ngăn không được. Cô ấy giận đến am Ô Trúc, tập sự xuất gia, xuống tóc tu hành, lão nhân gia đừng mơ tưởng làm chi vô ích, không được đâu!

Hoa Vân Long nghe nói trong lòng phát động, muốn ngay trong đêm đó vào ni am hái hoa.*

 

Hồi Thứ 47

 

Gặp tiết phụ hái hoa không toại ý

Thái sơn lầu gây án mạng giết người

 

Nghe Lưu Xương nói, Hoa Vân Long lẳng lặng không nói gì, ba người trở về nhà Lưu Xương ăn uống và ngủ tại đó, trống đã sang canh mà Hoa Vân Long trằn trọc không sao ngủ được. Thấy Vương Thông và Lưu Xương đang ngủ say bèn trở dậy thay đồ dạ hành, đem đồ mặc ban ngày gói lại cất vào trong bao cột ngang thắt lưng, dắt theo cương đao mở cửa bước ra ngoài, bên ngoài sao sáng đầy trời, trăng non chếch về Tây mờ ảo. Vượt tường đi ra trên đường phố vắng vẻ ít người qua lại. Bên ngoài ni am, Hoa Vân Long rảo mắt nhìn bốn phía. Ngôi am miếu này là đại điện ba tầng, bên đông chánh điện có một cửa nối liền với dày nhà phụ. Ở dãy nhà này, ngoài ba gian thượng phòng ở phía Bắc, hai bên đều có ba gian phối phòng. Phía chánh Nam của dãy nhà này là một vòng tường bên trong tùng trúc sum suê trông rất trang nhã. Ở phòng chánh Bắc ánh đèn lấp lánh kèm theo tiếng đọc kinh rì rầm, Hoa Vân Long từ nóc nhà Ðông phối phòng nhảy xuống, thẳng đến bên hành lang Bắc thượng phòng. Ở bên ngoài xoi giấy cửa sổ nhìn vào, phía trước sát vách có một cái giường nhỏ, trên mặt bàn để một cái đèn dầu, bốn ni cô nhỏ khoảng 14, 15 tuổi đang ngồi vây quanh đọc kinh. Tựa vào tường phía Bắc có một cái bàn dài, trên đó có mấy chồng kinh xếp ngay ngắn. Phía đầu chiếc bàn dài này có kê chiếc bàn bát tiên với hai ghế ngồi, ngồi đầu hết là vị sư già trên 60 tuổi, gương mặt hiền từ phúc hậu. Hoa Vân Long thấy ở đây không có thiếu phụ còn tóc bèn lướt qua Ðông phối phòng. Ðến gian phía Bắc xoi lỗ giấy nhìn vào, ở đây cũng bài trí như gian vừa rồi. Ngồi bên ngọn đèn đọc kinh chính là thiếu phụ ngồi trong kiệu hồi chiều. Ðang ngồi tụng kinh thì bỗng Triệu thị giật mình đánh thót vì bỗng nhiên một người đàn ông mặc áo xanh lưng thắt đao sáng giới từ ngoài xô cửa bước vào. Triệu thị lật đật hỏi:

- Ông là ai? Ở đây là thiền môn thanh tịnh, đang đêm đến đây làm gì? Nói mau!

- Nương tử ơi, hồi chiều gặp nàng ngồi kiệu quá núi Thành Hoàng về đây, nhan sắc mỹ miều quá, tôi không dứt ra được. Tối nay tôi đến đây gặp nàng, xin nàng nghe tôi cùng chia vui trong khoản khắc.

Thiếu phụ nghe tới đó, đỏ mặt trầm giọng:

- Biến ngay, nếu không tôi la lên đó, sư phó tôi đến đây bắt ông lên huyện quan, chừng đó ăn năn không kịp đấy.

Hoa Vân Long nghe nói nổi giận:

- Ðược, nghe lời ta thì dễ, còn không chịu thì hãy coi đây!

Nói rồi rút phăng con dao ở phía sau lưng, thiếu phụ vốn là một liệt phụ vội la toáng lên:

- Bớ người ta, nó giết người, cứu tôi với.

