Truyện Phật Giáo - Ký sự Hành Hương Đất Phật.

 

...... ... .

 

Ký sự Hành Hương Đất Phật

Trần Trọng Thức

 

Mục Lục

Lang thang thánh địa Bodhgaya

Ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật

Varnasi, thành phố cổ ngàn năm bên bờ sông Hằng

Câu-Thi -Na nơi chốn bình yên

Lâm Tì Ni, thánh địa hồi sinh.

Dưới chân Hy Mã Lạp Sơn

 

 

 

Lang thang thánh địa BODHGAYA

Tuy chỉ là một nhưng Gaya lại được biết đến nhiều hơn thủ phủ Pantna của bang Bihar (phía Ðông Bắc Ấn Ðộ). Hồi đầu năm 2003, Gaya đã có sân bay quốc tế nhằm mục đích thu hút số du khách ngày càng nhiều đến chiêm bái 3 thánh địa Phật giáo, nhưng do tuyến đường mới đưa vào hoạt động, hành khách chứ đông nên giá vé rất đắt và hàng tuần Hãng hàng không Ấn Ðộ chỉ có một chuyến bay từ Bangkok đến đây.

Bodh Gaya (tức Bồ Ðề Ðạo Tràng) nằm cách phố cổ Gaya khoảng 12 cây số về phía bắc và cách thủ phủ Panta 106 km. Ðây là một thị trấn nhỏ khá nhộn nhịp với các khách sạn và nhà hàng của nhiều nước, có cả ngân hàng và trụ sở bưu điện. Nhìn bề ngoài thì Bodh Gaya là một nơi thị tứ đang phát triến với san sát những cửa hàng dịch vụ Internet và văn phòng các Công ty du lịch nội địa. Trên những cẩm nang du lịch của Ấn Ðộ, Bodh Gaya được giới thiệu một cách trang trọng vì là Thánh địa Phật giáo lớn nhất thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ là khách hành hương châu Á mà còn có rất đông người AÂu tìm về những giá trị tinh thần phương Ðông.

Nếu điều kiện thời tiết không quá khắc nghiệt thì Bodh Gaya hẳn đã góp phần đáng kể đưa bang Bihar ra khỏi vị trí đèn đỏ nghèo đói ở Ấn Ðộ. Hàng năm từ tháng 3 đến tháng 7 là mùa náng cháy da, nhiệt độ có khi lên đến 40-45 độ C rồi tiếp theo là mấy tháng mưa tầm tã, do đó hoạt động du lịch chỉ nở rộ từ tháng 10 đến tháng 2, mặc dù mùa đông nơi đây đây cũng khá khắc nghiệt, có khi thời tiết đột ngột xuống đến 2 hoặc 3 độ C.

Cuối tháng 1 năm 2003 vừa qua, tức khoảng một tuần trước ngày chúng tôi đến đây, chính quyền bang Bihar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì thời tiết trở lạnh đột biến đã cướp đi sinh mạng hơn cả ngàn người nghèo khổ không đủ điều kiện và sức khỏe chịu đựng giá lạnh.

May mắn thay vào đầu tháng 2 thời tiết trở nên dễ chịu hơn. Cảm giác đầu tiên là môi trường nơi đây không được trong sạch lắm, hậu quả của sự có mặt khoảng vài trăm ngàn khách hành hương - trong đó đông nhất là các nhà sư Tây Tạng - tề tựu về Bodh Gaya nhân mùa lễ hội hai tuần lễ trước đó.

Bồ Ðề Ðạo Tràng hôm nay.

Thánh địa Bồ Ðề Ðạo Tràng mà tôi háo hức tìm đến ngày hôm nay là một địa danh có bề dày lịch sử vô cùng phong phú. Ðây là một thể không gian rộng lớn ghi dấu những nơi Ðức Phật đã trải qua từ khi quyết định từ bỏ phương pháp tu khổ hạnh đến khi giác ngộ chân lý dưới gốc cây bồ đề.

Các di tích quan trọng vẫn còn tồn tại hiện nay gồm tháp Ðại Giác, cội Bồ đề, Kim cương tỏa, sông Ni Liên Thuyền, một số di tích liên quan đến bảy tuần thất của Ðức Phật sau khi giác ngộ cùng vô số những tháp nhỏ quanh tháp Ðại Giác. Ða số những di tích mang nét chạm trổ nghệ thuật có thể từ những năm của thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch tập trung vào hai chủ đề tôn giáo và thiên văn.

Tiến sĩ D.C. Ahir, nhà nghiên cứu người Ấn khi nhìn lại lịch sử Bồ Ðề Ðạo Tràng đã cho biết: “Vào năm 259 trước Tây Lịch, Ðại đế A Dục (Ashoka) đến làm lễ ở Bodh Gaya và sau đó nơi đây đã thu hút hàng triệu tín đồ trở về chiêm bái không ngừng nghỉ suốt hơn 1.500 năm. Vị vua này đã cho xây dựng ngôi đền thờ đầu tiên tại Thánh địa trong những nam 250 trước Tây lịch mà những bản khắc được phát hiện sau này cho thấy dấu vết cội bồ đề nơi Ðức Phật ngồi thiền định và được khai minh, xung quanh cội bồ đề là một vòng rào với cửa ra vào ở phía Ðông. Ngôi tháp Ðại Giác hùng vĩ đã được xây dựng vào thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch trên nền tháp cũ của ngôi tháp vua A Dục đã xây. Niên đại ngôi của tháp được xác định nhờ những đồng tiền vàng trong số các di vật được chôn theo”.

Tất cả những di tích được đề cập trên đây hiện nay vẫn tồn tại sau bao nhiêu lần bị đập phá rồi trùng tu dưới nhiều triều vua khác nhau ở Ấn Ðộ. Nổi bật trong quần thể thánh tích này là ngôi tháp Ðại Giác vừa được UNESCO chính thức thừa nhận là di sản của nhân loại hồi tháng 6 năm 2002. Ðây là ngôi tháp hình chóp nhọn đứng sừng sững với chiều cao 52 mét, mỗi cạnh vuông 15 mét. Bốn mặt tháp được khác chạm tinh vi theo kiến trúc cổ Ấn Ðộ. Bên trong tháp là tượng Phật Thích Ca bằng đá mạ vàng cao khoảng 2 mét được tạc vào khoảng năm 380 sau Tây lịch với nét mặt thanh thản và dáng ngồi hướng về phía Ðông giống y tư thế khi tựa bên cội bồ đề năm xưa và đắc đạo.

Các tài liệu được phát hiện sau này cho thấy vào năm 600 vua Brahmin của xứ Bengal, một người kỳ thị đạo Phật đã đốt phá tháp và hủy hoại cội bồ đề nguyên thủy nơi Ðức Phật đã ngồi thiền định phía sau tháp. Rồi 20 năm sau, Raja Purna Varma, một vị vua mộ đạo Phật đã cho phục sinh lại cây bồ đề con mọc lên từ gốc cây bồ đề bị đốt cháy trước đó, kiến tạo lại tháp và xây tường rào cao 7 mét để bảo vệ. Từ đó vè sau thánh địa nay còn phải trải qua không biết bao nhiêu lần bị người Hồi giáo và Ấn Ðộ giáo tàn phá để rồi cuối cùng suy tàn cùng với Phật giáo tại đây vào thế kỷ 13.

Vào năm 1811, Tiến sĩ Buchanan Hamilton, một nhà khảo cổ học người Anh đến viếng Bồ Ðề Ðạo Tràng đã phát hiện ra tháp Ðại Giác trong tình trạng hoàn toàn đổ nát. May thay vào năm 1871 nhà khảo cổ nổi tiếng khác là Cunningham đã vận động trùng tu làm sống lại thánh địa này và từ đó Bodh Gaya được đặt dưới quyền điều hành của người Ấn Ðộ giáo. Nhà khảo cổ này cũng là người đã trồng lại cây bồ đề được chiết ra từ nhánh của cây nguyên thủy. Ðây chính là cội bồ đề mà khách hành hương được chiêm ngưỡng ngay nay.

Năm 1994 khi Ấn Ðộ giành được độc lập từ tay người Anh, chính quyền bang Bihar mới ban hành một đạo luật quản lý Bồ Ðề Ðạo Tràng. Ðến năm 1952 Chính phủ Ấn Ðộ chính thức thành lập một Ủy ban quản trị để điều hành và gìn giữ các di sản gồm 8 thành viên (4 tăng sĩ Phật giáo, 4 tăng sĩ Ấn Ðộ giáo) do Quận trưởng Gaya làm Chủ tịch, từ đó chấm dứt những tranh chấp về Thánh địa này để nơi đây trở thành một trung tâm Phật giáo thế giới.

Một “Liên hiệp quốc” Phật giáo.

Hiện nay tại Bodh Gaya đã có rất nhiều ngôi chùa - hầu hết tập trung trong khu vực gần tháp Ðại giác - của các quốc gia và lãnh thổ như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Bhutan, Népal, Tây Tạng, Ðài Loan, Sri-LanKa...

Ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật cũng đã được xây dựng tại đây từ năm 1987 và vừa mới khánh thành vào đầu năm 2003. Chùa tọa lạc trên một khuôn viên 3 hecta cách tháp Ðại Giác hơn 2 cây số, đây cũng là nơi chúng tôi đến đãnh lễ tượng Phật bằng đá trắng của người Nhật xây dựng tại đây - với kinh phí lên cả triệu USD - có tên là Ðại Phật (The Great Buddha Statue) có chiều cao hơn 20 mét, với hai dãy tượng hai bên tạc mười đại đệ tử của Ðức Phật có kích thước cao bằng người thật.

Tại Bồ Ðề Ðạo Tràng có đến hai ngôi chùa Nhật Bản, một ngôi “Nhật Bản Tự” (Nippoji) xây dựng vào năm 1973 và ngôi thứ hai có bảng tên bằng chữ Hán “Thích Ca Ðường” được xây dựng và trang trí theo phong cách trang nhã của truyền thống Nhật Bản, hoàn thành vào năm 1983.

Phật giáo Tây Tạng có nhiều trường phái khác nhau và ngôi chùa tại Bồ Ðề Ðạo Tràng thộc phái Kagyu mà theo lời kể của nhiều người đây là cúng dường của một ông vua dầu hỏa Trung Ðông đã bỏ ra gần hai triệu đô la Mỹ để tạ ơn vị sư Tây Tặng đã chữa căn bệnh nan y cho mình.

Hoàng gia Thái Lan thì xây dựng ngôi chùa đồ sộ vào năm 1957 với mái cong vút được mạ vàng óng ánh trong một khuôn viên rộng lớn, tại chánh điện có tượng Phật khổng lồ bằng vàng rất gây ấn tượng.

