...... ... .

 

 

 

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
 (Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

 

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
 Chơn Quán dịch Việt

 

Chương 11

ĐỘNG AJANTA, AURANGABAD

Xe lửa vô ga Jalgoan đúng giờ, lúc sáng sớm. Tôi vui mừng. Sân ga yên tĩnh. Bà con còn ngon giấc đó đây. Nhìn quanh thấy có chỗ trống trong phòng đợi hạng nhì, tôi bèn tới đó trải chăn ra. Thừa lúc ban mai vắng vẻ tôi ngồi một giờ thiền 'quét' và rải tâm từ, trước khi hành khách bắt đầu lao xao ồn ào đón xe đến. Tôi cảm thấy hình như tôi muốn ngồi nán lại lâu hơn để cho thiên hạ biết tôi là một nhà thiền yoga. Tôi nghĩ đó là điều tốt giúp dân Ấn quanh đây thấy có người, mà là người ngoại quốc, đang tu tập truyền thống của họ mà họ đã quên hay giả quên. Tôi thử phân tích lý do khiến tôi có ý phô trương. Phải chăng đó là sự hãnh diện hoàn toàn tự kỷ của tôi muốn chứng tỏ mình đạo hạnh hơn họ hay là lòng từ bi chơn thật của tôi muốn họ chớ quên tập tục cổ truyền cao đẹp của họ rồi tự vấn lương tâm. Có thể là cả hai cộng với ước muốn làm lợi lạc cho chính tôi nữa. Đây là một hình thức tự xét mà tôi cần phải lập đi lập lại nhiều lần trong tương lai.

Ajanta cách đây chừng trăm dặm, tôi sẽ quá giang xe đến đó, nhưng bây giờ tôi phải ăn chén khoai tán lót lòng trước đã. Trên đường rời thành phố tôi đi ngang một chùa Chà sơn phết sặc sỡ. Tôi dừng lại xem sinh hoạt của chùa. Hai đạo sĩ Bà La Môn vận khố dhoti để ngực trần đang làm l­ễ puja sáng, tắm các tượng thần cùng lúc rung chuông, thắp hương và đọc chú tiếng Phạn. Một số tín đồ đứng sẵn chờ nhận phấn xám và đỏ điểm lên trán. Không khí thiêng liêng thành kính bao trùm ngôi chùa nhỏ. Tôi bất giác nghĩ đến lý do của các nghi thức cúng tế linh thần. Mà Thần Linh là ai? Có phải là tinh lực sáng tạo hay nguyên lý ý thức phổ bác điều hành thế giới chuyển biến duyên sanh hiện hữu? Nếu vậy thì sao lại cần đến các hình tượng, puja, phấn màu, vân vân. Tôi không am tường đạo Hindu nên khó có thể nhận xét đúng mức. Tôi hy vọng có thể hiểu biết hơn sau khi được vào một Ashram[19] Du Già. Còn bây giờ tôi nghĩ thiền minh sát có lẽ trực tiếp và giản dị hơn.

Các Động Ajanta được khoét sâu trong khối đá hoa cương hình vòng cung giữa thế kỷ thứ VI-XII trước Tây lịch. Công tác vĩ đại này được khởi xướng và thực hiện bởi nhiều tu sĩ nhiệt tâm và sùng đạo. Có hai mươi chín động tất cả. Hầu hết được dùng làm tịnh xá, thiền đường và chánh điện. Nhiều hình Phật to được khắc thẳng lên vách động. Cũng có nhiều tranh hay bích họa nói về Phật pháp mà tôi ngạc nhiên thấy một số còn nguyên vẹn.

Các động nằm trên vách đứng của một con sông hẹp. Sông chảy ngoằn ngoèo và bắt nguồn chỗ cái thác đổ từ trên con lạch sâu xuống hồ dưới chân thác. Cạnh hồ là vườn cây xanh mướt với nhiều bàn ăn ngoài trời. Dòng sông khoét thành hẻm núi sâu xuống lòng đất. Nhìn quang cảnh thơ mộng chung quanh, tôi ước ao mình được ngủ đêm nay tại đây dưới ánh trăng tròn. Tôi thấy có một ít nhân viên kiểm lâm đang trèo dốc lên điếm canh trên đỉnh bờ đá đối diện các động. Tôi bắt chước leo theo lên đỉnh. Tôi tới một điểm quan sát; điểm có mái che và ghế đá. Cảnh trí nhìn từ đây--ngang qua sông đến các động--thật huyền hoặc. Bờ đá vành móng ngựa uốn cong theo hẻm núi với các cửa động được nhìn thấy rõ ràng từ đầu đến cuối. Nguồn của hẻm núi với dòng thác đổ, công viên và hồ nước trông đẹp tuyệt từ góc nhìn này. Tôi tưởng tượng lúc trăng lên, ánh trăng sẽ biến toàn khu vực thành tiên giới. Không do dự, tôi quyết định sẽ thưởng thức trăng tròn đêm nay tại đây. Tôi bèn đi tìm gom một mớ cỏ khô để làm đệm tạm ngả lưng lúc cần.

