Truyện Phật Giáo - Thiên biến vạn hóa.

 

...... ... .


 

 


Thiên Biến Vạn Hóa

Thích Nữ Thể Quán
Nhà xuất bản Thuận Hóa - 1997

 

----o0o---


Mục Lục
 


1. Lời tựa
2. Đây những con người của tham dục
3. Hiện thân của sân giận
4. Vân-Sô Đồng-Tử xuất hiện
5. Quốc Cựu Lục Trần đi đâu?
6. Câu chuyện dưới trăng với hai chú tiểu
7. Những cuộc tình duyên vô duyên
8. Nguyệt-Ý Công-nương diện kiến đương kim Quốc Cựu Lục Trần
9. Thay lời bạt
 


 

Lời tựa

Tập “Thiên Biến Vạn Hóa” là một mẫu truyện ngoài việc giải trí còn để khai trí rất bổ ích.

Tác giả diễn tả ba món tham, sân si, hết sức linh động và kết quả tai hại của nó như thế nào, nếu muốn diệt trừ tận gốc phải tìm phương trị liệu ra sao?

Phương thức trị liệu ấy, quý vị sẽ nghe Vân-sô đồng tử trình bày trong cốt truyện.

Những nhân vật trong truyện, tượng trưng cho tám thức tâm vương, và 51 món tâm sở; Nguyệt-ý Công-nương đi tìm Lục trần quốc cựu chính là chỉ cho thức dong rủy theo sáu trần giả-ảnh. Cuối cùng khi đạo sĩ dùng gươm trí tuệ phá được bức thành si chấp, rồi hiện ra bức gương tròn sáng, Nguyệt-ý liền tỉnh giấc mơ loạn, trực nhận được vạn pháp như huyễn, sáu trần chỉ là bóng trong gương, trăng dưới nước, đúng như buổi giảng duy-thức mà khi tỉnh dậy, nàng nghe Pháp sư đương giảng tại giảng đường vậy.

Lối thuyết pháp bằng văn chương dễ hấp dẫn người nghe như kinh Bách-Dụ chẳng hạn không ngoài mục đích ấy.

Đối với toàn thể đọc giả Phật-tử Việt-Nam tôi thiết tưởng không ai còn lạ về lối văn trào- phúng, duyên-dáng vui-tươi của một tác giả quá quen thuộc, ở đây tôi không đợi phải nói nhiều, chỉ xin viết mấy lời gọi là tùy-hỷ công-đức nếu quý vị đọc giả lưu ý đến con em của mình trên bước đường xây dựng đức dục tương lai, thì loại sách này có nhiều sự bổ ích cho tinh thần non trẻ, lại rất hấp dẫn cho tuổi thanh, thiếu niên.

Một món quà tinh thần không thể thiếu trong tủ sách gia đình của người con Phật.

Nay kính đề:

THÍCH-NỮ DIỆU-KHÔNG
Hiệu GIÁC-HUỆ
(^)

 

Đây, những con người tham dục

Tình tang tính
Tình tang tình
Trời nước xinh xinh
Tuổi ta còn xanh

Đời ta mong manh
Tình ta tàn tanh...

Tình tang tình
Tình tang tang...

Thiếu-Sanh hơi ớn lạnh và gió biển thổi lồng lộng. Chàng chớp mắt nhìn xa nơi phát xuất tiếng hát du dương tuyệt diệu, rồi chàng nghĩ thầm: Nơi đây bốn bề biển cả mênh mông, không có một mái nhà, một bóng người, ta rủi đến đây thì trời vừa tối, đành ở tạm sáng mai mới có phương tìm ra lối đi, nay lại nghe tiếng hát lạ thật.

Bỗng một đoàn thiếu nữ xa xa lần lần ẩn hiện làm cắt đứt tư tưởng chàng.

Tình tang tính
tình tang tình...

Thiếu Sanh thấy một đoàn thiếu nữ chừng 5, 6 người vừa múa vừa ca mỗi một câu ngắn, âm thanh tuyệt diệu phi thường và có pha một ít mơ hồ huyền ảo. Trăng sáng của đêm giúp chàng, tuy xa cũng thấy được xiêm y của đoàn thiếu nữ rất sang trọng, khác với phục sức ở thế gian. Đoàn thiếu nữ đang quây quần với nhau cùng trăng nước.

Chàng chắc người đẹp ham vui nên không ngờ có mình ở đấy, song tự nhiên chàng cảm thấy ớn lạnh cả người, lần này không phải vì gió biển, mà tâm linh như báo trước với chàng, khung cảnh ở đây có vẻ thật thật hư hư. Thiếu-Sanh nghĩ: Chốn nầy và giờ nầy không phải chốn vui chơi của người Khuê-các. Bỗng chàng nhớ lại những câu chuyện thần thoại mà người ta hay kể rằng: Những nơi tú khí anh linh thường có quần tiên tụ họp, để du hí trong những đêm trăng thanh gió mát; hay hoặc những oan hồn uổng tử vì tình duyên dang dở, rồi thất vọng rồi quyên sinh, những oan hồn ấy cũng thường tìm những nơi thanh vắng hiện về, để khóc than kể lể, hoặc phá phách kẻ nam nhi để rửa hận lòng, ý nghĩa ấy làm chàng rùng mình.

Đoàn Thiếu-nữ vừa múa vừa hát và tiến lại gần chàng. Thiếu-Sanh bắt đầu sợ thật, nhưng biết làm sao được, vì nơi đây, trước mặt biển rộng thênh thang, chung quanh chỉ trời với nước, thật là cô đơn trong khủng khiếp.

Đoàn Thiếu-nữ khi biết và thấy có người lạ, họ đã không lẫn tránh mà còn tiến lại gần chàng, hình như mừng rở là khác. Họ xúm lại ngồi bao vây người trai lạ, rồi cô đàn, cô hát, có sanh, có phách hẳn hoi, nhịp điệu dịu dàng uyển chuyển. Họ chưa nói gì ngoài việc đàn hát. Bỗng có một cô có vẻ kẻ cả trong đám đứng lên múa theo điệu “tình tang”. Xiêm y óng ánh dưới trăng. Gió lọng ở biển làm tung cả xiêm y của nàng như quyện vào người trai lạ.

Thiếu-Sanh rùng mình. Một cảm giác ngây ngất trong lòng phát hiện như say. Khi thấy cả năm cô đều đứng dậy và sắp a vào chàng  thật sự:
- Ồ hỡi người đẹp trai, chàng ở đâu lạc lối đến đây? Và chàng có biết đây là chốn nào không, hỡi người trai đẹp?

Thiếu-Sanh định thần và lấy hết sức bình tĩnh đáp:
- Tiện-Sanh là một hàn sĩ đi dự khoa thi ở tại Trường-An. Vì nhà nghèo nên không ai theo hầu lều chõng như ai[1].Quê quán rất xa, đường xá lạ lùng, đến đây thì trời tối nên định tá túc trên bãi biển một đêm sáng mai lại lên đường. Tiện-Sanh thật không biết đây là đâu cả.

Đoàn thiếu-nữ cười rộ, át cả tiếng sóng đêm: Hỡi trai đẹp! Chàng tự xưng là nho sĩ đi dự hội đăng khoa chắc đã học thông kim cổ, thiếp trộm nghe trong kinh Phật có câu:
 “Ái hà thiên xích lãng”, dám hỏi chàng có phải không ạ? và câu ấy có ý nghĩa ra sao, xin chàng cho biết?

Thiếu-Sanh nghe hỏi, chàng nghĩ thầm các cô có ý trêu mình. Thật, con gái đâu mà kỳ quặc thế? Song chí làm trai gặp trường hợp oái ăm như vậy, nếu mình tỏ ra nhút-nhát, chắc các cô sẽ làm già thì nguy to. Chàng liền mạnh dạn đáp:
- Quả có câu trong kinh và tiếp theo còn ba câu nữa. Tiện-Sanh xin đọc tiếp:

Ái hà thiên xích lãng,
Khổ hải vạn trùng ba,
Dục thoát luân hồi khổ,
Cấp cấp niệm Di-Đà.

Tạm dịch:

Sóng tình cuồn cuộn muông trùng,
Nhận chìm bao kẻ anh hùng tài-ba,
Chúng sanh muốn thoát Ta-Bà,
Mau mau niệm gấp Di-Đà Như-Lai

 Đoàn thiếu-nữ lại rộ lên:

- Hỡi chàng trai đẹp, ba câu sau nghe nó buồn lê-thê, xin chàng hãy cắt đứt nó đi, chúng ta đương độ thanh xuân, rất nhiều hứa hẹn hỡi trai đẹp! Thiếp xin chàng biết, nơi đây là biển “Ái-ân”, vô số thanh niên đã tắm mình trong lòng biển Ái, rồi sưởi nắng yêu đương, và chàng ơi! Người con trai nào trong lúc hy-vọng đại đăng khoa, mà lại không dự bị trong lòng một người vợ đẹp hở chàng? Sau câu nói của một cô cả đoàn lại cười vang.

Thiếu-nữ tiếp:

- Hỡi người trai đẹp, chàng thấy chăng, nơi đây:

Trời thanh thanh,

Biển xanh xanh,

Cảnh xinh xinh,

Ví chăng duyên nợ ba sanh...

Rồi cất tiếng hát:

Ta muốn làm một bông hoa,

Một bông hoa không bao giờ tàn,

Ta muốn có một mối tình,

Một mối tình không bao giờ tàn[2]

Nào các em hãy ca lên để mừng ta cùng chàng.

Vừa hát các cô như a vào gần chàng và toan ôm chồm lấy người trai đẹp.

Mặt Thiếu-Sanh nóng bừng chàng định kháng cự song biết mình dù sao cũng là nam tử, đối với phái nữ phải giữ phép lịch sự nên chàng bỏ nhỏ:
- Tiện-Sanh thật không được như Liễu-Hạ-Huệ[3], thấy nữ nhân mà không sanh tâm cảm mến. Nhưng nghiệt vì công danh còn lận đận, chí làm trai đương đặt nặng về đại sự nên chưa nghĩ đến niềm riêng tư, như công nương đã bảo: đại đăng khoa rồi mới nghĩ đến tiểu đăng khoa; vậy xin hẹn khi thang mây đặt bước được rồi, sẽ tái ngộ nơi biển Ái-ân nầy không dám sai.

Chàng nói chưa dứt lời mà các cô đã xích lại gần chàng thêm. Họ không và hình như cũng không cần nghe. Mặt chàng đỏ gay gấp bội. Không nhịn được, chàng đưa tay toan chống cự kịch liệt. Nhưng Thiếu-Sanh bỗng cả xương sống, toàn thân nổi ốc và toát mồ hôi, vì khi các thiếu nữ xông đến ôm chàng. Những lúc đụng đến người họ, chàng cảm thấy họ không phải con người bằng da bằng thịt, mà khi đụng đến thì bỗng nổi lên từng đám khói đen, vần vụ quyện vào hư không rồi tan dần... Trong tiếng sóng của biển cả. Đâu đây còn văng vẳng...

Tình tang tính-Tình tang tình

Là tình tang ta...an...ang...............................

Thiếu-Sanh sợ quá ngất đi lúc nào không hay, mãi đến khi nghe tiếng hải điểu đi ăn đêm về kêu vang báo hiệu tàn canh, chàng mới hồi tỉnh, toàn thân đau như dần và đổ mồ hôi như tắm. Chàng bàng hoàng như vừa tỉnh một giấc mơ kinh khủng, nhìn lại nơi mình nằm thì lạ lùng thay, năm tảng đá, mỗi viên bằng một người nằm ; nổi lên từ bao giờ mà lúc đầu hôm chàng không thấy có. Thiếu-Sanh nghĩ thầm : quả ta đoán không sai, những bóng ma quái hồi khuya chính là những oan hồn của các thiếu nữ đã thác vì tình, hoặc trắc trở hay dở dang ; oan hồn uổng tử không chỗ thoát sanh còn vất vưởng trên dương thế, chờ dịp hiện về những nơi thanh vắng để ghẹo người trai trẻ mà báo oán, hoặc thỏa lòng khác khao, nhưng khi gần ta biết ta là đồng chủng[4] thì thất vọng , hồn oan lại tan nát một lần nữa để rồi hóa ra những tảng đá, nói lên một mối tình si.

Mặt trời lên cao, Thiếu-Sanh lảo-đảo đứng dậy đến bên rừng dương nơi chàng cột ngựa. Bụng đói, lòng hoang-mang khi soạn đến lương khô chàng không làm sao nuốt xuống, Thiếu-Sanh lả vì đói, nhất là cái cảnh ghê rợn hồi khuya còn ám ảnh trước mắt. Vì vậy, dù đói, mệt, chàng cũng phải tính vội chuyện lên đường. Khi cho ngựa ăn, chàng cảm thấy thương ngựa vô cùng vì trên đường thiên lý, tự ngày ra đi và rồi đây có chàng với ngựa. Cái tâm sự tuy chàng không thổ lộ ra với ngựa, nhưng những cái triều mến, những cái vuốt ve mơn trớn, ngựa ta hình như cũng thông cảm với người, nên vừa ăn vừa ve vẩy cái đuôi, mắt ngựa nhìn chủ đắm đuối như phân chia chút ít lo âu. Ngựa ăn xong, chàng vội lên đường, phần để tìm nước cho ngựa uống và nhất là tránh gấp cái biển Ái-ân nguy hiểm này.

