...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Hai

Hồi thứ 111

Hồi thứ 112

Hồi thứ 113

Hồi thứ 114

Hồi thứ 115

 

 

Hồi Thứ 111

 

Tri phủ định kế thăm tặc nhân

Tế Công khéo bắt Hoa Vân Long

 

     Trấn sơn báo Ðiền Quốc Bổn nghe có quan Tri phủ đến thăm, lập tức đi ra nghênh tiếp. Ra đến ngoài cổng thấy quan Tri phủ ngồi trên một chiếc kiệu lớn có đông quan nhơn tùy tùng. Ðiến Quốc Bổn bước tới trước kiệu, nói:

-  Công tổ đại nhơn giá lâm, thảo dân Ðiền Quốc Bổn nghinh tiếp chậm trễ, mong đại nhân thứ tội cho!

Quan Tri phủ Trương Hữu Ðức lập tức bảo hạ kiệu và khoát rèm bước xuống, nói:

-  Ðã lâu ngưỡng mộ đại danh của Ðiền viên ngoại, hôm nay mới được hân hạnh gặp gỡ. Viên ngoại cần gì phải khiêm nhường thái quá!

-  Xin rước đại nhân vào.

Quan Tri phủ đi vào bên trong, Tế Ðiên cũng chen đi theo sau, còn các vị Ban đầu đều đứng ở ngoài cổng. Tế Ðiên cùng quan Tri phủ vào đến đại sảnh, Ðiền Quốc Bổn nói:

-  Xin rước đại nhân ngồi.

Quan Tri phủ ngồi xuống xong, Ðiến Quốc Bổn không tị hiềm, cũng ngồi xuống và sai bảo thủ hạ dâng trà tiếp đãi. Ðiền Quốc bổn nói:

-  Hôm nay đại nhân giá lâm có điều chi sai bảo chăng?

Quan Tri phủ đáp:

-  Bản phủ đã lâu nghe danh viên ngoại, hôm nay đặc biệt đến viếng thăm để chuyện trò một bữa!

Ðang nói tới đó, thấy Tế Ðiên đứng ở phía sau quan Tri phủ dực mình vào giá quạt, hai mắt lim dim dường như muốn ngủ, Ðiền Quốc Bổn nói:

-  Vị quản gia của đại nhân chắc hồi hôm thức khuya nên thân thể mỏi mệt, vậy có thể ra bên ngoài nghỉ ngơi một lát!

Tế Ðiên mượn câu nói ấy, mở mắt đi ra ngoài, quan Tri phủ cũng không ngăn lại. Tế Ðiên đi ra khỏi đại sảnh, thẳng đến hoa viên, tới chỗ cửa nghách ghé mắt nhìn, bên trong hoa viên rất ngăn nắp, nhà mát giải lao, gác nhà thủy tạ đầy đủ, lại có ba gian hoa sảnh ở phía Bắc. Càn khôn đạo thử Hoa Vân Long đang đứng trước hoa sảnh nhìn về phía cửa nghách. Thật ra tên giặc này đang ngồi trước bàn tiệc trong hoa sảnh, vì lo lắng nên uống rượu không vô, sau cùng, trong lòng hồi hộp, hắn không biết quan Tri phủ vô cớ đến thăm là có ý gì! Hắn nghĩ: “Phải chăng là ông ấy đến bắt ta?” Càng nghĩ càng lo sợ, hắn đứng dậy bước ra hoa sảnh nhìn về cửa ngách. Thấy Tế Ðiên trong y phục Ban đầu, mặt mũi đã rửa sạch sẽ, Hoa Vân Long nhìn không ra, bèn gật đầu kêu Tế Ðiên lại, định hỏi xem quan Tri phủ đến với bao nhiêu người và đến với mục đích chi. Hoa Vân Long kêu:

-  Nhị gia ơi! Lại đây.

Tế Ðiên cũng không thèm nói. Hoa Vân Long lại nghĩ: “Thằng cha này không điếc chắc là câm”, tức giận không thèm kêu nữa, bỏ vào trong hoa sảnh. Tế Ðiên bước theo, đến trước cửa hoa sảnh, lấy hai tay chặn cửa, nói:

-  Này Hoa Vân Long! Mi chạy đằng nào cho biết!

Hoa Vân Long nghe nói đúng là tiếng của Tế Ðiên, hắn sợ đến nỗi hồn bất phụ thể, nói:

-  Sư phó ơi! Lão nhân gia sao cứ theo bắt tôi hoài vậy?

-  Ta không định bắt mi! Nếu muốn bắt mi, thì ta tóm mi ở trong vách đôi của Mã Tịnh tại Tiểu Nguyệt Ðồn kia đấy! Còn ở Bồng Lai quán, khi Lục Thông túm chặt chân mi lại, ta cũng bắt được nữa cơ mà!

Hoa Vân Long nghĩ bụng: “Phải đấy! Bây giờ sao lại bắt mình?”. Tế Ðiên nói:

-  Ðiền Quốc Bổn đưa thơ đến nha môn Tri phủ kêu ta đến bắt mi.

Hoa Vân Long nghe nói nổi giận:

-  Ðược! thằng chó đẻ Ðiến Quốc Bổn thiệt là lòng người dạ thú mà!

Tế Ðiên nói:

-  Mi tới số rồi!

Liền lấy tay chỉ một cái, dùng định thân pháp giữ cứng Hoa Vân Long lại, đoạn trở ra ngoài, đến cổng hai, kêu Sài Nguyên Lộc và Ðỗ Chấn Anh vào hoa viên. Rồi nói:

-  Hoa Vân Long đây nè, vô bắt đi. Mấy ông trói cho kỹ nhé!

Sài, Ðỗ hai người mừng như bắt được vàng, chạy vào hoa sảnh thấy đúng là Hoa Vân Long, bèn rút dây sắt trói nghiến hắn lại. Tế Ðiên thò tay vào bọc Hoa Vân Long móc ra, đúng là vòng bạch ngọc trong suốt lung linh kỳ ảo và mão phụng quan gắn 13 hột châu, đem giao cho Sài Nguyên Lộc. Tế Ðiên nói:

-  Hãy đưa nó ra bắt Ðiền Quốc Bổn luôn!

Ðiền Quốc Bổn vốn là tên đại bợm, ngồi không chia của ở Tây Xuyên. Hắn thấy mình vàng bạc đã đầy đủ, mà bọn lục lâm thủ hạ ra bên ngoài gây án cũng nhiều, hắn sợ e một người phạm án gây liên lụy đến anh em, trong đó có hắn, bèn dắt díu quyến thuộc trốn đến phủ Khúc Châu ở ẩn. Trong tay hắn có sẵn của tiền, bèn mua đất sắm nhà, cùng với Khưu Thành và Dương Khánh ẩn tích tại đây. Trước kia hắn cũng đóng vai thường dân tuân giữ luật pháp, về sau, nhân anh em của Tần Thừa tướng là Hoa thái tuế Vương Thắng Tiên đến phủ này. Ðiến Quốc Bổn đến ra mắt Vương Thắng Tiên, trước khi đi, dọ hỏi những người giữ cửa xem Vương Thắng Tiên ưa thích những đồ vật chi. Thấy Thắng Tiên đối với các  loại cổ ngoạn, tự họa, vàng ngọc đều không ưa thích, chỉ khoái có gái đẹp, Ðiền Quôc Bổn bèn nghĩ ra một kế “Mỹ nữ yên phấn”. Hắn bỏ ra ba ngàn lượng bạc mua một nàng ca kỹ mười phần xinh đẹp tên là Ngọc Lan. Ðiền Quốc Bổn kêu Ngọc Lan đến bảo:

-  Này Ngọc Lan! Ta định đưa nàng đến chỗ này là gả nàng cho em Tần Thừa tướng, không biết ý nàng như thế nào?

-  Viên ngoại có điều chi xin cứ dạy bảo cho!

-  Ngày mai ta mời Vương Thắng Tiên đến nhà dùng cơm, nàng trang điểm với những dồ trang phục người nhà, cố ý đến đại sảnh tìm ta để Vương Thắng Tiên nhìn thấy nàng. Ông ấy nếu có hỏi, ta sẽ nói nàng là em gái ta đang thời kỳ góa bụa. Nếu ông muốn, ta sẽ gả nàng cho ông ấy, nàng nhờ đó cũng được hưởng vinh hoa, giàu sang gấp nhiều lần hơn ở đây. Phần ta cũng được tiếng quan hệ bà con.

Ngọc Lan gật đầu đồng ý. Hôm sau, Ðiến Quốc Bổn mời Vương Thắng Tiên đến dùng cơm, lúc đang uống rượu chuyện trò nơi đại sảnh, thì Ngọc Lan trang điểm thật khéo, bước đến cửa đại sảnh hỏi:

-  Viên ngoại có trong này không?

Nói rồi vén rèm ra, cố ý nói:

-  Ối chào! Mấy con a đầu này thiệt dễ ghét! Trong nhà có khách mà không báo cho ta biết.

Nói rồi mắt hạnh liếc ngang, liếc Vương Thắng Tiên một cái rồi bỏ rèm xuống trở về nhà sau. Vương Thắng Tiên lúc đó hai mắt ngó chăm chăm, mới hỏi:

-  Này Ðiến viên ngoại! Người mới ra đó là ai vậy?

Ðiền Quốc Bổn cố ý đằng hắng một tiếng, nói:

-  Cô ấy là em tôi, mới đến chưa đầy một tháng. Tội nghiệp, chồng đã quá cố. Hiện giờ đang ở chơi trong nhà tôi.

-  Viên ngoại sao không tìm mối gả cô ấy đi?

-  Chưa gặp người hợp ý nên tôi cũng không dám đề nghị.

Vương Thắng Tiên cũng không tiện hỏi tiếp, ăn uống xong cáo từ ra về. Về đến công quán, Vương Thắng Tiên nói với mọi người:

-  Từ khi sanh ra đến nay, ta chưa gặp người nào đẹp! Hôm nay đến nhà Ðiến Quốc Bổn, thấy em gái ông ta, thật là Tây Thi tái thế!

Gia nhân là Vương Hoài trung nói:

-  Thưa Thái tuế!  Ðể tôi đi nói với Ðiền viên ngoại làm mai cho cô ấy tục huyền với lão gia, đại khái là được thôi!