Con đường mòn dọc theo bờ đá đứng dẫn từ đây đến nguồn thác rồi băng qua bên kia tới một làng nhỏ cách thác chừng nửa dặm. Hầu hết các nhân viên kiểm lâm và phu rừng đang lần lượt về làng; nhà cửa họ ở đó. Vài anh tạt qua chỗ tôi ngồi ngắm mặt trời lặn để hỏi chuyện. Họ nói tiếng Anh khá. Họ cho biết nơi này không thể nghỉ lại đêm vì lạnh và có nhiều rắn rít lắm. Họ hỏi tôi ăn uống thế nào. Tôi lấy chuối và đậu phộng chỉ họ coi. Họ tỏ vẻ thương hại tôi kham khổ. Một anh thân mật mời tôi theo về nhà anh ăn tối với cơm sốt, chapattis, dhals và rau sống, và ngủ lại trên giường đan giây của anh. Tôi cảm kích lắm nhưng xin từ chối lòng hiếu khách chơn thành của anh. Tôi không muốn rời cảnh quang hùng vĩ và đang chờ trăng lên. Biết tôi tha thiết muốn ở lại nơi này, anh hứa sẽ đem ra cho tôi ít sữa và chapattis sáng hôm sau khi anh trên đường đi làm.

Lúc trăng vừa ló khỏi chân trời, ánh sáng dịu bắt đầu tỏa khắp hẻm núi; cửa các động được nhìn thấy rõ ràng và vườn cây xanh cùng hồ dưới chân thác trở nên tuyệt mỹ. Đây là một cảnh trăng lên đẹp nhứt mà tôi không bao giờ quên, như tôi chưa thể quên hình dáng Hy Mã Lạp Sơn trên dãy Naudanda sau Pokhara. Tôi chợt mơ: "Ước gì mình được phê." Rồi tôi liền biết đây là một thói quen cũ. Tôi như bị thôi miên và tự dưng thấy tâm mình an bình trước cảnh xinh đẹp đang phơi bày trước mắt. Tôi nghĩ chắc không có thuốc nào có thể giúp tôi bay cao hơn. Tôi say sưa cảnh trí thiên nhiên và cảm thấy mình như được tăng cường sinh lực mới, trạng thái mà tôi chưa bao giờ có được trừ lúc phi mescaline. Tôi thầm nghĩ đó là do lực hồi sanh của trăng tròn cộng với công phu hành thiền và du già mà tôi tập luyện trong hai tháng qua. Tôi bèn tréo chân vào thế hoa sen nhắm mắt vào thiền, nhưng tôi không thể nào không thấy cảnh trí tuyệt vời này.

Tôi thử tưởng tượng lại thời kỳ vàng son lúc mà hằng trăm sư sãi tụ tập sanh sống quanh các hang động đây. Họ tự trồng trọt trên các bờ vực này. Tôi không thể ngờ có tôn phái hay giáo chủ nào đó đã động viên thành công tín đồ mình để thực hiện các chương trình rất tốn công và khó thực hiện như vậy. Vĩ đại! Lúc trăng trên đỉnh bắt đầu ngả về Tây, sinh lực nội tại của tôi cũng bắt đầu vơi. Đêm trở lạnh trên Cao Nguyên Deccan. Tôi ngả lưng xuống lớp nệm cỏ và kéo tấm jalaba quen thuộc đắp lên mình. Tôi thanh thản!