Hoa Vân Long nghe sợ có người đến bèn tới chộp mớ tóc xanh của người thiếu phụ lia qua một đao kết liễu tính mạng. Ðáng thương trang hồng phấn mỹ miều, phút chốc đi về cõi mộng! Hoa Vân Long trong một phút bồng bột mà tối nay giết chết một mạng người, lòng cảm thấy ăn năn. Bỗng nghe từ bên ngoài tiến vào một lão ni cô hỏi:

- Ai ở đây làm gì mà ồn ào thế?

Vừa nói vừa xô cửa bước vào, Hoa Vân Long gấp quá bèn nhắm ngay đầu bà bửa xuống một dao. Bà ni cô né đầu qua lệch, lưỡi dao xuống nhằm bả vai. Hoa Vân Long thừa cơ hội đó thoát ra khỏi phòng, thót lên mái nhà, theo đường củ trờ về chỗ ngủ. Lưu Xương lúc đó mới vừa thức dậy hỏi:

- Hoa nhị thái gia đi đâu về đó?

Hoa Vân Long cũng không giấu giếm, đem hết mọi chuyện hái hoa vừa rồi thuật lại hết, Vương Thông cũng vừa thức dậy, nghe hết mọi chuyện mới nói:

- Nhị đệ mới đến chỗ này mà gây ra trọng án như thế, e rằng không ở được lâu.

Hoa Vân Long mỉm cười nói:

- Không sao đâu, địa phương này chỉ nhờ vào mấy tên Ban đầu thôi, tôi có tai mắt hết rồi không cần phải lo về phía ấy.

Nói xong hai người trở dậy, trời đã sáng tỏ, Hoa Vận Long mới bảo:

- Lưu Xương, hôm nay ngươi cứ đi buôn bán như thường ngày, không cần phải lo cho chúng ta.

Sau khi Lưu Xương đi rồi, Vương Thông và Hoa Vân Long đi ra cửa Tiền Ðường, trên đường phố người đông như mắc cửi. Họ đang truyền về tin tức lát nữa khám nghiệm thây ở am Ô Trúc, Vương Thông nói:

- Này nhị đệ, chúng mình đi kiếm chỗ nào thanh nhã uống rượu đi, đừng đi dạo nữa.

Hai người tiến vào thành, thấy phía Bắc đường Phụng Sơn có một tòa đại tửu quán Thái Sơn lầu, định bụng đến uống rượu, hai người rảo bước tiến vào, thấy bên trong bàn ghế đầy đủ nhưng không có khách ngồi, hai người bước thẳng lên lầu thấy có một người ngồi ngay bàn chưởng quỹ, người này mặt như bôi phấn xanh, đầu đội khăn tam đoạn bốn gốc màu xanh, mình mặc áo cừu quí màu lam, mày rô mắt lộ, mặt lồi lõm khó coi, bốn năm tên chạy bàn nhưng không có vẻ gì là buôn bán cả, hai người ngồi cả buổi cũng không thấy ai hỏi han gì hế. Một lát nghe người chưởng quỹ mặt như hoa phấn xanh, nói:

- Này tụi phổ ky, hồi tao chưa dậy, tụi mày nói chuyện gì mà ồn lên thế?

- Ðừng nói đến làm chi, lát nữa ăn cơm rồi ông đi mà coi. Người cửa Tiền Ðường có am Ô Trúc, bên trong có một sương phụ thủ tiết tu hành. Hôm qua tên gian tặc nào đó lẻn vào giết chết, lại còn chém trọng thượng bà ni cô già nữa, không bao lâu đây quan sẽ đến khám nghiệm, ông coi việc này có rùng rợn không?

- Tên giặc này thật đáng giận, đáng tiếc cho người liệt phụ như vậy mà phải chết về tay tên giặc, chắc tên giặc ấy bị bề trên chơi cửa cha, hắn tức đi báo thù cũng nên?

Hoa Vân Long tức muốn ói máu mà nói không được, chính mình cũng không biết làm sao cho hả hơi, bèn dậm chân lên sàn gác một cái rầm, nói:

- Tụi bây ở đây làm cái thái gì? Bộ không có con mắt hà? Hai thái gia ngồi đây cả buổi mà không thấy đứa nào hỏi tới một tiếng. Buôn bán cái gì lạ vậy?

