...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Hai

Hồi Thứ 101

Hồi Thứ 102

Hồi Thứ 103

Hồi Thứ 104

Hồi Thứ 105

 

 

Hồi Thứ 101

 

Thi Phật pháp, trí bắt Bồng đầu quỷ

Cậy thuật yêu, luyện kiếm hại phu nhơn

 

Hoa Thanh Phong và Mạnh Thanh Nguyên vận chẩn cước phong đến núi Mai Hoa, đứng ngoài cửa động nhìn vào thấy có hai đạo đồng giữ cửa bèn bước tới hỏi:

-  Này chú em, Tổ sư gia hiện có trong động không?

-  Hiện đang ở trong động.

Hai người rón rén đi thẳng vào, nhìn vào thấy bên trong có một chiếc giường mây, Mai Hoa chân nhân Linh Viên Hóa đang ngồi trên đó, đầu đội khăn đạo sĩ màu vàng, mặt đỏ hồng càng làm nổi bật bộ râu trắng như cước. Hoa Thanh Phong và Mạnh Thanh Nguyên quỳ xuống hành lễ, thưa:

-  Kính Tổ sư gia, đệ tử là Hoa Thanh Phong và Mạnh Thanh Nguyên xin kính lạy ra mắt.

Mai Hoa chân nhân mở mắt ra, miệng niệm:

-  Vô lượng thọ Phật, hai đệ tử đến có việc chi?

Hoa Thanh Phong thưa:

-  Hai con đến đây khẩn cầu Tổ sư gia đại phát lòng từ bi báo thù cho Tam Thanh giáo. Trên đời này mới xuất hiện một tên Tế Ðiên Hòa thượng, hưng Tam Bảo, diệt Tam Thanh. Hắn kết oán với hai con, vô cớ đốt chết đồ đệ của chúng con là Trương Diệu Hưng, lại bức tử đồ đệ chúng con là Khương Thiên Thoại, và còn dùng lửa đốt chúng con cháy xém như thế này. Hắn nói trong Tam Thanh giáo chúng ta không có ai là người, chỉ toàn là thứ mang lông đội sừng, lưng chổng lên trời, bước ngang mặt đất, phải diệt hết Tam Thanh giáo mới được. Thật là gian ác vô cùng, xin Tổ sư gia phát lòng đại từ bi ra ân giúp đỡ, một là báo thù cho chúng con, hai là trừ khử Tế Ðiên để đỡ mất mặt cho Tam Thanh giáo.

-  Hai đứa nghiệt chướng này, từ trước đến nay chắc là gây bao nhiêu chuyện rắc rối đây mà! Vô cớ Tế Ðiên làm sao chống đối lại chúng bây?

Hoa Thanh Phong nói:

-  Bạch Tổ sư gia, tại lão nhân gia không tin đó thôi. Thật sự Tế Ðiên Hòa thượng khi dễ Tam Thanh giáo chúng ta quá lắm.

-  Nếu đã như thế, hai ngươi hãy xuống núi tìm gặp Tế Ðiên, không cần động thủ làm chi, cứ bảo hắn ta lên đây gặp ta, ta sẽ kết thúc tánh mạng hắn, chớ ta không thể xuống núi tìm hắn đâu.

Hoa Thanh Phong nói:

-  Vậy thì, này sư đệ, chúng mình hãy đi kiếm Tế Ðiên nhé.

Nói xong cả hai cùng đi ra. Vừa ra tới cửa động, hai người đã nghe thấy tiếng dép lẹp xẹp, lẹp xẹp của Tế Ðiên hướng về phía động mai Hoa. Tế Ðiên nói:

-  Ta tới tìm lão đạo của các ông đây! Bảo ông ấy ra ta xem thử!

Hoa Thanh Phong lật đật kêu:

-  Bạch Tổ sư, Ngài ra mà xem. Tế Ðiên đã đến kìa!

Linh Viên Hóa lập tức từ trong động bước ra, thấy trước mặt mình một ông Hòa thượng rách rưới quá mức chẳng khác tên ăn mày, không có chút kim quang bạch khí nào hết, bèn hỏi:

-  Này Tế Ðiên tăng, nghe ta hỏi đây: Tại sao ngươi lại đốt chết Trương Diệu Hưng, bức tử Khương Thiên Thoại, kết thù với bọn Hoa Thanh Phong?

-  Chuyện này ông hỏi đến làm chi! Bởi tụi nó hành hung tác ác quá mức ta mới tiễu trừ đó thôi! Lão đạo hỏi ta như thế là ý muốn làm gì ta nào?

-  Ðể xem mi có bao nhiêu tài năng cho biết.

Nói rồi vỗ bụng một cái, há miệng phun ra một luồng hào quang. Tế Ðiên thấy vậy la lên “A ôi” một tiếng, ngã xuống ngất đi ngay. Linh Viên Hóa thấy vậy, đằng hắng một tiếng, quơ”:

-  Này Hoa Thanh Phong bọn bây vô cớ du ta vào chuyện thị phi! Hắn là kẻ phàm phu tục tử, mi xui ta gây ra tội nghiệt này! Cớ sự này quan trọng lắm chứ chẳng chơi đâu! Tử hà chân nhân Lý Hàm Lăng ở Vạn Tòng Sơn, Linh Không trưởng lão Trường Mi la hán ở Cửu Tòng Sơn đến tuần tra núi, chắc không để yên cho ta đâu!

Lão đạo sĩ rất đỗi ăn năn! Nguyên lão đạo sĩ này không phải là người mà là con vượn tu luyện lâu năm trong núi hóa bỏ xương đi ngang, nói được tiếng người. Lý Hàm Lăng và Linh Không trưởng lão cứ lệ 10 năm tuấn tra núi một lần. Vượn ta chuẩn bị sẵn đào tươi rượu ngon thiết đãi Lý Hàm Lăng và Linh Không trưởng lão. Hắn một lòng cung kính muốn tôn Lý Hàm Lăng làm thầy. Nhưng Lý Hàm Lăng nói:

-  Không được, Ðạo sĩ chúng ta đều là người cả, đâu thể thu nhận ngươi là vượn lộn vào được?

Hắn năn nỉ cầu xin mãi, Lý Hàm Lăng không cách nào từ chối hắn, bèn nói:

-  Ðể ta cho ngươi một cái họ, họ Linh nhé!

Linh Không trưởng lão nói:

-  Ta cũng cho ngươi một cái tên là Viên Hóa nghe!

Từ đó hắn mới có tên là Linh Viên Hóa. Thường ngày Linh Viên Hóa ít có hạ san, chỉ lên núi hái thuốc về luyện linh đan để cứu giúp bốn phương. Rồi lại lo việc tham tu mong thành chánh quả. Ông ta cũng được Lý Hàm Lăng truyền cho một ít tài năng. Hôm nay phun khí chết Tế Ðiên, ông ta cảm thấy rất hối hận, sợ rằng vế sau Lý Hàm Lăng sẽ không để yên. Hoa Thanh Phong thấy Tế Ðiên bị Tế ngã, khoái quá, nói:

-  Tổ sư gia đưa kiếm cho con, để con giết hắn!

Mạnh Thanh Nguyên nói:

-  Ðể tôi giết nó cho!

Linh Viên Hóa nói:

-  Ta không mượn các ngươi làm việc đó. Như vậy là ta gây nên tội nghiệt rồi đấy. ta phun cho nó té xỉu, nếu ta không cho nó uống thuốc nó sẽ không ngồi dậy được đâu! Một ngày không uống thuốc nó sẽ nằm suốt ngày, hai ngày không uống thuốc thì hai ngày nằm luôn, mãi mãi không có thuốc thì nó sẽ nằm chết luôn không dậy nữa!

Câu nói ấy vừa nói xong thì tế Ðiên đã nghiêng mình lồm cồm ngồi dậy. Linh Viên Hoá cả kinh hỏi:

-  Này Hòa thượng, ta chưa cho ông uống, làm sao ông ngồi lên được như vậy?

-  Ðể ta nằm xuống, chờ ông cho uống thuốc rồi ngồi dậy nhé! Ta muốn cà rỡn với ông một chút, chờ cho uống thuốc xong mới dậy, ngặt vì nằm lâu dưới đất lạnh quá! Ông không biết Hòa thượng ta là ai hả? Ðể ta cho ông xem nhé!

Nói rồi Tế Ðiên lấy tay sờ lên thiên linh cái, miệng niệm chân ngôn: “Án, sắc lịnh hích”. Linh Viên Hóa bấy giờ mới thấy trước mặt mình một vị Hòa thượng mình cao một trượng sáu, đầu như cái đấu, mặt màu gạch cua, mình mặc áo lá để lộ hai chân trần, chân mang giày cỏ. Ðúng là vị Tri Giác La Hán. Linh Viên Hóa sợ hết hồn vía chạy tót vào động đóng rịt cửa lại, không dám thò ra. Về phần Hoa Thanh Phong và Mạnh Thanh Nguyên trước tình thế đó cũng ôm đầu lủi mất. Tế Ðiên cũng chẳng rượt theo, bỏ đi mật mạch về phía núi Ác Hổ. Lúc này tại miếu Ngọc Hoàng, Bồng đầu quỷ Uẩn Phương đang mong đợi bọn Vô hình thái tuế Mã Kim Xuyên, Cửu đóa mai hoa Tôn Bá Hổ đi giết quan đoạt ấn sao chưa về. Còn bọn kia đến Mã Gia Hồ giết gia quyến Mã Tuấn sao cũng biệt vô âm tín. Trời đã tối mịt, đang lúc trông đứng trông ngồi thì thấy Tế Ðiên bên ngoài bước vào nói:

-  Chữ Hợp nè!

Uẩn Phương dòm ra thấy một ông Hòa thượng lạ hoắc. Uẩn Phương hỏi:

-  Chữ Hợp nào?

-  Ta cũng là người cùng hội mà!

-  Sao tôi không biết?

 -  Sao kỳ vậy, bộ anh không nhớ tôi thật sao? Ta là anh em với Bạch liên tú sĩ Uẩn Phi nên mới phát thiếp lục lâm, truyền thả lục lâm mời tôi đến dự đó. Bữa cướp lao phá ngục, tôi cứu anh từ trong ngục Thường sơn ra, rồi cõng anh đi hơn hai dặm đường mà anh quên rồi à?