Vương Thắng Tiên nói:

-  Ðược! Ngươi nếu dàn xếp việc này ổn thỏa, ta thưởng cho ngươi 200 lượng.

-  Lão gia nhớ lời là được rồi!

Nói xong, Vương Hoài Trung lập tức đến nhà Ðiến Quốc Bổn đưa ra việc cầu thân của Vương Thắng Tiên. Ðiền Quốc Bổn cũng mừng vì đúng với điều mong muốn, bèn đem Ngọc lan gả cho Vương Thắng Tiên. Sau việc đó, Ðiền Quốc Bổn ỷ thế kết thân với em Tần Thừa tướng mà kết giao với quan trưởng, làm đảo lộn nha môn, lật lọng công lý, tung hoành đủ kiểu. Quan Tri phủ tiền nhiệm là người thanh liêm, không hợp với hắn, nên hắn gởi một phong thơ cho Vương Thắng Tiên, Vương Thắng Tiên vào gặp Tần Thừa tướng tâu rồi thế nào mà quan Tri phủ bị điều đi nơi khác. Quan Tri phủ Trương Hữu Ðức này lại cũng không hợp với hắn. Hắn lại gởi cho Vương Thắng Tiên một phong thơ. Vương Thắng Tiên lại đến ra mắt Thừa tướng, Thừa tướng hỏi:

-  Thân thích của chú là thế nào vậy? Mệnh quan của Hoàng thượng đều không hợp với hắn ta? Ðâu có thể cho hắn điều khiển được!

Vương Thắng Tiên bị tắc nghẹn không trả lời được, bèn viết thư hồi âm cho Ðiền Quốc Bổn, bảo hãy tra xét những cái không hay của quan Tri phủ gởi về rồi sẽ giúp hắn sau. Ðiền Quốc Bổn lần trước báo cáo là có hầm ngầm, lần này lại phái Khưu Thành đem treo đầu người, định cho quan Tri phủ mất tiếng thanh liêm. Nào ngờ: “Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt!” đối với tên giặc tội ác tầy trời. Hôm nay, đương ngồi trong đại sảnh tiếp chuyện quan Tri phủ, thấy hai vị Ban đầu Sài, Ðỗ trói Hoa vân Long đi với Tế Ðiên tới đại sảnh, Ðiến Quốc Bổn nổi giận mắng lớn:

-  Kẻ nào cả gan dám ở trong nhà ta biện án hử?

Tên giặc đứng rột dậy, định rút dao động thủ. Tế Ðiên lấy tay chỉ một cái, trồng cứng Ðiến Quốc Bổn lại. Lưu Xuân Thái bước tới rút dây sắt trói nghiến tên giặc. Kê tử nhãn Khưu Thành, Kim sí điêu Dương Khánh nghe tiếng chộn rộn, nhảy ra rút dao chống cự, bị Tế Ðiên dùng phép định thân trồng cứng và sai trói lại tất cả.

Quan Tri phủ ra lệnh trở về nha môn. Lập tức bọn giặc bị áp giải về đến phủ đường. Quan tri phủ thăng đường, truyền đem những đơn tố cáo ra trình. Giây lát có hơn 20 người đưa đơn tố cáo Ðiến Quốc Bổn, có người tố cáo hắn cướp giựt vợ con, có người tố cáo hắn cho vay siết ruộng đất, và nhiếu tội ác khác. Ngay lúc đó, quan huyện Tây An sai người mời Tế Ðiên về nha môn uống rượu. Sau khi Tế Ðiên đi rồi, quan tri phủ lần lượt hỏi cung các tên giặc và tạm giam lại đó chờ Tế Ðiên về sẽ giải đi. Lúc đó, trên đường phố phủ Khúc Châu, mọi người đều xôn xao bàn tán tin đồn Tế Công ở chùa Linh Ẩn bắt được Hoa Vân Long, Ðiền Quốc Bổn, nhị thái gia và tam thái gia rồi. Tin đồn này lan ra làm kinh động đến hai tên giang dương đại đạo, một người tên là Truy vân yến tử Diêu Ðiện Quang, một người tên là Quá độ lưu tinh Lôi Thiên Hóa. Hai tên giặc này ở trong nhóm 36 người bạn kết nghĩa tại huyện Ngọc sơn, lúc này đang ở phủ Khúc Châu, nghe tin Hoa Vân Long bị Tế Ðiên Hòa thượng bắt đưa về nha môn Tri phủ, Diêu Ðiện Quang nói:

-  Này Lôi hiền đệ! Chúng ta là bạn kết nghĩa với Hoa Vân Long, chẳng biết tin này thì thôi, còn đã biết, chẳng lẽ chúng ta làm ngơ? Chúng ta hoặc là phá lao cướp ngực, hoặc là giết Tế Ðiên Hòa thượng để báo cừu cho Hoa nhị đệ rồi tìm cách cứu Hoa Vân Long ra.

Lôi Thiên Hóa nói:

-  Huynh trưởng nói có lý đấy! Chúng mình hãy đi dò xét thử!

Hai người từ trong khách điềm đi ra, tản bộ trên đường phố. Lúc bấy giờ chiều tối, đã lên đèn, họ thấy phía trước đi lại có hai người hầu đi theo một ông Hòa thượng kiếc. người hầu nói:

-  Bạch sư phó! Ngài có muốn uống rượu không?

-  Ta không uống đâu! Ta chính là Tế Ðiên Hòa thượng bắt Hoa Vân Long đây. Nếu có ai không phục cứ ra đối đầu với ta!

Diêu Ðiên Quang nghe nói là Tế Ðiên Hòa thượng, bèn thò tay vào túi định rút dao ra báo cừu cho Hoa Vân Long.*

 

Hồi Thứ 112

 

Dân bá tánh đầu đơn  thưa Quốc Bổn

Hai lục lâm hành thích Tế Ðiên Thiền sư

 

Nghe Hòa thượng tự xưng mình là Tế Ðiên bắt Hoa Vân Long, Diêu Ðịnh Quang định rút dao ra động thủ, nhưng lại nghĩ: “Ðừng vội lỗ mãng! Hoa Vân Long đã bị Hòa thượng này bắt, chắc ông ta có tài ghê gớm lắm! Hai đứa mình cự địch chưa chắc thắng được ông ta, chi bằng mình ngầm dò xét xem ông ấy ở chỗ nào rồi tối nay hành thích ổng chắc ý hơn. người ta nói: “Thương ngay dễ tránh, tên lén khó phòng”.

Tế Ðiên buột miệng nói:

-  Phải đấy! Cứ theo dò Hòa thượng ta đi! Bữa nay ta ở trong phòng phía Tây của nha môn quan phủ, nếu không phục thì cứ đến đó mà tìm.

Hai tên giặc nghĩ thầm: “Lạ thiệt! Bọn ta tính trong lòng sao Hòa thượng này nói ra vanh vách vậy kìa? Hòa thượng này chắc là ghê gớm lắm!”.

Thấy Tế Ðiên bước vào trong phủ nha, Diêu Ðiện Quang, Lôi Thiên Hóa dò xét đường đi nước bước xong bèn trở về khách điếm kiếm cơm rượu ăn uống rồi đi ngủ dưỡng sức. Chờ đền canh hai, hai người thay y phục dạ hành từ trong cửa sổ dùng thuật phi thiềm tẩu bích chạy đến nha môn Tri phủ. Ðến nhà phía Tây, hai người nhìn vào, qua ánh đèn quả nhiên thấy Tế Ðiên đang nằm trong giường. Diêu Ðiện Quang nói:

-  Chú canh cửa để ta vào giết ông ấy.

 Lôi Thiên Hóa gật đầu ở lại canh cửa. Diêu Ðiện Quang vừa mới vén rèm bước vào, Tế Ðiên xoay mình ngồi dậy nói:

-  Cái thằng phải gió này, mi chạy đi đâu hử?

Tên giặc sợ quá, quay đầu bỏ chạy. Tế Ðiên chạy theo bén gót. Hai tên giặc chạy ra khỏi phủ nha, Tế Ðiên cũng chạy đuổi theo sau. Chúng chạy đến nửa đêm, Tế Ðiên cũng rượt theo không bỏ. Trời vừa sáng, chúng chạy ra khỏi thành, nghe phía sau không có tiếng dép đuổi theo mới tạm yên tâm. Thấy trước mặt có một cụm rừng bên chân núi, chúng định vào đó nghỉ ngơi giây lát, nào ngờ vừa bước vào mé rừng, nghe Tế Ðiên hỏi:

-  Mới tới hả?

Chúng sợ quá định chạy đi nữa thì Tế Ðiên lấy tay chỉ một cái hai người hét cục cựa. Tế Ðiên nói:

-  Ta không thèm đánh, ta cũng không thèm mắng tụi bay làm chi. Ta cho bồ cạp đốt chết tụi bay cho biết!

Nói tới đó thì bên sườn núi có tiếng niệm “Vô lượng Phật” vang lên. Tế Ðiên nhìn lại, người đến là một vị lão đạo sĩ đầu đội mũ đạo sĩ như ný, mình mặc đạo bào bằng đoạn lam, lưng thắt dây tơ đeo lủng lẳng thanh bảo kiếm bên hông, vớ trắng vân hài rất gọn ghẽ, đặc biệt  gương mặt giống như trẻ nít. Vị đại sĩ này họ Chữ tên là Ðạo Duyên, ngoại hiệu là Thần đồng tử ở Tỵ Tu quán trên Thiết Ngưu Lãnh. Sư phụ ông ta là Quảng pháp chân nhân Thẩm Diệu Lượng chính là đồ đệ của Tử hà chân nhân Lý Hàm Linh ở Vân Hà quán trên núi Vạn Tòng. Chữ Ðạo Duyên là đồ tôn của Lý Hàm Linh. Ông ta tu ở Tỵ Tu quán, mỗi ngày lúc sáng sớm đi tản bộ bên ngoài mượn chánh khí của trời đất để bồi dưỡng tinh thần. Hôm nay đi dạo tới đây, Diêu Ðiện Quang và lôi Thiên Hóa nhìn thấy, lật đật hô hoán lên:

-  Xin đạo nhơn cứu tôi với!

Chữ Ðạo Duyên định thần nhìn kỹ, hỏi:

-  Ta tại sao phải cứu các người? Các người là ai vậy?