Chùa Trung Quốc tại Bồ Ðề Ðạo Tràng khá khiêm tốn so với các chùa khác, có lẽ ảnh hưởng về mối bang giao không hữu hảo lắm giữa hai nước. sau đó chúng tôi lần lượt thăm viếng chùa Ðài Loan, Miến Ðiện, Sri LanKa, Bhutan..., mỗi chùa mang một vẻ đẹp riêng với lối kiến trúc đặc thù theo truyền thống Phật giáo của mỗi nước.

Lang thang trên Thánh địa

Từ Việt Nam Phật Quốc Tự nếu đi bộ đến khu vực chính của Bồ Ðề Ðạo Tràng nơi có tháp Ðại Giác chỉ mất khoảng không đầy nửa tiếng đồng hồ. Nhưng nếu không quen với thú vui rảo chân thì những chiếc xe lôi (tiếng địa phương gọi là rishaw) ngồi được hai người là phương tiện dễ chịu nhất với giá rất mềm là 10 rupi (khoảng 3.000 đồng VN). Xe lôi tại đây có phần văn minh hơn tại Kolkata vài sử dụng xe đạp chứ không bằng sức người.

Khu vực trung tâm rất sầm uất thu hút tất cả du khách từ nhiều nước hội tụ về mà nhiều nhất là người châu Á. Hai bên đường là những quầy hàng san sát bán đủ các vật kỷ niệm liên quan đến Phật giáo mà nhiều nhất là tượng Phật và tràng hạt.

Một đặc điểm biệt là tại đây có vô số người ăn xin và chúng tôi đã được ân cần dặn dò không nên cho tiền họ nếu không muốn rước họa vào thân. Nghe nói có lần một du khách nước ngoài đến đây hào phóng biếu khoản tiền khá lớn cho người hành khất đầu tiên mà ông gặp trên đường, thế là chỉ năm phút sau một đội quân “cái bang” nườm nượp xúm vây quanh khiến ông hốt hoảng tưởng sắp bị trấn lột!

Vượt qua một chiếc cổng được dựng tạm nhân mùa chiêm bái của các nhà sư Tây Tạng, chúng tôi bước một khu chợ trời đúng nghĩa với đủ thứ đồ dùng được bày bán trên những tấm ny lông: đồ trang sức bằng đồng và bằng đá, áo quần đủ màu sắc của các dân tộc vùng cao. Góp phần làm nên sự ồn ào náo nhiệt của khu chợ trời này là hàng ngàn nhà sư Tây Tạng thuộc nhiều hệ phái với bộ cà sa màu nâu đỏ và màu vàng rực. Mỗi ngày hai buổi họ đến đây hàng hàng lớp lớp ngồi bên ngoài bức tường đá bao quanh tháp Ðại Giác tụng kinh đều đều theo nghi thức riêng đầy chất huyền bí.

Vượt qua cổng chính, mọi người phải gửi lại giày dép bên ngoài có nhận thẻ hẳn hoi và đóng lệ phí cho máy ảnh và máy quay phim. Nơi đầu tiên chúng tôi đến đảnh lễ là bên trong tháp Ðại Giác, nơi có tượng Phật thếp vàng với nét mặt cực kỳ thanh tịnh và đầy chật những khách hành hương đang thành kính lễ bái.

Trở ra ngoài, chúng tôi bồi hồi hòa vào dòng người đi tới cội bồ đề linh thiêng được bao bọc bởi một vòng tường đá, bên ngoài có dấu chân Phật in trên phiến đá đen và chung quanh là vô số phướn của Phật tử Tây Tạng treo la liệt. Ngay dưới chân cây bồ đề cao vút là phiến đá phủ tấm lụa đỏ được gọi là Kim Cương Tòa, đánh dấu nới Ðức Phật ngồi thiền và đạt giác ngộ.

Người ta tin rằng thiền hành quanh tháp Ðại Giác bảy vòng theo chiều kim đồng hồ không chỉ nhằm mục đích cho thân tâm an lạc mà còn là lời cầu nguyện phước may đến với mình. Bên phải tháp Ðại Giác - từ cổng chính nhìn vào - là bức tượng Quán Thế AÂm Bồ Tát tạc theo truyền thống Tây Tạng vốn là nam giới và tương truyền rất linh thiêng. Chúng tôi được hướng dẫn thành kính chắp tay khép mắt hướng tượng mà đi thẳng đến, nếu đụng ngay chân tượng thì ước nguyện sẽ thành. (Nhờ vậy chúng tôi vỡ lẽ một điều vẫn thắc mắc từ hôm đầu đến đây khi cố tìm mua đem về làm quà mà không hề thấy một tượng Phật Bà Quan AÂm nào như ở trong nước).

Trong 5 hôm lưu lại Bồ Ðề Ðạo Tràng, hàng ngày chúng tôi đều đến ngồi cạnh cây bồ đề lịch sử vì bị cuốn hút bởi bầu không khí nhuộm màu tâm linh ở nơi này khiến cho tâm hồn trở nên thanh thản yên bình, trí não nhẹ nhàng như không còn vướng bận điều gì trên đời. Chúng tôi ngồi lặng yên giờ này qua giờ khác ngắm hàng hàng lớp lớp các đoàn khách hành hương lần lượt đến quỳ cạnh gốc cây bồ đề lâm râm khấn nguyện bằng đủ mọi ngôn ngữ khác nhau nhưng lai giống nhau ở cách thể hiện sự thành kính cao độ.

Một cơn gió thoảng qua, vài lá bồ đề rơi rụng cũng là lúc một số người đang thiền hành chung quanh tháp tạm rời bỏ sự tĩnh tâm trong giây phút để hối hả lao tới giành lấy với niềm tin đó là phước lành của đất Phật ban cho. Chúng tôi may mắn nhặt được 5 chiếc lá mang về làm kỷ niệm chuyến hành hương đáng nhớ này.

Một người đàn ông phương Tây ăn mặc theo lối đạo sĩ với búi tóc trên đỉnh đầu ngồi thiền định đã mấy ngày qua và chỉ rời cây bồ đề vào lúc giữa trưa. Với những người khách phương xa như chúng tôi thì đây cũng là lúc đi tìm một nhà hàng để tận hưởng chút hương vị ẩm thực của địa phương. Bodh Gaya không có nhiều nhà hàng bán theo thực đơn Tây phương mà nếu có cũng rất hạn chế về thực phẩm bởi thịt heo, thịt bò và bia không được bán tại vùng này. Phổ biến là các loại thức ăn nấu theo khẩu vị của người Ấn mà nếu không quen thì con như tiền mất mà bụng vẫn đói.

Cách hay nhất là quay về Việt Nam Phật Quốc Tự, nơi có mâm cơm chay đơn giản nhưng gần gũi với khẩu vị quê nhà đang chờ đợi chúng tôi.

 

 

Ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật

 

Việt Nam Phật Quốc Tự là một ngôi chùa đẹp tại Bồ Ðề Ðạo Tràng. Trong thời gian lưu lại Bodh Gaya, khi đã mệt mỏi sau một ngày lang tháng khắp khu vực trung tâm thánh địa này, chúng tôi trở về ngôi chùa Việt Nam với tâm trạng về lại nơi chốn bình yên gần gũi với mình. Việt Nam Phật Quốc Tự tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 3 hecta, giữa những khu ruộng đất bao la cách tháp Ðại giác và khu vực chùa các nước hơn 2 cây số về phía Tây Nam, tách biệt với khu thị tứ ồn ào. Từ ngoài lộ chính dẫn vào chùa là đường đất y hệt như con đường quê, với bóng cây đầu làng rợp mát và một cây cổ thụ xanh tươi trước chùa, cạnh cổng tam quan.

Người quét chùa kiêm làm vườn.

Người khéo chọn nơi đây để xây chùa là Thượng tọa Thích Huyền Diệu, nhà sư trụ trì đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Népal. Tu sĩ Phật giáo 60 tuổi đời này trông nho nhã, có nụ cười dễ mến và luôn luôn tự nhận mình là “người quét chùa kiêm làm vườn”, một danh xưng mà ông yêu thích và tâm đắc.

Ông khiêm tốn khi nói về mình và những gì chúng tôi biết về ông chỉ là những nét chấm phá trong một con người trải qua nhiều nỗi truân chuyên. Quê ở Bến Tre, tên thật là Lâm Trung Quốc, được nương náu cửa chùa từ nhỏ, ông tham gia phong trào Phật giáo chống chế độ Diệm hồi những năm đầu thập niên 60. Trong vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Ðức tại Sài Gòn năm 1963, ông có mặt trong những tu sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ. Cái giá phải trả sau đó là bị chính quyền trục xuất. Sang Pháp vừa làm việc để kiếm sống vừa theo học tại Trường đại học Sorbonne ở Paris, ông tốt nghiệp Tiến sĩ Sử học và trở thành giáo sư đại học ở nhiều nước. Khi còn đang ngồi ghế nhà trường, ông từng hướng dẫn những chuyến du lịch hành hương lần theo con đường của Ðức Thích Ca ngày xưa khi rời bỏ kinh thành cho đến lúc đắc đạo.

Ðặt chân đến Bồ Ðề Ðạo Tràng lần đầu tiên vào năm 1967, lòng ông dâng lên niềm xúc cảm vô hạn. Vùng đất thiêng liêng này sau mấy thế kỷ bị những biến cố cực đoan hủy diệt gần hết những di sản quý báu nay đang được nhiều nước - đặc biệt là các nước châu Á - góp sức phục hồi nhằm gìn giữ những di sản vô giá của nhân loại. Thế mà Việt Nam, một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời không thua kém các nước lại không có một ngôi chùa trên quê hương của Phật.

Kể từ đó trong lòng ông chỉ có một nguyện vọng tha thiết là xây dựng một ngôi chùa tại Bodh Gaya để những người Việt mỗi khi đến chiêm bái thánh địa này có nơi trang nghiêm thanh tịnh dừng chân trú ngụ. Mặt khác ông cũng muốn giới thiệu giá trị văn hóa Việt Nam cho cộng đồng Phật giáo các nước tại đây. Niềm mơ ước đó giúp ông bền chí vượt qua những năm tháng cực kỳ khó khăn để biến ước mơ thành hiện thực. Cuối cùng ông mua được miếng đất và lễ đặt viên đá đầu tiên cho ngôi chùa đã diễn ra vào ngày 24.05.1987.

Việt Nam Phật Quốc Tự được hình thành bàng những khoản tiền dạy học của Thầy Huyền Diệu cùng với sự ủng hộ đóng góp của đồng bào và Phật tử khắp nơi trên thế giới. Chùa các nước tập trung ở khu vực trung tâm Thánh địa đều to lớn uy nghi với dáng dấp những đền đài như muốn biểu dương sức mạnh. Riêng chùa Việt Nam do điều kiện tài chính hạn chế nên xây dựng không to nhưng lại là ngôi chùa cao nhất ở Bodh Gaya. Ðứng trên tầng ba của Chánh điện có thể nhìn bao quát được cả một quần thể không gian mà dưới tầm mắt là những ngôi chùa các nước khác.