-  Tôi thiệt ngờ nghệch quá, bữa đó trời tối đen như mực, người lại nhiều nữa nên tôi thiệt nhận không ra. Vậy bạn tên là gì?

-  Ta tên là Yếu mạng quỷ (quỷ đòi mạng).

-  Bạn là Yếu mạng quỷ, vậy bạn ở lộ nào thế?

-  Ta ở lộ Ðông.

-  Tôi chưa nghe đến tên này bao giờ! Ðứng đầu bạn là ai?

-  Ðứng đầu chúng tôi là Diêm Vương gia.

-  Tôi cũng chưa quen biết.

Anh chưa quen, để một lát ta đưa anh đến gặp ổng. Tối hôm qua Vô hình thái tuế Mã Kim Xuyên đã trộm ấn rồi, Cửu đóa mai hoa Tôn Bá Hổ cũng giết quan tri huyện rồi, mấy anh em chúng tôi kéo đến nhà Mã Tuấn ở Mã Gia Hồ giết sạch hết toàn gia lớn nhỏ, lấy được vàng bạc đồ tế nhuyễn nhiều vô kể. Mấy anh em bàn nhau định kéo về Tây Xuyên. Chú em Bạch liên tú sĩ Uẩn Phi mới nói: - Trong miếu còn có đại gia đợi chúng ta ở đó. Có ai đi rước đại gia về không? Ai nấy đều không chịu đi, chú em mới nói với ta: - Yếu mạng quỷ, anh qua miếu Ngọc Hoàng ở núi Ác Hổ rước giùm đại ca về đây rồi chúng mình cùng về Tây Xuyên luôn thể. Cho nên ta mới đến đây rước, mấy anh em đang đợi ta ở nửa đường để cùng về đó. Anh hãy mau theo ta!

Uẩn Phương nghe vậy tin là thiệt, nói:

-  Yếu mạng quỷ, anh cõng ta nổi không?

-  Nổi chứ sao không. Ta tuy nhỏ người mà sức khỏe chẳng thua ai đâu.

 Lập tức Tế Ðiên cõng Uẩn Phương chạy xuống núi Ác Hổ thẳng đến huyện Thường Sơn. Uẩn Phương hỏi:

-  Yếu mạng quỷ, anh đi đâu vậy? Ðây là huyện Thường Sơn mà, gặp phải quan binh thì mạng hai ta còn gì!

-  Không phải đâu, anh nhìn lộn rồi đó.

Nói rồi đi thẳng đến cửa nha môn huyện Thường Sơn. Uẩn Phương hỏi:

-  Yếu mạng quỷ, anh cõng ta đến nha môn huyện Thường Sơn chi vậy?

-  Ta không cõng anh đến nha môn thì cõng đi đâu? Anh tiêu mạng rồi nhé!

-  Thiệt, anh là Yếu mạng quỷ (quỷ đòi mạng) của ta đó.

-  Chớ còn gì nữa.

 Nói rồi Tế Ðiên bước thẳng lên công đường. Quan huyện lúc đó đang tra hỏi bọn Ðào hoa lãng tử Hàn Tú, Yến vĩ tử Trương Thất, Tạo thác đầu Bành Chấn, Vạn hoa tăng Từ Hằng, thấy Tế Ðiên bước vào lật đật đứng dậy:

-  Xin mời Thánh tăng ngồi.

Tế Ðiên thả Uẩn Phương xuống đất rồi ngồi xuống.

Châu Thoại hỏi:

-  Bạch Thánh tăng, vị lão đạo sĩ cùng đi với Ngài hiện giờ ở đâu?

Tế Ðiên mới đem chuyện vừa rồi kể qua một lượt. Quan huyện mới hỏi Uẩn Phương:

     -  Uẩn Phương, mi cũng có ngày hôm nay à? Bọn mi cướp lao phá ngục tất cả là bao nhiêu người?

-  Lão gia hỏi đến, tôi cũng không biết trả lời ra sao, vì việc đó không phải do tôi chủ trương.

Quan huyện mới hỏi bọn Hàn Tú:

-  Bọn mi đến Mã Gia Hồ đốt đèn cầm gậy đánh cướp có bao nhiêu người?

Bọn Hàn Tú đều cung khai tất cả. Quan huyện ra lệnh đóng trăn bọn họ giam vào ngục, rồi day qua cảm tạ Tế Ðiên. Bỗng từ bên ngoài, một lão đạo sĩ đôi mắt trợn ngược bước thẳng tới công đường. Châu Thoại la lên:

-  Dạ bẩm lão gia, lão đạo sĩ này vừa rồi cướp tù xa giết Dương Chí đó.

Quan huyện ra lệnh trói gô ông ta lại, đoạn vỗ kỉnh đường, hỏi:

-  Này lão đạo, ông họ tên chi?

Mạnh Thanh Nguyên bây giờ tỉnh lại mới biết mình đang ở trước công đường. Vừa rồi từ núi Mai Hoa chạy trốn, trong tâm mụ đi, chẳng biết tại sao mình đến nha môn như vậy? Lão đạo sĩ mới mỗi mỗi cung khai xong, quan huyện ra lệnh đưa luôn ông ta vào ngục. Sài đầu bước tới nói với Tế Ðiên:

Bạch Thánh tăng, do Thái thú Lâm An lấy lễ thỉnh Ngài, Tần thừa tướng năn nỉ Ngài, lão nhân gia mới mang chúng tôi đi bắt  Hoa Vân Long, hôm nay cũng bắt, ngày mai cũng bắt! Án mạng khó khăn ở Long Du huyện, Ngài mó tay là xong, rồi đến việc tày trời ở huyện Thường Sơn, Ngài cũng giải quyết tuốt; trái lại Hoa Vân Long thì bắt chẳng được.

-  Hai ông đừng có nóng, cứ đi với ta, đi bắt tiếp đi! Nếu bắt không được thì hai ông bắt ta đây nè, có được không?

-  Bắt Hòa thượng để làm gì?

Tế Ðiên đứng rột dậy cáo từ. Quan huyện nói:

-  Bạch Thánh tăng, xin Ngài nán lại ít bữa hẳn đi!

-  Không được đâu! Ði sớm ngày nào bớt sốt ruột hai vị này chừng ấy. Ðể tôi dẫn họ đi bắt Hoa Vân Long.

Nói rồi dẫn hai vị ban đầu ra khỏi huyện Thường Sơn. Vừa tới đầu núi, thấy trong đám rừng phía trước Dương Minh, Lôi Minh, Trần Lượng đang nằm trên đất và Hoa Thanh Phong đang cầm kiếm sửa soạn giết họ.*

 

Hồi Thứ 102

 

Dương Lôi Trần trượng nghĩa giết yêu đạo

Thập lý trang, Lôi Minh đấu với Hoa Thanh Phong

 

Nguyên Hoa Thanh Phong chạy trốn khỏi núi Mai Hoa, trong bụng nghĩ: “Phải giết chết Tế Ðiên mới được! Muốn như vậy phải luyện thành Tử mẫu âm phong kiếm mới có thể chặt đứt kim quang của La Hán được. Muốn luyện Tử mẫu âm hồn kiếm thì cần phải có một người đàn bà mang thai bé trai, mổ bụng ra lấy máu mẹ và con thoa lên bảo kiếm rồi dùng bùa chú thúc vào mới có thể luyện thành được”.

Nghĩ như vậy xong, Hoa Thanh Phong dùng yêu thuật biến ra một ít bạc đem mua một chiếc rương với một ít cao đan hoàn tán, giả làm thầy lang đi lân la vào các thôn xóm. Ông ta nghe hai bà già nói chuyện với nhau:

-  Lưu đại nương, bà ăn cơm chưa?

-  Ăn rồi, Trần đại cô, bà ăn cơm rồi phải không?

-  Vâng.

Hai bà già này một bà họ Lưu, một bà họ Trần. Bà họ Trần nói:

-  Ðại cô xem, người vừa mới đi qua đây có phải là vợ của Vương Nhị không?

-  Lưu đại nương không biết đấy thôi! Hiện tại vợ Vương Nhị đang có bầu sắp sanh. Phần Vương Nhị cũng mừng, anh ta đang trồng hai đám nếp, vợ hắn đem cơm chohắn đấy, chúng rất hòa thuận với nhau. 

Hoa Thanh Phong nghe nói người phụ nữ ấy đang mang thai, lật đật chạy theo đến đầu thôn dòm thử, quả nhiên người ấy có nghén con trai. Làm sao mà biết được người đàn bà mang thai trai hay gái? Tục ngữ có câu: Trên đời không việc gì khó, chỉ sợ chẳng để tâm thôi. Nếu người đàn bà mang thai mà ấn đường (trên giữa hai chân mày) phát sáng, đi bước chân trái trước thì chắc chắn là con trai. Còn nếu ấn đường tối lại đi bước chân mặt trước thì chắc chắn là sanh con gái. Hoa Thanh Phong thấy đúng là con trai rồi, lật đật bước tới cúi chào, miệng niệm:

-  Vô lượng Phật! Thưa đại nương tử, tôi thấy khí sắc trên mặt nương tử tối sầm, báo hiệu điều trong nhà vợ chồng không hòa thuận đấy!

Phụ nữ là hạng dễ tin bói toán, nàng ta vừa nghe xong lật đật đứng lại, nói:

-  Ðạo gia biết xem tướng à? Ông ấy thiệt như vậy có thể là vợ chồng tôi bất hòa rồi! Ông liệu có cách gì hóa giải được không? Nếu ông hóa giải được, tôi xin cám ơn muôn vàn!

-  Nàng cứ nói cho ta biết năm tháng ngày giờ sanh của mình đi, ta sẽ hóa giải cho.

-  Tôi sanh vào năm đó, tháng..., ngày..., giờ...

Hoa Thanh Phong nghe xong, liền nhắm ngay đỉnh đầu của người đàn bà ấy vỗ một chưởng, người ấy lập tức ngất đi. Hoa Thanh Phong lập tức đỡ ngang lưng người đàn bà rồi vác lên vai, chạy tuốt. Người trong thôn thấy vậy, lật đật hô lên:

-  Không xong, không xong rồi! Lão đạo sĩ không phải là người tốt. Ông ta định vác vợ Vương Nhị đi đâu vậy kìa. Chúng ta phải mau mau chạy theo bắt lại chôn sống ông ta mới được!

