...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Ba

Hồi Thứ 161

Hồi Thứ 162

Hồi Thứ 163

Hồi Thứ 164

Hồi Thứ 165

Hồi Thứ 166

Hồi Thứ 167

Hồi Thứ 168

Hồi Thứ 169

Hồi Thứ 170

  

Hồi Thứ 161 (^)

 

Dạo Tây Hồ, ác bá gặp yêu tinh

Xem kệ ngữ, lén thăm chùa Bạch Ngư

 

Việc ái thiếp của Vương Thắng Tiên bị gió trốt cuốn đi mất, a hoàn vú em bị giết chết mà không tìm được hung thủ và cũng không có đối chứng, có người báo với Vương Thắng Tiên. Nghe được việc này, Vương Thắng Tiên nổi giận ra hạn cho quan huyện Tuyền Ðường ba ngày phải tìm ra vụ án. Quan huyện Tiền Ðường nghe tin này vội mang Hình phòng, Ngỗ tác đi khám tử thi, a hoàn vú em đều bị ngay yết hầu một dao chết tốt, ngoài ra không vết thương nào khác.

Quan huyện nghĩ: “Việc này rất lạ lùng”. Trở về nha môn phái Triệu đầu, Trương đầu, Vương đầu, Lý đầu mau mau đi bắt hung thủ. Triệu đầu, Vương đầu vội quỳ xuống thưa:

- Kính bẩm lão gia, vụ án này xin lão gia ban ân cho, bọn hạ dịch biện không được. Xin lão gia nghĩ tình, nếu là người thì có thể trói được, còn đây là gió trốt thì làm sao mà bắt được?

- Trong gió trốt đó chắc phải có duyên cớ chớ? Các người phải có biện pháp gì bắt mới được. Hiện tại Vương đại nhân hạn cho ta ba ngày, nếu không tìm ra hung thủ, cả đến chức của bản huyện cũng khó giữ vững nữa là.

- Biện án lạ lùng chỉ có một người có thể làm được thôi!

- Ai vậy? Nói mau đi.

- Hiện Tế Công trưởng lão ở chùa Linh Ẩn là vị Phật sống đương thời, thần thông quảng đại, pháp thuật vô biên, biết rõ được việc quá khứ, vị lai. Lão gia nên đi đến chùa Linh Ẩn bái phỏng Tế Công nhờ người toán giùm mới có thể biện được vụ án này.

- Ðược!

Quan tri huyện nói rồi, lập tức truyền đem kiệu dẫn theo Triệu đầu, Vương đầu, Trương đầu, Lý đầu, Tôn đầu, Lưu đầu, Mã đầu cùng đi đến chùa Linh Ẩn. Ðương sai đến hỏi thăm, vị canh giữ cửa nói:

- Tế Công không có ở trong chùa.

Chính là lúc Tôn Ðạo Toàn đang ở trong chùa, ông ta từ núi Thiên Thai trở về miếu mình, thu xếp công việc xong, bèn trở về chùa Linh Ẩn tìm Tế Ðiên. Tế Ðiên còn chưa trở về nên Tôn Ðạo Toàn ở lại chờ đợi. Hôm nay nghe nói có quan Tri huyện Tiền Ðường đến bái phỏng Tế Ðiên nên Tôn Ðạo Toàn bước ra xem, nói:

- Sư phó tôi lên cầu Vạn Duyên rồi, lão gia có việc gì thế?

- Tôn giá đây là thiếu sư phó phải không?

- Vâng.

- Thưa thiếu sư phó, xin người chịu khó mời Thánh tăng trở về có được không?

- Ðược chớ, lão gia có việc gì cần kíp thế?

Quan huyện mới đem câu chuyện phu nhân của Vương Thắng Tiên bị gió trốt cuốn đi, a hoàn vú em bị giết cả thuật lại. Tôn Ðạo Toàn nói:

- Xin lão gia trở về nha môn đợi tin, tôi đi kiếm sư phó đây!

- Thiếu sư phó nên đi ngay đi, phải sáng mai trở về mới tốt, đi về phải mất 5, 6 trăm dặm đấy!

- Ðược mà! 1.000 dặm tôi có thể đi về kịp trong ngày.

Quan huyện bán tín bán nghi, trở về. Tôn Ðạo Toàn vận chuẩn cước phong hai tiếng đồng hồ sau tới Vạn Duyên kiều, gặp Tế Ðiên, hành lễ rồi nói:

- Con vâng lệnh của Tri huyện Tiền Ðường đến mời sư phó.

- Tri huyện Tiền Ðường thỉnh ta có việc gì thế?

Tôn Ðạo Toàn mới đem chuyện gió trốt giết người thuật lại từ đầu đến cuối. Tế Ðiên nói:

- Hiện giờ ta không thể về được, phải đợi Vạn Duyên kiều hoàn thành mới có thể trở về. Ta đưa con một phong thư, con đem về đưa cho quan Tri huyện Tiền Ðường nói ông ấy theo lời ta dặn trong thư mà hành sự thì có thể bắt được hung thủ.

Tôn Ðạo Toàn gật đầu ưng thuận. Tế Ðiên viết một bức thư giao cho Tôn Ðạo Toàn, trên phong bì vẽ bầu rượu và bảy cái ly, đó là ký hiệu của Tế Ðiên. Tôn Ðạo Toàn nhận lãnh phong thư từ biệt Tế Ðiên xong, vận cước phong trở về nha môn. Trực nhật vào trong bẩm báo, quan huyện cho mời vào. Tôn Ðạo Toàn vào đến thư phòng, quan huyện nói:

- Thiếu sư phó đi mau thiệt! Ði về có mấy tiếng đồng hồ thôi.

- Tôi bị lạc đường một lúc, nếu không thì về còn sớm hơn.

- Thiếu sư phụ có gặp Thánh tăng không?

- Sư phó tôi tạm thời không về được, bảo tôi mang bức thư này về cho lão gia.

Nói rồi móc ra một phong thư đưa cho quan Tri huyện. Quan huyện thấy trên bì thư có một bầu rượu và bảy cái ly, bèn mở thư ra xem, thấy đề là:

- Vài lời gởi lão gia quan huyện Tiền Ðường rõ: Bần tăng là người thế ngoại không thể tham dự biện lý việc quốc gia được. Lão gia nếu muốn bắt hung thủ hãy chiếu theo 8 câu thơ của bần đạo dưới đây mà hành sự thì có thể bắt được giặc. Những việc khác gặp mặt sẽ nói sau. Thư chẳng hết lời.

Bên dưới viết là:

Gặp phải việc này chớ nóng lòng

Hoa hoa thái tuế há nhiêu dong

Nếu hỏi sát nhơn danh cùng tánh

Ngày rằm tháng tám trăng nửa không.

Bên dưới lại có bốn câu:

Gặp phải việc này lòng chớ vội

Hoa hoa thái tuế chẳng hòng thôi

Muốn hỏi sát nhơn nơi trú xứ

Bạch Ngư giả dạng hỏi mới rồi.

Quan huyện xem xong, suy nghĩ hồi lâu rồi mới nói:

- Trong thư Thánh tăng dạy ta phải lén đi thăm hỏi, nhưng không biết Bạch Ngư là tên người hay tên đất? Hôm nay trời đã tối, ngày mai phiền thiếu sư phó giúp bản huyện tra hỏi việc này.

- Cũng được! Tôn Ðạo Toàn đáp.

Quan huyện lưu Ðạo Toàn lại, khoản đãi cơm rượu rồi lui về phòng an nghỉ. Hôm sau, điểm tâm xong, quan huyện thay đổi thường phục, dẫn gia nhân là Triệu Thăng lén đi tham phỏng. Một mặt sai tám vị Ban đầu là Triệu đại, Vương nhị, Trương tam, Lý tứ, Tôn ngũ, Lưu lục, Cảnh thất, Mã bát cùng Tôn Ðạo Toàn ra ngoài tra xét. Quan huyện Triệu Văn Huy dẫn lão quản gia ra cửa cấm, chậm chậm đi về phía trước, trong dạ trù trừ: “Không biết Bạch Ngư là cái gì đây?”.

Ði được ba bốn dặm, quan huyện cảm thấy mõi mệt, định tìm một chỗ nào nghĩ đỡ, uống một chén trà giải lao. Ngước đầu nhìn quanh, thấy ở sười núi phía Bắc có rừng tòng rậm rạp, thấp thoáng màu vách đỏ, chắc ở đó là một ngôi chùa miếu lớn. Quan huyện nghĩ thầm: “Am quán chùa viện, đều là trà viên của khách qua đường, mình có thể đến đó nghỉ đỡ được”. Nghĩ rồi, bèn nói:

- Này Triệu Thăng, chúng ta lên miếu trên núi kiếm một chén trà nóng đi.

Triệu Thăng gật đầu, chủ tớ lần theo con đường nhỏ lên sười núi. Ðến gần xem kỹ, trước miếu có một tòa Thạch Bi lầu, trên viết bốn chữ: Ðồng tham tạo hóa. Sau Thạch Bi lầu là sơn môn, hai bên có hai cửa phụ đều đóng kín. Trên sơn môn đề: Sắc kiến cổ tích Bạch Ngư tự. Triệu Văn Huy nhìn thấy mấy chữ này trong lòng rúng động: “Tế Công Thiền sư viết bốn câu thơ:

Gặp phải việc này lòng chớ vội

Hoa hoa thái tuế chẳng hòng thôi

Muốn hỏi sát nhơn nơi trú xứ

Bạch Ngư giả dạng hỏi mới rồi.

Phải chăng chính là chùa Bạch Ngư này?”.

Lại nhìn kỹ, bên ngoài của phụ phía Ðông có con đường nhỏ cỏ không cao, chắc là lối thường ra vào, bèn bước tới cửa phía Ðông gõ hiệu. Một lát sau nghe bên trong có tiếng:

- A Di Ðà Phật.

Người ra mở cửa là một chú sa si độ 18, 19 tuổi, mặc áo ngắn, vớ trắng vân hài, gương mặt trắng trẻo, mày thanh mắt sáng. Chú sa di ngước đầu nhìn khách rồi hỏi:

- Hai vị thí chủ đến đây có việc chi?

- Chúng tôi đến dâng hương.

- Xin mời thí chủ.

Triệu Văn Huy cùng gia nhân đi vào trong. Vị Hòa thượng nhỏ đóng cửa lại và đi trước dẫn đường vào đại điện. Triệu Văn Huy đốt hương vái lạy xong, chú sa di nói:

- Xin mời thí chủ vào ngồi nơi khách đường. Trong chùa này trước sau là năm từng điện.

Quan huyện từ đại điện đi qua phía Tây gặp bức bình phong bốn cánh, hai cánh mở hai cánh đóng. Tiến vào nhà ngang ở phía Tây là năm gian Bắc thượng phòng. Hai bên đều có ba gian phối phòng. Trong viện rất là u nhã. Chú sa di vén rèm ở Tây phối phòng lên, chủ tớ quan huyện bước vào nhìn thấy: một chiếc bàn bát tiên, trên đó rất nhiều kinh sách, với hai chiếc ghế dựa hai bên. Quan huyện tới ngồi ở ghế dựa. Chú sa di hỏi:

- Thí chủ họ chi?

- Tôi họ Triệu. Thưa tiểu sư phó, trong chùa ta có mấy vị đương gia?

- Có sư phụ tôi, sư thúc tôi và bốn huynh đệ tôi thôi, ngoài ra là những người thuê công. Thí chủ từ đâu đến đây?

- Chúng tôi là người phương xa, nhân qua đây ghé vào dâng hương vàn cảnh.

- Vâng vâng, thí chủ ngồi đây chốc lát, tôi đi đun trà.

Vị tiểu hòa thượng nói chuyện để lộ cái răng nanh, nói xong bỏ ra ngoài. Triệu Thăng thấy vị hòa thượng đi rồi bước vào trong viện xem thử. Giữa nam gian Bắc phòng có một hành lang rộng thông ra hậu viện. Nhà hai bên đều có rèm thả xuống. Triệu Thăng đi đến Bắc phòng vén rèm lên xem, nghe mùi hương lan xạ son phấn nức mũi, nhìn vào bên trong thấy: kê sát tường Bắc là một cái giường, màn che rũ xuống. Trong nhà có một cái bàn trang điểm, đủ cả gương soi và rất nhiều phấn sáp gương lược dành cho phụ nữ. Triệu Thăng nghĩ thầm: “Lạ thiệt, trong chùa hòa thượng sao lại có những đồ dùng như thế này?”. Còn đương ngơ ngẩn hoang mang thì chú sa di từ đằng sau bưng trà đi lên, thấy Triệu Thăng ở đó nhìn trộm bèn nói:

- Ông làm gì ở đây?

- Tôi xem vậy mà!

- Ông đừng có đi lung tung như vậy, trong chùa chúng tôi thường có thái thái của quan phủ đến dâng hương, nếu ông gặp phải thì bất tiện lắm đó!

Chùa của hòa thượng các ông sao lại có những đồ phấn sáp gương lược? Sắm ra để làm gì thế?

- Sư phó chúng tôi thích nghe mùi phấn sáp gương lược nên mua để ngửi đó!

- Câu nói này không ổn rồi đa!

Hai người đương cải nhau, thì đằng sau một vị hòa thượng đi ra. Vị này mình cao chín thước, đầu to cổ ngắn, tóc xỏa tết thành một vòng kim cô, gương mặt mùa tía lồi lõm đầy mụt thịt, mày to mắt lớn, mình mặc tăng y bằng lụa màu lam, áo lót bằng lụa màu nguyệt bạch, vớ trắng vân hài, trong tay cầm cây phất trần lóng lánh, nói:

- Ai ở đây làm ồn lên thế?

Chú sa di nói:

- Thưa sư phó, những người này đến dâng hương, đi lung tung khắp nơi, con cản không được.

- Họ tới đây mấy người?

- Ở Tây phối phòng còn có một vị nữa.

Vị hòa thượng cười ha hả, nói:

- Ta tưởng là ai, té ra là quan huyện. Ta định chắc là ông đến là việc của Vương Thắng Tiên đây. Ta nói cho ông biết: Những việc đó là do ta làm đấy!

Quan Tri huyện nghe nói câu đó thất kinh, chắc mẻm trong bụng: “Hôm nay tới chùa này dữ nhiều lành ít”. Nhưng không biết hung tăng này là ai?*

 

Hồi Thứ 162 (^)

 

Tôn Ðạo Toàn hét đuổi yêu hòa thượng

Châu Ðắc Sơn cùng khốn gặp người khi

 

Vị hòa thượng ở chùa Bạch Ngư gặp quan Tri huyện coi như chẳng ra gì, chẳng những không sợ mà còn cười ha hả nói:

- Quan huyện thái gia, ông đến đây chắc là vì vụ án của Vương Thắng Tiên, chớ gì? Vụ án đó do chính sái gia làm đó. Ông đến đây muốn làm gì ta?

Quan huyện thấy sự tình không ổn ấy, sợ đến xanh cả mặt, vội nói:

- Hòa thượng, ông nhìn lầm rồi, tôi đâu phải là quan huyện, tôi là khách thương đi đường mà!

Hung tăng cười ha hả, nói:

- Ông không cần chối, huyện Tiền Ðường ta thường đi qua luôn.

- Hòa thượng, ông không nên nhận lầm người như thế. Tôi xin cáo từ về đây.

Nói rồi đứng dậy định đi ra ngoài. Hòa thượng nói:

- Ðâu có thể đi được? Hôm nay ông tự dẫn xác đến chùa ta thì đừng hòng chạy trốn. Việc này kêu là: “Thiên đường có nẻo ông không đến, Ðịa ngục kín bưng muốn nhảy vào”. Ðồ đệ đâu? Trói tên tặc quan này lại cho ta!

Lập tức chú tiểu từ bên trong chạy ra trói huỵch cánh chõ huyện quan lại!

Vị hòa thượng ở chùa Bạch Ngư tên là Nguyệt Minh, ông ta có ba người sư đệ tên là Nguyệt Lãng, Nguyệt Không và Nguyệt Tịnh. Nguyệt Không và Nguyệt Tịnh không ở trong chùa, chỉ còn lại Nguyệt Lãng thôi. Hai vị hòa thượng này chính là bọn mê tửu sắc. Trong chùa có làm một hầm vách đôi để giấu mấy người phụ nữ đều là mua về ở xóm yên hoa. Hai vị này đều có yêu thuật tà pháp. Ngày kia họ đến Tây Hồ dạo chơi, gặp ái thiếp của Vương Thắng Tiên là Ðiền thị đang ngồi kiệu, mười phần xinh đẹp, hai vị hòa thượng này thấy được phát động dâm tâm, Nguyệt Minh nói:

- Này sư đệ, chú xem giai nhân này thật là tuyệt sắc, chúng mình hãy thi triển pháp thuật cướp quách nàng ta đi.

Tức thì đất bằng nổi trận quái phong lôi Ðiền thị từ trong kiệu ra vác chạy đi. A hoàn vú em thấy vậy sửa soạn la, bị hòa thượng rút giới đao ra giết chết. Ðem Ðiền thị về chùa, hòa thượng nói:

- Nếu nàng không thuận nghe ta, ta sẽ giết chết.

Ðiền thị vốn xuất thânn từ ca kỹ, có gì mất mà chẳng thuận theo, hiến dâng đủ kiểu cho hai vị hòa thượng. Hai vị hòa thượng cứ tưởng việc này không ai biết, nào ngờ bị Tế Ðiên chỉ ngay ra. Hôm nay Nguyệt Minh thấy Tri huyện đến, vì ông ta thường thấy quan huyện thăng đường xử án để tự do ai muốn xem thì xem, nên biết mặt quan huyện. Nguyệt Minh nghĩ thầm: “Ông ta đã đến đây rồi, không thể nào thả ông ta về được. Chi bằng trảm thảo trừ căn để khỏi còn mầm sẽ mọc lại; thả cọp về rừng, mài giũa nanh vuốt, quyết định sẽ hại người”.

Nghĩ rồi liền sai chú sa di bắt quan huyện trói lại. Triệu Thăng thấy vậy, nói:

- Hay cho ông hòa thượng, thiệt lớn mật dữ a! Bây đúng là tặc hòa thượng.

Nói xong lật đật bỏ chạy ra ngoài. Hòa thượng nói:

- Ðừng để nó chạy, hãy bắt nó lại!

Câu ấy vừa nói xong thì cửa ngách bên ngoài đánh rầm một cái mở toang ra. Từ bên ngoài, Triệu đại, Vương nhị… tám vị Ban đầu nhảy xô vào. Tám vị Ban đầu này cũng lén đi tre xét, vừa mới tới cửa chùa thì nghe bên trong tiếng Triện Thăng la hét. Tám vị này phá cửa chạy vào, tay cầm thước sắt định động thủ. Hòa thượng lấy tay chỉ một cái, dùng định thân pháp trồng cứng họ lại và rút giới đao định kết thúc tánh mạng họ. Ngay lúc đó bên ngoài có tiếng hét vang:

- Hay cho đồ nghiệt chướng lớn mật! Ngay ban ngày mặt giữa trời quang mà dám giết người ở đây chớ! Hãy đợi sơn nhân ta đến rồi biết!