Vị tu sĩ lại quan niệm rằng một đất nước muốn được hưng thịnh và tiến bộ thì tất cả mọi công dân đều phải đặt Tổ quốc và quyền lợi Tổ quốc lên hàng đầu. Có Tổ quốc rồi mới có Phật giáo và sau hết mới đến ngôi chùa: đó chính là ý nghĩa của tên gọi được đặt cho ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật: Việt Nam Phật Quốc Tự.

Sau hơn 15 năm trời đằng đẵng xây dựng, trải qua mọi gian lao khổ cực, bao nhiêu lượt người đến rồi đi, đầu năm 2003 vừa qua lễ khánh thành chùa được tiến hành trong niềm vui lớn lao của tăng ni Phật tử nói chung v à người Việt Nam nói riêng. Từ nay ngôi chùa mang tên Việt Nam chính thức góp mặt ở vùng linh địa Bodh Gaya.

Tham dự ngày vui này có đông đảo đại diện các tổ chức Phật giáo bạn tại Bồ Ðề Ðạo Tràng như Nhật Bản, Myanmar, Trung Quốc, Tây Tạng, Népal, Thái Lan, Sri Lanka... Ðặc biệt đoàn Phật giáo Hàn Quốc đến dự lễ bằng một máy bay riêng và lưu lại tại khách sạn 5 sao Nikko để khỏi phiền đến nhà chùa đang bị quá tải với số lượng gần 400 khách đổ về. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các hòa thượng, đại đức, tăng ni trong nước và hải ngoại, có cả nghiên cứu sinh và sinh viên người Việt đang du học tại Ấn Ðộ và Phật tử Việt Nam từ mọi nơi trên thế giới. Phật tử trong nước - nhiều nhất là đồng bào các tỉnh phía Bắc - tề tựu về đây như một chuyến hành hương chiêm bái đất Phật.

Riêng Thầy Huyền Diệu thì như trẻ lại 20 tuổi vì đã thực hiện xong tâm nguyện.

Êm ả một ngôi chùa làng.

Từ cổng chính đi vào, hiện ra trước mặt chúng tôi là một công trình được xây dựng kiên cố với hai mái cong vươn cao giữa những tàng cây mang đầy đủ nét kiến trúc truyền thống Việt Nam. Ðây là nơi uy nghi nhất trong khuôn viên chùa, cao 24 mét gồm ba tầng.

Tầng trệt là Pháp xá có đủ chỗ cho 30 vị khách tăng lưu lại mỗi khi đến chiêm bái thánh địa. Tầng thứ hai dùng để trưng bày kinh sách, pháp khí trong và ngoài nước. tầng thứ ba là nơi thờ Tam Thế Phật cùng chư vị Bồ Tát.

Ðiểm độc đáo của Việt Nam Phật Quốc Tự là hậu tổ phía sau chánh điện có bàn thờ tưởng niệm anh linh các vị anh hùng Tổ quốc Việt Nam.

Vào thời điểm chùa đang xây dựng một số thân hữu trong các tổ chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc muốn tặng chùa Việt Nam quả Ðại Hồng Chung, thế nhưng Thầy Huyền Diệu đã từ chối. Trong suy nghĩ của ông chiếc chuông của ngôi chùa Việt Nam phải được đúc từ Việt Nam, bằng đồng của Việt Nam và do chính những người thợ Việt Nam thực hiện. Ông nói: một cái chuông được làm từ trong nước như vậy đem qua Ấn Ðộ đánh lên mới thật linh th iêng và có ý nghĩa. Thế là trong lần đầu tiên về nước sau hơn ba chục năm xa cách, ông tìm đến Long Thành gặp một người thợ gốc Phường Ðúc ở Huế để đặt làm chiếc chuông. Hiện nay nhà chùa đã có Ðại Hồng Chung nặng 2 tấn rưỡi, đường kính 1.5 mét dài 1.5 mét, cả hai đều mang đậm nét văn hóa đặc thù của Việt Nam. Thật không sao diễn tả hết nỗi xúc cảm lớn lao của nhà chùa trong ngày đón hai quả chuông mang tên Chuông Hòa Bình trải qua cuộc hành trình vạn dặm đến với ngôi chùa Việt Nam tại đất Phật.

Các tượng Phật của Việt Nam Phật Quốc Tự cũng là câu chuyện dài. Ðầu tiên chùa có các tượng Phật bằng xi măng cốt sắt làm tại Thành phố Hồ Chí Minh mang sang. Mẫu mã các tượng giống như hầu hết các ngôi chùa ở miền Nam với nét mặt mang đường nét hao hao giống người Ấn Ðộ. Sau đó một số Phật tử sang chiêm bái đất Phật đã đề nghị nhà chùa nên cho tạc tượng bằng gỗ sơn son thếp vàng giống như những bức tượng ở các ngôi chùa miền Trung và miền Bắc, dù trải qua hàng ngàn năm vẫn giữ nguyên dáng vẻ oai nghiêm. Thầy Huyền Diệu rất tâm đắc với ý kiến này và thế là hiện nay ngôi chùa đã có được các tượng Phật gương mặt rất Việt Nam, do chính đôi tay của các nghệ nhân Việt Nam ở miền Bắc tạc nên.

Trong khi đang tiến hành việc tạc tượng Phật thì có người lại bàn: ngôi chùa được xây dựng rất đẹp nhưng các cánh cửa lại quá đơn giản, chỉ làm bằng gỗ thường lại không có hoa văn trang trí. Thế rồi họ đặt các nghệ nhân Hà Nội làm một bộ cửa bằng gỗ lim với những hoa văn trang trí thật sắc sảo đầy tính nghệ thuật truyền thống. Ðây là niềm tự hào của nhà chùa và Thầy Huyền Diệu luôn tin tưởng rằng tất cả những điều này được thực hiện là do sự sắp đặt của hồn thiêng sông núi.

Ngôi chùa này có nhiều cây cao bóng mát, không gian yên tĩnh cùng với tiếng chim hót líu lo rất thích hợp cho việc tu tập và thiền định. Bên trong chùa, dọc theo những con đường nhỏ quanh co uốn lượn là các loại cây ăn quả của vùng nhiệt đới rất quen thuộc với người Việt như vải, mít, táo, cam, chanh, bưởi, xoài (gồm 30 loại khác nhau), ổi xá lị (có đến 12 loại) cùng nhiều loại cây trái khác.

Phía trước chánh điện và hai dãy phòng Pháp Xá, chùa có trồng nhiều loại hoa kiểng được mang giống từ quê nhà sang như đào, mai vàng, mai chiếu thủy, la, sứ, thiên lý... cùng các loại cây kiểng: tùng, trắc bá diệp, sao, thông, tre, tầm vông, trúc, cau, phượng vĩ, điệp tây... Mặc dù cây kiểng, hoa quả đã được trồng khá nhiều trong khuôn viên nhưng mỗi lần có ai về thăm quê hương hoặc các Phật tử các nơi sang đây Thầy Huyền Diệu đều nhờ mang thêm nhiều loại khác để giúp cho cây cảnh của chùa trở nên phong phú. Khách hành hương đến đây sẽ cảm nhận được phần nào về thiên nhiên Việt Nam trên mảnh đất trù phú của xứ Ấn Ðộ.

Thầy không chỉ mơ ước tạo cảnh thiên nhiên thuần túy cho chùa và môi sinh mà còn hướng đến việc duy trì lịch sử Phật giáo qua những cây cỏ có liên quan đến đời sống của Ðức Phật ngày xưa như cây Sê-sam, Long hoa (Nagarsana), cỏ Cát tường, cây Diêm phù đề, cây Vô ưu, cây Sala, cây Nimpa... được chăm sóc cẩn thận như giữ một di sản.

Hiện nay chùa đã hoàn thành xong phần cơ bản, chỉ còn một số công trình nhỏ đang được tiếp tục thực hiện như Quan Âm đài có cấu trúc giống chùa Một Cột nhằm giới thiệu văn hóa Phật giáo Việt Nam cho các nước Phật giáo bạn và tháp Vạn Phật để thờ Xá Lợi Phật và 10.000 vị Phật. Sau khi hoàn tất hai công trình này nhà chùa sẽ tiếp tục xây dựng gác chuông và gác trống.

Thời điểm chúng tôi đến đây trong ngôi chùa rộng mênh mông chỉ vỏn vẹn có vài người, ngoài Thầy trụ trì còn có một sư cô là Việt kiều sinh sống tại Mỹ sang làm công quả và phụ trách cơm nước cho chùa. Nhân vật đặc biệt khác là Jean Paul, một người Pháp tuổi trung niên vốn là chủ nhà hàng, do chuyện buồn trong gia đình mà bán hết cả cơ nghiệp rồi kể từ đó anh lên đường lang thang du lịch cùng trời cuối đất. Việt Nam Phật Quốc Tự là nơi anh dừng chân làm công quả từ gần một năm nay, suốt ngày trông coi nhóm thợ người bản xứ xây dựng một số công trình dở dang của chùa. Sáng sớm cũng như buổi tối anh đều đặn lên chánh điện tụng niệm. Tuy không biết đọc kinh nhưng anh vẫn ê a với tất cả lòng thành hệt như một Phật tử thuần thành.

Ðã có không ít người trong nước ghé chùa lưu lại nhiều ngày trong những chuyến hành hương chiêm bái đất Phật. Tuy chùa không có được phòng ốc đầy đủ tiện nghi như khách sạn, không có những bữa cơm thịnh soạn như những nhà hàng nhưng lại là nơi ấm áp tình nghĩa quê hương. Quà tặng ở đây thường chỉ là chiếc lá bồ đề mà thầy trò của chàu chịu khó thức dậy thật sớm đến tháp Ðại giác lượm đem về. Ấy vậy mà không phải lúc nào cũng có sẵn, nhiều người phải chờ đợi mấy tháng trời mới nhận được quà tặng tâm linh này từ ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật.

 

VARANASI

Ngồi trên băng đá giữa vườn cây xanh mát của ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, chúng tôi hỏi thuê một chiếc xe sáu chỗ ngồi khởi hành từ Bồ Ðề Ðạo Tràng đi viếng các thánh địa khác cũng tại bang Bihar rồi thẳng qua biên giới Ấn Ðộ - Népal. Chủ xe là Raju Kumar người Ấn vui tính và nói thạo tiếng Anh. Trong mấy ngày trên đất Ấn, chúng tôi được dặn dò phải luôn luôn mặc cả mỗi khi di chuyển, hay mua sắm vì người địa phương có thói quen nói thách với khách du lịch, đặc biệt tài xế đều xin thêm chút ít tiền khi đến nơi dù trước đó đã thỏa thuận giá cả. Lần này cũng vậy, Kumar ra giá 8.000 rupi cho chuyến đi bốn ngày dài hơn 600 cây số và mô tả đủ thứ vất vả trên đường. Sau hồi lâu, hai bên thỏa thuận với giá 6.000 rupi (tương đương 130 USD).

