...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Hai

Hồi thứ 116

Hồi thứ 117

Hồi thứ 118

Hồi thứ 119

Hồi thứ 120

 

 

Hồi Thứ 116

 

Triệu Thái thú đoán thông kỳ án

Tế Ðiên sư mở hòm khám hai thây

 

Quan Triệu Thái thú thẩm vấn Phùng Ngươn Khánh, rồi hỏi Tế Ðiên phải làm sao? Tế Ðiên đáp:

-  Nếu lão gia hỏi, thì ta nói Phùng Ngươn Khánh bị oan khuất mà!

-  Thánh tăng đã nói Phùng Ngươn Khánh bị oan khuất, vậy hung thủ là ai?

-  Hung thủ dễ tìm thôi. Hoà thượng ta ra một lát là tóm ngay.

-  Xin Thánh tăng từ bi, từ bi cho.

-  Lão gia phái hai người đi với ta nhé!

Quan Tri phủ liền phái Lôi Tư Viễn, Mã An Kiệt cùng đi biện án với Tế Ðiên. Hai người theo Tế Ðiên ra khỏi nha môn. Tế Ðiên nói:

-  Ta bảo mấy ông trói ai thì cứ trói lại, kêu mấy ông bắt ai thì cứ bắt ngay nhé!

-  Cái đó tự nhiên rồi!

Lôi đầu, Mã đầu đáp rồi cùng đi trước. Ðầu kia có một người đi lại, mình mặc áo tang, tay xách giỏ rau. Tế Ðiên bước tới hỏi:

-  Chú đi đâu đó?

-  Tôi đi mua rau.

-  Chú để tang ai vậy?

-  Tôi để tang mẹ tôi.

Tế Ðiên nói:

-  Lôi đầu lại đây trói ông ta lại.

Lôi đầu lật đật bước tới trói nghiến người mặc áo tang lại. Người ấy hỏi:

-  Tại sao lại trói tôi?

Tế Ðiên đáp:

-  Mẹ chú chết, tại sao chú không rước thầy tụng kinh thí cô hồn?

-  Tôi không có tiền.

-  Không được! Chúng ta phải lên quan mới được. Lôi đầu hãy dẫn người này lên nha môn đi!

Lôi đầu nghe Tế Ðiên nói chắc như thật, không biết ý Hòa thượng là sao, cũng không dám trái lịnh. Ðương lúc dẫn người ấy đi, Mã An Kiệt mới hỏi:

-  Bạn ơi! Bạn họ gì?

-  Tôi họ Từ, gọi là Từ Trung, nhà ở hẻm thứ tư tại góc thành phía Ðông và chuyên nghề nấu bếp.

-  Mẹ anh làm sao chết vậy?

-  Mắc bệnh lâu, bị đàm chặn nghẹt mà chết.

Tế Ðiên nói:

Chú không nói thiệt, hãy lột áo giày tang chú ấy ra rồi đưa về nha môn cho lão gia tra xét.

Về đến nha môn, người ấy bị lột áo giày tang và đưa vào trong trình bẩm với quan huyện. Quan huyện lập tức thăng đường, dạy đem Từ trung ra xét hỏi; có tế Ðiên ngồi một bên chứng kiến. Quan huyện hỏi:

-  Ngươi tên họ là chi?

-  Tiểu dân họ Từ tên Trung.

-  Mẹ ngươi làm sao chết vậy?

-  Bị đàm chặc nghẹt mà chết.

Quan phủ nói:

-  Tình tiết vụ này như thế nào?

-  Nó hại chết mẹ nó đó! Tế Ðiên nói:

Quan Tri huyện nghe ngạc nhiên, truyền lệnh:

-  Từ Trung! Ngươi phải khai thiệt vụ này.

-  Bẩm lão gia! Mẹ tôi chết vì bệnh thiệt mà.

Tế Ðiên vọt miệng nói:

-  Lão gia đi khám nghiệm tử thi thì sẽ biết ngay.

Quan Tri phủ lập tức truyền cho Hình phòng, Ngỗ tác cùng với bọn nha dịch đi khám nghiệm tử thi. Quan Tri phủ ngồi kiệu, áp giải Từ trung theo. Tế Ðiên cũng đi theo đền nhà Từ Trung. Các quan nhơn địa phương ở gần đó đếu nói:

-  Lão gia chỉ làm rối thêm thôi! Rõ ràng là mẹ Từ Trung bị bệnh chết, mọi người giúp đỡ anh ta tẩm liệm đây mà!

Quan Tri phủ sai mở nắp quan tài ra. Từ Trung nói:

-  Lãi gia muốn mở nắp quan tài để khám nghiệm, nếu tìm không ra thương tích thì sẽ làm sao đây?

-  Cái thằng lộn sòng này! Tế Công là Phật sống, đã bảo mẹ ngươi chết có duyên cớ thì chắc chắn là có duyên cớ rồi! Bây đâu! Mở nắp quan tài cho ta khám nghiệm.

Lập tức, quan nhơn mở nắp quan tài. Hình phòng, Ngỗ tác bước lại khám nghiệm, thấy thây của lão thái thái không có dấu vết chi, quả là người chết vì bệnh. Cả Hình phòng và Ngỗ tác đều ngây người ngạc nhiên, nghĩ bụng: “Lão gia chúng ta vô cớ đòi mở nắp quan tài, chuyện này chỉ có nước lấy khăn che mặt vẫn không hết xấu hổ!”. Quan Tri phủ hỏi Ngỗ tác:

-  Tử thi có bị thương không?

Ngỗ tác ngây người ra, lắc đầu. Quan Tri phủ cũng cả kinh! Tế Ðiên hơi cười cười, nói:

-  Từ Trung! Chú không chịu nói thiệt sao?

-  Mẹ tôi chết vì bệnh thiệt mà! Lão gia vô cớ muốn mở nắp quan tài để khám nghiệm, tôi bây giờ phải làm sao đây?

Tế Ðiên liền bước tới cho một đá vào đầu quan tài, đầu quan tài bị tét ra, từ trong đó lăn ra một chiếc đầu người đàn ông. Quan Tri phủ xem thấy bỗng nhiên nổi giận, hỏi:

-  Ðầu người này ở đâu ra thế?

Tế Ðiên đáp:

-  Xin lão gia cứ hỏi anh ta thì rõ.

Từ Trung sợ đến mặt mũi tái xanh, đáp:

-  Lão gia muốn hỏi tôi xin trả lời: Chiếc đầu người này không phải là của người ngoài, mà của chính em trai tôi tên là Từ Nhị Hỗn. Em tôi làm tạp dịch ở tiệm vàng nơi ngõ Tiền Ðường, một ngày kia hắn trở về muộn, cầm theo 70 lượng bạc. Hai chúng tôi cùng nhau uống rượu, và hắn uống quá nhiều. Tôi hỏi hắn:

-  Bạc này ở đâu chú có vật?

-  Không phải là anh em thân thiết, tôi không nói đâu! Hắn đáp. Chưởng quỹ tiệm vàng của hắn tối hôm kia đến tiệm gạo ở cửa Thông tế lấy tiền, hắn biết được bèn cắp theo một con dao chờ sẵn ở Ðông Thọ Lâm. Giết chết Hàm chưởng quỹ xong, hắn đem số bạc ấy về nhà. Tôi nghe hắn nói, sợ việc làm tầy trời đó sẽ liên lụy đến mình, bèn phục rượu cho hắn say rồi giết chết hắn. Mẹ chúng tôi nhơn bị bệnh chết bất ngờ, tôi mới đem chiếc đầu của em tôi giấu dưới đáy quan tài của mẹ, còn thi thể hắn tôi đem giấu trong hang động. Tôi cho là việc làm này người không biết, quỷ không hay, nào ngờ hôm nay bị lão gia tra xét! Ðó là tình thiệt, tôi đã khai trình.

Quan Tri phủ nói:

-  Bạch Thánh tăng! Việc này phải làm sao đây?

-  Cho mời chủ tiệm vàng Thiên Hòa đến để kết thúc vụ án, bảo cho biết: cha hắn bị Từ Nhị Hỗn làm tạp dịch ở tiệm vàng giết chết.

Quan Tri phủ truyền cho chủ tiệm vàng đến, và nói rõ Từ Nhị Hỗn đã chết, bảo hắn kết thúc vụ án ngay tại phủ đường. Quan Tri phủ sai người áp tải Từ trung về lấy tang vật, lại cho chôn thi thể mẹ hắn, rồi sung Từ Trung vào quân số đi ra biên cảnh. Lão gia cùng Tế Ðiên trở về nha môn, kêu Phùng Ngươi Khánh lên cho biết anh ta vốn bị oan khuất và được thả ra ngay. Sự việc này làm ầm ĩ cả thành Lâm An. Nếu không phải Tế Công trưởng lão thì ai có thể biện được vụ án kỳ xảo này?

Quan Tri phủ sau khi thả Phùng Ngươn Khánh, bèn dâng văn thư lên tướng phủ. Xét vì, Ðoàn Quốc Thanh – Tri huyện Tiền Ðường – coi thường nhơn mạng, xét vì hồ đồ, không xứng chức vụ, phụng chỉ cách chức quan tri huyện, rồi mời Tế Công lại uống rượu và hỏi:

-  Bạch Thánh tăng! Ngài bắt Hoa Vân Long như thế nào?

Tế Ðiên bèn đem những sự việc đã qua thuật lại. Giây lát có người vào bẩm:

-  Sài Nguyên Lộc, Ðỗ Chấn Anh đã giải phạm nhân về đến.

Quan Tri phủ lập tức thăng đường, gởi một phong thư phúc đáp cho quan phủ Khúc Châu, thưởng cho các quan nhơn ở Khúc Châu áp tải 20 lượng bạc, và dạy họ trở về. Sài Nguyên Lộc, Ðỗ Chấn Anh bước đến giao trình:

-  Bắt giữ Hoa vân Long và bọn chứa chấp: Ðiền Quốc Bổn, Ðặng Thành, Dương Khánh. Thâu hồi tang vật gồm: đôi bạch ngọc lung linh trong suốt, mũ phụng quan đính 13 hạt minh châu.

Quan Tri phủ xem kỹ tang vật thấy tất cả còn nguyên vẹn, bèn truyền lịnh đem giải tội phạm ra trước công đường và hỏi:

-  Ai là Hoa Vân Long?

Bốn tên giặc đều tự xưng tên. Tri phủ lại hỏi:

-  Này Hoa Vân Long! Ở am Ô Trúc, vì gian dâm không thành giết chết thiếu phụ; tại Thái Sơn lầu, giữa ban ngày giết chết Tần Lộc; ở phủ Tần tướng lấy trộm ngọc chúc Phụng quan rồi đề thi lên vách, tất cả đều do tay ngươi phải không?

-  Vâng, chính tôi làm.

Quan tri phủ hỏi:

-  Ðiền Quốc Bổn, Khưu Thành, Dương Khánh! Các ngươi chứa chấp Hoa Vân Long phải không?

Ðiền Quốc Bổn nghĩ thầm: “Mình cung khai đầy đủ cũng không hề chi! Chỉ cần thân thích của mình biết, không giết mình là được”. Nghĩ rồi bèn cung khai tất cả. Quan Tri phủ ra lệnh:

-  Tạm giam bọn giặc đóng trăn nhốt vào khám hết!