Hòa thượng nhìn thấy người đến chính là Tôn Ðạo Toàn, bèn nghĩ thầm: “Sự tình này không xong rồi, chuyện bé xé thành to, trong 36 chước chạy trước là hơn!”. Nghĩ rồi lật đật chạy vào trong, nói cho sư đệ là Nguyệt Lãng biết rồi dắt đồ đệ mở cửa sau chuồn mất. Tôn Ðạo Toàn mắc lo cứu tám vị Ban đầu không thèm rượt theo. Lại mở trói cho quan huyện rồi đi tra xét các chỗ, tìm thấy từ trong vách đôi năm người phụ nữ, đồng đưa về cả nha môn. Khi tra hỏi năm người này thì một người trong đó là Ðiền thị, ái thiếp của Vương Thắng Tiên, còn bốn người kia đều là kỹ nữ. Tại đại đường truyền thả họ ngay, đem chùa Bạch Ngư sung vào cửa công, mời một vị tăng khác về trụ trì. Phần Ðiền thị, khi gặp Vương Thắng Tiên bảo rằng mình không thất tiết; kỳ thật ả ta đã hú hí với hòa thường hai đềm rồi. Âu đó cũng là báo ứng của Vương Thắng Tiên, hắn ta thường hay bá chiếm phụ nữ nhà lành, giờ đây ái thiếp của hắn bị người ta cướp đi! Ðiền thị là người hắn yêu quí nhất, bây giờ tìm lại được, hắn ta rất vui mừng, bảo quan huyện sau vụ án kiếm bắt các hòa thượng ấy. Về phần quan huyện, manh mối đã tìm ra, không bị quấy rầy nữa. Vụ án coi như đã kết thúc, Tôn Ðạo Toàn cáo từ trở về chùa. Mấy ngày sau, Tế Ðiên cũng trở về chùa vì công trình sửa Vạn Duyên kiều đã kết thúc. Quan huyện nghe nói Tế Công đã về đang ở tại chùa mới sai người mời Tế Ðiên đến nha môn, đặt tiệc khoản đãi ăn uống vui vẻ. Tri huyện nói:

- Thánh tăng không có việc gì nên ở lại huyện nha chơi ít hôm.

- Ta phải đi đây, còn có việc gấp cần làm. Chúng ta lúc rảnh sẽ nói chuyện sau.

Tế Ðiên nói xong cáo từ ra khỏi nha môn. Vừa đến cửa Tiền Ðường thấy gần cửa có một tiệm đậu hũ, trước cửa đông nghẹt người ta. Trong tiệm cối xay bể nát, thùng nước cũng ngã lăn, đậu tương vung vãi trên đất, đậu hũ cũng văng tung tóe. Trong sân có một người mặc áo vải xanh, lưng cột bao lụa, áo trong màu lam, vớ cũng màu lam, chân vấn xà cạp, đi đôi giày ba kíp đầu nhỏ đuôi lớn. Người này đầu thỏ mắt rắn, lưng rùa vai rắn, đang huơ tay huơ chân miệng nói loạn xạ. Tế Ðiên án linh quang, nói:

- Chao ôi, A Di Ðà Phật, ngươi nói việc này Hòa thượng ta đâu có thể không xen vào? Thật là: Việc này chưa xong lại tiếp theo việc khác!

Nguyên, chưởng quỹ của tiệm đậu hũ ấy học Châu, tên là Châu Ðắc Sơn. Hai vợ chồng có đứa con tên là Châu Mậu. Ông ta vốn là người châu Tuần Ðiển. Nhân vì gặp năm mất mùa, kiếm sống rất khó khăn nên đến cửa Tiền Ðường thành Lâm An mở một quán đậu hũ, nuôi một con lừa để kéo cối. Ðậu hũ của ông ta cung cấp cho các quán cơm, các tiệm chao và bán lẻ đậu hũ. Việc buôn bán rất phát đạt. Ðược mấy năm, dành dụm được hơn mười lượng bạc. Ngờ đâu thời vận bất tề, cả nhà ba người đều bệnh cả. Người ta sống nhờ vào sự làm việc của bản thân, một khi không làm việc được nữa thì phải nhờ sự giúp thêm bên ngoài. Bệnh đã nữa năm, thuốc thang dưỡng bệnh chẳng những xài hết số tiền để dành mà còn thâm vốn hiện tại. May nhờ Châu Mậu còn đi đứng được, Châu Ðắc Sơn bảo con đi thâu tiền thiếu về để chi dụng. Châu Mậu đi chưa nổi, phải cưỡi lừa ra đi. Nợ những chỗ khác còn có thể đòi được, chỉ có quán rượu trên Vạn Trân lầu thiếu hơn 20 điếu tiền, đến đòi mà lão không trả. Chủ quán rượu này họ Tôn, là người chẳng ra gì ở địa phương, ngoại hiệu là Ma diện hổ Tôn Thái Lai. Quản sự của Vạn Trân lầu là họ Liêu có tên đôi là Ðình Quí có ngoại hiệu là Mậu Hóa cũng không phải là người tốt. Hôm đó Châu Mậu cưỡi lừa đi đòi nợ, Liêu Ðình Quí thấy Châu Mậu cười lừa đi khá mau, rất thích ý bèn nói:

- Này Châu Mậu, để ta cưỡi thử con lừa của chú có được không?

- Ðược chớ!

Liêu Ðình Quí cưỡi chạy thử, quả nhiên con lừa này chạy rất mau. Liêu Ðình Quí nói:

- Châu Mậu, nhà chú hiện giờ không còn xay đậu hũ nữa, hãy bán con lừa này cho ta đi!

- Tôi không bán.

- Ta trả thêm tiền cho chú.

- Bao nhiêu tôi cũng không bán. Tôi nói cho anh biết: Con lừa khác kéo cối xay hai đấu đậu, con lừa tôi có thể xay được bốn đấu đấy. Mai mốt cha tôi mạnh sẽ làm đậu hũ lại mà!

- Nhà chú làm đậu hũ mà có vốn không?

- Không có, đợi lúc khai trương rồi tính.

- Không hề chi, đến chừng khai trương, nhà chú không có vốn, ta cho mượn.

- Vậng.

Nói xong đến Vạn Trân lầu đòi cũng được tiền, đều chi vào việc ăn uống cả. Tới chừng Châu Ðắc Sơn lành bệnh, muốn làm đậu hũ bán lại nhưng không có tiền, đến chỗ nào mượn cũng không được. Châu Mậu bỗng nhớ đến Liêu Ðình Quí đã nói, muốn buôn bán hắn cho mượn vốn. Châu Mậu nói việc đó với cha. Châu Ðắc Sơn bảo:

- Con đi mượn đi!

Châu Mậu đi đến Vạn Trân lầu, nói:

- Liêu chưởng quỹ, bây giờ cha tôi khá rồi, muốn bán lại mà không có vốn; trước đây chưởng quỹ có nói nếu chúng tôi không có vốn thì cho mượn; hôm nay cha tôi bảo nhắc lại với chưởng quỹ và mượn 20 điếu tiền.

- Bây giờ không có tiền sẵn, để tôi mượn cho chú, ngày mai chú đến lấy nhé!

Châu Mậu nghe nói, vui vẻ trở về. Hôm sau trở lại, Liêu Ðình Quí nói:

- Chú muốn mượn 20 điếu không được rồi, tôi chỉ cho mượn 10 điếu thôi, mỗi tháng một điếu tiền lời.

Châu Mâu nghe bảo, nhăn mặt nói:

- Tiền lời như vậy cao quá!

- Chú thấy tiền lời cao thì cứ mượn chỗ khác đi!

Châu Mậu không có cách gì hơn, bèn nói:

- Thôi đành vậy!

- Vậy thì 10 điếu lấy trước 9 điếu.

Châu Mậu cũng đống ý. Nhưng sau khi nhận giấy xem lại thì không phải là giấy lấy tiền mà là giấy hẹn, đến tháng sau mới lấy chín điếu. Châu Mậu hỏi:

- Tại sao tháng sau mới lấy tiền?

- Chú muốn vay nợ người ta, có giấy hẹn so với ngưòi không có vẫn mạnh hơn chớ.

- Chúng tôi không cần giấy hẹn, chỉ cần tiền mặt để mua đậu làm đậu hũ bán thôi.

- Nếu chú muốn lấy tiền mặt thì một điếu chỉ lấy 800 tiền thôi.

Châu Mậu đang cầm tiền, không cách nào hơn đành cầm 7 điếu 200 tiền về nhà. Châu Mậu cầm về nhà đếm lại, mỗi điếu thiếu 200 tiền, số tiền còn lại 5 điếu 800 tiền, lại còn tiền nhỏ nữa. Châu Ðắc Sơn thấy món tiền ấy thở dài thậm thượt, đã nghèo còn mắc cái eo. Số tiền này chỉ mua được mấy đấu đậu bán sống qua ngày, chỉ lời được hơn một trăm tiền, mỗi tháng phải nộp một điếu tiền lời, đến ngày có người tới lấy, chậm một bữa cũng không được. Nếu không có nộp thì tiền lời đó sẽ nhập vào tiền gốc. Buôn bán nhỏ, mất phải 10 điếu vay thiếu hụt này, biết bao giờ trả hết? Hôm đó, Liêu Ðình Quí lại lấy tiền, nhằm lúc Châu Ðắc Sơn không có. Liêu Ðình Quí không nghe cho. Châu Mậu nói:

- Liêu Ðình Quí, anh chờ một hai bữa có sao đâu, thêm được một tiền này đã lời quá vốn mấy phần rồi.

Liêu Ðình Quí nghe thế, tức giận nói:

- Hồi chú tới mượn tiền sao không chịu nói? Tôi đâu có kiếm chú tới để cho mượn đâu mà chú nói như vậy?

Châu Mậu lại tranh cãi với hắn. Ðình Quí mở miệng chửi bới lung tung, ban đầu đấu mm, kế tiếp đấu võ. Châu Ðắc Sơn chạy tới kéo ra, Liêu Ðình Quí níu lấy Châu Ðắc Sơn đánh túi bụi. Châu Mậu thấy đánh cha mình, tức quá bèn chạy vào lấy búa nhắm lưng Liêu Ðình Quí để một nhát, trúng vai bị thương nhẹ. Liêu Ðình Quí nói:

- Hay cho Châu Mậu, mày dám lấy búa chém tao! Tao về đây, lát nữa sẽ biết!

Nói rồi bỏ về, một lát sau hắn dẫn tới hơn 20 người đều cầm dao thương gậy gộc kéo tới tiệm đậu hũ đè cha con Châu Ðắc Sơn xuống đánh.*

 

Hồi Thứ 163 (^)

 

Liêu Ðình Quí ỷ thế hiếp người nghèo

Trần Thanh Viễn trợ quyền bị tức ngực

 

Liêu Ðình Quí dẫn tới mấy mươi tên phỉ đồ vác đao thương gậy gộc đến tiệm đậu hũ kéo cha con Châu Ðắc Sơn đè xuống đánh. May nhờ những người hàng phố kéo tới khuyên can. Liêu Ðình Quí bảo bọn ấy đập phá hết đồ đạc, từ cối xay, thùng gỗ tất cả dụng cụ không chừa thứ chi, rồi mới bỏ đi.

Châu Ðắc Sơn khắp người bị thương tích, thấy đồ đặc trong nhà bị phá sạch không còn hành nghề được nữa bèn nói:

- Con ơi, chúng ta sống hết được rồi! Ðánh thì đánh không lại người ta, thưa lên quan thì chúng ta thân yếu thế cô. Ta lớn tuổi chừng này, chưa bị ai hà hiếp như thế bao giờ! Chúng ta sống không làm gì được hắn, để ta viết một tờ âm trạng chết đi xuống âm phủ đầu cáo hắn. Châu Mậu ơi! Chừng đó con hãy đến huyện Tiền Ðường kêu oan để báo cừu cho ta. Bảo mẹ con đến phủ Ninh An tố cáo hắn. Mạng già của ta đây không thiết sống nữa!

Châu Mậu cũng muốn báo thù nên không cản trở cha. Hai cha con đang nói chuyện thì bên ngoài có một người đi vào. Châu Mậu nhìn ra là một người quen, cũng là người không ra gì ở địa phương này. Hắn ta vốn không việc gì mà chẳng làm: kính bọn dao búa, sợ người có tiền, lấn hiếp người già cả. Người này họ Mao, ngoại hiệu là Mao nhượng nhượng (Mao ầm ĩ). Hắn ta ở tại huyện Tiền Ðường. Khi họ Liêu mang người tới, hắn không chịu tới, đến khi bọn họ đi rồi, hắn mới đến tiệm đậu hũ, nói:

- Hay a, ai dám tới đây phá tiệm đậu hũ vậy? Chuyện này xảy ra thiệt như tát vào mặt ta đấy. Bộ không biết họ Mao ta ở đây sao? Hồi nãy không có ta ở nhà, nếu có ở nhà, đố khỏi bị ta chém vài đứa.

Hắn đang khoa chân múa tay la lối ầm ĩ thì từ bên ngoài Tế Ðiên bước vào tát hắn một bạt tai. Mao nhượng nhượng la ầm ĩ:

- Hay cho ông Hòa thượng, ông dám đánh ta hả?

- Ta đánh là phải đấy, ai bảo người ở đây nói dóc làm chi?

- Hay cho ông Hòa thượng, chúng ta phải đưa việc này lên quan mới được.

- Ngươi ra đây.

Mao nhượng nhượng bước ra bị Tế Ðiên níu lại đánh cho ba thoi, hắn nói:

- Ðể tôi đánh ông chớ.

Nói rồi huơi quyền đánh lại. Tế Ðiên đếm: một nè, hai nè, ba nè, rồi nói:

- Bây giờ ta đánh người nè!

Nói rồi bước tránh ra, vật Mao nhượng nhượng xuống đánh ba thoi. Ðánh xong ba thoi lại bảo:

- Bây giờ ngươi đánh ta đi!

Nói rồi chính mình nằm xuống cho hắn đánh. Mao nhượng nhượng muốn đánh hơn số đó nhưng bị Tế Ðiên vật xuống. Mọi người nhìn thấy như vậy cũng không ai khuyên can và đều nói Hòa thượng chơi thật công bằng, đánh Mao nhượng ba thoi xong, Hòa thượng kêu hắn đánh lại ba thoi; hắn đánh ba thoi xong liền bị Hòa thượng đè hắn xuống đánh. Mọi người đang chăm chú xem hai bên trao đổi ba thoi thì nghe có người ở một bên nói:

- Thôi đừng đánh, có tôi tới đây!

Ai nấy nhìn lại thấy người mới đến tướng tá rất đẹp, mình cao hơn chín thước, tam đình nở rộng, đầu đội khăn tráng sĩ sáu múi bằng đoạn màu đen bên trên có gắn sáu miếng kiếng, mình mặc tiễn tụ bào cùng màu, lưng buột dây loan đái, mang giày đến mỏng, bên ngoài khoác một áo choàng lớn anh hùng bằng đoạn đen trên thuê ba đóa hoa phú quý màu lam, mặt giống như giấy ô kim, mày ta mắt lớn, dưới cằm một bộ râu cước tua tủa trước ngực. Người này thiết diện thiên vương Trịnh Hùng. Trịnh Hùng sau khi chia tay với Tế Công ở Mã Gia Hồ huyện Thường Sơn, trở về nhà mình, không việc gì cũng lên huyện Tiền Ðường chơi. Bởi Trịnh Hùng có một người bạn họ Trần Thanh Viễn là Tiêu đầu của Ðông lộ bảo tiêu cục, tánh tình rất trung hậu, nhà cũng ở thành Lâm An này. Hôm ấy Trần Thanh Viễn rảnh việc dẫn gia nhân đi dạo chơi, đi đến ngoài cổng huyện Tiền Ðường thấy một người mại võ múa quyền ở đó. Người xem đông chật rất là nhiệt náo. Trần Thanh Viễn nhìn thấy người mãi võ này đã được danh nhân truyền dạy nên quyền cước rất tinh thông. Ðại khái là người này không quen đi lại trong giang hồ, cũng không biết nói tiếng lòng giang hồ, có thế nào nói thế ấy. Trước khi múa quyền, cất lời rao:

- Thưa quý vị, tại gia là người phương xa, không quen nghề mãi võ, chỉ nhân vì đi thăm bạn hữu tại quý địa phương không gặp mà tiền lộ phí đã tiêu dùng hết rồi. Hồi còn ở nhà, tại hạ có luyện qua một vài đường quê dốt, tại hạ cũng không biết hàng đệ tử của bậc danh sư ở đâu mà gởi thiếp đến hầu để bái phỏng. Các vị ở đây có tiền giúp cho tiền, ai không tiền thì đứng trợ oai, giúp đỡ kẻ không may.

Lẽ ra phải có một vài lời lẽ giang hồ rao nói rõ ràng mới phải.

Trần Thanh Viễn dòm thấy người mãi võ ấy không biết dùng tiếng giang hồ nào nên luyện mấy bài quyền mà không một ai bỏ tiền ra cả, bèn nghĩ: “Người quân tử đến chỗ nào cũng làm cho người được tốt đẹp. Ta hãy bước vào giúp anh ta múa một bài quyền, cho mấy điếu tiền, để giúp đỡ anh ta khá khá một chút”. Nghĩ rồi mới kêu gia nhân là Trần Thuận, bảo:

Ngươi hãy vào tiệm tiền Hằng Nguyên bên trong cửa Tiền Ðường lấy cho ta năm điếu tiền. Lát nữa sau khi ta giúp anh ta múa quyền xong, ngươi bứt xâu tiền ra thảy vào nhé, mãi võ có quy luật là không được ném cả xâu tiền vào.

Trần Thuận gật đầu, đi đến tiệm tiền lấy năm điếu về. Trần Thanh Viễn bước vào diễn trường nói:

- Này bạn, để tôi giúp bạn múa một bài quyền nhé!

Người mãi võ vội chấp tay nói:

- Xin hỏi: tử đệ thái gia họ gì?

- Tôi họ Trần. Nhận thấy bạn không phải là người chuyên mãi võ chốn giang hồ mà.

- Biết làm sao hơn! Tôi không còn cách nào khác. Bạn tìm không gặp, phải lâm vào cảnh túng quẫn! Tử đệ gia, ngài giúp tôi, là tôi phải tiếp quyền với ngài hay chỉ đứng một bên báo danh ngài với mọi người thôi?

- Bạn chẳng cần tiếp quyền. Ngay lúc đó từ bên ngoài một người bước vào, nói:

- Bạn hãy chờ tôi với, tôi cũng muốn tiếp một tay đây. Hai chúng ta cùng đấu quyền nhé!

- Cũng được.

Nói rồi nhìn lại, người này cao tám thước, đầu đội khăn trùm phấn lăng bằng đoạn, mình mặc tiễn tụ bào cùng màu, lưng thắt day loan đái, đi giày đế mỏng, ngoài khoác áo choàng anh hùng cùng màu phấn lăng trên thuê hoa mẩu đơn màu lam, mặt giống như thoa dầu, đầu đầy những nốt trái lộ vẽ gian trá. Trần Thanh Viễn vừa cùng người ấy chạm quyền bỗng cảm thấy trước ngực bị tức, lật đật bước ra khỏi vòng, nói:

- Này bạn, hãy dừng tay lại, tôi cảm thấy tức ngực quá!