Năm giờ sáng hôm sau, chiếc xe pick-up hiệu Omi do Ấn Ðộ và Nhật hợp tác sản xuất đã có mặt trước cổng chùa. Ngày đầu tiên chúng tôi sẽ phải vượt qua con đường dài 260 cây số đến thành phố Varanasi, nơi tạm dừng chân để viếng Thánh địa Sarnath ở ngoại vi thành phố này. Kutmar cho biết phải khởi hành thật sớm và nếu không gặp trở ngại dọc đường thì có thể đến nơi vào buổi trưa.

Quả thật trên đường đi xe thường xuyên bị kẹt mỗi khi qua các thị trấn đông đúc. Hầu hết các xe chuyên chở công cộng Ấn Ðộ đều có đặt tượng thần với vòng hoa ở phía trước tay lái, đó vừa là đức tin của tài xế đồng thời cũng là cách tạo cảm giác yên lòng cho người ngồi trên xe đỡ phải căng thẳng vì thói quen chạy bạt mạng của các bác tài xứ Ấn. Xe đang chạy ngon trớn bổng thắng gấp vì một con mèo chạy ngang. Tài xế lập tức ngừng xe tắt máy, rồi lát sau cho nổ máy lại tiếp tục lên đường: hóa ra đó là cách “xả xui”, coi như bắt đầu một chuyến đi khác!

Một thoáng Varanasi

Chúng tôi đến Varanasi - mà nhiều người Việt Nam thường nghe nói đến với cái tên Ba la Nại - vào xế chiều. Ðây là một thành phố cổ được xây dựng từ 3.000 năm trước Công nguyên năm bên bờ sông Hằng và được xem là vùng đất thiêng liêng nhất của Ấn Ðộ giáo. Chính vì thế, nhiều người Ấn làm ăn giàu có nơi đất khách nhưng khi qua đời vẫn được con cháu mang về thiêu xác tại đây. Trong nước thì tín đồ Ấn Ðộ giáo đổ về hành hương bằng mọi phương tiện, thậm chí lội bộ, có cả những người già đến đây sống những ngày cuối đời mình với niềm tin rằng ai vĩnh biệt cõi đời tại vùng đất thánh này sẽ thoát khỏi vòng luân hồi.

Trong cuốn sách viết về hành hương đất Phật xuất bản năm 1997, tác giả Brij Tankha đã giới thiệu Varanasi từng là một thành phố thương mại quan trọng và là trung tâm về tư tưởng học thuật. Thành phố này cũng là nơi ghi lại nhiều dấu ấn liên quan đến cuộc đời Ðức Phật. Một trong những giai thoại là khi chuẩn bị tổ chức đám cưới cho Thái tử Tất Ðạt Ða, vua cha Tịnh Phạn đã sai người đến đây mua lụa về may y phục cho cô dâu. Varanasi là thành phố nổi tiếng về tơ lụa của Ấn Ðộ, một mặt hàng từ thời xa xưa đã được bán đi khắp thế giới. Trong một cuộc đấu xảo, các nghệ nhân Varanasi đã làm cho mọi người phải thán phục khi đưa chiếc sari rất dài của phụ nữ Ấn được xếp vừa trong một hộp thuốc lá hoặc nằm gọn trong lòng bàn tay! Ngày nay trên khắp phố phường tại đây, đầy dẫy các cửa hàng trưng bày rực rỡ với sản phẩm chính là tơ lụa. Mặt hàng đặc sắc khác là các loại gia vị nổi tiếng của người Ấn được bày bán trong các cửa hàng nhỏ n ồng nặc đủ thứ mùi quyện lẫn với mùi hương trầm quen thuộc.

Trong quyển ký sự của mình, ngài Huyền Trang - tức Ðường Tăng - đã mô tả thành phố Ba La Nại khi dừng chân tại đây vào thế kỷ thứ 7: “dân cư đông đúc, cây cối tốt tươi, ruộng nương sung túc, đền thờ Bà La Môn rất nhiều với nghệ thuật điêu khắc và sơn phết vô cùng tráng lệ”. Bức tượng Phật ngồi thuyết pháp với dáng vẽ hiền hòa và trang nghiêm mà ông từng chiêm ngưỡng nay hãy còn và được trưng bày trong viện bảo tàng tại Sarnath. Krishnamurti, vị đại sư Ấn Ðộ lừng danh thế giới, cũng đã chọn thành phố này làm nơi thuyết giảng trong những năm cuối đời. Còn nhà văn nổi tiếng người Mỹ Mark Twain (1835-1910), khi dừng chân tại đây trong một chuyến đi vòng quanh thế giới, đã ca tụng rằng Varanasi vượt qua cả chiều dài lịch sử, lâu đời hơn truyền thống, xa xưa và huyền thoại về bề dày văn hóa của nó bao gồm tất cả những điều vừa nói.

Là đô thị 5.000 năm, Varanasi vẫn còn nhiều con đường hẻm chật hẹp chỉ vừa cho một người đi dọc ngang giữa các khu phố cổ, ngày nay được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Kiến trúc cổ gây ấn tượng đậm nét là những đền đài xây dựng bằng đá trên bờ sông Hằng dọc theo các bến mà người Ấn gọi là Ghat. Quần thể kiến trúc ấy mang đến cho du khách một hòai niệm sâu sắc, tưởng chừng như thời gian đang quay ngược lại hàng ngàn năm.

Chiếc Omi vất vả len lỏi trên những đường phố chật hẹp giữa dòng xe cộ như mắc cửi, vượt qua những chiếc xe thồ chở những cô gái Ấn Ðộ trẻ đẹp mặc AÂu phục, những phụ nữ Hồi giáo với y phục truyền thống một màu đen trùm kín mặt. Xe đưa chúng tôi về một khách sạn trung bình ở khu trung tâm nhưng có cái tên rất kêu “Vijay International” phòng ốc tươm tất với giá khá rẽ chỉ 250 rupi (khoảng 5 USD) một ngày.

Khu trung tâm thương mại sầm uất của Varanasi nằm cách bến sông không xa, đông đúc người mua kẻ bán từ sáng sớm đến giữa khuya. Ban đêm phố xá sáng trưng, người ta chen chân trên những con đường không mấy rộng rãi. Bên cạnh những cửa hàng tơ lụa vải vóc rực rỡ những đèn và màu sắc là rất nhiều các quán ăn bình dân.

Bình minh trên sông Hằng.

Tác giả Nguyễn Tường Bách trong cuốn ký sự đường xa “Mùi hương trầm” đã viết rằng: “Ðến Varanasi mà không đi thăm sông Hàng lúc mặt trời mọc là xem như chưa đến”. Nhận định đầy sức thu hút cùng vài hình ảnh được tác giả này mô tả đã gợi cho chúng tôi sự háo hức chờ mau đến sáng để hưởng cảm giác ngắm cảnh bình minh trên sông Hằng.

Năm giờ sáng, trời còn tối đen mà bến sông đã ồn ào những lời mời lôi kéo khách du lịch và hét giá cao gấp năm, bảy lần. Chúng tôi may mắn gặp một ông lão chèo thuyền khoảng 70 tuổi hiền lành chân chất bằng lòng chở đi với giá 50 rupi (hơn 1 USD) cho một người, thời gian khoảng một tiếng đồng hồ. Bước chân xuống thuyền mưói nhận ra trên mặt sông đen như mực và yên lặng lúc ấy chỉ có một chiếc thuyền với ba chúng tôi. Một bé gái trên chiếc ghe nhỏ nhanh chóng cập vào mạn thuyền chào bán những chiếc đèn hoa có ngọn bấc sáng lung linh. Chúng tôi nhẹ nhàng thả những chiếc đèn nhấp nhô trên mặt nước như một lời cầu xin được an lạc. Chiếc thuyền êm đềm trôi trong khi bầu trời dần hừng sáng. Nhìn lớp cát dưới dòng sông mà hơn hai ngàn năm trước đây, Ðức Phật đã dùng để nói về một khái niệm so sánh “Hằng hà sa số” (nhiều như cát sông Hằng), ngắm những tòa nhà đến tháp đồ sộ kiến trúc kỳ vĩ trên bờ, ai mà chẳng thấy lòng bồi hồi, cảm giác như trong giây phút được sống lùi lại nhiều thế kỷ.

Giờ đây trên khúc sông ngắn này đã ngược xuôi nhiều chiếc thuyền chở đầy du khách nước ngoài, có lẽ họ cũng đang chờ được ngắm cảnh mặt trời lên. Ðang lúc chúng tôi còn ngẩn ngơ với cảnh vật thì ông lão chèo thuyền ái ngại cho biết suốt mấy ngày qua trời đầy mây nên không thể nhìn thấy mặt trời vào buổi sáng, điều ông nói khiến chúng tôi vô cùng tiếc rẻ.

Ông đưa thuyền đến gần các bãi thiêu xác - tập tục mai táng đặc thù của Ấn Ðộ. Dọc theo bến sông là những thuyền chở đầy ắp củi. Trên bờ bập bùng ánh lửa của những dàn thiêu, gần đó là thân nhân người đã khuất đang trầm lặng và trang nghiêm đứng nhìn lễ hỏa táng.

Các tín dồ Ấn Ðộ giáo đã bắt đầu xuống tắm gội bên bờ sông. Những con người khỏe mạnh thoải mái ngâm mình trong dòng sông đầy ô nhiểm, thành kính khấn nguyện giữa đám đông ồn ào, những hoa đèn thanh khiết lững lờ trôi một cách an nhiên giữa nhiều rác rưởi: tất cả cho thấy một sự tương phản sâu sắc.

Chắc hẳn dòng sông này ngày càng bị ô nhiễm do đã chứa đựng trong lòng nó không biết bao nhiêu tro xác và chất thải trong sinh hoạt của con người. Ấy vậy mà người ta vẫn ngày ngày ngụp lặn với niềm tin tuyệt đối sẽ được dòng nước thiêng giúp cho họ lành bệnh, bình an và kéo dài tuổi thọ. Trong lúc tín đồ Ấn Ðộ giáo dựa vào niềm tin tâm linh thì các nhà khoa học đã chứng minh rằng sông Hằng có khả năng làm sạch chính mình, vì trong dòng nước có những hóa chất cùng một số loại vi sinh vật mang tính kháng khuẩn rất cao, có thể tiêu diệt đến 99% vi khuẩn có trong nước sông. Người ta từng thử nghiệm bằng cách đổ chất dịch có nuôi cấy vi trùng dịch tả và bệnh lỵ vào mẫu nước sông Hằng, vài ngày sau kết quả khảo nghiệm cho thấy toàn bộ vi khuẩn đều đã chết.