Ngựa ra khỏi dãy trường xa, may gặp một cái lạch nhỏ, chàng mừng rở, xuống cho ngựa uống nước và chàng cũng phải nhai qua loa mấy lát cơm khô với chút muối vừng. Xuống lạch rửa mặt xong, người ngựa đều lai tỉnh. Chàng dở bảng đồ ra xem chừng lối đi, chỉ con đúng mười dặm nữa thì đến ngã ba rẽ qua tay phải , chàng phóng ngựa nhanh để kịp đến thôn “Áp-Nhĩ” trước khi mặt trời lặn. (^)

Hiện thân của sân giận

Lúc rẽ qua đường về thôn “Áp-Nhĩ” được một quãng thì bỗng nhiên thấy trước mặt nổi lửa, lửa phựt lên cao, rồi lan lần rộng lần có đến một dặm. Con ngựa ô hý vang, tiếng nghe rất kinh khủng, không thể tiến được, chàng toan quay lại thì hỡi ơi! Trước sau và chung quanh toàn lửa bao bọc, ở giữa chỉ có chàng và chú ngựa ô. Ngựa lồng lộn và hý lên một giọng tuyệt vọng nghe rơn cả người. Chàng đang tìm một lối thoát trước khi vòng lửa chưa táp đến, bỗng một đoàn người xuất hiện, đoàn người từ trong lửa dữ xông ra, tay gươm, tay giáo cũng bằng lửa cả, mặt mày thì vô cùng ghê sợ, tóc dựng lên, mắt trợn trừng, họ nhìn chàng sòng sọc như muốn sấn lại bắt sống chàng, mặt chúng đỏ gay còn hơn người say rượu. Quái lạ nhất là chúng xuất hiện từ trong lửa dữ.

Bỗng một người trong đoàn hét lên:
- Bớ thằng thanh niên mặt trắng, sao dám ngang nhiên lọt vào cấm địa của ta? Ngươi há lại không thấy hai chữ “cấm địa” lớn tướng ở đầu biên giới đó ư? Hứ, xem ra mặt mày sáng sủa mà tâm địa thì tối om-om, ý muốn vào cấm địa để gây sự với ta hẳn? Hay ngươi muốn đem sắc đẹp làm chóa mắt ta ư? Ta không cần sắc đẹp, ta không cần tiếng hay. Vàng bạc châu báu đối với ta đều thành vô dụng, sắc đẹp, tiếng hay đối với ta đều vô dụng, vô dụng tuốt. Cút mau.

Người lửa hét lên tiếng khét như lửa, mà lửa thật, từ trong miệng, đôi mắt. Ôi, dễ sợ làm sao, hai mắt cũng tóe ra lửa, hai tay, lỗ mũi và toàn thân phun lửa đỏ rực. Thật là một cảnh vô cùng khủng khiếp rùng rợn quá sức tưởng tượng của người đời. Mỗi người lửa đều cầm giáo, cần gươm, cũng điều bằng lửa cả. Khói lên ngập trời, nóng như thiêu đốt. Ba bên bốn bề tên lửa chưa ghê sợ bằng chính những con người lửa ấy sắp xông đến chàng, không đợi phải dùng khí giới gì cả, chỉ người họ đến gần cũng đủ đốt chàng và ngựa ra tro trong chốc lát.

Thiếu-Sanh ngẩng mặt lên trời để mong hít một chút không khí không lửa. Con ngựa ô rít lên lần cuối cùng có phần ghê sợ vì tuyệt vọng, tiếng ngựa quay quắc rít lên từng cơn thất thanh, nó cũng ngẩng lên trời để tránh bớt cái nóng kinh khủng, rồi nó ngoảnh cổ nhìn chủ, một cái nhìn hoàn toàn thất vọng như và từ biệt. Chàng đau nhói cả tâm can, không còn cách nào nữa, chắc phải chết! Ngựa ô sẽ thành tro bụi trong chốc lát. Một ít suy tư trong óc chàng: than ôi chỉ vì một niệm điên đảo khiến con ra nông nổi này, cái cảnh hôm nay xem ra còn ghê rợn gấp nghìn lần ở bãi biển hôm qua, rồi đây biết ta còn sống được chăng? Và sống được thì trên đường gió bụi không biết còn chịu đựng được bao nguy hiểm nữa trước khi gặp chàng!!!

Lại một tiếng hét vang: Bắt sống nó cho ta, nhanh lên, không có ai quyền ngăn cản ta, vàng bạc châu báu, sắc đẹp, tiếng hay đối với ta điều vô nghĩa, bỏ, bỏ hết, bắt sống nó nhanh, nhanh lên. Cả đoàn người dạ rân, họ sắp xông vào. Thiếu-Sanh điếng hồn trên mình ngựa, chung quanh bốn bề không có một lối thoát, nghĩ thương mình, phần thương chú ngựa ô, chàng ngẩng mặt nhìn trời: Nam-mô Thập phương Phật, chỉ vì ý niệm điên đảo xui khiến con ra nông nổi này, thật chết con cũng cam tâm đền tội, chỉ thương cho ngựa ô một niềm theo chủ mà phải đền oan. Nhưng cái chết của con đáng, mà cái chết của ngựa ô oan ức quá. Cúi xin mười phương Chư Phật thương con mà cứu cho ngựa ô khỏi họa thì con chết cũng can tâm.

Giữa lúc chàng đương khiếp sợ và ân hận cực độ vì vô phương thoát khỏi vòng lửa bao vây thì vẳng nghe tiếng hát xa xa... (^)

Vân-Sô Đồng tử xuất hiện

...Là tình tang tính,

Non tình non tang,

Ta đi hái thuốc trên ngàn,

Đem về chữa bệnh trần gian cứu đời,

Nước trong xanh, con cá lội thảnh thơi,

Nếu cá không mắc cái mồi lợi danh,

Là tình tang tính,

Non tình non tang,

Con chim xanh xanh,

Tung bay trong chốn rừng xanh

Tìm một cái cành, làm tổ xinh xinh,

Vui chơi thanh thoát an lành,

Là tình tang tính,

Non tình non tang,

Chớ lầm nhãn hiệu huy hoàng,

Mà trong gói ghém lầm-than tơi bời,

Đường đời vạn nẻo ai ơi,

Nẻo vào sân hận, nẻo thời yêu đương,

Lửa sân cháy rực mười phương,

Nước yêu đương ngập muôn ngàn sanh linh,

Thoạt nghe chàng vô cùng sợ hãi vì cũng cái điệu hát tình tang, mà đêm qua chàng đã nghe ở bãi biển, nhiều người con gái lẳng lơ đã hiện ra trêu ghẹo chàng, thì nay cũng điệu hát ấy, cũng tiếng du-dương lảnh lót như hệt hôm qua. Hoặc giả những người thất tình hóa đá hôm qua( theo tư tưởng của Thiếu-Sanh) nay hiện ra để báo đời mình nữa; những suy tư lo lắng, thêm vào sự khủng khiếp, chàng hoàn toàn thất vọng, song Thiếu-Sanh cũng ngẩng đầu nhìn nơi phát xuất tiếng hát kỳ diệu. Chàng ngẩng lên vừa đúng lúc, vì chàng đã thấy một tiểu đồng đang đứng tự tại trên một cành cổ thụ. Cổ thụ xanh tươi đứng trong lửa dữ Tiểu-Đồn vẫn ung-dung hình như đang hái lá trên cành.

Quả là một sự thật rõ ràng, chàng chớp mắt nhanh mấy cái mới nhìn rõ, tiểu-đồng lối bảy, tám tuổi có hai trái đào tiên trên mái tóc tơ, chiếc áo màu quang lục, buộc ngang lưng, một giải lụa đào thêu kim tuyến, chiếc quần hồng thêu, buộc túm ống trong đôi vân hài[5] xinh xinh. Phục sức và dáng điệu vô tư, trước cảnh lửa dữ càng thêm vẻ tiên phong đạo cốt.

Thật là một việc ly kỳ, tay hái lá, miệng hát lanh lảnh nhưng bị đứt quãng vì tiếng lửa cháy.

Con chim xanh xanh

Tung bay trong chốn rừng xanh

Tìm một cái cành làm tổ xinh xinh...

Lửa sân cháy rực mười phương.

Nước thương yêu ngập muôn ngàn sinh linh.

Thiếu-Sanh định thần lắng hết tâm tư, suy nghĩ vội vàng: câu hát của đồng-tử quả là một bài hát cảnh tình của trần gian. Phải chăng hôm nay “lửa sân cháy rực mười phương” còn hôm qua thì “nước thương yêu ngập muôn ngàn sanh linh”... con chim xanh tung bay trong chốn rừng xanh, chỉ tìm một cái cành làm một cái tổ xinh xinh, thật quá dễ dàng, vì chim không bay nhảy, chim không tìm tòi ước mơ những điều quá sức mình thì có sợ gì tên đạn?

Lửa cứ cháy dữ nhưng chàng vẫn nghĩ tiếp: Một người kỳ lạ hiện ra giữa lúc này và hát lên những câu đây chắc không phải một sự tình cờ mà có lẽ số ta chưa đến nên Bồ-Tát hiện thân để cứu ta và cảnh tỉnh cho đời chứ chắc không phải hồn ma bóng quái như hôm qua.

Nghĩ thế chàng liều mạng hét lên thật to để át tiếng nổ của lửa.

Kỳ-đức đạo nhân xin cứu mạng cho kẻ tiện sanh...

Đang hái lá say sưa trên cây theo điệu hát huyền dịu, bỗng nghe tiếng kêu thất thanh, Đồng- tử nhìn xuống, không có vẻ ngạc nhiên, Đồng-tử đáp: Nữ hảo hán tin em cứu được thầy trò của chị thì xin cứ theo em. Nói xong Đồng-tử bỏ vội nắm lá đang hái vào lẵng hoa đeo trên vai rồi từ từ nhảy xuống, nhẹ nhàng như một cánh én liệng giữa biển lửa, người vẫn đi tự tại trong lửa dữ, song lạ thay Đồng-tử đi đến đâu thì lửa vẹt ra một đường an lành. Thiếu-Sanh mừng rở vô hạn, chàng xuống ngựa theo sau Đồng-tử.

 Thoát khỏi lửa dữ một cách nhanh chóng không ngờ, Thiếu-Sanh quỳ xuống để tạ ơn cứu sống, tinh thần chàng đã lấy lại bình tĩnh chàng cũng kính thưa: Kỳ-đức đạo nhân, xin người hãy cho tiện-sanh cái hân hạnh được biết pháp hiệu và phương danh hầu ghi cái ơn cứu tử vào tâm khảm.

Đồng-tử không từ chối, đưa cao cái lẵng hoa có khắc bốn chữ “Vân-sô Đồng-tử”:
- Đây, tên em, và nhờ nữ hảo hán giải thích hộ ý nghĩa nhé. Ơn cứu tử là một ơn lớn lao nhất của con người, hoặc cả muôn loài hữu tình chúng sanh, vì chúng sanh nào mà không sợ chết, trong lúc họ còn muốn sống? Thiếu-Sanh được thoát chết bởi một em bé xinh đẹp đạo vị, càng nhìn càng mến, càng mến càng yêu, chàng quên cái sợ vừa qua, chỉ muốn ôm chầm lấy em bé­ để hôn lên đầu lên trán xinh xinh của em, song cái vẻ thơ ngây mà phong độ đáng kính, làm chàng kính ái khác thường nên chàng chưa dám đường đột lại gần em bé . Khi nghe Đồng-tử thỏ thẻ bắt chàng giải thích ý nghĩa hai chữ Vân-sô ( tên em ), làm chàng phải suy-nghĩ hơi lâu về cái ý nghĩa hai chữ tên người Kỳ đức. Phải nghĩ thế nào để nói cho đúng , chứ không sợ sai e bị một trận cười của chứ bé chứ không khỏi .

 Thiếu-Sanh dè dặt đáp :

“Vân” là mây chưa phải là Kỳ-đức.Còn “Sô” theo ngu ý tôi hiểu thì chữ “sô” chỉ là lấy ở một trong hai chữ Bí-sô, là một thứ cỏ có năm đặc chất:

 - Mềm mại

 - Bò lan khắp mặt đất

 - Mùi thơm bay xa

 - Trị được bệnh đau đầu

 - Đọt nó thường hướng về phía mặt trời mọc.