 Tế Ðiên nói với quan Tri phủ:

-  Ta xin cáo từ về thăm chùa. Ngày mai khi Tần tướng đích thân thẩm tra bọn giặc, ta sẽ đến.

 -  Như vậy cũng được. Xin mời Thánh tăng!

Tế Ðiên cáo từ ra khỏi nha môn đi về phía Lãnh Tuyền Ðình thì gặp ngay Dạ hành quỷ Tiểu côn lôn Quách Thuận. Quách Thuận lật đật chạy đến dập đầu thi lễ. Tế Ðiên nói:

-  Này Quách Thuận! Ðừng làm thế! Trước đây ta có sai Lôi Minh và Trần Lượng đem cho ngươi một phong thư, ngươi có xem chưa?

-  Trước đây nhờ ơn sư phó cứu mạng. Ðọc thơ xong tôi đến Lâm An ngay. Ban ngày ở khách điếm, tối lại lên chùa Linh Ẩn, náu mình trên nóc Ðại Hùng bửu điện. Một hôm có hai tên giặc là Tạo nguyệt bồng Trình Trí Viễn, Tây lộ hổ Hạ Ðông Phong đến chùa định hành thích, và chúng bị tôi đuổi chạy đi rồi!

-  Ðược! Bây giờ ngươi định đi đâu?

-  Ði về thăm sư phó của tôi.

-  Gặp sư phó, ngươi nói ta gởi lời thăm nhé!

-  Vâng!

Rồi cáo từ đi thẳng. Tế Ðiên về đến trước chùa Linh Ẩn. Thầy giữ cửa thấy Tế Ðiên bèn nói:

-  Tế sư phụ đã trở về rồi à?

-  Kính chào chư vị! Tế Ðiên nói, để tôi ra phía sau thăm Lão hòa thượng.

Nói rồi vào sau chùa ra mắt lão Hòa thượng, xong trở về phòng mình ngơi nghỉ.

Ngày kế, Tần tướng phủ cho người đến thỉnh, Tế Ðiên lập tức đến Tần tướng phủ. Vừa thấy mặt, Tần tướng nói:

-  Thánh tăng đi chuyến này sương gió cực khổ dữ đa! Tôi có ý làm một tiệc rượu mời Thánh tăng đến tẩy trần.

-  Tướng gia lâu nay vẫn khoẻ hỉ?

-  Vâng vâng, xin cám ơn Thánh tăng!

Nói xong mời vào thư phòng cùng ngôi xuống tiệc rượu dọn sẵn. Uống được vài chén, thì bên ngoài có gia nhân vào bẩm:

-  Bẩm tướng gia! Quan Tri Phủ áp giải bọn trộm ngọc chúc phụng quan đến phía ngoài tướng phủ để chờ tướng gia thẩm sát.

Tần tướng lập tức cho mời quan Thái thú vào. Quan Tri phủ vào đến thư phòng thi lễ tướng gia xong, đem ngọc chúc phụng quan trình lên. Tần tướng trông thấy rất lấy làm vui vẻ:

-  Bảo bối mất rồi nay được lại, không phải là việc quá may mắn sao?

Ngay lúc đó bọn giặc bị đưa vào. Tần tướng hỏi Hoa Vân Long trước. Hắn đều khai nhận hết. Tần tướng mới hỏi:

-  Bài thơ trên vách tường có phải chính ngươi viết hay không?

-  Vâng chính tôi.

Tần tướng còn sợ bắt lầm, bèn sai đem giấy bút cho Hoa Vân Long viết lại bài thơ trước mặt mình. Tần tướng nhìn bút tích rất phù hợp bèn dạy quan Tri phủ mang bọn giặc về nha môn nhốt vào ngục. Tần tướng ra lệnh:

-  Bọn giặc không kể thủ hay tòng phạm đều đem chém đầu hết.

 Ngay cả Dã kê lựu tử Lưu Xương, Thiết thối viên hầu Lưu Thông cũng đem ra chém ở những cây cột dựng cao ngoài cửa Tiền Ðường. Tin này loan ra làm xôn xao cả thành Lâm An. Người ta rủ nhau đi xem chen chân không lọt. Nào ngờ tin Hoa Vân Long sắp bị chém lọt vào tai hai tên giang dương đại đạo vừa mới đến Lâm An. Hai người này cũng là trong nhóm 36 anh em kết bái ở huyện Ngọc Sơn. Một người tên là Kim diện quỷ Tiêu Lượng, một người tên là Luật lệnh quỷ Hà Thanh. Từ các tỉnh phía Bắc trở về, ngang qua Lâm An, nghe Hoa Vân Long sắp bị chém, Tiêu Lượng và Hà Thanh cũng không biết Hoa Vân Long phạm tội gì? Dù có biết đi nữa họ cũng bất kể, vì họ nghĩ rằng: “Chúng ta với Hoa Vân Long có tình kết bái, bây giờ anh ta bị bắt ở Lâm An, chẳng lẽ chúng ta khoanh tay làm ngơ?”. Tiêu Lượng bàn tính cùng Hà Thanh xong, hai người cắp theo cương đao, nhắm hướng phía ngoài cửa Tiền Ðường đi riết tới, định cướp pháp trường.*

 

Hồi Thứ 117

 

Phụng đường dụ, chém cả bọn Vân Long

Nghe hung tin, hai quỷ náo pháp trường

 

Khi tới pháp trường, Kim diện quỷ Tiêu Lượng và Luật lịnh quỷ Hà Thanh nghe người ta bảo:

-  Trời sáng ra, sai sự mới tiến hành.

Dòm thấy trước mặt có một quán rượu, hai người vén rèm bước vào, trong quán thực khách khá đông. Phổ ky dòm thấy cả hai có dáng vẻ khác thường. Kim diện quỷ Tiêu Lượng đội mũ đỏ, tiễn tụ bào màu tía, lưng thắt dây tơ, chân mang giày đế mỏng, ngoài khoác hờ chiếc áo anh hùng rộng bằng đoạn màu lam, có thêu mấy đóa mẫu đơn tuyệt đẹp, mày to mắt lớn. Luật lịnh quỷ với gương mặt màu vàng nhạt, mặc áo chẽn màu thúy lam, đều có vẻ khác người. Phổ ky lật đật chạy đến lau dọn bàn mời hai người ngồi và dọn cơm rượu lên. Khi ăn, hai người nghe thực khách kế bên bàn tán lăng xăng:

-  Tên Hoa Vân Long này ở Lâm An gây chuyện trời long đất lở, nào là giết người ở am Ô Trúc, giết người ở Thái Sơn lầu, trộm phụng quan ngọc chúc ở Tần tướng phủ. Nếu không phải Tế Công Hòa thượng mang người đi bắt thì mã khoái đừng hòng rớ tới lông chân tên giang dương đại đạo này.

Nghe Hoa Vân Long bị Hòa thượng bắt, Tiêu Lượng và Hà Thanh rủ rỉ bàn nhau:

-  Hôm nay trước hết cướp pháp trường cứu Hoa nhị ca ra, rồi chúng mình sẽ tìm ông Hòa thượng đó giết quách báo thù cho Hoa nhị ca luôn thể.

Mới bàn tới đó, hai người thấy từ bên ngoài một Hòa thượng kiếc đi vào. Trong thực khách có người la:

-  Ai như Tế sư phó tới kìa?

Người khác hỏi:

-  Thánh tăng tới rồi sao?

Tế Ðiên nói;

-  Xin các vị chớ làm ồn! Ta chính là Hòa thượng bắt Hoa Vân Long đây. Bắt Hoa vân Long chính là ta. Nếu ai không phục thì cứ đến tìm ta!

Tiêu Lượng, Hà Thanh thấy Tế Ðiên, trong bụng nghĩ thầm: “Té ra ông Hòa thượng kiếc này bắt Hoa nhị ca của ta đây mà! Hôm nay chúng ta cướp pháp trường trước rồi đi theo ông ta xem ở chùa nào, tối lại mình tính ông là xong”.

Tế Ðiên đảo mắt một vòng, rồi bước tới chiếc bàn kế hai người ngồi xuống kêu rượu thịt ăn nhậu. Không bao lâu, những người bên ngoài la ó ồn cả lên:

-  Sai sự đến rồi!

Từ phương Bắc, một đoàn xe chở tù đi lại, cứ hai quan nhân đẩy một chiếc xe. Xe đầu là Trấn sơn báo Ðiền Quốc Bổn, hai tay bị trói chặt, lưng giắt một chiếc thẻ. Ðiền Quốc Bổn nói rất rành mạch:

 -  Tại hạ là Ðiền Quốc Bổn. Diêm vương ra lịnh canh ba chết, ai dám chần chờ đến canh năm? Sống có nơi, chết có chỗ, ta là anh hùng đường đường chánh chánh, hào kiệt liệt liệt oanh oanh, chết có sợ gì? Tuy nhiên thân bị phép nước, đành phải chịu thôi!

Thiết thối viên hầuVương Thông ngồi ở xe thứ hai, mở miệng mắng lớn:

-  Ta họ Vương tên Thông. Ta không phải là hung phạm giết người hay cường đạo trộm ngựa. Ta chỉ vì muốn báo cừu cho thế huynh, định giết Tri phủ Dương Tái Ðiền, chẳng mat nhỡ việc không thành nên thân bị phép vua như thế này! Ta dù chết cũng trọn tình bằng hữu. Sau khi chết rồi thành âm hồn ta theo bắt sống Dương Tái Ðiền mới thôi!

Trên xe thứ ba là Dã kê lựu tử Lưu Xương, tên này gục đầu yểu xìu, tự nghĩ: “Mình vô duyên vô cớ bị Hoa Vân Long lôi kéo, bất kể thủ phạm tòng phạm, bị chung một xuồng! Chính mình bây giờ không còn lòng dạ nào hết”.

Ðặng Thành ở xe thứ tư, Dương Khánh ở xe thứ năm cũng yếu xìu như bong bóng xì hơi như Lưu Xương.

Hoa Vân Long ở xe thứ sáu, dòm quanh một lượt, cười nhạt tự nói:

-  Các vị hãy nghe cho kỹ: Tại hạ chính là Càn khôn đạo thử Hoa Vân Long đây! Ta từ khi sanh ra đến nay giết người có đến hàng trăm. Cái gì ngon đều ăn qua, cái gì đẹp đều đã mặc, bậc đại trượng phu sống có gì vui? Thì chết có sợ gì? Ta hôm nay thân chịu quốc pháp, sống hơn 20 năm như thế này là quá trưởng thành rồi. Ở nơi kia, các bạn ta đều là chí thân, được sống làm người một chỗ, chết đi cùng làm quỷ một nơi có sao đâu! Các vị khôn hơn ta hãy kêu bọn họ cùng đi với ta cho vui!

Mọi người ồn ào như ong vỡ chợ, lúc đó trong quán rượu mấy người ưa nhiệt náo cũng lật đật chạy ra xem. Kim diện quỷ Tiêu Lượng, Luật lịnh quỷ Hà Thanh nghe sai sự đã đến bèn rút dao ra, báo hại phổ ky sợ quá lật đật chui xuống gầm bàn hô hoán:

-  Chưởng quỹ ơi, cứu mạng!