Khi chúng tôi đang nghĩ rằng mình không có may mắn được ngắm bình minh trên sông Hằng thì đột nhiên khung cảnh kỳ diệu ấy biện ra ngay trước mắt, như món quà quý giá của trời đất ưu ái ban cho. Từ chân trời, vầng dương lừng lững hiện ra, lộng lẫy một màu đỏ nhưng không hề chói chang, nên tất cả mọi người đều hướng tầm mắt về khối cầu lửa sáng rực ấy để chiêm ngưỡng. Hóa ra tín đồ Ấn Ðộ giáo gọi Varanasi là kinh đô ánh sáng chính là vậy. Tại nơi con sông vươn ra phía biển Ðông này, họ có thể vừa ngâm mình trong dòng nước thiêng liêng, vừa tận hưởng tia sáng đầu tiên trong ngày mà Thần Shiva ban phát.

Cảnh tượng rực rỡ của buổi bình minh trên sông Hằng suýt chút nữa làm chúng tôi quên mất đã đến giờ phải từ giã Varanasi để lên đường, kịp qua Népal trước giờ biên giới đóng cửa vào buổi tối.

 

CÂU-THI-NA nơi chốn yên bình.

Cách Varanasi không đầy tám cây số là Sarnath (Lộc Uyển) một thánh tích ghi dấu lần đầu thuyết giảng đầu tiên của Phật Thích Ca sau khi đắc đạo. Ngày nay Sarnath là một công viên rộng bao la, nơi duy nhất trong ba thánh địa trên đất Ấn bán vé vào tham quan. xe chúng tôi dừng lại bên ngoài một bãi đậu rợp bóng cây cổ thụ, bảng giá cổng vào khiến hầu hết du khách nước ngoài khi đến đây cảm thấy như bị “móc túi”; vé vào cửa cho người trong nước là 5 rupi còn người nước ngoài là 100 rupi tức gấp đến 20 lần, mặc dù với số tiền này chỉ tương đương khoảng hơn 2 đô la Mỹ mà thôi.

Lối xưa vườn cũ.

Từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, dưới triều đại vua A-dục (269-232), Lộc uyển (Vườn Nai) là một thiền viện to lớn và uy nghi với nhiều cây cao bóng mát thích hợp cho việc tham thiền đủ chỗ cho khoảng 1.500 tu sĩ đến tụ tập hoặc nghe thuyết giảng. Từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên là thời đại hoàng kim của Sarnath, ấy vậy mà dấu vết còn lại của thiền viện mênh mông với vô số giảng đường, trai phòng giờ đây chỉ là những bức tường cao thấp nhấp nhô và các nền gạch hoang tàn.

Khi chúng tôi đến vườn Lộc Uyển, nhiều đoàn hành hương gồm du khách người Nhật, Thái Lan và nhóm tu sĩ người Sri-Lanka với y phục hoàn toàn màu trắng cũng đang có mặt.

Theo kinh sách thì sau khi đắc đạo, Ðức Thích Ca băng rừng tìm về Sarnath gặp lại năm vị tỳ kheo trước đây đã rời bỏ Phật vì không đồng tình với quyết định từ bỏ phương pháp tu khổ  hạnh của Ngài. Lần đó khi Phật trở lại Vườn Nai, năm người bảo nhau không tiếp rước, nhưng khi tới gần thì họ bị thu hút bởi một mãnh lực lạ thường toát ra từ dáng dấp, phong thái uy nghi của Ngài. Thế là cả năm người cùng chạy đến cung kính tiếp đón, chia nhau nâng áo, cầm bình bát, dọn chỗ cho Phật ngồi. Ðức Thế Tôn cho biết Ngài đã chứng ngộ được chân lý rồi thuyết giảng cho họ nghe bài kinh Chuyển pháp luân nói về Bốn chân lý diệu kỳ (Tứ diệu đế) và dạy rằng có hai điều cực đoan con người cần phải tránh xa, đó là hoặc một mực chạy theo lạc thú hoặc hoàn toàn chối bỏ lạc thú. Các vị tỳ kheo ấy trở thành tăng đoàn (sanghas) đầu tiên trong lịch sử Phật giáo. Sự tích này được mô tả qua quần thể tượng tại vườn Lộc Uyển ngày nay gồm tượng Phật ngồi với hai bàn tay đặt trước ngực trong tư thế bắt ấn, phía trước là năm vị tỳ keo đang cung kính cúi đầu ngồi quây quần nghe thuyết giảng.

Khi đến đây vào thế kỷ thứ 7, Huyền Trang đã nhìn thấy cột đá do vua A-dục cho xây mà ông mô tả tỉ mỉ cao hơn 20 mét và sáng loáng như gương, trên đỉnh có hình bốn con sư tử (ngày nay là quốc huy của nước Ấn Ðộ). Ðỉnh cột đá về sau đã được tìm thấy và hiện được trưng bày trong bảo tàng ở Sarnath. Cột đá này - cũng như thiền viện - đã bị con người đập phá tang  hoang sau những biến cố tôn giáo vào thế kỷ thứ 13, nay chỉ còn lại chân cột cao hơn 1 mét. Người ta tin rằng khi đến nơi đây, ai nhìn vào cột đá nầy mà thấy được bóng mình thì cầu xin điều gì cũng sẽ được linh ứng.

Tại Sarnath hiện nay vẫn còn tồn tại bảo tháp Dhamekh được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 5, cao 13 mét đứng sừng sững giữa những bãi cỏ xanh tươi.

Cùng thời với tháp Dhamekh là bảo tháp Dharmarajka mà bên trong có chiếc hộp bằng đá cẩm thạch chứa đựng một phần xá lợi Phật, ngày nay chỉ còn lại nền đá hình tròn nhưng vẫn được nhiều khách hành hương chọn ngồi thiền định. Vào cuối thế kỷ 18, tháp này đã bị một vị thủ hiến của Ba-la-nại (Banaras, tên cũ của Varanasi) ra lệnh đập phá để lấy gạch dùng vào việc xây dựng các công trình trong đó có ngôi chợ của thành phố. Khi nhặt được hộp đá đựng tro cốt trong lòng bảo tháp, người dân địa phương đã mang ra rải trên sông Hằng theo đúng phong tục của Ấn Ðộ giáo.

Tại Ba-la-nại người ta cũng thường truyền tụng nhau như những câu chuyện về tiền thân Ðức Phật trải qua nhiều kiếp mà một trong những kiếp đó là làm vua một đàn đông đúc khoảng 500 con nai. Truyền thuyết kể rằng một hôm vị vua xứ Ba-la-nại sai thợ săn vây bắt cả đàn nai, vua Nai - tức là tiền thân Ðức Phật - liền vào thành cầu xin nhà vua tha cho thần dân của mình và hứa mỗi ngày sẽ cống nộp cho triều đình một con nai. Một hôm có con nai cái đang mang thai đến gặp vua Nai khẩn thiết xin cho hoãn ngày nạp mạng để chờ đến sau khi sinh nở, vua Nai động lòng trắc ẩn bèn tình nguyện thế mạng. Nhà vua xứ Ba-la-nại biết chuyện xúc động bèn tha cho loài nai và còn truyền lệnh không ai được phép giết hại một con nai nào cả. Không biết truyền thuyết ấy thấm vào từ tâm con người như thế nào nhưng khi chúng tôi đến đay chỉ trong thấy trong Vườn Nai năm xưa có một con nai duy nhất ốm yếu với cặp mắt mờ đục nằm buồn rầu sau hàng kẽm gai. Nhìn cảnh tượng ấy ai mà chẳng ngậm ngùi khi liên tưởng đến số phận đàn nai đông đúc thuở trước cũng chẳng khác gì ngôi thiền viện mênh mông nay đã điêu tàn.

Nơi chốn bình yên

Sau khi cùng dòng người tham quan đi thiền hành ba vòng chung quanh tháp Dhamek, chúng tôi lên đường đến Câu-thi-na (Kushinagar). Ðây là nơi Phật viên tịch vào năm 483 trước công nguyên, thọ 80 tuổi.

Sau 45 năm hành đạo, một hôm tại khu rừng thôn Trúc Phương gần thành phố Vaishali, Phật báo trước với các tỳ kheo khoảng ba tháng sau sẽ đến thành Câu-thi-na thủ phủ của tộc Malla - mà nhập niết bàn.

Trong tập du ký của mình, Huyền Trang khi đến viếng nơi này vào năm 637 đã mô tả chi tiét từ căn nhà cũ của ông thợ rèn Kunda người đã cúng dường bữa cơm cuối cùng cho Phật, đến cảnh rừng cây sala nơi có một tịnh xá bằng gạch với bức tượng Ðức Như Lai trong tư thế nằm đầu hướng về phía Bắc, cũng như ngọn tháp nơi cử hành lễ hỏa thiêu kim thân Phật.

Tịnh xá bằng gạch nơi Huyền Trang nhắc đến ngày nay là mọt ngôi đền màu trắng được xây lại vào năm 1956. Bên trong ngôi đền vẫn còn bức tượng Phật bằng đá hơn 6 mét mà Huyền Trang đã trong thấy xưa kia. Bức tượng có tuổi thọ ít nhất từ thế kỷ thứ 5 này được nhà khảo cổ người Anh Alexander Cunningham tìm thấy lại vào năm 1876 khi khai quật đóng đổ nát của tịnh xá xưa kia, đoàn khảo cổ phát hiện nhiều bộ hài cốt phủ phục trên bức tượng Phật nằm và người ta tin rằng đó là thi thể của những tăng sĩ liều chết lấy thân mình che chở bức tượng thiêng liêng không cho những kẻ cuồng tín hủy hoại.

Trong quyền sách tựa đề “Truyện Phật Thích Ca Mâu Ni” được dịch ra nhiều thứ tiếng, tác giả Nghiêm Khoan Hộ người Trung Quốc đã ghi rằng: “Sau khi Phật viên tịch, xá lợi đầu tiên thuộc về tộc người Malla. Tuy nhiên vua các nước chung quanh không đồng ý nên mang quân đến Câu-thi-na tranh đoạt. Sau đó nhà vua của Tiểu vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha) là A-xà-thế (Ajatasatru) đã đứng ra hòa giải và đi đến thỏa thuận chia xá lợi Phật ra cho tám nước mang về đặt trong bảo tháp cung dưỡng”.

Chúng tôi lặng lẽ bước vào ngôi đền, giữa không gian tĩnh lặng và trang nghiêm, tượng Phật nằm thếp vàng với nét mặt thanh thản trong lớp áo cà sa quen thuộc. Chung quanh tượng, nhiều khách hành hương thắp nến khẩn nguyện, một số người khác lấy những vuông vải mang theo cung kính đắp vào than tưởng rồi xếp lại cẩn thận vào chiếc túi nhỏ mang trước ngực.

Cùng với những khách chiêm bái khác, chúng tôi đi chậm rãi từng bước quanh tượng Phật ba vòng theo chiều kim đồng hồ, và cũng như tại những thách tích khác chúng tôi cảm nhận trong lòng một niềm an lạc vô song.