Vì cỏ Bí-sô có năm đặc tính ấy nên đức Phật dùng gọi các vị tỳ kheo là Bí-sô cũng có năm đức tương đương:

- Lời lẽ ôn hòa
- Tâm hồn rộng rãi
- Tiếng tốt bay xa
- Hay trị bệnh khổ não cho chúng sanh
- Luôn luôn tìm hiểu sự thật.

Nay hiệu của Kỳ đức là Vân-sô, tôi chắc nghiêm đường của người, biết trước sau này người sẽ là một đấng xuất trần để cứu độ chúng sanh, nên đặt quý danh cho người một nửa có vẻ biến hóa như mây (vân) một nửa có cái thật đức như cỏ Bí-sô vậy.
- Trời ơi! Chị nói hay ho làm sao, như một đạo sư thuyết pháp, thao thao bất tuyệt, nhưng không phải vậy đâu chị ơi! Tên em dễ ợt mà nó cũng không hay ho gì như chị cao tặng vậy. Nói xong Đồng-tử quay cái lẵng hoa lộn ngược rồi hỏi: Chị hiểu không.

Thấy Thiếu-Sanh ngơ ngác Đồng-tử bảo:

Thôi chị chưa hiểu thì một ngày khác chị hiểu vậy nhé.

Đôi má phinh-phính hồng hào thêm hai cái lúm đồng tiền, mái tóc đào tiên tơ-lơ trước gió càng tăng vẻ dễ yêu, đôi mắt trong sáng như có hào quang, tiếng nói thơ ngây phát xuất từ đôi môi đỏ thắm phưởng phất một mùi thơm na-ná như mùi sữa mẹ, chúng tỏ Đồng-tử còn bé bỏng lắm. Vai đeo cái lẵng hoa buộc cái dải lụa đào, giống hệt các tiên đồng ngọc nữ người ta hay vẽ trong các bức tranh Tàu.

Thiếu-Sanh nhìn em bé một cách say sưa trìu mến, như muốn ôm em vào lòng. Chàng nói như năn nỉ: Kỳ đức lên ngựa với tôi, tôi xin đưa người về tại quý phủ cho tôi được bái yết nghiêm đường người đã sinh ra vị đại ân nhân của tôi.

-Ý, đâu được, chị là nữ nhân em là nam nhi, dù cho giữa chốn rừng hoang vu không có một người thứ ba đi nữa, nhưng nam nữ thọ thọ bất thân, nam nhi ai lại ngồi chung với nữ nhân bao giờ? Chị đừng nói vậy không nên.

-Trời ơi! Kỳ đức có chút xíu như con tôi, ngồi chung một ngựa cho tiện đường về, nhỏ có chút xíu mà nam nhi chi nà! À mà sao Kỳ đức goi tôi là chị? Ai bảo thế.

- Em biết được chị là gái cải trang, chứng tỏ em không bé bỏng đâu nhé, nhìn nội cặp lông mày cong cong vòng nguyệt em cũng đủ biết chị là gái không sai. Như vậy dù sao em cũng là trượng phu, chị chỉ là nhi nữ thì cần phải giữ lễ một chút đừng vì sự mến yêu bồng bột dù là yêu một người em trai cũng sẽ mất đi cái lễ giáo vậy.

Chị biết không? Lúc em lên năm em không còn ngồi trong lòng mẹ, đến sáu tuổi thì tuyệt đối em không ngồi chung với chị gái của em. Thánh nhân đã dạy: “ nam nữ thọ thọ bất thân mà lị”.

-Thôi tội quá Kỳ đức, tôi nói lỡ lời xin Kỳ đức tha thứ cho.

-Để em nói hết cho chị nghe: sở dĩ xưa nay việc không mấy tốt đẹp thường xảy ra đều chỉ vì không biết thận trọng chỗ cơ hiềm, người khôn qua ruộng dưa không sửa dép, đến giàn lý không dám nâng khăn. Vì sợ cơ hiềm mà trọn đời thanh danh không hoen ố, chị bảo em còn bé không ngại gì nam nữ, nhưng mồi lửa tuy nhỏ cũng có thể đốt cháy cả rừng cây, giọt nước tuy ít chảy lâu cũng đầy hũ lớn. Xưa nay biết bao nhiêu việc không hay thường xảy ra cũng vì trước nhỏ sau lớn, trước ít sau nhiều, đầu chơi sau thật. Những vị được người đời tôn xưng là thánh, lưu danh muôn thuở đều là những vị biết giữ mình từ việc nhỏ.

Sở dĩ thánh nhân dạy người con trai bảy tuổi không được ngồi trong lòng mẹ, con gái bảy tuổi không được ngồi giường cha, anh, tuy tình huyết mạch không sợ cơ hiềm, song những tâm hồn trong trắng cần phải đủ trợ duyên để được trong trắng mãi nếu hời hợt không biết thận trọng thì tiệm nhiễm tình sanh, trước vô tâm sau thành đại họa.

Thưa chị, một xã hội lành mạnh là một xã hội nam nghiêm nữ chánh muốn thế không phải dễ mà không phải khó, vì sao? Ranh giới giữa phàm phu với thánh nhân chỉ ở nơi hai chữ “túng, tiết”. Thấy vàng rơi ra ai lại không muốn  “kẻ phàm phu chóa mắt vì tham tâm, lượm lấy của phi tài mà quên nguy hại, đấy gọi là túng dục”; Người quân tử tiết chế được tham tâm không lấy phi tài nên đời sống tuy đạm bạc mà thường an. Nghe lời trái tai ai lại không tức giận, kẻ tiểu nhân không nhịn được, nổi sân si mà thù oán dây dưa, bậc trượng phu biết nhận lẽ phải trong lời nói trái, mà nên sự nghiệp. Thấy sắc đẹp mà ai lại không ưa? Kẻ tiểu nhân vì túng dục mà ô danh, người quân tử tiết chế được dục tình nên thành đức sáng. Chị xem đến lúc nào là nam không nghiêm, nữ không chánh là lúc thiên hạ đại loạn đấy. Em tuy còn bé bỏng nhưng em không muốn gây cái đại loạn đầu tiên trong thiên hạ chị ơi!

Thiếu-Sanh sững sờ, phần vì thẹn phần vì liên nghĩ đến tâm sự mình hiện đang dấn thân trên bước đường gian nguy vô định cũng chỉ vì hai chữ “túng dục” mà ra nông nổi, thật đúng như lời Vân-sô đồng tử, mà hình như em bé hiểu thấu tâm trạng của mình.

Chàng chữa thẹn bằng một cái mỉm cười.

Chà, tôi thấy Kỳ đức còn bé nên nói lỡ lời, không ngờ Kỳ đức làm cho một bài thuyết pháp tràng giang đại hải nên thân. Thôi xin tạm biệt và nguyện ghi ân mãi mãi trong lòng nhé. (^)

Quốc Cựu Lục Trần đi đâu?

Từ ngày Quốc cựu lục-trần mất tích một cái tin vô cùng quái lạ đối với ngày xa xưa ấy đã làm chấn động cả chế độ. Ngoài Lục hoàng hậu là tình cốt nhục, tân quân cũng có nhiều cảm tình với đương kim quốc cựu, một phần là vì em vợ, hai nữa là tình bằng cựu ngày còn thơ ấu. Riêng Quý phi nàng có cái lo âu mất đi một người tình trong lý tưởng. Nói tóm lai Lục trần ra đi để lại quá nhiều mến yêu quay quắc cho tất cả mọi người. Những ai đã gặp Lục trần một lần, dù chỉ một lần thôi cũng làm cho người ta say mê chàng như điên cuồng. Con người quan trọng ấy như thế nào, và có những thành tích gì làm cho mọi người phải say mê đến thế?

Đây Quốc cựu Lục trần: người là em khác mẹ với đương kim Hàng-hậu. Nguyên hai cô gái đẹp con quan tổng trấn, con bà chánh thất phu nhân, Lục tiểu thư đưa vào cung cho vua Thanh Tâm, đệ nhị phu nhân sanh ra Lục Trần Quốc Cựu, còn cô em gái Hoàng hậu lại gả cho Hoàng đệ Ma-nặc, Ma-nặc cũng có một cô em gái khác mẹ là Nguyệt-Ý công nương

Song đây không phải là cái lý do chính, làm mọi người say mê chàng, mà thật ra chàng có một phong độ đặc biệt,chẳng phải phụ nữ say mê mà cả phái nam nhi cũng mê chàng nốt. Họ say sưa chàng đến tột độ vậy. Người ta nghĩ chắc chàng có một bí quyết gia truyền nào để hấp dẫn ngoại nhân mãnh liệt, thật không quá đáng.

Là một thanh niên khôi ngô, nhất là có một phong độ làm người khả kính, chàng ít ngao du với ai, hình như vô tâm mà lại vô tình. Chàng thản nhiên trong lúc xuân về, không buồn khi thu đến, không biết lạnh cái lạnh của mùa đông và không biết nóng cái nóng trong ngày hạ. Hình như khí thiên hun đúc cho chàng nhiều đức tánh làm người ái mộ mà chàng thì chẳng ái mộ ai bao giờ. Có những đêm trăng nhã, những buổi trời thanh, người ta nghe tiếng đàn của chàng từ trong nội phủ vọng ra, tiếng đàn trái lại, khi như vui nhộn đón xuân, lúc buồn man mác như vương vấn hơi thu, khi chua cay gay gắt nhưsức nóng của ngày hạ và khi ởm ờ lạnh lùng như giá rét tiết đông . Đây  là những đức tính kỳ đặc của Quốc cựu Lục trần.

Nay bỗng nhiên chàng mất tích. Bị bắt cóc? Hay ai thủ tiêu ? Chàng đi đâu ? Ai đem chàng đi? Người ta bàn tán xôn xao, thật là một đề tài sôi nổi, trong những buổi gặp mặt bất cứ ở nơi nào, nó đều làm đầu câu chuyện. Những người nhàn hạ ăn xong xách nón le te, họ tự động đi điều tra cho kỳ được. Năm bảy cái dấu hỏi, năm bảy câu giả thiết song đều chưa ai tìm ra manh mối cả.

Nhưng bức màn bí mật hình như lâu ngày được phai đi hoặc mỏng lần, làm cho những người còn lưu tâm đến câu chuyện có cơ hội khám phá ra trong một buổi tiệc tại tư dinh của Hoàng-đệ Ma-nặc. Nhân đề khởi đến vấn đề Quốc-cựu Lục-trần mất tích, Ma-nặc đã nói ra nhiều câu mà người ta cho là sự vô tình Ma-nặc đã làm tiết lộ vấn đề bí mật ấy. “Hứ, Quốc-cựu Lục-trần đi đâu? Đi đâu cũng đi trên đất của vua ta, đội trời cũng của Vua ta, ăn lúa của vua ta, chi cũng của vua ta...” Hoàng-đệ Ma-nặc bảo thế.

Rồi người ta nhớ rằng cách đây mấy tháng, trước ngày Quốc-cựu ra đi, người ta biết rằng Ma-nặcđã tâu ra gì với Chúa thượng, làm cho nhịp cầu thân thiện giữa Chúa-thượng và Lục-trần tuy không đến nỗi gãy đỗ song cũng rạn nứt đi nhiều.

Người ta đặt nhiều nghi vấn rằng: Hoàng-đệ Ma-nặc hoặc có, hay đã nhúng tay vào trong vụ này. Thế nhưng người ta chỉ nghĩ và đoán vậy rồi lâu lần cũng thôi, nói hoài cũng nhàm, vì họ đã có một đề tài khác thay vào nóng sốt hơn. Kỳ lạ hơn là Nguyệt-Ý Công-nương cũng đi mất.

Hai người theo nhau?

Không, không thể thế được, người ta không tin và họ cũng không bao giờ nghĩ đến cái việc tài trời ấy. Vì ngày xưa, ngày xưa cái thời của Lục-trần và Nguyệt-Ý còn trong khuôn khổ đẹp. Người ta còn biết sợ dư luận, và họ sống với danh dự nhiều hơn, người ta có thể ôm ấp một kỷ niệm riêng tư đến trọn đời chứ không bao giờ dám vượt qua lễ giáo.

Vậy tiếp theo dư luận trên thì từ khi Nguyệt-Ý Công-nương ra đi hoặc giả nàng đi tìm Lục-trần có lẽ đúng hơn, cái nghĩa đi tìm khác hẳn đi theo. Người ta được biết nhiều về Nguyệt-Ý em của Hoàng-thân Ma-nặc. Nàng là người nghĩa hiệp, tuy hình hài nhi nữ mà ý chí anh hùng; vả lại nàng có biết nhiều về võ nghệ gia truyền. Vì lẽ ấy nên dân chúng bàn tán xôn xao rằng: Hoặc Hoàng-thân Ma-nặc có làm điều gì ám muội trong vụ Lục-trần mất tích, mà Nguyệt-Ý Công-nương đã khám phá ra, song nàng không dám nói là vì danh dự tôn phong của gia đình. Nay nàng quyết theo đuổi Lục-trần để cứu chàng mà đền tội cho anh, với lại nàng cũng trọn niềm chung thủy, vì song thân Nguyệt-Ý trước khi từ trần đã di chúc việc cầu hôn với ái nữ của người là  Nguyệt-Ý Công-nương, do Lục Hoàng-hậu yêu cầu.