- Nào ngờ tên tiểu tử ấy chẳng biết qui củ, cười ha hả, nói:

- Theo ta thấy, tài năng như ông chỉ có thể quét dọn giúp thôi.

Trần Thanh Viễn nghe thế, tức giận nói:

- Mi là cái thá gì mà dám đến làm nhục ta! Tại ta bị tức nghẹn mi không biết sao?

- Té ra mi là kẻ bất tài lại muốn đến chàng ràng hả?

Mọi người nhìn thấy hai bên sắp đánh nhau vội chạy tới khuyên can, có người lôi người kia đi. Trần Thanh Viễn kêu gia nhân đem năm điếu tiền cho người mãi võ và hỏi:

- Thưa quý vị, quý vị có biết người mới vừa rồi là ai, họ gì không? Tôi phải tìm hắn mới được! Tên này không biết lịch sự là gì hết.

Mọi người cũng khuyên giải:

- Xin đại gia nên trở về đi, không cần phải tìm hắn làm chi, cũng không biết hắn ở đâu nữa.

Mọi người đều không dám nói ra về hắn, Trần Thanh Viễn cũng không biết làm sao, ngực càng tức hơn, đành phải trở về nhà. Tìm gia nhân Trần Thuận, nhưng không thấy đâu đành thuê một cỗ xe về nhà, ngực càng khó chịu hơn. Giây lát Trần Thuận về tới, Trần Thanh Viễn hỏi:

- Trần Thuận, ngươi đi đâu vậy? Ta cùng người ta đánh nhau, ngươi sợ người ta đánh tới ngươi nên ngươi chạy trước phải không?

- Lão gia đừng hiểu lầm! Tiểu nhân thấy tên côn đồ mặt trắng bỏ đi mà lão gia lại không biết tên họ hắn nên ngầm theo dõi đó chớ.

- Ðược, ngươi có hỏi thăm rõ ràng chưa?

- Tiểu nhân hỏi thăm rõ rồi. Tên đó là chủ của Vạn Trân lầu, tên là Tôn Thái Lai, ngoại hiệu là Ma diện hổ, hắn là phỉ côn đồ ở địa phương này, kết giao với quan trưởng khuấy động nha môn, hà hiếp người lương thiện, không từ điều xấu nào, rất nổi tiếng ở địa phương, không ai dám động đến hắn.

Ðược, để ta hết bệnh rồi sẽ đi kiếm hắn! bệnh làm thở không được, Trần Thanh Viễn nhờ người xem mạch uống thuốc cũng chưa bớt. Hôm ấy Thiết diện thiên vương Trịnh Hùng tới thăm, hai người là anh em kết nghĩa. Trần Thanh Viễn nói:

- Huynh trưởng tới đây hay quá! Anh nắn nắn giùm tôi, sao tôi khó thở quá!

- Tại sao lại khó thở?

- Anh đừng nhắc lại làm chi!

Trần Thanh Viễn mới đem việc trợ quyền ở diễn trường nói lại. Trịnh Hùng nói:

- Hiền đệ cứ lo dưỡng thương đi, ngu huynh sẽ báo thù cho chú. Tôn Thái Lai căn cứ vào vai vế của hắn mà dám coi thường chú em của ta à!

- Huynh trưởng không nên ra mặt đối đầu với hắn làm chi. Huynh trưởng ở địa vị cao quí mà để cho hắn xúc phạm đến coi sao được. Ðể tôi mạnh lại sẽ tìm hắn sau.

- Tiểu đệ đừng lo, bởi không biết chú bị tức ngực, nếu biết ta mời Tế Công Phật sống ở chùa Linh Ẩn đến cho chú tí thuốc linh đơn uống vào sẽ khỏi ngay thôi. Mẹ của ta mù mắt bao nhiêu năm không thấy được mà Tế Công trị còn được, huống chi thứ bịnh lặt vặt này.

Gia nhân Trần Thuần hỏi:

- Thưa Trịnh đại quan nhân, người mà quan nhân vừa nhắc tới đó có phải là ông Hòa thượng kiếc ở chùa Linh Ẩn không?

- Phải đó.

- Hồi nãy tôi ra cổng Tiền Ðường mua đồ, thấy ông Hòa thượng đang đánh nhau với Mao nhượng nhượng ở trước tiệm đậu hũ của lão Châu, mỗi bên đánh nhau ba thoi.

- Ðể ta đi xem thử. Hiền đệ ở nhà đợi ta nhé! Ta phải đi đến Vạn Trân lầu tìm cái thằng đó mới được.

Trịnh Hùng nói rồi đứng dậy đi ra. Trần Thanh Viễn kêu gia nhân kéo lại mà không được. Trịnh Hùng đi thẳng đến cổng Tiền Ðường gặp Tế Ðiên đang đánh nhau với Mao nhượng nhượng. Trịnh Hùng nói:

- Ðừng đánh nữa! Thưa sư phó, tại sao lão nhân gia lại đánh với hắn?

Mao nhượng nhượng nghe Trịnh Hùng gọi ông Hòa thượng kiếc bằng sư phó, hắn sợ quá lật đật đứng dậy lủi chạy mất. Nguyên, Trịnh Hùng tiếng tăm vang dội thành Lâm An, nay thấy Trịnh Hùng bước tới hành lễ Tế Ðiên và nói:

- Sư phó sao lại đánh nhau với tên vô danh tiểu tốt như vậy?

- Ta tính đập bể cái nồi sắt rồi lượm một ít đem bán lấy tiền uống rượu.

- Sư phó muốn uống rượu, đệ tử có tiền đây!

- Một mình ta không đi uống rượu đâu.

- Sư phó đi đâu? đệ tử xin đi cùng.

- Ta lên Vạn Trân lầu.

- Ðệ tử tính lên Vạn Trân lầu đây.

- Ðược.*

 

Hồi Thứ 164 (^)

 

Vì bạn hữu giận tìm Ma diện hổ

Mời sư phó đại náo Vạn Trân lầu

 

Trịnh Hùng gặp Tế Ðiên, Tế Ðiên đòi lên Vạn Trân lầu uống rượu. Trịnh Hùng nói:

- Ðệ tử cũng muốn lên Vạn Trân lầu đây.

- Ðược.

- Ðệ tử lên Vạn Trân lầu không phải để uống rượu mà là kiếm Tôn Thái Lai báo cừu cho bạn. Sư phó muốn uống rượu thì đi tiệm khác đi.

- Ta cũng muốn kiếm Tôn Thái Lai đây.

- Nếu sư phó muốn đi tìm thì đệ tử không cản. Thôi, chúng ta cùng đi.

- Ngươi hãy đợi ta một chút.

Nói rồi Tế Ðiên bước thẳng tới tiệm đậu hũ, nói:

- Châu Ðắc Sơn, ông đừng chết vội, cũng đừng viết âm trạng. Châu Mậu cũng không nên lên huyện Tiền Ðường cáo báo làm chi. Ðể Hòa thượng ta thay ngươi đến Vạn Trân lầu kiếm Liêu Ðình Quí giùm cho. Lát nữa đây họ sẽ kêu ông đến, ta bảo Liêu Ðình Quí xin lỗi ông; hắn đập phá đồ đạc gì của ông, ta bắt hắn đền cho đủ số. Ông chờ tin tức của Hòa thượng ta vài ba giờ, nếu không có thì chừng đó ông chết cũng chưa muộn.

Châu Ðắc Sơn nghe nói thế cũng ngạc nhiên, hỏi:

- Ðại sư phó xưng hô thế nào?

- Ta là Tế Ðiên tăng ở chùa Linh Ẩn đây.

Châu Ðắc Sơn tai nghe mắt thấy rõ ràng, té ra người đứng trước mặt mình là Tế Công danh tiếng vang dậy khắp thành Lâm An không ai làm không biết. Châu Ðắc Sơn nói:

- Thánh tăng đã có lòng từ bi cứu giúp, tôi xin chờ tin tức của Ngài.

- Phải vậy chớ.

Nói rồi cùng Trịnh Hùng đi thẳng ra cổng Tiền Ðường. Ði một đoạn không xa, nhìn về phía Bắc chính là quán cơm rượu Vạn Trân lầu. Trịnh Hùng đi đến vén rèm bước vào, nhìn thấy phía Ðông là phòng chưởng quỹ, phía Tây là bếp lò, bèn bước tới vỗ bàn chưởng quỹ, nói:

- A, Trịnh đại thái gia hôm nay muốn chiếu cố đến tiểu tử mi ở đây.

Ma diện hổ Tôn Thái Lai đang ở trong phòng chưởng quỹ, rầy la Liêu Ðình Quí:

- Không nên ỷ thế của quán ta mà đập phá tiệm đậu hũ. Thảng như vì việc này xảy ra án mạng rồi phải làm sao? Hơn nữa, thành Lâm An này hang rồng ổ cọp, biết bao người qua lại, đi đường gặp chuyện bất bình can thiệp, cả đến ta lúc đó cũng phải xuống nước nhỏ, đâu dám vô cớ vây họa.

- Anh đừng trách tôi, đây là do Châu Mậu chém tôi trước, anh thấy sau vai tôi bị trọng thương đây này.

Ðương nói tới đó thì nghe bên ngoài có người vỗ bàn, nói:

- Tôn Thái Lai, hôm nay Trịnh đại thái gia chiếu cố đến tiểu tử mi đây.

Tôn Thái Lai cách rèm nhìn ra, người nói đó chính là Thiết diện thiên vương Trịnh Hùng. Tôn Thái Lai biết Trịnh Hùng là nhân vật đặc biệt tiếng tăm vang dội khắp thành Lâm An. Trịnh Hùng giao thiệp rất rộng, trên từ công khanh, dưới đến thứ dân không ai mà không biết. Bản tính của Trịnh Hùng rất thích kết bạn, xem tiền như đất, sống rất khẳng khái, trượng nghĩa sơ tài, tế khổn phò nguy. Bất luận là ai đến gặp mặt xin giúp 10 điếu, 8 điếu, 30, 50, … đều không thất vọng. Cho nên ở thành Lâm An này xa gần đều biết. Tiếng tăm của Trịnh Hùng so với Tôn Thái Lai cách xa một trời một vực. Trịnh Hùng là người chánh trực, còn Tôn Thái Lai là tên ác bá, ngay mặt không ai dám động tới hắn nhưng sau lưng ai cũng chửi. Tư cách của Trịnh Hùng ai ai cũng ngưỡng mộ. Hôm nay Tôn Thái Lai thấy Trịnh Hùng đến, không khỏi ngạc nhiên, nói:

- Liêu Ðình Quí, chú coi họa đến rồi kìa, Trịnh Hùng là nhân vật nổi tiếng ở địa phương, bữa nay quỷ tha ma bắt, hắn ta vỗ cửa mắng ta, ta nếu không ra thì mất mặt quá! Mười năm trước, hắn ta đến đây mắng chửa mà ta không ra mặt cũng không hề gì, thành Lâm An cũng không ai nhắc tới Tôn Thái Lai ta. Còn bây giờ nếu ta chém vè thì còn dùng tên tuổi gì được nữa? Nếu còn danh tự hiệu thì người ta sẽ nói: “Tôn Thái Lai, ông đừng lấp hiếm chúng tôi, Trịnh Hùng mà ông còn không dám đụng đến đó mà”. Câu nói đó làm ta xấu hổ chết đi được. Chuyện này dàn xếp không được, ta phải đấu với Trịnh Hùng thôi. Liêu Ðình Quí, chú đi ra đi, dùng lời nói khéo giữ hắn ta lại, đừng cho hắn đi, ta đi kiếm người giúp sức chớ một mình ta đánh không lợi hắn, ta hẹn người tới đánh gục hắn kéo nhau lên quan luôn.

Liêu Ðình Q      uí gật đầu bước ra, thấy Trịnh Hùng đang giận mặt hầm hầm, bèn nói:

- Trịnh đại gia, ngài đã đến rồi à? Tại sao lại giận dữ vậy? Ai mắc tội với lão nhân gia thế?

- Ta đến kiếm Ma diện hổ Tôn Thái Lai, bảo hắn ra đây gặp ta.

- Trịnh đại quan nhân bớt giận đã, chưởng quỹ chúng tôi không có ở nhà, ngài hãy lên lầu uống chén rượu đã, rồi có chuyện gì sẽ nói sau. Phổ ky đâu, đưa Trịnh đại gia lên lầu rồi kêu cho ngài hai bầu rượu và mấy đĩa đồ nhắm nhé! Xin mời Trịnh đại gia!

Phổ ky bước tới, nói:

- Xin mời Trịnh đại gia lên lầu ngồi.

Trịnh Hùng nghĩ thầm: “Oan có đầu, trái có chủ, ta kiếm Tôn Thái Lai mà hắn không có ở nhà, ta không nên làm khó dễ người khác, để ta lên lầu đợi hắn”.

Nghĩ rồi bèn nói:

- Tôn Thái Lai đã không có ở nhà, ta lên lầu chờ hắn. Hắn về bảo hắn đến gặp ta nhé!

- Vâng ạ!

Trịnh Hùng bèn đi lên lầu. Tế Ðiên từ bên ngoài đi vào cũng vỗ bàn chưởng quỹ, nói:

- Tôn Thái Lai, hôm nay Hòa thượng lão gia chiếu cố đến tiểu tử mi đây.

Liêu Ðình Quí nghĩ bụng: “Thiệt là giậu đỗ bìm leo mà!”. Dòm ra thấy Hòa thượng, hắn ta nhớ lại, ông ta chính là Hòa thượng ăn quỵt uống chực ngày nào đây mà! Nguyên, trước đâu Tế Ðiên biết Vạn Trân lầu là của bọn ác bá mở ra nên đến ăn không hai bữa cơm. Hôm đó Tế Ðiên đến Vạn Trân lầu ăn hết hơn 10 điếu tiền, bèn nói:

- Hãy đi với ta đến tiệm tiền lấy tiền nhé!

Liêu Ðình Quí bảo phổ ky đi theo. Ra khỏi cửa lầu quay lại thì Hòa thượng đâu mất. Phổ ky trở về nói, ngươi đi theo đâu mất rồi. Chưởng quỹ đánh phổ ky một bạt tai, mắng cho một trận. Hôm sau, Tế Ðiên lại đến, bước vào cửa, nói:

- Chưởng quỹ nè, hôm qua gặp bạn nên không lấy tiền đưa ông được. Hôm nay ta đến trả nợ ông đây.

Ai nấy đều nghĩ: “Hòa thượng không phải là người ăn quỵt uống chực. Nếu ăn uống quỵt thì hôm nay không tới nữa!”. Tế Ðiên lại ngồi xuống kêu rượu thịt, món nào ngon đều kêu hết, để đầy cả bàn. Ăn xong bảo phổ ky tính tiền, hai sổ gom làm một, cộng là 12 lượng 8 tiền. Tế Ðiên nói:

- Có bao nhiêu!

Nói rồi đến quầy chưởng quỹ, nói:

- Chưởng quỹ ơi, ta ăn hết 12 lượng 8 tiền, đi với ta đến tiệm tiền lấy nhé!

Liêu Ðình Quí nghĩ bụng: “Hôm qua bảo phổ ky đi lấy không được, hôm nay đừng cho phổ ky đi theo lấy nữa”. Nghĩ thế bèn nói:

- Này Hòa thượng, hôm qua ông bảo đi theo ông đến tiệm tiền lấy tiền, rồi ông đi mất. Hôm nay lại đến tiệm tiền lấy tiền à?

- Hôm qua ta đâu có đi mất đâu, gặp bạn mắt nói chuyện, phổ ky đi trớt chớ!

- Ðể tôi đi với ông.

Liêu Ðình Quý nói rồi cùng Tế Ðiên bước ra khỏi tửu lầu, Tế Ðiên nói:

- Ông có thấy người ta bay chưa?

- Chưa thấy.

- Ông xem nè, đây là người bay đó.

Vừa nói vừa xô hắn cất chân chạy đi, Tế Ðiên vừa chạy vừa ngâm:

Rượu giống Thanh Tương thịt lại ngon,

Nhậu cho say khướt tếch bon bon,

Tội cho chưởng quỹ theo đòi nợ,

Chẳng cản chân thần, dạ héo hon.

Liêu Ðình Quí lật đật đuổi theo, nhưng chợp mắt không thấy Hòa thượng đâu nữa, bèn trở về tiệm, nói:

- Ông Hòa thượng lại chạy đi rồi, chừng nào gặp ông ấy níu lại đánh một trận mới được.

- Hôm nay Tế Ðiên một mình nhơn nhơn đi tới, vỗ bàn nói:

- Tôn Thái Lai, hôm nay Hòa thượng lão gia chiếu cố mi đây.

Liêu Ðình Quí nhìn thấy Tế Ðiên, tức giận nói:

- Hay cho ông Hòa thượng, ông ăn quỵt của ta hai bữa cơm rồi còn đến quậy phá nữa à? Thế thì được lắm!

Trịnh Hùng ngoái đầu nhìn lại, nói:

- Sư phó, lên lầu đi.

Liêu Ðình Quí nhìn thấy thế sợ quá, không dám nói gì thêm, bèn nói:

- Ðại sư phó cùng đến với Trịnh đại gia à?

Trịnh Hùng nói:

- Ðây là sư phó của ta.

Liêu Ðình Quý nói:

- Vâng, vâng! Rồi đi xuống chẳng dám nói nữa.

Tế Ðiên cùng Trịnh Hùng lên lầu kiếm ghế ngồi. Tế Ðiên nói:

- Này Trịnh Hùng, không phải ngươi kiếm Tôn Thái Lai để đánh cho hả giận sao?

- Phải đó.

- Muốn quậy thì quậy cho tới cỡ đi.

Trịnh Hùng cho lời nói đó là đúng, lập tức trợn mắt lên nói:

- Ðuối mấy người ăn uống trên lầu này xuống hết đi!

- Vâng, vâng!

Phổ ky sợ run người, lập cập nói. Lúc đó trên lầu có mấy chục người đương ăn uống, người nhát gan lật đật bỏ xuống, còn những người không sợ, nghe Trịnh Hùng hét đuổi xuống hết đều bất bình, nói:

- Tại sao phải đuổi xuống hết? Ta trả tiền uống rượu phải để ta ăn uống xong đã chớ! Bất kỳ là ai, nếu lôi ta xuống, ta sẽ níu đầu họ lại cho biết tay, nếu không như thế ta không xuống đâu.

Người ngồi đồng bàn với anh ta nói:

- Nhị ca, anh đừng nói như vậy! Anh không biết Thiết diện thiên vương Trịnh Hùng ở Phụng Tiên đó sao? Ông ta thường ngày là người trọng nghĩa sơ tài, có ai cần chi đều đáp ứng, không hề đắc tội với người tốt. Ðây chắc là tiệm cơm đắc tội với Trịnh gia đấy. Tôn Thái Lai vốn là một tên ác bá, Trịnh gia đến quán này la hét có can hệ gì đến chúng ta đâu? Chúng ta xưa nay cùng Trịnh gia không thù không oán, nếu anh nói như vậy, xảy ra đánh nhau có phải là chuốc lấy sự bất hòa không?