Họ mới hô nhau tiếp cứu, thì lão đạo sĩ đã vận chẩn cước phong chạy mất dạng. Hoa Thanh phong chạy vào trong núi, tìm một gốc cây buộc người đàn bà lại, rồi từ trong đãy rút ra các thứ đồ nghề, chuẩn bị mổ bụng người đàn bà để luyện kiếm. Vừa lấy đồ nghề ra thì đằng kia có ba người đi lại, đó là Oai trấn bát phương Dương Minh và Lôi Minh, Trần Lượng. Sau sự việc ở nhà Mã Tuấn, Dương Minh nói:

-  Ta phải trở về nhà, đi lâu sợ lão mẫu không yên tâm! Ta ra đi là để tìm trương Vinh mà Trương Vinh đã chết ở Cổ Thiên Sơn rồi, ta phải trở về thôi.

Lôi Minh, Trần Lượng nói:

-  Bọn em cùng đi với đại ca luôn thể.

Mã Tuấn cảm tạ ba người và lấy ra mấy lượng bặc tặng ba người làm lộ phí. Ba người từ tạ không nhận bạc rồi cáo từ. Mã Tuấn theo đưa ra đến bên ngoài, nói:

-  Chúng ta núi xanh không đổi, nước biếc xuôi dòng, lần này tạm biệt mong ngày tái ngộ!

Hai bên cùng vòng tay từ biệt.

Ba người đang đi, bỗng thấy trước mặt mình lão đạo sĩ đang mưu hại người đàn bà. Lôi Minh là người tánh tình hiệp nghĩa, ăn ngay nói thẳng, thấy vậy hét lớn:

-  Hay cho tên đạo sĩ lộn sòng này, mi dám ở đây hại người à? Ta phải bắt mi mới được!

Hoa Thanh Phong cũng nói:

-  Hay cho Lôi Minh! Lần trước ta tha chết cho, lần này còn dám chỏ mũi vào công việc của ta hử? Mi quả là “thiên đường có nẻo không tìm tới, địa ngục kín bưng đút cổ vào”. Phen này sơn nhân kết thúc tánh mạng mi cho rảnh!

Lôi Minh vừa rút dao ra bị Hoa Thanh Phong chỉ tay một cái trông cứng lại. Trần Lượng thấy lão đạo sĩ định giết Lôi Minh, lật đật hét:

-  Hay cho Hoa Thanh Phong, phen này ta phải liều mạng cùng chết với mi mới được!

Nói rồi rút dao chém tới, Hoa Thanh Phong tràn mình né khỏi, dùng tay chỉ một cái trồng cứng Trần Lượng lại. Dương Minh thấy vậy nghĩ bụng: “Không xong! Hôm nay ba anh em mình chắc chết về tay lão đại sĩ này quá!”. Tức thời rút dao nhảy tới động thủ. Lão đạo sĩ trồng cứng Dương Minh lại nốt. Trồng cứng ba người xong, lão đạo sĩ cười ha hả thích thú, rút dao định xuống tay kết thúc tánh mạng họ thì nghe có tiếng Tế Ðiên hét:

-  Hay cho tên đạo sĩ lộn sòng này! Mi dám giết đồ đệ của ta hử?

     Nghe tiếng Tế Ðiên, Hoa Thanh Phong sợ hồn bất phụ thể, lật đật vận chẩn cước phong chạy trốn. Tế Ðiên cũng không thèm đuổi theo, chỉ quay lại cứu bọn Dương Minh vả kêu Sài đầu mở thả người đàn bà ra. Tế Ðiên lấy tay chỉ một cái, người đàn bà hồn trí tỉnh lại. Mọi người vừa kéo nhau ra khỏi cửa núi thì gặp mấy người dân làng đuổi theo Hoa Thanh Phong cũng vừa tới đó. Tế Ðiên nói;

-  Lão đạo sĩ đã bị chúng ta đuổi đi rồi! Quý vị hãy đưa người đàn bà này về đi.

Dân làng bèn hộ tống người thiếu phụ trở về. Tế Ðiên bảo:

-  Dương Minh, ngươi hãy về nhà đi!

Dương Minh lập tức cáo từ, Tế Ðiên bảo:

-  Lôi Minh, Trần Lượng, hai con hãy theo ta!

Lôi Minh, Trần Lượng gật đầu theo Tế Ðiên đi về hướng Thập Lý trang. Thôn trang này có một tiệm nước với giàn hoa để ngồi uống trả ở trước sân. Tế Ðiên nói:

-  Bữa nay mình vô đây nghỉ một chút nhé!

Mọi người đồng ý, Tế Ðiên bước vào tiệm nước, không chịu ngồi ở trước sân mà đi thẳng vào trong nhà ngồi xuống. Trần Lượng hỏi:

-  Sư phụ ơi, bữa nay trời nóng quá mà sao sư phụ không ngồi ngoài sân cho mát. Trong này nóng ơi là nóng!

-  Ðể rồi coi, một lát nữa, mấy người ở ngoài đó vô hết trong này không có chỗ mà ngồi đấy!

-  Sao kỳ vậy?

-  Ừ, để rồi xem!

Nói xong, Tế Ðiên bước lại phía sau, day mặt về hướng Tây bắc thành kính xá ba xá. Trần Lượng nghĩ thầm: “Từ ngày mình bái sư phụ làm thầy tới nay mình chưa thấy sư phụ bái lạy ai bao giờ. Ngay đến Phật trong chùa mà cũng chưa bao giờ thấy sư phụ đốt hương vái lạy nữa. Tại sao hôm nay sư phụ có cử chỉ khác thường như vậy?”.

Tế Ðiên vái xong bước ra thì phổ ky cũng vừa đem rượu đến. Vừa uống xong hai ba chén rượu thì thấy mây đùn ở phía Tây bắc, trong chớp mắt mưa to đổ sập xuống. Mấy người đang uống rượu ngoài sân lật đật chạy cả vào trong nhà để tránh mưa. Bên ngoài có gió đập mưa tuôn, sấm chớp đì đùng, thỉnh thoảng một tiếng sét lóe lên làm rung rinh nhà cửa. Khách đụt mưa trong quán có người nói:

-  Ở đây có ai ăn ở thất đức nên xưng tội đi, đừng để liên lụy đến người khác!

Tế Ðiên cũng nói một mình:

-  Bắt đầu từ hôm nay là lúc báo ứng hiện tiền. Sao không đánh xuống hắn còn chờ gì nữa?

Người đứng kế bên nghe nói như vậy, sợ xanh cả mặt, lật đật chạy đến nói với Tế Ðiên:

-  Bạch Thánh tăng, xin người tha thứ cho tôi. Nguyên cha tôi mắc bệnh khùng khùng, một bữa nọ tôi uống rượu vào có đánh cha tôi hai bạt tai. Xin Ngài tha thứ cho, từ nay tôi xin chừa bỏ.

-  Người đã cải hối thì ta xin tha cho.

Nói rồi Tế Ðiên ngước lên hư không dường như nói:

-  Ta đã xin cho ngươi rồi, nếu không chịu sửa đổi bị trời đánh ráng chịu đa.

-  Tôi xin sửa đổi mà.

-  Ừ, chẳng phải một người bị trời đánh mà còn một người đáng bị trời đánh nữa. Người này mưu đoạt tài sản chung, đuổi anh em ra ngoài, một mình chiếm lấy gia sản của tổ phụ. Tâm địa bất công như vậy đáng bị trời đánh chết.

Kế bên có người nghe nói mấy câu đó lật đật bước tới dập đầu năn nỉ:

-  Bạch Thánh tăng, xin Ngài từ bi năn nỉ xin tha cho con, thật ra con không phải cố ý chiếm đoạt gia sản mà vì em con nó khờ khạo quá, con mới đuổi nó ra ngoài. Xin Thánh từ bi xin tha cho con, con sẽ rước em con trở về.

-  Ðể ta xin giùm ngươi thử coi, không biết thiên lôi có chịu hay không?

Nói rồi Tế Ðiên ngước lên không lẩm nhẩm giây lâu, rồi nói:

-  Ta xin cho ngươi rồi, kỳ hạn cho ngươi nội trong ba ngày mà không rước em ngươi về bị thiên lôi đánh chết ráng chịu nhé.

-  Chắc chắn là con sẽ rước nó về mà.

-  Tùy ngươi thôi.

Mọi người nghe thấy cảnh ấy đều bàn tán lăng xăng việc quả báo nhãn tiền! trần lượng nói:

-  Thưa sư phụ, Hoa Thanh Phong hành hung tác ác như vậy, sao trời không báo ứng ông ta cho rồi? 

-  Ðể rồi coi, lát nữa sẽ đến phiên ông ấy.

Vừa nói tới đó thì từ xa có một lão đạo sĩ đang chạy về phía quán nước để trú mưa. Ông ta vừa chạy tới cổng quán thì một làn chớp từ trên trời nhắm ngay lão đạo sĩ giáng xuống, tiếp theo tiếng sét điếc tai, ngọn lửa bốc cháy khét lẹt. Lão đạo sĩ quỵ xuống mặt day về hướng Bắc; ông ta đã bị sét đánh chết rồi. Mọi người trong quán hô hoán lên:

-  Sét đánh trúng đạo sĩ rồi!

Sau tiếng sét nổ, mưa tạnh trời trong, mặt trời hiện ra nhấp nháy sắp lặn về Tây. Trần Lượng bước ra xem, nhìn rõ Hoa Thanh Phong bị sét đánh chết. Mưa tạnh xong, Tế Ðiên nói:

-  Này Lôi Minh, Trần Lượng! Ta giao cho hai con một phong thư, một hoàn thuốc.

-  Hai con theo đại lộ của huyện Thường Sơn thẳng qua phủ Khúc Châu. Ngoài cửa phía Ðông thôn Ngũ Lý Bia cách Khúc Châu 5 dặm, có một ngôi miếu. Ngoài cửa miếu đó có một đại hán đang nằm, con đưa hoàn thuốc này cho hắn uống. Uống xong con đưa thư này cho hắn bảo chiếu theo lời dặn trong thư mà làm. Trên đường đi hai con không được xía vào việc của người nhé! Nếu xía vào sẽ mang đại họa vào thân đấy!