Nói về Thiếu-sanh sau khi biết mình vì mất tinh-thần bởi năm bóng ma hiện ta ở bãi biển. Trãi qua một phen khiếp sợ, đáng lý đi đến ngã ba thì rẽ qua tay phải để về thôn “Áp nhĩ” chàng lại rẽ về tay trái, nên lạc vào cấm địa rồi bị thêm một trận kinh hồn, rõ thật tam-đồ bát nạn rủ nhau gieo vào chàng gánh chịu. Trải qua hai phen xuýt chết, chàng đã tìm ra con đường đến thôn Áp-nhĩ. Nhờ ơn của Kỳ-đức Vân-sô chàng vừa ngồi trên ngựa vừa nhẩm lại tiếng hát du dương...Những điệu nhạc siêu phàm và ý nghĩa siêu nhân còn vang vảng bên tai, như đã thức tỉnh con người trai đẹp phần nào, nhất là một bài thuyết pháp vô già của Đồng-tử làm chàng giật mình và thắc mắc mãi trong lòng, cái thắc mắc của người “biết” mà vẫn không làm được như cái biết thật oái oăm.

 Lang-thang trên đường gió bụi, đi tìm một ảo ảnh trong thời gian vô định. Cái bóng hạnh phúc trừu tượng trong lý tưởng biết đến bao-giờ mới thực hiện? Và khi thực hiện được chắc phải đổi bằng một giá rất đắt, sợ e mộng chưa thành mà mái tóc đã hoa râm!

Nhiều cảm nghĩ chắp nối liên-miên trong tư tưởng, thì ngựa ô đã đưa chàng đến một đô-thị tương đối rộng lớn của thôn “Áp-nhĩ” ít hôm, để cho ngựa hoàn hồn trong mấy phen vào sanh ra tử.

Từ khi chú bé con con “Vân-sô” tố giác chàng là gái, Thiếu-sanh vẫn không ái ngại và cũng không thấy chàng cải chánh, vì từ lúc bỏ nhà ra đi cái chí hiên ngang của chàng nhờ có biết chút ít võ nghệ, nên giữa đường nếu gặp việc nghĩa thì chàng can thiệp ngay, chưa có một ai nói Thiếu-sanh là gái cả, mà họ chỉ khen và tặng chàng một biệt hiệu là “người thư sinh mặt đẹp” thế thôi. Nay Thiếu-sanh nghe người ta đồn Quốc-cựu Lục trần đã dừng chân tại thôn Áp-nhĩ nên chàng đến đây để tìm.

Tuy gọi là “thôn” nhưng thật ra là một đô-thị trù phú rộng rãi, dân cư đến trú ngụ làm ăn rất đông. Thiếu-sanh tìm các tửu quán để tiện bề nghe ngóng tin tức. Biết đâu cái tin Quốc-cựu Lục-trần lại không tiết lộ ra ở cửa miệng những người thực khách trong lúc trà dư tửu hậu?  Tạm trú đến ngày thứ tư. Thiếu-sanh đã khỏe nhiều; chàng gửi ngựa vào tàu cho ngựa ô dưỡng sức thêm. Còn chàng một mình ra đi, một là để nghe ngóng tin tức, hai là để quan sát lối sống của dân chúng trong thôn, với lại tìm

xem cái thắng cảnh do nhiều vị kỳ cựu của thôn giới thiệu.

Thắng cảnh kỳ quan mà cảm động và lý thú nhất là “Vọng phu đình" và “ Đốn ngộ tự” Thiếu-sanh đến thăm Vọng phu đình trước, vì cái tên hấp dẫn mà ý-nghĩa phù hợp với tâm sự mình hơn. Chàng đi ngựa với ba người dẫn lộ vào một buổi chiều thu có mưa lâm thâm.

Vọng phu đình dựng trên một ngọn đồi khá cao, chung quanh có sông bao bọc trông như một trái cù lao. Đình không rộng lắm mà cũng không huy hoàng, có lẽ vì trải qua lâu đời lâu kiếp. Trong đình thờ vỏn vẹn một tảng đá dựng thẳng, tượng hình một người con gái. Theo lời người dẫn lộ giới thiệu, thì tảng đá này thiên nhiên như thế chứ không phải chạm trổ gì cả.

Nắng mưa dồn dập, dâu bể đổi thay, đình miếu bây giờ hoang vu, bia đá rêu phong hết chữ, bồn hoa gạch nát tiêu sơ thật

đúng với hai câu :

Sân hoa cúc rụi bồn lưa gạch

Bia đá thi đề chữ đóng meo[6]

Phong cảnh tuy tiêu sơ, nhưng một đoạn tình sử anh hùng mà cảm động vẫn còn lưu mãi trong dân gian: Nàng La-di-la, thứ nữ của quan thái thú, nàng đẹp mà hiền. Một năm gặp thiên tai dân chúng bị bệnh dịch tả rất trầm trọng, người chết vô số, trước cảnh thảm mục thương tâm, trước cái chết giãy giụa, quằn quại của trẻ em, bà già, thanh thiếu niên v.v... nàng vô cùng đau xót, đã bỏ ra nhiều tiền do tư trang của nàng để mua thuốc giúp dân song đều vô hiệu quả, số chết mỗi ngày càng tăng.

Nàng La-di-ta bèn đến trước tượng quán-Thế Âm Bồ-Tát mà phát nguyện rằng: Nếu ai chữa bệnh cho dân lành thì nàng xin đem thân thờ phụng trọn đời. Tin ấy rao khắp trong tỉnh sau khi đã được song thân chấp thuận. Có một chàng thanh niên đem thuốc đến trị lành quần chúng, nhưng bệnh mình thì chàng không trị được vì chàng là một người phung. Bệnh chàng đến thời kỳ trầm trọng giữa lúc chàng chữa lành bệnh cho thiên hạ! Giữ đúng lời hứa, nàng La-Di-La xin cha mẹ theo chàng, nhưng song thân nàng bội ước vì thương con. Còn chàng một người chân quê bệnh hoạn, cảm thấy tấm lòng thủy chung như nhất của người đẹp, chàng tự tỏ ra đi mà yêu cầu nàng hãy xóa lời phát nguyện.

Nàng đưa cha già của chàng về phụng dưỡng cho đến lúc ông cụ qua đời, song thân nàng cũng lần lượt từ trần. Nàng La-Di-La đi lang thang tìm chồng hết nơi nầy đến chốn nọ, cả gia thế nàng bán hết và bỏ vào quỹ từ thiện một nửa, còn nàng mang theo để bố thí, trong thời gian không biết bao lâu, đến khi dân chúng trong vùng thấy một tảng đá tự nhiên nổi trên một đồi núi, giữa hai con sông giao nhau như một trái cù lao, tảng đá tượng hình người con gái đẹp, thì vừa đúng lúc thiên hạ đồn con gái quan thái-thú đi tìm chồng hóa ra đấy. Quần chúng cảm đức Từ-bi và chung thủy của nàng nên lập đình ngay tại đó để phụng thờ. Bốn mùa hương khói trải qua không biết bao nhiêu năm, nhưng vẫn còn linh ứng và dân làng vẫn nhớ ngày tiết lễ.

 “Đốn-ngộ tự" là một ngôi chùa dựng lên giữa triền núi khá cao, chung quanh có khe nước trong bao bọc, cảnh trí thiên nhiên có một vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ mà giải-thoát.

Lịch sử ngôi chùa Đốn-ngộ thật đúng như cái hiệu của chùa vậy. Tương truyền rằng: cách đây ngót trăm năm, có một người con trai học thức lại đa tình, chàng chơi thân với một người con gái, từ ngày hai trẻ còn thơ, rồi cùng lớn lên song song, tình bạn trở thành tình yêu dễ dàng và thật sự, sắp đi đến hôn nhơn, vì đôi bên cha mẹ đều bằng lòng bởi lẽ môn đương hộ đối[7].

Người con gái không đẹp nhưng rất có duyên, chỉ phải cái nàng có hai răng cửa hơi cời[8], nhưng chàng yêu chàng bảo : duyên ở cái “cời ấy”.

Một hôm chàng rủ một người bạn thân đến chơi nhà vị hôn thê, luôn tiện để chàng giới thiệu với bạn và nhờ bạn xem hộ cái mặt coi có được không, tuy nói thì nói thế, nhưng giữa đường chàng không ngớt khen ngợi vị hôn thê của chàng, và chàng kể cho bạn nghe một nếp sống đã hoạch định sau nầy; mỗi khi chàng và nàng gặp nhau.

Lúc đến chơi thì nàng đi vắng, bà mẹ vợ đang ngồi giặt áo bên bờ ao. Bà mẹ vợ tương lai của chàng đã già mà tóc còn tốt lắm, bà bối một cục to tướng trên xoáy thượng như đội cả trái bưởi lớn trên đầu, không phải cái lối phi-dê tân kỳ, mà đấy là một cục rắc rối của cái đầu tóc không dầu không chải, nên trông nó như một tổ chim rột rột[9], hai răng cửa của bà nhô ra gần nửa ngoài môi, một màu vàng ợt ợt.

Thoạt nhìn mẹ vợ chàng chỉ kịp chào vội rồi kiếu từ liền, chàng kéo gấp tay bạn ra khỏi nhà vợ. Và ngôi chùa Đốn-Ngộ cũng được dựng lên trong thời gian đó không xa. Ban đầu chỉ có một thảo am nho nhỏ để làm chỗ dừng chân của người trai trẻ ấy. Người con gái vị hôn thê của chàng sững sờ khi nghe chàng bỗng nhiên thành sa môn, nàng quay-quắc như thằn-lằn đứt đuôi bởi chàng bỏ mình lừng-lựng. Nàng tìm đến thăm mấy lần song chàng đều tránh mặt, thật là một việc hết sức bí mật. Song bí mật lâu rồi cũng chẳng bí mật gì cả, vì thiên hạ tò-mò họ khám phá cho kỳ được cái lý do chàng bỏ nàng mà đi tu. Cái lý do đó thật giản dị mà ly kỳ, chỉ vì cái hôm chàng rủ bạn đến thăm nàng, gặp bà mẹ vợ giặt áo bên bờ ao thấy tà ta tra mô xấu nấy, chàng bỗng nghĩ ngay đến người vợ chưa cưới của mình, chàng nghĩ rằng: một ngày kia nàng cũng tra mô xấu nấy in như mẹ vợ thì ôi! Buồn ơi là buồn! Vì nàng giống hệt mẹ nàng.

Cũng tưởng tu chơi ai ngờ tu thật. Chàng học thông kinh luật và giữ gìn giới luật tinh nghiêm, trí đức hoàn toàn, tín đồ rất mến phục, chốn thảo am không bao lâu đã trở thành ngôi phạm vũ trang nghiêm thanh tịnh. Chàng mở lớp dạy Đạo và độ người nhiều vô số.

Thắng cảnh hai nơi nay tuy không còn nghiêm lệ như xưa, bởi vì nhiều phen mưa nắng phũ phàng, song hai lịch sử vẫn còn huy hoàng trong lòng nhân thế, mỗi khi được nhắc lại với khách mộ cảnh bốn phương.

Đương kim chủ ngôi chùa Đốn-Ngộ, là một vị Hòa-thượng chừng bảy mươi tuổi. Ngài tu theo lối khổ-hạnh sống nếp sống đạm bạc. Trong chùa có thêm hai chú tiểu nhỏ xíu là tiểu Ngộ 10 tuổi, tiểu Tỉnh 9 tuổi. Sau khi biết Thiếu-Sanh là khách phương xa đến viếng cảnh, Hòa-thượng ân cần mời ở lại một đêm, nhân chiều hôm ấy giữa cơn mưa như trút nước. Và Hòa-thượng còn cho biết nhân tiện ngày mai là ngày dân chúng làm lễ hành hương, nên mời chàng ở lại để lễ Phật và xem cho biết phong tục ở mỗi nơi.

Vẫn một ý niệm tìm người, chàng nghĩ: Biết đâu ngày mai Quốc-cựu Lục-trần lại chẳng đi theo bạn tác lên đây. Chàng cảm tử từ-ân của Hòa-thượng nên vân lời ngay. Ngài dạy tiểu Ngộ sửa soạn liêu bên để khách nghỉ. Sau một cơn mưa to, trăng càng sáng tỏ. Ở đây tuy bụi phồn hoa không có, nhưng trong những kẽ đá cành cây cũng chẳng khỏi vấn vương bẩn nhơ của kiếp đời ngũ trược[10].Trận mưa đã làm sạch bụi đời nhơ bẩn, phong cảnh thiên nhiên càng linh-động. Hai chú tiểu có cảm tình ngay với khách, điều ấy không lạ, vì cái tuổi trẻ nít tu hành đầu non góc núi đôi khi cũng cảm thấy tịch liêu, nay có khách ở lại mà khách lại là một người dễ mến, nên hai chú tiểu ríu rít bên khách không rời.