Tiêu Lượng vừa rút dao ra đưa lên, còn Hà Thanh chưa kịp rút dao ra thì Tế Ðiên dùng tay chỉ một cái, miệng niệm “Án sắc lịnh hích” trồng cứng hai người lại. Tế Ðiên bên bàn kia đứng dậy, bên này hai người vẫn không nhúc nhích. Kế nghe bên ngoài hô lớn:

-  Dao ngọt thiệt!

Ðầu Hoa Vân Long rớt xuống. Ðám đông giải tán. Tế Ðiên bước ra ngoài nói:

-  Chưởng quỹ ơi! Ghi sổ cho ta nhé!

-  Ðược, được, để tôi ghi sổ cho sư phụ. Ðồ đệ của sư phụ có dặn: Bất luận tiền nhiều ít, sư phụ không cần trả, đến quý ba Dương đại gia sẽ trả một lần.

-  Chưởng quỹ nè! Ta xin ông một món, ông cho không?

-  Hòa thượng cần thứ nào?

-  Ta xin các ông một trái dưa đèo nhé!

-  Hòa thượng cứ cầm về đi!

Tế Ðiên ôm một trái dưa đèo bước ra khỏi quán, vừa đi vừa hát khúc sơn ca:

Tiếc thay người đời chẳng biết “Không”,

Mê hoa đắm rượu tỏ anh hùng,

Nhọc nhằn rốt cuộc về chầu Tổ,

Số hết đến kỳ giũ tay không.

Khéo léo nào hơn mèo bắt chuột,

Thời gian thấm thoát tợ tên bay,

Thảng như lực kiệt tinh thần hết,

Thây chết đành vùi chốn huyệt sâu.

Suy đi nghĩ lại tỏ tường,

Nam kha giấc mộng cũng ngần ấy thôi!

Gấp vội vội, Tây lại Ðông,

Loạn cào cào, vinh với nhục,

Tơ lơ mơ, vùn vụt đã năm canh.

Trăm năm cuộc thế xoay vần,

Lên voi xuống chó nhọc nhằn, mộng thôi!

Tỉnh ra nào có ai đâu,

Vui buồn cảnh mộng chỉ toàn rỗng không.

Nói chi đến hoàng hậu sang giàu,

Nói chi đến quan to cực phẩm,

Nói chi đến vương hầu nghiệp cả,

Nói chi đến ngũ bá công cao,

Nói chi đến Tô Tần khéo thuyết,

Nói chi đến Hạng Võ anh hùng!

Ta ở đây đứng chẳng cần yên,

Ngồi nằm tự ý,

Mở mắt say nhận rõ lẽ cùng thông.

Nhìn thấy bản lai diện mục,

Thấu suốt tự tại dung thông

Hồng trần cuồn cuộn, đất trời thỉ chung.

Chỉ cần ngũ uẩn giai không,

Khứ lai tự tại, thong dong tháng ngày.

Tiêu Lượng, Hà Thanh bấy giờ mới nhúc nhích được, hãy còn chưa tỉnh ngộ, muốn giết Tế Ðiên. Hai người lật đật trả tiền rượu, rồi theo dõi phía sau. Tế Ðiên đi một mạch về thẳng chùa Linh Ẩn. Thầy giữ cửa hỏi:

-  Lão Tế mới về đó hả?

-  Xin chào các vị.

Tế Ðiên đứng lại trước cửa mà chẳng chịu vào trong, lại nói:

-  Ta ở phòng phía Tây nơi trái phía Tây của Ðại Hùng bửu điện, từ phía Bắc đếm lại cách một căn, ta ở tại đó. Ai muốn thanh toán hay muốn giết Hòa thượng ta thì cứ việc đến đó.

    Thầy giữ cửa nói:

-  Cái ông này bữa nay nói nửa điên nửa khùng gì vậy? Ai mà cừu thù với ông đâu nào?

  Tế Ðiên không đáp nói:

-  Nói cho hai đứa bay nghe rõ ràng rồi đấy!

Tiêu Lượng, Hà Thanh nghe nói thế, nghĩ bụng: “Thế thì hay quá! Tối nay mình khỏi đi kiếm cho mất công!”.

Hai người thấy Tế Ðiên bước vào chùa bèn tìm một quán rượu ăn uống no say lại tìm một quán trọ nghỉ ngơi, chờ đến trống đổ canh hai mới lấy đồ dạ hành ra. Mình mặc áo tam xoa thông khẩu dạ hành, khắp mình quấn quanh dây gút, trước ngực mang túi bát bửu, bên trong gồm thiên lý hỏa, đèn tự sáng, chìa khóa, quần bằng đoạn màu đen, vớ màu lam, đùi vẽ hoa rằn ri, chân mang giày đế mỏng, dao cắm trong bao da màu. Hai người ra khỏi nhà trọ thi triển thuật phi thiềm tẩu bích thẳng đến chùa Linh Ẩn. Vào trong chùa tìm đến chái nhà Tây nhìn xuống. Các nơi đều ngủ cả, chỉ có phòng phía Tây cách đầu phía Bắc một gian là còn đèn sáng. Hai người đền bên cửa sổ xoi lỗ nhìn vào. Chỉ thấy trong phòng có một chiếc giường và một cái bàn, ngoài ra không có gì cả. Trên tường có treo một hũ sành màu vàng đựng nửa hũ dầu, đang cháy ngọn leo lét. Trong chùa có quy củ: Mỗi đêm một người được quản dầu cấp cho hai muỗng canh dầu. Hôm nay Tế Ðiên xin thêm, quản dầu không chịu cấp. Tế Ðiên nói:

-  Ta không ở chùa hơn hai tháng, ông tính sồ ngày cấp gộp lại cho ta đi!

Quản dầu không biết nói sao, bèn đong thêm cho Tế Ðiên hai muỗng dầu nữa. Hai người dòm thấy Tế Ðiên tay cầm bầu rượu, miệng nói lẩm bẩm:

-  Sống có chỗ, chết có nơi, tối hôm qua ta mộng thấy chẳng lành, mộng thấy gáo dừa bị chúc xuống. Hôm nay không chừng có tên giặc nào đó đến giết ta cũng nên!

Tiêu Lượng, Hà Thanh vẫn không hiểu ý. Giây lát thấy Tế Ðiên kê đầu lên quả dưa đèo nằm ngủ, Tiêu Lượng nói:

-  Chú canh nghe, để ta giết ổng!

Hà Thanh gật đầu. Tiêu Lượng vừa định mở cửa, nghe Tế Ðiên la:

-  Ðồ chết dầm! Mày lớn mật dữ a!

Tiêu Lượng sợ hết hồn! Kế nghe Tế Ðiên la:

-  Mày muốn cắn ta hả? Cái con chuột cống này!

Tiêu Lượng nghe nói biết Tế Ðiên nói với con chuột. Ðợi một lát lâu, nghe Tế Ðiên ngủ rồi, Tiêu Lượng lại định mở cửa, nghe Tế Ðiên la:

-  Ðồ quỷ này, mày muốn chết hả? Mày định hại ta à?

Tiêu Lượng tim đập thình thình. Kế nghe Tế Ðiên nói:

-  Hay cho con bò cạp này, suýt chút nữa ta hết ngủ. Muốn ngủ mà ngủ cũng không được vì tụi mày!

Tiêu Lượng nghĩ thầm: “Nói sao mà đúng lúc quá!”. Không biết làm sao, Tiêu Lượng lại phải chờ đến trống điểm canh ba, nghe Tế Ðiên ngáy lên như sấm bèn bước vào phòng, trước hết thổi tắt ngọn đèn đang cháy leo lét đi, đoạn trải miếng giấy dầu ra trên đất rồi đưa tay mò mẫm. Tiêu Lượng mò trúng chiếc đầu tóc ngắn bèn phụp một cái, chặt đứt lìa rồi bỏ vào tấm giấy dầu gói lại. Ðoạn tót ra ngoài cùng với Hà Thanh lên nóc trở về nhà trọ. Tiêu Lượng nói:

-  Chúng ta đi tìm anh Dương Minh để nói cho ảnh biết phải trái mới được! Hoa Vân Long cùng 36 anh em kết bái là do anh Dương Minh gởi lục lâm thiếp, truyền lục lâm tiễn để mọi người quen biết nhau. Bây giờ Hoa Vân Long phạm tội ở Lâm An, tại sao anh ấy không đếm xỉa gì hết?

-  Phải đấy! Hà Thanh nói:

Hai người bắt đầu lên đường, đói ăn khát uống, ngày đi đêm nghỉ. Ngày kia hai người đến thôn Như Ý, Phụng Hoàng Lãnh, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Giang Tây. Tới trước cổng nhà Oai trấn bát phương Dương Minh, hai người ngước nhìn, đồng “a” lên một tiếng, nhớ lại...*

 

Hồi Thứ 118

 

Xách thủ cấp tìm kiếm Dương Minh

Thấy  ma  quái  hai  người  bị  hại

 

Tiêu Lượng, Hà Thanh đến trước cổng nhà dương Minh thấy treo đèn kết hoa rực rỡ, Tiêu Lượng bỗng nhớ lại, nói:

-  Hà hiền đệ này! Chúng mình đến đúng lúc quá! Hôm nay chính là ngày lễ sinh nhật của Dương bá mẫu đây, mà ta quên mất! Ðáng lẽ hôm nay phải đến chúc thọ người mới phải.

-  Phải đấy!

Hà Thanh đáp, rồi hai người bước vào cổng. Gia nhơn nhìn thấy, nói:

-  Té ra là Tiêu đại gia và Hà đại gia! Hai vị nên vào mau đi. Trong sảnh đến đông đủ rồi, chỉ còn chờ hai vị đấy!

Tiêu Lượng, Hà Thanh đi vào bên trong nhìn thấy đủ mặt cả các bạn: Truy vân yến tử Diêu Ðiện Quang, Quá độ lưu tinh Lôi Thiên Hóa, Thiên lý thối Dương Thuận, Thiên lý độc hành Dương Ðắc Thụy, Phi thiên quỷ Thạch Thành Thụy, Phi thiên hỏa tổ Tần Nguyên Lượng, Lập địa ôn thần Mã Giao Hùng, Kim mao hải mã Tôn Ðắc Lượng, Hỏa nhãn giang trư Tôn Ðắc Minh, Quỷ dạ xoa Hàn Long, Lãng lý toản Hàn Khánh, Thiết diện dạ xoa Mã Tịnh, Trích tinh bộ đầu Ðái Thụy, Thuận thủy lôi châu Ðào Nhơn, Ðăng bình độ thủy Ðào Phương, Ðạp tuyết vô ngân Liễu Thụy, cả ngàn người đều có mặt ở khách sảnh. Thấy Kim diện quỷ Tiêu Lượng, Luật lịnh quỷ Hà Thanh bước vào, mọi người đều bước tới chào mừng. Dương Minh nói:

-  Hai vị hiền đệ đến rồi! Ta sợ rằng hai chú đến không kịp, nào ngờ vẫn không quên.

Tiêu Lượng nói:

-  Ðể hai đứa tôi vào chúc mừng lão thái thái.

Dương Minh nói:

-  Hai hiền đệ có mặt là tốt rồi! Cứ ngồi đây uống rượu đi, lát nữa ta sẽ nói giùm hai hiền đệ là được.