Diêu Ðiện Quang nói:

-  Bọn tôi là người của huyện Ngọc Sơn, nhơn vì anh em kết nghĩa với chúng tôi bị ông Hòa thượng này bắt. Chúng tôi muốn báo thù cho bạn nào dè lại bị ông Hòa thượng này trồng cứng định cho bồ cạp đốt chúng tôi. Xin đạo gia cứu mạng cho!

Chữ Ðạo Duyên hỏi:

     -  Ðã là người của huyện Ngọc Sơn, vậy hai người có biết Dạ hành quỷ Tiểu côn lôn Quách Thuận chăng?

-  Quách Thuận với chúng tôi là anh em kết nghĩa, chứ đâu phải người nào xa lạ!

-  Thế thì được! Vậy chớ Hòa thượng này là ai vậy?

-  Là Tế Ðiên.

Chữ Ðạo Duyên “a” lên một tiếng, nói:

-  Té ra là Tế Ðiên tăng. Sơn nhân ta đang tìm hắn để bắt đây. Sao mà đúng lúc quá vậy! Ta nghe đồn Tế Ðiên Hòa thượng bắt Mạnh Thanh Nguyên ở huyện thường Sơn, dùng lửa đốt Trương Diệu Hưng, giết chết Khương Thiên Thoại, mấy lần gây thù với Tam Thanh giáo. Hôm nay, Tế Ðiên nhà ngươi đến nộp mạng thật đúng lúc!

Tế Ðiên nói:

-  Tên đạo sĩ lộn sòng này, mi định làm gì thế hử?

-  Hay cho Tế Ðiên! Mi không biết Tổ sư gia đây lợi hại tới bực nào ư? Hãy quỳ xuống và kêu ta ba tiếng “Tổ sư gia”, ta sẽ tha mạng chết cho mi.

-  Hay cho lão đạo! Mi dù có quỳ xuống dập đầu kêu ta ba tiếng Tổ tông gia, ta cũng không tha chết cho mi đâu.

Lão dạo sĩ nghe nói khí uất lên tận cổ, rút kiếm ra nhắm ngay đầu Hòa thượng chém xuống. Tế Ðiên tràn mình tránh khỏi, luồn phía sau lão đạo xô mạnh một cái. Lão đạo ngoái đầu huơ kiếm đâm Hòa thượng một nhát, Tế Ðiên chạy quanh tránh khỏi, vừa đẩy vừa kéo, vừa nhéo, vừa xô mà lão đạo không làm gì được. Lão đạo giận quá, nói:

-  Hay cho Tế Ðiên, mi thật lớn gan! Ðể sơn nhân dùng pháp bửu lấy tính mạng ngươi đây.

Nói xong thò tay vào túi lấy ra một vật tên là Khấu tiên chung. Món pháp bửu này chính là của sư phụ ông ấy ban cho, bất luận là yêu tinh gì hễ chạm vào đó đều hiện nguyên hình. Lão đạo sĩ ném lên trên không, trong miệng đọc lâm râm thần chú, chuông có thể lớn hay nhỏ mà rơi xuống chụp ngay Hòa thượng nhốt lại. Chữ Ðạo Duyên thấy vậy, cười nói:

-  Ta tưởng đâu Tế Ðiên có nhiều tài cao phép lạ, nào ngờ chỉ là một tên tục tử phàm phu!

Nói rồi định bước tới giải cứu cho Diêu Ðiện Quang và Lôi Thiên Hóa thì nghe phía sau có người nói:

-  Hay cho lão đạo! Mi dám can thiệp vào chuyện của ta ư?

Lão đạo ngoái lại thì đúng là Tế Ðiên, bèn nghĩ thầm: “Tên điên tăng này mình đã nhốt trong chuông, làm sao nó chui ra được?”. Lão đạo liền móc trong túi ra một sợi Khổn tiên thằng, nói:

-  Này Hòa thượng! Cho Mi biết lợi hại của ta!

 Tế Ðiên dòm thấy lật đật nói:

-  Ấy chết, không xong rồi! Chữ đạo gia, xin tha cho.

-  Này Hòa thượng! Ông vô cớ khi dễ Tam Thanh giáo, ta đâu có thể tha mạng cho ông được?

Nói rồi cầm Khổn tiên thằng quăng lên, Tế Ðiên không né tránh liền bị Khổn tiên thằng trói lại chặt cứng. Khổn tiên thằng này cũng là một báu vật mà bất cứ yêu tinh gì bị trói lại đều hiện nguyên hình tất. Chữ Ðạo Duyên thấy Tế Ðiên bị trói liền cười ha hả, nói:

-  Này Hòa thượng! Ông kêu ta ba tiếng “Tổ sư gia” đi ta sẽ mở thả cho ông. Bằng không ta ném ông xuống khe núi chết quách cho rảnh.

-  Ta kêu ông ba tiếng “Tử tôn” thì có.

Lão đạo nghe tức giận càng hông, liền nhấc bổng Hòa thượng ném xuống khe núi. Tế Ðiên ngay lúc đó nắm chặt cổ áo lão đạo. rẹt một tiếng, chiếc đạo bào bị lôi tét phân nửa, cùng Tế Ðiên rơi xuống vực sâu trăm trượng. Lão đạo thấy Hòa thượng bị rơi xuống vực, tự mình ho lên một tiếng, than thở: : “Sư phụ mình bảo đừng nên vô cớ hại người mà hôm nay mình lại gây oan nghiệt đây!”

Ðứng ngơ ngẩn một hồi lâu, đinh ninh Hòa thượng rớt xuống vực đã chết, lão đạo mới quay lại cứu Diêu Ðiện Quang và Lôi Thiên Hóa, rồi nói:

-  Ta đã ném Hòa thượng xuống khe núi chết rồi, thôi hai người đi đi!

Bọn Diêu Ðiện Quang cảm tạ lão đạo rồi bỏ đi. Lão đạo nghĩ bụng: “Hôm nay không cần phải về miếu ăn cơm làm chi, ta ra ngoài thị trấn tìm một tiệm cơm mua một trái lựu, nửa cân bánh, một chén canh mộc nhĩ để ăn cũng được rồi”. Tính rồi bèn ra khỏi thôn, thấy có quán rượu bên kia đường, tên phổ ky đứng trước cửa quán rượu lấy tay ngoắc lão đạo nói:

-  Lại đây!

Lão đạo ngoái đầu nhìn ra sau không thấy ai, cũng không biết phổ ky gọi người nào, nhưng cũng đến quán rượu tìm một cái bàn ngồi xuống. Phổ ky nói:

-  Ðạo gia mới đến à?

Lão đạo cũng đáp: - Ừ, mới đến!

Phổ ky cũng không hỏi lão đạo cần món chi, chỉ lau quét rồi bưng ra một bầu rượu, một đĩa hột lựu, một tô canh mộc nhĩ, nửa cân bánh. Lão đạo nghĩ thầm: “Lạ chưa? Thiệt là” nghĩ áo có áo, nghĩ ăn có ăn!”. Rồi hỏi:

-  Này Phổ ky! Làm sao chú biết ta cần muốn ăn mấy món này?

-  Thế mà biết chứ!

-  Ừ phải, mấy chú bán kiểu này chắc là phát tài đa!

Giây lát lão đạo ăn uống xong, phổ ky tính tiền nói:

-  Tất cả là 3 điếu hai trăm tám.

Lão đạo hỏi:

-  Dĩa lựu bao nhiêu tiền?

-  Hai trăm tư.

-  Tại sao tính tới ba điếu hai trăm tám dữ vậy?

-  Ông ăn bốn trăm tám. Sư phụ ông ăn hai điếu tám bảo tính chung với ông một thể.

-  Ai là sư phụ ta? Ông ở đâu rồi?

-  Là ông Hòa thượng kiếc. Ðã đi rồi! Ăn hai điếu tám. Nếu không phải chúng tôi cũng không cho ông ấy đi đâu. Ông ấy để lại nửa mảnh đạo bào bằng đoạn lam, lại còn một sợi dây tơ và dặn: Bảo ông trả tiền rồi đưa sợi dây tơ này cho ông.

Lão đạo tức đến nỗi mắt nổ đom đóm, nói:

-  Nói bậy nói bạ! Ông ấy là Hòa thượng ta là lão đạo, làm sao ông ấy là thầy ta được?

 -  Hồi nãy Hòa thượng nói: Ông làm đạo sĩ có chuyện buồn, muốn làm Hòa thượng mới nhận ổng làm sư phụ. Ông ấy bảo ông phải đi theo gấp, nếu để trễ ông ấy không nhận đâu. nếu ông không trả hai điếu tám tiền ăn, chúng tôi sẽ giữ chỗ dây tơ và đoạn áo rách này cũng bán được bằng ấy tiền.

Lão đạo có ý không bằng lòng, nhưng lại sợ ráp mảnh khác vào cái áo sẽ không trùng màu lại còn tốn nhiều tiền hơn. Lão đạo không còn cách nào khác đành phải trả ba điếu hai trăm tám tiền cơm. Trả xong bước ra, muốn đuổi theo Hòa thượng quyết sống mái một phen. Lão đạo định rượt theo ngay, thì phía trước có một người đi tới hỏi:

-  Phải đạo gia họ Chữ không?

-  Phải đấy!

-  Hồi nãy tôi gặp một ông Hòa thượng, ông ta tự xưng là sư phụ của ông, bảo tôi nhắn dùm ông bảo ông đi theo gấp, nếu trễ ông ấy không bằng lòng đâu!

-  Nói tầm bậy tầm bạ! Có sư phụ của ông á!

-  Này lão đạo! Ông thiệt không biết điều tí nào. Hòa thượng nhờ tôi nhắn lại ông, tôi có lòng tốt nói cho ông biết, sao ông lại mắng tôi?

Lão đạo không thèm đáp lại, giận đến hai mắt đỏ ngầu, tức tốc rượt theo Hòa thượng. Rượt một thôi đường, thấy trước mắt có một cái giếng, mấy người đang đứng trên bờ giếng múc nước, lão đạo đương khát, muốn uống tí nước, bèn lân la đến gần và nói:

-  Ố chào! Xin cho miếng nước uống với.

Mấy người múc nước hỏi:

-  Có phải đạo gia là Chữ Ðạo Duyên không?

-  Chính tôi!

-  Hồi nãy có sư phụ ông tới nói để dành cho ông ít nước, sợ ông khát lộn ruột mà chết.

-  Ai là sư phụ tôi đâu?