Khi Hòa-thượng đi khóa lễ tuổi tối; hai chú tiểu xíu xíu rủ khách ra trước gành đá bên bờ khe ngồi chơi. Khách vốn thích cái tính hồn nhiên của trẻ, lại thêm phong độ của hai chú tiểu làm khách thêm mến, chàng ưng thuận ngay. (^)

Câu chuyện dưới trăng với hai chú tiểu

Mở đầu câu chuyện, khách hỏi:

- Chú là tiểu Ngộ, còn chú là tiểu Tỉnh phải không? Tiểu ngộ là sao hở chú?

- Tiểu Ngộ là mới ngộ xơ xơ, còn tiểu Tỉnh là mới tỉnh hơi hơi, tiểu Ngộ trả lời gọn gàng.

- À hay quá nhỉ nhưng tại sao chú đi tu chú nói cho tôi nghe đi chú tiểu Tỉnh. Tiểu Tỉnh không ngần ngại :

- Nhà em nghèo lắm, cha em làm thuê nhưng không đủ ăn vì đông con, mẹ em thì đau luôn, nên tối nào cha em cũng đi làm thêm một nghề nữa là nghề bắt ếch và chơm cá lóc. Cha em có sắm một cái chơm tối nào lên đèn là cha em ra ruộng hoặc ra đồng bắt ếch và chơm cá, nhất là đêm mưa mới tạnh như đêm nay, em thường bưng đèn soi cho cha em làm việc. Một hôm cha em thò tay vào chơm bắt cá thì đụng nhằm rắn độc. Em chạy về nhà tin, mẹ em ra đưa về qua ngày sau cha em mất.

- Trời ơi ! Tội thế, chú được mấy anh em cả? Thiếu-sanh ngắt lời hỏi.

- Em được năm anh em, hai anh hai chị, tiểu Tỉnh kể tiếp :

Nhờ Hòa-thượng cho tiền chôn cất xong. Đến ngày chung thất cả nhà lên chùa làm lễ, em được ở lại với bà nội em, tối  đến Hòa-thượng kể chuyện nhân quả cho bà em nghe: là hại người thì người hại lại, giết vật thì vật giết lại. Đến khuya em theo điệu Ngộ lên chùa thỉnh chuông, điệu tụng bài kệ chuông đến câu “Nguyện thành Phật độ chúng sanh” em thích quá, em cũng ưng thành Phật để độ chúng-sanh mà trong đó có cha em.

- Ồ chú có hiếu quá.

- Rồi em xin mẹ đi tu để sám hối tội lỗi cho cha em, em tu được một năm, sau chú tiểu Ngộ tám tháng.

- Chao ôi chú thật có hiếu, tôi quý chú lắm chú ơi ! Thiếu-sanh vuốt cái vá của tiểu Tỉnh rồi tiếp: và vì vậy mà Hòa-thượng đặt tên chú là Tỉnh hơi hơi đấy à?

Còn chú Ngộ sơ sơ nữa, vì sao chú đi tu chú kể luôn cho tôi nghe đi.

Tiểu Ngộ nhìn khách tủm tỉm cười:

Vì sao em đi tu ấy à? Em nói mà sợ công tử cười em quá:

- Ồ tôi là người trần gian, dù có lớn tuổi hơn các chú nhưng các chú vẫn khôn hơn tôi, nên tôi rất kính trọng các chú đâu có dám cười.

-Sao em khôn hơn công tử được?

- Các chú khôn vì các chú biết tìm con đường tốt đẹp mà đi , còn tôi... Thiếu-sanh đưa mắt nhìn đăm chiêu ra xa, cảnh núi rừng ban đêm ẩn hiện dưới vầng trăng khi tỏ khi mờ, trông có vẻ huyền bí giống như tâm sự của người khách lạ, tiếng róc rách của suối nước như than thở thay cho kẻ tình si.

Chàng tiếp: còn tôi, tôi đang đi trên đường tội lỗi! lên các chú khôn hơn tôi thật đấy. Thôi, chú kể cho tôi nghe tại sao chú đi tu?

- Thế này hí, cái năm em lên bảy tuổi em tên là Cu anh và em có một người em song đôi lên là Cu em. Một hôm gặp ngày ky ông nội em, mẹ em làm cỗ chay linh đình có rước thầy về tụng kinh để cầu siêu cho các tiên linh. Hai đứa em đều là cháu đích tôn, đầu cạo nhẵn trên xoáy thượng mẹ để cho hai đứa em hai chòm tóc tròn như dĩa bánh bèo. Mẹ em may cho hai cái áo rộng lềnh bềnh, khi nào có đại lễ thì chúng em mặc vào, cả hai anh em thích lắm.

Hôm ấy hai anh em mặc áo rộng, cha em bắt lai đứa em đứng hai bên khoanh tay hầu ông nội trong bàn thờ. Trước bàn thờ gia-tiên có thiết bàn Phật, cha em quỳ sớ ở trước, quý thầy tụng Kinh rất đông, mọi người thì đi ra đi vào lăng xăng, hai anh em đứng khoanh tay hoài trong bàn thờ lâu lắm, hai đứa em buồn quá chừng nhìn nhau bắt buồn ngủ.

- Ồ buồn là phải chớ, con nít có chút bẻo mà đứng khoanh tay loài trong bàn thờ không được đi chơi, thì tôi cũng buồn nữa là chú và Cu em.

- Rồi công tư biết Cu em làm chi? Cu em buồn ngủ quá. Chú nhìn vơ nhìn vẩn cho đỡ buồn ngủ, bỗng gặp ngay đã chả rán, Cu em bốc một miếng ăn cho đỡ buồn.

- Trời ơi, chú nói chuyện có thần quá.

- Cu em ăn thử một miếng, chao ơi ! Thơm mô ngon nấy, rồi nó lủm luôn hai miếng.

Trời ơi cái chú này - Thiếu-sanh ngắt lời.

Tiểu Ngộ nói tiếp: khi nhìn ra Cu em không thấy có ai Cu em sửa lại dĩa chả, nhưng sửa hoài cứ xiêng xiêng xẹo xẹo bực mình Cu em làm thẳng cả bốn miếng, thu luôn cái dĩa lưới bàn thờ, và lấy tay áo rộng lau miệng sạch sẽ rồi khoanh tay như cũ. Em thấy Cu em làm vậy em sợ quá hết buồn ngủ, nhưng bắt đầu lo cho Cu em.

- Chú lo sao ạ Cu em đã thu cái dĩa rồi.

- Em lo mạ biết quá, nên em cứ khoanh tay khấn vái ông nội phù hộ cho Cu em khỏi bị đòn. Khi cúng xong chị Ba lên bưng dọn, quý thầy đã về hết, em nghe mạ hỏi dưới nhà:

- Chớ còn dĩa chả rán nữa mô? Em sợ quá chắc thế nào Cu em cũng bị đòn, nên toàn thân đổ mồ hôi như tắm, bỗng mẹ em hét lên dưới bếp.

- Lên kêu hai thằng cu xuống đây.

Lạy Phật, lúc ấy em hết hồn hai đứa em chạy xuống nhưng mẹ em không la mà ôn tồn hỏi:

- Chớ hai đứa con đứng hầu ông nội có thấy ai vô bưng dĩa chả rán không con?

Cu em thưa tỉnh bơ:

- Dạ ông nội xơi hết rồi mạ nờ.

- Trời ơi chú trật!

- Mạ em chúm chím :

- Rứa ông nội có khen chả ngon không con?

- Dạ ông nội khen chả ngon lắm mạ à !

Tối đến khi khách về hết, cha em kêu Cu em lên ông bắt nằm xuống. Cu em sợ quá biết cái việc ăn vụng của mình thì bại lộ.

Cha em quất ruột roi ông đọc một câu:

Quy-y Phật, không được ăn vụng nghe chưa (trót).

Quy-y Pháp, không được nói láo nghe chưa (trót).

Quy y Tăng, không được đổ thừa cho ông nội nì (trót).

- Tuy đập Cu em, em cũng đau điếng cả người, em nghĩ không biết ông còn quy-y ai nữa và nếu ông quy-y như vậy cả đêm thì chắc Cu em chết quá. Em thương Cu em quá, may sao ông buông roi :

Thôi cho đứng dậy vô lạy Phật mà sám hối đi lần sau không được rứa nữa nghe !

Thì ra lúc cha em quỳ dưới bàn Phật, ông lim dim đôi mắt lúc ông hé hé liếc vào bàn thờ thì vừa gặp đúng cái khi Cu em bốc chả bỏ vô miệng.

- Trời ơi, cái chú này kể chuyện đến hay. Thiếu-sanh cầm chặt hai tay tiểu Ngộ và chàng cười ngất. Một cái cười hồn nhiên từ ngày chàng cất bước ra đi, hôm nay mới nở thật tình trên đôi môi đỏ thắm như son. Chàng hỏi tiếp!

Rồi sao nữa chú?

Em thấy Cu em được đứng dậy bất ngờ, em nghĩ em thương Phật quá, vì sao Phật chỉ đặt ra có ba pháp quy-y, nếu Phật đặt ra mười pháp quy-y, chắc Cu em đứng dậy không nổi .

Em thương Phật rồi em ưa đi tu. Em xin cha mẹ nhưng cha mẹ bảo còn nhỏ không cho, năm sau em trốn nhà lên ở với thầy, cha em lên bắt về mấy lần em lại trốn, lần cuối cùng em được ở luôn chùa, em tu được hai năm rồi.

À hay quá, vì thế mà chú ngộ được thì Phật quá ngộ, chú giỏi quá chú ơi, chàng nắm chắc bàn tay tiểu Ngộ, đôi bàn tay mũm-mĩm, hai con mắt điệu sáng ngời long lanh dưới bóng trăng, trông chú tiểu Ngộ dễ yêu làm sao (^)

Những cuộc tình vô duyên

Thiếu-sanh ngủ một giấc ngon lành, lúc tỉnh dậy chàng nghe tiếng tiểu Ngộ kệ chuông lanh lảnh:

Văn chung thanh, phiền não khinh,

Trí tuệ trưởng, bồ đề sanh,

Ly địa ngục, xuất hỏa khanh,

Nguyện thành Phật độ chúng sanh.[11]

Chàng ngồi dậy, ngoảnh nhìn ra xa xuyên qua song cửa liêu, trên chánh điện, ngọn đèn bạch lạp lung-linh giọi hình chú tiểu con con vào bức tường chập chờn như thật như hư, nhớ sực câu chuyện đầu hôm của hai chú tiểu, bất giác chàng lẩm nhẩm:

Thật nhiệm mầu thay đức Thế-tôn. Bốn chữ “giác hạnh viên mãn” mãi đến hôm nay con mới hiểu đúng cái nghĩa của nó, thì bao nhiêu phương pháp giác tỉnh quần sanh, Ngài đã để lại cho đời hết sức đầy đủ. Một em bé nhờ ba pháp quy-y mà ngộ đạo, một em bé lên tám, nghe một câu kệ mà giác tỉnh. Cảm đức cao dầy của Phật, hai trẻ đã từ giã cuộc đời trứng nước, rời khỏi đôi bàn tay trìu mến của mẹ cha, để dấn thân vào nơi đầu non góc núi ăn không đủ, ngủ không no. Làm được cái việc

như vậy thật là bậc đại trượng phu: Song nếu không nhờ duyên đời trước thì sao mà liễu ngộ được dễ dàng thế! Chạnh nghĩ thân thế mình, hàng thở dài: “phi túc duyên vô dĩ tâm”[12] tại sao ta biết mình đang dấn thân trên đường tội lỗi mà ta cứ đi, thật là mâu thuẫn. Ôi! mâu thuẫn chính cả với mình, ta đi đâu? Vì ai?

Đầu hôm Hòa-thượng đã cho biết cuộc lễ hành hương này hằng năm dân địa-phương tổ- chức, tất cả mọi công việc đều có ban tổ-chức sắp đặt, nên tuy có lễ lạc linh đình, hai chú tiểu nhỏ vẫn giữ việc thường trong chùa mà thôi .

Trời sáng mơ mơ qua màn sương đặc, chàng nhìn xa xa từng đoàn người gánh đội lễ vật hoặc mang xách hương hoa, họ đi ngược lên đồi hướng về chùa Đốn-ngộ. Chàng chắc đoàn người nầy ở tận thôn quê xa xôi, đã lặn lội đi từ lúc khuya, hay có thể họ đi cả đêm bây giờ mới đến.

Trời sáng thật sự, tín đồ từ muôn phương lục tục kéo về mỗi lúc mỗi đông. Đứng trên đồi nhìn xuống, nào xe nào ngựa, ngựa xe tấp nập như những đợt sóng người tràn về. Gặp nhau dù không quen biết, họ vẫn niềm nở chào nhau bằng tiếng niệm Phật, tiếng niệm Phật vang lừng đồi núi. Ở đây đủ cả nam Phụ lão ấu, quan quyền, thợ thuyền dân quê, tất cả bách tánh.