Nghe người kia nói thế, người nọ không dám cự nự nữa, bèn kêu tính tiền kéo nhau xuống lầu. Phút chốc, thực khách trên lầu đã đi sạch.

Trịnh Hùng kêu phổ ky dọn đồ nhắm, phổ ky lật đật bưng đĩa đồ nhắm lên. Trịnh Hùng cầm cái đĩa ném đi. Tế Ðiên nói:

- Ngươi ném sao ta không nghe tiếng? Ngươi ném lại coi nào?

Trịnh Hùng lại ném một cái nữa. Tế Ðiên nói:

- Này phổ ky, tiệm các ngươi bán thứ gì nào?

- Ðồ nhắm cái nào cũng có.

- Chú đem cho mấy món vừa chiên xào chưng nấu lẫn lộn, đem mấy bầu rượu và bình đựng nước tiểu cho ta.

- Không được đâu! Ông kêu rượu thì được, còn bình đựng nước tiểu thì không dám đem đâu.

Trịnh Hùng nói:

- Ði lấy đi, nếu không lấy thì đem cái đầu mi lại đây.

Phổ ky tức giận xuống lầu, tới phòng chưởng quỹ, nói:

- Chưởng quỹ ơi, ông kiếm người khác làm đi, tôi không làm phổ ky nữa. Ông Hòa thượng kiếc đi với Trịnh Hùng kêu tôi đem bình nước tiểu, tôi không thể làm được, tôi sợ họ phá hư luật lệ đi.

Liêu Ðình Quí nghe nói, nổi giận la:

- Thiệt là quá lắm! Tên họ Trịnh này có gì ghê gớm đâu, chưởng quỹ đi kiếm người chưa về, không cần phải đợi chưởng quỹ, ta có chủ ý: Ngươi đến thí trường của chúng ta kêu các bạn lại đây kéo họ Trịnh xuống lầu dần cho hắn một trận rồi sẽ tính sau. Bất luận hắn là nhân vật tiếng tăm cở nào, thân phận ra sao, cũng đâu dám đưa chuyện này lên hoàng đế.

Phổ ky nghe lời, lập tức chạy thẳng đến thí trường, ở đó có hơn 20 người luyện quyền cước. Bình thường những người này đều cùng ăn uống với Tôn Thái Lai, hôm nay phổ ky đến nói:

- Các vị ơi, tiệm của chúng ta hiện có một người đến quậy phá, chưởng quỹ kêu tôi đến mời các vị giúp sức kéo hắn xuống đánh một trận, phần ra cửa quan có chưởng quỹ chúng tôi lo, các vị không sợ gì!

Mấy người ấy nghe kêu như thế, bèn nói:

- Phải đó! Chúng ta phải ra oai giùm cho Tôn đại gia mới được.

Lập tức mỗi người cầm lấy đao thương côn trượng khí giới của mình chạy thẳng đến Vạn Trân lầu.*

 

Hồi Thứ 165 (^)

 

Tôn Thái Lai nén giận mời tri kỷ

Mãnh anh hùng đánh nhầm Pháp Nguyên tăng

 

Thấy mọi người tay cầm đao thương côn trượng kéo nhau chạy tới Vạn Trân lầu, Liêu Ðình Quí nói:

- Các vị đã tới rồi à? Họ Trịnh đang ở trên lầu đó.

- Vâng!

Mọi người đáp xong kéo nhau lên lầu, nhìn thấy Trịnh Hùng đều ngạc nhiên. Những người này đều thọ ơn Trịnh Hùng cả. Mỗi năm theo thời tiết rủi có kẹt đều chi đều kiếm Trịnh đại gia hết, vì họ biết Trịnh Hùng là người khẳng khái, ai đến mượn tiền, ít nhiều không câu nệ. Trịnh Hùng không để cho về không, thường giúp đỡ bọn họ. Hôm nay gặp Trịnh Hùng, họ đều tiu nghỉu, cả đến trợn mắt cũng không dám. Trịnh Hùng hỏi:

- Các vị đến đây làm gì thế?

- Trịnh gia, có phải ngài đến mắng chửi Tôn Thái Lai đó không?

- Vâng phải đấy.

- Nếu biết lão nhân gia thì chúng tôi cũng chẳng đến làm chi. Trịnh đại gia tại sao tìm Tôn Thái Lai làm chi vậy? Chúng tôi xin khuyên can ngài.

- Không cần làm thế! Chuyện này các vị không xen vào được đâu.

- Chúng tôi muốn xen vào cũng không được. Giúp lão nhân gia thì thiệt cho hắn quá, trái lại cũng không thể giúp hắn chống lại với đại gia.

- Ta cũng không cần giúp đỡ. Các vị hãy đi đi!

Mọi người kéo nhau xuống lầu, nói:

Vụ này chúng tôi giúp không được, nói với chưỡng quỹ các người kiếm mời một cao minh khác.

Nói xong, họ tự giải tán. Liêu Ðình Quý thấy vậy mới nói:

- Cả bấy nhiêu người toàn là đầu voi đuôi chuột cả.

Hắn đâu biết rằng Trịnh Hùng giao thiệp rộng hơn Tôn Thái Lai nhiều.

Liêu Ðình Quý còn đương tức giận thì thấy Ma diện hổ Tôn Thái Lai trở về dắt theo một vị Hòa thượng trán trợt. Vị Hòa thượng này nguyên là người ở đảo Liên Hoa trên núi Lục An, kêu là Thần quyền la hán Pháp Nguyên. Ông ta đến Lâm An chơi, thường ăn cơm ở Vạn Trân lầu. Tôn Thái Lai lân la bắt chuyện, biết Hòa thượng có một bản lĩnh kinh người nên kết làm bằng hữu. Hai người rất thân với nhau, Tôn Thái Lai mời Hòa thượng về nhà mình ở. Hôm nay gặp chuyện này, Tôn Thái Lai nghĩ: “Nếu mời người khác, họ không đánh được Trịnh Hùng vì người hắn quen biết quá nhiều. Phải kiếm ai lạ mặt mới đánh hắn được”.

Tôn Thái Lai biết Thần quyền la hán Pháp Nguyên bản lảnh cao cường mà võ nghệ lại xuất chúng, bèn trở về nhà gặp Pháp Nguyên, kiếm chuyện đặt điều nói dóc:

- Này Pháp sư huynh, cửa tiệm tôi chắc bán không được rồi đây.

- Tại sao vậy? Không có vốn có hề chi. Ta có bạc đây, chú cứ lấy mà dùng.

- Không phải vậy, vốn thì có rồi. Hiện tại ở thành Lâm An này có một tên Thiết diện thiên vương Trịnh Hùng. Hắn ta là ác bá ở địa phương, kết giao với quan trưởng, quấy động nha môn, áp bức người lương thiện. Hắn thường đến tiệm tôi ăn cơm, không trả tiền không nói chi, hắn còn nhăn mũi trợn mắt, ăn rồi đập dĩa chơi nữa. Hôm nay hắn lại đến, bước vào cửa, nói: - Tôn Thái Lai, Trịnh đại gia hôm nay chiếu cố đến tiểu tử mi đây! Phổ ky khuyên giải, hắn lại mở miệng mắng chửi lung tung. Tôi ở trong phòng chưởng quỹ không trả lời, nếu trả lời tức thì sẽ đánh nhau thôi. Có người khuyên hắn nên lên lầu uống rượu tôi mới về đây. Huynh nghĩ xem, tôi như vầy làm sao đánh nhau với hắn cho được?

Pháp sư nghe đặt điều như vậy bèn nói:

- Không hề chi, để tôi đi báo thù cho chú! Chú không tiện trở mặt với hắn thì cứ gọi hắn ra chỉ cho tôi, tôi sẽ phân tài cao thấp với hắn cho. Nếu tôi có đánh chết hắn, chú không cần phải lo lên quan. Chú cứ nói họ giành ăn uống sanh ra ấu đả, chú nói không biết gì hết thì thần tiên cũng lần không ra. Còn phần tôi trở về đảo Liên Hoa ở núi Lục Yên, họ đâu có cách nào bắt hung thủ được.

- Ðược! Tôn Thái Lai nói.

Pháp Nguyên cùng Thái Lai đi thẳng về Vạn Trân lầu. Tới nơi, Pháp Nguyên đứng ngoài cửa, nói:

- Chú kêu hắn ra đây.

Thấy Tôn Thái Lai lên lầu, Trịnh Hùng trợn hai mắt đỏ ngầu, nói:

- Tôn Thái Lai, ta đến kiếm mi đây.

- Ðược, mi đến kiếm ta, ngoài cửa cũng có người đang kiếm mi nè, ra đó đi!

- Ðược, ngươi chuẩn bị núi dao chảo dầu, họ Trịnh ta muốn đến tìm ngươi, nào có sợ gì.

Nói rồi Trịnh Hùng xuống lầu bước ra ngoài xem, thấy đứng trước mặt mình là một ông Hòa thượng trán trợt, mình cao chín thước, tam đình nở rộng, tóc để xõa, nịt một chiếc kim cô, mình mặc tăng y bằng đoạn màu lam làm nổi bậc bâu áo màu xanh, vớ trắng tăng hài xanh, mặt như màu chàm, đôi mi màu đỏ quạch trên đôi mắt vàng thau, hai chùm lông đen áp đầy hai tai, trông vẻ dữ tợn như ôn thần, mạnh như thái tuế, tay cầm một phất trần sáng lóe. Tôn Thái Lai lấy tay chỉ, nói:

- Vị Hòa thượng này tìm mi đó.

Trịnh Hùng biết đó là nanh vuốt của Tôn Thái Lai, mới nói:

- Ông là người xuất gia, ta với ông không quen biết nhau, trước đây không oán gần đây không thù, ông tìm ta để làm gì?

- Mi có phải là Thiết diện thiên vương không?

- Vâng, chính tôi. Ông là ai?

- Sái gia là Thần quyền la hán Pháp Nguyên. Ta tìm mi tại vì mi đến phá bĩnh  việc buôn bán tại địa phương này, không việc ác nào không làm. Sái gia hôm nay đặc biệt đến để kết thúc tánh mạng của mi đây.

- Hay cho tăng nhơn, ông có tài cán bao nhiêu mà dám ngông cuồng huênh hoang như thế?

Nói xong cử quyền nhắm Pháp Nguyên đánh tới. Pháp Nguyên lật đật cử quyền đón đỡ, hai người thi thố hết tài năng đánh nhau một trận. Thật là kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ tương tài! Trịnh Hùng vốn có tài năng xuất chúng, gặp được danh nhân dạy dỗ; còn Pháp Nguyên cũng là người tinh thông quyền cước, bản lãnh cao cường. Hai người trao đổi quyền cước bất phân thắng bại. Người xem vây quanh mỗi lúc một nhiều, nhưng không ai dám nhảy vào khuyên can, vì họ đều biết rằng Trịnh Hùng là nhân vật nổi tiếng của địa phương, còn Ma diện hổ cũng là ác bá của nơi này, hai bên đều không dễ gì vây vào nhau. Trịnh Hùng đang đánh nhau với Pháp Nguyên chưa phân thắng bại, lúc đó Tế Ðiên ở trên lầu mở cửa sổ nhìn xuống, nói:

- Chà, không xong rồi! Ðánh nhau rồi hả, mau can ra chớ!

Mấy phổ ky trong quán rượu đều nói:

- Các vị xem ông Hòa thượng ăn quỵt uống chực kìa, thiệt là đáng ghét!

Câu nói đó cũng không quan trọng, nhưng nhè gặp phải một đại hán khờ đứng trong đám đông coi đánh nhau, lại nghe được, bèn lầm cho Pháp Nguyên là ông Hòa thượng ăn quỵt uống chực. Ðại hán khờ này đã hai ngày chưa ăn cơm, anh ta nghĩ bụng: “Cái ông mặt đen này chắc là chưởng quỹ của tiệm cơm, nhưng vì ông hòa thượng kia ăn quỵt uống chực mới đánh ông ta như thế. Ta phải giúp ông chưởng quỹ mặt đen đó đánh cho ông hòa thượng kia chạy đi, chưởng quỹ quán rượu thế nào cũng đãi mình một bữa cơm”.

Nghĩ rồi bèn huơ cây thục đồng côn trong tay nhắm ngay Pháp Nguyên hòa thượng đánh xuống, làm Trịnh Hùng cũng phải ngạc nhiên. Nguyên vị mãnh hán này là người Châu Tuần Ðiển, họ Ngưu tên Cái, ngoại hiệu là Xích phát ôn thần, con của Kim mao thái tuế Ngưu Hồng, nói theo sử sách thì hắn chính là cháu nhiều đời của Ngưu Cao trong truyện Trịnh Tinh Trung. Tánh tình rất hiền lành ngay thẳng, từ nhỏ được gia truyền một bản lãnh kinh người, sức mạnh vô cùng, nhưng lại rất khờ khạo. Gia tư hắn rất giàu có, nhưng vì khi cha chết, hắn là kẻ nhân sự bất biết nên gia tài sự nghiệp bị người ta phân chia lần hồi đến nỗi cơm không có mà ăn. Hắn cũng chẳng biết làm gì để kiếm sống, mỗi khi đói bụng, thấy người cùng phố dọn cơm hắn nhào lại ăn đại. Người ta thấy hắn có dáng vẻ người lớn bèn cho hắn ăn, nhưng lâu ngày chầy tháng, ai cung phụng cho hắn nổi? Mỗi khi ăn cơm, người ta đều đóng kín cửa lại, sợ Ngưu Cái tới. Nhưng đóng cửa cũng không xong, Ngưu Cái xô cửa vào giựt lấy để ăn. Vì hắn khỏe quá, ai cũng đành chịu, không dám động đến. Ở cùng phố có một người gọi là Ân Nhị Thái Gia, nói:

- Ngưu Cái nè, ngươi cứ ở nhà hoài hôm nay nhà này, ngày mai ăn nhà kia, coi sao tiện? Có sức lực như ngươi nên đến doanh trại đầu quân đi, một khi điểm binh diễn võ, chắc chắn sẽ được làm quan chức, há không sướng hơn sao? Ngưu Cái vốn là một thằng khờ, hỏi:

- Làm quan chức là chức gì?

- Ðề đốc.

- Phải rồi, ta đi làm đề đốc.

- Ta cho ngươi một điếu tiền làm lộ phí, ngươi đi đi!

Ngưu Cái cầm một điếu tiền từ nhà ra đi, cứ đi đại tới trước chớ chẳng biết đi đâu. Hắn nghĩ: “Mình phải hỏi doanh trại ở đâu mới được”. Nghĩ rồi, gặp một người đi đường, Ngưu Cái từ phía sau hét lớn:

- Ê, tiểu tử, đứng lại coi!

Người kia ngoái đầu nhìn lại, thấy Ngưu Cái mình cao hơn một trượng, mặt như bùn xanh, tóc đỏ như châu sa, tay cầm cây côn đồng cỡ bằng chén trà. Người đó sợ quá co giò chạy mất. Ngưu Cái thấy vậy nói:

- Hay cho tên tiểu tử này, không nói cho ta biết lại chạy đi chớ!

Hắn thấy một người khác lại kêu:

- Ê, tiểu tử, đứng lại coi!

Người này thấy hắn cũng chạy nốt. Gặp liên tiếp ba bốn người, hễ hỏi tới là chạy. Ngưu Cái bèn nghĩ ra một cách. Gặp một người đi đường, hắn ta bước tới thộp cổ người đó, nói:

- Ê, tiểu tử, đừng có chạy!

Người ấy sợ quá, nói:

- Làm cái gì vậy? Tôi có mắc mớ gì anh đâu?

- Ta hỏi ngươi nè, doanh trại ở đâu? Người hàng phố của ta nói, theo sức lực của ta như vậy đi đầu quân, mỗi khi điểm binh diễm võ, thế nào cũng làm đề đốc.

- Anh thả tôi ra, tôi sẽ nói.

- Ngươi đừng có chạy nhé!

- Ừ, không chạy.

Ngưu Cái mới thả người ấy ra. Người ấy biết hắn là một thằng khờ, mới nói:

- Anh muốn đi đầu quân thì lên kinh đô, nơi đó là chỗ của thiên tử ở, muốn kiếm danh thì ở triều, kiếm lợi thì ở chợ, anh muốn làm quan thì lên trên đó.

Kinh đô ở đâu?

- Ở Lâm An, anh đi về hướng Bắc này này!

Ngưu Cái lại chẳng hiểu biết chi, đi đường thấy quán vào ở, kêu cơm ăn. Hôm sau ăn rồi định đi, quán đòi tiền, Ngưu Cái nói:

- Lão gia không tiền, đợi làm quan sẽ trả.

Nói rồi cất chân chạy đi, người ta rượt theo không kịp. Hắn cứ mơ mơ hồ hồ như vậy, không biết Ðông Tây Nam Bắc là gì, thời may cũng tới được Lâm An. Ngưu Cái hỏi thăm người ta đi đầu quân ở đâu, có người bảo:

- Anh lên nha môn mà đầu quân.

Ngưu Cái bèn đến nha môn huyện Tiền Ðường, thấy ngoài cửa có rất nhiều đương sai đương ngồi, Ngưu Cái nói:

- Tôi đến đầu quân đây!

Trong các đương sai, có một người già hỏi hắn:

- Anh kiếm ai?

- Người hàng phố tối nói sức lực như tôi đi đầu quân, khi điễm quân diễn võ, chắc chắn tôi được làm quan.

Ông già nghe nói, biết hắn là một thằng khờ, bèn nói:

- Anh đến đầu quân mà hiện giờ không có quân vụ, anh phải kiếm người bảo lãnh, tôi sẽ giao cho anh phần sai sự trong quân doanh ăn một phần lương là để giúp anh đấy.

- Ðể tôi đi kiếm người bảo lãnh.

- Phải đấy!

- Ngưu Cái bỏ đi ra ngoài, gặp một người đi đường, chưa hề quen biết, hắn kêu:

- Ê, chú đừng đi, vô bảo lãnh cho tôi coi!

- Cái gì? Tôi bảo lãnh cho chú à?

- Trong doanh trại giao cho tôi một việc ăn một phần lương để giúp đỡ tôi. Chú bảo lãnh cho tôi đi.

- Tôi không quen với chú mà!

- Kể như mình quen với nhau đi.

- Không được đâu.

- Không được thì ta đi tìm người khác vậy.

