...... ... .

 

 

 

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
 (Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

 

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
 Chơn Quán dịch Việt

 

Chương 20

LỜI BẠT

Tôi lưu lại Sri Lanka hai năm sau khi xuất gia, đi đó đi đây để học Phật và tham thiền. Nơi tôi đến nhiều nhứt là một động nhỏ nằm dưới chân núi Dolukanda hẻo lánh, cách Colombo chừng sáu giờ xe đò. Núi có nhiều rắn độc và vô số khỉ. Ở đó tôi xuống làng cách xa một-hai dặm để khất thực và ở đó tôi sống đời thiền khổ hạnh; tôi hy vọng lối sống ấy giúp tôi chế ngự sợ hãi, nhứt là tử thần. Tôi cũng có dịp quán chiếu tâm tham của con người qua sự quan sát cách tranh giành thức ăn của bầy khỉ; không có món gì để trong động mà chúng không moi lấy, chúng giựt cả thức ăn trong bát tôi. Mỗi sau hai tháng ở Dolukanda, tôi lại về Thapovanaya chừng đôi ba tuần để tường trình kết quả tham thiền với Thầy Bổn Sư Vangisa và học kinh Pali (qua bản dịch Anh ngữ). Một địa điểm khác mà tôi cũng thường hay đến là Unawatuna; tôi trở lại tu trong devale và xuống làng khất thực. Dân làng rất hân hoan thấy tôi bây giờ chính thức là một tăng sĩ. Thầy Vangisa rất hài lòng thấy tôi đạt thiền quả tốt và trau giồi kinh kệ tinh tấn.

Ba má tôi, trái lại, miễ­n cưỡng chấp nhận cuộc đời mới của tôi và không khỏi lo âu, nhứt là khi nghe tôi tả những ngày sống trong động hẻo lánh với rắn độc và đám khỉ háu ăn luôn chực chờ giựt thức ăn tôi khất thực. Năm 1977 bà bay sang Sri Lanka để biết chắc rằng tôi chưa khùng. Bà ở trong Viện Thapovanya suốt tuần l­ễ đầu để thấy tận mắt lối sống của tăng sĩ, và cũng để tôi dạy bà thiền. Sau đó, bà du ngoạn quanh đảo, viếng nhiều thắng cảnh, và đến cả động Dolukanda và làng Unawatuna. Lúc rời Sri Lanka bà hiểu thế nào là đời tu sĩ/tâm linh và hoan hỷ chấp nhận đời sống mới của tôi. Bà rất cảm kích tính hiếu khách và cởi mở của người Tích Lan và thành thật cám ơn họ đã hỗ trợ tôi trên đường tu học. Cảm tưởng đẹp bà ghi nhận được thế nào cũng sẽ giúp cha, anh, chị, bà con, và bạn bè tôi hiểu tôi hơn.

Năm sau, tôi về thăm nhà và cũng để xem Phật giáo phát triển thế nào trên đất Mỹ. Ở California, tôi ngụ trong Trung Tâm Thiền Phật Giáo Quốc Tế (The International Buddhist Meditation Center, IMBC) trên đường New Hampshire, Los Angeles. Trung tâm cách Riverside chỉ năm mươi dặm nên tôi có dịp thăm viếng ba má tôi thường xuyên-có khi cả tuần mỗi tháng. Thiền chủ của IBMC là Hòa Thượng Thích Thiện Ân, một nhà thiền Zen Việt Nam; Thầy cũng là giáo sư dạy triết lý Phật giáo ở Los Angeles City College. IBMC theo truyền thống Đại Thừa, nhưng Thầy Thiện Ân (mà người Mỹ thuờng gọi là Dr. Thiện Ân) muốn có tăng ni thuộc mọi tông phái để gieo duyên và trao đổi kinh nghiệm.

Thầy Thiện Ân mời tôi ở lại Trung Tâm để tông Theravada có mặt, vì vị tăng Theravada duy nhứt ở đây vừa qua đời truớc khi tôi đến. Từ từ, tôi bắt đầu nói pháp với nhóm thiền chủ nhựt và dạy yoga cũng như thiền mỗi tuần một lần. Lúc bấy giờ thiền và nhiều chương trình liên hệ khác do IBMC và College of Buddhist Studies bảo trợ khá phổ thông và có nhiều người tham gia. Đây là duyên tiên khởi dẫn tôi vào việc giảng dạy thiền và Pháp, và cũng là duyên may giúp tôi học hỏi thêm về Đại Thừa. Trung tâm thường tổ chức l­ễ lạc nên có nhiều tăng Tây Tạng, Theravada và các tông phái khác dừng chân tham dự hay thuyết giảng. So với môi trường tu học của tôi ở Tích Lan, Trung Tâm rất nhộn nhịp, nhưng tôi hoan hỷ chấp nhận thay đổi, ít ra là trong một thời gian.

Ngày Vesak 1979, tôi thọ giới upasampada[45] tại một chùa Thái ở Bắc Hollywood và bước lên bậc thang chót của đời tăng sĩ. Lễ­ do một số tăng Tích Lan trong vùng Los Angeles tổ chức với sự chứng kiến của gia đình và bạn bè củ của tôi. Ba má tôi bây giờ rất cảm thông và sẵn sàng bưng y bát đi nhiễu ba vòng quanh chùa trong tiếng chuông trống và tụng niệm trang nghiêm của Phật tử.

Sau hai năm ở IBMC tôi trở lại Tích Lan bởi nhớ núi rừng tĩnh mịch và đời sống lâm tăng; tôi nhớ động Dolukanda với rắn với khỉ, và nhớ làng biển lý tưởng Unawatuna. Tôi cũng muốn lánh những sinh hoạt đe dọa tâm an tại của tôi, như cảnh bon chen, những gặp gỡ thường xuyên Phật tử khác phái và giới luật không mấy nghiêm khắc của Trung Tâm. Tôi về lại bán đảo Ấn Độ vào đầu hè 1980. Thoạt tiên tôi bay qua Calcutta rồi đi Bodhgaya. Tại Bodhgaya tôi tạm trú trong các tu viện mi­ễn phí và đến tham thiền thường xuyên dưới gốc cây thiêng. Tháng 9, tôi rời Bodhgaya đi hành hương ở những nơi có dấu chân Phật, như Rajir/Nalanda, Vaishali, Kusinara, Sravasti, và Lumbini trong lãnh thổ Nepal. Trên đường, tôi khất thực, ngủ nghỉ trong chùa/ashram hay ngoài trời dưới bóng cây bên đường. Ngày 1 tháng Mười Một tôi đến Lumbini để đảnh lễ­ nơi đản sanh của Đức Phật mà tôi không có thiện duyên đến viếng trong chuyến đi Nepal trước đây. Tiếp theo tôi đi Pokhara và du hành lên Đại Sơn[46] gần đó.