Bên ngoài ngôi đền đông đảo khách hành hương đang tụ tập, một số du khách người Nhật ngồi thiền định rải rác đây đó trên những bãi cỏ. Chúng tôi tiếc nuối giã từ nơi đây vì còn phải chạy đua với thời gian, vượt qua quãng đường hơn 200 cây số để kịp đến bên giới Ấn Ðộ-Népal trước 9 giờ đêm, vì sau giờ này xe hơi không được qua biên giới mà chỉ người đi bộ mới được vào đất Népal.

Lái xe có lẽ cũng trong tâm trạng nôn nóng nên khi bóng chiều dần buông xuống thì anh bắt đầu tăng tốc. Trời tối dần, chiếc xe phóng nhanh trên con đường không hề có ánh đèn. Ðường ra  biên giới được xem là an ninh tuyệt đối nhưng vẫn không làm cho chúng tôi yên lòng vì vào giờ ấy có quá ít xe cộ di chuyển. Các bác tài xế ở đây có cách lái xe đường dài đặc biệt là chạy gần như nghênh ngang giữa đường, vì thế mỗi khi có xe người chiều phía trước chiếu ánh đèn pha chói mắt thì chúng tôi luôn có cảm giác hai chiếc xe đang lao thẳng vào nhau. Chỉ đến khoảng cách thật gần tài xế mới nhanh nhẹn bẻ tay lái tránh đường.

Xe đến nơi chỉ vừa 15 phút trước giờ biên giới đóng cửa, chúng tôi vội vàng làm thủ tục ở Trạm biên phòng Ấn Ðộ, chỉ mất khoảng 5 phút, rồi nhanh chóng đến trạm kiểm soát của Népal gần kề. Các viên chức ở đây đón khách với thái độ thân thiện và chưa đầy 15 phút sau chúng tôi đã có visa nhập cảnh vào  Népal sau khi đóng lệ phí 30 USD.

Từ đây đến vùng Lâm Tỳ ni chỉ còn khoảng 20 cây số, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục lên đường. Con đường dẫn đến ngôi chùa Việt Nam tại thánh địa này vắng tanh vắng ngắt gợi lên một vài lo ngại, bởi vào thời điểm ấy đất nước Népal đang được trong tình trạng chiến tranh. Hai tuần trước khi chúng tôi đến đây, báo chí quốc tế đã đưa tin về những cuộc giao tranh giữa quân Chính phủ và lực lượng Mao-ít, ngoài ra cũng vừa xảy ra vụ ám sát viên Cảnh sát trưởng Kathmandu ngay tại thủ đô Népal.

Thời tiết Népal mùa này còn rất lạnh nhất là về đêm. Trăng rằm dịu dàng phủ nhẹ một ánh sáng thanh khiết xuống khu rừng Lâm Tỳ Ni - nơi hơn 2.500 trước Phật ra đời. Khung cảnh ấy đã xua tan mọi lo âu của chúng tôi.

Mười giờ đêm, chúng tôi vui sướng bước vào ngôi chùa Việt Nam ấm áp trước sự tiếp đón niềm nở của thầy trò nhà chùa.

 

Lâm Tỳ Ni, thánh địa hồi sinh

 

Mới bảy giờ sáng mà trong khuôn viên ngôi chùa Việt Nam ở Lâm Tỳ Ni (Lumbini) đã rộn ràng khung cảnh của một công trường. Trên mái cong của ngôi chánh điện, mấy người thợ làng nghề xứ Huế sang đây xây dựng chùa đang cần mẫn lợp những viên ngói đỏ, bên dưới vài người lao động bản xứ khuân vác vật liệu tới lui quanh các thảm cỏ xanh.

Huệ Dũng, một thanh niên đôi mươi người Hà Nội có gương mặt thanh tú, hơn sáu tháng nay tình nguyện qua đây làm công quả, vui vẻ hỏi thăm chúng tôi đêm qua có ngủ được hay không. Chúng tôi thú thật không thể ngon giấc vì cả đêm cứ nghe văng vẳng vọng lại những âm thanh lạ lùng tựa như tiếng la hét của bầy trẻ con đang chơi đùa. Huệ Dũng bật cười cho biết đó là tiếng tru của bầy chó rừng đi kiếm mồi trong đêm và trấn an rằng không có gì nguy hiểm, vì chưa bao giờ chúng rời khỏi lãnh địa ở trong khu rừng chối cách chùa vài ba cây số.

Việt Nam Phật Quốc Tự tại Lâm Tỳ Ni tuy chưa hoàn thành nhưng đã cho thấy một quần thể kiến trúc hài hòa. Trước khi vào chùa, khách hành hương phải ngang qua cây cầu mang tên Thanh Tịnh ngụ ý nhắc nhở mọi người gột rửa những vướng bận trong đầu để cho tâm hoàn toàn thanh thản. Bước vào cổng tam quan, bên trái là chiếc cầu được thiết kế theo hình bản đồ Việt Nam có khắc tên 61 tỉnh thành, phía dưới là một hồ nhỏ trồng nhiều sen và súng. Qua khỏi một vườn hoa mọi người bắt đầu bước lên những bậc thang với hai ngọn giả sơn đồ sộ hai bên, mang ý nghĩa như một hành trình vươn lên tầm cao để đến được chánh điện.

Chánh điện có 3 tầng, tầng dưới dành để tàng trữ kinh sách, các phòng nghiên cứu ở tầng giữa còn tầng cao nhất là nơi thờ Phật. Phía sau chánh điện là hậu tổ, nơi thờ các vị thánh đệ tử và thánh tăng Phật giáo qua các niên đại. Ðối diện bàn thờ Tổ là bàn thờ tưởng niệm anh linh các vị anh hùng Tổ quốc Việt Nam.

Sau tòa chánh điện là dãy pháp xá gồm thư viện, phòng làm việc và phòng ở dành cho các nghiên cứu sinh và học giả đến chùa tu tập. Một khu nhà văn hóa hai tầng cùng với dãy pháp xá thứ hai cũng sắp hoàn tất trong khuôn viên chùa hơn hai hecta.

Vùng đất bị lãng quên

Lâm Tỳ Ni thuộc quận Basti của Népal- nơi mà cách đây hơn 2.500 năm Phật được sinh ra - nay vẫn là một vùng đất xanh tươi nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn. Sử gia nổi tiếng thế giới Will Durant, trong tập Di sản phương Ðông của bộ sách đồ sộ “Lịch sử văn minh”đã ghi lại về sự ra đời của Ðức Phật như sau:

“Quốc vương Suddhodana (Tịnh Phạn) là một người thuộc giới thượng lưu của thị tộc Gautama trị vì tiểu quốc Shakya (Thích Ca), đặt thủ phủ tại Kapilavatsu (Ca-tì-la-vệ) ở chân núi Himalaya. Vào năm 563 trước Công nguyên, hoàng hậu tiểu quốc này là Maya Devi khi gần tới ngày sinh nở đã tâu với nhà vua xin được trở về quê nhà tại Devadha để sinh con đầu lòng theo đúng tục lệ thời bấy giờ.

Khi đến khoảng giữa hai châu thành, ngang qua khu vườn Lâm Tỳ Ni nơi có rất nhiều cây sala đang lúc hoa nở rộ rực rỡ, hoàng hậu ra lệnh dừng lại để dạo cảnh và tắm mát tại hồ nước trong vườn. Ðến dưới gốc cây sala cổ thụ to lớn, bà vói tay định vít một cành thì nhánh cây tự nhiên rủ xuống đúng tầm tay và khi hoàng hậu vừa nắm lấy thì bổng chuyển dạ. Ðám hộ giá vội vã giăng màn chung quanh và ngay lúc còn đang đứng, tay vẫn nắm cành sala, hoàng hậu hạ sinh hoàng tử. Thế là việc trở về quê nhà không cần thiết nữa và thị thần đưa hoàng hậu cùng hoàng tử trở về. Cả kinh thành mở hội ăn mừng và vị hoàng tử được đặt tên là Siddhartha (Tất Ðạt Ða) có nghĩa là người mang đến điều tốt lành với tên họ (thị tộc) là Gautama (Cồ Ðàm). Về sau Ngài còn được gọi là Shakya-Mumi (Thích Ca Mâu Ni) nghĩa là vị minh triết của tiểu quốc Shakya hay một tên khác là Tathagata (Như Lai) nghĩa là người nắm được chân lý.

Cũng theo Sử gia Will Durant thì đó là những tôn danh người ta đặt cho Phật chứ Ngài chưa hề có lần nào tự xưng như vậy.

Lâm Tỳ Ni đã sớm trở thành một nơi chốn hành hương. Vào năm 250 trước Công nguyên, Hoàng đế Ashoka (A-dục) trong chuyến du hành qua những vùng thánh tích Phật giáo khi đến nơi đây đã cho dựng một trụ cột với bức tường đá bao quanh để ghi dấu chuyến viếng thăm của mình. Tại Lâm Tỳ Ni còn có đền thờ Bà Maya được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, bên trong có phiến đá khắc họa sự tích Phật đản sinh. Vào thế kỷ thứ 7 khi Huyền Trang đến Lâm Tỳ Ni, ông vẫn còn nhìn thấy trụ đá vua A-dục lúc ấy đã bị gãy đổ phần trụ và mô tả: “Bức tường hầu như đổ nát còn trụ đá đã bị hư hại ở phần đỉnh, không phải do thời gian mà do bị sấm sét từ miệng một con rồng hung hãn thổi sập”. Sau đó không bao lâu Lâm Tỳ Ni chìm vào bóng tối của quên lãng trong hơn mười thế kỷ.

Thánh địa hồi sinh.

Lâm Tỳ Ni bắt đầu phục hồi vào năm 1985. Khi một nhà khảo cổ người Ðức, Tiến sĩ Alois FÜhrer, trong một cuộc khai quật đã tìm thấy được cột đá của vua A-dục ngày xưa. Sau bao thế kỷ bị chôn vùi trong lòng đất, lạ lùng thay dòng chữ ghi lại sự kiện vị vua này đến viếng nơi này đã được viết bằng chữ Brahmi và Prakrik trên thân trụ vẫn còn nguyên vẹn: “Do sự kiện Ðức Phật đã từng đản sinh tại đây, vùng Lâm Tỳ Ni được miễn thuế và giảm mức lợi tức còn một phần tám”.

Phát hiện có giá trị cực kỳ lớn lao của vị tiến sĩ khảo cổ học người Ðức lúc ấy vẫn không giúp Lâm Tỳ Ni lấy lại tầm vóc lịch sử đích thực của mình. Phải hơn 70 năm sau, một lần nữa nơi đây mới được thế giới chú ý đến trong một chiến dịch quảng bá rầm rộ vào năm 1967, khi vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là Ngài U Thant (người Myanmar) đến viếng thánh tích và tiến hành lễ khai mạc “Chương trình phát triển Lâm Tỳ Ni”. Khoảng 13 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Mỹ... đóng góp tài chính cho đề án qui hoạch tổng thể Lâm Tỳ Ni của vị kiến trúc sư Nhật Bản là Giáo sư Kenzo Tange. Kế hoạch này bắt đầu tiến hành bằng việc xây dựng Nhà bảo tàng, Trung tâm nghiên cứu Phật học tại đây và con đường dẫn đến vùng Lâm Tỳ Ni.