Hắn tìm mãi đến cửa Tiền Ðường, thấy Trịnh Hùng vớI Pháp Nguyên đang đánh nhau. Nghe Phổ ky hô hòa thượng ăn uống quỵt, Ngưu Cái tưởng lầm Pháp Nguyên là hòa thượng ăn quỵt uống chực, còn Trịnh Hùng là chưởng quỹ của tiệm, Ngưu Cái nhảy vào xách thục đồng côn nhắm ngay Hòa thượng đập xuống.*

 

Hồi Thứ 166 (^)

 

Ngưu Cái cùng đường đi mãi võ

Bệnh phù thần vô cớ bị kéo áo

 

Xích phát ôn thần Ngưu Cái xách côn đồng nhắm Pháp Nguyên đánh nhầu. Trịnh Hùng nhìn lại thấy Ngưu Cái mình cao hơn trượng, đầu đội khắn tráng sĩ sáu múi màu xanh, mình mặc tiễn tụ bào cùng màu, lưng buộc dây tơ, đi giày đế mỏng, mặt như bùn xanh, đôi lông mày chu sa đỏ chót, có vẻ vô cùng hung ác, trong tay sử dụng cây côn đồng lớn cỡ chén trà, nhắm ngay Pháp Nguyên đánh xuống. Pháp Nguyên hết hồn, lật đật nhảy ra ngoài vòng đấu, nghĩ thầm: “Trúng phải một côn này, gáo dừa nát ngứu chứ chẳng chơi”. Nghĩ rồi lật đật rút chạy. Ngưu Cái chạy theo hét lên:

- Thằng cha gáo dừa chạy đi đâu?

Trước sự việc đó, Trịnh Hùng đến ngẩn ngơ không biết người đó là ai. Ma diện hổ Tôn Thái Lai tưởng đâu kiếm được người giúp sức đánh Trịnh Hùng, nào ngờ không thành. Còn đương ngơ ngác, kế thấy Tế Ðiên từ trên lầu chạy xuống càng làm hắn sợ hải hơn nữa. Tế Ðiên vừa xuống tới đất thì từ phía Bắc có bốn người bước vào, đó là bốn vị Ban đầu: Sài Nguyên Lộc, Ðỗ Chấn Anh, Lôi Trí Viễn, Mã An Kiệt. Bốn người này từ huyện Tiền Ðường đi biện án ở chỗ khác, tiện đường ghé vào, thì ra hai bên đều quen biết cả. Sài đầu hỏi:

- Trịnh đại quan nhân, ngài cãi lộn với ai vậy? Tế Công lão nhân gia, làm gì ở đây?

Tế Ðiên nói:

- Trịnh gia mở một tiệm đậu hũ ngoài cổng Tiền Ðường này, bị Thái Lai đập đổ đạc bể hết, vậy mà chúng tôi tới kiếm ông ta, ông ta lại muốn gây sự đánh nhau đấy.

Ðỗ Chấn Anh vội kéo Tôn Thái Lai ra ngoài, nói:

- Tôn Thái Lai, ông không biết vị Hòa thượng đó là thế tăng của Thừa tướng đường triều đó sao? Bộ ông chọc đến ông ấy à? Theo tôi thấy tốt hơn là ông xuống nước nhận tội chịu thua đi.

- Tôi cũng không biết ông Hòa thượng ấy. Còn tiệm đậu hũ không phải tôi đập mà là Liêu Ðình Quí đập đấy. Tôi không biết đó là chỗ buốn bán của Trịnh gia.

Liêu Ðình Quí đập phá thì cũng như ông phá vậy. Thôi, ông chịu bồi thường đi.

- Các vị yên tâm, tôi xin nhận bồi thường.

Ðỗ Chấn Anh nói:

- Bạch Thánh tăng, tôi xin đứng ra giảng hòa, đồ đạc ở tiệm đậu hũ bị đập phá bao nhiêu, bảo Tôn Thái Lai đền hết.

- Ta nói giảng hòa, chắc chắn là được lòng người rồi, cửa tiệm đậu hũ bị đập bể hết cũng không bắt đền, thùng nước thủng hết cũng không bắt đền, thùng đậu hũ tét hết cũng không bắt đền, nồi bị bể hết cũng không bắt đền, tất cả đồ đạc chén bát bể hết cũng không bắt đền, bao đậu hũ rách hết cũng không bắt đền.

Trịnh Hùng nói:

- Tại sao lại không bắt đền?

Tế Ðiên nói:

- Tôn Thái Lai, người phải bồi thường cái cối xay nhé? Cái cối xay đó bỏ ra 250 lượng bạc mua không được. Ta không đòi nhiều, ngươi chỉ đưa ra 250 lượng bạc là được rồi. Hòa thượng ta xen vào chuyện này, ai cũng trách ta hết. Trịnh Hùng cũng không bằng lòng ta, Tôn Thái Lai cũng không bằng lòng ta.

- Phải rồi, Sài đầu nói, các vị hai bên đừng có ai chê trách việc này.

Tôn Thái Lai nghĩ thầm: “Chuyện này không đến nỗi tệ, Hòa thượng còn lưu lại một chút nhơn tình, tính như vậy cũng được rồi. Ai nấy không chê trách gì, chỉ cần mình ráng bóp bụng chịu thôi”. Nghĩ rồi bèn lấy ra 250 lượng bạc giao cho Hòa thượng.

Tế Ðiên nói:

- Trịnh gia nè, chúng ta đi thôi. Làm phiền quý vị Ban đầu quá!

Sài đầu, Ðỗ đầu nói:

- Xin Thánh tăng cứ đi, chúng tôi cũng phải lo công việc của mình đây.

Tế Ðiên cùng Trịnh Hùng đi trở lại tiệm đậu hũ. Tế Ðiên nói với Châu Ðắc Sơn:

- Châu Ðắc Sơn, ông cũng đừng chết nhé! Ta làm thần làm thế với Ma diện hỗ Tôn Thái Lai lấy 250 lượng bạc giao hết cho ông. Cha con ông lo sắm lại đồ đạc hành nghề sống qua ngày.

Châu Ðắc Sơn thấy vậy, dập đầu muôn vàn cảm tạ Hòa thượng lia lịa, cùng không đòi chết nữa, sắm sửa đồ đạc để hành nghề buôn bán lại. Như vậy Tế Ðiên coi như cứu được tánh mạng cả gia đình. Trịnh Hùng nói:

- Thánh tăng về nhà đệ tử nhé!

Tế Ðiên mới cùng Trịnh Hùng đi về đường Phụng Sơn. Khi về đến nhà Trịnh Hùng thì đã lên đèn. Trịnh Hùng hối gia nhân dọn tiệc để đãi Hòa thượng cùng ăn uống vui vẻ. Trịnh Hùng mới hỏi:

- Bạch Thánh tăng, hôm nay đại hán mặt xanh sử dụng cây côn đồng, Thánh tăng có quen biết anh ta không?

- Ta không quen.

- Tôi xem thấy anh ta có vẻ là anh hùng, đánh tiếc không biết họ tên anh ta là gì, cũng không biết anh ta ở đâu?

- Ngươi muốn tìm để ngày mai ta dẫn đi sẽ gặp anh ta ngay.

- Ðược, Thánh tăng dẫn tôi đi kiếm mãnh hán ấy để tôi hỏi anh ta xem.

Nói rồi Tế Ðiên nhắm mắt lại ngủ ngang. Trịnh Hùng hỏi:

- Thánh tăng tại sao buồn ngủ dữ vậy? Chắc suốt đêm qua không ngủ phải không?

- Ta thích vừa ăn vừa ngủ, vừa ngủ vừa uống vậy mới khoái.

Trịnh Hùng cũng phải ngồi bồi tiếp uống đến trống điểm canh ba, bỗng thấy một người từ trên nóc nhà nhảy xuống, Trịnh Hùng nhìn lại, chính là Thần quyền la hán Pháp Nguyên, trong tay đang cầm ngọi giới đao. Nguyên, Pháp Nguyên bị Ngưu Cái đuổi chạy trối chết may mà thoát được nên rất căm giận về chuyện đó, tối nay muốn đến đâm chết Trịnh Hùng. Trịnh Hùng nhìn thấy sợ hãi, định lấy binh khí chống lại. Pháp Nguyên vừa mới đến cửa phòng, Tế Ðiên lấy tay chỉ một cái, miệng niệm: “Án ma ni bát mê hồng! Án sắc lịnh hích!”, dùng định thân pháp trồn cứng Pháp Nguyên lại. Tế Ðiên nói:

- Hay cho Pháp Nguyên, ông thiệt là to gan lớn mật, dám đi hành thích người ta chớ! Ông là người xuất gia, vô cớ xía vào chuyện người ta làm chi? Ma diện hổ Tôn Thái Lai chính là tên ác bá tại địa phương, hắn đàn áp người buôn bán lương thiện, ỷ mạnh hiếp yếu, ông còn trợ Trụ vi ngược, giúp hắn làm bậy sao? Hôm nay ta bắt được ông, nếu trình lên quan rằng ông đêm tối cầm dao nhảy tường vào nhà, hành hung gây ác thì ông nghĩ tội của ông đó có đánh đòn hay không hử? Hòa thượng là người tâm Phật, người xuất gia lấy từ bi làm gốc, ta nghĩ ông cũng là người xuất gia, nên Hòa thượng ta không nỡ làm hại ông. Hôm nay ta thả ông ra, có sửa đổi cũng do ông, không sửa đổi cũng do ông, tự ông muốn làm gì thì làm.

Pháp Nguyên nói:

- Ðược rồi, Hòa thượng ở chùa nào vậy?

- Ta là Tế Ðiên tăng ở chùa Linh Ẩn đây.

- Ðược, ông thả tôi ra đi, sau này còn có lúc gặp lại.

Tế Ðiên giải định thân pháp, Pháp Nguyên trở về nhà Tôn Thái Lai, hôm sau bỏ về đảo Liên Hoa ở núi Lục Yên.

Còn Ngưu Cái đi đâu? Sau khi xách côn rượt theo Hòa thượng không kịp, bèn tính trở lại Vạn Trân lầu nhưng lại không nhớ đường cũ. Kiếm mãi không ra, đói bụng quá, nhìn thấy trước mặt có một tòa tửu điếm, hắn xách côn bước vào. Phổ ky nhìn thấy hỏi:

- Ðại gia mới đến à?

- Ừ, mới đến.

Phổ ky bèn mời hắn sang gian phòng trống phía Ðông, hắn cũng không biết gọi người hầu. Phổ ky hỏi:

- Ðại gia có ăn cơm không?

- Không.

- Ðại gia ăn thứ gì nào?

- Ðem cho ta năm cân rượu.

Phổ ky nghe nói, cho ông này là bợm rượu đây, nói:

- Ðại gia có cần gì nữa không?

- Cần năm cân rượu thịt với năm cân bột mì.

- Năm cân bột mì ăn làm sao?

- Cầm cắn ăn.

- Cầm cắn ăn phải làm bánh nhé!

- Phải đó, làm bánh đi! Phải có năm cân dấm, năm cân tỏi nữa!

- Sao lại có dấm tỏi nhiều như vậy?

- Ít hơn một chút cũng được. Ngươi đem cho gia gia ăn.

- Ðừng nói đùa chớ!

- Ta không đùa đâu.

Phổ ky biết hắn là một anh khờ cũng không để ý tới hắn, đem rượu thịt ra. Ngưu Cái ăn no một bữa, ăn rồi đi ngủ. Hôm sau, sáng ra lại ăn no một bữa nữa rồi mới đi. Phổ ky nói:

- Ông trả tiền chớ!

- Ðợi lão gia làm quan rồi sẽ trả cho.

- Làm quan gì?

Làm đề đốc. Theo sức lực của ta đây đi đến doanh trại đầu quân, đánh nhau sẽ làm quan, mấy người cùng phố của ta nói thế.

- Ai nói ông làm quan gì thây kệ họ, ông hãy trả tiền trọ tiền cơm mới được.

- Ta không có tiền.

- Không tiền thì ông ăn làm chi?

- Tại đói.

Phổ ky thầm nghĩ: “Anh chàng này quá khờ, thấy điệu bộ bặm trợn, lại cầm gậy côn đồng, chắc là biết võ, đánh nhau chắc là đánh không lại rồi”. Nghĩ rồi bèn nói:

- Ông biết múa quyền không?

- Biết chớ!

- Ông múa được, để tôi dẫn ra đường lớn múa quyền, được tiền ông trả tiền cơm cho chúng tôi, được không?

- Ừ được! Ta đi múa ở đâu?

- Ðể tôi dẫn ông đi.

Nói rồi phổ ky đi mua ngay một cục đất trắng, dẫn Ngưu Cái đến một ngã tư vẽ một vòng tròn trắng rồi nói:

- Ông múa trong vòng này đi.

Ngưu Cái cũng không biết nói tiếng lóng giang hồ, chỉ biết múa côn thôi. Múa côn xong lại đi quyền. Có người bu quanh vòng tròn, phổ ky nói thay cho Ngưu  Cái:

- Người cùng ra phố mãi võ, hổ gầy hổ đón đường hại người. Vị đây cũng không phải là người quen thạo nghề mãi võ, ngụ lại trong quán chúng tôi không tiền trả. Chư vị xem luyện võ xong, có tiền giúp cho tiền, không tiền giúp cho người, đứng vỗ tay trợ oai.

Nói xong Ngưu Cái lại múa một chặp. Phổ ky nói:

- Xin quí vị cho tiền cho.

Ðợt đó được năm, sáu trăm tiền. Xin tiền lại múa nữa, múa hai ba đợt được một điếu năm, sáu trăm tiền. Phổ ky thấy đã đủ tiền cơm mới nói:

- Ông luyện thêm được tiền thêm cứ cất lấy, tôi không cần nữa. Bao nhiêu đây đủ cho tiền cơm rồi. Tôi về đây.

Nói rồi cầm tiền ra về. Ngưu Cái thấy vậy, nói:

- Hay cho cái bị thịt này, cầm tiền đi đâu vậy? Như vậy là quá rồi đó!

Ðứng ngơ ngẩn giây lát, Ngưu Cái nói:

- Ðể tôi luyện thêm để có tiền một bữa cơm. Ðủ tiền ăn cơm rồi tôi không luyện nữa.

Ai nấy thấy vậy cũng vui. Ngưu Cái lại luyện thêm hai lượt nữa, được năm, sáu trăm tiền. Vừa ngay lúc đó Bệnh phù thần Trần Hiếu và Mỹ nhiệm công Dương Mãnh có việc đi ngang qua. Hai người này đi thêm bạn ở ngõ số 4 hẻm Thanh Trúc. Anh rể của Bắc lộ tiêu đầu Thiết đẩu thái tuế Châu Khôn tên là Ðậu Vĩnh Hàng, ngoại hiệu là Ðả hổ anh hùng đến kinh đô nhắn tin với Châu Khôn nhờ Dương Mãnh, Trần Hiếu tìm việc cho, Trần Hiếu mướn một nhà ba gian ở hẻm Thanh Trúc cho vợ chồng Ðậu Vĩnh Hàng ở trước rồi từ từ kiếm việc sau. Hôm đó Dương Mãnh, Trần Hiếu đi thăm Ðậu Vĩnh Hàng, ngang qua chỗ này thấy Ngưu Cái đang múa quyền rất có nét, Dương Mãnh nói:

- Huynh trưởng, anh xem anh bạn này bị không tiền mới làm vậy chớ không phải người chuyên nghề mãi võ đâu. Chúng ta đều là con nhà võ nên bước vào giúp anh ta một tay gọi là tế khổn phò nguy đó nhé!

- Ðược, Trần Hiếu nói, chú đi đi!

Dương Mãnh gạt mọi người ra bước vào vòng, ôm quyền nói:

- Này bạn, bạn diễn ở đây hay lắm!

Ngưu Cái nghe nói, nghĩ thầm: “Hồi nãy bị phổ ky lấy tiền mang đi, bây giờ hắn chắc cũng đến cướp tiền của mình nữa chớ gì!”. Nghĩ rồi bước tới nắm cổ áo, còn tay kia chộp lấy chân của Dương Mãnh giở lên, hét lớn:

- Thằng bị thịt này, cút đi cho rảnh!

Nói rồi ném Dương Mãnh ra ngoài vòng. Dương Mãnh sử dụng thức Diều hâu bói nước, chân đứng vững xuống đất không hề gì. Mọi người đứng xem loạn cả lên, Dương Mãnh giận đỏ mặt, hét lớn:

- Hay cho tên tiểu bối này, mi dám ném tử đệ thái gia hử?

Hét rồi rút dao ra định sống chết với Ngưu Cái.*

 

Hồi Thứ 167 (^)

 

Thiết thiên vương cảm nghĩa tình Ngưu Cái

Hắc diện báo hàm oan bị gia hình

 

Dương Mãnh bị Ngưu Cái ném ra khỏi vòng, mất mặt quá, rút dao định liều chết với Ngưu Cái. Trần Hiếu lật đật nắm kéo lại, nói:

- Hiền đệ không nên làm như vậy! Thứ nhất là anh ta có vẻ khờ khạo, thứ hai là bọn ta không tiện thử sức với anh ta. Người lớn không thấy lỗi của người nhỏ, trong lòng Tể tướng phải bao dung, cần gì phải làm như thế. Thôi, chúng ta đi đi.

Trần Hiếu nói rồi kéo Dương Mãnh bỏ đi. Ngưu Cái tức giận không thèm luyện võ nữa, cầm hơn 500 tiền đi về phía trước. Ðang đói bụng, thấy một hàng bánh nướng, Ngưu Cái nói:

- Lấy cho ta mấy chiếc.

Người bán lấy một cọc 5 cái 10 thành ra 50 cái, Ngưu Cái bỏ vào tay áo tiễn tụ bào, thảy cho người bán bánh hơn 200 tiền rồi bỏ đi. Người bán bánh nói:

- Ðại gia, tiền này chưa đủ.

- Ta có bao nhiêu đó, ngươi chịu không chịu thì thôi.

Nói xong chạy đi. Người bán bánh muốn đuổi theo nhưng không ai coi hàng. Ngưu Cái chạy một mạch về phía trước, gặp một tiệm bán thịt dê mới ra lò, Ngưu Cái nói:

- Cục này để tôi, cục kia để tôi.

Chưỡng quỹ tiệm thịt dê gắp đưa cho anh ta. Ngưu Cái cầm 5 cục thịt thảy ra 300 tiền rồi đi. Người bán thịt dê nói chưa đủ, Ngưu Cái co giò chạy tuốt, người bán thịt dê đuổi theo không kịp. Ngưu Cái cầm bánh và thịt dê đến một ngõ kẻm, thấy trước nhà kia có một con ngựa đá, bèn đem bánh để trên đầu con ngựa đá, định ngồi xuống ăn, nào ngờ bánh rớt xuống đất, có một con chó nhìn thấy ngoạm lấy cái bánh nướng chạy đi. Ngưu Cái nói:

- Hay cho con chó này, tao chưa ăn mày dám giựt ăn hả? Tao đập chết mày mới được.

Nói rồi xách côn rượt theo, không kể đến số bánh nướng và mấy miếng thịt gác trên ngựa đá còn hay mất. Con chó bị rượt chạy lui chui tọt vào lỗ chó của nhà kia mất dạng. Ngưu Cái thấy vậy la lên:

- Hay cho con chó này, ta phải đi kiếm chủ mày bắt họ bồi thường cho tao mới được.

Nói rồi đứng ở trước cửa kêu lớn:

- Chủ chó đâu ra đây!

Kêu hai tiếng liên tiếp mà không có ai trả lời. Ngưu Cái bèn lấy côn đập cửa đùng đùng. Nhà ở trong cửa đó là nơi ở của Ðả hổ anh hùng Ðậu Vĩnh Hành. Dương Mãnh, Trần Hiếu vừa mới đến đang nói chuyện với Ðậu Vĩnh Hàng về việc giúp đỡ ở diễn trường, gặp một người mãi võ không thông tình lý gì hết, thiệt là đáng giận. Ðang nói tới đó thì nghe bên ngoài dộng cửa đùng đùng và tiếng la:

- Chủ chó đâu mau ra đây!