Tiêu Lượng, Hà Thanh đều ngồi xuống dự tiệc. Dương Minh nói:

-  Hôm nay 36 anh em chúng ta không thể về đông đủ hết; có người chết, có người đi ra ngoài, có người chẳng biết đi đâu, tính lại thiếu hết mấy vị.

Mọi người cùng nói:

-  Ðó là lẽ tự nhiên rồi!

Phi thiên quỷ Thạch thành Thụy mới hỏi Tiêu Lượng từ đâu đến đây? Tiêu Lượng đáp:

-  Từ kinh đô.

-  Ở kinh đô có tin tức gì hay không?

-  Có tin là Hoa Vân Long bị giết.

Dương Minh nghe nói chắp tay:

-  Cám ơn trời, cám ơn đất!

Tiêu Lượng hỏi:

-  Này Dương đại ca! Hoa Vân Long là do anh giới thiệu kết bái với 36 bạn hữu. Nếu anh ta không tốt, anh còn che chở làm chi? Hiện tại anh ta chết ở Lâm An vì chịu quốc pháp, sao anh lại nói cám ơn trời đất?

-  Này Tiêu Hiền đệ! Em có biết hành vi của Hoa Vân Long là như thế nào không?

-  Tôi không biết.

Dương Minh mới đem việc Hoa Vân long đại náo ở Lâm An: Tại am Ô Trúc nhơn gian dâm không thành mà giết chết liệt phụ trinh tiết, giết người ở Thái Sơn lầu, trộm ngọc chúc Phụng quan của Tần tướng phủ, hái hoa ở Triệu Gia lầu ra sao, nơi rừng liễu ném phiêu tiêu hại ba bạn ra sao, đêm tối vào Bồng Lai quán ra sao, những lời nói sau khi ném phiêu hại ba bạn..., tất cả đều thuật lại đầy đủ. Tần Nguyên Lượng, Mã Diêu Hùng nghe đến việc của Hoa Vân Long, hận mình không thể ăn tươi nuốt sống Hoa Vân Long cho hả.

Tiêu Lượng, Hà Thanh nghe rồi mới nói:

-  Không xong rồi! Hai đứa tôi làm chuyện bậy bạ quá!

Dương Minh hỏi:

-  Hai em làm việc gì mà bậy bạ?

-  Ðại ca có biết Tế Ðiên tăng không?

-  Biết chớ!

-  Hai đứa tôi chẳng biết rõ ràng, đã giết Hòa thượng báo thù cho Hoa Vân Long rồi!

-  Tế Công là vị Phật sống làm sao em có thể giết được?

-  Anh không tin, đầu người tôi còn để trong bao giấy dầu nè, để tôi đưa ra xem.

-  Em mở ra cho ta xem thử!

Tiêu Lượng lập tức mở gói giấy ra và rất đỗi kinh ngạc. Té ra không phải đầu người, mà là nửa trái dưa đèo, bên trên có bốn câu thơ:

Nực cười Hà Thanh với Tiêu Lượng

Lầm lẫn dưa đèo với Hòa thượng                

Cả hai ra sức làm việc quấy 

Khó khỏi rồi đây gặp tai ương!

Mọi người nhìn thấy rộ nhau cười lớn. Mã Tịnh nói:

-  Tế Công là vị Phật sống, ở nhà tôi bắt yêu tại chùa Tỳ Lô, mấy anh làm sao mà giết ổng được? Còn lời của Tế công rất là ứng nghiệm. Nói hai anh có tai nạn thì hai anh mau đi trốn đi!

Tiêu Lượng nói:

-  Hai đứa tôi trở về nhà lánh nạn ít ngày, rồi sau đó lên chùa Linh Ẩn để tạ tội.

Ai nấy đồng nói:

-  Nói như vậy phải đa!

Mọi người ở chơi nhà Dương Minh hai ngày, hôm sau ai về nhà nấy. Tiêu Lượng, Hà Thanh theo Mã Tịnh về Tiểu Nguyệt Ðồn vào lúc xế chiều, nhìn thấy nhà nhà đều đóng cửa kín mít, phố xá vắng hoe, khác hơn thường lệ. Mã Tịnh nói:

-  Sao lạ vậy? Chắc có duyên cớ gì đây?

Ba người đến trước nhà Mã Tịnh kêu cửa. Bên trong, Hà thị bước ra hỏi:

-  Ai đó?

Mã Tịnh đáp:

-  Ta đây!

Hà thị nghe tiếng, mở cửa nói:

-  Anh về thiệt đúng lúc quá! Tiểu Nguyệt Ðồn bây giờ ở không được rồi! Chắc không xong quá!

-  Tại sao vậy?

-  Khi anh đi rồi, hàng đêm sau khi trống đổ canh một, từ hướng Tây một trận gió cuốn đến, không biết là ma, là quái hay quỹ? Tiếng kêu “ồ ồ, ào ào” suông vào cửa nhà ai, cười lên một tiếng thì chắc chắn hôm sau nhà ấy có người chết. Hôm nay là ngày thứ bảy, việc đó xảy ra sáu ngày, có sáu người chết. Mã đại gia ở phía Tây nhà mình đã chết rồi, ngày thứ hai Lý đại gia ở cách vách cũng chết. Cho nên nhà nhà đều sợ quá, gần trưa cũng chưa dám mở cửa, cả đến phố xá cũng đóng im ỉm không dám bán buôn chi.

Hà Thanh nghe rồi bèn nói:

-  Tôi không tin việc này đâu! Ra ngoài hành hiệp tác nghĩa tôi có thấy ma quỷ gì đâu. Tối nay tôi sẽ chờ nó.

Tiêu Lượng nói:

-  Phải đó, tối nay bất kể là thứ gì, chúng ta hãy cầm dao chém nó.

Mã Tịnh nói:

-  Hai anh đừng nên làm thêm lắm chuyện.

-  Không sao đâu mà! Hà Thanh nói:

Ba người nói xong cùng ngồi lại ăn cơm chiều. Sau khi trống báo canh một thì từ hướng chánh Tây một trận gió ào đến, ồ ồ ạc ạc dựng cả tóc gáy. Hà Thanh, Tiêu Lượng hai người cắp dao nhảy ra ngoài thì thấy từ hướng Tây một vầng khói trắng dài hơn một trượng, cũng nhìn không ra là giống gì! Tiêu Lượng, Hà Thanh cùng hét lên một lượt:

-  Yêu quái cả gan lớn mật! Hai ta kết thúc tánh mạng mi đây!

Nói rồi rút dao chém tới.

Khói trắng nhắm hai người phang vào. Hai người sợ quá chạy tuốt vào nhà nằm lăn ra đất, hôn mê bất tỉnh luôn. Khói trắng đó đến trước cửa nhà Mã Tịnh cười lên một tiếng rồi đi. Mã Tịnh thấy hai người nằm lăn ra đất tợ xác chết, kêu không đáp, gọi không thưa. Trời sáng rõ, nghe bên kia đường có tiếng khóc, thì ra Lưu thị gia nhà ở đối diện chết rồi. Mã Tịnh lòng đương lo lắng thì nghe tiếng gõ cửa, lật đật chạy ra xem, thì ra đó là Lôi Minh và Trần Lượng. Mã Tịnh hỏi:

-  Nhị vị hiền đệ ở đâu đến đây?

-  Hai tôi từ phủ Khúc Châu đi lên nhà Dương đại ca. Khi Tế Công bắt được Hoa Vân Long, hai đứa tôi đang ở phủ Khúc Châu. Chừng đến nhà Dương đại ca, hai đứa tôi nghe nói Tiêu Lượng, Hà Thanh đắc tội với Tế Công. Dương đại ca bảo chúng tôi đi Lâm An giúp Tiêu Lượng, Hà Thanh năn nỉ Ngài xá tội cho!

Mã Tịnh nói:

-  Hai vị hiền đệ đến đây vừa đúng lúc! Tiêu Lượng, Hà Thanh bị yêu quái suông phải. Hai vị hiền đệ chịu cực một phen đi thỉnh Tế Công về đây. Một là cứu trừ tai họa cho dân địa phương, hai nữa xin Ngài mở lòng từ bi cứu chữa cho Tiêu Lượng, Hà Thanh khỏi chết.

Lôi Minh hỏi:

-  Sự việc như thế nào?

Mã Tịnh dắt hai người vào trong rồi đem trận gió ồ ồ ào ào thuật qua một lượt. Lôi Minh, Trần Lượng nghe xong, nhìn thấy Tiêu Lượng, Hà Thanh quả nhiên nằm ngay đơ như xác chết, bèn cáo từ Mã Tịnh, thuật đường đi đến Lâm An thành.

Về phần Tế Ðiên, sau khi bọn giặc Hoa Vân Long bị chém rồi, Tế Ðiên vẫn ở lại trong chùa. Rảnh rỗi, ra tìm mấy người đồ đệ ở gần đó uống rượu chơi. Một hôm, có một lão đạo sĩ đến chùa tìm Tế Ðiên. Lão đạo này mình cao tám thước, đầu đội đạo quan cửu lương bằng đoạn màu xanh, lưng thắt dây tơ màu vàng chanh, vớ trắng vân hài, sau lưng ló lên chuôi bảo kiếm đựng trong bao da cá màu xanh, tay cầm phất trần, mặt màu vàng nhạt, mi dài mắt sáng, mũi cao, miệng hình chữ Tứ với ba chòm râu đen phất phơ trước ngực, đúng là Thái bạch Lý Kim Tinh xuất thế, nghi biểu khác phàm. Vị đạo sĩ này tu ở Huyền Diệu quán trên núi Tứ minh, họ Tôn, tên là Ðạo Toàn, chính là đại sư huynh của Chữ Ðạo Duyên. Nhơn vì Chữ Ðạo Duyên mấy hôm trước trở về miếu mắc bệnh, vì tức giận lại bị thương hàn. Tôn Ðạo Toàn đến thăm, mới hỏi:

-  Sư đệ bệnh gì thế?

-  Tôi mắc bệnh vì giận Tế Ðiên Hòa thượng đây!

Nói xong bèn đem những việc vừa qua thuật lại. Tôn Ðạo Toàn nói:

-  Không hề chi! Ðể ta đi kiếm tế Ðiên giết quách báo thù cho sư đệ là xong.

-  Nếu sư huynh dám làm như vậy thì bệnh tôi sẽ hết ngay thôi!

-  Ta đi đây!

Nói rồi từ giã đi ngay.

Ngày kia, Tôn Ðạo Toàn tới Lâm An, ngụ ở một khách điếm nơi cửa Tiền Ðường. Hôm sau đến chùa Linh Ẩn, hỏi thầy giữ cửa:

-  Tế Ðiên có ở trong chùa không?

-  Ông kiếm Tế Ðiên hả? Không biết ông ấy có đi ra ngoài chơi hay không? Nếu đi ra ngoài chơi thì không chừng đỗi gì, hoặc 5 ngày, 3 ngày, một tháng, nửa tháng mới về. Nếu ở chùa thì thế nào lát nữa cũng có ra, đợi có người nào ra ông hỏi thử xem!

Lão đạo sĩ đợi một lát thì thấy từ trong đi ra một ông Hòa thượng kiếc, tăng y rách nát, tay ngắn thiếu bâu, chiếc mũ đội về bên trái. Lão đạo sĩ hỏi:

-  Ông có phải là Tế Ðiên không?