-  Ông Hòa thượng kiếc ấy mà!

-  Sư phụ của mấy ông thì có!

-  Này lão đạo! Ông mở miệng ra là nói điều bất tường không à! Thôi, ông đừng uống nước làm chi!

-  Không uống thì không uống chớ!

Lão đạo tức giận muốn phát điên, băng mình tiếp tục rượt theo. Chạy đến đầu làng, lão đạo định chạy vào, thì thấy từ trong cổng làng đi ra hơn 20 người, người nào cũng chau mày trợn mắt có vẻ giận dữ. Lão đạo cũng không để ý, tiếp tục chạy tới, nào dè vừa gặp mấy người ấy, họ bèn vây chặt, không nói không rằng nắm lão đạo lại đánh túi bụi.*

 

 

Hồi Thứ 113

 

Tế Ðiên đấu phép với Chữ Ðạo Duyên

Thần đồng chế phục Thẩm Diệu Lượng

 

Thần đồng tử Chữ Ðạo Duyên đang rượt theo Tế Ðiên, thì từ trong thôn đi ra hơn 20 người níu giữ đạo sĩ lại áp đánh. Ông ta không biết bởi lý do gì?

Thực ra Tế Ðiên đã đến thôn ấy rồi vào một quán trà, trước số người đông đảo đang uống trà, Tế Ðiên la lớn:

-  Các vị ơi, cứu tôi với!

-  Cái gì vậy? Mọi người nhao nhao hỏi.

-  Ngoài thôn này có một lão đạo sĩ đang cầm kiếm hóa phép làm sa mù. Ông ta bảo: “Ðể cho người trong thôn mắc bệnh phải nhờ ông ta trị cho mới hết”. Ý ông ta muốn quyên 3.000 lượng bạc đấy. Tôi khuyên ông ta, ông ta cho rằng tôi phá hư việc của ông ấy nên rút kiếm định giết tôi.

Mọi người nghe nói đồng thanh bảo:

-  Ðâu có thể có chuyện này được! Chúng ta bắt lão đạo chôn sống cho rồi.

Nói xong, mọi người ùa ra khỏi thôn, quả nhiên thấy có một lão đạo sĩ tay cầm bảo kiếm, hai mắt trợn ngược, bèn xúm nhau níu lại định đánh. Chữ Ðạo duyên la lên:

-  Các vị sao lại đánh tôi?

-  Ông đến làm phép hóa mù để hại người trong thôn chúng tôi, không đánh sao được?

-  Ai nói với các vị như thế?

-  Chính Hòa thượng nói đấy!

-  Phải rồi! Tôi với ông Hòa thượng ấy có cừu thù, các vị đừng nghe lời ông nói. Tôi là người ở Tỵ Tu quán trên Thiết Ngưu Lãnh, tên là Thần đồng tử Chữ Ðạo Duyên đây. Tôi đang muốn tìm Hòa thượng mà không biết ông ta ở đâu, để cùng nhau đối chất.

Mọi người cùng kéo nhau  về quán trà thì không thấy Tế Ðiên ở đó nữa. Có người hỏi:

-  Hòa thượng đi đâu nhỉ?

Trong bọn có người nói:

-  Hòa thượng đến nhà Ðiền nhị gia ở cách vách đây để thăm bệnh điên rồi.

Lão đạo sĩ nghe nói giận không bắt được Hòa thượng bằm 1.000 nhát dao cho nát cho hả cơn tức, bèn lật đật chạy đền cửa nhà họ Ðiền kêu lớn:

-  Tế Ðiên tăng mau ra đây! Sơn nhân cùng mi sống mái một trận.

Nguyên sau khi mọi người chạy đi kiếm lão đạo sĩ, Tế Ðiên ngồi lại ở quán trà, nói:

-  Hòa thượng ta có nghề trị bệnh, bất cứ bệnh phong cùi gì ta điều trị được tất.

Có người ngồi gần chạy lại nói:

-  Ðại sư phó, Ðiền nhị gia của chúng tôi mắc bệnh điên đã lâu, hễ gặp ai đánh nấy, hiện bị xiềng ở nhà sau, sư phó có trị được không?

-  Có gì mà không được.

-  Thế thì xin mời Hòa thượng!

Người ấy nói xong bèn đưa Tế Ðiên vào bên trong. Tế Ðiên hỏi

-  Người điên đó ở đâu?

-  Bị trói ở sau nhà này.

Tế Ðiên bảo đem chìa khóa lại, rồi đến phía sau mở khóa ra. Người điên từ bên trong chạy thẳng ra trước cổng, nhằm lúc lão đạo sĩ đang réo tên Tế Ðiên thách đấu. Người điên chạy tới túm lấy ông ta đánh túi bụi, vật lão đạo sĩ xuống vừa đánh vừa đá liên hồi, đánh xong còn vạch miệng lão đạo sĩ đái vào. Bấy giờ mọi người mới kéo người điên ra được. Tế Ðiên nói:

-  Ta có một viên thuốc, lát nữa cho ông ấy uống thì khỏi ngay thôi!

Nói rồi Tế Ðiên cầm cái gì đó đi ra. Bên ngoài, mọi người đang khuyên lão đạo sĩ:

-  Thôi, Ngài về đi! Ông ấy điên mà chấp nhất làm chi!

Lão đạo sĩ ngước đầu nhìn lên, thấy Tế Ðiên đang đứng một bên cười cười, bèn nộ khí xung thiên, nói:

-  Hay cho Hòa thượng! Ông chạy đi dâu?

Tế Ðiên quay mình bỏ chạy, lão đạo sĩ lật đật đuổi theo, ra tới đầu thôn thì không còn thấy đâu nữa. Lão đạo sĩ nghe có tiếng buớc chân phía sau ba gian miếu Thổ địa trước mặt, bèn đi vòng ra phía sau để xem thử. Chữ Ðạo Duyên thấy trước mặt mình một vị đạo sĩ đầu đội mão đạo sĩ màu vàng nhạt, mình mặc đạo bào cùng màu, chân đi vớ trắng vân hài, mặt như cổng nguyệt ba thu với chòm râu quai nón trắng như tuyết, sau lưng đeo Phân quang kiếm. Lão đạo sĩ này chính là Quảng pháp chơn nhơn Thẩm Diệu Lượng, sư phó của Chữ Ðạo Duyên. Chữ Ðạo Duyên lật đật chạy đến quỳ xuống dập đầu lia lịa, nói:

-  Kính bạch sư phó! Ðệ tử xin ra mắt sư phó.

Ông ta không nói một lời. Chữ Ðạo Duyên lại dập đầu, nói:

-  Kính bạch sư phó, đệ tử xin ra mắt.

 Ông ta càng dập đầu, lão đạo sĩ kia vẫn làm thinh. Chữ Ðạo Duyên cũng không biết tại sao sư phó mình cứ nhắm mắt mà chẳng thèm để ý đến ông ta như vậy.

Vừa dập đầu lia lịa, Chữ Ðạo Duyên lòng càng thêm buồn bực, bỗng Tế Ðiên từ đâu bước tới nói:

-  Chữ Ðạo Duyên! Ông đạo hạnh dường ấy mà lại nhè ổ trứng gà lạy cả trăm lạy như thế hử? Ngày mai gặp ổ trứng vịt chắc ông lạy hai trăm cái chứ gì!

Chữ Ðạo Duyên nghe nói nhìn lại, vạch lớp rơm ra đúng là ổ trứng gà, bèn giận đến mặt mày tái sanh, đưa tay rút kiếm thì Tế Ðiên không còn ở đấy nữa. Chữ Ðạo Duyên sục sạo cả buổi vẫn không gặp. Trời đã tối, ông ta lật đật trở về Tam Thanh miếu của sư thúc mình là Lý Diệu Thanh. Về đến Tam Thanh miếu, Lý Diệu Thanh hỏi:

-  Ðạo Duyên từ đâu đến đây thế?

Ðạo Duyên đem chuyện vừa qua thuật lại. Lý Diệu Thanh nghe xong, nói:

-  Không hề chi! Ngày mai ta cùng ông đi kiếm Tế Ðiên.

Chữ Ðạo Duyên đang cơn tức giận cũng không nói thêm lời nào. Lý Diệu Thanh bảo ông ta ăn cơm, ông ta cũng không chịu ăn, tự mình ôm cục giận đi ngủ luôn. Hôm sau Lý Diệu Thanh còn chưa thức dậy, Chữ Ðạo Thanh đã đi ra khỏi miếu quyết tìm Tế Ðiên sống mái một trận. Ra khỏi miếu không xa, Chữ Ðạo Duyên thấy trước mặt mình một vị lão đạo sĩ, đầu đội khăn đạo sĩ màu vàng nhạt, mình mặc đạo bào cùng màu, lưng đeo Phân quang kiếm. Chữ Ðạo Duyên xem thấy, trong bụng chắc mẩm là Tế Ðiên dùng ổ trứng vịt để đùa mình, nào ngờ đó là Thẩm Diệu Lượng thiệt. Nguyên Thẩm Diệu Lượng đang đi hóa duyên, định khuyến hóa được 1.000 lượng bạc để sửa miếu, và lập thệ rằng: - Nếu sử dụng số bạc hóa duyên này vào chuyện sai trái sẽ bị thiên lôi đánh chết. Hiện tại ông ta đã xài hết hơn 200 lượng, sợ bị mắc vào lời thề, nên tìm đến Lý Diệu Thanh mượn đỡ số bạc để bù vào chỗ thiếu hụt kia. Hôm nay đang vận chẩn cước phong, bỗng thấy Chữ Ðạo Duyên đằng kia đi lại, Thẩm Diệu Lượng hỏi:

-  Ðồ đệ đi đâu đó?

Chữ Ðạo Duyên trợn mắt nói:

-  Ðồ ổ trứng vịt! Bay định gạt ta hả!

Thẩm Diệu Lượng thấy vậy mới hỏi:

-  Chữ Ðạo Duyên! Mi có điên không?

Chữ Ðạo Duyên rút kiếm ra định chém. Thẩm Diệu Lượng lấy tay chỉ một cái, dùng định thân pháp trồng cứng Chữ Ðạo Duyên lại và hét:

-  Ðồ nghiệt chướng! Mi định giết ta hả?