Trần Lượng hỏi:

-  Chúng con gặp lại sư phụ ở đâu?

-  Ðại khái là ở phủ Khúc châu. Hai con tới phủ Khúc Châu gặp bất cứ việc gì cũng lấy mắt ngó rồi ghi nhớ trong lòng chớ đừng mó tay vào. Nếu mó tay vào sẽ khổ đấy nhé!

Lôi Minh, Trần Lượng nghe Tế Ðiên dặn dò như vậy, vâng vâng dạ dạ, nửa tin nửa ngờ, cũng không hiểu là chi. Hai người lãnh thư và thuốc, từ biệt Tế Công theo đường lớn ra đi. Khi đến ngoài cửa phía Bắc huyện Thường Sơn thì trời đã tối, Trần Lượng nói:

-  Chúng mình hãy kiếm quán trọ nghỉ đỡ đi.

Lôi Minh nói: - Phải đấy.

Vừa vặn trước mắt có tiệm Ðức Nguyên, hai người đi thẳng lên ba gian Bắc thượng phòng. Kêu cơm rượu ăn uống xong, Trần Lượng ngủ vùi. Khí trời quá nóng bức, Lôi Minh ra viện hóng mát. Trong điếm đều ngủ cả, trong sân viện lại không có chút gío. Lôi Minh thầm nghĩ: “Ở trên cao chắc có gió”.

Lập tức nhảy lên nóc nhà, quả nhiên có gió mát, Lôi Minh định nằm ngửa trên nóc nhà để hứng gió, bỗng nghe có tiếng la:

-  Nó giết tôi! Bớ người ta, nó giết tôi!

Lôi Minh nghĩ: “Chắc bọn giựt dọc đây”, bèn cắp dao chuyền nóc nhà chạy về phía có tiếng la. Tìm chỗ trống nhảy xuống, thì ra đây là nhà bốn gian, phía Bắc thượng phòng có ánh đèn. Lôi Minh đi lần tới. Lấy nước miếng thấm ướt cửa sổ, xoi lỗ nhìn vào: giận đến tóc lông dựng đứng, muốn xông vào ra tay nghĩa hiệp. Nào ngờ mang họa vào thân!*

 

 

Hồi thứ 103

 

Lôi Minh đêm tối dò Tôn gia bảo

Trần Lượng hỏi kỹ nơi phụ nhân 

Lôi Minh xoi cửa nhìn vào nhà, ngoài chiếc giường ngủ kê sát tường còn có chiếc tủ đựng quần áo, bộ bàn ghế bát tiên và bàn trang điểm, xếp đặt rất ngăn nắp. Một thiếu phụ đang nằm trên giường khoảng ngoài hai mươi tuổi, mặc chiếc áo lam, quần ngắn, chân đi tiểu cung hài, mày ngài mắt hạnh, phấn son tô điểm thật đẹp đẽ. Ðứng dưới đất bên cạnh giường là một thanh niên trên hai mươi tuổi, tóc tết quanh đàu, mặc chiếc áo cánh hở vai, gương mặt đầy thịt, mày hung mắt ác. Người này tay trái chộp vai người thiếu phụ, tay mặt cầm con dao sáng quắc, nói:

-  Mi hãy nói thiệt đi. Nếu không nói thiệt, ta cho mi một dao chết liền thì đỡ cho mi quá, nhưng ta sẽ thẻo mi ra từng nhát từng nhát cho mi biết mùi đau khổ!

Bỗng nghe thiếu phụ đáp:

-  Hay cho tên Nhị Hổ, ngươi hiếp đáp ta, ta sẽ đốt giấy tiền mời quỷ đến bắt mi. Ta với mi có thù oán chi mà ngươi dám cầm dao dọa ta?

Lôi Minh nghe nói vậy, nhưng rồi lại nghĩ: “Mình đừng có lỗ mãng. Lão tam thường nói với ta: Phải nhìn trước sau cẩn thận. Ta hãy thương lượng với chú ấy xem sao, nếu việc cần can thiệp thì mình can thiệp, còn không cần thì thôi”. Nghĩ xong, liền thoắt lên nóc nhà trở về khách điếm. Bước vào phòng Lôi Minh đánh thức Trấn Lượng dậy, nói:

-  Lão tam, lão tam! Tỉnh dậy đi!

-  Nhị ca kêu tôi dậy để làm chi?

-  Ta vừa gặp một việc mới ràng ràng đây! Bữa nay trời nóng quá, trong sân không có chút gió nào, ta mới nhảy lên nóc nhà hóng gió. Ta vừa lên nóc nhà bỗng nghe có tiếng la: “Bớ người ta, nó giết tôi”. Ta đinh ninh một vụ giựt dọc nào đó, mới phăng theo tiếng la tìm đến một ngôi nhà. Ở đó, ta bắt gặp một gã đàn ông đang cầm con dao la hét người thiếu phụ. Ta không biết đó là chuyện gì? Dự định nhảy vào can thiệp nhưng lại sợ chú chê ta lỗ mãng, nên ta mới chạy về bàn tính với chú xem có nên can thiệp cùng không.

-  Nhị ca, anh nói như vậy là không đúng rồi. Vô cớ nhảy lên nóc nhà, nếu để trong quán người ta thấy được, có biết bao chuyện lôi thôi? Còn nói tới việc kia ư? Nếu không biết rõ, mắt không thấy rành thì lòng không phiền muộn; còn khi đã biết rồi, cứ bỏ mặc đi, thì lòng ta sao đang? Chúng ta hãy tới đó xem thử.

Nói rồi hai người cùng mặc y phục chỉnh tề ra đi. Không muốn kinh động khách điếm, họ lại nhảy lên nóc nhà, chạy ngang đến chỗ trang viện ấy. Bỗng trong nhà có tiếng la: “Cứu tôi với”. Hai người lật đật nhảy xuống. Trần Lượng nhón lên nhìn vào

cửa sổ. Bên trong có tiếng người đàn bà nói:

-  Hay cho Nhị Hổ, ngươi ăn hiếp ta quá lắm! Ta chỉ có nước đốt giấy tiền gọi quỷ đến bắt mi thôi. Mi không chịu buông ta ra ư? Cứu tôi với!

Gã đàn ông kia nói:

-  Ừ, ta giết mi đây!

Nói rồi lấy sống dao chặt lên mặt người đàn bà mấy nhát, mỗi nhát chặt đều rướm máu đỏ rần. Người đàn bà khóc rống lên và kêu la cầu cứu. Trần lượng thấy vậy cầm lòng không được bèn nói với Lôi Minh:

-  Này nhị ca, mình xông vào đi.

Hai người từ gian phòng ngoài xô cửa đi nhanh, vén rèm bước vào nói:

-  Này anh bạn! tại sao nửa đêm nửa hôm lại cầm dao dọa nạt người thế?

Gã đàn ông nghe nói hết hồn nhìn lại, thấy Trần Lượng dáng vẻ thanh tú, còn Lôi Minh thì mặt xanh râu đỏ tướng mạo hung ác, anh ta lập tức buông dao nói:

-  Xin hỏi quý danh nhị vị.

Trần Lượng đáp: Tôi họ Trần.

Lôi Minh cũng đáp: Tôi họ Lôi.

Gã kia nghe hai người trả lời, tiếng nói rổn rảng có lực, biết là người võ nghệ cao cường. trần Lượng nói:

-  Bọn tôi chuyên làm nghề bảo tiêu ở phủ Trấn Giang, có việc đi qua xứ này; hôm nay ngụ tại Ðức Nguyên điếm, đang hóng mát trong sân bỗng nghe có tiếng kêu cứu, bọn tôi tưởng là ai đó bị kẻ giựt dọc nên mới chạy ra xem, thì ra tiếng kêu cứu tự trong nhà, bọn tôi từ nhỏ có học qua chút võ nghệ, nên nhảy tường vào đây. Này anh bạn! Tại sao phải hành hung bằng dao búa như vậy?

-  Té ra hai vị là đạt quan bảo phiêu đây mà. Tôi họ Tôn, tên là Nhị Hổ, người ở thôn trang này. Thôn trang chúng tôi hơn 80 mươi nhà đều họ Tôn, rất ít người họ khác. Riêng chỗ ở của tôi gọi là Tôn Gia bảo. Người đàn bà này là chị dâu của tôi, anh tôi thuở sanh tiền mở tiệm bán thuốc và mất cách đây 3 năm, chị ấy vẫn thủ tiết. Thấy bụng chị ấy mỗi ngày mỗi lớn, tôi mới hỏi tra cái bụng lớn này là tại sao, bị tra hỏi, chị ấy mới la hoán lên làm kinh động hai vị đạt quan như thế.

Trần Lượng nghe nói bèn nghĩ bụng: “Ðây là chuyện riêng của gia đình người ta, mình xen vô làm chi?”. Bèn nói:

-  Tôi có vài lời xin khuyên: Thiên tử là bậc chí đại còn không thể dạy bảo hết dòng họ mình, huống chi là bình dân trăm họ chúng ta! Tôn giá không cần phải làm thế, hãy bỏ qua đi!

Tôn Nhị Hổ nghe nói thế bèn đáp:

-  Thôi được, hai vị không xen vào việc này, tôi cũng tạm gác lại và đi đây. Các vị ở lại rồi đi sau nhé!

Lôi Minh nghe nói bèn nghĩ: “Tên tiểu tử này nói giọng khác thường, chắc có điều không ổn đây”. Mới nói:

-  Khoan đã! Tại sao anh bạn lại đi mà bảo bọn tôi ở lại? Sao bạn nói kỳ vậy?

Tôn Nhị Hổ thấy thái độ của hai người như thế cũng không dám cãi, lật đật nói:

-  Thôi thì chúng ta cùng đi vậy.

   Lôi Minh, Trần Lượng định bước ra ngoài, thì người đàn bà ấy nói:

-  Xin hai vị ân công chớ đi! Những lời hắn nói vừa rồi không đúng sự thật chút nào.

Trần Lượng nghe nói lấy làm kinh ngạc, hỏi:

-  Tại sao lại không đúng?