Tôi dậy lúc hừng đông vừa hé với cảm giác sảng khoái. Tôi liền ngồi thiền lối một tiếng. Tôi bắt đầu bằng lời chú linh cảm Tây Tạng và làn thở thanh lọc ánh sáng trắng/khói đen trước khi thiền quán. Tôi chấm dứt bằng cách rải tâm từ đến mọi chúng sanh. Đúng lúc tôi xả thiền, có tiếng người đi lại từ phía làng ở bên kia thác. Họ theo đường mòn trên bờ vực vừa đi vừa huýt gió và ca hát có vẻ tự tại và hạnh phúc lắm. Anh bạn hứa đem cho tôi bữa ăn sáng đến với chiếc giỏ xách sữa bò và một ít chapattis lạnh. Tôi cám ơn, nhận quà, rồi điềm nhiên ăn trong lúc họ nhìn tôi với nụ cười trên gương mặt gầy gò sạm nắng. Tôi bắt đầu hiểu ảnh hưởng của bản sắc văn hóa đạo giáo mà dân tộc Ấn đã gìn giữ trong tâm, nhứt là ở vùng thôn quê. Họ cố gắng hết sức trong khả năng hạn hẹp của họ để đón chào khách như họ kính trọng Thượng Đế.

Tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp của vạn vật chung quanh nên quyết định ở lại thêm một ngày và một đêm. Tôi đi dạo một lần nữa--đi chẫm rãi--quanh các động đẹp nhứt, và thỉnh thoảng ngồi thiền ở một góc kín đáo. Lúc tôi đang thiền bên trong một phòng nhỏ, có một nhóm du khách tới. Tôi nghĩ nếu họ gặp tôi chắc họ sẽ ngạc nhiên lắm. Một em bé nhìn vào thấy bóng tôi và nhận ra tôi là người thật chớ không phải là tượng đá, em kêu cha mẹ em đến chỉ phát hiện lạ kỳ của mình. Cả gia đình tới nhìn người ngồi như tượng Phật và thì thầm bàn tán. Tôi không thể không mỉm cười sự ngây ngô của họ. Tôi muốn hí mắt nhìn họ nhưng thôi. Tôi nghĩ nếu họ thấy tôi mở mắt họ sẽ không còn giữ hình ảnh tôi đang chìm sâu trong thiền định nữa, hình ảnh mà tôi muốn được họ thấy. Tôi nhận biết đây là sự phô trương kỹ xảo của cái tôi nhưng tôi tiếp tục ngồi lặng yên cho đến khi họ bỏ đi. Trong những trò đùa nho nhỏ này thật khó cho tôi biết rằng những gì tôi vừa làm để giảm thiểu 'cái tôi' thật ra là đã gia tăng nó. Sự phô trương 'cái tôi' như vầy chỉ được chế ngự sau khi tôi công phu tu tập và có thêm nhiều kinh nghiệm. Bây giờ cho đến lúc ấy, tôi phải mò mẫm thực tập mới được, như tôi từng thực tập trong các lãnh vực khác.

Chiều, tôi ra công viên bên dòng sông; nước chảy ùng ục. Tôi xuống thác tắm. Có một khách đang du ngoạn trong vườn. Anh tên Charles, Pháp kiều. Trong câu chuyện trao đổi, anh cho tôi biết trên mạn Bắc của Goa có một bãi biển ít người khá tĩnh mịch. Cạnh bãi chừng năm mươi bộ có hồ nước ngọt với nhiều chòi nhỏ của du khách dựng xài rồi bỏ lại mà ai cũng có thể dùng. Tôi nghĩ đây là một địa điểm lý tưởng đáp ứng mong đợi của tôi.