Tại Pokhara tôi sống tạm trong một tu viện Theravada trước khi hành hương lên hai thánh đường Muktinath và Annapurna. Tôi rất thích chuyến hành hương dã ngoại này và xem đó như một duyên lành cho tôi phát huy đời tăng sĩ/tâm linh. Tôi trở lại Bodhgaya vào trung tuần tháng Mười Hai để có dịp được tưới thắm đạo tâm bất thối chuyển của hằng ngàn người Tây Tạng về đây trong tháng này.

Giữa tháng Giêng, tôi đến Sri Lanka và lưu lại đó những sáu năm liên tiếp. Tôi sống trong Trung Tâm Thiền Nilambe do nhân sĩ nổi tiếng Godwin Samaratne mới thành lập trên vùng đồi núi trồng trà mát lạnh phía trên Kandy. Trung tâm dành cho dân chúng đến thiền nhưng tăng sĩ cũng có thể ở nếu muốn. Ông Samaratne mời tôi phụ dạy thiền (thỉnh thoảng dạy một khóa chừng muời ngày) và nhờ tôi trông coi trung tâm mỗi khi ông đi xa (ông đi dạy thường xuyên và ở nhiều nơi).

Thế là tôi dạy thiền ở Nilambe, dạy trong suốt năm năm, mỗi năm đôi ba khóa. Đầu tiên chỉ có du khách phương Tây nhưng lần hồi có thêm nhiều người Tích Lan đến học. Giữa các khóa, tôi xuống ở dưới Unawatuna. Unawatuna bây giờ đã đổi khác, trải rộng từ bờ biển vô tận trong sâu. Trong ba năm tôi đi xa, nhiều nhà nghỉ và nhà hàng bình dân mọc lên như nấm trên bãi, trong làng để đáp ứng nhu cầu gia tăng của du khách phương Tây; không khí yên lành năm xưa không còn nữa. Nhưng rất may, tôi tìm được một nơi có bụi rậm và bóng mát trên đồi và nhờ dân làng phụ dựng một cốc bằng cây nhỏ để tu tập.

Trên đồi không mấy khi có du khách, trừ những người muốn lên để ngắm hoàng hôn, nên rất yên tịnh. Cốc tôi nằm khuất nên không ai biết có tôi ở đó. Sau cốc tôi có khai một lối đến tảng đá to nhìn ra biển Ấn Độ mà sóng ngoài khơi kéo về vổ ì ầm dưới chân không đầy năm thước. Tôi có thể ngồi ngay trên mặt đá bằng để tham thiền trong lúc vừng Tây chìm dần dưới chân trời trước mặt. Mỗi ngày tôi xuống vô xóm khất thực. Tôi sống lại Unawatuna nhiều hơn ở Nilambe và chính tại nơi đây tôi nảy ra ý định viết những trang hồi ký này.

Tôi không có về lại Thapovanaya. Trong lúc tôi đi xa, Thầy Vangisa viên tịch và tu viện được phát triển lớn thành truờng dạy tăng sĩ. Dĩ nhên quang cảnh yên tĩnh quen thuộc của tôi không còn nữa!

Tháng Tư 1985, tôi trở lại Ấn Độ và kinh hành sáu tháng ở Hy Mã Lạp Sơn. Tôi bắt đầu từ Rishikesh (nơi nổi tiếng mà nhóm Beatles từng hành thiền với Yogi Maharishi Mahesh), đi bộ đúng theo padayatra cổ truyền (hành hương bằng cách đi bộ), viếng nhiều đất thánh Hindu như Badrinath, Kedernath, Gangotri, Yamunotri, và động Amaranath ở Kashmir, cùng nhiều đền linh thiêng.

Lúc gió nồm của mùa mưa bắt đầu thổi, tôi qua khỏi đèo Zoijila, vô vùng ít mưa Ladakh, và sau cùng đến Leh. Tôi đi trong thung lũng Indus suốt hai tháng. Trong khoảng thời gian này tôi tạm trú trong nhiều tu viện kiểu Tây Tạng rải rác trên bình nguyên hoang vắng. Cuối tháng Mười tôi trở lại Srinagar, rồi lấy xe lửa và xe đò xuống miền Nam Ấn Độ qua Aurangabad và Động Ajanta đến Rameswaram. Từ Rameswaram tôi lên chiếc tàu đò cũ SS Ramanujam lần chót qua Sri Lanka. Sau đó SS Ramanujam không còn đưa khách qua lại Ấn Độ và Sri Lanka nữa vì sự quấy rối của quân nổi dậy Tamil.

Sau chuyến kinh hành dài ở Ấn Độ, tôi bắt đầu đọc sách báo Phật giáo quốc tế của Buddhist Publication Society ở Kandy cầu tìm duyên lành mới. Tôi thấy bài nói về một lâm tự Theravada đang được xây cất ở West Virginia. Trên nước Mỹ, tu viện Zen và Tây Tạng cũng như chùa Theravada không thiếu nhưng đều nằm trong thành phố; đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến một thiền viện theo trường phái Theravada lập trong rừng.

Từ lâu, tôi có ý định hoằng dương Phật pháp và phổ biến thiền đến phương Tây; những ngày ở IBMC là bước đầu của sở nguyện tôi. Tuy nhiên lúc bấy giờ tôi còn non nớt quá nên nào dám. Bây giờ, nhờ sáu năm lặn lội thêm bên châu Á và mớ kinh nghiệm dạy Pháp ở Nilambe, tôi cảm thấy tự tin hơn. Do đó, khi đọc được tin trên tôi rất quan tâm chú ý. Hơn thế nữa, lâm tự được gọi là Bhavana Society, lại do một tăng Tích Lan gây dựng, Thầy Henepola Gunaratana. Tu viện được xây trong khu rừng rộng mười ba mẫu Anh trên khu cán gáo của West Virginia, cách Washington, D.C. hai giờ xe. Được biết tu viện đang cần nhiều bàn tay xây dựng, tôi liền viết thư qua Thầy H. Gunaratana, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Washington Buddhist Vihara ở thủ đô, để tự giới thiệu và xin góp sức vào công quả quan trọng của Thầy. Không bao lâu tôi được thư Thầy trả lời, mời tôi qua phụ giúp.

Mùa Xuân 1987, tôi lên Washington Buddhist Vihara gặp Bhante (Thầy) Gunaratana. Thầy còn ở đây vì tòa nhà đầu tiên trong rừng do các đệ tử góp sức chung xây vào những ngày nghỉ cuối tuần chưa ở được. Lúc đến nơi, tôi thích ngay quang cảnh và tin tưởng công trường chắc chắn sẽ thành một aranya (lâm viện hay tu viện trong rừng) xinh đẹp. Tôi ở lại công trường một mình và bắt tay làm việc mỗi ngày. Thỉnh thoảng tôi đi gặp bà con (rất ít) trong vùng, và dĩ nhiên không bao giờ quên thiền.

Mùa Thu 1988, tòa nhà chánh với một thiền đường nhỏ, đường sá, và ba cốc bằng cây được xem như xong. Lúc bấy giờ viện mua thêm mười mẫu Anh kế bên. Và tháng Mười 1988, Bhavana Society Forest Monastry and Meditation Center được long trọng khánh thành. Từ đó trung tâm không ngừng phát triển và tâm linh tôi không ngừng khai mở.