Sẽ rất thiếu sót nếu đề cập đến sự hồi sinh của Lâm Tỳ Ni mà không nhắc đến một con người suốt mấy chục năm qua đã kiên trì và âm thầm đóng góp vào việc đem lại nhiều khởi sắc cho vùng này. Ðó là Thượng tọa Huyền Diệu, vị sư trù trì “Việt Nam Phật Quốc Tự” tại Lâm Tỳ Ni.

Mọi việc bắt đầu từ năm 1987, khi một số môn sinh của ông đang làm việc ở các cơ quan quốc tế sau nhiều năm kiên trì vận động đã tranh thủ được sự chấp thuận của Quốc vượng Birendra và Thủ tướng xứ Népal cấp cho thầy Huyền Diệu mảnh đất để xây dựng ngôi chùa Việt Nam tại Lâm Tỳ Ni. Một máy bay được đưa sang đón ông tại Bồ Ðề Ðạo Tràng (Ấn Ðộ) về Kathmandu yết kiến nhà vua, ngay sau đó lễ ký kết giao đất đã được tiến hành với các vị đại diện Chính phủ Népal. Thầy Huyền Diệu quyết định chọn khoảnh đất gần nơi Ðức Phật đản sinh, với ý nghĩ sau này sẽ thuận lợi cho Phật tử ngụ tại chùa Việt Nam đi viếng thánh tích.

Song song với việc cất chùa - bằng tiền dạy học cùng những khoản đóng góp của Phật tử khắp nơi trên thế giới - thầy Huyền Diệu cũng đã cùng với các môn sinh đi đến một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... thuyết phục các chính phủ cũng như tổ chức tôn giáo các nước ấy nhanh chóng xây dựng ngôi chùa tại Lâm Tỳ Ni với mơ ước hình thành một Liên hiệp quốc Phật giáo nơi này. Chẳng những vậy, ông còn ra điều trần trước Quốc hội Népal để tranh thủ Chính phủ nước sở tại cấp đất cho các ngôi chùa quốc tế xây dựng tại đây, mà theo suy nghĩ của ông đó là cách tốt nhất để làm hồi sinh vùng thánh địa.

Cho đến nay có tất cả 17 ngôi chùa và trung tâm văn hóa của các nước đã và đang xây dựng tại Lâm Tỳ Ni, đây là một kết quả tốt đẹp đem lại niềm vui lớn lao cho tất cả những người thiết tha đến sự hồi sinh của thánh địa này.

Ngay từ khi ngôi chùa đầu tiên được xây dựng thì chung quanh khu vực Lâm Tỳ Ni đã hình thành vài thị trấn qui tụ đông đảo người dân các nơi khác đến sinh sống lập nghiệp làm cho nơi đây trở nên nhộn nhịp trù phú hơn. Sự hiện diện của những ngôi chùa không những tạo thêm công ăn việc làm cho người dân mà còn giúp cho ngành du lịch phát triển. Những hội nghị quốc tế về môi sinh, văn hóa, tôn giáo thường xuyên được tổ chức tại đây đã mang lại những nguồn lợi lớn cho người dân địa phương và uy tín quốc tế cho Chính phủ Népal.

Lâm Tỳ Ni hôm nay

Vào tháng 2 Lâm Tỳ Ni vẫn còn lạnh, buổi tối nhiệt độ xuống dưới 5 độ còn ban ngày thì trung bình 20 độ. Chúng tôi lưu lại đây chưa đầy 48 tiếng đồng hồ nên chỉ có một buổi tham quan thi trấn Bhairahawa và dành trọn một ngày viếng thăm Khu vườn thiêng Lâm Tỳ Ni cùng chùa chiền của các nước.

Tuy trong vùng đã xuất hiện một vài khách sạn và nhà nghỉ, như khách sạn Nhật Bản với kiến trúc mang đậm phong cách xứ mặt trời mọc hay khu nhà nghỉ của Sri Lanka dành cho khách hành hương. Lâm Tỳ Ni ngày nay vẫn chưa mang dáng dấp của một khu du lịch hấp dẫn, do vậy hầu hết du khách đến đây đều lưu lại vùng Sunauli h ay Bhairhawa cách thánh tích khoảng hơn 20 cây số.

Chỉ mất hơn nữa giờ xe hơi chúng tôi đã đến thị trấn này. Ðường sá Bhairahawa còn chật hẹp nhưng khách sạn, cửa hàng internet và hàng quán tương đối tiện nghi. Ðặc biệt thị trấn này có một sân bay nội địa nối với thủ đô Kathmandu của Népal. Có lẽ đây là nơi duy nhất trên thế giới mang đến cho con người những tiện ích vật chất cụ thể qua những từ ngữ đầy màu sắc tôn giáo, chẳng hạn như quốc lộ Tất Ðạt Ða (Siddhartha Highway), khách sạn Niết bàn (Nirvana Hotel) hay Hãng máy bay Ðức Phật (Buddha Air). Quả là sống ở trần gian mà cứ tưởng như lạc vào cõi Phật!

Khu vườn thiêng (The sacred Garden) tọa lạc ở vùng cực Nam của Lâm Tỳ Ni là một không gian rộng lớn rợp bóng mát nhiều cây cổ thụ. Khi chúng tôi đến đây, đền thờ Hoàng hậu Maya Devi đang được UNESCO trùng tu.

Kế bên đền thờ Hoàng hậu Maya là trụ đá vua A-dục cao hơn 7 mét, bao bọc chung quanh là một hàng rào sắt. Chúng tôi theo chân những khách hành hương thành kính đi thiền hành mấy vòng quanh trụ đá uy nghiêm có tuổi thọ trên 20 thế kỷ, ngắm nhìn những dòng chữ lịch sử được khác cách đây hơn 2.250 năm mà trong lòng dâng lên một niềm xúc cảm.

Một di tích quan trọng khác hơn đây là hồ Pushkarni, nơi Hoàng hậu Maya đã tắm trước khi lâm bồn mà cũng là nơi hoàng tử Tất Ðạt Ða được tắm lần đầu tiên sau khi được sinh ra. Hồ này được xây lại vào năm 1933 với hình vuông, trong khi theo các nhà khảo cổ thì hồ nguyên thủy có hình tròn hoặc hình chữ nhật.

Cách Khu vườn thiêng chưa đầy một cây số là ngôi chùa Myanmar rộng lớn gồm năm khu vực điện thờ và pháp xá cùng với ngọn tháp vàng rực rỡ uy nghi. Chùa Hàn
Quốc thì được xây dựng mà khi hoàn thành sẽ có chánh điện rộng lớn chứa đến 3.000 người và pháp xá đủ chỗ cho 500 người lưu lại. Gần ấn tượng hơn cả là chùa Trung Quốc được xây dựng theo mô hình Thiếu Lâm tự thu nhỏ mà hầu hết nguyên vật liệu và nhân công được đừa từ Bắc Kinh sang. Bên trong ngôi chùa rộng lớn sạch bóng là những hành lang dài lát đá cẩm thạch đẹp đẽ dẫn đến những dãy điện thờ ngang dọc, điều này giải thích tại sao Chính phủ Trung Quốc phải tốn kém đến hơn 5 triệu đô la để xây dựng ngôi chùa này. Tại Lâm Tỳ Ni còn có các chùa Ấn Ðộ, Nhật Bản, Tây Tạng, Sri Lankar, Thái Lan...

Hai ngày lưu lại Lâm Tỳ Ni là quá ít nhưng không còn cách nào khác hơn theo chương trình chúng tôi phải có mặt tại Kathmandu - thủ đô Népal - để kịp chuyến bay hàng tuần về Bangkok vào ngày thứ Bảy. Nếu đi xe đò từ Bharahawa đến Kathmadu chỉ mất khoảng 200 rupi Népal (tương đương 3 USD) trong khi vé máy bay giá lên đến 81 USD. Tuy nhiên e ngại phải vượt đèo ban đêm trong một đất nước đang có chiến tranh, chúng tôi đành chọn cách đi tốn kém hơn nhưng cũng an toàn hơn.

Trưa hôm đó, sư cô Huệ Ðức - một Việt kiều tại Úc sang chùa làm công quả - ân cần chuẩn bị bữa cơm chay thật tươm tất tiễn khách. Chúng tôi từ giã mọi người lên đường với tâm trạng áy náy như vừa bỏ lại sau lưng những người bạn đơn độc trong ngôi chùa Việt Nam mênh mông vắng lặng.


 

Dưới chân Hy Mã Lạp Sơn 

Phi trường Bhairahawa - cách Lâm Tì Ny khoảng hơn 20 cây số - mỗi ngày có ba chuyến bay đến thủ đô kathmandu của Nepal. Sân bay nội địa này có lẽ thuộc vào loại nhỏ nhất mà chúng tôi đã từng đi qua với một nhà ga không quá 200 mét vuông và việc kiểm tra hành lý hoàn toàn thủ công. Trước khi vào phòng cách ly, hành khách sắp hàng nam một bên nữ một bên để được khám xét. Hành khách nam đã vào cả bên trong, riêng phòng dành cho phụ nữ vẫn đóng cửa im ỉm. Anh nhân viên an ninh sân bay tất tả đi tìm người đồng nghiệp của mình đang bận đi chăm sóc ba đứa con có lẽ sinh năm một mà đứa lớn nhất mới khoảng 5 tuổi. Chị vội vã chạy vào phòng làm nhiệm vụ khám xét qua loa các nữ hành khách rồi lục tìm hộp mực, cẩn thận hà hơi lên con dấu trước khi đóng vào thẻ lên máy bay cho khách. Xong việc chị lại chạy ra ngoài chơi đùa với các con.