Trong lúc nói chuyện, Charles mở hồ bao vấn điếu cần sa Kerala[20]. Thấy cần sa tôi muốn hít một hơi. Tôi biết chắc rằng anh sẽ không từ chối san sẻ nếu tôi ngỏ ý. Tuy nhiên, tôi tự hỏi mình có thật muốn không và nếu muốn, mình có phạm giới thứ năm cấm rượu chè hút xách chăng. Tôi biết hai thầy Lama Zopa và Goenkaji sẽ không bao giờ chấp nhận và tôi cũng biết tôi sẽ bị rơi vào vết xe cũ nếu tôi muốn. Lúc ở Kathmandu, có lần tôi hút lại cần sa trong một quán cà phê, nhưng tôi không thấy thú vị. Có phải đó là triệu chứng cho thấy tôi không còn thích cần sa nữa? Mà có lẽ tôi không cần thứ đó nữa đâu. Đêm qua tôi đã lâng lâng bay bổng, tôi phê vì thiên nhiên chớ nào có nhờ vào thuốc. Tôi biết chắc bây giờ tôi không còn thèm hay tùy thuộc vào cần sa, tôi cũng không có ý tìm kiếm nó. Tuy nhiên, tôi lý sự rằng cũng là điều hay cho tôi nên thử để xem sau một thời gian dài ngưng cai, tôi có còn bị mê hoặc nữa không và nếu có thì như thế nào. Nói cho cùng, đó chỉ là một loại cỏ không tai hại như thuốc lá, nhưng biết đâu tôi lại được một phút sảng khoái mà tôi sẽ có thể thí nghiệm so sánh với tham thiền. Vả lại, tôi đâu có quy y và thọ giới cấm thứ năm, và tôi tin chắc tôi sẽ không bao giờ đánh mất sự tự chủ của mình. Tôi chỉ xã giao trong thời điểm hiện hữu. Từ chối hút có thể làm mất nhịp cầu tri kỷ và Charles có thể nghĩ tôi là một kẻ xu thế xảo biện. Ngoài ra, từ chối còn gây thêm ác cảm trong tâm tôi--ác cảm với hút xách.

Tất cả những niệm--thuận và chống--dấy lên trong khoảnh khắc Charles vấn xong điếu thuốc bự. Tôi kinh ngạc không hiểu sao trí óc mình có thể ôn lại những sự việc quá khứ và nảy sanh nhiều cảm nghĩ kể cả giải đáp, một cách nhanh chóng và tài tình như cái máy vi tính không bằng. Tôi chào thua chút tập quán cũ còn rơi rớt lại và thử không để bất cứ định kiến nào cản ngăn khả năng tiếp thu những gì phải đến, dẫu là những định kiến về một 'nhà thiền' hay một 'thánh nhân'. Với khói thuốc tôi cảm thấy thư giãn và lâng lâng. Nhờ vậy, phần lớn những dằng dai nơi tôi lắng xuống và tôi trở nên nhạy cảm hơn đối với âm thanh và biến động của thiên nhiên. Tâm tôi đang trong trạng thái như tôi vừa đứng dậy và bước ra sau hai tiếng 'thiền quét' của khóa học trước đây. Tôi đi đến kết luận chung chung rằng, ít ra trong khoảnh khắc này, khói thuốc đã thay sự đấu khẩu dằng dai của cái tôi ba hoa giúp tôi đạt trạng thái lâng lâng. Nhưng tôi biết chắc chắn khói thuốc sẽ không thể nào thay thế được thiền.

Tiếp theo, tôi thấy hình như thâm tâm tôi muốn gần Charles, có thể hai chúng tôi sẽ cùng nhau ngủ trên vọng điểm để tôi được hút thêm một liều nữa với anh tối hôm nay. Đó là dịp cuối cùng! Tôi nhứt định từ đó tôi sẽ đi đường tôi trước khi tập quán mới lại nảy sanh. Một lần thì được nhưng hút thêm lần thứ hai là bị vướng mắc. Tôi nhận ra mình chưa hẳn có đủ nghị lực để đối phó với vấn đề này. Rất dễ­ từ hay quên việc gì khi nó vắng mặt, nhưng lúc nó có cơ hội tới, tất cả lại xảy ra nhanh chóng, đôi khi dồn dập. Tôi mô tả say mê cảnh quang trên đỉnh và cảm giác mình trong đêm trăng hôm qua, rồi khuyến khích Charles lên ngủ thử. Charles tin rằng trên ấy tuyệt và chắc sẽ lên đó ngủ. Còn tôi sẽ ngủ cạnh hồ dưới chân thác.

Trước khi trời sụp tối chúng tôi xuống bãi đậu xe mua một ít trái cây để ăn đến ngày hôm sau. Lúc trở về tôi chỉ Charles con đường mòn lên điểm vọng cảnh rồi chúc anh một đêm tuyệt vời. Anh đề nghị vấn cho tôi điếu thuốc để tôi hút tối nay, nhưng tôi dứt khoát từ chối bằng lời nhã nhặn "Không, xin cám ơn" và bước đi nhanh sợ mình đổi ý. Hồi trước, lúc chưa hiểu Phật pháp, tôi không hề bận tâm với những quyết định luân lý như vầy hoặc tìm cách kiểm soát tâm mình. Tôi chỉ làm những gì đến với tôi, không cần gạn hỏi hoặc xét xem trúng hay trật, tốt hay xấu. Còn bây giờ, đang tập thiền và đang hăng say an tịnh hóa tâm, mọi công việc dò xét và lắng đục tìm trong đều quan trọng. Nó trở thành công tác lý thú cấp bách đáng để bắt tay.