Dương Mãnh nói:

- Ai đập cửa vậy? Chúng ta ra xem thử!

Nói rồi ba người cùng đi ra mở cửa xem, thì ra chính là người mãi võ khi nãy. Trần Hiếu nghĩ thầm: “Cái này thì quá lắm, theo đến tận cửa đây mà!”. Trần Hiếu lấy mắt ra hiệu, Ðậu Vĩnh Hàng vòng lại phía sau lưng nắm tóc Ngưu Cái ghị xuống, Dương Mãnh nắm chặt hai tay Ngưu Cái, Trần Hiếu nắm cặp đùi, quật Ngưu Cái xuống. Ba người nắm một người, đè chặt Ngưu Cái ở dưới. Ngưu Cái chỉ la:

- Hay cho chủ chó, chẳng biết lễ nghĩa gì ráo, đằng kia ta còn bánh nướng và thịt dê nữa đấy!

Ðậu Vĩnh Hàng nói:

- Chủ chó cái gì? Nói bậy bạ không. Trước hết trói hắn lại bỏ trong viện, tạm thời chúng ta ăn uống cái đã rồi sẽ hỏi hắn sau.

Ba người đóng cửa lại, đem cây côn dựng vào vách tường, rồi kéo vào nhà dọn tiệc ăn uống. Vừa uống được hai chén rượu nghe bên ngoài có người gọi:

- Mở cửa!

Dương Mãnh nghe tiếng Tế Ðiên mới nói:

- Sư phó tới kìa.

- Ðậu Vĩnh Hàng hỏi:

- Ai vậy?

Trần Hiếu nói:

- Ðây không phải người ngoài, là sư phó của chúng tôi đấy. Chúng ta ra xem thử!

Ba người cùng ra bên ngoài mở cửa xem, quả nhiên Tế Ðiên đến với Thiết diện thiên vương Trịnh Hùng.

Sáng này Tế Ðiên cùng Trịnh Hùng thức dậy sớm, ăn sáng xong, Tế Ðiên nói:

- Trịnh Hùng, để ta đưa ông đi kiếm đại hán mặt xanh tiếp ông hôm qua nhé.

- Phải đấy.

Trịnh Hùng nói rồi cùng Tế Ðiên đi đến ngõ hẽm này. Tế Ðiên gọi cửa, Dương Mãnh, Trần Hiếu cùng Ðậu Vĩnh Hằng đi ra. Dương Mãnh, Trần Hiếu trước hết hành lễ với Tế Ðiên rồi mới day qua chào hỏi Trịnh Hùng. Trần Hiếu nói:

- Ðậu hiền đệ, lại đây ta giới thiệu cho. Ðây là Tế Công trưởng lão ở chùa Linh Ẩn, sư phó của ta.

Ðậu Vĩnh Hằng thấy Hòa thượng lam lũ quá mức, trong lòng không vui, ngặt vì có mặt Dương Mãnh, Trần Hiếu chẳng lẽ không hành lễ, nên chỉ xá sơ sơ thôi. Ngưu Cái bên trong dòm thấy Trịnh Hùng bèn kêu:

- Chưởng quỹ mặt đen ơi, mau cứu tôi với! Chủ chó chẳng biết lý sự gì hết, bắt trói tôi ở đây.

- Ai là chưởng quỹ mặt đen?

Trịnh Hùng hỏi và tiếp theo:

- Tại sao các anh lại trói anh ta như vậy?

Dương Mãnh nói:

- Tại anh ta vô cớ dộng cửa.

- Các vị nễ mặt tôi thả anh ta ra có được không?

Trần Hiếu nói:

- Chúng tôi không quen biết với anh ta, cũng không thù oán gì, có Trịnh gia xin thì chúng tôi thả.

Nói rồi mở thả cho Ngưu Cái. Tế Ðiên bảo:

- Trịnh Hùng ngươi hãy dẫn hắn đi.

- Sư phó không trở về nhà con sao? Trịnh Hùng hỏi:

- Ta không đi.

Trịnh Hùng bèn cáo từ, dẫn Ngưu Cái về nhà mình. Dương Mãnh hỏi:

- Sư phó định đi đâu?

- Trở về chùa.

Trần Hiếu nói:

- Mời sư phó vào trong nhà uống chén rượu rồi hãy đi.

- Không phải là nhà của ngươi ta không tiện vào.

- Nhà này cũng như nhà con vậy. Sư phó vào nghĩ ngơi chốc lát có ngại chi.

- Ừ, vào thì vào.

Nói rồi đi vào trong nhà. Ðậu Vĩnh Hàng trong lòng không được vui, nghĩ thầm: “Dương đại ca, Trần đại ca mời Hòa thượng vào nhà làm chi? Mình còn có gia quyến mà!”. Ngoài mặt không nói ra, vẫn cùng Hòa thượng đi vào nhà. Trần Hiếu nói:

- Sư phó uống rượu nhé, tiệc rượu có sẵn đây.

Tế Ðiên không khiêm nhường gì, ngồi xuống uống luôn. Ba người kia cũng ngồi vào tiệc. Tế Ðiên uống ba chén rượu, ho một tiếng. Trần Hiếu nói:

- Sư phó sao vậy?

- Hòa thượng ta cùng bạn tốt ngồi uống rượu, không có gì phải nói; cùng ngồi với kẻ Dương bát cao uống rượu không khoái chút nào.

- Sao kêu là Dương bát cao? Trần Hiếu hỏi:

- Kêu Dương bát không thì nghe không được nên kêu là Dương bát cao đó chớ.

- Con có phải là Dương bát cao không? Trần Hiếu hỏi:

- Không phải.

- Con có phải là Dương bát cao không vậy? Dương Mãnh hỏi:

- Cũng không phải.

Trong ba người, hai người đã không phải rồi. Ðậu Vĩnh Hàng nghe như vậy, tức giận nói:

- Nè Hòa thượng, ông thiệt là ăn nói bậy bạ không! Nếu không nể mặt hai anh Dương, Trần, tôi tống ông ra khỏi cửa rồi đấy nhé!

Dương Mãnh, Trần Hiếu lật đật khuyên can:

- Ðậu hiền đệ, chú không biết, Tế Công khôi hài mà!

Tế Ðiên nói:

- Ta xem sắc diện của ông không tốt, ấn đường nổi gân xanh là điềm tai bay họa gởi khó biện minh. Ðại khái là khó tránh khỏi định số. Vợ bị người ta cướp đi, gia tài phút chốt thành không. Vĩnh Hàng phải sớm trốn đi, chớ việc đến tức thì đấy.

Nói ra, Ðậu Vĩnh Hàng càng run giận, mặt mày biến đổi. Tế Ðiên nói:

- Tới chừng gặp tai nạn nguy hiểm, ông chỉ cần kêu “Tế Ðiên Hòa thượng” ba tiếng liên tiếp sẽ có ứng cứu. Thôi, Hòa thượng ta đi đây!

Nói rồi Tế Ðiên đứng dậy đi thẳng. Dương Mãnh, Trần Hiếu thấy Tế Ðiên đi khỏi rồi mà Ðậu Vĩnh Hàng cứ giận không nguôi, hai người cảm thấy tẻ nhạt quá, cũng cáo từ ra về. Dương Mãnh, Trần Hiếu đi rồi, Ðậu Vĩnh Hàng trong lòng càng thêm buồn bực, chuồi lên giường ngủ vùi, liên tiếp ba ngày không ra khỏi cửa. Vợ là Châu thị quả là người hiền thục, sợ chồng buồn bực quá sanh bịnh, nói:

- Quan nhân đừng nên buồn bực. Buồn bực quá rồi sẽ ra sao? Còn nói đến việc làm cũng không gấp được. Thảng như buồn bực quá sanh bịnh càng khó xử nữa! Quan nhân hãy cầm mấy lượng bạc này đi giải buồn đi có được không?

Ðậu Vĩnh Hàng thấy vợ khuyên như vậy, nghĩ là buồn bã không được việc gì, bèn thay đổi y phục, cầm theo ít bạc vụn tính đi kiếm Dương Mãnh, Trần Hiếu vào quán rượu nào đó nhậu một bữa. Vừa ra khỏi nhà không xa thì thấy đằng kia đi lại hai vị Ban đầu dẫn theo mười mấy người tùy tùng đều đội mũ vải xanh, mặc áo chẽn xanh, lưng thắt dây da, chân mang khoái hài đế mỏng, mỗi người cầm đơn đao và thước sắt giống như đi tra án vậy. Gặp Ðậu Vĩnh Hàng, vị quan nhân hỏi:

- Xin lỗi ông, đây là ngõ số 4 hẻm Thanh Trúc phải không?

- Vâng, chính là đây.

- Có vị anh hùng đả hổ Hắc diện báo Ðậu Vĩnh Hàng, nhà ở đâu?

- Các ông tìm Ðậu Vĩnh Hàng có việc chi?

- Chúng tôi muốn hỏi thăm về người đó.

- Tại hạ chính là Ðậu Vĩnh Hàng đây.

- A, tôn giá là Ðậu Vĩnh Hàng, có phải tôn giá ở nhà Châu lão đầu phải không?

- Vâng, các ông tìm tôi có việc gì?

- Ông có một người bạn đánh người ở phủ Kinh lược sứ, bảo chúng tôi nhắn tin cho ông hay. Ông với tôi đến nha môn xem thử nhé!

- Ai mà đánh quan chức vậy kìa?

- Ông đến rồi sẽ biết.

Ðậu Vĩnh Hàng nghĩ thầm: “Bạn bè mình thì nhiều, phải đến đó xem thử thì mới biết được”. Nghĩ rồi cùng đi với họ. Xưa nay Ðậu Vĩnh Hàng không làm điều gì sai pháp, trong lòng cũng không nghi ngại gì. Lời tục có câu: “Nói đúng phép, lòng không có điều gì lo nghĩ, chẳng sợ quỷ canh ba gọi cửa. Bụng không tịch, chẳng sợ lời nói cạnh”. Vừa bước vào Kinh doanh điện soái phủ, vị quan nhân lấy mắt ra hiệu, mọi người áp lại vây chặt Ðậu Vĩnh Hàng vào giữa và lấy dây sắt trói lại. Ðậu Vĩnh Hàng ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao các vị lại trói tôi?

- Chuyện của ngươi làm mà ngươi không biết à? Vị quan nhân trả lời.

Ðậu Vĩnh Hàng nghĩ thầm: “Mình chưa làm điều gì phạm pháp mà? Ðây thiệt là đóng cửa ở trong nhà, họa từ trên trời rơi xuống”. Chính mình cũng không chống cự được, đành phải chờ quan thăng đường xét xử.

Vị quan nhân đi vào trong bẩm báo. Giây lát nghe bên trong vang lên một hồi trống lịnh. Ba hồi trống lịnh xong, quan Kinh doanh điện soái nhị phẩm Hình đình đại nhân thăng đường. Bốn mươi tên khoái thủ cầm dao vác búa đứng chờ sẵn ở đại đường. Tráng, Tạo, Khoái ba ban thét gọi đường uy xong, truyền đem sai sự vào. Có người kéo Ðậu Vĩnh Hàng tới trước, quan nhân thét hỏi:

- Chuyện ở Bạch Sa Cương đón đường cướp bạc, giết chết quan giải quân lương, tên đầu đảng cướp giật tiền lương của triều đình là Hắc diện báo Ðậu Vĩnh Hàng có phải là ngươi không?

Ðậu Vĩnh Hàng nghe đến vụ này, sợ hãi hồn bay ngàn dặm, không biết tai bay họa gởi này từ đâu mà tới.*

 

 

Hồi Thứ 168 (^)

 

Thấy người đẹp, ác nhân định diệu kế

Lục Bính Văn hiến sắc đẹp hại dân lành

 

Ðậu Vĩnh Hàng bị đưa ra trước đại đường, sợ đến nỗi tay chân run rẩy, nhìn lên thấy ngồi bên trên là một vị đại nhân, đầu đội mũ sa đen nhị phẩm, mình mặc đại hồng mãng bào, ngọc đái quan hài rõ ràng, mặt trắng nhơn nhơn càng nổi bật ba chòm râu đen nhánh. Vị Hình đình Ðại nhân này họ Lục, kêu là Lục Bính Văn. Thời nhà Tống, chức quan Kinh doanh điện soái hình đình tương đương với chức Cửu môn đề đốc thờ nhà Thanh, thống nhiếp cả văn võ, quản hạt cả hai doanh lục và bộ, đi tra xét bắt trộm cướp, đánh bạc, kẻ sống lang thang. Hình đại nhân truyền đem Ðậu Vĩnh Hàng lên. Ðậu Vĩnh Hàng quỳ dưới đất, miệng hô:

- Ðại nhân ở trên, tiểu nhân là Ðậu Vĩnh Hàng xin dập đầu bái kiến.

Lục đại nhân ngồi trên vỗ kỉnh đường một cái chát, nói:

- Này Ðậu Vĩnh Hàng, mi ở Bạch Sa Cương chặn đường cướp bạc, giết chết quan giải lương, cướp đi lương tiền như thế nào hãy thành thật khai báo đi! Khỏi phải viện ba lần sáu lượt tra hỏi, thịt da mi khỏi bị rách nát vì đòn bọng.

Ðậu Vĩnh Hàng một mực dập đầu, kêu:

- Tiểu nhân là Ðậu Vĩnh Hàng, nguyên quán người Ðậu Gia Cương ở ngoài cửa Bắc phủ Thường Châu, trước đây sống về nghề sắn bắn, về sau muốn kiếm việc làm ở hãnh bảo tiêu sinh sống, vợ chồng tiểu nhân mới dắt nhau đến Lâm An, ở ngụ tại ngõ số 4 hẻm Thanh Trúc. Tiểu nhân từ hồi nào tới giờ chưa làm gì phạm pháp, hôm nay đi ra thăm bạn, không biết tại sao bị quan nhân bắt về đây. Cầu xin đại nhân gương sáng treo cao, gia ân soi xét, để tiểu nhân khỏi bị oan khuất này. Việc ở Bạch Sa Cương cướp của giết người như thế nào, tiểu nhân hoàn toàn không biết.

- Cái thằng cứng đầu này, đại khái nói ngọt mi không chịu nghe, nhẹ tay tra hỏi mi chẳng chịu cung khai mà. Bây đâu, đem bày côn kẹp ra đây.

- Xin đại nhân soi xét, nếu đại nhân dùng nghiêm hình khảo tra tiểu nhân, cho rằng tiểu nhân đốt đuốc cầm gậy cướp giựt thì có bằng chứng gì? Tiểu nhân thật oan uổng, xin đại nhân soi xét cho. Cầu nguyện đại nhân công hầu vại đại, lộc vị thêm cao.

- Mi nói bản bộ viện xử mi oan uổng phải không? Bản viện từ khi làm quan tới giờ, trên không dối vua, dưới không hại dân, há lại lấn hiếp mi sao! Nếu không có bằng chứng, ta bắt mi làm chi? Tại sao ta không bắt người khác? Ðể ta đưa chứng cứ ra xem mi có chịu nhận không cho biết?

Ðại nhân lập tức ném giám bài ra, dặn bảo đem chứng cứ đến. Ðậu Vĩnh Hàng nghe nói có chứng cứ, thất kinh lo sợ, nghĩ thầm: “Không xong! Thiệt có bằng chứng rồi à?”. Lời tục có nói không sai: “Giặc cắn một miếng, thấu xương ba phân”, lại nghĩ: “Mình không kết giao với phỉ đồ, cũng không có ai thù oán, tại sao có người làm chứng nhăng như vậy kìa?”. Suy nghĩ như vậy không lâu, nghe có tiếng xích sắt rổn rảng, Ðậu Vĩnh Hàng nhìn xem, hai người mới đến đều mặc áo quần tội nhân, cổ mang gông, tay chây bị xiềng trói, người đi trước mình cao chín thước, đầu to cổ ngắn, bụng to mặt như chàm xanh, tóc đỏ như chu sa, mày hung mắt ác, mái tóc nối liền với bộ râu quai nón; còn người đi sau, thân thể cũng cao lớn, trán đen thui, hai đạo chân mày kiếm trên đôi mắt ốc nhồi, mặt đầy những mụt thịt. Ðậu Vĩnh Hàng nhìn thấy hai phạm nhân đều không quen biết. Hai người ấy vào trong đại đường quỳ xuống. Quan Hình đình hỏi:

- Hai người có quen biết với hắn không?

Người mặt xanh nói:

- Ðậu đại ca, chuyện đánh cướp lương này anh làm mà! Nhớ lại hôm đó mình cùng gây án một chỗ, ăn một nơi, nghỉ một nhà để đi chia bạc, hiện giờ hai tôi bị bắt giam, cả đến lấy mắt nhìn anh cũng không thèm. Chúng tôi chịu đòn hết nổi rồi, đành phải khai thôi, cũng không có cách nào để anh ở ngoài vòng cho được! Hồi nào chúng ta đối xử với nhau tốt biết bao! Chúng ta là người sống cùng một nơi, chết làm quỷ một chỗ, cùng ăn cùng hưởng kể ra cũng đâu có oan uổng gì?

Hình đình đại nhân nói với Ðậu Vĩnh Hàng:

- Mi còn chưa chịu cung khai sao?

- Bẩm đại nhân, tiểu nhân không quen biết hai người này!

- Vương Long, Vương Hổ, đại nhân nói, hai đứa bây hãy nói thiệt đi, tụi bây có quen biết với Ðậu Vĩnh Hàng không?

- Bẩm đại nhân, Vương Long nói, chúng tôi cùng Ðậu Vĩnh Hàng là anh em kết nghĩa. Việc ở Bạch Sa Cương chận đường cướp bạc giết chết quan giải lương là do Ðậu Vĩnh Hàng chủ mưu, chúng tôi chỉ là tùng đảng thôi.

Lục đại nhân nói:

- Ðậu Vĩnh Hàng, mi có nghe thấy chưa?

Tiểu nhân thiệt không quen biết họ, Ðậu Vĩnh Hàng nói, những lời họ nói đều là bịa đặt cả, thiệt không có những việc như thế, xin đại nhân ra ơn cứu xét cho.

Lục đại nhân nói:

Bản viện từ khi làm quan tới giờ, trên không dối vua dưới không hại dân, há có việc lấn hiếp mi sao? Ta tự có cách riêng của ta. Hai người này là đã là anh em kết nghĩa với mi, đại khái mi bao nhiêu tuổi, sanh vào ngày nào, quên quán ở đâu, nhà có mấy người, họ chắc biết rõ. Ðậu Vĩnh Hàng, mi lấy bút viết rõ năm sanh, quên quán, chỗ ở ra đi. Bản viện sẽ hỏi họ. Nếu họ nói không đúng, chắc chắn là đặt điều, ta sẽ phạt nặng họ, bản bộ viện sẽ thả mi ngay tại đây; nếu họ nói đúng với điều ngươi đã viết, chừng ấy bản viện sẽ chiếu theo luật mà xử phạt mi.