-  Chồng của tiểu phụ đúng là họ Tôn, làm nghề bán thuốc bắc, qua đời cách đây đã ba năm. Gia đình tôi họ Khang, khi tôi về nhà chồng không quen biết gì hắn cả. Về sau mới nghe nói hắn là anh em bà con xa. Khi chồng tôi còn sống, hắn cũng không có tới lui thường. Sau khi chồng tôi qua đời, một hôm đang mua chỉ ở trước nhà, bỗng thấy hắn phong phanh trong chiếc áo mỏng khi tiết lạnh tháng mười, tôi mới nói: “Tôn Nhị Hổ! sao chú phong phanh trong bộ quần áo mỏng thế này? ”. Hắn đáp: “Tẩu tẩu ơi! Tôi có vai mà không gánh gồng được, có tay mà không thể bưng xách được, một đồng một chữ cũng không, làm sao có tiền mà sắm được quần áo!”. Tôi thấy hắn kêu khổ như thế bèn động lòng trắc ẩn, kêu hắn vào nhà soạn đưa cho hắn một ít quần áo cũ của chồng tôi, hai điếu tiền, và bảo hắn kiếm nghề gì thích hợp buôn bán sống đỡ. Ngờ đâu từ đó về sau, hễ không tiền, hắn cứ đến tôi vay mượn mãi và tôi cũng thường có chu cấp cho hắn. Ai dè thương người mắc họa, làm phước mang tai! Cho được lần thứ nhất, lần thứ hai trở thành cái lệ, sau rồi quen mãi. Dần dà hắn khuyên tôi cải giá, tôi mắng chửi và đuổi hắn ra. Hôm nay bà giúp việc của tôi xin nghỉ, hắn vô cớ cầm dao hiếp đáp tôi. Hắn hỏi bụng tôi lớn như thế này là tại làm sao? Tôi xin thưa với hai vị ân công rằng: Cái bụng lớn của tôi đây thực sự là do bệnh. Lời hắn chỉ là vu khống thôi! hắn lại không phải là bà con ruột thịt với chồng tôi, hôm nay thừa cơ nhà tôi không người bèn dở thói côn đồ dọa nạt. Tôi la lên như vậy mà hắn cũng mặc kệ! Hắn la hét như vậy cốt để người ngoài nghe tôi kêu cứu bèn trả lời: - Chị ơi! Làn sao tôi can thiệp vào nhà của chị được!

Trần Lượng nghe nói, nhìn lại tên a đầu ấy đầu tóc vàng khè, mặt nám đầy mụn, đôi chân mày ngắn nằm trên cặp mắt ba góc, chiếc mũi tỏi dòm xuống cai miệng rít ló ra mấy cái răng bồ cào vàng cháy, xấu xí không tả nổi. Trần Lượng nói:

-  Này Tôn Nhị huynh! Lời tục có nói: “Mỗi người quét tuyết trước nhà. Ðừng nên dòm ngó sương sa cửa người”. Anh bạn hãy tự xét mình đi, đừng nên dòm dỏ làm chi việc người! Thôi chúng ta cùng đi nhé!

Tôn Nhị Hổ nói: Ðược!

Ba người cùng đi ra cửa. Vừa đến cửa Ðức nguyên điếm, Trần Lượng nói:

-  Này Tôn Nhị huynh! Mời anh vào đây một lát.

-  Biết hai vị ở quán này là được, thôi tôi đi nhé! Hôm khác xin đến tạ ơn.

-  Cần gì phải ơn nghĩa! Anh về nhà nhé!

-  Tôi còn phải vào thành có việc.

-  Nửa đêm làm sao vào thành được?

-  Ở vách thành có lỗ hổng, có thể đi vào từ ngã đó.

Tôn Nhị Hổ nói xong cáo từ đi thẳng.

Lôi Minh và Trần Lượng không kêu cửa mà vượt tường vào bên trong. Trần Lượng nói:

-  Hôm nay coi như ta cứu được một người. Ngày mai chúng mình nên đi sớm, ở lâu e có điều không hay!

Lôi Minh nói:

-  Có gì đâu. Thôi đi ngủ!

Sáng ra thức dậy, Trần Lượng hỏi:

-  Này phổ ky, chúng tôi lên phủ Khúc Châu, có phải đường lớn này đến đó không?

-  Vâng!

-  Chú mau dọn rượu thịt lên đây cho chúng tôi, ăn xong chúng tôi lên đường sớm.

Lôi Minh, Trần Lượng ăn uống rồi, tính tiền phòng tiền cơm xong, sửa soạn lên đường thì bên ngoài có hai vị quan nhân đem theo tám tên bộ thuộc tùng sự tại huyện Thường Sơn đến nói với chưởng quỹ:

-  Này bác! Trong điếm của bác có người nào họ Lôi, họ Trần ở trọ không?

-  Dạ có! Họ ở thượng phòng phía Bắc.

-  Xin bác gọi họ giùm.

 Chưởng quỹ bèn kêu:

-  Lôi gia, Trần gia, có người muốn gặp hai vị.

Lôi Minh và Trần Lượng bước ra hỏi: ưởng quỹ bước tới nói với hai vị quan nhân:

-  Ai muốn gặp chúng tôi đấy?

Vị quan nhân hỏi:

-  Hai vị đây là họ Lôi và họ Trần  phải không?

Trần Lượng đáp: - Thưa phải!

-  Xin mời hai vị lên quan có việc!

Trần Lượng hỏi:

-  Ai tố cáo chúng tôi việc gì thế?

-  Hai vị không cần phải hỏi! Hiện có trát của quan huyện mời các vị tới hầu. Có việc gì đến nha môn sẽ biết!

Chưởng quỹ bước tới nói với hai vị quan nhân:

-  Thưa các vị quan nhân! Xin cho biết vụ việc này có dính líu đến chúng tôi không? Hai vị khách quan này hiện ở trong điếm chúng tôi, nếu họ có làm việc gì liên quan đến chúng tôi thì khoan dẫn họ đi đã!

-  Thế không được đâu! Hiện tại có trát đòi của quan huyện, chúng tôi không dám tự ý. Hai vị này phải lên huyện đường trước. Còn sau đó, việc có dính líu đến ông hay không phải chờ xem vậy! Lôi gia, Trần gia, mời hai vị đi với chúng tôi!

Lôi Minh và Trần Lượng không biết việc gì đã xảy ra đến cho mình, nhưng bản chất là anh hùng nào sợ búa dao hình phạt, tham sống sợ chết. Trần Lượng nói:

-  Này chưởng quỹ! Ông khỏi bận tâm! Bọn tôi không phải là hung phạm giết người, cường đạo trộm ngựa. Chuyện xảy ra cho chúng tôi bất ngờ như thế này chắc là tai bay vạ gió đây. Ông đừng lo! Dù chuyện có lớn bằng trời đi nữa cũng không liên lụy đến khách điếm của ông đâu!

Chưởng quỹ nói:

-  Chúng tôi không sợ liên lụy đâu! Chuyện xảy đến cho hai vị, chúng tôi làm sao phủi tay đứng nhìn được?

Ðoạn day qua hai vị quan nhân nói: - Xin hai vị vui lòng chiếu cố đến hai vị này giúp cho.

Lôi Minh và Trần Lượng lập tức theo họ đến nha môn. Rủi ro nhằm lúc Tiểu huyền đàn Châu Thoại và Xích diện hổ La Tiêu nghỉ phép, không có tại nha môn. Hai vị quan nhân đưa Lôi Minh và Trần Lượng về đến huyện đường bẩm báo, quan huyện lập tức thăng đường. Lôi Minh, Trần Lượng bước lên huyện đường lạy chào quan huyện. Quan huyện đùng đùng nổi giận làm cho Lôi, Trần phải một phen sợ hãi.*

 

Hồi Thứ 104

 

Tôn Nhị Hổ vu oan cho Lôi Minh, Trần Lượng

Huyện Thường Sơn, nghĩa sĩ náo công đường

 

Lôi Minh, Trần Lượng lạy chào ra mắt quan huyện xong, quan huyện hỏi:

-  Này Lôi Minh, Trần Lượng! Hai ngươi thông gian với Tôn Khang thị, qua lại được bao lâu? Có Tôn Nhị HHoổ tố cáo hai ngươi đây

.

     Lôi Minh, Trần Lượng nghe nói mặt mày đổi sắc! Té ra Tôn Nhị Hổ tối hôm chia tay với Lôi Minh, Trần Lượng, liền đi ngay vào thành. Có người xúi giục hắn cầm chén trà đập vào đầu mình có thương tích, sáng ra đến huyện Thường Sơn. Hắn cáo rằng Lôi Minh, Trần Lượng bị hắn bắt gặp đang thông dâm với chị dâu hắn, hai người cầm dao hành hung, lấy chén trà đập lên đầu hắn hiện còn thương tích. Hắn kêu oan ở nha môn nên huyện quan mới ra trát bắt Lôi Minh, Trần Lượng về và hỏi: “Các ngươi thông gian với Tôn Khang thị đã được bao lâu?” như thế. Trần Lượng thưa:

-  Bẩm lão gia! Tiểu nhân là người phủ Trấn Giang, còn Lôi Minh là anh em kết nghĩa của tiểu nhân. Chúng tôi mới đến huyện Thường Sơn lần đầu, và mới ngụ tại Ðức Nguyên điếm tối hôm qua. Nhưng vì tối hôm qua trời nóng nực, chúng tôi đang hóng mát trong sân, nghe có tiếng người kêu cứu: “Nó giết người! Cứu tôi với!”. Chúng tôi đang làm nghề bảo tiêu, từ nhỏ có học qua phép phi thiềm tẩu bích, đoán chắc là có vụ giựt dọc đâu đó, bèn theo tiếng la tìm đến: thì ra tiếng la thoát ra từ một ngôi nhà lớn. Chúng tôi nhảy bừa vào trong nhà thì thấy một người đàn ông đang cầm dao muốn chém người phụ nữ. Chúng tôi bước vào khuyên giải, mới biết đó là Tôn Nhị Hổ muốn mưu hại chị của hắn. Chúng tôi trước đây không hề quen biết hắn, chỉ khuyên can Tôn Nhị Hổ đừng làm thế mà thôi, không ngờ hắn lại để tâm hận thù, vu khống là chúng tôi thông gian với Tôn Khang thị. Xin lão gia xét lại. Chúng tôi hôm qua mới đến Ðức Ngyên điếm, nếu lão gia không tin thì xin truyền cho người trong điếm đến hỏi sẽ rõ. Chúng tôi cùng với Tôn Khang thị một là không bà con, hai là không quan hệ, cũng không quen biết. Xin lão gia kêu Tôn Khang thị đến để hỏi lại sẽ rõ. Chúng tôi là người ở nơi khác, cách đây 1.800 dặm mới đến ngày hôm qua, làm sao có thể thông gian với Tôn Khang thị được? Việc đó ít nhất 10 ngày hoặc nửa tháng mới có thể xảy ra được.