Sự có mặt của quần chúng hôm nay, như đã nói lên tất cả lòng chí thành chí kính. Các cụ già đầu bạc phơ lể mể cầm hương cầm hoa, vừa leo chốc vừa niệm Phật để thay tiếng thở hì hục, các cô tiểu thư đài các, theo mẹ hànhn hương ngồi trên xe song mã, hoặc độc mã, chất nhiều lễ vật, mấy chàng công tử cưỡi ngựa trông oai phong lẫm liệt cũng đèo theo mấy cành hoa tươi. Không ai bảo ai, không ai khuyên ai, tuy ở muôn phương mà muôn lòng như một. Một nén hương một cành hoa trên tay như đã ký thác bao niềm thành kính để dâng lên Đức Thế-tôn hay mẹ hiền Quán Thế-âm Bồ-Tát. Nhìn nét mặt của người khách mộ Đạo, chàng như đọc được tâm trạng của họ đều giống nhau, phải chăng họ đã gặp nhau trên đường phụng sự Lý-tưởng.

Song thế gian là vậy, có tốt tất nhiên có xấu, hội hè nào lễ lượt nào, mà lại chẳng có những thành phần bất hảo len lỏi vào.

Thiếu-sanh lễ Phật xong chàng bái biệt Hòa-thượng và từ giã hai chú tiểu rồi xuống đồi. Thì bỗng gặp một chàng công tử nọ đang giục ngựa theo một đoàn thiếu nữ cầm hương hoa tha thướt đằng xa, có lẽ anh công tử nọ mãi miết theo các cô nên quên rằng mình đang cưỡi ngựa đi giữa đám đông. Vì vậy ngựa chàng đụng phải một em bé dắt một ông cụ lòa cũng cầm hương hoa đi dâng lễ. Ngựa đụng mạnh làm cả hai ông cháu té nhào ngay giữa đường. Thật là một cục trối cho chàng công tử kia vì bị chận đứng cuộc săn người của chàng ta. Thấy hai ông cháu nghèo chàng quên ngay cái lỗi của mình, nhưng dù sao giữa đám đông chàng cũng biết khó chịu và không thể bỏ họ mà đi. Muốn cho trắng án đã gian thì phải ngoan, chàng ta liền la ó hai ông cháu: ai bảo đi bậy? Chàng hậm hực và ý muốn hành hung. Tội nghiệp hai ông cháu nghèo bị ngã nằm lỏng chỏng hương hoa văng mỗi nơi mỗi thứ.Ông lão không thấy đường, cháu ông ta khi  lồm cồm ngồi dậy thấy chàng công tử, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, thì em không dám cự nự gì cả. Vả chăng họ tin tưởng đi lễ là để cầu phúc, nhờ vậy mà chỉ té sơ sơ như thế

cũng nhờ Phật che chở lắm rồi, gây sự với người sợ mất hết công đức, nên hai ông cháu chỉ xuê xoa rồi ngồi lại bên đường. Người ta xúm nhau lượm hương hoa và thoa dầu bóp muối cho hai ông cháu xong, thì ngựa Thiếu- sanh vừa đến. Khi nghe câu chuyện người ta kể lại và thấy hai ông cháu ngồi thở bên đường, chàng công-tử nọ mặt đầy sân giận và vẻ hống hách của chàng thấm ra tận ngoài da thứa, chàng la ó mọi người sao dám can thiệp và chận chàng lại.

Có người biết chàng, họ xúm nhau rỉ tai nhau, rồi đi tản lần một ít. Thì ra công tử ấy là chĩnh mắm đầu giàng[13] con cưng của một ông quan lớn hiện chức tại triều. Tên thật của chàng là Cổn-Đăng công tử lại có thêm cái tên thối hái[14] là Phảo-niền. Người ta thường gọi chàng là cậu Sáu Niền ỵì chàng có năm người chị, chỉ một mình chàng là trai nên cha mẹ cưng lắm.

Cậu Sáu Niền tánh tình khó thương, đi đâu gây sự đó, cũng vì con trai một, nên cha mẹ quá cưng chiều, ưa chi được nấy làm tăng trưởng tánh xấu của cậu Sáu. Dân chúng ở kinh đều khét tiếng cậu Sáu, thấy cậu Sáu đâu là thiên hạ tránh xa. Nhưng nơi nào có hội hè đông đúc như hôm nay, thì in như là có cậu sáu mà Cậu Sáu xuất hiện thì dân chúng sợ lắm, không phải sợ oai thế của ông thân sinh y, mà họ sợ những thái độ vô lý của Sáu-Niền thì đúng hơn.

Có hai anh dân ngọng ở gần nhà quan lớn ấy vừa đi vừa kháo chuyện với nhau:

- Chà cuộc nể hành hương hôm nay chắc thế nào cũng có cậu Sáu Niền.

- Cậu Sáu-Niền đi nể à?

- Nể nạy chi cái cậu ấy, cậu ta đi ngắm các cô thiếu nữ đi nể mà ni.

Họ đang kháo chuyện với nhau thì một chốc hai anh nghe tiếng nhạc ngựa đằng sau, nhìn lại quả nhiên cậu Sáu thật. Rồi xảy ra câu chuyện trên đây. Thấy việc bất bình họ tức lỡm, nhưng biết tiếng cậu Sáu, lại ở gần nhà cậu họ sợ nên không biết làm thế nào được. Khi thấy ngựa Thiếu-sanh đến họ mừng lắm. Hai anh liền chen vào gần Thiếu-sanh để xem chàng xử sự ra sao.

- Thiếu-sanh xuống ngựa chàng đến gần cậu Sáu Niền nhã nhặn:

- Thưa công-tử, công tử không nên hành hung hai ông cháu vô tội nầy, ngày lễ đông đúc như thế, đường chật, người đông, ngựa công tử lại đi gấp, một em bé quê dắt một ông cụ lòa không thể tránh kịp, ngựa công tử đụng nhằm, lẽ ra công tử nên xin lỗi ông cụ một tiếng là phải, đàng này công tử còn định hành hung người ta thì thật một việc phi lý, khiến tôi là khách bàng-quan phải can thiệp.

Đang giận mấy cái cục trối làm vướng chân vướng cẳng không cho cậu Sáu đi, nay lại có người đến can thiệp và dám nói những lời lạ tai Cậu Sáu, vì xưa nay có ai dám can mình như cái anh chàng lạ mặt này đâu.

Dù sao cái tư cách của con người cũng dễ làm cho kẻ khác nể mặt. Thấy phong độ của Thiếu-sanh cậu Sáu có ý dè dặt, thật ra là vậy đó. Nhưng đối với con người ngoan cố nhiều khi nghĩ đúng mà làm sai, cậu Sáu “biến tu thành nộ”[15] cậu nói liều :

- Á cái anh chàng này khi không muốn mua họa vào mình hẳn? Mắc gì đến “mày” đừng có nhân nghĩa hão?Gây sự với ta ư? Cậu Sáu-Niền hét lớn. Thiếu-sanh vẫn nhã nhặn:

- Công tử nên lịch sự một tí, nhất là giữa cuộc lễ thiêng-liêng hàng vạn tín đồ khắp nơi về đây hành hương cầu phúc, người ta quan chiêm vào chúng ta đều là người tử tế với nhau, dù sao cũng đứng vào hàng nho sĩ, chẳng những chanh từ “mày tao” người ta cười cho đấy.

Cứ cái đà nhã nhặn ấy ai mà chịu nổi. Cậu Sáu-Niền không để Thiếu-sanh nói hết câu, cậu rút cây roi sắt (hộ thân) vung lên và đánh vào đầu Thiếu-sanh.

Tưởng lấy lễ độ mà xử với nhau và nhìn con người của cậu Sáu, chàng không ngờ vũ phu đến thế. Chàng ân hận là mình đã không nghe lời người chung quanh, xầm xì về tư cách của cậu ấy. Thật là một việc xảy ra bất ngờ trong khi chàng không muốn có, vì chí nguyện của chàng đang đặt có nơi, nay công việc xảy ra như vậy làm chàng hết sức khó tính. Thiếu- sanh tự thẹn mình đã lỡ đụng đến con người mà ai cũng muốn tránh, vì chàng nghĩ, mình gây với họ tức nhiên mình đặt mình ngang với họ

vậy nhưng lương tâm chàng đã an ủi chàng: gặp việc phải mà không ra tay thì đâu gọi là trượng phu?

Cái sức mạnh của tuổi thanh niên, cộng với cơn tức giận cực độ, cậu Sáu dáng xuống đầu Thiếu-sanh một roi như trời giáng hạ, tưởng đầu chàng có thể vỡ làm bốn. Nhưng Thiếu-sanh lanh như cắt nhờ sự bình tĩnh, chàng đưa đoản kiếm ra đỡ liền. Bị phản ứng mãnh liệt, bất giác làm văng ngay roi sắt và cánh tay cậu Sáu dường như gảy hai.

Ồ thật là hay quá, mọi người quên sợ cậu Sáu họ vỗ tay, như xem một cuộc đấu quyền kỳ thú .

Cậu Sáu-Niền mặt tái mét, cậu rít lên nghe đến ghê người. Bỗng xe quan lớn nọ đi tuần hành vừa đến, mọi người xôn xao lo ngại cho Thiếu-sanh, vì người ta biết thế nào rồi quan ta cũng can thiệp cái vụ này, bằng cách bắt chàng nghĩa hiệp kia. vì cha mẹ nào mà lại không bênh con! Vả lại có oai thế không dùng vào việc này cũng uổng.

Người ta đoán không sai, quan ta chừng xe ở đám đông. Khi thấy cậu Sáu cong cong hai cánh tay, mặt cậu Sáu tím ngắt. Thấy cha đến vừa lúc quá, cậu Sáu kể tự sự cho cha nghe, nhưng cậu Sáu bớt khúc đầu thêm một khúc đuôi rằng: người lạ mặt nghe nói con là con của cha thì gây sự với con...

Hai anh dân ngọng nghe cậu Sáu phều-phào kể cho cha nghe sự việc như vậy, họ thở dài:

- Thôi, nội một câu ấy cũng đủ nàm cho quan nớn giận nắm rồi. Rồi họ bàn nhỏ với nhau thế nào, mà khi quan lớn bảo lính lẫn cả người và ngựa của Thiếu-sanh về tư lệnh, thì một đám đông ùa theo. Hai anh hô hào: Chúng mình cứ đi theo mấy bác nính. Quan có họ vô nao thì tụi mình vô nao bà con nghe, mình là dân thì đi đến đâu mà chẳng được nàm dân !

Quan lớn giam Thiếu-sinh thật vì cái tội dám đánh con quan do cậu Sáu vu khống. Đám đông ùa theo nhưng mấy bác lính gạt ra, họ đành đứng ngoài nhìn vào. Nhưng may thay bệnh quỷ đã có thuốc tiên, vì hai anh dân ngọng ở gần nhà quan, họ biết quan lớn, là lớn với ai chứ không lớn với bà lớn được, nên họ bàn: để tôi về bảo mẹ con nành vào tư thất thưa cho bà nớn biết để bà can thiệp cho chàng nghĩa hiệp, vì bà nớn người có đạo vị, lại thêm có hai cô con gái là Phương-tâm và Ngọc-quý cũng khá biết điều lắm. Tôi thấy xe bà nớn đi nễ mới về đó. Họ vừa bàn tính xong thì con ngựa ô của Thiếu-sanh khi xa chủ, nó như điên, lính dắt vào tàu ngựa cho ở chung với mấy con ngựa lạ, nó không chịu, nên ngựa ô tạp đá tứ tung, mấy con ngựa kia chạy toán loạn, phá gãy cả tàu ngựa, trong dinh xảy ra cái nạn ngựa đá nhau rất kinh khủng còn hơn mấy anh điên. Bị ngựa ô mạnh quá tụi ngựa tranh nhau chạy như say. Chúng húc nhau, đá nhau, rượt nhau, bồn hoa chậu kiểng đổ lỏng chỏng dẫm nát cả sân dinh. Ngựa ô lồng lộn xốc đại vào công đường làm quan lớn sợ chạy không kịp vuốt râu . Thật là nguy to, bà lớn mặt không còn chút máu, kéo hai cô con gái vào phòng đóng cửa chặt khư.

Biết chuyện đầu đuôi bà ta tức lắm, đứng trong phòng truyền ra như một vị tướng soái: Thả chủ nó ra cho người ta làm chủ nó, không thì chết cả nhà . Rồi bà lớn nạt luôn cả ông lớn: ông nghe cái thằng Sáu-Niền nớ thì có ngày mất mạng hết cả sự nghiệp đó.

Lệnh phu nhân truyền ra quả thật linh nghiệm như thần, Thiếu-sanh được thả ngay. Thấy chàng, ngựa ô mừng như khóc vậy.