Hãng hàng không mang cái tên đáng kính “Ðức Phật” sử dụng loại máy bay nhỏ 19 chỗ ngồi. Chuyến bay của chúng tôi bị trễ một tiếng đồng hồ, gấp đôi thời gian bay từ Bhairahawa đến Kathmandu. Nhưng rồi thời gian trễ nãi ấy được đền bù bằng sự xuất hiện của một nàng tiên trên máy bay Ðức Phật với nụ cười duyên dáng. Cô tiếp viên người Nepal xinh đẹp của Hãng hàng không Buddha Air khá vất vã trong 25 phút của chuyến bay. Hành khách an vị vừa, nàng tiên đã tươi cười mang đến một cái khay trên đó có nhiều viên kẹo xanh xanh đỏ đỏ cùng những miếng bông gòn nho nhỏ xinh xinh: một thứ để ngậm miệng còn thứ kia để nhét vào lỗ tai. Ðợt phục vụ thứ hai là món ăn tinh thần gồm mấy tờ báo tiếng Anh. Kế đến là hai đợt mang thức uống, cô cầm một chai Coca Cola loại lớn cùng chồng ly giấy ân cần rót cho từng vị khách. Sau đó xuất hiện với chai nước tinh khiết mời mọc lần nữa. Một lúc sau nàng tiên quay lại để thu hồi các ly giấy bỏ trong cái bao nylon lớn mà cô cầm bằng cả hai tay. Ðợt cuối cùng cô vừa thu xong mấy tờ báo thì cũng là lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống thung lũng Kathmandu, bên dưới là núi đồi với những dãy ruộng lúa nằm trên bậc cấp.

Chuyến bay qua núi

Nepal có điều kiện thiên nhiên thật đa dạng - đặc biệt là dãy Himalaya kì vĩ nhất thế giới nằm ở phía Bắc - với khí hậu lục địa, nhiệt độ trung bình trong năm rất thấp do ảnh hưởng của độ cao. Bức tranh nhân chủng học ở đất nước này vô cùng phong phúc với 36 dân tộc sử dụng 70 thứ ngôn ngữ và thổ ngữ khác nhau. Nepal lại có đến 10 di sản văn hóa thế giới được UNESCO thừa nhận.

Mặc dù đất nước Nepal đang trong tình trạng chiến tranh, nhưng mấy ngày lưu lại đây chúng tôi chỉ thoáng cảm nhận không khí này khi nhìn thấy một chiếc máy bay quân sự nằm phơi mình bình yên ở phi trường Kathmandu và sau đó gặp một chiếc xe chở đầy binh lính chạy giữa đường phố của thủ đô.

Chiếc taxi đưa chúng tôi từ sân bay đến trung tâm thành phố phải len lõi giữa dòng xe cộ đông đúc trên những con đường không được bằng phẳng và khá chật hẹp. Kathmandu được xây dựng từ thế kỷ thứ X là thành phố của đền đài có kiến trúc đa dạng, các viện bảo tàng lịch sử tự nhiên với những bộ sưu tập vô cùng phong phú cùng các khu bảo tàng thiên nhiên. Thành phố rộng chưa đầy 200 dặm vuông này có nửa triệu người sinh sống, mật độ tập trung các công trình tôn giáo dày đặc đến độ người ta ví von rằng Kathmandu có đền thờ nhiều như nhà ở và tượng thánh thần nhiều như con người ở đây.

Kathmandu là trung tâm văn hóa và chính trị của Nepal, với cung điện hoàng gia ở khu trung tâm thành phố, bao bọc chung quanh là một quần thể những đền đài phần lớn bằng gỗ. Ðây là một thành phố du lịch, tôn giáo và thể thao, đặc biệt môn thể thao leo núi lôi cuốn nhiều du khách phương Tây.

Chúng tôi tìm đến khu phố (....) nghĩa là thành phố sùng đạo được xây dựng vào năm 889 là nơi tập trung nhiều đền đài của cả Phật giáo lẫn Ấn độ giáo với những kiệt tác về nghệ thuật và kiến trúc của Nepal. Tại đây, mỗi công trình xây dựng đều đượm màu tôn giáo và mỗi tảng đá đều có lịch sử riêng của nó. Bhaktapur cũng là trung tâm điểm của hành hương tín đồ Ấn Ðộ giáo.

Một cuốn sách hướng dẫn du lịch của Nepal xuất bản năm 2002 đã ghi lại nhận xét của E.V. Powell - Nhà Ðông phương học lỗi lạc đồng thời cũng là một nhà du lịch nổi tiếng thế giới - về thành phố này như sau: “Những ngôi chùa ở Cung điện mùa Hè của Từ Hy Thái hậu tại Bắc kinh. Những công trình kiến trúc bằng đá ven bờ sông Hằng ở Varanasi, các đền chùa của Thái Lan, nghệ thuật chạm khắc ở Ðế Thiên Ðế Thích, đền thờ Shinto ở Nhật Bản..., Bhaktapur mang một chút dáng vẻ của tất cả những cái đó mà thực ra lại không giống bất cứ nơi đây có giá trị ngang bằng với việc tham gia nửa vòng trái đất. Tại thung lũng đáng nhớ này, nghệ thuật, tăng sĩ và thợ thủ công đã cùng nhau làm nên một công trình tuyệt tác. Những kiến trúc sư tài ba của Phật giáo và Ấn Ðộ giáo đã gặp gỡ trong việc tạo nên vẻ nguy nga tráng lệ của những đền đài, tượng đá với chạm khắc vô cùng tinh xảo đến từng chi tiết mà không nơi nào có thể sánh kịp”.

Lang thang qua những đường phố lát đá xưa cũ, ngắm nhìn những đền thờ xây dựng bằng đá hoặc bằng gỗ cổ kính, trong một thoáng chúng tôi tưởng chừng như mình đang sống lùi lai hàng mấy trăm năm.

Dưới chân núi tuyết.

Từ giã Bhaktapur, chúng tôi háo hức tìm đến Nagarkot, địa điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn dãy Hy Mã Lạp Sơn. Nagarkot ở miền cực Ðông của thung lũng, cách thủ đô 32 km và ở độ cao 2.190 mét, do vậy mà nhiệt độ tại đây thấp hơn ở Kathmandu.

Nagarkot trước đây là một ngôi làng khiêm tốn cùng với vài ngôi đền, nay đã mọc lên nhiều khách sạn nhỏ đúng tiêu chuẩn quốc tế đón du khách đến đây thư giãn và ngày ngày chiêm ngưỡng dãy núi tuyết vạn niên. Nagarkot có một trại lính, do vùng này có vị trí chiến lược trên đỉnh cao với tầm ngắm rõ nét 360 độ khắp chung quanh nên lực lượng quân sự đã hiện diện tại đây từ nhiều thế kỷ qua. (Ðịa danh Nagarkot xuất phát từ ý nghĩa này vì từ KOT có nghĩa là pháo đài, công sự). Ðiểm đặc biệt những người lính gác chỉ nhận xét người bản xứ đi ngang qua khu vực này còn du khách nước ngoài thì họ không hỏi đến.

Khu nghỉ mát xinh đẹp và đầy đủ tiện nghi mà chúng tôi lưu lại một đêm có tên là Manda với giá 16 USD một ngày. Từ trên khu đỉnh đồi của khu resort có thể phóng tầm mắt ch iêm ngưỡng cả một dãy núi tuyết nhấp nhô đẹp lạ thường trong sắc cầu vồng huyền ảo của buổi hoàng hôn. Nhiệt độ tại đây xuống chỉ còn 2 độ vào ban đêm nên ai cũng ngại đi ra ngoài, vì vậy khách sạn phục vụ buổi ăn tối cho khách trong phòng ngủ ấm cúng.

Chúng tôi rất hạnh phúc trải qua buổi sáng cuối cùng của chuyến du lịch cùng Thượng tọa Huyền Diệu và đệ tử của thầy là Trịnh Ngọc Phụng, một kỹ sư chuyên về phần mềm vi tính ở Úc, trẻ tuổi đẹp trai sang đây làm công quả tại chùa Việt Nam. Cả hai đến Kathmandu tối hôm qua.

Bữa điểm tâm được dọn trên sân thượng, chúng tôi vừa đón bình minh vừa ngắm dãy núi tuyết hiển hiện rực rỡ ngay trước tầm mắt. Cảnh núi non bao la nơi đây đem lại cho con người một cảm giác tự do thật lớn lao, không còn vướng bận đến những ràng buộc nhỏ nhoi và quên đi mọi lo toan cuộc sống. Sự hùng vĩ và uy nghi của những ngọn băng sơn dường như mang lại cho con người một niềm kính sợ khi cảm nhận uy lực của nó tràn ngập trong lòng. Có lẽ chính vì vậy mà trong suy nghĩ của những người thiên về tâm linh họ không bao giờ có tham vọng lên lên đỉnh cao để chinh phục. Mỗi khi đến viếng các ngọn núi thiêng của dãy Himalaya - chẳng hạn như ngọn Kailas (Ngân sơn) ở Tây tạng - khách hành hương chỉ đi vòng chung quanh, mở lòng ra để đón nhận cái thần của núi tràn ngập tâm hồn và chiêm nghiệm bản thân).

Chín giờ sáng, chúng tôi lưu luyến ngắm nhìn lần cuối dãy núi tuyết trắng xóa một màu và thầm nói lời từ biệt. Từ đây chúng tôi đi thẳng ra phi trường để kịp đáp chuyến bay quá cảnh sang Bangkok trước khi về Việt Nam.

* * *

Do nghề nghiệp mà chúng tôi có hàng bao nhiêu chuyến đi không thể nhớ hết. Có chuyến đi không để lại dấu ấn gì, lại có những nơi thậm chí chỉ vài tuần lễ đã quên mất là mình từng đi qua. Vậy mà lần này chúng tôi biết chắc rằng những kỷ niệm trong chuyến đi hành hương tìm về đất Phật sẽ mãi mãi là dấu ấn sâu đậm không bao giờ phai nhạt trong tâm tưởng.

Xin cám ơn bạn đọc đã cùng đi với chúng tôi một đoạn đường trong hành trình tìm về những giá trị xa xưa. Cũng phải đến lúc chia tay, giờ đây chúng tôi xin nói lời tạm biệt và hy vọng sẽ lại có dịp gặp gỡ nhau trong một chuyến ngao du thú vị khác.

 

---o0o---
 

Source: Tạp Chí Kiến Thức Ngày Nay (Số 459-->465 /2003)

---o0o---
Vi tính : Nguyên Trang
Cập nhật : 01- 2 -2004

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ngủ lam sao de tranh nhung co hiem bo Khánh Hòa Lễ húy nhật Hòa thượng Dương ï¾ å 不可信汝心 汝心不可信 thủy gói lẠnh tấm to đà nẵng tinh thuong va su chuyen hoa Tiểu đường do vi khuẩn đường ruột choáng Ấn Điện tạng Biến đổi khí hậu tác động xấu đến Có thể nhiễm độc thủy ngân từ cá tìm gì 五痛五燒意思 Hành thiền Æ น ทานชาดก Nhiều vạn pháp giai không là gì Hòa Thượng Đạt Bổn và Chùa Kim Chương biệt LÃƒÆ i Một bo tat co that khong Thiền giÃÆ chuyen do cho ca kiep nhan sinh Ð Ð Ð 不空羂索心咒梵文 Mùa rơm vàng c½u PhÃÆp thuc hanh tam vi tha 04 phan 1 song cà y phật tử trẻ nhận giải thưởng vì chu hieu va dao hieu qua loi phat day tu tanh di da 1 gởi 真言宗金毘羅権現法要 chẳng