Ðương nói những câu đó, quan huyện đã sai người truyền Tôn Khang thị đến hầu.

Phần Tôn Khang thị đang vật vã than khóc, bà giúp việc trở về hỏi duyên cớ rồi khuyên:

-  Xin đại nương nương đừng khóc nữa! Cần gì phải biện bạch với Tôn Nhị Hổ, hắn là người không biết đạo lý mà!

Còn đang khuyên giải, thì bên ngoài có tiếng gõ cửa. Bà giúp việc chạy ra xem, thấy ngoài cửa đứng sẵn hai vị quan nhân, mới hỏi:

-  Hai vị tìm ai?

-  Tôn Nhị Hổ tố cáo Tôn Khang thị ở đây lên quan, quan huyện truyền Tôn Khang thị lên quan đường để hầu.

Tôn Khang thị nói:

-  Ðược! Tôn Nhị Hổ đã tố cáo ta, ta cũng muốn tố cáo hắn với quan huyện đây.

Nói rồi bèn mướn một cỗ kiệu nhỏ, cùng bà giúp việc đến nha môn. Quan tri huyện nhìn Tôn Khang thị mặt mày vàng ẻo, đó là gương mặt của người trong nhà từ lâu vắng bóng dàn ông hoặc là hóa bụa. Tôn Khang thị bước đến quan đường quỳ xuống. Quan huyện hỏi:

-  Ngươi họ gì?

-  Tiểu phụ họ Khang, lấy chồng nhà họ Tôn. Chồng tôi qua đời cách đây ba năm, tiểu phụ vẫn giữ phận góa phụ.

-  Hiện tại có Tôn Nhị Hổ đầu đơn tố cáo rằng ngươi tư thông với Lôi Minh và Trần Lượng bị hắn bắt gặp. Sự tình như thế nào cứ thật khai ra.

-  Thưa lão gia. tiểu phụ không hề quen biết với hai vị Lôi, Trần ấy. Tôn Nhị Hổ là người tôi giúp cho mấy bộ quần áo cũ, cũng là “loại quỷ theo hơi giấy tiền” mà thôi! 

Nàng ta bèn đem sự tình từ trước kể ra một lượt. Quan huyện truyền dẫn Tôn Nhị Hổ, Lôi Minh và Trần Lượng ra, rồi nói với Tôn Khang thị:

-  Hiện giờ không có người ngoài, ở đây toàn là công sai cả, ngươi hãy nói thiệt, bụng ngươi lớn là tại làm sao? Bổn quan sẽ cứu ngươi làm phước. Vậy chớ bụng lớn của ngươi là do thai hay do bệnh?

-  Bẩm lão gia, bụng tiểu phụ là do bệnh.

Quan huyện lập tức cho mời quan y đến khám nghiệm. Giay lát quan y đến, quan huyện ra lệnh:

-  Hãy khám mạch Tôn Khang thị xem cái bụng lớn của y là do thai hay bệnh.

Vị quan y vốn là kẻ gà mờ, chẩn mạch một lát rồi thưa:

-  Bẩm lão gia! Tôi xem mạch cô ta là mạch hỷ, có triệu chứng đáng mừng.

Tôn Khang thị nghe xong, phun vào mặt ông ta một bãi nước bọt, rồi nói:

-  Ông chỉ nói bậy bạ, chồng tôi chết đã ba năm, tôi thủ phận góa bụa làm sao có thai được?

Quan y nghe nói, quả quyết:

-  Ðừng cãi bướng, tôi nói cô có thai là chắc chắn cô có thai mà!

Quan huyện hỏi:

-  Này Tôn Khang thị! Ta hỏi ngươi: Ngươi ở nhà cãi lộn với Tôn Nhị Hổ ra sao mà Lôi Minh, Trần Lượng lại đến khuyên can?

-  Bẩm lão gia! Tiểu phụ không hề quen biết hai vị Lôi và Trần ấy, nhưng vì Tôn Nhị Hổ muốn giết tiểu phụ, tiểu phụ bắt buộc phải kêu cứu. Hai vị Lôi, Trần nghe thấy chạy đến chớ tiểu phụ không hề quen biết trước.

Quan huyện dẫn Lôi Minh và Trần Lượng vào rồi hỏi:

-  Này Lôi Minh, Trần Lượng! Tại sao hai người vô cớ nửa đêm nhảy tường vào nhà can thiệp vào việc của người ta như thế?

Lôi Minh đáp:

-  Bọn tôi là người tốt, lẽ nào thấy chết mà không cứu được?

Tôn Khang thị nói:

-  Tức thật!

Quan huyện hỏi:

-  Ngươi tức cái gì?

-  Tôi tức là ở đây không có dao sẵn: Nếu có dao, tôi mổ bụng ra để cho lão gia thấy trong bụng này là thai hay bệnh.

Lôi Minh nghe vậy, nói:

-  Chị này thiệt lớn mật, dám mổ bụng ư? Sẵn dao tôi đây nè, chị mổ ra đi! nếu là do bệnh, sẽ có người báo cừu cho chị; nếu nó là thai thì chị hãy nói rõ ra là chị thông gian với ai.

Nói rồi rút dao ném xuống đất.

Tôn Khang thị bèn chụp lấy dao, may có vị quan nhân kế bên lanh mắt giựt dao kịp. Quan huyện thấy vậy đùng đùng nổi giận, vỗ kỉnh đường hét lớn:

-  Hay cho Lôi Minh, ngươi thật lớn mật làm càn, dám coi thường quan trưởng, lớn lối trước công đường! Trước mặt bổn huyện quan, ngươi dám khoa dao hành hung chớ! Bây đâu, đè hắn xuống đánh cho ta.

Nói rồi quan huyện rút cái thẻ lệnh trong tay áo định ném ra, thì thấy một cái bao giấy kèm trên thẻ. Quan huyện mở bao ra xem, đột nhiên biến sắc, “a” lên một tiếng rồi gục gặc đầu, nói:

-  Này Lôi Minh! Lão gia xem ngươi cũng là người ngay thẳng, rất là sảng khoái! Bây đâu, mau dọn một tiệc rượu để bổn huyện thưởng cho hai vị này.

Lôi Minh, Trần Lượng cảm tạ quan huyện rồi đi ra đến phối phòng, ở đó có người trực sẵn và dọn rượu thịt lên. Trần lượng nói:

-  Nhị ca ơi! Anh thấy đó, chuyện này chắc không xong rồi! Lão gia thưởng cho ta mâm rượu này nhất định là có duyên cớ gì đây! Chắc là họ muốn bắt chúng ta mà sợ e bắt không được mới làm kế hoãn binh như vầy chăng?

Lôi Minh đáp:

-  Ta hoàn toàn không biết. Cứ ăn uống no say rồi hãy tính!

Trần Lượng đã đoán đúng. Quan huyện rút cái thẻ lệnh trong tay áo ra, thấy có kèm một miếng giấy, bèn mở ra xem: “Lôi Minh, Trần Lượng là bọn ác tặc, cấu kết với chúng lục lâm trong thiên hạ. Trước đây cướp ngục phá lao, họ chính là bạn bè của Uẩn Phương đó!”. Quan huyện xem xong nghĩ thầm: “Lạ thiệt! Mấy chữ này sao lại cột ở đây?”. Hiện thời quan huyện muốn bắt Lôi Minh, Trần Lượng mà xem ra các quan binh thủ hạ không ai đủ sức làm chuyện đó, cho nên đổi giận làm vui thưởng cho hai người một mâm rượu để làm kế hoãn binh. Một mặt cho người đi dò xét, một mặt cho người đi kêu Tiểu huyền đàn Châu Thoại và Xích diện hổ La Tiêu về để bắt Lôi Minh và Trần Lượng. Quan huyện nghĩ lại sự lạ lùng của bốn câu thơ trên giấy và nhìn đến con dao của Lôi Minh sao giống với những con dao của bọn giặc đang đêm khuấy rối ở Mã Gia Hồ quá! Càng nghĩ càng sinh nghi, quan huyện định truyền dẫn Bồng đầu quỷ Uẩn Phương ra bảo nhìn mặt xem có quen biết với Lôi Minh, Trần Lượng hay không. Nếu có quen biết thì họ là một phe với nhau. Việc cướp ngục ngày trước chắc chắn có hai người tham dự. Kỳ thật, nếu việc này xảy ra, Uẩn Phương vốn có thù với anh em huyện Ngọc Sơn, khi được dẫn ra, chắc chắn hắn bảo rằng biết để cho hai người thành tặc đạo. Nếu bị vu khống lần này, Lôi Minh, Trần Lượng dù cho lấy hết nước sông Hoàng Hà rửa cũng không sạch tiếng nhơ. Quan huyện đang rút lệnh bài, thì bên ngoài có tiếng la:

-  Âm thiên đại lão gia ơi! Tình thiên đại lão gia ơi! Oan uổng cho tôi, sao mà tôi oan uổng quá vậy nè!

Quan huyện định hỏi bên ngoài ai làm gì ồn ào thế thì Tế Ðiên lôi một vị văn sanh từ bên ngoài sồng sộc đi vào công đường.

Tế Ðiên từ đâu đến đây vậy? Sau khi chia tay cùng Lôi Minh, Trần Lượng, Tế Ðiên dẫn hai vị sài, Ðỗ tiềp tục đi về phía trước. Từ đằng xa, một cỗ kiệu nhỏ đi lại rất nhanh, Tế Ðiên nhìn thấy nói:

-  Chao ơi! A Di Ðà Phật! việc này mình đâu có thể bỏ qua được.