Phổ ky nghe vậy cũng rợn mắt lên, nói:

- Nè đừng có lôi thôi, bộ ngươi không có con mắt chắc, ngươi thử coi xem cái quán này của ai lập ra? Ta bảo cho ngươi biết nhé, từ ngày khai trương đến giờ bọn ta đánh không biết bao nhiêu người rồi đấy. Côn đồ thổ phỉ gì ta cũng đánh tuốt, đánh xong còn trói lại giải lên quan huyện nữa chứ. Ta làm phúc nói cho ngươi biết để mà liệu hồn.

Hoa Vân Long nghe mấy câu đó, trợn mắt hét lên:

- Nhị thái gia chẳng cần biết cái quán này của ai, đừng có hòng dọa nạt, ta phóng hỏa đốt lầu này cho mi biết tay, đi gọi chủ ngươi lại đây để coi hắn có ba đầu sáu tay gì cho biết!

Nguyên ông chủ của tửu lầu này là Tịnh gia thái tuế Tần Lộc, cháu của Tần An làm quản gia của Tần thừa tướng. Tòa tửu lầu này lập ra cốt không phải để bán rượu và thức ăn như những nơi khác mà là chạy chọt chức quan viên, nhờ Tần Lộc lo lót với Tần tướng phủ. Vì vậy lui tới đây là những kẻ buôn bán sỉ hoạn rất có thế lực. Hôm nay nghe Hoa Vân Long nói những lời ngang bướng đó, Tần Lộc từ phía sau quầy bước ra, nói:

- Mi là cái thá gì mà dám ở đây nói năn sàm sỡ thế. Bây đâu, đánh nó cho ta! Ðánh xong cầm danh thiếp của ta giải nó lên huyện!

Hoa Vân Long nghe nói, tức tràn hông, với tay rút con dao ra. Tần Lộc thấy vậy nói:

- Mi dám giết người không mà dám cầm dao? Nè, mi chém ta đi.

Hắn nghĩ mình là người có thế lực ai cũng kiêng nể nên vừa nói vừa đưa gáo dừa ra trước. Hoa Vân Long nói:

- Mạng mi kể số gì? Giết ngươi còn thua giết con bọ xít.

Nói rồi xuống tay ngay. “Phụt”, một cái, đầu Tần Lộc lăn long lóc trên đất. Tên phổ ky sợ quá, kêu “Má ơi” rồi ba chân bốn cẳng chạy xuống lầu. Nào ngờ đâu chân mềm nhũn vừa rên vừa lết xuống. Ngay lúc đó có người chạy đến báo với quan chức địa phương:

Chủ nhân của tửu lầu chúng tôi bị hai người kia giết rồi!

Các quan hô: Mau bắt nó!

Và kéo nhau đến lầu vây bắt. Kéo đến nơi trên lầu đã vắng tanh, hung thủ không còn ở đó nữa! Hoa Vân Long cùng Vương Thông đã từ cửa sổ nhảy xuống lầu lẫn vào đám đông nhìn lại, Thái Sơn lầu bị người vây kín mít. Có ai nói:

- Giặc chạy mất rồi!

Có người nói:

- Không hề gì, bọn giặc trốn không khỏi đâu! Nha môn thái thú chúng ta có bốn vị Ban đầu tên là Sài Nguyên Lộc, Ðỗ Chấn Anh, Lôi Trí Viễn, Mã An Kiệt. Bốn vị này thuộc vanh vách tên của bọn giang dương đại đạo. Bọn này nội trong ba ngày thế nào cũng tóm được!

Hoa Vân Long đứng trong đám đông nghe rõ hết và ghi nhớ trong bụng, cùng với Vương Thông ngược dòng người đi vào một tửu quán, tìm chỗ trang nhã uống rượu. Vương Thông nói:

- Hiền đệ, em làm náo động quá không tốt đâu! Hôm qua mới vừa đến đây, tối lại em giết chết một mạng người, bữa nay còn giết thêm một mạng nữa.

- Tôi xin nói cho đại ca biết, đã đến đây tôi phải làm cái gì kinh thiên động địa mới được. Vừa rồi là tại họ muốn chết mà thôi. Hồi nãy tôi nghe ở địa phương này có bốn cái tên Mã khoái tài giỏi lắm, tôi muốn quậy một trận cho nó biết tay. Tối nay tôi sẽ vào tướng phủ lấy đầu Tần Hỷ là Tể tướng đương thời rồi tôi ở lại Lâm An này nửa năm xem có nhân vật nào dám đến bắt tôi hay không?

- Hiền đệ, em chắc là gan mật đầy mình?