-  Không phải đâu! Anh em chúng ta có bốn người: Hồ Ðiên, Loạn Ðiên, Hỗn Ðiên và Tế Ðiên. Ta đây là Hồ Ðiên.

-  Ông kêu giùm Tế Ðiên cho ta một chút.

-  Ta đương thèm rượu, ông đưa tiền đây ta sẽ kêu giùm cho.

Lão đạo sĩ bèn móc túi đưa cho Hòa thượng hai tiền, Hòa thượng đi vào. Ðợi một lát lâu thì thấy bên trong đi ra có một ông Hòa thượng kiếc nữa. Lão đại sĩ hỏi:

-  Ông có kêu Tế Ðiên giùm tôi chưa mà sao không thấy ông ấy ra?

-  Ta đâu có biết, chắc ông nhìn lầm người rồi đa! Ta tên là Hỗn Ðiên, bộ ông không thấy chiếc mũ của ta lệch ở phía nào sao?

Lão đạo sĩ dòm lại thấy chiếc mũ lệch ở phía trước đầu, bèn nói:

-  Ông không phải là Hồ Ðiên à?

-  Ta không phải mà! Hồ Ðiên là đại sư huynh của ta. Ông ấy uống rượu xong thì đi ngủ rồi.

-  Hỗn Ðiên! ông đi kêu Tế Ðiên giùm ta đi.

-  Ta đâu có đi làm công không! Ông muốn kêu thì chịu tiền rượu cho ta đi chớ!

Lão đạo sĩ lại móc đưa ra hai tiền. Hòa thượng cầm tiền đi vào. Lão đạo sĩ chờ mãi cho đến mặt trời xế qua, bên trong mới lững thững đi ra một ông Hòa thượng kiếc. Lão đạo sĩ nhìn không ra ông nào mới hỏi:

-  Ông là Hồ Ðiên hay Hỗn Ðiên?

-  Ta là Loạn Ðiên đây. Ông tìm ai vậy?

-  Tôi tìm Tế Ðiên.

-  Ðể ta đi kêu giùm cho, mà ông phải chịu tiền rượu cho ta mới được!

-  Như vậy ông không phải là Hỗn Ðiên sao?

-  Bộ ông không thấy chiếc mũ của ta đây sao?

Lão đạo sĩ nhìn kỹ lại thì thấy chiếc mũ đội lệch ra phía sau, đành móc đưa ra hai tiền nữa. Chờ mãi cho đến tối đen cũng không thấy ai đi ra. Lão đạo sĩ tức giận trở về khách điếm. Hôm nay lại đến nữa, đứng ở trước cổng chùa kêu Tế Ðiên mà mắng.

Ðương mắng chửi, thì Lôi Minh và Trần lượng đi trờ tới. Lôi Minh nói:

-  A cái thằng chó này, sao mi dám chửi sư phụ ta?

Lão đạo sĩ nghe nói, liền hỏi:

-  Mi là đồ đệ Tế Ðiên hử?

-  Ðích thị!

-  Ðược! Ta kiếm Tế Ðiên không ra thì gặp mi đây!

Nói rồi chỉ tay một cái, dùng định thân pháp trồng cứng Lôi Minh, Trần Lượng lại. Lão đạo sĩ đưa tay rút kiếm định kết thúc tính mạng hai vị anh hùng.*

 

Hồi Thứ 119

 

Báo  thù  em,  lên  Linh  Ẩn  tìm  Tế  Công

Dùng ban vận pháp dời tiền giúp hiếu phụ

 

Tôn Ðạo Toàn rút kiếm định giết Lôi Minh, Trần Lượng, thì nghe trong chùa có tiếng nói:

-  Ha ha! Thằng cha lộn giống này, ông định ăn hiếp đồ đệ ta hử? Ðể ta ra phân tài cao thấp với ông mới được!

Lão đạo sĩ nhìn lại, từ trong chùa đi ra một ông Hòa thượng kiếc, tăng y rách nát, tay ngắn thiếu bâu, lưng cột dây thung, khật khà khật khưỡng, tóc trên đầu dài hơn hai tấc, mặt dính bùn tèm lem, quần rách lòi cả hai chân, mang đôi dép cỏ. Thật là: Ba phần không giống người, bảy phần hình như quỷ. Lão đạo sĩ hỏi:

-  Ông là tế Ðiên hử?

-  Chính ta đây! Oan có đầu, trái có chủ, ông đừng có ăn hiếp đồ đệ ta không được đâu!

Tế Ðiên bèn làm phép giải cho Lôi Minh, Trần Lượng. Hai người nói:

-  Bạch sư phụ! Hai con từ Tiểu Nguyệt Ðồn đến tìm sư phụ đây!

-  Hai con không cần phải nói, ta biết cả rồi! Hai con trở về đó trước đi, ta nói chuyện với lão đạo này ít câu rồi sẽ đến sau.

Tế Ðiên nói:

-  Này lão đạo! Chúng ta tìm một chỗ vắng nói chuyện đi!

-  Thế thì tốt!

Tế Ðiên quay đầu bước đi. Lão đạo sĩ lật đật theo sau. Trong chớp mắt không thấy Hòa thượng đâu. Lão đạo sĩ tìm khắp nơi cũng không thấy, không biết làm sao đành phải trở về khách điếm. Lão đạo sĩ lại nghĩ rằng: “Tiền mang theo đã hết rồi! Phải nghĩ cách kiếm ra tiền để chi trả tiền ăn uống, tiền ở trọ, rồi sẽ đi kiếm Hòa thượng sau!”.

Lão đạo sĩ bèn ra phố mua hai cân bánh in, trở về quán trọ lượm hết táo và đậu ra rồi vò thành viên, dùng màu vàng áo bên ngoài, lấy thuốc xông lên cho có vẻ thuốc rồi cất vào túi. Lão đạo sĩ đến cửa Tiền Ðường tìm thuê một chiếc bàn giá mỗi ngày 100 tiền để đổi thuốc. lão đạo đặt một cái hộp gỗ lên bàn rồi rao lớn rằng:

-  Bần đạo là Mai hoa đạo nhơn, tu ở Mai Hoa lãnh trên núi Mai Hoa, đang ngồi tu trong động bỗng tâm cơ máy động, bấm tay toán biết rằng địa phương này lâm nạn, bèn vội vàng lướt mây cỡi gió đến đây thí thuốc cứu người. Các vị cần thuốc, chẳng kể là có tiền nhiều hay ít, cứ bỏ vào hộp của bần đạo đây thì sẽ được thuốc.

Lão đạo sĩ rao một lát thì có rất nhiều người bu quanh đông nghẹt, trong đó có người hiếu sự, cầm 200 tiền bỏ vào hộp; lão đạo sĩ đậy hộp lại, nhấc tay ra, miệng niệm :Vô lượng thọ Phật!”. Chừng dở hộp ra: tiền không thấy nữa mà có một viên thuốc nằm sẵn. Lão đạo sĩ nói:

-  Thưa các vị! Viên thuốc này là của Thái Thượng Lão Quân ban cho đó! Nó có thể trị chứng hư lao bách tổn, ngũ lao thất thương, thai tiền sản hậu của đàn bà, ngũ tích lục tụ của đàn ông, nam phụ lão ấu, lớn nhỏ, mắc bệnh gì uống vào là hết ngay. Quý vị cứ đem thuốc này về nấu trong nồi đất với nước âm dương, thêm vào đó chút đường, uống vào là hiệu nghiệm như thần.

     Mọi người nhìn thấy tiền bỏ vào hộp biến mất, có thuốc hiện ra, thiệt là việc thần tiên kỳ diệu! Người ta ở trên đời, gặp những việc ít thấy bèn cho là kỳ quái. Việc lão đạo sĩ hoán đổi, đó là ông ta dùng phép ban vận: đem tiền bỏ vào túi, rối đem thuốc đổi vào hộp, chớ có chi lạ! Mọi người thấy việc mới mẻ ấy bèn bàn tán xôn xao. Lão đạo sĩ nói:

-  Quý vị đừng thấy cái hộp này nhỏ tí ti mà coi thường! Nó có thể chứa được tam sơn, ngũ nhạc. Quý vị nếu không tin thử bỏ tiền vào xem, bỏ 1 điếu không thấy, bỏ 800 cũng vậy.

Lão đạo sĩ đang cao hứng khoe khoang việc thí thuốc đổi tiền, thì đằng kia Tế Ðiên đi lại. Tế Ðiên từ đằng xa nhìn thấy, nghĩ thầm: “Lão đạo lộn sòng này! Lại ở đây gạt người ta lấy tiền chớ! Lấy bánh in vò viên đổi tiền của thiên hạ!”.

Tế Ðiên lại thấy từ đằng xa có người trải một tờ giấy trên đất, trên viết lời cáo bạch:

-  Kính thưa các vị quân tử bốn phương được rõ: Tiểu phụ họ Ngô, làm dâu nhà họ Trương, chồng đi buôn bán ở xa, bà gia trong nhà bị bệnh mất, cần áo quần quan quách tẩn liệm, mà trong tay tiểu phụ không có một văn. Mọi việc chi dùng không biết tính sao, chỉ có nước mong cầu các bậc quân tử ở tứ phương đem lòng trắc ẩn tùy sức giúp đõ. Nhiều người vừa giúp, tích tiểu thành đa, để cho việc mai táng bà gia tiểu phụ hoàn thành, khỏi phải thi hài bộc lộ, gia đình tiểu phụ cám đức không cùng!

Tế Ðiên đến gần nhìn kỹ, thấy có rất nhiều người vây quanh, nhưng không ai cho tiền cả. Tế Ðiên nói:

-  Mấy người cho cô ấy vài trăm đi, đó cũng là việc tốt mà!

Có người đứng bên móc ra 500 điếu, nói:

-  Này Hòa thượng! Ông đừng nói còn dễ nghe hơn! Ông cứ cho cô ấy mất trăm, ta sẽ cho mấy trăm như vậy.

-  Ta cho cô ấy, ông có dám thi đua với ta không?

-  Nếu so với rách nát của ông thì ta không dám đâu! Ta cho cô ấy 1 điếu đây.

-  Ta cũng cho một điếu. Tế Ðiên nói:

Nói rồi thò tay vào bọc, miệng niệm : Án sắc lịnh hích”, rút ra 500 tiền, ước chừng 1 điếu, đưa cả cho thiếu phụ. Người kia nói:

-  Ta lại cho 500 nữa!

Tế Ðiên lại thò tay vào túi, miệng niệm “Án sắc lịnh hích”, rút ra 300 điếu, lại thò tay vào rút ra 200 điếu nữa. Ðây là sâu tiền bằng đồng, xỏ bằng dây đỏ. Tế Ðiên vừa mới móc ra thì kế bên có người thấy được “a” lên một tiếng. Chuyện là thế này: Có người họ Trương tên Ðại, mắc bệnh tê, có 200 đồng tiền đồng, hôm nay cùng với em kết nghĩa là Lý Nhị ra phố chơi. Trương Ðại chột bụng muốn đi cầu, bèn đưa 200 tiền cho Lý Nhị giữ giùm. Lý Nhị thấy lão đạo sĩ thí thuốc lạ kỳ, anh ta muốn đổi thuốc, lại không có tiền, bèn lấy 200 tiền bỏ vào trong hộp đạo sĩ, đổi được viên thuốc. Trương Ðại đi cầu xong, bèn hỏi số tiền khi nãy. Lý Nhị nói:

-  Tôi đưa lão đạo sĩ, đổi được 1 viên thuốc, về nhà tôi sẽ trả lại anh.