Ðậu Vĩnh Hàng nghĩ thầm: “Làm cách này hay đấy! Ðại khái hai người này đặt điều vu oan cho ta, chắc không biết được năm tháng ngày sinh của ta; ta viết ra, họ nói không đúng thì đại nhân sẽ thả ra ngay tức khắc”. Nghĩ rồi bèn nói:

- Ðại nhân đã gia ân, tiểu nhân xin viết ra, cầu xin đại nhân ban cho giấy bút.

- Ðược, mi muốn viết hãy viết đi! Này Vương Long, Vương Hổ, mi có biết ngày sinh năm sinh của Ðậu Vĩnh Hàng không?

- Bẩm đại nhân, có biết.

- Ðể Ðậu Vĩnh Hàng viết ra, tụi bay hãy nói.

Ðương sai đưa giấy bút nghiên tới. Hình đình đại nhân nói:

- Ðậu Vĩnh Hàng, mi hãy day lưng lại bọn chúng mà viết, đừng để cho họ thấy.

- Vâng.

Ðậu Vĩnh Hàng đáp rồi quay lưng lại cầm bút viết:

- Ðậu Vĩnh Hàng 28 tuổi, sanh vào giờ tý ngày rằm tháng ba, nguyên quán ở Ðậu Gia Cương ngoài cửa Bắc phủ Thường Châu, trước đây làm nghề săn bắn, cưới vợ là Châu thị, năm nay 24 tuổi, hiện đến kinh đô tìm việc, ngụ ở nhà Châu lão đầu ngõ số 4 hẻm Thanh Trúc, đồng viện là ngã ba phòng phía Bắc hai gian phòng phía Ðông.

Viết xong, đưa cho đương sai trình lên Hình đình đại nhân. Ðại nhân xem rồi mới hỏi Vương Long, Vương Hổ. Vương Hổ nói:

Ðại nhân muốn hỏi về việc Ðậu Vĩnh Hàng, tiểu nhân xin nói: Anh ta nguyên quán là người Ðậu Gia Cương ngoài cửa Bắc phủ Thường Châu, trước đây làm nghề săn bắn, hiện giờ không sắn bắn nữa, đến thành Lâm An ở tại đường phía Bắc ngõ thứ tư của hẻm Thanh Trúc. Anh ta nay đã 28 tuổi, sanh vào giờ tý ngày rằm tháng ba, chị dâu của chúng tôi, tức vợ anh ta, họ Châu, năm nay 24 tuổi, sanh vào giờ mão ngày mùng 9 tháng 2, ở nhà vợ của Châu lão đầu, nơi hai gian phòng Ðông phía Bắc. Ba gian Bắc phòng này một gian sáng, hai gian tối. Gian phía Ðông là phòng ngủ, gian phía Tây là phòng khách, gian giữa có một bàn bát tiên với hai cái ghế dựa, phía trong nhà có cái là sưởi với hai cái rương, dưới đất có đặt một cái bàn xếp và một tủ tiền, bên Ðông là nhà bếp.

Ðậu Vĩnh Hàng nghe nói tất cả đều đúng, ngày giờ sanh của vợ mình cũng đúng, đồ đạc bài trí trong nhà cũng không sai chút nào, bèn nghĩ thầm: “Thiệt lạ! Hai người này chưa tới nhà mình lần nào, tại sao họ biết nhà mình rõ ràng như vậy?”. Rồi lại nghĩ: “Vụ này chắc không xong rồi đây!”.

Hình đình đại nhân nghe Vương Long, Vương Hổ nói như vậy mới hỏi Ðậu Vĩnh Hàng:

- Vương Long, Vương Hổ nói như vậy có đúng không?

- Ðúng thì cũng đúng, nhưng tiểu nhân thiệt tình oan uổng, cầu xin đại nhân xử đoán công bằng cho.

Hình đình đại nhân vỗ kỉnh đường một cái chát, nói:

- Ðậu Vĩnh Hàng, mi còn dám nói quanh co hử? Ðại khái nhẹ tay không hỏi việc mi không chịu cung khai, tên cứng đầu này mi quen thói làm giặc mà! Bây đâu, hãy dùng côn kẹp ra đây, kẹp nó cho ta, rồi sẽ hỏi.

Quan nhân nghe truyền dạ ran, ba cây bổng là một tổ ngũ hình, đem bỏ nó ra trước đại đường, thiệt là:

Lòng người như sắt chẳng phải sắt,

Quan pháp như lò đúng là lò.

Ðậu Vĩnh Hàng sợ đến nỗi run rẩy lập cập, nói:

- Ðại nhân, ngài phải xem trời xanh trên đầu chớ!

Lục Bính Văn đùng đùng nổi giận, nói:

- Ðậu Vĩnh Hàng, mi còn dám bảo ta xem trời xanh trên đầu ư? Bản bộ viện xử ngươi oan uổng à? Hãy kẹp nó cho ta!

Quan nhân lập tức đưa Ðậu Vĩnh Hàng vào bàn kẹp, lúc ấy Ðậu Vĩnh Hàng đột nhiên nhớ lại mấy câu nói của Tế Ðiên: “Ấn đường nổi xanh, sắc diện bất chánh, sẽ bị tai bay họa gởi, dè đâu ta bị họa lớn như thế này. Quả nhiên Tế Công trưởng lão là vị Phật sống có tài thấy biết trước! Sự việc đến như thế này, Ðậu Vĩnh Hàng ta mới biết. Nếu ta nghe lời Tế Công sớm trốn khỏi thành Lâm An thì đâu có mắc phải hung họa này!”.

Chưởng hình đem kẹp tới tròng vào hai tay chân của Ðậu Vĩnh Hàng. Lục đại nhân đưa tay ra hiệu, quan nhân nhìn thấy hình phạt tám thành, hai người một người giữ dây, một người kéo, Ðậu Vĩnh Hàng cảm thấy kẹp đau buốt cả xương tủy, lúc đó mới nhớ lại lời Tế Công: - Khi có đại nạn kêu kêu ba tiếng liên tiếp “Tế Công Hòa thượng”, ắt có cứu ứng. Ðậu Vĩnh Hàng lúc đó đau như dao cắt ruột gan, tên xuyên tim phổi, trong miệng bèn cầu khẩn: “Ðệ tử Ðậu Vĩnh Hàng, trước đây không biết Tế Công là Phật sống, hiện nay đệ tử mắc phải đại nạn, Tế Công trưởng lão lão nhân gia thiệt có linh có thánh, xin đến giải cứu đệ tử, đệ tử bây giờ chịu hết nổi rồi!”. Ðậu Vĩnh Hàng trong miệng nói lẩm nhẩm cầu khẩn ba lần liên tiếp, các quan nhân cũng không biết anh ta nói những gì. Lời cầu khẩn chưa xong thì từ trên đại đường nổi lên một trận gió xoáy. Thật là:

Cuồng phong nổi dậy

Xô cây dẹp rừng,

Mặt sông sôi trào,

Biển sông như tung.

Nước réo sục sôi vang ầm ĩ,

Cây khô răng rắc vặn thân mình,

Vực sâu giận dữ tuôn mù khói,

Ðá chạy cát bay đả thương người.

Một trận cuồng phong đó ghê gớm kinh người, trên đại điện xòe tay không thấy ngón, đối diện không thấy người, chỉ nghe tiếng ào ào vang động. Trận gió qua đi, Lục Bính Văn mở mắt ra xem thấy dưới đại đường gãy vỡ lung tung.*

 

Hồi Thứ 169 (^)

 

Vương Thắng Tiên thấy sắc động lòng tà

Lục Ngưu Hầu vu trộm thi gian kế

 

Ðậu Vĩnh Hàng phải đến cửa quan chịu bao điều oan khuất chính là gì vợ hắn quá đẹp mới xảy ra như vậy. Tại thành Lâm An có bốn tên ác bá. Tên thứ nhất là Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên, anh em với Tần Thừa tướng; tên thứ hai chính là Phong nguyệt công tử Mã Minh; tên thứ ba chính là Truy mạng quỷ Tần Hằng, con thứ hai của Tần Thừa tướng; tên thứ tư chính là La công tử, có ngại hiệu là Tịnh nhai gia. Hôm đó, Châu thị đang đứng trước cửa mua chỉ thêu, vừa hay gặp Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên dẫn theo rất nhiều ác nô cỡi ngựa đi ngang qua ngõ số 4 hẻm Thanh Trúc. Xưa nay Châu thị dung nhan rất đẹp đẽ, thuộc hàng thiên tư quốc sắc. Dù không dồi phấn thoa son, mặc áo vải thô tầm thường nhưng vẫn lộ ra vẻ đẹp ưa nhìn, đáng gọi là đôi mày liễu vút cong, môi nút trái đào, mắt hạnh trữ tình, má đào phơn phớt, gương mặt hoa lê trắng muốt, má nhụy hạnh nõn nà, khác nào Dao Trì tây tử, nguyệt điện Hằng Nga. Vương Thắng Tiên nhìn thấy Châu thị rồi, tâm thần ngơ ngẩn, bèn hỏi thủ hạ:

- Người đàn bà đó là người nhà nào vậy?

Gia nhân là Vương Hoài Trung nói:

- Ðại gia nên về trước đi, để tôi hỏi thăm cho.

Vương Thắng Tiên về đến nhà một lát, Vương Hoài Trung cũng về tới. Vương Thắng Tiên hỏi:

- Mi hỏi thăm tin tức đó chưa?

- Tiểu nhân đã hỏi thăm rồi, mà đại gia hãy dẹp ý nghĩ ấy đi!

- Sao vậy?

- Tiểu nhân hỏi ra người đàn bà đó là vợ của anh hùng đả hổ Hắc diện báo Ðậu Vĩnh Hàng đấy. Tên Ðậu Vĩnh Hàng ấy hai tay có sức mạnh ngàn cân, làm sao có thể cướp vợ hắn được?

- Ối chào! Ta thấy người đàn bà đó thiệt xinh đẹp quá chừng chừng! Ðám thê thiếp hầu hạ ta đây so với nàng ấy thật là lục lục bình thường, cách xa một trời một vực. Ta gặp nàng ấy một lần mà hồn vía như đi đâu mất. Tụi bây ai nghĩ được cách gì đem người đẹp về được đây, ta thưởng cho 500 lượng bạc.

Bọn gia nhân thảy đều lắc đầu, nói:

- Chúng tôi thiệt vô phương.

Vương Thắng Tiên lơ lơ lửng lửng uống nhớ ăn mong, giống như người mất hồn vậy. Hai ba ngày lửng lơ như thế, bỗng gia nhân bẩm báo có quan Kinh doanh điện soái Lục Bính Văn đến thăm. Vương Thắng Tiên nghe nói có đệ tử của mình đến, lật đật bảo người mời vào. Vương Thắng Tiên đang giữ chức Ðại lý tự chánh khanh, tại sao Lục Bính Văn lại bái hắn làm sư phụ? Chỉ vì hắn là anh em với Tần Thừa tướng, Lục Bính Văn có việc gì cần đến Thừa tướng phải nhờ đến hắn giúp đỡ, do đó mới bái hắn làm sư phụ. Hôm nay Vương Thắng Tiên đưa Lục Bính Văn vào thư phòng, Lục Bính Văn chào hỏi sư phụ xong, Vương Thắng Tiên hỏi:

- Hiền khế hôm nay sao rảnh rang thế?

- Hôm nay tôi đặc biệt đến vấn an sư phụ.

- Hai hôm nay ta trúng phải bệnh.

- Sư phụ không được khỏe à? Bệnh gì thế?

- Bệnh này khó nói với hiền khế lắm.

- Sư phụ có chuyện gì khó nói cứ nói, có ngại chi?

- Chẳng giấu gì hiền khế, ngày hôm kia ta cưỡi ngựa đi thăm bạn qua ngõ số 4 hẻm Thanh Trúc, gặp người đàn bà đẹp mê hồn, nàng là vợ của anh hùng đả hổ Hắc diện báo Ðậu Vĩnh Hàng. Từ hôm đó trở về nhà, ta không ngờ mình mắc phải bệnh tương tư đêm nhớ ngày mong mãi. Hiền khế có cách nào rước người đẹp về đây, ta bảo đảm sẽ làm cho hiền khế sớm vượt mấy quan cấp đấy!

- Lão sư đài đã yêu thích, môn sinh phải cố gắng tìm cách làm vừa lòng. Xin sư phụ chờ tin.

Lục Bính Văn nói xong trở về nhà, bàn mưu tính kế giúp Vương Thắng Tiên mãi mà không ra, gia nhân là Lục Trung nói:

- Lão gia muốn làm việc này, tiểu nhân có một chủ ý.

- Lục Trung, nếu việc này mi làm được trót lọt, ta thưởng cho mi 200 lượng bạc.

- Nếu chịu thưởng 200 lượng bạc, tôi sẽ làm cho. Ðậu Vĩnh Hằng này tôi có biết nhưng tôi chưa gặp mặt, còn vợ hắn tôi đã gặp một lần. Thật là người đẹp đẽ vô song! Hắn ta ở nhà của vợ Châu lão đầu. Châu lão đầu là nghĩa phụ của tôi. Một hôm tôi đến nhà vợ chồng nghĩa phụ, vợ chồng Ðậu Vĩnh Hàng đang tính số mạng của hắn, vợ hắn cũng bói cho mình một quẻ. Tôi nhớ ngày sinh của họ là: Ðậu Vĩnh Hàng 28 tuổi, sinh vào giờ tý ngày rằm tháng ba, vợ hắn 24 tuổi, sinh vào giờ mẹo ngày chín tháng hai. Nghĩa mẫu tôi cũng coi một quẻ, tôi cũng coi một quẻ cho nên tôi biết cội nguồi của Ðậu Vĩnh Hàng. Nếu lão gia cho tôi làm sai sự tra ngục, mua chuộc kẻ tặc đạo vu khống Ðậu Vĩnh Hàng, chừng đó lão gia bắt hắn cho vào ngục là hay nhất.

- Ðược, ta sẽ phái ngươi làm quản ngục để lo việc này.

Lục Trung được giao cho chức quản ngục, sớm tối kiểm tra các tội phạm, thấy có hai tên đại đạo, Lục Trung gọi lại hỏi:

- Hai đứa bây tên họ là gì?

- Chúng tôi là hai anh em ruột, tên là Vương Long, Vương Hổ.

- Hai đứa bây bị án gì thế?

- Ở Bạch Sa Cương cướp bạc lương, giết quan áp tải.

- Hai đứa bây bị vụ án này chắc là khó sống quá.

- Chắc là như vậy.

- Trong nhà tụi bây còn có những ai?

- Còn một mẹ già, chúng tôi đều có vợ cả.

- Hai đứa bay tuổi còn nhỏ mà sao dám làm những việc tày đình như thế? Nếu tụi bay chết rồi, trong nhà mẹ già vợ dại phải làm sao? Ai lo cơm áo cho họ?

- Ðến nước này phải chịu thôi, tại tôi đã làm việc nhầm lẫn này!

- Ta thấy các ngươi thật đáng thương, có lòng muốn cứu các ngươi mà không được, vì phương pháp của hoàng thượng không thể sửa được. Hai đứa bay có muốn sống hay không?

- Ai không muốn sống mà lại muốn chết bao giờ? Nếu các ông có cách nào cứu chúng tôi, hai tôi không bao giờ dám quên ơn.

- Ta muốn cứu tụi bay dễ thôi, hai đứa bay phải kéo người khác vào khai làm đầu lĩnh việc này thì tánh mạng tụi bay mới đảm bảo còn sống.

- Vậy thì chúng tôi chụi khai, mà khai ai bây giờ?

- Ta có kẻ thù đang ở ngõ số 4 hẻm Thanh Trúc tên là Hắc diện báo Ðậu Vĩnh Hàng, hai đứa bay ra trước công đường cứ khai ra hắn là kẻ cầm đầu, ta đảm bảo tánh mạng tụi bay sẽ khỏi chết.

- Vậy thì được.

Thương lượng xong, chiều lại lên trước công đường, Vương Long khai:

- Bẩm đại nhân, ở Bạch Sa Cương cướp bạc, giết quan giải lương là do Hắc diện báo Ðậu Vĩnh Hàng cầm đầu, anh ta xếp đặt cả.

Lục Bính Văn đã rõ cả, nhưng vẫn hỏi:

- Mi có nói thiệt không?

- Tiểu nhân không dám nói dối. Hắn hiện ở ngõ số 4 hẻm Thanh Trúc, xin đại nhân cho đòi hắn đến đối chứng.

Lục Bính Văn mới sai Mã Hùng đi bắt ngay Ðậu Vĩnh Hàng điệu về. Hôm nay thượng đường tra hỏi, những điều Vương Long, Vương Hổ nói ra đều do Lục Trung cung cấp trước. Vì vậy Vương Long, Vương Hổ mới kể vanh vách cội nguồi của Ðậu Vĩnh Hàng như vậy. Lục Bính Văn dùng kềm kẹp tra khảo Ðậu Vĩnh Hàng, bỗng nhiên trên đại đường nổi lên một trận quái phong. Trận gió qua đi, xem lại thì thấy côn kẹp bị gãy làm ba khúc hết. Lục Bính Văn kêu đại kêu càn Vương Long, Vương Hổ khai bừa cho Ðậu Vĩnh Hàng, rồi truyền đem Ðậu Vĩnh Hàng đóng trăn trong ngục tối. Vương Long, Vương Hổ vào trong ngục dặn ngục tốt:

- Phải làm cho Ðậu Vĩnh Hàng chết đi thì vụ án của hai ta mới nhẹ được. Chỉ cần hai ta được sống, ắt sẽ có lúc tạ ân trọng hậu.

Lao ngục nói:

- Vâng, anh đừng có lo.

Khi quan nhân đưa Ðậu Vĩnh Hàng xuống ngục, lao đầu mới đưa Ðậu Vĩnh Hàng vào bên trong. Ðậu Vĩnh Hàng nhìn thấy trong nhà có một bàn bát tiên, trên bàn dọn sẵn bốn đĩa thức ăn, có bầu và chén rượu. Lao ngục nói:

- Ðậu hiền đệ, chú uống rượu nhé! Chú không nhận ra tôi sao?

- Tôi thật đang tối mắt, xin hỏi quý danh tôn giá là gì?

- Tôi cũng là người phủ Thường Châu, chúng ta ở cùng phố với nhau, tôi họ Lưu gọi là Lưu Ðắc Lâm. Tôi nhân vì giành mối, dùng tay chém chết người, lại đánh quan trị nhật, hiện nay tôi đang làm chức lao đầu trong ngục. Tôi biết chú bị hàm oan nhưng tôi không thể cứu chú được. Chú hãy yên tâm, tôi không thể để chú bị tội đâu.

Ðậu Vĩnh Hàng chừng đó mới nhớ ra, nói:

- Té ra là Lưu huynh trưởng.

Hai người cùng ngồi uống rượu đàm tâm. Ðậu Vĩnh Hàng may mắn gặp được người bạn cũ nên không bị thọ tội đày ải trong ngục. Lục Bính Văn sau khi đưa Ðậu Vĩnh Hàng vào ngục rồi mới hỏi:

- Lục Trung, mi có cách gì gạt vợ hắn đem đi đưa đến cho Vương đại nhân không?