Nói rồi rút Phân quang kiếm định giết Chữ Ðạo Duyên. Chừng đó Chữ Ðạo Duyên mới biết rõ đây thực là sư phó của mình chứ không phải ổ trứng vịt, vội nói:

-  Sư phó đừng giết con , con có việc xin thưa.

Thẩm Diệu Lượng nói:

-  Ðồ nghiệt chướng! Tại sao mi lại gọi ta là ổ trứng vịt hử? Nói mau!

Chữ Ðạo Duyên lúc đó mới đem nguồn cơn kể rõ. Thẩm Diệu Lượng nghe xong mới nói:

-  À ra thế! Bây giờ ta với con cùng đến miếu sư thúc của con đã, có việc gì sau sẽ liệu!

Chữ Ðạo Duyên bèn theo Thẩm Diệu Lượng trở về Tam Thanh quán. Gặp Lý Diệu Thanh, Thẩm diệu Lượng nói:

-  Này hiền đệ! Sư điệt của chú kết thù oán với Tế Ðiên Hòa thượng, bị ông ta làm nhục, chú đã biết mà làm sao không chịu khuyên giải Ðạo Duyên một lời nào hết vậy?

Lý Diệu Thanh nói:

-  Hôm qua cháu nó có đến đây, sáng nay tôi chưa dậy mà nó đã đi mất, đâu chờ tôi khuyên bảo! Việc này anh đừng vội trách tôi.

Ðương nói tới đó thì bên ngoài có tiếng kêu lớn:

-  Ới Thẩm Diệu Lượng, Lý Diệu Thanh! Mau ra đây.

Thẩm Diệu Lượng nghe kêu, định chắc là Tế Ðiên Hòa thượng đã đến, bèn lật đật cùng nhau chạy ra xem, thì thấy trước cửa đứng sẵn một người đầu tóc rối bù, vận quần áo lam. Thẩm Diệu Lượng định hỏi: - Chú là ai? Người ấy trợn mắt lất tay điểm mặt:

-  Hay cho Thẩm Diệu Lượng! Lớn mật dữ a! Mi hóa duyên để sửa miếu, dám thề giữa trời đất là không hề xài vào số tiền đó, mà nay dám tiêu pha hơn 200 lượng. Ngô thần sẽ kêu Thiên lôi đánh chết mi cho rảnh.

 Thẩm Diệu Lượng nghe nói, nghĩ bụng: “Việc của ta làm sao người khác biết được kìa?”. Nghe lời nói đó xong, Thẩm Diệu Lượng sợ quá, lật đật quỳ xuống đất van xin lia lịa:

-  Xin Tổ sư gia từ bi tha thứ cho! Ðệ tử sẽ cố gắng sớm lo trả lại đủ số.

Lý Diệu Thanh cũng cho là thần linh hiển thánh, lật đật quỳ xuống nói:

-  Lão nhân gia là vị Tổ sư gia nào, xin cho biết?

Ngưởi kia cười ha hả, nói:

-  Lý đạo gia! Ông không nhận ra tôi sao? Tôi là lão Ngô bán đậu hũ ở thôn này đây mà!

Lý Diệu Thanh bấy giờ mới vỡ lẽ, nói:

-  Này lão Ngô! Tại sao ông giả dạng thần tiên kỳ vậy?

-  Không phải tự tôi muốn đến đây đâu! Ấy là có một ông Hòa thượng kiếc hóa duyên được 500 tiền thuê tôi đấy! Ông ta dặn tôi phải nói như vậy.

Nói tới đó bỗng ngước đầu lên thấy có một vị Hòa thượng từ xa đi lại, lão Ngô nói:

-  Hình như ông Hòa thượng ấy đến kìa!

Thẩm Diệu Lượng nhìn ra là một ông thầy đi ăn xin, quần aó rách rưới không sót một chỗ, bèn hỏi:

-  Ðó có phải là Tế Ðiên Hòa thượng không kìa?

Chữ Ðạo Duyên nói: - Không phải đâu.

-  Ðể ta hỏi hắn xem.

Khi Hòa thượng tới gần, Thẩm Diệu Lượng hỏi:

-  Này Ðiên tăng! Sao ngươi dám khi dể đồ đệ ta quá vậy? Thiệt là đáng giận! Ngươi phải nói cho ra lẽ, sơn nhân ta sẽ tha tội chết cho, bằng không hôm nay ta nhất định sẽ kết thúc tánh mạng ngươi cho rồi.

Hòa thượng cười hà hà, nói:

-  Thẩm Diệu Lượng! Ông chớ nói phách, bộ không biết Hòa thượng ta lợi hại tới bậc nào à?

-  Này Ðiên tăng! Thể theo đức hiếu sinh, ta bắt mi lại trước đã.

Nói xong rút Phân quang kiếm ra nhắm ngay Hòa thượng chém xuống. Hòa thượng né mình tránh khỏi, thân thể linh hoạt xoay quanh lão đạo sĩ, thỉnh thoảng vỗ, níu, xô, đẩy, chọt lia lịa. Lão đạo sĩ tức quá, miệng lâm râm đọc chú, bỗng nhiên nổi lên một trận gió biến ra hai Thẩm Diệu Lượng giống hệt nhau ráp lại, một ông chém Hòa thượng một ông ôm. Hòa thượng nói:

-  Cái thằng cha này không gõ vô sọ không chịu thôi mà!

Lão đạo sĩ thấy chém không được Hòa thượng bèn lại niệm chú, hai hóa thành bốn Thẩm Diệu Lượng ráp lại vây quanh Tế Ðiên. Tế Ðiên chạy lung tung vây không được. Lão đạo sĩ lại biến thành 8, 8 thành 16, 16 thành 32 Thẩm Diệu Lượng đều tay cầm bảo kiếm. Tế Ðiên thấy vậy nói:

-  Chuyến này ngặt dữ đa!

Nói rồi nhảy ra ngoài chạy thẳng.

Thẩm Diệu Lượng thâu phép lật đật đuổi theo, thì Hòa thượng chớp mắt đã chạy đi xa rồi. Tế Ðiên chạy tới một tòa thôn trấn, ở phía Tây đường có một vị lão đạo sĩ đang ngồi uống rượu. Vị lão đạo sĩ này đội mũ đạo sĩ chín khía, mình mặc áo đạo bào bằng đoạn lam nổi bật cổ áo màu xanh, vớ trắng vân hài, mặt như ngọc tía, mày rô mắt to, râu quai nón bạc phếu phất phơ trước ngực. Trên bàn có để một cái bao ngay ngắn chứng tỏ rằng cũng vừa mới đến. Vị đạo sĩ này là người ở Châu Giang tại Ðại Gia bảo, họ Trịnh tên là Huyền Tu, hôm nay đi qua đây ghé lại dùng cơm.

Tế Ðiên bước lên lầu nhìn thấy lão đạo sĩ bèn hỏi:

-  Ðạo gia mới đến hả?

-  Vâng! Ðại sư phó mới đến à?

-  Ðạo gia này, bên chỗ đây ngồi ăn được chứ?

-  Ðược, được xin mời!

Tế Ðiên tìm một cái bàn ngồi xuống. Phổ ky chạy đến lau dọn bàn ghế. Tế Ðiên đảo mắt nhìn, dự định đùa cợt Trịnh Huyền Tu một trận.*

 

Hồi Thứ 114

 

Trịnh Huyền Tu quán rượu gặp Hòa thượng

Thẩm Diệu Lượng nghe ca biết Thánh tăng

 

Tế Ðiên bước vào tửu lầu tìm một chiếc bàn ngồi xuống. Phổ ky dọn chén đũa ra, lão đạo sĩ hỏi:

-  Này phổ ky! Ở đây có bán đồ chay không? Tôi ăn chay.

-  Thưa có!

Tế Ðiên nói: - Ta ăn mặn hè!

-  Mặn chay có hết mà! Phổ ky nói:

-  Chú đem cho đạo gia một miếng tầu hũ rán trước đi! Tế Ðiên nói – Ta kính lão đạo đó!

Lão đạo nghĩ bụng: “Hòa thượng này không quen với mình, lại kính đồ chay cho ta, ta phải kính lại mới được:. Bèn lật đật gọi phổ ky:

-  Chú đem cho sư phó một món chiên nhé! Ta kính Ngài đó.

Phổ ky dạ ran, giây lát thức đem lên đủ. Tế Ðiên muốn uống rượu, bèn kêu phổ ky:

-  Ðem cho lão đạo sĩ một đĩa giá chua, ta kính Ngài.

Lão đại sĩ lại kêu cho Tế Ðiên một chén vò viên; Tế Ðiên kêu cho lão đạo sĩ một đĩa đậu hũ xào, lão đạo kêu lại một đĩa thịt dê; Tế Ðiên kêu một tô canh cải trắng, lão đạo kêu lại một đĩa thịt ram. Hai người kêu qua kêu lại tặng nhau. Tế Ðiên kêu phổ ky lại nói:

-  Lát nữa đạo gia ăn hết bao nhiêu tiền, để ta trả cho nhé!

-  Vâng ạ!

Lão đạo sĩ nghe nói thế, khi ăn xong kêu phổ ky tính tiền và bảo:

-  Hòa thượng ăn hết bao nhiêu tiền để ta trả cho nhé!

Tế Ðiên lật đật nói:

-  Ðạo gia đừng làm thế! Ðể tôi trả cho.

Lão đại sĩ nói rồi bèn mở túi ra, trong túi có 200 lượng bạc. Tế Ðiên nói:

-  Ðể tôi trả cho!

Nói xong lấy tay cướp lấy chiếc túi của lão đạo sĩ cầm đi xuống lầu. Lão đạo sĩ cho rằng Hòa thượng có tính mau mắn, đi xuống lầu để trả tiền nên không giật túi lại. Lão đạo sĩ đợi một hồi lâu không thấy Tế Ðiên trở lên, mới kêu phổ ky xuống xem thử. Phổ ky trở lên trả lời:

-  Hòa thượng đã đi từ nãy rồi!

Lão đạo sĩ nghĩ thầm: “Hòa thượng này là tên lường gạt, lấy mất 200 lượng của ta mà cũng không trả tiền cơm nữa”. Nay mắn lão đại sĩ còn một ít bạc vụn trong túi, bèn lất ra trả tiền cơm, rồi xuống lầu đuổi theo Hòa thượng. Ði tới đầu thôn, lão đạo thấy Hòa thượng đang ngồi tại cổng thôn mở bao bạc ra và tự nói lẩm nhẩm: - Cái này là Cao bạch, cái này là Thành sắc, cái này là Thái hồ, không biết có tốt hay không?