Nói rồi Tế Ðiên cùng hai vị Ban đầu đi theo cỗ kiệu nhỏ đó tiến vào tòa thôn trang và đi vào cổng lớn ở đường lộ phía Bằc. Tế Ðiên nói:

-  Này lão Sài, lão Ðỗ, hai người đứng bên ngoài đợi ta một lát nhé!

Tế Ðiên vào bên trong cửa la lên:

-  Khổ dữ a! Khổ dữ a!

Từ bên trong đi ra một vị quản gia nói:

-  Ðại sư phụ ơi! Ông muốn hóa duyên thì hãy đến chỗ khác đi! Ông đến trễ quá! Nếu ông đến ba ngày trước thì viên ngoại chúng tôi còn thí xả cho. Còn bây giở, viên ngoại chúng tôi có chuyện buồn lòng, không muốn thí xả cho Tăng, Ðạo nữa!

-  Viên ngoại các người buồn phiền chuyện gì thế? Nói ta nghe thử!

-  Ông là người tu hành, nói cho ông nghe cũng chẳng hề chi! Ông muốn biết, ta nói cho ông nghe nè: Bà dâu thứ ba của viên ngoại chúng tôi tới kỳ lâm bồn, mà đã ba ngày rồi không sanh được. Viên ngoại cho mời biết bao bà mụ cũng đành bó tay thôi! Có người đề nghị giữ lại đứa bé mà chẳng giữ lại bà mẹ, có người đề nghị giữ bà mẹ chẳng cần giữ đứa bé. Cỗ kiệu vừa rồi là rước bà mụ Lưu đến đấy. Viên ngoại chúng tôi thật là lo lắng không yên.

-  Không hề chi, mi trở vô bẩm với viên ngoại là Hòa thượng ta chuyên nghề đỡ đẻ đây!

-  Hòa thượng đừng có nói chơi chớ! Có ai mà kêu Hòa thượng đỡ đẻ bao giờ.

-  Tại ngươi không biết chứ ta có một thứ thuốc giục đẻ, uống vô là đẻ ngay hè!

-  Thế thì được! Tôi sẽ vào bẩm với viên ngoại.

Quản gia lập tức vào thưa  với viên ngoại. Viên ngoại lúc này lòng như lửa đốt, mong tìm thuốc thang cho con dâu, nghe quản gia nói, lật đật bảo:

-  Mời Hòa thượng đó vô đây!

Quản gia bước ra nói:

-  Viên ngoại chúng tôi xin mời Hòa thượng!

Tế Ðiên theo quản gia vào thư phòng, lão viên ngoại nhìn ra là một ông Hòa thượng kiếc, lập tức mời ngồi, nói:

-  Bạch Thánh tăng! Có phải Ngài có thuốc giục đẻ?

Tế Ðiên gật gù đầu.*

 

 

Hồi Thứ 105

 

Luận thị phi, khuyên phá cân rỗng ruột

Nói quả nhân, khéo độ Triệu Ðức Phương

 

Khi Tế Ðiên vào tới thư phòng, lão viên ngoại hỏi:

-  Ðại sư phụ ở ngôi bảo sát nào?

-  Ta ở chùa Linh Ẩn bên Tây Hồ, tên là thượng Ðạo hạ Tế, mà người ta thường gọi là Tế Ðiên đó! Còn lão viên ngoại họ tên là chi?

-  Tôi họ Triệu tên là Ðức Phương. Vừa rồi nghe gia nhân nói Thánh tăng có diệu dược giục đẻ, xin Thánh tăng từ bi ban cho. Tôi xin hết lòng hậu tạ.

-  Ta có viên thuốc này, ông cầm lấy đem vào dùng nước âm dương hòa tan cho uống thì sản phụ sẽ đẻ ngay thôi.

Triệu Ðức Phương cầm viên thuốc đưa cho gia nhân và dặn dò đúng như chỉ dẫn. Giây lát, bà vú chạy ra nói:

-  Lão viên ngoại có tin mừng rồi! Thuốc uống vào lập tức sanh ngay, mà lại sanh công tử nữa.

Triệu Ðức Phương nghe nói rất vui mừng, khen:

-  Thánh tăng thật là bậc thần tiên !

Rồi ra lệnh sửa soạn tiệc rượu. Tế Ðiên nói:

-  Có hai vị Ban đầu cùng đi với Hòa  thượng ta. Họ đang đứng chờ ngoài cửa.

Lão viên ngoại nghe nói, lật đật sai gia nhân mời hai vị Sài, Ðỗ vào. Tiệc rượu dọn xong, mọi người cùng ngồi vào bàn ăn uống. Triệu Ðức Phương nói:

-  Tôi có một việc chưa được rõ, xin Thánh tăng chỉ rõ cho.

-  Việc gì thế?

-  Không dám dấu Thánh tăng, đương sơ tôi chỉ có một thân một mình, xuất thân nghèo khó, tay trắng gây dựng cơ nghiệp. Do có sự dối gạt mà được gia nghiệp như thế này. Năm ngoái, vào ngày sinh nhật lục tuần, tôi kêu ba đứa con trai và ba đứa con dâu đến nói: - Con ơi! Cha lập nên sự nghiệp này chính là nhờ cái cân  rỗng ruột. Khi mua vào có thể mua 20 lượng 1 cân, mà khi bán ra chỉ bán 1 cân có 14 lượng. Do trong cán cân có thủy ngân. Trước đây cha mua mấy ngàn cân bông vải, mỗi cân dôi ra 4 lượng, đến nỗi người bán bông vải bị thâm vốn tức mình sanh bịnh thương hàn mà chết. Vụ này cha thấy trong lòng hổ thẹn. Hiện nay con cháu đầy nhà, từ đây cha không làm chuyện thất đức thế nữa. Cái cân ấy bây giờ đã dẹp bỏ, tôi tính cải ác hướng thiện. Dè đâu trời xanh không có mắt, cân rỗng ruột dẹp chưa được một tháng thì đứa con trai lớn chết đi, cô dâu cả cải giá. Chuyện đó chưa xong, đứa con trai kế cũng chết, vợ nó cũng bắt chước chị cả nó. Chưa đầy hai tháng sau, đứa con thứ ba của tôi cũng chết. Vợ nó mang bầu chưa cải giá! Bạch thánh tăng! Ngài nghĩ xem đó có phải là:

“Sửa cầu đắp lộ, đui hai mắt

Cướp của giết người, cháu con đông”

hay không? Tại sao làm thiện mà lại bị ác báo như thế?

Tế Ðiên cười hà hà nói:

-  Ông không cần phải nghĩ quẩn làm chi! Ðể ta nói cho ông biết: Thằng con lớn của ông nguyên là người khách buôn dược liệu, bị ông gian lận phá sản mà chết, hắn đầu thai làm con cả của ông để đòi nợ đó; còn thằng con thứ hai đến phá gia sản của ông; thằng con thứ ba sẽ gây đại họa bằng trời, đến chừng tuổi già, nó sẽ bỏ cho ông chết đói! Chỉ vì ông có tâm cải ác hướng thiện nên trời xanh có mắt bắt hai thằng phá gia chi tử đó về. ông bây giờ kể như người làm lành bậc nhất. Quả phụ thất tiết đâu bằng lão kỷ hoàn lương!

Triệu Ðức Phương nghe nói khác nào chiêm bao mới tỉnh, nói;

-  Ða tạ Thánh tăng chỉ giáo. Nay tôi được một đứa cháu trai, có thể nhờ cậy được không?

-  Ðứa cháu này sẽ làm rạng rỡ tông môn, sáng rực gia phong của ông đấy nhé!

-  Thế thì hay quá! Xin kính mời Thánh tăng ly rượu.

Ăn uống xong trời đã tối, Tế Ðiên cùng hai vị Sài, Ðỗ nghỉ lại đó. Sáng hôm sau, Tế Ðiên thức dậy đòi đi cầu, rồi từ nhà Triệu viên ngoại đi đến ngã tư nội thành huyện Thường Sơn. Bên đường phía Bắc có một tòa lầu trước cửa đứng lố nhố 20 người chen chúc. Tế Ðiên hỏi:

-  Các vị làm gì đứng ở đây thế?

Có mấy người đáp:

-  Bọn tôi chờ xem bệnh. Hứa tiên sinh ở đây là một danh y, mỗi ngày ông ta chỉ chẩn trị 20 người thôi. Quá số không nhận xem, phải đến sớm mới được nhận. Bọn tôi đến sớm để chờ lấy số trong khi tiên sinh hãy còn chưa thức.

Tế Ðiên nói:

-  Phải đó, để ta đi kêu ổng dậy.

Nói rồi xăng xắi đi đến cánh cửa kêu lớn:

-  Có bệnh coi mạch đây! Chưởng quỹ chưa dậy à?

Bên trong cổng, một vị quản gia đi ra nói:

-  Này Hòa thượng, ông đừng nói bậy bạ. Coi bệnh làm gì có chưởng quỹ?

-  Vậy có phổ ky hả?

-  Cũng không có phổ ky, ở đây chỉ có tiên sinh thôi.

-  Vậy kêu tiên sinh dậy đi. Ta muốn xem bệnh.

Nói tới đó thì từ bên trong vị tiên sinh bước ra. Tế Ðiên nhìn thấy vị tiên sinh này đầu đội khăn văn sinh màu thúy lam, mình mặc áo văn sinh cùng màu, lưng cột dây tơ, chân mang giày đế cao. Vị tiên sinh này vốn là thầy thuốc ở địa phương tên là Hứa Cảnh Thôi. Sáng nay vừa mới thức dậy, nghe bên ngoài có tiếng kêu khám bệnh, hỏi chưởng quỹ ồn ào, bèn bước ra xem. Hứa Cảnh Thôi bước ra thấy có một ông Hòa thượng kiếc đứng sẵn, bèn hỏi:

-  Hòa thượng cần việc chi?

-  Ta muốn khám bệnh.

Hứa tiên sinh nghe nói nghĩ thầm: “Cứ khám bệnh cho ông ta là xong”. Bèn đưa Tế Ðiên vào phòng, Tế Ðiên nói:

-  Cả người ta đau ngứa, cặp đùi cứng ngắc khó chịu hết sức.

Hứa tiên sinh nói:

-  Ðưa tôi chẩn mạch thử xem.