Tôi lấy xe buýt địa phương ra xa lộ cho tiện. Rồi từ đó tôi sẽ quá giang xe xuống miền Nam xứ Ấn. Sau năm mươi dặm đi bằng xe tải, tôi được chiếc Jeep của một công sở Ấn cho quá giang đến Aurangabad. Tôi ít nghe nói tới thành phố này nên tưởng tượng chỉ bách bộ qua bên kia là có thể đến các động Ellora trong cùng ngày. Lúc đi ngang qua phố tôi thấy một khu ngồ ngộ chừng như là điểm du lịch. Khu có tường cao bao quanh một kiến trúc giống như một đền thờ Hồi giáo. Hiếu kỳ và vì chưa cần đi vội, tôi trả năm mươi paise mua vé vô xem. Thì ra đó là đền thờ thánh Hồi giáo Panchakki. Để tránh cái nóng giữa ngày, tôi vào trong một phòng mát, nơi có ngôi mộ của một vị nào đó, rồi ngồi xếp bằng hoa sen trên thảm. Thấy có nhiều ông Hồi hồi đang trầm tư, tôi nghĩ ở đây tôi có thể ngồi thiền trong giây lát. Cùng lúc, có nhiều người ra vô.

Khi tôi trở ra đường chừng một giờ sau đó, có anh thanh niên Ấn theo làm quen. Anh nhã nhặn, nói tiếng Anh thông thạo. Anh nói thấy tôi ngồi thiền trong mộ và hỏi tôi có phải là người theo Hồi giáo không. Tôi trả lời tôi không phải là người Hồi giáo mà là Phật tử. Anh mừng rỡ nói anh cũng là Phật tử và rất hân hạnh được gặp tôi. Anh mời, tha thiết mời tôi về nhà gặp bạn anh để luận bàn Phật pháp. Tôi giải thích cho anh biết tôi muốn đi Ellora trong ngày, nhưng anh cố nài nỉ tôi nán lại đôi hôm. Anh nói không có mấy người ngoại quốc đi ngang qua đây, nhứt là Phật tử Tây Âu, và tôi đem tới anh cái duyên may. Anh nói thêm Aurangabad là thành phố d­ễ thương, tự do tín ngưỡng, có nhiều đạo giáo sống chung hòa đồng, dân tình d­ễ mến và có nhiều thắng cảnh du lịch. Còn có thêm trường Phật giáo và một đại học mới mà anh sẽ đưa tôi tới viếng.

Anh thanh niên tên Sardar. Anh có học, lễ độ và rất nhiệt tâm. Anh tỏ vẻ thành thật và là một Phật tử người Ấn đầu tiên tôi có dịp gặp. Bởi không có gì gấp gáp, tôi quyết định thả nổi và đồng ý theo anh. Anh dẫn tôi đi bộ chừng mươi lăm phút ra ngoại ô nơi anh ở. Trên đường anh nói không nghỉ, kể tôi nghe về anh, các bạn Phật tử của anh và thành phố anh. Sardar đang theo học tại Đại Học Marathwada mới thành lập. Anh vừa học vừa làm việc vặt cho ông Phó Viện Trưởng. Phần lớn sinh viên của Đại Học Marathwada và trường Milinda kế bên là Phật tử. Trường Milinda do cố Tiến sĩ B. R. Ambedka sáng lập. Từ 1956 đến nay Tiến sĩ Ambedka đã giúp hằng triệu dân cùng đinh Ấn quy y Phật. Họ quy y hầu hết là vì lý do kinh tế-xã hội chớ không nhất thiết là vì họ tin Phật pháp hay Đức Chí Tôn. Trong những bước đầu, phần đông không biết hoặc biết rất ít về Tứ Diệu Đế, thậm chí có người không biết Phật là ai. Họ chỉ muốn thay cuộc sống, dầu phải đổi tín ngưỡng thành Phật tử trước rồi học Phật sau.