Trương Ðại nói: Xài hết thì thôi!

Hai người kéo nhau đến chỗ ồn ào này, xem Hòa thượng cho tiền. Thấy Hòa thượng móc ra một xâu tiền, Trương Ðại bỗng nhớ ra đó là xâu tiền của mình, bèn hỏi Lý nhị:

-  Lý Nhị! Sao xâu tiền kia lại chạy vào trong túi Hòa thượng vậy?

-  Thiệt kỳ quá!

Hai người bèn chạy đến chỗ lão đạo sĩ, thấy có một người cầm 500 tiền ra đổi thuốc. Ðem tiền bỏ vào hộp, lão đạo sĩ bèn niệm: “Vô lượng thọ Phật”. Giở hộp ra tiền không có nữa. Hai người đó lại chạy về chỗ này để xem hai ông tiên làm phép, thấy tế Ðiên thò tay vào túi, miệng lẩm bẩm: “Án sắc lịnh hích”, rút ra 500 tiền, đúng y số tiền mà lão đạo sĩ vừa mới đổi thuốc. Hai người này cũng không biết sự việc là thế nào, lại chạy đến chỗ lão đạo sĩ, thấy có một người đổi thuốc, lấy ra 800 tiền bỏ vào hộp, khi lão đạo sĩ giở hộp ra, số tiền biến mất. Hai người này lật đật chạy về chỗ Tế Ðiên xem thử, thấy Hòa thượng thò tay vào “Án sắc lịnh hích”, quả nhiên lôi ra 800 tiền. Mọi người đứng xung quanh cũng không biết hai người ấy chạy tới chạy lui để làm gì?

Chiều lại, lão đạo sĩ nghĩ rằng: “Chắc tiền vô cũng kha khá! Thôi trở về cho xong”. Bèn nói:

-  Thưa quý vị! Ngày mai chúng ta sẽ gặp lại. Hôm nay sơn nhân không thí thuốc nữa!

Mọi người đều giải tán. Lão đạo sĩ thò tay mò vào bọc, tiền thâu được không còn một đồng nào cả! Lão đạo sĩ ngạc nhiên nói:

-  Lạ dữ a!

Trương Ðại, Lý Nhị cười, nói:

-  Không có hả?

-  Hay a! Chắc là hai chú này lấy của ta chứ gì?

-  Chúng tôi không có lại gần ông làm sao lấy được?

-  Tại sao mấy chú biết ta không có tiền?

-  Hai đứa tôi theo dõi từ sáng đến giờ, thấy tiền của ông đều chạy vào tay thí xả quan tài của Hòa thượng kiếc hết. Ở đây ông bỏ vô 500 tiền, thì đằng kia Hòa thượng móc ra cũng 500 tiền y bon!

-  Hòa thượng đó ở đâu?

-  Ở đằng kia kìa!

Lão đạo sĩ nghĩ bụng: “Ðây chắc là Tế Ðiên rồi! Ta phải kiếm ông ta thí mạng mới được”. Lão đạo sĩ vừa định chạy đi, thì có hai người chạy lại nói:

-  Ðạo gia khoan đi, hãy trả tiền thuê bàn đã!

-  Ta một tiền cũng không có.

-  Vậy thì đâu có được! Hãy thế chân cái phất trần quý của ông lại đây. Ta cho ông thế chân, rồi ngày mai cầm 100 tiền lại lấy phất trần.

Lão đạo sĩ không có cách gì hơn, đành phải thế phất trần, giận đến râu tóc dựng ngược, muốn kiếm Tế Ðiên sống mái một trận. Lật đật chạy đi tìm, nhưng tung tích Hòa thượng không thấy nữa! Tế Ðiên dùng ban vận pháp lấy bao nhiêu tiền của lão đạo sĩ đều đem cho thiếu phụ hết, cộng với tiền mọi người cho được tất cả hơn 200 điếu. Tế Ðiên nói:

-  Ðại nương ơi! Hãy đem tiền này về mua quan tài chôn cất bà cụ cho tử tế đi! Chồng nàng chắc nửa tháng nữa sẽ về đó.

     Trương Ngô thị dập đầu tạ ơn Hòa thượng rồi trở vế nhà. Tế Ðiên tiếp tục đi đến trước, ngước xem thấy oán khí ngất trời, bèn buột miệng nói;

-  A Di Ðà Phật! Việc này đâu lẽ bỏ qua! Hòa thượng ta việc này chưa xong, lại gặp phải một việc khác.

Bên đường phía Tây trước mặt Tế Ðiên là một tiệm rượu mới mở, bảng đề là Song Nghĩa lầu. Ngoài cổng treo đầy hoa đỏ, trên vách treo đầy bảng đỏ chữ vàng; nào là:

Tài lộc xum xuê,

Lợi khắp tam giang  

Lên như mặt trời,

Sáng mãi như trăng...

Tất cả đều là lời chúc mừng của bè bạn đưa đến. Tế Ðiên vén rèm bước vào, thấy thực khách ngồi đầy, chen nhau không lọt, không còn chỗ trống.

Tại sao quán rượu này người ta lại ăn đông như thế? Chỉ vì người nghèo ham của rẻ, hôm nay quán mới khai trương, giảm một nửa giá. Món ăn 120 bán chỉ 60, món 240 chỉ bán 120, cho nên người ta mới đến ăn đông như vậy.

Tế Ðiên nhìn thấy có một anh chàng béo phệ mới đến, anh ta ngồi rồi lại lấy chân gác lên cái ghế khác thành ra một mình ngồi hai ghế. Tế Ðiên đi tới chẳng nói chẳng rằng, ngồi lên cái chân của anh ta. Anh chàng béo phệ nói:

-  Cái ông Hòa thượng này, đau không chịu nổi mà!

Tế Ðiên nói:

-  Ta cảm thấy quá êm ái, có gì đau đâu nà!

Phổ ky lật đật chạy tới nói:

-  Hai vị này ngồi đúng chỗ đi!

Anh chàng béo phệ không biết làm sao, đành rút chân lại. Tế Ðiên liền ngồingay ghế trống. Phổ ky nói:

-  Ðại sư phó kêu thức ăn thì chờ một lát. Vị khách phì lũ này cũng vừa mới đến kêu một đĩa vò viên nướng mà phải đợi nãy giờ đấy!

-  Không gấp gì! Ta cũng kêu một đĩa vò viên nướng nữa. Chú đem cho ta một hồ rượu để uống trước, chừng có thức ăn ta sẽ ăn sau.

-  Thế thì được.

Nói rồi kêu một hồ rượu để Tế Ðiên ngồi nhâm nhi. Giây lát vò viên đem lên, đó là đĩa kêu trước của anh béo phệ. Chừng ngang qua bàn, Tế Ðiên bốc một viên bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Phổ ky nói:

-  Dĩa này là của ông béo phệ kia kêu chớ không phải của Hòa thượng đâu.

Tế Ðiên nói:

-  Của ông ta kêu hả, thôi trả lại cho ông ta.

Nói rồi nhổ toẹt ra, nhổ luôn cả đờm rãi, nước miếng tùm lum lên đĩa. Anh chàng béo phệ kia thấy vậy, nói:

-  Tôi không kêu dĩa đó đâu.

Phổ ky nói:

-  Ông béo không gấp, tôi sẽ gọi cho ông dĩa khác.

Giây lát dĩa vò viên kia bưng lên. Phổ ky nói:

-  Dĩa vò viên này là của Hòa thượng kêu đây này.

Tế Ðiên nói:

-  Của ta kêu thì ta ăn.

Nói rồi chộp lấy ăn luôn.

Anh chàng béo phệ tức giận không làm gì được, bèn tránh xa Hòa thượng, kiếm một bàn khác ngồi. Tế Ðiên ăn xong hai dĩa vò viên bèn kêu phổ ky tính tiền. La Hán gia thi triển Phật pháp, đại hiển thần thông muốn đùa chưởng quỹ chơi, nào ngờ lại lòi ra một trường nhân mạng thị phi!*.

 

 

 

Hồi Thứ 120

 

Nơi Song Nghĩa lầu, bọn giặc gạt người

Mượn  phép  hoàn  hồn  cợt  đùa  lão  đạo

 

Tại Song Nghĩa lầu, Tế Ðiên ăn uống xong bèn kêu phổ ky tính tiền. Phổ ky tính xong, nói:

-  Cộng tất cả là 720 văn.

Tế Ðiên nói:

-  Có là bao, thêm vô 80 cho đủ 800 văn nhé!

-  Cám ơn đại sư phó.

-  Ngươi ghi sổ cho ta nhé!

-  Thế thì đâu có được! Hôm nay tiệm mới khai trương, không thể bán thiếu. Ðã giảm phân nửa giá rồi, tất cả đều phải trả bằng tiền mặt mới được.

-  Chú không dám ghi sổ hả? Chúng ta phải lên quan mới được.

 Phổ ky nghe nói lên quan bèn nghĩ: “Mình cần chi phải phí lời với ổng? Cứ bảo cho chưởng quỹ biết để ông ta quyết định có cho thiếu hay không”. Nghĩ rồi phổ ky đến nói với chưởng quỹ:

-  Chưởng quỹ ơi! Vị đại sư phó kia ăn hết 800 tiền, ông đòi ghi sổ. Ông nói: Không cho ghi sổ thiếu ông kiện lên quan.

Chưởng quỹ ngước mắt nhìn thấy ông Hòa thượng nghèo khổ hết chỗ nói, bèn bảo:

-  Này phổ ky, chú không cần tranh cãi với ông Hòa thượng đó làm gì. Ông ta nghèo quá mà! Ta đã từng sống trong nghèo khổ nên biết cái khó của người nghèo. Chú bảo với ông talà muốn ghi sổ cứ ghi.

Phổ ky đi ra, nói:

-  Ðại sư phó! Chưởng quỹ chúng tôi bằng lòng cho ông ghi sổ rồi đó.

-  Có ghi sổ thì hãy ghi 2 điếu nhé! Thối lại ta 1 điếu 2 để ta cầm theo tiêu vặt. Bữa nay ta quên mang theo tiền lẻ.

Phổ ky nói:

-  Chưởng quỹ nè! Ông có nghe Hòa thượng nói không?

Chưởng quỹ tằng hắng một tiếng, nói:

-  Hôm qua mình còn chưa có cơm, hôm nay mình mở tiệm này buôn bán tốn kém đến mấy muôn lượng; kể ra trời có để mắt, hôm nay mình mới có ngày vui vẻ như thế này. Cũng được, Hòa thượng là người xuất gia, ta cho ông 1 điếu 2. Chú nói với đại sư phó rằng: Cái đó coi như ta cúng chùa nhé!

Phổ ky liền lấy 1 điếu 2 đưa cho Tế Ðiên. Tế Ðiên nói:

-  Ta kêu thêm một bầu rượu với một đĩa nhắm nữa!