Tế Ðiên bèn đưa giò ra. Hứa tiên sinh bảo:

-  Ðưa tay ra kia mà!

-  Ta tưởng là coi mạch trên giò chớ!

Nói rồi đưa tay ra bắt mạch. Tiên sinh nói:

-  Tôi chẩn mạch ở cạnh bàn tay kia.

-  Chớ không phải chẩn mạch ở lòng bàn tay sao?

Hứa tiên sinh chẩn mạch hồi lâu, nói:

-  Hòa thượng ơi, ông không có bệnh gì hết mà!

-  Có bện h chớ!

-  Tôi xem mạch của ông sáu bộ bình hòa thì đâu có bệnh gì.

-  Ta có bệnh chớ! Chẳng những ta có bệnh mà ông cũng có bệnh nữa! Bịnh của ông đây nếu ta không trị thì không hết được đâu.

-  Tôi có bệnh gì đâu?

-  Âm thai, quỷ thai lớn tổ bố trong bụng ông đó.

-  Hòa thượng đừng nói bậy nói bạ chớ.

-  Nói bậy hả? Ta với ông kéo nhau lên quan xem thử.

Nói rồi Tế Ðiên nắm dây lưng của Hứa tiên sinh lôi tuột ra ngoài. Ai nấy cản lại, hỏi:

-  Chuyện gì mà kéo lên quan thế?

Tế Ðiên đáp:

-  Mấy người đừng có xía vô.

Nói rồi kéo đi, ai cản cũng không được. Tế Ðiên kéo thẳng một mạch đến huyện Thường Sơn. Khi đến cổng huyện, Tế Ðiên hô to:

-  Âm thiên đại lão gia! Tình thiên đại lão gia ơi! Oan uổng cho tôi lắm mà.

Các quan nhơn đang muốn cản lại, quan huyện nhìn ra thấy Tế Ðiên bèn dặn bảo đưa Tôn Khang thị ra ngoài rồi đứng dậy, nói:

-  Xin mời Thánh tăng ngồi.

Quan huyện cũng có quen biết với Hứa Cảnh Thôi vì ông ta có đến nha môn khám bệnh. Quan huyện hỏi:

-  Bạch Thánh tăng! Ngài cùng Hứa tiên sinh đến đây có việc chi?

Tế Ðiên đáp:

     -  Lão gia có hỏi đến ta xin thưa: Ngày hôm qua đang ở nhà Triệu Ðức Phương, ta bị bệnh. Triệu viên ngoại thấy ta bị bệnh bèn bảo mời danh y Hứa Cảnh Thôi đến khám bệnh cho ta. Nhưng mà ông ấy đòi tiền xe quá đắt, bước ra cửa phải 6 điếu, đi đến đầu làng phải 12 điếu, đi qua 5 dặm đường phải 24 điếu. Ta bảo: Ðắt quá! Thôi, để ta tự đi vậy. Sáng sớm hôm sau, Triệu viên ngoại đưa cho ta 50 lượng bạc, từ Triệu gia trang ta đi hơn 20 dặm đường mới đến nhà Hứa tiên sinh để chẩn mạch. Ông ấy hỏi ta: Có tiền không? Ta đáp: Có tiền đây. Rồi móc 50 lượng ra để trên bàn. Ông ấy gom tiền đút vào túi áo rồi bảo ta: Nộp tiền cho ông ấy là hết bệnh ngay, khỏi phải uống thuốc. Ông ấy bảo ta về đi, ta đòi tiền lại, ông ấy không chịu trả, nhơn đó mà ta níu ông ấy đến quan đây.

 Quan huyện nghe nói cho là lạ lùng hết sức, bèn hỏi:

-  Hứa Cảnh Thôi! tại sao ông dám gạt tiền Thánh tăng như vậy?

Hứa Cảnh Thôi đáp:

Bẩm lão gia! Y sinh nào dám vô lễ như vậy. Tôi nguyên việc nhà quá bận rộn nên dậy hơi trễ. Vừa mới thức dậy nghe bên ngoài có người kêu lớn, tôi bước ra xem thì gặp vị Hòa thượng này. Ông ấy kêu tôi khám bệnh. Tôi khám thấy ông không có bệnh gì cả, nhưng ông lại nói tôi có bệnh, có một cục âm thai, quỷ thai tổ bố ở trong bụng. Nói rồi ông ta kéo tôi lên quan. Chớ tôi có gạt tiền bạc gì của ông đâu!

Tế Ðiên nói:

-  Ngươi đừng có nói trớ! Vậy chớ cái gì giấu trong lòng ngươi đó? Nếu lão gia không tin thì bảo hắn mở dây lưng giũ giũ thử xem!

Quan huyện hỏi;

-  Này Hứa Cảnh Thôi! Trong lưng ngươi có tiền không?

-  Bẩm lão gia , không có!

-  Nếu không có thì ngươi cởi thắt lưng giũ thử xem!

Hứa Cảnh Thôi mở cởi dây tơ ra, giũ mạnh, quả nhiên rơi ra trên đất một cuộn giấy. Hứa Cảnh Thôi định lượm lấy, nào ngờ Tế Ðiên nhanh tay lượm trước đưa cho quan huyện nói:

-  Lão gia xem thử.

Quan huyện cầm cuộn giấy mở ra xem, thấy tuồng chữ viết tháo, đề là:

Lôi Minh, Trần Lượng kẻ ác tâm

Cấu kết quản giao chúng lục lâm

Việc trước phá lao cùng cướp ngục.

Cứu thoát Uẩn Phương, chúng dự phần.

Quan huyện xem rồi hỏi:

-  Này Hứa Cảnh Thôi! Ðây là tờ giấy gì, ở đâu ngươi có thế?

-  Bẩm lão gia, tôi lượm.

-  Mới sáng sớm mà ngươi lượm ở đâu vậy?

-  Bẩm lão, gia tôi lượm ở trong viện.

-  Lượm sao mà khéo thế!

Tế Ðiên nói:

-  Xin lão gia cho kêu Tôn Khang thị lên.

Lập tức quan Tri huyện cho người đòi Tôn Khang thị đến công đường, Khang thị hỏi

-  Hứa hiền đệ! Chú cũng đến đây à?

Hứa Cảnh Thôi hỏi:

-  Tẩu tẩu! Sao chị lại ở đây?

Quan huyện hỏi:

-  Này Tôn Khang thị! Ngươi có quen biết với Hứa tiên sinh này ư?

Tôn Khang thị đáp:

-  Bẩm lão gia! Khi còn sống, chồng tôi mở tiệm bán thuốc, có kết làm anh em với chú đây. Khi chồng tôi bịnh nặng, chú đây chữa trị cho. Ðến lúc chồng tôi qua đời có chú ấy giúp đỡ lo việc chôn cất. Sau khi mai táng xong, tôi mới nói với chú ấy: - Nhà tôi góa bụa nhiều tiếng thị phi, nếu có việc gì cần tôi sẽ cho người đến mời. Còn nếu không, chú khỏi phải đến nữa. Từ ấy chú ấy không đến nhà tôi nữa. Nhưng trước sau vẫn là chỗ quen biết.

Tế Ðiên lại nói:

-  Hãy đưa Tôn Nhị Hổ lên hầu đi.

Khi Tôn Nhị Hổ lên công đường, hỏi Hứa Cảnh Thôi:     

-  Hứa đại thúc cũng đến đây à?

Quan huyện hỏi:

-  Này Tôn Nhị Hổ! Ông ta kết làm anh em với anh của ngươi, tại sao ngươi kêu ông ta là đại thúc?

Tôn Nhị Hổ thưa:

-  Bẩm lão gia, đúng đấy! Trước đây tôi cùng Hứa tiên sinh luận là anh em, nhưng vì tôi hay đến mượn tiền ông ấy, mượn 10 điếu cho 10 điếu, mượn 8 ngàn cho 8 ngàn, tôi không dám coi là anh em nữa nên gọi là đại thúc.

Tế Ðiên nói:

-  Cho đưa họ ra ngoài hết đi.

Quan huyện lập tức cho đưa mọi người ra khỏi công đường. Tế Ðiên nói:

-  Chỉ đưa một mình Tôn Nhị Hổ lên thôi.

Sau khi Tôn Nhị Hổ vào lại công đường, Tế Ðiên nói với Tôn Nhị Hổ:

-  Này Tôn Nhị Hổ! Vừa rồi Hứa Cảnh Thôi đã nói hết rồi. Phần ngươi có chịu cung khai chăng? Lão gia sẽ cho người kẹp ngươi để khảo tra đó.

Quan Tri huyện nghĩ thầm: “Thế thì hay quá! Hòa thượng đã phân xử cho mình đây!”. Nghĩ rồi lập tức cho người bày kềm kẹp ra để khảo tra Tôn Nhị Hổ. Tôn Nhị Hổ lật đật thưa:

-  Lão gia không cần phải động hình. Hứa Cảnh Thôi đã nói hết, tôi cũng không dấu làm chi.

Quan huyện hỏi:

-  Ngươi cứ tình thật khai ngay, ta sẽ châm chước.

Tôn Nhị Hổ từ đầu tới đuôi thuật qua một lượt. Quan huyện nghe nói mới vỡ lẽ.*

- o0o -

Hồi thứ 96-100 | Mục Lục | Hồi thứ 106-110

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính: Diệu  Xuyến

Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-07-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Tóm tắt tiểu sử cố đại lão Hòa chua dai giac mưa nắng vô thường và năng lực của dieu kien den voi kinh phap hoa và bà Æn Ão a mọi ç giai thoai ve tam vi thien tang phat an dai su bao vat quoc gia o co do hoa lu kính cơn Người trong lòng tay Phật Những thực phẩm có lợi cho sức de tu phat Ä Ã³n cựu 大乘与小乘的区别 cành トo Người thanh âm mùa nói về chuyện niêm hoa vi tiếu bs tinh ban tren tinh than hieu va thuong Mùi น ทานชาดก lac tinh thuong se khong con khi nguoi ta can ngon Trưởng Lý an chay 9 thì moi Bí mật của tách trà tôi Lại lễ tưởng niệm thánh tử đạo thích mÃƒÆ trí Phật hoàng Trần Nhân Tông Dân đồng Giổ 首座 宗教法人解散認証申請 司法書士提出 Viết cho em mùa Phật đản huÇ