Mỗi năm từ 1988 đến nay, tôi đi Âu châu hai tháng hè để gieo duyên với các bạn mà tôi gặp truớc đây ở Sri Lanka. Tôi cũng thường mở nhiều khóa thiền ở Đức, và đôi khi ở Đan Mạch, Thụy Điển, Ý và Pháp.

Nay cẩn ký.

Dịch xong Chủ Nhựt 13.11.2005

Chơn Quán Trần ngọc Lợi

 

PHỤ BẢN I

I. Khước sĩ (Sannyassin) là người có lối sống như tu sĩ/đạo sĩ Hindu, khước từ dục lạc thế gian và nguyện giữ hạnh thanh bần và độc thân. Theo truyền thống, họ mặc màu vàng, vàng nghệ, hay cam là biễu thị của sự khước từ; các màu ấy cũng là màu biễu tượng của họ ngày hôm nay ở Ấn Độ. Khước sĩ rất được người Ấn sùng tín kính trọng. Tuy nhiên tân khước sĩ (neo-sannyassin) của Đạo Sư Rajneesh có khác và từng là đề tài bán tán ở Poona khi họ đi rong trong thành phố nầy với y màu cam/đỏ và chuỗi mala lủng lẳng trên cỗ. Nam và nữ, thường là người ngoại quốc, được thấy quấn quít và hun hít ở những nơi công cộng, làm mất thuần phong mỹ tục Hindu nên dân chúng rất khó chịu. Họ còn vào quán rượu, nhà hàng, ăn uống nhảy nhót vung vít. Không cần nói ai cũng biết hạnh kiểm lố bịch ấy (của một người gọi là khuớc từ dục lạc) không thể được lễ giáo Hindu chấp nhận. Nhưng vỉ họ chi tiền nhiều nên địa phương làm lơ cho. Một sáng trong năm 1980, có một người phóng dao ám sát hụt Đạo Sư Rajneesh trong lúc ông đang thuyết giảng ở Poona. Một dấu hiệu cho biết dân Poona chán ngáy Đạo Sư và đám đệ tử tân khước sĩ của ông. Vì vậy, theo tôi nghĩ, Đạo Sư đã phải dọn đi nơi khác, ra khỏi Ấn Độ luôn. Ông và "bộ lạc hoan hỷ" của ông hiện sống tại Mỹ, trên miền Đông Bắc của tiểu bang Oregon. Họ đang tạo dựng thành phố mang tên Rajneeshpuram và khai sanh đạo mới, đạo Rajneeshism.

II. Trung Tâm Thiền Minh Sát Kanduboda (The Kanduboda Vipassana Bhavana Center) hình thành năm 1956 nhân dịp có một số nhỏ du sĩ Miến Điện đến Sri Lanka dạy thiền. Quý vị tỳ kheo (bikkhu) ấy là đệ tử của Ngài Mahasi Sayadaw, tác giả quyển Practical Insigh Meditation và cũng là bậc A La Hán đã khởi xướng pháp phồng xẹp bụng. Quý vị được mời sang để khơi lại pháp hành thiền đã bị ảnh hưởng Thiên Chúa giáo lấn áp trong nhiều trăm năm bị phương Tây đô hộ. Năm 1956 là một thời điểm quan trọng vì là năm kỷ niệm thứ 2500 của Đức Phật nhập Niết Bàn. Trước khi nhập diệt, Đức Phật có nói rằng Pháp của Ngài sẽ mạt sau năm ngàn năm; lúc bấy giờ sẽ có Phật Di Lặc thị hiện giáo hóa chúng sanh. Do đó, năm 1956 đánh dấu nửa lộ trình của Phật Pháp và được thế giới Phật giáo long trọng kỷ niệm. Đó cũng là năm ngọn đuốc thiền quán Phật giáo được thắp sáng lại. Ngay trước đó, Ngài Mahasi Sayadaw và Bổn Sư của Ngài Goenka là Ngài U Ba Khin có thiết lập hai trung tâm thiền tại Rangoon. Khi đến nơi, quý vị tỳ kheo Miến Điện nhập hạ và dạy thiền minh sát khiến nhiều tu sĩ và cư sĩ Tích Lan có duyên mai học được pháp thiền nầy. Tiếp theo, nhiều trung tâm thiền khác được thiết lập để đáp ứng nhu cầu của người muốn học thiền ngày càng đông. Kanduboda là một trong những trung tâm mới này do một tỳ khưu từng du học ở Miến Điện lập nên và giảng dạy. Đó là Ngài Sumathipalo, thầy của Ngài Sivali. Hai vị thầy này và Thầy Mahasi Sayadaw viên tịch năm 1982.

III. Bố Thí (Dana) là một pháp quan trọng trong việc hành trì Phât pháp. Đại để, bố thí có nghĩa là chia xẻ cái mình có để giúp người đang thiếu và cũng để làm giảm thiểu tâm tham ái và chấp thủ của mình. Theo truyền thống Phật giáo, bố thí là cúng dường chư tăng ni bốn thứ vật dụng cần thiết hằng ngày là thức ăn, y, chỗ ở và thuốc men. Trai đường là nơi tu sĩ nhận vật thực cúng dường do thí chủ (dayaka) mang đến tu viện. Cúng dường tu sĩ được tin như là tạo phước báu làm tăng trưởng căn lành và hạnh phước; cúng dường cho bậc mà công đức tu tập càng cao dày, phước báu tạo nên càng to lớn. Do đó, các trung tâm thiền có tiếng như Kanduboda thuờng nhận được nhiều vật thực cúng dường. Một lợi điểm nữa của Kanduboda là có nhiều người ngoại quốc ở tu học; dân chúng địa phương nghĩ rằng người phương Tây nào dám hy sinh tiện nghi vượt bực của Âu Mỹ để đến phương Đông hành thiền trong điều kiện tu học khắc khổ là người đã thực sự hy sinh nên cần được giúp đở nhiều hơn. Đó cũng là dịp để họ nhìn thấy tận mắt các đệ tử của Phật từ phương Tây qua.