Sardar ở trọ trong gia đình Hồi hồi. Anh rất muốn tôi gặp người bạn thân Hồi giáo của anh. Ông Quaz-Sir là một nhà giáo Muslim thuần thành nhưng rất tôn kính các đạo giáo khác. Ông muốn nghe quan điểm Phật giáo của tôi và muốn học cả thiền định. Ông mời tôi ở lại dùng cơm tối với ông; tôi không thể từ chối. Tối hôm đó tôi ngủ lại trên sân thượng để được một mình và cũng để có nơi yên tịnh mà thiền cùng thưởng thức bầu trời về đêm với ngàn sao lấp lánh. Tôi nghe một giáo sư hóa học nói, theo ông, không khí vùng Aurangabad có lượng oxy cao nhứt và tinh khiết nhứt xứ Ấn, nếu không muốn nói nhứt thế giới.

Sáng hôm sau Sardar đưa tôi viếng trường Milinda và Đại Học Marathwada. Anh giới thiệu tôi với nhiều giáo sư và sinh viên bạn anh. Tôi được gặp ông Phó Viện Trưởng và một số nhân viên hành chánh đại học. Tôi có hỏi về học trình và cấp bằng Phật học cũng như các lớp dạy tiếng Pali và Sanskrit của đại học này và nảy ý muốn theo học ở đây một thời gian trong tương lai gần. Nhưng tôi không biết đại học có được chuẩn nhận để tôi có thể dùng trợ cấp GI của tôi chăng. Tôi còn tới ba năm trợ cấp và tôi biết GI có thể xử dụng ngoài nước Mỹ. Tôi muốn xài tiền mi­ễn phí này để học tiếng Pali và Phật học. Được vậy ba mẹ tôi chắc sẽ hài lòng và tôi sẽ có tiền ở lại châu Á thêm vài năm nữa. Theo yêu cầu tôi được đưa đi viếng thư viện. Thư viện to, đầy ấp sách, và có nhiều sinh viên đang cặm cuội học tập. Thật lý thú khi tôi thấy tâm trí mình lao vù tới tương lai và dấy lên ước mơ trở lại đại học. Tôi hỏi vị Phó Viện Trưởng về việc chuyển các tín chỉ tôi đã lấy ở đại học cộng đồng để tôi có thể ghi danh ngay vô năm thứ ba. Ông nghĩ có thể được nhưng tôi phải tự thu xếp để gởi học bạ đến cho trường xem trước. Ông cũng cho tôi biết xin chiếu khán sinh viên vô Ấn Độ phải cần thời gian.

Vị giáo sư Hoá học--người nói với tôi về sự tinh khiết của khí trời Aurangabad--rất muốn học thiền nhưng không có ai ở đây có thể giúp ông. Ông yêu cầu tôi chỉ cho ông những điều căn bản; tôi thông cảm giúp ông. Một giáo sư khác mong tôi thuyết trình về phương pháp thiền cho lớp Triết Phật của ông. Không như lúc trước, bây giờ tôi thấy mình có chút khả năng và kinh nghiệm khả dĩ nói về vấn đề này một cách rõ ràng và chính xác. Tôi hy vọng giúp họ hiểu sâu hơn những gì mà họ mới biết. Tôi cũng nghĩ đây là cơ hội giúp tôi kinh nghiệm thuyết giảng trước đám đông, cũng như cho phép tôi đo lường khả năng, nổi lo lắng bồn chồn và các phản ứng khác của tôi. Tôi chưa lần nào lên bục thuyết trình, trừ các buổi thực tập trong lớp Nói ở đại học cộng đồng, nên chi tôi nhận lời mời ngay và nói chuyện liền vào sáng hôm sau.

Tối lại, tôi tới nhà ông giáo sư Hóa để chỉ ông tập thiền định bằng phương pháp sổ tức mà tôi đã học được trong ba ngày đầu tiên trong khóa của Thầy Goenka. Hai chúng tôi ngồi lặng yên trong mười lăm phút. Tôi thỉnh thoảng nhắc ông đưa tỉnh thức mình về chót mũi nếu tâm ông lăng xăng. Ông rất thích thú. Tôi khuyến khích ông ngồi lâu hơn, hai mươi hoặc ba mươi phút, lúc tảng sáng và chiều tối. Tôi nghĩ bấy nhiêu là đủ cho ông rồi nếu ông tiếp tục được, bởi tôi biết ông rất bận rộn với công vụ và gia đình.