Phổ ky nói:

-  Chẳng phải hồi nãy ông vừa ăn xong, lại kêu nữa à?

Phổ ky lại lấy rượu và đồ nhắm đem ra, Tế Ðiên ngồi ăn uống hết. Trong đám thực khách có những người vô lại, thấy Hòa thượng ăn rồi còn đòi tiền, không đưa đòi kéo lên quan. Chưởng quỹ chịu đưa ông ta tiền, chắc là sợ lên quan lắm! Có hai người ăn uống xong kêu phổ ky tính tiền, ăn hết 2 điếu, kêu thối lại 3 điếu, tức là ghi sổ 5 điếu. Chưởng quỹ cũng thối lại cho họ. Tục ngữ có câu: “Cửa lành khó mở, cửa lành cũng khó đóng”. Ba người ngồi kế bên ăn hết 3 điếu rưỡi, coi như 4 điếu, bảo ghi sổ 10 điếu, rồi đòi thối 6 điếu.

Chưởng quỹ nghe nói nổ giận, bèn nói lớn:

-  Thưa các vị! Tôi mở ra quán cơm này, hôm qua không ăn cơm, hôm nay buôn bán được mấy vạn lượng, số tiền đó đâu phải tôi là kẻ cướp đường giựt dọc, khoét vách ăn hàng, cũng không phải là trộm làm bạc giả. Vừa rồi Hòa thượng đòi thối tiền, tôi biết cái khó của người nghèo, hơn nữa ông là người xuất gia, tôi phải nên thí xả cho ông. Các vị lại bắt chước theo Hòa thượng, ăn 2 điếu đòi thối 3 điếu, tôi nghĩ chúng ta đều là bà con lối xóm, không nên làm như vậy. Ðến cái quán nhỏ của chúng tôi mà nói ăn 4 điếu đòi thối 6 điếu! Tới chỗ khác các vị có dám làm như vậy không? Tôi không phải sợ lên quan đâu! Tôi vốn xuất thân từ người nghèo, đến chỗ này cũng hơn một năm rồi. Các vị đừng hiếp đáp tôi chớ! Tôi cũng không để ai hiếp đáp mình đâu! Vị nào muốn thối hử? Bước ra nói nghe coi!

Mọi người nghe nói đều trố mắt ngạc nhiên! Ðương lúc ấy, tấm rèm lay động, một người bước vào nói:

-  Chưởng quỹ nè! Hứa cho 200 lượng bạc sao không chịu đưa tôi?

Chưởng quỹ dòm lại: Người này đội mũ lệch, mang chiếc áo choàng lớn, hơn 50 tuổi, mặt vàng ệch, đôi chân mày ngắn trên cặp mắt tròn nhỏ, chiếc mũi quặp thòng dưới chiếc trán nhăn nhíu, mấy cọng râu vàng lơ thơ chỗ nơi một cọng. Người này họ Dao tên Biến, tự là Hoang Sơn. Bình thường đi ra ngoài kiếm chuyện gạt người, gây sự lung tung. Hôm nay nghe nói chưởng quỹ Song Nghĩa  lầu sợ đến cửa quan, ăn cơm lại thối tiền, tên Dao Hoang Sơn này muốn đến đây để gạt chưởng quỹ. Hắn bước vào cửa liền nói:

-  Chưởng quỹ nè! Hứa cho tôi 200 lượng bạc sao không chịu đưa?

Chưởng quỹ nghe nói, khí uất đến tận cổ, liền bước tời chỗ Dao Hoang Sơn cho hắn một bạt tai, nào ngờ bị bạt tai đó Dao Hoang Sơn té nhào tắt thở luôn. Những người uống rượu trong quán nhốn nháo cả lên. Vị chưởng quỹ này họ Lý tên Hưng. Xưa kia làm phổ ky cho tiệm cơm, tánh tình siêng năng cần kiệm, lại thêm tuổi trẻ sức mạnh, rất chu toàn nhiệm vụ. Làm công mấy năm, trong tay để dành được mấy trăm điếu tiền. Có người thấy anh ta có tiền bèn nói:

-  Này Lý Hưng! Sao chú không nghĩ đến chuyện lập gia đình để có con cái nuôi dưỡng chớ!

-  Tôi cũng có ý muốn đây, ngặt không người nói giúp.

Lập tức có người đứng ra làm mai mối cho cô nương con bà góa phụ già. Hai bên thỏa thuận xong bèn chọn ngày rước dâu. Cưới vợ xong, bà mẹ vợ không người săn sóc đành theo con nương náu với rể. Hai năm sau, gia đình anh thêm hai đứa con nít. Chi tiêu trong gia đình đều trông cậy vào đôi tay của anh ta. Phải nuôi bốn miệng ăn, thu chẳng bù chi! Vừa hay có vị thực khách họ Triệu là một vị tài chủ, thấy Lý Hưng tánh tình hòa nhã mà lâm cảnh túng thiếu như vậy, mới hỏi:

-  Này Lý Hưng, chú làm công như vậy mà có đủ nuôi gia đình không?

-  Làm sao mà đủ được! ông có cách gì không?

-  Ðể tôi giúp chú! Tôi đưa cho chú 500 lượng bạc, chú tìm miếng đất tốt để mở một quán cơm nhỏ, có được không?

Lý Hưng rất bằng lòng, vì có buôn bán tay nghề càng tinh hơn. Anh lấy 500 lượng bạc làm vốn mở một quán cơm rượu nhỏ ngoài cửa Tiền Ðường. Nào hay thời vận bất tề, bán càng ngày càng thua lỗ. Triệu lão đầu thấy Lý Hưng buôn bán không được, một hôm nói:

-  Lý Hưng, chú không cần phải lo lắng quá! Chú buôn bán thua lỗ, tôi cũng không đòi tiền lại đâu. Tôi đưa tiền là giúp chú làm ăn đó thôi. Chú bán khá lên tôi cũng không đòi. Chú sập tiệm tôi cũng không để ý.

Lý Hưng không còn cách nào hơn, phải cho phổ ky nghỉ hết, chỉ để lại một chú nhỏ rồi tự mình làm chưởng quỹ, phía sau lấy làm nhà ở, ngày ngày cố gắng duy trì. Một hôm có mấy người cỡi ngựa, đến trước cửa xuống ngựa hỏi:

-  Ở đây có chỗ nào sạch sẽ không?

-  Vâng, có! Lá Hưng đáp.

Nghe đáp, mấy người ấy xuống ngựa vào quán, giây lát, mấy cỗ kiệu cũng tới nữa. Mấy người ngồi kiệu đều mũ cao áo rộng rất đẹp đẽ. Mọi người kêu dọn cơm rượu lên rồi mang vàng ra cân. Vàng đem cân đều là hiệu móng ngựa, mỗi thỏi nặng 10 lượng. Cân rồi chia mỗi phần 300 lượng, có phần 200 lượng. Chia xong họ không ăn uống gì, lại bảo:

-  Cảm phiền chưởng quỹ dẹp đi! Chưởng quỹ bận rộn với chúng tôi quá! Biếu chưởng quỹ 5 lượng bạc đây.

Lý Hưng nói: - Xin cám ơn quý vị đại gia.

 Họ đi rồi Lý Hưng nghĩ bụng: “Ðương lúc không tiền mà được 5 lượng bạc này, có thể mua thêm một số hàng hóa, cầm chừng được mấy bữa”. Nghĩ bụng xong, đứng dậy đi lau bàn ghế, thấy trên bàn còn có một túi bạc, Lý Hưng mở ra xem thấy bên trong có một đính 10 lượng bạc, 20 đính vàng hiệu móng ngựa. Lý Hưng cầm đem vào nhà nghĩ bụng: “Cái này là của mấy người hồi nãy bỏ quên”.

Vợ Lý Hưng là Vương thị, hỏi:

-  Cái gì vậy?

-  Mấy thực khách hồi nãy bỏ quên 20 đính vàng.

Vương thị nhìn thấy, nói:

-  Ðó chắc là tài thần đấy! Chúng ta hôm nay phát tài rồi. Anh mau đi mua nhang đèn cúng tạ tài thần đi!

-  Làm cái gì kỳ vậy? Cái này có phải của mình đâu? Nếu mình giữ lại sẽ báo mình khổ sở đến chết đấy! Ai đến kiếm, sẽ trả lại cho người ta.

-  Nghèo mà còn giở giọng đạo đức! Của tới tay mà không chịu lấy, còn đòi trả lại cho người ta. Thế thì đâu có được!

-  Tính như vậy không được đâu! Thôi đem cất, ai có tìm trả lại người ta.

Vợ chồng vì việc này mà sinh ra cãi lộn mãi. Ngày hôm đó không có ai đến tìm. Mãi đến trưa ngày hôm sau có một người cưỡi ngựa từ ngoài bước vào, dáng dấp là người phương xa đến, hỏi:

-  Này chưởng quỹ! Quản gia đại nhân chúng tôi hôm qua ăn cơm ở đây có bỏ quên túi bạc lại đây hay không? Ðại nhân chúng tôi bảo đến đây hỏi ông thử!

-  Ai bỏ quên cái gì nào? Chú nói tôi nghe thử!

-  Hôm qua ăn cơm ở đây là bốn vị quản gia của tần tướng phủ. Nhơn vì đi làm phần mộ cho Tướng gia, còn thừa lại 1.200 lượng vàng. Ðại đô quản là Tần Nhị, Nhị đô quản là Tần Thuận, Tam đô quản là Tần Chí, Tứ đô quản là Tần Minh, mỗi vị chia 200 lượng, chia phần các a hoàn và vú em 200 lượng, phần các tam gia 200 lượng. Hôm qua trở về thiếu đi một phần, đó là túi bạc gấm màu lam, gồm có 20 đính vàng mỗi đính 10 lượng. Quản gia đại nhân kêu tôi đi hỏi xem có bỏ quên lại đây không?

Lý Hưng lật đật vào nhà trong lấy túi bạc đem ra, nói:

-  Chú xem có đúng cái này không?

-  Ðúng đấy! Chú thiệt là người không mê của! Xin nói cho chú biết: Quản gia đại nhân chúng tôi không biết đích xác là đánh rơi ở tiệm của chú, mà có đánh rơi cũng chẳng ăn thua gì! Bây giờ tôi với chú mỗi người chia nhau 10 đính có được không Chú cũng phát tài mà tôi cũng có lợi.

-  Cái đó không được đâu! Nếu tôi muốn lấy tôi nói không có, thế là một mình tôi giữ trọn rồi!

-  Cái này là tôi nói đùa với chú đó thôi!

-  Ðể tôi đi với chú gặp quản gia, đưa cái này cho người.

Nói rồi cùng người ấy đến nhà Tần An gặp bốn vị đại gia. Lý Hưng nhìn kỹ, đúng là mấy vị đến ăn cơm ngày hôm qua, bèn lấy túi bạc trao trả lại họ. Tần An nói:

-  Ngươi thiệt là người thấy tiền không mờ mắt! Ðây, ta cho ngươi 1 đính vàng để uống rượu.

Lý Hưng nói:

-   Thưa quản gia đại nhân! Nếu không có việc trả lại tiền, là tôi thích nó. Còn có việc trả này là tôi không thích mà!

-  Thế thì tốt! Nếu người không chịu lấy thì cứ về nhà đi.