IV. Để đơn giản vấn đề, tám bậc ấy được xếp vào ba giai đoạn tùy theo chức năng tổng quát của chúng. (1) Giai đoạn thứ nhứt là làm tỏ lộ tánh vô thường của năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, và thức, được thực hiện bằng cách dùng nội quán nhìn trước vô sự sanh và diệt của các pháp hữu vi rồi sau đó chỉ vô sự diêt[47] mà thôi. (2) Giai đoạn thứ hai đòi hỏi sự quán chiếu thâm sâu và sự tin tưởng rằng các pháp của thân tâm và của toàn thế gian hữu vi đều bất toại nguyện và là nguồn gốc của khổ đau; do đó, chúng ta không còn sự ham muốn (xả bỏ) pháp thế gian nữa. Đôi lúc quán chiếu sự sanh diệt chưa đủ để xả bỏ. Trừ trường hợp được quan sát tỉ mỉ bằng ánh sáng của khổ đau, thực tánh bất toại nguyện (khổ) của thế gian luôn bị che án bởi tham, sân và si. Dầu biết là khổ nhưng chúng ta vẫn tìm cầu. Sự hiểu biết và nhu cầu phải xả bỏ được thực hiện bằng cách phát triển ý thức về hoảng sợ[48] và hiểm nguy. Nhưng sự hoãng sợ nói đây không phải là sự sợ hãi tiêu cực mà là biểu hiệu xác nhận rằng sự vật đang tan hoại và không có trú quán (dầu chỉ cho một đêm), không có sự thanh tịnh cho bất kỳ tâm chấp thủ nào. (3) Trong giai đoạn thứ ba tâm thực sự quay lưng lại sáu căn, sáu trần, và cả hành giả là "cái tôi". Đó là giai đoạn mà quả của cố gắng trước đây hình thành và được chứng nghiệm qua sự xả ly, thanh tịnh, tuệ tri, và hạnh phúc tối thượng gọi là Niết Bàn. Giai đoạn này được thực hiện bằng sự phát huy tâm vô tham dục, hành xả và giải thoát khỏi mọi pháp. Giai đoạn thứ ba được nối tiếp bởi sự chuyển đổi từ Tam Giới Hợp Thế (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) lên Niết Bàn siêu tam thế. Trong kinh điển Nam Truyền, pháp Trí Tuệ Thanh Tịnh[49] và trạng thái Niết Bàn phát sanh từ các pháp thanh tịnh trình bày một phần của lộ trình (đạo) thanh tịnh hóa tâm. Toàn bộ được giải thích trong Bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), một loại phóng tác của Giáo Pháp tiếng Pali giảng giải bởi Ngài Phật Âm (thế kỷ thứ 5). Giáo Pháp vĩ đại ấy mô tả tỉ mỉ sự phát sanh và tịnh hóa Giới Thanh Tịnh, (Silavisuddhi), Định Thanh Tịnh (Samadhivisuddhi) và Tuệ Thanh Tịnh (Pannavisuddhi). Chi tiết về Thiền Tuệ nằm trong phần Tuệ Thanh Tịnh. Bản dịch Anh ngữ của Tỳ Kheo Nanamoli Thera được xuất bản bởi Buddhist Publications Society, Kandy, Sri Lanka, và bởi Shambala Publications, California (hai quyển).

V. Kinh Phật mô tả mười kiết sử ngăn che Chứng Ngộ. Chúng cần phải được bứng tận gốc bằng pháp Thiền Minh Sát (Thiền Tuệ). Sự đoạn diệt dần dần các kiết sử tuần tự làm phát triển sự chứng đắc Tứ Thánh Đạo là Thánh Đạo Nhập Lưu, Thánh Đạo Nhứt Lai, Thánh Đạo Bất Lai và Thánh Đạo A La Hán. Phần nầy cũng được giảng giải tỉ mỉ nơi mục Thiền Tuệ trong Bộ Thanh Tịnh Đạo nói trên ghi chú IV.

VI. Nhập Lưu còn gọi là Tu Đà Hoàn (Sotapanna) là bậc Thánh chứng ngộ Niết Bàn lần đầu tiên và mới nhập vô dòng Thánh (Ariya). Vì còn nghiệp nên bậc Nhập Lưu sẽ tái sanh bảy lần nữa trước khi chứng đạt bậc A La Hán. Nhờ tâm đã được thanh tịnh hóa[50], bậc Nhập Lưu không còn phải tái sanh vô ba cõi thấp (súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục). Do nghĩ mình đã chứng đạt bậc Nhập Lưu, Thầy Nyanavira tự kết liễu đời mình để chấm dứt khổ đau hiện tiền và mau đến bậc A La Hán (nhờ sớm bớt đi một kiếp). Lý luận của Thầy được trình bày trong bức thư gởi cho người bạn và được biết sau khi Thầy tự vẫn. Trong những năm sau cùng, Thầy có ghi chú nhiều điều về tâm thức, ghi chú được đúc kết thành tập 'Ghi Chú về Đạo Pháp--Notes on Dhamma'. Thầy Samitta không có gặp Thầy Nyanavira nhưng có đọc thư và tập Ghi Chú của Thầy. Thầy tin rằng Thầy Nyanavira đã có cái nhìn trực tiếp đến Niết Bàn. Thầy rất quý tập Ghi Chú và xem Thầy Nyanavira như một hiền triết cao thâm. Những gì tôi viết ra đây là do tôi lượm lặt được qua các câu chuyện với Thầy Samitta và những người hiểu biết. Tôi có dịp nghiên cứu tập Ghi Chú và học được nhiều tư tưởng mới lạ rất hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi không dám nói gì hơn về sự tự vẫn của Thầy bởi kinh nghiệm Phật Pháp của tôi còn quá ít oi.

VII. Ở Tích Lan, Phật tử không xem mình là người của Ấn giáo song họ thờ cúng thần thánh. Thờ cúng thần thánh, họ mong được may mắn và an lành trong cõi thế; còn lạy Phật nghe Pháp, họ tìm lối giải thoát cho tâm linh trong kiếp tới. Khi lời cầu nguyền linh ứng, họ thường đi hành hương ở chùa hay một nơi thiêng liêng. Tôi có dịp gặp một thanh niên nguyện sẽ leo lên Sri Pada hành hương nếu thi đậu vô đại học. Anh được toại nguyện và vừa đi tạ thần thánh về. Một bà mẹ khác (trong gia đình mà tôi biết) vái nếu cuộc giải phẫu mắt của con bà thành công, bà và con bà sẽ sang bái cội Bồ Đề linh thiêng ở Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ. Cuộc giải phẫu đuợc như ý, bà cùng con đã đi hành hương. Tôi thiết nghĩ sự tin tưởng nơi thần thánh (tha lực) không đúng theo Giáo Pháp, nhưng tôi không thắc mắc, như tôi đã từng không phủ nhận việc giải tà, coi tay, coi bói, vân vân.