Chàng bình định xong cuộc xáo trộn của tụi ngựa rồi chàng vuốt ve ngựa ô: - Các con thật là đồ ngu si, đồng loại với nhau mà làm khổ nhau đến thế? Tội nghiệp, người ta bịt mắt con đến hai phần, con có thấy gì xung quanh nữa đâu? Đời đã mất hết tự cao còn đánh nhau, đá nhau, húc nhau để rồi con cũng sứt đuôi chảy máu thế này? Chàng lấy thuốc xức cho ngựa thì được lệnh phu nhân mời vào tư thất. Trong tư thất có cả Phương-Tâm và Ngọc Quý hai cô gái chưa chồng đang ngồi hầu mẹ và kể lại sự việc vừa qua, thì Thiếu-sanh vào. Hai nàng e lệ đứng dậy đón lời chào của khách lọ rồi lãng tránh vào sau bức rèm thêu.

Tuy mới gặp Thiếu-sanh lần đầu phu nhân đã có thiện cảm ngay. Thoát nhìn bà đoán biết con người bạch diện thư sinh mà chắc có tài ba xuất chúng, phu nhân bỗng có ý niệm sẽ gả một trong hai cô gái út của người, câu chuyện qua lại giữa Thiếu-sanh và phu nhân khá lâu bà hỏi dò về gia thế và quê hương của chàng.

Thiếu-sanh đã bịa ra, mình là một hàn sĩ không gặp thời, nên có ý định đi khắp bốn phương để cứu người giúp đời, rày đây mai đó làm một giang hồ lữ khách nên chưa lập gia đình.

Bà vào đầu câu chuyện ngay: là nếu chàng bằng lòng làm khách đông sàng[16] thì bà sẽ tiến cử cho lên địa vị khả quan.

Thiếu-sanh biết nói thế nào để từ chối vị ân nhân nóng hổi! Nên chàng vâng vâng dạ dạ rồi cáo từ. Về đến nhà trọ chàng liền tính chuyện “dĩ đào vi thượng”[17] ngay sáng hôm sau.

Thế là chàng lại ra đi trong lúc trời mới sáng mơ. Người đi làm củi sớm quá, những chàng thanh niên quê mùa chất phác, mấy cô thôn nữ thoăn thoắt nhanh nhẹn nét mặt họ sao mà bình an thế? Họ họp thành từng đoàn, vừa đi vừa nói chuyện coi họ vui nhộn mà vô tư. Một cô cất tiếng hát lanh lảnh:

Tìm anh khác thể tìm chim.

Anh đi ngã bắc em tìm ngã nam.

Đêm qua chớp bể mưa ngàn.

Bốn bên mờ mịt biết chàng nơi nao?

Câu hát vô tình mà như đập mạnh vào tâm hồn người hữu ý, chàng cảm nghe như người ta đọc được tâm sự của mình, nên hát những câu hát nửa như chế riễu, nửa như thương hại.

Thiếu-sanh miên man nghĩ đến thân thế mình sáu năm trời trên đường vô định vào sanh ra tử cũng nhiều; chàng đã đi khắp cả

đông tây nam bắc nhưng vẫn không tìm thấy Lục-trần!!!

Ra đi từ mùa thu năm trước, đến mùa thu năm nay đúng sáu năm. Sáu năm đối với người thanh nhàn vô sự thì thấy qua mau. Nhưng đối với chàng gặp nhiều lận đận gian nguy làm chàng cảm thấy dày đặc vô biên, nhớ lại những lúc thiếu lương thực chàng đã phải múa kiếm để độ thân, được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, chàng nẩy ra ý muốn múa kiếm lấy tiền để giúp đỡ nạn nghèo với người hoạn nạn.

Vốn có chí hiên ngang lại can đảm phi thường, chàng đã trải qua nhiều nước, biết nhiều phong tục, gặp nhiều trường hợp, song tất cả thì phần nhiều cần phải có tiền mà có tâm mới giúp người được thiết thực. Và chỉ những lúc ấy chàng mới tự thấy vui vui đấy là những liều thuốc an ủi chàng hiệu nghiệm nhất.

Hồi tưởng lại những ngày còn ở trong khuê-các, khi tuổi cha còn mạnh, danh cha còn rạng rỡ như mặt trời giữa trưa. Là một công nương. Vâng, Thiếu-sanh chính là Nguyệt-ý Công-nương người mà Vân-sô Đồng-tử đoán không sai đấy, một tiểu-thư sống trong đài các, ra vào thư thả. Chỉ biết mỗi một việc điểm trang và ăn sung mặc sướng, cho cái sống trưởng giả là sang là oai với thiên hạ. Mẹ hiền có dạy cho công chứng ngôn hạnh cũng chỉ tâm tâm niệm niệm cầu được một người để trao thân gửi phận, rồi trọn đời thờ phụng chỉ một người. Ồ thật là vô lý, trong lúc còn vô số việc cần làm, vô số người cần được che chở, nâng đỡ cứu giúp...

Thế rồi một hôm nàng gặp đương kim Quốc-cựu Lục-trần và nàng cũng như trăm ngàn người con gái khác đều bị Lục-trần hấp dẫn. Không phải tại vì cái tên, cái chức của chàng quá kêu, mà tại con người chàng như nam châm gặp sắt thì thu hút ngay.

Thật ra Lục-trần Quốc-cựu đối với Nguyệt- Ý Công-nương chàng cũng như trăm ngàn người khác chưa hề lưu tâm đến nàng, nhưng nàng thì lại quá si tình đối với chàng vậy.

Đến khi song thân Nguyệt-ý lần lượt tạ thế, nàng cảm thấy đời sống trở thành vô vị tự ngày mất đi hai đấng thân yêu! Tiếp đến Lục-trần mất tích, nàng không ngần ngại cải nam trang băng ngàn tìm kiếm. Sáu năm trời trên đường gió bụi tuy gặp nhiều gian nguy, nàng xem đấy chỉ là những sự thử thách và nàng cảm thấy vui vui có pha một ít tự hào rằng: cuộc sống lý thú là phải bớt sự ích kỷ để làm lợi ích cho nhân sanh, nếu gò bó tình thương trong gia đình chật hẹp cuộc đời sẽ thành vô vị. Song suy nghĩ thì nghĩ nhưng rồi nàng cứ vẫn bôn ba tìm kiếm Lục-trần. Cái câu “anh đi ngã bắc em tìm ngã nam” thật đã tả đúng tâm trạng của Nguyệt-ý Công-nương vậy.

Bao nhiêu ý nghĩ tiếp nối liên miên, ngựa Ô đã đưa nàng đến đầu một khúc truông, ở đây khét tiếng có nhiều bọn cướp, thừa cơ cướp giựt các thương khách, nên khách bộ hành thường rủ nhau, hoặc đợi nhau phải vài ba chục người nhập đoàn cùng đi một lượt. Nguyệt-ý cũng nhập vào đoàn người ấy. Trong đoàn có một nhà huyễn sư. Ông ta có cô vợ trẻ đẹp sợ qua truông gặp cướp, cướp mất vợ, nên ông ho ho vài tiếng rồi hả miệng ra thế là cô vợ chui lẹ vào miệng, ông ngồi yên tâm trên ngựa, đồng đoàn cùng đi đến giữa truông được vô sự, mọi người đều lấy lương thực ra dùng. Ông huyễn Sư ho ho vài tiếng cố khạc ra, thì ồ mới lạ làm sao! Có canh, có cả chả thịt mâm chén hẳn hoi lại thêm một chai rượu nữa. Hai ông mụ ăn uống no nê, ăn xong ông vừa lim chim đôi mắt thì bọn cướp ào ra, cả đoàn kinh hồn mạnh ai nấy chạy, ông huyễn Sư không kịp ho để bỏ vợ

vào mồm nên ông ngồi khựng một đống. May thay có Nguyệt-ý trong đó, nàng nhờ môn đoản kiếm gia truyền nên đã dẹp yên bọn cướp trong chốc lát. Bọn cướp bất ngờ, chúng hoảng hốt xô nhau chạy tán loạn tiến mất vào sào huyệt. Cả đoàn hoàn hồn, mọi người đều cúc cung bái tạ người anh hùng mặt đẹp, rồi cùng nhau lại tiếp tục lên đường.

Riêng Nguyệt-ý Công-nương dù sao, sức gái cũng không thể ngang với bọn cướp được, nàng đã vận dụng tất cả sức bình sanh trong lúc tranh chấp với chúng để cứu bọn đồng đoàn, nên khi nàng dẹp xong bọn chúng thì đã kiệt sức, toàn thân như tê liệt, Nguyệt-ý không thể đi nổi được nữa,cả đoàn đều ái ngại cho ân nhân nhưng cũng không biết làm thế nào hơn. Trong đoàn người ấy, được một khách quen đường họ biết cuối truông có thảo am của vị Hòa-thượng chân tu. Ngài thường mở trường dạy đạo, người ta liền đưa nàng đến đây ở tạm để lấy lại sức khỏe.

Nguyệt-ý được Sư phụ ưu đãi vì nghe đoàn người kể lại sự việc vừa qua. Ngài cho người chọn liêu để tráng sĩ yên nghỉ.

Được chỗ yên tĩnh Nguyệt-ý nằm mê man. Bỗng nàng thấy sau khi bọn cướp chạy mất, nàng cùng đoàn người sửa soạn lên đường, chỉ có vợ nhà huyễn thuật là không chịu chui vào miệng chồng như lần trước, ông huyễn Sư ho mấy cô cũng không chịu chui vào mà cô lại đòi ngồi lẽo đẽo sau lưng chồng,chỉ vì ngựa chàng và ngựa nhà huyễn Sư đi gần nhau. Nguyệt-ý nghĩ mà cười thầm cho cô ta có được cái tài khạc ra cơm, canh, mâm, bát mà cũng cứ lầm mình là trai như là phu nhân hôm nọ toan kén mình làm con rể thật là những cuộc tình duyên vô duyên. (^)

Nguyệt-Ý Công-nương diện kiến đương kim Quốc-Cựu Lục-Trần

Bỗng nhiên ngựa ô và ngựa nhà huyễn Sư đụng nhau rồi gây sự với nhau kịch liệt, ông huyễn Sư phi ngựa nước đại. Ngựa ô của Nguyệt-Ý cũng không chịu kém, phi nước đại đuổi theo. Hai ngựa cứ thế đuổi nhau, mang trên lưng ba người chủ, nàng ghì cương mấy ngựa ô cũng không chịu dừng chân. Nguyệt-ý đành thúc thủ, một khi ngựa đã nộ khí xung thiên. Hai ngựa đuổi nhau như say, như điên, dẫn chủ vào một khu rừng rậm khá ghê sợ, ngựa nàng phóng nhanh qua những hàng rào sắt kiên cố. Nguyệt-Ý bắt đầu lo, vì cái cảnh lửa dữ trong khu rừng ngày nào làm nàng mỗi khi nhớ lại còn hãi hùng như đối cảnh trước

mắt, khu rừng ấy cũng giống hệt khu rừng hôm nay. Nàng bỗng sanh nghi, hay nhà huyễn thuật biết vợ có tà tâm với mình, nên dùng kế phi ngựa đến đây để lừa ta vào mà hại chăng! Ồ có lẽ lắm.

Hai ngựa vẫn đuổi nhau, cô vợ huyễn Sư coi bộ không chịu nổi được cuộc rượt ngựa lâu như vậy, nên mặt cô ta tái mét, miệng há hốc tóc xõa rối bù như người bị ma đuổi. Nàng gầm hét cho ngựa dừng lại song đều không hiệu quả. Hai ngựa cứ thế đuổi nhau cho đến khi trời bắt đầu nhá nhem, rồi tối thật tình.

Giữa khoảng rừng rậm âm u trong đêm không trăng, hai con ngựa đuổi nhau như điên, chạy bán sống bán chết, trên lưng đối phương là một ông huyễn Sư, có tài nuốt vợ như nuốt một viên ký-ninh và khạc ra vợ như nhả bã trầu. Thật đúng một huyễn Sư, tài tình. Nàng rùng mình lúc nghĩ đến chỗ dụng ý của đối phương. Nàng chắc phải chết. Cái chết chỉ còn trong chốc lát, so với mấy lần nguy hiểm trước thì lần này nguy hiểm và nhất là nhục nhã hơn.

Nguyệt-ý cảm thấy toàn thân nổi ốc khi nghĩ đến một người đàn ông, một nhà huyễn thuật sẽ đụng đến nàng và nếu y biết mình là gái! Thì sao đây! Chắc nàng phải chết trước khi đối phương đụng vào người nàng. Ngựa vẫn phi như điên. Nguyệt-ý phần sợ phần nghĩ thẹn thầm, nàng nằm sát mình xuống lưng ngựa và gần như ngất đi mỗi khi ngựa gò bốn vó dồn tận lực để nhảy qua mấy lớp rào sắt cuối.