Lão đạo sĩ Trịnh Huyền Tu thấy vậy mới nói:

-  Hay cho ông Hòa thượng! Ông cướp bạc của tôi còn nói thành sắc này thành sắc nọ hử?

Nói rồi chạy tới đánh lia lịa. Tế Ðiên bèn đếm: 1 đấm, 2 đấm... Lão đạo sĩ đánh đến 5 đấm, Tế Ðiên bèn nói:

-  Ðể ta đấm lại ông chớ!

Nói xong giằng lão đạo sĩ xuống đánh 5 đấm. Tế Ðiên đứng dậy nói:

-  Ông đánh lại ta!

Lão đạo sĩ lại đánh. Tế Ðiên lại giằng lão đạo sĩ xuống đánh 5 đấm. Người ta thấy vậy bu lại xem, nhưng chẳng ai can ra. Có người nói:

-  Hai vị này đánh nhau coi cũng được quá! Mỗi người đánh 5 đấm.

Người khác nói:

-  Hòa thượng công bằng hơn! Ðánh lão đạo 5 đấm rồi tự mình nằm xuống bảo lão đạo đánh; còn lão đạo không công bằng chút nào, phải đợi Hòa thượng đè xuống mới chịu nằm.

Lão đạo sĩ nghe nói giận quá, trả lời:

-  Ta mà không công bằng à? Ông ấy ăn của ta một bữa cơm, lại giựt của ta 200 lượng bạc chạy đi, mà ta lại không công bằng à?

Mọi người muốn khuyên giải thì đằng kia Thẩm Diệu Lượng, Lý Diệu Thanh, Chữ Ðạo Duyên chạy tới. Thẩm Diệu Lượng nói:

-  Này Hòa thượng! Tôi đang tìm ông thì gặp ông ở đây! Tôi hỏi ông nè, tại sao ông khinh dể đồ đệ tôi quá vậy?

-  Cái đó là tự đồ đệ của ông vô cớ xía vô chuyện của người. Ta bảo cho ông biết: này Thẩm Diệu Lượng! Cả đến ông, ta cũng không coi ra gì nữa mà!

 -  Này Hòa thượng! Ông có bao nhiêu lai lịch mà dám nói lớn lối như vậy?

-  Có bao nhiêu lai lịch hử? Hãy nghe mấy câu ta nói đây:

Xưa kia anh kiệt bốn phương đồn,

Giết vợ tìm vào học đạo tôn,

Làm Linh ban tặng Phân quang kiếm,

Mới nhập Tam Thanh cổ đạo môn.

Thẩm Diệu Lượng nghe Tế Ðiên đọc mấy câu, rất đỗi kinh ngạc! Thật ra Thẩm Diệu Lượng trước kia là người Giang Tây, sống về nghề bảo tiêu tên là Thẩm Quốc Ðống, oai danh vang dội khắp nơi, thường đi bảo tiêu xa. Vợ ở nhà là Tào thị và con, hai người sống qua ngày. Ngày kia, Thẩm Quốc Ðống rảnh việc ở nhà bèn đi ra tiệm uống trà, nghe ở bàn bên có hai người nói chuyện phiếm. Họ nói:

-  Việc trên thế gian này khó mà nói cho hết! Bậc đại trượng phu khó khỏi vợ không hiền, con không hiếu. Như Thẩm Quốc Ðống là bậc anh hùng đi bảo tiêu xa, vợ ở nhà lại làm chuyện lén lút xấu hổ; đáng tiếc Thẩm Quốc Ðống anh hùng như vậy mà vợ làm mất hết danh tiếng!

Người kia nói:

-  Sao mà anh biết?

Người nọ đáp:

-  Tôi có người bà con ở gần nhà của Thẩm Quốc Ðống. Tôi thường đến đó chơi. Nghe nói vợ của Thẩm Quốc Ðống thật là vô liêm sỉ! Việc này nếu để Thẩm Quốc Ðống biết được thì mất mạng như không.

Người kia nói:

-  Cũng không chắc gì ông ấy biết. Có ai dám nói ra đâu!

Thẩm Quốc Ðống ngồi một bên nghe thấy hết, nhưng cố làm như không biết gì, vả lại cũng không biết hai người đó là ai. Còn hai người này chỉ nghe tên Thẩm Quốc Ðống mà chưa thấy mặt bao giờ. Thẩm Quốc Ðống nghe việc ấy xong, trở về nhà, cũng không đề cập chuyện ấy. Ngày kia, Thẩm Quốc Ðống nói định đi ra ngoài, Tào thị hỏi:

-  Anh đi bao lâu mới trở về nhà?

-  Có việc gấp phải mất hơn hai tháng mới về.

Thẩm Quốc Ðống đi ra khỏi nhà, bèn đến một trấn nhỏ cách nhà khoảng ba dặm, tìm một quán trọ ngụ đỡ. Tối lại, khi sang canh, tự mình cắp dao ngầm trở về nhà dò xét, không thấy động tĩnh chi, bèn về quán ngủ lại. Tối hôm sau vào khoảng canh hai, Thẩm Quốc Ðống lại trở về nhà dò xét, thì nghe trong nhà có tiếng gái trai cười giỡn. Thẩm Quốc Ðống đến bên cửa sổ xoi lỗ giấy nhìn vào: vợ hắn ăn mặc chải chuốt, trang sức đẹp đẽ. Trên giường đặt một chiếc bàn thấp, trên bàn rượu thịt đầy đủ, ngồi một bên là một vị văn sinh công tử đẹp đẽ ưa nhìn. Thẩm Quốc Ðống nhận ra là Tôn công tử ở sát nhà mình tên là Tổ Nghĩa, hiệu Tú Phong. Vị này vốn dòng dõi nhà quan, cha ông đã từng làm chức Giáo học, nhưng vì tổ tiên không đức hạnh mới sanh ra hạng con cháu lưu đãng, thông gian với Tào thị như thế! Kế nghe Tào thị nói:

-  Hai ngày nay hắn ta ở trong nhà, tôi sợ công tử đến, hai đàng chạm mặt e có nhiều điều bất tiện! May mà hắn lại đi, dễ chừng đến hơn hai tháng.

Vị công tử kia nói:

     -  Nàng ơi! Hai hôm nay ta thiệt là sách vở biếng xem, cơm nước nuốt không trôi, chỉ hận mình không được cùng nàng vui chung một chỗ. Ðược như vậy mới toại lòng ta!

-  Công tử có muốn cùng nhau làm vợ chồng lâu dài chăng?

-  Làm chồng vợ lâu dài là thế nào?

-  Công tử mua cho em một gói thuốc độc, đợi hắn về, em dọn tiệc tẩy trần, bỏ thuốc độc vào trong rượu thuốc chết hắn đi. Như vậy chúng ta há chẳng phải là làm chồng vợ lâu dài sao?

Thẩm Quốc Ðống nghe tới đó trong lòng khó chịu, tự nghĩ rằng: “Chí thân không ai bằng cha con, gần gũi không ai hơn vợ chồng, mà bây giờ thiệt là: Chồng vợ đồng giường, lòng xa trăm dặm!”. Rồi xông vào nhà giết chết hai kẻ gian dâm ấy. Thẩm Quốc Ðống định đầu cáo với quan huyện để chịu án cho xong, nhưng lại nghĩ: “Người ta sống trên đời giống như một giấc mộng dài! Công danh giàu có, vợ đẹp con khôn chỉ toàn là giả, rốt cuộc đều không. Chi bằng xuất gia là khỏe nhất!”.

Nghĩ như vậy rồi, Thẩm Quốc Ðống bèn đến lạy Tử hà chơn nhơn Lý Hàm Linh làm thầy, được ban tên là Diệu Lượng và một thanh Phân quang kiếm để hộ thân. Hiện tại Thẩm Diệu Lượng đã hơn 90 tuổi, chuyện ngày xưa của ông ta không ai biết, mà hôm nay bốn câu thơ của Hòa thượng lại trúng vanh vách sự việc cũ. Hòa thượng độ chừng hơn 20 tuổi, làm sao biết được chuyện mấy mươi năm trước?

Thẩm Diệu Lượng ngạc nhiên một hồi lâu mới nói:

-  Này Hòa thượng! Làm sao ông biết được chuyện quá khứ của ta?

Tế Ðiên đem 200 lượng bạc ra trả cho Trịnh Huyền Tu rối nói:

-  Ðể Hòa thượng ta cho ông thấy lai lịch của ta nhé!

Nói rồi lấy tay sờ lên thiên linh một cái, lộ ra Phật quang, linh quang, kim quang. Thẩm Diệu lượng nhìn thấy đúng là vị Tri Giác La Hán. Lão đạo sĩ lật đật cúi đầu, miệng niệm “Vô lượng Phật”. Tế Ðiên cười hà hà, quay đầu cất bước, vừa đi vừa hát:

Sống tuổi 70 được bao người?

Bỏ đi bé bỏng lúc nhiều mươi,

Khoảng giữa thời gian đà mấy chốc.

Lộn xem sầu não với vui tươi!

Trăng quá Trung thu, trăng chẳng sáng.

Hoa quá Thanh minh, hoa kém tươi.

Bên hoa dưới nguyệt vui ca giọng,

Chén vàng cạn chuốc mãi đầy vơi.

Trên đời tiền của dùng nào hết,

Triều nội quan to được mấy người?

Quan to, của lắm, tâm thêm bận,

Chỉ tội đầu xanh sớm bạc thôi!

Xuân Hạ Thu Ðông tày mháy mắt,

Gà báo canh khuya, chuông hoàng hôn.

Hãy xem trước mắt nhân gian,

Mỗi năm một bận cỏ hoang viếng mồ.

Mộ hoang cao thấp lô xô,

Mỗi năm già nửa cỏ khô mọc tràn.

Tế Ðiên hát sơn ca xong, đi đến phủ Khúc Châu. Quan Tri phủ là Trương Hữu Ðức nhìn thấy, nói:

-  Bạch Thánh tăng! Ngài đi đâu đó? Tôi đương phái người đi khắp nơi tìm Thánh tăng đây!

-  Ta được bạn bè mời rượu mà đến đây. Lão gia tìm Hòa thượng ta có việc gì?