Thật buồn cười, khi không tôi được đưa lên hàng giáo sư về thiền và được mời giảng dạy. Tôi chỉ mới làm Phật tử chừng ba tháng nay trong khi nhiều người ở đây đã quy y nhiều năm rồi. Mới biết kiến thức đạo pháp của họ rất hời hợt và họ rất mong được chỉ vẽ cũng như khuyến khích. Phật pháp của họ hầu hết là dưới dạng tri thức và a tòng theo quần chúng. Thật ra không phải là lỗi của họ. Tôi cảm thông với họ nhưng không thể giúp nhiều hơn. Tôi luôn nhớ lời khuyên của Thầy Goenkaji lúc tôi rời khóa tu học. Thầy khuyên tôi không nên làm thầy sớm quá. Tôi biết tôi còn nhiều việc phải làm nên không thể dấn thân vào chuyện mà tôi chưa sẵn sàng. Do đó tôi quyết định tiếp tục con đường không vấn vương sau buổi nói chuyện sáng sớm hôm sau.

Tôi dành nhiều thì giờ trong đêm để chọn xem phải nói gì và làm sao giới thiệu đề tài thiền. Đây là lần đầu tiên tôi sẽ phải ứng khẩu trước cử tọa; tôi biết bụng tôi thế nào cũng 'đánh lô tô'. Tôi không phải là một học giả Phật giáo mà cũng chưa được giác ngộ. Tôi chỉ có được một mớ lý thuyết cộng với chút kinh nghiệm; kinh nghiệm thực hành còn lý thuyết nói suông. Hầu hết Phật tử ở đây quen với Tiểu Thừa hơn Đại Thừa hay Phật Giáo Tây Tạng. Do đó, tôi nghĩ nên giới thiệu đề tài qua lăng kính Tiểu Thừa và nói về thiền minh sát. Trước tiên tôi sẽ dẫn giải Tứ Diệu Đế để họ thông hiểu. Kế tôi mô tả thiền minh sát theo chút kinh nghiệm sẵn có của tôi--chỉ họ phương pháp tỉnh tâm bằng cách tập trung (định) để tỉnh thức. Dàn bài là vậy còn lời giảng sẽ được tùy nghi ứng khẩu.

Sáng ra, Sardar đi với tôi đến trường Milinda. Tin một tu sĩ Mỹ thuyết trình về thiền được truyền đi nhanh chóng. Lúc 10:00 giờ, khi bước chân vô hội trường, tôi hết sức ngạc nhiên thấy gần một trăm năm mươi thính giả phần đông thuộc lớp trẻ đang ngồi chờ. Buổi nói chuyện dự tính cho một lớp bỗng chốc thành một buổi thuyết trình cho toàn trường, ai muốn đến nghe cũng được. Nhiều lớp khác đóng cửa để sinh viên có thể tham dự dịp hiếm có này. Tôi lo lo và bụng bắt đầu đánh lô tô khi Sardar đưa tôi lên bục giảng.

Sardar giới thiệu tôi và nói lý do sao ông gặp được tôi cũng như ông đã thuyết phục tôi nán lại hai ngày, vân vân. Cùng lúc, tim tôi đập thình thịch, trí tôi lu mờ và tôi không còn biết đầu đuôi ra sao. Phản ứng tâm và sinh lý ấy đến với tôi đột ngôt, khiến tôi không còn biết mình có thể nói năng mạch lạc chăng và cử tọa có biết sự bối rối của tôi không. Tôi bèn nhắm mắt, hít nhiều hơi dài và tự nhủ phải bình tĩnh, bình tĩnh và bình tĩnh. Dường như có hiệu quả. Dàn bài tôi soạn hồi đêm qua từ từ trở lại với tôi và nhịp tim tôi đập chậm dần.

Tôi ấp úng bắt đầu bằng những lời cám ơn vị chủ tọa, ông Sardar vừa giới thiệu tôi và vị giáo sư đã mời tôi cũng như tổ chức buổi thuyết trình hôm nay. Rồi tôi vô đề bằng cách nói qua đời sống của Hoàng Tử Siddharta, nhấn mạnh điểm Ngài từ bỏ nhung lụa để đi tìm nguồn gốc của khổ đau và cách diệt tận gốc khổ đau. Sau vài phút đầu tiên, tôi cảm thấy bớt căng thẳng và lời ra tự nhiên hơn. Tôi ngạc nhiên thích thú.