Sợ hãi đến cực độ, nàng nhắm mắt như liều vậy, một vài ý niệm len lỏi gấp vào tâm tư đang tán loạn: Lục-trần Quốc-cựu! Biết chăng chỉ vì một niệm điên đảo, thiếp tìm chàng trong sáu năm trời, trải biết bao gian nguy và lộ trình đã lắm khi lên voi xuống chó, nhưng thật ra chàng có hứa hẹn gì với thiếp cho cam!! Lãnh trọn sự nguy hại và nhơ nhuốc chính tự thiếp đã gieo ra rồi gặt đủ, đến nay chắc là lần cuối cùng cuộc đời của thiếp, và kết quả của sự cuồng vọng...

Bỗng nhiên một tiếng hét kinh hoàng.

- Si nhân ! Dừng ngựa lại, vượt qua mấy lớp thành “si chấp” mà vẫn chưa tỉnh ngộ ư?Vạn pháp như huyễn do nhơn duyên tạo thành, vốn không thực thể. Si nhân chấp chặt cho là có thiệt ngã, thật pháp dong ruổi theo Lục-trần[18] giả cảnh. Vẫy vùng trong biển sanh tử ra vào quanh quẩn trong sáu đường, khổ thay! Súc sanh vốn là kết quả của ngu si không đáng kể, được làm người mà cũng lại si chấp có khác gì loài ngưu mã? Làm nhọc ta phải dùng đến gươm trí tuệ.

Vừa dứt lời, đạo nhân huơ thanh kiếm sáng lòe, phóng mạnh lớp thành sắt cuối. Bỗng trước mắt nàng thoạt hiện ra một bức gương tròn sáng lạ lùng.

Mặt trời ban mai giọi vào lòng gương, vạn vật của núi rừng đều hiện rõ, trên cành dương liễu, chim hoàng anh nhảy nhót reo vui. Nguyệt-ý Công-nương sực tỉnh thì thoảng nghe ngoài giảng- đường Pháp-sư đang giảng Duy Thức... (^)

Thay lời bạt[19]

Đại tỉ không nghỉ đi một chút, ngồi khọm-khọm cả ngày, viết xong một quyển sách e đến thành ông “còm mi xe”[20].

- Thôi Đại tỷ cứ sửa bản thảo cho cẩn thận, rồi để em đánh máy lại cho tử tế, Pháp-muội tôi bảo vậy[21]

- Sư-cô làm trăm việc , tôi không làm chi viết quấy quá cho vui, đâu có dám phiền Sư-cô.

- Em làm trăm việc rồi, nhưng em ưng làm, thêm tám việc nữa cho đủ một trăm lẻ tám cái phảo-niền[22]

- Sao ! Sư-cô nghe được không? Căn bổn phiền não, mình lái là cổn băng phảo-niền được không Sư-cô? còn Hoàng-đệ Ma- nặc mình chỉ cho “mặc-na”có tối nghĩa không nhỉ?

- Đã là “thiên biến vạn hóa” thì nói chi mà không được, Ma-nặc Đại-tỷ chỉ cho mặc-na kể thì cũng tối nghĩa đấy. Nhưng: “đi trên đất của vua ta” chi cũng của vua ta cả, thì cái chấp đã chình ình[23] ra đó, ai mà không biết là đệ thất mặc-na chấp ngã. Độc giả lúc ni họ giỏi duy thức lắm, chi chớ tám món tâm vương và 51 món tâm sở thì họ thuộc làu, Đại-tỷ đừng lo độc giả không hiểu.

- Sư cô nghĩ sao về Quốc-cựu Lục-trần?

- Thì Đại tỷ chỉ cho cảnh Lục-trần chứ gì, cái đó thế mà dễ hiểu. Vì Đại-tỷ viết đoạn “chàng thản-nhiên trước cảnh xuân về, không buồn khi thu đến, không biết lạnh giữa tuyết đông, và cũng không biết nắng trong mùa hạ” đã hiệp với câu:

“Chư pháp tùng bổn lai

Thường tự tịch diệt tướng

Xuân đáo bách hoa khai

Hoàng Anh đề liễu thượng”[24].

Nguyệt-ý Công-nương .lang thang tìm kiếm Lục-trần Quốc-cựu trong sáu năm, là chỉ cho ý thức đắm đuối theo Lục-trần giả cảnh, nên bị luân hồi trong lục đạo[25]chú ngựa ô là chỉ cho tiền ngũ thức[26] năm bóng ma ở ngoài biển ái-ân là chỉ cho ngũ dục[27] Phương-Tâm, Ngọc-quý hai cô gái của cậu Sáu-niền[28] Đại tỷ chỉ cho tàm quý Đại diện của 11 món thiện tâm sở[29] mấy cái ấy em biết cả rồi. Còn Vân-sô Đồng tử,Vân-sô là vô sân phải không Đại-tỷ?

- Sao Sư cô biết?

- Em biết từ khi Vân-sô đồng-tử quay ngược cái lẵng hoa đó.

- Ồ Sư cô thông minh hơn Thiếu-sanh nhiều lắm, chàng ta giải thích “con cà con kê”[30] chẳng ai đến đâu cả, Vân-sô chính là vô sân[31] đấy, vì khi lửa sân nổi lên, cháy rực ra bên bốn bề thì chỉ có không sân mới đối trị lại, nhưng đấy là bí quyết gia truyền của mình, sư-cô đừng nói cho ai biết hết nhé.

- Dạ em biết chứ, mấy điệu họ đi học cả, ở đây chỉ có hai chị em mình, em nói ly ty vừa Đại tỷ nghe thôi. Ý, mà em quên, khi chừ có “tám ông luy” ngồi ngoài cửa sổ họ nghe hết rồi còn chi.

Tôi lật đật nhìn ra :

- Tám ông luy nào ạ? Sao để họ vô đây? Tịnh-thất mình có tiếp khách đâu, mà Sư cô để cho tám ông đàn ông vào, họ vào có

việc chi?

Thấy tôi hơi bực, pháp muội tôi phì cười :

- Tám ông luy là mấy cành “túy ông Lan” trong chậu ngoài cửa sổ đó. Đại-tỷ ơi ! Chẳng những em thông minh hơn Thiếu-sanh, mà em còn thông minh hơn cả Đại-tỷ nữa, nan huynh, nan đệ, đại tỷ phục em chưa ?

- Phục rồi, nhưng Sư cô cho biết ý kiến, lúc ni mà mình viết những loạt bài như vậy, độc-giả họ có rầy không nhỉ?

- Độc giả rầy sao?

Tôi sợ những loạt bài như thế nầy, nó không phản ảnh được cái đau khổ mà nhân sanh hiện đang chịu đựng, tôi sợ độc giả rầy, mình vô tâm với sự đau khổ của đồng bào chăng?

- Dạ, em thì nghĩ khác, vì nhân loại đã khổ lắm rồi,có thể nói rằng nhân loại đã lấy sợi đau thương dệt thành tấm thân mong manh, nhuộm bằng nước mắt hòa với máu đào thật là quá khổ.

Thiên hạ khổ nhiều lắm rồi, xin đừng nói nữa, vả lại chán chi văn nhân lỗi lạc, họ đã diễn tả chừng như thực trạng, đọc đến nhiều khi tắc cả cổ nghẹn cả họng, nên theo em thì thỉnh thoảng cũng cần phải thiên biến vạn hóa để thở nhẹ một chút cho nó khỏe não, chứ cứ bị khổ, thấy khổ, nói khổ, nghe khổ, viết khổ, đọc khổ nữa, thì ngột thở quá, chịu sao cho nổi, Đại-tỷ đừng lo, độc-giả nầy đã có em.

Chà Sư Cô nói oai hơn ông trời? (^)


 

[1] Lều chỏng: Những dụng cụ dùng đi đường ngày xưa, như đồ đi trại

[2] Tôi quên mất chỗ xuất xứ  nếu tác giả và dịch giả tình cờ gặp lại bài này ở đây xin vui lòng.

[3] Liễu-Hạ-Huệ: Một nhân vật Trung-hoa không động tâm trước nữ sắc.

[4] Đồng chủng: Đồng là bạn gái.

[5] Vân hài: Đôi giày Tàu.

[6] Sân hoa trúc rụi: Hai câu thơ tác giả là thân mẫu tôi trong bài “Viếng cảnh Trà Am một buổi chiều”

[7] Môn đương hộ đối: Gia đình hai bên trai gái đều cân xứng với nhau

[8] Cời: Răng cửa nhô ra môi

[9] Tổ chim rột rột: Một thứ tổ chim khá lớn, lởm chởm không nhẵn nhụi như các tổ chim khác

[10] Ngũ trược:

Kiếp trược: Kiếp đời dơ bẩn.

Kiến trược: Nhận thức sai lầm.

Phiền não trược: Tâm niệm xấu.

Mạng trược: Thân mạng ngắn ngủi.

[11] Văn chung thanh: Tạm dịch:

Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ.
Trí huệ lớn bồ đề sanh.
Thoát cảnh địa ngục và hầm lửa.
Nguyện thành Phật độ chúng sanh.

 [12] Phi túc duyên vô dĩ đạo tâm: Khôngcó thiện nhân đời trước, thì khó phát sanh đạo tâm.

[13] Chĩnh mắm đầu giàng: Một ví dụ chỉ con trai độc nhất

[14] Thối hái: Phong tục miền Trung con cưng quí sợ chết yểu nên đặt tên rất xấu như: chó, mèo, thối, hôi...

[15] Biến tu thành nộ: vì thẹn mà thành giận.

[16] Khách đông sàng: Làm rễ

[17] Dĩ đào vi thượng: Trốn đi xa là hơn hết.

[18] Lục trần: Sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, thân xúc chạm vật êm ái, những cảnh sắc đã từng nghe thấy hoặc còn lưu lại trong tạng thức, thế nhân thường bị sáu cảnh này quyến rũ làm say đắm dong ruỗi theo mà bỏ mất chơn tâm thanh tịnh.

[19] Lời bạt: Bài phụ ở sau quyển sách.

[20] Còm mi se: còm mi: tham tá, ý nói lưng còm (gù)

[21] Pháp muội: Em trong đạo.

[22] Phão niền: tiếng nói lái của hai chữ phiền não: 6 món phiền não chính thức là: Tham, sân si, kiêu mạn, nghi ngờ và tà kiến.

[23] Chính ình: sờ sờ

[24] Các pháp xưa nay tướng thường vắng lặng, bốn mùa không tự khoe mình: Ta là mùa xuân đây, nhưng sở dĩ khi thấy trăm hoa đua nở và có cả chim Hoàng anh hót, thì ta biết mùa xuân bắt đầu đến với ta vậy.

[25] Lục đạo: Sáu đường: địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh, A-tu-la, nhân loại và các cõi trời

[26] Tiền ngũ thức: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

[27] Ngũ dục: Sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ.

[28] Sáu Niền: Sáu món căn bổn phiền não:

Tàm: Biết hổ với người.

Quý: Tự thẹn với mình.

Nghĩa là sự xét mình không bằng người mà hổ ngươi gọi là tàm, tự thẹn với mình, mình làm những việc ám muội không chơn chánh, tuy không ai biết nhưng tự nghĩ mà thẹn thì gọi là quý, hai món thiện tâm sở này, trong kinh Đức Phật thường dạy: Người mà biết xấu hổ thì mới được gọi là người! Còn người mà không biết xấu hổ thì cũng như loài cầm thú không khác.

[29] 11 món thiện tâm sở là: Tin, tàm, quý, không tham, không sân, không si, tinh tiến, khinh khoái, không phóng túng.

[30] Con cà con kê: nói lôi thôi dong dài.

[31] Vô sân: không giận.

---o0o---
Vi tính : Diệu An
Trình bày: Tịnh Tuệ
Cập nhật: 01-07-2005

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

cÃ Æ chua Lá thư Xuân cấu trúc sinh học của con người phù nguoi giới chua hoa yen phat phap e obermiller lang ngam ky quan phat giaoco xua bac nhat the giản đơn một mùa mai của Bong Nhìn Tham gia Facebook giúp sống lâu hơn c½u doi nguoi la huu han Dưới bóng Từ bi làm sao để tu tập theo giáo pháp của người Bông huệ xào Quảng phap thi anh huong cua mang xa hoi den khau nghiep cua Ăn trái cây tươi giúp giảm nguy cơ bệnh Vài nét lịch sử Phật giáo Đại thừa vuon dau nam huong ve tam Đi bộ giúp tỉnh táo hiệu quả hơn Bông li bỏ cuộc vui chóng Húy Vị đại sư xấu xí thiên tài lừng viễn Vận động viên cử tạ ăn chay tại 66 câu thiền ngữ chấn động thế giới bay lრấn Gương Người làm ngành nghề nào có khả năng Thế tn Nghiep Về Chánh niệm lịch sử và ý nghĩa của chuông trống Sáu công dụng trị bệnh của nghệ Pháp Ngồi nhiều không tốt cho sức khỏe con oi tam su cua mot nguoi me tre pha thai Chút Tp muon vat hien co tren coi doi deu la tuong doi giua ç