VIII. Trong khoa Yoga, tuyến nội tiết được xem như liên hệ với hệ 7-luân xa (chakra) hay trung tâm sinh lực. Ba hạ luân xa (tinh/noản hoàn, tuyến thượng thận và tuyến tụy) điều hòa các chức năng sinh dục, sinh sản, tiêu hóa, chuyển hóa, và những cảm xúc thô của bất thiện tâm tham, sân, si, vân vân. Trung tâm thứ tư hay tâm luân xa với tuyến thymus có chức năng chuyển đổi lên thiện tâm cao quý như tâm từ (metta) và tâm bi (karunà). Ba thượng trung tâm với tuyến giáp trạng, tuyến yên và tuyến tùng ảnh hưởng đến tâm định, tuệ thức và các kinh nghiệm siêu tam thế. Ai bị dằn vật bởi vấn đề sinh dục hay tham vật thực của thế gian được xem như bị các hạ luân xa chi phối. Nghệ sĩ, thi sĩ, các nhà trí thức, các tâm sùng đạo được xem như sống dưới sự động viên của tâm và thượng luân xa. Các bậc thánh và giác ngộ chỉ tùy thuộc vào thượng luân xa. Nhánh Kundalini Yoga của khoa Yoga chú trọng phát triển sự điều tức bằng một số thế đặc biệt để đưa sinh khí từ hạ luân xa thấp nhứt (chỗ xương cụt) theo ống tủy lên tận luân xa 'sen ngàn cánh' trên đỉnh đầu. Nếu một hay nhiều tuyến liên hệ với các luân xa không hoạt động (rất thường xảy ra), sự di chuyển sinh khí bị nghẻn. Vì vậy, khoa Yoga rất quan tâm đến việc tịnh hóa, kích thích và trẻ hóa các hệ thống chánh yếu của thân thể (như các hệ thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, và nội tiết) để khai thông sự chứng đạt tỉnh thức. Tiến sĩ Swami Gitananda luôn luôn bảo rằng thân và tâm phải cùng hoạt động để hỗ trợ lẫn nhau. Tìm cách chứng đạt Giác Ngộ chỉ bằng cách tịnh hóa thân mà không phát triển tâm thức là một việc làm vô bổ. Cũng vậy, tìm cách phát triển tỉnh thức bằng thiền quán mà không lo cho thân thể lành mạnh chỉ tốn thì giờ vô ích. Trong pháp Yoga, thân và tâm là hai mặt của một đồng tiền. Tâm tỉnh thức (thiền tâm) của nhà thiền không phải từ trên trời rớt xuống (có thể là ngẩu nhiên trong một số rất ít trường hợp) mà là do một quá trình tu tập bao gồm sự thư giãn và tịnh hóa cả thân lẫn tâm một cách đúng đắn.

IX. Có một câu chuyện ngồ ngộ về luật nầy. Sau khi thành đạo, Đức Phật có trở về cung điện của Vua Tịnh Phạn, nơi mà vợ con Ngài đang sinh sống. Vì Đức Phật đã khước từ vương tước, nên hoàng tử Rahula sẽ đương nhiên là người kế vị ngai vàng. Khi Đức Phật về viếng hoàng cung, công chúa Yasodhara (vợ của Ngài thuở trước) bảo hoàng tử Rahula (lúc bấy giờ mới được bảy tuổi) ra tâu xin cha truyền cho ngôi báu. Vì tâm từ bi, Đức Phật thay vì truyền ngôi vua lại trao Rahula cho Ngài Xá Lợi Phất (đại đệ tử A La Hán của Đức Thế Tôn) để được giáo hóa và thọ giới sa di. Sự việc nầy gây không biết bao phiền não vì ngôi vua không người kế vị. Vua cha Tịnh Phạn bạch Phật chỉ nên thâu nhận đồ đệ khi có sự ưng thuân của cha mẹ của người xuất gia. Đức Phật thuận lòng vua cha và luật ấy được Ngài chấp thuận. Như có nói rồi, Hoàng tử Rahula chứng ngộ A La Hán lúc còn rất trẻ.

Cũng nên biết thêm rằng bà dì Maha Pajàpati từng nuôi dưỡng Hoàng Tử Sidharta từ lúc ra đời mới bảy ngày (lúc Hoàng Hậu Maya mất) cho đến khi khôn lớn, là vị tỳ kheo ni (bikkhuni) đầu tiên, và Công Chúa Yasodhara cũng thọ giới tỳ kheo ni sau đó; hai bà đều chứng đắc Thánh quả A La Hán khi còn tại thế. Vua Tịnh Phạn cũng đắc quả A La Hán dầu không có thọ giới tỳ kheo và vẫn giữ ngôi báu.

X. Một tỳ kheo Theravada chỉ được phép sở hữu tám vật dụng cho cuộc sống hằng ngày: ba y (hai y ngoài và một y trong), bình bát, kim và chỉ, một lọc nước, một dao cạo, và một dây nịt (để giữ y trong). Y ngoài và các vật dụng được xếp gọn trong bình bát, và bình bát được đựng trong cái xách đeo vai. Nhờ được trang bị gọn gàng, tỳ kheo có thể đi đâu cũng dễ dàng.

 

PHỤ BẢN II

Anatta: Vô Ngã tức là không có cái tôi, không vì mình. Một trong ba[51] đặc điểm của cuộc sống duyên khởi.

Anicca: Vô thường. Một đặc điểm khác của cuộc sống duyên khởi. Tất cả các hiện tượng, năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) ở trong tình trạng luôn luôn thay đổi, liên tục sanh và diệt ngoài sự kiểm soát của con người.

Arahat: A La Hán. Là vị Bồ Tát ở bậc cao nhứt[52]. A La Hán đã diệt (bằng thiền quán) hết mười kiết sử (ràng buộc)[53] buộc chúng sanh vào vòng luân hồi sanh tử. Ngài đã chứng ngộ Niết Bàn hay Bất Sanh Bất Tử, không còn trở lại cõi Ta Bà vô thường và đau khổ nữa.

Avijja: Vô Minh tức là không biết, không thấy, tâm chưa được khai ngộ. Vô minh được ví như bức màn che không cho thấy tánh thật hay thực tính của vạn vật (tâm, thân và thế giới danh sắc). Màn vô minh dày nên che khuất sự thật khiến con người tin vô thường là thường còn, những gì không toại nguyện hay đau khổ là toại nguyện hay khoái lạc, những gì không có thực chất hay không có tự thể là có thực chất hay có tự thể, những gì sai (không lành mạnh, không kỷ năng) là đúng (lành mạnh, có kỹ năng), và những gì đúng là sai. Vì vô minh nên hành giả không thấu triệt được Tứ Diệu Đế của Đấng Chí Tôn.

Bhavana: Thiền; sự phát triển tâm linh. Thiền Phật giáo có hai phương pháp: thiền chỉ (chú tâm và yên lặng) và thiền minh sát (thiền quán chiếu nội tâm).

Bikkhu: Tỳ Kheo; Tỳ Khưu. Nguyên nghĩa là 'thu lượm mảnh vụn'. Người sống nhờ vào sự bố thí của đàn na thí chủ; tiếng Pali Bikkhu chỉ tăng sĩ Phật giáo.

Bodhi: Bồ Đề; Tuệ Giác Tối Thắng; Khai Ngộ; Giác Ngộ. Tu Sĩ Siddhartha Gotama ngồi tham thiền và chứng đắc đạo quả dưới gốc cội Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Boghgaya).

Bodhicita: Bồ Đề Tâm; Giác Tâm. Là tâm của các Bồ Tát đã chứng đắc nhưng chưa rời cõi Ta Bà vì hạnh nguyện cứu vớt mọi chúng sanh khỏi vòng luân hồi. Bồ Tát hành trì Tâm Bồ Đề không chọn con đường chỉ tu hành cho riêng mình mà cho mọi chúng sanh. Nhiều người (vì hiểu lầm, nd.) đã vội trách tông phái Theravada hành trì Phật pháp cho cá nhân mình mà thôi.