- Tôi đã có chủ ý.

Nói rồi lập tức kêu tên gia nhân lại, bảo:

- Mi hãy ra ngoài mướn một cỗ kiệu.

Ðoạn kề tai dặn như vầy… như vầy… Tên gia nhân tên là Bạch Tận Trung, gập đầu đi ra mướn một chiếc kiệu nhỏ đi thẳng đến nhà Ðậu Vĩnh Hàng ở ngõ số 4 hẻm Thanh Trúc, gõ cửa. Lúc đó, Châu lão đầu không có ở nhà, Châu lão thái ra mở cửa hỏi tìm ai. Bạch Tận Trung nói:

- Tôi là người của hai đại gia Dương Mãnh, Trần Hiếu sai đến. Hiện tại Ðậu đại gia bị mắc phải việc quan. Dương gia, Trần gia đã đi hỏi tin tức để chạy chọt việc quan cho Ðậu đại gia, lại sợ Ðậu đại nhưng nhưng ở nhà không ai sắn sóc. Nếu đến chiếu cố việc nhà bên này thì lại không có thì giờ đến nha môn chạy chọt cho Ðậu đại gia. Vì thế Dương gia bảo tôi đem kiệu rước Ðậu đại nhưng nhưng đến nhà Trần gia, Dương gia thương lượng.

Châu lão bà nghe nói sợ quá, lật đật chạy vào trong nói:

- Ðậu đại nhưng nhưng ơi, không xong rồi! Ðậu đại gia cũng không biết vì sao lại mắc phải việc quan, đằng Dương gia, Trần gia cho người mang kiệu sang rước, nhưng nhưng có chịu đi hay không?

Châu thị nghe nói chồng mình mắc phải việc quan, hận không hỏi thăm ngay cho ra lẽ như thế nào! Lời tục nói không sai: “Chí thân không gì bằng cha con, gần gũi không ai bằng chồng vợ!”. Nghe nói chồng mắc phải việc quan, lẽ nào lại không động lòng? Châu thị nghe nói Dương Mãnh, Trần Hiếu sai người đến rước, đâu có thể không đi! Lật đật thay áo vải lam quần vải xanh, khóa cửa lại nói với Châu lão bà:

Châu đại nương, xin coi chừng giùm nhé!

- Ðậu đại nhưng nhưng đi đi, hỏi thăm được cũng tốt, chừng Châu lão đầu trở về tôi bảo ông ấy đi hỏi thăm cho rõ ràng rồi đến nhà Dương gia cho nhưng nhưng hay.

Châu thị ra đến bên ngoài còn nói khiêm tốn với Bạch Tận Trung:

- Nhọc lòng chú quá!

Bạch Tận Trung nói:

- Mời đại nhưng nhưng lên kiệu cho.

Châu thị bèn bước lên kiệu, nào ngờ Bạch Tận Trung đi trước dẫn đường, kiệu khiêng lên đi thẳng đến nhà Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên ở phường Tần Hòa. Trước lúc đó, Lục Bính Văn đã ngồi kiệu gặp Vương Thắng Tiên nói chuyện ở thư phòng. Lục Bính Văn nói:

- Xin chúc mừng sư phụ! Chuyện môn sinh đã làm trồng làm tréo bắt Ðậu Vĩnh Hàng giam vào ngục về tội ăn cướp, lát nữa đây sẽ đưa người đẹp đến cho sư phụ.

Vương Thắng Tiên nói:

- Việc này hiền khế bỏ biết bao tâm lực! Ta thế nào cũng phải đền bù cho xứng đáng.

Vừa nói tới đó thì có gia nhân bẩm báo người đẹp đã về đưa tới. Vương Thắng Tiên lật đật đi vào trong viện, thấy kiệu vừa để xuống, bèn đi đến bên, đưa tay vèn rèm kiệu xem thử, báo hại Châu thị nhìn thấy vía lên mây.*

 

Hồi Thứ 170 (^)

 

Trúng gian kế, lầm vào Hợp Hoan lầu

Nghe tin dữ, tìm thầy chùa Linh Ẩn

 

Thấy Vương Thắng Tiên vèn rèm kiệu lên xem, Châu thị rất đỗi ngạc nhiên, lật đật hỏi:

- Ơ, đây là đâu vậy?

- Hai người vú em ở một bên chạy lại, nói:

Ðại nhưng nhưng muốn hỏi tôi xin bảo cho biết: Chồng của nàng đã dây vào việc quan, bị nhốt trong ngục rồi. Thái tuế gia chúng tôi đây họ Vương, là anh em với Tần Thừa tướng đương triều, hiện giữ chức Ðại lý tự chánh đường, từ lâu ngưỡng mộ dung nhan xinh đẹp của nhưng nhưng mới đặc biệt rước nhưng nhưng về đây cùng thái gia chúng tôi hảo hợp bách niên giai lão. Hạng người như nhưng nhưng vào đây mặc sức mà hưởng vinh hoa phú quý. So sánh cuộc sống với Ðậu Vĩnh Hàng thật là sang trọng gấp trăm ngàn lần!

Châu thị nghe nói câu đó, khác nào té từ lầu cao muôn trượng, ngồi thuyền trôi trên thác dốc, dù không phải là hàng môn đệ thư hương, Châu thị cũng vốn là con nhà căn bản, giữ đúng lễ nghi, lập tức nổi giận, toàn thân run rẩy, nói:

- Hay cho tên ác bá, mi đã làm quan chức của triều đình, đáng lẽ phải tu phước hành thiện, lại vô cớ mưu đoạt vợ con nhà lành, làm những chuyện thương thiên bại lý như vậy sao? Chồng của ta đã bị ngươi hãm hại rồi, tánh mạng ta đây không còn thiết sống nữa!

Nói rồi đưa tay cào lên mặt mình muốn đập đầu chết. Vương Thắng Tiên nhìn thấy Châu thị là người dung nhan xinh đẹp, tuyệt thế vô song, nay lại tự hủy hoại như thế, nên lật đật kêu vú em áp lại ngăn cản, rồi kéo vào lầu Hợp Hoan khuyên giải. Vú em nắm chặt tay Châu thị lại trói ghịt ra sau lưng. Châu thị thân thể vốn yếu đuối, đâu thể vùng vẫy được, các vú em khiêng Châu thị vào trong Hợp Hoan lầu ở hoa viên, rồi cho bốn năm người lanh lợi theo khuyên giải. Châu thị buột miệng mắng thậm tệ. Các vú em luân phiên nhau mỗi người nói một câu làm Châu thị tức giận mặt mày đổi sắc nói:

- Nhà ai mà không có vợ trẻ, con gái lớn? Vú em các ngươi tuổi cũng không còn nhỏ nữa, đáng lẽ phải nói những lời đức hạnh, các ngươi muốn làm đẹp lòng tên ác bá nên thấy ở đâu có vợ trẻ gái lớn thì đưa đến cho tên ác bá thành thân để hưởng phước phải không?

Các vú em nghe nói, đáp:

- Ðại nương tử, nàng đừng mắng nhiếc chúng tôi như vậy. Thái gia bảo chúng tôi đến khuyên nàng, chúng tôi cũng thấy là phải! Nếu nàng không chịu nghe, chọc giận đến thái gia, nàng bị ăn một trận đòn roi ngựa chừng đó nàng cũng chịu thôi; còn nếu nàng có bị đánh chết thì đem thây vùi ở trong hoa viên, nàng cũng bị chết uổng thôi, ai sẽ báo cừu cho nàng?

- Ta tình nguyện chết, các ngươi đừng nói gì nữa!

Lại nói về Châu lão bà, thấy vợ Ðậu Vĩnh Hàng đi rồi, bèn đóng cửa lại, giây lát Châu lão đầu uống trà trở về, Châu lão bà nói:

- Ông về đúng lúc, Ðậu đại gia ở cùng phố chúng ta mắc phải việc quan rồi. Hồi nãy bên Trần gia và Dương gia sai người đem kiệu rước Ðậu nhưng nhưng đi, cũng không biết Ðậu đại gia tại sao lại mắc việc quan như thế.

Châu lão đầu nghe nói, ngạc nhiên hỏi:

- Trần gia Dương gia đích thân đến rước phải không?

- Không phải! Chỉ sai một gia nhân đến rước.

- Ðã không phải là Trần gia, Dương gia đích thân đến đón, bà đáng lẽ không cho đi mới phải! Ở thành Lâm An có bốn tên ác bá thường thường bày mưu gạt gẫm phụ nữ nhà lành. Thảng như Ðậu đại nhưng nhưng bị vào tròng của chúng, lại tuổi nhỏ, chúng ta sẽ thưa kiện ai đây? Bà già từng tuổi này mà không biết thận trọng gì cả!

- Tôi nghĩ rằng trước sự việc này, ông đến nhà Trần gia, Dương gia hỏi thăm thử xem!

Châu lão đầu lật đật đến nhà Dương Mãnh, Trần Hiếu gõ cửa. Hai người này nhà ở cùng một cửa, Dương Mãnh ở phía trước, Trần Hiếu ở phía sau. Dương Mãnh, Trần Hiếu đang ngồi nói chuyện bỗng nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa, hai người mở cửa, ra xem thì là Châu lão đầu. Trần Hiếu hỏi:

- Châu lão trượng, đến đây có việc gì thế?

- Tôi đến đây hỏi xem hiện tại Ðậu Vĩnh Hàng tại sao lại đến cửa quan?

- Chúng tôi không biết.

- Hai vị không biết à? Chao ôi, thế thì không xong rồi!

Châu lão đầu rên lên một tiếng rồi ngã ngang xuống đất, báo hại Dương Mãnh, Trần Hiếu sợ hết hồn, ráp lại đỡ Châu lão đầu lên. Dương Mãnh, Trần Hiếu nói:

- Lão trượng! Có việc gì thủng thẳng hãy nói, tại sao mà gấp rút quá vậy?

Một hồi lâu, Châu lão đầu tỉnh lạI, từ từ bớt mệt. Trần Hiếu nói:

- Lão trượng không cần phải gấp, từ từ rồi nói.

Châu lão đầu mới nói:

- Hỗi nãy tôi trở về nhà, nghe vợ tôi nói: Lúc ông đi uống trà không có ở nhà, có người mang kiệu tới, bảo rằng do hai vị sai đến, cho biết Ðậu đại gia bị phải lên quan, muốn rước Ðậu đại nhưng nhưng đi, và họ rước đi rồi! Khi tôi trở về nói với vợ tôi rằng: - Không phải hai vị đích thân đi rước, tại sao không cản Ðậu đại nhưng nhưng lại đừng cho đi? Tôi e sợ có điều gì không hay trong đó. Quả nhiên hai vị đây không biết, việc đó sẽ ra sao? Cũng không biết người ta khiêng Ðậu đại nhưng nhưng đi đâu.

Dương Mãnh, Trần Hiếu nghe vậy cũng ngạc nhiên, nói:

- Châu lão trượng đừng nên quá gấp! Xin hãy trở về trước đi, để chúng tôi hỏi thử xem.

Châu lão đầu không còn cách gì hơn bèn cáo từ trở về. Trần Hiếu nói:

- Dương hiền đệ, chúng ta hãy đi hỏi thăm thử Ðậu Vĩnh Hàng vì sao lại mắc kẹt ở nha môn như vậy? Trước việc này chúng ta đâu có thể làm ngơ! Ðậu Vĩnh Hàng đã nhờ anh em ta giúp đỡ, nếu anh ta có bề gì thì chúng ta có lỗi với Thiết đầu thái tuế Châu Khôn đấy! Tốt hơn hết, anh em chúng ta nên đi tìm Tế Công cầu xin lão nhân gia tính toán giùm.

- Phải đấy!

Dương Mãnh tán đồng rồi cùng thay đổi y phục bước ra khỏi nhà định đi đến chùa Linh Ẩn tìm Tế Ðiên. Ðang đi tới trước, thấy đàng kia đi lại một người đầu đội mũ lông có dải, mặc áo chẽn xanh, lưng thắt dây da to bản, mang khoái hài xanh, da mặt hơi vàng, mày to mắt lớn, râu hùm hàm én. Dương Mãnh, Trần Hiếu nhìn ra chính là đại Ban đầu ở phủ Kinh doanh điện soái. Người này họ Bạch tên Bình. Dương Mãnh, Trần Hiếu hỏi:

- Bạch Ban đầu đi đâu vậy?

- A, té ra là Dương gia, Trần gia, tôi đang muốn kiếm hai vị đây! Hôm nay trong lòng có chút bực bội, ba chúng ta cùng kéo nhau đi uống rượu nhé!

Dương Mãnh, Trần Hiếu nghĩ: “Càng hay! Ðang muốn hỏi thăm tin tức kẹt ở nha môn của Ðậu Vĩnh Hàng có thể hỏi ở Bạch đầu này”. Ba người cùng lên một tửu lầu. Phổ ky dòm lại đều là người quen, mới hỏi:

- Dương gia, Trần gia, Bạch gia, hôm nay sao quý vị gặp nhau một chỗ được như vậy? Ba vị uống rượu nào né?

Bạch Bình nói:

- Chú cứ đem cho ta 100 hồ rượu, thức nhắm thì để chúng ta tuỳ tiện gọi sau.

Trần Hiếu hỏi:

- Bạch đầu này, có chuyện gì mà kêu nhiều dữ vậy? Uống tới đâu kêu tới đó không được sao?

- Tôi xin nói cho hai vị biết, tôi chẳng muốn nói quanh co, hôm nay chúng ta say khướt một bữa rồi đem nỗi bực dọc trong lòng bày tỏ cho các anh này hay.

- Chuyện gì mà bực dọc dữ thế?

- Ôi! Ðừng nhắc nữa! Chúng tôi làm đương sai trong sáu cánh cửa, đại khái có danh phận đôi chút, hai anh cũng đã nghe rồi, chẳng luận là vụ án khó cách mấy chúng tôi bắt tay vào là ra ngay.

- Những việc tài chính đó, chúng tôi đã biết rồi.

Hiện tại vụ án như vầy ở trước mắt tôi mà tôi không thể biện được. Trái lại kêu Mã Hùng, thằng thủ hạ của tôi đi biện án. Ngày xưa Mã Hùng là tiểu phổ ky của thủ hạ tôi, bây giờ nó lại ở trên tôi.

Dương Mãnh, Trần Hiếu hỏi:

- Kêu hắn đi biện án gì?

- Ðó là vụ án ở Bạch Sa Cương, chặn đường cướp bạc, giết chết quan giải lương, thủ phạm là Ðậu Vĩnh Hàng ở ngõ số 4 tại hẻm Thanh Trúc. Tôi không hiểu sao mà kêu Mã Hùng đi biện vụ án này… Khi sự thật phơi bày, Hình đình đại nhân thưởng cho hắn 200 lượng bạc. Vụ án này so ra tôi lép vế hơn hắn rồi đấy.

Dương Mãnh, Trần Hiếu nghe nói Ðậu Vĩnh Hàng mắc phải việc quan như vậy, trong lòng lo lắng, hỏi:

- Sao biết Ðậu Vĩnh Hàng làm việc đó?

- Có Vương Long, Vương Hổ khai ra anh ta.

- Thế thì phải rồi, Bạch đại ca đối với việc này cũng không nên phiền muộn làm chi. Trường giang sóng sau xô sóng trước, bọn mới thay người cũ, huynh trưởng bao năm đã nổi danh rồi, cũng để cho ngườI khác mở mặt mở mày với chớ!

- Bây giờ một hơi cạn sạch bầu rượu nè!

Giây lát, Bạch đầu say mèm nằm gục tại bàn. Dương Mãnh, Trần Hiếu dặn phổ ky:

- Hãy đưa Bạch đầu sang nằm ở một nhã phòng, săn sóc cẩn thận! Chúng ta sẽ trở lại một lát sau.

- Vâng, phổ ky đáp.

Dương Mãnh, Trần Hiếu mới xuống lầu rủ nhau đi tìm Tế Công. Trần Hiếu nói:

- Dương hiều đệ, chú nghe thấy Ðậu Vĩnh Hàng mắc phải việc quan rồi chớ? Theo tôi thấy thì Ðậu hiều đệ quyết không làm việc thương luân bại lý này được. Ðây chắc là mua chuộc bọn cướp khai quáng cho anh ta; còn không biết Ðậu đại nhưng nhưng ai gạt rước đi đâu mất.

- Không gấp chi, tôi có chủ ý.

- Chú có chủ ý gì vậy?

- Chúng ta trở về nhà cắp dao theo đến phủ Kinh doanh điện soái, gặp một người giết một người, gặp hai người giết cả hai, phá ngục cướp lao cứu Ðậu hiền đệ, lại tìm vợ của Ðậu hiền đệ cứu luôn. Chúng ta chiếm một hòn núi lập sơn trại, xưng làm đại vương chẳng ổn lắm sao?

- Chú ăn nói bậy bạ không à! Tại thành Lâm An này, nội quân hộ thành cũng đã mấy mươi người rồi. Một khi chúng ta tạo phản thì ba bước một quan sảnh, năm bước một đồn trại, họ truyền tin nhau, phút chốc quân hộ thành ập đến, hai ta đành chịu trói thôi. Hơn nữa, mỗi chúng ta đều có gia quyến, đâu thể bỏ chạy một mình được.

- Ðem cả gia quyến đi luôn.

- Thôi, chú đừng nói nữa, rủi có quan nhân nào nghe thấy, chưa chi chú bị bắt trước rồi.

Hai người nói đến đó, may mắn trên đường không có ai nghe thấy! Ði tới trước không xa lắm, họ thấy đầu kia đi lại một người, chân bước cao bước thấp, miệng nói lảm nhảm, dáng của người say rượu. Dương Mãnh, Trần Hiếu thấy là người quen. Người ấy nói:

- Dương gia, Trần gia, hai vị hiền đệ đừng đi. Chúng ta vào đây uống rượu nhé!

Hai người gập đầu ưng thuận.

Muốn đi tìm vợ của Ðậu Vĩnh Hàng phải hỏi người này.*

 

- o0o -

 Hồi thứ 151-160 | Mục Lục | Hồi thứ 171-180

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính : Diệu Mỹ
Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-7-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Tây お仏壇 お供え 人生是 旅程 風景 Khánh bテケi vẠhuy Ngủ trưa giúp giảm stress do công ngũ bản năng và lý trí theo quan niệm phật duong thứ đối giả Phật 宗教法人解散認証申請 司法書士提出 テ niết bàn cung thiền định và thần chú quán thế âm Tôi đi tìm bình yên Ai HT hÃƒÆ nh phải có con mắt trạch pháp khi nghe kinh bảo Hương xuân thoang thoảng Xử êm nghi tu trai tim Môn cam 18 tổ già da xá đa gayasata Nên Điện Từ bi tức là Quán Thế Âm Thuốc không hiệu quả trong điều trị Nhận biết tình trạng sức khỏe qua làn giảm cân chay tâm linh dưới cái nhìn của phật giáo huế du già Thịt nguyện thong diep dau tien cua dao phat Tìm một giải pháp Phật giáocho thời Ngài Gyalwang Drukpa Hãy chuyển hóa oán