-  Tôi đã lấy cung hai tên Hoa Vân Long và Ðiền Quốc Bổn xong rồi, bọn chúng đều thú nhận cả; chờ Thánh tăng đến để tôi sai một người cùng đưa bọn giặc về Lâm An.

-  Ðược đấy!

Quan Tri phủ phái hai vị Ðầu mục mang theo 10 tên quân, đem bọn giặc đóng trăn lại, dùng thuyền đưa đi. Tế Ðiên và hai Ban đầu Sài, Ðỗ nói lời cáo từ. Quan tri phủ đưa đến bờ sông rồi mới trở về. Lập tức thuyền nhổ neo, Tế Ðiên nói:

-  Này hai vị Ban đầu! Chắc là hai vị mừng rồi đó! Giải mấy tên giặc Lâm An, hai vị lên nha môn lãnh 1.200 lượng bạc thưởng, mỗi vị được 600 lượng.

Sài đầu , Ðỗ đầu cũng vui vẻ nói:

-  Bọn tôi được như vậy là nhờ ơn sư phó thành toàn cho!

Thuyền vẫn phăng phăng đi tới, mọi người nói cười vui vẻ. Một ngày kia đi đến Tiểu Long khẩu, nào ngờ từ dưới nước xông lên bốn tên giang dương đại đạo muốn cướp tù xa.*

 

 

 

Hồi Thứ 115

 

Kim  Mao  hải  mã  náo  sa  thuyền

Tế Ðiên khéo cứu Phùng Ngươn Khánh

 

Tế Ðiên cùng hai vị Ban đầu Sài, Ðỗ áp giải bốn tên giặc bằng thuyền hướng về kinh đô. Một ngày kia, đến Tiểu Long Khẩu, Tế Ðiên bỗng linh cơ máy động, liền toán biết dưới nước sẽ có bọn giặc đến. Tế Ðiên nói:

-  Ngồi trên thuyền buồn quá! Ta có chủ ý như vầy: Mình câu cá công đạo nhé!

Mọi người xúm lại hỏi:

-  Cá công đạo là như thế nào?

     -  Ta bắt cá không cần lưới, cũng không cần lưỡi câu. Các ông kiếm cho ta một sợi dây thật lớn, ta buộc vào đó một cái túi rồi thả xuống nước. Ta ở trên này niệm chú, cá dưới nước tự động chui vào túi hè! Ta muốn bắt một con cá hơn 100 cân để chúng ta nhậu chơi, các người có chịu không?

-  Chịu quá đi chớ!

Mọi người kiếm một sợi dây lớn. Tế Ðiên bèn cột vào đó một cái túi và dằn bằng một cục đá rồi thả xuống nước. Tế Ðiên bảo:

-  Cứ chèo tới, chèo tới.

Ai nấy đều không tin. Tế Ðiên hô:

-  Bắt được rồi! Mấy người kéo lên đi.

Mọi người xúm lại kéo lên, quả nhiên cảm thấy rất nặng. Kéo ra khỏi nước, dòm lại không phải là cá, mà là một con người. Người này đầu đội mũ da cá rẽ nước, mặc áo lội nước, cả chiếc quần cũng thoa dầu da cá, mặt vằng ệch, hơn 30 mươi tuổi, Tế Ðiên kêu người trói hắn lại và nói:

-  Còn nữa! Lại thả túi xuống.

Quả nhiên không lâu lại kéo lên một người mặt trắng, cũng là tay chuyên lội nước. Hai người này từ đâu đến? Trước đây, Diêu Ðiên Quang và Lôi Thiên Hóa chạy đi, hai người này đến núi Lăng Dương ước hẹn, hẹn được bốn người: một người tên là Kim mao hải mã Tôn Ðắc Lượng, một người tên là Hỏa nhãn giang trư Tôn Ðắc Minh, một người tên là Thủy dạ xoa Hàn Long, một người tên là Lãng lý toàn Hàn Khánh. Họ biết rằng các quan nhơn áp giải Hoa Vân Long sẽ đi bằng đường thủy, nên kêu bọn giặc đón chờ ở Tiểu Long Khẩu để cướp tù. Họ dò biết thuyền đã tới, Tôn Ðắc Lượng và Tôn Ðắc Minh đến trước lội theo đáy thuyền, nhưng không tự chủ được, lại chui vào túi, bị Tế Ðiên kêu kéo lên trói lại. Tế Ðiên nói

-  Tụi bay là cái thá gì? Lớn mật dữ a? Họ tên là gì? Tới đây định làm chi?

Tôn Ðắc Lượng, Tôn Ðắc Minh mỗi người đều xưng tên họ, và nói:

-  Hai đứa tôi nhất thời mờ tối, bị bạn bè xui sử mà đến, xin sư phó từ bi tha cho! Hai đứa tôi xin nhận lão nhân gia làm thầy.

-  Ta muốn thả hai đứa bây, mà bây có trở lại không?

Tôn Ðắc Lượng nói:

-  Không dám trở lại nữa!

-  Ta có việc cần hai đứa bây, mà bây có chịu làm không?

-  Sư phó cần dùng đến hai chúng tôi, dù cho muôn chết cũng không từ!

-  Bây đã nói như vậy, ta sẽ thả hai đứa ra. Bây kêu hai đứa kia cũng đừng tới nữa nhé! Ta không bắt tụi nó đâu.

Hai người được thả, dập đầu lễ tạ Tế Ðiên. Tế Ðiên kề tai nói nhỏ: Như vầy... như vầy... Hai người gật đầu, rồi nhẩy xuống nước đi mất.

Sài Nguyên Lộc và Ðỗ Chấn Anh thấy vậy mới nói:

-  Nếu không phải là sư phó, hai đứa tôi làm sao biết được trong nước có người!

-  Hai ông yên tâm đi, sẽ không có việc gì nữa đâu!

Ngày kia, thuyền còn cách Lâm An không bao xa, Tế Ðiên nói:

-  Ta muốn đi trước đây!

Sài Nguyên Lộc nói:

-  Sư phó đừng có đi! Thảng như sư phó đi rồi, lại có chuyện bất trắc xảy ra thì chúng tôi phải làm sao đây?

-  Không hề chi! Không có việc gì bất trắc đâu. Ta nói không có thì hai ông hãy yên tâm đi; giả sử nếu có đi nữa thì kể như Hòa thượng ta nói sai đi.

Nói rồi Tế Ðiên lên bờ, thi triển nghiệm pháp đến cửa Tiền Ðường. Vừa vào đến cửa, Tế Ðiên thấy Tri huyện Tiền Ðường đang ngồi kiệu, phía trước có thanh la mở đường, phía sau có rất nhiều quan nhơn dẫn theo một người tội tay chân bị trói chặt. Tế Ðiên ngước mắt xem, miệng niệm:

-  A Di Ðà Phật! Việc này Hòa thượng ta đâu thể bỏ qua! Nếu không can thiệp, người tốt bị đánh sẽ nhận bừa và bị chết ở chợ Chấn Dương như không! Hòa thượng ta đâu thể không ngó đến.

Nói rồi, Tế Ðiên bèn bước tới hỏi:

-  Các vị Ðô đầu! Có án mạng gì thế?

Có một quan nhơn dòm thấy, biết Tế Ðiên, bèn đáp:

-  Tế sư phó ơi! Xin nói cho người biết: Hắn là tên cướp đường tham tài hại mạng người đấy!

Tế Ðiên nói:

-  Trong này có oan uổng đây, xin thả người ta ra đi!

Mọi người hỏi:

-  Chủ chốt là ai?

-  Chủ chốt là ta đây.

-  Chủ chốt là Hòa thượng hả? Ðâu có được.

Nói tới đó thì thấy cha mẹ vợ con của người tội bu lại kêu khóc rất thảm thiết. Người tội ấy là ai? Tại sao bị bắt như thế? Anh ta họ Phùng, có tên đôi là Ngươn Khánh, nhà ở hẻm thứ hai phía Ðông thành Lâm An. Nhà có cha mẹ, vợ và con nhỏ, sống bằng nghề thợ bạc, rất khéo léo và thành thật. Anh ta có người sư đệ họ Lưu, tên Văn Ngọc, đang mở tiệm thợ bạc ở phủ Trấn Giang, nhân vì buôn bán bề bộn, dùng người không xứng, mới viết thơ mời Phùng Ngươn Khánh đến coi sóc việc mua bán giúp. Phùng Ngươn Khánh thật tâm làm việc không từ khó nhọc, giúp đỡ đàn em của mình trong việc mua bán. Qua 4, 5 năm, đem số tiền lời trả hết những chỗ vay mượn. Lưu Văn Ngọc đối xử với Phùng Ngươn Khánh như tình anh em, rất là cảm khích. Thấy Phùng Ngươn Khánh tận tụy trong công việc mới đem tiền lời chia cho Phùng Ngươn Khánh một nửa khi mỗi năm Phùng Ngươn Khánh về thăm nhà một lần. Không dè Phùng Ngươn Khánh lao lực lâu ngày sanh ra bệnh nặng, không thể duy trì nổi, mới nói với Lưu Văn Ngọc:

-  Tôi muốn về nhà nghỉ ngơi dưỡng bệnh, mạnh rồi sẽ trở lại.

 Lưu Văn Ngọc thấy sư huynh bệnh thể rất nặng cũng không ngăn cản, bèn cho 50 lượng bạc về nhà dưỡng bệnh, chính Phùng Ngươn Khánh cũng có riêng 20 lượng cùng đem về. Thuê một chiếc thuyền trở về Lâm An. Ðến Lâm An thì trời đã tối. Người quản thuyền không cho Phùng Ngươn Khánh lên bờ, nói:

-  Trời tối rồi, mai hãy lên bờ.

Phùng Ngươn Khánh hận mình chẳng thể về nhà ngay nên tự tay xách hành lý đồ đạc bước lên bờ đi về phía cửa Ðông ngoại thành. Vì anh ta lâu nay mắc bệnh nên đi không nổi, cách nhà còn hai dặm, bèn tính dừng lại nghỉ đỡ. Nào ngờ vừa ngồi xuống nghỉ liền chợp mắt ngủ quên đi. Trời đã sang canh hai, canh phu đi qua dòm thấy mới đánh thức Phùng Ngươn Khánh dậy và hỏi:

-  Tại sao anh ngủ ở đây? Chỗ này thường hay bị cướp lắm đấy!