Bodhisattva: Bồ Tát; 'Chúng Sanh Chứng Ngộ'. Bậc thánh hy sinh đời mình để cứu rỗi chúng sanh. Bồ Tát giới là lý tưởng của Đại Thừa (đối với lý tưởng A La Hán của Theravada). Bậc Bồ Tát nguyện chỉ nhập Niết Bàn sau khi mọi chúng sanh kể cả cọng cỏ, (sic) nhập Niết Bàn[54].

Buddha: Phật; Bụt. Bậc giác ngộ.

Buddhi: Phật Tâm. Khả năng tối thắng của tâm giúp người khai mở Tâm Bồ Đề và đạt quả A La Hán hay Phật. Thông thường khả năng này bị vô minh che lấp và chỉ phát huy được nhờ vào sự hành thiền và trì Phật pháp.

Chakra: Luân Xa. Thuật ngữ Yoga có nghĩa là 'bánh xe' và được xem như trung tâm chứa năng lượng prana bên trong. Nguồn năng lượng prana lan tỏa khắp cơ thể theo một mạng kinh mạch (nadi) và chi phối các hoạt động đặc biệt của thân và tâm. Có sáu luân xa chánh nằm dọc trên đường sống lưng, bắt đầu từ đốt xương khu. Các luân xa này liên hệ với hệ thần kinh chính và các tuyến nội tiết trong vùng. Hệ thống gồm luân xa, tuyến và mạng kinh mạch chịu trách nhiệm về các tình cảm, trạng thái tâm linh và nhân cách từ thô đến vi tế. Ba luân xa dưới điều hợp những nhu cầu thế tục, còn ba luân xa trên ngang tầm tim, cổ và chân mày trách nhiệm các xúc cảm tinh thần như từ, bi, hỷ, xả, thiền, và tỉnh thức. Luân xa thứ bảy, hoa sen ngàn cánh, nằm trên đỉnh đầu là trung tâm toàn giác. Hầu hết những người thế tục (không thiên về tâm linh) sống theo cảm giác và đam mê của thân xác bị chi phối bởi các luân xa thấp; luân xa cao của họ bị đóng kín nên không chứng nghiệm được những đặc tính cao quý như từ, bi, hỷ, xả, vân vân. Mục đích của yoga là khởi động các luân xa cao để phát triển sự tỉnh thức tâm linh và các đặc trưng liên hệ.

Deva: Đề Bà; Thiên. Thuật ngữ Phật học chỉ người trở thành thiên nhơn của cõi thiên, nhờ đã sống đời người đức hạnh và từ bi.

Dharma: Pháp. Pháp có rất nhiều nghĩa. Nghĩa thông thuờng dùng trong sách này là Phật pháp, tức những lời chỉ dạy dẫn đến Sự Thật Tuyệt Đối, Giác Ngộ hay Niết Bàn. Trong Yoga và Ấn giáo, Dharma chỉ con đường phát triển tâm linh (riêng biệt của mỗi người) được xác định từ lúc sanh ra đời. Trong A Tỳ Đạt Ma, A Tỳ Đàm, hay Vi Diệu Pháp, Dharma là một Pháp trong vũ trụ. Có hai loại Pháp: duyên sanh và vô duyên sanh. Pháp duyên sanh gồm năm uẩn, yếu tố danh sắc[55] cấu tạo thế gian và có tánh vô thường, khổ và vô ngã. Pháp vô duyên sanh là Niết Bàn. Phật pháp là lời dạy của Đức Phât giúp hành giả thấu hiểu các pháp duyên sanh để đi đến pháp vô duyên sanh, Niết Bàn, chấm dứt đau khổ.

Dukkha: Đau Khổ; Bức Bách; Khó Chịu. Chính xác hơn, đó là những gì thuộc hai lãnh vực thân và tâm có sanh có diệt, không thường còn và vô ngã. Vì vô minh con người chấp lấy thân, tâm và thế gian nên sanh ra chấp thủ, ái dục, phiền não, ưu sầu và khổ đau. Đó là một Sự Thật và là đế thứ nhứt của Tứ Diệu Đế[56].

Hatha Yoga: Phương pháp yoga mà căn bản là tịnh hóa thân, hệ thần kinh, làm cân bằng sinh lực, vân vân, hầu giúp đạt các cấp cao của thiền quán. Cân bằng dòng chảy của sinh khí prana bằng các thế và phép điều tức[57] là Hatha Yoga (Ha=khí dương của mặt trời; Tha=khí âm của mặt trăng).

Hinayana: Tiểu Thừa hay Cổ Xe Nhỏ, một tên không mấy đẹp do Phật giáo Đại Thừa đặt ra để chỉ tông Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada) mà mục tiêu được xem như tu tập để tự giác tức chỉ giải thoát cho riêng mình trong lúc mục tiêu tu tập của Đại Thừa là giải thoát chúng sanh. Vì không chính xác nên Phật tử Việt Nam đã thay thế từ Hinayana bằng Theravada (nd).

Karma: Nghiệp. Nghiệp được tạo tác bởi thân, khẩu, ý và bắt đầu từ ý. Ý hành giữ dấu vết trong hệ thần kinh và tiềm thức; hai nơi này có khả năng tạo nên tác dụng có hậu quả giống y như nguyên nhân. Hành động tạo nghiệp có thể tốt hay xấu và đem lại kết quả tốt hay xấu tương ưng. Nghiệp dữ do tam độc tham sân si dẫn dắt. Nghiệp lành là kết quả của tuệ, vô trước và từ bi. Nghiệp được xem như năng lực định hướng số phần tái sanh.

Kundalini: Thuật ngữ Yoga chỉ tinh khí tiềm ẩn dưới chót đuôi (xương cụt) của đường sống lưng có thể khơi động nhờ luyện tập yoga. Nó được ví như 'Xà lực', con rắn nằm khoanh nơi luân xa muladhara chi phối tình dục. Khơi động kundalini là đưa sanh khí tiềm ẩn ấy theo kinh mạch sushuma tức theo ống tủy trong đường sống lưng, ngang qua sáu luân xa, đến luân xa 'sen ngàn cánh' . Lúc tỉnh thức trụ trong luân xa ấy, hành giả yoga sẽ đạt Moksha hay Giác Ngộ.

Mantra: Thần Chú. Câu thần bí thường bằng Phạn ngữ Sanskrit mà hành giả của các đạo Ấn, Phật, và Yoga trì để trau dồi sự chú tâm và những tâm linh khác. Một số tông phái chỉ dùng độc nhứt chú như phương pháp tham thiền, mà Mantrayana (Chú Thừa) của Kim Cương Thừa Tây Tạng (Tibetan Vajrayana) là một.

Moksha: Tiếng Sanskrit chỉ Niết Bàn tức được giải thoát khòi vòng luân hồi sanh tử. Trong Ấn giáo và Yoga, Moksha tương đương với Vô Dư Niết Bàn của Phật giáo. Moksha đồng nghĩa với Niết Bàn Phạm Thiên (Brahma Nirvana).