Tôi tiếp tục trình bày rằng mọi khổ đau thể chất cũng như tinh thần của chúng ta đều bắt nguồn từ tâm. Mức độ tham, sân, si của mỗi chúng ta định đoạt mức khổ đau hay hạnh phúc của cá nhân đó. Kế, tôi giải thích tại sao thiền có thể làm phát triển tỉnh thức và tỉnh thức có thể giúp chế ngự bình diện thiếu lành mạnh của tâm và nuôi dưỡng huệ để đạt giải thoát. Tôi kết thúc bằng sự mô tả thiền về Từ Bi, ví từ bi và trí huệ như hai cánh hỗ trợ lẫn nhau trên đường giải thoát. Tôi chúc phúc mọi người và cầu mong ai cũng hân hoan trong niềm tin mới. Tôi cũng khuyến khích mọi người tu tập thiền định.

Một sinh viên đứng lên hỏi tôi có thể ở lại đây một thời gian để dẫn dắt họ thực tập thiền không? Tôi đáp rằng tôi còn non kém lắm và chưa đủ khả năng giảng dạy chính thức. Tôi đang trên đường tự vấn nội tâm và thực tập Bát Chánh Đạo, mong làm bất cứ điều gì có thể giúp tôi trưởng thành tâm linh. Trong hiện tại tôi đang thử thả mình theo dòng vô thường bằng cách trôi giạt đó đây và cố không dính mắc vào bất cứ gì trong hành trình cũng như tư tưởng. Tôi không có đề cập tới ý định sẽ đi đến bờ biển Goa để sống đời lõa thể. Tôi có tin họ biết về Thầy U. N. Goenka và các khóa tu học ngắn hạn 10-ngày của thầy. Tôi khuyến khích họ viết thư mời thầy đến hướng dẫn các buổi học tập tổ chức ngay tại địa phương. Sardar kết thúc buổi thuyết trình bằng cách cám ơn tôi đã hoan hỷ chia xẻ những hiểu biết về Phật pháp của tôi và đã đem đến cho họ nguồn hứng khởi. Mọi người cảm kích và tôi rất vừa lòng với kết quả.

Tôi rất vui được ghé lại thành phố dễ mến Aurangabad, dầu rằng cuộc viếng thăm quá ngắn ngủi và bận rộn. Và lần viếng thăm này không phải là lần sau cùng. Tuy nhiên về sau, tôi biết ra rằng Đại Học Marathwada không nằm trong danh sách các đại học nhận tiền GI nên tôi bỏ ý định ghi danh như nói trước đây. Vả lại, lãnh thêm bằng cấp Phật học không phải là mong ước sâu xa của tôi, tôi cũng không nghĩ rằng bằng cấp quan trọng cho sự tu tập Phật pháp.


[19] Ashram có thể dịch là viện nhưng không sát nghĩa lắm; do đó chúng tôi chọn dùng chữ ashram hơn là viện (nd).

[20] Cần sa Kerala trồng ở tiểu bang Kerala, nam Ấn Độ (nd).

 

---o0o---

Mục Lục > 1 > 2 > 3 > 4 > 5 > 6 > 7 > 8 > 9 > 10

 11 > 12 > 13 > 14 > 15 > 16 > 17 > 18 > 19 > 20

---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

Cập nhật: 01-04-2008

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Lâm Đồng Lễ tưởng niệm cố quang voi tuyển tập những danh ngôn về niềm tin テス mß à ni truong thich nu dieu khong trong phong trao dau nguyen chon nhin day Não Nhớ Tết xưa Trà thiên trẻ gi khoẠchuyen thấy inh thai do can co khi doc kinh phat nhung Đức Phật đối trước bạo lực phÃÆp tanh tien giao ト妥 Buồn chi màba bốn bữa chua liuhe bat tuy phan biet cu tran lac dao tap 1 Húy kỵ chư tôn đức tiền bối Chùa mình vẫn kết hoa hồng chứ ngoáºi Chùa mình vẫn kết hoa hồng chứ Xúc phận Tức åº Thích tỉnh thức trong vòng vây thông tin không Thiền minh sát trong ứng dụng K Ã Æ xuan quyết từ CHÚ ĐAI BI Chùa Long Quang Ăn trước gương giúp cải thiện vị Chuyến du lịch nhỏ của mẹ ï¾ å cuoc