- Tôi đâu dám nói là mình không có?

- Hiền đệ, nếu em dám làm việc kinh thiên ấy, sư huynh cũng tình nguyện đi với.

Hai người đều là bợm nhậu, bị Vương Thông nói khích mấy câu, Hoa Vân Long hào khí bốc cao. Ăn uống xong, hai người thẳng đến phường Tần Hòa để dọ đường. Dọ đường xong họ tìm đến một quán rượu khuất vắng để bàn luận kế hoạch. Chờ trời tối, họ tìm chỗ vắng thay đồ dạ hành, còn đồ mặc ban ngày bỏ vào bao cột lại mang theo. Ðến Tần tướng phủ, họ nhảy lên tường rồi giở thuật phi thiềm tẩu bích đi trên mái nhà như ở đất bằng. Vào đến nội trạch của tướng gia, hai người đi tìm kiếm khắp nơi, thấy trong Bắc thượng phòng phía sau có ánh đèn lấp lánh, hai người nghĩ bụng: “Ðây là nội trạch, chắc là chỗ ở của Thừa tướng đây!”.

Nhìn vào bên trong thấy hai con a hoàn trạc 14, 15 tuổi đang ngồi trực đêm, trên bàn ngọn đèn sáp đang cháy lung linh. Hai người từ nóc nhà nhảy xuống, Hoa Vân Long lấy trong đãy ra một cây muột hương đốt lên đưa vào phòng. Giây lát hai a hoàn ngủ say như chết. Hai người thong thả tiến vào, định chắc là chỗ ở của Thừa tướng, nào ngờ đó là phòng ngủ của Thừa tướng phu nhân, trên đầu bàn nằm cộm lên một túi gấm, trong đó đôi vòng Bạch ngọc kỳ xảo lung linh ánh qua lớp túi, hai vòng này nửa thiên nhiên, nửa nhân tạo. Thật ra nó là một vật tiến cống của ngoại quốc bị Thừa tướng giữ lại. Hoa Vân Long hỏi:

Vương nhị ca, anh cần món này không?

- Ta không cần đâu, chú cứ lấy đi!

Ngoảnh lại thấy kế bên có chiếc hộp phụng quan, bên trong có một chiếc phụng quan thùy châu với 13 hột bửu bối, Hoa Vân Long cũng bỏ luôn vào túi rồi bước ra. Thấy trên bàn bút nghiên để sẵn bèn cầm viết, viết lên tường hai bài thơ. Viết xong ném bút lên bàn rồi ra hợp với Vương Thông trở về nhà trọ. Sáng ra, Thừa tướng dậy sớm đi chầu. Vào đến bên trong thấy hai a hoàn hôn mê bất tỉnh, vào đến phòng trong thấy túi đựng vòng ngọc và phụng quan không còn nữa, vội sai gia nhân cứu tỉnh phu nhân và bọn xử nữ. Thấy thơ đề trên vách mới biết là đêm hôm có trộm đến viếng.*

 

 - o0o -

Hồi thứ 38- 42 | Mục Lục | Hồi thứ 48-51

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính : Tịnh Nguyên, Tịnh Hương, Thanh Tuấn, Bảo Tịnh
Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-07-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

cau chuyen nguoi mu so nà Biết Linh ứng hay nhiệm mầu Linh ứng hay nhiệm mầu nhung cau noi hay dang de suy ngam Ai ngua Làm gì để giảm nguy cơ ung thư Làm gì để giảm nguy cơ ung thư tổ đề 5 điều cần biết về ung thư vú tầm ba n să c văn ho a cu a dân tô c viê t chua ngó Năm nguyên tắc của sức khỏe tinh thần Mùa hoa Tết Ä om vi sao ta cu troi lan trong vong sanh tu Phố lan canh gioi lam giau cao nhat chinh la ton sung dao Nhậ Dịch dong nghia voi loai vat Nữ ban An láÿ hiểu quán quÃÆ mà về Đức tin Tam bảo nơi an trú tâm linh Một nhà báo cao tuổi nhất trong làng báo le chí cuoi va hanh phuc trong con loc khung hoang Phiền chênh Hữu tình nghĩa Chiều Nhất đây cổ Thức khuya dễ bị tiểu đề Gánh hóa Phật giáo Đà Lạt sẽ hạ thủy 7 đóa bà o Thử