Lý Hưng tay không trở về nhà. Về đến nhà thấy Vương thị đang khóc, bèn hỏi hỏi:

-  Tại sao nàng khóc?

Tôi cùng anh sống cực khổ bảy, tám năm nay, có được vàng, anh không chịu lấy lại đưa trả người ta.

-  Ta nói thiệt cho nàng biết: “Cỏ hoang khó béo được ngực gầy, Hoạnh tài không giàu nổi thằng kiếc”. Nếu ta giữ số vàng đó chắc là tiêu mạng sớm thôi!

Vì việc này mà hai người gây gổ suốt mấy ngày. Hơn một tháng sau, thấy tiệm bán vải bên kia đường đóng cửa, nơi đó che che đục đục, dựng lên 25 căn nhà và một số lầu ba từng, nói là sẽ mở tiệm cơm, nhà cửa tô vẽ sơn phết rất đẹp đẽ, tất cả đều làm bằng cây gỗ tốt. Lý Hưng nghĩ thầm: “Bậy giữ a! Tiệm cơm lớn này mở ra thì tiệm cơm nhỏ của mình càng ế ẩm mất!”. Tiệm cơm lớn đã xây cất xong, để bảng hiệu là Song Nghĩa lầu. Bảng cao hoành trướng đều đầy đủ để chờ hôm sau khai trương. Tối hôm đó, bỗng có một chiếc kiệu đưa đến, có một vị nhị gia cầm phong thơ ến tiệm của Lý Hưng, hỏi:

-  Vị nào họ Lý?

-  Họ Lý là tôi đây! Lý Hưng trả lời.

-  Chú thay đổi quần áo rồi lên ngồi kiệu. Bốn vị quản gia đại nhân chúng tôi mời chú đến gặp.

-  Tôi không đi!

-  Không muốn đi cũng phải đi.

-  Muốn tôi đi thì tôi đi vậy.

-  Chú ngồi kiệu nhé!

-  Tôi chưa ngồi kiệu bao giờ.

Bảo thay quần áo, Lý Hưng cũng không thay, cùng với vị nhị gia ấy đến Song Nghĩa lầu. Bước vào đại sảnh, Lý Hưng thấy bốn vị quản gia: Tần An, Tần Thuận, Tần Chí, Tần Minh đều có mặt đông đủ. Lý Hưng hỏi:

-  Bốn vị quản gia tìm tôi có việc chi?

Tần An nói:

-  Hiện nay có một người muốn làm quan, nhờ chúng tôi xin với Tướng gia và cho chúng tôi 50.000 lượng vàng này, mới nghĩ đến chú là người bạn tốt, bèn mở Song Nghĩa lầu này cho chú. Tiền mặt bằng là 8.000 lượng, sửa sang xây cất là 12.000 lượng luôn cả phòng nhà cho phổ ky, kho chứa; chén đĩa đều là đồ sứ Giang Tây, cộng chung là 10.000 lượng; còn thừa 20.000 lượng để làm quỹ buôn bán. Bốn anh em chúng tôi đều đưa hết cho chú. Phòng nhà, buôn bán đều kể là của chú, vì anh em chúng tôi ưa thích lòng tốt của chú! Hôm nay chúng tôi thành thật bàn giao, nếu như về sau chúng tôi có nghèo khổ, không lẽ chú bỏ qua sao?

Lý Hưng không trả lời là không chịu. Lập tức bốn vị quản gia sai dự bị tam sanh làm lễ kết bái. Theo thứ tự tuổi tác, Lý Hưng là người nhỏ nhất, và cũng dẫn Vương thị ra mắt. Hôm nay mới khai trương, những lễ vật đưa đến đều là những người quen biết của bốn vị quản gia, cả đến những nhà buôn, những quan chức lớn nhỏ tại địa phương đều đưa lễ đến mừng. Họ đến mừng với dụng ý làm quen với bốn vị quản gia, khi có việc nhờ đến Thừa tướng phải được các vị quản gia này giúp đõ trước. Trên lầu đầy các thân hữu tiếp rước những người đến chúc mừng. Dưới lầu dành cho các thực khách. Vì vậy hôm nay Hòa thượng đòi tiền thối, Lý Hưng mới nói:

-  Hôm qua tôi không cơm ăn, hôm nay có vốn tự lập mở ra tiệm buôn bán lớn này.

Nào ngờ đường oan gia vốn hẹp, Dao Hoang Sơn tới đây nói gạt, bị Lý Hưng một bạt tai ngã ra chết tốt. Các thực khách đều nhốn nháo cả lên. Lý Hưng nghĩa thầm: “Ðây là tại mình mạng nhỏ phước kém mới không được hưởng của này đó mà”. Nghĩ rồi chuẩn bị lên quan chịu tội. Lúc ấy, bốn vị quản gia trên lầu đã được thông tin mới kêu Lý Hưng lên lầu hỏi thăm. Lý Hưng nói:

-  Chỉ tại hắn ta đến gạt tôi đòi 200 lượng bạc, tôi đánh hắn ta một bạt tai, hắn ngã ra chết tốt.

Tần An nói:

-  Không hề gì đâu! Hiền đệ cứ an tâm. Ta sẽ dàn xếp cho chú không phải thường bồi gì hết.

Nói xong bảo người gọi Lôi đầu đến. Lý Hưng nhìn thấy vị Lôi đầu này khoảng trên 50 tuổi, mặt vuông, dáng vẻ khác thường. Vị này đứng đầu tám ban của huyện Tiền Ðường, hôm nay cũng đến chức mừng. Tần An giới thiệu với Lý Hưng để hai người quen biết. Tần An nói:

-  Lôi nhị ca! Về việc này anh có cách gì không? Bất luận tốn kém bao nhiêu, bốn anh em tôi đều cáng đáng hết.

-  Phải đó!

Nói rồi bươm bả xuống lầu tìm quan nhân địa phương. Tìm gặp vị này, Lôi đầu nói:

-  A, có phải là chú Lưu không kìa!

Lưu Tam nói:

-  Lôi đầu! Lâu lắm mới thấy mặt anh đó nghe!

Lôi đầu đưa Lưu Tam đến chỗ vắng vẻ, nói:

     -  Lưu Tam! Chú lo việc này cho người ta đi! Chú đến đó nói như vầy: - Mi đừng gạt người ta nữa! Trước đây mi gạt tiệm tiền, ta tha cho mi rồi. Bây giờ mi đừng có giả bộ nữa! Chú đem tử thi bỏ ngoài đại lộ, một mặt báo là có thây người đàn ông vô danh, để thừa lại không cứu, quan trên không xét là được! Ta sẽ nói chưởng quỹ tặng cho chú 200 hoặc 300 điếu xài chơi. Chú giúp ta việc đó nhé!

Lưu Tam nói:

-  Này Lôi đầu! Anh nói việc đó mà nghe được à! Ba trăm điếu tiền mà bảo tôi đem tử thi đi, việc đó tôi làm không được đâu! Nếu nói vì tình bằng hữu thì có gì phải nói! Còn có 200, 300 điếu tiền, tôi không bán dễ dàng như vậy đâu!

-  Như vậy là được rồi! Chỉ cần chú nghĩ đến tình bạn bè. Từ đây về sau nếu chú có việc gì cần đến tôi, tôi sẽ hết lòng với chú. Ráng giúp giùm tôi việc này nhé!

Lưu Tam bước lại trước tử thi, nói:

-  Mi đừng làm bộ giả chết! Lần trước mi gạt tiệm tiền, ta tha cho mi rồi. Hôm nay nhà người ta mới khai trương, mi đừng quấy rầy nữa. Thôi đi với ta!

Nói rồi bước lại xốc lên lôi đi. Các thực khách đều biết hắn ta đã chết. Ðang xốc đi thì nghe bên ngoài có tiếng khóc:

-  Cậu ơi cậu! Cậu chết chi mà tức tửi thế này? Cháu phải báo thù cho cậu mới được!

Mọi người nhìn ra thấy có một người mới đến, bộ dáng như thế nào có bài tán miêu tả:

Ðội đầu khăn bốn góc,

lạ kỳ chẳng giống ai.

Mình mặc áo vải xanh,

chẳng khác chui từ hầm mỏ.

Ðôi chân mày vảnh,

 rõ ràng biểu lộ nét gian tà.

Hai con mắt ngựa,

ẩn chứa bao nhiêu mầm họa.

Tai nhỏ lại thêm môi mỏng,

lòng dạ của kẻ phi nhân.

Mũi vẹo kèm theo cổ ngắn,

 đúng là tướng của phường gian.

Gặp tiền lật đật làm giấy mượn,

Làm như thiên hạ dốt xài tiền.

Gặp bữa không mời nhào vô đại.

Giống kẻ chết đói bảy mươi đời.

Xui người kiện tụng làm sinh kế,

Gạt gẫm tán gia, nghề kinh doanh.

Người này họ Sử tên Ðơn, tự Bất Ðắc, ngoại hiệu là Thiết công kê. Thường ngày chỉ lo gạt thiên hạ để kiếm sống. Hôm nay đến Song Nghĩa lầu nghe có việc đánh chết người bèn lật đật chạy đến. Hắn thấy Dao Hoang Sơn là người đồng bọn, bèn nghĩ cách gạt người bằng cách nhận Hoang Sơn làm cậu. Trước sự việc này, Lưu Tam đâu dám đem đi. Lôi đầu bước tới ngăn Sử Ðơn lại, nói:

-  Chú đi với ta lại đây, ta có việc này cần bàn với chú.

Hai người bước vào Nhã đường. Bên ngoài người ta bu lại xem xác chết thì có một đạo nhân đi tới. Người đó chính là Hoàng diện đạo nhân Tôn Ðạo Toàn định kiếm Tế Ðiên để đấu phép.*  

(Xem tiếp quyển 3)

 

- o0o -

Hồi thứ 106-110 | Mục Lục | Hồi thứ 121

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính: Diệu  Xuyến

Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-07-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

lu Cho tuc nam Buffet Vu lan Chay vÃ Æ Tập thể dục hay song nhu con lat dat luon dung day sau khi vap tha thu la mon qua hieu thuong một cõi đi về lẠNhÃ Æ Dà cái Ão ta tu tu nhung thi phi cuoc doi cứ bメケi Axit folic giúp ngăn ngừa bệnh tự kỷ Tinh cuộc đời thánh tăng ananda phần 5 Có mục tiêu sống tốt moi nguoi deu se bi 2 nhan to nay chi phoi ca cuoc pháp hoà đạo hiếu và duy trì lẽ sống hằng 天眼通 意味 Tự 真言宗金毘羅権現法要 câu ước 泰卦 den bao gio tre em moi het phai chiu dung Ăn chay những Nhất phà loi ich cua viec di kinh hanh trương dan vẠhòa lễ tôi nghia Nấm đậu xào sả ớt rau răm xúc bánh hanh phuc toan dien trÕ thiện Món ăn chay bổ dưỡng thích thiện thuận không vọng tướng Ly chè đậu ngự dâng cúng Phật Sử 佛教中华文化 tieng mÑi Chiếc hoẠphan ung cua phat giao truoc cuoc tranh cu tong phía mùa vu lan ung 不空羂索心咒梵文 Đi tìm gốc tích vua Lý Thái Tổ kỳ 3