-  Nhà này ở hẻm thứ hai thành này. Tôi từ phủ Trấn Giang mắc bệnh trở về vừa xuống thuyền bèn đi về đây, mệt quá muốn nghỉ đỡ, không dè lại ngủ quên.

-  Anh mau về nhà đi!

Phùng Ngươn Khánh vừa định đi, canh phu lại rọi đèn ra phía trước, thì thấy một thây chết người đàn ông trên cổ có một nhát dao mới tàng ràng. Canh phu lật đật níu Phùng Ngươn Khánh lại nói:

-  Anh cả gan giết người rồi giả bộ ngủ hả? Ðừng có đi!

-  Tôi đâu biết gì!

-  Thế là không xong rồi! Anh không được đi đấy!

Anh canh phu níu Phùng Ngươn Khánh lôi đến quan địa phương. Phùng Nguyên Khánh lập tức bị đưa đến nha môn. Quan huyện mới đáo nhiệm huyện Tiền Ðường họ Ðoàn tên là Bất Thanh, nghe quan địa phương bẩm báo lập tức thăng đường, bảo đưa Phùng Ngươn Khánh ra xét xử. Phùng Ngươn Khánh thưa:

-  Khải bẩm lão gia! Tiểu nhơn họ Phùng, tên là Ngươn Khánh, nhà ở hẻm thứ hai bên góc thành Ðông, làm nghề thợ bạc, đi buôn bán ở phủ Trấn Giang, vì bệnh nên ngồi thuyền về nhà. Tối nay lên thuyền về nhà, đi đến rừng cây, mệt quá đi không nổi, ngồi nghỉ giây lát bỗng chợp mắt ngủ quên. Canh phu đánh thức tôi dậy. Mở mắt ra thấy có một tử thi ở gần, tôi đâu có biết là ai giết họ.

Quan huyện truyền:

-  Nó nói hoàn toàn không đúng, kéo nó ra đánh một trận, đánh xong rồi hỏi tiếp!

Phùng Ngươn Khánh vẫn khai là không biết, lập tức bị lôi ra đánh đòn. Ngày kế, quan Tri huyện đi khám nghiệm tử thi có người nhận biết tử thi, bảo rằng:

-  Người bị giết có họ hàng với chưởng quỹ tiệm Thiên Hòa nơi đường lớn của huyện Tiền Ðường. Hôm qua, anh ta đến tiệm gạo ngoài cửa Tế Thông lấy 70 lượng bạc, suốt đêm không thấy trở về, không biết bị ai giết chết mà số bạc cũng không còn.

Quan Tri huyện đi khám nghiệm tử thi trở về, lục trong túi của Phùng Ngươn Khánh ra, quả nhiên có 70 lượng bạc. Quan huyện nghĩ thầm: “Không có ai khác vào đây! Chắc là tên này tham tài hại mạng người đây mà”, bèn dùng cực hình tra khảo. Phùng Ngươn Khánh chịu đòn không nổi mới nghĩ rằng: “Việc này tình ngay mà lý gian, chắc là oan gia đời trước đối đầu với mình”, mới nói:

-  Lão gia không cần phải khảo tra nữa! Chính tôi giết đấy!

Quan huyện hỏi: - Con dao ở đâu?

-  Con dao mang theo mình.

Quan huyện bảo cung khai đầy đủ, thế là thành án. Trình văn thơ lên phủ, quan Tri phủ là Triệu Phụng Sơn - một vị quan sáng suốt - thấy khẩu cung có vẻ hoảng hốt, lời lẽ chi li, cho rằng án này biện không đúng, bèn bác bỏ văn thơ của Tri huyện. Triệu Phụng Sơn phê rằng:

-  Phải đưa lên phủ để thẩm vấn lại.

Hôm nay quan Tri huyện ngồi kiệu đưa vụ án và áp giải tội nhơn lên phủ. Cha mẹ vợ con của Phùng Ngươn Khánh đều đi theo. Nẹ anh ta nói:

-  Con ơi! Sao con làm chi việc thế này?

Phùng Ngươn Khánh tằng hắng một tiếng, nói:

-  Ba má ơi! Cha mẹ cả đời nuôi dưỡng con mà con không thể dưỡng nuôi cha mẹ cho đến cùng! Con đâu bao giờ làm chuyện bại hoại như thế! Ðây là việc tình ngay lý gian, có miệng mà khó tỏ bày, phải chịu trọng hình như thế này. Lúc đưa con đến chợ Vân Dương, gia đình xin mua cho con một cỗ quan tài, rồi nhặt đầu con đem về là được rồi!

Cha mẹ vợ con anh ta nghe mấy lời đó lòng như dao cắt, nước mắt chảy như mưa. Trong cảnh náo nhiệt đó, mọi người ai nấy cũng thương tâm! Ngay lúc đó, Tế Ðiên ở đâu bước tới nói:

-  Anh ta oan ức quá! Mấy người thả ảnh ra đi!

Quan nhơn nói:

-  Ai dám thả anh ta ra? Ông đi gặp Tri phủ bảo thả. Chúng tôi không có lớn mật như vậy đâu.

Có người nhận biết Tế Ðiên bèn nói:

-  Ngài định cứu anh ta thì lên gặp quan Tri phủ đi!

-  Ừ, ta sẽ lên gặp Tri phủ đây!

Nói rồi Tế Ðiên đi thẳng tới nha môn Tri phủ, nói lớn:

-  Khổ quá!

Quan nhơn hỏi:

-  Ông tìm ai?

Tế Ðiên nói:

-  Chú vô bẩm với lão gia của mấy chú là có Tế Ðiên ở chùa Linh Ẩn  đến nhé!

Quan nhơn nghe nói đâu dám chậm trễ, lật đật vào bẩm báo. Quan Tri phủ Triệu Phụng Sơn trước đây theo lệnh của Tần tướng phủ, mời Tế Ðiên đem hai Ban đầu đi bắt Hoa Vân Long, tới nay đã hai tháng mà chẳng thấy có tin tức gì, trong lòng còn đang lo lắng. Hôm nay bỗng nghe tin Tế Ðiên trở về, lật đật ra lệnh mời vào. Quan nhơn ra mời, Tế Ðiên bèn đi thẳng vào phủ đường. Quan phủ xuống thềm tiếp đón, hai tay ôm quyền nói:

-  Thánh tăng đi đường dãi nắng dầm sương, chắc là vất vả lắm!

-  Khéo nói, khéo nói thiệt!

Nói rồi cùng quan phủ bước vào thư phòng. kẻ hầu vừa dâng trà thì có một quan nhơn vào bẩm:

-  Hiện có đại lão gia ở huyện Tiền Ðường đưa hung phạm là Phùng Ngươn Khánh tới.

-  Bảo họ chờ giây lát, ta mắc tiếp khách.

Tế Ðiên nói:

-  Lão gia thăng đường đi! Hòa thượng ta đặc biệt vì chuyện này mà tới đây đó!

-  Hai vị Ban Ðầu của tôi đâu rồi? Sư phó có bắt được Hoa vân Long không?

-  Họ theo sau, sắp về tới. Chuyện đó sẽ nói sau. Bây giờ lão gia hãy thăng đường xét vụ án đi. Hòa thượng ta muốn dự nghe hỏi cung thử!

Quan Tri phủ lập tức truyền chuẩn bị thăng đường. Quan Tri huyện bước tới hành lễ nói:

-  Ty chức đưa phạm nhân Phùng Ngươn Khánh đến để đại nhân hỏi cung lại.

Quan Tri phủ cho dọn một chiếc bàn để Tri huyện ngồi một bên. Quan Tri huyện dòm sang thấy một ông Hòa thượng kiếc cũng ngồi một bên quan Tri phủ, bèn nghĩ thầm: “Ta là mệnh quan của triều đình, là cha mẹ của dân ngồi đây là phải. Còn Hòa thượng kiếc kia để ngồi trên đại diện như vầy coi không được tí nào”. Ông ta nghĩ vậy nên có ý không vui, chớ đâu biết Tế Ðiên chính là thế tăng của Tần Thừa tướng!

Lúc đó, quan phủ sai đưa Phùng Ngươn Khánh ra trước công đường và hỏi:

-  Này Phùng Ngươn Khánh! Ở Ðông Thọ Lâm tham tài hại mạng người có phải do ngươi không?

Phùng Ngươn Khánh đáp:

-  Lão gia không cần phải hỏi nữa, tôi đã nhận tội là được rồi mà!

-  Ngươi hãy khai thiệt đi! Tại sao lại giết người như thế?

-  Tiểu nhân thiệt là oan uổng! Quan huyện lão gia dùng cực hình tra tấn, tiểu nhân chịu không nổi nên đành nhận bừa đó thôi!

Nói câu ấy xong, Phùng Ngươn Khánh bèn đem những việc oan ức bị khảo tra thuật lại. Quan Tri phủ nghĩ thầm: “Hiện giờ có Tế Công là vị Phật sống ở đây, tại sao mình không thỉnh cầu Ngài phân giải hộ?”. Nghĩ rồi bèn nói:

-  Bạch Thánh tăng! Lão nhân gia thấy việc này phải xử như thế nào?

Tế Ðiên nghe nói chỉ cười ha hả.

Thật là:

Gấp cứu lương dân trừ khuất khúc,

Tóm ngay hung thủ hỏi căn do.*

- o0o -

Hồi thứ 106-110 | Mục Lục | Hồi thứ 116-120

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính: Diệu  Xuyến

Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-07-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

泰卦 chia chong Thiên tho va thien 8 cách giúp bạn cai thuốc lá hiệu quả chua mat da NhÃƒÆ albert tam bo thi cua cho khong bang cach cho Không là m Nhà báo Malcolm Browne Lễ giỗ Đệ nhị Tổ Trúc Lâm lần thứ vận Trở về với thiên nhiên y học của dấu dung che ai het thiền ngua TẠxuÃƒÆ Ãƒ mai su trịnh lam hoc ngưng tử độ テス Thức tuyet tac ton dung duc phat che tac tren bo hinh thẩm trống tay thuc bien va chuyen thuc 不空羂索心咒梵文 suc khoe 20 to xa da da jayata ấm bÃƒÆ phương thuốc nào cho tách phap năm tranh ứng Ung Nhá ДГІ mie HT 雷坤卦 cang Cuối àn diệu Thực ç Š 30 dieu dung bao gio tiep tuc lam voi ban than tổ la 因无所住而生其心