Mahayana: Đại Thừa; Cổ Xe Lớn. Tông phái Phật giáo chánh ở Trung Hoa, Nhựt, Đại Hàn, Taiwan, và Tây Tạng. Mahayana cũng là tông Phật giáo chánh ở Việt Nam (nd).

Manaskar Mudra: Xá. Hình thức thi lễ bằng cách chấp tay trước ngực với hai bàn tay và mười ngón tay sát vào nhau và cúi đầu. Xá là để thi lễ Phật tính có sẵn trong mỗi chúng sanh. Tôi xá ông có nghĩa là tôi vái chào Phật tính trong ông. Xá rất thông dụng trong giới đệ tử theo Ấn Giáo và Phật giáo.

Nirvana (Sanskrit) hay Nibbana (Pali): Niết Bàn. Nguyên nghĩa là thoát vòng đam mê, tận diệt Vô minh, Chấp Trước/Tham Ái và Si Mê. Một số từ tương đương là: Vô Sanh, Vô Duyên Khởi, Vô Nhị Nguyên, sự Chấm Dứt Khổ Đau, Giải Thoát, và Hạnh Phúc Tối Thắng. Có hai bậc Niết Bàn: Hữu Dư Niết Bàn của Bồ Tát đã giải thoát tâm nhưng thân còn trong sắc giới và Vô Dư Niết Bàn của Phật đã hoàn toàn giải thoát, tức thân tâm đều trong cõi vô sắc giới.

Paticca-samuppada: Duyên Sanh; Duyên Khởi; Nhân Duyên. Giáo lý Phật gồm mười hai chi phần[58] vừa làm nhân vừa làm duyên chi phối sự sanh diệt của tất cả hiện tượng vật lý và tâm lý, năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Thuyết dùng để giải thích sự tái sanh nối tiếp kiếp này sang kiếp khác trong luân hồi. Sự sanh diệt liên tục của ý thức trong đời sống cũng được giải thích bằng thuyết này.

Pranayama: Điều Tức. Thuật ngữ yoga Prana có nghĩa là sinh lực hay năng lượng sống lan tỏa trong khắp vũ trụ, chi phối mọi khía cạnh danh sắc của đời sống. Prana được thấm nhập vô thân thể qua hơi thở và một ít qua ăn uống, và chảy trong các kinh siêu trần nadi. Điều tức là sự kiểm soát sinh lực qua hơi thở mà các yogi của Hatha Yoga sử dụng nhằm mục đích gia tăng sự thu nhập sinh khí và điều phối sinh khí theo những mô hình đặc biệt, thường là dọc sống lưng để tịnh hóa và tăng cường hệ thần kinh chuẩn bị đánh thức kundalini và đạt bậc thiền cao nhứt.

Sadhu: Thiện Tai! hay Lành Thay! Từ thông dụng để chỉ đạo sư Hindu hay tăng sĩ Phật giáo. Được dùng để diễn đạt niềm hân hoan thù thắng lúc đi hành hương, hay lúc viếng tăng hoặc Phật tích (như Tượng Phật, tháp, gốc Bồ Đề, vân vân.) Sadhu đôi khi cũng được xướng lên sau khi tụng kinh hay xả thiền (để công nhận lực thù thắng của thiền và huệ trí thành đạt).

Samadhi: Định; Thiền Chỉ; Tam Muội. Định tâm vào một điểm hay một chủ thể như lời chú hay hơi thở để tâm an ổn, không bị bấn loạn.

Samsara: Luân Hồi. Sanh, tử tiếp nối liên tục hết kiếp này sang kiếp khác trong sáu cõi[59]. Cũng chỉ sự sanh diệt liên tục của các niệm trong tâm với sự vướng mắc và tham ái.

Satipatthana: Bốn nền móng của tỉnh thức là những lời dạy căn bản của Đức Phật về thiền quán để đưa đến sự phát triển tuệ giác, nhìn thấy mọi sự vật như là. Pháp của Phật được chi tiết hóa trong Kinh Satipatthana bằng tiếng Pali. Phương pháp quán minh phổ cập được đặt trên nền móng này.

Sotàpanna: Nhập Lưu. Người tu đã vào dòng tức chứng ngộ Niết Bàn. Bồ Tát Nhập Lưu không còn tác nghiệp nhưng còn phải qua bảy kiếp người nữa mới thật sự chứng ngộ bậc A La Hán. [60]

Tantra: Mật Tông. Một trường phái tâm linh bí truyền của hai đạo Ấn và Phật. Thay vì dùng phương pháp thiền thụ động và phương cách chế ngự cảm giác như trong thiền định và thiền minh sát, Mật Tông dùng giác quan một cách rộng rãi trong nhiều phép tập luyện khác nhau hầu khai ngộ. Mật Tông Tây Tạng dùng năng lực của tưởng tượng và trì mật chú. Yoga dùng phương pháp Mật tông để đánh thức kundalini. Phương pháp Mật tông gây nhiều chú ý nhứt có lẽ là phép giao cấu giữa nam nữ mà mục đích là dùng tính chất duy nhứt của cảm giác khoái cảm tột độ để xả bỏ hoàn toàn cảm nhận có hai nhân vật giao cấu cũng như để triệt tiêu ý thức tự ngã hầu chứng ngộ tính bất nhị nguyên. Guru Bhagwan Shree Rajneesh thường dùng phương pháp này để dạy đồ đệ của ông.

Theravada: Nam Tông; Tông Nguyên Thủy. Nguyên nghĩa là 'Lời của bậc trưởng lảo'. Lời Phật dạy theo truyền thống Pali và được xem như nguyên gốc so với những kinh sách khác. Phật Giáo Theravada chiếm đa số ở Sri Lanka, Thái Lan và Miến Điện[61].

Vajrayana: Kim Cương Thừa. Pháp của Kim Cương Thừa Tây Tạng gồm có cách hành trì theo Mật Tông với năng lực tưởng tượng sáng tạo và tu hạnh Bồ Tát.

Vipassana: Thiền Minh Sát; Quán Minh;, Thiền Minh. Nguyên nghĩa là 'nhìn thấy riêng rẻ", nhìn sự vật như là. Thiền Minh Sát dựa trên kinh Satipatthana với bốn căn bản tỉnh thức của Theravada, theo đó tâm được luyện để nhìn thấy mọi sự vật đều vô thường và xả bỏ chấp trước, tiêu diệt mười kiết sử, và chứng ngộ.

Yoga: Du Già. Nguyên nghĩa là 'kết nối'. Phương pháp rèn luyện tinh thần đặc biệt thuộc Ấn giáo mà mục đích là đạt Moksha. Kết nối được thực hiện qua nhiều giai đoạn. Thoạt tiên là sự kết nối thể xác với tinh thần để đạt sự hòa hợp. Sau là sự kết nối tự ngã cá biệt với vũ trụ ngã bất nhị nguyên để đạt Moksha.

Zen: Tiếng Nhựt có nghĩa là Thiền một cách trọn vẹn. Thiền Zen nỗ lực đi thẳng xuyên qua tự ngã nhị nguyên không cần kinh sách, trí tuệ hay lễ nghi. Phật Giáo Zen phát sanh từ Trung Hoa và truyền sang Nhựt từ thế kỷ thứ 12; tại đây Zen phát triển thành một tông Phật Giáo độc đáo. Trong các tu viện Zen, tu sĩ dược dạy xóa bỏ hẳn tự ngã để chứng đạt vô ngã. Bản ngã giữ con người trong thế nhị nguyên. Thiền sư Zen dùng nhiều phương pháp thô bạo kể cả la hét và đánh đập môn sinh. Zen là tông phái Phật Giáo Đại Thừa được truyền đến Tây Âu trước tiên và được thích nghi với môi trường mới để thành Zen Âu Mỹ như hiện nay.

 

 

TÁC GIẢ: TỲ KHEO YAGACAVARA RUHALA

Tỳ Kheo Yogavacara Ruhala có tên tộc là Scott Joseph DuPrez. Sanh năm 1948 tại California, Scott lớn lên trong lúc phong trào híp pi đang thịnh hành. Anh gia nhập quân đội ba năm từ 1967 đến 1970 và có sang phục vụ ở Việt Nam mười tháng. Năm 1972, anh làm một chuyến mạo hiểm bụi đời nửa vòng trái đất, đến Bắc Âu rồi xuống tận Ấn Độ và Nepal; chuyến đi với đủ thứ cần sa và ma túy, kể cả LSD, đã đưa anh vô thế giới 'phê' thường xuyên. Tại Nepal anh có duyên gặp hai vị Lạt Ma Tây Tạng là hai bậc Thầy đầu tiên của anh trong một khóa tu học thiền. Sau khi mãn khóa, anh đổi hướng sang Phật giáo hay ít ra là có tâm thành mưu tìm Chân Lý. Công phu này đưa anh đến miền nam Sri Lanka nơi mà anh xuất gia năm 1975. Tỳ Kheo Yogavacara Rahula lưu lại Sri Lanka đến 1977 mới trở về Mỹ viếng song thân và xiển dương Phật pháp. Năm 1980, Tỳ Kheo trở lại Sri Lanka và tu học thêm đến 1986. Tỳ Kheo bắt đầu giảng dạy yoga và thiền trong các khóa tu học ngắn hạn 10-ngày ở Trung Tâm Thiền SMS nằm trên vùng núi gần Galaha, California và sống trong Kuti Unawatuna dựa biển. Từ 1988 Tỳ Kheo về tu tại Bhavana Society Forest Monastery and Meditation Center ở West Virginia, Hoa Kỳ. Ngoài hồi ký này, Tỳ Kheo còn viết nhiều sách khác như The Way to Peace and Happiness nói về Phật pháp và Traversing the Great Himalaya là một tập hình của chuyến hành hương lên Hy Mã Lạp Sơn.

HẾT


[45] Cụ Túc Giới, là giới cao nhứt của tăng ni. Giới tỳ kheo và tỳ kheo ni (nd).

[46] Hy Mã Lạp Sơn (lời chú của nd)

[47] "Sự biến đổi dễ nhận hơn sự trở thành" (Theo Phật Pháp Giảng Giải của tác giả U. Thittila, dịch giả TK. Pháp Không, Viên Không, 2002 (lưu hành nội bộ).

[48] Bố Úy Trí (Bhayanàna) (nd).

[49] Visuddhi (nd).

[50] Đã diệt được ba kiết sử Thân Kiến (Sakkhàyaditthi), Hoài Nghi (Vicikicchà) và Giới Cấm Thủ (Sìlabbatàparàmàsa) (nd).

[51] Một trong Tam Ấn (Vô thường, Khổ, Vô ngã) của Phật giáo (nd).

[52] Bồ Tát Giới có bốn bậc là: Nhập Lưu hay Tu Đà Hoàn (Sotàpanna), Nhứt Lai hay Tư Đà Hàm (Sakadàgàmì), Bất Lai hay A Na Hàm (Anàgàmì) và A La Hán (Arahat) (nd).

[53] Mười kiết sử gồm: Thân kiến (Sakkàyaditthi), Hoài nghi (Vicikichà), Giới cấm thủ (Sìlabbataparàmàsa), Dục ái (Kàmàraga), Sân (Patighi), Ái sắc (Rùpaàaga), Ái vô sắc (Arùparàga), Ngã mạn (Màna), Trạo cử (Uddhacca), và Vô minh (Avijjhà) (nd).

[54] Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ (nd).

[55] Sắc chỉ thân xác vật lý; Danh chỉ thọ, tưởng, hành, và thức (nd).

[56] Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, và Đạo đế (nd).

[57] Là phép kiểm soát hơi thở (nd).

[58] Mười hai chi phần Đức Phật thuyết minh (Kinh Tương Ưng Bộ II hay Samyutta Nikayà) gồm: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, và lão-tử. (nd).

[59] Sáu cõi gồm: trời, a tu la, người, ngạ quỷ, súc sanh, và địa ngục (nd).

[60] Thánh Nhập Lưu còn gọi là Tu Đà Hoàn, đã diệt được ba trong số mười kiết sử là Thân kiến (Sakkayaditthi), Hoài nghi (Vicikicha) và Giới Cấm Thủ (Silabbataparamasa) (nd).

[61] Và Campuchia (nd).

 

---o0o---

Mục Lục > 1 > 2 > 3 > 4 > 5 > 6 > 7 > 8 > 9 > 10

 11 > 12 > 13 > 14 > 15 > 16 > 17 > 18 > 19 > 20

---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

Cập nhật: 01-04-2008

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Theo gió Tết về Miên man phố đức phật 12 đường nhân quả ảnh hưởng đến Cocaine phá hủy tim mạch Vận động là chìa khóa ngăn ngừa ung Hương vị mứt Tết miền Nam Ngọn nguồn yêu thương bo kinh phat co nhat tai chua bo da duoc xep hang cun vụ sử Làm gì để tăng cường hệ miễn dịch 7 cách tăng cường hệ miễn dịch đơn b羅i Hòa lợi ích của thiền vipassana cho bản thân Giỗ ト妥 Co Số người tử vong vì Alzheimer ngày càng vo niem vo sanh Giảm béo bụng bằng trái cây Nguy cơ bệnh tim mạch ngày càng cao ở Ngày càng có nhiều người trẻ bị đột châm ngôn và năm điều luật của gia Nhiều lợi ích khi ăn lê thường xuyên Ngày càng có nhiều người bị viêm khớp Để gió cuốn đi ç Bệnh cảm càng nghiêm trọng hơn khi ở пѕѓ Vì sao ung thư tuyến giáp ngày càng tăng trò Vì sao ngày càng có nhiều người mắc ung tinh Hoàng cung trinh nữ Lâm dao Hoàng cung trinh nữ thành Hoàng cung trinh nữ ДГІ 10 Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần Âm Biến đổi khí hậu tác động xấu đến phật giáo tây tạng thời hậu truyền Chánh niệm có lợi cho cả thân và tâm Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần kinh điển phật giáo và sự truyền bá Bảo quản rau củ quả Chùa Phú Thạnh Chùa Truông tức cha me hải